Trước năm lên bốn tuổi, ta sống ở Yên Tiêu Lâu nổi tiếng nhất Giang Nam.
Mẹ ta đón khách ở sảnh trước, còn ta ăn bánh hoa quế còn thừa lại của khách ở trong bếp.
Bỗng một hôm nọ, có một người phụ nữ váy áo lộng lẫy, đầu tóc đeo đầy ngọc ngà châu báu hùng hổ xông vào cửa.
Bà ấy kéo tóc mẹ ta, dùng ngón tay cào mặt mẹ ta, và chất vấn bà gan to cỡ nào mà dám dụ dỗ phiêu kị đại tướng quân.
Ta đặt đĩa bánh xuống, đi tới cắn một miếng vào cổ tay bà ấy.
Bà ấy cực kỳ phẫn nộ, nhưng lúc nhìn thấy khuôn mặt ta, bà ấy hoàn toàn choáng váng, ngây ra không thèm giãy.
“Dù gì nó cũng là con gái nhà họ Giang, sống với cô ở một nơi như thế này thì cũng không đúng quy củ.”
“Xin chủ mẫu hãy dẫn con bé về phủ để dạy dỗ cho tốt.”
Ta đã quên gần hết nội dung cuộc trò chuyện của họ từ lâu, chỉ sót lại hai câu này vẫn vang vọng mãi trong đầu sau nhiều năm.
Bởi vì sau này, cuộc đời của ta đã thay đổi hoàn toàn nhờ quyết định này.
Trước đó, viễn cảnh tốt nhất của ta cũng chỉ là trở thành vũ nương trẻ nhất Yên Tiêu Lâu, nổi tiếng xong sẽ được gả đi làm thiếp cho con cháu nhà giàu.
Nhưng ta đã có cái tên mới, Giang Triều Khôi.
Cũng có một thân phận mới, đích trưởng nữ của Giang phủ.
Cô gái này có mệnh phượng.
Có một trăm thầy bói đã nói như vậy khi nhìn thấy mặt ta.
Ta nhớ mọi thứ từ rất sớm, nhớ tất cả mọi thứ về Yên Tiêu Lâu.
Nhưng ta cứ giả vờ như tuổi còn nhỏ, tự cho mình thật sự là con đẻ của phu nhân.
Vừa bước vào cửa ta đã thầm tự hỏi người nhà này rốt cuộc mắc nghiệp gì mà ngoài ta ra họ còn có một đứa con gái khác.
Tiểu cô nương đó tên là Giang Tử Phù.
Trong vài năm sau đó, ta đã học từ nữ tắc nữ huấn cho đến cầm kỳ thi họa, từ nữ công thêu thùa cho đến ca vũ tỳ bà.
Đúng là biển học vô bờ.
Để giữ gìn vóc dáng, ta cũng không được ăn nhiều, thường xuyên đói đến mức tim đập thình thịch không thể ngủ nổi.
Cha mẹ chưa từng đòi hỏi gì ở Tử Phù.
Muội ấy lớn lên như cỏ dại, ra vào tự do như mèo hoang.
Ta rất ngưỡng mộ muội ấy.
Thỉnh thoảng sư phụ dạy nhảy không cho ta ăn tối, muội ấy luôn mang điểm tâm của Xuân Nê Phường từ cửa sau mang vào cho ta.
Lúc đó ta còn nhỏ, phủ tướng quân to như vậy cũng chỉ có hai đứa trẻ bọn ta, khó tránh khỏi tĩnh mịch, bắt buộc phải nương tựa lẫn nhau.
Trốn trong tàng thư các cùng muội ấy trò chuyện ăn vặt là khoảng thời gian đáng quý nhất của ta sau cả một ngày học hành nặng nhọc.
Nhưng sau đó, phu nhân yêu cầu ta không được đến quá gần Tử Phù.
Thân phận của ta và thân phận muội ấy không phù hợp với nhau.
Ta không dám hỏi phu nhân.
Đành phải hỏi nha hoàn, vú nuôi, gã sai vặt, đầu bếp vài lần.
Nhưng không ai cho ta câu trả lời.
Bọn họ cứ muốn nói rồi lại thôi, ánh mắt tránh né, điều này làm sự hiếu kỳ trong ta bùng lên mạnh mẽ.
Cuối cùng ta không nhịn được mà đi hỏi Tử Phù.
“Mẹ của muội là Trần di nương hay là Khương di nương? Sao chưa từng thấy muội đến gặp bọn họ?”
Ta chỉ nghĩ mẹ của Tử Phù cũng giống mẹ ta, không thể đích thân nuôi dạy con gái.
Không ngờ câu hỏi này lại đâm vào tổ ong vò vẽ.
“Cả hai đều không phải, tỷ biết Trương ma ma không?”
“Vú nuôi của cha.”
“Đúng.” Ánh mắt của muội ấy trở nên lạnh lùng: “Bà ấy là mẹ ta.”
Nói xong câu này, muội ấy quay lưng đi mất.
Ta thầm hối hận vì sự lỗ mãng của mình, nhưng ta lại không biết phải nói gì.
Vẫn là muội ấy nhìn thấu suy nghĩ của ta: “Giang Triều Khôi, tỷ không cần tự trách mình, cũng không liên quan gì đến tỷ cả, nhưng tỷ là đại tiểu thư, ta là đứa trẻ không danh không phận, ta không thể chơi cùng tỷ nữa, đó coi như là lỗi của ta.”
Sau khi tập múa đến tận khuya, cửa sau không còn tiểu cô nương cầm điểm tâm rón rén lẻn vào nữa.
Nhưng thỉnh thoảng, ý ta là thỉnh thoảng ấy, ta sẽ bị té lộn nhào ở cửa do vấp chân vào đống bánh hoa quế ở cửa.
Học ngày học đêm đến năm mười sáu tuổi, cuối cùng ta cũng trở thành tài nữ nức tiếng kinh thành.
Vào ngày mừng thọ của thái hoàng thái hậu, phu nhân đề nghị ta làm thơ viết chữ đánh đàn nhảy máu, điều đó thực sự đã gây được tiếng vang lớn.
Chân trước chưa về phủ, chân sau đã được ý chỉ khâm định làm thái tử phi đuổi tới.
Ta lúc đó là đề tài nóng hổi nhất đầu đường cuối ngõ, trà lâu tửu quán.
Mọi người đều nói, sinh con gái thì phải giống như Giang Triều Khôi.
Phu nhân nhìn ta bằng vẻ mặt trồng dưa cũng tới ngày hái đậu vàng: “Quả nhiên ánh mắt của ta không sai mà.”
Người ta phải gả cho là thái tử đương triều.
Thái tử tên là Phó Kiều.
Trước khi bước vào Đông Cung, ta còn không biết Phó Kiều tròn hay là méo.
Điều mà không ai ngờ tới là hắn đã dùng chiến công của mình để yêu cầu Tử Phù làm lương đệ của hắn.
Phu nhân nghiến răng nghiến lợi: “Cuối cùng thì vẫn để con tiểu tiện nhân đó chiếm được chỗ hời.”
Thật ra trong lòng ta cũng có chút vui mừng, ta không quen Phó Kiều, sau này cũng chưa chắc hợp nhau, nhưng ta quen với Tử Phù mà!
Cả hai sống cùng nhau và chăm sóc lẫn nhau, không có gì tuyệt vời hơn thế này.
Vài ngày trước khi xuất giá, trong phủ mời tới những thợ thêu giỏi nhất của Trù Hợp Trang để may váy cưới cho ta.
Cả ngày cứ đo với thử mãi, chán không chịu nổi.
Một lần nọ, ta đến xưởng của các thợ thêu để kiểm tra tiến độ, đúng lúc họ cũng được mời sang chỗ phu nhân.
Trong phòng không có ai.
Ta thấy Tử Phù mặt đầy ao ước nhìn phượng vũ cửu thiên được thêu bằng chỉ vàng trên y phục, muội ấy như bị nó mê hoặc, không nhịn được mà đưa tay ra chạm vào.
Ta định lặng lẽ rời đi thì chủ quản thợ thêu đột nhiên quay về.
“Nhị tiểu thư! Đây là váy cưới của thái tử phi nương nương.” Bà ta hét ầm lên: “Đó không phải là thứ ai cũng có thể đụng vào.”
Bà ta thậm chí còn kéo cái tay chưa kịp rút lại của Tử Phù.
Ta đành phải quay lại: “Y phục có quý giá đến đâu cũng không quý bằng con người, Lý sư phụ, Tử Phù là con gái của Giang phủ, sau này tỷ muội bọn ta sẽ cùng nhau tiến vào Đông Cung, bà xử sự thế này có phải thiếu sót quá không?”
Lúc này bà ta mới cúi mặt xin lỗi Tử Phù.
Nhưng Tử Phù chỉ nhìn ta một lúc rồi cười: “Quả nhiên là phong thái của chính cung nương nương nha Giang Triều Khôi.”
Bình luận facebook