• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Sông Côn Mùa Lũ (2 Viewers)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 75

Xuống đến chợ Giã, mấy mẹ con An phải ở lại đấy bảy hôm vì chưa tìm được thuyền quá giang ra phía bắc. Mấy hôm đó, ruột An rối như tơ vò. Bé Thái không quen uống nước trên ghe nên bị kiết l. Thằng Phát hoang nghịch theo tụi bạn trai mới ở Thị nại đi tắm sông, câu tôm, và đánh lộn. An vừa phải chăm sóc con gái út, vừa lo đứa con trai ngỗ nghịch chết đuối, vừa phải chạy đi tìm thuyền buôn mắm ruốc xin quá giang ra Phú Xuân. Đó là chưa kể nỗi lo bị lộ tông tích. Chỉ mới mấy ngày khuôn mặt của An đã gầy xọp, mắt thâm quầng. Tóc tai, quần áo bù rối, nhàu nhò thảm não đến nỗi An sợ cả soi gương.


Cuối cùng, An tìm được một thuyền buôn chở mắm ra cửa Hội sắp khởi hành. Chị nói dối là có chồng làm lính hầu ở dinh Chàm, cả năm không được tin tức nên phải dẫn hai con ra đó để tìm. Câu chuyện thương tâm có khiến chủ thuyền hơi cảm động, nhưng sự thương hại chỉ có giới hạn. Ông ta bảo nếu cần ông sẵn sàng giúp cho mẹ con An một ít mắm để ăn độ đường. Thế thôi. An phải nhờ người chủ ghe quen biết vừa chở chị từ Qui Nhơn xuống Thị nại đưa cho ông ta một số tiền khá lớn, nhiều gấp ba lần giá tiền chuyên chở hành khách bình thường (và nói dối là do chủ ghe xuất ra để giúp đỡ mẹ con An hồi hương), chủ thuyền mới chịu. Đáng lẽ thuyền đã khởi hành sớm hơn. Nhưng đột nhiên có lệnh trên truyền xuống bảo quan giữ cảng kiểm soát gắt gao các thuyền bè ra vào Thị Nại, nên mãi đến ngày thứ bảy, vào khoảng canh ba, thuyền mới rời bến.


Đến phút chót, An còn bị hai đứa con làm khổ. Con Thái đã bớt bệnh, ăn cháo trắng và ngồi dậy được. Phân đã bớt có máu nhờ uống mấy thang thuốc gia truyền người chủ ghe bày. Nhưng tự nhiên nó nổi chướng, khóc tỉ tê đòi ở lại nếu không có chị Gái đi theo. An hết năn nỉ, dỗ dành đến la mắng, nó vẫn cứ khóc. An phát tức, thương con không nỡ đánh, chỉ dọa sẽ bỏ nó lại một mình ở Thị Nại. Con bé khóc to hơn làm phiền đến chủ nhà trọ. Thái chỉ nín khi thấy mẹ nó mếu máo, nước mắt dàn dụa. Còn thằng Phát thì nhằm đến lúc xuống thuyền lại lẻn theo bọn trẻ dân chài đốt đèn bắt cua! Chủ thuyền sợ mất một món tiền lớn, cho người đi tìm thằng Phát về. Chờ cho đến khi thuyền rời bến khá xa, An mới dám bắt thằng con trai ngỗ nghịch nằm xuống sàn thuyền, và dồn tất cả giận dữ, buồn bực vào năm ngọn roi trừng phạt. Thằng bé oằn mình đau đớn nhưng nhất định cắn răng không khóc. Chỉ có con Thái khóc thút thít vì sợ đến lượt mình và thương anh. Còn An thì đánh con xong, thấy năm vết lằn rướm máu trên mông trên lưng con, hối hận, xót xa, tủi thân, cũng bật khóc nức nở.


Thuyền chuyên buôn mắm nên ở đâu cũng rít róng hôi thối. Khoang thuyền chật, không có chỗ nào đủ rộng để nằm nghỉ lưng. Dựa vào đâu cũng bị dính mắm. Tỏ thái độ khó chịu lại sợ mất lòng chủ thuyền và vạn chài. Tình cảnh ấy kéo dài suốt hai ngày, cho đến lúc ba mẹ con không gượng được nữa dựa bừa vào vách thùng mắm mà ngủ.


Dọc đường, thường có các ghe tuần từ đất liền ra chận lại xét hỏi. Ngày nào cũng phải thưa trình khai báo hai ba bận. Lính kiểm soát hỏi kỹ gốc gác chiếc thuyền, truyền khai báo tỉ mỉ hàng hóa và số người đi theo. Rút kinh nghiệm những lần đầu bị hạch hỏi khó khăn về mấy mẹ con An, từ Quảng Ngãi trở ra, chủ thuyền nhận bừa An là vợ mình. Con Thái hiểu ngay dụng ý của chủ thuyền, nhưng thằng Phát bực dọc lắm. Mỗi lần có ghe nhỏ áp đến kiểm soát, nó sấn đến tìm cách gọi chủ thuyền là "ông ngoại" cho bõ ghét. An lườm con, sau khi lính tuần trở lại đất liền, kêu nó lại giải thích, căn dặn. Nhưng lần sau, nó vẫn cứ gọi "ông ngoại" ầm cả lên. May không ai chú ý đến trục trặc khác thường đó.


Thuyền sắp cập bến cửa Hội, thì có lệnh từ đất liền cho biết cấm ghe thuyền lớn nhỏ, bất cứ từ đâu đến, không được vào bờ. Phải tốn mấy tĩn nước mắm ngon làm quà, chủ thuyền mới được cho biết lý do: từ hôm Trung hầu Côn giết sứ bộ của Bắc Bình vương tại Trà câu (1), khắp hai phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, quan quân được lệnh của vua Thái Đức canh phòng nghiêm nhặt mặt bể và các trục lộ, đề phòng hành động trả thù của Phú Xuân. Nhất là ở đèo Hải Vân, cửa Hội và khu vực chung quanh dinh Chàm.


Cửa khẩu bị đóng. Chủ thuyền dở khóc dở cười không biết phải xử trí thế nào. An mừng rỡ, dốc hết vàng xuyến tư trang ra thương lượng để chủ thuyền bằng lòng ghé vào cửa Thuận An.


Chủ thuyền vừa tham tiền, lại vừa sợ bất trắc. Nhưng đồng tiền cuối cùng đã thắng, nhất là sau khi An giải thích:


- Bác đừng sợ. Bây giờ cháu xin thú thật với bác: cháu là vợ một viên quan thân tín của Bắc Bình vương. Hai anh em nhà vua bất hòa với nhau, nên cháu phải bỏ Qui Nhơn trốn ra Phú Xuân. Nếu cập thuyền vào cửa Thuận An mà gặp trở ngại, cháu sẽ đứng ra xin can thiệp để bác vào tận kinh thành bán số mắm này. Nhất định giá cả ngoài đó phải cao hơn ở cửa Hội. Còn nếu không lên được bờ, thì bác lại trở về chợ Giã an toàn. Bác chớ ngại. Lên được cửa Thuận thì bao nhiêu tư trang tiền bạc này cháu xin biếu bác để bù vào tiền phí tổn ra vào. Chắc cũng đủ để trang trải mọi sở phí. Bác bằng lòng nhé. Bác nhé. Bằng lòng đi cho cháu mừng. Không bao giờ cháu dám quên ơn bác.


Nhờ thế, An và hai con được vào thẳng cửa Thuận vào một buổi sáng tháng giêng năm Đinh Vị.


*


* *


Chủ thuyền vẫn phải gặp nhiều khó khăn tương xứng với số tiền bạc tư trang thu được của An. Mẹ con An được lên bờ dễ dàng, nhưng thuyền buôn mắm không được lên thẳng Phú Xuân để bán mắm. Thuyền bị giữ lại cửa Thuận, vì gốc gác Qui Nhơn của nó. Chủ thuyền và vạn chài không được lên bờ. Quan giữ khẩu còn cẩn thận gửi thêm một toán thủy binh năm người, vũ khí đầy đủ lên thuyền để canh gác, lục lọi khắp mọi chỗ. Người ta lấy cây thọc vào các thùng mắm xem có giấu khí giới trong đó không. Đồ đạc nồi niêu đem theo nấu ăn cũng bị khám xét kỹ. Nếu không sợ nước biển tràn vào dìm chết luôn cả mình, có lẽ năm người lính đó đã nạy cả những thanh gỗ ván thuyền ra để xem xét. May cho chủ thuyền, là ông đã nhanh tay giấy được số tiền bạc tư trang vừa lấy của An. Trừ đi cộng lại, ông vẫn được một món lời lớn!


Nhờ những người lính này, An biết được khái quát tình hình sôi động ở Thuận Hóa. Trong lúc Qui Nhơn nơm nớp lo âu, thì Thuận Hóa náo nức. Nét mặt người lính nào cũng hăm hở, muốn diễn biến lịch sử chóng hơn, để tham dự vào một cái gì hấp dẫn, khác thường. Thấy An khai vừa trốn tai họa từ Qui Nhơn ra, những người tân binh Thuận Hóa vây quanh chị, đua nhau hỏi:


- Trong đó có biết là ngoài này sắp vào không?


- Chắc vua anh giận lắm hỉ?


- Chúng nó để mặc cho chị trốn à?


- Trong đó biết ngoài này thiếu mắm hay sao mà cho chở ra?


- Mất công thôi! Vài hôm nữa vào đấy, còn khối! Hay là muốn đem ra làm quà cầu hòa?


- Vợ con các quan Tây Sơn ở lại ngoài này có việc gì không?


An không biết trả lời ai trước. Vả lại, chị chỉ muốn hỏi hơn là đáp. An hỏi lại:


- Các anh có biết chồng tôi hiện ở đâu không?


Vì tuổi tác An hơn hẳn các cậu lính mới Thuận Hóa, nên không ai dám đùa cợt. Họ trả lời nghiêm chỉnh, lễ phép. Họ hỏi lại An:


- Chồng chị là ai? Làm gì?


An thấy mình vô ý, nên cười chữa thẹn, đáp:


- Cha lũ trẻ đây tên Lợi, Lê Tấn Lợi. Anh ấy làm ở quân lương.


Cả bọn lắc đầu, tiếc rẻ vì không thể chỉ dẫn điều gì cho "người chị" này được. Một cậu ân cần hỏi:


- Nhưng anh ấy là người Quảng hay người Thuận Hóa như chúng tôi?


- Nhà tôi dân Qui Nhơn!


- Thế à! Nếu vậy thì chắc làm quan to rồi. ở đây không có quan to nào cả. Chỉ có bác đội trưởng là người trong ấy thôi. Chị vào hỏi, may ra bác ấy biết.


Nhưng người đội trưởng này cũng không biết Lợi. An nóng ruột quên cả giữ ý, khai tuột cả mối quan hệ thân thiết giữa Lợi và anh em Tây Sơn từ thời hàn vi. Viên đội trưởng tỏ dấu kính nể nhiều hơn, vội nói:


- Nếu vậy thì quan nhà phải làm lớn lắm. Nhất định phải làm việc trong dinh rồi. Bà nhà chịu khó về kinh hãy hỏi. ở đây toàn bọn lính mới, mũi hỉ còn chưa sạch, chúng nó không biết ất giáp gì đâu.


An vui mừng và hãnh diện, hết cả lo âu, nên yên tâm nán lại hỏi chuyện:


- ờ nhỉ, sao lúc nãy tôi thấy nhiều cậu lính trẻ thế. Có lẽ chỉ hơn thằng Phát nhà tôi vài tuổi mà thôi!


Viên đội trưởng đáp:


- Sắp có lệnh tuyển binh thêm đấy. Đàn ông từ 15 đến 60 tuổi đều phải sung quân. Có nhà từ ông nội cho đến cháu đều vào lính một lượt. (2)


An tròn xoe mắt ngạc nhiên:


- Thế à! Lại sắp đánh nhau to hay sao? Đánh ai thế?


Viên đội trưởng nhìn trước nhìn sau trước khi hạ giọng đáp:


- Ông vua anh không nghĩ đến công lao Thượng công, lại mắng nhiếc thế này thế nọ. Tôi nghe nói thế, không biết hư thực thế nào. Chị đừng nói lại với ai nhé!


An thắc mắc:


- Nhưng tại sao các cậu lính trẻ ngoài kia có vẻ náo nức thế? Họ chẳng có vẻ gì là bị ép buộc phải cầm giáo cả?


Viên đội trưởng cười:


- Chúng nó thích bay nhảy. Có đứa vừa được ra tận Thăng Long, bây giờ muốn vào Qui Nhơn, rồi vào Gia Định cho đi khắp trong nam ngoài bắc. Dân Thuận Hóa bây giờ tự thấy mình lớn lên, khỏi phải cúi đầu nép mình như trước. Nhưng, ở Qui Nhơn, bà ở đâu?


- Chúng tôi ở Bằng Châu.


- Tiếc nhỉ. Nếu bà ở Bồng Sơn tôi đã hỏi thăm được tin nhà.


- Bác ở Bồng Sơn à? Vậy bác ra đây từ hồi nào?


- Từ dạo tháng Tư năm ngoái, lúc vua anh còn thuận với Thượng công. Không biết đến lúc nào tôi mới về quê được. Tết vừa rồi mặc sức mẹ con lũ nhỏ nóng ruột. Tội nghiệp. Trong đó có lạnh không?


- Dạ, không lạnh lắm.


An bắt đầu sốt ruột, sợ viên đội trưởng con cà con kê hỏi mãi chuyện mưa nắng thời tiết, nhưng bỏ đi thì sợ mất lòng người đang có quyền. Viên đội trưởng chậc lưỡi than:


- Ngoài này lạnh quá. Đêm nằm co ro đắp hai lần chiếu vẫn cứ run cầm cập. Cái xứ gì...


An thấy hai con đứng chờ ngoài nắng quá lâu, đánh bạo nói:


- Ở đây về kinh thành đi ngã nào hở bác?


Viên đội trưởng sốt sắng đáp:


- Ngã nào chẳng được. Nhưng đường đò chóng hơn. Bà đi theo doi cát này đến phía sau xóm chài đó là gặp bến đò. Hỏi đò dọc về Phú Xuân ở đâu, vạn chài họ sẽ chỉ cho.


An bối rối, vì trong mình không còn một đồng tiền nào cả. Chị không dám thú thật điều đó, sợ viên đội trưởng làm khó dễ cho chủ thuyền mắm. An nói:


- Cảm ơn bác nhiều. Mẹ con cháu đi đây. Bác nói giúp với các quan cho phép thuyền mắm được trở vào Qui Nhơn. Mẹ con cháu quá giang ra đây biết họ lương thiện, không có ý xấu nào đâu.


An ra chỗ hai con đứng chờ, bé Thái liền hỏi:


- Có cha trong đó không mẹ?


An đáp:


- Phải đi đò lên Phú Xuân mới biết.


Thằng Phát thì hỏi:


- Có xa không mẹ? Đi bộ sao mẹ?


An lừ mắt nhìn con, trách:


- Hết cả tiền không đi bộ thì đi gì?


Nói thế nhưng chị cũng dẫn hai con ra bến đò. An tìm đến chỗ có đò xuôi lên Kinh Thành. Chị vợ chủ đò đang đay nghiến một người đi đò thiếu tiền bằng những lời lẽ tục tĩu nhất, bất chấp lời can ngăn của người chồng vạm vỡ đã khá đứng tuổi. An đâm ngại. Chị tủi thân, dẫn hai con đến ngồi thu mình ở một góc bến, băn khoăn không biết phải xoay xở thế nào. Đò đã gần đầy. Chủ đò đếm lại tiền lần chót. Người chồng đã nhổ sào, nhưng người vợ bảo chồng chịu khó chờ một chị rổi quen đã dặn chỗ trước.


An đánh bạo đem cái áo lụa đến gặp người vợ, rụt rè nói:


- Ba mẹ con chúng tôi đi đường bị cướp sạch cả tiền bạc, chỉ còn một ít quần áo. Chị cầm lấy cái này thay tiền đò lên Thành nhé!


Người vợ chủ đò xem xét cái áo lụa thật kỹ, rồi nhìn cách ăn mặc dơ dáy lôi thôi của ba mẹ con, nghi ngờ hỏi:


- Của chị đấy à?


An nhìn xuống quần áo mình, đỏ mặt nói:


- Đi đường xa quá nên trông bẩn thỉu như ăn mày. Vâng, của tôi đấy.


Người vợ lại xem kỹ cái áo lụa, giơ lên mặt trời coi có bị vá hoặc bị lỗ dán nào không. Chị có vẻ thích chiếc áo, nhưng vẫn hỏi lần nữa:


- Không phải ăn cắp của ai chứ?


An cố nén giận đáp:


- Không. Của tôi mà!


- Có gì tôi nộp chị cho quan liền đấy. Tôi ghét nhất bọn ăn cắp dối trá. Thôi. Dẫn hai đứa nhỏ xuống liền để còn nhổ sào. Chịu khó để con nhỏ ngồi trên đùi để đỡ một chỗ. Cái áo cũ chỉ xứng giá hai chỗ thôi. Sao đến giờ mà con mẹ Sửu chưa ra? Lần sau ông phải dặn trước nó. Chờ đợi thế này trễ cả buổi, làm sao chiều xuống kịp. Bà con cô bác ngồi yên nghe. Đò đầy quá, phải coi chừng. Xích lại chút nữa, chịu khó ngồi chật cho bốn người sắp xuống kia.


Khách đi đò nhao nhao phản đối:


- Còn chỗ nào nữa mà xích. Thành mắm cả rồi!


Chị chủ đò đấu dịu:


- Còn chỗ mà bà con. Coi họ chạy te te xuống kia, tội nghiệp chưa! Không cho họ xuống, lỡ cả chuyện làm ăn của họ, tội nghiệp. Chị Bảy xô cái gánh ra một chút, bác Khánh ép giùm hai vế lại. Còn cái thằng này nữa (chị ta chỉ Phát), con cái nhà ai mà ngồi dềnh dàng thế? à, con cái chị kia hả? Mày còn nhỏ, đứng lên cho người lớn ngồi. Mày đi không tiền, còn ngồi choán hết chỗ người ta!


An tức quá, giả vờ đưa nón lên che nắng để thút thít khóc. Con Thái ôm cổ mẹ, mếu máo hỏi nhỏ:


- Mẹ! Mẹ! Sao mẹ khóc?


*


* *


Đò Thuận An cập ngay bến chợ. Tấm ván bắc từ khoang đò lên bến quá mỏng, bạn hàng rổi tranh nhau lên trước để bán cá nên cầu ván quằn hẳn xuống, nhún nhẩy dễ sợ. An vừa lo ôm bọc quần áo, vừa lo dìu con bé Thái. Đến khi lên được trên bờ, chị không thấy thằng Phát đâu nữa. Chị lo lắng nhìn quanh, không thấy tăm dạng thằng con trai ngỗ nghịch đâu cả. Người đi đò đã tản hết, chiếc đò tách bến để rước khách vòng về ở chỗ khác. Hai mẹ con dáo dác nhìn quanh, một lúc sau mới thấy Phát từ trong chợ chạy ra.


An giận quá, đánh cho con một bạt tai, hỏi:


- Mày chạy đi đâu?


Phát xoa xoa lên má, giọng ráo hoảnh:


- Con xách hộ giỏ tôm cho cái bà ngồi bên cạnh.


- Láo! Ai bảo mày thày lay. Mày theo xin tiền họ phải không?


Phát mỉm cười, đôi mắt ranh mãnh:


- Con không xin tiền. Nhưng mẹ đừng lo. Con có tiền đây!


An sợ hãi hỏi:


- Mày ăn cắp của người ta phải không? Ăn cắp của ai? Nói mau!


Phát đáp:


- Con lấy lại tiền đò của con mẹ tham lam đó.


An giơ hai tay lên trời than:


- Trời ơi trời! Chưa chi mày đã giở thói xấu xa rồi!


Phát cãi:


- Người ta xấu, mình phải xấu trở lại. Mụ lấy của mẹ cái áo lụa mà còn bắt con đứng không cho ngồi. Em Thái cũng không có chỗ nữa. Mua một chỗ đò mà phải trả nguyên một cái áo lụa sao! Con lấy cái nồi đồng của mụ đem vô chợ bán được mấy quan đây!


Vừa nói, Phát vừa rút trong bọc ra 1 quan 5 tiền kẽm. An giận dữ hất tay Phát. Tiền rơi cả xuống mặt đất ướt đầy bùn hôi và rác rến. Phát cúi xuống lượm tiền, rồi lẽo đẽo theo sau mẹ và em. An đi trước không thèm nhìn lại đứa con trai. Chị chưa biết phải đi đâu, cứ nhắm mắt bước về phía trước. Chị đi qua khu chợ ồn ào, đi qua những phố hẹp có bày hai bên lề đường đủ thứ đồ đạc, nào quần áo, cơi trầu, liễn đối, ống điếu, chén bát sứ, đũa ngà, ống nhổ, nói chung là đồ đạc quí giá của các thế gia vọng tộc hiện đã thất thế, con cháu thất nghiệp phải mang ra bán để sống qua ngày. An không chú ý gì đến bao nhiêu thứ của cải quí giá ấy, thất thểu bước qua, bước qua. Đến một chỗ có nhiều hàng quán cạnh khu chợ trời, ngửi mùi nem chả nướng tỏa ra thơm lừng, bé Thái nuốt nước miếng, rụt rè hỏi mẹ:


- Mẹ! Con đói lắm!


Bây giờ An mới nhớ sau bữa cơm sáng trên thuyền mắm, mấy mẹ con chưa ăn gì cả. An ái ngại vuốt tóc con, hứa hẹn:


- Để tìm được cha thì tha hồ! Con rán thêm chút nữa.


Thằng Phát ở phía sau đi nhanh bắt kịp mẹ và em, tay cầm ba cái bánh ú. Nó đưa cho em một cái, bảo:


- Ăn đi.


Con Thái nuốt nước bọt, liếc nhìn lên mặt mẹ, sợ sệt. An đưa tay áo lên quệt nước mũi, nói nhanh:


- Anh đã cho thì ăn đi.


Thằng Phát thấy mẹ bớt giận, van lơn:


- Mẹ cũng ăn đi. Tiền của mình, chứ của ai đâu!


An lừ mắt, nhưng không gay gắt như trước. Chị bảo:


- Mẹ không đói.


Con Thái ngần ngừ, cầm cái bánh ú, định bóc bánh, nhưng sau đó, nó mím môi, nói với mẹ:


- Mẹ không ăn, con cũng không ăn.


An vội bảo hai con:


- Thôi được. Đưa đây. Ăn cho no rồi đi hỏi thăm các đồn canh thử xem cha ở đâu.


Hai đứa nhỏ mừng quá vội bóc bánh ngoạm từng miếng lớn. Chúng ăn gần hết mới thấy mẹ mới cắn vài miếng nhỏ, vừa ăn vừa nhìn mông lung phía trước phố, mặt buồn rười rượi. Con Thái lắc tay mẹ, giục:


- Mẹ ăn đi! Để con bóc bớt lá cho mẹ nhé?


An vội cắn thêm miếng nữa cho con yên tâm. Thằng Phát quăng bừa vỏ lá chuối ngay trước mặt, lấy chân dẫm lên trên, le lưỡi liếm môi ra vẻ còn thèm. Nó nhìn quanh, tìm nước uống. Nhưng thấy mẹ và em không tỏ dấu hiệu đồng tình, nó đành ngồi yên một chỗ. Phát gợi chuyện với mẹ:


- Ở đằng kia họ bán nhiều đồ sứ đẹp quá mẹ.


An trả lời cho có:


-Ừ!


- Với lại đồ đồng nữa. Thứ nào cũng sáng choang.


- Ừ!


- Con thấy mấy người lính nói giọng Quảng như mình đi mua đủ thứ. Họ có nhiều tiền ghê đi, mẹ. Con thấy một ông lôi ra một bọc lớn chừng này này. Toàn tiền là tiền. Mua khỏi cần trả giá.


- Mặc kệ người ta!


- Đồ đạc đẹp thế mà đem bán, uổng quá, mẹ há?


Con Thái lấy vạt áo mẹ chùi miệng, chen vào nói:


- Uổng gì! Không có ăn thì đem bán đong gạo chứ! Phải thế không mẹ?


- Ừ! Hai con đã ăn xong chưa?


- Xong cả rồi, mẹ!


- Bây giờ đi tìm cha thôi! Gần chạng vạng rồi!


Thằng Phát chợt nhớ, đề nghị:


- Hay ta quay lại hỏi các ông mua đồ sứ người Quảng? Họ nhiều tiền thế, chắc có quen với cha!


An bật cười vì lối suy luận nhanh gọn chính xác của con:


- Được. Mình trở lại chỗ đó đi.


*


* *


Ba mẹ con đến khoảng đường có chợ trời, thấy người ta đã lo dọn hàng ra về. Khách dạo mua đã thưa thớt hẳn. Đi quá về cuối phố, họ đến trước một tửu điếm khá lớn, có một chiếc lồng đèn ngũ sắc dán bốn chữ Đệ Nhất Tửu Lầu bằng giấy đỏ. Một nhóm khách từ trong tửu điếm đi ra, người nào mặt cũng đỏ gay, cười nói bô bô. Mấy mẹ con cắm đầu lủi thủi đi qua, thu nhỏ người lại để giấu bớt vẻ tồi tàn của mình. Đám khách vượt qua họ đi về phía cổng thành. Người đi sau cùng nói giọng Quảng, gọi với mấy người đi đầu:


- Chờ chút đã. Chuyện bàn chưa xong, về làm gì vội!


Cả ba mẹ con đều giật mình. Đúng là giọng nói của Lợi!


An chưa kịp bảo gì, Phát đã chạy nhanh đến trước mặt người khách gốc Quảng. Nó mừng rỡ kêu to:


- Cha! Đúng cha rồi! Mẹ ơi. Cha đây này.


Đúng là Lợi thật. Anh ngỡ ngàng nhìn thằng bé ăn mặc tồi tàn, hôi hám. Dù hơi say, anh vẫn còn đủ trí khôn để nhận diện con mình. Quay phía sau, Lợi tìm thêm được vợ và con gái. Lợi sững sờ, há hốc miệng không nói được gì. Những người bạn của Lợi đã đi xa. Lợi chạy lui về phía An, thảng thốt hỏi:


- An? Có đúng là em không? Trời ơi! Em ra hồi nào?


Đột nhiên, An bật khóc nức nở. Lợi lính quính dìu vợ và con gái tránh xa đường đi, sợ những kẻ tò mò chú ý. An khóc, không trả lời được. Bé Thái cũng khóc. Phát đáp thay mẹ:


- Mới xuống đò hồi nãy đó cha!


Lợi nhìn một lượt dáng điệu tồi tàn uể oải của vợ con, như chưa tin ở mắt mình, hỏi lại:


- Sao đến nông nỗi này? Có việc gì xảy ra thế?


An cố dằn cơn tủi thân, vừa thút thít vừa nói:


- Không trốn ra đây, ở trong đó cho nhà vua tống cả vào ngục sao? Anh ở ngoài này sung sướng, quên cả vợ con.


Lợi hiểu đây là lúc bất lợi nhất để biện bạch bất cứ điều gì với vợ, vội hỏi:


- Đã ăn uống gì chưa?


Phát đáp:


- Dạ đã ăn ba cái bánh ú!


Lợi hỏi vợ:


- Sao không vào dinh tìm anh ngay?


An đáp:


- Biết anh làm ở đâu mà tìm.


Rồi chị cố ý bi thảm hóa:


- Đã định tối nay tìm gầm cầu xó chợ nào đó để qua đêm, ngày mai lại ra chợ xin ăn qua ngày.


Lợi hốt hoảng:


- Thế à! Trời ơi! Bộ tiền bạc của cải bị nhà vua lấy hết cả sao? Mà làm cách nào ra được tận đây?


An đáp:


- Phải dốc hết túi ra mới xin quá giang được một chiếc ghe chở mắm. Đến Thuận an, không còn lấy một đồng kẽm rỉ.


Lợi hin hin mũi, cố đùa:


- Hèn gì từ nãy tới giờ anh ngửi thấy toàn mùi mắm ruốc. Thôi về nhà rồi hãy hay. Nhưng... nhưng không ổn rồi. Em với con ăn mặc thế này, về nhà bọn lính hầu nó thấy, sau này khó sai bảo. Anh có đến bốn thằng hầu đấy nhé. Bây giờ anh làm lớn lắm.


Mãi đến lúc đó, con Thái mới dám hỏi cha:


- Làm gì hở cha?


Lợi xoa đầu con gái, hớn hở bảo vợ:


- Em đoán thử xem! Nhưng thôi. Chờ có sắc đã. Em ra đây đúng lúc lắm.


An mau mắn trở lại thực tế trước mắt, hỏi chồng:


- Mình về ngã nào?


Lợi do dự trước khi đáp:


- Thế này nhé. Em và con đứng đây để anh chạy đi mua quần áo mới thay đã. Vào tạm cái quán nhỏ kia gọi dọn cơm chiều, xin tắm rửa sạch sẽ, một chốc thôi, anh sẽ trở lại. Nhớ nhé. Các con chờ cha một chút thôi.


Lợi nói xong, xoa đầu con Thái, âu yếm nhìn vợ, rồi tất tả chạy đi. Ba mẹ con vào cái quán Lợi chỉ, chưa kịp gọi thức ăn thì Lợi đã dẫn mấy ông bạn rượu lúc nãy trở lại. An kinh ngạc định cúi gằm mặt xuống giả vờ như không quen biết chồng thì Lợi đã bô bô giới thiệu:


- Đây là nhà tôi. Đây là hai con tôi. Các bác đã tin chưa? Ba mẹ con bị vua Tây Sơn truy nã phải thoát thân trốn ra đây! Thân tàn ma dại như thế đó. Các bác tính sao thì tính.


Rồi đến gần An, Lợi nói:


- Mình, các bác đây đều là chỗ thân tình cả. Các bác định nhờ anh giúp đỡ để đem ghe bầu vào tận Đồng nai chở gạo về "giúp" cho dân Thuận Hóa. Công việc gần xong rồi! Bác đây là...


Lợi trỏ từng người giới thiệu với An. An vừa thẹn vì vẻ xốc xếch tồi tàn của mình, lại vừa hãnh diện vì vai vế quan trọng của chồng, chị cố gắng lấy giọng kẻ cả, đoan trang nói:


- Quí ông thứ lỗi cho. Ba mẹ con trốn nạn, nên phải giả trang thế này. Phát, Thái. Con vòng tay chào các bác đi con!


Quả nhiên, bọn các lái Thuận Hóa tin ngay lời An. Họ xum xoe mời mọc mẹ con An về thăm nhà họ, đua nhau khen vẻ "thông minh, kháu khỉnh, đài các, con nhà" của hai đứa bé.


Ba mẹ con được họ trân trọng thuê võng đưa về tận cửa thành Phú Xuân, như những mệnh phụ vương tôn giả trang vi hành thăm dân trở về.


*


* *


Lợi ở tại một ngôi nhà ngói trước đây là tư dinh của tả ngoại Trương Phúc Loan. Thời họ Trịnh chiếm Phú Xuân, ngôi nhà này dành cho viên phó đốc thị ở. Do đó, sự sang trọng đã vượt quá dự tưởng của An.


Lợi đưa vợ vào nhà xong, liền quay ra đe bọn lính hầu:


- Bà đã ra rồi. Tụi bây liệu giữ mồm mép. Không được bép xép. Nghe chưa!


Bọn lính nheo mắt với nhau, gật đầu vâng dạ, Lợi quăng cho họ một túi tiền nhỏ, bảo:


- Mai uống rượu với nhau!


Trở vào nhà, Lợi thấy vợ con đã tắm rửa và thay quần áo xong. Mấy bộ quần áo mới bằng hàng Tàu do bọn các lái mua biếu đều có màu sặc sỡ. An nói:


- Em không thích những màu này. Nhưng mặc tạm vậy!


Lợi vênh mặt bảo:


- Mai bảo chúng nó mua cho thứ khác. Này. Hồi chiều em nói hớ đấy. Anh cốt dẫn chúng nó đến gặp em, để...


An cắt lời chồng:


- Biết rồi. Anh tính toán quá, quên cả thể diện vợ con.


Lợi không ngờ bị vợ trách, vội nói:


- Sao lại mất thể diện! Chúng nó phải nhìn tận mắt mới tin. Vả lại...


- Thôi, đừng nhắc chuyện ấy nữa. Chừng nào Lãng về?


- Em hỏi gì thế?


- Không phải Lãng ở chung với anh à? Em vô tình quá, mãi đến bây giờ mới nhớ tới em.


- Lãng ở trong chính dinh. Thượng công có chịu cho hắn ra ở với anh đâu. Cũng may nhờ thế mà anh còn biết trước nhiều điều để tính.


An kinh ngạc hỏi:


- Thượng công? Anh Huệ à? Nhà vua đã phong vương cho anh ấy rồi, sao còn gọi Thượng công?


Lợi trề môi, lắc đầu:


- Sắp xảy ra lôi thôi to đấy. Thượng công tự phong vương lấy, việc gì nhận tước vương của vua Thái Đức. Trong đó không nghe chuyện sứ bộ của Phú Xuân bị giết ở Trà câu à? Làm như vậy là dứt tình dứt nghĩa. Sao? Các gia đình quen biết ở Qui Nhơn đều bị quản thúc cả phải không?


- Vâng. Nếu em không lánh kịp, thì...


- Còn anh Kiên thì sao?


- Đến bây giờ anh mới nhớ đến anh ấy! Em cũng chẳng biết ra sao nữa. Trước khi trốn xuống chợ Giã, em có đến tìm, nhưng anh ấy đi vắng. Em không tiện nói với chị.


- Chắc anh ấy không việc gì đâu. Anh ấy xin nghỉ từ lâu. Nhà vua biết anh ấy vô hại. Hơn nữa, nghe đâu Đông Định vương tìm đến tận nhà thăm nom, hỏi han anh ấy luôn. Có đúng thế không?


- Vâng. Lãng có thường đến đây không anh?


- Ít lắm. Nó ghét đám bạn bè của anh. Vả lại, nó vừa đi Nghệ An về mấy hôm thôi.


- Thật à? Chuyện gì thế?


Lợi cười khì, giọng khôi hài:


- Nó đi cầu hiền. Cầu điên thì có. Không biết lão đồ Kỷ xui khôn xui dại thế nào mà Thượng công vội sai thằng Lãng đi gấp ra Nghệ tìm ông lão điên La sơn về đây làm thầy dùi. Không hiểu có mời được không? Bọn điên khùng thì lúc nào chẳng làm cao! Có thế Thượng công mới sáng mắt ra!


An nhận thấy ngay trong chỗ thân tình, giữa vợ chồng Lợi vẫn một điều Thượng công hai điều Thượng công, tránh không dám nói thẳng đến tên Nguyễn Huệ. Chị nhìn chằm chặp vào mắt chồng, lòng chua chát thất vọng. Lợi không hiểu vì sao tự nhiên vợ nhìn mình chăm chú, hỏi:


- Em sao thế?


An cười gượng, nói dối:


- Không. Em thấy hình như anh mập ra. Má phị, cổ có ngấn.


Lợi xoa má, cười sung sướng:


- Còn hình như gì nữa! ít hôm rồi em với các con cũng thế thôi. Em nghỉ cho khỏe vài hôm, rồi anh dẫn em vào ra mắt Thượng công, chắc Thượng công mừng lắm. Thượng công mà biết em ra thì...


An cau mày vì hai tiếng "Thượng công" trang trọng nơi miệng chồng, cắt lời của Lợi:


- Em có việc gì cần mà phải vào!


Lợi trố mắt nhìn An:


- Em nói gì thế? Phải rồi, em mới ra nên chưa hiểu uy thế lừng lẫy, sức mạnh vô địch của Thượng công. Cũng vì biết vậy nên anh không chịu vâng chiếu nhà vua trở về Qui Nhơn. Cả ông Bùi Đắc Tuyên cũng liều ở lại Phú Xuân. Chắc nhà vua giận phát điên lên được. Nhờ Trời em ra được đây! Lâu nay anh mất ăn mất ngủ.


- Mất ăn mất ngủ nên mập ra!


Lợi biết đã nói hớ, cười khỏa lấp:


- Không phải. Có lẽ anh hợp khí hậu Thuận Hóa. Này!


- Gì nữa?


- Em rán ra mắt công chúa.


- Để làm gì?


- Để... để (Lợi cười trước khi tiếp lời) biết lá ngọc cành vàng Bắc Hà như thế nào. Chắc Thượng công cũng muốn em gặp công chúa. Tại vì... tại vì ai có của báu lại không muốn khoe khoang.


An nhìn chồng, thương hại. Chị cảm thấy buồn vu vơ.


*


* *


Ngay sáng hôm sau, có lệnh của Thượng công cho vời An vào dinh. Lợi hí hửng đưa vợ đến thềm điện Chính tẩm, nhưng không vào với An. An ngạc nhiên hỏi chồng:


- Sao anh không vào?


Lợi đỏ mặt lúng túng đáp:


- Anh bận chút việc gấp. Vả lại, anh có được vời tới đâu.


An chau mày, nói:


- Anh không muốn vào thì thôi.


Sợ phải nghe vợ kèo nài thêm nữa, Lợi vội vã ra cổng. An đành phải theo hai người lính hầu bước lên thềm điện. Chị hồi hộp, chân líu ríu bước đến nỗi suýt vấp ngã ở bậc thềm cuối cùng. An tự bảo mình: "Không nên lo âu. Không nên tỏ ra vẻ bối rối khép nép quá đáng, anh ấy khinh cho. Dù thế nào, cũng phải giữ chút thể diện còn lại. Không biết nét mặt của mình có còn xơ xác ủ rũ quá chăng? Mình đã muốn thoa tí phấn để che bớt da mặt xanh xao đi, nhưng tại sao cứ chần chờ! Có lẽ vì chính anh Lợi cũng thúc giục mình trang điểm, nên mình bực, làm ngược lại. Chắc mình chẳng khác một mụ già nhà quê! Tóc tai bù rối này, da dẻ xanh xao này, quần áo quê mùa này, đi đứng thất thểu rụt rè này, lại sắp ăn nói ấm ớ nữa! Làm thế nào đây! Biết thế thà tìm cớ ở nhà, hẹn vài hôm nữa hãy vào. Bây giờ đã muộn rồi. Không kịp nữa! Không kịp nữa! Anh ấy sẽ thất vọng, không, tuyệt vọng vì mình thân tàn ma dại quá lắm. Anh ấy sẽ tự nhủ: An đây à? Trời hỡi! Thế mà có thời ta yêu thương nàng! Cái thời niên thiếu dại dột ngu ngơ. May chưa có nhiều người ở Phú Xuân biết mối tình cũ của ta. Nếu họ biết, thì thật đẹp mặt. An đây sao? Có phải An không? Có phải An không?"


An lo lắng đến nỗi không chú ý gì đến cảnh vật trong điện. Chị chỉ có một nỗi lo lắng. Một câu hỏi khó: Biết cư xử sao đây?


Hai người lính hầu vẫn thản nhiên bước đều đưa An vào sâu trong điện. An có cảm tưởng họ đang dẫn An đến nơi xử trảm. Đến chỗ cửa có phủ trướng gấm, hai người lính dừng lại, thì thào nói gì đó với một người hầu khác. Người này liếc về phía An, rồi mỉm cười có vẻ mừng. An nghe người đó nói:


- Thượng công chờ đã lâu. Được rồi. Để tôi rước bà vào!


Hai người lính cúi thấp vái tay chào An, rồi quay trở ra. Đúng lúc đó, An thấy Nguyễn Huệ từ phía trong hiện ra trước tấm trướng gấm. Bất giác, An lùi lại một bước. Nguyễn Huệ mỉm cười, ôn tồn hỏi:


- Không có anh Lợi cùng đi với An à?


An đỏ mặt, nghĩ nhanh: Hóa ra anh ấy vẫn như xưa. Vẫn nụ cười đó. Vẫn cái nhìn vừa trìu mến vừa khinh bạc đó. Vẫn giọng nói sang sảng chậm và chắc đó. Vẫn chéo tóc quăn phủ xuống mép trán đó, sau bao nhiêu năm! An chưa biết phải nói gì, thì Nguyễn Huệ đã bảo:


- An vào đi. Nghe anh Lợi báo tin, tôi mừng quá.


À ra thế! Lợi tìm cớ đi từ sáng sớm, là vì thế. An cảm thấy vị chát ở đầu lưỡi, hơi thở gấp, khi lặng lẽ theo Nguyễn Huệ bước vào phía trong.


Chị chóa mắt trước cách bày biện trang nhã và đơn giản của căn phòng. Màn trướng đều là gấm vàng nhạt, giữa phòng kê hai bộ tràng kỷ gỗ gụ và một cái bàn thấp bày sẵn cơi trầu và khay bạc đựng bốn chén nước trà. Khói bốc lên trên từng chén trà chứng tỏ Nguyễn Huệ vừa sai lính hầu pha trà sẵn để đón An.


Nguyễn Huệ trỏ cái tràng kỷ phía trái mời:


- An ngồi xuống đó đi. Các cháu vẫn mạnh khỏe chứ?


An cố dằn xúc động, đáp:


- Cảm ơn... cảm ơn Thượng công. Hai cháu không quen đi biển, nên...


Nguyễn Huệ cười, hỏi tiếp:


- Sao lại gọi tôi là Thượng công. Cứ xưng hô như xưa cho tiện. Nghe anh Lợi bảo ba mẹ con phải trốn lên thuyền chở mắm. Thơm lắm nhỉ. Thơm y như cây hoa gạo dạo nào!


An bật cười khi nghe Huệ nhắc kỷ niệm An Thái. Như một phép lạ, từ đó chị trở nên bình tĩnh, dạn dĩ hơn. An che miệng nói:


- May mà tìm được chiếc thuyền chở mắm ruốc ra cửa Hội, nếu không thì...


Nguyễn Huệ nghiêm mặt nói:


- Không hề gì đâu. Nhà vua nghe ông Nhật nên vội vã thế. Sau này nhà vua phải nghĩ lại. Cả Qui Nhơn xao xác vì lệnh quản thúc chứ gì?


- Vâng ạ.


- Anh Lợi kể An phải dốc hết tư trang chủ thuyền mới liều lĩnh đưa ra cửa Thuận, phải không?


An se lòng, nghe Nguyễn Huệ cứ nhắc đi nhắc lại mãi tên chồng. Chị đưa tay phải lên vuốt lại mái tóc, rồi kéo vạt áo lụa. Nguyễn Huệ không chờ An trả lời, nói tiếp:


- Chắc Lãng mừng lắm. Mấy tháng nay, hễ gặp là nhắc đến An. Tiếc là khi anh Lợi vào báo tin, Lãng đã có việc tới nhà quan Trung thư lệnh.


An nói thầm: "Lại nhắc đến Lợi! Mọi sự đã hết rồi sao? Anh ấy muốn nhắc cho mình nhớ phải không?" Một ý tưởng tò mò chợt đến. An đỏ mặt, liếc nhìn Huệ rồi cúi mặt, hỏi:


- Công chúa vẫn khỏe chứ ạ?


Nguyễn Huệ bị hỏi bất ngờ, lúng túng như người phạm tội bị bắt quả tang:


- Vâng...công chúa vẫn thường. Không...công chúa không được khỏe lắm.


An vội hỏi:


- Công chúa bị mệt?


Nguyễn Huệ càng ngượng hơn, ấp úng đáp:


- Không. Không phải bệnh. Tại vì...


nói đến đó, Nguyễn Huệ dừng lại. An cảm thấy Nguyễn Huệ muốn giấu điều gì, nên không tiện hỏi thêm. Chị xin cáo từ. Nguyễn Huệ ngập ngừng, nửa muốn giữ khách lại để hỏi thêm tin tức Qui Nhơn, nửa muốn An ra về để khỏi phải lúng túng, áy náy. Nguyễn Huệ nói:


- Chắc An còn say sóng chưa được khỏe. Hôm khác sẽ xin mời cả các cháu đến đây cho biết.


An ra về với tâm trạng hoang mang, không rõ mình đang vui hay đang buồn. Lợi đón vợ ở cửa điện lo lắng hỏi:


- Có nhớ nhắc chuyện đó không?


An quên bẵng không nhớ Lợi nhắc mình điều gì, nhưng đáp bừa:


- Có.


Lợi hân hoan hỏi thêm:


- Rồi Thượng công nói sao?


An phải tiếp tục nói dối:


- Ông ấy bảo để xem đã!


Lợi đổi ngay nét mặt, lẩm bẩm:


- Để xem đã! Lạ quá! Hay có thằng thối mồm nào chen vào rồi! Để xem đã! Này, hôm nào em phải vào gặp Công chúa mới được.


(1) Tây Sơn sử truyện, bản chữ Hán chép tay, tờ 10b.


(2) Thư Longer gửi cho Boiret 3-5-1787. (RI, XIV, 1910, trang 46.) "Ông (Nguyễn Huệ) bắt tất cả mọi người đều phải ra trận... từ 15 đến 60 tuổi".
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom