Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 89
Chỉ mới cách nhau có hơn ba tháng mà khi gặp lại, Phan Huy Ích thấy anh vợ của mình đổi khác. Khuôn mặt Ngô Thì Nhậm ốm hơn, hai gò má nhô cao bên đôi mắt sâu. Hai nếp nhăn chạy dài từ chân sống mũi xuống hai bên hàm. Tóc trán rụng nhiều khiến cho khuôn mặt vuông vức thời trẻ biến thành hình lưỡi cày. Đôi môi hơi thâm thường mím lại khi nghe người khác nói. Những nét khắc khổ đó, Phan Huy Ích đã thấy trên gương mặt Ngô Thì Nhậm sau vụ án năm Canh Tý. Cuộc sống kham khổ và phiền muộn của mấy năm trốn nấp lao đao hằn dấu lên khuôn mặt Nhậm thật sâu, vài ba tháng chưa đủ để xóa hết được.
Nhưng chính đôi mắt Ngô Thì Nhậm đã khiến cho Phan Huy Ích bỡ ngỡ. Lúc bình thường, đôi mắt ấy hơi lờ đờ mệt mỏi gần như dại đi vì làm việc quá sức. Nhưng khi Ngô Thì Nhậm nói thì bỗng chốc vẻ mệt mỏi biến mất. Một thứ đam mê nhiệt tín ngời sáng ở đó. Ánh nhìn thách đố không nhượng bộ, liều lĩnh đến hung bạo của Nhậm làm cho Phan Huy Ích lo ngại. Ích tiếc nuối cái nhìn dịu dàng hiền hòa của người bạn học, người anh vợ, bạn đồng liêu trước đây, cái thời mỗi lần đọc thơ cho Phan Huy Ích nghe, Nhậm còn giữ nụ cười ngượng nghịu và đôi mắt rụt rè, như muốn xin lỗi trước về sự vụng dại lãng mạn của mình. Cách nói của Nhậm cũng đổi. Ông nói nhanh hơn trước, vội vã, hấp tấp như sợ không đủ thì giờ nói hết, hoặc chưa nói đủ để Phan Huy Ích hiểu mình. Quan nội hầu Phan Văn Lân vừa bước khỏi phòng, Ngô Thì Nhậm đã nói:
- Chú khỏi cần than vãn tôi cũng biết ở trong đó chú lạc loài. Chú tưởng ở đây thiên hạ dang tay chờ chú về như mẹ hiền chờ con hay sao? Không. Tôi báo trước để chú khỏi thất vọng. Các ông ấy hầu hết là con nhà võ. Ăn nói được như quan nội hầu Lân lúc nãy, thực quá sức bình sinh của họ rồi. Vả lại, thú thực với chú qua bao nhiêu biến đổi, nay tôi thích những lời bộc trực nôm na như thế hơn là những lời hoa mỹ giả dối. Chú làm việc ở đây ít lâu, chú sẽ thấy: Chúng ta lạc loài cô độc giữa bà con, anh em Bắc Hà chúng ta hơn là giữa các quan văn võ Nam Hà. Tại sao chú nhìn tôi như vậy? Chú không tin ư? Thôi được. Chú đọc hộ tôi hai lá thư của ông chú ruột chúng ta, của chú Ngô Tưởng Đạo đấy. Chú ngồi tạm lên cái ghế đẩu này. Văn phòng mới dọn nên bàn ghế còn thiếu. Chú đọc đi. Tôi sẽ tự tay pha trà ngon đãi chú, rồi còn hỏi chú nhiều việc nữa. Tin nhà, tin Phú Xuân, nhận xét của chú về dân tình dọc đường quan lộ. Ôi thôi không biết bao nhiêu chuyện quan trọng cần kíp! Chúng ta sắp chứng kiến nhiều điều ngoạn mục, tôi dám nói với chú là chưa bao giờ có trước đây và sẽ không bao giờ có sau này. Sử ký sẽ không phẳng lặng nhàm chán với những chuyện cảm mạo ho hen của các ông hoàng bà chúa. Sử quan sẽ không tiếc giấy mực cho giai đoạn sắp tới. Từng chữ, từng dòng đều ghi bằng máu. Lật một trang giấy chép sử giai đoạn này chú sẽ nghe được tiếng reo hò, tiếng súng nổ, tiếng gào thét. Nhưng thôi, tôi làm cho chú quay cuồng điên đảo mất. Hãy từ từ. Chúng ta sẽ còn nhiều thì giờ để bàn với nhau. Ngay bây giờ tôi cũng chưa có thể xếp đặt ý tưởng cho có đầu đuôi. Tôi làm việc không biết mệt, đêm ngủ ít, nhiều hôm quên cả bữa ăn. Chú thấy đấy, mắt tôi thâm quầng. Giá không phải nhận những bức thư như hai bức thư này, tôi đã có thể tự hào là sống trọn vẹn, đầy đủ, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thật đáng buồn, chú ấy còn không hiểu mình, làm sao thiên hạ... Nhưng thôi, chú đọc đi đã. Tôi đi sai chúng nó nấu nước sôi đây.
Ngô Thì Nhậm nói một thôi dài, rồi đột ngột ra khỏi phòng. Phan Huy Ích tò mò nhìn quanh căn phòng bày biện đơn sơ của Ngô Thì Nhậm: một cái chõng tre đan trải chiếu trắng, cái gối vuông cũng đan bằng mây, khay trà bằng gỗ có đặt bốn cái chén nhỏ bằng đất nung, một cái bàn vuông thấp la liệt đủ loại giấy tờ, ba cái ghế đẩu... nói chung, cách bày biện chứng tỏ chủ nhân không chú ý gì đến những tiện nghi của cuộc sống thường ngày. Sợ Nhậm trở lại sớm, Phan Huy Ích cúi xuống đọc vội hai lá thư của Ngô Tưởng Đạo. Lá thư trước đem cuộc đời của Khổng phu tử ra bàn về hai chữ "sự thế" để trách móc Ngô Thì Nhậm theo "giặc" làm hại đến danh giáo. Lá thư sau dài hơn, dẫn lời Tả Khâu Minh và Mạnh Tử để khuyên cháu nên sáng suốt phân biệt được họa phúc ở đời, cuối thư nhắc nhở Ngô Thì Nhậm phải giữ đạo hiếu, phải mở mang gầy dựng cho gia phong, đừng làm hoen ố danh dự gia đình. Lời lẽ tuy cố giữ ôn tồn chừng mực nhưng Ngô Tưởng Đạo không giấu được sự tức giận gay gắt.
Phan Huy Ích vừa đọc xong thì Ngô Thì Nhậm trở về. Thấy Ích băn khoăn, Nhậm hỏi:
- Chú đã chùn bước chưa?
Phan Huy Ích không dám nói thật cảm tưởng của mình, hỏi lại:
- Anh đã phúc đáp chưa?
Ngô Thì Nhậm chợt nhớ ra, vui mừng nói:
- Chú nhắc tôi mới nhớ. Đã viết rồi nhưng chưa gửi. Viết một lượt với lá thư gửi ông hoàng giáp Bảo triện (Trần Danh Án). Tôi viết một mạch cả hai lá thư trong vòng một đêm. Chú muốn đọc không?
Tuy hỏi thế, nhưng Ngô Thì Nhậm đã đến chỗ bàn giấy lục tìm lá thư trả lời đưa cho Phan Huy Ích. Trong lúc ích đọc, Ngô Thì Nhậm bứt rứt đi đi lại lại trong phòng, cố gắng chờ người em rể đọc xong để nói cho hết những điều dang dở.
Phan Huy Ích đọc lá thư gửi Ngô Tưởng Đạo.
"Cuối thu đầu đông, cháu nhận liên tiếp được hai lá thư của chú gửi đến dạy bảo.
Bàn về hai chữ sự thế, chú có nhắc tới thánh nhân dứt khoát đảm đương việc đóng quân ở ấp Lai, đẩy lùi ấp Phì, nhưng lại bị tuyệt lương ở đất Trần, mặc áo thường qua nước Tống, cũng không phải là điều không thể xảy ra. Ý chừng chú có điều muốn so sánh. Lời bàn này rất rõ ràng, thấu lý, cháu đã kính cẩn ghi dạ.
Thư sau bàn tới hai chữ họa phúc, cháu đã suy đi nghĩ lại, đại để trong sách các học giả đem họa phúc bàn về con người, trong đó có nhiều chỗ sai. Cháu trộm thấy Chu tử bàn về Tả truyện nói tác giả sách đó là người hiểu rõ lợi hại, thì đại khái cũng chỉ nói được những lời họa phúc lợi hại rõ ràng mà thôi. Chú lại nói rằng: Tác giả sách ấy là người thích lấy việc thành bại để đánh giá con người. Gặp lúc họ làm được điều tốt liền bảo họ là người tốt, gặp lúc họ làm điều không tốt liền bảo họ là người không tốt, chứ không phân tích được cái lý phải trái, đó là cái bệnh lớn của ông. Chú lại nói đến cái thuyết "Cong một thước để duỗi một tầm" của Mạnh tử. Nói chung, người ta làm việc phần nhiều chỉ xông vào cái lợi mà tránh cái hại, không hiểu rằng hễ có cái lợi liền có cái hại, tuy ta nắm được mười phần lợi nhưng vẫn có cái hại theo sau, không bằng hãy xét nó trên mặt nghĩa lý. Đó là thánh hiền đem họa phúc của họa phúc gác ra một bên, chỉ nhìn họa phúc trên mặt nghĩa lý mà thôi. Thí dụ như vua nhân, tôi trung, tam cương chính cửu trù thuận, thế là cái phúc của nước; cha hiền con thảo, anh kính em nhường, chồng hòa vợ thuận, thế là cái phúc của nhà. Trái những điều đó là họa. Bọn nhà nho chúng ta nên thể nhận cho rõ điều này, mới thấy được thấu suốt việc lánh họa tìm phúc. Sự mất còn nào đó, mặc cho sự gió bụi nào đó; sự sống chết tất nhiên phó cho buổi sớm tối tất nhiên, thì sự vật sẽ đều lâng lâng.
Cháu gần đây ẩn náu nơi bóng tối mới lý hội được ý ấy. Riêng nhà ta gặp vận tai ách, chú cháu, anh em đương ở lúc sợ sệt, lo âu. Kinh Thi nói: "Cầu phúc, phúc không trở lại" thật có ý vị. Những lời bàn trong thư gửi tới đều là những lời mở mang gây dựng gia phong, thật đúng là những điều cốt tử, mở rộng ra và làm cho sung túc thêm, khai mở tấm lòng thành, công bố cái đạo chung, đó là sự dạy bảo ngày nay của chú. Người đi trốn còn cái gì là quí, nhân với người thân mới quí. Đó là bài học ngày nay của cháu. Yêu người thân, kính kẻ trưởng, tĩnh tâm đọc sách, ở trong cái kiệm ước, làm sáng tỏ điều thiện, là việc làm ngày nay của các em. Gia đình lấy đấy khuyến khích nhau, thì cái phúc ở trong đó. Trong Kinh dịch quẻ Vị tế ở sau quẻ Ký tế. Thoán nói rằng: "Vị tế thì hanh thông". Cái nghĩa hanh thông này bao quát rất rộng, chớ đem cái hanh thông của Ký tế mà cho là hay hơn cái hanh thông của Vị tế.
Đó là sở kiến ngu hèn nông cạn của cháu. Kính mong chú chỉ giáo cho."(1)
Phan Huy Ích đọc xong nhưng chưa vội ngửng đầu lên. Ngô Thì Nhậm thấy hướng nhìn của em rể đã đổi, bước lại gần nôn nóng hỏi:
- Chú thấy thế nào? Điều quan trọng hơn hết là... nhưng chú đã đọc cả lá thư tôi viết gửi cho Trần Danh Án rồi chứ? Ngắn thôi, chú đọc rồi chúng ta hãy bàn. Chú uống nước đi đã.
Phan Huy Ích hớp một ngụm nước trà ướp sen, rồi cúi xuống đọc tiếp lá thư của Nhậm.
Thư trả lời hoàng giáp họ Trần ở Bảo triện:
"Tưởng ông nhớ tôi, cũng như tôi nhớ ông. Tóm lại không phải là những kẻ lìa đàn, nhưng xa nhau lâu thì nhớ nhau càng đậm. Những điều ngày nọ ông dặn cháu nói với tôi v.v... Kinh Dịch nói rằng: "Quẻ Khuê tượng trưng cho cô đơn. Thấy con lợn lấm bùn, chở một xe ma. Lúc đầu trương dây cung định bắn nó, sau lại buông dây cung ra, không phải là thù địch mà là thông gia. Khi đi gặp mưa thì tốt lành". Có lẽ người ở vào cảnh chia lìa và ngờ vực, không ai là không thế. Nhưng lòng tôi ưa "cái cung" tức là tôi đi sẽ "gặp mưa", dù kẻ khác có cái ý "ma, lợn", tôi vẫn cứ vững tâm; huống chi loài ma lợn vô hình, thì hơi đâu mà đem cái nhìn của quẻ Khuê mà nhìn nó. Đó là điều bậc đạt nhân tự nên thấu suốt. Tôi đã dặn cháu về thưa lại tất cả mọi điều. Tháng hoa lan trông ngóng, mong được gặp nhau, nhà rách thư nhàn, quét ngõ chờ đợi. Ngoài ra không nói được hết. (2)
Phan Huy Ích không chờ Nhậm hỏi, đã nói trước:
- Anh có đưa những bức thư này cho họ xem không?
Ngô Thì Nhậm ngạc nhiên hỏi:
- Đưa cho ai?
Phan Huy Ích đáp:
- Cho mấy quan đại tư mã, nội hầu.
Ngô Thì Nhậm trố mắt nhìn em rể, mãi một lúc sau mới hỏi lớn tiếng:
- Chú nói gì thế? Việc gì phải đưa.
- Anh giao thiệp với bạn bè Bắc Hà, thư từ qua lại, họ không ngờ vực ư?
Ngô Thì Nhậm bật cười, điệu khinh bạc:
- À, ra chú đã nghĩ như vậy! Tôi hiểu rồi. Tháng trước tiếp được thư chú, tôi đã thắc mắc tự hỏi không biết vì sao chú đặt bút viết được câu: Nho y phiêu đãng lữ canh sừ (áo nhà nho phiêu giạt, bạn với cày bừa - Bài Văn Khiển Cảm Tác). Phiêu đãng, lạc loài, lữ thứ, cô đơn! Chú chỉ toàn rên rỉ. Vì sao chú biết không? Vì chú cảm thấy xa lạ với họ. Vì sao chú cảm thấy xa lạ với họ? Vì chính chú thiếu lòng tự tín. Đưa những lá thư của chú Ngô Tưởng Đạo và Trần Danh Án cho họ xem, phần mình, mình đã nghĩ: "Này nhé, các ngài rộng xét cho nhé, họ viết thư chửi tôi chứ không phải liên lạc nội ứng gì đâu". Phần họ, họ sẽ nghĩ thầm: "Biết đâu hắn không giấu những lá thư khác. Nếu không tại sao hắn có vẻ bối rối thế kia". Còn đưa thư phúc đáp cho họ xem thì chắc chắn họ sẽ nghĩ tệ hơn nữa. Lòng ta ngay thẳng, chí ta bền, ta cứ tự tại thung dung mà làm những điều phải làm. Đó là phương châm của tôi.
Phan Huy Ích hơi chột dạ, chuyển sang chuyện khác:
- Ông hoàng giáp Bảo triện dám viết bằng giọng mạ l như thế sao? Ông ta sai con đến nói với anh những gì?
Ngô Thì Nhậm cười chua chát:
- Chú đoán cũng dễ thôi. Chú ở ngoài này ít lâu sẽ thấy thấm thía thế nào là cô đơn ở ngay trên quê hương mình. Ta vừa giận, vừa thương cho những kẻ mê muội đó. Biết làm sao được. Viết cho chú Đạo như thế là tận ngôn rồi. Còn đối với Trần Danh Án, chú thấy đấy, tôi thách thức. Chẳng còn bao lâu nữa lịch sử sẽ chứng tỏ cho nhà nho chúng ta thấy ai là "ma lợn". Gần kề lắm rồi. Chúng ta sắp được chứng kiến những đảo lộn dồn dập, tưng bừng, đủ để tỉnh ngộ những kẻ mê ngủ. Chiều nay dự lễ tiếp chỉ xong, tôi sẽ cho chú biết tình hình Bắc Hà hiện nay. Chú nằm đây nghỉ tạm cho khỏe đã!
* * *
- Tôi vô tâm quá. Đáng lẽ phải hỏi thăm chú xem cô và các cháu thế nào. Có được mạnh khỏe không? Chú có được ghé thăm nhà trước khi lên đây không?
Ngô Thì Nhậm vừa hỏi vừa cười bẽn lẽn, như muốn xin lỗi. Phan Huy Ích sung sướng tìm lại được nụ cười hiền hậu ngày xưa của anh vợ. Ích đáp:
- Vâng. Em có ghé ấp Tả được một buổi. (3) Các cháu vẫn mạnh. Riêng thằng thứ ba sinh năm Nhâm dần (1782), thằng Chú (Phan Huy Chú) đấy, anh còn nhớ không, nó kháu và thông minh đáo để. Em có chấm số tử vi, thấy lá số của nó giống y lá số ông nội. Chắc chắn sau này nó làm rạng rỡ được nghiệp nho chứ chẳng không.
- Còn cô thế nào?
Phan Huy Ích buồn rầu đáp:
- Nhà em độ này ốm hẳn đi. Một mình lo cho bao nhiêu miệng ăn, anh tính...
Ngô Thì Nhậm vội bảo:
- Bên tôi cũng thế. Tiếc là mình ở ngay đây mà không giúp gì được. Mọi người đều khổ. Mùa màng thất bát. Vả lại, mở miệng nói chuyện áo cơm, sao mà khó khăn. Thôi, đừng nói chuyện ấy nữa.
Rồi đột nhiên, Nhậm đổi qua giọng nghiêm nghị:
- Vương thượng đoán trước cuộc biến sẽ diễn ra ở Bắc Hà, nên gửi chú ra giúp tôi. Gần như Vương đoán trước được nét chính của tình thế. Lạ thật. Trong tờ dụ, có nói thế nào nhà Thanh cũng lấy cớ Tự hoàng trốn đi để can thiệp, hoặc cách này hay cách khác. Đúng y như vậy. Chú biết không, hiện hai đoàn cầu viện đã qua "nội địa". (4) Một đoàn đưa Hoàng thái hậu từ Cao bằng qua hiện ở Long châu, gồm đốc đồng Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh, Hoàng Ích Hiển, Nguyễn Đình Quân, Nguyễn Quốc Luyện, Nguyễn Đình Mai. Đoàn kia do Tự hoàng cử đi, gồm tham tri chính sự Lê Duy Đản và cái ông nhà nho "ma lợn" Trần Danh Án, đi qua phủ Thái Bình Quảng Tây. Lâu nay nhà Thanh vẫn nhòm ngó Nam Việt, chờ mong có cơ hội xâm lấn để biến nước Nam trở thành quận huyện của Thiên triều như thời Bắc thuộc. Có bọn tôn thất và quan lại cựu triều đại diện nhà Lê sang van xin, cầu khẩn, chắc thế nào nhà Thanh cũng chộp lấy cơ hội tốt. Cảnh núi xương sông máu không tránh khỏi.
Phan Huy Ích lo lắng hỏi:
- Đã có kế chống giữ nào chưa? Phú Xuân có biết rõ không?
Ngô Thì Nhậm cười:
- Dĩ nhiên phải có. Quan đại tư mã Ngô Văn Sở giỏi cầm quân, điều đó chú biết rồi. Ông ấy có thêm một đức quí khác là sẵn lòng nghe lời bàn luận không giống mình. Chỉ vài tháng thôi, ông ấy đã xếp đặt việc văn võ Bắc Hà đâu vào đó. Ngày nhàn rỗi, ông ấy thường cưỡi ngựa đi rong ngoài phố cho vui. Ông ấy cũng mắc cái chứng thường thấy ở con nhà võ là dễ tự đắc. Một hôm, ông ấy họp các quan ăn tiệc ở nhà hiệp nghị. Giữa tiệc, ông ấy bảo với nội hầu Lân và đô đốc Tuyết: "Chúa công đem một thành phố lớn giao phó cho ta, cũng như sai kẻ thợ may cắt cái áo gấm mà chưa tin hắn đã biết cầm kéo hay chưa. Các ông coi thử ra sao. Nếu có Tề Thiên đại thánh ở trên trời xuống, hay Diêm vương ở dưới đất lên, ta chỉ vét một mẻ lưới là hết. Huống chi cái lũ tẹp nhẹp chẳng qua chỉ để cho người ta thử gươm xem có sắc không, chứ làm được gì!" Rồi ông ấy ngoảnh lại bảo tôi: "Quan thị lang thật giỏi nghề văn mạc, không biết có quen việc cung kiếm hay không?" Tôi đáp: "Có văn thì có võ, văn võ không phải hai đường. Nhưng cổ nhân hành binh vẫn thường "tới việc mà lo" sao ngài lại cho việc binh là trò đùa mà coi thường? Tôi nghe trong bọn quan lại cựu triều chạy sang Tàu cũng có kẻ muốn dắt họ sang xâm lấn bờ cõi gây ra binh đao. Ngài đã nhận ký thác việc ngoài cửa, không khỏi có phen phải lo đến đầu bạc. Lúc ấy ngài sẽ nghĩ lại lời tôi nói hôm nay". Ông ấy cười và nói: "Khi ấy sẽ phải phiền ông làm một bài thơ để đuổi quân giặc. Nếu không được, thì túi dao bao kiếm vẫn là phận sự của con nhà võ, can chi ông phải quá lo!” (5). Nói thế nhưng ngay hôm sau, ông ấy đã mời tôi đến bàn cách mời thêm các văn thần cựu triều ra giúp việc nước.
Phan Huy ích vội hỏi:
- Anh dám nói thẳng như thế sao?
Ngô Thì Nhậm lại kinh ngạc nhìn Ích:
- Tại sao chú hỏi vậy? Đó là việc của tất cả chúng ta mà! Quân Thanh tràn qua đây thì tất cả nước Nam này trở lại cảnh lên rừng tìm ngà voi xuống biển mò ngọc trai, đâu có phân biệt Đàng Trong hay Đàng Ngoài.
Một lần nữa, Phan Huy Ích cảm thấy hổ thẹn. Cái ý định buổi trưa của Phan Huy Ích (ý định đem cảnh bẽ bàng lạc lõng của mình ở Phú Xuân tâm sự với Ngô Thì Nhậm, mong ước được chia sẻ niềm lạc loài, được cảm thông sự dùng dằng bất quyết) bây giờ ông mới thấy không thích hợp. Ông định ra đây để tìm một người cũng yếu đuối như ông để cùng dìu nhau mà đi. Phan Huy Ích lầm. Ông thấy rõ mình cách biệt Ngô Thì Nhậm không phải một tầm tay, một nhón chân, mà hàng dặm. Ông có vượt qua dặm đường nhấp nhô gai góc ấy được không?
Phan Huy ích chưa dám trả lời.
(1) Mai Quốc Liên dịch. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm tập 2, trang 220
(2) Mai Quốc Liên dịch. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm tập 2, trang 204.
(3) Làng Tả thanh oai, quê vợ của Phan Huy Ích
(4) Tức là đất Trung Quốc, theo cách nói thời đó.
(5) Hoàng Lê, trang 286, 287.
Nhưng chính đôi mắt Ngô Thì Nhậm đã khiến cho Phan Huy Ích bỡ ngỡ. Lúc bình thường, đôi mắt ấy hơi lờ đờ mệt mỏi gần như dại đi vì làm việc quá sức. Nhưng khi Ngô Thì Nhậm nói thì bỗng chốc vẻ mệt mỏi biến mất. Một thứ đam mê nhiệt tín ngời sáng ở đó. Ánh nhìn thách đố không nhượng bộ, liều lĩnh đến hung bạo của Nhậm làm cho Phan Huy Ích lo ngại. Ích tiếc nuối cái nhìn dịu dàng hiền hòa của người bạn học, người anh vợ, bạn đồng liêu trước đây, cái thời mỗi lần đọc thơ cho Phan Huy Ích nghe, Nhậm còn giữ nụ cười ngượng nghịu và đôi mắt rụt rè, như muốn xin lỗi trước về sự vụng dại lãng mạn của mình. Cách nói của Nhậm cũng đổi. Ông nói nhanh hơn trước, vội vã, hấp tấp như sợ không đủ thì giờ nói hết, hoặc chưa nói đủ để Phan Huy Ích hiểu mình. Quan nội hầu Phan Văn Lân vừa bước khỏi phòng, Ngô Thì Nhậm đã nói:
- Chú khỏi cần than vãn tôi cũng biết ở trong đó chú lạc loài. Chú tưởng ở đây thiên hạ dang tay chờ chú về như mẹ hiền chờ con hay sao? Không. Tôi báo trước để chú khỏi thất vọng. Các ông ấy hầu hết là con nhà võ. Ăn nói được như quan nội hầu Lân lúc nãy, thực quá sức bình sinh của họ rồi. Vả lại, thú thực với chú qua bao nhiêu biến đổi, nay tôi thích những lời bộc trực nôm na như thế hơn là những lời hoa mỹ giả dối. Chú làm việc ở đây ít lâu, chú sẽ thấy: Chúng ta lạc loài cô độc giữa bà con, anh em Bắc Hà chúng ta hơn là giữa các quan văn võ Nam Hà. Tại sao chú nhìn tôi như vậy? Chú không tin ư? Thôi được. Chú đọc hộ tôi hai lá thư của ông chú ruột chúng ta, của chú Ngô Tưởng Đạo đấy. Chú ngồi tạm lên cái ghế đẩu này. Văn phòng mới dọn nên bàn ghế còn thiếu. Chú đọc đi. Tôi sẽ tự tay pha trà ngon đãi chú, rồi còn hỏi chú nhiều việc nữa. Tin nhà, tin Phú Xuân, nhận xét của chú về dân tình dọc đường quan lộ. Ôi thôi không biết bao nhiêu chuyện quan trọng cần kíp! Chúng ta sắp chứng kiến nhiều điều ngoạn mục, tôi dám nói với chú là chưa bao giờ có trước đây và sẽ không bao giờ có sau này. Sử ký sẽ không phẳng lặng nhàm chán với những chuyện cảm mạo ho hen của các ông hoàng bà chúa. Sử quan sẽ không tiếc giấy mực cho giai đoạn sắp tới. Từng chữ, từng dòng đều ghi bằng máu. Lật một trang giấy chép sử giai đoạn này chú sẽ nghe được tiếng reo hò, tiếng súng nổ, tiếng gào thét. Nhưng thôi, tôi làm cho chú quay cuồng điên đảo mất. Hãy từ từ. Chúng ta sẽ còn nhiều thì giờ để bàn với nhau. Ngay bây giờ tôi cũng chưa có thể xếp đặt ý tưởng cho có đầu đuôi. Tôi làm việc không biết mệt, đêm ngủ ít, nhiều hôm quên cả bữa ăn. Chú thấy đấy, mắt tôi thâm quầng. Giá không phải nhận những bức thư như hai bức thư này, tôi đã có thể tự hào là sống trọn vẹn, đầy đủ, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thật đáng buồn, chú ấy còn không hiểu mình, làm sao thiên hạ... Nhưng thôi, chú đọc đi đã. Tôi đi sai chúng nó nấu nước sôi đây.
Ngô Thì Nhậm nói một thôi dài, rồi đột ngột ra khỏi phòng. Phan Huy Ích tò mò nhìn quanh căn phòng bày biện đơn sơ của Ngô Thì Nhậm: một cái chõng tre đan trải chiếu trắng, cái gối vuông cũng đan bằng mây, khay trà bằng gỗ có đặt bốn cái chén nhỏ bằng đất nung, một cái bàn vuông thấp la liệt đủ loại giấy tờ, ba cái ghế đẩu... nói chung, cách bày biện chứng tỏ chủ nhân không chú ý gì đến những tiện nghi của cuộc sống thường ngày. Sợ Nhậm trở lại sớm, Phan Huy Ích cúi xuống đọc vội hai lá thư của Ngô Tưởng Đạo. Lá thư trước đem cuộc đời của Khổng phu tử ra bàn về hai chữ "sự thế" để trách móc Ngô Thì Nhậm theo "giặc" làm hại đến danh giáo. Lá thư sau dài hơn, dẫn lời Tả Khâu Minh và Mạnh Tử để khuyên cháu nên sáng suốt phân biệt được họa phúc ở đời, cuối thư nhắc nhở Ngô Thì Nhậm phải giữ đạo hiếu, phải mở mang gầy dựng cho gia phong, đừng làm hoen ố danh dự gia đình. Lời lẽ tuy cố giữ ôn tồn chừng mực nhưng Ngô Tưởng Đạo không giấu được sự tức giận gay gắt.
Phan Huy Ích vừa đọc xong thì Ngô Thì Nhậm trở về. Thấy Ích băn khoăn, Nhậm hỏi:
- Chú đã chùn bước chưa?
Phan Huy Ích không dám nói thật cảm tưởng của mình, hỏi lại:
- Anh đã phúc đáp chưa?
Ngô Thì Nhậm chợt nhớ ra, vui mừng nói:
- Chú nhắc tôi mới nhớ. Đã viết rồi nhưng chưa gửi. Viết một lượt với lá thư gửi ông hoàng giáp Bảo triện (Trần Danh Án). Tôi viết một mạch cả hai lá thư trong vòng một đêm. Chú muốn đọc không?
Tuy hỏi thế, nhưng Ngô Thì Nhậm đã đến chỗ bàn giấy lục tìm lá thư trả lời đưa cho Phan Huy Ích. Trong lúc ích đọc, Ngô Thì Nhậm bứt rứt đi đi lại lại trong phòng, cố gắng chờ người em rể đọc xong để nói cho hết những điều dang dở.
Phan Huy Ích đọc lá thư gửi Ngô Tưởng Đạo.
"Cuối thu đầu đông, cháu nhận liên tiếp được hai lá thư của chú gửi đến dạy bảo.
Bàn về hai chữ sự thế, chú có nhắc tới thánh nhân dứt khoát đảm đương việc đóng quân ở ấp Lai, đẩy lùi ấp Phì, nhưng lại bị tuyệt lương ở đất Trần, mặc áo thường qua nước Tống, cũng không phải là điều không thể xảy ra. Ý chừng chú có điều muốn so sánh. Lời bàn này rất rõ ràng, thấu lý, cháu đã kính cẩn ghi dạ.
Thư sau bàn tới hai chữ họa phúc, cháu đã suy đi nghĩ lại, đại để trong sách các học giả đem họa phúc bàn về con người, trong đó có nhiều chỗ sai. Cháu trộm thấy Chu tử bàn về Tả truyện nói tác giả sách đó là người hiểu rõ lợi hại, thì đại khái cũng chỉ nói được những lời họa phúc lợi hại rõ ràng mà thôi. Chú lại nói rằng: Tác giả sách ấy là người thích lấy việc thành bại để đánh giá con người. Gặp lúc họ làm được điều tốt liền bảo họ là người tốt, gặp lúc họ làm điều không tốt liền bảo họ là người không tốt, chứ không phân tích được cái lý phải trái, đó là cái bệnh lớn của ông. Chú lại nói đến cái thuyết "Cong một thước để duỗi một tầm" của Mạnh tử. Nói chung, người ta làm việc phần nhiều chỉ xông vào cái lợi mà tránh cái hại, không hiểu rằng hễ có cái lợi liền có cái hại, tuy ta nắm được mười phần lợi nhưng vẫn có cái hại theo sau, không bằng hãy xét nó trên mặt nghĩa lý. Đó là thánh hiền đem họa phúc của họa phúc gác ra một bên, chỉ nhìn họa phúc trên mặt nghĩa lý mà thôi. Thí dụ như vua nhân, tôi trung, tam cương chính cửu trù thuận, thế là cái phúc của nước; cha hiền con thảo, anh kính em nhường, chồng hòa vợ thuận, thế là cái phúc của nhà. Trái những điều đó là họa. Bọn nhà nho chúng ta nên thể nhận cho rõ điều này, mới thấy được thấu suốt việc lánh họa tìm phúc. Sự mất còn nào đó, mặc cho sự gió bụi nào đó; sự sống chết tất nhiên phó cho buổi sớm tối tất nhiên, thì sự vật sẽ đều lâng lâng.
Cháu gần đây ẩn náu nơi bóng tối mới lý hội được ý ấy. Riêng nhà ta gặp vận tai ách, chú cháu, anh em đương ở lúc sợ sệt, lo âu. Kinh Thi nói: "Cầu phúc, phúc không trở lại" thật có ý vị. Những lời bàn trong thư gửi tới đều là những lời mở mang gây dựng gia phong, thật đúng là những điều cốt tử, mở rộng ra và làm cho sung túc thêm, khai mở tấm lòng thành, công bố cái đạo chung, đó là sự dạy bảo ngày nay của chú. Người đi trốn còn cái gì là quí, nhân với người thân mới quí. Đó là bài học ngày nay của cháu. Yêu người thân, kính kẻ trưởng, tĩnh tâm đọc sách, ở trong cái kiệm ước, làm sáng tỏ điều thiện, là việc làm ngày nay của các em. Gia đình lấy đấy khuyến khích nhau, thì cái phúc ở trong đó. Trong Kinh dịch quẻ Vị tế ở sau quẻ Ký tế. Thoán nói rằng: "Vị tế thì hanh thông". Cái nghĩa hanh thông này bao quát rất rộng, chớ đem cái hanh thông của Ký tế mà cho là hay hơn cái hanh thông của Vị tế.
Đó là sở kiến ngu hèn nông cạn của cháu. Kính mong chú chỉ giáo cho."(1)
Phan Huy Ích đọc xong nhưng chưa vội ngửng đầu lên. Ngô Thì Nhậm thấy hướng nhìn của em rể đã đổi, bước lại gần nôn nóng hỏi:
- Chú thấy thế nào? Điều quan trọng hơn hết là... nhưng chú đã đọc cả lá thư tôi viết gửi cho Trần Danh Án rồi chứ? Ngắn thôi, chú đọc rồi chúng ta hãy bàn. Chú uống nước đi đã.
Phan Huy Ích hớp một ngụm nước trà ướp sen, rồi cúi xuống đọc tiếp lá thư của Nhậm.
Thư trả lời hoàng giáp họ Trần ở Bảo triện:
"Tưởng ông nhớ tôi, cũng như tôi nhớ ông. Tóm lại không phải là những kẻ lìa đàn, nhưng xa nhau lâu thì nhớ nhau càng đậm. Những điều ngày nọ ông dặn cháu nói với tôi v.v... Kinh Dịch nói rằng: "Quẻ Khuê tượng trưng cho cô đơn. Thấy con lợn lấm bùn, chở một xe ma. Lúc đầu trương dây cung định bắn nó, sau lại buông dây cung ra, không phải là thù địch mà là thông gia. Khi đi gặp mưa thì tốt lành". Có lẽ người ở vào cảnh chia lìa và ngờ vực, không ai là không thế. Nhưng lòng tôi ưa "cái cung" tức là tôi đi sẽ "gặp mưa", dù kẻ khác có cái ý "ma, lợn", tôi vẫn cứ vững tâm; huống chi loài ma lợn vô hình, thì hơi đâu mà đem cái nhìn của quẻ Khuê mà nhìn nó. Đó là điều bậc đạt nhân tự nên thấu suốt. Tôi đã dặn cháu về thưa lại tất cả mọi điều. Tháng hoa lan trông ngóng, mong được gặp nhau, nhà rách thư nhàn, quét ngõ chờ đợi. Ngoài ra không nói được hết. (2)
Phan Huy Ích không chờ Nhậm hỏi, đã nói trước:
- Anh có đưa những bức thư này cho họ xem không?
Ngô Thì Nhậm ngạc nhiên hỏi:
- Đưa cho ai?
Phan Huy Ích đáp:
- Cho mấy quan đại tư mã, nội hầu.
Ngô Thì Nhậm trố mắt nhìn em rể, mãi một lúc sau mới hỏi lớn tiếng:
- Chú nói gì thế? Việc gì phải đưa.
- Anh giao thiệp với bạn bè Bắc Hà, thư từ qua lại, họ không ngờ vực ư?
Ngô Thì Nhậm bật cười, điệu khinh bạc:
- À, ra chú đã nghĩ như vậy! Tôi hiểu rồi. Tháng trước tiếp được thư chú, tôi đã thắc mắc tự hỏi không biết vì sao chú đặt bút viết được câu: Nho y phiêu đãng lữ canh sừ (áo nhà nho phiêu giạt, bạn với cày bừa - Bài Văn Khiển Cảm Tác). Phiêu đãng, lạc loài, lữ thứ, cô đơn! Chú chỉ toàn rên rỉ. Vì sao chú biết không? Vì chú cảm thấy xa lạ với họ. Vì sao chú cảm thấy xa lạ với họ? Vì chính chú thiếu lòng tự tín. Đưa những lá thư của chú Ngô Tưởng Đạo và Trần Danh Án cho họ xem, phần mình, mình đã nghĩ: "Này nhé, các ngài rộng xét cho nhé, họ viết thư chửi tôi chứ không phải liên lạc nội ứng gì đâu". Phần họ, họ sẽ nghĩ thầm: "Biết đâu hắn không giấu những lá thư khác. Nếu không tại sao hắn có vẻ bối rối thế kia". Còn đưa thư phúc đáp cho họ xem thì chắc chắn họ sẽ nghĩ tệ hơn nữa. Lòng ta ngay thẳng, chí ta bền, ta cứ tự tại thung dung mà làm những điều phải làm. Đó là phương châm của tôi.
Phan Huy Ích hơi chột dạ, chuyển sang chuyện khác:
- Ông hoàng giáp Bảo triện dám viết bằng giọng mạ l như thế sao? Ông ta sai con đến nói với anh những gì?
Ngô Thì Nhậm cười chua chát:
- Chú đoán cũng dễ thôi. Chú ở ngoài này ít lâu sẽ thấy thấm thía thế nào là cô đơn ở ngay trên quê hương mình. Ta vừa giận, vừa thương cho những kẻ mê muội đó. Biết làm sao được. Viết cho chú Đạo như thế là tận ngôn rồi. Còn đối với Trần Danh Án, chú thấy đấy, tôi thách thức. Chẳng còn bao lâu nữa lịch sử sẽ chứng tỏ cho nhà nho chúng ta thấy ai là "ma lợn". Gần kề lắm rồi. Chúng ta sắp được chứng kiến những đảo lộn dồn dập, tưng bừng, đủ để tỉnh ngộ những kẻ mê ngủ. Chiều nay dự lễ tiếp chỉ xong, tôi sẽ cho chú biết tình hình Bắc Hà hiện nay. Chú nằm đây nghỉ tạm cho khỏe đã!
* * *
- Tôi vô tâm quá. Đáng lẽ phải hỏi thăm chú xem cô và các cháu thế nào. Có được mạnh khỏe không? Chú có được ghé thăm nhà trước khi lên đây không?
Ngô Thì Nhậm vừa hỏi vừa cười bẽn lẽn, như muốn xin lỗi. Phan Huy Ích sung sướng tìm lại được nụ cười hiền hậu ngày xưa của anh vợ. Ích đáp:
- Vâng. Em có ghé ấp Tả được một buổi. (3) Các cháu vẫn mạnh. Riêng thằng thứ ba sinh năm Nhâm dần (1782), thằng Chú (Phan Huy Chú) đấy, anh còn nhớ không, nó kháu và thông minh đáo để. Em có chấm số tử vi, thấy lá số của nó giống y lá số ông nội. Chắc chắn sau này nó làm rạng rỡ được nghiệp nho chứ chẳng không.
- Còn cô thế nào?
Phan Huy Ích buồn rầu đáp:
- Nhà em độ này ốm hẳn đi. Một mình lo cho bao nhiêu miệng ăn, anh tính...
Ngô Thì Nhậm vội bảo:
- Bên tôi cũng thế. Tiếc là mình ở ngay đây mà không giúp gì được. Mọi người đều khổ. Mùa màng thất bát. Vả lại, mở miệng nói chuyện áo cơm, sao mà khó khăn. Thôi, đừng nói chuyện ấy nữa.
Rồi đột nhiên, Nhậm đổi qua giọng nghiêm nghị:
- Vương thượng đoán trước cuộc biến sẽ diễn ra ở Bắc Hà, nên gửi chú ra giúp tôi. Gần như Vương đoán trước được nét chính của tình thế. Lạ thật. Trong tờ dụ, có nói thế nào nhà Thanh cũng lấy cớ Tự hoàng trốn đi để can thiệp, hoặc cách này hay cách khác. Đúng y như vậy. Chú biết không, hiện hai đoàn cầu viện đã qua "nội địa". (4) Một đoàn đưa Hoàng thái hậu từ Cao bằng qua hiện ở Long châu, gồm đốc đồng Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh, Hoàng Ích Hiển, Nguyễn Đình Quân, Nguyễn Quốc Luyện, Nguyễn Đình Mai. Đoàn kia do Tự hoàng cử đi, gồm tham tri chính sự Lê Duy Đản và cái ông nhà nho "ma lợn" Trần Danh Án, đi qua phủ Thái Bình Quảng Tây. Lâu nay nhà Thanh vẫn nhòm ngó Nam Việt, chờ mong có cơ hội xâm lấn để biến nước Nam trở thành quận huyện của Thiên triều như thời Bắc thuộc. Có bọn tôn thất và quan lại cựu triều đại diện nhà Lê sang van xin, cầu khẩn, chắc thế nào nhà Thanh cũng chộp lấy cơ hội tốt. Cảnh núi xương sông máu không tránh khỏi.
Phan Huy Ích lo lắng hỏi:
- Đã có kế chống giữ nào chưa? Phú Xuân có biết rõ không?
Ngô Thì Nhậm cười:
- Dĩ nhiên phải có. Quan đại tư mã Ngô Văn Sở giỏi cầm quân, điều đó chú biết rồi. Ông ấy có thêm một đức quí khác là sẵn lòng nghe lời bàn luận không giống mình. Chỉ vài tháng thôi, ông ấy đã xếp đặt việc văn võ Bắc Hà đâu vào đó. Ngày nhàn rỗi, ông ấy thường cưỡi ngựa đi rong ngoài phố cho vui. Ông ấy cũng mắc cái chứng thường thấy ở con nhà võ là dễ tự đắc. Một hôm, ông ấy họp các quan ăn tiệc ở nhà hiệp nghị. Giữa tiệc, ông ấy bảo với nội hầu Lân và đô đốc Tuyết: "Chúa công đem một thành phố lớn giao phó cho ta, cũng như sai kẻ thợ may cắt cái áo gấm mà chưa tin hắn đã biết cầm kéo hay chưa. Các ông coi thử ra sao. Nếu có Tề Thiên đại thánh ở trên trời xuống, hay Diêm vương ở dưới đất lên, ta chỉ vét một mẻ lưới là hết. Huống chi cái lũ tẹp nhẹp chẳng qua chỉ để cho người ta thử gươm xem có sắc không, chứ làm được gì!" Rồi ông ấy ngoảnh lại bảo tôi: "Quan thị lang thật giỏi nghề văn mạc, không biết có quen việc cung kiếm hay không?" Tôi đáp: "Có văn thì có võ, văn võ không phải hai đường. Nhưng cổ nhân hành binh vẫn thường "tới việc mà lo" sao ngài lại cho việc binh là trò đùa mà coi thường? Tôi nghe trong bọn quan lại cựu triều chạy sang Tàu cũng có kẻ muốn dắt họ sang xâm lấn bờ cõi gây ra binh đao. Ngài đã nhận ký thác việc ngoài cửa, không khỏi có phen phải lo đến đầu bạc. Lúc ấy ngài sẽ nghĩ lại lời tôi nói hôm nay". Ông ấy cười và nói: "Khi ấy sẽ phải phiền ông làm một bài thơ để đuổi quân giặc. Nếu không được, thì túi dao bao kiếm vẫn là phận sự của con nhà võ, can chi ông phải quá lo!” (5). Nói thế nhưng ngay hôm sau, ông ấy đã mời tôi đến bàn cách mời thêm các văn thần cựu triều ra giúp việc nước.
Phan Huy ích vội hỏi:
- Anh dám nói thẳng như thế sao?
Ngô Thì Nhậm lại kinh ngạc nhìn Ích:
- Tại sao chú hỏi vậy? Đó là việc của tất cả chúng ta mà! Quân Thanh tràn qua đây thì tất cả nước Nam này trở lại cảnh lên rừng tìm ngà voi xuống biển mò ngọc trai, đâu có phân biệt Đàng Trong hay Đàng Ngoài.
Một lần nữa, Phan Huy Ích cảm thấy hổ thẹn. Cái ý định buổi trưa của Phan Huy Ích (ý định đem cảnh bẽ bàng lạc lõng của mình ở Phú Xuân tâm sự với Ngô Thì Nhậm, mong ước được chia sẻ niềm lạc loài, được cảm thông sự dùng dằng bất quyết) bây giờ ông mới thấy không thích hợp. Ông định ra đây để tìm một người cũng yếu đuối như ông để cùng dìu nhau mà đi. Phan Huy Ích lầm. Ông thấy rõ mình cách biệt Ngô Thì Nhậm không phải một tầm tay, một nhón chân, mà hàng dặm. Ông có vượt qua dặm đường nhấp nhô gai góc ấy được không?
Phan Huy ích chưa dám trả lời.
(1) Mai Quốc Liên dịch. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm tập 2, trang 220
(2) Mai Quốc Liên dịch. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm tập 2, trang 204.
(3) Làng Tả thanh oai, quê vợ của Phan Huy Ích
(4) Tức là đất Trung Quốc, theo cách nói thời đó.
(5) Hoàng Lê, trang 286, 287.