• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Hot MA THỔI ĐÈN (2 Viewers)

  • Quyển 8 - Chương 37: Quan sơn cốt đồ

Giáo sư Tôn nói, nếu muốn làm rõ trong mộ cổ Địa Tiên rốt cuộc có bí mật gì, trước tiên phải biết được lai lịch của Quan Sơn thái bảo, đám "trộm mộ Quan Sơn" này vốn có quan hệ rất sâu xa với Lưu Bá Ôn, kỳ nhân thời Minh đã truyền lại Bài ca nướng bánh.


Những năm cuối thời Nguyên, thiên hạ đại loạn, để phản kháng lại chế độ cai trị tàn bạo của triều Nguyên, nông dân khắp nơi ùn ùn khởi nghĩa, tục ngữ có câu "loạn thế tất xuất kỳ nhân", lời này thực không sai.


Bấy giờ, Minh thái tổ Chu Nguyên Chương đuổi người Hồ trở về Mạc Bắc, lập nên triều Minh. Một hôm, trên điện Kim Loan, ông ta lấy chuyện nướng bánh làm "tượng", yêu cầu Lưu Bá Ôn tính toán sự hưng vong của thiên hạ ngày sau, nhưng thiên cơ khó nói, nên Lưu Bá Ôn bèn sáng tác ngay Bài ca nướng bánh, dựa theo kết quả bói toán mà soạn thành lời ca, việc hưng vong thành bại của thiên hạ từ đời Minh trở đi đều giấu cả trong bài ca ấy.


Đây là một truyền thuyết khá phổ biến trong dân gian, không có trong chính sử. Trên thực tế, Lưu Bá Ôn đúng là đã từng bốc quẻ bói toán cho Chu Nguyên Chương, nhưng sự việc không phải như trong truyền thuyết nói.


Vào thời điểm Chu Nguyên Chương còn chưa lưng Bắc mặt Nam(26), Lưu Bá Ôn đã cảm thấy vị chủ nhân này là chân long thiên tử, tương lai ắt sẽ lên ngôi cửu ngũ chí tôn, nên mới đầu quân dưới trướng ông ta. Lưu Bá Ôn lời lẽ bất phàm, đoán sự như thần, rất được Chu Nguyên Chương xem trọng, chuyện lớn chuyện nhỏ đều hỏi ý kiến, Lưu Bá Ôn lần nào cũng đối đáp trôi chảy, nhiều lần hiến lên kế hay mẹo lạ.


Một hôm, Chu Nguyên Chương dẫn quân giao chiến với quân Nguyên, lương thảo tiếp tế không đủ, rơi vào cảnh khổ chiến, đúng lúc đó Lưu Bá Ôn xin gặp, bèn dùng máy cái bánh nướng duy nhất còn lại khoản đãi, sau đó hai người bàn về cục thế trước mắt.


Lưu Bá Ôn nói với Chu Nguyên Chương, hoàn cảnh trước mắt của quân ta tuy gian nan, nhưng ấy chỉ vì thiên thời chưa đến, khi thời cơ xuất hiện, chúa công ắt sẽ tựu thành bá nghiệp một phương.


Chu Nguyên Chương lờ mờ nghe ra trong lời Lưu Bá Ôn còn có ý khác, tựa hồ ám chỉ mình sau này có thể làm hoàng thượng, bèn gặng hỏi thêm, thấy quả nhiên là vậy, bèn nói: "Năm xưa Chu Văn Vương mời Khương Tử Nha rời núi, đã tự mình dắt Khương Tử Nha đi bên bờ sông tám trăm lẻ tám bước, kết quả vương triều nhà Chu có được thiên hạ trong tám trăm lẻ tám năm. Nếu đúng như lời quân sư nói, đời này Chu Nguyên Chương ta có phúc phận khai quốc đăng cơ, ta không dám mong cầu giang sơn giữ được nghìn năm vạn năm, càng không dám sánh với bậc thánh quân minh đế như Chu Vân Vương, chỉ cần quốc vận kéo dài được bốn trăm năm cũng thỏa lắm rồi." Nói đoạn, ông ta liền nhờ Lưu Bá Ôn bốc quẻ bói toán, xem xem khí vận của nhà họ Chu liệu kéo dài được bao nhiêu năm.


Lưu Bá Ôn thấy trong trướng vừa hay có mấy cái bánh nướng, liền lấy đó làm cơ số, chiêm nghiệm ra quẻ tượng, nhưng sau khi được kết quả cuối cùng, lại giấu giếm không chịu nói với Chu Nguyên Chương.


Chu Nguyên Chương bảo, việc thành bại được mất trên thế gian đều là ý trời, cứ nói đi đừng ngại, không phải cố kỵ điều gì hết. Lưu Bá Ôn bấy giờ mới nói, theo quẻ tượng này, người Hồ tuy sẽ bại vong, nhưng khí số của Bắc Long vẫn chưa tận, tương lai giang sơn cẩm tú này vẫn rơi vào tay người Hồ, quốc vận của chúa công chỉ sợ không được bốn trăm năm, thậm chí còn không đến ba trăm năm.


Chu Nguyên Chương nghe vậy bèn lấy làm kinh hãi. Nhưng ông ta không lo lắng vì vận nước ngắn dài, vậy thì lo lắng điều gì chứ? Chủ yếu là bởi những năm Nam chinh Bắc chiến, ông ta từng gặp rất nhiểu mồ hoang mả dại bị trộm mộ phá hủy, đặc biệt là ở vùng phụ cận lăng tẩm các đế vương nhà Nam Tống, giờ đây chỉ còn lại mấy cái hố sâu lớn, bên trong mọc đầy cỏ dại, trở thành hang ổ của lũ chồn cáo.


Sau khi nhà Nguyên diệt Nam Tống, những lăng tẩm đế vương kia đều bị người Hồ vét sạch, thi thể hoàng đế Nam Tống cũng bị chà đạp giày xéo, lẫn lộn với xương cốt trâu ngựa chó lợn, chôn bên dưới tháp Trấn Nam. Nhìn di chỉ Tống lăng, thật đúng là thê thảm vô cùng, chốn hoang lương của ngày nay, xưa chính là nơi quân vương vùi xác, cảnh tượng thật khiến người trông thấy mà thở dài, nghe thấy mà xót xa trong dạ.


Chu Nguyên chương nói, nếu người Hồ ở phương Bắc mấy trăm năm nữa vẫn có thể chiếm cứ thiên hạ thì dù ta có làm hoàng đế cũng chẳng thể vui sướng cho nổi? Sao lại thế? Trên đời này chẳng ai không chết, giờ nếu ta có thể đuổi bọn người Hồ về Mạc Bắc, phục hưng giang sơn nhà Hán, xây dựng lên công nghiệp lớn lao, dĩ nhiên là chuyện vui mừng, nhưng thế gian xưa nay chưa từng có thuốc tiên bát tử, sinh ra ắt sẽ chết đi, có đầu ắt có cuối, chân mệnh thiên tử e rằng cũng khó thoát khỏi ngày phải cưỡi rồng về trời.


Thiên tử qua đời tự nhiên sẽ được chôn trong lăng tẩm, nhưng thử nhìn xem số phận các lăng mộ đế vương Nam Tống Bắc Tống giờ đây thế nào? Không phải đều bị người Hồ dẹp bằng đó ư? Ta làm hoàng đế, lúc tại vị có văn thần võ tướng bảo hộ, chết rồi chôn trong hoàng lăng, dù có cắt đặt đại quân canh giữ, nhưng sớm muộn cũng có ngày nước mất nhà tan, việc thay triều đổi đại là định số trong lẽ tuần hoàn của thiên đạo, không thể bàn cãi, nhưng chết người nhất là sau này lại mất nước vào tay lũ người Hồ. Giờ chúng ta đang bình định Hồ Lỗ, lũ con cháu đời sau của chúng một khi đắc thế, chắc chắn sẽ không ngại ngấn gì trả mối hận hôm nay, vậy hoàng lăng mà ta và con cháu nhập táng há chẳng phải... đều bị lũ gian tặc đào bới lên mà quật thây thiêu cốt hay sao?


Nhớ đến cảnh tượng hoang phế của lăng tẩm hoàng gia nhà Tống, rồi lại nghĩ đến số phận bản thân trong tương lai, Chu Nguyên Chương không khỏi lạnh người, dù có lên ngôi hoàng đế cũng chẳng thấy gì vui sướng. Chu Nguyên Chương biết Lưu Bá Ôn tinh thông thuật phong thủy, bèn hỏi ông trên đời này có cách gì khiến cho hoàng lăng vĩnh viễn không bị người Hồ đào lên phá hủy hay không ?


Lưu Bá Ôn nói ngài nghĩ ngợi xa xôi quá, giờ việc cần suy tính là làm sao giành lấy thiên hạ, chuyện hoàng lăng hãy để khi đại nghiệp thành tựu hãy tính toán cũng không muộn, chuyện này xin cứ yên tâm, đến lúc ấy, nhất định sẽ thay chúa công nghĩ ra một biện pháp ổn thỏa.


Vì bấy giờ đại chiến đang ở trước mắt, chuyện này bảo dừng là dừng, rồi cũng cứ thế qua đi, sau này Nam chinh Bắc chiến trước sau vẫn không có cơ hội nhắc lại, mãi tới khi Chu Nguyên Chương ngồi lên ngai vàng, trở thành Thái Tổ khai quốc của Đại Minh. Theo lệ cổ, khi thiên tử các triều đăng cơ, lập tức phải chuẩn bị hoàng lăng cho chính mình trước nhất, những chuyện khác đều gác cả lại, từ việc lựa chọn long mạch đến quy mô bố cục của hoàng lăng đều là chuyện lớn hàng đầu của quốc gia, không thể qua quýt sơ sài.


Hoàng đế Hồng Võ triệu kiến Lưu Bá Ôn, nhắc lại chuyện năm xưa, nói rằng nhiệm vụ xây dựng hoàng lăng này nhất thiết phải do Lưu Bá Ôn chủ trì sách hoạch, hoàng lăng của vương triều Đại Minh, tuyệt đối không thể để cho người Hổ đào bới.


Lưu Bá Ôn năm ấy hứa suông một câu, đến khi việc rơi xuống đầu vẫn thấy hoang mang không chắc chắn, đột nhiên hai hàng lông mày nhíu lại, kế sách lóe lên trong đầu, liền xin hoàng thượng thư thư cho mười ngày, mười ngày sau nhất định sẽ dâng kế sách lên.


Hồng Võ đế kiên nhẫn đợi thêm mười ngày, quả nhiên mười ngày sau, Lưu Bá Ôn lên điện, sau khi bái lạy theo đúng phép quân thần, liền lấy ra một bức tranh, nói: "Việc xây dựng hoàng lăng Đại Minh, không thể không nhờ vào bức tranh này."


Chu Nguyên Chương còn tưởng đấy là một tấm bản đó phong thủy của hoàng lăng, tức thì mặt rồng cả vui, vội bảo nội thị đón lấy mang đến cho mình ngự lãm, chẳng ngờ khi mở trục cuộn ra xem, ông ta hết sức ngạc nhiên, hoàn toàn không hiểu ý tứ bức tranh này là gì, liền mở miệng vàng động lời ngọc hỏi: "Lưu ái khanh, bức tranh này của khanh... có ý gì vậy?"


Lưu Bá Ôn tâu: "Hồi bẩm bệ hạ, việc tu tạo hoàng lăng không phải chuyện nhỏ, thần đây tài hèn sức mọn, chỉ sợ phụ kỳ vọng của thánh thượng, ngộ nhỡ xảy ra sai sót gì, thực là chết vạn lần cũng không đền hết tội."


Sau đó Lưu Bá Ôn lại tiến cử một vị kỳ nhân với hoàng đế Hồng Võ, người này thân mang dị thuật, thông thiên hiểu địa, thừa sức đảm nhiệm trọng trách xây dựng hoàng lăng. Nhưng y vốn là người ẩn dật trong núi sâu, sợ rằng sẽ tìm cớ thoái thác, vậy nên họ Lưu mới hiến lên bức họa này, khi triệu kiến y vào cung, trước tiên cứ nói rõ ý định trước, sau đó bất luận y có nhận lời hay không, cứ đưa bức tranh này ra, chắc chắn y không còn dám thoái thác nữa.


Hồng Vũ hoàng đế nửa tin nửa ngờ, lập tức sai người mời vị cao nhân được Lưu Bá Ôn tiến cử đến, người này tên là Phong Vương Lễ, vốn là ẩn sĩ luyện đơn ở vùng Ba Thục, cũng thường hay đào mồ đổ đấu, chuyên thích tìm kiếm những sách cổ về luyện đơn.


Phong Vương Lễ được vời lên điện Kim Loan, biết được hoàng đế muốn sai ông ta tu tạo hoàng lăng, nhưng từ xưa đã có câu "làm bạn với vua như chơi với hổ", đây là việc rất dễ rơi đầu, ông ta đời nào chịu nhận lời, vội hoảng hốt chối rằng mình không thông hiểu tang chế, cũng không biết thuật tầm long, ý chừng muốn thoái thác công việc này.


Chu Nguyên Chương thấy quả đúng như Lưu Bá Ôn dự đoán, liền bảo người mang cuộn tranh kia ra cho Phong Vương Lễ xem. Phong Vương Lễ vừa nhìn thấy bức vẽ, liền kinh hồn bạt vía lập tức quỳ xuống trước điện, luôn miệng cầu xin: "Hoàng thượng thứ tội, thảo dân thực đáng muôn chết."


Thì ra trong bức họa của Lưu Bá Ôn có vẽ một vách đá cheo leo hiếm trở, bên trên có rát nhiều quan tài treo. Trong tranh có mấy tên trộm mộ, một tên đang ôm lấy nắp quan tài bằng gỗ tùng còn nguyên cả vảy ra sức lay chuyển, rõ ràng là vừa bậy được nắp quan; một tên khác bám trên vách đá dựng đứng, cắm dây thừng tròng vào cổ cái xác, kéo xác ông lão trong quan tài ngồi thẳng dậy; ngoài ra, còn hai tên khác ngổi chồm hỗm bên cạnh quan tài, ôm ra từng miếng "giáp cốt", trên giáp cốt đầy hình vẽ trăng sao và chữ triện cổ.


Bên cạnh bức họa có chú một hàng chữ "Quan Sơn đạo cốt đồ", Phong Vương Lễ nhìn tranh này mà kinh hồn khiếp đảm, thì ra cảnh tượng trộm mộ trong tranh, chính là hành vi của tổ tiên nhà ông ta.


Nhà họ Phong là danh gia vọng tộc tiếng tăm ở địa phương, bao đời đều cư trú ở vùng hẻm núi Quan Tài thuộc Vu Sơn. Hẻm núi này địa hình hiểm trở, có rất nhiều quan tài treo từ thời thượng cổ, nhà họ Phong chính nhờ trộm được rất nhiều thiên thư, dị khí trong hẻm núi Quan Tài này mà phát tích, học được vô số thuật phù thủy đã thất truyền, rồi dần dần đắm chìm si mê với thuật luyện đan.


Đến giai đoạn cuối Nguyên đầu Minh, truyền đến đời Phong Vương Lễ, ông ta tự xưng là Quan Sơn thái bảo, ỷ mình tinh thông thuật Quan Sơn chi mê, đi khắp nơi bí mật đào trộm sơn lảng. Thực ra, nhà họ Phong không thiếu tiền, động cơ trộm mộ của những người này chủ yếu là nhằm vào các kinh sách cổ giấu trong mộ mà thôi. Khi nhìn tháy bức Quan Sơn đạo cốt đồ, Phong Vương Lễ ngỡ rằng hành động bí mật của gia tộc đã bại lộ, kinh động đến thiên tử, phen này ắt khó thoát họa diệt môn, vả lại, chuyện này xưa nay chưa bao giờ để người ngoài biết, điều này chứng tỏ bên cạnh hoàng thượng có cao nhân nắm rõ ngọn ngành chuyên gia tộc nhà mình đi trộm mộ, rốt cuộc, ông ta đành nhận lời Hồng Vũ hoàng đế đi thiết kế hoàng lăng.


Thời điểm ấy, Lưu Bá Ôn đã có ý rút lui khỏi việc triều chính, nhưng vì vướng vào việc xây dựng hoàng lăng mà không thoát thân được. Ông ta nhớ ra trên đời này còn một đám Quan Sơn thái bảo, cực kỳ tinh thông thuật Độn Giáp, liền đẩy luôn công việc "khó sai hoàng gia" này lên đầu bọn họ. Nhưng Lưu Bá Ôn coi như vẫn còn nể mặt, nên chỉ đặt tên bức tranh là "Quan Sơn đạo cốt", chứ không nói trắng ra là "Quan Sơn đạo mộ.


Nhà họ Phong chuyên nghiên cứu các loại kỳ môn dị thuật, thủ đoạn hành sự vượt xa tưởng tượng của người thường, hơn nữa còn nắm được rất nhiều bí thuật phong thủy từ các kinh thư viết bằng chữ giáp cốt, bởi vậy, kiến thức về kết cấu lăng mộ và địa điểm lựa chọn để xây lăng đều có chỗ độc đáo riêng, khiến hoàng đế Hồng Vũ vô cùng hài lòng, ban cho Phong Vương Lễ và mấy đệ tử của ông ta thẻ bài vàng ròng, từ đấy trở đi được tự xứng là Quan Sơn thái bảo, ở bên cạnh hoàng đế chuyên trách việc kiến tạo lăng mộ cho hoàng gia.


Hoàng đế Hồng Võ xuất thân từ giai cấp thấp của xã hội, rất am hiểu phong tục trong dân gian, ngài hỏi Phong Vương Lễ, cho dù hoàng lăng không bị người Hồ đào trộm, nhưng cũng chưa chắc đã dứt hẳn mối lo, vì người Hán chúng ta cũng không phải hạng tử tế gì, nghe nói từ thời xưa, thế gian đã có chuyện "phá gò mò vàng", nếu những người này có ý đồ với hoàng lăng Đại Minh thì phải làm sao?


Phong Vương Lễ đáp, thần cho rằng những kẻ đào mồ đổ đấu trong dân gian ấy, không chỉ riêng bọn Phát Khưu Mô Kim, mà cả Ban Sơn Xả Lĩnh cũng có thủ đoạn đào trộm hoàng lăng. Ban Sơn đạo nhân sở trường đạo sinh khắc, hành tung ẩn mật khó dò, nhiều năm nay hiếm khi tiếp xúc với người ngoài, nhưng bọn họ đào trộm mộ chỉ vì tìm kiếm đan châu, miễn là trong hoàng lăng không chôn theo các loại kim đơn linh dược, Ban Sơn đạo nhân sẽ tuyệt không có ý đồ đào bới, không đáng lo ngại; còn bọn giặc Xả Lĩnh đa phần là lũ thảo khấu lục lâm, khi hợp khi tan, chuyên đào phá các lăng mộ lớn, cũng là khó đề phòng nhất, lại thường có ý mưu phản, chỉ có cách phái quan quân đi lùng bắt tiêu diệt, nhổ cỏ tận gổc, đoạn tuyệt hương hỏa của chúng mới là thượng sách.


Ngoài ra, còn đám Phát Khưu Mô Kim, thực ra là một mạch, cực kỳ tinh thông đạo phong thủy tầm long, thủ lĩnh Mô Kim gọi là Phát Khưu Thiên Quan, bọn này cầm theo ấn phù từ thời Hậu Hán, bên trên đúc tám chữ "Thiên Quan Tứ Phúc, Bách Vô Cấm Kỵ", tầm long đổ đấu không gì không làm, nhưng bọn chúng cực kỳ xem trọng quy củ của tổ sư gia truyền lại, không có ấn Phát Khưu và bùa Mô Kim thì không đổ đấu, vì vậy muốn đối phó với chúng, cần hủy đi ấn phù tín vật của chúng trước, khiến thuật Mô Kim không còn tồn tại trên thế gian nữa, như vậy có thể một lần ra công suốt đời nhàn nhã, không lo hậu hoạn.


Hoàng đế thấy có kế hay như vậy, tức thời mặt rồng hoan hỷ, liền hạ thánh chỉ, các đời hoàng đế nhà Minh đều nghiêm cấm việc đổ đấu trộm mộ. Có điều, tung tích của Phát Khứu Mô Kim, Ban Sơn Xả Lĩnh rải rác khắp thiên hạ, triều đình cũng không có biện pháp đối phó triệt để, đến tận những năm Vĩnh Lạc, mới có cơ hội hủy đi ấn Phát Khưu và bảy miếng bùa Mô Kim, nhưng trên đời vẵn còn ba miếng bùa Mô Kim không biết ở đâu, đối với đám trộm cướp Xả Lĩnh cũng đã nhiều lần tiễu trừ mà không hết được; có điều, những hành động này vẫn có hiệu quả nhất định, suốt giai đoạn giữa thời Minh, chuyện đào mổ đổ đấu quả có một độ lắng hẳn xuống.


Quan Sơn thái bảo được triều đình trọng dụng, đi theo hoàng thất từ Nam Kinh đến Bắc Kinh, luôn ở trong cung cấm nghe lệnh. Xây dựng hoàng lăng là việc cơ mật rất lớn nên không dám tuyên truyền ra ngoài, cho đến những năm Vạn Lịch, thủ lĩnh Quan Sơn thái bảo chính là Địa Tiên Phong Soái Cổ, người này có tài thông thiên triệt địa, lại vô cùng say mê thuật phong thủy tinh tướng. Ông ta nhận ra tổ tiên mình xây dựng hoàng lăng của Đại Minh kín kẽ trăm điều nhưng lại bỏ sót mất một chuyện, sơ suất không cải táng mộ phẩn của tổ tiên Chu Nguyên Chương, đêm xem thiên tướng, thấy long khí đất ấy sắp tuyệt, liền dâng chiếu xin triều đình cho di dời tổ lăng, nhưng hoàng đế đương triều là kẻ hồ đồ, lơ là quốc sự, chẳng màng đến lời tâu của Phong Soái Cổ.


Phong Soái Cổ thấy thế đạo suy vi, thánh thượng vô đạo, nhất thời tức giận liền tìm cớ cáo bệnh về quê, trải qua hai trăm năm, triều đình sớm đã không còn để ý đến những chuyện cũ từ thời Hồng Vũ nữa, liền chấp thuận cho Phong Soái Cổ trở về cố thổ.


Cơ nghiệp nhà họ Phong ở Vu Sơn vẫn còn đó, thu nhập chủ yếu nhờ khai thác mỏ muối khoáng, nhưng Phong Soái Cổ coi tiền tài như cỏ rác, sau khi về quê nếu không đốt lò luyện thưốc thì cũng bốc quẻ bói toán, thường hay mượn cớ vân du tứ hải, dẫn thủ hạ đi khắp nơi đào trộm mộ cổ, mê đắm với việc thu thập đủ thứ kỳ trân dị bảo bồi táng trong mộ cổ các đời.


Một năm nọ, Phong Soái Cổ bỗng nhớ ra tổ tiên từng để lại một lời di huấn, cảnh cáo con cháu đời sau rằng nhà họ Phong nhờ vào trộm mộ ở hẻm núi Quan Tài, lấy được Độn Giáp thiên thư trong quan tài treo mà phát tích trở thành hào môn vọng tộc, nhưng số lượng quan tài treo ở hẻm núi Quan Tài này há chỉ có hàng nghìn hàng vạn? Ở sâu trong núi, còn có một lăng mộ quy mô khổng lổ, nhưng tuyệt đối không được đụng đến ngôi mộ ấy, bằng không ắt sẽ chuốc lấy họa diệt tộc, vì trong mộ có chôn "thi tiên".


Phong Soái Cổ sẵn chứng nghiện trộm mộ, lại thường có ý "tìm tiên", vì vậy một khi ý đồ đã nổi lên, dẫu có mười vạn Kim Cương La Hán cũng không hàng phục nổi. Ông ta vừa nghĩ đến chuyện ngay trước cửa nhà mình có một ngôi mộ cổ Ô Dương vương hết sức thần bí, liền bỏ ngoài tai lời huấn thị của tổ tiên, lập tức dẫn theo thủ hạ vào núi trộm mộ. Không ngờ, trong mộ cổ Ô Dương vương ấy, Phong Soái Cổ đã nhìn thấy những thứ mà ông ta có nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom