• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Sông Côn Mùa Lũ (1 Viewer)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 70

Chưa bao giờ các tin đồn đãi lại nhiều và hấp dẫn cho bằng lúc này. Dân Thăng Long cần nó hơn cơm áo. Chẳng những đàn ông trong gia đình vui buồn, hào hứng hay cau có, hoạt bát hay lầm lì tùy theo các tin đồn nghe được mỗi sáng, mà cả đến các bà nội trợ cũng bị nó quyến rũ. Ở chợ, các bà bỏ cả quang gánh để tụ nhau bàn tán. Khách qua đò ngang mải nghe quên cả chen lấn để trèo cho được lên những chuyến đò hiếm hoi. Còn ở các cửa ô thì... thôi khỏi phải nói!


Đã đến lúc người ta hết cả dè dặt. Tại sao lại phải giữ mồm giữ miệng kia chứ! Vua già đã mất rồi! Vua trẻ mới lên chưa được yên vị, lúng ta lúng túng chưa biết phải đặt chân lên con đường nào. Họ Trịnh đã đổ. Họ có sợ chăng, là sợ quan quân Tây Sơn. Nhưng mấy lúc gần đây, chính những con người thi hành công lý một cách đơn giản nhanh gọn, vô tư và nghiêm khắc này đột nhiên đổi hẳn thái độ. Họ hòa nhã, biết dè dặt trước những điều phức tạp. Biết làm ngơ trước những tật xấu nhỏ của cuộc đời. Và cũng biết hưởng thụ nữa. Các quan bắt đầu la cà ở các xóm yên hoa. Tiệc tùng rộn rã, ca nữ bắt đầu kiếm được nhiều tiền. Ai cũng biết quân Tây Sơn sắp về, và tiên đoán sẽ có nhiều xáo trộn xảy ra sau đó ở Kinh Thành. Cho nên gần như ai ai cũng cố vớt vát cho được một vài đêm vui để khỏi tiếc về sau.


Những ngày đó Lãng thường lang thang trong các phố phường Thăng Long để rán sống trọn cơ hội hiếm hoi trong đời tại cái xứ văn vật này. Anh đi thăm các thắng cảnh, đền đài, chùa miếu, la cà ở các cửa ô để hít thở không khí nao nức rộn rã trước cuộc đổi mới bất trắc của dân Bắc Hà. Vì giọng nói miền Nam, nên anh cố không nói năng gì để khỏi gây e ngại cho những người đang bàn tán. Anh chỉ nghe. Và những điều Lãng nghe được cũng thú vị lắm!


Dân Thăng Long thắc mắc nhiều nhất về nguyên do cuộc bắc du của vua Thái Đức. Họ bàn tán huyên náo về nội dung lời bố cáo:


- "Xét việc cấy gặt và coi phong tục của dân gian" ư? Vua Tây rảnh rỗi và công phu nhỉ!


- Việc cấy gặt ở Bắc Hà thì có gì phải xét. Hay ông ấy muốn ra đây học cách giữ đê?


- Trong ấy thì cần gì đê điều! Bác chỉ nói hóm! Coi phong tục dân gian thì may ra còn có lý!


- Có lý thế nào được! Qui Nhơn có trăm công nghìn việc, nào lo ổn định Thuận Hóa, nào lo đề phòng Gia Định, đã yên đâu mà cất công ra đây xem phong tục! Họ chỉ nói cho có mà thôi. Sự thực bên trong khác cơ!


- Ai chả biết thế! Nhưng khác thế nào?


- Tôi nghe nói hai vua đã gặp nhau rồi đấy.


- Ai nói thế?


- Thì còn ai nữa. Mấy quan lớn nước Tây hôm qua nghe hát ở nhà cô em họ tôi. Họ kể từ đầu chí cuối cuộc hội kiến.


- Thế đúng là vua Tây Sơn ra đây à?


- Ơ kìa, bác này ở trên trời vừa rơi xuống chắc! Từ nãy đến giờ thiên hạ nói những gì, bác lại hỏi ngớ ngẩn thế!


- Có bác ngớ ngẩn thì có.


- Này này, bác nên giữ lời một chút. Tôi nói "ngớ ngẩn" là còn nể bác, chứ nếu không, phải nói là...


- Tôi cũng thế. Tôi chê bác ngớ ngẩn là vị tình lắm đấy.


- Thôi, xin can hai ông anh. Dĩ hòa vi quí. Thời buổi này chưa khổ sở lắm hay sao mà còn làm khổ thêm cho nhau.


- Tôi nói "Thế có đúng là vua Tây Sơn ra đây không?" vì có lý riêng. Thế này nhé! Các bác đã biết mặt mũi vua Tây Sơn ngang dọc ra sao chưa? Nào, trả lời đi. Chưa phải không! Nếu chưa ai biết mặt mũi vua Tây Sơn cả, thì cái ông dẫn đầu một đám người mặt mũi hốc hác, quần áo lôi thôi đến đây hôm mồng năm chắc gì đúng là vua Thái Đức.


- Ờ nhỉ. Vua gì lại ăn mặc lôi thôi thế.


- Quân hầu của một ông vua uy thế lẫy lừng sao lại giống một đám ăn mày!


- Nhưng nếu không phải vua Tây, tại sao Hoàng thượng lại ra tận cửa ô đón tiếp. Lại có cả Thượng công nữa!


- Ấy, chính vì thế. Chính vì có quan Thượng công báo cho biết nên Hoàng thượng mới phải đích thân ra tận cửa ô tiếp rước.


- Chẳng lẽ quan Thượng công lại không biết mặt vua anh?


- Sao lại không biết. Biết mười mươi đi chứ! Nhưng ông ấy cứ vờ như không biết cái lão đóng giả vua Thái Đức là giả.


- Có lý nào!


- Ờ, làm như vậy để làm gì?


- Làm được nhiều thứ lắm. Ông ấy một thân một mình ra đây, cưới Công chúa, lập Tự hoàng, thế lực lệch cả trời đất. Nhưng ai cũng biết ông ấy đem quân ra Thuận Hóa là do lệnh của vua anh. Chiếm được Thuận Hóa rồi, thừa thắng xông ra đây cho vui. Làm thế có khác nào tự tiện lộng quyền gây việc tày trời. Là em, ông ấy phải biết sợ chứ. Và một người sắc sảo như ông ấy cũng biết Bắc hà là một chỗ không vừa gì. Sĩ phu Bắc Hà thông kim bác cổ, họ chỉ nhìn qua là biết. Họ hiểu ông ấy tự chuyên, còn chưa tự tin thì làm sao lòng người thu phục được. Cho nên ông ấy phải mời một ông vua anh giả mạo về, để bảo chúng ta thế này: "Vua Tây đã ra Thăng Long rồi đây. Các bác các chú đừng tưởng ta không có lệnh. Không được ngo ngoe tính chuyện xằng bậy đấy nhé. Ta đã ra đây thì ở luôn đây, không về đâu. Đừng có hòng!"


- Bác làm như bác ở trong áo ông Nguyên súy ấy.


- Tôi thì nghĩ khác kia. Tôi nghĩ dù ăn mặc lôi thôi, tùy tướng quân sĩ theo hầu nhếch nhác, ông ấy đúng là vua Tây Sơn.


- Tại sao thế? Vua lại ăn mặc nhếch nhác?


- Chính là vua Tây Sơn nên phải ăn mặc nhếch nhác!


- Nữa! Lại thêm một ông nói khoác!


- Im cái mồm đi. Để ông ta giãi bày xem có lý không nào. Chưa chi đã chê bai người ta.


- Tôi không nói khoác đâu. Này, các bác chắc biết là Qui Nhơn lâu nay vẫn lo đề phòng mặt Nam dữ lắm. Con cháu nhà Nguyễn chưa chết tuyệt dòng, nên thua trận tan tác đó rồi lại trỗi dậy đó. Các bác hỏi: Vua Tây vội vã ra đây làm gì? Tại sao phải ra gấp đến nỗi hình dung tiều tụy? Đơn giản lắm. Tôi nói điều này các bác không được hở môi với ai nhé. Có kín thì tôi mới nói.


Đột nhiên thấy người đang nói trở nên nghiêm trọng, lo âu, mọi người bị tò mò và cái thú nguy hiểm hấp dẫn, càng nhích lại gần hơn, thì thào bảo nhau:


- Phải. Nên kín miệng để bác ấy khỏi ngại.


- Chúng tôi đều là người đứng đắn cả. Không phải hạng bép xép ba hoa đâu. Bác chớ ngại.


- Thế thì tôi xin nói. Nhưng các bác có hứa kín đáo không?


- Hứa. Hứa tất. Nói đi.


- Này nhé. Tôi e không khéo thành Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn đánh vỡ rồi, vua anh mới vội vã chạy ra đây như thế.


- Ờ nhỉ! Có thế mà mình cũng không nghĩ ra.


- Dám lắm! Bác nói có lý hơn cái ông hồi nãy.


- Thế thì anh em họ ở luôn lại Thăng Long rồi. Liệu lo học chữ Nôm thôi!


- Sao thế?


- Vì tôi nghe nói họ rất sính Nôm.


- Nôm na là cha mách qué. Quí gì cái thứ đó mà học! Thèm vào!


- Rồi tới lúc bác phải học vội học vàng cho xem.


Lãng nghe các thầy đồ gàn dở bàn tán với nhau, vừa tức cười vừa tức giận, nhưng anh không thể chen vào câu chuyện được. Cái giọng Qui Nhơn lạ tai sẽ tố cáo anh là dân Đàng Trong. Cho nên Lãng bỏ đi.


*


* *


Họ có về thực không? Nếu có về thì chừng nào?


Đó là hai câu hỏi cửa miệng của dân Thăng Long, từ vua Lê cho đến anh chèo đò trên sông Phú lương.


Trong hai câu hỏi đó, câu thứ nhất là chính. Và đối với câu hỏi chính yếu quan trọng này, mỗi người tự trả lời theo ước vọng, thân thế của mình. Đa số dân nghèo thì muốn Tây Sơn ở lại. Lý do? Dễ hiểu. Triều đại nào thì họ cũng phải làm vã mồ hôi thì mới có chút gì bỏ vào miệng. Nhưng dưới triều vua Lê chúa Trịnh, họ đã được hưởng quá nhiều nhục nhằn cay đắng rồi. Một lớp là bọn tham quan. Một lớp là bọn lính Tam phủ. Dân nghèo hởi lòng hởi dạ khi thấy cái ách tưởng phải mang đến nghìn đời, đột nhiên, một sáng một tối, gẫy vỡ như một thân cây mục. Có thế chứ! Chẳng lẽ Trời Xanh không có mắt! Nhất định là trong đại nội Trung hòa (cung vua Lê) và phủ Chúa sẽ có một người nào khác ngồi thay, một người mặc áo gấm chứ không phải dân áo chàm như họ. Nhưng ít ra họ còn có một niềm tin, một hy vọng: là cái ông áo gấm mới này sẽ khác mấy ông cũ. Nhất là theo những điều họ nghe phong thanh, thì anh em Tây Sơn cũng xuất thân dân nghèo như họ. Kẻ bắc người nam, nhưng họ chia sẻ niềm hãnh diện dân đen với phong trào Tây Sơn tận xứ Qui Nhơn xa xôi. Có thế chứ! Chẳng lẽ chỉ có những kẻ sinh ra trong bọc gấm mới có thể ngồi trên thiên hạ được sao? Nếu thế thì trời sinh dân nghèo ra làm gì? Nghĩ như vậy, nên đa số dân nghèo ước mong Tây Sơn ở lại.


Lớp vương công, tôn thất và bọn quan lại triều cũ, dĩ nhiên, là mong quân Tây Sơn rút về Nam. Nhất là dòng họ và tay chân của nhà Trịnh. Họ thấy trước nhà Lê không có chỗ dựa nào khác ngoài sự hiện diện của Tây Sơn tại Thăng Long. Tây Sơn đi, vua Lê lại phải cần đến phủ Chúa. Cho nên chưa gì họ đã lén chiêu tập tay chân, cất giữ gươm giáo để, hễ Tây Sơn đi khỏi, là tìm một người dòng họ Trịnh mà phù để lót đường công danh. Tây Sơn còn ở lâu, hy vọng của họ càng mòn mõi. Chính họ là những người mạnh miệng hơn ai hết để bênh vực vua Thái Đức ở các cuộc bàn tán: họ cương quyết bảo Qui Nhơn rất vững, vua Thái Đức rất hiểu biết, những lời nhà vua nhắn nhủ các quan triều là rất chân thành, và chẳng bao lâu nữa, có thể đêm nay, hoặc đêm mai, Tây Sơn sẽ rút khỏi Thăng Long. Những người có cảm tình với họ Lê cũng mong Tây Sơn rút về, nhưng rút chầm chậm, để nhà vua trẻ thiếu kinh nghiệm có thì giờ chiêu mộ quân sĩ, tạo thanh thế để đứng một mình, không cần đến họ Trịnh.


Người bị câu hỏi thứ hai (lúc nào Tây Sơn rút về) dày vò nhiều nhất, là Nguyễn Hữu Chỉnh.


Dù cố gắng hết sức, Chỉnh vẫn không thể biết lúc nào hai anh em Tây Sơn về Nam.


Nguyễn Hữu Chỉnh thấy rõ là cả nhà vua lẫn Thượng công không tin mình. Vua Thái Đức ra Bắc đã năm ngày, mà các cuộc họp quan trọng của Tây Sơn không có Chỉnh dự. Chỉnh biết chắc chắn có những cuộc họp đó, vì Tả quân Nhậm đã cố ý cho Chỉnh biết tin đã có những cuộc họp ấy. Họ đã bàn những gì? Số phận mình ra sao? Hữu quân biết nếu không có anh em Tây Sơn thì mình khó lòng ở lại với dân Bắc Hà. Đây là một vấn đề sinh tử. Vì vậy, Hữu quân tìm mọi cơ hội xin gặp vua Thái Đức, để dò cho được ý định của nhà vua.


(1) Sau bữa hội kiến với vua Lê, một hôm Nguyễn Nhạc bảo Chỉnh xem ngày để mình vào Thái miếu làm lễ. Chỉnh xin chờ đến sau Tết Trung thu, vua Thái Đức bằng lòng. Chỉnh vin vào đó, tin rằng thế nào nhà vua cũng ở lại đây đến sau Rằm tháng Tám.


Hôm khác, nhân nói chuyện hôn nhân, nhà vua đùa cợt bảo Chỉnh:


- Chú Tám ra đây, ngươi làm mối cho người vợ đẹp. Còn ta thì không.


Nguyễn Hữu Chỉnh thưa:


- Chỉ sợ Thánh thượng chê gái Bắc Hà quê mùa mà thôi. Nếu như Thánh thượng rộng lượng bao dung, điều ấy cũng không khó.


Nhà vua cười:


- Thế thì ngươi còn nợ ta đấy. Phải trả mau đi!


Một lần nữa, Chỉnh thấy lời lẽ vua Thái Đức có vẻ nhàn hạ, nên yên lòng xin lui về.


*


* *


Vì lệnh cấm đi lại ban đêm rất nghiêm, nên các quán rượu và ca lâu phải mở vào ban ngày, khách đến đông nhất vào buổi chiều, hầu hết là quân lính Tây Sơn và bọn các lái bắt đầu mon men vãi tiền ra chiêu đãi các quan Tây Sơn để xin các đặc quyền mua bán. Lính trơn thì đến các quán rượu xập xệ cất ghé vào bờ thành, hoặc các quán ăn mở trong các nhà thế gia gặp vận rủi trong bao cuộc thăng trầm trước đó, chủ nhà bỏ đi lánh nạn, con cháu hoặc tôi tớ ở lại mở quán làm kế mưu sinh. Các quan Tây Sơn dĩ nhiên phải đến các tửu quán sang trọng, kín đáo hơn, có ca nữ hoặc phường chèo giúp vui. Giá một bữa rượu có nghe hát lên thật cao, nhưng các quan khỏi phải mất công móc hầu bao. Đã có bọn các lái chịu hết mọi phí tổn.


Quán thường mở cửa vào giờ Ngọ vì suốt buổi sáng, quân lính Tây Sơn không được ra khỏi trại. Đầu giờ Dậu phải lo sửa soạn đóng cửa: hễ đúng giữa giờ Dậu, lúc trời bắt đầu chập choạng là trống thu quân ở các trại đồng loạt đổ liên hồi. Lúc đó, khung cảnh Kinh thành xao xác chẳng khác nào cảnh đê vỡ: chợ tan nhanh, những bà nội trợ tất tả chạy vội về nhà, cửa liếp trên các phố khép mắt, những anh lính Tây Sơn dìu vội người bạn say cho về kịp khi cửa trại còn để ngỏ, chuyến đò ngang cuối cùng tách bến. Tất cả đều cuống quít hối hả như những con gà con tìm nhanh một xó tối lúc chạng vạng, mọi chuyện chưa xong hãy để đến lúc chen chúc trong tổ ấm hãy rủ rỉ tỉ tê hoặc cằn nhằn dằn vặt lẫn nhau. Cuộc vui, nhất là các tiệc rượu có ca nhi, trong cảnh trời sáng nắng gắt thật nghịch thường. Hơi rượu say, mồ hôi vã ra ướt hết quần áo (vì thường thường chủ quán đóng hết cửa lại thắp nến để tạo không khí ban đêm), cho nên ai nấy đều có cảm tưởng bẽ bàng nôn nao do ý nghĩ đây là cuộc vui cuối.


Hôm ấy, Lợi được một bọn các lái mời dự tiệc rượu sang trọng trong một ca lâu bên cạnh hồ Giám. Đi với Lợi có thêm vài quan Tây Sơn lo việc quân lương, và hai vị tướng có phận sự kiểm soát các ngả ra vào Thăng Long. Tất cả đều là bạn quen biết cũ với nhau, nên không ai phải e dè giữ gìn với ai. Bọn các lái đứng ra tổ chức tiệc rượu báo trước chiều nay có một ca nữ vốn là cung nhân trong đội nữ nhạc phủ Chúa đến hầu đàn Nguyễn. Lợi chẳng biết đàn Nguyễn là đàn gì, nhưng nghe nói những bản đàn nàng gảy vốn là những khúc tấu trong nội phủ cho bậc vương giả nghe, dân gian chưa ai được hân hạnh, nên hăm hở chờ đợi.


Chủ quán báo cho quan khách biết đến giờ Thân nàng ca nữ mới tới nên câu chuyện trên tiệc rượu cứ dùng dằng rời rạc vì chờ đợi. Bọn các lái tìm mọi cách hướng vào chuyện làm ăn, các quan Tây Sơn thì chỉ muốn biết trước thân thế của ca nữ. Dĩ nhiên kẻ bỏ tiền đều là người từng có nhiều kinh nghiệm thù tiếp và luồn lọt lấy lòng các quan, bất cứ là quan lại thời nào, nên chuyện làm ăn trong hơi men tiến triển dễ dàng. Lời đối đáp như lửng lơ, nhưng thực ra, mỗi lời đều có sức nặng của những túi gấm chứa nghìn quan.


- Gớm, bẩm quí quan, chúng tôi có đặt trước cả nửa tháng mà tiệc rượu hôm nay vẫn chưa được như ý đấy ạ. Xin trình trước để quí ngài thứ lỗi cho. Rượu chưa được là thứ hảo hạng...


- Không. Ta thấy rượu ngon đấy chứ. Rượu nồng, uống xong thật lâu vị ngon ngót vẫn cứ lan man ở cổ họng. Bác có thấy thế không?


- Vâng. Ngon. Ngon lắm. Hình như không phải rượu ta thì phải!


- Dạ. Chúng tôi đâu dám vô lễ đến nỗi đem rượu ta ra mời quí quan. Rượu Tàu bán ở phố Hiến, vâng, đúng là rượu Tàu. Giá mỗi hũ da lươn nhỏ thế này là... mà thôi, tiền bạc có đáng gì, đáng nói là cái hậu tình của chúng tôi đối với quí ngài. Ông bạn đây phải mất cả tháng mới tìm ra mấy hũ ở phố Hiến. Vâng, phố Hiến thủ phủ của trấn Sơn nam đấy. Xin lỗi tôi mải nói chuyện rượu quên mất chuyện chính. Lúc nãy tôi bảo tiệc không được như ý, ngoài rượu ra, còn chuyện đồ nhắm nữa. Nhà hàng trễ mất chuyến đò sớm, nên thịt mua không được tươi. Thịt bê phải lấy lúc còn nóng hổi thì mới ngon. Đằng này... chú lái đò mới ra nghề lại tưởng quí quan... Tôi nói điều này không biết có sai trái gì không ạ?


- Ông cứ nói đi. Ở đây anh em với nhau cả. Nếu có sai thì đổ diệt cho thần men. Ha ha...


- Các ngài đã cho phép, tôi mới dám. Số là từ mười hôm nay, mỗi đêm cứ đến canh một, trong trại quân của quí ngài lại nổi chiêng trống vang trời. Sang canh hai chỉ còn thưa thớt vài tiếng, từ canh ba trở đi tuyệt nhiên không có tiếng nào. Chúng tôi quen rồi, biết đầu hôm quí ngài cho đánh chiêng trống cho vui, đến gần khuya thì bớt đi cho dân Kinh thành được yên ngủ. Đấy là quí ngài thương đến cả giấc ngủ của con dân mới cư xử tế nhị thế. Nhưng chú lái đò lại tưởng... lại tưởng...


- Việc gì mà ngại. Chú ta tưởng chúng tôi thế nào?


- Chú ấy tưởng quí ngài đã về Nam rồi, sợ Kinh thành hỗn loạn làm khổ lây đến chiếc đò của chú. Nghe đâu lần trước nhiều người chen lên đò chú ta nên đò chìm, nan đò rách, chú ấy tốn khối tiền mới vừa tu bổ được. Chú ấy dè dặt, chờ trời thật sáng xem có động tịnh gì không mới cho đò vào bến. Thế là hàng rượu trễ mất một bữa thịt ngon. Thịt bê cắt lúc mới lấy huyết xong đem ướp gia vị, ăn mới thật ngọt.


- Ông yên chí. Chúng tôi chưa vội về đâu. Vua chúng tôi chưa xem hết được cách cấy gặt và phong tục Bắc Hà, về thế nào được. Chuyện gì các ông đang tính, hãy yên lòng tính tiếp.


- Vâng. Chúng tôi cũng mong thế. Nhưng... buôn bán trong thời loạn cũng giống như gái lấy chồng khờ, chẳng biết thế nào mà đoán trước được. Ngại lắm.


- Các ông ngại gì nào?


- Dạ linh tinh đủ thứ không biết nói thế nào cho hết. Nói ra lại sợ các ngài cho là lắm lời, tiệc rượu mất vui đi.


- Thì ông cứ nói cho biết, xem chúng tôi có giúp được gì không. Uống với nhau một chén rượu đã thành người tri kỷ. Huống chi các ông với anh Lợi đây không phải là người xa lạ.


- Hay là... để chốc nữa nghe hát xong hãy hay!


- Cô ấy chừng nào tới?


- Dạ khoảng giờ Thân.


- Giờ Dậu chúng tôi phải về trại rồi. Không kịp đâu. Ông cứ nói ngay, xem chúng tôi ở đây có ai giúp được gì không? Đã bảo chớ ngại gì cả.


- Dạ, quí ngài đã truyền thì chúng tôi không dám không vâng. Số là...


Và chuyện thỏa thuận với nhau để các trạm kiểm soát cho phép các lái chuyên chở hàng hóa, lương thực từ các ngả về Thăng Long dễ dàng, không khám xét rắc rối, không đòi hỏi giấy tờ phức tạp, không dỡ hàng xuống để tìm vũ khí bất hợp pháp, không nại giờ sớm giờ trễ... đã hoàn tất chóng vánh trước khi cuộc đàn ca bắt đầu.


*


* *


Nàng ca nữ người thấp, má bầu, trán giô, mặt gãy, không đẹp lắm, nhưng nước da trắng, lại khéo trang điểm nên hàng lông mày cong thanh nhã, má dồi phấn hồng mởn như cánh hoa đào. Nàng mặc áo hồng, quần sắc túy, hơn hớn có bề phong tao. Ánh bạch lạp chiếu lên đôi mắt ướt lóng lánh vừa đa tình vừa có vẻ khinh bạc. Gian phòng kín cửa nóng bức, tuy có một cô hầu nhỏ theo quạt nhưng mồ hôi rướm ra da mặt, càng làm cho các quan Tây Sơn có cảm giác như đang ngắm một cánh hoa vừa nở trong sương sớm, giọt móc còn đọng trên từng đài hoa mầu phơn phớt hồng. (2)


Lợi thấy cây đàn Nguyễn cô mang đến chỉ là cái đàn Nguyệt mà thôi. Vì sao gọi là đàn Nguyễn thì Lợi không dám hỏi vì sợ dân Bắc Hà chê anh dốt. Nàng ca nữ ngồi ở góc chiếu, ôm cái đàn Nguyễn trước ngực, mắt nhìn chếch lên trần nhà mơ màng như muốn quên hết cái cảnh rượu thịt và lũ ngu phu trước mặt. Nàng ôm đàn lặng lẽ như thế thật lâu. Khách nghe không ai dám thở, chú ý quan sát thái độ lắng đọng thần thánh của nàng.


Rồi đến lúc mọi người mất kiên nhẫn, nàng bắt đầu dạo đàn. Không có khiếu thẩm âm như Lợi mà cũng bị tiếng đàn cuốn hút. Những ngón tay trắng nuột buông bắt thoăn thoắt trên phím đàn, khi khoan khi nhặt, lúc thong thả, lúc hối hả dồn dập. Tiếng trầm thì chậm rãi, ơ hờ, tiếng trước buông ra loang động dài lâu rồi tiếng sau mới tiếp nối. Tiếng thanh thì vút lên cao trong lúc ca nữ nhắm nghiền đôi mắt, khuôn mặt ươn ướt mồ hôi ngửng cao như cố với lên, với cao lên nữa, cho bay kịp theo âm thanh chót vót. Dáng ngồi, mấy ngón tay trên phím đàn, đôi môi hở để lộ hàm răng ngọc hay mím lại cố gắng, hơi thở theo nhịp tấu, cách cúi xuống hay ngửng mặt lên, đôi mắt long lanh đam mê hay khép lại, tất cả đều trở thành nhạc. Chỉ còn là nhạc, không còn là hình, sắc, là rượu, là hơi nóng ngột ngạt. Không còn tốt xấu, chủ khách, phải trái, bắc nam. Không còn toan tính lời lỗ. Không còn giờ, khắc, ngày đêm. Không còn gì! Không còn ai! Chỉ có nhạc! Nhạc! Nhạc!


Và khi ca nữ trườn người tới trước, mấy ngón tay bấm mạnh vào phím đàn gần đến bật máu, đôi mắt hốt hoảng mở lớn như chới với tuyệt vọng trước phút cuối khủng khiếp, mồ hôi vã ra chân tóc quần áo, và mấy ngón tay phải lướt mạnh trên mấy dây đàn để phát âm cuối cùng, thì mọi người đều giật mình, bàng hoàng xúc động như vừa đi qua một giấc mộng kỳ thú.


Cử tọa đua nhau khen ngợi, tiền thưởng quăng đầy khắp chỗ nàng ngồi. Nàng ngồi đó, cây đàn vẫn ôm trước ngực, mỉm cười nhìn khắp mọi người như lần đầu gặp những kẻ phàm tục xa lạ đáng khinh bỉ.


Lợi hứng chí rót đầy một chén rượu đến mời nàng. Ca nữ không chối từ. Rồi lần lượt các quan Tây Sơn rót rượu đưa đến. Nàng lại không chối từ ai. Chén nào cũng uống cạn, và uống rất khéo. Không một giọt rượu vụng tràn ra khóe miệng. Càng uống da nàng càng hồng, và cái nhìn càng long lanh một vẻ thách đố khinh bạc. Lợi van nài hỏi tên. Nàng không đáp, chỉ bảo mình có duyên nợ với đàn hát nên cứ gọi là cô Cầm. Các quan Tây Sơn khác, người hỏi một câu, cô Cầm nhìn thẳng vào mặt từng người trả lời một cách dí dỏm và sâu sắc. Nếu không có Lãng đến tìm Lợi, chắc cả bọn không ai ngờ là trống thu quân đã đổ từ lâu rồi!


*


* *


Lãng cằn nhằn với anh rể:


- Tìm anh khắp cả. Chúng nó bảo anh đi uống rượu, nhưng biết quán rượu nào mà tìm. Sau có một đứa bảo gần hồ Giám có một ca lâu vừa mới mở, các quan Tây Sơn thường đến đó lắm. Em cứ liều đến đây thử xem, trong lòng nghĩ anh công sức đâu đi xa như vậy. Ai ngờ...


Lợi liến láu nói để che lấp ngượng ngùng:


- Bậy quá. Vì quá nể mới vậy. Họ van nài mãi, chẳng lẽ không đến. Trống thu quân điểm từ lâu rồi à? Ngồi chỗ kín bên trong thắp bạch lạp, nên không biết bên ngoài trời hay trăng. Phiền Lãng nhỉ. Đi có mệt không. Từ phủ đến đây đâu có xa lắm. Sao không dùng ngựa? Hôm nay không có Lãng, tiếc quá! Anh chưa bao giờ nghe được những khúc nhạc tuyệt vời như vậy. Cung nữ của đội nữ nhạc trong Vương phủ có khác. Đúng lý ngoài việc tìm biết nhân tài Bắc Hà, mình cũng nên tìm cách thu dụng các ca nữ ngày trước đàn ca trong Vương phủ. Bỏ họ, là phí của trời. Tiếc quá. Nếu Lãng đến sớm một chút... Giọng Lãng gay gắt:


- Thượng công sai tìm anh gấp.


Lợi bắt đầu lo sợ:


- Chuyện gì thế?


- Không biết.


- Thượng công hay Hoàng thượng?


- Thượng công. Hoàng thượng bận tiếp ông Chỉnh.


- Ủa! Hoàng thượng cho vời Hữu quân đến từ sáng mà!


- Vâng. Từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy ông Chỉnh về. Không biết có việc gì gấp mà không ai được đến gần điện Chánh tẩm cả.


- Thế à? Có Thượng công dự bàn không?


- Không.


- Thế Lãng gặp Thượng công ở đâu mà Thượng công truyền đi tìm anh?


- Thượng công đi tuần tra khắp các trại. Anh Lợi này!


- Gì thế Lãng?


- Hình như...


- Hình như gì? Sao đang nói, Lãng lại im?


- Có lẽ ta sắp rút quân đấy.


Lợi giật mình ngưng bước, trố mắt nhìn Lãng:


- Ai bảo thế? Thượng công à?


- Không. Nhưng thấy có lệnh thu quân gấp, và lệnh chuẩn bị sắm sửa nai nịt, hành trang. Toàn thể quân sĩ không được ra khỏi trại tối nay, trừ những người có phận sự ở các điếm canh. Mình chạy thôi, trễ quá giờ Dậu chắc gặp khó với các trạm gác.


Nói xong, Lãng chạy trước. Lợi tỉnh cả rượu, trời lạnh mà mồ hôi tháo ra như tắm, vì sợ. Lợi chạy kịp Lãng, vừa thở vừa hỏi:


- Thượng công có vẻ gì giận dữ không?


- Không biết. Nhưng có vẻ gấp lắm.


- Thế thì đúng là sắp rút rồi. Lãng này!


- Gì anh?


- Đừng trình là gặp anh ở ca lâu nhé.


- Thế thì trình ở đâu?


- Bảo là đang... là đang... là đang tuần tra kho lương.


- Kho lương nào?


- Kho nào mà chẳng được. Bậy thật. Biết trước thế này...


- Chạy nhanh lên. May ra kịp về phủ trước khi hết giờ Dậu.


Đúng lúc đó, chiêng trống ở trong một trại quân bắt đầu vang lên. Lợi nghe được, đứng dừng lại, vui mừng bảo Lãng:


- Đâu có. Vẫn nổi trống như mọi hôm mà! Lãng lầm rồi! Đêm nào dân Thăng Long cũng lầm như thế. Nửa đêm không nghe chiêng trống tưởng ta đã rút đi. Đến sáng thấy dinh trại vẫn y nguyên.


Lãng bực dọc nói:


- Thì anh cứ về phủ xem Thượng công gọi đến làm gì. Coi chừng, anh nói còn sặc mùi rượu.


*


* *


Đến khuya, vua Thái Đức mới thả cho Nguyễn Hữu Chỉnh ra về!


Cả ngày vua tôi hàn huyên về đủ thứ chuyện, từ thời tiết mùa màng cho đến những chuyện thật lẩm cẩm riêng tư như sự khác nhau giữa gái Bắc Hà và gái Nam Hà. Trước khi chia tay, câu chuyện đang nhùng nhằng trong đàn ca hát xướng. Cho nên lúc Chỉnh ra về, vua Thái Đức vẫn còn cố dặn:


- Thế nào ngày mai ông cũng phải chép cho ta bài Quan họ đó nhé! Bài gì bắt đầu bằng câu "Thuyền ai thấp thoáng" đấy. Gì nữa nào?


- Tâu Hoàng thượng "Thuyền ai thấp thoáng bên sông".


- À phải. "Thuyền ai thấp thoáng bên sông". Ông hát lại cả bài một lần nữa đi. Ta thích bài Quan họ đó quá.


Nguyễn Hữu Chỉnh đành phải hắng giọng rồi hát:


Thuyền ai thấp thoáng bên sông


Tôi chờ tôi đợi tôi mong đợi đò


Gọi đò chẳng thấy đò sang


Tôi chờ tôi đợi dở dang chuyến đò


Lẩn thẩn lơ thơ


Tôi đứng bên bờ


Ra ngẩn lại vào ngơ...


Vua Thái Đức vỗ tay khen:


- Hay. Hay tuyệt! Có lẽ ông phải tìm cho ta một người Giáo phường thật giỏi để ta đem về Qui Nhơn mới được. Ông tìm được không?


- Tâu Bệ hạ, được ạ!


- Chừng nào?


- Chắc cũng hơi lâu, tâu Bệ hạ. Vì phải tìm cho được người thật giỏi, cả đàn lẫn ca.


- Lâu cũng được. Ông còn hứa tìm cho ta một cô vợ Bắc nữa mà. Hay thế này là nhất cử lưỡng tiện. Tìm cho ta một cô vợ hát Quan họ thật giỏi, thanh sắc vẹn toàn. Được không?


Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:


- Xin vâng lệnh Bệ hạ!


- Nhớ nhé. Thôi được rồi! Ông đã nhớ thì ta cho ông về. Kẻo khuya.


Về đến nhà, Nguyễn Hữu Du con Chỉnh lo lắng báo với cha:


- Hình như chúa Tây Sơn sắp về đấy, cha ạ!


Nguyễn Hữu Chỉnh giật mình, quay lại hỏi:


- Ai bảo mày thế?


Du thấy cha hoảng hốt, đâm ngại, lúng túng nói:


- Không ai bảo con cả. Nhưng... nhưng con có cảm giác là họ sắp đi. Chiều nay họ thì thào với nhau ngoài phố, rồi lũ lượt kéo nhau về trại, ra vẻ khẩn cấp. Có thể khuya nay họ rút cũng chưa biết chừng!


Chỉnh hoang mang bảo con:


- Ta suốt ngày ngồi hầu, trò chuyện với nhà vua thật nhàn hạ. Sao lại có chuyện lật đật như vậy? Từ tối đến giờ, các trại quân Nam có gì lạ không?


- Dạ không. Vẫn y như các đêm trước.


- Thế thì rõ ràng mày là thằng nhát gan! Mày sợ bóng sợ gió.


- Thưa cha...


- Thôi khỏi cần nói gì nữa. Mày sợ phỏng? Thôi được. Bảo bọn thám tử đi quanh một vòng xem sao!


Nguyễn Hữu Du rụt rè đáp:


- Con đã sai đi rồi, nhưng vừa đến điếm canh đầu tiên, đã bị chận lại.


- Chúng có xưng là người của Hữu quân không?


Du lầu bầu đáp:


- Dạ có. Nhưng...


- Rồi họ bảo thế nào mà không đi được?


- Chúng nó hỗn lắm!


- Hỗn là thế nào?


- Tụi quân Tây Sơn ở điếm canh bảo "Binh phù của Hữu quân à? Hữu quân! Rồi ít lâu nữa mày chống mắt lên mà xem quan Hữu quân của mày".


Nguyễn Hữu Chỉnh cười hề hề, thản nhiên bảo con:


- Lại gặp tay chân của thằng Nhậm chứ gì. Mày biết thừa là hắn ghét tao. Nhưng nếu mày muốn yên tâm, lâu lâu sai chúng đi xem một vòng thử sao.


*


* *


Đêm ấy vào khoảng canh năm, thám tử của Chỉnh liều mạng thử đi qua mấy điếm canh, vừa đi vừa nghe ngóng, nhưng đâu đâu cũng không thấy có tiếng người. Quanh đến cửa phủ, nghe khắp bốn mặt, cũng chẳng thấy bóng người nào, mà gáo vỡ, nồi mẻ lổng chổng vất đầy đường. Bọn họ vội đi ra bến sông; chỉ có trời nước mênh mông, trăm vạn thuyền lầu hôm nọ không biết đi đâu hết cả! Lập tức các thám tử về báo với Chỉnh. (3)


Chỉnh nghe tin đó, trong bụng cực kỳ phân vân, tự biết mình đã thất thế. Ở lại thì không dám, mà bỏ đi cũng khó. Thủy không có thuyền, bộ không có quân. Trốn không có chỗ chui. Đi đường nào đây! Trong lúc sống chết kinh khủng như vậy, Chỉnh cố nói đùa cho cả nhà vững dạ:


- Ta đi khắp chín châu bốn bể, đến lúc trở về xó bếp lại bị chuột chù cắn chân. Không sợ. Không sợ. Ta cứ ở đây xem sao!


Cả nhà nghe Chỉnh nói thế, cũng tạm yên lòng. Chỉnh sai ngầm mấy tên thủ hạ ra bến Cơ xá tìm thuyền. Sáng ra, kiếm được một chiếc thuyền buôn, họ liền báo với Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh liền đem cả mấy chục thủ hạ cùng ra cửa ô Tây long. Người ở kinh đô tứ phía kéo ra đuổi bắt. Chỉnh tự vác gươm ra sức đánh đuổi, người kinh thành mới sợ chạy tản ra các ngả. Chỉnh liền cướp đường xuống bến đò, thả thuyền thuận gió ra biển để theo quân Tây sơn. Còn xe ngựa, khí giới và đồ đạc bỏ lại ở chùa Tiên Tích thì không biết bao nhiêu mà kể.


Sáng ra có người đem những chuyện đó tâu với vua Lê.


Tự hoàng vẫn không tin. Sau khi cho người đi xem và thấy báo là đúng sự thật, Tự hoàng hết sức kinh ngạc, vội cho đòi các quan vào triều và hỏi:


- Anh em hắn cướp hết nước ta mà đi, để cái "nước không" lại đây cho ta. Nếu như có việc nguy cấp thì lấy gì mà chống chế?


Các quan ngơ ngác nhìn nhau, không biết trả lời thế nào. Chợt có người tâu:


- Hôm qua vâng chỉ truyền: sớm nay thiết triều. Bây giờ ngự giá đã tới, dám xin nhắc lại.


Nhà vua lại hỏi các quan:


- Có nên thôi phiên chầu này chăng?


Các quan đều nói:


- Hoàng thượng ra triều để ban chiếu chỉ đổi Niên hiệu, đó là việc lớn, sao lại thôi?


Nhà vua bèn ra ngự triều, rồi ban tờ sắc công bố việc đổi Niên hiệu, lấy năm sau tức năm Đinh Vị (1787) làm năm đầu Niên hiệu Chiêu Thống. Trong tờ sắc đó, chỗ nào cũng "nhờ quí Quốc vương" "nhờ quí quốc Thượng công", giọng văn đại để đều là lời nói khi vua Tây Sơn còn ở lại. Bên trong lại có nhiều đoạn kể lỗi họ Trịnh. Lúc đó có người bàn: Hắn đã về rồi, thì những chỗ kia nên đổi lại cả.


Nhưng trong khi vội vàng không thể đổi kịp, tờ sắc cứ để y như cũ mà công bố.


Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 120


Dựa theo bài "Long thành cầm giả ca" của Nguyễn Du


Lấy y theo Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 121, 122
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom