• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Nhật ký mang thai tuổi 17 (1 Viewer)

  • Chương 19

Ngày 22 tháng 2

Tạ ơn trời phật là cuối cùng tôi cũng vượt qua được cuộc "sát hạch" ngủ ngoài đền thần. Sáng sớm tỉnh dậy, tôi mừng rỡ khi thấy cơ thể mình còn lành lặn, không bị mất cái gì. Nhưng điều may mắn hơn nữa, cái tục lệ khỉ gió đó chỉ thực hiện một lần thôi. Nói thật, nếu chuyện này mà diễn ra nhiều đêm liền thì tôi thà treo cổ chết cho xong. Hai mạng người, tôi và đứa bé trong bụng, chết đi thì để xem nhà Chan Chan ăn nói sao với cha mẹ tôi.

Mà số tôi năm nay đúng là đen đủi. Ngày nào hoặc đi đâu cũng gặp xui xẻo. Chẳng hạn như sáng nay, đang đứng chờ tên Chan Chan vác chiếc martin ra chở đi học thì đột ngột Ào! cái âm thanh hay ho ấy vừa vang lên thì cũng là lúc cả người tôi ướt như chuột lột. Đã thế còn đúng ngay nước lau nhà nữa chứ. Giờ thì trông bộ dạng tôi thảm thương chẳng khác nào Chan Chan vào cái lần bị nguyên xô nước úp vào đầu. Chả nhẽ tôi bị trời phạt? Đứng bất động trân trối khoảng mấy giây thì máu nóng dồn lên tận não, tôi quay qua quát ầm:

"Đứa nào mất dạy đổ nước hôi rình lên người bà vậy hả???"

Một người phụ nữ trung niên to béo ngoài 40 hiện chình ình trước mắt tôi. Mặt bà ta hầm hầm, nhìn thì biết ngay là goá chồng. Ngộ, những người goá chồng hay khó tánh và thích kiếm chuyện với người khác. Hiển nhiên, không phải ai cũng vậy nhưng đa phần đều thế.

"Cô ăn nói hỗn hào ghê ta! Dám chửi tôi mất dạy lận à?"

Ô hay chưa? Mới gặp nhau lần đầu mà bả cho tôi lên tới chức "cô". Thiết nghĩ, bà này nên soi lại gương đi, coi mặt tôi với mặt bả ai già hơn ai. Cỡ tôi mà bị gọi bằng cô thì bả chắc phải được gọi bằng hai từ bà cố. Tuy giận nhưng tôi vẫn cố tỏ ra lễ phép đáp:

"Tại cháu cứ ngỡ là đứa nào nghịch ác tạt nên mới tức giận mắng thế. Nói gì thì nói, sao dì lại tạt nước lau nhà vào người cháu ạ? Dì phải nhìn xem có ai đứng bên ngoài không chứ."

"Làm sao tôi biết cô đang đứng trước cổng nhà tôi. Mọi khi tôi vẫn thường tạt nước kiểu này mà có chuyện gì đâu. Có trách thì trách cô không chịu đứng chỗ khác lại đứng ở ngay đó."

Tôi há hốc mồm trước câu trả lời không lý lẽ của bà già này. Đã sùng máu về việc mới sáng sớm được "tắm" nước lau nhà "thơm nứt mũi" rồi bây giờ thì sang vụ gặp trúng người láo lếu. Bả đã sai mà còn nói như kiểu tôi thích đứng trước cổng nhà bả để bị hất nước vô người.

"Dì nói thế mà nghe được ư?"

"Tánh tôi từ đó giờ vậy rồi. Cô có ghét, tôi đành chịu. Xin lỗi tôi không rảnh hầu chuyện." – Đưa mắt nhìn khắp người tôi, bả xì một hơi rõ dài – "Cái mặt sáng sủa, vận đồ học sinh vậy mà không biết giữ thân. Quan hệ yêu đương để dính bầu. Cho chừa!"

Quai hàm tôi trệ xuống tận rốn còn mắt mở thao láo theo cái mông vịt đẫy đà ngúc ngoắc của bà ta lúc quay đi đóng cổng cái rầm. Tôi vẫn chưa trấn tỉnh bởi câu mắng chửi không nể nang kia. Ơ hay thiệt! Tôi với bả mới gặp lần đầu mà sao bả khí thế nói tôi đủ điều vậy trời. Bà này có được bình thường không ta? Tôi có phải kẻ giật chồng hay cướp của phóng hoả nhà bả đâu. Hay kiếp trước tôi có thù oán gì với bả mà không nhớ? Đúng là tâm thần! Nhìn lại cả người ướt sũng đồng thời bốc cái mùi kinh dị là tôi điên đến mức muốn một phát đá banh cổng nhà bà già đó để bả phải bỏ tiền ra sửa lại... Đúng lúc, Chan Chan dắt xe martin bước ra khỏi cổng. Ghét dễ sợ chứ, vác xe mà làm như vác cái nhà mãi giờ này mới xong. Nếu cậu ta chịu ra sớm sớm thì tôi đâu phải hứng nước lau nhà và gặp bà già khùng kia.

"Đằng ấy bị sao thế? Bộ mới tắm mưa à?"

Tôi chưng gương mặt có hai từ uất ức đang in đậm trên trán ra trước mặt Chan Chan, cáu:

"Tớ vào nhà thay lại đồ! Xê ra! Tắm mưa cái mốc khỉ gì!"

Tôi đẩy mạnh Chan Chan sang bên mặc cậu ta đứng đực ra đấy, chả hiểu quái gì hết. Tức cái mình! Tôi không bỏ qua vụ này đâu, nhất định ghi sổ. Bà già khùng, hãy đợi đấy!

... Chan Chan có vẻ khoái vụ tôi đụng độ bà hàng xóm rồi bị bả hất nước lau nhà vô người. Bởi, suốt trên đường đạp xe đến trường cậu ta cười không ngừng nghỉ. Thậm chí, ngồi ở phía sau mà tôi có thể hình dung cảnh quai hàm cậu ta rớt ra luôn ấy chứ.

"Đằng đó vui hen? Thấy đây bị ức hiếp mà cứ lo cười sút quần."

"Xin lỗi nhưng đằng này không nhịn được. Thì ra cũng có người trị được đằng ấy." – Chan Chan nói câu đầy hứng khởi – "Đó là dì Mập, sống cạnh nhà mấy chục năm rồi. Bả nổi tiếng khó chịu, cũng thường xích mích với hàng xóm lắm. Đằng ấy hên, bị bả địa."

"Bà ta bị tâm thần loại nặng rồi. Chắc sống mình buồn quá nên hay nổi điên."

"Hổng dám à. Bà ấy có anh con trai học đại học với chị con dâu nghe đâu học lớp 12. Nhà đó ồn ào, ngày nào cũng nghe cãi nhau ầm ĩ. Chủ yếu là hai vợ chồng trẻ."

"Thế, hẳn con trai và con dâu khổ vì bả lắm. Mà sao hai vợ chồng còn nhỏ thế?"

"Cái đó thì không biết. Mà lần sau có tình cờ gặp mặt thì đằng ấy tránh đi, cãi chi phiền."

Còn khuya! Tôi nhủ thầm. Lần tới gặp mặt mà bà ta còn chửi trên đầu trên cổ tôi như khi nãy thì quyết cho bả biết tay. Tuy chưa nghĩ ra đó là gì nhưng nhất định phải là một cuộc báo thù "tàn khốc" và "dữ dội" nhất. Để xem, ai mới là kẻ "may mắn" bị địa!

... Thề, ngày mai trước khi đi học tôi phải xin cha chồng cái kim phẫu thuật loại bự thiệt bự với cuộn chỉ rút ra từ vải ba bố. Để chi ư? Để may cái mỏ chép chép không ngừng của con Thuý Nga chứ làm gì. Cái môi chề dài đến Bắc cực của nó mà dùng kim chỉ bình thường là hổng có đủ sức đâu, phải là loại đặc biệt cơ. Dường như con bạn này không bao giờ biết chán khi mãi "chì chiết" tôi về cái vụ được "đặc ân" trở thành vợ-chưa-cưới của Chan Chan. Suốt buổi ra chơi, Thuý Nga cứ léo nhéo bên tai tôi tên của thằng cool boy mắc toi ấy. Lý nào tôi phải đưa nó đến khoa tâm thần học khám? Cũng bởi cái tính lanh chanh của đứa bạn thân mà tôi gặp xui xẻo đợt hai trong ngày hôm nay. Mà cũng lại là "đụng mặt" người không nên đụng. Lúc đi qua cua quẹo hành lang, do mãi quát Thuý Nga mà tôi va trúng một người. Thầy Tuấn dạy môn Sinh lớp tôi và rất nổi tiếng về việc làm khó học sinh. Tôi "hên" ghê!

"Em đi đứng kiểu gì thế? Phải nhìn phía trước chứ!"

Đụng có tí xíu mà thầy Tuấn quát ầm ĩ. Mới hơn ba mươi tuổi sao khó tánh quá đi! Kiểu này coi chừng ế vợ dài dài. Ấm ức nhủ thầm xong tôi với Thuý Nga cúi đầu nói xin lỗi.

"Dạ bọn em biết lỗi, lần sau sẽ không như vậy nữa."

"Lần này thầy bỏ qua, mốt còn lặp lại là hai em lên phòng giám thị. Rõ chưa?"

Lúc thầy Tuấn rời khỏi hành lang thì tôi và Thuý Nga thở phào, nản nhất là gặp phải thầy cô khó tính. Con Thuý Nga nhìn nhìn để chắc là thầy Tuấn đi rồi, nói nho nhỏ:

"Ổng dữ ghê! Lớn tiếng quá, tớ ong cả tai."

"Đàn ông mà khó khăn vậy thì khỏi có cửa lấy vợ. Mà càng ế vợ càng dễ điên."

"Không nha. Ổng có vợ rồi, nghe đâu cũng là giáo viên nhưng trường khác. Có đứa con gái học lớp 10, cùng trường mình nè. Muốn coi thử không, tớ dẫn đi cho."

"Thật á? Đúng là chuyện lạ! Đi chứ sao không. Để xem con gái ổng thế nào khi hưởng cái tính nết khó ưa ấy từ cha."

Đứng ở tuốt bên hành lang này, tôi phải rất vất vả mới thấy được đối tượng Thuý Nga chỉ.

"Thấy chưa? Con bé tóc dài xinh xinh đứng gần cái cột í. Con ổng, hình như tên Tường Vi."

"Ờ ờ, rồi thấy. Trông y như búp bê, dễ thương thiệt."

"Ừ nhưng cũng không bằng tớ."

Tôi suýt nôn mửa và suýt dựa sập cái cột bên cạnh khi nghe "mụ" Thuý Nga phán câu xanh rờn. Con này giờ mắc thêm bệnh tưởng. Rõ khổ! Mới 17 tuổi mà nó bị cả tá bệnh mà toàn "nan y" khó chữa không mới ghê. Đang cố trấn tĩnh trước vụ "quăng bom" của con bạn thân thì tôi chợt nghe giọng thầy giám thị khối 11 cất lên qua loa yêu cầu tôi với Chan Chan đến phòng ban giám hiệu có việc. Quái gì thế nhỉ? Dạo này có làm trò bậy bạ gì đâu ta.

Bước vào phòng ban giám hiệu thì tôi bất ngờ khi thấy cha mẹ, chị Hoà Trâm và cả Chan Chan. Đối diện, thầy hiệu trưởng hơi cau mày nghĩ ngợi dường như vừa gặp phải vấn đề gì nan giải. Mới trông thấy tôi là mẹ lập tức chạy đến rờ mặt rờ mày, hỏi han đủ thứ.

"Mấy ngày qua con khoẻ không? Có ăn uống ngủ nghê đầy đủ không? Sao mẹ thấy mày gầy đi vậy con? Phải biết giữ gìn sức khoẻ chứ."

"Con vẫn ổn. Mà sao cha mẹ, chị Hoà Trâm lại đến trường?"

"Thì vụ con mang thai với Chan Chan đấy. Cha mẹ phải đến trường trình bày rõ để còn tính chuyện cho con tiếp tục học hay nghỉ."

Tôi tròn xoe mắt ngơ ngác. Đúng lúc, giọng thầy hiệu trưởng cất lên, mắt thì nhìn tôi:

"Thầy đã nghe phụ huynh hai bên nói rõ về việc của hai em. Đây quả là một sự cố đáng tiếc ngoài ý muốn. Bây giờ có lẽ, em phải nghỉ học một năm và bảo lưu học bạ để chờ sinh con. Sang năm sau, em học lại lớp 11."

"Em phải nghỉ học ạ? Vì sao?"

"Em mang thai thì không nên đi học. Thứ nhất, nó ảnh hướng đến sức khoẻ của em. Thứ hai bạn bè trong trường nhất định đàm tếu và em sẽ không chịu nổi đâu."

"Vậy còn cậu ấy?" – Tôi chỉ Chan Chan.

"Bạn ấy vẫn đi học bình thường vì là con trai, không có vấn đề gì cả."

Nghe thầy hiệu trưởng nói xong, tôi lặng thinh. Tôi phải nghỉ học để sinh con? Vậy chẳng khác nào tôi bị "ở lại lớp". Còn Thuý Nga và bạn bè tôi thì sao? Sang năm tất cả lên 12 trong khi tôi lẹt đẹt ngồi với mấy đứa em lớp 11 ư? Cả Chan Chan cũng sẽ "lớn" hơn tôi cho xem. Cậu ta sẽ thành đàn anh của tôi. Không! Tôi không muốn thế đâu.

"Thầy cho em học hết lớp 11 được không ạ? Em không muốn bỏ giữa chừng để rồi học lại."

Những người nọ ngạc nhiên khi nghe tôi nói vậy. Tức thì, chị Hoà Trâm liền bảo nhanh:

"Min Min, em đang mang thai. Việc học sẽ ảnh hướng đến sức khoẻ của em và đứa con."

"Em chịu được, chỉ cần học hành nghỉ ngơi điều độ thì không sao. Còn việc đàm tếu thì cũng chẳng có gì đáng lo. Giờ bụng em chưa to, không ai biết đâu. Nay đã là cuối tháng hai, chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc năm 11. Bỏ như thế thì uổng lắm."

Mẹ và chị Hoà Trâm nhìn nhau. Còn cha thở ra thật mạnh rồi hỏi tôi với chất giọng trầm:

"Con nhắm là chịu được không? Cuối năm, bài vở thi cử nhiều lắm."

Thấy tôi gật đầu kiên quyết thì cha quay sang thầy hiệu trưởng nói như cố thuyết phục:

"Thưa, thầy thấy để cháu nó tiếp tục học hết lớp 11 có được không? Dù gì cũng chỉ còn ba tháng là kết thúc năm học, hay cứ để cháu hoàn thành xong năm 11."

Tám con mắt đều hướng vào thầy hiệu trưởng chờ đợi câu trả lời. Thầy nhìn tôi hồi lâu rồi thở dài, khẽ gật đầu. Tôi thở phào, lòng nhẹ đi. Sau đó tôi và Chan Chan tiễn cha mẹ với chị Hoà Trâm ra cổng trường. Mẹ luôn nhìn tôi với ánh mắt nhuốm màu lo lắng:

"Thầy hiệu trưởng đồng ý cho con hoàn thành hết năm 11 là tốt nhưng con cũng phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ, đừng cố quá sức nghe chưa?"

Tôi mỉm cười gật đầu rồi lưỡng lự nhìn qua cha. Ông đứng cách tôi vài bước chân và quay lưng. Hiểu con gái nghĩ gì, mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi, bảo:

"Cho cha một thời gian nữa nhé."

Tôi vẫn giữ nụ cười trên môi như để đáp lời mẹ. Rất nhanh, bà cùng cha rời khỏi trường. Dõi theo bóng dáng lầm lũi của họ đi dưới cái nắng trưa hè thì chẳng hiểu sao mắt tôi cay cay.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom