• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Sông Côn Mùa Lũ (1 Viewer)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 90

Trước hôm nhận được tin quan đại tư mã triệu gấp các quan văn võ cựu triều lên kinh đô, ông nghè chế khoa (khoa Đinh mùi 1787) Trần Bá Lãm ở Vân Canh có nhận được một bức thư của quan thị lang Ngô Thì Nhậm. Thư như sau:


Thư gửi chế khoa Trần hầu ở Vân Canh.


Đạo chỉ có một mà thôi, khi nên làm quan thì làm quan, khi nên nghỉ thì nghỉ. Người quân tử phải tìm cái chỗ đúng nhất của nghĩa này. Hiền hầu là người trong khoa bảng, tất nhiên tự mình có chủ kiến. Người sĩ quân tử ở vào thời kỳ đại quá nên cân nhắc cho đúng về mặt nghĩa lý. Có người có thể đứng một mình không sợ; trốn đời không buồn, được thua còn mất, gian dối dữ lành không mảy may để bụng, sống chết bằng cái đó cũng là một lý. Còn như kẻ tự cho mình là làm theo việc nghĩa nhưng lại còn muốn lưu tấm thân này để mưu cái lợi về sau, thì tất nhiên đứng một mình mà có lòng lo sợ, trốn đời mà có lòng buồn, kẻ sĩ cao minh há không thấy điều đó sao? Xét ở bậc tiền bối trốn đời như tiến sĩ họ Cao ở Phú Thị, coi khinh giàu sang mà tiêu dao tự tại, đó là trốn đời mà không buồn; đứng một mình như đại vương họ Trần ở Vân Canh, có con đường có thể sống mà ung dung đi con đường chết vì nghĩa; như thế là đứng một mình mà không sợ. Những bậc khoa bảng triều trước, hai vị này là những người không thể sánh kịp. Nếu không được như vậy mà còn muốn lưu tấm thân ở đời, gửi dấu ở suối rừng, làm thầy thuốc, thầy bói, đó cũng chỉ là lấy cái ở ẩn để làm cái cơ may xuất hiện. Phàm đã ôm cái cơ may trong lòng thì thường ngay ngáy với cơ may, cơ may đó là cửa quan ải của lợi hại, khe hở không lọt sợi tóc.


Đại phàm kẻ đứng một mình, điều đáng sợ là hiềm nghi, kẻ trốn đời điều đáng buồn là gian khổ. Náu mình giấu họ nương tựa người, tình cảnh này tôi từng chịu đựng. Nhưng, thời thế lúc ấy sự thể của tôi không cho phép tự đứng vào danh nghĩa gì. Ở vào thời tiểu quá, cố nhiên không khác gì con chim bay trốn tránh.


Ngày nay, cái mà hiền hầu bảo là "độc lập", "trốn đời", thì lại khác hẳn thế. Hiền hầu nói rằng "nghĩa phải bảo tồn nước cũ", rằng "không thờ hai họ", rồi đem cái đó khích động lòng người mà mình nương tựa để làm cái vốn liếng nhờ cậy trong khi buồn bã sợ sệt. Thực là khó biết con người mà hiền hầu nương tựa có quả thực không cho hiền hầu là món hàng quí lạ đem bán rao ở chợ, cá lưới, chim cung hay không? Nếu vậy thì sợ lại càng sợ, buồn lại càng buồn, tôi e rằng sự tính toán của hiền hầu có phần lầm lỡ.


Tôi cùng hiền hầu đã từng có lúc bàn thơ ở trước lầu Ngũ Long. Tôi thấy hiền hầu là người cao minh lanh lợi, cho nên việc sứ mệnh năm trước mời hiền hầu cùng đi một thể. Bản ý hiền hầu là người ra ứng dụng với đời, chứ không đem cái cục diện của hai vị hiền giả ở Phú Thị và Vân Canh làm kim chỉ nam cho mình. Nay hiền hầu còn đó, thì kim chỉ nam lấy lưu tấm thân mình làm phương Tý Ngọ. Vì sao không dốc hết tâm lực của mình đối với sự biến hóa của khí vận là nơi bền vững nhất của việc tàng thân? Ôi! dời giường để xa khách, khách có thiệt thòi gì đâu, nhưng chân giường bị xước. Nếu quả lấy việc ngoảnh lưng lại với đời làm cái lợi lưu lại tấm thân, thì so với cái hại tránh khách xước chân giường cũng không xa là mấy. Kẻ hiền đạt ăn ở với nhau, nên bảo cho nhau bằng điều tâm huyết, đâu phải là đem chuyện hình hài mà trói buộc lẫn nhau? Mặc dù vụ án năm trước, hiền hầu có lúc dùng lời không đẹp gán cho bản chức, việc đó nếu đặt mình vào địa vị ấy, thì từ xưa vẫn có. Bảo tử há cho Quản tử là người tham và nhát mà thay đổi cái nghĩa tương tri? Riêng nghe quan bộ Hình gửi thư kính mời, rốt cuộc hiền hầu vẫn chưa dám tới.


Hoặc có người cho rằng: Hiền hầu và bản chức có chỗ nghi ngại, đủ làm cho hiền hầu sắp đi tới mà lại chần chừ. Ý tôi cho rằng không phải như vậy. Đó ắt là hiều hầu đã có chủ kiến đối với thời cơ tiến lui xuất xử, cho nên thác ra như vậy để làm điều từ chối.


Xa nhau lâu ngày, nghe nói chỗ hiền hầu lui tới có nhiều bậc hiền nhân quân tử, tôi tạm thổ lộ tâm can, xin hiền hầu nên đem điều đó trao đổi với các bận hiền đạt mới được. Quan Hình bộ là người hiền hòa độ lượng, ông đối với bọn ta mọi việc đều làm chu đáo lắm. Nếu như gặp mặt, hẳn hiền hầu không cho thiên nghị luận này của bản chức là điều vu khoát. Mong hiền hầu mau ứng nhận mệnh vua, sớm tới thềm hòe, tay bắt mặt mừng, dù bao nhiêu tặng vật cũng chưa đẹp bằng.


Nhắn nhủ tha thiết, trông đợi ân cần. Nay kính thư.(1)


Trần Bá Lãm nhận được thư, đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng giấu không cho các bạn bè biết. Đọc lần đầu, ông giận đến nỗi lá thư run rẩy trên tay. Lòng tự ái của ông bị tổn thương trầm trọng, vì chưa, phải, chưa có ai dám nói những điều trắng trợn như vậy về ông: "... khích động lòng người mà mình nương tựa để làm cái vốn liếng nhờ cậy trong khi buồn bã sợ sệt", "món hàng quí lạ đem bán rao ở chợ". Ông định xé ngay lá thư, nhưng kịp nghĩ lại, ông xếp thư cẩn thận cất riêng một chỗ. Ông nghĩ: "Phải cho các bạn ta xem, để họ biết miệng lưỡi độc địa của tên "sát tứ phụ nhi thị lang". Xấc láo, tự cao, tự đại đến thế là cùng". Ở thi xã bạn bè ông tụ họp để ngâm thơ vịnh nguyệt, để nhớ tiếc "cố quốc", để so sánh trước kia và bây giờ, để mỉa mai các quan Tây Sơn méo miệng mím môi mỗi khi cầm cái quản bút, để kể đủ thứ chuyện tiếu lâm bù khú về chế độ mới, Trần Bá Lãm đã nhiều lần định rút lá thư ra, lại do dự, rồi lẳng lặng ấn vào đáy túi. Ông tự giận mình, đêm khuya, đem lá thư ra đọc lại. Ông đối diện với chính ông, bình tĩnh, khách quan phán xét chính ông. Càng đọc ông càng thấm. Những điều chính ông sợ phải nghĩ đến vì nó quá thực, lạ lùng thay, Ngô Thì Nhậm đã nói đúng và gọn trong một vài câu. Bảo tồn nước cũ? Không thờ hai họ? Thử ngẫm cho cùng xem có thực ông tin còn có thể vực dậy một triều đại lão nhược mục nát như triều Lê Trịnh hay không? Ông vác lều chõng đi thi vào chế khoa Đinh Mùi (1787), tận mắt chứng kiến cảnh xô bồ chen lấn của vài trăm sĩ tử trong sân điện chật hẹp để vớt vát chút danh cho đạo học ở buổi chợ chiều. Ông bóp trán chau mày trả lời các đối sách để làm gì, nếu không phải là để bôi phấn cho Nguyễn Hữu Chỉnh! Mà Bằng quận công (Nguyễn Hữu Chỉnh) có thực bụng phù Lê không? Ngô Thì Nhậm đã nói những điều mà nếu ông, Trần Bá Lãm, can đảm soi gương thật gần để nhìn cho rõ gương mặt mình, ông cũng phải nói. Sự liêm khiết trí thức buộc ông phải công nhận cái sự thực phũ phàng ấy. Vâng, quả thực ông đã mượn tiếng phù Lê làm vốn liếng nhờ cậy, lừa mình và lừa người. Ông và bạn bè trong cái thi xã đã gian dối nhau để sống, thảnh thơi trong giai đoạn khó khăn kham khổ chung. Từ đó, ông không thể sống tự nhiên như trước được nữa. Ông thấy các bạn ông cười nói, than thở, thất vọng, hy vọng, mỉa mai, mừng rỡ, một cách giả tạo đến kệch cỡm.


Ông càng tin ở nhận xét của mình hơn, khi từ Thăng Long, đưa tin về: đại tư mã Ngô Văn Sở triệu gấp các quan văn võ cựu triều lên kinh. Các tao nhân mặc khách trong cái thi xã hoài Lê ấy đột nhiên mất hết vẻ khí khái cao ngạo hoặc nét trầm tư ưu thời. Mọi người cuống quít lên, người này đổ lỗi cho người kia, hoặc dùng miệng lưỡi đùn cho kẻ khác các việc khó khăn. Một ông nghè, một ông làm chức viên ngoại lang, một tri phủ và một ông cử nhân thất chí hóa gàn vội vã ra bến tìm thuyền. Không có thuyền đi thẳng lên kinh, họ phải đi đò dọc, rồi đi bộ, rồi lại thêm một chặng đò dọc. Chạng vạng hôm đó, họ chờ đò dọc mãi không thấy, phải vào trú đêm tạm trong cái quán tranh cất gần bến đò. Trần Bá Lãm cũng ở trong số đó. Trong túi áo trong của ông, lá thư Ngô Thì Nhậm vẫn nằm yên dưới đáy túi.


*


* *


Cái lều thấp lợp tranh, chung quanh dừng phên tre, mỗi bề gần bằng một con sào. Quầy hàng nước và vài thứ hoa quả vặt vãnh chiếm gần nửa căn lều hẹp. Phía sau chủ quán dựng tạm một cái nong rách làm bình phong, che lấy khoảng hẹp riêng tư làm chỗ nấu bếp và chỗ ngủ cho hai mẹ con. Đêm phủ xuống, buồn bã theo từng giọt mưa rả rích. Khách lỡ đò khá đông. Ngoài Trần Bá Lãm và ba người bạn, còn có ông đồ (hoặc thầy lang) lạ mặt vận áo the thâm, cắp tráp sơn then, bốn người đàn ông làm ruộng lên kinh tìm mua lưỡi cày ở phường đúc, và hai người đàn bà ăn mặc khá tươm tất, mang tay nải ăn nói nhanh nhẹn đốp chát ra dáng con buôn. Hơn mười người phải ngồi qua đêm trong khoảng quán hẹp, bên ngọn đèn dầu lạc lù mù.


Người đàn bà chủ quán mừng rỡ được một món lời bất ngờ, vừa bưng đĩa cơm đến bán cho từng người, vừa suýt soa xin lỗi. Chỉ có năm người mua cơm của hàng quán, số còn lại hoặc nói dối đã ăn ở nhà, hoặc mua lấy một quả chuối cho phải phép. Chị hàng không lấy thế làm buồn. Thực ra, chị không có gạo để nấu đủ cho chừng ấy người. Thức ăn thì chỉ có dưa khú và tương. Để khách hàng khỏi xót xa về giá cả, chị chủ quán mau mắn nói:


- Các ông các bà hiểu cho. Độ này gạo thóc kém lắm. Mua đến khó quá đi mất. Không mấy khi các ông các bà ghé đêm ở đây. Thôi thì tàm tạm cho qua bữa. Vâng, thêm chút dưa khú. Có ngay đấy ạ. Cả đến rau quả cũng đắt như vàng. Chừng này cũng khá tiền đấy ạ. Chị dịch vào đây, kẻo mưa tạt. Cái Tẹo, đưa cho bu cái que khêu tim đèn nào!


Hai chị con buôn ăn hết hai dĩa cơm đầy, uống cạn hai bát chè vối, rồi lấy trầu ra nhai ngon lành. Một chị nhổ toẹt cổ trầu qua tấm phên thưa, suýt chút nữa văng lên áo ông nghè Lãm. Ông nghè thu vạt áo lại, nhăn mặt khó chịu. Chị con buôn không thèm để ý thái độ ông nghè, quay sang phía bạn hỏi:


- Đi đò dọc chuyến sớm có lên kịp chợ không?


Người kia đáp, sau một cái ngáp dài:


- Kịp chán. Định bê cả chợ kinh về hay sao mà lo thế!


- Mai hẹn nhau về một lượt nhé.


- Để xem đã, giá có các ông ở đây cùng về thì tiện nhỉ!


Chị con buôn kia phá lên cười, giả vờ trách:


- Ăn nói ý tứ nào! Các bác, các cụ đây toàn là nhà nho. Không được hỗn.


Chị kia nói giọng chán nản, khinh thị:


- Ối dào! Chỉ tổ dài lưng tốn vải.


Cụ cử gàn, bạn ông nghè Lãm bực tức gắt:


- Chị kia! Chị nói gì thử nhắc lại xem!


Hai chị con buôn tự cảm thấy đùa nghịch quá lố, không dám nói gì, chụm đầu vào nhau cười rích rích.


Ông cựu tri phủ buột miệng than:


- Đúng như cổ nhân nói: "phụ nhân nan hóa".


Ông đồ lạ mặt ngồi gần Trần Bá Lãm quay về phía ông nghè tìm nụ cười đồng tình. Ông nghè lắc đầu chán nản. Người kia được dịp nói nhỏ:


- Trước kia, phong hóa đâu có suy đồi như vậy, bác nhỉ!


Trần Bá Lãm gật đầu thay câu trả lời. Bác nông dân liếc thấy hai chị con buôn đã dựa lưng nhau bắt đầu ngủ gật, nên mạnh dạn nói đủ cho cả quán nghe:


- Hạng mua già bán non ấy thì lúc nào chả thế. Chỉ khác là bây giờ họ kiếm ra khối tiền.


Ông đồ lúc nãy nói:


- Ấy đấy, bọn lường đảo giàu có trong khi con nhà thư hương chúng ta đói dài mặt ra. Như thế là phong hóa suy đồi rồi. Cái thời kỳ cục chưa từng thấy, bác nhỉ!


Trần Bá Lãm gật đầu:


- Vâng. Kể cũng kỳ cục!


Ông đồ lạ mặt hớn hở hỏi:


- Bác có đọc các tờ cáo của... của họ không?


Trần Bá Lãm kinh ngạc hỏi:


- Có điều gì mới à?


- Có... à... à không. Tôi chỉ muốn nói đến cách viết nửa nôm nửa chữ của họ. Giống y như gà què. Thà viết toàn nôm cho đỡ tức. Đằng này cứ pha phách phừa phứa, như trẻ con nói ngọng. Chúng nó dốt nát mà cứ tưởng...


Trần Bá Lãm lo sợ hỏi:


- Ông nói gì thế?


Người kia liếc quanh, thấy phần lớn đã thiu thiu ngủ, nên kề sát mặt ông nghè Lãm nói:


- Tôi trông qua, biết bác không ông nghè cũng là ông cống. Bác đừng nhún. Tôi cũng là người đồng hội đồng thuyền của bác, xin chớ ngại. Bác đã biết tin gì chưa?


Trần Bá Lãm giật mình hỏi:


- Tin gì vậy?


Người lạ mặt kề sát tai ông nghè thì thào:


- Sắp đổi đời rồi.


- Ai bảo bác thế?


- Thế bác chưa biết gì sao?


- Chưa biết gì cả. Chỉ biết phải lên kinh gấp, thế thôi.


- Sao lại lên kinh? À phải, lên kinh là phải. Ai cho người liên lạc với bác đấy? Nhóm của bác được mấy người?


Trần Bá Lãm bắt đầu thấy có gì bất thường. Ông còn đang băn khoăn thì ông đồ bên cạnh đã kéo vạt áo the rút ra một tờ giấy:


- Bác đọc cái này chưa?


Ông nghè e dè hỏi nhỏ:


- Cái gì thế?


Người kia cười, bí mật:


- Cứ đọc đi đã. Thế mà tôi cứ tưởng bác đọc rồi mới rủ nhau lên đón ở kinh thành. Để tôi ngồi tránh ra một chút cho sáng nhé. Phen này chúng nó lại trở về xứ mán mọi thôi!


Trần Bá Lãm cố nheo mắt đọc thầm: (dịch nôm)


"Dấy nước đã liệt, nối giòng đã tuyệt, việc đáng làm chi kể mang hoang. Vớt người bị chìm cứu kẻ bị cháy, dừng chẳng được mới dùng binh cách.


Nay nghĩ họ Lê nước An Nam, vốn là cống thần của thiên triều, ba trăm năm vật phẩm tiến dâng tính theo chức phận; Mười lăm lộ đất phân chia cắt, gồm có nước nhà.


Thế mà khoảng năm Càn Long, tù trưởng trong nước là bọn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cất quân làm loạn, đánh úp La Thành, vua Lê trước vì lo sợ mà phải qua đời, tự tôn là Lê Duy Kỳ đến nỗi phải xiêu bạt ra ngoài. Bề tôi cũ là Nguyễn Huy Túc đem mẹ và vợ tự tôn chạy sang nội địa khẩn cấp cứu xin. Đã hỏi bọn Túc, Tự tôn hiện nay ở vùng Kinh Bắc, Lạng Sơn, tôi dân vẫn nhớ chúa cũ. Nguyễn Nhạc là dân mọi rợ như giống chó dê, quen thói hung tợn của loài chồn sói, đến đâu cướp đấy, trăm họ oán đến xương tủy. Tội một tên dân ở biên thùy đùng đùng nổi lên, phạm vào luân thường, làm trái nghĩa lý, đạo trời đã không thể tha, lại dám hoành hành ở nơi nội địa tàn hại nhân dân, bạo ngược chúng thứ, phép vua cũng cần phải đánh. Hiện đã đệ tâu và được Đại hoàng đế thương xót họ Lê tan nát, không nỡ để cho châu gieo lầm than. Ngài đã sai quan đốc phủ đeo ấn Chinh Nam đại tướng quân, đem 50 vạn binh mã thẳng tới La Thành, trừng trị tội ác bọn Nhạc, không cho lũ chúng trốn thoát hình phạt của Trời. Nước Nam đời đời tôn đội vua Lê, nhờ ơn quyến luyến nuôi nấng đã lâu, trí năng còn chưa mất, cảm kích bởi trong lòng, không thể tự mình bỏ mất thiên lương của mình, đến nỗi quên vua theo giặc. Kẻ nào trước xướng tín nghĩa, tựa sức cứu giúp của thiên triều, tập họp người đồng chí, ra sức trừ diệt quân thù, thì khi ải tía hát khúc khải hoàn, màn soái tính sổ quân công, sẽ được cắt đất chia phong, hưởng chung phúc lộc với họ Lê như Trịnh đại gia ngày trước.


Hịch này đưa tới, đâu đó đều phải hăng hái, mài dũa gươm đao, chống lại kẻ thù nhà vua. Ai nấy một lòng giốc sức thì mới có công, mới được lĩnh thưởng ở trong quân, hưởng phúc ở trong nước. Hãy cố gắng lên" (2)


Trần Bá Lãm đọc xong, phẫn nộ trộn lẫn với lo sợ, hỏi vội:


- Ông nhặt thứ này ở đâu vậy?


Người đưa hịch không chú ý vẻ khó chịu của ông nghè Lãm, trả lời bằng giọng khoe khoang:


- Chính tôi chép lại đấy. Nhận được tờ hịch, mỗi người chép lại mười bản để phân phát cho bè bạn, cứ thế mà loang rộng ra.


Thấy Trần Bá Lãm định trả lại tờ hịch, ông đồ lạ mặt vội xua tay:


- Không. Bác giữ lấy bản đó.


Rồi hãnh diện vỗ tay vào túi áo trong, ông ta nói:


- Tôi còn những bảy tờ. Vì tôi hứng chí chép ra đến hai chục bản. Bác lấy thêm ít bản nữa, ngộ nhỡ...


Trần Bá Lãm cương quyết trả tờ hịch lại:


- Ông giữ lấy!


Người kia ngơ ngác hỏi:


- Bác sợ à?


Trần Bá Lãm nghiêm mặt đáp:


- Không. Cõng rắn cắn gà nhà...


Ông đồ đưa hịch cướp lời ông nghè:


- Bác nói gì thế! Bọn mán mọi ở cái xó rừng Tây Sơn đem quân xâm lấn nước ta, thì ta phải nhờ thiên triều xua đuổi chúng đi. Đó chỉ là vạn bất đắc dĩ. Cũng là người ngoài, nhưng phía bắc còn có văn hiến, lễ nghĩa...


Trần Bá Lãm cương quyết nhét tờ hịch vào tận tay ông đồ lạ, nói nhỏ nhưng dằn từng tiếng:


- Ông giữ tờ hịch này để sau này có bằng cớ xin làm quan với bọn Tàu. Chép những hai mươi bản, ông xứng đáng lắm.


Từ đó hai người không nói với nhau gì nữa. Họ giả vờ ngủ. Lâu lâu hé mắt liếc về phía ông đồ lạ, Trần Bá Lãm bắt gặp ông ta cũng hé mắt dò xét ông nghè. Bị bắt gặp đang giả vờ ngủ, ông đồ lạ giơ tay đập muỗi, rồi thu vạt áo về, xoay lưng về phía ông nghè Lãm. Gió bên ngoài thổi lạnh buốt, lọt qua khe phên liếp tạo tiếng vi vu át mất tiếng ngáy của khách lỡ đường.


*


* *


Tinh sương, hai chị con buôn dậy sớm nhất. Họ sửa soạn quang gánh lịch kịch bất chấp giấc ngủ của kẻ khác, nên mọi người phải thức dậy với họ. Trần Bá Lãm không thấy người đưa hịch tối hôm trước bên cạnh mình, đoán có lẽ ông ta ra phía sau đi giải. Đến lúc chị chủ quán tìm thấy một tờ hịch đặt dưới dĩa đèn và ông cử gàn tìm ra một tờ khác gài trên tấm phên trúc, ông nghè mới quyết là hắn đã trốn rồi. Chị chủ quán thấy tờ giấy nhăng nhít những chữ, lo lắng hỏi:


- Có thầy nào quên tờ giấy ở đây?


Viên tri phủ lấy tờ hịch đem sát đèn để đọc. Ông cử cũng đã gỡ được tờ hịch gài trên phên cửa. Ông cử đến gần ông tri phủ hỏi:


- Có phải cùng một nội dung không?


Họ đọc vội vàng dòng đầu, rồi nói:


- Giống nhau mà!


Mọi người dù biết chữ hay không, đều đoán ngay hai tờ giấy kia nói những điều rất quan trọng, rất nguy hiểm, và tốt hơn hết là nên dè dặt. Do đó không ai bảo ai, những kẻ sốc nổi hiếu kỳ lần lượt tản xa chỗ đặt dĩa đèn. Ông nghè Lãm tự thấy phải có trách nhiệm trấn an mọi người. Ông nói:


- Có lẽ của cái ông khách khi hôm ngồi cạnh tôi. Sáng nay, ông ấy trốn đâu mất rồi.


Nhiều tiếng lao xao mừng rỡ, vì đã tìm ra kẻ chịu trách nhiệm về hai tờ giấy bí hiểm kia. Một bác nông dân mạnh dạn nói:


- Các thầy hay chữ, thử đọc xem chúng nó nói những gì. Đi đứng mờ ám như vậy, tôi biết trước không phải dân lương thiện.


Viên cựu tri phủ rụt rè tiến thoái lưỡng nan, nửa muốn trở về chỗ, nửa muốn đọc tiếp vì tò mò. Cuối cùng, ông cử gàn đọc khá to cả tờ hịch. Mấy bác nông dân và hai chị con buôn đề nghị ông cử dịch lại sang tiếng nôm cho họ hiểu. Ông cử hỏi Trần Bá Lãm:


- Có nên không bác?


Trần Bá Lãm nói:


- Ông cứ dịch. Chuyện quốc sự đâu có dành riêng cho người biết chữ nho.


Ông cử vừa đọc vừa dịch cả bài hịch của triều Thanh. Ông đọc xong, cả quán đều lặng yên, như sững sờ. Chị chủ quán hỏi trước:


- Lại sắp có giặc phải không các thầy?


Một chị con buôn hốt hoảng kêu:


- Chết! Hay là ta quay về?


Chị kia bĩu môi nói:


- Sao lại quay về? Hồi tháng chạp năm ngoái (3) có khối người mua được nhiều thứ rẻ. Của ăn trộm ở các nhà quan ấy mà. Các thầy, các bác tính, một cái tủ cẩn xa cừ mà giá chỉ bằng nửa thúng gạo. Lúc lên vác có một bao, lúc về phải thuê cả thuyền.


Chị chủ quán lại hỏi:


- Có sắp phải cấm sông không các thầy?


Ông cử cười đáp:


- Chị khỏi lo. Cấm sao nổi! Cấm sông thì hai chị này lấy gì chở tủ chè, phản gỗ về quê.


Một bác nông dân bực dọc nói:


- Nông nỗi này mà thầy còn đùa cợt! Giặc Tàu qua đây, thì thầy tính sao?


Ông cử gàn không chịu lép, quay sang phía bác nông dân cật vấn:


- Ấy chết! Sao bác dám gọi là "giặc Tàu". Thiên triều chứ! Bác không muốn "hưởng chung phúc lộc với họ Lê như Trịnh đại gia ngày trước" hay sao?


Khi nhại y nguyên lời hịch, ông cử cố ý nói ngọng như cách nói của các khách trú Phố Hiến, khiến cả quán bật cười. Bác nông dân hiểu lập trường của ông cử, vui vẻ đáp:


- Vâng. Thì quân thiên triều. Các ngài ấy kéo những 50 vạn sang ta thì lúa thóc đâu cho đủ cung phụng? Mùa màng cứ thế này, bọn nhà nông chúng tôi chỉ còn nước gặm đất cầm hơi!


Vẫn ông cử tiếp tục đùa nghịch:


- À ra thế! Bác sợ thiên triều giành mất bát cơm hẩm. Đừng lo. Họ dằn mất bát cơm của bác, nhưng trả lại một ông vua. Vua thật chứ không phải vua phường chèo đâu nhé.


Viên ngoại lang từ nãy đến giờ giữ vẻ lầm lì, lúc đó mới nhắc khéo ông cử:


- Ông nên giữ mồm giữ miệng. Dù sao chúng ta cũng là con dân Bắc hà.


Trần Bá Lãm thấy cuộc bàn luận lan man trở nên nguy hiểm, nhất là bên ngoài trời đã sáng tỏ, trên đường đã có nhiều người qua lại, ông bảo các bạn:


- Chúng ta sắp sửa đi thôi.


Ông cử gàn không chịu nghe lời ông nghè Lãm, quay hỏi cả bốn bác nông dân:


- Các bác vẫn giữ ý định lên phường đúc đấy chứ?


Một người đáp:


- Vâng. Dù gì chăng nữa, việc cày bừa không thể bỏ được.


Ông cử lại hỏi:


- Nhỡ giặc... "giặc thiên triều" đến thật thì các bác tính sao?


Mấy bác nông dân đáp:


- Thì đánh cho chết!


- Thì dần cho chúng một trận nên thân!


- Thì đem dao, rựa, gậy gộc ra đuổi chúng nó về.


Ông cử cười hể hả, nói thêm trước khi chạy theo các bạn:


- Nhớ rủ chúng tôi với nhé. Phải. Đánh cho chúng nó chừa cái thói tham. Giặc Tàu! Đúng là giặc Tàu.


Ra đến đường cái, ông nghè Lãm trách ông cử:


- Tôi xem tờ hịch thấy cũng có nhiều điều khả tín. Như việc quân Tàu đem vua Chiêu Thống về phục quốc chắc là có thật. Những người còn nhớ tiếc triều cũ còn đông lắm. Ông nên giữ gìn một chút.


Ông cử cự lại:


- Chúng nó rước voi về dày mả tổ mà các bác buộc tôi lễ phép!


Viên ngoại lang nói:


- Ông chỉ được cái gàn. Hơi đâu ăn cơm nhà vác ngà voi. Thiên triều dùng đến binh cách, thì đã có các ông nhà võ họ lo đối phó. Việc gì đến ông?


Viên cựu tri phủ thì bảo:


- Vả lại họ có giao việc cho mình lo đâu!


Ông nghè Lãm thọc tay vào bọc áo suýt soa cho đỡ lạnh. Ông cử hỏi:


- Bác nghè nghĩ thế nào? Ta phải làm gì đây?


Trần Bá Lãm bối rối:


- Hãy cứ lên kinh đã. Chắc gì thời thế đã đúng như lời hịch. Ối giời, rét! Đò dọc xuống chậm quá nhỉ!


Ông thọc tay sâu vào túi áo. Mấy ngón tay phải chạm lá thư của Ngô Thì Nhậm. Trần Bá Lãm dớn dác nhìn quanh, nhột nhạt như có đôi mắt vô hình nào đó đang chăm chăm nhìn vào gáy mình.


*


* *


Ở Lạng Sơn, bài hịch có sức tàn phá của một trận bão. Trong khoảng một ngày, quân lính trốn đi mất quá nửa. Tướng Phan Khải Đức sợ quá lén sai người đưa thư qua cửa ải xin đầu hàng. Trấn tướng còn lại là Nguyễn Văn Diễm người Quảng Nam cảm thấy cô thế: lính trốn, tướng đầu hàng, mình là người Đàng Trong dù có theo gót Phan Khải Đức cũng không ai dung. Cho nên ngay trong đêm, Diễm thu xếp binh mã rút lui về Kinh Bắc, cùng với Nguyễn Văn Hòa hợp lực giữ thành rồi sai k binh chạy về Thăng Long cấp báo.


Đại tư mã Ngô Văn Sở nhận được tin, vội họp ban tham mưu lại để bàn kế chống giữ.


(4) Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng nói:


- Tôi nghe hồi cuối đời Trần, quân mạnh của phương bắc sang xâm lấn nước nam. Hoàng Phúc, Trương Phụ, Mộc Thanh, Liễu Thăng đều là những tướng hung tợn của Tàu; vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, cả thế và lực đều không thể địch lại chúng được. Nhưng nhờ hành binh quỉ quyệt, không kiêng những sự quyền mưu, Thái Tổ đã khéo mai phục, rồi thừa cơ đánh úp quân giặc. Nhờ vậy, Ngài chỉ có ít quân mà thắng được kẻ đông quân, vây Vương Thông ở bến Đông Bộ, giết Liễu Thăng ở núi Mã Yên, chiến công rực rỡ, nghìn đời ngợi khen. Nay quân nhà Thanh ở xa đến đây, trèo đèo lặn suối cực kỳ khó khăn, ta nên dùng cách "dĩ dật đãi lao", các chỗ quan yếu đều cho quân đi mai phục, chờ khi họ đến thì đánh. Như thế lo gì không được?


Ngô Thì Nhậm chờ các võ quan nói trước, nhưng từ Ngô Văn Sở đến Phan Văn Lân chưa ai có ý kiến nào rõ ràng. Vì thế Ngô Thì Nhậm bắt đầu nói:


- Tôi e ý kiến của quan chưởng phủ không được thích hợp. Quan chưởng phủ có nhắc lại cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Lê Thái Tổ để minh chứng cho kế mai phục. Việc trong thiên hạ tình tuy giống mà thế lại khác, thì được hay hỏng cũng phải khác. Khi xưa, nước ta lệ thuộc nhà Minh, người Tàu hết sức tàn ngược, cả nước ai cũng muốn đuổi họ đi. Cho nên vua Lê Thái Tổ chỉ gọi một tiếng xa gần đều theo, hào kiệt trong nước như mây ùn ùn kéo đến. Mỗi lúc đánh nhau với giặc, người trong nước chỉ sợ quân mình bất lợi. Nghe tin mình thắng ai cũng vui mừng. Lòng người được như thế, cho nên hễ có phục binh núp ở chỗ nào, dân chúng giấu giếm thật kín, bên giặc không hề biết. Sở dĩ mai phục mà thắng là nhờ thế. Ngày nay, những bề tôi nhà Lê đi trốn đâu đâu cũng có, nghe tin quân Thanh sang cứu, họ đều nghểnh cổ mong ngóng. Sĩ dân cả nước tranh nhau chạy đi đón chúng. Quân ta...


Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng không kiên nhẫn được nữa, cắt lời Nhậm:


- Quan thị lang đã đâm ngại hay sao? Ông nhìn chuyện xưa đúng lắm. Giá khi nhìn chuyện trước mắt cũng được như thế thì hay biết mấy! Tôi xin hỏi ông: căn cứ vào đâu ông dám bảo hiện giờ sĩ dân Bắc hà đều nghểnh cổ ngóng quân Thanh, chờ dịp là cả nước tranh nhau chạy đi đón chúng?


Không khí trong phòng trở nên ngột ngạt. Mọi người dồn về nhìn ông. Ngô Thì Nhậm bình tĩnh hỏi lại:


- Các ngài muốn nghe những điều có thực, hay muốn nghe những lời đẹp lòng?


Ngô Văn Sở muốn giải hòa, tươi cười bảo Nhậm:


- Điều chân thực đều đẹp lòng cả. Tình thế khẩn trương thế này, ta phỉnh nịnh tâng bốc nhau làm gì! Ông cứ nói thẳng, khỏi cần quanh co gì cả!


Ngô Thì Nhậm sửa lại thế ngồi trước khi tiếp:


- Muốn biết sĩ dân Bắc hà nghĩ về chúng ta như thế nào, trước hết ta cứ thành thực xét mình, xem bao lâu nay ta đã làm những gì để thuyết phục họ. Tiết chế Vũ Văn Nhậm đã làm được gì, các ngài biết rồi: lùng xét khắp kinh thành để lấy của, bắt phu phen đắp thành lũy ngày đêm không nghỉ, dân họ chỉ sợ và oán chứ không phục. Đối với sĩ phu thì "truyền bằng mắt, khiển bằng hơi". Ai lỡ ra giúp việc quan đều chán nản. Kẻ còn đứng ngoài lo trốn lánh, xem việc ra cộng tác với chế độ mới như một điều xấu hổ. Vì bấy nhiêu cái tội lớn lao ấy mà Vương thượng phải thân hành ra đây trị tội. Mấy tháng nay chúng ta gây lại được cái đổ vỡ, vá chỗ rách, dặm chỗ hở. Công phu đổ ra nhiều nhưng thời gian còn ít quá, chưa đủ phục hồi lòng tin của sĩ dân. Đó là chưa kể: đối với bọn câu nệ hẹp hòi, thì Đàng Trong vẫn là nước ngoài.


Nội hầu Phan Văn Lân hỏi:


- Nếu sĩ dân Bắc hà còn nặng tình với Lê Trịnh, thì tại sao mấy lần chúng tôi kéo quân ra đây dễ dàng như vào chỗ không người? Tự tôn trốn tránh, cố dấy việc cần vương, nhưng ông thấy đấy, có làm nên cơm cháo gì đâu. Họ Lê tự mình đứng chủ trương còn thế, huống chi nay dắt quân Tàu về, rước voi dày mả tổ, thì còn chút chính nghĩa nào cho sĩ phu khắp nước "nghểnh cổ mà mong". Ông có nghĩ quá đáng giùm cho họ chăng?


Ngô Thì Nhậm đáp:


- Đối với lớp nhà nho không dám nghĩ gì ngoài kinh sử, thì không có gì quá đáng. Số lẩn tránh, trốn nấp chờ thời còn quá đông đảo. Những kẻ dạn dĩ hơn ra giúp việc nước, thì cứ nhấp nhổm, đứng ngồi chưa yên. Dân chúng còn hoang mang. Thời thế hiện nay khác thời Lê Thái Tổ chính ở lòng dân còn bất quyết đó. Ta không thấy trước, cứ theo kế mai phục thì địa thế, quân số ta thế nào, bọn đón gió mang hết ra báo cho giặc để tâng công. Nhân kế của mình, mà thành kế của giặc, chúng chỉ việc vây kín bốn mặt mà bắt. Quân cơ của mình đã bị tiết lộ, tự nhiên mình phải mất tiện nghi, hãm mình vào chỗ chết, còn hòng đánh úp ai được! Binh pháp nói rằng: khéo mai phục thế nào cũng được, lầm mai phục thế nào cũng thua.


Ngô Văn Sở hỏi:


- Thế thì nên làm thế nào?


Ngô Thì Nhậm đáp:


- Trong phép dụng binh, có đánh có giữ. Bây giờ quân Thanh sang đây thanh thế rất lớn. Ngoài nước, những kẻ đi làm nội ứng cho giặc lại còn nói phao cho thanh thế của chúng to thêm, hòng làm kinh động lòng người. Quân ta hễ có việc gì, kẻ sai phái vừa ra khỏi thành liền bị bắt giết. Những người Bắc hà bị làm lính chỉ chực dịp là trốn. Đem hạng quân đó mà đánh nhau, không khác nào xua đàn dê đi đánh con cọp, không thua sao được? Còn muốn đóng cửa thành cố giữ, thì lòng người đã không vững rồi, cái lo bên trong chắc sẽ xảy ra, dẫu đến Tôn Ngô sống lại cũng phải bó tay không tính được kế gì. Như vậy khác nào đem con trạch bỏ vào giỏ cua. Xin nghĩ cho kỹ lại xem, đánh chẳng được, giữ chẳng được. Cả hai chuyện đánh giữ đều không phải thiện sách.


Ngô Văn Sở lo lắng hỏi:


- Chẳng còn kế nào khác ư?


Ngô Thì Nhậm nói:


- Bất đắc dĩ chỉ còn cách này: Sớm cho thủy quân chở thuyền lương lui về giữ Biện Sơn, bộ binh thì lui về giữ núi Ba Dội (Tam Điệp). Mặt thủy mặt bộ thông nhau giữ lấy chỗ hiểm cho vững thế thủ, rồi cho người chạy giấy về bẩm Chúa công. Thử coi quân Thanh đến đây cư xử với việc nhà Lê thế nào, vua Chiêu Thống sau khi phục quốc tính mưu kế gì nữa, đợi Chúa công ra sẽ đánh cũng chưa muộn.


Có nhiều tiếng xôn xao bất đồng trong phòng họp. Ngô Văn Sở ở vai chủ tọa cũng cảm thấy tự ái bị thương tổn như các bạn nhà võ, nên lớn tiếng nói:


- Chúa công về nam, đem cả thành này giao phó cho ta. Giặc đến thì phải quyết sống chết với thành. Có thế trên không thẹn là bề tôi giữ đất, dưới không phụ với chức trách cầm quân. Chưa thấy bóng giặc đã trốn, bỏ thành cho giặc, thì chẳng những đắc tội với Chúa công mà dân Bắc hà còn coi ta ra cái gì nữa!


Ngô Thì Nhậm bị cả phòng phản đối vẫn không núng, ông đáp:


- Tướng giỏi thời xưa, thường phải lượng thế giặc mà đánh. Phải nắm phần thắng mới đánh. Theo thế lập mưu giống như đánh cờ vậy. Trước có nhịn người ta một nước, sau sẽ hơn một nước, rồi đem nước sau làm nước trước mới là cờ cao. Nay ta cho toàn quân rút lui, không bị mất một mũi tên, cho nó ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc bích nước Tấn đem cho nước Ngu rồi lại vẫn về nước Tấn, có mất gì đâu. Nếu có vì thế mà mắc lỗi, tôi dám xin đứng ra bộc bạch rõ với Chúa công, chắc là ngài sẽ rộng xét. Xin các ông chớ ngại.


Ngô Văn Sở quay về phía nội hầu Lân hỏi:


- Ý ông thế nào?


Nội hầu Lân đáp:


- Tôi xin tuân lệnh quan đại tư mã.


Ngô Văn Sở lại hỏi chưởng phủ Dụng:


- Còn ông?


Nguyễn Văn Dụng đáp:


- Tôi đã trình bày từ đầu cái kế mai phục. Xin ngài cứ ra lệnh.


Ngô Văn Sở mím môi suy nghĩ, rồi nắm chặt hai tay lại, ông nói chậm cho mọi người chú ý:


- Ta theo cái kế của quan thị lang. Ngay đêm nay, ta họp bàn kế hoạch rút quân. Phải làm thế nào cho an toàn, và nhất là không làm dao động nhân tâm. Các ông nhà võ biết rồi, bao giờ lui quân cũng nguy hiểm hơn là tiến quân. Không được sơ sót bất cứ điều gì. Các ông nhớ cho nhé!


*


* *


Sau khi Chính Bình Vương về nam, bộ Lễ được chuyển tới một ngôi nhà rộng rãi khang trang hơn, nhà khách có chỗ chứa gần bốn mươi quan văn võ cựu triều đến trình diện theo lệnh triệu của Ngô Văn Sở. Sắc mặt người nào cũng lo âu. Có thể nói là lo âu gấp mấy lần trước. Đa số các quan đều đã đọc bài hịch của triều Thanh, nên cả quyết đây là biện pháp tập trung giới sĩ phu Bắc hà quản thúc một chỗ, đề phòng việc thành hình các nhóm nội ứng do nhà nho chủ xướng.


Có lẽ trước lúc ra đi đã có cảnh khóc lóc, dặn dò, trăn trối, y như mọi cảnh tử biệt, sinh ly. Trên trán từng người có thêm nếp nhăn. Tóc bạc thêm dưới vành khăn xếp lệch. Áo quần vì vậy cũng nhếch nhác, thiếu vẻ tề chỉnh đáng lẽ phải có. Trước cổng bộ Lễ, sau khi các ông nghè, ông cống vào rồi, đám đông thân nhân lóng ngóng chờ tin dữ cũng đông đảo hơn lần trước. Đến mấy cậu lính lệ lo việc canh gác cũng trở thành quan trọng. Người ta nịnh bợ, tâng bốc, săn đón, mời trầu các cậu, để moi vài cái tin mừng. Các cậu không biết quan đại tư mã mời các quan cựu triều đến làm gì, ai hỏi thế nào cũng gật dù ý trước mâu thuẫn ý sau. Đám thân nhân càng hoang mang, khóe mắt rớm đỏ.


Phần các quan khi vào nhà khách bộ Lễ mới tin được rằng người ta không triệu mình đến đây để bỏ tù. Nhà khách được trang hoàng uy nghiêm. Ngoài chiếc sập chạm dành cho quan chủ tọa, người ta đã trải chiếu trên sàn nhà, mỗi chiếu đặt sẵn khay nước trà và ống điếu thuốc lào. Tùy theo phẩm trật mà quan phụ trách Lễ bộ lễ phép mời quan khách lên ngồi ở chiếu trên hay chiếu dưới. Nói chung, cách tổ chức đón tiếp cực kỳ trân trọng, không có vẻ nào đe dọa hoặc khinh thường.


Trần Bá Lãm và mấy người bạn đến khá sớm và tuy phẩm trật của họ khác nhau, cũng được lễ quan trân trọng mời ngồi chung ở hàng chiếu đầu. Họ khiêm nhường xuống ngồi ở hàng chiếu thứ hai.


Viên tri phủ thấy nét mặt ủ rũ hoang mang của các quan khác, nói thầm với ông nghè Lãm:


- Sao họ rũ ra như chiếc lá úa thế ? Đằng nào cũng phải giữ chút khí hạo nhiên chứ!


Ông cử nói khá lớn:


- Họ sợ bị đóng gông cả đấy.


Viên ngoại lang ngây thơ hỏi:


- Có tội gì mà đóng gông?


Ông cử cười, hỏi lại:


- Không có gì sao lại triệu đến đây? Cả nước này không triệu ai, chỉ triệu có chúng mình.


Ông cựu tri phủ thì thào:


- Lúc nãy, tôi nghe hình như... hình như Lạng Sơn đã vỡ rồi. Trấn thủ phải chạy về ghé tạm ở Kinh Bắc. Không biết đúng như thế hay là phao ngôn. Gớm, thiên hạ bịa ra không biết bao nhiêu tin đồn nhảm. Nhiều khi vô lý không chịu được, nhưng nhiều kẻ có học vẫn sáng cả hai mắt hỏi dồn: "Thế à? Thế à?" Chỉ vì hợp với tì vị của họ mà!


Họ lục tục kéo vào khá đông, và không ai chịu ngồi vào các hàng chiếu đầu, dù những người đến muộn phải đứng, hoặc chen chúc tám, chín người trên các chiếu cuối. Quan Lễ bộ đi đến từng nhóm, từng người mời họ lên trước. Ai cũng lễ phép gật đầu. Nhưng hàng chiếu đầu vẫn trống. Có lẽ đã quen với hiện tượng ấy, quan Lễ bộ không thèm mời mọc thêm, sai lính đến cuốn bớt những chiếc chiếu trống ấy đi. Nhóm Trần Bá Lãm bất đắc dĩ trở thành hàng đầu, đối diện với sập chủ tọa.


Tiếng rì rầm trong nhà khách chỉ chấm dứt khi lễ quan lớn giọng báo có quan đại tư mã đến. Ngô Văn Sở mặc triều phục, chậm rãi đi vào, theo sau là nội hầu Phan Văn Lân và thị lang Ngô Thì Nhậm. Phan Văn Lân mặc nhung phục, còn Nhậm chỉ mặc cái áo tú tài đơn sơ. Sau khi chủ khách vái chào với nhau theo lối thông tục, Ngô Văn Sở cau mày hỏi viên lễ quan:


- Sao không có trầu cho các cụ?


Bị hỏi bất ngờ, viên lễ quan lúng túng đáp bừa:


- Bẩm... vì trầu-không độ này khó mua quá ạ!


Ngô Văn Sở tươi cười nói với mọi người.


- Thôi, các cụ chịu khó nhịn trầu cho một buổi sáng. Không, chỉ độ nửa buổi sáng mà thôi, vì tôi xuất thân ít học, cầm gươm thì thạo nhưng ăn nói thì dở lắm. Nói vài câu đã hết chuyện rồi. Do đó tôi phải nài cho được quan thị lang Ngô Thì Nhậm đi theo, để ngộ nhỡ tôi nói cộc lốc trần trụi thì có ông nghè Nhậm gia giảm thêm bớt gia vị. Nếu tôi có lỡ lời, hoặc dùng chữ không đúng phép tắc, các cụ các bác tha thứ cho nhé.


Trong nhà khách nổi lên nhiều tiếng cười nhỏ. Cử tọa chờ đón một thứ không khí nghiêm túc, căng thẳng, chứ không chờ đón cái giọng mộc mạc thân tình đó. Ngay các cụ khoa bảng ngồi ở hàng chiếu trước cũng thôi không thẳng lưng chắp tay ngay ngắn nữa. Vài người mạnh dạn rót nước trà ra chén. Ngô Văn Sở tiếp:


- Vâng. Quí cụ cứ dùng nước cho đỡ khát. Lúc chúng tôi đến đây, chúng tôi thấy các thân nhân của quí cụ, quí bác vẫn còn tụ họp lóng ngóng trước bộ Lễ. Hình như họ quá lo lắng cho quí cụ. Và tôi biết hiện quí cụ cũng băn khoăn tự hỏi: "Không biết ông Sở gọi mình lên đây làm gì?" Xin đáp ngay để các cụ rõ: đây là một cuộc hội nghị Diên Hồng thứ hai. Các cụ đã từng dự việc quan, lâu nay về ẩn cư gần gũi dân chúng, thế nào cũng hiểu rõ những điều phải làm khi nước gặp biến. Phải. Chúng ta đang gặp cơn biến nguy hiểm chưa từng thấy, lớn lao chưa từng thấy. Quân Thanh sắp tràn qua đây, các cụ biết rồi. Quân số của chúng, theo như lời phô trương, lên đến năm mươi vạn. Mấy trăm năm nay nước ta độc lập, tự dưng chúng tràn qua đây chiếm nước người, đốt phá làng xóm, vơ vét tài vật, chẳng lẽ không tìm cái cớ gì để vin hay sao? Thưa có đấy. Bọn tôn thất, cựu thần nhà Lê, trước đây đã từng là bạn đồng khoa, đồng liêu của quí cụ, chính bọn cõng rắn cắn gà nhà đó đã dắt díu nhau qua Tàu gào khóc, van xin để các quan lớn thiên triều rũ lòng thương, cất công đem quân và phu qua đây vơ vét của cải, xâm chiếm làng xóm, quê hương mình. Tôi nghe ông nghè Nhậm đây thường nhắc đến hai chữ "danh giáo", tôi còn nghe nói rằng đối với nhà nho, lẽ sống của mình là không làm nhơ danh giáo. Bọn chúng làm như vậy là đúng với danh giáo chăng, thưa quí cụ?


Cả nhà khách im lặng phăng phắc. Ngô Văn Sở nhìn khắp lượt, rồi nói tiếp bằng giọng ít gay gắt hơn:


- Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có tham vọng nhòm ngó, xâm lăng nước ta. Tôi không thuộc sử Nam, nhưng cũng nhớ lõm bõm được tên bọn cướp nước phương Bắc: bọn Tống đời Lý, bọn Nguyên Mông đời Trần, bọn Minh đời Hồ. Thời nào chúng cũng bị dân ta muôn người như một đứng lên cầm đao, cầm rựa, cầm cuốc, cầm cả guốc dép nữa, xua đuổi chúng đi. Thời trước oai dũng như thế, chẳng lẽ bây giờ gặp biến chúng ta lại hèn nhát? Quí cụ chịu khó đến đây, tức là đã trải nhiều đêm ngày suy nghĩ chín chắn và dứt khoát không theo bọn Lê Duy Án, Nguyễn Huy Túc, Nguyễn Đình Giản làm nhơ danh giáo rồi. Các cụ đứng về phía Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi. Các cụ không quen cầm gươm, nhưng các cụ có một vũ khí còn sắc bén hơn cả gươm giáo của bọn nhà võ chúng tôi, là trí óc và uy tín của các cụ. Các cụ nghĩ một khắc, bằng con nhà võ chúng tôi khổ nhọc múa kiếm một năm (có nhiều tiếng cười). Quí cụ đừng cười nhũn. Thật vậy. Có những điều tưởng là khó nhưng thật dễ. Giặc đến ta làm gì đây? Câu hỏi đó ta tưởng khó nhưng dễ trả lời lắm. Con nhà võ chúng tôi đáp liền: Đánh. Chúng đến thì đánh đuổi chúng về. Vài người nhẹ dạ không tin ta mà tin địch; nên vài hôm nữa, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh vĩ đại ở bãi sông, có đủ quân sĩ các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Sơn Tây, Hải Dương, vừa để phô trương lực lượng khiến bọn hay khóc nhè thôi làm ồn phố phường (có tiếng cười lớn), vừa để họp lực đắp lũy đất ở sông Như Nguyệt. Còn một việc khác tưởng dễ mà thực ra quá khó, bọn võ biền chúng tôi không làm nổi.


Ngô Văn Sở quay về phía Ngô Thì Nhậm nói đùa:


- Tôi đem hỏi ông nghè Nhậm. Ông Nhậm bóp trán cũng không nghĩ ra cách nào thích hợp, mới gợi ý cho tôi mời các cụ đến hỏi. Câu hỏi thế này. Quan nội hầu, cho tôi mượn tờ hịch của "thiên triều".


Phan Văn Lân cầm một tờ giấy đặt sẵn trên sập đưa đến cho quan đại tư mã. Ngô Văn Sở nói:


- Câu hỏi thế này: Theo bài hịch thì "Đại hoàng đế thương xót họ Lê tan nát, không nỡ để cho châu gieo lầm than" nên mới phải chinh nam. Tự hoàng yếu đuối, hèn nhát đã trốn đi, nhưng họ Lê còn có Sùng nhượng công làm giám quốc. Chúng ta không sợ dùng binh cách, nhưng nếu có thể dùng lý để khỏi động đến gươm đao thì vẫn hơn. Việc này thì con nhà võ chúng tôi phải khép nép rút lui để nhường cho quí cụ. Sĩ dân Bắc hà tránh được cảnh khói lửa hay không là nhờ cuộc họp mặt hôm nay. Các cụ có thể dùng tài lý luận để cản bước giặc hay không? Xin quí cụ bàn giúp cho.


Ngô Văn Sở dứt lời. Mọi người hoàn toàn im lặng. Các quan cựu triều hầu hết đều cúi mặt xuống như sợ phải thấy gánh nặng đột ngột của trách nhiệm đặt lên đôi vai hẹp của mình. Quan đại tư mã mỉm cười nhìn khắp cử tọa, nắm tay đặt chắc nịch trên mặt sập. Chờ một lúc lâu như gắng thừa hưởng niềm khiếp phục sợ hãi của bọn nhà nho thất thế, Ngô Văn Sở mới nói:


- Bây giờ tôi có chút việc cần phải đi. Vả lại, tôi nán lại đây cũng bằng thừa vì có ích gì đâu. Quí cụ bàn thảo cho kỹ với ông nghè Nhậm. Tình thế gấp lắm, không cho phép chúng ta chần chừ nữa. Kính chúc các cụ khỏe để tận mắt chứng kiến ngày tàn của bọn cướp nước.


Không ai bảo ai, mọi người cùng đứng dậy chào từ biệt Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Hai võ quan đi khỏi, đột nhiên căn nhà khách bộ lễ ồn rộ lên. Mạnh ai nấy nói, quên mất quan thị lang Ngô Thì Nhậm.


*


* *


Ngồi một mình ở góc sập chạm, nhìn cảnh xô bồ ồn ào trước mắt, Ngô Thì Nhậm cảm thấy chua chát, ngao ngán. Ông nghĩ: "Chẳng lẽ sĩ phu Bắc hà sa sút đến như thế này ư!" Ý nghĩ ấy ám ảnh ông suốt cuộc họp sau đó.


Ông không cố lấy lại uy quyền của người điều khiển, nên sau khi viên lễ quan lớn tiếng nhắc nhở mọi người giữ trật tự, dù nhiều người thiếu tự trọng tiếp tục cười đùa, Nhậm vẫn ăn nói nhỏ nhẹ chậm rãi. Ông kinh ngạc thấy trước mắt ông, các quan lại cựu triều, các nhà nho ẩn dật được nhiều tăm tiếng trong văn giới đột nhiên biến dạng. Họ trở thành những cái hình nộm múa may vụng về, nhiều khi lố lăng, kệch cỡm. Ông nhìn họ khinh thị như đang xem một màn múa rối. Có người rụt rè mở lời, nhưng càng nói càng mê chính âm vang lời mình, hứng chí phát biểu quá đà, cưỡng từ đoạt lý để thànhh trò cười cho cử tọa. Có người nói xong thì bẽn lẽn như vừa phạm tội, mặt cúi gằm, hai tay cuống quít giấu sau vạt áo the cũ. Chung quanh Ngô Thì Nhậm, người ta đua nhau tranh khéo tranh khôn. Người ta dốc hết điển tích meo mốc trong cái trí nhớ mù mờ để đắp bồi thêm cho lập luận. Ông thấy rõ các lời lẽ om sòm ấy đều vô ích. Đều giả dối. Phí thì giờ. Ông chịu đựng hội nghị như là một thứ phiền nhiễu không tránh được trong công việc. Càng về sau, số người quay ra nói chuyện riêng càng nhiều. Cuộc bàn luận nhì nhằng trở nên trò chơi chữ nghĩa giữa những tay bạo mồm và những người thích tẩn mẩn chẻ sợi tóc làm tư. Lâu lâu ông cử gàn trong nhóm Trần Bá Lãm nói được một câu dí dỏm nghịch lý, thế là cả nhà khách cười ầm, thoải mái.


Cuộc bàn luận hỗn độn cuối cùng cũng đến được một điểm cuối: tất cả các nhà nho hiện diện đều đồng ý nên soạn thảo một lá thư chung, xác nhận với nhà Thanh là sĩ dân Bắc hà đã tôn Sùng nhượng công lên làm giám quốc. Công việc nhỏ mọn còn lại là đề cử người soạn lá thư ấy. Chưa kịp nhìn quanh để tìm người đáng tín nhiệm, thì có người hỏi bấy nhiêu nhà nho có mặt đã đủ túc số đại diện tất cả sĩ dân hay không? Bắt đầu một cuộc bàn luận mới với đầy đủ các trò chơi chữ, chơi ý đốp chát hoặc ranh mãnh. Giải quyết xong vấn đề đại diện, lại có người thắc mắc về nghi thức bang giao với nước ngoài, e rằng ngoài Sùng nhượng công ra, không ai đủ chính danh để gửi thư cho triều đình Trung Quốc. Danh không chính thì ngôn không thuận v.v... và v.v... Lại tranh khéo tranh khôn om sòm về thuyết chính danh của Đức Khổng phu tử.


Gần giờ ngọ, nhờ những tay hùng biện đều mệt lả và ruột bắt đầu cồn cào, nhờ các chuyện đầu cua tai nheo cạn dần, họ mới để cho cuộc hội họp đi đến một kết quả: các văn thần Nguyễn Quí Nha, Trần Bá Lãm và văn thuộc Vũ Huy Tấn được ủy nhiệm thảo thư. Phái bộ mang lên cửa ải trao cho nhà Thanh gồm ba nhà nho nói trên, cộng thêm võ thần Nguyễn Đình Khoảng, Lê Duy Chữ, và võ thuộc Nguyễn Đăng Đàn. Chưa bao giờ Ngô Thì Nhậm xấu hổ cho nghiệp nho bằng buổi họp hôm ấy.


(1) Mai Quốc Liên dịch, Tuyển tập thơ văn Ngô Thời Nhậm, tập 2, trang 214, 215, 216.


(2) Hoàng Lê, trang 284-285


(3) Lúc Vũ Văn Nhậm đem quân ra giết Nguyễn Hữu Chỉnh


4) Dựa theo Hoàng Lê, từ trang 287-289.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom