Ngày 6 tháng giêng 1482 tất cả các chuông nhà thờ của thành phố rung hết cỡ, đánh thức dân Paris dậy.
Họ nôn nao, vì hôm nay là ngày các Vua và hội của thằng Điên. ở Grève có trồng cây chúc mừng tại nhà thờ Braqne và trình diễn vở kịch tôn giáo tại dinh Tòa án.
Từ sáng sớm, nam nữ thị dân khắp nơi đổ về ba địa điểm đã định. Các tư gia và cửa hiệu đều đóng cửa. Phần đông kéo nhau đến Grève, vì thời tiết mùa này hợp hơn, hoặc đổ về phòng lớn của Tòa án, nơi kịch tôn giáo sẽ được trình diễn. Phòng này cửa được che kín. Dân hiếu kỳ đồng lòng bỏ mặc cây chúc mừng thưa thớt hoa, đứng run rẩy cô đơn dưới bầu trời tháng giêng.
Vở kịch chỉ được bắt đầu sau tiếng chuông thứ mười hai của đồng hồ Tòa án. Nó sẽ được trình diễn trên một cái bục sát tường, phủ nhiễu điều, gọi là bàn đá hoa cương. Diễn kịch giờ ấy thế là muộn. Công chúng chờ từ sáng, mỗi lúc thêm đông nghịt. Vướng víu, sốt ruột, họ cãi lộn vì bất cứ lý do gì. Đám đông phải chờ đợi quá lâu, lại bị nghẹt thở, bị lèn chặt, bị giam kín, bị xô đẩy, bị chèn ép, nên họ trở nên mệt mỏi.
Trong sự huyên náo của họ có một cái gì đó gắt gao chua chát.
Người ta chỉ nghe thấy tiếng ca thán, những lời nguyền rủa của bọn sứ giả phơ-la-măng đã tới từ hai hôm trước để thu xếp đám cưới của thái tử và công nương Marguerite xứ Flandres, những lời phản ứng viên phán quan của các thương gia, chống lại Hồng y giáo chủ De Bourbon, pháp quan của Tòa án, chống lại các tên cảnh sát, gậy lăm lăm trong tay, chống lại cái rét, cái nóng, thời tiết xấu, chống lại giáo hoàng của các thằng Điên, chống lại giám mục của Paris, chống lại các hàng cột, các pho tượng, cái cửa đóng kín mít, cái cửa sổ mở toang.
Tất cả làm cho bọn học sinh trường dòng, lũ đầy tớ lẩn trong đám đông rất khoái, chúng pha thêm vào sự bất bình những lời châm chọc, những trò tai quái, khác nào chích thêm vào tâm trạng bực dọc những mũi kim nhọn..Trong bọn chúng còn có một lũ tếu đang táo tợn ngồi vắt vẻo trên đỉnh cột. Sau khi đập vỡ kính một cửa sổ, chúng ném những cái nhìn, những lời trêu chọc vào đám quần chúng đang chen chúc trong và ngoài phòng. Qua cử chỉ tức cười, tiếng cười hô hố, tiếng gọi nhau nhạo báng từ đầu đến cuối phòng, không khó gì không nhận ra rằng bọn giáo đồ này không phải chia sẻ nỗi bực bội, mệt nhọc của những người có mặt.
Chúng biết khai thác cảnh tượng đang diễn ra để có thể kiên nhẫn chờ màn kịch khác.
Người ta la hét gọi nhau. Người anh của viên thái thú Gilles Lecornu xuất hiện. Lập tức những lời chế giễu trút vào lão, Gilles Lecornu toát mồ hôi, thở phì phò, nổi cáu:
- Ghê tởm! Học trò mà ăn nói với các vị trưởng giả thế bao giờ. Thời ta thì bọn bay sẽ bị quất cho mấy thanh củi rồi đem thiêu sống.
Sự vui nhộn, những lời giễu cợt càng tăng.
Cuối cùng, đồng hồ điểm chính ngọ. Im lặng thay cho huyên náo. Những cái cổ vươn ra.
Những con mắt hau háu hướng về phía bàn cẩm thạch, nhưng chẳng có gì cả.
Thế này thì quá lắm.
Người ta đợi một, hai, ba phút, mười lăm phút vẫn chẳng thấy gì. Tấm bục vẫn vắng tanh.
Sàn kịch câm lặng. Sốt ruột rồi nổi giận. Những tiếng cáu kỉnh bật lên:
"Kịch tôn giáo". "Kịch tôn giáo".
Những cái đầu bốc nóng. Một cơn bão phút trước mới chỉ ầm ĩ, đã bay đến trên đám quần chúng.
- Phá sạch đi! Phá sạch đi! - Tiếng gào tứ phía nổi lên.
Giữa lúc đó, tấm phông trong cùng vén lên.
Một nhân vật tự xưng là sắm vai Jupiter, tuyên bố:
- Chúng ta sẽ bắt đầu khi nào đức Hồng y giáo chủ tối cao đến.
Tiếng anh ta chìm đi trong tiếng la ó như sấm dậy.
- Bắt đầu ngay lập tức! Diễn ngay lập tức!
Sự cuồng nộ của quần chúng sắp nổ ra gấp đôi thì một nhân vật xuất hiện. Chính là tác giả của vở kịch: Pierre Gringoire. Anh kéo Jupiter ra một góc, hạ lệnh:
- Phải bắt đầu ngay..- Hoan hô! Hoan hô! - Đám quần chúng gào lên.
Tiếng vỗ tay đinh tai. Jupiter lui vào sau tấm màn, trong khi tiếng hò reo cơ hồ làm rung chuyển cả gian phòng.
Lát sau, người ta bắt đầu thưởng thức vở:
"Lời phán xét công minh của đức Mẹ đồng trinh".
Công chúng đang thành kính nghe thì cái cửa dành riêng cho thượng khách của sàn diễn mở ra. Giọng sang sảng của người tiếp tân thông báo bất ngờ:
- Đức ông Hồng y De Bourbon đến!
Tội nghiệp cho Gringoire!
Điều anh lo sợ đã xảy ra.
Đức ông đến làm điên đảo cả cử tọa. Mọi cái đầu quay về bục diễn. Chẳng còn nghe thấy gì hết.
- Đức Hồng y! Đức Hồng y!
Đức Hồng y dừng lại một phút trên bục diễn.
Ngài đưa khuôn mặt lạnh lùng lướt nhìn công chúng. Tiếng ồn ào càng rộ lên. Ai cũng muốn được nhìn Hồng y giáo chủ rõ hơn. Có người dựa đầu lên vai người bên cạnh.
Ngài bước vào, chào khán giả rồi chậm rãi đi tới chiếc ghế bành bọc nhung đỏ thắm dành riêng cho ngài. Có vẻ như ngài đang nghĩ tận đâu đâu. Đoàn tùy tùng gồm các giám mục, các linh mục lục tục theo sau ngài làm tăng thêm tiếng ồn ào và sự hiếu kỳ.
Sau Hồng y De Bourbon là các vị phái viên của quận công d’Autriche, xếp hàng đôi.
Không thể nghĩ tới kịch tôn giáo được nữa.
Anh chàng Gringoire tội nghiệp, hoài công không thể nào tập hợp ngay được các diễn viên và làm cho họ tập trung chú ý vào vở kịch của anh.
Trong số các người mới đến có các trưởng giả ở Gand, những cái đầu phơ-la-măng vừa đĩnh đạc, vừa trịnh trọng trông giống như các nhân vật trong bức tranh Ronde de nuit (tuần tra đêm) của Rembrandt vẽ rất tài tình. Trong số này có Guillaume Rym và Jacques Coppenole.
Ông này là thợ giày bậc thầy, xuất thân bình dân. ông giành được thành công mỹ mãn bởi ông đã trò chuyện thân mật với gã ăn mày tên là Clopin Trouillefou đang vắt vẻo trên sà của bục diễn, chẳng thèm quan tâm đến nghi thức, mồm không ngớt van xin:.- Xin làm phúc với, các ông, các bà ơi!
Tình hình đã xấu càng tồi tệ, vì trong khi các kịch sĩ tiếp tục diễn và Pierre Gringoire hy vọng vở kịch của anh có thể được trình diễn chót lọt, thì Coppenole thình lình đứng lên, hiệu triệu công chúng đang chỉ chờ có thế:
- Thưa các vị trưởng giả, các vị hào phú của Paris, tôi không hiểu chúng ta đang làm gì ở đây.
Tôi trông thấy ở kia, trên cái mễ, những kẻ như đang muốn choảng nhau. Không biết đó có phải là cái mà các vị gọi là kịch tôn giáo không, nhưng cái đó chẳng hay ho chút nào. Chúng đấu nhau bằng lưỡi và chẳng có gì hơn. Tôi chờ đợi cú đánh đầu tiên đã mười lăm phút rồi. Chẳng có gì cả. Toàn là một lũ hèn nhát chỉ làm sứt da nhau bằng những lời chửi bới. Phải gọi đến đây những đấu sĩ của Luân-đôn, của Rotterdam và lập tức các vị sẽ thấy những cú đấm ra đấm. Thế này đâu có phải điều người ta đã nói với tôi. Họ hứa có lễ hội của các thằng Điên, cuộc bầu giáo hoàng. Chúng tôi cũng có giáo hoàng của những thằng Điên ở Gand. Về điểm này chúng tôi không chịu tụt hậu đâu. Chúng tôi làm như thế này. Chúng tôi tụ họp lại trong sự huyên náo như ở đây. Từng người một lần lượt chui đầu qua một cái lỗ và chiềng ra một bộ mặt nhăn nhó. Ai có bộ mặt nhăn nhó xấu nhất thì được bầu là giáo hoàng, theo sự tán thưởng của mọi người. Đấy mới là trò chơi thật thú vị. Các vị có muốn bầu giáo hoàng của chúng ta theo kiểu xứ tôi không?
Gringoire muốn phản đối nhưng sự kinh ngạc, sự bất bình, sự giận dữ làm anh tắc họng.
Mặt khác đề nghị của ông thợ giày được các trưởng giả hoan nghênh nhiệt liệt vì họ được phỉnh là hào phú. Mọi sự chống đối đều vô ích.
Trong nháy mắt, mọi người đã sẵn sàng thực hiện ý kiến của Coppenole. Điện thờ nhỏ trước bàn đá hoa cương được chọn làm sân khấu của trò chơi nhăn mặt. Miếng kính vỡ ở cái hoa thị phía trên cửa ra vào tạo thành một lỗ tròn nơi bức tường đá. Những kẻ tranh tài phải chui đầu qua lỗ tròn ấy. Muốn vươn tới đó chỉ cần đứng trên hai thùng tôn-nô chồng lên nhau, chẳng biết ở đâu ra. Thể lệ là mỗi ứng viên, bất kể đàn ông hay đàn bà (vì người ta có thể bầu cả nữ giáo hoàng) phải nấp trong điện thờ, chùm kín mặt cho đến khi xuất hiện, để cho ấn tượng được tinh khôi và trọn vẹn. Chỉ một loáng, điện thờ đã đầy những ứng viên. Cửa điện thờ đóng lại..Trò nhăn mặt bắt đầu. Cái mặt đầu tiên ló ra ở lỗ tròn, mí mắt lộn ngược, đỏ lòm, miệng ngoác ra như cái mõm, trán nhăn như cái bớt ngạo nghễ. Trận cười nổ ra không gì ngăn được.
Bộ mặt thứ hai, thứ ba tiếp theo, rồi cái nữa, cái nữa. Tiếng cười, tiếng giậm chân tăng lên.
Bỗng nhiên một tràng sấm hoan hô nổ tung, xen lẫn những tiếng tung hô dị thường. Giáo hoàng của những thằng Điên đã được bầu.
Tiếng la hét khắp nơi: "Hoan hô! Hoan hô!" Quả thật cái mặt đang nhăn nhở ở chỗ hoa thị là một bộ mặt kinh dị. Sau tất cả những bộ mặt biến dạng lần lượt hiện ra ở lỗ cửa sổ thì cái mặt kỳ dị này ăn đứt trong cuộc bầu cử. Nó làm cho cử tọa choáng váng. Ngay Coppenole cũng vỗ tay hoan nghênh.
Sự tán thưởng là nhất trí. Người ta lao về phía điện thờ lôi giáo hoàng của những thằng Điên ra. Hắn sung sướng, đắc thắng. Sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ lên đến tột đỉnh. Cái nhăn nhó chính là mặt hắn ta. Có thể nói toàn bộ con người hắn là một cái nhăn nhó. Cái đầu to tướng lởm chởm tóc hung, giữa hai vai là một cái bướu lớn dúi hắn về phía trước. Cặp đùi và cẳng chân lệch vẹo một cách kỳ lạ khiến chúng chỉ có thể chạm nhau ở đầu gối. Những bàn chân kềnh càng. Những bàn tay to bè, với tất cả những kỳ hình, dị tướng ấy, hắn có một vẻ cường tráng dẻo dai, hung tợn đáng sợ. Có thể nói đó là một thằng khổng lồ bị gẫy rời ra, rồi được gắn lại bừa bãi.
Đó là vị giáo hoàng của những thằng Điên vừa đăng quang.
- Đó là Quasimodo, người kéo chuông nhà thờ! Quasimodo thằng chột! Quasimodo thằng khoèo! Hoan hô! Hoan hô!
Con quỷ tội nghiệp này có thừa biệt danh để lựa chọn.
Giữa cảnh hỗn loạn này, Quasimodo đứng u buồn, nghiêm nghị trước điện thờ cho mọi người ngắm tứ phía.
Một giáo đồ tên là Robin Poussepain thì phải, cười vào mũi hắn. Chú này đứng gần hắn quá. Quasimodo tóm lấy thắt lưng chú, lẳng qua đầu đám đông, xa đến mười bộ.
Cả đám ăn mày, đám đầy tớ, bọn rạch túi, cùng lũ học trò ào đến lục tìm trong tủ hồ sơ lấy ra cái mũ miện bằng giấy bồi, cái áo choàng.tức cười của giáo hoàng, của những thằng Điên.
Quasimodo đứng yên, mặc cho mọi người mặc áo cho mình, không thèm nhíu mày, với một sự dễ bảo ngạo nghễ.
Người ta đặt hắn ngồi lên một chiếc cáng sặc sỡ. Mười hai tên anh chị của phường các thằng Điên nâng cáng lên vai. Một thứ niềm vui chua chát và khinh thị nở trên bộ mặt rầu rầu của thằng độc nhỡn khi hắn nhìn thấy dưới đôi chân dị hình của mình những đầu người đẹp đẽ, thằng đứng, hoàn hảo. Đám rước rách rưới, hò la ấy theo thông lệ, đi quanh hành lang của tòa dinh thự trước khi diễu ra phố và các ngã tư.
Quần chúng háo hức đi theo.
Giữa lúc đó, có những tiếng kêu rộ lên:
- Esmeralda! Nàng Esmeralda! Nàng Esmeralda kia kìa! Nàng kia kìa!
- Thế là nghĩa lý gì? Nàng Esmeralda?
Pierre Gringoire thở dài. Lúc này anh đã thành khán giả duy nhất của vở kịch của mình.
Anh vặn vẹo tay, thất vọng.
Trong lúc bầu giáo hoàng, Gringoire đã tưởng vở diễn của anh có thể chót lọt. Các kịch sĩ bị anh thúc ép, không ngừng đọc lời thoại và anh cũng không ngừng lắng nghe họ. Anh đã lợi dụng cảnh ồn ào, quyết định cứ diễn đến cùng, hy vọng công chúng sẽ chú ý trở lại.
Tia hy vọng leo lét ấy nhen lên khi anh thấy giáo hoàng của những thằng Điên và đám rước ầm ầm kéo ra khỏi phòng. Khốn thay, đám quần chúng ấy lại là công chúng của anh. Trong nháy mắt, gian phòng lớn trống không.
Đúng là đòn cuối cùng. Gringoire nhận cú đòn một cách nhẫn nại:
- Quỷ tha ma bắt các anh đi! - Anh gào lên với các diễn viên. - Nếu ta phải trả giá thì các anh cũng sẽ phải trả giá..
Bình luận facebook