Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 54
IX
NGƯỜI ĐEO NHẠC
Giăng Vangiăng đi xăm xăm lại chỗ có người lạ. Ông rút cuộn giấy bạc trong túi gi-lê ra, cầm lăm lăm trong tay.
Người kia đương cúi, không trông thấy ông lại gần. Ông sải mấy bước đã đến bên hắn ta. Ông hét:
- Một trăm phơrăng.
Người kia giật mình đánh thót một cái, ngẩng nhìn lên.
Vangiăng tiếp:
- Cho tôi trọ đêm nay, tôi biếu một trăm quan.
Trăng soi ngời ngời vẻ mặt hoảng hốt của Vangiăng.
- Ô kìa! Bác Mađơlen!
Con người xa lạ trong đêm tối ở cái nơi không quen thuộc này, sao lại gọi cái tên ấy? Vangiăng lùi lại.
Ông đã dự kiến hết, nhưng việc này thật quá bất ngờ!
Người kia là một ông già còm và thọt, ăn mặc từa tựa như nông dân. Ở đầu gối trái của lão, có một tấm da bọc gối, trên ấy treo lủng lẳng một chiếc nhạc. Mặt lão khuất bóng đêm, trông không rõ.
Lão cất mũ run rẩy kêu:
- Trời đất ơi! Làm sao bác lại ở đây, hở bác Mađơlen? Lạy Chúa! Bác vào bằng cái ngõ nào thế? Bác từ trên trời rơi xuống đấy ư? Cái đó cũng không lạ, bác mà rơi thì tất là phải từ trên trời rơi xuống. Ôi chao ơi! Sao bác ra cơ sự thế kia? Bác không có cà vạt, không có mũ, không có áo ngoài. Bác có biết là tướng bác trông dễ sợ lắm không, ai không quen bác mà gặp bác hôm nay tất phải chết khiếp. Chúa cao cả ôi! Phải chăng là những bậc thánh ngày nay đều hóa điên cả? Thế nhưng bác làm thế nào mà lọt vào chỗ này mới được chứ?
Lời tiếp lời không ngớt, ông già ba hoa như một người nông dân nhưng không lộ ý gì đáng ngại. Trong giọng nói của ông có sự kinh ngạc lẫn vẻ niềm nở thật thà. Vangiăng hỏi:
- Ông là ai? Nhà này là nhà gì?
- Ôi chao ôi! Cái này mới thật là kỳ quặc! Tôi là người bác đưa vào làm ở đây và nhà này là nhà bác đưa tôi vào làm, chứ còn người nào, nhà nào nữa! Mà thật vậy ư? Bác không nhận ra tôi thật ư?
- Không. Còn ông thì tại sao mà ông biết tôi?
- Bác đã cứu sống tôi.
Ông già ngoái đầu, ánh trăng soi rõ sống mặt. Vangiăng nhận ra ông già Phôsơlơvăng.
- Ô hay! Bác đấy ư? Ờ phải, tôi nhận ra bác rồi.
- Quý hóa chưa! - Ông già nói có vẻ trách móc.
- Thế bác làm gì ở đây?
- Thì đấy! Tôi che dưa bở.
Quả vậy, ông Phôsơlơvăng đương lấy tranh rạ đậy lên mấy luống dưa. Từ lúc ra vườn dưa đến giờ, ông đã trải được một số tranh rồi. Những cử động lạ lùng Vangiăng đã trông thấy, chính là công việc che dưa.
Ông Phôsơlơvăng nói tiếp:
- Tôi tự bảo: trăng sáng thế này chắc là sắp rét giá, dưa sẽ bị lạnh, dễ ta phải mang áo ra cho chúng.
Ông Phôsơlơvăng vừa nhìn Vangiăng vừa cười hà hà nói tiếp:
- Gặp phải bác, chắc bác cũng làm thế thôi! Nhưng bác làm thế nào mà vào được đây?
Thấy ông già Phôsơlơvăng biết mình, dù là chỉ biết với cái tên Mađơlen, Giăng Vangiăng cũng trở nên dè dặt thận trọng. Ông hỏi han ông già dồn dập. Vai trò thay đổi, chính người khách lạ lại chất vấn chủ nhân:
- Bác đeo cái nhạc gì ở đầu gối thế?
- Nhạc này ư? Ấy, để cho họ biết mà tránh tôi.
- Thế nào? Để cho họ tránh bác?
Ông Phôsơlơvăng nheo mắt một cách khó tả:
- Ấy! Ở trong nhà này chỉ có đàn bà, phần nhiều là thiếu nữ. Hình như họ cho là gặp tôi là nguy hiểm thế nào ấy. Cho nên tôi phải đeo cái nhạc này để báo hiệu cho họ biết: nghe tôi đến thì họ lẩn tránh đi.
- Nhà này là nhà gì?
- Ô hay! Bác biết lắm chứ.
- Không, tôi không biết.
- Bác giới thiệu cho tôi đến đây coi vườn mà lị!
- Bác cứ coi như là tôi chưa biết gì hết và trả lời cho tôi.
- Thế thì đây là nhà tu kín Pơti Pichpuýt.
Vangiăng lần hồi nhớ lại việc cũ. Sự tình cờ, nghĩa là bàn tay Chúa đã ném ông vào chính cái tu viện mà hai năm trước, ông đã giới thiệu lão Phôsơlơvăng vào làm, sau khi lão này trở nên tàn tật vì xe kẹp. Ông lẩm nhẩm như nói một mình:
- Tu viện Pơti Pichpuýt!
- Mà này, bác Mađơlen, bác làm thế quái nào mà vào được tu viện này? Bác thì là bậc thánh đấy, nhưng bác vẫn là đàn ông, mà đàn ông thì không được vào đây.
- Chứ còn bác thì sao?
- Chỉ có mình tôi đặc cách.
- Thế mà tôi cứ phải ở lại trong này đấy!
- Ôi trời! - Phôsơlơvăng kêu.
Giăng Vangiăng nhích lại một bên ông già, nghiêm trang bảo:
- Ông Phôsơlơvăng, tôi đã cứu ông.
- Ấy tôi nhớ ra chuyện ấy trước bác kia.
- Ngày nay ông có thể cứu tôi cũng như tôi đã cứu ông ngày trước.
Ông Phôsơlơvăng đưa hai bàn tay nhăn nheo nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vangiăng, nghẹn ngào không nói. Mãi sau, ông mới kêu:
- Ôi! Tôi mà báo bổ được phần nào thì quả thật là ơn Chúa. Tôi cứu được ông ư, ông thị trưởng? Nếu thế thì ông cứ sai bảo lão già này đi. - Nét mặt ông Phôsơlơvăng trở nên rạng rỡ lạ thường. Ông hỏi:
- Bác định khiến tôi làm gì đây?
- Tôi sẽ nói kỹ. Hiện giờ thì tôi muốn biết bác có một căn buồng không?
- Tôi có một cái nhà nhỏ trơ trọi ở đầu kia, trong hốc khuất đằng sau cái nhà đổ nát ấy. Nhà có ba buồng.
Thật vậy, cái nhà nhỏ này khuất sau cái nhà cũ kỹ kia, không ai trông thấy. Vì thế Vangiăng không biết có nó.
- Tốt lắm. Bây giờ tôi nhờ bác hai việc.
- Việc gì, ông thị trưởng?
- Thứ nhất, bác không nói gì với ai hết về tung tích của tôi. Thứ hai là bác cũng đừng tìm hiểu gì thêm về tôi.
- Được rồi. Tôi tin bác làm việc gì cũng là việc lương thiện cả. Bao giờ bác cũng là người con của Chúa nhân hậu. Với lại chính bác đã đưa tôi vào làm ở đây. Đây là việc của bác. Bác cứ sai khiến.
- Được rồi. Bây giờ thì bác đi với tôi, đến tìm đứa bé.
- Ơ! Có một đứa bé!
Ông không nói thêm gì nữa, lủi thủi bước theo Giăng Vangiăng như chó theo chủ.
Côdét được sưởi lửa, đôi má lại hồng hào và nửa giờ sau, em ngủ yên trên giường ông lão. Giăng Vangiăng thì đã buộc lại cà vạt và mặc áo khoác. Chiếc mũ cũng đã tìm thấy. Phôsơlơvăng cởi cái nịt gối đeo nhạc, mắc bên cạnh một cái giỏ treo, như một vật trang trí trên tường. Hai người chống tay trên bàn ngồi sưởi lửa. Phôsơlơvăng đem ra một ít bánh khô, một miếng bánh sữa, một chai rượu với hai cái cốc. Ông để tay lên đùi Giăng Vangiăng, nói:
- Bác Mađơlen ơi! Mãi bác mới nhìn ra tôi! Bác cứu sống người ta, rồi bác quên người ta đi. Bậy thật! Người ta thì vẫn nhớ bác. Bác là một người bội bạc!
X
VÌ SAO GIAVE ĐI KHÔNG VỀ RỒI
Những sự việc - mà chúng ta vừa được thấy như là cái phía sau đó - đã xảy ra một cách rất dễ hiểu.
Đêm hôm sau cái hôm Giave bắt Giăng Vangiăng bên cạnh thi thể của Phăngtin, Vangiăng vượt ngục Môngtơrơi. Sở cảnh sát dự đoán là anh ta vào Pari. Pari là một cái vực xoáy trên cạn, một cái rốn xã hội, cái gì cũng chìm đắm, cũng mất tăm ở đấy như trong rốn bể. Không có khu rừng nào che giấu con người ta kín đáo bằng cái rốn người đông đặc ấy. Những kẻ đào tị, bất kỳ loại nào, cũng đều biết như thế. Họ tìm đến Pari để trầm mình vào trong ấy vì có khi trầm mình là sống. Cảnh sát cũng biết như thế, cho nên mất gì ở đâu, họ cũng vào Pari mà tìm. Cứ thế họ tìm ông nguyên thị trưởng Môngtơrơi. Giave được gọi về Pari để giúp các cuộc lùng xét. Quả Giave đã giúp một tay đắc lực vào việc nã bắt Giăng Vangiăng. Nhờ thông minh và mẫn cán, Giave được ông bí thư sở cánh sát là Sabuiê chú ý. Ông này là bí thư thời bá tước Ăngơlét làm giám đốc. Vả lại ông Sabuiê cũng đã che chở cho Giave từ lâu. Ông thuyên chuyển viên thanh tra Môngtơrơi về sở cảnh sát Pari. Ở Pari, Giave đã tỏ ra là người hữu ích trong loại công việc này cũng lạ lùng.
Giave không nghĩ đến Vangiăng nữa. Đối với bọn chó săn nhà nghề ấy, con sói đánh hơi được hôm nay át mất hơi bám con sói ngày hôm qua. Tháng chạp năm 1823, tình cờ Giave đọc một tờ báo, mặc dầu ít khi hắn đọc báo. Lần này Giave đọc báo là vì hắn là một người bảo hoàng, hắn muốn biết chi tiết cái việc “hoàng thân đại tướng” vào thành phố Bêiôn một cách vinh quang như thế nào. Đọc xong bài báo ấy, Giave để ý đến tên một người ở cuối trang. Tên người ấy là Giăng Vangiăng, tin báo nói tên khổ sai Giăng Vangiăng chết. Lời báo rõ ràng, dứt khoát khiến Giave không nghi ngại gì hết. Hắn chỉ nói: “Nhà giam ấy mới thật là một nhà giam chắc chắn”. Rồi hắn vứt tờ báo và không nghĩ đến chuyện ấy nữa.
Cách đây ít lâu, sở cảnh sát Pari nhận được một báo cáo của sở cảnh sát quận Xen về việc một đứa bé ở làng Môngphécmây bị bắt đi mất một cách rất lạ. Báo cáo nói có một đứa bé độ bảy tám tuổi bị bắt trộm đem đi; trước đây mẹ đứa bé gửi nó cho một người chủ quán nuôi hộ. Tên nó là Côdét, mẹ nó là Phăngtin; nghe nói Phăngtin chết ở nhà thương phúc, không biết lúc nào và ở đâu. Giave thấy báo cáo ấy đâm ra nghĩ ngợi.
Hắn rất quen cái tên Phăngtin. Hắn nhớ ra hắn đã phì cười khi nghe Giăng Vangiăng xin khoan cho ba ngày để đi mang đứa con của con đĩ ấy về; hắn cũng nhớ Vangiăng bị bắt ở Pari đúng khi đáp chuyến xe đi Môngphécmây. Hơn nữa nhiều triệu chứng là Vangiăng đi Môngphécmây lần ấy là lần thứ hai, đêm trước hắn đã đi Môngphécmây, nhưng chỉ lùng quanh làng chứ chưa vào. Hắn ta đi Môngphécmây làm gì, người ta không đoán ra. Bây giờ đây Giave mới hiểu: con của Phăngtin ở đấy, Vangiăng đến tìm nó. Thế mà ngày nay con của Phăngtin bị một kẻ lạ mặt mang đi. Người lạ mặt là Giăng Vangiăng chăng? Nhưng không, Vangiăng đã chết rồi. Tuy vậy Giave cũng đáp xe đi Môngphécmây, chẳng nói cho ai biết.
Hắn đi là để cho biết rõ đầu đuôi; đến đây hắn lại càng mù mịt.
Sự thật, những ngày đầu, vợ chồng Tênácđiê mất ăn nổi cáu có nói lung tung. Việc mất con Sơn ca thế là đồn đại xa gần. Có nhiều giả thuyết tung ra, thuyết cuối cùng là Sơn ca bị bắt cóc. Vì thế nên đã có bản báo cáo của quận cảnh sát. Tuy vậy qua cơn giận dữ lúc đầu, linh khiếu của Tênácđiê báo cho hắn biết rằng đụng tới ông biện lý chẳng bao giờ có lợi. Hắn mà rêu rao kia nọ thì chỉ tổ làm cho con mắt sáng quắc của công lý trước hết đâm vào nhiều công việc của chính hắn ta. Loại cứ trước hết sợ ánh đèn người ta mang tới. Việc này mà động đến sở cảnh sát thì món tiền nghìn rưỡi quan ấy nuốt cũng không trôi, đừng có nói gì đến chuyện khác. Hắn cắt đứt ngay câu chuyện và cấm vợ mách lẻo. Hắn làm bộ ngạc nhiên khi người ta nói đến việc mất con Sơn ca. Hắn nói hắn thật không hiểu. Ừ thì lúc đầu hắn cũng có phàn nàn làm sao người ta vội “bắt” con bé yêu đi như thế. Trìu mến con bé đã quen, hắn cũng muốn giữ lại thêm vài ba hôm. Nhưng chính là “ông” con Côdét thân đến đem nó về thì bảo làm sao được! Cái tiếng “ông con Côdét” thế mà có hiệu lực, nó làm cho ai cũng tưởng thật. Đến Môngphécmây, Giave nghe được chuyện này. “Ông con Côdét” đã đánh tan sự nghi ngờ của Giave về Giăng Vangiăng.
Nhưng Giave cũng hỏi Tênácđiê một đôi câu thăm dò ý tứ.Ông con Côdét là ai, tên gì? Rất tự nhiên, Tênácđiê đáp: một phú ông. Tôi có xem giấy thông hành của ông ấy. Tôi nhớ như tên là Guyôm Lămbe.
Lămbe là một cái tên hiền lành. Giave yên tâm trở về Pari. Hắn tự bảo:
- Thằng cha Giăng Vangiăng ấy đã chết đứt đi rồi. Mình quả là ngớ ngẩn.
Hắn lại quên câu chuyện.
Vào tháng ba năm 1824, một hôm hắn nghe nói đến một nhân vật kỳ quặc. Nhân vật ấy ở trong giáo khu Xanh Mêđa. Người ta gọi hắn là “người ăn mày hay bố thí”. Họ nói hắn sống về lợi tức công thải. Không ai biết tên hắn, hắn ở một mình với một con bé tám tuổi, con này cũng chỉ biết một điều là nguyên từ Môngphécmây đến. Môngphécmây! Cái tên này vẫn lởn vởn trong trí óc Giave và làm cho hắn vểnh tai cảnh giác. Một người hành khất già kiêm mật thám, nguyên là lao công trong nhà thờ thường xin tiền của nhân vật ấy, cho Giave biết thêm một vài chi tiết. Người ấy bảo cái nhân vật này khó lại gần lắm, tối đến hắn mới ra phố. Hắn không nói chuyện với ai, trừ một đôi khi trao đổi với người nghèo đói. Không ai bắt chuyện với hắn được. Hắn mặc một chiếc áo khoác vàng xấu xí nhưng đáng giá mấy triệu vì khâu đầy giấy bạc. Chi tiết này làm cho Giave hết sức chú ý. Muốn cho nhân vật kỳ quái ấy khỏi kinh sợ để xem cho rõ mặt, một hôm Giave mượn bộ đồ rách của ông hành khất già mặc vào mình, ngồi thay vào chỗ ông. Ở chỗ ấy, lão hành khất già kiêm mật thám đêm đêm vẫn tụng và nom dòm những người qua lại.
Đúng như dự đoán, nhân vật khả nghi đến gần Giave và bố thí cho hắn. Lúc ấy Giave ngẩng lên: Giăng Vangiăng nhận ra Giave, giật mình. Giave cũng giật mình vì nhận ra Giăng Vangiăng.
Nhưng Giave nghĩ rằng mình có thể nhận lầm. Cái tin Giăng Vangiăng chết đã chính thức kia mà. Giave là người thận trọng, khi còn nghi ngại, Giave chẳng bắt ai.
Hắn theo con mồi cho đến nhà Goócbô. Hắn gợi chuyện với bà già nấu ăn cho Vangiăng. Bà già cũng bảo là chiếc áo khoác có khâu bạc triệu và kể luôn câu chuyện cái giấy bạc một nghìn phơrăng chính mắt mụ đã nhìn thấy, tay mụ cũng đã mó vào! Giave thuê gian buồng bên cạnh và ngay tối ấy hắn dọn đến. Hắn nghiêng tai bên cửa Vangiăng để chờ nghe giọng nói của ông. Nhưng qua lỗ khóa, Vangiăng trông thấy ánh đèn của hắn, cho nên không nói một tiếng. Giave chờ hoài công.
Ngày hôm sau, Vangiăng dọn đi. Nhưng tiếng rơi của đồng năm phơrăng làm cho bà già chú ý. Bà nghe tiếng tiền leng keng, đoán là Vangiăng dọn đi, vội vã báo với Giave. Đêm đến, lúc Vangiăng ra đi, Giave đem theo hai người, cùng đứng rình sau bóng cây.
Giave đã xin người ở sở cảnh sát, nhưng hắn không nói là để bắt ai! Hắn giữ bí mật vì ba lý do: trước hết nếu lộ một tí gì, Vangiăng sẽ đề phòng; sau nữa bắt được một tên khổ sai lâu năm vượt ngục mà ai cũng đinh ninh là chết rồi, một tên tội phạm mà hồ sơ tư pháp liệt kê vào hạng nguy hiểm nhất, bắt được một nhân vật như thế là một kỳ công mà chắc chắn là bọn cảnh sát cũ ở đây không để dành cho một tên mới đến như Giave; Giave rất sợ người ta phỗng tay trên con mồi của hắn, lý do cuối cùng là Giave như một nghệ sĩ, hắn thích chuyện bất ngờ. Hắn chúa ghét những thành tích không còn sốt dẻo vì bị người ta kháo trước nhiều quá. Hắn ưng xây dựng tác phẩm trong bóng tối để rồi cuối cùng kéo bức màn cho tác phẩm hiện ra thình lình trước mắt công chúng.
Giave lần mò từ gốc cây nọ qua gốc cây kia, từ góc phố này đến góc phố khác để đuổi theo Vangiăng. Không một phút nào hắn mất dấu con mồi. Ngay những lúc mà Vangiăng tưởng là yên ổn nhất, Vangiăng cũng vẫn ở trong tầm con mắt vọ của Giave.
Tại sao Giave không bắt Giăng Vangiăng? Tại vì hắn còn nghi ngại.
Bạn đọc nên nhớ rằng thuở ấy cảnh sát rất lúng túng. Quyền tự do báo chí làm rầy cho họ lắm. Báo chí đã tố cáo một vài vụ bắt bớ vô nguyên tắc, làm chấn động các nghị viện, do đó sở cảnh sát đâm ra rụt rè.
Vi phạm quyền tự do cá nhân bị coi là một sai lầm nghiêm trọng. Vì thế, người lính cảnh sát rất sợ nhầm. Ông giám đốc sẵn sàng trách cứ họ, hễ nhầm lẫn là tức khắc bị cách. Hãy tưởng tượng tiếng dội của một tin ngắn như thế này mà một tờ báo đăng tin, tức khắc hai mươi tờ đăng lại: “Hôm qua một ông cụ già tóc bạc bị bắt giải về trại giam của sở cảnh sát trong khi ông đi chơi với một em bé tám tuổi, cháu ông. Người ta bảo ông là một tên khổ sai vượt ngục. Thật ra thì ông ấy là một người tử tế, sống bằng lợi tức công thải”.
Cũng nên nhớ rằng Giave còn có những nỗi băn khoăn của riêng lòng mình. Những lời dặn dò của lương tâm cộng vào với những lời dặn dò của ông cảnh sát trưởng. Thật tình là hắn còn nghi ngại lung lắm.
Giăng Vangiăng quay lưng lại, bước đi trong bóng tối.
Dáng đi của Giăng Vangiăng rất không bình thường chính Vangiăng cũng không biết. Đó là vì ông buồn, ông lo, ông sợ hãi, ông chán nản, ngoài ra còn có cái đau xót phải đương đêm trốn đi, nỗi lo lắng tìm đâu ra chỗ tạm trú, sự cần thiết phải bước hết sức chậm để cho Côdét theo kịp. Tất cả những thứ ấy làm cho người Vangiăng còm xuống, già cọm hẳn đi, đến nỗi Giave là hiện thân của cảnh sát cũng phải nhầm. Giave thì không thể đến quá gần, mà bộ áo quần thầy giáo già luân lạc của Vangiăng, cái việc Tênácđiê nói quả quyết người mang Côdét đi là ông nội của nó, sau hết cái tin Vangiăng đã chết, tất cả cái ấy càng làm cho đầu óc Giave hoang mang.
Có một lúc hắn nảy ra cái ý hỏi giấy Vangiăng đột ngột. Nhưng cũng không lợi. Nếu người ấy không phải là Giăng Vangiăng, cũng không phải là một ông già nhàn nhã lương thiện, thì tất phải là một tên đầu trộm đuôi cướp, dính dáng trong cái mạng nhện tội ác của thành phố Pari, một tên trùm lưu manh, đi bố thí cho người nghèo để che mắt thiên hạ, một trò cũ rích. Hẳn nó phải có những tòng phạm, những tay chân, những nhà phòng hờ để lẩn tránh khi cần đến. Cách nó tìm những đường phố quanh co mà đi, đủ chứng tỏ nó không phải là một anh già chất phác. Như thế thì bắt nó quá sớm cũng bằng “giết thịt con gà đẻ trứng vàng”. Chờ một tí nữa thì có mất gì? Tên gian phi thoát lưới làm sao được!
Giave vừa đi vừa suy nghĩ lung tung và đặt rất nhiều câu hỏi về con người bí mật ấy.
Mãi sau, nhờ ánh đèn rất sáng của một quán rượu phố Pôngtoa, Giave mới nhìn ra đúng là Giăng Vangiăng. Trên đời này có hai sinh vật có cái rung động ghê gớm: người mẹ tìm thấy con và con hổ bắt lại được mồi. Giave thấy toàn thân rung động như thế. Chạm tránh một người nguy hiểm như Vangiăng hắn thấy bọn hắn có ba người là quá ít, hắn bèn xin thêm người ở đồn cảnh sát phố Pôngtoa. Trước khi mó vào một cái cây gai góc, phải mang găng tay mới xong.
Việc dừng lại xin người cùng với việc hội ý ở ngã tư suýt nữa làm cho chúng mất dấu Vangiăng, Giave cúi đầu suy nghĩ như con chó săn dí mũi xuống lối đi để đánh hơi con vật. Bản năng của hắn thật là linh diệu. Hắn đoán ngay ra Vangiăng thế nào cũng vượt qua cầu để lấy con sông chắn những người đuổi theo mình. Hắn đến thẳng cầu Auxtéclít. Chỉ hỏi người gác cầu một câu thôi là hắn rõ sự thật: “Bác có thấy một người đi qua cầu cới một con bé không?” - “Tôi vừa bắt hắn trả hai xu đấy!” Giave lên cầu kịp lúc ở bờ bên kia, Vangiăng dắt Côdét đi qua khoảng trống vằng vặc ánh trăng. Hắn thấy Vangiăng vào phố Xanh Ăngtoan; hắn nghĩ đến ngõ cụt Giăngrô nằm ở đó sẵn sàng như một cái bẫy và cái lối thoát độc nhất từ phố Đơroamuyrơ ra ngõ phố Pichpuýt. Hắn lo đón ngách như những người săn: hắn vội phái một tên thuộc hạ đi tắt đến chắn lối đi ra phố Đơroamuyrơ. Hắn trưng tập một đội tuần tra trên đường về Binh xưởng và dắt theo hắn. Trong những ván bài như thế, lính là con chủ. Vả lại muốn hạ một con lợn rừng, phải có cả cái thông thạo của người thợ săn lẫn răng móng của một đàn chó.
Xếp đặt xong đâu vào đấy, Giave yên trí rằng Vangiăng thế là bị nghẽn đường, ở bên phải vấp vào ngách cụt Giăngrô, bên trái gặp người của hắn, đằng sau lưng thì có chính hắn. Giave đương đuổi tới. Khoan khoái Giave hít một hồi thuốc lá.
Rồi hắn muốn đùa giỡn một tí; giờ phút ấy là giờ phút khoái trác tàn ác nhất của hắn. Hắn cứ để cho con mồi lao tới trước. Hắn biết là hắn đã nắm chắc con mồi, nhưng hắn muốn hãy hoãn lại cái phút đưa tay ra tóm lấy nó. Biết nó đã bị bắt mà còn thấy nó tung tăng hắn lấy làm sung sướng. Con nhện để cho con ruồi vùng vẫy, con mèo để cho con chuột chạy đi, con nhện, con mèo kia có những khoái cảm gì thì Giave có những khoái cảm đó. Những cái vùng vẫy, những cử động không đưa đến đâu hết của con vật bị bắt là nguồn nhục cảm gớm ghiếc cho móng vuốt của lũ ăn thịt. Còn gì làm cho chúng say sưa bằng sự vùng vẫy ngột ngạt ấy.
Giave rất khoái. Mắt lưới của hắn hết sức chắc chắn, thắng lợi đã rõ ràng, chỉ còn mỗi việc nắm bàn tay tóm cổ con mồi.
Giave cho rằng dù Vangiăng rất khỏe, dù Vangiăng cả gan và tuyệt vọng, Vangiăng cũng không thể chống cự được, vì hắn có đông tùy tùng đến vậy.
Giave tiến từng bước, hắn thăm dò soát xét mỗi một ngóc ngách nhỏ như lục túi một thằng ăn cắp.
Thế mà lúc đến giữa rốn lưới, hắn không tìm thấy con ruồi nữa.
Hãy tưởng tượng xem Giave tức tối thế nào!
Hắn tra hỏi người thuộc hạ canh giữ ở góc phố Pichpuýt. Người ấy vẫn canh giữ vị trí, nhưng không thấy Vangiăng đi qua.
Trong đạo đi săn, cũng có lúc cả đàn chó đeo bên chân con nai mà con nai vẫn cứ chạy thoát, khiến những tay săn bạc đầu trong nghề cũng không còn biết nói sao. Cả Đuyviviê, Linhivin và Đêpơrê cũng bó tay. Trong một trường hợp không may như vậy, Actônggiơ đã kêu lên:
“Phải đâu là nai, nó là một con tinh đấy!”
Giave cũng rất muốn kêu như thế.
Hắn thất vọng gần như phát cuồng lên.
Napôlêông đã phạm lầm lỗi trong chiến dịch đánh Nga, Alêchxăng trong cuộc viễn chinh Ân Độ, Xêda trong việc xâm lược châu Phi, Xiruýt trong chiến tranh Xiti; Giave cũng có lẫm lỗi trong trận đánh Giăng Vangiăng. Lúc đầu, không quyết đoán người đi trốn là Giăng Vangiăng là sai. Đúng lý ra, nhìn thấy lần đầu là phải cầm chắc! Không bắt Vangiăng ngay trong nhà là sai. Ở phố Pôngtoa, Giave biết đích xác là Vangiăng rồi, mà không bắt tức tốc là sai. Hội ý với người thuộc hạ giữa ngã tư, dưới ánh trăng vằng vặc cũng là sai. Đã đành rằng hỏi han người thuộc hạ là tốt, cũng như người đi săn thường tìm hiểu ý những con chó đuổi hay; nhưng người đi săn lành nghề cũng không nên quá cẩn thận khi đuổi những con thú đa nghi như con sói hoặc thằng tù khổ sai. Vì quá chăm cho đàn chó đuổi theo đúng dấu, Giave đã làm cho con mồi đánh hơi được đoàn săn và phóng mất. Cái sai lầm nghiêm trọng nhất của Giave là khi đã tìm lại được dấu của Vangiăng trên cầu Auxtéclít, hắn còn muốn bố trí cái trò mèo bắt chuột ghê gớm mà thơ ngây ấy. Hắn đánh giá tài năng của hắn quá cao, tưởng bắt hổ dễ như bắt chuột. Đồng thời hắn cũng có phần tự ti: ấy là lúc hắn xin viện trợ. Cẩn thận đến nước ấy thì thật là tai hại, là làm mất bao nhiêu thời giờ vàng ngọc. Giave phạm những lỗi lầm ấy, nhưng Giave vẫn là người thám tử thông thạo và hợp cách nhất từ xưa đến nay. Đúng hắn là một con chó hay, như người ta thường gọi trong săn bắn.
Ai mà toàn thiện toàn mỹ được? Những nhà thao lược thiên tài nhất trong lịch sử cũng còn có lúc lú lẫn.
Những điều ngu muội lớn nhất thường cũng như những cái dây thừng to, tết bằng vô số sợi nhỏ. Tách cái dây thừng ra từng sợi, tách rời những nhân tố nhỏ bé và quyết định, bạn có thể biết được chúng rất dễ từng cái một và bạn sẽ bảo: Chỉ thế thôi ư! Nhưng bện nó lại, quấn nó lại, nó sẽ ghê gớm. Đó là chuyện Atila do dự giữa Mácxiêng ở đông và Valăngtiniêng ở tây, chuyện Aniban là đà ở Capu, Đăngtông ngủ quên ở Acxi xuya Ôbơ.
Mặc dù thế nào, khi thấy Vangiăng mất tích, Giave vẫn không rối trí. Hắn tính chắc là Vangiăng còn lẩn quẩn đâu đấy chứ chưa thể cao bay xa chạy. Hắn bố trí người rình, gác, hắn tổ chức những bẫy sập, hắn lùng ngang dọc trong khu phố suốt đêm. Trước hết hắn nhận thấy chiếc đèn lồng nằm không đúng chỗ, dây treo đèn bị cắt… Đó là một tang chứng quý báu thật, nhưng cái tang chứng ấy lại làm cho Giave lạc hướng.
Hắn chăm chú tìm tòi lục soát quanh ngách Giăngrô. Ở trong ngách ấy, có những bức tường thấp, sau tường là vườn tược; qua khỏi các khu vườn này thì đến nhiều đám đất mênh mông bỏ hoang. Hắn nghĩ tất nhiên Vangiăng đào tẩu theo hướng ấy! Thật vậy, nếu trước đấy, Vangiăng tiến sâu vào ngách Giăngrô thì hẳn ông đã chạy về hướng ấy, và bây giờ đã bị nguy rồi. Bởi vì Giave thăm dò các khoảnh vườn và các đám đất quanh đấy tỉ mỉ như tìm một cây kim rơi.
Sáng sớm hôm sau, Giave đặt hai thuộc hạ khôn ngoan quan sát ở đấy, còn hắn thì lui về sở, xấu hổ như một anh thám tử bị kẻ trộm lừa.
NGƯỜI ĐEO NHẠC
Giăng Vangiăng đi xăm xăm lại chỗ có người lạ. Ông rút cuộn giấy bạc trong túi gi-lê ra, cầm lăm lăm trong tay.
Người kia đương cúi, không trông thấy ông lại gần. Ông sải mấy bước đã đến bên hắn ta. Ông hét:
- Một trăm phơrăng.
Người kia giật mình đánh thót một cái, ngẩng nhìn lên.
Vangiăng tiếp:
- Cho tôi trọ đêm nay, tôi biếu một trăm quan.
Trăng soi ngời ngời vẻ mặt hoảng hốt của Vangiăng.
- Ô kìa! Bác Mađơlen!
Con người xa lạ trong đêm tối ở cái nơi không quen thuộc này, sao lại gọi cái tên ấy? Vangiăng lùi lại.
Ông đã dự kiến hết, nhưng việc này thật quá bất ngờ!
Người kia là một ông già còm và thọt, ăn mặc từa tựa như nông dân. Ở đầu gối trái của lão, có một tấm da bọc gối, trên ấy treo lủng lẳng một chiếc nhạc. Mặt lão khuất bóng đêm, trông không rõ.
Lão cất mũ run rẩy kêu:
- Trời đất ơi! Làm sao bác lại ở đây, hở bác Mađơlen? Lạy Chúa! Bác vào bằng cái ngõ nào thế? Bác từ trên trời rơi xuống đấy ư? Cái đó cũng không lạ, bác mà rơi thì tất là phải từ trên trời rơi xuống. Ôi chao ơi! Sao bác ra cơ sự thế kia? Bác không có cà vạt, không có mũ, không có áo ngoài. Bác có biết là tướng bác trông dễ sợ lắm không, ai không quen bác mà gặp bác hôm nay tất phải chết khiếp. Chúa cao cả ôi! Phải chăng là những bậc thánh ngày nay đều hóa điên cả? Thế nhưng bác làm thế nào mà lọt vào chỗ này mới được chứ?
Lời tiếp lời không ngớt, ông già ba hoa như một người nông dân nhưng không lộ ý gì đáng ngại. Trong giọng nói của ông có sự kinh ngạc lẫn vẻ niềm nở thật thà. Vangiăng hỏi:
- Ông là ai? Nhà này là nhà gì?
- Ôi chao ôi! Cái này mới thật là kỳ quặc! Tôi là người bác đưa vào làm ở đây và nhà này là nhà bác đưa tôi vào làm, chứ còn người nào, nhà nào nữa! Mà thật vậy ư? Bác không nhận ra tôi thật ư?
- Không. Còn ông thì tại sao mà ông biết tôi?
- Bác đã cứu sống tôi.
Ông già ngoái đầu, ánh trăng soi rõ sống mặt. Vangiăng nhận ra ông già Phôsơlơvăng.
- Ô hay! Bác đấy ư? Ờ phải, tôi nhận ra bác rồi.
- Quý hóa chưa! - Ông già nói có vẻ trách móc.
- Thế bác làm gì ở đây?
- Thì đấy! Tôi che dưa bở.
Quả vậy, ông Phôsơlơvăng đương lấy tranh rạ đậy lên mấy luống dưa. Từ lúc ra vườn dưa đến giờ, ông đã trải được một số tranh rồi. Những cử động lạ lùng Vangiăng đã trông thấy, chính là công việc che dưa.
Ông Phôsơlơvăng nói tiếp:
- Tôi tự bảo: trăng sáng thế này chắc là sắp rét giá, dưa sẽ bị lạnh, dễ ta phải mang áo ra cho chúng.
Ông Phôsơlơvăng vừa nhìn Vangiăng vừa cười hà hà nói tiếp:
- Gặp phải bác, chắc bác cũng làm thế thôi! Nhưng bác làm thế nào mà vào được đây?
Thấy ông già Phôsơlơvăng biết mình, dù là chỉ biết với cái tên Mađơlen, Giăng Vangiăng cũng trở nên dè dặt thận trọng. Ông hỏi han ông già dồn dập. Vai trò thay đổi, chính người khách lạ lại chất vấn chủ nhân:
- Bác đeo cái nhạc gì ở đầu gối thế?
- Nhạc này ư? Ấy, để cho họ biết mà tránh tôi.
- Thế nào? Để cho họ tránh bác?
Ông Phôsơlơvăng nheo mắt một cách khó tả:
- Ấy! Ở trong nhà này chỉ có đàn bà, phần nhiều là thiếu nữ. Hình như họ cho là gặp tôi là nguy hiểm thế nào ấy. Cho nên tôi phải đeo cái nhạc này để báo hiệu cho họ biết: nghe tôi đến thì họ lẩn tránh đi.
- Nhà này là nhà gì?
- Ô hay! Bác biết lắm chứ.
- Không, tôi không biết.
- Bác giới thiệu cho tôi đến đây coi vườn mà lị!
- Bác cứ coi như là tôi chưa biết gì hết và trả lời cho tôi.
- Thế thì đây là nhà tu kín Pơti Pichpuýt.
Vangiăng lần hồi nhớ lại việc cũ. Sự tình cờ, nghĩa là bàn tay Chúa đã ném ông vào chính cái tu viện mà hai năm trước, ông đã giới thiệu lão Phôsơlơvăng vào làm, sau khi lão này trở nên tàn tật vì xe kẹp. Ông lẩm nhẩm như nói một mình:
- Tu viện Pơti Pichpuýt!
- Mà này, bác Mađơlen, bác làm thế quái nào mà vào được tu viện này? Bác thì là bậc thánh đấy, nhưng bác vẫn là đàn ông, mà đàn ông thì không được vào đây.
- Chứ còn bác thì sao?
- Chỉ có mình tôi đặc cách.
- Thế mà tôi cứ phải ở lại trong này đấy!
- Ôi trời! - Phôsơlơvăng kêu.
Giăng Vangiăng nhích lại một bên ông già, nghiêm trang bảo:
- Ông Phôsơlơvăng, tôi đã cứu ông.
- Ấy tôi nhớ ra chuyện ấy trước bác kia.
- Ngày nay ông có thể cứu tôi cũng như tôi đã cứu ông ngày trước.
Ông Phôsơlơvăng đưa hai bàn tay nhăn nheo nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vangiăng, nghẹn ngào không nói. Mãi sau, ông mới kêu:
- Ôi! Tôi mà báo bổ được phần nào thì quả thật là ơn Chúa. Tôi cứu được ông ư, ông thị trưởng? Nếu thế thì ông cứ sai bảo lão già này đi. - Nét mặt ông Phôsơlơvăng trở nên rạng rỡ lạ thường. Ông hỏi:
- Bác định khiến tôi làm gì đây?
- Tôi sẽ nói kỹ. Hiện giờ thì tôi muốn biết bác có một căn buồng không?
- Tôi có một cái nhà nhỏ trơ trọi ở đầu kia, trong hốc khuất đằng sau cái nhà đổ nát ấy. Nhà có ba buồng.
Thật vậy, cái nhà nhỏ này khuất sau cái nhà cũ kỹ kia, không ai trông thấy. Vì thế Vangiăng không biết có nó.
- Tốt lắm. Bây giờ tôi nhờ bác hai việc.
- Việc gì, ông thị trưởng?
- Thứ nhất, bác không nói gì với ai hết về tung tích của tôi. Thứ hai là bác cũng đừng tìm hiểu gì thêm về tôi.
- Được rồi. Tôi tin bác làm việc gì cũng là việc lương thiện cả. Bao giờ bác cũng là người con của Chúa nhân hậu. Với lại chính bác đã đưa tôi vào làm ở đây. Đây là việc của bác. Bác cứ sai khiến.
- Được rồi. Bây giờ thì bác đi với tôi, đến tìm đứa bé.
- Ơ! Có một đứa bé!
Ông không nói thêm gì nữa, lủi thủi bước theo Giăng Vangiăng như chó theo chủ.
Côdét được sưởi lửa, đôi má lại hồng hào và nửa giờ sau, em ngủ yên trên giường ông lão. Giăng Vangiăng thì đã buộc lại cà vạt và mặc áo khoác. Chiếc mũ cũng đã tìm thấy. Phôsơlơvăng cởi cái nịt gối đeo nhạc, mắc bên cạnh một cái giỏ treo, như một vật trang trí trên tường. Hai người chống tay trên bàn ngồi sưởi lửa. Phôsơlơvăng đem ra một ít bánh khô, một miếng bánh sữa, một chai rượu với hai cái cốc. Ông để tay lên đùi Giăng Vangiăng, nói:
- Bác Mađơlen ơi! Mãi bác mới nhìn ra tôi! Bác cứu sống người ta, rồi bác quên người ta đi. Bậy thật! Người ta thì vẫn nhớ bác. Bác là một người bội bạc!
X
VÌ SAO GIAVE ĐI KHÔNG VỀ RỒI
Những sự việc - mà chúng ta vừa được thấy như là cái phía sau đó - đã xảy ra một cách rất dễ hiểu.
Đêm hôm sau cái hôm Giave bắt Giăng Vangiăng bên cạnh thi thể của Phăngtin, Vangiăng vượt ngục Môngtơrơi. Sở cảnh sát dự đoán là anh ta vào Pari. Pari là một cái vực xoáy trên cạn, một cái rốn xã hội, cái gì cũng chìm đắm, cũng mất tăm ở đấy như trong rốn bể. Không có khu rừng nào che giấu con người ta kín đáo bằng cái rốn người đông đặc ấy. Những kẻ đào tị, bất kỳ loại nào, cũng đều biết như thế. Họ tìm đến Pari để trầm mình vào trong ấy vì có khi trầm mình là sống. Cảnh sát cũng biết như thế, cho nên mất gì ở đâu, họ cũng vào Pari mà tìm. Cứ thế họ tìm ông nguyên thị trưởng Môngtơrơi. Giave được gọi về Pari để giúp các cuộc lùng xét. Quả Giave đã giúp một tay đắc lực vào việc nã bắt Giăng Vangiăng. Nhờ thông minh và mẫn cán, Giave được ông bí thư sở cánh sát là Sabuiê chú ý. Ông này là bí thư thời bá tước Ăngơlét làm giám đốc. Vả lại ông Sabuiê cũng đã che chở cho Giave từ lâu. Ông thuyên chuyển viên thanh tra Môngtơrơi về sở cảnh sát Pari. Ở Pari, Giave đã tỏ ra là người hữu ích trong loại công việc này cũng lạ lùng.
Giave không nghĩ đến Vangiăng nữa. Đối với bọn chó săn nhà nghề ấy, con sói đánh hơi được hôm nay át mất hơi bám con sói ngày hôm qua. Tháng chạp năm 1823, tình cờ Giave đọc một tờ báo, mặc dầu ít khi hắn đọc báo. Lần này Giave đọc báo là vì hắn là một người bảo hoàng, hắn muốn biết chi tiết cái việc “hoàng thân đại tướng” vào thành phố Bêiôn một cách vinh quang như thế nào. Đọc xong bài báo ấy, Giave để ý đến tên một người ở cuối trang. Tên người ấy là Giăng Vangiăng, tin báo nói tên khổ sai Giăng Vangiăng chết. Lời báo rõ ràng, dứt khoát khiến Giave không nghi ngại gì hết. Hắn chỉ nói: “Nhà giam ấy mới thật là một nhà giam chắc chắn”. Rồi hắn vứt tờ báo và không nghĩ đến chuyện ấy nữa.
Cách đây ít lâu, sở cảnh sát Pari nhận được một báo cáo của sở cảnh sát quận Xen về việc một đứa bé ở làng Môngphécmây bị bắt đi mất một cách rất lạ. Báo cáo nói có một đứa bé độ bảy tám tuổi bị bắt trộm đem đi; trước đây mẹ đứa bé gửi nó cho một người chủ quán nuôi hộ. Tên nó là Côdét, mẹ nó là Phăngtin; nghe nói Phăngtin chết ở nhà thương phúc, không biết lúc nào và ở đâu. Giave thấy báo cáo ấy đâm ra nghĩ ngợi.
Hắn rất quen cái tên Phăngtin. Hắn nhớ ra hắn đã phì cười khi nghe Giăng Vangiăng xin khoan cho ba ngày để đi mang đứa con của con đĩ ấy về; hắn cũng nhớ Vangiăng bị bắt ở Pari đúng khi đáp chuyến xe đi Môngphécmây. Hơn nữa nhiều triệu chứng là Vangiăng đi Môngphécmây lần ấy là lần thứ hai, đêm trước hắn đã đi Môngphécmây, nhưng chỉ lùng quanh làng chứ chưa vào. Hắn ta đi Môngphécmây làm gì, người ta không đoán ra. Bây giờ đây Giave mới hiểu: con của Phăngtin ở đấy, Vangiăng đến tìm nó. Thế mà ngày nay con của Phăngtin bị một kẻ lạ mặt mang đi. Người lạ mặt là Giăng Vangiăng chăng? Nhưng không, Vangiăng đã chết rồi. Tuy vậy Giave cũng đáp xe đi Môngphécmây, chẳng nói cho ai biết.
Hắn đi là để cho biết rõ đầu đuôi; đến đây hắn lại càng mù mịt.
Sự thật, những ngày đầu, vợ chồng Tênácđiê mất ăn nổi cáu có nói lung tung. Việc mất con Sơn ca thế là đồn đại xa gần. Có nhiều giả thuyết tung ra, thuyết cuối cùng là Sơn ca bị bắt cóc. Vì thế nên đã có bản báo cáo của quận cảnh sát. Tuy vậy qua cơn giận dữ lúc đầu, linh khiếu của Tênácđiê báo cho hắn biết rằng đụng tới ông biện lý chẳng bao giờ có lợi. Hắn mà rêu rao kia nọ thì chỉ tổ làm cho con mắt sáng quắc của công lý trước hết đâm vào nhiều công việc của chính hắn ta. Loại cứ trước hết sợ ánh đèn người ta mang tới. Việc này mà động đến sở cảnh sát thì món tiền nghìn rưỡi quan ấy nuốt cũng không trôi, đừng có nói gì đến chuyện khác. Hắn cắt đứt ngay câu chuyện và cấm vợ mách lẻo. Hắn làm bộ ngạc nhiên khi người ta nói đến việc mất con Sơn ca. Hắn nói hắn thật không hiểu. Ừ thì lúc đầu hắn cũng có phàn nàn làm sao người ta vội “bắt” con bé yêu đi như thế. Trìu mến con bé đã quen, hắn cũng muốn giữ lại thêm vài ba hôm. Nhưng chính là “ông” con Côdét thân đến đem nó về thì bảo làm sao được! Cái tiếng “ông con Côdét” thế mà có hiệu lực, nó làm cho ai cũng tưởng thật. Đến Môngphécmây, Giave nghe được chuyện này. “Ông con Côdét” đã đánh tan sự nghi ngờ của Giave về Giăng Vangiăng.
Nhưng Giave cũng hỏi Tênácđiê một đôi câu thăm dò ý tứ.Ông con Côdét là ai, tên gì? Rất tự nhiên, Tênácđiê đáp: một phú ông. Tôi có xem giấy thông hành của ông ấy. Tôi nhớ như tên là Guyôm Lămbe.
Lămbe là một cái tên hiền lành. Giave yên tâm trở về Pari. Hắn tự bảo:
- Thằng cha Giăng Vangiăng ấy đã chết đứt đi rồi. Mình quả là ngớ ngẩn.
Hắn lại quên câu chuyện.
Vào tháng ba năm 1824, một hôm hắn nghe nói đến một nhân vật kỳ quặc. Nhân vật ấy ở trong giáo khu Xanh Mêđa. Người ta gọi hắn là “người ăn mày hay bố thí”. Họ nói hắn sống về lợi tức công thải. Không ai biết tên hắn, hắn ở một mình với một con bé tám tuổi, con này cũng chỉ biết một điều là nguyên từ Môngphécmây đến. Môngphécmây! Cái tên này vẫn lởn vởn trong trí óc Giave và làm cho hắn vểnh tai cảnh giác. Một người hành khất già kiêm mật thám, nguyên là lao công trong nhà thờ thường xin tiền của nhân vật ấy, cho Giave biết thêm một vài chi tiết. Người ấy bảo cái nhân vật này khó lại gần lắm, tối đến hắn mới ra phố. Hắn không nói chuyện với ai, trừ một đôi khi trao đổi với người nghèo đói. Không ai bắt chuyện với hắn được. Hắn mặc một chiếc áo khoác vàng xấu xí nhưng đáng giá mấy triệu vì khâu đầy giấy bạc. Chi tiết này làm cho Giave hết sức chú ý. Muốn cho nhân vật kỳ quái ấy khỏi kinh sợ để xem cho rõ mặt, một hôm Giave mượn bộ đồ rách của ông hành khất già mặc vào mình, ngồi thay vào chỗ ông. Ở chỗ ấy, lão hành khất già kiêm mật thám đêm đêm vẫn tụng và nom dòm những người qua lại.
Đúng như dự đoán, nhân vật khả nghi đến gần Giave và bố thí cho hắn. Lúc ấy Giave ngẩng lên: Giăng Vangiăng nhận ra Giave, giật mình. Giave cũng giật mình vì nhận ra Giăng Vangiăng.
Nhưng Giave nghĩ rằng mình có thể nhận lầm. Cái tin Giăng Vangiăng chết đã chính thức kia mà. Giave là người thận trọng, khi còn nghi ngại, Giave chẳng bắt ai.
Hắn theo con mồi cho đến nhà Goócbô. Hắn gợi chuyện với bà già nấu ăn cho Vangiăng. Bà già cũng bảo là chiếc áo khoác có khâu bạc triệu và kể luôn câu chuyện cái giấy bạc một nghìn phơrăng chính mắt mụ đã nhìn thấy, tay mụ cũng đã mó vào! Giave thuê gian buồng bên cạnh và ngay tối ấy hắn dọn đến. Hắn nghiêng tai bên cửa Vangiăng để chờ nghe giọng nói của ông. Nhưng qua lỗ khóa, Vangiăng trông thấy ánh đèn của hắn, cho nên không nói một tiếng. Giave chờ hoài công.
Ngày hôm sau, Vangiăng dọn đi. Nhưng tiếng rơi của đồng năm phơrăng làm cho bà già chú ý. Bà nghe tiếng tiền leng keng, đoán là Vangiăng dọn đi, vội vã báo với Giave. Đêm đến, lúc Vangiăng ra đi, Giave đem theo hai người, cùng đứng rình sau bóng cây.
Giave đã xin người ở sở cảnh sát, nhưng hắn không nói là để bắt ai! Hắn giữ bí mật vì ba lý do: trước hết nếu lộ một tí gì, Vangiăng sẽ đề phòng; sau nữa bắt được một tên khổ sai lâu năm vượt ngục mà ai cũng đinh ninh là chết rồi, một tên tội phạm mà hồ sơ tư pháp liệt kê vào hạng nguy hiểm nhất, bắt được một nhân vật như thế là một kỳ công mà chắc chắn là bọn cảnh sát cũ ở đây không để dành cho một tên mới đến như Giave; Giave rất sợ người ta phỗng tay trên con mồi của hắn, lý do cuối cùng là Giave như một nghệ sĩ, hắn thích chuyện bất ngờ. Hắn chúa ghét những thành tích không còn sốt dẻo vì bị người ta kháo trước nhiều quá. Hắn ưng xây dựng tác phẩm trong bóng tối để rồi cuối cùng kéo bức màn cho tác phẩm hiện ra thình lình trước mắt công chúng.
Giave lần mò từ gốc cây nọ qua gốc cây kia, từ góc phố này đến góc phố khác để đuổi theo Vangiăng. Không một phút nào hắn mất dấu con mồi. Ngay những lúc mà Vangiăng tưởng là yên ổn nhất, Vangiăng cũng vẫn ở trong tầm con mắt vọ của Giave.
Tại sao Giave không bắt Giăng Vangiăng? Tại vì hắn còn nghi ngại.
Bạn đọc nên nhớ rằng thuở ấy cảnh sát rất lúng túng. Quyền tự do báo chí làm rầy cho họ lắm. Báo chí đã tố cáo một vài vụ bắt bớ vô nguyên tắc, làm chấn động các nghị viện, do đó sở cảnh sát đâm ra rụt rè.
Vi phạm quyền tự do cá nhân bị coi là một sai lầm nghiêm trọng. Vì thế, người lính cảnh sát rất sợ nhầm. Ông giám đốc sẵn sàng trách cứ họ, hễ nhầm lẫn là tức khắc bị cách. Hãy tưởng tượng tiếng dội của một tin ngắn như thế này mà một tờ báo đăng tin, tức khắc hai mươi tờ đăng lại: “Hôm qua một ông cụ già tóc bạc bị bắt giải về trại giam của sở cảnh sát trong khi ông đi chơi với một em bé tám tuổi, cháu ông. Người ta bảo ông là một tên khổ sai vượt ngục. Thật ra thì ông ấy là một người tử tế, sống bằng lợi tức công thải”.
Cũng nên nhớ rằng Giave còn có những nỗi băn khoăn của riêng lòng mình. Những lời dặn dò của lương tâm cộng vào với những lời dặn dò của ông cảnh sát trưởng. Thật tình là hắn còn nghi ngại lung lắm.
Giăng Vangiăng quay lưng lại, bước đi trong bóng tối.
Dáng đi của Giăng Vangiăng rất không bình thường chính Vangiăng cũng không biết. Đó là vì ông buồn, ông lo, ông sợ hãi, ông chán nản, ngoài ra còn có cái đau xót phải đương đêm trốn đi, nỗi lo lắng tìm đâu ra chỗ tạm trú, sự cần thiết phải bước hết sức chậm để cho Côdét theo kịp. Tất cả những thứ ấy làm cho người Vangiăng còm xuống, già cọm hẳn đi, đến nỗi Giave là hiện thân của cảnh sát cũng phải nhầm. Giave thì không thể đến quá gần, mà bộ áo quần thầy giáo già luân lạc của Vangiăng, cái việc Tênácđiê nói quả quyết người mang Côdét đi là ông nội của nó, sau hết cái tin Vangiăng đã chết, tất cả cái ấy càng làm cho đầu óc Giave hoang mang.
Có một lúc hắn nảy ra cái ý hỏi giấy Vangiăng đột ngột. Nhưng cũng không lợi. Nếu người ấy không phải là Giăng Vangiăng, cũng không phải là một ông già nhàn nhã lương thiện, thì tất phải là một tên đầu trộm đuôi cướp, dính dáng trong cái mạng nhện tội ác của thành phố Pari, một tên trùm lưu manh, đi bố thí cho người nghèo để che mắt thiên hạ, một trò cũ rích. Hẳn nó phải có những tòng phạm, những tay chân, những nhà phòng hờ để lẩn tránh khi cần đến. Cách nó tìm những đường phố quanh co mà đi, đủ chứng tỏ nó không phải là một anh già chất phác. Như thế thì bắt nó quá sớm cũng bằng “giết thịt con gà đẻ trứng vàng”. Chờ một tí nữa thì có mất gì? Tên gian phi thoát lưới làm sao được!
Giave vừa đi vừa suy nghĩ lung tung và đặt rất nhiều câu hỏi về con người bí mật ấy.
Mãi sau, nhờ ánh đèn rất sáng của một quán rượu phố Pôngtoa, Giave mới nhìn ra đúng là Giăng Vangiăng. Trên đời này có hai sinh vật có cái rung động ghê gớm: người mẹ tìm thấy con và con hổ bắt lại được mồi. Giave thấy toàn thân rung động như thế. Chạm tránh một người nguy hiểm như Vangiăng hắn thấy bọn hắn có ba người là quá ít, hắn bèn xin thêm người ở đồn cảnh sát phố Pôngtoa. Trước khi mó vào một cái cây gai góc, phải mang găng tay mới xong.
Việc dừng lại xin người cùng với việc hội ý ở ngã tư suýt nữa làm cho chúng mất dấu Vangiăng, Giave cúi đầu suy nghĩ như con chó săn dí mũi xuống lối đi để đánh hơi con vật. Bản năng của hắn thật là linh diệu. Hắn đoán ngay ra Vangiăng thế nào cũng vượt qua cầu để lấy con sông chắn những người đuổi theo mình. Hắn đến thẳng cầu Auxtéclít. Chỉ hỏi người gác cầu một câu thôi là hắn rõ sự thật: “Bác có thấy một người đi qua cầu cới một con bé không?” - “Tôi vừa bắt hắn trả hai xu đấy!” Giave lên cầu kịp lúc ở bờ bên kia, Vangiăng dắt Côdét đi qua khoảng trống vằng vặc ánh trăng. Hắn thấy Vangiăng vào phố Xanh Ăngtoan; hắn nghĩ đến ngõ cụt Giăngrô nằm ở đó sẵn sàng như một cái bẫy và cái lối thoát độc nhất từ phố Đơroamuyrơ ra ngõ phố Pichpuýt. Hắn lo đón ngách như những người săn: hắn vội phái một tên thuộc hạ đi tắt đến chắn lối đi ra phố Đơroamuyrơ. Hắn trưng tập một đội tuần tra trên đường về Binh xưởng và dắt theo hắn. Trong những ván bài như thế, lính là con chủ. Vả lại muốn hạ một con lợn rừng, phải có cả cái thông thạo của người thợ săn lẫn răng móng của một đàn chó.
Xếp đặt xong đâu vào đấy, Giave yên trí rằng Vangiăng thế là bị nghẽn đường, ở bên phải vấp vào ngách cụt Giăngrô, bên trái gặp người của hắn, đằng sau lưng thì có chính hắn. Giave đương đuổi tới. Khoan khoái Giave hít một hồi thuốc lá.
Rồi hắn muốn đùa giỡn một tí; giờ phút ấy là giờ phút khoái trác tàn ác nhất của hắn. Hắn cứ để cho con mồi lao tới trước. Hắn biết là hắn đã nắm chắc con mồi, nhưng hắn muốn hãy hoãn lại cái phút đưa tay ra tóm lấy nó. Biết nó đã bị bắt mà còn thấy nó tung tăng hắn lấy làm sung sướng. Con nhện để cho con ruồi vùng vẫy, con mèo để cho con chuột chạy đi, con nhện, con mèo kia có những khoái cảm gì thì Giave có những khoái cảm đó. Những cái vùng vẫy, những cử động không đưa đến đâu hết của con vật bị bắt là nguồn nhục cảm gớm ghiếc cho móng vuốt của lũ ăn thịt. Còn gì làm cho chúng say sưa bằng sự vùng vẫy ngột ngạt ấy.
Giave rất khoái. Mắt lưới của hắn hết sức chắc chắn, thắng lợi đã rõ ràng, chỉ còn mỗi việc nắm bàn tay tóm cổ con mồi.
Giave cho rằng dù Vangiăng rất khỏe, dù Vangiăng cả gan và tuyệt vọng, Vangiăng cũng không thể chống cự được, vì hắn có đông tùy tùng đến vậy.
Giave tiến từng bước, hắn thăm dò soát xét mỗi một ngóc ngách nhỏ như lục túi một thằng ăn cắp.
Thế mà lúc đến giữa rốn lưới, hắn không tìm thấy con ruồi nữa.
Hãy tưởng tượng xem Giave tức tối thế nào!
Hắn tra hỏi người thuộc hạ canh giữ ở góc phố Pichpuýt. Người ấy vẫn canh giữ vị trí, nhưng không thấy Vangiăng đi qua.
Trong đạo đi săn, cũng có lúc cả đàn chó đeo bên chân con nai mà con nai vẫn cứ chạy thoát, khiến những tay săn bạc đầu trong nghề cũng không còn biết nói sao. Cả Đuyviviê, Linhivin và Đêpơrê cũng bó tay. Trong một trường hợp không may như vậy, Actônggiơ đã kêu lên:
“Phải đâu là nai, nó là một con tinh đấy!”
Giave cũng rất muốn kêu như thế.
Hắn thất vọng gần như phát cuồng lên.
Napôlêông đã phạm lầm lỗi trong chiến dịch đánh Nga, Alêchxăng trong cuộc viễn chinh Ân Độ, Xêda trong việc xâm lược châu Phi, Xiruýt trong chiến tranh Xiti; Giave cũng có lẫm lỗi trong trận đánh Giăng Vangiăng. Lúc đầu, không quyết đoán người đi trốn là Giăng Vangiăng là sai. Đúng lý ra, nhìn thấy lần đầu là phải cầm chắc! Không bắt Vangiăng ngay trong nhà là sai. Ở phố Pôngtoa, Giave biết đích xác là Vangiăng rồi, mà không bắt tức tốc là sai. Hội ý với người thuộc hạ giữa ngã tư, dưới ánh trăng vằng vặc cũng là sai. Đã đành rằng hỏi han người thuộc hạ là tốt, cũng như người đi săn thường tìm hiểu ý những con chó đuổi hay; nhưng người đi săn lành nghề cũng không nên quá cẩn thận khi đuổi những con thú đa nghi như con sói hoặc thằng tù khổ sai. Vì quá chăm cho đàn chó đuổi theo đúng dấu, Giave đã làm cho con mồi đánh hơi được đoàn săn và phóng mất. Cái sai lầm nghiêm trọng nhất của Giave là khi đã tìm lại được dấu của Vangiăng trên cầu Auxtéclít, hắn còn muốn bố trí cái trò mèo bắt chuột ghê gớm mà thơ ngây ấy. Hắn đánh giá tài năng của hắn quá cao, tưởng bắt hổ dễ như bắt chuột. Đồng thời hắn cũng có phần tự ti: ấy là lúc hắn xin viện trợ. Cẩn thận đến nước ấy thì thật là tai hại, là làm mất bao nhiêu thời giờ vàng ngọc. Giave phạm những lỗi lầm ấy, nhưng Giave vẫn là người thám tử thông thạo và hợp cách nhất từ xưa đến nay. Đúng hắn là một con chó hay, như người ta thường gọi trong săn bắn.
Ai mà toàn thiện toàn mỹ được? Những nhà thao lược thiên tài nhất trong lịch sử cũng còn có lúc lú lẫn.
Những điều ngu muội lớn nhất thường cũng như những cái dây thừng to, tết bằng vô số sợi nhỏ. Tách cái dây thừng ra từng sợi, tách rời những nhân tố nhỏ bé và quyết định, bạn có thể biết được chúng rất dễ từng cái một và bạn sẽ bảo: Chỉ thế thôi ư! Nhưng bện nó lại, quấn nó lại, nó sẽ ghê gớm. Đó là chuyện Atila do dự giữa Mácxiêng ở đông và Valăngtiniêng ở tây, chuyện Aniban là đà ở Capu, Đăngtông ngủ quên ở Acxi xuya Ôbơ.
Mặc dù thế nào, khi thấy Vangiăng mất tích, Giave vẫn không rối trí. Hắn tính chắc là Vangiăng còn lẩn quẩn đâu đấy chứ chưa thể cao bay xa chạy. Hắn bố trí người rình, gác, hắn tổ chức những bẫy sập, hắn lùng ngang dọc trong khu phố suốt đêm. Trước hết hắn nhận thấy chiếc đèn lồng nằm không đúng chỗ, dây treo đèn bị cắt… Đó là một tang chứng quý báu thật, nhưng cái tang chứng ấy lại làm cho Giave lạc hướng.
Hắn chăm chú tìm tòi lục soát quanh ngách Giăngrô. Ở trong ngách ấy, có những bức tường thấp, sau tường là vườn tược; qua khỏi các khu vườn này thì đến nhiều đám đất mênh mông bỏ hoang. Hắn nghĩ tất nhiên Vangiăng đào tẩu theo hướng ấy! Thật vậy, nếu trước đấy, Vangiăng tiến sâu vào ngách Giăngrô thì hẳn ông đã chạy về hướng ấy, và bây giờ đã bị nguy rồi. Bởi vì Giave thăm dò các khoảnh vườn và các đám đất quanh đấy tỉ mỉ như tìm một cây kim rơi.
Sáng sớm hôm sau, Giave đặt hai thuộc hạ khôn ngoan quan sát ở đấy, còn hắn thì lui về sở, xấu hổ như một anh thám tử bị kẻ trộm lừa.