-
Chương 1: Là duyên hay nợ
Năm 20xx
Trong một ngôi chùa nhỏ gần biên giới Đông Bắc, cách Thành phố Biển hơn 100km.
Bảy giờ tối,
Tuệ Ngọc cùng mấy đứa trẻ đang ở trong phòng ăn thì nghe tiếng sư thầy từ ngoài sân vọng vào. Sư bác ở trái nhà đang trở ngô giống phơi trên sào cũng vội vã chạy ra. Không biết sư thầy nói gì mà sư bác lại vội vã trở lại phòng ăn, rồi đi thẳng ra cửa nách xuống bếp. Tuệ Ngọc thấy lạ thì buông bát đũa rời khỏi bàn xuống xem. Sư bác đã khêu lại than củi để nhóm lửa. Khói cùng tro tàn theo luồng khí thổi từ ống nứa tung lên bụi mù cả căn bếp nhỏ.
Sư bác nhăn nhó hết cả mặt mày, vừa họ khụ khụ vì bị khói chui vào miệng vừa khơ tay phất bụi đi.
Con bé tò mò hỏi:
“Con nghe thấy tiếng sư thầy về rồi ạ?”
“Ừ, thầy mang về một người bị thương, đứa nào ăn xong rồi thì bảo trông cho bác cái bếp. Nước sôi thì đưa lên phòng sư thầy ngay nhé! Giờ con cầm theo cái phích lên cho sư thầy trước, để bác đi nghiền thuốc.”
“Vâng!”
Tuệ Ngọc nghe nói có người bị thương thì giật thót cả mình, con bé nhanh nhảu túm lấy phích nước mang đi. Mấy đứa trẻ đang ăn cơm cũng hướng mắt nhìn theo nó, nhưng chẳng đứa nào rời khỏi bàn ăn.
Bọn trẻ con lít nhít, đứa lớn nhất bảy tuổi, nhỏ nhất là bốn tuổi. Toàn là cô nhi, đứa bị bỏ rơi trong rừng, đứa bị thả trôi từ bên kia biên giới qua sông địa phận được sư thầy hoặc người dân vớt về, may mắn sống sót thì đưa vào chùa nương nhờ cửa phật lớn lên qua ngày. Đa phần đều là con gái. Trong phòng ăn lúc này có sáu đứa, năm gái một trai. Tính cả Tuệ Ngọc khi nãy là bảy. Con bé năm nay vừa tròn mười tuổi.
Lúc này ở trai phòng, sư thầy đang kiểm tra thương tích cho người lạ mặt mà mình mang về, nhìn vào bộ đồ và quân hàm trên vai áo của anh ta thì cũng đoán được người này đang đảm nhận vị trí gì.
Đêm qua lúc thầy đang ở tạm trong lán gần bìa rừng có nghe văng vẳng tiếng súng nổ, không ngờ chập tối hôm nay trên đường xuống núi lại gặp ngay người này bị thương nằm dưới chân dốc. Anh ta bị cây cối che lấp, không biết có phải có duyên hay không mà thầy lại đổi đường đi nên mới gặp được. Cũng bởi đường ấy ít người qua lại lắm, cây rừng rậm rạp khó đi.
Chiếc áo màu xanh trên người anh ta đã sờn rách do lúc rơi từ trên mép vực xuống bị va vào cành cây, nguyên một mảng phía sau vai trái bị máu thấm chuyển sang thẫm màu vẫn đang còn ẩm ướt. Sau khi kiểm tra, xác định vết thương ở vai là nặng nhất, không phát hiện gãy chân hay tay gì thì sư thầy mới tạm yên tâm đôi chút.
Vết thương do đạn bắn tuy chỉ sượt qua nhưng lại khá sâu, trên miệng hơi se lại vì bị bỏng, chếch sang bên phải còn có thêm một vết chém sắc lẹm dài gần một gang tay tuy lúc được cứu sư thầy đã đắp thuốc cầm máu nhưng giờ dở ra thì vẫn đang rỉ máu.
Tuệ Ngọc vừa bước đến bậc cửa, vội buông phích nước xuống, tay chắp trước ngực lên tiếng:
“Bạch thầy, con mang nước nóng sư bác bảo tới ạ!”
“Mô phật. Con mang vào đây cho thầy.”
Tuệ Ngọc mang theo phích nước đi lại gần, nhìn người đàn ông nằm quay lưng lại với mình không động đậy rồi nhanh mắt liếc nhìn tấm áo màu xanh đẫm máu đã chuyển sang màu xanh sẫm thì thoáng rùng mình:
“Bạch thầy, chú này bị sao thế hả thầy? Sư bác bảo bị thương nặng lắm ạ?”
“Ừ, con đổ nước vào cái chậu kia cho thầy.”
Tuệ Ngọc nhanh nhảu làm theo rồi chạy ra hiên với lấy chiếc khăn sạch treo bên ngoài cửa phòng rồi sấp nước cho sư thầy lau rửa vết thương cho người kia.
Nó không nhìn thấy mặt anh ta, chỉ biết người này khá là cao lớn vì cả người đã chiếm hết cái giường gỗ của thầy, chân còn thò ra một tí và tấm lưng rất rộng mà thôi.
Nhìn vết thương to tướng lại rỉ máu ra mà con bé đứng bên cạnh cứ suýt xoa không thôi, nó tự hỏi chắc là phải đau lắm chứ không phải vừa.
Thấy sư thầy vừa vệ sinh vết thương, thỉnh thoảng lại chép miệng lắc đầu. Tuệ Ngọc cũng nhăn nhó mặt mày theo mà lên tiếng hỏi:
“Bạch thầy nặng lắm ạ? Liệu có chết không hả thầy?”
Sư thầy nhíu mày nhìn nó một cái rồi nở nụ cười hiền từ lắc lắc đầu:
“Không chết được, nhưng vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, thầy rắc thuốc cầm máu với chống viêm cho người ta. Cố cầm cự đến ngày mai thầy đi báo chính quyền người ta đến đưa đi bệnh viện.”
Con bé gật gù, vẫn chăm chú nhìn theo tay thầy. Sau khi băng bó cho người đó xong, sư thầy mới đi tắm rửa và ăn tối.
Chùa ở cách xa ủy ban, vừa mới mưa xong nên đường khá lầy lội khó đi. Đã nhiều lần sư thầy xin chính quyền làm lại con đường để bọn trẻ đi học, người dân muốn đến chùa dâng hương lễ phật có lối đi lại cho thuận tiện sạch sẽ, nhưng lần nào cũng hứa hẹn mà đã mấy năm nay đường vẫn vậy, chỉ có ngày càng xuống cấp khó đi hơn chứ chưa khá khẩm lên chút nào. Cũng bởi vậy giờ không đưa người đi được trình báo được. Trung tâm y tế lại càng xa hơn nên đành để người này ở lại một đêm.
Tuệ Ngọc thay sư thầy trông nom người bị thương, nó không dám lại gần mà đứng cách xa một khoảng, một người đàn ông cao lớn lạ mặt lại có vết thương to đùng thế kia khiến con bé có chút e ngại. Nhưng khi nãy sư thầy bảo người này là cảnh sát thì cũng đỡ sợ đi một chút.
Đứng mãi mỏi chân, lúc này nó mới dám mon men lại gần định kéo cái ghế nhưng lại tò mò thì thò đầu lại gần xem xét vết thương đã được băng bó có rỉ máu hay không. Trong ánh đèn dây tóc yếu điện, da thịt người đàn ông cũng chuyển thành nâu đỏ, chẳng biết là tại cơ địa hay vì bắt đầu phát sốt. Tuệ Ngọc ngứa tay định chạm thử vào xem nhưng người kia bất giác trở mình nằm ngửa ra, hai mắt vẫn nhắm nghiền tuy vậy vẫn khiến con bé giật thót mình mà co rúm người lại, thiếu tí nữa là thần hồn nát thần tính mà la toáng lên rồi.
“Ôi trời ơi! Ông này như con ma vậy. Giật cả mình.”
Định thần trong giây lát, phát hiện người kia chưa tỉnh thì nó mới dám thở phào một cái mà rón rén bước lại gần, tay túm lấy cái ghế gỗ, mắt vẫn mở trừng trừng, thuận miệng lẩm bẩm:
“Bị thương nặng như thế này không biết có chết không nhỉ? Tưởng tỉnh rồi mà cứ nằm yên, mặt mày thì trầy trật, lại còn phờ phạc như xác chết ấy. Lỡ mà chết rồi thành ma ám cái phòng này thì sợ lắm, mình làm sao mà dám đến đây nữa?”
Nghĩ tới vậy con bé thoáng rùng mình.
Lúc này nó mới để ý kỹ gương mặt của người đàn ông này. Trong mắt của một đứa bé mười tuổi thì gương mặt góc cạnh đầy tinh tế lại có chút phong tình lãng tử kia chỉ đơn thuần là nhìn cũng được, không giống kẻ xấu. Bởi mấy vết xước trên gò má của anh ta đã làm giảm bớt đi vẻ điển trai sát gái mà trời phú cho Hoàng Vũ.
“Ơ, ơ chưa chết thật này.”
Nhìn một lúc con bé lại phát hiện đầu mày anh ta cứ nhíu chặt lại gần nhau khiến ấn đường tạo thành rãnh sâu cảm giác cứ đau đớn khổ sở thế nào, làm người nhìn vào cũng chợt thấy đau theo.
Không biết là do cái gì thôi thúc mà Tuệ Ngọc lại buông tay đang nắm cái ghế rồi mon men lại gần đứng ngay kế bên giường, bàn tay run run đưa lên, ngón trỏ đặt vào giữa ấn đường di nhẹ như muốn làm dịu đi sự thống khổ trong tâm thức của người kia.
Thế mà lại có hiệu quả, đầu mày người đàn ông theo đó cũng giãn ra đôi phần, không còn cau chặt lại như trước nữa khiến đứa trẻ hài lòng, khóe môi mỏng hồng hào tự nhiên đẩy cong vẽ lên nét cười rạng rỡ. Miệng nó lẩm bẩm niệm:
“Nam mô a di đà phật!”
Cái đầu nó nghiêng nghiêng nhìn vào những vết xước và bầm tím trên trán, trên gò má người đàn ông,
“Đã không được đẹp lắm rồi, lại còn nhăn nhó mặt mày nữa trông có sợ không chứ.”
Trong lúc mê man bởi cơn sốt do vết thương nhiễm trùng gây ra, Hoàng Vũ cảm giác có thứ gì đó mềm mại và mát lạnh chạm vào trán, vào má mình như muốn làm giảm đi sự nóng bỏng trên da thịt đỏ au và đau nhức đang hành hạ anh.
Sáng ngày hôm sau, sư thầy đã phải đi bộ hơn ba cây số đến trụ sở đồn biên phòng để báo tin, xác định đúng là đồng chí cảnh sát bị thương và rơi xuống khe núi mất tích trong đợt truy quét tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đêm hôm kia thì vội vã cho quân y tới kiểm tra và chuyển người đến bệnh viện.
Khi được đưa lên xe quân dụng, Hoàng Vũ vẫn trong tình trạng mê man, gương mặt điển trai bơ phờ mệt mỏi, cả người đều rã rời đau nhức, tiềm thức mơ mơ hồ hồ không biết đang ở cõi thực hay hư.
Anh nghe thấy tiếng nói ồn ào xung quanh nhưng lại không định hình được đó là giọng của người nào. Lúc hé mắt cố nhìn quanh thì chỉ thấy một gương mặt bầu bĩnh với đôi mắt to tròn trong veo nhưng đầy lo lắng đang đau đáu nhìn theo. Hình ảnh ấy cứ dần mờ nhạt cho đến khi Hoàng Vũ tiếp tục rơi vào hôn mê và bị người của đội biên phòng đưa đi.
Người đi rồi Tuệ Ngọc mới ngóc lên nhìn sư thầy thỏ thẻ:
“Bạch thầy, thế người ta không cho mình tiền hả thầy?”
“Hử?”
“Thì mình cứu người kia, người ta phải trả ơn mình chứ thầy nhỉ?”
Nó ngô nghê đáp lại, sư thầy chỉ mỉm cười lắc lắc đầu, tay chắp sau lưng đưa lên xoa đầu con bé:
“Người nhà phật cứu người không vì vụ lợi, mỗi người chúng ta gặp đều là do duyên số đưa đến, cứu người là cứu người, đừng mong cầu quá vào việc có được trả ơn hay không. Người này có thể là bà con của chúng ta ở kiếp trước, biết đâu kiếp trước là chúng ta nợ họ, nên kiếp này đến để lấy lại món nợ đó thì sao? Hoặc cũng là reo nợ để lại nhân duyên cho kiếp sau.”
“Thế sự vô thường, nhân quả tuần hoàn, nhân duyên vô định, khó nói lắm con ạ! Con người ta tu trăm năm mới đổi một lần gặp gỡ, chưa biết lần gặp sau sẽ vào lúc nào? Làm sao mong cầu được trả nợ.”
“...”
“Mọi cuộc gặp gỡ còn chưa biết được là do nhân duyên đưa tới hay là quả nghiệp của kiếp trước tạo thành. Nam mô a di đà phật!”
Dứt lời sư thầy khẽ thở hắt ra rồi lẳng lặng xoay người rời đi, Tuệ Ngọc cứ mãi đau đáu trông theo. Những gì sư thầy nói với con bé, Tuệ Ngọc còn quá nhỏ để có thể ngộ ra được.
Cho đến mãi sau này khi trưởng thành, Tuệ Ngọc mới thật sự hiểu hết được câu nói năm đó của sư thầy.
…
Mười năm sau,
Ngọc My vừa xuống khỏi xe bus thì rảo bước đi về phía bar “Sea storm”, một cô gái trẻ trung, trên tay xách theo một giỏ đựng đầy bao cao su khiến người ở trên xe bus không khỏi hiếu kỳ, nhưng nhìn chiếc áo phông màu hồng cô đang mặc lại kèm theo logo của hãng bao cao su thì họ có thể đoán biết là nhân viên tiếp thị.
Xong bị cả tá ánh mắt nhìn vào, ban đầu Ngọc My cũng cảm thấy phát ngại. Biết thế cô đã lấy cái túi nilon đen mà nhét tạm vào rồi mang đi cho rồi, bên phân phối bao cao su mà Ngọc My nhận làm tiếp thị còn nói cô có thể pr sản phẩm của họ bất kỳ nơi nào, kể cả là nơi công cộng hay trên các phương tiện giao thông trên đường đi tới địa điểm được chỉ định. Họ đã liên hệ để cô vào mà không bị gây khó dễ là bar “Sea storm” một tụ điểm ăn chơi lớn nhất nhì thành phố Biển này.
Cũng vì đến bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thành phố Biển làm bác sĩ thực tập nên Ngọc My mới về đây ở một thời gian. Chuyện kể ra thì rất dài, việc có thể được làm bác sĩ ở một bệnh viện có tiếng nhất thành phố đối với Ngọc My mà nói không biết do may mắn hay là món nợ đời mà có khi cả đời này cô không thể trả hết được không nữa.
Đang thong dong đi trên vỉa hè, bất thình lình có một người ăn xin nhào ra khiến Ngọc My giật mình đứng khựng lại, tay siết chặt giỏ bao cao su, nhưng rất nhanh đã định thần mà nheo mắt đặt lên người kia.
“Cô làm ơn làm phúc cho tôi tí tiền, mấy ngày nay chưa ăn gì rồi.”
Ngọc My ái ngại nhìn người đàn ông rách rưới bẩn thỉu, chân ông ta bị tàn phế đã teo tóp lại, hai gấu quần cũng bị buộc thắt nút lại chắc là để khỏi vướng khi lê thân di chuyển trên mặt đường.
Nói thật người ta chẳng tin, nhưng Ngọc My so với người ăn xin này cũng không khá khẩm hơn là mấy. Nếu có tiền dư giả cô đã chẳng phải mặt dày nhận việc tiếp thị bao cao su như thế này. Trong túi cô lúc này còn có mấy nghìn tiền mặt để lát còn đi xe bus về, bởi vậy đành mở balo lấy túi bánh mì bơ đường sấy mà mình mang theo để ăn tối tặng cho người đó. Ông ta ngước mắt nhìn cô, Ngọc My mím môi mỉm cười,
“Cháu không có đủ tiền để cho bác, bác cầm tạm bánh này ăn nhé!”
“Cảm ơn cô! Cảm ơn cô!”
Ông ta run rẩy chắp tay cảm ơn cô rồi đón lấy gói bánh từ ngọc My, cô còn hào phóng đưa luôn chai nước lọc lấy từ bệnh viện theo cho người đó rồi mới trộm xoa cái bụng rỗng rời đi.
Ngọc My vừa đi khuất thì có một chiếc xe ô tô màu đen thuộc dòng SUV đi tới, tốc độ khá chậm, kính xe cũng hạ thấp xuống, từ bên trong cặp mắt hình quả hạnh tinh anh sắc lạnh phóng thẳng về phía người ăn xin đang ngấu nghiến ăn bánh trên vỉa hè, gương mặt góc cạnh không hề đổi sắc cứ bình thản như lúc đầu cho đến khi xe lướt qua khỏi đó.
…
Trong bar lúc này khá nhộn nhịp, nhờ được người quản lý liên hệ trước nên bảo vệ cho Ngọc My vào. Dưới ánh đèn nhiều màu nhập nhằng khua loạn xạ, Ngọc My phải căng mắt lên để tìm được đường đi và tránh không đụng phải khách đang nhún nhảy trong bar. Nhân viên trong bar hướng dẫn cho cô đến khu vực có bàn của khách đặt sẵn, để tiện cho việc tiếp thị. Họ nói cô có thể đến các phòng vip để tiếp thị cũng không sao, người này còn nhiệt tình dặn dò Ngọc My có thể sẽ phải uống bia cùng khách, nói cô không uống được thì né đi. Nhất định không được làm loạn ảnh hưởng đến việc làm ăn trong bar của họ.
Ngọc My vâng dạ cảm ơn người kia, rồi theo anh ta đến khu vực bàn đặt trước đã có khách ngồi sẵn.
Lúc đi qua vài bàn, dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng cô vẫn bị choáng ngợp bởi cảnh tượng đang diễn ra trước mắt, cả đám phụ nữ ăn mặc thiếu vải ngả ngớn bên những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi, có người còn già hơn cả bố anh Hoàng Bách nữa kìa, mà xem xem, mấy cô gái kia còn trẻ lắm. Nhìn cái đùi thon nõn đang bị một bàn tay nần nẫn ú thịt dờ lên tận đùi non khiến Ngọc My ớn lạnh rùng mình.
Giờ thì cô đã hiểu vì sao người ta lại giao cho cô đến chỗ này tiếp thị bao cao su rồi. Siết chặt giỏ đựng bao cao su trong tay, Ngọc My thật sự muốn bỏ chạy. Lúc training họ không nói với cô tình huống này, chỉ dạy kiến thức sản phẩm căn bản mà thôi.
Nói đi cũng phải nói lại, số Ngọc My còn may chán, Sea storm tuy kinh doanh bar nhưng bề nổi lại khá là sạch sẽ, và có vẻ như dáng vẻ giản dị kín đáo của cô không gây được hứng thú cho mấy vị khách dê bệ kia, ngoài vài câu cợt nhả có chút khiếm nhã và những cái chạm tay chớp nhoáng trong lúc tiếp thị ra thì cũng không đến mức kinh khủng như trong mấy bộ phim về vũ trường mà cô từng thấy trên ti vi.
Ngọc My đi một vòng mà chưa bán được hộp bao cao su nào, họ không hào hứng mấy, nhiều người còn đùa cợt nói họ thích chơi trần này kia, khiến cô dù đã từng theo đoàn tình nguyện viên của trường và khoa sản ở bệnh viện đi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình cũng phát ngượng mà mặt mày đỏ bừng bừng.
Lúc Ngọc My đang tiếp thị cho một nhóm khách toàn người trẻ tuổi, đúng đến đoạn chốt đơn thì cách đó mấy bàn chợt có giọng đàn ông vang lên:
“Nói miệng ai tin”
Một lời của người đàn ông ấy như kích thích những người khác, đám người ở quanh đó cũng lao nhao hò hét nói muốn cô thử cho họ xem khiến Ngọc My hơi hoảng. Cô cố giữ bình tĩnh, trong đầu đã tự niệm “nam mô a di đà phật! Đức Phật từ bi độ cho con qua nạn này…” rồi nuốt khan xuống, nở một nụ cười thân thiện với đám người kia. Ánh đèn trên đầu lia qua lia lại, không dừng lại ở mặt người nào bởi vậy giúp Ngọc My đỡ ngượng hơn. Có lẽ cứ tranh tối tranh sáng như thế này lại hay.
....