• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Sông Côn Mùa Lũ (2 Viewers)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 48

Từ ngày Lợi bị bắt, quan hệ giữa Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ và Lãng trở nên ngượng ngập. Ngày nào họ cũng gặp mặt nhau, kề cận làm chung nhiều công việc, nhiều khi tướng quân còn giữ người thư ký thân cận ở lại ăn cơm với mình nữa. Nhưng mỗi người canh cánh bên lòng một nỗi ưu tư riêng, người nọ e ngại, dọ dẫm, xem chừng thái độ của người kia với tâm trạng áy náy xốn xang của kẻ có lỗi. Huệ phần nào khổ sở vì không thể can thiệp được cho vụ Lợi. Ngoài việc trả lại số tiền bạc bị tịch thu, Lợi vẫn còn bị giam giữ, chưa biết đến bao giờ mới được thả ra. Lãng thì áy náy vì mối tình của mình đối với Thọ Hương. Sau khi Lợi bị giữ, Lãng chờ mãi không thấy Thọ Hương đến thăm An. Anh thấy sự thất thường, bắt đầu lo lắng. Nếu mọi sự bình thường như trước, Quận chúa phải vội vã đến thăm nom, an ủi người bạn gái thân thiết. Về sau, Lãng nghe phong thanh Quận chúa bị quở mắng nghiêm khắc vì cuộc phiêu lưu tình cảm ấy. Đứng ở quan điểm nho giáo thì cuộc tình của Lãng hoàn toàn sai trái. Đối với danh dự của hoàng tộc, lại càng đáng chê trách hơn. Càng nghĩ, Lãng càng sợ hãi, tự nhận thấy mình đã cả gan xúc phạm đến những điều cấm kỵ thiêng liêng và khắc nghiệt mà nếu cần, anh có thể trở thành một vật hy sinh để bảo tồn nguyên vẹn những điều cấm kỵ ấy, với sự đồng tình của tất cả mọi người.


Muốn quên nỗi khổ đau không thể thốt ra lời, không thể chia với bất cứ ai, Lãng lao đầu vào công việc. Anh không muốn rảnh rỗi để cho nỗi đau khổ dày vò anh. May cho Lãng là khoảng thời gian ấy, bộ phận giúp việc cho Long Nhương tướng quân có quá nhiều công tác để làm.


Được vua Thái Đức giao trọn việc tổ chức binh bị và củng cố tất cả các đạo quân dùng để tấn công, viên tướng hai mươi sáu tuổi tuy đã dày công trận nhưng vẫn cảm thấy ngợp trước trách nhiệm to lớn như vậy. Nguyễn Huệ huy động tất cả những bạn bè trẻ tuổi có khả năng suy nghĩ và kinh nghiệm tác chiến tập họp thành một ban tham mưu nhỏ. Từng vào sinh ra tử với nhau, hiểu rõ tính tình cả ưu điểm lẫn khuyết điểm của nhau, chưa nhiễm cái thói chuộng hình thức và rụt rè giữ mình, họ thường hăng hái bàn luận, tìm phương cách tốt nhất để tổ chức việc binh cho nhà vua. Chiều hôm nay họ vừa họp nhau để thảo luận kế hoạch biến các ấp xã thành đội, ghi tất cả dân binh vào sổ binh để mỗi nông dân cầm cày cuốc sản xuất đương nhiên trở thành một người lính có nhiệm vụ chiến đấu khi có giặc đến. Huệ nảy ra ý kiến này khi đọc một tờ báo cáo tình hình phòng thủ của Gia định và thấy số thổ binh, tạm binh nhiều gấp năm, sáu lần số tinh binh. Sau cuộc họp, chỉ còn Huệ và Lãng ở trong phòng việc. Huệ hỏi Lãng:


- Cậu có ghi đủ tất cả mọi ý kiến cho ta không?


Lãng nhìn qua mấy trang giấy dày đặc chữ thảo của mình, e dè đáp:


- Dạ, khá đủ. Người nào nói nhiều quá, hoặc nói lặp, thì em ghi những ý chính.


- Cậu đọc lại ý Đô đốc Tuyết xem sao?


Lãng nhíu mày cố gắng nhận ra chữ thảo của mình, đọc chậm:


- Ý Đô đốc Tuyết là sợ làm như vậy có náo loạn dân tâm quá chăng. Sau bao nhiêu năm chinh chiến, dân xiêu tán hoặc chạy loạn quá nhiều, làng nào số đinh cũng lộn xộn, có nhiều gốc gác. Ngay lệnh làm thẻ bài trước đây cũng đã gặp nhiều trở ngại, cuối cùng phải tạm gác. Nay đột nhiên dân chúng nghe ta biên tất cả mọi người vào sổ binh, chắc chắn họ sẽ náo loạn.


Huệ trầm ngâm suy nghĩ, rồi ngẩng lên hỏi Lãng:


- Cậu nghĩ thế nào? Ông Tuyết nói cũng có lý đấy chứ?


Lãng nhìn Huệ, chậm rãi đáp:


- Đô đốc Tuyết nghĩ đúng, nếu các xã trưởng quen thói hách dịch chỉ gọi dân đến xưng tên rồi ghi hết vào sổ binh để báo lên phủ, y như cách cậu Hai Nhiều làm thẻ bài ở An Thái dạo nọ. Em nhớ hồi đó dù không có lý gì để chống đối, nhưng vì tự ái, vì ghét thói hống hách, em nhất định nằm nhà không chịu làm thẻ bài. Cho nên nhân tâm có náo loạn hay không là tùy cách họ hiểu chính sách này. Nếu ta làm cho họ hiểu rằng chính họ chứ không phải quân lính nhà vua phải lo giữ làng, chống giặc để yên ổn cày bừa, chính họ phải cầm giáo che chở cho vợ con họ, thì chắc chắn không có một chút lo sợ nào.


Huệ vui mừng nói:


- Đúng. Nhưng liệu các xã quan có đủ sức giải thích cho dân hiểu hay không?


- Điều đó thì em không rõ. Em sợ...


Huệ cướp lời Lãng, nói:


- Ta cũng sợ. Mấy năm nay chúng ta đã đưa những anh em chân đất có công trận và lớn tuổi về làm xã quan. Họ trung thành với nhà vua, nhưng họ ít học. Ăn nói chưa quen. Lớp các thầy đồ ở vùng này vốn đã ít ỏi, một số vùng giáp ranh Phú Yên hoặc Hải Vân đã trốn đi nhiều. Chúng ta chưa làm gì phiền đến các nhà nho cả, nhưng xem gốc gác anh em chúng ta, xem cách chúng ta đối đãi, họ cảm thấy xa lạ, đâm lo âu. Nhiều người chính ta thân hành đến thuyết phục, mời mọc như Nguyễn Đăng Trường, cậu còn nhớ không, nhưng họ vẫn bỏ đi. Thật đáng tiếc. Nếu mỗi làng có một ông đồ chịu đứng ra thay chúng ta giải thích cho dân chúng hiểu thì hay biết mấy. Nhưng sự việc đã không thể khác được!


Nét mặt Huệ buồn hiu. Đột nhiên Huệ hỏi:


- Sức khỏe của thầy độ này ra sao?


Lãng chưa kịp hiểu, ngơ ngác hỏi lại:


- Tướng công hỏi gì ạ?


- Ta hỏi độ này thầy có khỏe không?


Lãng đau nhói cả lòng, buồn rầu đáp:


- Gần đây cha em yếu lắm. Nhiều hôm mâm cháo anh Kiên bưng lên còn nguyên. Đêm ho dữ quá! Anh Kiên em đã xin nghỉ tạm để lo chăm sóc cha. Nhà bây giờ đơn chiếc lắm.


Huệ hít hơi chuẩn bị nói điều gì, nhưng do dự, lại thôi. Tướng quân cầm chén trà uống cạn, mặt đăm chiêu. Cả hai người im lặng, người này tránh không dám nhìn người kia. Sau cùng, Huệ thở dài rồi bảo:


- Cậu đọc tiếp ý Đô đốc Lộc xem!


- Đô đốc Lộc cho rằng lực lượng chủ yếu vẫn là các đạo quân thiện chiến lâu nay vào nam ra bắc dự nhiều trận. Các đạo quân hiện nay đã hao hụt nhiều, số bổ sung không kịp. Số đó nhiều khi chỉ gồm lính già, hoặc nhút nhát. Ta cũng chưa chú trọng khai thác lối đánh đường rừng như hồi đầu. Đạo quân người Thượng ít được dùng, phần lớn chỉ dùng thủy quân. Sau cuộc thất trận của Đô đốc Chu vừa qua, chiến thuyền còn quá ít. Quân bộ hiện cũng thiếu hỏa hổ.


- Được. Ý đều xác thực, nhưng chỉ là những cái thuộc chi tiết. Còn ý của ông Sở (Ngô văn Sở).


Lãng lật sang tờ ghi thứ ba, đọc chậm:


- Giữa dân binh, xin tạm gọi họ là dân binh, vừa làm ruộng vừa giữ làng và đạo quân thiện chiến chuyên đánh lớn phải có liên hệ mật thiết với nhau. Dân binh nào mạnh khỏe và có võ nghệ thì được tuyển thành tinh binh. Dĩ nhiên những người này phải được ưu đãi thì họ mới hăng hái ra đi. Lại thêm trai tráng trẻ tuổi thường thích đi xa hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ hơn là ru rú mãi ở xó nhà, nên cũng dễ thuyết phục.


Huệ tươi nét mặt, nói lớn:


- Đúng lắm. Tuổi trẻ thì ai cũng thích cầm giáo hơn cầm cày. Nhưng điều phải lo là làm sao cái cày nuôi nổi cái giáo.


Lãng vội hỏi:


- Em hỏi tướng công điều này, không biết có được không!


Đang vui, Huệ quên hết giữ gìn, ân cần bảo:


- Lãng cứ hỏi, khách sáo làm gì!


- Lâu nay ở vùng chúng ta, nghĩa là từ đèo Cù mông cho đến đèo Hải Vân...


Huệ cắt lời:


- Sao chỉ có bấy nhiêu đất? Nhưng thôi, không bàn cái chuyện đó ở đây. Lãng hỏi tiếp đi.


Lãng do dự hơn, hỏi chậm:


- Lâu nay người cầm cày có nuôi nổi người cầm giáo không?


Huệ đáp nhanh và gọn:


- Không.


Lãng vội hỏi:


- Thế thì làm sao sống?


Huệ cười bảo:


- Nhưng có ai chết đói đâu. Lãng biết vì sao không? Vì chẳng những cái giáo tự nuôi mình, mà còn nuôi thêm cho cái cày nữa. Lãng hiểu ta nói gì rồi chứ!


- Vâng, đã hiểu. Nhưng chẳng lẽ cứ chờ gió mùa...


Huệ cắt lời Lãng:


- Đấy là việc chúng ta đang bàn đây. Phải tìm cách nào để trở lại quy luật tự nhiên là cái cày phải nuôi cho được cái giáo. Chẳng những nuôi cái giáo, mà phải tiến lên nuôi cho được cây súng đồng, cái tàu Tây dương. Nghe đâu bọn cố đạo đã tìm mua cho tên Chủng (Nguyễn Ánh) nhiều vũ khí mới. Chuyến vừa rồi Tổng đốc Chu dở thật. Đã chẳng làm nên cơm cháo gì còn mất toi bao nhiêu chiến thuyền. Thật đáng tiếc.


*


* *


Những ngày sau, họ trở lại ngượng ngập áy náy cho nhau, như những giờ khắc cảm thông hôm trước chưa từng bao giờ có.


Vì ở vị trí yếu kém, nên Lãng luôn luôn giữ ý, không dám vượt qua khoảng ngăn cách bắt buộc của nghi thức. Anh lẳng lặng làm việc, thi hành đúng những gì Huệ sai bảo. Ngay cả những lúc chỉ có hai người, Lãng cũng đi đứng, xưng hô, thưa bẩm đúng phép y như lúc có mặt người thứ ba. Điều đó càng khiến Huệ áy náy hơn. Thành thử chính Huệ bước trước để kéo mối quan hệ vào vòng thân mật. Huệ hỏi:


- Hôm nay thầy có đỡ hơn không?


Lãng buồn rầu đáp:


- Vẫn vậy, thưa tướng công.


- Vẫn vậy là thế nào hở Lãng?


- Dạ, cha em vẫn cứ thiêm thiếp hoài. Anh Kiên phải kê gối dưới lưng rồi đổ cháo vào miệng. Cha em nuốt được, nhưng không nhận ra anh Kiên nữa.


- Hay để anh gửi ngự y đến bắt mạch cho thầy xem sao! Ông này vừa ở Quảng Nam vào, giỏi về bệnh tâm và bệnh lão lắm.


- Em sợ có điều bất tiện, thưa tướng công.


- Sao lại bất tiện. Thôi, ở đây không còn ai khác, Lãng cứ gọi anh xưng em như thời trước cho bớt xa cách. Chiều nay em dặn anh Kiên chờ sẵn ở nhà để lỡ ngự y có hỏi bệnh tình còn có người biết mà đáp. Đơn thuốc kê những gì, Lãng cứ đem vào đây cho anh. Trong cung có đầy đủ các loại thuốc quý.


Lãng chớp mắt cảm động, run run nói:


- Cảm ơn anh. Đôi lúc em nhớ tiếc cái thời thân mật ở An Thái, ở Tây Sơn thượng, nhưng biết mọi sự đã thay đổi, không thể ăn nói cư xử buông tuồng tự do như trước được. Vâng, mai em sẽ dặn anh Kiên ở nhà.


- Lãng có điều gì giận anh không?


Lãng vội nói:


- Không. Có điều gì em giận anh đâu. Anh đối với gia đình em như bát nước đầy.


- Vụ... vụ anh Lợi, có nhiều phức tạp lắm. Anh có đọc lá đơn khiếu oan của... của An. Lợi có được một người vợ xông pha lo lắng cho chồng như vậy thực may mắn. Thực cảm động! Nhưng Lãng biết đấy, Lợi không bị khép tội oan. Bằng chứng của bộ Hình rõ rành rành, bằng giấy trắng mực đen chứ không phải chỉ là những lời vu cáo mù mờ. Nếu gắt gao, họ có thể ghép tội chết. Nhưng... Nhưng chúng ta quen biết nhau từ thời chưa khởi dấy, chúng ta hiểu lúc nào phải làm ngơ, lúc nào phải mạnh tay dứt khoát. Việc đã êm, chỉ tại cái miệng bép xép... Anh nói thẳng, Lãng đừng thuật lại cho An biết làm gì.


Huệ im lặng một lúc, mắt đầy vẻ bần thần. Không hiểu nghĩ gì, Huệ hỏi Lãng:


- Chắc An thù ghét anh lắm!


Lãng không dám trả lời. Huệ tiếp:


- Dù sao anh cũng có lỗi với An. Nghe An phải vất vả với nghề hàng xáo... anh...


Lãng xúc động quá, hấp tấp nói:


- Không hẳn thế đâu. Chính tụi em cũng có lỗi với anh. Nhất là em.


Huệ ngơ ngác nhìn Lãng, hỏi:


- Lãng có lầm lỗi gì đâu. Nhờ có Lãng mà...


Lãng nói một mạch, sợ không có dịp nào khác để thổ lộ:


- Không. Em có lỗi nặng lắm. Em cũng đáng bị đem ra chém. Em thương nàng quá, quên hết những điều cấm kỵ và các điều tai tiếng cho nàng. Lâu nay em vẫn chờ mọi phán xử, trừng phạt của Chúa thượng. Thấy Quận chúa không đến nữa, em hiểu. Huệ dần dần hiểu hết những lời thú tội mù mờ của Lãng. Lãng cúi mặt xuống nên không trông thấy Huệ mỉm cười. Chờ cho Lãng nói xong, Huệ mới vỗ vai viên thư ký thân cận, an ủi:


- Về việc ấy, Lãng khỏi phải áy náy. Nói đúng ra cũng có điều quấy đấy. Nhưng cả Chúa thượng lẫn anh đều nhận thấy số phận Thọ Hương thật đáng thương tâm. Lòng người cha nào không thương con. Chúa thượng thấy bất nhẫn vì làm lỡ làng đời con gái, còn anh thì áy náy vì... vì không thể cứu mạng Tân Chính vương được. Đẩy nó làm một người vợ hờ, rồi biến nó thành bà góa... Thọ Hương có lầm lỗi tầy trời đi nữa, cũng phải bỏ qua. Nhưng dĩ nhiên là không thể để cho sự việc đi quá trớn. Lãng hiểu vì sao rồi! Anh hỏi thật Lãng nhé, cái gì đưa đẩy cho Lãng...


Huệ ngại không dám nói hết câu. Lãng nghẹn lời, nhưng về sau cũng cố nói cho rõ lòng mình:


- Em không hiểu em nữa. Em không chịu đựng được cảnh một đứa bé, hoặc một cô gái đau đớn. Trông thấy... trông thấy Quận chúa quàng cái khăn nâu sồng như một bà vãi, em thấy chính mình có tội nếu không làm gì cả cho nàng thôi mím môi, thôi u sầu, cho nàng cười nói vui đùa trở lại như mọi cô thiếu nữ cập kê khác. Nếu cần nhảy vào lửa để Quận chúa bỏ tấm khăn quàng kia đi và chải lại mái tóc dày, em sẵn sàng.


Huệ thích thú được nghe một lời tâm sự chân thành và si mê hiếm hoi, cười nhỏ, rồi bảo:


- Có thể mọi sự không hẳn như Lãng nghĩ đâu!


Huệ không nỡ cho Lãng biết sở dĩ Thọ Hương phải quàng khăn là do sau trận thương hàn, Quận chúa đã mất mái tóc dày lúc trước. Và không phải lúc nào Thọ Hương cũng mím môi u sầu như Lãng tưởng. Huệ nói xa xôi:


- Ở đời nhiều khi ta tưởng thế này mà thực ra lại thế khác. Hoặc có những cái ta tưởng đã ở trong tầm tay, nhưng thoắt một cái, nó đã biến thành khói. Nếu cứ tiếc hoài thì cả đời chỉ toàn thở dài. Cho nên anh nghĩ cái gì mình cho là đúng thì cứ mạnh dạn làm. Thành bại, phế hưng, được mất, may rủi, khỏi cần bận tâm. Chẳng hạn cuộc đổi đời mà chúng ta đang làm đây không êm dịu như một cơn gió thoảng. Lãng thấy đấy, máu đã đổ nhiều, lửa đã cháy nhiều. Tiếng khóc không thiếu. Nhưng vì không thể để y nguyên cảnh đời tối tăm cũ và vì tin tưởng cuộc đổi đời sẽ mang lại nhiều no ấm yên vui cho kẻ xiêu giạt, chân đất, kẻ cô thế nghèo khổ, kẻ thấp cổ bé miệng mà chúng ta mạnh dạn.


Giọng nói hăng say của Huệ cuốn Lãng như một cơn lốc. Anh đăm đăm nhìn đôi mắt rực sáng của Huệ, cánh tay rắn chắc đưa cao dằn nhịp cho từng câu nói. Giọng Huệ sang sảng chứ không còn là giọng thì thầm tâm sự như trước nữa. Đột nhiên Lãng xấu hổ vì tự thấy mình yếu đuối, ủy mị, mẫn cảm trước những điều tủn mủn vụn vặt mà không trông thấy được cái toàn thể vĩ đại, cái cao thượng đồ sộ, cái phóng khoáng mênh mông. Lãng đỏ mặt, lí nhí nói:


- Anh nói đúng. Lâu nay em chỉ biết cúi xuống nhìn từng con kiến, từng cái lá úa rồi thở dài. Bây giờ em mới thấy kỳ cục.


Huệ tươi cười bảo:


- Đừng chấp nhận dễ dàng như vậy, sau này lại dễ vỡ mộng. Nhưng cuộc nói chuyện phiếm tối nay vui đấy chứ. Lâu quá anh mới được có người để nói chuyện thỏa thích. Lãng nghĩ xem, lúc nào cũng chỉ nghe toàn lời vâng dạ, chán lắm!


*


* *


Sau tối tâm sự với Long Nhương tướng quân, Lãng có cảm giác lâng lâng khinh khoái y như trước đây, lúc An kể cho Lãng biết thiện cảm của Quận chúa đối với mình.


Đột nhiên mọi vật mọi sự trước mắt Lãng thay đổi hẳn. Với bản chất mẫn cảm, Lãng nhảy từ cực đoan này sang cực đoan khác. Anh bắt đầu kinh ngạc trước sự ti tiểu, vụn vặt của mọi hình thức trong đời sống quanh anh, và sự ti tiểu tầm thường của chính mình. Trên đường về nhà, anh va phải một anh ký lục ở bộ Hộ. Anh ta quát mắng, nhìn Lãng giận dữ, đưa tay sửa lại cái cổ áo thâm bị lệch trong khi va chạm. Lãng vui vẻ xin lỗi, và nụ cười không thích hợp của Lãng khiến anh ký lục giận run. Anh ta quát:


- Mắt để ở đâu thế! Làm bẩn hết áo của người ta còn nhăn răng ra cười.


Rồi vùng vằng bỏ đi. Lãng nhìn theo thấy hai tay anh ký lục đánh đàng xa như hai cái mái chèo, dáng đi lạch bạch y như con vịt mập. Khôi hài quá! Hắn tưởng hắn là cái gì kia chứ! Tại sao lại giận dữ vì những điều cùn mằn như một cái cổ áo bị lệch, một chéo áo bị lấm. Cuộc đời của hắn đâu phải chỉ dùng để săn sóc lo âu cho bấy nhiêu chuyện! Lại cái giọng sừng sộ quát tháo với đồng loại. Và bộ đi cố làm ra vẻ quan cách. Để làm cái gì, bao nhiêu sự phù phiếm vô nghĩa? Một bà già bán quà rong đi qua trước mặt Lãng, lưng khom, bước chân lẩy bẩy, cái mủng con bày vài quả ổi, quả thị và dĩa muối ớt. Bà cụ ấy chừng này tuổi đầu rồi sẽ về đâu? Có thể thời trẻ tuổi, bà cụ đi được thẳng lưng, mắt nhìn rõ mọi vật phía trước, nhưng cái mủng hàng rong thì vẫn bày những ổi, thị, chuối, xoài. Tay làm hàm nhai, vất ả từ lúc sinh ra cho đến lúc nhắm mắt, suốt đời bận bịu về miếng cơm manh áo. Họ đâu thấy được cái quy luật của đời sống, tầm cao rộng của vũ trụ, khả năng sáng tạo và biến đổi cho đẹp hơn, tốt hơn của những bậc toàn trí và vĩ nhân. Lãng lại cảm thấy thương xót tất cả, không phải vì thấy tất cả không được diễm phúc như mình mà vì tất cả đều chìm đắm u mê trong những chuyện ti tiểu.


Lãng về đến nhà, thấy cảnh vắng vẻ cô quạnh. Từ nửa tháng nay An đã đem bé Thái ra chợ để vừa bán hàng vừa chăm sóc cho con nhỏ. Chị không tin ở con Gái Lớn. Con Gái ở nhà lo bếp núc cho ông giáo, Kiên và trông thằng Phát. Lãng không thấy Kiên đâu, hỏi Gái:


- Cậu đâu rồi?


Con Gái ngưng đút cơm cho thằng Phát, đáp:


- Con vừa thấy cậu ra vườn.


Lãng vội lau qua mặt mũi, hăm hở ra vườn tìm Kiên, Lãng phải nói cho anh biết khám phá mới mẻ của mình.


Anh sững sờ khi thấy Kiên ngồi xếp bằng dưới gốc cây mít, hai bàn tay sè lồng vào nhau đặt gọn trong lòng, mắt nhắm nghiền như đang say ngủ. Lãng còn kinh ngạc hơn khi thấy giữa lòng hai bàn tay chụm lại là một khối đá nhỏ xù xì mầu xám, giống y loại đá xanh người ta dùng làm đường cái.


Lãng nín thở, không dám gọi Kiên. Anh đoán được ngay là Kiên lại tìm ra một phương pháp mới để đạt đến cảm giác buông xả của hạnh phúc. Lá mít vàng rơi quanh chỗ Kiên ngồi. Một chiếc lá úa rơi đúng đỉnh đầu Kiên, chòng chành, nhưng cuối cùng nhờ cái búi tóc chiếc lá vẫn đậu trên đầu Kiên. Anh thấy Kiên không mở mắt, cũng không đưa tay hất chiếc lá xuống. Kiên ngồi yên như một pho tượng Phật nhập định, chung quanh cây lá xao xác, và chiều âm u.


Lãng tò mò ngồi chờ cho đến lúc Kiên mở mắt. Dù đã trông thấy em, Kiên vẫn từ từ, trang trọng đặt viên đá xanh nhè nhẹ lên mặt đất trước mặt mình, trìu mến nâng niu nó như một thành tích. Kiên khẽ lắc đầu cho cái lá rơi xuống, nhắm mắt lim dim một lúc nữa, rồi mới thu hai chân về, choàng đứng dậy. Giọng Kiên vui vẻ dịu dàng:


- Em về lúc nào thế? (Kiên xưng hô thân mật với Lãng hơn từ ngày qua ở đây).


Lãng vẫn còn ngờ chưa hiểu có phải chính Kiên hỏi mình không. Lãng ấp úng hỏi:


- Anh... anh làm cái gì thế?


- Em biết rồi mà!


Lãng ngạc nhiên cãi lại:


- Em có biết gì đâu. Tại sao phải ngồi nhập định với viên đá xanh kia?


Kiên cười nhỏ, bảo em:


- Anh đã tiến thêm được một bước nữa. Đây là lần thứ ba anh thử thách. Quả nhiên có khác với hai lần trước.


Lãng nóng ruột hỏi:


- Nhưng anh thử thách cái quái gì lạ vậy?


Kiên không giận vì câu hỏi hỗn xược của Lãng, nhỏ nhẹ nói:


- Em chưa hiểu nên kinh ngạc đấy thôi. Lần trước anh có giải thích cho em nghe chuyện phóng sanh rồi chứ gì? Đấy, lần này phương pháp cảm thông với vũ trụ cũng giống như phương pháp phóng sanh, nhưng cao hơn về trình độ. Em có thể vứt bỏ hết mọi ràng buộc phiền nhiễu của đời để chăm chú nhìn một con cá, đến một lúc em quên hết, quên cả thân xác, trí óc, tình cảm, quên cả mình có mặt để giữa em và con cá không còn ngăn cách của chủng loại, ngôn ngữ nữa. Em hiểu con cá như hiểu chính mình. Nhờ vậy lúc em phóng sanh con cá, em sẽ cảm thấy một thứ cảm giác lâng lâng say sưa mà anh gọi là hạnh phúc chân chính, hạnh phúc tối thượng, hạnh phúc tuyệt đối.


Nhưng, dù sao tìm cách hòa đồng với vũ trụ qua con cá vẫn còn là chuyện hạ sách. Ta còn chấp nê ở cử động, ở màu sắc, ở cái ta tưởng là sự sống. Nhờ cách con cá quẫy đuôi, đớp bóng, mà ta đoán ra sự mừng rỡ, quấn quít của nó, từ đó ta vui mừng đạt được sự hòa điệu. Cách đây mấy ngày, đột nhiên anh nghĩ: nếu vạn vật trong vũ trụ đều cùng một thể như sách nho nói, thì viên đá xoàng xĩnh nào đó lăn lóc trên đường đi cũng có sự mừng rỡ quấn quít vì cảm thông y như con cá. Tại sao ta không thử với "con cá" này. Anh vui sướng tìm ra được một phương pháp hòa điệu thượng đẳng, nhưng còn ngờ mình nghĩ huyễn hoặc, hoặc căn cơ của mình chưa đủ để theo phương pháp này. Nhưng anh cứ thử. Lần đầu ngồi đến tối mà không thấy gì, ngoài cảm giác mỏi nhừ ở sống lưng, và ngầy ngật ở đầu. Hôm qua cảm giác mệt nhọc bớt đi, và hình như trong lòng bàn tay anh có tỏa chút hơi nóng.


Lãng vội hỏi:


- Còn hôm nay?


Kiên sáng rỡ đôi mắt khi đáp:


- Anh bắt đầu thấy viên đá động đậy. Anh nói thật, không điêu chút nào. Vâng, nó động đậy, y như một chú gà con rúc vào lòng bàn tay anh để tránh gió chiều.


Lãng hấp tấp hỏi:


- Anh có thể tin được những điều huyễn hoặc như thế sao?


Kiên mỉm cười, vẫn với giọng trầm tĩnh thủ thỉ, hỏi lại:


- Theo em thế nào là điều huyễn hoặc?


Lãng sôi nổi nói:


- Là những điều không có thực. Không bao giờ, chưa bao giờ có thực. Em xin nói ngay cảm giác anh gọi là hạnh phúc đích thực, hạnh phúc chân chính, thực ra chỉ là một thứ ảo giác. Anh ngồi thật lâu, nhìn thật chăm chú, tự nhiên anh sẽ cảm thấy những điều bất thường. Đó là phản ứng của thân xác khi bị ta ép buộc nó chịu đựng một thế ngồi, một cái nhìn trái tự nhiên. Tay anh, mắt anh cảm thấy gì đó do hai cơ quan này bị thúc bách bất thường. Rồi trí anh lại gắn cho cảm giác bất thường ấy một ý nghĩa cao siêu. Anh chỉ tự lừa dối anh mà thôi. Anh đang làm thầy pháp để ru ngủ chính anh, anh biết không?


- Còn em thì đang bị đủ loại thầy pháp làm cho hôn mê mà em không biết. Em không thể phân biệt được đâu là cái có thật, đâu là cái huyễn hoặc. Em chưa từng tự mở đường, chỉ chờ cho người ta làm sẵn rồi cúi đầu theo dấu mòn của họ mà bước. Trước kia anh cũng thế. Bây giờ anh là chủ của anh.


Lãng tức quá, nói lớn:


- Anh chạy trốn những sự thực trước mắt bằng cách cố tin ở ảo giác. Bằng cách dựng lên một thứ hạnh phúc không có thật.


Kiên nhìn em, hỏi chậm:


- Vậy em có đủ sức dựng nên thứ hạnh phúc có thật được không? Nó ở đâu? Nó là cái gì? Em đừng quên anh đã ba mươi ba tuổi, còn em mới trên hai mươi.


Lãng hăng hái nói:


- Vâng, anh có sống hơn em trên mười năm, nhưng suốt thời gian ấy, anh chỉ quanh quẩn trong vòng tủn mủn, vụn vặt, như con kiến bò quanh miệng chén.


Kiên cười, hỏi lại:


- Còn em?


- Em cũng ngu xuẩn chẳng kém. Nhưng hiện nay em hiểu được rằng hạnh phúc chân thật có thể tìm thấy ngay trong đời sống có thực đời sống sờ mó được của chúng ta chứ khỏi cần phải tìm ở đâu khác. Miễn là...


- Miễn là thế nào?


- Miễn là chúng ta phải can đảm vượt qua các ti tiểu, cố chấp, eo hẹp, và mạnh dạn dựng lên một trật tự mới.


Kiên suy nghĩ, rồi đủng đỉnh nói:


- Ước mơ của Lãng cũ rích. Bao nhiêu người trước ta đã nói rồi. Và kết quả ra sao, em đã biết! Cha chúng ta chẳng hạn. Cái chí của cha không phải chỉ làm một ông đồ Nghệ. Đâu phải vô cớ mà cha lặn lội vào chốn trường thi ở kinh đô. Cha gặp nhiều rủi ro, nhưng may mắn không phải không có. Cha từng là bạn thân của quan Nội hữu Ý Đức hầu. Vào đây cha lại chính mắt thấy cơ nghiệp Tây sơn, từ lúc chỉ mới là cái đóm. Cha là người trong cuộc. Nhưng cho đến cuối đời, cha đã làm được gì, em nghĩ xem!


Lãng hăng hái nói:


- Tại cha cứ quanh quẩn trong mấy trang sách nho.


- Anh không nghĩ như vậy.


Lãng định cãi lại, nhưng sợ xúc phạm đến cha già. Kiên cho nói với nhau bấy nhiêu đã quá đủ, bảo em:


- Vào thăm cha đi. Không biết mẹ con con An đã về chưa!


*


* *


An lấy làm lạ khi thấy Kiên và Lãng vừa đi vừa bàn luận với nhau một cách sôi nổi, hăng hái. Chị cứ nghĩ hai anh em không có điểm chung nào để họ bắt chuyện. Vào đến nhà ngang, nét mặt Lãng vẫn còn dàu dàu không vui. An mệt mỏi sau một ngày nắng nôi mưu sinh, không muốn hỏi han anh em điều gì nữa.


Trong khi Lãng lên nhà trên thăm cha, Kiên đến gần em gái hỏi:


- Hôm nay thế nào?


An thở dài đáp:


- Ế lắm, anh ạ.


- Sao anh nghe con Út nói độ này giá gạo lên cao, giới hàng xáo phát đạt lắm.


- Vâng, có thế. Nhưng chỗ em bầy hàng khuất quá. Mình ra sau, những chỗ tốt họ đã chiếm cả rồi.


Nhìn con bé Thái thiêm thiếp ngủ, mặt đỏ gay vì nắng, Kiên nói:


- Mai em để con bé ở nhà. Mang phơi nắng, nó đau đấy.


- Em cứ lo con Gái không kham nổi bao nhiêu chuyện. Nó lớn xác nhưng những việc cần sự tỉ mỉ, như chăm sóc con bé, nó vụng lắm. Không bằng con Gái Nhỏ.


- Em cứ để ở nhà anh trông cho.


An vội nói:


- Không được. Em đâu dám. Vả lại hôm qua, lúc anh đi bổ thuốc chị ấy có sai con Út qua nhắn anh về bên đó có việc. Em bận, quên khuấy đi mất.


Kiên lo ngại hỏi:


- Em có hỏi việc gì gấp không?


- Có, nhưng con bé nó khôn quá sức. Nó ngún nguẩy, không chịu nói gì cả.


- Con mồ côi thường đều khôn ngoan.


An quay nhìn bé Thái, giọng như sắp khóc:


- Mấy đứa con em có khác nào con mồ côi đâu. Ra va chạm với đời, nhiều lúc tủi thân dễ sợ. Như chiều nay...


- Xảy ra chuyện gì vậy?


- Thôi, em chẳng kể đâu. Mua bán tranh giành với nhau từng đồng tiền kẽm lời, em thấy con người còn xấu xa hơn cả súc vật.


Kiên cười, nói đùa:


- Tại em không nghe được tiếng súc vật nên mới bảo thế.


Vừa lúc đó, Lãng từ nhà trên bước xuống. Lãng hỏi anh:


- Cái siêu thuốc ai bổ cho đấy, anh?


- Vẫn thầy lang hôm nọ.


Lãng chợt nhớ lời Huệ dặn, mừng rỡ bảo Kiên:


- Mai anh ở nhà suốt buổi chiều chứ?


- Sao em hỏi thế? Có thể ngày mai...


Lãng hốt hoảng cắt lời anh:


- Chiều mai anh chờ ở đây. Có thầy lang giỏi tâm bệnh mới từ Quảng nam vào. Em đã hẹn...


- Em mời ở đâu thế? Ông ấy tên gì?


Lãng liếc nhìn chị, rồi nói với Kiên:


- Ông ấy vừa được tuyển làm ngự y. Anh Huệ gửi ông ấy đến thăm bệnh cho cha.


An giật mình quay phắt lại nhìn em hấp tấp hỏi:


- Ai gửi? Anh Huệ à?


- Vâng.


Giọng An trở nên giận dữ:


- Đã dặn bao nhiêu lần rồi, sao mày cứ chạy theo níu áo van xin người ta. Không biết nhục à!


Lãng bị mắng oan, tức tối đáp:


- Chính anh ấy đề nghị chứ em có xin xỏ gì đâu!


- Mày không nói sao người ta biết?


- Ô hay! Hôm nào anh ấy chẳng hỏi thăm sức khỏe của cha.


- Môi miếng ở chót lưỡi mà mày cũng tin.


Kiên chen vào hòa giải:


- Thôi, đừng nặng lời với nhau nữa. Được, mai anh chờ ở đây. Chẳng có gì phải ngại cả. Coi như họ trả nghĩa thầy.


An nhún vai, giọng mỉa mai:


- Nghĩa thầy!


Lãng tức giận nói:


- Sao chị đa nghi quá!


An không vừa:


- Mày cả tin thì có!


Rồi vùng vằng bỏ xuống bếp. Kiên nhìn theo cho đến lúc em gái đi khuất sau cánh cửa phên nhà bếp, mới hạ giọng bảo Lãng:


- Nó mệt nhọc suốt ngày, nên đâm cau có. Em thấy cha có đỡ chút nào không?


- Vẫn thế. Cha không nhận ra em.


Hai anh em thở dài lo lắng.


*


* *


Cuối năm Mậu tuất (1778), ông giáo lịm dần như một ngọn đèn hết dầu. Giữa tháng Chạp, ông mất.


Tin ông giáo mất khiến những người từng quen biết ông bối rối. Họ chưa biết nên cư xử thế nào. Họ chờ xem vua Thái Đức sẽ làm gì, sau đó mới yên tâm tỏ thái độ.


Nguyễn Nhạc chỉ gửi một viên quan bộ Lễ đến chia buồn với anh em Kiên, không có đồ phúng điếu gì. Thái độ nhà vua đã rõ. Những người quen biết cũ cũng chọn giải pháp hàng hai để dễ bề tiến thoái. Họ sai con cháu đem nhang, đèn đến phúng điếu. Thế thôi. Khi Lãng tìm hỏi tên người có hảo tâm để ghi vào sổ tang, những người đại diện này, có lẽ được dặn trước, chỉ trả lời ấp úng cho qua rồi vội ra về.


Anh em Kiên thấy rõ sự tính toán của người ta. Lòng tự ái bị va chạm, họ mím môi quắc mắt nhìn đời với nụ cười khinh miệt, rẻ rúng. Đã thế thì chúng ta bất cần, chúng ta tự lo liệu lấy. Họ đóng cửa cổng lại, kiên quyết từ chối tất cả những người phúng viếng. Họ còn mạnh dạn bịa rằng ông giáo mất vì một chứng bệnh lạ, sợ có thể vạ lây cho người khác nên mấy anh em tự lo lấy với nhau.


Kiên mở cửa nhà trên cho ánh sáng ùa vào căn phòng ẩm mốc lâu ngày. Tự tay hai anh em tắm rửa, thay đổi quần áo cho cha. An và vợ Kiên may áo tang. Con Gái nấu đồ cúng. An xuất tiền mua cho cha một cỗ quan tài loại đắt giá nhất, và thuê một phường đám ma đầy đủ cờ phướn mũ mãng, kèn bát âm lâu nay vẫn chuyên mai táng cho các gia đình phố khách. Kiên nghe giá phường đám ma cao quá, ngỡ ngàng nhìn em. Nhưng anh hiểu liền. Anh em anh muốn phỉ nhổ lên thế thái nhân tình bằng một đám táng ồn ào kèn trống mà lại lơ thơ người đưa quan.


Xác ông giáo quàn giữa nhà. Đến trưa các con ông đã may xong đồ liệm nên chuẩn bị nhập quan. Ông đau yếu từ lâu nên xác mỏng như một lá lúa, da xanh mét, hai gò má gồ cao bên cặp hố mắt sâu. Tóc cũng đã rụng nhiều, những sợi tóc còn lại và râu trắng xóa. Người chuyên liệm xác đã đến. Ông ta sai đi mua cho ông một chai rượu. Sau khi phun rượu khắp thân thể người chết, ông bắt đầu hơ chân tay ông giáo để chân xếp dọc, hai tay chắp lại trước bụng. Quần áo và đồ liệm đã sẵn sàng. Lúc sắp sửa nhập quan, đột nhiên ngoài cửa có nhiều tiếng ồn ào, gồm tiếng chân ngựa, tiếng nói lao xao, tiếng gươm giáo chạm. Kiên và An lo ngại chưa hiểu chuyện gì thì Lãng ở ngoài cổng đã hớt hải chạy vào báo:


- Có Long Nhương tướng quân đến!


Cả phòng ồn ào hẳn lên. Người thợ liệm vội dẹp đống quần áo và gói trà ướp, băng vải, gối chèn qua một bên, di chuyển cho xác chết nằm ngay ngắn trên giường như cũ. Phường bát âm cất bớt trống kèn. Cả Kiên và An rắn rỏi đến vậy mà cũng hồi hộp sửa lại sống áo.


Nguyễn Huệ mặc đồ trận còn lấm bụi, có lẽ vừa đi xa về, không cần gật đầu cảm ơn những người nhường lối, Huệ tiến thẳng đến phía thầy nằm. Ông xúc động đến nghẹn ngào trước thân thể ốm o biến dạng đến nỗi khó mà nhận ra ông thầy thân yêu quắc thước ngày xưa. Đứng lặng một lúc lâu, đột nhiên ông quỳ xuống bên giường thầy, hai tay nắm lấy hai bàn tay lạnh cóng của ông giáo. Tuy đôi mắt người chết đã khép, nhưng ông có cảm giác phía sau cánh cửa huyền bí vĩnh viễn đóng ập với sự sống ấy, thầy ông vẫn nhìn ông với đôi mắt nửa trìu mến nửa trách móc. Không tự chủ được, ông gục mặt xuống giường người chết, nghẹn lời chỉ thốt được có mỗi một tiếng:


- Thầy!


Biến cố bất ngờ khiến mọi người trong phòng nôn nao cả dạ. Không ai xì xào một tiếng nhỏ. Hình ảnh viên tướng trẻ quần áo còn bám đầy bụi đường gục mặt bên xác thầy, đôi vai run run trong cơn khóc lặng lẽ, có sức mạnh thôi miên mọi người. Mắt An rực sáng khi đăm đăm nhìn cảnh tượng ấy, lòng hoang mang giữa thương yêu và hận thù. Long Nhương tướng quân gục mặt bên xác thầy một lúc, rồi chậm rãi đứng dậy, nhìn quanh như muốn tìm kiếm thứ gì. Lãng hiểu ý, đem cho Nguyễn Huệ vài nén nhang.


Huệ cảm ơn, đến đốt nhang ở cái đèn sáp gắn giữa mâm cơm cúng đặt trên đầu người chết. Vì bàn tay run, mãi một lúc sau Huệ mới thắp cháy được mấy đầu nhang. Viên tướng trẻ đứng phía cuối giường ông giáo, ánh mắt xót thương cầu khẩn nhìn về khuôn mặt lạnh lẽo của người chết, cúi xuống vái hai vái. Đoạn ông cắm mấy nén nhang vào lư hương.


Huệ quay lại tìm các con ông giáo. Ông gặp ngay đôi mắt sáng rực khác thường của An. Chân ông dợm bước về phía ấy nhưng Huệ còn đủ sáng suốt để xoay hướng về phía Kiên đang đứng, buồn rầu bảo:


- Tôi về đây mới biết tin... biết tin thầy mất. Thầy có trối trăn điều gì không anh?


Kiên cảm động đến rơm rớm nước mắt, đáp:


- Thưa tướng quân, cha tôi lịm dần, không trăn trối gì cả.


- Thầy mất lúc nào?


- Cha tôi đi vào lúc sáng sớm. Lúc em Lãng vào thay nước trà, cha tôi đã đi rồi. Nhưng ngực vẫn còn âm ấm.


Huệ nhìn đống đồ tống chung và bọn phường bát âm, hỏi Kiên:


- Bộ Lễ không gửi người đến đây lo gì cả à?


Kiên lắc đầu. Huệ ngạc nhiên, định nói gì đó nhưng ngưng kịp trước khi mở lời. Ông bối rối loay hoay một lúc, cuối cùng bảo:


- Tôi sẽ gửi đội tống chung của trại đến. Bây giờ tôi xin phép về. Kiên chưa kịp từ chối, Huệ đã đi ra phía cửa. Lúc đi ngang qua giường ông giáo, ông dừng lại, cúi đầu thật lâu như thầm nói vài lời với thầy. Vừa ngửng lên, Huệ lại bắt gặp đôi mắt sáng rực của An. Ông khẽ gật đầu chào người bạn gái cũ, rồi nhanh bước về phía cửa như muốn trốn tránh điều gì.


Sau khi Huệ đến phúng điếu, những người quen thân cũ của ông giáo mới bớt e dè. Họ lần lượt đến phân ưu với anh em Kiên. Trước hết là các bạn của Lãng. Tiếp đến là bạn của Kiên ở kho lương, và các bạn của Lợi. Sau cùng mới đến lượt những người từng làm việc chung, hoặc từng gặp gỡ ông giáo ở An thái, Tây sơn thượng hoặc Kiên thành.


Tuy vậy các quan ở lục bộ và ở triều đình vẫn chưa dám héo lánh đến. Đám tang được tổ chức đơn giản nhưng nghiêm trang một ngày sau đó. Hôm ấy trời mưa. Ngọn đuốc đưa linh cửu gặp nước cháy lèo xèo, tỏa ra một làn khói đục. Vì đội tống chung lo hết mọi sự, nên kẻ tò mò ở hai bên đường, căn cứ vào quân cách của lễ tang đoán non đoán già đây là tang lễ của một vị tướng nào đó. Họ càng vững tin như vậy khi thấy sau linh xa, bước chậm sau lưng các con cháu người đã khuất còn có một vị tướng trẻ tuổi khuôn mặt quắc thước, có đôi mắt buồn. Chỉ một số rất ít người biết vị tướng trẻ đó là Nguyễn Huệ.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom