• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

New NHẬT KÝ XUYÊN THANH (Thanh xuyên nhật thường) (2 Viewers)

  • Chương 1

Mùa thu năm Khang Hi thứ 34. Tử Cấm Thành, A Ca Sở.



Cung nữ Ngọc Bình hỏi Lý Vi với giọng buồn rầu: "Cách cách, hôm nay ăn thịt dê thật ạ?" Chẳng đợi Lý Vi trả lời, nàng ta đã tự độc thoại, "Nhỡ đâu Tứ a ca đến thì sao ạ? Thời tiết bây giờ ăn đồ chay mới tốt, thịt dê khô như thế, người còn cứ đòi ăn xiên nướng cơ. Uống tí canh rau, ăn mộc nhĩ đen trộn ngon hơn bao nhiêu. Vừa thanh đạm vừa ngon miệng."



Lý Vi buông cuốn thêu trong tay, cũng không buồn giải thích với nàng ta, thẳng thừng căn dặn: "Ta muốn ăn, ngươi cứ đi dặn thiện phòng, bảo họ bỏ thêm nhiều bột ớt với cả bột thì là vào. Thịt phải thái to bằng bụng ngón tay, phải nửa nạc nửa mỡ, phải nướng cho chảy mỡ, vị mặn mặn cay cay mới chuẩn! Không được cho hạt tiêu, ăn kèm với một nồi nước hầm thịt dê là được. Cho ít bánh phở, miến, đậu hũ chiên, hoa hiên vàng, còn lại thì kêu họ liệu mà làm. À, thêm cả bánh nướng rắc mè nữa."



Ngọc Bình đau khổ đi tới thiện phòng gọi thực đơn chả khác nào thực đơn ngoài chợ đêm này. Trên đường vừa khéo gặp cung nữ Thạch Lựu của Phúc tấn cũng đến thiện phòng gọi món, thế là hai người cùng đi chung với nhau.



Tuy thiện phòng nằm trong A Ca Sở, nhưng ra khỏi viện của Tứ a ca thì đã tính là ra ngoài rồi, hai tiểu cung nữ nhỏ tuổi vẫn có hơi sợ hãi.



Thạch Lựu lớn hơn Ngọc Bình một chút, nàng ta mười sáu, cũng là người có chỗ đứng trong phòng của phúc tấn. Chỉ là người tài giỏi bên cạnh Phúc tấn quá nhiều, không có đất cho nàng ta thể hiện.



Hai người một trước một sau đến thiện phòng, Ngọc Bình lùi ra sau một bước để Thạch Lựu lên trước. Thạch Lựu gọi hai món nguội bốn món nóng, hai món canh bốn món mì rồi lui xuống ngay. Nhưng nàng ta chưa đi vội, mà đứng ở ngoài cách ba bước chân đợi Ngọc Bình.



Ngọc Bình dặn dò cặn kẽ thực đơn mà Lý Vi yêu cầu, thái giám của thiện phòng nghiêm túc lắng nghe. Hai năm nay Lý Vi thường ăn mấy món này, thiện phòng đã cất công tìm một tiểu thái giám học làm, cũng gọi là càng nấu càng lên tay.



"Cô nương coi được chưa, cứ giao cho Tiểu Lý Tử nấu, nó làm quen rồi. Cách cách còn muốn ăn món gì nữa không?" Lão thái giám cười tủm tỉm, hỏi.



Lý Vi không chịu đổi thực đơn, Ngọc Bình bó tay, ủ rũ nói: "Còn lại mọi người xem rồi làm đi. À, cách cách thích nước ô mai của thiện phòng lắm, ông đưa một vò đây, tôi xách về luôn."



Lão thái giám quay người phất tay, một thái giám độ trung niên mặt trắng không một cọng râu nhận lấy vò gốm nhỏ màu mận chín từ tay tiểu thái giám bên cạnh, nhưng không đưa thẳng cho Ngọc Bình. Lão thái giám chuyển vò gốm cho tiểu thái giám mười một, mười hai tuổi, nói: "Sao có thể để cô nương tự làm được? Để đứa nhỏ này đi theo cô nương một chuyến."



Ngọc Bình đành đồng ý, trong số các cung nữ, nàng ta cũng coi như là có mặt mũi, tự thân xách một vò gốm quả tình không được ổn cho lắm, có người làm hộ là tốt nhất. Nàng ta khẽ nhún người đáp lễ lão thái giám: "Đa tạ gia gia."



Lão thái giám đứng nhận lễ, cười híp mắt tiễn mấy bước, dõi nhìn Thạch Lựu và Ngọc Bình rời đi.



Thạch Lựu và Ngọc Bình vừa vào viện của Tứ a ca đã chia tay, Thạch Lựu đi về phía chính viện, Ngọc Bình rẽ sang con đường nhánh.



Viện của A Ca Sở bây giờ có khá nhiều a ca đang ở, nhưng chỉ có mỗi mình Đại a ca là đã xuất cung dựng phủ, dưới có từ Tam a ca đến Bát a ca đều ở trong này. Cửu a và và Thập a ca còn bé, vẫn sống cùng cung phi trong hậu cung, nhưng chắc sang năm là vào đây được rồi.



Vì các a ca đều tụ tập lại nên tương đối chật chội. Kiến trúc các viện cũng không hoàn toàn giống nhau, có lớn có bé, vị trí có chỗ tốt chỗ không tốt, cảnh trí bên trong cũng có cả xấu lẫn đẹp.



Tứ a ca sống với dưỡng mẫu là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu từ khi còn nhỏ. Đến khi Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu qua đời, mẹ đẻ Ô Nhã thị của chàng được phong Đức phi, dưới gối đã có hai con trai và hai con gái, không một người nào dám xem thường bà. Bởi vậy, dù trong A Ca Sở, chàng không sống ở khu viện lớn nhất thì cũng là viện có cảnh đẹp nhất, vị trí hợp phong thủy nhất.



So với chàng, Tam a ca vào đây sớm hơn hai năm, tuy nhiên vì mẫu phi Mã Giai thị thất sủng từ lâu, nên viện cũng chẳng sánh được với viện của Tứ a ca. Còn lại, người có khả năng so bì với Tứ a ca chỉ có Ngũ a ca của Quách Lạc La thị Nghi phi. Hai người Thất a ca và Bát a ca thì thôi khỏi cần nhắc.



Vậy nên, chính viện mà phúc tấn của Tứ a ca ở có đủ hai lối vào, mười tám gian phòng. Từ cổng dẫn vào có một con đường lớn rộng rãi, hai bên đường là những hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu. Tám cái ang đầy ắp nước đặt ở góc tường, bên trên là bông sen nổi dập dềnh, phía dưới thả đủ loại cá vàng quý.



Thạch Lựu đi vào từ hành lang bên phải, tới trước phòng chính liền thả chậm bước. Trước cửa phòng có một tiểu thái giám và một tiểu cung nữ đứng trông, thấy nàng ta đến, lập tức nhún người chào, song vẫn im bặt. Khi hầu hạ chủ tử, bọn cung nữ thái giám không được phép nói gì, trừ phi chủ tử lên tiếng.



Thạch Lưu phất tay, khẽ khàng vén rèm vào trong.



Trong phòng chính cũng có hai cung nữ, nhìn thấy nàng ta cũng nhún người hành lễ. Thạch Lựu lại phất tay, đi về phía thư phòng ở bên trái. Ban nãy trước lúc nàng ta ra ngoài, Phúc tấn đã chép kinh ở đấy. Trước khi đi vào, nàng ta đưa mắt liếc thoáng qua chiếc đồng hồ Tây Phương cỡ lớn, vừa đúng mười một giờ trưa. Tiếng đồng hồ kêu đã bảo thái giám chỉnh lại, thứ đồ này trông có vẻ dễ sử dụng, chỉ là to quá, âm thanh báo giờ khá ồn.



Trong thư phòng ngoài Phúc tấn đang ngồi trước bàn chép kinh, cạnh còn có hai đại cung nữ và một ma ma.



Thạch Lựu định bụng sẽ báo những món ăn Lý cách cách yêu cầu cho Phúc tấn nghe, bèn lui sang đứng bên bàn.



Phúc tấn Ô Lạp Na Lạp thị năm nay chỉ mới mười bốn, đứng ở đó tuy không thấp hơn Thạch Lựu và hai cung nữ khác là bao, nhưng khuôn mặt hãy còn mang nét trẻ con. Nàng mặc bộ kỳ bào màu mận chín viền xanh da trời, dáng người chưa hiện những đường cong nhấp nhô, chân xỏ đôi giày hoa bồn để cao nửa tấc, đầu không cài kỳ đầu, chỉ chải một búi ở đằng sau. Tóc mai trước trán và hai bên thái dương bóng mượt, không có lấy một sợi bay rối.



Nét mặt nàng nghiêm túc, tuy tuổi còn nhỏ nhưng không ai dám coi nhẹ nàng. Vừa rồi khi Thạch Lựu đi vào là nàng đã biết. Thấy nàng ta đứng đó, viết xong chương này thì nàng thả bút xoay người ngồi lên sạp, bưng trà nhấp một ngụm cho trơn họng, bấy giờ mới nhìn Thạch Lựu, chờ nàng ta thưa.



Thạch Lựu bước lên nhún thấp người, sau đấy nhanh nhẹn đứng dậy, lại gần hai bước, nhỏ giọng báo cáo thực đơn Ngọc Bình giao cho thiện phòng, rồi lùi về sau nhún thấp người thêm một cái nữa, mới đi qua chỗ hai cung nữ kia đứng ngay ngắn.



Phúc tấn nghe Thạch Lựu nói mà lại như là chẳng nghe thấy. Nàng buông chén trà tiếp tục chép kinh, chép xong một cuốn mới thở một hơi dài.



Lúc này, bốn người hầu trong phòng mới cử động, Thạch Lựu và đại cung nữ khác là Bồ Đào ra ngoài gọi tiểu nha đầu lấy nước ấm vào cho Phúc tấn rửa tay lau mặt. Phúc ma ma cẩn thận dìu Phúc tấn ngồi xuống sạp, đại cung nữ Hồ Lô quỳ trước sạp cởi giày cho phúc tấn, kế đó nhẹ nhàng xoa bóp chân nàng.



Phúc tấn nhắm mắt nghỉ ngơi một lát, Phúc ma ma vẫn nhìn nàng bằng ánh mắt hiền hòa, đợi nàng mở mắt mới cất giọng hỏi: "Phúc tấn dậy luôn hay nghỉ thêm chốc ạ?"



"Dậy thôi, bảo họ dọn bữa đi, ăn xong ta phải chép một cuốn nữa." Phúc tấn lấy khăn nóng lau mặt, xốc dậy tinh thần, sai Hồ Lô xỏ giày vào cho mình.



Phúc ma ma xót ruột nói: "Phúc tấn, dùng bữa xong vẫn nên ngủ một lúc đã." Đứng chép kinh suốt, lưng nào, chân nào chịu nổi. Một ngày cứ chép hai cuốn kinh như vậy, đến tối muộn là y như rằng chân lại sưng cả lên.



"Ma ma." Phúc tấn lắc đầu, không đồng ý, "Đây là hiếu tâm của ta, sao có thể than mệt cho được? Huống chi, ta mệt thế này, nếu muốn thành kính hơn thì phải làm sao đây?"



Muốn thành kính hơn chỉ có nước quỳ chép.



Phúc tấn cũng chẳng phải không thể quỳ chép, nàng sợ là sợ người ta nói nàng lấy chữ hiếu ra lòe thiên hạ. Trong cung, chép kinh kiểu như nàng chỉ thuộc dạng bình thường mà thôi. Người không chép một chữ nào không phải không có. Nhưng chung quy chép thì vẫn hơn là không chép.



Phúc ma ma chắp hai tay: "A Di Đà Phật! Phật Tổ chớ trách!" Lại không dám khuyên lơn nữa, bà ta sợ khuyên thêm, có khi Phúc tấn quỳ thật cũng nên, quỳ một ngày thì chân cũng vứt đi luôn là vừa.



Chẳng bao lâu, thiện phòng đã lần lượt bưng thức ăn lên, cốc mâm đĩa chén bày ra ba cái bàn. Giữa trưa Tứ a ca không về, Phúc tấn dùng bữa một mình nên cũng không dọn ra bàn to. Nàng ngồi trên sạp, chiếc bàn thấp trước mặt bày món nàng thích ăn, hai chiếc bàn nhỏ dưới sạp cũng bày đầy đồ ăn. Chỉ là, nàng gần như chẳng hề động đũa.



Gắp đại hai miếng, ăn một bát mì, uống một chén canh, Phúc tấn đã kêu dọn. Phúc ma ma bước lên khuyên nhủ: "Phúc tấn mệt cả sáng rồi, hay là dùng thêm chút nữa?"



Phúc tấn xua tay: "Dọn đi, mọi người cũng đi ăn đi. Mấy món này hãy còn nguyên cả, ta chưa đụng đũa vào đâu, mọi người dọn xuống rồi chia cho nhau."



Bồ Đào và Thạch Lựu mang cái bàn nhỏ ra giao cho cung nữ ở gian ngoài, thức ăn ngon trong đây tự nhiên sẽ có người giữ lại cho các nàng ta. Hầu Phúc tấn súc miệng xong, Phúc ma ma đặt hai cái gối lớn ra sau lưng phúc tấn, bàn nhỏ trên giường cũng chuyển ra ngoài, nói: "Phúc tấn ngả lưng chốc đã, nghỉ một khắc hẵng chép tiếp."



Cơm nước xong xuôi, Phúc tấn cũng có hơi nhọc người, nhưng nàng đã quen luôn phải làm cho xong chuyện mới nghỉ ngơi, bằng không nghỉ chẳng được yên dạ. Vậy là nàng đứng dậy: "Thôi khỏi, chép xong rồi nghỉ cũng như nhau."



Phúc ma ma khổ tâm muốn khuyên, nhưng biết rõ thói quen của nàng nên không thể làm gì khác hơn là giúp nàng trải giấy, rồi gọi Hồ Lồ đến mài mực. Bà ta lại nhủ thầm trong bụng, chép xong kinh thì cũng đúng lúc Tứ a ca từ thượng thư phòng trở về, khi đó mới thực sự là nghỉ không đặng. Song, bà ta cũng hiểu rằng Phúc tấn muốn đợi Tứ a ca về, nàng vừa khéo chép xong kinh, có thể đem khoe công với Tứ a ca. Chả thế thì mỗi ngày Phúc tấn chỉ cần chép một cuốn thôi, nhưng vậy ngược lại có vẻ buông thả, lười biếng.



Kể từ lúc vào cung, Phúc tấn đã chép Pháp hoa kinh này đủ một trăm lần. Giờ đây, lòng nàng lại nghĩ tới việc Thạch Lựu nói, rằng trưa nay Lý cách cách cố ý gọi nhiều thịt dê nướng cay hơn.



Sau khi vào cung, nàng cùng đàn bà con gái trong hậu viện của Tứ a ca coi như có qua lại ngót đã nửa năm. Tống cách cách là người thùy mị và có phần trầm tính, thái độ của Tứ a ca với nàng ta cũng nhàn nhạt. Chủ yếu là Lý cách cách này, nàng ta không tranh giành, không đố kỵ công kích, không thích khoe công trước mặt Tứ a ca, cũng không thích xum xoe bợ đỡ nàng, nhưng nàng ta lại lọt được vào mắt Tứ a ca.



Ban đầu Phúc tấn cũng không để ý nàng ta mấy, song bây giờ lại thấy nàng ta là một người thông minh. Chỉ là mặt thông minh này, chẳng những nàng có thể nhìn rõ, Tứ a ca lại càng hiểu thấu. Chính vì Tứ a ca hiểu thấu, nên chàng mới đặt nàng ta trong lòng. Mà nàng dù đã nhìn rõ, tuy nhiên đối với Lý cách cách, nàng vẫn không biết phải xử trí ra sao.



Phúc tấn nhủ bụng, nếu Lý cách cách thông minh hơn một chút, Tứ a ca ắt sẽ không thích sự khôn khéo ấy, còn nếu ngốc hơn một chút, nghĩa là trí óc hạn hẹp, nàng sẽ có cách đối phó với nàng ta. Còn tình cảnh như bây giờ, đúng là khiến nàng khó xử.



Hiện tại Lý cách cách thực sự tuân thủ mọi điều đúng bổn phận của mình, với Phúc tấn là nàng đây cũng biết tránh biết lui. Còn với Tống cách cách hầu hạ Tứ a ca sớm hơn nàng ta, thái độ của nàng ta cũng luôn quan tâm tôn trọng. Nếu nàng ta làm bộ làm tịch, Phúc tấn chắc chắn sẽ tìm cơ hội vạch trần bộ mặt thật. Vậy mà, nàng chỉ thấy ở người ta thái độ thành thực.



Nét bút hạ của Phúc tấn không khỏi nặng thêm ba phần, chữ cuối cùng viết trong câu "dĩ thử diệu tuệ, cầu vô thượng đạo" sắc bén lạ thường. Ngó trái ngó phải trông chẳng ra sao, nàng đành chép lại khúc này một lần nữa.



Tĩnh tâm, phải tĩnh tâm, Phúc tấn liên tục nhắc nhở bản thân, rằng thà là Lý cách cách thông minh thật còn hơn giả ngây thơ. Một người hiểu chuyện luôn có thể thương lượng.



Huống chi, nàng ta chẳng qua cũng chỉ là một nữ người Hán mà thôi.



Bên kia, bữa trưa Lý Vi khoái chí ăn sạch mười mấy xiên thịt dê, uống hai bát canh dê to ụ, mặt trời chưa lặn mà miệng nàng đã nổi hai cục mụn nước.



Ngọc Bình vừa lo vừa giận, vội lấy cao lô hội ngọc bích, dùng trâm ngọc quệt cao chấm lên khóe miệng nàng, mặt như đưa đám: "Cách cách ơi là cách cách, sao người phải khổ vậy chứ? Chưa nói đến việc ăn cái này vào hại sức khỏe, quan trọng là mấy ngày tới sẽ không hầu Tứ a ca được!"



Giờ hễ há to miệng là Lý Vi lại thấy đau như rách toạc, ngay cả nói chuyện cũng chẳng dám, giọng lúng ba lúng búng: "Ta có mỗi sở thích đấy, ngươi đừng cứ nói mãi."



Ngọc Bình khẽ giậm chân, sốt ruột kêu: "Cách cách!"



Lý Vi soi gương, ban nãy trước khi bôi thuốc đã rửa mặt, son phấn trôi hết, nàng cũng không bôi trát nữa, chỉ thoa ít son mỡ lên môi.



Nàng lười biếng lắc lắc tay mấy cái với Ngọc Bình, nói: "Đừng đứng đó nữa, tối ta không ăn đâu, uống tí nước ô mai là được rồi. Giờ ngươi mau đi nói với Trương Đức Thắng đi, bảo hắn ta nhớ mà báo với sư phụ mình."



Ngọc Bình có một ưu điểm đó là rất biết nghe lời, tuy xót Lý Vi nhưng vẫn nhanh chóng đi làm nhiệm vụ. Cung tần có bệnh, đặc biệt ở những điểm có thể nhìn thấy trên mặt trên người thì không thể không chăm sóc, tránh làm quý nhân nhìn mất đi vẻ thanh cao mẫu mực, lòng dạ khó chịu, làm quý nhân bị nhiễm thứ ô uế.



Trước tiên nàng ta đến thư phòng tìm Trương Đức Thắng, sau đó tới chính viện tìm đại một người trong số bốn đại nha đầu của Phúc tấn nói một tiếng. Tuy chủ tử của nàng ta là Lý cách cách, nhưng bàn về thân phận thì quả thực không có tư cách nói chuyện trực tiếp với phúc tấn, chút việc nhỏ này nói với nha đầu bên cạnh Phúc tấn là được.



Từ sau khi Phúc tấn được gả cho Tứ a ca, chuyện Lý cách cách tham ăn thịt dê gây nóng trong người không phải mới một hai lần, thế nên Ngọc Bình vừa vào chính viện đã thấy Thạch Lựu, báo Thạch Lựu một tiếng là xong.



Kế đó nàng ta đi qua thiện phòng, lần này lão thái giám đang bận rộn, Tứ a ca đã từ thư phòng về, đến giờ dùng bữa rồi. Tiếp đón Ngọc Bình là một tiểu thái giám. Ngọc Bình không nói chuyện Lý Vi ăn thịt dê bị nhiệt, dầu rằng mọi người đều biết cả. Nàng ta chỉ nói tối nay cách cách không ăn, nhiều nhất là một bán cháo trắng cùng vài món nhỏ ăn kèm thôi, bữa sáng ngày mai cũng chỉ ăn cháo trắng, trưa ăn gì sẽ nói sau.



Tiểu thái giám tuy nhỏ nhưng rất lanh, đám hạ nhân bọn họ nghe chuyện của chủ tử như đang nghe chuyện vui, chuyện gì các chủ tử không rõ là họ đều biết tường tận. Lúc sáng ăn cơm cùng mấy tên tâm phúc, lão thái giám đã nói, hôm qua Phúc tấn đi thỉnh an Đức phi nương nương, hôm nay Lý cách cách nhất định sẽ gọi thịt dê, vì vậy nội trong ba, năm ngày chắc chắn không ăn gì ngoài cháo trắng.



Ông ta còn dặn người sáng sớm chọn một quả trứng vịt đã muối xong vừa to vừa đẹp, rửa sạch chuẩn bị cho Lý cách cách ăn kèm cháo trắng. Buổi chiều cũng sai người hỏi thăm Khánh Phong ti, ngày mai cần hai con vịt già, về sau mỗi ngày cứ phải giữ lấy hai con, dùng riêng để ninh canh cho Lý cách cách hạ hỏa.



Chung quy, có thể Lý cách cách chỉ cần cháo trắng thôi, nhưng họ thì không thể dâng mỗi cháo trắng cho cách cách được.



Tiểu thái giám nghe Ngọc Bình nói xong, vâng dạ lia lịa rồi kính cẩn tiễn người đi. Xong xuôi mới quay vào thiện phòng gặp lão thái giám, cười nói: "Đúng như lời gia gia, hôm nay Lý chủ tử không ăn gì, sáng ngày mai chỉ cần cháo trắng."



Lão thái giám chăm chăm làm bánh sữa, nghe vậy chỉ "ừ" một tiếng.



Tiểu thái giám lui xuống, vừa xoay đầu đã thấy sư phụ mình đang xếp hộp thức ăn, bên dưới lót một lớp băng, bên trên phủ vải bông, tầng trên cùng đặt ba cái chén tròn cỡ quả cam bằng sứ trắng có nắp. Đường cong chén mượt mà, không có hoa văn nào, cả cái chén để ở đó nom như hòn bạch ngọc, trắng trắng đục đục.



Tiểu thái giám vội bước lên đỡ cho sư phụ mình. Sư phụ thấy cậu ta ân cần, cười bảo: "Đừng kêu sư phụ không thương mi, qua một khắc nữa xách hộp thức ăn này đến chỗ Lý cách cách đi."



Tiểu thái giám tò mò: "Sư phụ, đây là gì thế ạ?"



Sư phụ mở một chén ra, cậu ta ngó mắt nhìn, đấy lại là sữa chua, hãy còn lượn lờ hơi lạnh, có thể thấy là vừa mới được lấy khỏi tủ đông, phía trên điểm xuyết bằng nước giã hoa hồng màu tím đỏ. Tiểu thái giám trông mà ứa nước miếng, lại sực nhớ vừa rồi Ngọc Bình cô nương tới rõ ràng đâu có gọi món này.



Vậy ra đây là lòng hiếu kính của sư phụ mình ư?



Tiểu thái giám nghĩ thế, bụng bảo dạ, đợi lát nữa đưa thức ăn qua nhất định phải ca ngợi sư phụ với Ngọc Bình cô nương một phen. Kết quả, lúc cậu ta xách hộp thức ăn sang lại không hề gặp Ngọc Bình cô nương, vừa tới cửa đã có người bước ra ngăn, một tiểu nha đầu bên cạnh nhận lấy hộp thức ăn từ tay cậu ta, móc trong hà bao ra sáu đồng tiền bạc năm chỉ thưởng cho cậu ta.



Cậu ta muốn đứng lại tán dóc dăm câu, tiểu nha đầu kia lại xua tay, dựng thẳng ngón tay chặn ngoài miệng, "suỵt" tiếng rõ to đuổi cậu ta đi.



Tiểu thái giám ngơ ngác đi về, trông thấy sư phụ thì còn thấy buồn vì chưa nói hay được câu nào cho ông. Sư phụ cậu ta nhét cái bánh bao long nhãn mới ra lò vào miệng cậu ta, cười nói: "Dốt quá, mi không thấy gia gia đứng trong nhà mặc áo choàng màu gì à?" Nói dứt lời liền đuổi cậu ta ra ngoài chơi.



Bánh bao nóng hổi, tiểu thái giám đến phỏng cả lưỡi nhưng không nỡ nhả, vừa xuýt xoa hít hà vừa vào buồng tìm trà nguội uống, vừa uống vừa hồi tưởng. Ban nãy cậu ta đi qua, cách tấm rèm cửa, chỉ nhìn thấy mặt bên áo choàng và giày của một đại thái giám đứng cạnh cửa. Mặt bên áo choàng không thấy rõ lắm, song đế giày chắc mẩm phải cao hai tấc năm phân...



Hả?!



Thiếu chút nữa tiểu thái giám đã chết nghẹn vì bánh bao và trà! Cậu ta cúi đầu nhìn đế giày của mình, rồi nhớ tới đế giày của mấy vị gia gia trong thiện phòng, bấy giờ mới hiểu ý sư phụ! Thảo nào sư phụ sai cậu ta qua một khắc hẵng đi qua!



Đế giày kiểu đấy ở trong viện này, chỉ có đại thái giám hầu a ca mới dám đi thôi!



(còn tiếp)
 
Advertisement
Last edited by a moderator:

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom