• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes (3 Viewers)

  • Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes - Chương 01 - Phần 1

Chương 1. Người thuê nhà đeo mạng che mặt


Một buổi sáng cuối năm 1896, tôi nhận được tờ giấy viết vội của Sherlock Holmes, mời tôi lập tức tới phố Baker ngay. Tới nơi, tôi thấy anh đang ngồi trong một căn phòng mù mịt khói thuốc, trên chiếc ghế đối diện là một phụ nữ đẫy đà đã luống tuổi và có dáng dấp một bà chủ nhà trọ.


- Anh Watson, đây là bà Merrilow ở quận South Brixton. - Ông bạn tôi giơ tay giới thiệu - Bà đây không phản đối việc hút thuốc, nên anh cứ mặc sức tận hưởng thú vui của mình. Bà Merrilow muốn kể cho chúng ta nghe một câu chuyện vô cùng thú vị. Và có thể sự việc sẽ còn tiến triển, nên sự có mặt của anh ở đây là vô cùng hữu ích.


- Nếu tôi có thể giúp được gì…


- Bà Merrilow, chắc bà cũng hiểu rằng nếu tôi tới gặp bà Ronder thì tôi hy vọng có một người làm chứng. Xin bà hãy nói với bà ấy về điều này trước.


- Chúa sẽ phù hộ cho ông, ông Holmes ạ! - Người khách nói - Bà ấy rất muốn gặp ông, nên ông có gọi tất cả mọi người trong khu này đến thì bà ấy cũng chả bận tâm gì đâu.


- Vậy chiều nay chúng ta nên xuất phát sớm một chút. Trước khi đi, phải đảm bảo là chúng ta đã nắm rõ mọi việc. Bà hãy kể lại tất cả một lần nữa, giúp bác sĩ Watson có thể hiểu được tình hình. Ban nãy bà có nói, bà Ronder đã trọ ở nhà bà bảy năm rồi, nhưng bà mới nhìn rõ mặt bà ấy chỉ một lần duy nhất phải không?


Bà Merrilow nói:


- Thề có Chúa, tôi ước gì mình chưa bao giờ nhìn thấy mặt bà ấy thì hơn!


- Mặt bà ấy bị thương tổn rất nặng nề, phải vậy chứ?


- Thưa ông Holmes, không thể gọi đó là một cái mặt người được! Thật là vô cùng khủng khiếp. Một lần, người đưa sữa cho tôi nhác thấy bà ấy đang đứng ngắm cảnh ở cửa sổ tầng trên, anh ta kinh hoàng tới mức làm đổ cả thùng sữa! Lần nọ, bất ngờ tôi chợt nhìn thấy mặt bà ấy, bà ấy lập tức che mặt lại và nói: “Bà Merrilow, chắc bây giờ bà đã hiểu vì sao tôi luôn luôn che mặt bằng tấm mạng này rồi chứ?”.


- Bà có biết tí gì về quá khứ của bà ấy không?


- Tôi hoàn toàn không biết gì về bà ấy cả.


- Khi bà ấy tới thuê nhà, có sự giới thiệu của ai không?


- Không, nhưng bà ấy trả bằng tiền mặt và luôn trả trước rất nhiều. Tiền thuê nhà trả cả quý, hơn nữa cũng không hề cò kè mặc cả. Tôi ngần này tuổi rồi, lại bơ vơ một mình trong thời buổi khó khăn, ngài bảo làm sao có thể từ chối được một người khách giàu có và hào phóng như vậy được?


- Lý do gì khiến bà ấy chọn thuê căn hộ của bà?


[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]


- Căn hộ của tôi cách đường khá xa, yên tĩnh hơn so với các căn hộ cho thuê khác. Hơn nữa, tôi chỉ nhận mỗi một người khách trọ; bản thân tôi cũng không có người thân. Tôi đoán rằng bà ấy đã từng thuê nhiều nơi, nhưng bà ấy thích căn hộ của tôi nhất. Bà ấy cần yên tĩnh và không tiếc tiền.


- Bà có nói rằng, kể từ khi tới ở, bà ấy chưa bao giờ để lộ khuôn mặt của mình, chỉ trừ một lần duy nhất kia thôi. Đây quả là một chuyện khá đặc biệt và vô cùng kỳ lạ. Do đó tôi hiểu vì sao bà muốn điều tra xác minh nó đến vậy.


- Không phải tôi muốn thế, thưa ông Holmes. Với tôi mà nói, chỉ cần có tiền thuê nhà là tôi đã cảm thấy rất hài lòng rồi. Không có vị khách thuê nhà nào yên lặng hơn, ít chuyện hơn bà ấy.


- Vậy thì tại sao bà lại tới đây?


- Thưa ông Holmes, đó là vì sức khỏe của bà ấy. Bà ấy càng ngày càng yếu đi. Hơn nữa, trong lòng bà ấy có những bí mật rất hãi hùng nào đó. Có lúc bà ấy la to: “Giết người! Giết người!”. Lần khác lại nghe tiếng bà ấy hét toáng: “Đồ súc sinh tàn ác! Đồ yêu ma quỷ quái!”. Bà ấy kêu gào vào lúc nửa đêm, tiếng hét của bà ấy vang dội khắp nhà làm tôi sợ run lên. Sáng hôm sau, tôi lên thăm bà ấy. Tôi chân thành khuyên: “Bà Ronder này! Nếu trong lòng bà có điều gì u uất không thể nói ra, bà có thể tìm tới cha xứ hoặc cảnh sát, biết đâu họ có cách giúp bà”. “Ơn Chúa, tôi không cần tới cảnh sát!” - Bà ấy nói - “Cha xứ thì không thể làm gì để thay đổi được quá khứ. Nhưng trước khi tôi chết, nếu có một ai đó biết được toàn bộ câu chuyện này thì tôi có thể được an ủi phần nào”. Tôi mách cho bà ấy: “Ồ, nếu bà không muốn nhờ cảnh sát, thì bà hãy nhờ đến ông thám tử nổi tiếng mà mọi người đều biết là Sherlock Holmes ấy”. Thưa ngài, xin lỗi vì tôi đã nhanh mồm như vậy. Nhưng bà ấy vừa nghe liền đồng ý ngay: “Đúng rồi, tôi cần một người như thế”. Bà ấy nói: “Tại sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ? Xin bà hãy mau chóng mời ông ta tới đây, bà Merrilow! Nếu ông ta không chịu tới, bà hãy nói với ông ta rằng tôi là vợ của Ronder, người dạy thú ở đoàn xiếc. Bà chỉ cần nói vậy thôi và cho ông ta cái tên “Abbas Parva””. Bà ấy viết chữ đó lên mảnh giấy đưa cho tôi rồi nói: “Cái tên này sẽ khiến ông ta tới ngay, nếu ông ta đúng là người như tôi nghĩ”.


- Đúng là tôi phải đi thật, bà Merrilow ạ! - Holmes nói - Giờ tôi cần trao đổi với bác sĩ Watson một lúc và cuộc nói chuyện này phải kéo dài tới bữa trưa. Khoảng ba giờ chiều, chúng tôi mới có thể tới nhà bà được.


Vị khách của chúng tôi vừa lạch bạch bước ra khỏi phòng, vì không còn từ nào có thể miêu tả đúng hơn dáng đi của bà ấy, thì Holmes liền đứng bật dậy, vùi đầu vào lật tìm đống tài liệu trong góc phòng. Vài phút sau, chỉ có tiếng lật giấy “soạt, soạt”, sau đó anh à lên một tiếng đầy thoả mãn. Nghe thế, tôi biết là Holmes đã tìm ra được điều gì đó. Anh ngồi bệt xuống sàn nhà, hai chân khoanh lại, một đống sách to đùng bao quanh, và trên đùi lại có một tập báo đang mở nữa.


- Lúc đó, vụ án này đã khiến tôi rất đau đầu, Watson ạ! Anh hãy nhìn những ghi chép bên lề các tin, bài trong đống sách báo này thì biết. Tôi thừa nhận rằng mình đã không thể phá được vụ án này, nhưng tôi lại tin chắc rằng giám định tử thi có sai sót. Anh không nhớ thảm kịch ở Abbas Parva à?


- Không nhớ gì cả, Holmes ạ!


- Lúc đó anh đi cùng tôi mà. Nhưng ấn tượng riêng của tôi về vụ này cũng rất mờ nhạt, bởi vì người ta không tìm ra được bất kỳ một bằng chứng nào, và cũng không có ai nhờ tôi hỗ trợ. Anh hãy xem lại những ghi chép này đi!


- Anh có thể nói những điểm chính cho tôi nghe được không?


- Việc đó không khó. Có thể ngay khi nghe tôi nói, anh sẽ nhớ lại hết những tình huống lúc đó. Mọi người đều biết cái tên Ronder, ông ta là đối thủ cạnh tranh của Wombwell và Sanger, và là một trong những đoàn xiếc thú lớn nhất lúc đó. Nhưng trước khi thảm kịch xảy ra, Ronder đã trở thành một tay bợm rượu, bản thân ông ta và cả đoàn xiếc đều đang xuống dốc không phanh. Bi kịch xảy ra khi đoàn xiếc của ông ta nghỉ đêm tại một làng nhỏ, có tên là Abbas Parva ở quận Berkshire. Họ đang trên đường tới Wimbledon. Lúc đó, họ chỉ dựng trại nghỉ qua đêm chứ không biểu diễn, bởi thị trấn nhỏ quá, không đủ bù đắp chi phí cho buổi diễn.


“Trong số những con thú mà họ mang theo, có một chú sư tử Bắc Phi tên Sahara King, rất hung dữ. Ronder và vợ ông ta thường trổ tài ở bên trong lồng nhốt thú. Ở đây có một tấm ảnh chụp lúc họ đang biểu diễn. Anh xem có thể thấy Ronder là một người đàn ông vạm vỡ, hoang dã, còn bà vợ ông ta lại là một người phụ nữ tuyệt đẹp. Nhân viên điều tra cho biết, con sư tử Sahara đã có những biểu hiện đáng ngại từ lâu. Tuy nhiên, do chủ quan nên cả hai vợ chồng Ronder đều không chú ý đúng mức tới điều này. Hàng đêm, đích thân Ronder hoặc vợ ông ta sẽ cho con Sahara ăn. Có lúc một người, có khi cả hai người cùng đi. Nhưng từ trước đến giờ công việc đó chưa bao giờ do người khác làm, bởi họ cho rằng, chỉ cần cho sư tử Sahara ăn thì nó sẽ coi họ là ân nhân và không tấn công họ. Vào cái đêm đặc biệt cách đây bảy năm, cả hai vợ chồng họ cùng vào chuồng cho Sahara ăn. Một thảm kịch khủng khiếp đã xảy ra, và các chi tiết của tai nạn này chưa bao giờ được điều tra…


“Lúc nửa đêm, tất cả mọi người trong làng đều bị tiếng sư tử gầm và tiếng kêu la khủng khiếp của một phụ nữ đánh thức. Nhân viên đoàn xiếc và tất cả công nhân cầm đèn chạy túa ra từ các lều, giơ đèn soi thì nhìn thấy một cảnh tượng hãi hùng: Ronder nằm sóng soài trên mặt đất cách lồng sư tử hơn 10m, đầu bị đập nát, và đầy những vết cào xé của nanh vuốt sư tử. Cửa lồng mở toang. Bà Ronder nằm bẹp dưới chân con sư tử đói đang ngoác miệng ra gầm thét. Mặt bà ta bị nó cào xé nát bươm đến nỗi không có ai có thể tin được rằng bà ta sẽ thoát chết. Dưới sự chỉ huy của Leonardo - một thanh niên lực lưỡng - và anh hề Griggs, một số diễn viên trong đoàn xiếc đã dùng những chiếc gậy vừa to vừa dài đánh đuổi được con sư tử hung dữ đang cắn xé bà Ronder, rồi ngay lập tức khóa lồng lại. Nhưng làm sao sư tử xổng ra được thì vẫn là một câu đố chưa có lời đáp. Người ta phỏng đoán rằng, hai vợ chồng Ronder định mở cửa vào trong lồng, nhưng ngay khi cửa vừa mở thì con sư tử hung hãn đang đói liền xông ra vồ họ. Cảnh sát đã không tìm được bất kỳ chứng cứ gì. Còn bà Ronder, trong những cơn đau đớn khủng khiếp, khi được khiêng tới toa xe lưu động đến bệnh viện vẫn liên tục hét: “Đồ nhát gan! Đồ nhát gan!”. Mãi tới sáu tháng sau, bà ta mới hồi phục và ra làm chứng trước tòa. Việc khám nghiệm tử thi vẫn được tiến hành; tuy nhiên sau đó, cuộc điều tra đã bị đình chỉ, theo phán quyết của tòa án: ông Ronder chết vì tai nạn nghề nghiệp.”


- Còn có giả thiết nào khác chăng? - Tôi sốt ruột hỏi.


- Anh nói vậy cũng có lý. Có một vài chi tiết khiến anh chàng cảnh sát trẻ tuổi Edmunds ở cảnh sát quận Berkshire thấy không thể bỏ qua. Đó là một chàng trai thông minh! Nhưng sau đó anh ta bị điều tới Allahabad. Tôi chú ý đến vụ án này cũng là do anh ta tới đây tìm và trao đổi với tôi về vụ án kỳ lạ này.


- Có phải đó là một chàng trai người hơi gầy với mái tóc vàng không?


- Đúng vậy. Tôi biết anh sẽ nhớ ra mà.


- Điều gì khiến anh ta băn khoăn vậy?


- Anh ta và tôi đều có chung một thắc mắc. Vấn đề là ở chỗ, khó mà tưởng tượng được toàn bộ sự việc diễn ra như thế nào. Anh hãy nhìn nhận sự việc từ góc độ con sư tử xem, khi được thả ra, nó sẽ làm gì? Nó lao tới phía trước vài bước là tới trước mặt Ronder. Ông ta quay người lại, cố tháo chạy nhưng vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của con sư tử. Ông ta ngã vật ra đất, chết ngay tức thì. Nhưng con thú không chạy trốn mà ngược lại, quay đầu chồm lên vồ bà Ronder. Lúc này, bà ta đang bàng hoàng đứng cạnh lồng thú, con sư tử xông tới, xô ngã bà Ronder, cào xé nát mặt bà ta. Những tiếng thét trong cơn hôn mê dường như muốn trách ông Ronder đã bỏ rơi bà ta. Nhưng thật ra lúc đó ông ta đã chết rồi, làm sao còn có thể giúp bà ta được? Anh có thấy ở đây có điều kỳ lạ không? Và nếu không phải là ông Ronder, thì người mà bà ta oán trách là ai?


- Đúng vậy, anh nói đúng lắm !


- Còn một điểm nghi vấn nữa. Nó luôn ám ảnh tôi khi nghĩ tới vụ án này, là cùng với tiếng gầm của sư tử và tiếng hét hoảng sợ của bà Ronder, còn có tiếng la hét thất thanh của một người đàn ông nào đó nữa.


- Tiếng la hét đó đương nhiên là của ông Ronder rồi.


- Nếu như sọ ông ta đã bị con sư tử cắn nát, thì chúng ta làm sao có thể nghe được tiếng kêu của ông ấy. Ít nhất có hai người làm chứng nói rằng, họ có nghe thấy tiếng la hét của một người đàn ông lẫn trong tiếng la hét thảm thiết của bà Ronder.


- Tôi cho rằng, lúc đó tất cả mọi người trong khu lều trại đều kêu la hoảng hốt. Còn về những điểm nghi vấn khác thì tôi nghĩ mình có thể giải thích được.


- Tôi rất muốn được lắng nghe ý kiến của anh.


- Hai vợ chồng Ronder đang ở cạnh nhau. Khi sư tử sổ lồng, họ cách chuồng sư tử khoảng 10m. Ông Ronder hoảng loạn chạy trốn nên bị sư tử vồ chết ngay lập tức. Còn bà Ronder nảy ra ý nghĩ chạy ngược lại chuồng rồi đóng cửa lại, đó là nơi trú ẩn tốt nhất của bà ta. Bà đã thực hiện ý định chạy về phía chuồng đó, nhưng khi vừa mới chỉ tới cửa chuồng thì con Sahara đã xông tới, đè bà ta ngã xuống. Bà ta oán trách chồng mình bỏ trốn đã khiến con sư tử bị kích động càng trở nên điên cuồng, vì nếu cả hai cùng chung sức đối phó với con sư tử thì có thể sẽ khiến nó chùn bước. Thế nên bà ta mới hét “Đồ nhát gan! Đồ nhát gan!” trong cơn mê sảng.


- Rất hay, Watson ạ! Nhưng có một sai sót nho nhỏ trong lập luận tuyệt vời của anh.


- Sai sót thế nào?


- Nếu cả hai người đều ở cách lồng khoảng 10m, vậy thì làm sao sư tử có thể ra ngoài được?


- Phải chăng có kẻ nào đó đã thả sư tử ra? Tại sao bình thường nó vẫn chơi cùng họ, cùng biểu diễn những tiết mục xiếc ở trong lồng, mà lần này lại tấn công họ dã man như thế? Có lẽ kẻ thù giấu mặt đã cố tình chọc tức sư tử chăng?


Holmes bắt đầu lặng im suy nghĩ, vài phút liền không nói năng gì.


- Ồ Watson, có điều này rất cần thiết cho suy đoán của anh. Ronder là người có rất nhiều kẻ thù. Edmunds nói với tôi rằng, khi uống rượu, ông ta trở nên vô cùng hung dữ. Ông ta là một kẻ bạo hành vô độ, hễ bị ai cản trở là sẵn sàng chửi mắng, đánh đập. Tôi nghĩ, người khách ban nãy nói rằng về đêm bà Ronder hay la hét, chính là do bà ta mơ gặp lại người chồng hung bạo. Nhưng cho dù thế nào, trước khi sự thật được phơi bày thì tất cả những suy đoán của chúng ta đều là võ đoán.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom