• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Sông Côn Mùa Lũ (3 Viewers)

  • Sông Côn Mùa Lũ - Chương 13

Năm Tân Mão (1771), gia đình ông giáo vừa lên Tây Sơn thượng đã chịu thêm một cái tang nữa; thằng Út không chịu được khí hậu miền núi, cái bệnh suyễn kinh niên thêm trầm trọng. Nhưng thằng bé không qua đời vì bệnh suyễn, mà vì chứng phong đòn gánh. Út đạp gai lúc nào, cả An lẫn Lãng đều không chú ý. Thằng bé sợ chị mắng, không dám hở môi. Đến lúc cái chân bị sưng to, và thằng bé sốt nằm li bì, thì không còn chạy chữa cách nào được. Trước lúc mất, thằng bé oằn mình, hai tay chới với đưa lên không như muốn bấu víu lấy sự sống. Cả nhà ông giáo khóc nức lên, tuyệt vọng! Chỉ còn biết đưa xác đi chôn ở đám đất sỏi dưới gốc một cây ké rậm lá!


Tây Sơn thượng đối với An thành một vùng đất bất trắc. An thấy cảnh vật ở đây hoang vu buồn tẻ quá! Chung quanh An chỉ toàn núi và sương mù. Nhà cửa ọp ẹp tạm lợp cất bằng những loại cây nhỏ còn để nguyên vỏ, mái lợp bằng cỏ tranh ghép buộc xốc xếch. Những cái chòi đơn sơ ấy cất rải rác trên thung lũng, cây cỏ hoang dại phủ quá nửa tấm vách nứa. An lại nhớ phố phường, cung điện ở thần kinh, nhớ đến làng An Thái đông đúc trù phú nằm ở bến sông, da diết nối tiếc cảnh sống ổn định ở đồng bằng.


An không thể hiểu nỗi niềm kiêu hãnh của Chinh, khi Chinh dẫn em gái leo lên một đồi thấp mọc đầy cỏ tranh, trỏ về phía ngọn núi xa gần, vỡ lòng cho An bài địa lý:


- Mày thấy chưa? Cuộc đất này có “rồng ẩn, hổ ngồi” đấy nhé. Anh Lữ kể ông tổ bốn đời nhà anh quê tận Hưng Nguyên, Nghệ An, bị chúa Nguyễn bắt đày lên chỗ thâm sơn cùng cốc này. Trại mình ở hiện nay cất trên nền nhà tổ tiên của anh Lữ. Dĩ nhiên là rộng hơn nhiều chứ. Hồi đó, làm gì đông vui cho bằng bây giờ.


An không thể không cười mỉa mai, hỏi anh:


- Đông vui? Anh có nói đùa không?


Chinh ngạc nhiên trố mắt nhìn em, càng ngạc nhiên hơn khi thấy An bật cười to. An vuốt lại mái tóc bị gió thổi rối, lấy một mảng tóc cắn vào giữa hai hàm răng để cố không cười nữa, sợ phật lòng anh. Chinh chờ lâu không thấy em nói gì, vội nói tiếp ý mình:


- Cuộc đất tốt vì bằng phẳng, chung quanh lại có núi bao bọc, ấm áp như một cái nôi. Sữa cho em bé là nước sông Ba, và những dòng suối như Rộc Tùng, Hầm Bia, Rộc Môn, suối Cái. Dải núi cao kéo dài trùng điệp từ hướng nam vắt qua đông ngăn chia vùng này với đồng bằng tên là Trụ Lĩnh. Kia là ngọn Hảnh Hót, ở đó có một buôn thượng đông lắm. Kia là ngọn Mò O. Phía mặt trời vừa mọc là hòn Lớn và hòn Gia dụa. Núi phía tây bắc kia là hòn Cong.


An nhả mảng tóc ra, lấy ngón tay út cời gỡ nhẹ mấy sợi tóc còn dính vào đầu lưỡi, hỏi anh:


- Núi vây kín cả, thì mình xuống biển bằng lối nào?


- Lối phía bắc. Chỗ kia kìa. Không. Xa hơn chút nữa, chỗ có ngọn núi lớn kề bên một ngọn núi nhỏ nằm chệch phía tây nam. Đèo An Khê ở ngay chỗ hai cái núi đó. Cuộc đất này giống như Nhà Trời. Mái là bầu trời xanh. Vách tường là các dải núi cao bao bọc. Nền là thung lũng bằng phẳng. Cửa là đèo An Khê, mở ra, nhìn thấy ngay cái sân đồng bằng Tuy Viễn. Hàng rào là một dải biển xanh.


An ít khi thấy anh hứng chí ba hoa như hôm nay, tìm cách nói ngược lại:


- Nhà Trời! Nhà Trời! Em chẳng thấy có cái gì vĩ đại cả. Ọp ẹp mấy mươi cái chòi vùi lấp trong cỏ dại, chịu đựng sương mù buốt da. Khiếp. Khi hôm em không tài nào ngủ được!


- Mấy mươi? Mày có biết đếm không? Chưa kể số người ở xóm Ké, hiện chung quanh đây có tất cả 97 cái nhà, 328 người kể cả trẻ con. So với lần cha với anh mới lên đây là quá đông rồi. Hồi đó chỉ lèo vèo vài mươi cái chòi rải rác ở ngoài vòng rào trường trầu. thế mà không biết ai đồn đãi trên này có đất lành, người ta ùn ùn kéo nhau lên. Mỗi ngày vài ba gia đình, có ngày lên đến sáu, bảy gia đình. Càng ngày đời sống ở đây càng tấp nập, đông vui thêm. Trong trại gặp nhiều khó khăn hơn, vì phải đứng ra tổ chức, giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho những gia đình mới. Khó nhất là cái ăn. Nhưng đất ở đây tốt, chỉ cần lấy cây nhọn xoi lỗ bỏ hạt bắp xuống là vài tháng sau bẻ được những trái bắp to tướng. Giống bắp mọi lớn và dẻo lắm. Tiếc một điều là chỉ làm được một mùa. Khó khăn do ở chỗ đó.


Chinh nói đúng được cái khó khăn chính của Tây Sơn thượng vào năm Tân Mão, nhưng chưa nói được hết sự phức tạp của nỗi khó khăn ấy.


Ban đầu, nó hiện ra thật nhỏ nhoi, tầm thường. Muối. Số muối dự trữ trong trại cạn dần. Người ta vay mượn nhau từ một bát, đến một nắm, đến một nhúm nhỏ. Người ta nói dối nhau, rồi người ta từ chối thẳng thừng. Lời qua tiếng lại giữa những người quen biết, thân thuộc vì chuyện vay mượn muối. Đi đâu cũng chỉ nghe muối, muối. Mẹ mắng con vì một xíu muối hoang phí. Anh em cấu xé nhau, vợ chồng kình cãi nhau vì muối. Cả Tây Sơn thượng dáo dác bàng hoàng vì đột nhiên nhận ra rằng đời sống của mình bị đe dọa, do cắt đứt liên lạc với đồng bằng Tuy Viễn và biển cả. Từ đèo, nhìn xuống dải đồng bằng chắp vá loang lổ từng mẩu xanh nõn và nâu nhạt, cùng mặt biển bạc lặng lẽ, những con người phiêu bạt ấy bắt đầu thấy lòng hãnh diện, ý chí chinh phục chùng lại. vào những giây phút yếu lòng đã ầm thầm gợn lên nỗi luyến tiếc, lòng hối hận. đỉnh đèo cô đơn nhìn về biển cả với tất cả ao ước, chỉ vì cái vị mặn thiếu thốn nơi đầu lưỡi.


Theo chỉ dẫn của người Thượng, người ta thay muối bằng tro cỏ tranh. Thức ăn ngả màu đen, mỗi lần nuốt một miếng cơm phải rướn cổ cao, gắng trệu trạo để tìm vị mặn rồi cố nuốt cho trôi xuống họng. Bữa cơm trở thành một nỗi ám ảnh khổ tâm. Trẻ con vùng vằng ỉ ôi giữa bữa. Mẹ bực bội phát vào mông đứa bé vài cái. Chồng cằn nhằn vợ. Láng giềng gây gổ, ẩu đả nhau chỉ vì một cớ cỏn con, trong khi nguyên do thực sự là những bữa cơm thiếu muối.


Bao nhiêu đồ đạc, quần áo có đôi chút giá trị trong nhà đều tiêu phí mau chóng để đổi lấy vài vốc muối hẩm. Ban đầu chỉ có trao đổi giữa người tham lợi và người ghiền mặn. Hai cái tham si ấy gặp nhau và cùng hả hê. Nhưng phút vui qua mau. Phải đến một lúc người ta giật mình nhận ra rằng không thể ôm đống quần áo đồ đạc chặt trong tầm tay để nuốt trôi miếng cơm pha tro, hoặc không thể chịu đựng nổi cái lạnh căm căm nhứt buốt của khí núi về đêm để có được bữa ăn trắng. Tình thế dùng dằng, cả hai bên đều thấy mình đang sa bẫy không cưỡng lại được. Rồi muối cạn dần, mớ của cải tạm gọi là quí giá đổi nhiều lần chủ, cuối cùng người thượng mang ra Tây Sơn thượng những túi muối nhỏ đựng trong dí tơ dứa để mang hết mớ của cải gồm quần áo, đồ đồng, chum vại ấy về buôn.


Làm sao người Thượng họ có được muối, khi con đường độc đạo dẫn xuống Tuy Viễn đã bị quân triều canh phòng nghiêm ngặt? Người ta đoán chừng: họ quen ăn nhạt, nay một ít mai một ít dành dụm được vài dí ấy thôi. Quả tình những người Bana mang từng dí muối nhỏ ám khói đi đổi hàng với vẻ mừng rỡ pha chút tiếc nuối trân trọng, e dè thẹn thùng như những kẻ ngoan đạo bị bắt gặp đang lén bán thánh tích. Nhưng đó là khoảng đầu. Về sau, những thanh niên lực lưỡng, da cháy nắng phải hổn hển cong gập người xuống mang từng gùi muối nặng ra đổi hàng. Muối hột còn mới, cạnh sắc và óng ánh phản quang. Bây giờ người ta mới hồ nghi. Giá muối tuy vậy vẫn không chịu hạ, vì những gia đình có tiền bỏ vốn ra tích trữ. Hạng du thủ du thực, hạng quen buôn bán lâu nay chưa thích nghi được với công việc nương rẫy đều đặn, tẻ nhạt, bắt đầu đánh hơi thấy một nguồn lợi mới. Vài trai tráng đột nhiên trốn đi đâu mất, công cuộc khai hoang trễ tràng, lơ là. Ít lâu sau, họ trở về với những gùi muối đầy. Bị cật vấn, họ bảo đã đi khắp các buôn heo hút nằm sâu trong rừng phía tây để mua muối. Người trong trại nửa tin nửa ngờ.Số trai tráng bỏ trại đi buôn nhiều hơn. Mùa màng bị bỏ dở, cỏ mọc lấn áp cả những luống bắp yếu ớt. Giá thực phẩm lại tăng vọt. Nguy hiểm hơn nữa là thái độ bất hợp tác khác thường của người Thượng. Họ không gùi muối ra trại đổi hàng nữa vì đã bị đám con buôn người Kinh tranh giành thị trường, nhưng cả đến bắp ngô, măng le, thị rừng cũng biến mất trên các chợ nhỏ vẫn thường họp mỗi sáng ở bìa rừng. Rồi các vụ kiện tranh chấp giữa người Kinh với người Thượng tăng vọt. Bắt đầu có các vụ lưu huyết, vì tranh nhau quyền đốn củi, quyền vỡ rẫy. Nói chung, tình trạng xáo trộn trong mối quan hệ với người Thượng và công việc trồng tỉa bê trễ đã thực sự đưa Tây Sơn thượng đến bờ vực đói và chết.


*


* *


Trong căn phòng năm trước Kiên nằm dưỡng bệnh, biện Nhạc, Lữ, Huệ, ông giáo và một người đàn ông lạ đang ngồi vây quanh cái giường đan bằng nứa. Ngọn đèn chai nổ lép bép hắt một thứ ánh sáng vàng bệch lên khuôn mặt đăm chiêu của mọi người. Trên có một người bị thương đang nằm nghiêng, quay mặt ra phía ánh sáng. Một băng vải màu thẫm băng chéo lên khuôn mặt anh ta, che mất con mắt phải, và gò má cao. hình như anh ta bị thương ở trán, vì một mảng tóc bết máu khô cứng thành một mũi đao găm xuyên dưới băng vải, khiến nét mặt người bị thương thêm dữ tợn. Tuy nhiên, giọng nói của anh ta yếu, nhẹ như giọng con gái, chua và the thé. Mọi người đều đoán anh ta là người miệt ngoài, ít ra phải từ Bồng Sơn trở ra.


Ông biện hỏi:


- Tại sao mày cứ giấu quanh hoài vậy? Ai chém mày?


Người bị thương hốt hoảng trả lời:


- Dạ các chú nghi oan cho cháu. Cháu đâu dám nói dối. Chỉ vì sơ ý, cháu vấp phải một cái rễ cây, trán đập vào mũi đá.


Giọng ông biện đanh hẳn lên:


- Một thằng ngu cũng biết đây là vết chém. Mày tưởng ai ở đây cũng mù cả sao? Ai chém mày?


Người bị thương đưa đôi mắt lờ đờ nhìn quanh, dường như để cầu cứu, để van xin sự thông cảm. Anh ta chỉ thấy những gương mặt lạnh lẽo, đen bóng và bất động như những pho tượng dưới vùng ánh sáng chết. Anh đưa lưỡi liếm môi, hơi thở khó khăn. Sau khi cựa mình, anh ta thều thào:


- Cho cháu xin chút nước.


Không ai trả lời ngay. Căn phòng yên lặng hoàn toàn. Người bị thương rụt rè:


- Cháu khát quá. Khát đến chết mất.


Ngọn đèn chai nổ lép bép trả lời anh ta. Mãi một lúc sau, biện Nhạc mới quay lại phía Huệ, hất hàm ra lệnh. Huệ đứng dậy mở nhẹ cánh cửa gỗ, bước ra khỏi phòng.


Uống xong hai ngụm nước nóng, người bị thương vẫn còn thèm thuồng, đưa lưỡi liếm hai môi sưng. Ông biện nói:


- Đủ rồi mày uống nữa là chết.


Thấy người bị thương nhắm mắt lại, ông đâm giận. Ông nói gần như quát tháo:


- Mày uống nước xong rồi nằm ngủ, mặc xác mọi người à? Ai bảo bọc giúp đỡ gia đình mày? Ai giúp muối, giúp gạo cho mày? Mày bỏ rẫy đi biệt bao lâu, bây giờ bị chém, được anh em cứu khiêng xác về đây, vậy mà còn không biết nghĩ, chỉ một mực nói dối. Ai chém mày?


Người bị thương sợ quá, chống tay bật ngồi dậy. Nhưng đôi cánh tay anh nhũn ra. Đầu anh rơi mạnh xuống mặt nứa, anh đau đớn đến thét lên. Huệ và ông giáo cùng xô đến phía anh ta. Những người còn lại ngỡ ngàng một lúc, chưa biết phải làm gì nữa. Ông biện liếc về phía cái chõng tre, môi mím lại. Ông bỏ ra khỏi phòng. Người đàn ông lạ và Lữ lặng lẽ bước theo ông biện. Chỉ còn có ông giáo và Huệ trong căn phòng âm u. Thấy ông giáo lật mí mắt và bắt mạch người bị thương, Huệ lo âu hỏi:


- Có việc gì không thầy?


- Không sao. Mạch còn tốt. Chỉ bị ngất đi thôi.


Ông giáo bảo Huệ lấy khăn ướt chườm lên trán người bị thương. Phần ông thì sửa lại thế nằm cho hai tay anh ta xếp dọc theo thân thể, hai chân thẳng gót sát nhau, bàn chân xòe ra hai bên.


Một lúc sau, anh ta tỉnh lại. Đôi mắt anh ta mở từ từ mơ màng dật dờ trong một trạng thái hỗn mang. Đột nhiên anh nhớ lại hết, và lơ láo nhìn quanh. Anh bắt gặp đôi mắt hiền từ của ông giáo. Bắt gặp vẻ lo âu thảng thốt của Huệ. Một cảm giác lâng lâng mơn trớn nơi hai thái dương, lan xuống má, xuống khắp thân thể, chân tay. Anh thấy tủi thân, và hai giọt nước mắt ứa ra ở khóe mắt. Tuy ông giáo và Huệ không nói gì, chỉ trìu mến nhìn anh, nhưng anh cảm thấy phải nói điều gì đối với họ. Anh hỏi:


- Cháu chưa chết ư?


Ông giáo cười nhỏ, vỗ nhẹ vào vai trái người bị thương, đáp:


- Chết thế nào được? Vết thương xoàng thế này!


Người bị thương rụt rè nói:


- Cháu không dám nói với ông biện là cháu bị chém.


Ông giáo bảo:


- Không việc gì phải sợ. Đã không chịu đựng nổi đồng bằng kéo lên đây, không bảo bọc che chở nhau, làm sao có ngày trở lại quê hương. Cháu người miệt nào?


- Miệt Đồng Hậu.


- Vùng bị đói đấy à?


- Dạ. Đến củ chuối, đọt dứa cũng không còn. Mấy đứa em của cháu chết cả. Cháu với mẹ cháu đi theo người ta, về phía nam. Đi đâu người ta cũng xua. Hễ bị xua thì chạy. Chạy đến đâu, đào trộm hái trộm mà ăn đến đấy. Đến Kiên thành, hai mẹ con cháu tìm được việc làm. Cháu khuân vác thuê ngoài chợ. Mẹ cháu đổi nước. Chưa được một tháng thì xảy ra vụ cả làng bị quan trên bắt, nhà cửa bị đốt. Cháu lại dắt mẹ chạy theo người ta lên đây.


Huệ chen vào hỏi:


- Thế ra anh trốn lên trên này từ độ đó. Có biết vì sao quân triều đốt cả Kiên thành không?


Người bị thương nhìn chăm chăm vào mặt Huệ, vẻ do dự ngại ngùng. Hình như anh ta nhớ ra Huệ. Anh nói:


- Cháu không rõ. Nghe người ta nói, quan trên có hiềm thù gì đó với gia đình ông biện.


Ông giáo hỏi:


- Anh bị thương, mẹ anh có biết không?


- Chưa chắc biết. Mấy chuyến trước cháu đi nửa tháng mới về. Chuyến này chỉ mới được ba ngày, cháu đã bị... Chắc mẹ cháu còn chờ.


Ông giáo lại hỏi:


- Anh có muốn nhắn tin cho bà cụ hay không?


Người bị thương chưa kịp trả lời, thì Huệ đã hỏi:


- Các anh buôn muối theo đường nào?


Anh ta lại nhìn Huệ thật lâu. Sau một lúc do dự, anh ta nói:


- Cháu với mấy người nữa biết người Thượng theo đường rừng xuống mua muối tận phủ Phú Yên. Chúng cháu lén theo họ.


Huệ hỏi:


- Họ có biết không?


- Sau vài chuyến, họ biết.


- Các anh bị lộ à?


- Chưa. Họ thấy chúng cháu có muối mà bán nên đâm nghi. Với lại...


Ông giáo mừng rỡ vì những điều mình đoán đều đúng. Ông đã tìm ra lý do vì sao người Bana quanh đây đột nhiên thay đổi thái độ, vì sao có những vụ gây gổ, sinh sự giữa người Kinh và người Thượng mấy tháng trước. Ông nghĩ phải tìm một con đường nào đó, có thể lại dùng con đường của người Thượng đâm chếch về hướng nam nối liền Tây Sơn thượng với Phú Yên, để cuống rún dẫn muối lên rừng và sản vật nậu nguồn xuống bể khỏi bị cắt lìa. Ông nói ngay điều đó với biện Nhạc. Giữa lúc mừng rỡ, ông giáo chợt nhớ đến người mẹ của người bị thương. Ông nhắc lại câu hỏi:


- Anh muốn tôi dẫn bà cụ xuống đến đây săn sóc anh không? Bà cụ ở khu nào?


Người bị thương suy nghĩ một lúc, rồi nói:


- Thôi vậy. Cháu sợ mẹ cháu lo, phát bệnh mất. Vết thương của cháu có nặng không chú?


Ông giáo bảo:


- Không can gì đâu. Vết chém cạn, chưa phạm tới xương sọ.


Huệ hấp tấp hỏi:


- Ai chém anh vậy?


Người bị thương đáp nhỏ, sau một lúc im lặng lo lắng:


- Cháu không rõ. Có lẽ là người Thượng. Sau khi ngã xuống, bạn bè chạy tán loạn vào rừng, cháu nghe có mấy tiếng kêu nhau bằng tiếng Bana. Cháu vội lết đến nằm trong một bụi rậm, sợ họ trở lại. Sau đó, vì máu ra nhiều quá, cháu ngất đi.


Huệ hỏi:


- Điều này quan trọng lắm. Anh có chắc là chính người Bana định giết anh không?


- Có lẽ đúng họ.


- Vì sao họ muốn giết anh?


- Tại vì... Tại vì... Cháu không hiểu tại sao nữa. Có thể họ sợ chúng cháu tranh mất nguồn lợi muối của họ.


Vừa lúc đó, cửa phòng mở. Lữ vào phòng, mời ông giáo lên gặp biện Nhạc có việc gấp. Thấy Huệ đang trù trừ bên giường người bị thương, Lữ bảo:


- Anh hai vừa hỏi chú đấy!


*


* *


Lúc ông giáo đến, người đàn ông lạ mặt đang hăng hái trình bày điều gì đó với ông biện Nhạc. Ông ta có thói quen nói chậm và lớn tiếng, nói một câu thì dừng lại, hau háu nhìn thẳng vào mặt người nghe như để dò xem lời nói của mình đã thấm đến đâu. Trong những phút chờ đợi ấy, ông biện gật đầu vâng vâng dạ dạ hết sức thành kính. Người đàn ông lạ hết sức thú vị khi thấy hiệu quả lời nói của mình, sau mỗi cái gật đầu của ông biện, ông ta cười ha hả, đập tay vào vai ông biện nhắc đi nhắc lại mãi mấy tiếng: "Phải thế không? Phải thế không nào!"


Người lạ khẽ gật đầu chào ông giáo, tự nhiên tiếp câu chuyện đang bỏ dở:


- Phải thế không? Cái gì cũng có qui củ cả. Để chúng nó sống ô hộp thế này, muốn làm gì thì làm, đi đâu tùy ý, thì chẳng mấy chốc, quân triều kéo lên đây làm cỏ tất cả chúng ta dễ như lấy đồ trong núi. Phải thế không nào. Ông đừng quên trong số dân xiêu dạt lên chỗ sơn cùng thủy tận này, không ít những bọn du thủ du thực quen sống vong mạng nơi đầu đường xó chợ. Lúc yên chúng giả vờ nghe ông, lúc loạn cái gì chúng cũng dám làm. Từ đầu ta không cầm cương chặt chẽ, thế nào về sau cũng bị bọn ngựa chứng nó hất xuống đường rồi đạp nhầu lên trên. Phải thế không nào...


Biện Nhạc rót nước trà ra cái bát lớn, rồi đẩy về phía trước mặt người lạ. Ông ta bưng bát nước bốc khói uống tự nhiên, không khách sáo. Mọi người ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu lát, trải trên nền đất nện trong nhà khách. Vẫn một ngọn đèn chai lách tách nổ, soi sáng gian nhà thấp lợp cỏ tranh. Chưa thấy ông biện gật gù đồng ý, người lạ không chịu nói tiếp. Biện Nhạc trầm ngâm hồi lâu rồi hỏi:


- Theo ý cậu thì nên làm gì trước?


Chợt thấy ông giáo lúng túng trước người lạ, ông biện vội giới thiệu:


- Tôi quên mất. Đây là cậu Năm Ngạn (Phạm Ngạn). Còn đây là thầy giáo của thằng Bảy, thằng Tám. Chắc cậu đã nghe nhiều người nói đến thầy giáo Hiến ở An Thái.


Năm Ngạn khẽ gật đầu chào trả ông giáo, ánh nhìn đầy vẻ tự đắc, cao ngạo. Ông ta nói:


- Làm gì trước hả? Làm cái này: Chấm dứt ngay tình trạng hỗn quân, hỗn quan ở đây. Phải tỏ uy cho chúng nó sợ. Mới lên được hai hôm, tôi đã thấy ở đây lộn


xộn như cái ổ kiến mắc mưa. Ông nghiệm lại xem, có phải thế không?


Ông giáo tìm được dịp để nói ý mình, vội chen lời:


- Tôi thấy cái chính là ổn định đời sống. Dân có yên việc làm ăn thì trật tự mới có được. Chẳng hạn mối lo trước mắt của mọi người bây giờ là bắp và muối. Vì thiếu muối nên người ta đành đem cả quần áo, chén bát ra đổi muối ăn. Ham lợi, bọn trai tráng bỏ nương rẫy đi buôn muối. Hỗn loạn từ đó mà ra: nương rẫy không ai trông nom, lúa bắp hoặc không được vun xới, hoặc bỏ mặc cho cỏ dại che lấp, nên lương thực hao hụt. Chắc ông biện đã biết, người Thượng họ vượt rừng buôn muối tận Phú Yên. Bị bọn trai tráng vùng này cạnh tranh, họ bất mãn, từ bạn họ xem ta như kẻ thù. Cho nên tôi thấy việc phải làm trước hết là lo đủ muối cho mọi người. Không lo sớm, từ đây ngày nào cũng có vài vụ đâm chém nhau giữa Kinh Thượng như vụ khi chiều.


Biện Nhạc vội hỏi:


- Hắn đã khai bị người ta chém rồi à?


Ông giáo đáp:


-Vâng. Anh ta lên đây tận hồi Kiên Thành bị đốt. Gia đình chết đói cả chỉ còn hai mẹ con. Anh ta bảo vì ham lợi, đã lén theo đường người Thượng để buôn muối. Người Thượng chém anh ta vì quyền lợi bị tranh cướp mất...


Ông giáo dừng lại vì thấy Lợi lấp ló ở cửa nhà khách, do dự chưa dám vào. Biện Nhạc thấy ông giáo nhìn về hướng cửa lớn, cũng quay lại, nhưng không để ý đến thái độ của Lợi. Ông quay vào trong chờ ông giáo nói tiếp. Lợi rụt rè vào nhà khách, người hơi khom xuống, chân bước rón rén. Anh đến chỗ đặt cây đèn chai, lấy cái que vẫn cột dính vào chân đèn, khêu nhẹ lên đầu thỏi chai. Những giọt lửa rơi xuống nền nhà kêu lèo xèo. Vì khơi quá đà, ánh sáng lụn hẳn xuống. Biện Nhạc nhíu mày khó chịu, nhưng vẫn không nói gì. Lợi chờ cho đèn sáng trở lại, mới đến sửa lại chiếc chiếu lát bị xô lệch do kiểu ngồi ngang tàng của Năm Ngạn. Năm Ngạn rụt chân về, hai tay ôm lấy đầu gối. Ông biện hỏi:


- Có việc gì thế?


Lợi vội đứng dậy, lễ phép đáp:


- Da, thưa không có gì. Cháu tưởng đèn chai đã hết.


Biện Nhạc nói:


- Thôi được rồi.


Lợi đành phải ra khỏi nhà khách, hơi luyến tiếc. Năm Ngạn từ lâu tránh nhìn về phía ông giáo, xem như những điều ông giáo nói không liên quan gì đến mình, không phải cho mình. Đến lúc ấy Năm Ngạn mới quay về phía ông giáo và bảo:


- Thầy nói sai rồi! Chúng nó dám bỏ rẫy đi buôn muối, là do chưa biết sợ. Chưa ai làm cho chúng nó sợ cả. Mình hiền quá, xem chúng nó như khách trọ. Nếu ông biện đây cho chúng nó biết thế nào là phép nước, thế nào là luật lệ, cho những đứa vô phép biết thế nào là cái chết thì dù có ăn nhạt cả năm chúng cũng không dám lộng.


Ông giáo không nén được giận, bỏ cả cái thói quen ngại làm phiền lòng người khác, nói thẳng ý mình:


- Dùng hình pháp và bạo lực, thì người ta sợ mà không phục, yên được một ngày thì chắc chắn sẽ loạn suốt những ngày còn lại. Chuyện đó còn ghi rành rành trong sử sách. Tần Thủy Hoàng chưa đốt được hết sách Nho mà lửa đã cháy rần rật cung A Phòng.


Năm Ngạn cướp lời ông giáo:


- Thầy nói sách thì dân ngu như tôi với ông biện đây xin chịu thua. Chắc chắn thầy thông thái kim cổ, hiểu xa thấy rộng hơn dân núi chúng tôi.


Biện Nhạc thấy tình thế gay go, cười xòa để giảng hòa:


- Tôi thấy cả cậu Năm và thầy giáo đều có lý. Tôi lăn lộn với đời nhiều, tôi biết. Trăm người là trăm tính, không phải ai cũng sẵn sàng nghe lẽ phải. Có người không ưa nhẹ. Có người thà chết chứ không chịu để cho người khác nói nặng lời. Cậu Năm chú ý cách đối phó với hạng người không chịu được lẽ phải. Thầy giáo thì chú ý đến cách thuyết phục những kẻ biết điều. Nhưng thưa thầy, kẻ biết điều ít lắm. Như cái thằng suýt chết chém chúng ta cứu về chiều nay. Không dằn được cơn giận tôi đã quăng xác nó ra cửa sổ cho cọp nhai rồi.


Ông giáo thấy cần phải bào chữa cho người vắng mặt:


- Hắn sợ quá nên nói dối. Ông biện đi xong, hắn thú nhận ngay là đã trốn trại đi buôn muối và bị người Thượng đón đường chém.


Năm Ngạn nói:


- Tin sao được? Trước sau nó chỉ nói dối.


Ông giáo cố lấy giọng ôn tồn:


- Tôi nhìn vào mắt hắn và biết là hắn nói thật. Và tôi thấy muốn chấm dứt những vụ lưu huyết này, phải tổ chức ngay việc tiếp tế muối cho dân. Người Thượng làm được, tất mình cũng làm được. Nếu cần, và tôi tin nên theo lối này thì tốt hơn, nếu cần ta hợp tác với họ để mua muối. Dân không sợ thiếu muối nữa thì an tâm làm rẫy.


Năm Ngạn không thèm nói gì thêm, bưng bát nước trà ngồi uống đánh ực một cái. Biện Nhạc suy nghĩ một lúc, mắt đăm chiêu. Thỏi đèn chai gần lịm nổ lách tách, khiến những cái bóng trên vách lúc mờ lúc tỏ. Một lúc sau, biện Nhạc nói:


- Hối sáng người Ba-na đến đây, mang theo đầy đủ cung giáo. Họ bảo chúng ta đã giết hay bắt cóc ba người của họ. Tôi thề là không có. Họ khăng khăng bảo có. Chuyện còn gay go nhiều đấy. Thầy, mời thầy uống nước! Chậc! Nguội cả rồi. Để tôi bảo tụi nó pha ấm khác.


Ông giáo muốn chấm dứt cuộc bàn luận, vội nói:


- Thôi khuya rồi! Dễ thường đã hết canh hai cũng nên.


*


* *


Ngay sáng hôm sau, ông giáo vui mừng thấy kết quả những lời thuyết phục của ông. Biện Nhạc đưa ra một số biện pháp nhằm ổn định đời sống trong trại. Đích thân ông biện đi thăm các già làng ở những buôn Thượng trong vùng, đề nghị cùng hợp tác với họ trong việc xuyên rừng chuyển muối lên Tây Sơn thượng. Vài nơi họ từ chối. Vài nơi chịu nhận. Ông đi một nước cờ khéo. Ông giáo cho Lữ và Lợi cùng một số trai tráng quen đường rừng lẻn về Tuy Viễn tìm đến Nguyễn Thung. Ông đề nghị Nguyễn Thung hợp tác với ông, hai người ở hai bên đèo cùng làm chuyến buôn lớn, tuy nguy hiểm nhưng nhiều lãi. Tây Sơn thượng cần muối của Nguyễn Thung tiếp tế lén lút theo những đường rừng luồn lách qua mắt các trạm quan, còn Nguyễn Thung thì được độc quyền hàng nguồn. Nguyễn Thung đặt nhiều điều kiện, đòi giá cao. Biện Nhạc chấp thuận hết. Lấy kết quả giao ước đó, ông biện gặp lại các già làng, chứng minh cho họ thấy con đường muối mới này chỉ bằng một phần con đường dày đặc hiểm nguy từ Tây Sơn thượng xuống Phú Yên. Trong khi đó, ông biện giao hẳn việc tổ chức khẩn hoang, canh tác cho Năm Ngạn. Số người bỏ đi buôn muối giảm mau chóng, việc nương rẫy trở lại điều hòa, khiến Năm Ngạn càng tin ở "cái uy" của mình. Tuy nhiên, có một việc hoàn toàn bất ngờ đối với ông giáo, xảy ra vào cuối tháng tư năm Mão, giữa lúc ông giáo còn say sưa với hiệu quả thuyết phục của mình. Đêm hôm trước, ông trăn trở thao thức vì một người tù vượt ngục trốn lên Tây Sơn thượng mang theo những tin buồn về Kiên, mãi đến gần sáng mới thiếp đi, mê mệt. Tiếng chân chạy, tiếng bàn tán nói cười bên ngoài liếp nứa đánh thức ông dậy. Phải mất một lúc lâu, ông mới thoát ra khỏi dư âm của cảm giác sợ hãi vu vơ, có lẽ do một cơn ác mộng mà ông đã quên. Chỉ còn lại trong ông cảm giác quay cuồng, sự xê động thất thường của mặt đất, sự run rẩy của đồ đạc, và thực hơn hết là hình ảnh hai bàn tay ốm của ông đang bấu chặt lấy thanh giường. Ông giơ hai tay lên, vết bầm hình nan tre còn đó.


Ông ngồi dậy, đưa bàn tay trái lên áp vào chỗ trái tim hồi hộp. Lưng áo ông ướt mồ hôi, dù khí đêm còn lởn vởn khắp nhà. Chinh và Lãng đã đi đâu rồi. Dưới bếp, An đang nhen lửa, nhưng vì nôn nả chưa hiểu chuyện gì xảy ra ngoài trại mà mọi người rầm rập chạy đi xem nên nhen mãi mà lửa vẫn chưa bén. Cô hỏi cha:


- Sáng nay họ chia muối phải không cha?


Ông giáo lẩm nhẩm tính ngày, rồi bảo:


- Chưa tới kỳ mà! Hai đứa kia đâu rồi?


- Dạ, chạy lên trại chính cả. Một người bạn anh Chinh hớt hải chạy đến, vẻ mừng rỡ lắm, nói với anh Chinh: "Đúng rồi. Tao nói có sai đâu. Họ làm ngay sáng nay đấy. Người Thượng đã tới, đông lắm. Họ chờ ở ngoài cổng để đi một thể". Anh Chinh nghe thế, chỉ còn kịp choàng áo vào, chạy theo anh bạn. Lãng hỏi con chuyện gì thế. Con không biết, nó bảo con giấu. Đến lúc thấy lũ trẻ con phía trước nhà ùn ùn kéo đi, nó chạy theo.


Ông giáo lấy làm lạ, bần thần giữa sự tò mò và tức giận. Giữ vai cố vấn thân cận cho biện Nhạc, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong trại, thậm chí đến thời khóa biểu qui định công việc hàng ngày, có gì mà ông không biết trước. Trừ cái việc sáng hôm nay. Ông bóp trán cố nhớ cả ngày hôm kia ông chỉ bàn với ông biện cách tìm biện pháp huy động sức người vỡ hoang thêm vùng đất phì nhiêu ở xóm Ké, làm thế nào cho công việc có hiệu quả, thực hiện được sự công bằng.


Hôm qua, ông mất cả buổi sáng để trả lời các câu hỏi của ông biện và Huệ về đủ thứ chuyện kinh đô: từ việc phòng the trong phủ chúa, sự xa hoa tráng lệ ở Phấn Dương, cung cách thiết triều cho đến những trò dâm dật ma quái của Duệ Tôn. Đặc biệt, biện Nhạc thích thú trước những chi tiết ngộ nghĩnh trong đời sống cung đình: cách bọn thái giám coi sóc đám cung nữ, cách chọn một người đàn bà chung gối qua đêm của Vũ Vương. Ông biện cười ha hả khi nghe Phúc Khoát đổi tục cũ để xác lập vương hiệu, cho gọi con trai làm con gái, gọi con gái làm con trai, vì vậy cháu đích tôn của Phúc Khoát là Phúc Dương được gọi là Chị Dương. Ông giáo đã nhíu mày khó chịu, khi một lúc quá thích chí, biện Nhạc vỗ vai ông cười nham nhở hỏi:


- Thầy nói thật nhé. Đừng giấu nhé. Cái tên giả gái đó nó có cu không?


Huệ cũng không thể nhịn cười. Tuy vậy, thấy ông giáo khó chịu ra mặt vì cách bông đùa của anh, Huệ làm mặt nghiêm ngay. Anh hỏi qua chuyện bố trí thành phòng thủ, bộ tường hào quanh thành Thuận Hóa, cách chuẩn bị khí giới khi có giặc kéo đến. Hai anh em quay sang tranh luận sôi nổi với nhau về cách phòng thủ cho Tây Sơn thượng: biện Nhạc muốn ngay sau khi mùa mưa dứt, việc nương rẫy đã xong, huy động mọi người xây lũy đắp thành để phòng ngự. Ông cho rằng ngoài nhu cầu phòng thủ, thành lũy còn tượng trưng cho nhiều điều cao cả và cần thiết, như sự hiện diện của quyền lực, uy mãnh của người lãnh đạo, sự răn đe đối với các ý tưởng bạo loạn và võ pháp, cái đích cụ thể của lòng tin tưởng, chỗ dựa vững chắc của bọn yếu bóng vía, và quan trọng hơn hết, là sự thần phục mang tính chất mê tín của người Thượng quanh vùng. Thành lũy càng đồ sộ, ít ra cũng không thua kém thành Qui Nhơn bao nhiêu, thì người Thượng càng dễ bị khuất phục. Với giọng tự tin pha nhiều cao ngạo, biện Nhạc ra lệnh cho ông giáo tìm ngay đất để đắp thành, nơi nào có nhiều ngọn núi phủ phục chầu hầu, nơi nào có long mạch. Công việc thật gấp "nếu được, mà sao lại không được, ông giáo hãy bắt tay ngay vào việc chiều hôm nay"


Huệ thì nghĩ khác anh. Cậu thanh niên 19 tuổi trầm tĩnh nhưng cũng cao ngạo không kém gì anh, chỉ khác anh ở cách biểu lộ thay vì nói năng hăng hái, vung tay thêm sức cho các lời truyền đạt như Nhạc, Huệ biểu lộ lòng tự tin mãnh liệt và sự xem thường các trở ngại nguy hiểm qua lối nhìn nửa giễu cợt, nửa nghiêm nghị, qua cách nghiêng đầu lắng nghe người khác nói với một nụ cười mỉm trên môi, qua giọng nói lớn và rành rẽ từng tiếng khiến mọi điều rắc rối trước đó đột nhiên sáng tỏ, cuộc tranh luận bùng nhùng trước đó trở thành vô vị và sai lầm. Buổi sáng hôm qua, tin tưởng vào thâm tình thầy trò sẵn có với ông giáo, quen thuộc với lối tanh luận thẳng thắn giữa anh em, Huệ trình bày thật rõ ràng quan niệm của mình về việc phòng thủ. Cậu đã khiến ông anh cả tiu nghỉu bất lực, khi bằng những con số cụ thể chính xác, chứng minh cho anh cả thấy cái thành trì kiên cố tượng trưng cho quyền uy vạn năng ấy được xây trên khói núi. Cả trại được tất cả bao nhiêu nhân công? Mỗi người đào, xúc, gánh, khiêng, đắp, nện mỗi ngày được bao nhiêu đất? Xây xong một thành nhỏ hơn thành Qui Nhơn một chút, thì phải mất bao nhiêu năm? Vả lại, có cần phải xây thành không đã? Để tạo uy quyền ư? Như thấy giáo Hiến vừa nói, thành quách lâu đài cao, rộng như thành Phú Xuân có tạo được chút uy quyền nào không, ngoài những lời xầm xì về trò dâm dật của thằng bé con 12 tuổi. (Duệ Tôn) và chứng tham lam của tên quốc phó. Để phòng ngự ư? Quanh đây là núi, có thành nào cao cho bằng? Đèo An Khê hiểm yếu, có cửa thành nào vững cho bằng? Không xây thành vì Trời đã xây sẵn cho ta cả tòa thành hùng vĩ bảo vệ ôm ấp Tây Sơn thượng rồi. Không xây thành để khỏi phải giữ, khỏi phải phí sức mở đóng và đêm ngày lo âu. Trước mắt, theo ý Huệ, nên tổ chức nghĩa binh cho tốt, đội ngũ chỉnh tề, luyện tập thường xuyên, và đắp thêm một cái lũy giữa hai hòn núi nằm án ngữ ở phía bắc đèo.


Vô tình làm người thứ ba chứng kiến cuộc tranh luận gay go giữa hai anh em, người nào cũng muốn lấy số tuổi tác và kho kiến thức của ông giáo làm viện binh cho mình, ông giáo thật khó xử.Lần đầu tiên ông nhìn Huệ với đôi mắt khác. Lòng tự tôn thường thấy ở những người làm thầy, và cách biệt tuổi tác, từ trước đến nay che không cho ông giáo thấy hết sự thông minh sắc sảo và khả năng nhận định thực tế của Huệ. Những đêm canh lúa bên ánh con cúi leo lét giữa đồng khuya, ông thấy Huệ là người bạn nhỏ của mình trên đường hoài nghi, người bạn nhỏ như cái bóng của ông, giúp ông bớt nỗi cô đơn, mỗi lần dám đặt dấu hỏi to tướng lên ý nghĩa của cuộc đời, chân lý hằng cửu của đạo nho, sứ mệnh cao khiết của kẻ sĩ. Dĩ nhiên đôi lúc ông giáo thấy mình lầm lẫn, chưa hiểu hết được Huệ, nhưng những lúc như vậy hiếm hoi lắm. Lên Tây Sơn thượng, vị trí của ông đổi khác, vị trí của Huệ cũng khác. Ông là kẻ trốn nạn, anh em Huệ là người bao che. Hơn nữa, chính mắt ông thấy Huệ giúp anh đảm nhiệm các công việc quản trị, điều khiển, quyết định nhiều vấn đề trực tiếp thay đổi đời sống nhiều người, trong đó có gia đình ông. Từ vai trò ông thầy chỉ bảo và ra lệnh, ông giáo chỉ còn giữ vai cố vấn, góp ý. Huệ lớn lên mau chóng trước sự ngỡ ngàng tiếc nuối của thầy, chẳng những đã vượt khỏi tầm tay ông, mà còn đối mặt với ông, gần như thách thức và phán xét. Ông hãnh diện vì Huệ, đồng thời với thất vọng. Cho nên suốt cuộc tranh luận, ông không biết đứng vào phe nào: một đằng là lẽ phải mà ông giáo cảm thấy nếu chấp nhận nó là chấp nhận luôn sự bất lực nhỏ nhoi của mình, một đằng là sự tầm thường giúp mình một chỗ đứng sạch sẽ và yên ổn. Sự mâu thuẫn phân xé tâm ông. Buổi sáng qua như thế đó, ông nhớ rõ lắm.


Buổi chiều ông cũng với An và Lãng tìm thăm gia đình Hai Nhiều vừa trốn lên Tây Sơn thượng khuya hôm trước. Cuộc khủng bố trắng dân Tuy Viễn phập phồng chờ đợi xảy ra hơi chậm, tuy vậy sự dã man và triệt để vượt quá sức tưởng tượng của mọi người. Tất cả những ai có liên hệ xa gần với anh em biện Nhạc đều bị đốt nhà, truy nã bắt bớ và tra tấn, kể cả những chị đàn bà liên lụy với ông biện qua lá trầu. Liên lụy với ông giáo cũng nặng tội: quan phủ đã điều tra rõ tung tích của ông, tòng phạm với quan nội hữu Trương Văn Hạnh trong âm mưu chống quan quốc phó. Tự nhiên tai bay vạ gió tấp vào nhà Hai Nhiều. Lúc các chức sắc An Thái mới nói xa nói gần về tung tích giáo Hiến, Hai Nhiều đã lo lắng. Ông đi khắp nơi rêu rao rằng mình không có bà con thân thuộc gì với tên thầy đồ xấu xa ấy cả. Rõ ràng tên lưu manh đã lợi dụng ông, mạo nhận có bà con với Hai Nhiều để xí phần hương hỏa của Tư Thới. Ông nói được một, bà Hai Nhiều nói được gấp mười. Ở chợ, ở bến sông, ở nhà hàng xóm, ở ruộng gặt. Càng sợ hãi bao nhiêu, hai vợ chồng càng nói, nói, nói nhiều, càng nói càng sợ. Đến khi lão chánh tổng bắn tiếng là quan trên đã ra lệnh đóng gông những ai đã "chứa chấp" bọn phản loạn, giải lên phủ cùng tịch thu hết gia sản, thì Hai Nhiều hết còn thần hồn để thanh minh nữa. Giữa khuya, trọn gia đình trốn lên Tây Sơn thượng, bỏ lại ruộng vườn đồ đạc kết quả của một đời dài tằn tiện, khó nhọc. Họ đi suốt bốn ngày đêm mới tới nơi. Không dám theo đường quan, họ đi đường rừng. Ban đầu họ bị lạc, sau may mắn gặp được một toán buôn muối của Nguyễn Thung. Họ cũng nhập bọn với một đám khoảng mười người khác thành phần hỗn tạp gồm dân đói ở các huyện phía bắc, tù thoát ngục và vài tên cướp đường hết thời. Chính nhờ Hai Nhiều mà ông giáo biết tin tức của Kiên dưới ngục phủ, qua người tù may mắn, bạn đường của Hai Nhiều.


*


* *


Vậy thì việc gì xảy ra sáng hôm nay là gì?


Ông giáo nôn nả ra đường, chận hỏi một người đàn ông trong đám người đang lũ lượt kéo về phía cổng trại. Chỉ được trả lời ỡm ờ:


- Cũng chẳng biết chuyện gì nữa. Thấy người ta chạy đi coi, tôi cũng đi.


Một người khác:


- Chắc có chia bắp!


Một đứa bé trai khoảng lên mười cỏ vẻ thạo tin hơn:


- Cướp. Bắt được nó rồi. Tên này hung dữ dễ sợ. Đã bị trói ké bằng dây mây cỡ này, nó vung một cái, đứt hết.


Càng gần tới cổng, tin tức càng có vẻ chính xác. Ông gáo nghe người ta kháo nhau là có một tên cướp giết mất mấy người Thượng, rồi trốn vào trại. Người Bana cho người mang cung giáo đến đòi. Sáng nay ông biện hẹn giao nộp tên sát nhân cho họ.


Ông giáo nghĩ: có lẽ mọi chuyện xảy ra từ chiều hôm qua, lúc mình bận đi thăm gia đình Hai Nhiều.


Ở cổng trại, người đông đến nỗi chen chân không lọt. Đám dân ăn mặc lam lũ chen lấn nhau, xô đẩy nhau, cười nói, gấu ó, để cố tìm một chỗ đứng thuận tiện. Người lớn nghểnh cổ nhón gót để nhìn cho rõ. Trẻ con tìm cách lòn lách khối thịt nồng nặc mồ hôi để chui ra phía trước, sát lề con đường dẫn từ trại chính ra cổng. Số thanh niên được phân công giữ trật tự dùng gậy đe dọa những đứa bé rắn mắt hoặc cầm ngang thân trúc đẩy hàng người xô lấn vào mặt đường để hau háu nhìn vào phía trong cổng. Tiếng bàn tán huyên náo, cười nói rộn rã như trong ngày hội.


Đột nhiên tiếng lao xao lan truyền từ phía trong ra cổng. Đám đông xao động, nhấp nhô như một rừng cỏ tranh gặp gió dữ. Kẻ ồn ào to tiếng nhất cũng trở nên e dè, ngơ ngác và lo âu. Không khí chờ đợi nghiêm trọng đè nặng lên mọi người. Rồi không biết từ đâu, đám người thảng thốt ấy xô đẩy nhau dữ dội, người sau lấn tới người trước, người trước đẩy tới người trước nữa, đến nỗi dù không muốn, ông giáo vẫn bị đẩy tới xa vào phía trong. Cuối cùng, ông bị một thanh trúc trật tự ngăn lại. Ông giáo đã may mắn đứng sát bên đường. Đứa bé đứng cạnh ông reo lớn: Nó ra rồi!


Cây gậy trật tự lại lấn mạnh vào ngực ông, như để răn đe phòng xa sự hỗn loạn. Nhờ tò mò ông quên cả đau đớn. Một tốp độ bảy, tám người cầm giáo đang áp giải tội nhân tiến ra cổng. Đi đầu có biện Nhạc và Năm Ngạn. Tội nhân mặc quần đùi đen, đi chân đất, thân khoát một cái áo cộc tay màu chàm. Hai tay bị trói thúc ké ra sau lưng, khiến thân thể hơi khom xuống, bước đi như muốn đổ về phía trước. Cách trói cũng buộc tên cướp phải cúi đầu xuống, tóc rối bời. Ngoài cách đi hơi khật khưỡng thiếu vẻ ngang tàng, mọi người đều thấy tên cướp không có gì khác thường. Họ thất vọng, tiếc rẻ cái công chen lấn. Sự tầm thường tội nghiệp đang diễn qua trước mắt họ không giống với hình ảnh hung dữ hiên ngang trong trí tưởng tượng.


Tên cướp đến gần hơn. Lòng ông giáo chợt nôn nao khi nhận ra trên đầu tên cướp, một mảnh băng màu chàm phủ chéo bên trán. Chân ông tự nhiên run, mặt tái mét. Ông không lầm. Cậu thanh niên buôn muối bị chém trọng thương đây mà! Tại sao lại có chuyện này? Đúng lúc đó, nạn nhân cũng vừa ngước lên, bạo dạn nhìn thẳng vào đám đông. Anh ta nhìn thấy ông giáo. Quên cả mọi sự, anh ta đứng dừng lại. Ông giáo lạnh cóng cả hai tay và xương sống khi đọc thấy trong đôi mắt ấy sự sững sờ, oán hận, căm thù tột độ. Một người áp giải xô anh ta bước tới. Anh ta suýt ngã chúi, rồi lấy lại được thăng bằng, trước khi đi tiếp còn cố ngoảnh đầu nhìn về phía ông giáo một lần chót.


Cảm xúc mạnh dâng lên, ông giáo thấy nghẹn nơi cổ họng. Cố chen ra khỏi đám đông, ông thất thểu lê bước về nhà. Mọi sự diễn ra sau đó, ông chỉ nghe các con ông kể lại theo lối nhìn của từng đứa. Những mẫu mô tả ấy, có cái phù hợp nhau, có cái mâu thuẫn nhau, đại khái ông biết rằng đích thân Năm Ngạn dẫn tội nhân giao cho toán người Thượng bảo với họ rằng đây là kẻ đã ra tay giết chết nhiều người Bana để tranh độc quyền nguồn lợi muối, kẻ gây nên sự bất hòa đáng tiếc giữa hai bên Kinh Thượng, kẻ đáng bị hành quyết công khai theo cách của người Thượng để răn chúng. Biết mình sắp trở thành con dê tế thần, nạn nhân vùng vẫy gào khóc. Nhưng đã muộn. Toán người Thượng chộp lấy anh. Sợ quá, anh chỉ còn là cái xác bạc nhược, thôi vùng vẫy la khóc. Người ta lôi anh đi. Chân anh khuỵu xuống không bước nổi. Người ta xốc nách anh, như xách cánh một con gà. Hai bàn chân trần của anh lê trên đường đất, làm tung một làn bụi đỏ. Người ta chọn một mô đất cao trước cổng, cột anh vào một thân cây ké đã chặt ngọn, cao vừa tầm người. Anh ta đã mất cả ý thức về sự sống chết, mắt lơ láo nhìn quanh không hiểu nổi mình đang ở đâu, việc gì đang xảy ra. Thảm kịch nhờ thế kết thúc lặng lẽ. Khi sáu người Thượng lực lưỡng đứng cách nạn nhân không đầy một con sào giương sáu cây cung khỏe, lắp sáu cây tên nhọn và ấn vào sáu cái lẩy. Tiếng hự nhỏ và nghẹn phát ra lần cuối cùng của một đời người mất biệt theo gió. Ở xa không ai nghe rõ thứ âm thanh giã biệt nhỏ nhoi ấy cả!


*


* *


Giống như cha, An bị đưa đẩy vào cuộc như một chiếc lá khô bị gió cuốn, sức nặng của dè dặt cẩn trọng không nghĩa lý gì so với những mơn man ve vãn, cuốn hút, thúc giục của bản năng. Lòng tò mò xui cô bỏ bếp núc ra đứng ở cửa nhà nhìn theo đám người lũ lượt đổ về một phía, thắc mắc muốn hỏi cho ra lẽ mà không dám mở lời. Lời bàn tán xôn xao, tiếng kêu gọi nhau, tranh cãi nhau, nét mặt chờ đợi hí hửng của mọi người, sức mạnh huyền nhiệm của đám đông cùng hướng về một phương. Tất cả những cái đó cuốn hút mãnh liệt, An không thể cưỡng được. Cô bỏ khung cửa tre ra đứng giữa đường đất lóng ngóng nhìn về phía cổng. Sau đó, đám đông lùa cô đi. An không còn thì giờ và tâm trí để đi ngược con sóng. Mùi mồ hôi nồng nặc, ánh nắng bắt đầu gay gắt của buổi sáng, làn bụi đỏ tỏa mù, hơi ngai ngái của lá mục theo lớp sương ủ qua đêm xông lên, bao phủ khắp người cô. An chỉ còn cảm giác ngây dại, quên mất mọi sợ sệt lo lắng nên cũng xông tới trước, chen lấn lòn lách để tìm cho ra một chỗ quan sát tốt.


Lúc toán áp giải dẫn nạn nhân đi qua ngang trước mặt An, chỉ cách An không quá một con sào, cô tò mò nhìn thẳng vào mặt tử tội. Cô đã biết người ta sắp giết con người này. Chân anh ta bước gấp, dường như muốn đi nhanh đến điểm kết thúc. An kinh ngạc không tìm ra cái bộ dùng dằng đáng lẽ phải có. Cô cũng ghi nhận mảnh vải băng chéo qua trán và mái tóc bù xù của anh ta. Đôi mắt tử tội lơ láo như muốn tìm kiếm cái gì trong khi bước chân vẫn gấp.


Gần đến cổng, cách An không đầy ba bước, đột nhiên tử tội ngoẹo đầu sang một bên, cố dùng vai để đẩy miếng băng trở lại chỗ cũ, vì lúc đó cái nút buộc bị lỏng miếng vải băng vết thương đã xệch xuống phía má, sắp che mất con mắt phải. An thấy anh ta đưa vai lên, cố nâng tấm băng hai ba lần mà không được, vì cả hai tay bị trói ra sau lưng nên cử động bả vai không hiệu quả. Một người áp giải đến giúp tử tội. An nghe anh ta cảm ơn. Cô ngỡ ngàng, không hiểu tại sao trên con đường dẫn đến cái chết, vẫn có những nhu cầu phù phiếm, vô ích như vậy. Việc gì phải nhọc sức nâng miếng băng lên, mắt bị che càng khỏi phải nhìn những gương mặt nhem nhuốc, há hốc, thao láo của đồng loại để còn giữ được hình ảnh đẹp về cuộc đời? Việc gì phải cảm ơn? Sự lễ phép có mua chuộc được gì đâu? Có gợi được chút thương hại chăng thì thứ thương hại đó cũng phù phiếm như mọi sự trên đời mà thôi! Những cử động nhỏ nhặt và phi lý đó khiến An thắc mắc thật lâu. Cô muốn tìm cái gì khác nơi một người mà cô biết chắc sắp vĩnh biệt sự sống này, một người bất bình thường, hơn thế nữa, một người đã mang trên nó đầy đủ dấu hiệu của một thế giới khác, thế giới siêu nhiên và lặng lẽ hơn, linh hoạt và thanh thoát hơn, mầu nhiệm uyển chuyển hơn. An biết ai rồi cũng phải chết. Cả mình cũng vậy. Hơi rùng mình, nhưng An biết chắc trước sau cũng đến lượt mình. Nhưng trong đa số trường hợp, sự phân định giữa hai thế giới hết sức mù mờ, nhờ vậy cho mãi đến phút bước qua ngưỡng cửa sinh tử, mỗi người vẫn còn nghĩ, cảm, cử động, phản ứng như một người không bao giờ chết, chưa thể chết ngay vào lúc này đây, ở ngay chỗ này. Người ta gác nó sang một bên, cái chết rầy rà. Thôi nhé, để yên cho chúng tôi, chúng ta lo sống đã!


Con người đang bước trước mắt An, không ở trong cảnh huống chung. Anh ta đang bước đến cái chết. Anh biết mình sắp chết. (Về điểm này, Lãng nói khác đi. Cậu ta nghe nói, trước khi bị giao nộp cho người Thượng, từ lúc bị dẫn ra khỏi phòng bệnh, dù bị trói ké, anh ta vẫn không đoán trước là sẽ phải chết). Ranh giới thật rõ, giờ giấc ấn định trước. Có những việc cần phải làm xong ở bên này, và những chuẩn bị cho bước đầu ở bên kia. Thoắt còn đi đứng, hít thở, đau đớn, mệt nhọc, hoang mang, sợ hãi, hy vọng, tuyệt vọng đó, thoắt trở thành một đống thịt xương bất động chờ được thối rữa. Cái ngưỡng cửa thấy trước đó, kinh khủng quá, người đang bước đến gần, gần hơn nữa đến ngưỡng cửa ấy không thể nào nguyên vẹn là con người bình thường. Anh ta phải khác đi. Thế mà anh ta vẫn mở lời cảm ơn lấy lòng kẻ dẫn anh ta đến cái chết, vẫn cố đưa vai sửa lại cái băng che mắt. Thế là thế nào?!


Khi toán người Thượng vây quanh tử tội, rồi anh ta rũ xuống như con gà chết, đám đông phía sau An lao chao, xô đẩy nhau đổi chỗ. Họ ùa ra phía cổng để chứng kiến thật gần, thật tỉ mỉ cái chết. An bị nghẹt thở, bị làm hỗn, cuối cùng bị đẩy tuột ra phía sau. Quần áo nhầu nhò, tóc tai dơ dáng rối bù, nhưng cô vẫn chưa thể ra về. Vẫn còn nhiều điều cô muốn hiểu, sức cuốn hút mơ hồ nào đó vẫn mạnh mẽ, tuy không đủ mạnh để thúc giục cô chen về phía trước, nhưng còn đủ mạnh để khiến cô quên chuyện về. An nhón gót nhìn ra phía cổng. Cô oán những người cao lớn, giận mình quá thấp bé. Trước mắt cô, những tấm lưng áo nhễ nhại mồ hôi, màu vải đen bạc thếch hay màu chàm mốc hoen dỉ vết muối. An không được chứng kiến cảnh hai người Thượng xốc nách nạn nhân lôi lên gò đất như Chinh. Không chú ý đến hình ảnh hai bàn chân trần kéo lê trên đường đất, làm tung những làn bụi đỏ như Lãng. Cô thấy nạn nhân bị cột vào gốc ké, lưng và đầu thẳng, hai chân chệch ra phía trước khá ngay ngắn. Cô không thể say sưa kể lại cảnh sáu cây cung khỏe đưa cao lên, làm sức bật cho sáu mũi tên nhọn như Chinh, nhưng An nhớ đời đời hình ảnh cái chết được tính toán, xếp đặt trước.


Cây ké cụt ngọn cắm đúng vào đỉnh gò đất, tử tội in hình lên một nền trời xanh trong. An không thể nghe được tiếng những mũi tên bay vút. Từ xa, cô thấy đột nhiên nạn nhân ưỡn người lên như muốn vùng dậy, rồi cả người oằn oại, co giật. Thân thể ngả về một phía, đôi chân lay động. Đôi chân An cũng run rẩy, nhưng mắt cô cứ dán vào cái xác đã nghiêng, ngã hẳn sang một phía, hai cánh tay mềm buộc chặt ở gốc ké nên mới nhìn rất giống với dáng điệu ôm ấp hững hờ. Có nhiều tiếng thì thào chung quanh An. Cô gục mặt xuống, muốn chạy vội về nhà nhưng cất chân không nổi. Người ta lại xô đẩy sau lưng An. Cô nổi gai ốc ở sống lưng, sợ hãi đến nỗi muốn quị tại chỗ, nhưng khi bớt bị xô đẩy, có thể quay lại phía sau thì mắt cô cứ nhìn chăm chăm vào xác chết trên gò, không rời ra được.


*


* *


An thất thểu trở về, mắt nhìn mà không thấy rõ ràng những gì trước mắt. Bước chân cô cứ bập bềnh, con đường dưới chân khi thì nhấp nhô như gợn sóng, khi uốn khúc lượn lờ. An chỉ lấy lại được trọn vẹn ý thức về thực tế, khi thấy cửa nhà mở toang hoác. Bấy giờ cô mới nhớ mình đã quên không đóng cửa trước khi chạy theo nỗi tò mò. An càng lo sợ hơn, khi thấy cha ngồi chống tay lên cằm ở bàn nước gian trên, nét mặt hầm hầm. Cô rón rén rẽ xuống bếp, sợ đến hơi thở của mình. Khốn nỗi tự nhiên cổ họng cô nghẹn lại, cảm giác ngưa ngứa lan từ cuống lưỡi. Tiếng ho của An làm ông giáo giật mình. Giọng ông nghiêm khắc:


- Đi đâu về đó?


An cố trấn tĩnh, đáp lửng lơ:


- Con qua bên kia đường có chút việc.


Ông giáo biết con nói dối, giọng đanh lại:


- Mày ưa ngắm cảnh giết người lắm hả? Máu người có tanh không?


An không dám trả lời cha, cúi đầu vê chéo áo. Ông giáo thầy quần áo con gái xốc xếch,nhem nhuốc và dơ dáy, tóc tai bù rối. Cúc áo ở cổ bật tung, để hở chiếc cổ trắng và một mảng vai. Cảnh tượng ấy khiến ông giận sôi lên. Ông hét lên tức tối:


- Đồ con gái hư. Mười tám tuổi đầu mà không biết phép tắc. Mày ăn mặc như vậy chường ra ngoài đường hả! Tao dặn mày cái gì?


An vội đưa tay lên gài nút áo, mấy ngón tay run rẩy nên gài mãi không được. Nhớ lại trong lúc chen lấn, bị bàn tay vô danh thô bạo sờ nắn mông và đùi mình, An lấm lét nhìn cha, sợ đôi mắt nghiêm khắc thấy rõ những gì đã xảy ra cho cô. An không thể gài được hạt nút cổ, lúng túng không dám bỏ tay xuống. Ông giáo vẫn quát tháo:


- Đồ đứng đường! Mày bỏ nhà như vậy hả? Cửa trên cửa dưới không đóng, đồ đạc bày bừa bãi, như mời người ta lấy đi. Mất hết rồi còn gì nữa! Tao không về kịp thì chắc không còn một mảnh vải che thân. Đồ hư thân mất nết!


Chưa bao giờ An nghe cha xưng hô giận dữ như vậy. Cô hãi hùng, chân dính cứng vào mặt đất, muốn trốn xuống bếp mà không nhấc bàn chân lên nổi. Hai bàn tay vẫn cố gài hạt nút. Ông giáo hét lên:


- Cút đi cho khuất mắt tao! Đi.


An chạy vội xuống nhà dưới, ngồi gục trên cái ang gạo khóc ấm ức. Nhà trên có tiếng ghế ngã, và tiếng bình chén vỡ. An sợ quá, hai hàm răng cắn chặt vào ngón tay trỏ không còn dám khóc lớn. Rồi tiếng cửa trên đóng mạnh, tiếng chân bước đi xa dần. Biết cha bỏ nhà đi quanh cho nguôi giận, An khóc thỏa thuê. Nước mắt càng chảy cô càng thấy cuộc sống khổ đau, buồn tủi, quạnh quẽ, vô nghĩa. Cô nhớ mẹ, cô cầu khẩn mẹ trở về. Dần dà lòng cô dịu lại, gió buổi trưa thổi khô đôi má ướt. An đã gài được hạt nút cổ, và thút thít, buồn rầu lan man. Lãng về lúc nào An không biết. Thấy chị dã dượi, Lãng ngồi xuống bên cạnh An, lo âu hỏi:


- Có chuyện gì thế chị?


An không ngước lên, đưa tay áo chùi mắt và nước mũi, trả lời em:


- Lỗi tại chị. Cha rầy là đúng.


Lãng hơi đoán được một phần. Cậu hỏi tiếp:


- Em thấy cha đi ra phía rừng, không đội nón. Em tránh sau nhà chú Tư Ích nên cha không thấy em.


An nói sau mấy tiếng thút thít:


- Chị quên không đóng cửa. Vả lại, đáng lẽ chị không nên xem. Ghê quá! Tại sao phải làm như vậy, Lãng biết không?


Lãng không trả lời. An ngước lên, thấy mặt Lãng tái xanh khác thường. Vẻ xúc động sợ hãi còn nguyên trong ánh nhìn chới với, cầu khẩn, và ở đôi môi cố mím lại để cưỡng sự co giật từng lúc chỗ mép. Một lúc sau, Lãng thì thào:


- Em không hiểu. Tại sao phải làm vậy?


- Đem giết một người! Còn đang sống đó, thoắt một cái, đã thành cái xác. Chị không nghĩ ra được!


- Em cũng không dám nhìn, nhưng tự dưng có cái gì thúc đẩy, mắt cứ chăm chăm về phía anh ta. Y như có ma quỉ xui khiến vậy. Thực ra, lúc họ lôi đi, anh ta đã ngất rồi. Chắc vì sợ. Em thấy hai chân anh ta kéo lê trên đường đất. Có thể nhờ vậy mà anh ta không biết đau nữa!


An vẫn thắc mắc:


- Đem giết một cái xác chết, để làm gì chứ? Anh ta có vợ con gì không?


- Em nghe nói chưa. Chỉ còn một bà mẹ.


- Bây giờ người mẹ đó ra sao? Rồi ngày mai, ngày mốt sẽ ra sao? Hôm qua bà mè đó đã biết trước tin dữ chưa? Nếu biết trước thì chắc cả đêm vật vã, lăn lộn nhỉ!


- Chắc thế!


- Nhưng giết anh ta để làm gì? Tại sao phải giết?


- Em nghe anh Huệ bảo không làm khác được.


An thấy nhói ở tim, gần như hốt hoảng. Cô hỏi em:


- Anh ấy nói thế à?


- Đại khái như vậy.


Thấy chị đột nhiên hốt hoảng, Lãng sợ câu trả lời của mình có gì quá đáng, chưa thật đúng với sự thực. Cậu vội chữa:


- Lúc đó ồn quá em nghe không rõ. Vả lại, có người tới bảo có ông biện gọi, nên anh ấy vội chạy đi.


An không nghe lời Lãng, cứ nhắc đi nhắc lại câu hỏi:


- Không thể làm khác được sao? Không thể làm khác được sao?


Lãng muốn đổi hướng câu chuyện, hỏi chị:


- Để em nhen lửa nấu cơm nhé?


An bớt vẻ lơ đãng, bảo em:


- Nấu cơm cũng được. Đáng lẽ hôm nay ăn bắp hầm cho đỡ gạo, nhưng bây giờ trưa quá rồi, sợ không kịp. Anh Chinh chưa về à?


- Chưa. Chị An này?


- Gì vậy?


- Em không hiểu nổi anh Chinh nữa.


- Sao thế!


- Ảnh làm sao ấy! Lạ lắm!


- Thế là thế nào?


Lãng trầm ngâm một lúc, suy nghĩ dè dặt như sợ lầm lẫn:


- Lúc đó mà, lúc người ta giao anh ta cho người Thượng, em đứng sát bên anh Chinh. Em bảo với anh Chinh là anh ta sợ quá, chết ngất rồi. Anh Chinh cãi, bảo là anh ta cố chống cự không chịu bước. Em chỉ cho anh Chinh thấy đôi chân lê trên mặt đường. Anh Chinh nhìn, bảo em nói đúng. Anh Chinh trề môi chê là anh ta yếu đuối. Anh ấy nói: "Trước sau cũng chết, việc gì mà sợ quá vậy. Tỏ ra ngang tàng cho mọi người phục, có hơn không". Em bảo ai mà chẳng thế. Anh Chinh bảo em nhát như thỏ, nên suy bụng ta ra bụng người. Anh ấy còn chê là bọn bắn cung đứng gần quá. Phải đứng thật xa mới là tài.


An không tin tai mình, bĩu môi nói:


- Mày chỉ bịa!


- Em thề là nói đúng. Anh ấy lạ lắm. Không tin chị cứ hỏi thẳng anh ấy đi!


*


* *


Buổi trưa, ông giáo không về ăn cơm. Cả buổi chiều, ông nằm trên cái giường tre kê trong góc tối, mặt quay vào vách không nói năng. Lúc Huệ vâng lời anh đến biếu ông giáo một đùi thịt heo rừng, và mời ông lên trại có việc, An không biết cha thức hay ngủ, lấp ló ở cửa không dám gọi, Huệ phải lên tiếng. Ông giáo vẫn giữ vẻ mặt rầu rầu, không nói gì, lặng lẽ mặc áo dài, đội khăn cẩn thận, ra đi. Cách ăn mặc trang trọng và vẻ mặt nghiêm nghị khác thường làm cho Huệ e ngại. Anh không muốn cùng đi với thầy, nấn ná ở lại. Nhờ thế, An có dịp hỏi Huệ:


- Chuyện hồi sáng, tại sao phải làm vậy?


Câu hỏi đường đột khiến Huệ hơi ngạc nhiên. Từ cái đêm... cái đêm An rụt tay về và lí nhí bảo: Đừng, anh Huệ", chưa có dịp nào An và Huệ đứng riêng với nhau để nói một câu vu vơ riêng tư. Huệ có cảm tưởng An muốn né tránh, muốn quên đi một kỷ niệm không được như ý. Anh buồn, nhưng cũng biết mối quan hệ giữa mình và gia đình thầy đã có nhiều đổi thay. Ngay những kẻ thân thuộc ở Kiên Thành chạy trốn lên Tây Sơn thượng cũng đổi thái độ đối với anh em Huệ: lời lẽ trang trọng e dè hơn, lối tiếp đãi vị nể xa cách hơn... Khác với Nhạc, Huệ khó chịu trước sự thay đổi ấy. Dần dà rồi anh cũng quen, tuy hơi tiếc, và buồn. Huệ thầm ước ao được sống hòa đồng như cũ, được chuyện trò tự nhiên, thẳng thắn. Thế nhưng, lúc bị An hỏi, Huệ hơi lạ vì sự đường đột bất ngờ. Câu hỏi có giọng tra vấn, trách móc. Huệ nhìn thẳng vào mắt An, đáp nhỏ:


- Không thể làm khác được!


An gần muốn khóc vì thất vọng. Hóa ra Lãng đã thuật đúng. Cô gằn giọng:


- Đến anh mà cũng nói thế à!


Rồi bỏ đi lên nhà trên. Huệ ngẫm nghĩ một lát, lắc đầu, rồi theo ông giáo lên trại.


Biện Nhạc chờ ông giáo ở nhà khách. Hai tách nước trà còn bốc khói. Không nhập đề quanh co, ông giáo nói:


- Tôi định lên gặp ông ngay buổi trưa, nhưng muốn nghĩ cho chín nên nấn ná. Bây giờ lòng tôi đã quyết. Ông cho phép chúng tôi được rời khỏi đây. Cái ơn cưu mang bấy lâu, chúng tôi không bao giờ quên,nhưng...


Ông biện vội vã đứng dậy, đến dắt ông giáo mời ngồi xuống phản, giọng sốt sắng ân cần:


- Mời thầy ngồi xuống uống chén trà đã. Mọi sự đâu còn đó, thế nào rồi cũng hiểu nhau thôi.


Ông giáo ngồi xuống phản, nhưng không chịu uống tách trà ông biện vừa bưng lên mời. Ông nói:


- Tôi tự biết không còn xứng để ở đây nữa. Tôi già rồi, tâm trí đã hết cả sáng suốt. Những lời tôi góp ý, bàn bạc với ông càng ngày càng sai quấy, không đáng tin.


Biện Nhạc đặt chén trà xuống, nét mặt vẫn vui tươi, điềm tĩnh. Ông chờ ông giáo nói tiếp, nhưng ông giáo dứt lời. Bấy giờ, ông biện mới nói:


- Tôi biết trước thế nào cũng làm phật lòng thầy. Nhưng không có cách nào khác. Không thể giãi bày qua quít là người Thượng họ vui lòng. muốn nối lại mối giao hảo với họ, cộng tác với họ, trước hết phải tỏ trước thiện chí của mình. Họ đòi nợ máu, không thể khất được.


- Nhưng anh ta không giết người. Anh ta có lén đi buôn muối, có giành giật mối lợi của người Thượng, nhưng tôi biết chắc là anh ta không giết ai.


- Có thể như vậy lắm!


- Ông đã nói vậy, đã nghĩ vậy, tại sao còn nộp anh ta cho người Thượng? Ông không thể tưởng tượng anh ta nhìn tôi như thế nào! Anh ta oán hận tôi, coi tôi như một người giả bộ săn sóc anh ta để gạt anh ta khai hết, lấy cung từ đem nộp cho ông. Trước khi bị giết, anh ta nhìn tôi như vậy đấy.


- Lúc tôi giao nộp hắn cho mấy già làng, hắn cũng nhìn tôi y như thế. Nhưng không còn cách nào khác.


Ông giáo tức giận, nói dằn từng tiếng:


- Có nhiều cách để cứu một mạng người. Nhất là cứu một người khỏi cái chết oan uổng.


Tiếng nói của ông biện cũng trở nên sang sảng, đanh thép:


- Nhưng sau đó, không thể cứu được nhiều mạng người. Nếu không sòng phẳng với người Thượng, điều gì sẽ xảy ra? Tôi giao dịch mua bán nhiều năm với họ, tôi hiểu rõ lắm. Họ sẽ đòi đủ số mạng người mất tích. Cho đến ngày hôm qua, họ bảo con số lên đến năm. Có thể năm mạng đó hoặc bị lạc vào rừng mà chết, hoặc bị cọp vồ. Nhưng họ sẽ núp sẵn đâu đó với cung và tên độc, lén giết đủ năm người của chúng ta mới thôi. Rồi bọn trai tráng ở đây trả thù. Rồi cọp vồ thêm vài người Thượng nữa. Thầy có tưởng tượng ra những điều đau lòng đó không? Bao giờ cuộc chém giết mới chấm dứt?


- Tất cả những điều ông nói chỉ là phỏng đoán. Có thể là như vậy, cũng có thể không đến nỗi như vậy. Không lấy gì làm chắc chắn. Lấy những điều không lấy gì làm chắc để đổi lấy một mạng người, ông nghĩ xem, có đáng không?


- Thời gian sẽ trả lời thầy. Cần phải có thời gian, thầy mới hiểu tôi. Quyết định nào có vấy máu, không ai vui sướng cả! Nhưng có những lúc, những việc mà nếu nấn ná một khắc, tai họa khó mà lường được. Gia đình tôi đã trải qua những lúc sinh tử chỉ cách một sợi tóc, nên tôi không muốn nấn ná, do dự. Xin thầy bớt giận mà xét lại. Xin thầy ở lại với chúng tôi. Để cho thầy ra đi trong lúc này, trong hoàn cảnh này, chúng tôi sẽ ân hận suốt đời.


Ông giáo tần ngần không biết trả lời thế nào. Tâm hồn ông hoang mang, có thể nói trong suốt cuộc đời thăng trầm của ông, chưa bao giờ đất đứng dưới chân ông lay động chao đảo dữ dội như lúc này. Trước mắt, ông không còn thấy hình dáng, cử động của biện Nhạc nữa. Những câu hỏi cứ đến tới tấp, câu này chưa có giải đáp thì câu khác đã đến. Chỗ đứng của ta ở đâu? Ở dưới trướng bọn Trương Tần Cối mà ta chán ghét khinh bỉ ư? Ở giữa những người chân đất áo vải mà ta lạc lõng xa lạ ư? Có con đường nào khác không? Ông biện cho vẻ tần ngần của giáo Hiến là dấu hiệu phục thiện, hoặc ít ra là sự nhượng bộ dè dặt ban đầu. Quen thói quyết định nhanh, áp đặt ý muốn của mình cho kẻ khác tuân phục, ông thân mật nắm tay ông giáo cười nói :


- Thế là thầy hiểu tôi rồi nhé! Quân triều còn ngấp nghé bên kia đèo. Còn nhiều chuyện phải làm, kể làm gì cái chuyện vặt này. Cảm ơn thầy đã kịp nghĩ lại và ở lại đây với anh em chúng tôi. Chú Huệ đã mang biếu thầy món thịt rừng rồi chứ? Thịt heo rừng, ngon lắm. Không nhạt như thịt nai đâu. Để tôi sai chúng nó mang thêm ít vò rượu.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom