• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Sông Côn Mùa Lũ (1 Viewer)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 67

Sau khi ra lệnh dìm chết Đỗ Thế Long, Nguyễn Hữu Chỉnh ngong ngóng chờ đợi phản ứng của Tả quân Nhậm. Chỉnh biết sau khi đến gặp mình, Lợi đã qua gặp Nhậm ở lầu trước. Và ông cũng thừa biết rằng ở vào một vị trí tế nhị như Lợi, bắt buộc Lợi phải thuật rõ những gì xảy ra tại phía sau lầu Ngũ Long, để chứng tỏ sự vô can của mình. Hơn nữa, dùng quyền trực tiếp điều hành trị an trong kinh thành, Vũ Văn Nhậm đã cho gọi những người lính dẫn Long ra giết ở sông Phú Lương đến tra hỏi, rồi cho về. Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ chờ Nhậm bắt giữ thuộc hạ của mình là đi khiếu nại ngay với Nguyễn Huệ. Nhưng Tả quân Nhậm không làm gì cả. Chỉ hỏi cho biết thôi! Nguyễn Hữu Chỉnh không thể chịu đựng mối nguy hiểm thường trực, không khí đe dọa căng thẳng hằng ngày như vậy nữa! Ông xin dời bản doanh qua chùa Tiên Tích. Nguyễn Huệ bằng lòng, nhưng dặn thêm:


- Từ nay về sau, việc gì động đến binh đao, chém giết, dù là giết ai và không phải dùng đến gươm giáo, ông cũng nên nói qua cho Tả quân biết.


Nguyễn Hữu Chỉnh biết vụ Đỗ Thế Long đã đến tai Nguyễn Huệ, vội nói:


- Tên khốn kiếp người Thanh Trì đó chế giễu cả Tướng quân. Hắn xem tất cả chúng ta là "tàn tặc", là "heo, sói, diều, quạ...".


Nguyễn Huệ xua tay can:


- Ta biết rồi. Nhưng...


Nguyễn Huệ nói đến đó rồi thôi, nói lảng qua chuyện khác. Sau tiếng nhưng ấy Nguyễn Huệ muốn nói gì? Câu hỏi ấy khiến Nguyễn Hữu Chỉnh bần thần, nôn nao. Ông biết Tả quân Nhậm có ác cảm với mình. Nguyễn Huệ thì tuy có hiểu tài của Chỉnh, nhưng hoàn toàn tin cậy như người nhà, như người cộng tác, thì chưa! Ở Qui Nhơn, ở Thuận Hóa, Nguyễn Huệ còn chưa tin Hữu quân, huống chi ở tại Thăng Long, nơi tất cả tướng sĩ Tây Sơn đều là khách lạ.


"Ta biết rồi, nhưng"! "Ta biết rồi, nhưng..."! Nhưng thế nào? Nguyễn Hữu Chỉnh lấy bút viết ra đủ thứ giả thiết.


- Ta biết rồi, nhưng... chính ông ra lệnh thả hắn ra khỏi ngục mà!


- Ta biết rồi, nhưng... ông thấy hắn nói cũng có lý phần nào đấy chứ?


- Ta biết rồi, nhưng... tại sao hắn dám bạo mồm như vậy? Phía sau hắn tất có nhiều tên xướng xuất. Sao ông vội giết hắn đi?


- Ta biết rồi, nhưng... đằng nào ông cũng nên đợi cho đại quân rút về rồi hãy tự chuyên. Ông vội vã quá đấy!


- Ta biết rồi, nhưng... nếu không có Lợi ở đó, thì hắn đã thoát chết.


- Ta biết rồi, nhưng... có lẽ hắn nói quá sớm điều ông sẽ làm. Đúng là khẩu nghiệp!


- Ta biết rồi, nhưng... nhưng... nhưng...


Càng nghĩ, Chỉnh càng sợ hãi. Ông cảm thấy cô đơn. Chỗ đứng của ta ở đâu? Lời Đỗ Thế Long vẫn còn vang bên tai ông: "Rồi nữa người ta bỏ ông mà về, ông đem cái thân cỏn con để cõng cái tội tày trời. Làm thế nào mà đứng vững được với thiên hạ". Cái tội tày trời? Tội gì? Đối với Nguyễn Hữu Chỉnh, chỉ có một cái tội đáng sợ nhất là: thất bại. Công hay tội tùy thuộc vào chuyện thành bại, thế thôi. Nhưng liệu mình có thể một mình ở lại giữa kinh thành Thăng Long ngơ ngác, hoang mang, sau khi Tây Sơn về Nam hay không?


Mấy ngày gần đây, cái tin Lý Trần Quán tự chôn mình để tự phạt cái tội giết Chúa đã thành câu chuyện truyền tụng hấp dẫn khắp Thăng Long. Bọn nhà Nho Bắc hà xem Quán là một tấm gương sáng của lòng trung nghĩa, nên mỗi ngày, câu chuyện mỗi được tô chuốc đẹp đẽ. Người ta kể sau khi biết học trò cũ định đem Chúa Trịnh Khải giải nộp cho Tây Sơn, Lý Trần Quán vội đến chỗ Chúa rập đầu xuống đất than: (1)


- Làm cho Chúa đến nỗi này là tội của tôi cả.


Chúa Trịnh Khải đáp:


- Người ta ai có bụng nấy. Ngươi có can dự gì?


Quán lui ra, bảo Tuần huyện Trang:


- Chúa là Chúa chung của thiên hạ, mà ta là thầy mày. Nghĩa cả vua tôi, sao mày nỡ làm thế?


Trang nói:


- Quan lớn không bảo tôi trước, để tôi trót lỡ đến ra mắt Chúa. Nếu Chúa trốn thoát ở tay tôi, rồi sau này quân Nam đến hỏi tội tôi, quan lớn có thể cãi hộ không? Sợ thầy không bằng sợ giặc, quí Chúa không bằng quí thân, tôi không thể để cho quan lớn làm lầm lỡ đâu.


Tức thì Trang quay về nhà rồi quát thủ hạ dìu Chúa đến kinh. Quán đón đường, lạy Chúa vừa khóc vừa kêu:


- Ối Trời ơi! Tôi giết Chúa tôi, Trời có biết không?


Chúa vẫn an ủi:


- Tấm lòng trung nghĩa của ngươi "cô" đã biết rồi, đừng nên tự oán trách mình như thế!


Trang dẫn Chúa đi rồi, Lý Trần Quán quay về nhà bảo chủ trọ:


- Bề tôi làm cho nhỡ vua, tội đáng phải chết. Nếu ta không chết, thì lòng ta vẫn không tỏ được với trời đất. Vậy hãy đi sắm cho ta một cỗ áo quan, mươi thước vải trắng, để ta làm theo chí của ta.


Chủ trọ hết sức khuyên giải, Quán vẫn không nghe và nói:


- Ta đã muốn chết, không có cách này tự khắc sẽ tìm cách khác, ngươi không ngăn nổi đâu. Nếu có yêu ta thì cứ để mặc ta làm gì thì làm.


Qua hai ngày sau, Quán càng phẫn uất nóng nẩy. Chủ trọ ngăn không được, bèn đi sắm sửa như lời Quán dặn.


Quán sai đào sau nhà ở một cái huyệt, đặt chiếc quan tài xuống đó. Rồi Quán lấy tấm vải trắng xé ra làm hai, một đoạn làm khăn, một đoạn nữa làm dải lưng. Sau khi đội mũ mặc áo ngoảnh về phương Nam, lễ vọng hai lễ, Quán bèn bỏ mũ chít khăn trắng và thắt dải lưng trắng, vào nằm trong chiếc quan tài và bảo chủ trọ đậy nắp lại. Chủ trọ vừa vâng lời thì Quán ở trong quan tài nói ra:


- Hãy còn thiếu một câu nữa phải nói hết đã.


Chủ trọ giở nắp quan tài ra, Quán đọc hai câu thơ:


Tam niên chi hiếu dĩ hoàn


Thập phần chi trung vi tận


(Đạo hiếu ba năm đã trọn


Chữ trung mười phần chưa hết)


Nhờ ông đem câu ấy dặn lại con ta, bảo nó sau này dán ở nhà thờ ta.


Chủ trọ chưa kịp nói gì, Quán tiếp:


- Đa tạ chủ nhân. Ta từ biệt ông từ đây!


Chủ trọ cùng năm, sáu người đầy tớ sụp xuống lễ ở trước quan tài, rồi đậy nắp và lấp đất lên.


Nguyễn Hữu Chỉnh có biết Lý Trần Quán từ trước, nên đoán huyền thoại lưu truyền có nhiều phần tô vẽ, trau chuốt quá cả bình sinh của Quán. Nhưng sự cố ý biến Quán thành một bề tôi tận trung tận hiếu rõ ràng biểu lộ một thái độ phản kháng. Gần đây, trên các đoạn tường thành khuất nẻo, hai câu thơ của Quán đã xuất hiện. Tối hôm qua, kẻ vô danh đã bạo gan viết hai câu thơ đó ngay bờ thành cửa Tuyên Vũ bằng than. Chỉnh đoán nó sẽ xuất hiện ở nhiều nơi khác, vào những lúc bất ngờ nhất. Ông thấy mình trở thành cái bia cho sĩ phu Bắc hà công kích, cười cợt, mai mỉa. Đề cao Lý Trần Quán là một cách chê bai ông. Làm thế nào đây?


Đỗ Thế Long khuyên ông tái lập ngôi chúa? Không, không thể được. Không ai cho phép ông làm như vậy. Chỉ còn một con đường thoát, một lối cứu mình là tìm mọi cách vận động cho phù Lê trở thành điều thực không phải là cái tiếng giả như chính ông đề nghị lúc đầu.


Tận trung với Vua có khác nào tận trung với Chúa? Vua Lê Hiển Tôn còn đó, quan văn quan võ đã triệu về gần đủ, trật tự an ninh đã được vãn hồi nhờ những biện pháp cương quyết, dứt khoát. Còn có cơ hội nào tốt hơn để quảng bá công cuộc phù Lê, làm cho mọi bất bình được hóa giải, biến những kẻ tận trung như Quán thành kẻ cố chấp, và tìm một vị trí vững chắc cho Chỉnh ở Thăng Long này?


*


* *


Nguyễn Huệ ngồi một mình trong gian phòng rộng phủ màn gấm sang trọng của phủ Chúa. Bấy giờ là canh ba. Đêm Thăng Long yên tĩnh giống như đêm Thuận Hóa và đêm Gia Định. Vẫn tiếng trống đổi canh quen thuộc. Vẫn âm thanh huyền bí của những cuộc sống trầm lặng côi cút không thể lộ ra giữa ban ngày ồn ào tấp nập, phải chờ đến đêm tĩnh lặng mới đủ sức nhắc nhở mình có mặt. Vẫn ngọn sáp vàng còn thơm mùi phấn hoa và mật ngọt. Nguyễn Huệ ngồi yên lặng như vậy thật lâu, tay trái mơn man lần tìm những nốt mụn nổi hai bên má và dưới cằm. Hễ mụn nổi nhiều là ông biết tâm hồn mình có nhiều bất định. Phải. Đêm Thăng Long chỉ có cái yên tĩnh bên ngoài. So với Thuận Hóa, Thăng Long như một khúc sông trên mặt bập bềnh bèo giạt, còn dưới mặt nước là sóng ngầm, là đá nhọn, là rắn rít. Đã quen chế ngự sự bất ổn và hỗn loạn, lần này, Nguyễn Huệ ít tự tín hơn. Ông có nhiều nỗi lo. Hồi chiều Lãng vừa báo cho ông biết hai câu thơ tuyệt mệnh của Lý Trần Quán đã xuất hiện khá nhiều trên vách thành, trên các cửa ô, trên cả tường các dinh thự. Hơn ai hết, ông hiểu đây là dấu hiệu đầu tiên của sự bất ổn. Bọn hủ nho hành động sớm như thế sao? Thăng Long là đất văn hiến, nền Nho đã dầy. Không như Qui Nhơn hay Gia Định. So với Thuận Hóa, Thăng Long qui tụ được một số sĩ phu khoa bảng đông đảo hơn nhiều. Họ trở thành một tầng lớp đáng quan tâm, vì cách suy nghĩ của họ ảnh hưởng lớn lao đến đám đông. Trường hợp Lý Trần Quán với tác dụng mạnh mẽ sâu sắc của nó, có sức mạnh của một đạo quân, chứ không phải chỉ là một đóm lửa lóe lên giữa chốn hoang vu như Nguyễn Đăng Trường hay Nguyễn Khoa Kiên. Cuộc tuẫn nạn vì cố chấp và tuyệt vọng, và có lẽ còn vì lòng kiêu hãnh tự phụ nữa, trong vòng có vài ngày lan truyền khắp Bắc hà, và điều đó đủ kích thích quyến rũ những kẻ thiêu thân tuyệt vọng và tự phụ khác. Sẽ còn nhiều Lý Trần Quán nữa, nếu... Nếu thế nào? Chưa bao giờ Nguyễn Huệ gặp nỗi hoang mang trùng trùng cho bằng lúc này. Hoang mang từng lớp chập chồng lên nhau. Ông cảm thấy tiếc cái thời tự tín trong sáng trước đây. Nhưng từ lúc nào ông bắt đầu có cảm giác ngây ngất say dại như người đã leo tới đỉnh núi cao đột nhiên ý thức khoảng cách hun hút giữa chóp núi và thung lũng và sự cô đơn? Có lẽ từ ngày ông cầm quân ra đánh Thuận Hóa. Ngày 28 tháng Tư năm Bính Ngọ. Khác với các lần trước, lần này ông cảm thấy có một khúc ngoặt quan trọng trước mặt ông. Ông sẽ thoát khỏi kiềm tỏa của vua Thái Đức, sẽ tự mình gây dựng một cơ nghiệp theo ước vọng hoài bão của mình, không cần nhờ đến bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn cơ hội lưu manh hay bọn hủ nho cố chấp. Ông đã thành công nhanh chóng và dễ dàng không ngờ. Hai mươi tháng Năm hạ thành Phú Xuân. Mười sáu tháng Sáu chiếm Vị Hoàng. Vừa đem đại quân ra Vị Hoàng 22 tháng Sáu, thì 23 tháng Sáu đã tiến lên chiếm thủ phủ Sơn Nam. 26 tháng Sáu hạ thành Thăng Long. Nếu kể từ ngày xuất quân từ Qui Nhơn, thì chỉ trong vỏn vẹn hai tháng, ông đã chiếm được một dải giang sơn kéo dài từ đèo Hải Vân cho đến Thăng Long, lật đổ một chế độ bền vững hằng mấy trăm năm.


Ông không thể không cảm thấy ngợp trước thành công, ngợp trước sức mạnh vừa tìm thấy, như một người lần đầu cưỡi một con ngựa khỏe và dữ. Ông đang ngồi ngay tại trung tâm của quyền lực, đang hít thở không khí của một nền văn minh ổn cố lâu dài, nơi mà một hòn sỏi trên lối đi, một gốc liễu trong vườn thượng uyển cũng có một gia phả. Ông phải làm gì đây? Họ Trịnh đã bị lật đổ khỏi phủ Chúa. Hoàng triều vẫn còn ngo ngoe sự sống, qua hình ảnh một vị vua già yếu suốt bao nhiêu năm lấy nhịn nhục làm khôn. Bao nhiêu ngày rồi Thăng Long êm ả, trật tự, nhưng ông biết lắm, đấy là sự êm ả trật tự đẻ ra từ sợ hãi. Gần như chưa có một guồng máy cai trị mới thay cho guồng máy của Chúa Trịnh. Chế độ vũ trị không thể kéo dài. Quyền hành sau này sẽ thuộc về ai? Giao vận mệnh xứ sở xa lạ này (cái xứ sở ông mới làm quen có hai tháng ngắn ngủi) cho sự đau yếu bạc nhược, hay cho sự sợ hãi? Vả lại anh ông ở Qui Nhơn đang nghĩ gì khi được tin ông đã đem đại quân vượt quá Lũy Thầy?


Mấy ngón tay trái vẫn mơn man tìm các nốt mụn. Một cái mụn lớn cộm lên dưới ngón trỏ. Nguyễn Huệ dùng móng tay út ấn mạnh vào chân mụn. Ông cảm thấy đau buốt, đến nỗi tê dại cả một vùng da mặt. Một ít máu và cồi mụn trắng còn dính lên móng tay út của ông. Ông lẩm bẩm: Nặn như vậy có quá sớm chăng? Nhưng đằng nào cũng phải nặn cái cồi ra thôi!


*


* *


Nguyễn Hữu Chỉnh đâm ngại, khi thấy Nguyễn Huệ có vẻ ngái ngủ, dã dượi, nhưng Hữu quân không muốn bỏ lỡ cơ hội chỉ có hai người trong phòng. Nhân khi Nguyễn Huệ hỏi vụ Lý Trần Quán, Nguyễn Hữu Chỉnh nói:


- "Ngài lấy danh nghĩa tôn phù nhất thống mà ra đây, thiên hạ ai cũng mong ngóng. Nhưng danh phải đi đôi với thực. Muốn cho nhất thống, thì những việc quân, việc nước đều phải do Hoàng thượng quyết định, đó mới là cái thực của sự tôn phù. Ngài nên làm cái gì cho rõ sự thực ấy đi. Hôm nọ, Ngài vào ra mắt Hoàng thượng ở điện Vạn Thọ, mới chỉ là việc gặp gỡ riêng, chưa được tỏ rõ với thiên hạ. Nay Ngài nên chọn ngày lành, cho cử hành lễ triều yết cho thiên hạ đều biết. Như thế mới là việc quang minh chính đại"! (2)


Nguyễn Huệ vui mừng vì Chỉnh nói đến điều mình đang băn khoăn. Ông thoát khỏi cơn ngái ngủ. Nhưng Nguyễn Huệ giấu không muốn cho Chỉnh biết mình xúc động. Dùng giọng bình thường như không lấy đó làm quan trọng, Nguyễn Huệ hỏi:


- Người Bắc hà không tin ta có lòng tôn phù thực hay sao?


Chỉnh không đoán trước được Nguyễn Huệ sẽ dẫn mình tới đâu, dè dặt nói:


- Ấy là tôi muốn nói chung đến số đông, cả kinh thành lẫn dân các trấn. Họ Trịnh đã bị phế, điều đó ai cũng biết vì tiếng súng và lửa cháy ở Vị Hoàng, phố Hiến, Thăng Long, đâu đâu thiên hạ cũng nghe thấy trông thấy được. Còn vì sao ta đem quân ra đây thì chưa chắc mọi người đã hiểu tường tận. Dù có hiểu, chưa chắc đã hiểu đúng. Một người có học thức như Lý Trần Quán mà còn làm thế, huống chi dân thường. Cho nên lòng thực của ta thế nào, phải nói lớn lên, thiên hạ mới nghe mới hiểu. Cứ xem bọn cố chấp xấu xa bôi vẽ bậy bạ trên các tường thành, đủ biết kẻ ngu tại chính kinh thành này còn nhiều lắm!


Nguyễn Huệ gật gù, rồi hỏi:


- Ta thật bụng phù Lê thì cứ hành lễ triều yết có khó nhọc gì. Cũng lạy đủ năm lạy, rồi vái ba vái chứ gì. Đối với ta thì dễ thôi. Đầu gối ta còn khỏe. Nhưng liệu nhà vua có đủ sức ngồi vững trên ngai suốt lễ không?


Nguyễn Hữu Chỉnh liền đáp:


- Tuy đang bệnh, nhưng chắc không đến nỗi!


Nguyễn Huệ hỏi tiếp:


- Sau lễ thì thế nào?


Chỉnh chưa hiểu ý Nguyễn Huệ, hỏi lại:


- Ngài muốn nói gì ạ?


- Ta hỏi: sau khi tổ chức triều yết để tuyên xưng sự thống nhất, liệu nhà vua có còn đủ sức ngồi vững trên ngai không?


Chỉnh mau mắn đáp:


- Thưa ngài đã biết rồi. Hoàng thượng đã tuyên triệu các quan về phò tá. Hiện đã có Tứ xuyên hầu Phạm Lê Phiên, Kiến xuyên hầu Trương Đăng Quỹ, Thao đường hầu Uông Sĩ Điển, Luyện đường hầu Trần Công Thước, Hoàn Quận công Nguyễn Hoàn. Các quan văn võ cấp dưới cũng về khá đông.


Nguyễn Huệ cười nhạt, nói:


- Họ lũ lượt kéo về y như lúc lũ lượt bỏ trốn. Nhà vua đã bệnh, thêm một bọn nhát nữa thì liệu có mạnh thêm chút nào đâu! Ít lâu, bọn tay chân họ Trịnh kéo về, nhà vua biết dựa vào ai?


Nguyễn Hữu Chỉnh hăng hái nói:


- Còn có tôi ở đây, chúng đâu dám bạo gan như vậy!


Nguyễn Huệ liền bảo:


- Thế thì Hoàng thượng đã có cái lưng ngai vững chắc lắm rồi. Ông chịu đưa lưng ra cho Hoàng thượng dựa, tiện lắm, mà cũng lợi lắm!


Bấy giờ Nguyễn Hữu Chỉnh mới thấy mình nói hớ, vội bào chữa:


- Cũng nhờ oai danh của Ngài mà tôi được sĩ phu Bắc hà vị nể đôi chút đó thôi.


Nguyễn Huệ liền lấy giọng thân mật bảo:


- Ông quá lời rồi. Không có ông thì làm sao tôi ngồi ở đây được. Phải. Ông nói chí phải. Ta nên tổ chức lễ triều yết thật long trọng cho thiên hạ khỏi hoang mang, bọn xấu thôi đàm tiếu, xuyên tạc. Ta chọn ngày mồng 7 tháng Bẩy vậy. Chưa xem lịch, nhưng tôi biết đó là ngày lành. Vì Trời ở về phía ta mà. Ông không tin hay sao mà lo ra vậy? Nào nước lụt đang dâng cao lại rút xuống, nào gió Nồm thổi mạnh giục thuyền ta tiến nhanh về Thăng Long! Gió, nước là của ta, thì ngày tháng cũng là của ta. Chọn ngày nào chẳng là ngày lành!


Nguyễn Hữu Chỉnh không yên tâm, nhưng không biết trả lời thế nào nữa!


*


* *


(3) Đúng ngày, vua Lê Hiển Tôn mở cuộc đại triều ở điện Kính Thiên, các quan đều theo thứ tự đứng hầu. Nguyễn Huệ dẫn các tướng sĩ từ cửa Đoan Môn đi vào. Sau khi lạy năm lạy và vái ba vái, Huệ dâng biểu tâu về công diệt Trịnh và các sổ sách quân dân, xin Hoàng thượng cho quan coi giữ. Nhận lễ triều xong, vua Lê tiễn Huệ ra khỏi cửa điện, rồi cho bãi triều.


Hôm sau Hoàng thượng sai đem chiếu ra tận dinh Nguyễn Huệ, sách phong cho Huệ chức Nguyên súy, tước Phù Chính dực vũ Uy quốc công. Nguyễn Huệ nhận chức tước xong, liền sai sứ vào triều tạ ơn. Lễ nghi rất chu đáo. Nhưng sau đó, Nguyễn Huệ nói với Nguyễn Hữu Chỉnh:


- Ta đem mấy vạn quân ra đây, chỉ đánh một trận dẹp yên được cả thiên hạ. Một hòn đất, một tên dân của nước Nam đều là của ta. Ta muốn xưng Đế, xưng Vương gì mà không được. Sở dĩ ta nhường những ngôi đó không muốn ngôi nào, chỉ vì lòng ta hậu với nhà Lê mà thôi. Cái chức Nguyên súy Uy Quốc công, với ta có hơn cái gì? Hay là nước Nam muốn lấy những tiếng hão đó để lung lạc ta? Nếu ta không nhận, sợ rằng Hoàng thượng bảo ta kiêu căng. Nhận mà không nói, lại sợ người trong nước chê ta là kẻ mán mọi. Bởi vậy nên ta phải nói.


Nguyễn Hữu Chỉnh biết ý Huệ bất mãn, liền bịa ra lời vua Lê nói riêng với mình, bây giờ mình tiết lộ lại cho Huệ biết:


- Hoàng thượng đã có bảo riêng với tôi thế này: "Nhà vua kiệm bạc, không có vật gì đáng giá để tặng. Vẫn biết những cái danh tước nhỏ mọn không đủ làm cho Ngài sang thêm. Chỉ vì tục lệ Bắc hà vốn chuộng lễ nghĩa, làm thế để tỏ lòng thành của Hoàng thượng kính Ngài mà thôi. Bản ý của Hoàng thượng tự biết mình tuổi già, sợ rằng sau khi Ngài về, không còn biết nương tựa vào ai. Hoàng thượng muốn ràng buộc tình thân giữa hai họ, để cho hai nước đời đời làm thông gia với nhau. Nhưng vì chưa biết ý Ngài thế nào, cho nên Hoàng thượng chưa dám nói rõ.


Nguyễn Huệ cười, bảo:


- Xưa nay những kẻ xa nhà, tình chăn gối rất cần thiết. Hoàng thượng cũng xét đến chuyện ấy à? ừ, em vua nước Tây làm rể Hoàng đế nước Nam, môn đăng hộ đối như thế, tưởng không mấy ai được.


Những người có mặt trong phòng đều cười ồ.


Rồi Nguyễn Huệ lại nói:


- Ta đùa đấy thôi. Hoàng thượng nghĩ vậy thật là "Lão mưu đa kế". Hoàng thượng muốn cho hai nước hiếu hòa với nhau.


Nguyễn Hữu Chỉnh biết Nguyễn Huệ đã bằng lòng, liền vào tâu với vua Lê Hiển Tôn, xem liệu còn mấy Công chúa chưa lấy chồng.


Nhà vua liền đáp:


- Con gái chưa chồng của trẫm còn nhiều, nhưng chỉ có một mình Ngọc Hân hơi có chút nhan sắc. Nhưng người ta bảo hễ yêu con thì hay thiên vị. Trẫm nghĩ như thế, chưa biết con mắt người ngoài có nghĩ thế không! Người hãy ở đây trẫm đòi tất cả chúng nó ra đây, ngươi coi qua rồi lựa đứa nào xứng thì cố giúp cho thành việc đi!


Rồi nhà vua liền sai quan thị vào đòi. Một lát sau các vị công chúa cùng ra trước ngự tọa. Nguyễn Hữu Chỉnh liếc xem qua rồi nói:


- Được rồi. Mối nhân duyên này thần xin xe tơ, mười phần chắc xong cả mười.


Nguyễn Hữu Chỉnh trở về nói với Nguyễn Huệ:


- Câu chuyện hôm qua tôi thưa với Ngài, nay tôi vừa vào chầu Hoàng thượng. Hoàng thượng vui mừng bảo tôi rằng: "Nếu đã được Ngài bằng lòng thì đó cũng là run rủi. Hiện Hoàng thượng có vị Công chúa thứ chín mới mười sáu tuổi, xin cho nương bóng hậu dinh hầu hạ khăn lược, để cho hai nước thành nghĩa thông gia, đời đời hòa hiếu với nhau".


Nguyễn Huệ đáp bằng giọng bông đùa:


- Vì dẹp loạn mà ra, rồi lấy vợ mà về, trẻ con nó cười cho thì sao? Nhưng ta mới chỉ quen gái Nam hà, chưa biết con gái Bắc hà. Nay cũng nên thử xem một chuyến xem có tốt không?


Cả phòng đều cười.


Lúc đưa Nguyễn Hữu Chỉnh về, Nguyễn Huệ lấy trở lại giọng nghiêm chỉnh nói:


- Nhờ ông tâu lại ta xin gửi Hoàng đế bệ hạ vạn tuế. Kẻ mán mọi đến đây, đâu dám đường đột như vậy. Bây giờ may sao lại bám vào được "lá ngọc cành vàng". Thật là "Thiên tải kỳ duyên". Kẻ mán mọi mừng rỡ.


Nguyễn Hữu Chỉnh vội vào triều tâu với vua Lê. Vua Lê Hiển Tôn liền hạ chiếu dụ gả Ngọc Hân công chúa cho Nguyễn Huệ.


*


* *


Tối hôm mồng 9 tháng Bẩy, Nguyễn Huệ sai Lãng gọi Lợi đến để xuất kho hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai chục tấm đoạn dùng làm lễ vật cầu hôn, đợi hôm sau viên Hình bộ Thượng thư sẽ dâng lên vua Lê. Lợi làm xong việc về rồi, Lãng thấy Nguyễn Huệ cứ đi ra đi vào, vẻ mặt băn khoăn cử chỉ lúng túng hình như muốn nói gì với Lãng mà còn e ngại, bất quyết.


Lãng chờ mãi chưa thấy Nguyễn Huệ bảo gì, nên xin phép được lui. Nguyễn Huệ vội bảo:


- Không. Cậu ở lại đây tối nay!


Lãng ngỡ ngàng nhìn Huệ, không hiểu Chủ tướng muốn gì. Nguyễn Huệ nói tiếp:


- Cậu ở lại đây ăn cơm với ta! Sao mấy hôm nay cậu cứ tìm cớ ra khỏi phủ?


Lãng kể những việc anh phải làm theo phân công của chính Chủ tướng. Nguyễn Huệ cắt lời Lãng:


- Biết rồi. Nhưng việc gì ban đêm ra ngủ ở ngoài phủ? Ở đây thiếu chỗ hay sao?


Lãng không trả lời, cúi gằm mặt xuống. Nguyễn Huệ đến ngồi gần chỗ Lãng, nói nhỏ nhẹ, như dỗ dành:


- Không thể làm khác được. Ta nói gái Nam, gái Bắc chỉ để đùa cợt cho vui. Thực ra, nếu không làm thế, thì lấy cái danh gì để chen vào việc nhà việc nước của người ta. Nhà vua đã yếu không biết băng lúc nào. Hoàng tự tôn xem ra chẳng có tài cán gì. Họ Trịnh đã bị diệt, triều đình như cái nhà thiếu cột. Lãng thấy không? Nếu không làm thế, bọn hủ nho Bắc hà sẽ được dịp nói nhăng nói cuội. Bây giờ ta là rể trong nhà, rể lo chuyện giúp cho ông nhạc là hợp lý, hợp tình. Lãng đừng nghĩ...


Lãng chờ lâu không nghe Huệ nói tiếp, nên nói:


- "Tôi" có nghĩ gì đâu! Nhưng Qui Nhơn nghe tin Tướng quân đã đem binh ra Thăng Long, lại cưới thêm một cô vợ Bắc, sẽ nghĩ thế nào?


Nguyễn Huệ cười xòa, bảo:


- Nghĩ thế nào thì cũng xin chịu tội vậy. Cái thế bắt buộc phải thế. Vào chỗ có mấy trăm năm văn hiến không đơn giản như vào những vùng sông rạch đồng lầy hoang vu trong Gia Định. Nói như bọn nhà nho thì phải danh chính rồi mới ngôn thuận. Vào đánh một trận cho địch tan tác rồi chở lúa thóc về như trước đây thì cần gì danh. Chuyến này khác. Không khéo nhiều khi chịu vạ miệng cả trăm năm. Chỉ vì bọn nhà nho thuộc làu kinh sử đấy thôi!


Rồi nhớ đến nhiệm vụ đã giao cho Lãng, Nguyễn Huệ hỏi:


- Cậu đã dò hỏi được bao nhiêu người rồi?


Lãng thú nhận:


- Họ cứ mắc kẹt trong vòng chữ nghĩa lẩn quẩn, không thoát ra được. Tướng quân sai tôi đi dò hỏi những kẻ sĩ có khả năng và khí tiết của Bắc hà. Việc tưởng như dễ, nhưng bắt tay vào mới thấy khó. Nghe nói khi Chúa Trịnh Khải chạy ra khỏi kinh thành chưa biết tin cậy vào ai, muốn tìm người trung tín, nên hỏi tên Nguyễn Noãn: "Những làng gần đây có viên Tiến sĩ nào không?". Đó, ngoài này người ta lấy khoa bảng làm thước đo của năng lực và đạo đức. Nhưng khi nước biến, trừ bọn võ biền can đảm hay hèn nhát tùy thế nước, còn bọn nhà nho khoa bảng có làm được gì đâu. Ai thông kim bác cổ cho bằng quan Tham tụng Kế liệt hầu Bùi Huy Bích. Giao binh phù cho hầu có khác nào cầm lưỡi kiếm đưa đằng chuôi cho địch. Rồi ngay cả chính sự. Kế liệt hầu cũng không có kế hoạch nào. Các quan đại thần lục tục kéo về theo lệnh tuyên triệu của nhà vua, lóm thóm sợ sệt như gà phải cáo, thấy ông Bằng (Nguyễn Hữu Chỉnh) nhíu mày cau mặt đã co rúm người lại, thu vai xếp vế cho khỏi ai trông thấy. Thảm lắm! Số còn lại thì vừa tự phụ vừa vô tích sự. Không biết làm gì khi sống nên đem cái chết ra gỡ gạc hòng lưu danh với đời, kiểu như Lý Trần Quán. Tướng quân nghĩ xem, tôi tìm đâu ra những bậc sĩ đáng trọng cho Tướng quân đây!


Nguyễn Huệ nghe Lãng nói một thôi dài với giọng phẫn nộ phấn kích, thừa biết ý kiến của Lãng thiếu công bằng. Gần như Lãng trút nỗi bực dọc riêng tư lên đầu các nhà nho Bắc hà. Tự nhiên lòng Nguyễn Huệ cảm thấy vui vui. Ông mỉm cười, trìu mến hỏi Lãng:


- Không biết thầy còn sống, bây giờ thầy đang nghĩ gì?


Lãng bồi hồi, nói nhỏ:


- Cho đến lúc mất, cha em vẫn như tiếc một cái gì, chờ một cái gì.


Nguyễn Huệ nói:


- Những gì thầy chờ đợi đơn giản quá. Thầy vẫn tưởng hễ Hoàng tôn Dương ngồi được lên ngai vàng là tự nhiên sóng yên, biển lặng. Chúng ta đang sống vào cái thời bão cuốn, nước lũ. Cái thực hôm trước hôm sau đã trở thành cái giả, bập bềnh, trôi nổi như những dề lục bình trên sông Ngã Bảy. Không hiểu được điều đó, thì chính mình cũng hụt chân, phải để cho nước lũ cuốn đi. Bọn hủ nho Bắc hà đang bị cuốn như vậy đó.


Lãng xúc động, thì thào:


- Cả Lãng cũng thấy ngợp. Nhiều hôm đi giữa Thăng Long mà tưởng như đang ở trong giấc mộng. Mới hơn hai tháng thôi...


Đột nhiên Huệ hỏi:


- Hôm đi An có dặn gì không?


Lãng không ngờ Nguyễn Huệ nhắc đến chị trong hoàn cảnh này, phải mất một lúc lâu mới đáp:


- Chị ấy dặn giữ gìn sức khỏe. Chị ấy tin có Tướng quân, mọi sự đều tốt đẹp.


Nguyễn Huệ vội hỏi:


- An nói như vậy thật à?


- Vâng. Chị ấy dặn đến Thuận Hóa nhớ tìm thăm nhà cũ. Nhưng, không có thì giờ. Nếu chị ấy biết...


Nguyễn Huệ lại hỏi:


- Biết gì nào? Biết ta sẽ kéo ra tận đây ư? Không. Cả ta cũng chưa nghĩ đến chuyện ra Thăng Long khi xuất quân đánh Thuận Hóa. Ta vừa bảo đang sống trong một thời có bão cuốn. Đáng thương cho những ai không thấy được hướng bão.


Lãng quên cả dè dặt, nói ngay cái ý của mình vừa nghĩ:


- Em thì nghĩ những gì đang xảy ra sinh sôi, nảy nở, tàn phá và nẩy mầm như cuộc sống hoang dại của cỏ cây. Nó xảy đến, ngoài tầm hiểu biết của mọi người, cho nên ai cũng dùng hai tiếng "mệnh Trời" để tự an ủi trước đổi thay, bất hạnh. Xảy ra rồi, người ta mới đi tìm cái luật của biến đổi, hỗn loạn, như bọn phường chèo tìm ra cách dạy thú đóng trò.


Nguyễn Huệ chăm chăm nhìn Lãng, buột miệng nói:


- Cậu không khác thầy bao nhiêu đâu! Nhưng ta cần được nghe những gì cậu nói. Ta sợ hụt chân vì những lời xu nịnh và những câu đầu môi chót lưỡi. Phải! Cậu có nhiều điều giống thầy!


*


* *


Như đã định trước, sáng mồng 10 tháng Bẩy năm Bính Ngọ, viên Hình bộ Thượng thư đưa lễ vật và tờ tâu vào điện Vạn Thọ.


Vua Lê Hiển Tôn sai hoàng tử đón nhận lễ vật, định hôm sau sẽ đưa dâu. Rồi Ngài truyền chỉ các vị hoàng thân, hoàng phi, công chúa, và các quan văn võ, ai nấy đều phải sắm sửa xe ngựa, sáng mai để ở cửa điện để đưa Ngọc Hân Công chúa về phủ.


Sáng sớm hôm sau, Nguyễn Huệ lại sai quan đệ một tờ tâu vào triều xin làm lễ nghênh hôn. Một mặt Nguyễn Huệ đốc quân lính đứng sắp hàng ở suốt hai bên đường, từ cửa điện đến cửa phủ. Trai gái kinh thành đi xem đông như nêm cối, ai nấy đều cho là việc ít có xưa nay. (4)


Giờ đưa dâu sắp đến mà Công chúa chưa sắp xếp xong tư trang, quần áo, đồ đạc vào cái hòm sơn then. Suốt ba đêm nay, Công chúa không tài nào nhắm mắt nổi. Gần một tháng dồn dập biến cố, tuy là gái, Công chúa cứ thắc thỏm lo lắng đủ điều. Thế nước nghiêng ngửa nên cảnh hoàng gia phải thường xuyên xao động. Tin Vị Hoàng mất, tiếp theo là tin xấu từ thủ phủ trấn Sơn Nam. Các hoàng phi, hoàng tử bàn tán với nhau nên chạy loạn ra khỏi kinh thành hay nên ở lại. Tờ mật tấu Nguyễn Hữu Chỉnh cho người đem vào Thăng Long trước khi phố Hiến mất có khiến hoàng gia bớt lo đôi chút. Nhưng, tin sao được người ngoài? Gia đình chia thành từng phe phái ý kiến chống báng nhau. Ngọc Hân còn nhỏ không dám lạm bàn việc lớn. Nhưng nhà vua càng ngày càng mệt. Công chúa thương cho nước, và thương cả cha già. Tự tay Công chúa sắc thuốc, giặt khăn cho nhà vua, giành việc của bọn cung nhân và quan thị. Thế nước tạm ổn thì đến chuyện vu qui. Công chúa vừa hãnh diện vừa sợ hãi. Con người đã từng đánh Nam dẹp Bắc trăm trận trăm thắng ấy là chồng của Công chúa sao? Từ ngày kinh thành thất thủ, Công chúa được nghe kể biết bao nhiêu chuyện về con người lừng lẫy ấy, chuyện tốt có mà chuyện xấu cũng không thiếu. Kẻ tiêu diệt họ Nguyễn ở Gia Định, phá tan mấy vạn quân Xiêm, hạ thành Phú Xuân nội trong một đêm, và lấy Bắc hà trong vòng mười ngày! Con người ấy là chồng của Công chúa sao?


Lần đầu Nguyễn Huệ vào ra mắt vua Lê Hiển Tôn, thái độ khoan thai tự tin mà lại nhún nhường, lời đối đáp khéo léo uẩn súc, tất cả mọi chi tiết của cuộc diện kiến lịch sử ấy, Công chúa được nhiều người kể lại. Mỗi người kể mỗi khác, nhưng Công chúa có đủ thông minh để loại bớt các phần thêm thắt vô lý. Phần còn lại đẹp đẽ quá, Công chúa nhớ từng dáng ngồi khép nép, từng lời nói nhún nhường sâu sắc. Con người ấy là chồng của Công chúa sao? Hư hay thực đây?


Ba ngày đêm Công chúa sống mà như đang mơ ngủ, lòng dạ rối bời, chân bước trên một thứ mặt đường uốn lượn bập bồng như đám mây ảo. Ngọc Hân không hiểu mình đang cảm thấy điều gì, vui hay buồn, không biết cả điều đang nghĩ. Công chúa cứ hỏi: Làm sao đây? Có thực như thế không? Trời hỡi! Làm sao tôi gánh nổi hạnh phúc và trách nhiệm to tát như vậy! Tôi bé bỏng, ngu ngơ, hời hợt, làm sao đây? Làm sao đây?


Lại có cung nhân vào giục! Công chúa hoang mang nhìn đống gương lược, quần áo, sách vở bày bừa bãi trước mặt, quên mất mình phải làm gì. Cung nhân thưa:


- Hoàng tử bảo sắp tới giờ rước dâu rồi. Công chúa đã cho tất cả vào hòm chưa? Ủa, tại sao bừa bộn thế này?


Ngọc Hân rơm rớm nước mắt, gần như sắp khóc. Công chúa hỏi người cung nhân già:


- Làm sao đây Nhũ mẫu? Đem thứ gì theo?


Người cung nhân già nói:


- Chóng lên, rồi còn trang điểm nữa. Nào, cho vào đi. Không, cho quần áo vào trước đã. Đem theo làm gì cái áo này, người ta cười cho.


Công chúa buồn rầu nói:


- Tiếng là hoàng gia nhưng nếp nhà đạm bạc thế nào, Nhũ mẫu biết rồi. Không đem theo lấy gì mà thay đổi.


Nhũ mẫu cười lớn rồi bảo:


- Ối! Về bên ấy khối gấm vóc, mặc sức mà thay. Nội lễ vật không thôi đã hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai mươi tấm đoạn! Khiếp. Cả kho bên phủ Chúa chắc không nhiều đến chừng ấy!


Công chúa cười cho sự ngây thơ của nhũ mẫu. Người cung nhân già giục:


- Nào, cho gương lược vào đi. Còn son phấn đâu? Lại cái gương nứt này nữa. Cái gương lớn khung bạc hằng ngày đâu rồi?


- Các chị đã đòi lại rồi, Nhũ mẫu ạ!


- Đòi! Các công chúa lớn nỡ xử với cô em sắp vu qui như thế à? Mà thôi! Về bên ấy, khối! Nhanh lên! Còn gì nữa không?


- Còn mấy quyển sách.


- Đem theo làm gì?


- Cứ đem theo đi, Nhũ mẫu. Con quí nó lắm. Cuốn Chinh phụ ngâm khúc của Đặng tiên sinh đấy.


- Lại ngâm khúc! Già này đến điên mất thôi. Có quan thị vào kìa. Không khéo đã đến giờ mất rồi! Nhanh lên, lại đây cho già vấn tóc và trang điểm. Lên kiệu hoa mà tóc tai như tổ quạ mặt mũi bần thần nhếch nhác như thế, Thượng công lại tưởng Công chúa bị đày về nhà chồng.


Ngọc Hân để mặc cho nhũ mẫu chải tóc, vấn đầu, thì thào nói:


- Con sợ quá, Nhũ mẫu. Làm vợ khổ không Nhũ mẫu?


Người cung nhân già cười:


- Làm vợ mà lại khổ! Các cô dâu khóc là khóc giả vờ đấy! Không nghe người ta bảo:


Khốc như thiếu nữ vu qui nhật


Tiếu tự thư sinh lạc đệ kỳ


hay sao?


- Nhưng... nhưng Nguyên súy như thế, còn con thì như thế...


- Chẳng thế này thế khác gì cả. Đã là vợ chồng, ông Trời cũng phải xuề xòa làm hòa với vợ. Để rồi Công chúa xem.


Vừa trang điểm xong, một quan thị đến bảo có lệnh của nhà vua triệu Công chúa lên dặn dò trước lúc lên kiệu hoa. Công chúa không cầm được nước mắt, khi nghĩ từ đây Công chúa không được đích thân chăm nom thuốc thang cho cha già.


*


* *


Khi xe Công chúa đi tới cửa phủ, Nguyễn Huệ ngồi kiệu rồng vàng ra đón, hết thẩy các lễ đúng theo như lệ thường các nhà.


Công chúa vào phủ, Nguyễn Huệ đặt tiệc ở ngoài để thết các hoàng thân, hoàng phi, và các quan đi đưa dâu. Trên tiệc mọi người đều theo thứ tự mà ngồi. Tan tiệc, Nguyễn Huệ sai Lãng sắp hai trăm lạng bạc đưa ra ngỏ lời kính tặng các vị nhà gái và tiễn ra khỏi cửa phủ. Các quan ra về, lại họp tại nhà công đường bộ Lễ. Ai nấy đều khen nhà vua kén được giai tế. Từ nay nước Nam có một nước thông gia. (5)


Khách khứa nhà gái về hết rồi, Nguyễn Huệ mới vào cung gặp Công chúa. Nghe tiếng chân Nguyễn Huệ bước vào phòng tân hôn, Công chúa cúi đầu hồi hộp, không dám ngửng lên nhìn cho rõ mặt chồng, hai bàn tay vân vê mãi chéo áo lụa. Ánh hoàng lạp chiếu vào khuôn mặt thẹn thùng của Công chúa, cho phép Nguyễn Huệ được ngắm một mái tóc đen mướt, cái mũi thon nhỏ thanh tú, và vành môi dưới mọng đỏ. Cổ áo lụa in lên trên một làn da trắng hồng.


Nguyễn Huệ xúc động đến nỗi nhịp tim đập mạnh, khi nhớ Công chúa có một chiếc cổ cao và trắng y như cổ một người con gái thời xưa, thời An Thái.


Đoạn này dựa theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 91


Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 100


Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 100, 101, 102


Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 103


Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 104
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom