-
Chương 22: Cháu ở đây đợi
Ái Liên nhắn tin cho Nam My, cảm ơn cô về tin nhắn đã gửi. Kể cho cô nghe dự định sắp tới của mình khiến Nam My khá kinh ngạc. Thấy vợ tự nhiên giật mình, Hoàng Bách vừa ru Bát nhỏ ngủ xong cũng quay sang:
“Sao thế?”
“Chị Ái Liên bảo sẽ nghỉ ở bệnh viện.”
“Hử? Lí do gì cơ?”
“Chị ấy bảo sẽ mở phòng khám tư, thuê người làm chỉ chạy đi chạy lại thôi. Muốn dành nhiều thời gian cho gia đình và bọn trẻ. Chắc nghe xong file em gửi rồi.”
Hoàng Bách dọa dẫm:
“Giám đốc bệnh viện mà biết nguồn cơn sự việc sẽ cắn vào đầu em cho xem.”
Cô bĩu môi trách móc:
“Chắc em sợ ông ấy. Ai bảo họ không để cho nhân viên có thời gian chăm sóc gia đình. Em còn chưa bắt chồng em nghỉ việc đã là tử tế lắm rồi đấy. Gì mà tối ngày ở bệnh viện. Mới có một đứa con, còn có ông bà nội đỡ đần. Cứ mà như nhà anh Huy thì có mà khóc hết nước mắt.”
“Ai bảo đẻ lắm.”
“Anh lo mà làm tư tưởng cho thằng con anh đi. Có rồi mà nó còn không cho đẻ đây này. Sinh được thằng con như Ốc có phải mát lòng không. Thương thế không biết.”
“Anh Bát nói thế thôi chứ sau này em ra đời, anh lại cưng em hơn cả anh Ốc cưng Tôm, Tép, Sam ấy chứ. Mẹ cứ lo xa.”
Hoàng Bách ôm vợ, tay xoa bụng cô dỗ ngọt. Hôm nay Nam My đi khám, thai mới vào làm tổ trong tử cung, anh đang mừng vui khôn xiết. Giờ lại gặp ngay thằng con khó tính cấm cản không cho sinh em. Ca này còn khó hơn cả đỡ đẻ ngược chứ chẳng đùa.
…
Hoàng Vũ nói chuyện với sư thầy đến tận khuya. Những lời thầy nói càng nghe càng thấm, nên không dứt ra được. Đặc biệt là chuyện kể về đứa nhóc kia, càng nghe càng thấy con bé đáng thương và nghị lực.
Người ngoài không biết về hoàn cảnh của Ngọc My, ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc chính là một đứa bé lạc quan, yêu đời và có giáo dục, chứ không thể ngờ tới, cô lại là đứa trẻ mồ côi.
Rời khỏi phòng sư thầy, Hoàng Vũ dừng lại bên thềm hiên, gió lạnh đẫm hơi sương muối lùa vào da thịt rét buốt.
Anh hướng mắt nhìn về phía phòng ngủ của đám trẻ con, gương mặt đàn ông, phảng phất nét ưu tư. Lạnh lẽo như thế này mà mấy đứa nhỏ không có đệm êm để nằm. Khi nãy ở trong phòng sư thầy, loáng thoáng nhìn qua tấm rèm trúc ngăn cách với giường ngủ, Hoàng Vũ cũng không thấy có đệm.
“Chú! Chú còn đứng đó làm gì vậy?”
Hoàng Vũ vừa rút điếu thuốc định châm lửa hút cho ấm người thì Ngọc My đã ôm chăn bông đi tới. Anh bước lại gần, đáy mắt tĩnh lặng hòa cùng bóng tối đen thui đặt lên cô gái trước mặt,
“Không ngủ đi còn lang thang đi đâu đây?”
“Cháu mang thêm cho chú cái chăn để trải xuống nằm cho ấm. Phòng ấy sư bác không ngủ nên là không có chăn trải đệm.”
“Ừ!”
Trong phòng sư bác đã đốt sẵn trầm nụ, vừa mở cửa đã cảm nhận được sự ấm nồng lan tỏa. Ngọc My mở điện, mang chăn trải xuống giường cho Hoàng Vũ. Cô vừa sắp xếp gối chăn, vừa luyên thuyên hỏi anh nói chuyện gì với sư thầy mà muộn như vậy? Hoàng Vũ không giấu, ngược lại còn tò mò hỏi cô:
“Mấy đứa trẻ ở đây đều có người nhận nuôi hết à?”
“Vâng, có đứa mới đến mấy ngày đã may mắn được nhận nuôi. Nhưng cũng có đứa bốn năm tuổi rồi mới có người nhận. Như Tuệ Vân ấy, con bé về đây lúc mới đẻ được mấy tháng thôi.”
“Tiêu chí chọn con nuôi là gì?”
“Duyên số.”
Tay vuốt phẳng chăn bông, Ngọc My lại tiếp tục:
“Thật mà, nhìn ưng đứa nào thì dắt về. Chẳng phải do duyên số à?”
“Chắc hồi nhỏ nhóc đáng ghét lắm hay sao mà không có ai dắt về nuôi thế? Cắm rễ đến tận bây giờ?”
Ngọc My cười cười, ngồi xuống giường, lại vỗ vỗ tay xuống bên cạnh bảo Hoàng Vũ ngồi xuống.
“Nhiều người muốn dắt là đằng khác. Cơ mà cháu trốn về đấy.”
“Vì?”
“Cháu ở đây đợi. Hì.”
Cô nhoẻn miệng gượng cười, nhưng làm sao qua mắt được người đàn ông sành sỏi kia. Anh đã sớm nhận ra sự gượng gạo, lúng túng thoáng qua trên gương mặt Ngọc My.
“Đợi ai?”
Tránh câu hỏi của Hoàng Vũ, Ngọc My tiếp nốt chuyện được nhận nuôi:
“Lúc cháu mới về chùa ở với sư thầy nửa năm, có tận hai gia đình đến xin nuôi liền. Một nhà ở dưới phố, một nhà trên Hà Nội.”
Cô liếc mắt nhìn Hoàng Vũ một cái, thấy anh có để ý thì kể tiếp:
“Cháu đi theo người dưới phố về rồi, nhưng đến giữa đường thì bỏ chạy. Thấy cháu khóc quá trời quá đất nên người ta chịu không làm gì được, tiền công đức rồi cũng không lấy lại nữa. Mang trả cháu cho thầy rồi trở về.”
“Sau này có một vài gia đình nữa tới nhận con nuôi, cháu đều trốn để tránh gây khó xử cho sư thầy. Nên là bọn trẻ cứ lần lượt đi hết rồi, còn cháu vẫn sừng sững ở đây ấy chú.”
Ngọc My nhập tâm nói, Hoàng Vũ chỉ im lặng lắng nghe, rõ ràng con bé nó cười nhưng lại khiến anh xao động, cảm giác cứ có cái gì đó chua xót nghẹn dâng lên trong lòng. Tự nhiên buột miệng hỏi:
“Không sợ khổ à?”
Ngọc My ngoảnh mặt nhìn anh, lắc lắc đầu:
“Không, khổ từ bé quen rồi. Hì.”
Chưa đầy sáu tuổi cô đã về chùa ở, lúc ấy Ngọc My là đứa lớn nhất. Con bé lúc trước ở với bà đã quen tự lập, còn nhỏ nhưng rất ngoan, biết quét nhà và rửa bát. Mùa đông trời lạnh giá, một mình nó tranh rửa bát giúp sư thầy, nhà chùa không dùng nước rửa bát, mà dùng nước làm từ quả bồ hòn và bối rửa bằng xơ mướp. Sau khi rửa xong đống bát đĩa thì hai bàn tay cũng nhăn nheo và đỏ ửng vì lạnh. Đầu ngón tay tê cứng, cảm giác như bị kim nhọn châm chích vào. Sư bác phải mang tay Ngọc My hơ bên bếp lửa hơn mười phút đồng hồ mới ấm lại được.
Vì quá biết điều nên ai cũng thương con bé, người đến xin con vừa nhìn đứa trẻ nhỏ xíu nhưng cứng cáp và xinh xắn, cái miệng nó lúc nào cùng đẩy cong cong như đang cười thì rất vừa mắt, muốn xin về làm con nuôi. Nhưng lần nào Ngọc My cũng lẩn lẩn rồi trốn mất tích.
Có lần đã đồng ý theo người dưới phố về rồi, nhưng đi tới nửa đường con bé lại òa lên khóc, luôn miệng bảo không đi nữa. Nó phải ở chùa, ở chùa có bà ngoại với mẹ nó. Mà người nhà xin con lại không cho con bé mang bát hương của bà ngoại với mẹ nó đi.
Lúc thấy người ta mang con bé về lại, sư thầy cũng sửng sốt lắm. Hai mắt nó đỏ ngầu, ngậm nước chạy đến bám chân thầy nức nở, luôn miệng nói không đi về nhà người ta đâu. Thầy thương thì xin lỗi người ta, bảo gửi lại tiền nhưng họ không nhận, cứ thế rời đi. Mãi sau họ mới đến nhận một đứa khác về nuôi.
Ngọc My cứ thế sống ở chùa, dưới sự che chở của sư thầy và nơi cửa phật lớn lên thành cô gái lương thiện, biết điều và tài giỏi như bây giờ.
“Bà ngoại bảo mẹ rất yêu cháu. Mẹ sinh cháu xong rồi mất, còn chưa được thấy mặt cháu phút nào. Hồi bé cháu ốm yếu, nhờ được người tốt giúp mới có tiền chữa bệnh.”
“Không biết có phải là ngốc quá hay mơ mộng hão huyền không? Nhưng cháu cứ hay ước sẽ có một ngày, bất thình lình bố của cháu sẽ đến chùa tìm cháu. Giống trong phim ấy.”
Con bé ngoảnh mặt nhìn sang, gương mặt nhỏ nhắn ướt nước từ lúc nào. Rõ ràng nó khóc nhưng dường như Ngọc My không ý thức được điều đó thì phải, khóe môi vẫn nhoẻn cười, nét mặt ánh lên tia hy vọng. Hoàng Vũ bất giác đưa tay ôm lấy sườn mặt thon mềm, tay cái miết nhẹ, lau đi nước mắt vừa chảy xuống đã lạnh ngắt cả đi.
Ngọc My lúc này mới phát hiện ra thì giật mình cúi thấp, bàn tay thừa thãi, bấu chặt lấy gấu áo.
Bên ngoài gió lạnh rít qua mái nhà, lướt trên tán hồng trà, lùa cả vào cành bồ đề buông rủ, phát ra tiếng rào rạt. Trong căn phòng nhỏ, trầm hương ấm nồng tỏa khắp không gian im phắc. Không ai nói với ai lời nào. Hoàng Vũ thuận đà, thấp đầu, mang gương mặt vương nét xót xa thương cảm, kề sát mặt Ngọc My. Khoảng cách mỗi lúc một rút gần, cự ly tính bằng centimet. Giọng anh trầm và ấm, mang theo hơi thở ấm áp vờn bên gò má cô:
“Tôi giúp nhóc tìm bố nhé?”
Gương mặt đàn ông hài hòa từng đường nét, phóng đại trong tầm mắt Ngọc My khiến cô giật mình thảng thốt. Hoàng Vũ đang nhập tâm, tự nhiên bị hai bàn tay thon gầy ấm áp úp thẳng vào mắt rồi đẩy ra thì giật mình khựng lại. Ngọc My hoảng hồn luyến thắng:
“Chú biến thái, đừng có mà lợi dụng lúc cháu không nhập tâm mà dở trò lợi dụng nhé!”
Hoàng Vũ phì cười, hai tay tóm lấy tay Ngọc My kéo xuống, còn nhéo mũi cô một cái rõ đau rồi đầu gục trên vai cô. Cả người anh rung lên vì tràng cười chưa dứt. Con nhóc này tỉnh táo thật, trong phút yếu lòng cũng không khiến nó mất cảnh giác với anh. Không chỉ có vậy, Hoàng Vũ lại tự chửi rủa mình, sao lại có thể có giây phút buông thả mà rung động với con nhóc này chứ? Nó không phải gu của anh.
Ngọc My phát ngại, hai tay bám trên vai anh ghì chặt, như muốn cố tạo khoảng cách giữa hai người. Cự ly hiện tại đủ gần để cô có thể cảm nhận được mùi hương của muối biển mát lạnh từ người anh lúc có lúc không lẫn trong không khí thấm đẫm hương trầm.
Ngọc My thầm đánh giá, người đàn ông này tuy lăng nhăng nhưng trên người lại thanh sạch, không mang mùi phấn son, hay nước hoa ngào ngạt khó chịu như những người khác trong bar mà cô từng gặp qua mỗi lần lui tới làm việc.
Không dây dưa với anh nữa, Ngọc My đẩy Hoàng Vũ ra, nhanh chân đứng dậy khỏi giường, lúng túng nhắc anh ngủ sớm rồi quay người muốn rời đi. Hoàng Vũ cũng đứng dậy đi theo, Ngọc My thấy lạ liền thắc mắc:
“Chú còn định đi đâu?”
“Hút điếu thuốc. Khụ.”
“Hút thuốc lá không tốt cho sức khỏe, chú có tuổi rồi, nên hạn chế thì tốt hơn.”
“Có tuổi?”
Ngọc My tỉnh bơ gật đầu:
“Vâng! Chú bốn mươi tuổi rồi còn gì nữa?”
Một câu đáp lại của cô, khiến mặt người nào đó đã “không được đẹp cho lắm” bỗng chốc trở nên cau có khó nhìn. Con nhóc này, nó bị làm sao ấy nhỉ? Ai nhìn cũng khen anh trẻ hơn tuổi rất nhiều, vậy mà nó cứ phải đay đi đay lại cái chuyện tuổi tác để chê già là làm sao?
Ngọc My trở về phòng, Hoàng Vũ ra trước hiên hút thuốc, cả người đón gió đông lạnh và ẩm táp vào mặt. Anh rít một hai hơi thuốc, cơn ho hắng đã kéo tới. Hoàng Vũ khẽ rùng mình, rít thêm một hơi thuốc nữa rồi rụi tắt trước khi quay trở lại phòng.
Anh vừa tắt điện, điện thoại đã đổ chuông, cột sóng có hai vạch, lúc lại hụt mất còn một. Ở đầu dây bên kia, Phương Quỳnh sốt ruột, nhưng vẫn kiên nhẫn đợi từng hồi tút tút, thấy tín hiệu kết nối liền hớn hở hỏi han:
“Anh đang ở đâu thế?”
“Có chuyện gì không mà giờ còn gọi?”
“Anh có về không? Em nhớ anh!”
Một câu em nhớ anh của Phương Quỳnh, đều mang trọn tâm tình của người phụ nữ này muốn thể hiện cho Hoàng Vũ thấy. Nhưng khi đến tai anh nó bỗng trở thành gánh nặng, hệt như món nợ trả góp đang treo lơ lửng trên đầu, chưa biết đến ngày nào sẽ buộc phải tất toán.
Thấy anh không đáp, cô ấy lại tiếp tục:
“Trời ngày càng lạnh, em mua cho anh mấy cái áo len. Hay em mang tới cho anh nhé?”
“Không cần đâu, bên ngoài lạnh lẽo đừng ra ngoài nữa. Lúc nào rảnh anh tự qua lấy. Ngủ sớm đi.”
“Nhưng mà…”
Phương Quỳnh ngập ngừng. Hoàng Vũ lặng yên chờ đợi nghe cô ấy nói. Sau cũng vẫn là vâng lời và rập máy. Điện thoại tắt đi rồi, Phương Quỳnh khẽ thở dài, vươn người mở ngăn kéo bên bàn trang điểm, lấy ra một điếu thuốc vị socola, lặng lẽ châm lửa hút.
Dự là lại một đêm dài khó ngủ đối với Phương Quỳnh.
…
Sớm ngày hôm sau khi vừa thức giấc, Ngọc My đã nghe tiếng bổ củi chan chát. Cô đắp lại chăn cho bọn trẻ rồi đi xuống khỏi giường. Làm vệ sinh cá nhân xong, Ngọc My mới ra phía khu nhà ăn và nhà bếp.
Ở khoảng sân sau Hoàng Vũ đang giúp sư thầy bổ củi, từng nhát rìu giáng xuống, dứt khoát và có lực vô cùng. Chỉ một lần đã tách đôi khúc củi to bằng bắp chân người trưởng thành. Sư thầy cần mẫn nhặt những mảnh củi mà Hoàng Vũ bổ sẵn ra, xếp thành từng chồng một.
Ngọc My chạy tới giúp thầy xếp nó vào đống củi bên trái nhà bếp.
“Dậy sớm thế con?”
“Bạch thầy, con quen giấc.”
Cô đưa mắt nhìn Hoàng Vũ, mồ hôi chảy dòng trên trán anh, tay vẫn siết chặt cán rìu.
“Chú dậy sớm thế? Chú cũng biết bổ củi cơ à?”
“Bổ giỏi là đằng khác. Mô phật!” Sư thầy cười mỉm, đáp lời thay.
Được thầy khen, Hoàng Vũ thừa dịp lên mặt với Ngọc My mà hất hàm đá lông nheo. Vẻ mặt háo thắng, có chút tự phụ ấy của anh khiến cô buồn cười thì bĩu môi một cái.
Sau bữa sáng, Hoàng Vũ nói với sư thầy có việc đi xuống thị xã, hỏi thầy có cần anh mua giúp thứ gì không? Thầy liền lắc đầu từ chối. Còn dặn anh đi sớm về sớm cho kịp bữa trưa. Ở chùa dùng bữa sớm, cứ mười một rưỡi là bắt đầu ăn cơm rồi.
Hoàng Vũ đi rồi, Ngọc My theo thầy ra nương tưới nước cho rau. Trộm vía su hào với ngô được mùa, luống nào cũng thẳng tắp tươi xanh. Còn dãy sắn đã xuống lá ngả vàng. Cô bảo với thầy để mình bán giúp. Thầy lại xua tay:
“Con bận học bận làm, cứ để cho thầy với bác. Mô phật.”
“Không đâu thầy, con chụp ảnh đăng lên nhóm ở bệnh viện. Mọi người thích rau sạch nên chắc chắn sẽ mua và bán được giá thầy ơi. Với cả có người đặt mua lá thuốc tắm của thầy. Thầy chuẩn bị cho con mấy túi thầy nhé!”
“Vậy tốt quá! Mô phật!” Thầy cười hiền, chắp tay khẽ niệm.
…
Hoàng Vũ đến đồn công an khu vực tận dưới trung tâm xã. Vừa thấy xe anh, cán bộ trực ban đã chạy tới, tay chống nạnh định quát, mà trông thấy mặt người thì lại ngậm tăm. Tay gãi đầu cười cười chào hỏi:
“Úi giời, rồng lại đến nhà tôm thế này?”
“Chào đồng chí!”
“Anh tới chơi hay kiểm tra, thị sát thế?”
“Cả hai.”
Hoàng Vũ đi theo anh ta vào phòng tiếp khách. Ấm chè đã nguội bị đổ bỏ đi, người công an kia pha thêm ấm mới.
“Anh đến vì vụ bắt cóc trẻ con gần đây ạ?”
“Ừ, tình hình thế nào? Có động tĩnh gì mới không?”
“Hôm bữa tới giờ tạm yên ổn. Chưa thấy báo cáo báo cầy gì anh ạ! Tiên sư chúng nó phường ác ôn, dám ăn thịt người ngay trước mũi công an.”
“Sát sao thì chúng nó đã không hoành hành.”
Một lời của Hoàng Vũ làm người kia ngắn mặt, rồi ngậm miệng luôn. Nhìn vẻ mặt ấy của anh ta, Hoàng Vũ chỉ cười nhạt. Bọn buôn người gian xảo, bọn họ cũng chẳng thể lường trước được mưu đồ của bọn chúng. Huống gì vùng sâu vùng xa, lực lượng chức năng mỏng, đúng là địa lợi cho đám người xấu tung hoành.
Hoàng Vũ ở lại đồn gần một tiếng đồng hồ, nghe báo cáo về tình hình dân sinh và an ninh của khu vực xong thì chỗ nào cũng thấy vấn đề và bất cập. Lần này về họp chắc chắn có nhiều cái để đưa ra báo cáo với ban lãnh đạo toàn tỉnh.
Trước lúc ra về, anh không quên hỏi về trường hợp của gia đình bà Duyên - bà ngoại của Ngọc My.
Người kia nghe cái tên thấy lạ thì nhăn mặt nhíu mày hỏi lại:
“Dân nhập cư hả anh?”
“Hình như thế. Nhà có hai bà cháu, bà mất rồi, cháu được gửi vào chùa lúc sáu tuổi. Bây giờ hai mươi tư.”
“Chùa nào á anh?”
“Ở địa bàn của cậu có mấy cái chùa?”
“Tâm Thiên ấy ạ?”
Hoàng Vũ âm trầm gật đầu. Người kia lại hồ hởi xum xoe:
“Để em hỏi nhân viên hộ tịch cho anh. Anh đợi em tí.”
Hoàng Vũ xua tay:
“Nay là ngày nghỉ, ông tha cho người ta đi.”
“Hì, em cứ hay đánh nhanh thắng nhanh. Mà nhà đấy là gì của anh ạ? Hay là ăn chơi không sợ con rơi hả anh?”
Anh ta cợt nhả, nháy mắt cười đùa với Hoàng Vũ. Nhưng chưa được mấy giây, bắt gặp cái bản mặt nghiêm nghị, âm trầm của anh liền ngậm miệng, im im. Hoàng Vũ lúc này mới lên tiếng:
“Người quen thôi. Đây là việc riêng tư, tôi nhờ vả riêng cậu.”
“Vâng, anh cứ để em lo. Trong đầu tuần tới em báo anh kết quả.”
“Cảm ơn!”
…
Xe về tới trước cổng chùa, thấy Ngọc My đang lúi húi quét tước, Hoàng Vũ đã ngó đầu ra khỏi cửa gọi lớn:
“Ê nhóc, xuống nhờ cái này.”
“Chú về rồi đấy à? Tưởng trưa mới về cơ?”
Ngọc My đang quét lá rụng trước cổng chùa, bị gọi thì dựng tạm chổi vào một góc rồi nhảy chân sáo theo bậc đá xuống chỗ để xe.
Hoàng Vũ mở toang cửa sau, nhấc ra một cái đệm bông ép khổ m2 x m9 đưa cho Ngọc My ôm lấy, còn mình ôm theo một cái khác rộng hơn trước sự ngỡ ngàng của cô.
“Đực mặt ra đấy làm cái gì, nhanh ra còn hai cái nữa đấy.”
“Chú mua cho chùa à?”
“Ừ. Mua cả chăn bông nhưng chiều người ta tự chở tới cùng với ga, gối, hàng chưa về.”
“Nhưng mà sao tự nhiên chú mua thế? Lại còn mua nhiều thế nữa?”
Hoàng Vũ không trả lời, ôm theo cái đệm dài, đi một mạch lên chùa trước.
“Chú, nói gì đi.”