• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Tắt đèn (2 Viewers)

  • Tắt đèn - Chương 06 - 07 - 08 - 09

Chương 6
Bà Nghị chỉ tay quát thằng nhỏ lấy nước. Bà uống một hớp dấp giọng rồi hỏi chị Dậu:
- Thế nào mày nghĩ tao nói có đúng hay không?
Chị Dậu dơm dớm nước mắt:
- Vâng. Thưa hai cụ ý con cũng biết rằng cháu được sang đó nương nhờ hai cụ và cô Hai, thật là phúc cho nó lắm… Nhưng vì, nhà con thiếu hơn hai đồng tiền sưu, mới phải đến kêu cửa cụ. Nếu chỉ có một đồng, thì còn hơn một đồng nữa, chúng con không biết chạy vào đâu được. Vậy xin hai cụ đón tay làm phúc…
Ông Nghị quát:
- Thiếu bao nhiêu mặc kệ mày, kể lể gì? Mày định bổ vào nhà tao đấy à?
Chị Dậu thèn lẹn nâng dải yếm sẽ chùi vào mắt.
Bà Nghị yên ủi:
- Thiếu một đồng nữa thì xem trong nhà còn có cái gì đáng tiền, đem mà bán nốt đi vậy! Chứ đứa con gái sáu tuổi, bây giờ cho không cũng không đắt thay, ai động rồ mà trả mày hơn…
- Thưa lại hai cụ, thật quả nhà con không còn cái gì đáng giá hai hào.
Bà Nghị cười nhạt:
- Sao bảo nhà mày có con chó cái khôn lắm?
- À, thưa cụ có! Nhưng nó mới đẻ, con nó hãy còn non lắm, có bán cũng không ai mua. Nếu có người mua cho, chúng con không phải bán con cháu.
- Nó đẻ mấy con? Con nó đã mở mắt chưa?
- Bẩm bốn con! Nó đã biết ăn cơm hai hôm nay… hay là xin cụ đỡ con hai đồng, lời lãi thế nào con cũng xin vâng. Chỉ độ hai phiên chợ nữa, mấy con chó ấy cứng cát, bán được thì con xin nộp cụ.
Bà Nghị bĩu môi:
- Tiền tao có phải vỏ hến mà tao quẳng ra cho mày bây giờ? Dễ tao hám lãi của mày lắm đấy? Thôi. Thế này này: Chó non tao cũng mua vậy. Bắt cả con chó cái và đàn con chó con sang đây, tao trả cho một đồng nữa. Với con bé kia một đồng là hai. Thế là nhà mày đủ tiền nộp sưu, lại khỏi nuôi chó, khỏi nuôi con. Sướng nhé!
Rồi bà Nghị vui vẻ nhìn mặt ông Nghị:
- Ấy tôi cứ hay thương người thế đấy! Người khác thì họ mặc kệ, ai hơi đâu? Kêu lắm thì bã bọt mép.
Chị Dậu lại chứa chan nước mắt. Buồn rầu, chị sẽ ngồi xuống bực cửa và nói chầu lên:
- Vâng! Con cũng biết cụ có lòng thương nhà con mới thế. Chứ đàn chó vừa mới mở mắt, ai mua làm gì? Nhưng, thưa cụ, giá chó bây giờ cũng không rẻ lắm, một con chó cái, con đem ra chợ bán ít nhất cũng được đồng rưỡi. Còn bốn con chó con, nếu nuôi thêm vài phiên chợ nữa, thế nào cũng được năm hào một con. Vậy là tất cả đến ba đồng rưỡi, cụ cho một đồng thì thiệt con quá. Xin cụ trông lại!
Ông Nghị đập tay xuống sập:
- Đem ngay đi chợ mà bán! Không nói lôi thôi! Mất thì giờ! Thời Tây bây giờ, thì giờ là vàng bạc, không ai công đâu mặc cả với mày… Hừ! Vừa mới ngoen ngoẻn nói rằng bán không ai mua, người ta làm phúc mua cho, lại còn nhằng ngằng kêu rẻ! Rẻ thì đem ngay ra chợ mà bán. Ra ngay!
Chị Dậu nhổm đít toan đứng lên. Bà Nghị thẽ thọt:
- Chúng bay cứ cái thói ấy, không trách chẳng ai buồn thương, khổ là đáng kiếp. Trong lúc thuế má ngặt ngòi, đồng bạc cho vay, lãi ngày năm xu, người ta đã phải bỏ ra mà mua đàn chó mới mở mắt, thế là người ta làm ơn cho mày. Mày tưởng người ta không thể mua đâu được chó đấy chắc? Hay là chó của nhà mày bằng vàng? Thôi, cho thêm hào nữa, thế là vừa con, vừa chó, cả thảy được hai đồng mốt. Bằng lòng không?
Chị Dậu lại tần ngần ngồi xuống:
- Bẩm cụ, một vài hào ở cụ chẳng thắm vào đâu, nhưng, ở con thì nó lớn lắm. Xin cụ cho con lấy năm hào nữa vậy.
Bà Nghị ra bộ dễ dãi:
- Con mẹ mày cũng ghê gớm lắm! Thấy bở thì đào mãi! Ừ, thì tao trả thêm một hào. Là hai đồng hai. Bằng lòng thì lên nói với ông giáo làm văn tự cho. Và phải trả ông ấy hai hào giấy mực. Nghe không!
Chị Dậu thất vọng:
- Thế thì con chỉ được hai đồng đem về…
Ông Nghị lại cáu:
- Chứ bao nhiêu nữa? Hai chục nữa nhé! Thôi, cho thế cũng đắt lắm rồi. Bán thì đi làm văn tự. Không bán thì về. Về thẳng!
Về thì đâm đầu vào đâu? Để chồng bị trói đến bao giờ nữa? Thôi, trời đã bắt tội, cũng đành nhắm mắt liều… Bên tai chị Dậu, văng vẳng có tiếng như vậy. Nước mắt ứa ra, chị lại đứng dậy với bộ mặt não nùng:
- Vâng con xin bán hầu hai cụ. Nhờ các cụ cho bảo ông giáo làm giấy giúp con…
Bà Nghị dõng dạc gọi xuống nhà dưới:
- Đứa nào lên nhà học mời ông giáo xuống đây cho tao!
Đồng hồ trên tủ thong thả đánh mười một tiếng. Giấy cót sổ ra xoe xòe.
Bà Nghị tươi cười nói với ông Nghị:
- Sao bây giờ mới mười một giờ? Hay là đồng hồ nhà ta chạy sai?
Ông Nghị rung đùi, vuốt chồm râu tây cong vắt trên mép ngậm tăm:
- Bà quê lắm! Đồng hồ của Tây làm ra có bao giờ sai? Bây giờ mười một giờ là đúng. Nhà ta ăn cơm khi sớm.
Bóng nắng xuống thềm gần một hàng gạch. Xe lửa một giờ toe toe hét còi. Ông giáo kéo đôi giầy vá từ đầu nhà thờ đi sang. Trong tay đủ cả quản bút, lọ mực, giấy trắng và
giấy thấm.
Với cái búi tóc ngất ngưởng trên đầu, với cái sức học chữ Nho bằng rưỡi quốc ngữ, ông ấy gọi là thầy đồ thì đúng hơn. Chỉ vì về phần nhà chủ nuôi cơm, tiếng nuôi ông đồ không bằng tiếng nuôi ông giáo, cho nên ông ấy phải đổi sang ngạch thầy giáó, để dậy mấy đứa trẻ học tam tự kinh và A B C, và viết văn tự cho những người đến nhà ông Nghị cầm cố vay mượn. Vào nhà khách, ông giáo se sẽ đẩy thúng gạo nếp trên chiếc tràng kỷ gỗ lát và lễ phép ngồi vào chỗ đó.
Sau một hồi để ý nghe lời ông Nghị dặn dò, ông giáo nghiêm trang cúi vào mặt bàn. Trịnh trọng ông ấy viết.
Cả nhà im lặng.
Năm phút, mười phút, nửa giờ… Ông giáo ngẩng lên ngó mặt chị Dậu:
- Chị kia, sang đây tôi đọc cho nghe, rồi điểm chỉ vào!
Dón dén, chị Dậu đến cạnh tràng kỷ. Ông giáo đằng hắng ba tiếng, rồi bằng giọng cắt nghĩa cho học trò, ông ấy đọc:
Tên tôi là Nguyễn Văn Dậu, hai mươi sáu tuổi ở làng Đông xá, và vợ tôi là Lê thị Đào, hai mươi bốn tuổi, cũng ở làng ấy, có mượn ông của ông bà Hoàng thị Sẹo, năm mươi tám tuổi, vợ cả ông Nghị viên Trần Đức Quế ở làng Đoài thôn, một đôi hoa tai bằng vàng nặng ba đồng cân, đáng giá hai chục đồng bạc. Hạn trong năm năm phải trả. Nếu không trả, chúng tôi xin chịu tội bội tín. Giấy này làm tại làng Đoài thôn ngày… tháng… năm…
Chị Dậu nghe rồi rẫy nẩy:
- Thưa ông, ông lầm rồi. Tôi bán con và chó, chứ có mượn hoa tai của bà đâu?
Ông Nghị rút vội cái tăm trong miệng mình, đặt ngang vào miệng tách nước:
- Không ai thèm đánh lừa chúng baỵ Bây giờ luật mới nghiêm cấm cha mẹ bán con, cho nên văn tự phải viết như thế, chứ không nói con, nói chó vào được. Sau này, mày cứ để cho con mày ở mãi với cô hai, thì cái giá ấy tao cũng coi như không có. Nếu mày trở mặt mà đem con về, tao sẽ chiếu giấy bỏ tù cả vợ lẫn chồng. Giấy làm như vậy, chỉ cốt giữ cho nhà mày khỏi lật nhà tao, chứ nhà tao không đời nào thèm lật nhà mày. Thế là bao giờ tao cũng nắm đằng chuôi, chứ tao không cầm đằng lưỡi. Nghe không?
Dứt mạch diễn thuyết, ông Nghị bưng tách nước uống mọt hớp lớn, súc miệng òng ọc mấy cái, rồi nhổ toẹt xuống nền nhà:
- Tùy đấy mày có tin nhà ta thì điểm chỉ vào đem về cho chồng mày ký tên, và xin chữ Lý trưởng nhận thực tử tế. Rồi mang sang đây, thì tao sẽ giao tiền cho. Nếu mày không tin thì thôi. Đây tao không ép.
Hai hàng nước mắt hòa với những giọt mồ hôi thánh thót rơi xuống gò má, chị Dậu cắm mặt đứng im. Một lát sau, chị quả quyết:
- Con xin vâng theo lời cụ.
Thế rồi chị giơ bàn tay buộc rẻ chìa hai ngón tay để cho ông giáo bôi mực và in vào bứa văn tự. Xong việc, chị gập bức văn tự, giắt vào dải lưng. Bước ra thềm, chị nhặt lấy cái mê nón bị chó cắn rách. Ngần ngại, chị đặt mê nón lên đầu, cúi chào vợ chồng ông Nghị và ông giáo. Bà Nghị căn vặn nhắc đi nhắc lại:
- Nhớ lấy cái gì đậy cho mấy con chó con, kẻo nó bị nắng.


Chương 7
Bóng cây ngã đến gần đường bao lan. Mặt trời chênh chếch nhòm vào gốc đa, gốc gạo. Những con trâu, bò bị bắt và bị ký giam chỏng gọng nằm dưới ánh nắng, uể oải nhai những rễ khoai hoặc cỏ héo của chủ ban cho. Một lũ đàn bà chờ đợi nộp thuế, lê la ngồi khắp thềm đình.
Đàn chó chui trong gậm đình, chực cướp xương rơi, con nọ cắn con kia ăng ẳng. Trên đình ăn uống đã tàn. Chánh tổng ngậm tăm nằm cạnh bàn đèn, hai mắt lim dim giở ngủ.
Cai lệ ngồi nhổm hai chân cạo lọ cặp môi thâm xịt nhành ra gần tới mang tai.
Cậu lính cơ lấy hết gân guốc trên bộ mặt đỏ gay, ra sức nghiền cục sái trong cái chén mẻ.
Mấy ông Hương trưởng, Tộc biểu, Trương tuần xúm quanh cái điếu đàn và chiếc ấm tay, kẻ hút thuốc, người phùng miệng thổi bát nước nóng.
Lý trưởng tựa lưng bên bức câu lơn, thù tiếp Chánh hội, Phó hội bằng mâm cỗ chỉ còn rau chuối và lá tía tộ Thư ký, Chưởng bạ lễ phép chìa đũa, mời nhau gắp mấy miếng thịt mỡ khô cong các cạnh. Lý cựu, Phó lý, Thủ quỹ châu đầu trên lớp bát đĩa đầy những nhặng xanh, gật gù nhắc chén lên lại đặt chén xuống.
Người nhà Chánh tổng, người nhà Lý trưởng. mấy anh tuần phu canh ngày, ken vai vây lấy rá cơm đi hới và chầu nước suýt ruồi chết nổi lều bều soàn soạt vừa và, vừa nuốt.
Mỗi người mỗi miệng, ai nói nấy nghe. Sự ầm ầm càng giúp sức cho sự nóng nực. Chị Dậu về đến cổng đình, vừa thấy tiếng ông lý cựu quát vang trong đình:
- Thằng Mới đâu? Vào ty lấy thêm mấy chai rượu nữa ra đây! Chúng tao còn uống! Ai thôi mặc ai.
Tiếp đến tiếng ông Chánh hội:
- Hãy gượm! Rượu còn đấy các ông cứ uống cho hết. Để nó đi mua vài đồng thuốc phiện nữa đã. Cụ chánh đợi đã lâu rồi.
Rồi đến tiếng ông Hương trưởng:
- Thong thả hãy mua thuốc phiện cũng được. Miệng tao còn chưa rửa đây! Ra giếng múc tao chậu nước.
Rồi đến tiếng ông Thủ quỹ:
- Rồi hãy đi múc nước! Mày đi rót một tí nước mắm vào đây cái đã!
Rồi đến lượt ông lý cựu vắt lại:
- Các ông đừng có bỉ mặt nhau! Tôi đương bảo nó đi lấy thêm rượu, các ông lại nỡ vỗ vào mặt tôi, người này sai nó việc này, người kia sai nó việc khác… Khỉnh nhau vừa vừa chứ!
Bạo dạn chị Dậu bước lên cửa đình, hạ cái mê nón ở trên đầu xuống:
- Chào các cụ, chào các ông.
Cả đình đổ xô trông ra. Người nhà Lý trưởng cháo ngược đôi đũa chỉ vào mặt chị:
- Sưu của anh ấy đủ chửa? Đem mà nộp đi.
Cai lệ vừa cạo hết sái trong lọ, ngẩng đầu trông lên:
- À! Con vợ thằng gì ở xóm cuối làng phải không? Chị ta cứng cổ lắm, lý sự lắm. Sáng nay nếu không vội đi bắt đứa khác thì tôi biếu thêm chị ấy vài chục quả phật thủ nữa.
Phó lý chõ vào:
- Nó là vợ thằng Đĩ Dậu chứ thằng gì? Sao ông không giã thêm cho nó một mẻ? Ông Lý tôi mời ông về đây, chỉ cần có thế.
Lý trưởng rung đùi ra bộ đắc ý:
- Tôi nói trên có Cụ Chánh, có Ông Cau và đông các ông tất cả: vụ thuế này tôi làm kể cũng cứng lắm. Không cần gì hết, đứa nào trái ý, đánh luôn. Mà cũng có thế mới được. Chúng tôi làm vua làm việc, quanh năm đầu trầy đít thớt, chỉ có những lúc hồng thủy trướng giật và những khi sưu thuế giới kỳ như thế này, thì mới có quyền. Tha hồ đánh, tha hồ trói, trai làng thằng nào bướng bỉnh… đánh chết vô tội vạ.
Chị Dậu chẳng nói chẳng rằng. Điềm tĩnh, chị nhìn khắp mấy gian đình. Góc đình trong cùng, chừng hơn mười anh trai đinh doãi chân ngồi sắp hàng sau đám mâm bát lổng chổng. Ai cũng như nấy, khuỷu tay gô vào chấn song bởi một sợi dây thừng kếch xù.
Cố nhiên, đàn bà con gái không thể đi qua trước chỗ dân làng ăn uống. Chị Dậu bèn lùi trở xuống, quành ra cửa sau, rồi lẻn đến chỗ chồng ngồi.
Anh Dậu ngả đầu vào bức chấn song, mắt nhắm nghiền, miệng há hốc ra và thở hổn hển, mười đầu ngón tay xuống máu xưng lớn bằng mười quả chuối.
Chị Dậu rụng rời nổ đốt:
- Trời đất ơi, chồng tôi làm sao thế này?
Những bạn bị trói của anh Dậu, mỗi người trả lời một câu:
- Anh ấy lên cơn sốt rét từ hồi non trưa kia đấy. Bây giờ chừng như mệt quá, hắn mới lả đi và mới im được một lát, lúc nãy còn vừa run vừa rét, làm sốt cả ruột người ngoài.
- Thôi! Liệu mà vay mượn bán chác mau lên, cố lo cho đủ tiền sưu, rồi đem anh ấy về nhà. Chúng tôi khỏe mạnh thế này mà bị người ta trăng trói, cũng còn đau rức khổ sở đây, huống chi anh ấy đương ốm…!
Chị Dậu sụt sùi:
- Khốn nạn! Nào tôi có tiếc gì đâu? Trông thấy chồng con thế kia dầu có ruột gan là sắt cũng phải đau đớn. Nhưng vay chưa được, bán chưa kịp, các bác ạ!
Vừa nói, chị Dậu vừa nước mắt giàn giụa, ngồi xuống, chị sè sẽ vỗ vai chồng:
- Thầy em! Thầy em ơi! Tỉnh dậy cái nào!
Anh Dậu vẫn lì bì, lịch bịch.
Phó lý ở ngoài lòng đình ra oai:
- Con mẹ đĩ Dậu! Mày có câm đi, không thì ông vả vào mồm bây giờ! Đình làng chứ xó buồng của vợ chồng mày đấy à? Ai cho chúng bay đú đởn với nhau ở đấy? Đàn bà thối thây, suốt năm có một suất sưu của chồng mà không chạy nổi, lại còn nỏ mồm, thầy em với thầy anh… Ngứa tai chúng ông!
Chị Dậu như không nghe biết chi hết, cứ việc nắm lấy vai chồng lay đi lay lại, như người ta cứu kẻ ngộ gió. Lâu lâu, anh Dậu lờ đờ mở to hai mắt trắng dã và rên hầm hừ.
Chị Dậu mếu máo:
- Thầy em làm sao thế? Có phải lên cơn sốt rét hay không? Hay là chỗ trói đau quá?
Anh Dậu ú ớ:
- U nó đã ra đấy ư? Đi lấy cho tôi bát nước. Khát lắm, ráo cả họng từ sáng đến giờ.
Chị Dậu vội gạt nước mắt đứng dậy, mượn thằng Mới cái bát yêu đàn, chị ra giếng xin một bát nước bưng vào. Anh Dậu vục đầu vào bát, òng ọc nốc một hơi dài, rồi anh ngửa cổ ra bức chấn song mà thở. Bụng sủi ầm ầm như suối reo.
Bên ngoài, mấy ông lý dịch vẫn uống rượu, vẫn hút thuốc, vẫn quạt phành phạch, vẫn giở lý luật cãi nhau lộn bậy.
Chị Dậu sờ trán chồng, sờ chân chồng, sờ cổ tay chồng, rồi chị lân la sờ cái nút thừng ở đằng lưng chồng, toan tính cởi trộm cho nó rộng ra một chút. Nhưng cái nút ấy, người thắt kiểu móng lợn và riết chặt lắm, chị không thể nào mà nới ra được. Một lát sau, anh Dậu hơi tỉnh, mơ màng nhìn vợ:
- Thế nào? U nó đã sang nhà cụ Nghị Quế hay chưa?
- Đã. Tôi ở bên ấy về đây.
- Cụ ấy bằng lòng đấy chứ?
- Bằng lòng. Nhưng người ta bắt viết văn tự và bắt đèo thêm…
Chị không nỡ nói hết câu, ngập ngừng, chị cởi dải lưng, lấy mảnh giấy tây trao cho chồng:
- Tôi đã nhờ ông giáo bên ấy viết hộ văn tự rồi đây. Thầy em coi xem thế nào.
Anh Dậu tuy đón lấy bức văn tự, nhưng vì cánh tay bị dây thừng ghì lại chặt quá, anh không thể đưa nó lên dến gần mắt mà coi. Chị Dậu lại phải cầm lấy và chìa lên tận ngang mặt cho chồng lẩm nhẩm đánh vần.
Lý trưởng ngước mắt ngó thấy, cơn lôi đình nổi lên tức thì:
- Giấy má gì đấy! Con mẹ đĩ Dậu? Đơn kiện phải không? Ừ được, có giỏi thì đi kiện ngay ông đi! Ông thử cho mày thêm một trận nữa, để mày đi kiện luôn thể.
Rồi hắn đứng choàng ngay dậy, giơ chân toan bước. Nhưng cái cây thịt nó cứ ảo đảo như người lên đồng, xiêu xiêu, sẹo sẹo, chỉ chực ngã xuống sàn đình. Hắn phải vịn vào cột đình, và lại ngồi phịch xuống chiếu. Cậu lính cơ hùng hổ đứng lên:
- Ông Lý trưởng cứ ngồi đấy. Để tôi trị chúng nó! Muốn đi kiện thì được đi kiện, khó gì?
Chương 8
Vừa nói cậu Cơ vừa đùng chạy lại, giơ thẳng cánh tay tát đánh bốp vào mặt anh Dậu một cái.
Và, mắm môi, mắm lợi, cậu thét:
- Mày đi kiện đi, ông xem! Bây giờ vẫn chửa nộp sửu, còn chực sinh sự với ông à?
Anh Dậu chết điếng người đi. Nước mắt chảy ra như mưa, anh sẽ đập đầu vào bức chấn song và kêu:
- Trời đất ơi! Cha mẹ ơi! Thân tôi sao mà nhục đến thế này? Nào tôi có định kiện tong gì ai cho cam!
Chị Dậu ậm ực muốn khóc, nhưng không khóc được. Những người bên cạnh đứng rớt nước mắt.
Cậu Cơ vẫn nét mặt hầm hầm. Nắm chặt bàn tay, cậu chĩa vào mặt anh chàng khốn nạn:
- Mày muốn vu vạ, bảo ông?
Luống cuống, chị Dậu vội đứng dậy. Một tay giơ bức văn tự, một tay nắm lấy cổ tay cậu Cơ thê thảm, chị nói bằng giọng van lơn:
- Thôi, em xin ông quyền. Nhà em đau yếu, ông tha cho! Có phải đơn kiện đơn tong gì đâu? Đây ông coi, cái văn tự của em bán con bé cháu để lấy tiền nộp sưu cho nhà em đấy mà.
Chừng muốn tỏ ra mình là người thạo chữ, cậu Cơ đón bức văn tự, trầm tĩnh xem hết từ đến cuối.
Rồi cậu dịu giọng sẽ gắt:
- Nói láo! Cái giấy mượn đôi hoa tai bằng vàng đấy chứ, văn tự đâu mà văn tự.


Chương 9
Hương trưởng, Tộc biểu, những người vô sự lẻ tẻ đứng dậy cố dìu Lý cựu về nhà. Chỉ còn mấy ông chức dịch đương thứ phải ở lại đây lo lắng việc thuế.
Chị Dậu chờ cho tan cơn ồn ào, mới dám rón rén bước lại nói với Lý trưởng
- Thôi con lạy ông! Xin ông hãy tạm tha trói nhà con một lúc, để nhà con ký vào văn tự, con mới có tiền đóng sưu
Lý trưởng vẫn giận dữ:
- Đừng lằng nhằng! Trói cũng ký được. Không phải tha.
- Bẩm ông, xin ông trông lại! Thật quả nhà con bị trói chặt quá, cánh tay quặt mãi ra đằng sau lưng, không sao ký được! Chứ nếu nhà con ký được thì đâu dám kêu van cho rác tai ông!
- Đưa văn tự đây ta xem!
Chị Dậu sẽ sàng nâng mảnh văn tự trao cho Lý trưởng, rồi im lặng chị nén lòng ngồi đợi ở cạnh câu lơn.
Mặt trời đã nghiêng sang phía sau đình.
Ánh nắng luồn qua chấn song, thấp thoáng soi chỗ anh Dậu.
Thằng Mới lật đật quét dọn cơm rau rơi vãi và mãnh bát, mảnh chậu ném ở sàn đình.
Vợ nó cặm cụi ngồi dưới sân đình rửa bát, rửa mâm, vét vói những bát thịt thừa canh dở.
Mấy mụ đàn bà ngoại canh lần lượt lên đình nói với Thủ Quỹ dở sổ tính thuế.
Lý trưởng đánh vần hết bức văn tự, liền thở hơi rượu vào mặt chị Dậu:
- Chỉ cần chồng mày lý vào văn tự thôi à?
- Cụ Nghị bắt phải xin triện của ông nhận thực cho nữa. Nhưng con sợ ông, nên chưa dám nói.
Lý trưởng cười nói khinh bi?
- Triện của ông có phải củ khoai? Dễ ông đóng không cho mày đấy chắc!
- Xin ông thương con… Nếu không có triện của ông, cụ Nghị lại không giao tiền.
- Một đồng bạc! Nghe chửa! Thế là ông thương mày đấy, người khác thì phải năm đồng.
- Lạy ông, ông xét lại cho. Con bán cả con lẫn chó mới được có hai đồng bạc.
- Mặc kệ. Không biết, đủ một đồng bạc thì ông sẽ đóng triện cho.
Chị Dậu vừa nói vừa khóc:
- Nếu ông không thương, con không lấy đâu được tiền nộp sưu.
- Chẳng có tiền sưu thì chồng mày ngồi tù.
Thất vọng, chị Dậu rũ rượt ngồi im. Đến lượt anh Dậu năn nì thay vơ.
- Thưa ông, con có muốn chi thế này! Trời làm vận hạn đau yếu nên con phải chịu. Xin ông thương lại vợ chồng nhà con, một đồng bạc con cũng xin vâng, nhưng con hãy khất ngày mai đóng thuế con bắt nhà con cấy trừ hầu ông.
Chánh tổng phì cười:
- Bây giờ lại có lối đóng triện cấy trừ nữa. Thôi cũng được! Ông Lý nhận lời cho nó đi, đừng để chúng nó nói mãi điếc tai.
Lý trưởng làm bộ khó khăn:
- Vâng! Tôi nghe lời cụ Chánh.
Rồi bèn quay hỏi chị Dậu:
- Mầy định cấy trả nhà tao bao nhiêu?
- Con xin cấy hầu ông một mẫu.
- Đồng bạc một mẫu thế ra một hào một sào kia à? Không được, phải một mẫu rưỡi.
- Ông dạy thế nào con cũng xin vâng.
Chuyện êm, anh Dậu được tạm thoát ly sợi thừng để đề tên vào văn tự. Nhưng anh bị trói đã lâu cánh tay sưng lớn và bại liệt, các đầu ngón tay tê tái, bấm không biết đau, lóng ngóng mãi không viết được một chữ.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom