• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Sông Côn Mùa Lũ (2 Viewers)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 41

Ít lâu, sau ngày Đông cung vào đến Gia Định, một nhà nho hết lòng trung quân tạm ẩn ở Qui Nhơn cũng trốn vào. Ông ta tên là Nguyễn Đăng Trường. Gốc gác gia đình, học thức, và nhất là cuộc mạo hiểm nghìn dặm tìm vào với Chúa (dù đau đớn đứt ruột vì phải bỏ lại Qui Nhơn một mẹ già), bấy nhiêu yếu tố đủ khiến Tân Chính vương vui mừng chiêu đãi người hiền. Nguyễn Đăng Trường được giữ chức tham tán, ngày đêm làm việc trong bộ tham mưu của Tân Chính vương.


Chinh nghe tin có một người vừa ở Qui Nhơn vào, vội tìm đến với hy vọng may ra biết được tin nhà. Lý Tài đoán biết ý định của Chinh, vội cho mời viên Tham tán đến, trỏ Chinh và hỏi:


- Ông ở Qui Nhơn, có quen cậu này không?


Trại chủ ngẩn người vì cố nhớ xem đã gặp Chinh ở đâu, nhưng ông chịu, không nhớ được gì liên quan đến cậu thanh niên mặt vuông, mũi lớn, da ngăm ngăm đen đang bối rối trước mặt mình. Viên Tham tán thú thật:


- Có lẽ... có lẽ trí nhớ tôi kém. Hình như tôi chưa gặp cậu này lần nào cả.


Lý Tài cười, rồi hỏi:


- Thế ông có nghe người ta nhắc đến ông giáo Hiến không?


Trại chủ mau mắn đáp:


- Có. Ở Qui Nhơn ai không biết hắn ta! Giáo Hiến là quân sư của bọn anh em Tây Sơn mà.


Lý Tài cười xòa, lại trỏ Chinh mà nói:


- Cậu này là con trai của giáo Hiến đấy. Viên Tham tán đỏ mặt liếc nhìn Chinh, vì vừa dùng lời lẽ khá nặng nề khi nhắc đến ông giáo. Chinh thấy thế, vội lễ phép hỏi:


- Trước khi vào đây, bác có gặp cha cháu không?


Trại chủ lấy được bình tĩnh, nhìn thẳng vào Chinh đáp:


- Tiếc là tôi chưa được gặp ông cụ thân sinh anh. Lúc ông cụ còn đa đoan công việc trong phủ, tôi không muốn gặp. Lý do vì sao chắc anh hiểu. Về sau, nghe thiên hạ đồn ông cụ đã thôi việc và ra ở Bằng Châu...


Chinh hồi hộp, nôn nóng cắt lời viên Tham tán:


- Cha cháu đã rời nhà ra Bằng Châu? Sao lạ thế?


Trại chủ ngạc nhiên trước sự hốt hoảng của Chinh, chằm chặp nhìn anh rồi nói tiếp:


- Vâng. Ông cụ đã ra ở Bằng Châu từ lâu rồi. Nghe nói vì ông cụ bất hòa với bọn anh em Tây Sơn sao đó. Thú thật nghe đồn vậy tôi cũng bán tin bán nghi. Giữa nhà nho với nhau, tôi muốn biết tâm sự thầm kín của ông cụ thế nào trước thời thế.Tôi muốn tìm đến thăm ông cụ.


Chinh không chờ được nữa, chen vào hỏi:


- Bác có đến thăm cha cháu không ạ?


- Có. Nhưng tiếc là tôi không được gặp mặt. Có cô gì hình như con cháu ông cụ...


- Vâng. Đúng là con An em cháu đấy. An có nói gì với bác không?


- Cô ấy bảo ông cụ vừa đi khỏi. Tôi hẹn trở lại, nhưng tự nhiên lòng do dự, không biết nên gặp hay không. Sao đó chần chừ, hẹn rày hẹn mai mãi. Đến lúc bị bọn họ biết tông tích và tìm đến tận nhà tôi, tôi sợ không dám ở lại Qui Nhơn nữa, vội tìm cách trốn vào đây.


Lý Tài hấp tấp hỏi:


- Họ tìm đến tận nhà ông ư? Ai thế?


Trường quay nhìn Lý Tài, do dự, chưa biết nên nói hay không. Cuối cùng viên Tham tán đáp:


- Chính người đáng gờm nhất trong anh em họ: Nguyễn Huệ.


Lý Tài giật nảy người vì câu trả lời bất ngờ, đứng hẳn lên rời khỏi ghế, chồm tới trước hỏi trại chủ:


- Thật thế sao? Hắn đến hỏi ông những gì?


Viên Tham tán đáp:


- Hắn hỏi vì sao từ hai năm nay, vào Qui Nhơn, tôi mai danh ẩn tích chứ không ra giúp anh em hắn. Đáng sợ hơn nữa là hắn hỏi vì sao lại có ý định trốn vào đây. Lý Tài thích thú cười to, rồi hỏi;


- Bị bắt đúng mạch như vậy, ông ăn nói làm sao với hắn?


Trường chậm rãi đáp, giọng nói tự tín pha lẫn kiêu hãnh:


- Tôi nói thẳng là tôi sẽ ra đi.


Lý Tài và Chinh đều trố mắt nhìn viên Tham tán, lòng đầy hoài nghi. Lý Tài vội hỏi:


- Rồi hắn nói sao?


Trường trầm ngâm một lúc thật lâu, cân nhắc từng lời trước khi đáp viên Bảo giá tướng quân đầy uy quyền. Ông băn khoăn tự hỏi có nên nói đúng sự thật hay không. Liêm sỉ nhà nho buộc ông không được nói dối. Nghĩ như vậy nên Trường trả lời:


- Hắn nói:”Tiên sinh đi như thế, chẳng khác nào quay trời đất lộn ngược trở lại, hỏi làm sao được! Tôi chỉ sợ có ngày tiên sinh hối hận thì sự đã muộn lắm rồi!”


Lý Tài lại hấp tấp hỏi:


- Ông đáp thế nào mà hắn để ông yên?


Giọng Trường trở nên sang sảng:


- Tôi nói:”Bậc đại trượng phu ở đời lấy trung hiếu làm đầu. Tôi nay thờ mẹ tôi, rồi thờ Chúa, ý nghĩ thật là quang minh. Còn công việc có xuôi hay không, được hay mất là do mệnh trời. Tôi còn điều gì hối hận được!”


Lý Tài vỗ bàn cười ha hả, quên cả giữ ý với một nhà nho nghiêm túc, chạy đến ôm vai viên Tham tán lắc lắc, miệng không thôi lẩm bẩm:


- Khá lắm. Được lắm. Thế mới gọi là tay hảo hớn “uy vũ bất năng khuất”


Trường hơi cau mày khó chịu, đưa tay gỡ nhẹ tay Lý Tài ra khỏi vai. Muốn cho Lý Tài khỏi chú ý cử chỉ mình, Trường quay về phía Chinh nói:


- Thành ra trước sau tôi vẫn chưa gặp mặt được ông cụ.


Chinh hồi hộp hỏi:


- Nhưng em gái cháu có nói gì về chuyện cháu vào Gia Định không?


Trường lắc đầu chầm chậm, rồi đáp:


- Cô ấy chỉ trả lời ông cụ không có nhà. Sau đó tôi đi ngay, không hỏi thêm gì nữa. Thật đáng tiếc!


*


* *


Cuộc đối thoại giữa Nguyễn Đăng Trường và Nguyễn Huệ, không hiểu do ngõ ngách nào, trở thành đề tài truyền miệng trong dân chúng khắp Gia Định. Đi đâu cũng nghe người ta thì thào bàn tán về câu chuyện ấy, với nhiều chi tiết bị biến đổi thành ra hấp dẫn hơn, đậm nét thời sự hơn. Chẳng hạn lần đầu Chinh nghe nội dung cuộc đối thoại ở nhà một thương gia buôn vải giàu có ở Sài Côn, thì Nguyễn Huệ đã hỏi nhà nho:


- Tiên sinh nhất quyết vào Gia Định như thế có khác nào định đảo ngược trời đất đâu. Chỉ sợ có ngày tôi dẫn quân đánh chiếm Gia Định, tiên sinh hối hận thì muộn lắm rồi.


Lần thứ hai một anh Hoa kiều buôn lúa gạo chận Chinh lại hỏi sau một tiệc rượu:


- Này, tôi hỏi riêng anh chuyện này anh trả lời thành thật cho tôi liệu trước nhé. Có phải viên tướng tài ba em vua Tây Sơn đã dọa ông Thám tán rằng:”Tôi đã bảo mà nhà thầy cứ nhất định nằng nặc vào nam, thật là chuyện trời đất đảo điên. Báo trước cho thầy biết là tôi sắp kéo quân vào lấy Gia Định. Đến lúc đó, thầy hối hận cũng không kịp nữa”. Sự thực đúng như thế không?


Lần thứ ba, câu nói của Huệ biến thành:


- Nhà thầy không nghe hả? Có trời đất làm chứng, tôi không nói ngoa là tháng sau tôi sẽ cầm quân vào chiếm cả Gia Định. Lúc đó thầy hối hận cũng không kịp đâu.


Người ta nhẩm tính ngày Nguyễn Đăng Trường vào đến Gia Định, cộng thêm khoảng thời gian đi ghe từ Qui Nhơn vào Bến Nghé, lúc đó mới sợ toát mồ hôi vì nhận thấy rằng chỉ còn khoảng vài hôm nữa Nguyễn Huệ sẽ kéo quân vào nam. Tin ấy làm náo loạn khắp nơi, nhất là ở các phố Hoa kiều. Giá lương thực tăng vọt vì các ghe buôn từ các nơi ghé Bến Nghé thưa thớt hẳn, trong lúc các bà nội trợ cuống cuồng chạy khắp nơi vét gạo về dự trữ. Hàng hóa ở các sạp chợ bị giấu hết, trên phố, ngoài bến, kẻ mua hàng lùng đi tìm mà không ra kẻ bán. Những người quá lo xa lẳng lặng cho vợ con về quê, nên thuyền bè đầy ắp những đàn bà con nít dắt díu bồng bế nhau tránh loạn. Cửa phố hoặc đóng hẳn, hoặc khép he hé, bên trong người ở lại nép sau bức rèm thưa quan sát động tĩnh bên ngoài.


Tình trạng đó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần quân Hòa nghĩa và Đông Sơn, nhất là quân Hòa nghĩa, vì sự yểm trợ tài chánh của đám Hoa kiều Sài Côn và Trấn Biên sút giảm mau chóng. Số người săn đón mời mọc Chinh đi ăn uống, du hí càng ngày càng thưa, sau cùng gần như mất hẳn. Chinh báo động với Lý Tài, và bộ tham mưu ở núi Châu Thới bàn luận mãi vẫn chưa tìm ra giải pháp trấn an nhân tâm, hóa giải tác hại của các tin đồn nhảm. Thật ra ngay Lý Tài cũng lo sợ Tây Sơn kéo quân vào Gia Định thực. Hệ thống phòng thủ ở thành Gia Định lẫn núi Châu Thới còn sơ sài, quân Hòa nghĩa tuy đông nhưng quá hỗn độn, kỷ luật thiếu nghiêm minh. Những lính Hòa nghĩa kỳ cựu ỷ công không xem kỷ luật ra gì, quen thói lộng hành y như thời ở Quảng Nam và Phú Yên. Lính mới dựa thế đám thương gia giàu có cũng xem thường hiệu lệnh. Cấp trên bảo, cấp dưới không nghe. Cái gì không vui nhộn hoặc không mang ngay lợi lộc thì không làm. Lý Tài thấy phải chấn chỉnh lại đám quân ô hợp mới mong diệt được quân Đông Sơn và phòng thủ Gia Định. Thời gian cần thiết, ít ra phải một năm. Gấp lắm cũng cần đến sáu tháng. Nguyễn Huệ kéo quân vào sớm quá, Lý Tài biết trước mình khó lòng chống đỡ được.


May mắn cho Gia Định là khoảng cuối năm Bính Thân, Võ Duy Nguy và Tô Văn Đoái từ Quảng Nam trốn vào Gia Định mang theo nhiều tin vui.Theo họ kể thì tuy Chúa Bắc Hà đã ban cho Nhạc chức “ Quảng Nam Trấn thủ Tuyên úy Đại sứ” nghĩa là đã hợp thức hóa chủ quyền của Tây Sơn trên vùng đất rộng phía trong đèo Hải Vân, nhưng dân chúng có vẻ không phục chế độ mới. Càng ngày càng có nhiều mầm móng bạo loạn hoặc do các sĩ phu, tôn thất khởi xướng, hoặc do chính đám dân nghèo chán ngán chiến tranh đã chà đi xát lại tàn phá vườn tược, ruộng rẫy, xóm làng của họ. Duệ Tôn, Tân Chính vương, Đỗ Thành Nhân, Lý Tài và đám thuộc hạ vồ lấy tin vui của Nguy và Đoái như kẻ sắp chết đuối vồ lấy miếng ván nổi. Tân Chính vương cử người ra Quảng Nam chiêu tập nghĩa binh, đồng thời cho người tỏa ra khắp các bến chợ, phố phường cải chính tin đồn dữ trước đó.


Kỳ hạn người ta đồn đãi Nguyễn Huệ sẽ vào Gia Định qua rồi, thiên hạ còn ngại chưa dám cho vợ con trở về phố. Ghe thuyền còn lưa thưa. Phố xá còn khép hờ đề phòng biến loạn. Nhưng nửa tháng, một tháng, rồi hai tháng trôi qua mà quân Tây Sơn vẫn chưa vào. Người ta bắt đầu tin lời Tô Văn Đoái và Võ Di Nguy. Đời sống dần dần ổn định. Mọi người thở phào tự thẹn mình nhát gan, rồi quyết che giấu sự yếu đuối bằng cách bỏ tiền sắm một cái Tết linh đình. Cảnh yến tiệc, du hí liên miên giữa đám con buôn giàu có và bọn quan lại, tướng lãnh thế lực tiếp tục. Tuy nhiên, sau cuộc vui say, nhiều khi ngay trong cuộc vui say, mọi người vẫn canh cánh một mối lo vu vơ, như một đám mây đen lởn vởn giữa bầu trời trong xanh của mùa xuân Gia Định.


*


* *


Cái tin Thọ Hương vô tình thuật cho An nghe hôm cúng đầy tháng cháu Phát khiến An lo lắng đến mất ngủ. Nhưng An không dám nói lại với ai cả. Dù Lãng không căn dặn nhiều lần trước khi ra về, An cũng biết gia đình mình còn ở vào cái thế chông chênh dễ bị Nhật nghi ngờ. Một bí mật quân sự quan trọng như vậy loan đi từ nhà ông giáo sẽ chẳng khác nào lời thú cần thiết cho một bản án tử.


Nhưng từ Tết Đinh Dậu (1777) tin đó đã được loan báo công khai. Cuộc chuẩn bị cho cuộc tấn công lần thứ nhì vào Gia Định dồn dập rộn rã khắp nơi, đập vào mắt vào tai mọi người. An không muốn nghe mà ngày nào Lợi cũng mang đủ thứ chuyện về nhà hí hửng như mang quà về tặng vợ. Khi thì Lợi bảo:


- Chuyến này lớn hơn chuyến năm ngoái nhiều. Có cả thủy lẫn bộ đấy, em ạ!


Khi Lợi buông lơ lửng:


- Kế hoạch đại qui mô như vậy không biết lo ghe thuyền có xuể không!


Vài hôm sau Lợi lại nói:


- Cả anh Thiếu phó lẫn anh Phụ chính đều đi Gia Định chuyến này An ơi! Chuyến về mặc sức nhọc! Không khéo anh Thiếu phó lại đòi cho được anh theo cũng nên. Anh lo quá!


An quá hiểu chồng, bực dọc đáp:


- Không ai thèm nhờ đến anh đâu. Dù có nhờ đến anh, em cũng bồng thằng Phát lên kêu nài cho anh ở lại. Tình cảnh con cái thế này, làm sao em lo một mình cho xuể.


Lợi cụt hứng không đề cập tới chuyện đi nam với vợ nữa. Anh thấy An có lý để giữ anh lại.


Thằng Phát, đứa con trai đầu của hai vợ chồng, thể chất òi ọp làm khổ mẹ không ít. Qua đến tháng thứ ba, tự nhiên mình mẩy nó nổi sài ghẻ, ngứa ngáy khóc cả đêm. Thằng bé khóc đến khan cả tiếng, mỗi lần ngứa cứ lấy tay cào mạnh lên các mụn ghẻ mọng nước, đến nỗi da thịt rướm máu, vết lở loang dần khắp mình mẩy. Một thứ nước vàng nhờn nhờn ứa ra ở các chỗ lở, dính chặt vào quần áo. Không mặc quần áo cho con được, An phải hơ lá chuối non trải lên giường cho nó nằm. Nó nhiễm lạnh lại mang thêm cái bệnh ho. Chị vú ngại khổ lánh việc, tìm hết có này đến cớ khác để thoái thác việc tắm rửa, canh giấc cho thằng bé. An thương con không nỡ giao cho ai, ngày đêm ôm con mà khóc. Sức khỏe chị suy giảm, vì thiếu ngủ và lo phiền. Nhiều đêm chị ngủ gục trên nôi con, giật mình thức dậy thấy thằng bé há miệng kêu khóc không ra hơi, hối hận quá, không dám chợp mắt nữa. Lúc nào thằng bé mệt phờ thiếp đi An mới dám gửi con cho chị vú hoặc con bé giúp việc, ngả lưng nhắm mắt một chút. Mắt An thâm quầng, tóc tai dã dượi, quần áo nhàu nát hôi hám. Đã thế, chị lại đang mang thai đến tháng thứ hai, căn cứ vào kỳ tắt kinh cuối cùng. An vừa thương con vừa thương mình, vừa giận mình vừa giận chồng. Nhiều hôm chợt nhìn mình trong cái gương bám bụi, An xót xa hối hận đã đi lấy chồng, để đến nỗi thân mình, mặt mũi tiều tụy đến thế!


Vì vậy khi nghe An nhắc hoàn cảnh hiện tại, Lợi không còn gì để nói thêm nữa. Anh bỏ ý định lên gặp Lữ để xin tham dự chuyến tấn công Gia Định này, nhưng trong lòng vẫn tự tin rằng thế nào Lữ cũng phải nhờ đến tài tháo vát của anh. Lợi nghĩ tới quân số đông hơn, chắc chắn chiến lợi phẩm thu được sẽ nhiều hơn, ghe thuyền cần trưng dụng để chở thóc về Qui Nhơn sẽ tăng lên. Không có Lợi, ai làm nổi công việc ấy. Thiếu phó có gọi lên thì Lợi phải tìm cách từ chối! Mà thế nào Thiếu phó cũng gọi.


Lợi chờ với tất cả tin tưởng và kiêu hãnh của một tay chuyên nghiệp. Lợi chờ. Lợi chờ. Chờ mãi không thấy ai đến mời anh. Nhiều lần gặp Thiếu phó, Lợi nói xa nói gần mà Lữ vẫn chưa đề cập đến chuyện anh chờ đợi.


Đến hôm Lãng về nhà báo cho cha và chị biết: trong vòng hai ngày nữa Lãng sẽ theo Huệ vào nam, Lợi mới bật ngửa. Anh bỡ ngỡ, rồi khổ sở đến tuyệt vọng. An lo lắng cho em nên không chú ý đến nét mặt tái xanh của chồng. An hỏi Lãng:


- Cha đã biết việc này chưa?


Lãng nhìn quanh như muốn tìm cha, rồi đáp:


- Chưa. Cha đâu rồi chị?


- Không có ngoài vườn à?


- Không. Em vừa từ ngoài vườn vào đây. Cháu đã đỡ chưa?


An nhìn về phía nôi con, thở dài đáp:


- Phía sau lưng đã khô, nhưng cánh tay lại lầy trở lại. Chị chẳng còn phải biết làm sao nữa. Biết sinh nó ra đời khổ thế này, thà... Lãng vội nói:


- Rồi nó sẽ khỏi thôi. Chị đừng chán nản. Ủa, sao hai bàn tay cháu phải buộc vải vậy? Lại lở ở mấy kẻ tay à?


An cười gượng gạo, nói:


- Không phải đau. Chị buộc chặt, không nó gãi sước cả mình mẩy.


- Hôm nay nó ngủ có vẻ say đấy chứ!


- Nhờ cái lưng đã bắt đầu lành đấy. Mấy hôm trước nó trăn trở, trông thấy tội nghiệp đến phát khóc.


Rồi nhìn về phía chồng, An nói:


- Thế mà anh Lợi định bỏ chị để vào nam với em đấy.


Lãng thành thực bảo:


- Chị khỏi lo. Chuyến này anh Lợi khỏi phải đi. Anh biết rồi chứ anh Lợi?


Vì tự ái, Lợi đáp rối:


- Vâng, biết rồi!


Lãng nói tiếp:


- Em nghe anh Huệ nói với anh Lữ nên giữ một người giỏi tổ chức quân lương lại Qui Nhơn để chuẩn bị tiếp lương khi cần. Mục tiêu trận này có vẻ lớn, nên thời gian sẽ kéo dài, có thể là nửa năm, một năm. Xong việc mới được về!


An lo lắng hỏi:


- Chắc là phải gặp nhiều nguy hiểm lắm nhỉ?


Lợi nói:


- Nghĩ như em thì chỉ nên đốt hết gươm giáo cho quân nằm nghĩ trong xó nhà.


An hăng hái nói:


- Vâng. Nếu có quyền, em sẽ làm như vậy. Em chẳng hiểu có gì thú vị trong chuyện chém giết mà đàn ông các anh say mê đến thế. Mới đẻ ra là đã say đấu đá nhau rồi. Làm đàn bà thời loạn thật khổ. Ai cùng thành chinh phụ ôm con chờ chồng đến hóa đá.


Lợi càu nhàu:


- Nói thế mà nghe được!


Lãng muốn hòa giải cho anh chị, cười bảo:


- Nhưng anh Lợi đã ở lại đây, chị trách móc cả bọn đàn ông làm gì nữa.


Giọng An gay gắt và hốt hoảng:


- Anh Lợi ở lại, nhưng Lãng đi, anh...


An kịp dừng lại, liếc về phía chồng lo ngại. Lợi vẫn cúi mặt ngắm ngía mấy ngón tay ốm của mình, nét mặt buồn hiu. Lãng nói:


- Không hiểu sao em cứ nghĩ là chuyến này, thế nào em cũng được gặp anh Chinh. Tính anh ấy, em biết. Chắc bên trong có điều éo le gì đó, chứ anh Chinh không phải là con người phản trắc. Thế nào anh ấy cũng được ta giải thoát, trở về với gia đình. Chị có tin như thế không?


An không trả lời, vì nghĩ Lãng quá mơ mộng, không chịu nhìn thẳng vào thực tế đau lòng.


*


* *


Mấy hôm ông giáo bị bệnh, Kiên có đến thăm cha. Căn nhà nấp sau vườn cây rậm vốn đã lặng lẽ, bây giờ lặng lẽ thêm. Ở căn trước cửa ngõ đóng kín nên bên trong tối om, ông giáo nằm rên hừ hừ. Mùi thuốc bắc xông lên từ lò siêu tỏa khắp phòng. Căn dưới thì An ôm con canh giấc cho thằng bé, lâu lâu tủi thân thút thít khóc. Chị vú bỏ về sau một trận cãi vã với chủ, nên dưới bếp hai đứa ở gái xì xầm nói chuyện với nhau, sợ làm động đến sự yên tĩnh thê lương đè nặng lên khắp nhà.


Kiên hỏi thăm sức khỏe cha, rồi ngồi im bên cái phản gõ không biết nói gì thêm, anh muốn ra về nhưng sợ làm như vậy tình cha con có vẻ nhạt nhẽo quá.


Ông giáo cũng muốn hỏi thăm con vài điều. Nhưng hỏi Kiên gì đây? Chẳng lẽ hỏi thăm về mấy đứa trẻ không phải cháu nội của mình, hoặc hỏi về tình hình làm ăn ở cái quán rượu? Kiên nói qua công việc của mình ở kho quân lương, và cuộc chuẩn bị tiến công Gia Định sắp tới. Lại thêm một đề tài ông giáo không muốn nghe ai nhắc đến!


Ông giáo vừa mệt vừa khó chịu muốn nằm yên một mình nên bảo Kiên:


- Con xuống thăm mẹ con con An một chút. Thằng bé bệnh hoạn quá, đêm nào cũng khóc i ỉ.


Kiên chúc cha mau bình phục, rồi xuống căn nhà dưới. An thấy anh tới, tự nhiên bật khóc. Kiên hỏi:


- Cháu đã đỡ chưa?


An vừa thút thít vừa đáp:


- Nó khô chỗ này lại lầy ở chỗ khác. Em chẳng biết phải làm sao nữa.


- Sao không bảo thằng Lợi nó mời thầy về xem thử.


An chua chát đáp:


- Ấy, hai ba ông rồi đấy. Ông thì bảo tại nhiệt. Ông thì bảo tại sữa em xấu. Ông thì bảo anh Lợi có gốc phong.


Kiên nhìn quanh rồi hỏi:


- Lợi chưa về à?


- Chưa anh ạ. Thường thường khoảng xế anh ấy mới về nhà.


Kiên cười ra vẻ nhạo báng:


- Nó có ngồi yên một chỗ được đâu. Chạy hết chỗ này đến chỗ khác.


An chợt nhớ Kiên làm một chỗ với chồng vội hỏi:


- Ủa, anh đã về sao Lợi chưa về?


Kiên cũng kinh ngạc và bồn chồn. Anh nói:


- Anh cũng hẹn chú ấy ở đây mà. Chú ấy bảo anh cứ về trước, chú ấy đi có chút việc rồi về liền.


An lo lắng hỏi:


- Có việc gì gấp không anh?


Lúc đó thằng bé giật mình thức dậy, i ỉ khóc. An rung rung hai tay để ru con, giọng hát buồn rười rượi. À ơi. Một mai ai chớ bỏ ai. À ơi. Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim. Ngủ đi con. Có mẹ đây. À ơi... Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy. À ơi... Ngọn núi bạc đầu vì bởi sương sa. À ơi... Anh cần gặp anh Lợi gấp không? Có chuyện gì thế? À ơi... Có mẹ đây...


Kiên không chờ cho An ru con xong, vội vã bảo:


- Chắc anh không đợi được. Ở nhà đông khách, không có người lớn bọn chúng nó uống quịt hết. Lợi về em hỏi xem vụ bánh tráng đã đến đâu rồi. Người ta muốn biết gấp để còn liệu.


An tò mò hỏi:


- Vụ bánh tráng nào thế, anh?


Kiên do dự, nhưng thấy em khẩn khoản muốn biết nên chậm rãi giải thích:


- Có gì đâu. Để quân lính tiện ăn đường khỏi mất công nấu nướng, mình dùng gạo rang hoặc bánh tráng. Trong hai thứ, quân lính thích ăn bánh tráng hơn, cho nên bên quân lương giao gạo cho các lò làm bánh tráng thật nhiều. Lò họ kiếm được nhiều lời trong vụ này lắm. Có một chỗ quen biết cũ với má con Út nhờ anh nói giùm với chú Lợi một tiếng. Chả là chú Lợi lo việc này mà. Họ bảo người ta sao thì họ cũng chịu vậy, không quên ơn chú ấy đâu. Có chó sủa? Hay chú Lợi về?


An cũng thắc mắc nói:


- Chắc không phải anh Lợi. Anh ấy về chó chỉ hực chứ không sủa. À ơi. Có mẹ đây, con ngoan. Có mẹ đây. À ơi. Hòn đá đóng rong... Anh ra mở cổng giùm em xem có phải khách lạ không? Kiên ra cổng thấy lố nhố nhiều lính mang gươm giáo. Anh sợ quá, đến lúc nhận ra Lãng và Huệ ở trước cửa cổng Kiên mới yên tâm hơn một chút. L ãng thấy anh, lên tiếng trước:


- Anh mở giùm cổng. Có anh Huệ đến thăm cha.


Tuy quá quen biết Huệ nhưng trước một người trẻ tuổi giữ chức vụ lớn trực tiếp điều khiển mình, Kiên vẫn đâm lúng túng. Anh lật bật mãi mới mở được then cửa.


Kiên hơi nghiêng người ra trước, lễ phép nói:


- Mời... mời ông Phụ chính vào ạ!


Huệ đã quen với thái độ khúm núm của kẻ khác đối với mình nhưng vẫn ngỡ ngàng trước thái độ của Kiên. Huệ cười nhỏ, thân mật hỏi:


- Thầy có mệt nặng lắm không anh?


Lãng đi sau lưng Huệ nói:


- Nghe em báo cha mệt không ngồi dậy được, anh Huệ vội đến thăm cha. Để em vào mở cửa lớn đã.


Huệ vội đưa tay ngăn lại:


- Thôi. Đừng mở cửa, sợ gió.


Rồi quay về phía toán lính hầu, Huệ ra lệnh:


- Các anh ở ngoài cổng được rồi:


Lãng và Kiên dẫn Huệ vào phòng cha theo lối cửa hông. Ông giáo nghe có nhiều tiếng chân bước và tiếng xì xầm, lên tiếng hỏi:


- Ai thế con?


Huệ run run giọng đáp:


- Thưa thầy, con đây.


Sợ ông giáo chưa hiểu, Huệ nói thêm:


- Thưa thầy con là Huệ. Thầy mệt lắm không ạ?


Căn phòng quá tối nên Huệ chỉ thấy chỗ thầy nằm nhờ tiếng ông giáo hỏi, chứ không phân biệt được sắc diện người bệnh. Ông giáo vội choàng ngồi dậy, thảng thốt hỏi:


- Anh Huệ à? Trời ơi! Sao anh biết tôi bệnh mà đến thăm. Kiên đâu rồi? Thắp đèn lên cho sáng đi!


Lãng mang cây đèn dầu lạc lên kịp lúc. Huệ đến ngồi trên cái ghế ngay bên cạnh phản thầy giáo. Anh cầm lấy cổ tay ốm của thầy, xúc động nói:


- Xin thầy cứ nằm xuống cho khỏe.


Ông giáo hân hoan bảo:


- Không sao! Tôi ngồi được mà. Làm sao anh nghe tin tôi ốm?


Huệ thấy đôi mắt thầy vẫn long lanh linh hoạt như xưa, nhưng khuôn mặt hóp lại, hoàn toàn trở thành một cụ già ốm yếu. Huệ trìu mến nhìn thầy, đáp nhỏ:


- Con nghe Lãng nói. Lâu quá con không đến thăm thầy, thật có lỗi. Dễ chừng đã gần hai năm rồi!


Ông giáo ngậm ngùi đáp:


- Phải. Gần hai năm. Từ ngày đám cưới con An...


Ông chỉ nói được đến đó, rồi ái ngại nhìn Huệ. Hai thầy trò cũng nhìn nhau và cùng hiểu những gì cả hai đang nghĩ, nên lòng họ lâng lâng buồn. Sau một lúc im lặng, ông giáo cố giằng xúc động nói:


- Nhưng nhờ em Lãng, tôi vẫn biết được tin tức anh. Tôi theo dõi được từng bước anh đi, anh Huệ ạ!


Huệ quay lại tìm Lãng, muốn cảm ơn người thư ký thân cận của mình, nhưng có lẽ hai anh em Kiên, Lãng tế nhị hiểu tình quyến luyến đặc biệt giữa hai thầy trò, nên đã ra khỏi phòng. Huệ yên tâm hơn, thưa với ông giáo:


- Thầy có phiền trách con điều gì không?


Ông giáo ngần ngừ một lúc, rồi đáp:


- Tôi lo âu và hãnh diện vì anh.


Huệ buồn rầu nói:


- Như vậy là con đã làm cho thầy buồn.


Ông giáo vội bảo:


- Không hẳn thế đâu! Tôi như một ông cha lẩm cẩm, con đã khôn lớn mà cứ tưởng nó còn chập chững, sợ sệt lo âu nó vấp ngã trên đường đời. Nằm trong cái xó bệnh này tôi đâu có biết anh đã vững chãi, mạnh bạo biết bao! Anh đã trở thành trụ cột cho Tây Sơn rồi!


Huệ bối rối nói:


- Thầy thương con nên dạy quá lời! Không có anh cả con xếp đặt mọi sự, thì...


Ông giáo ngắt lời học trò:


- Không. Tôi không nói quá lời đâu. Từ thời An Thái tôi đã tự nhủ nếu mai sau trong đám học trò lẫn con cái tôi, có ai làm nên nghiệp lớn, thì người đó chắc chắn là anh. Còn những mưu chước nhất thời hoặc những trò lừa đảo cướp bóc, thì không kể làm gì! Vì vậy có lần tôi nhắc anh hãy nghĩ đến lũ trẻ thơ và những người già cả bệnh hoạn như tôi hiện nay, khi muốn phá cái nhà dột nát để xây ngôi nhà mới.


Huệ suy nghĩ một lúc, rồi nói:


- Con sợ đến một lúc bão lớn quá...


Nói đến đó, Huệ ngập ngừng, rồi không tiếp lời nữa, ông giáo nín thở chờ đợi câu trả lời của Huệ, chờ mãi không nghe học trò nói tiếp, nên ông nổi con ho. Huệ lo âu hỏi:


- Thầy có mệt không? Hay con đỡ cho thầy nằm xuống.


Ông giáo lắc đầu nhưng cơn ho cứ dai dẳng. Huệ vội đứng dậy đến cuối phản lấy gối và chăn kê cao rồi đỡ vai ông giáo để thầy nằm dựa lên chồng gối chăn cao đó. Anh rót nước ra cái chén con bưng đến mời thầy. Nước nóng giúp ông giáo đỡ ngứa ở cổ họng. Cơn ho thưa thớt dần. Huệ ân cần hỏi:


- Lãng có mời thầy thuốc về xem bệnh cho thầy chưa ạ?


Ông giáo gật đầu:


- Hay để con mời ông thầy vẫn chữa bệnh cho anh con đến đây xem mạch cho thầy. Mai con bảo ông ấy đến, thầy nhé?


Ông giáo lắc đầu, môi mím lại cố dằn cơn ho sót. Huệ bưng mời ông giáo chén nước khác. Trong lúc lóng cóng vì mệt nhọc, ông giáo để nước đổ cả lên phản gỗ. Huệ xin lỗi:


- Con vô ý quá. Đáng lẽ phải bưng cho thầy.


Ông giáo đã khỏe hơn, nhìn Huệ trìu mến, rồi hỏi:


- Nghe nói anh sắp vào Gia Định?


Huệ ngước lên nhìn thầy, rồi đáp khẽ:


- Dạ. Con sắp đi nam.


Ông giáo cố lấy hết tự tin để nói điều muốn nói, nhưng ông e ngại. Ông nói trớ sang chuyện khác:


- Mong anh được bình yên như kỳ anh Lữ.


Huệ đáp:


- Cảm ơn thầy. Chuyến này có Lãng cùng đi với con đấy.


- Tôi đã biết rồi. Nó đã khá hơn trước nên tôi bớt lo cho nó. Vả lại còn có anh nữa. Anh Huệ này!


Huệ biết thầy có điều khó khăn muốn nói với mình nhưng còn e ngại, nên nói:


- Thưa, thầy cần con điều gì ạ? Con sẽ hết sức cố gắng. Ông giáo ngần ngại, rồi nói:


- Nếu trời còn thương tôi xin cho anh gặp được thằng Chinh, thì xin anh...


Huệ hiểu ngay ý thầy, vội nói:


- Dạ. Chắc bên trong còn nhiều điều phức tạp. Con sẽ gắng bảo bọc mạng sống của anh ấy. Chỉ sợ...


Ông giáo không muốn dừng lại ở nửa chừng, nên cướp lời Huệ, nói luôn một mạch:


- Tôi còn mong một điều khó hơn nữa, anh đừng vội chê tôi lẩm cẩm mà tội nghiệp. Tôi biết chuyến này, vào tận chỗ ẩn náu của dòng họ Nguyễn Gia Miêu, thế nào máu cũng đổ đầy sông đầy rạch của đất Gia Định. Đối với thân thuộc của chúa, đối với chính nhà chúa, anh nên...


Huệ vội nói với ông giáo:


- Con hiểu ý thầy. Con hiểu lòng thành của thầy. Nhưng có những cơn bão lớn còn mạnh hơn cả lòng thầy, lòng con nữa. Như lần con thưa với thầy về chuyện những kẻ không nhà...


Huệ cố lắm chỉ nói được có thế. Ông giáo hoang mang, cúi đầu im lặng không nói gì.


Lãng vào phòng bắt gặp hai thầy trò ngồi lặng như thế trong vùng ánh đèn lù mù, ngơ ngẩn không hiểu gì. Anh đằng hắng báo hiệu rồi mới rụt rè thưa với ông giáo:


- Thưa cha, anh Kiên xin phép về.


Huệ tìm được cơ hội tốt để thoát khỏi tình thế khó xử, vội đứng dậy nói:


- Thưa thầy, con cũng xin phép về thôi. Chúc thầy chóng bình phục.


Ông giáo đáp, giọng còn buồn buồn:


- Cảm ơn anh. Anh đi bình yên nhé!


Huệ ra khỏi căn phòng bệnh, tự nhiên cảm giác nặng nề giảm bớt. Lãng hỏi:


- Anh ở lại chơi tí đã?


Huệ còn đang ngần ngừ, thì tiếng trẻ con khóc từ phía nhà dưới tới. Thấy Huệ chăm chú lắng nghe, Lãng giải thích xa xôi:


- Thằng bé con chị An nó bị lở khắp mình, khóc không ra hơi nữa. Tội nghiệp, cả đêm ôm con không dám chợp mắt.


Huệ lúng túng chưa biết nên về hay nên ở. Thằng bé vẫn tiếp tục khóc. Huệ mím môi suy nghĩ, rồi bảo Lãng:


- Lãng dẫn cho tôi thăm cháu một chút!


*


* *


An vừa vội vã đặt con xuống giường, thay cho chính mình bộ quần áo sạch màu hồng, trở lại ẵm con dỗ cho nó nín, thì đã nghe tiếng chân bước gần đến cửa phòng. Lãng đứng ở ngoài nói to cho An kịp chuẩn bị:


- Có anh Huệ đến thăm cháu đấy chị!


An vừa hồi hộp vừa xấu hổ, ôm chặt lấy con đứng dậy, quay mặt ra cửa chờ khách vào.


Chị thấy Huệ khác trước nhiều.


An nhận thấy nét mặt Huệ đậm lại, sắc sảo hơn. Mái tóc quăn vẫn phủ chéo trên cái trán cao. Nước da ngăm ngăm rắn rỏi như trước. Vẫn cái nhìn vừa thao thức tra hỏi vừa khinh ngạc diễu cợt. Nhưng rõ ràng khuôn mặt ấy đã mất hẳn nét đầy đặn phơi phới của tuổi niên thiếu. Dưới hàng lông mày rậm, hai hốc mắt sâu xuống. Gò má xương xương. Đôi môi mỉm cười cố tỏ sự thông cảm chào đón nhưng ở hình ảnh môi dưới trề ra mím bớt môi trên, có phảng phất cái gì chua chát thất vọng.


An vội nghĩ sự biến đổi già dặn ấy do cả ở mình, nên càng bối rối hơn. Chị ôm chặt thằng bé vào lòng, như cố tìm một chỗ núp, một chỗ bám víu. Huệ đến gần bên An, cúi xuống nhìn thằng bé xanh rướt bệnh hoạn trong tay người bạn gái, lòng thực sự thương xót và ái ngại. Anh hỏi:


- Nghe Lãng bảo cháu nó không ngủ được. Tội nghiệp, trông nó tiều tụy quá.


An có cảm tưởng Huệ nói đến mình hơn là nói đến con. Mặt chị nóng bừng, mắt bắt đầu đỏ, ướt. Môi trên của chị tê dại, run run. Chị muốn nói gì đó nhưng cổ nghẹn lại. Huệ tiếp:


- Lâu nay An có được khỏe không?


An nuốt nước bọt trước khi đáp:


- Cảm... cảm ơn anh. Cháu nó đau yếu luôn, nên tôi... nên tôi...


Huệ vội vàng nói:


- Phải. An mất ngủ nhiều nên có ốm đi.


An nói trước những gì chị sợ Huệ sẽ nói:


- Chắc bây giờ tôi chẳng khác nào là một bà già. May có Lãng, nếu không, anh không nhận ra tôi đâu!


Huệ ái ngại nhìn An, bảo:


- An nói quá. An vẫn không khác xưa bao nhiêu đâu! Có gia đình, lo lắng nhiều nên mắt hơi buồn, thế thôi!


Tuy biết Huệ nói dối nhưng An vẫn đỏ mặt vì hân hoan. Nhờ thế chị lấy lại được bình tĩnh. An nhìn thẳng vào mặt Huệ (đến lúc đó An mới dám nhìn thẳng vào mặt Huệ) và hỏi:


- Chừng nào anh đi?


Huệ nhớ lại những lần trước An từng hỏi mình câu ấy, bao nhiêu kỷ niệm cũ dồn dập hiện về. Bằng một giọng đùa nghịch lâu nay Huệ ít dùng, anh hỏi lại:


- Chắc An mong tôi đi xa lắm nhỉ?


An vội cãi lại:


- Không phải. Tại sao anh nói thế! Tôi nghe Lãng bảo chuyến này sẽ khá lâu, có thể hàng năm.


Huệ gật gù, mỉm cười đáp:


- Có lẽ không đến nỗi lâu thế đâu.


Rồi tự thấy đứng nói chuyện như thế này thật bất tiện, Huệ giả vờ nhìn quanh tìm kiếm, và hỏi:


- Anh Lợi chưa về à?


An đáp:


- Thường anh ấy về muộn.


Huệ mỉm cười định nói gì, nhưng lại thôi. Cuối cùng Huệ bảo:


- Tôi cũng bị cái tật về muộn mất! Thôi, ghé thăm thầy và An xong, tôi phải về đây. Cháu thức dậy kia rồi!


An ru nho nhỏ cho con ngủ lại, nên lúc Huệ cúi chào từ biệt, chị không trả lời được. Ra khỏi phòng, anh còn nghe giọng An run run ru con: À ơi. Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy. Ngọn núi bạc đầu vì bởi sương sa...À ơi. Em gặp anh đây chẳng dám nói ra... À ơi... Sợ mẹ bằng đất à ơi sợ cha bằng trời... À ơi!
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom