• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Quyến luyến phù thành (4 Viewers)

  • Chương 9

Bút pháp đột nhiên trở nên vô cùng linh động, trên tờ giấy nhanh chóng mà chuẩn xác phác họa từng đường cong. Bạch Cẩm Tú thấy cảm xúc của mình bỗng nhiên tốt lên, không ngờ chỉ mới vẽ được vài đường nét thô sơ, người bên sông đã nhạy bén cảm nhận được gì đó, chợt quay đầu lại. Đôi mắt cô đang nhìn chằm chằm lưng anh, nắm bắt hình dáng đường cơ màu đồng cổ kính dính nước nhuốm ánh hoàng hôn của anh, tay múa trên giấy, ngay khoảnh khắc bốn mắt nhìn nhau.

Anh đã thấy cô ngồi dưới gốc cây sơn tra dại, khựng một chút, trong mắt lộ tia ngạc nhiên, ngay sau đó như nhớ ra gì đó, cúi xuống nhìn nửa thân trên trần trụi của mình, lập tức lên bờ mặc áo lại.

Anh mặc áo xong thì có vẻ trù trừ, như là không khẳng định, trong tình huống gặp ngẫu nhiên này anh có nên đi lên chào hỏi cô một câu không.

Rất nhanh, có vẻ như anh đã có quyết định, bả vai hơi cử động một chút, cất bước như muốn đi về hướng cô.

Bạch Cẩm Tú để ý tới ánh mắt anh đảo qua bức vẽ của mình thì buông cạch bút xuống, gập lại giấy, nhanh chóng thu dọn dụng cụ vẽ, đứng lên.

– Tôi tới ngắm cảnh. Nơi này phong cảnh rất đẹp, thích hợp để vẽ thực vật.

Cô gật khẽ đầu với anh, phủi phủi mấy chiếc lá dính trên tà váy.

Anh dừng chân lại, trên mặt lộ vẻ ngượng ngùng.

- …Tôi xin lỗi, tôi không biết Bạch tiểu thư ở đây, làm phiền rồi.

Bạch Cẩm Tú không tỏ ý kiến, hơi hếch cằm lên, cầm đồ đạc của mình bỏ đi luôn.

Cô đi được một đoạn, tận đến đoạn dốc thoải phía trước mới lén quay lại nhìn một cái.

Anh đã dắt ngựa lên bờ, xoay người sải bước lên lưng ngựa, đi về hướng Tuần Phòng doanh.

Bạch Cẩm Tú rốt cuộc thở hắt ra một hơi, ngước nhìn sắc trời đã muộn thì chân bước nhanh hơn trở về thành.

Buổi tối, trong phòng cô vẫn sáng ánh đèn dầu, cô hầu Bạch gia Hổ Nữu đứng một bên, lật bức ký họa ban ngày cô vẽ, chậc lưỡi liên tục:

– Tiểu thư ơi, em nhận ra, đây chính là cây cổ thụ nghiêng ở gò đất bằng chỗ thành bắc.

– Chỗ này chị cũng biết. Đó là chỗ mà mấy hôm trước lúc về nhà có đi qua. Vệ đường còn có một đống cỏ khô nữa.

– Ấy, đây không phải là ông nội của Nhị Oa thôn chúng ta hay sao? Sao ông ấy lại ở trong bức vẽ của chị thế?

Hổ Nữu lật đến bức ký họa một ông lão nông dân đang ngồi bên bờ ruộng nghỉ ngơi hút thuốc uống nước, tuy đường nét đơn giản, nhưng bởi bắt được thần vận mà nhìn một cái là nhận ra ngay, cứ tấm tắc khen liên tục.

– Tiểu thư vẽ giống quá! – Hổ Nữu vô cùng hâm mộ.

Bạch Cẩm Tú nói chờ đến hôm nào rảnh sẽ vẽ một bức chân dung cho cô ấy, còn dùng màu vẽ để vẽ nữa. Hổ Nữu vô cùng mừng rỡ, cứ liên tục cảm ơn.

Đuổi cô hầu đi rồi, Bạch Cẩm Tú lấy ra bức vẽ cuối cùng của ngày còn chưa vẽ xong, trong đầu hiện lên cơ thể hoàn mỹ tràn ngập năng lượng của người thanh niên trẻ tuổi bên dòng nước dưới ánh chiều tà kia.

Cô cầm bút, nhắm mắt lại hồi ức một lát, mở mắt ra, muốn tiếp tục bản vẽ ban ngày dang dở, ngòi bút đã đặt lên tờ giấy rồi lại dừng lại. Sợ vẽ không tốt, làm hỏng bức rất khó mới có cảm giác này.

Sáng sớm ngày hôm sau, khi mặt trời vừa mới ló một nửa ở phía đông, cỏ cây bên đường vẫn còn đọng sương sớm, Bạch Cẩm Tú đã cầm đồ đạc ra ngoài rồi.

Mới bước ra cửa sau, lại nghe có tiếng chạy lạch bạch phía sau đến.

– Cô ơi! – Thằng nhóc mập thở hồng hộc đuổi theo, – Cô đi đâu thế? Cháu cũng đi.

Trương Uyển Diễm mong con thành rồng, từ lúc A Tuyên nghỉ hè đến đây, chị ta không quên bắt cậu bé ngày ngày học hành. Bởi vì trước đó việc học ở Quảng Châu có thêm chương trình giảng dạy kiểu mới, Trương Uyển Diễm lo con trai quên quốc văn, được Bạch Thành Sơn đồng ý thì có mời một thầy dạy đi theo tới Cổ Thành, mấy ngày qua đều liên tục học chi, hồ, giả, dã và nhiều môn khác. A Tuyên thấy khổ quá, tối qua lúc ăn cơm nghe cô út nói ban ngày có ra ngoài thì vô cùng thèm muốn, sáng nay dậy sớm, nhân lúc mẹ mình đang bận rộn thì vội đuổi theo đòi đi cùng.

Tuy Bạch Cẩm Tú đồng cảm với A Tuyên, nhưng cũng không tiện can thiệp vào chuyện dạy con của chị dâu, cho nên hôm qua không cho cậu nhóc đi cùng. Giờ cậu nhóc ôm chân mình khóc lóc xin đi cùng, không cho đi thì sẽ lăn lộn dưới đất để ăn vạ, vì thế tìm Trương Uyển Diễm, nói dẫn A Tuyên đi cùng.

Cô út mở miệng, Trương Uyển Diễm dù không muốn nhưng cũng đồng ý. Nhưng gọi Hồ Nữu và một gã hộ viện tên A Sinh đi theo cùng, mang theo một giỏ thức ăn, còn có cả vải dầu, dù che nắng, còn mang theo cả một con diều hình diều hâu rất sống động nữa, như là đi dã ngoại, mấy người cùng ra ngoài.

A Tuyên phấn khởi vô cùng, la hét đòi được ngồi lên chiếc xe ô tô của cô út, nhưng không ai biết lái, kêu to:

– Chú Nhiếp! Cô ơi, cô đi tìm chú Nhiếp đi.

Bạch Cẩm Tú nắm bím tóc của cậu, đe dọa:

– Anh ta không lái đâu. Nếu cháu còn kêu gào, cô không cho cháu đi cùng nữa.

A Tuyên tuy rất tiếc nuối vì không được ngồi xe ô tô, nhưng so với bị nhốt trong phòng đọc sách học hành thì ngồi xe ô tô hay không cũng không sao, lập tức ngậm miệng.

Vẫn đi theo con đường cũ hôm qua đã đi, Bạch Cẩm Tú dẫn A Tuyên và mấy tôi tớ cùng ra khỏi thành, đến vùng ngoại ô trống trải, A Tuyên thì thả diều, cô thì ngồi vẽ vật thực. Tới buổi chiều, sợ A Tuyên mệt, bảo Hổ Nữu và A Sinh đưa cậu bé về nhà trước. A Tuyên nhất quyết không nghe, màn ăn vạ buổi sáng lại tái diễn, để cậu ta không lăn lộn dưới đất, Bạch Cẩm Tú dặn dò Hổ Nữu và A Sinh chơi cùng cậu nhóc, nói mình muốn vẽ tranh, mang theo giá vẽ đi tới chỗ dốc thoai thoải ngày hôm qua.

Dĩ nhiên là cô sẽ không ngồi dưới gốc cây sơn tra dại, mà là tìm một nơi thích hợp khác, là ở sau bụi cỏ, vừa ngắm phong cảnh vừa vẽ, vừa chờ đợi.

Nước sông chảy rì rào, mặt trời nghiêng dần về phía tây, hướng Tuần Phòng doanh thỉnh thoảng có tiếng súng bắn rơi vào trong tai, nhưng chờ tới hoàng hôn rồi, sắp phải trở về rồi mà cũng không gặp cảnh muốn gặp.

Cô hơi thất vọng, đành phải từ bỏ. Vì thế thu dọn dụng cụ vẽ tranh, đang định quay lại tìm A Tuyên thì thấy Hổ Nữu hoảng loạn chạy tới nói không thấy A Tuyên đâu.

Thì ra Hổ Nữu và A Sinh tuổi tác tương đương, có lẽ thường ngày cũng có ý với nhau, hôm nay hiếm khi có cơ hội đi theo tiểu thư ra ngoài, khi trông A Tuyên, hai người tranh thủ trò chuyện, càng trò chuyện càng thấy hợp, đến lúc sực nhớ ra quay lại xem thì đã không thấy A Tuyên rồi.

– Tiểu thư ơi, là lỗi tại chúng em. A Sinh đang đi tìm tiểu thiếu gia, em chạy tới đây báo với chị…

Hổ Nữu vô cùng lo sợ, lau nước mắt nói.

Bạch Cẩm Tú cũng hốt hoảng, vội vã chạy tới chỗ trước đó A Tuyên có chơi đùa, vừa gọi A Tuyên, vừa tham gia tìm kiếm, nhưng tìm một lát vẫn không thấy cậu bé đâu.

Chiều hôm đã dần buông xuống, núi non phía xa bắt đầu hiện lên sắc xanh mù mịt.

Trị an của Cổ thành vẫn luôn tốt, huống chi vùng này còn có Tuần Phòng doanh, nói chung là không đến mức có người dám gây bất lợi với A Tuyên.

Khả năng lớn nhất là A Tuyên bị lạc hướng, hoặc là gặp phải tai nạn gì khác, chắc chắn người vẫn còn quanh ở vùng này. Nhưng nơi này nói nhỏ không nhỏ, dựa vào ba người họ nếu lúc trời hoàn toàn tối đen mà còn chưa tìm được người thì đó mới là chuyện lớn.

Hổ Nữu và A Sinh sợ tới mức mặt cắt không còn hột máu. Bạch Cẩm Tú đè nèn cảm giác lo sợ bất an trong lòng xuống, quay đầu nhìn phương hướng trước mặt, lập tức đưa ra quyết định, bảo A Sinh lập tức về thành, gọi thêm người tới tìm, mình thì sẽ chạy đến chỗ Tuần Phòng doanh. Chạy chừng hơn hai dặm, thấy doanh địa phía trước, có hai binh lính đang canh gác ở cổng thì lao đến:

– Có Nhiếp đại nhân trong này không, mau kêu anh ta giúp tôi với.

– Tôi là Bạch Cẩm Tú!

Trong doanh đang huấn luyện, Nhiếp Tái Trầm nghe nói tiểu thư Bạch gia đến đây tìm mình thì khá bất ngờ, để binh lính tiếp tục thao luyện, vội vàng đi ra, thấy Bạch Cẩm Tú đang lao như bay đến chỗ mình.

– Không thấy A Tuyên đâu hết, anh mau tìm giúp tôi đi.

Có vẻ như cô chạy một quãng đường xa tới đây, tóc bị gió đêm thổi rối tung, thở hổn hển, ngực phập phồng lên xuống.

Nhiếp Tái Trầm vội chuyển ánh mắt, hỏi cô ngọn nguồn.

Bạch Cẩm Tú thở hổn hển hai hơi, đợi hơi thở ổn định rồi mới kể lại mọi chuyện.

Cô vẫn cố gắng giữ sự bình tĩnh, nhưng lúc thấy anh, không hiểu vì sao trái tim như bị khoan một lỗ, mắt đỏ lên.

– Trời sắp tối rồi, tôi lo cho A Tuyên quá. Tại tôi cả…

Giọng cô run rẩy.

– Cô đừng lo, để tôi đi tìm giúp cô, sẽ không sao đâu!

Nhiếp Tái Trầm an ủi cô một câu, lập tức quay đầu hét:

– Tập trung toàn đội kỵ binh, mau!

Tuần Phòng doanh là quân đội cũ, có kỵ binh.

Bạch Cẩm Tú xoay người muốn tiếp tục đi tìm.

– Trời sắp tối rồi, cô ở đây chờ đi, đừng đi đâu nữa cả.

Anh cũng nhanh chóng lên ngựa, ngồi trên lưng ngựa, quay lại, lời nói mang theo mệnh lệnh.

Bạch Cẩm Tú dừng bước chân lại.

– Lão Lý, anh dẫn Bạch tiểu thư đi nghỉ ngơi đi!

Cánh cửa lớn của doanh trại được kéo ra, anh mang theo đội kỵ binh đi ra ngoài. Binh lính còn lại mượn ánh chiều tà cuối cùng của ngày mà lén nhìn trộm cô, thì thầm với nhau. Một lão binh hơi đứng tuổi chạy đến trước mặt, cung kính mời Bạch Cẩm Tú đi nghỉ ngơi.

Bạch Cẩm Tú do dự, nhìn bóng đội kỵ binh biến mất ở phía trước, quyết định vẫn nghe theo sắp xếp của Nhiếp Tái Trầm.

Lão binh dẫn cô đến một phòng, có lẽ là chỗ nghỉ của Nhiếp Tái Trầm. Nơi này bày biện đơn sơ, một giường, một chiếu, một gối, mà bộ bàn ghế. Lão binh không biết lấy đâu một cốc nước trà lạnh, đặt lên bàn, câu nệ cúi người với cô rồi lui ra ngoài.

Bạch Cẩm Tú làm sao an tâm được, đứng ngồi không yên đi đi lại lại trong phòng,

Tuy mùa hè ngày dài, nhưng thấy trời càng lúc càng tối, cô nôn nóng vô cùng. Đợi chừng khoảng nửa giờ, cuối cùng không nhịn được nữa, đi ra khỏi phòng, định ra ngoài cổng doanh thì nghe được phía trước có một trận cười.

Là tiếng của A Tuyên!

Bạch Cẩm Tú ngẩng lên, quả nhiên, thấy Nhiếp Tái Trầm mang theo A Tuyên cưỡi ngựa trở lại.

Anh ôm A Tuyên xuống ngựa, chỉ chỉ hướng cô, cúi đầu nói gì đó, A Tuyên ngoảnh đầu, thấy cô thì kêu to:

– Cô ơi!

Phấn khởi chạy về phía cô.

Bạch Cẩm Tú ôm chặt lấy cậu nhóc, hỏi cậu ta đã đi đâu. Nghe xong ngọn nguồn thì cũng dở khóc dở cười. Cậu ta được tìm thấy ở một cái mương cách chỗ chơi đùa không xa. Cậu kể lại là lúc ấy nằm xem hai con dế mèn đánh nhau, bởi chơi cả ngày quá mệt, thế là ngủ mất, bị đống cỏ che khuất, Hổ Nữu và A Sinh không tìm thấy người thì quá hoảng loạn, cho rằng tiểu thiếu gia đi chơi xa, tìm khắp nơi lại không biết cậu ở ngay gần đó. Nhiếp Tái Trầm phát hiện ra, lúc bế từ cái mương ra vẫn còn ngủ rất say, gọi mãi mà không tỉnh.

Sợ bóng sợ gió một hồi, quả tim lo lắng căng thẳng của Bạch Cẩm Tú rốt cuộc đã buông xuống, phủi bùn đất trên người A Tuyên xuống, ngẩng lên thấy Nhiếp Tái Trầm đứng ở cổng doanh, quay lưng về phía này, đang nói chuyện với mấy binh lính Tuần Phòng doanh, do dự một chút, chậm rãi bước về chỗ anh, đứng ngay sau lưng anh.

Mấy binh lính kia thấy Bạch Cẩm Tú, lòng không nghe điều khiển, mắt không tự chủ mà liếc tới.

Nhiếp Tái Trầm phát hiện ra, quay đầu lại.

– Cảm ơn anh…

Giọng cô nhỏ như muỗi kêu, ngay cả mình còn suýt nghe không rõ nữa.

– Việc nhỏ thôi, Bạch tiểu thư đừng khách sáo.

Anh ngẩng lên nhìn sắc trời.

– Cũng tối rồi, để tôi đưa hai cô cháu về thành, để Bạch lão gia và mọi người đỡ lo lắng.

Bạch Cẩm Tú gật đầu:

– Vâng.

Nhiếp Tái trầm gọi một chiếc xe ngựa mà Tuần Phòng doanh bình thường hay dùng để vận chuyển hàng hóa, ôm A Tuyên đi lên, ngoái lại nhìn Bạch Cẩm Tú.

– Chỗ này chỉ có xe ngựa, hơi cũ, Bạch tiểu thư chịu khó chút nhé.

– Không sao, không sao, cũng được mà…

Ngữ khí của anh hết sức bình thường, nhưng không hiểu vì sao, Bạch Cẩm Tú lại cảm thấy không được tự nhiên, lòng nghi ngờ như là anh đang châm chọc mình thì đáp vội vàng, đến trước xe ngựa, dùng tay dùng chân gắng sức trèo lên giá chiếc xe ngựa cao đến tận eo của mình, ngồi xuống bên A Tuyên.

Một binh sĩ nhảy lên đằng trước đánh xe, Nhiếp Tái Trầm cưỡi ngựa đi bên cạnh, đến đằng trước đón Hổ Nữu, khi sắp đến cửa thành thì gặp Lưu Quảng và Lão Từ mang theo một nhóm người, thấy người đã tìm được, thì ra là sợ bóng sợ gió, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm, vô cùng cảm kích Nhiếp Tái Trầm, mời anh vào thành cùng đến Bạch gia.

– Đa tạ, trong doanh còn có việc, tôi xin phép về trước. – Nhiếp Tái Trầm từ chối.

Lưu Quảng và Lão Từ thấy anh không đi thì cũng không ép.

Bạch Cẩm Tú đưa A Tuyên ngồi sang xe ngựa Bạch gia mà quản sự mang theo, A Tuyên ngoái lại, gọi to với Nhiếp Tái Trầm:

– Chú Nhiếp ơi, lần tới cháu tìm chú nhé! Chú phải cho cháu đi ô tô đấy.

Nhiếp Tái Trầm phất tay với cậu nhóc, cưỡi ngựa đi rồi. Nhóm quản sự thét to với người đánh xe ngựa, nhanh chóng đưa tiểu thư và A Tuyên về nhà.

Hôm nay giày vò không hề nhẹ, Bạch Cẩm Tú thấy mệt mỏi vô cùng, cũng may là đã đến nhà ngay.

Cổng lớn Bạch gia đèn đuốc sáng trưng, từ xa, Bạch Cẩm Tú đã thấy một chiếc ô tô đang lái về phía bên này, đèn xe sáng lên, rất nổi bật.

Ban đầu cô nghĩ là ai đánh xe của mình thế, nhưng nhanh chóng nhận ra, đây không phải xe của mình.

Ô tô dừng lại, cô thấy anh cả Bạch Kính Đường cùng một người thanh niên trẻ tuổi bước xuống, đang đi về hướng mình.

Cô nhận ra người thanh niên kia.

Cố Cảnh Hồng, công tử Tổng đốc phủ, cũng là người bạn cũ hồi trước cô đi học ở Châu Âu có quen biết.

Hết chương 10
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom