• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Lolita (4 Viewers)

  • Chương 43

Về một cuốn sách nhan đề Lolita [1]
[1] Hậu từ này được viết cho The American Review khi tạp chí này đăng nhiều trích đoạn dài từ Lolita. Đây là lần đầu Lolita được giới thiệu với độc giả Mĩ, hai năm sau khi xuất bản tại Pháp. Năm 1958, nhà xuất bản Putnam in toàn bộ tác phẩm, đã đưa hậu từ này vào như một bộ phận cùa tổng thể, và từ đó, các lần tái bản sau đều làm như thế.
Sau khi tôi mượn cái tên ngọt ngào của John Ray, nhân vật đã thảo “Lời nói đầu” cho Lolita, bất cứ bình luận nào trực tiếp từ tôi đều có thể bị mọi người - thực tế là bị chính tôi - ngờ là một sự mạo danh Vladimir Nabokov nói về sách của mình. Tuy nhiên, có một số điểm cần được làm sáng tỏ; và thủ pháp tự truyện có thể khiến cho mô phỏng và nguyên mẫu hòa lẫn vào nhau.
Các thầỵ giáo giảng dạy văn học có thể nghĩ ra những vấn đề như “Mục đích mà tác giả nhắm tới là gì?” hoặc tệ hơn “Tay này định nói gì?” Vậy mà tôi lại thuộc cái loại tác giả mà hễ dốc sức bắt tay vào một cuốn sách là không có mục đích nào khác ngoài việc dứt bỏ cuốn sách đó và khi có ai đề nghị giải thích nguồn gốc và sự phát triển của nó, thường phải dựa vào những cụm tù cổ lỗ như Tương Tác giữa Cảm Hứng và Kết Hợp - khác nào một nhà ảo thuật giải thích một trò này bằng cách biểu diễn một trò khác, tôi thừa nhận thế.
Nhịp đập phập phồng đầu tiên của Lolita sẽ sàng thót lên trong tôi vào quãng cuối năm 1939 hay đầu năm 1940 gì đó, hồi tôi nằm liệt giường; vì một cơn đau thần kinh liên sườn nghiêm trọng ở Paris. Trong tầm trí nhớ của tôi, thoáng run rẩy sơ khởi của cảm hứng, cách nào đó, được dấy lên bởi một bài báo về câu chuyện một con khỉ ở Vườn Bách Thảo, sau nhiều tháng được một nhà khoa học khéo léo dỗ dành, đã sản sinh ra bức họa chì than đầu tiên được sáng tạo bởi một con thú: bức kí họa này thể hiện những song sắt rào quanh chuồng con vật tội nghiệp. Xung động mà tôi ghi nhận không có liên quan gì về phương diện văn bản với dòng ý nghĩ tiếp sau đó, tuy nhiên chuỗi ý nghĩ này dẫn đến một mẫu gốc đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết của tôi, một truyện vừa khoảng ba mươi trang [2]. Tôi viết nó bằng tiếng Nga, ngôn ngữ mà tôi đã dùng để viết tiểu thuyết từ năm 1924 (những cuốn hay nhất trong số đó chưa được dịch sang tiếng Anh [3] và tất cả đều bị cấm ở Nga vì lí do chính trị). Nhân vật nam là một người Trung Âu, tiểu nữ thần không tên là người Pháp, và chuyện xảy ra ở Paris và Provence. Tôi đã cho anh ta lấy người mẹ bệnh tật của cô gái và ít lâu sau, bà này chết. Và sau lần mưu toan cưỡng đoạt cô gái mồ côi trong một phòng khách sạn không thành, Arthur (vì đó là tên anh ta) lao đầu dưới bánh xe của một chiếc xe tải. Một đêm trong thời kì chiến tranh, dưới ánh sáng của một ngọn đèn che giấy xanh, tôi đã đọc truyện này cho một nhóm bạn nghe - Mark Aldanov, hai nhà cách mạng xã hội và một nữ bác sĩ; nhưng tôi không hài lòng với cái đó và đã hủy nó [4] ít lâu sau khi rời sang Mĩ vào năm 1940.
[2] Tác phẩm này được in bằng tiếng Anh, theo bản dịch của Dmitri Nabokov, sau khi Vladimir Nabokov qua đời dưới nhan đề The Enchanter (Kẻ mê hoặc). Nabokov đã không hủy nó như ông nói ở cuối đoạn này.
[3] Điều này đến nay không còn đúng nữa vì “những cuốn hay nhất” của Nabokov đều đã được dịch sang tiếng Anh.
[4] Như đã nói ở chú thích trên đây, Nabokov đã không hủy bản thảo đó. Năm 1961, khi soạn lại đống giấy tờ đồ sộ cùa ông, bất ngờ lòi ra năm mươi tư trang đánh máy, thay vì ba mươi trang như ông nói.
Vào quãng năm 1949, ở Ithaca, phía Bắc bang New York, nỗi phập phồng chưa bao giờ dứt hẳn ấy, lại bắt đầu hành hạ tôi. Kết hợp liên minh với cảm hứng cùng niềm hăng say mới thúc đẩy tôi lao vào xử lí chủ đề đó theo một cách mới, và lần này bằng tiếng Anh - ngôn ngữ của nữ gia sư đầu tiên của tôi ở St. Petersburg, vào khoảng năm 1903, một Miss Rachel Home. Thực tế, tiểu nữ thần giờ đây đa phần vẫn nguyên là cô bé ban đầu, thêm tí máu Ailen trong huyết quản và ý tưởng cơ bản lấy-mẹ-nhằm-con cũng vẫn tồn tại; nhưng ngoài ra, cái đó đã hoàn toàn mới và bí mật mọc ra móng vuốt và đôi cánh của một tiểu thuyết.
Cuốn sách phát triển chậm chạp, với những quãng ngắt và vòng vèo. Tôi đã mất khoảng bốn mươi năm để bày đặt nước Nga và Tây Âu, v;ì giờ tôi đứng trước nhiệm vụ bày đặt nước Mĩ. Việc thủ đắc những chất liệu địa phương khả dĩ giúp tôi có thể truyền được một li leo liều lượng “thực tế” (một trong những từ ít ỏi chỉ có nghĩa khi đặt giữa ngoặc kép) vào mẻ pha chế của tưởng tượng cá nhân, ở tuổi năm mươi, tỏ ra là một quá trình khó khăn hơn nhiều so với hồi trai trẻ ở Châu Âu, khi mà khả năng tự động tiếp thu và lưu giữ trong bộ nhớ đang ở độ tối ưu. Trong khi đó lại có những cuốn sách khác xen vào. Một đôi lần, suýt thì tôi đã đốt bản thảo viết dở và mang nàng Juanita Dark của tôi đến tận chỗ cái lò thiêu đổ bóng nghiêng nghiêng trên bãi cỏ thơ ngây, nhưng rồi ý nghĩ lo ngại rằng bóng ma của cuốn sách bị hủy sẽ ám những hồ sơ của mình suốt phần đời còn lại, nó đã ngăn tôi lại.
Mùa hè năm nào, vợ chồng tôi cũng đi săn bướm. Các tiêu bản được kí thác ở những cơ sở khoa học như Bảo tàng Động vật học So sánh tại Harvard hoặc Bộ Sưu tập của trường Đại học Cornell. Những tấm nhãn ghim dưới mỗi loại bướm ghi rõ nơi bắt được sẽ là một đặc ân cho một số học giả thế kỉ hai mươi mốt ưa chuộng các tiểu sử bí hiểm. Chính ở những nơi chúng tôi chọn đóng “đại bản doanh” như Telluride ở bang Colorado, Afton ở bang Wyc ning, Portal ở bang Arizona, và Ashland ở bang Oregon, tôi đã miệt mài viết tiếp Lolita vào những buổi tối hay những ngày trời đầy mây. Tôi hoàn thành việc chép tay lại bản thảo vào mùa xuân năm 1954 và lập tức bắt đầu chạy vạy kiếm người xuất bản.
Thoạt đầu, cheo lời khuyên của một người bạn già thận trọng, tôi nhún đến mức nêu rõ yêu cầu là cuốn sách khi ra mắt, sẽ không mang tên tác giả. Không lâu sau đó, hiểu ra rằng càng che giấu càng dễ lộ tẩy, tôi quyết định kí tên thật vào Lolita và tôi chắc mình sẽ không bao giờ hối tiếc về quyết định đó. Bốn ông chủ xuất bản Mĩ, W,X, Y, Z, mà tôi lần lượt đem bản thảo đánh máy đến mời chào để các biên tập viên của họ đọc lướt qua, đều bị sốc bởi Lolita tới độ mà cả đến ông bạn già F. P. thận trọng của tôi cũng không ngờ.
Nếu quả thật là ở châu Âu thời cổ, thậm chí cho đến tận thế kỉ mười tám (có thể thấy các thí dụ hiển nhiên ở Pháp), chất dâm cố tình không phải là không tương hợp với những lóe chớp hài kịch, hoặc với sự trào lộng khỏe khoắn, hoặc thậm chí với nhiệt hứng của một nhà thơ lớn đang trong tâm thái nghịch ngợm, thì mặt khác, cũng đúng là trong thời hiện đại, từ “dâm thư” thường hàm nghĩa tầm thường, sặc mùi thương mại và kèm theo một số qui tắc tự sự chặt chẽ. Sự tục tĩu phải giao phối với tính tầm thường bởi vì mọi thứ khoái cảm mĩ học đều phải nhường chỗ hoàn toàn cho một kích thích tình dục và kích thích đó đòi hỏi phải được diễn tả bằng cái từ cổ truyền để tác động trực tiếp đến con bệnh. Người viết dâm thư phải tuân theo các qui tắc cổ cứng nhắc để đảm bảo sao cho con bệnh của mình cảm thấy thỏa mãn y hệt như những người mê truyện trinh thám chẳng hạn - loại truyện mà nếu ta không cảnh giác, hung thủ đích thực có thể hóa ra là tính độc đáo nghệ thuật khiến người đọc ngán ngẩm (ai, chẳng hạn thế, lại đi muốn một tiểu thuyết trinh thám không có lời đối thoại nào?). Như vậy, trong tiểu thuyết con heo, hành động bị hạn chế ở mức giao phối của các khuôn sáo. Bút pháp, cấu trúc, hình ảnh không bao giờ được làm cho độc giả lãng khỏi cơn khát dục nửa vời của mình. Cuốn tiểu thuyết phải gồm một chuỗi gián cách những cảnh tình dục. Những đoạn xen vào giữa chỉ nên là các mối hàn ráp nối cho mạch lạc, những nhịp cầu lô-gích với thiết kế đơn giản nhất, những trình bày và giải thích ngắn gọn, mà người đọc có lẽ sẽ nhảy cóc bỏ qua song vẫn cần biết là chúng có ở đó để khỏi cảm thấy bị ăn gian (một tâm lí bắt nguồn từ thông lệ của những truyện cổ tích “có thật” thời ấu thơ). Ngoài ra, các cảnh tình dục trong sách phải dần dần tăng cường độ, với những biến tấu mới, những kết phối mới, những giới tính mới và số người tham gia mỗi lúc một đông hơn (trong một vở kịch của Sade, họ gọi cả người làm vườn vào) và do đó, đoạn cuối sách phải ngập tràn ái tình dâm dật hơn các chương đầu.
Một số kĩ thuật trong phần mở đầu của Lolita (chẳng hạn, nhật kí của Humbert) đã khiến một số độc giả đầu tiên của tôi lầm tưởng rằng đây sẽ là một cuốn dâm thư. Họ chờ đợi một chuỗi cảnh khiêu dâm mỗi lúc một táo tợn hơn; khi những cảnh đó ngừng lại, độc giả cũng ngừng lại và cảm thấy chán ngán và thất vọng. Tôi đồ rằng đó là một trong những lí do khiến cho không phải tất cả bốn nhà xuất bản đều đã đọc bản thảo đánh máy từ đầu đến cuối. Họ có thấy nó dâm dật hay không, điều đó không làm tôi quan tâm. Việc họ từ chối mua cuốn sách không phải do cách tôi xử lí chủ đề, mà là do bản thân chủ đề, vì có ít nhất ba chủ đề cực kì phạm húy, theo quan điểm của các nhà xuất bản Mĩ. Hai chủ đề khác là: một đám cưới hỗn chủng Da Đen - Da Trắng hóa ra lại thành công mĩ mãn và vẻ vang với kết quả là con đàn cháu đống; và một người vô thần hoàn toàn lại sống một cuộc đời hạnh phúc và hữu ích, và ra đi trong giấc ngủ ở tuổi 106.
Có một số phản ứng rất ngộ: một biên tập viên gợi ý rằng nhà xuất bản của ông ta có thể xét đến việc in tác phẩm nếu tôi đổi Lolita của tôi thành một chú bé mười hai tuổi bị Humbert, một nông dân, quyến rũ ở một kho chứa lúa giữa cánh đồng hoang vu khô cằn, toàn bộ ý này được diễn đạt bằng những câu “hiện thực” ngắn gọn, mạnh mẽ (“Hắn ta hành động điên rồ. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hành động điên rồ. Chúa cũng hành động điên rồ”, vân vân). Mọi người đều biết tôi rất ghét dùng biểu tượng và ngụ ngôn (phần vì mối hiềm cũ của tôi với cái trò tà giáo của Freud, phần vì tôi kinh tởm những khái quát hóa do các nhà huyền thoại học và xã hội học văn học chế ra), vậy mà một biên tập viên thông minh về các mặt khác, nhưng trong trường hợp này, mới đọc lướt phần đầu đã nhận định Lolita là “Châu Âu già hủ hóa châu Mĩ trẻ”, trong khi một tay đọc lướt khác lại thấy trong đó hình ảnh của “Châu Mĩ trẻ hủ hóa châu Âu già”. Ông chủ nhà xuất bản X hồn nhiên viết cho tôi rằng Phần Hai quá dài - các cố vấn của ông chán ngấy Humbert đến nỗi không đủ kiên nhẫn để đọc quá trang 188. Còn ông chủ nhà xuất bản Y thì lại tiếc rằng không có người tốt nào trong cả cuốn sách. Ông chủ nhà xuất bản z nói nếu ông in Lolita thì cả ông lẫn tôi đều sẽ đi tù.
Không thể trông chờ nhà văn nào ở một nước tự do bận tâm về ranh giới chính xác giữa cái gợi dục và cái nhục dục; điều đó là vô lí; tôi chỉ có thể khâm phục chứ không thể ganh đua với độ chính xác trong nhận định của những người sắp xếp chụp ảnh các động vật có vú trẻ đẹp để đưa lên các trang họa báo sao cho đường cổ áo vừa đủ thấp để khiến một bậc thầy của quá khứ khúc khích cười và vừa đủ cao để làm một tay trưởng bưu cục [5] không phải cau mày. Tôi chắc có những độc giả thấy nhồn nhột khoai khoái với những từ nhảm viết bậy trên tường được trưng lên trong những cuốn tiểu thuyết to đùng, tầm thường hết cách chữa, do những kẻ xoàng xĩnh đánh máy chỉ bằng những ngón cái căng cứng và được những người điểm sách thuê khen là “mạnh mẽ” và “sắc sảo”. Có những tâm hồn đôn hậu tuyên bố rằng Lolita chẳng mang ý nghĩa gì hết vì nó không dạy được họ điều gì. Tôi không đọc và cũng chẳng viết các tác phẩm hư cấu dạy đời và, bất luận lời khẳng định của John Ray, Lolita không chứa bài học đạo đức nào cả. Đối với tôi, một các phẩm hư cấu chỉ tồn tại chừng nào nó đem đến cho tôi cái mà tôi gọi thẳng ra là ân phước thẩm mĩ, có nghĩa là một cảm giác về hiện hữu được kết nối ở điểm nào đó, bằng cách nào đó, với các trạng thái hiện hữu khác ở nơi mà nghệ thuật (sự hiếu kì, lòng thương yêu, nhân hậu, trạng thái mê li ngây ngất) là chuẩn mực. Những cuốn sách như thế không có nhiều. Tất cả số còn lại, hoặc là phế phẩm mang tính thời sự, hoặc là cái mà một số người gọi là văn học Ý tưởng, mà đa phần cũng là phế phẩm thời sự kết thành những khối vữa to đùng được nâng niu truyền từ thời này qua thời khác cho đến khi có ai đó mang búa đến, bổ một choác vào Balzac, vào Gorki, vào Mann.
[5] Ám chỉ việc Bưu điện Liên bang, trong một thời gian dài, từng là cơ quan kiểm duyệt chính ở Mĩ. Đồng thời, đây cũng là một ngón chơi chữ đối lập hai từ gần giống hệt nhau: "past master" (bậc thầy trong quá khứ) và “post-master" (trưởng bưu cục) - “past” trong cụm từ đầu nghĩa là ”đã qua"; “post” trong từ sau là một tiền tố có nghĩa “sau”, “hậu".
Một số độc giả còn cáo buộc Lolita là chống Mĩ. Điều này khiến tôi còn đau lòng hơn cả lời kết tội ngu xuẩn rằng đó là một cuốn sách vô luân. Những suy tính về chiều sâu và phối cảnh (một bãi cỏ ngoại ô, một đồng cỏ trên núi) khiến tôi xây dựng một số cảnh trí ở miền Bắc nước Mĩ. Tôi cần một môi trường gây phấn chấn vui vẻ. Không gì gây phấn chấn vui vẻ hơn sự phàm tục vô văn hóa. Nhưng về phương diện phàm tục vô văn hóa thì giữa cung cách Palearctic và cung cách Nearctic [6], không có gì khác biệt về bản chất. Bất kì tay vô sản nào gốc gác từ Chicago đều có thể trưởng giả (hiểu theo tinh thần của Flaubert) như một quận công. Tôi chọn các motel Mĩ thay vì những khách sạn Thụy Sĩ hay Anh chỉ vì tôi ráng là một nhà văn Mĩ và không đòi hỏi gì hơn ngoài những quyền mà các nhà văn Mĩ khác được hưởng. Mặt khác, nhân vật do tôi tạo ra, Humbert, là một người ngoại quốc và một kẻ vô chính phủ, và, ngoài sở thích tiểu nữ thần, còn có nhiều điều khác tôi bất đồng với anh ta. Và tất cả các độc giả Nga của tôi đều biết rằng những thế giới cũ của tôi - Nga, Anh, Đức, Pháp - cũng huyền hoặc và có cá tính không kém thế giới mới này của tôi.
[6] Một trong bốn vùng hệ động vật của thế giới, Holarctic (vùng Bắc Cực và ôn đới) được phân làm hai: Palearctic (châu Âu vá châu Á) và Nearctic (Bắc Mĩ).
E rằng lời bậc bạch nhỏ này có vẻ như một sự xả hơi cho hả nỗi ấm ức, tôi phải vội vàng nói thêm rằng, bên cạnh những chú cừu non hiền lành đã đọc bản thảo đánh máy của Lolita hoặc bản do Olympia Press ấn hành theo một tinh thần nghi vấn “Tại sao ông ta lại đi viết cái thứ này?” hoặc “Tại sao mình lại phải đọc về những kẻ điên khùng này?” còn có một số người minh triết, mẫn cảm và kiên định hiểu cuốn sách của tôi thấu đáo hơn cả mức mà tôi có thể giải thích về cơ cấu của nó ở đây.
Mọi nhà văn nghiêm túc, tôi dám chắc, đều ý thức về cuốn sách đã xuất bản này, nọ của mình như một hiện diện thường trực ấm lòng. Ngọn đèn báo của nó vẫn không ngừng sáng đâu đó trong tầng hầm và chỉ một chạm nhẹ vào bộ điều nhiệt tự động bí mật của ta là lập tức làm bùng lên một chút hơi ấm yên bình quen thuộc. Sự hiện diện ấy, ngọn lửa nhỏ ấy của cuốn sách ở một nơi heo hút song bao giờ cũng có thể tới được là một cảm giác hết sức thân thiện và cuốn sách càng tuân theo mĩ mãn màu sắc và đường nét đã hình dung trước, ngọn lửa ấy càng tỏa rộng và mượt mà hơn. Nhưng ngay cả như vậy, vẫn có một số điểm, một số đường vòng, một số hốc ưa thích mà ta gọi lên một cách háo hức hơn và tận hưởng một cách trìu mến hơn phần còn lại của cuốn sách. Kể từ khi sửa bản in thử vào mùa xuân năm 1955, tôi đã không đọc lại Lolita, nhưng tôi vẫn thấy nó là một hiện diện thú vị, khi mà nó ở quanh quất đâu đây trong nhà, tựa như một ngày hè mà ta biết là đang hừng lên rực rỡ đằng sau màn sương mỏng. Và khi nghĩ như vậy về Lolita, dường như bao giờ tỏi cũng chọn ra để thưởng thức một cách đặc biệt những hình ảnh như Mr Taxovich [7], hay bản danh sách lớp học của Lo ở trường Ramsdale, hay Charlotte nói “waterproof” [8], hay Lolita chầm chậm tiến về phía những món quà của Humbert, hay những bức tranh trang trí cho căn gác xép cách điệu của Gaston Godin [9], hay ông thợ cạo ở Kasbeam [10] (ông ta làm tôi mất cả một tháng trời làm việc), hay Lolita chơi quần vợt [11] hay bệnh viện ở Elphinstone [12], hay Dolly Schiller yêu dấu trắng nhọt, bụng mang dạ chửa, không cách chi giành lại được, chết ở Gray Star (thủ phủ của cuốn sách này), hay tiếng lanh tanh từ cái thị trấn nhỏ náu duới thung lũng dâng lên đến tận con đường núi (nơi tôi bắt được mẫu đầu tiên từng được biết của con cái giống bướm Lycaeides sublivens Nabokov). Đó là những thớ thần kinh của cuốn tiểu thuyết. Đó là những điểm bí mật, những tọa độ ngầm dựa vào đó cốt truyện của cuốn sách được dựng nên - mặc dù tôi ý thức rất rõ rằng những người bắt đầu đọc cuốn sách này với cảm giác đây là một cái gì thuộc loại Hồi ức của một gái làng chơi hay Les Amours de Milord Grosvit (Những cuộc tình của Milord Grosvit), sẽ lướt qua, hoặc không nhận thấy, hoặc thậm chí không bao giờ để mắt tới, những cảnh đó và một số cảnh khác. Đúng là cuốn tiểu thuyết của tôi có chứa đựng nhiều ám chỉ khác nhau đến những thôi thúc sinh lí của một kẻ đồi trụy. Nhưng chung qui, chúng ta đâu phải là trẻ con, đâu phải là những tội phạm vị thành niên thất học, cũng đâu phải là những chú bé học sinh trường tư bên Anh sau một đêm đú đởn chơi trò tình dục cùng giới, lại phải cam chịu cái nghịch lí là đọc các nhà Cổ đại trong các bản lược giản.
[7] Maximovich, viên đại tá Bạch vệ Nga lưu vong, trở thành tài xế lái taxi ở Paris, yêu mê cuồng Valeria, người vợ đầu của H. H. (xem chương 5, Phần Một).
[8] Khi Jean Farlow nhận xét là H. H. xuống bơi mà không tháo đồng hồ tay, Charlotte nói để bạn yên tâm rằng đó là đồng hồ không ngấm nước, một điều kì diệu của công nghệ hiện đại. '"Waterproof, Charlotte khẽ nói, chúm môi như mồm cá" (xem chương 20, Phần Một). Từ này trở lại trong đầu H. H. khi Lolita, lúc này đã là Dolores Schiller bụng mang dạ chửa, cuối cùng, thốt ra cái tên của kẻ đã bắt cóc cô. “Waterproof. Tại sao một hình ảnh của Hè Hourglass lại lóe lên như một ánh chớp trong tâm thức tôi?” (chương 29, Phần Hai).
[9] Xem Chương 6, Phần 2
[10] Ông già nói về người con trai chết từ ba mươi năm trước như thể anh ta còn sống (xem chương 16, Phần Hai).
[11] Nếu H. H, có khi nào thành công trong việc “xác định dứt khoát cái ma thuật nguy hiểm chết người cùa tiểu nữ thần” (xem chương 29, Phần Một), thì chính là ở cảnh này (xem chương 29, Phần Một.
[12] Nơi Quilty đoạt Lolita khỏi tay H. H. - điều đáng chú ý là những hình ảnh mà tác giả “chọn ra để thưởng thức một cách đặc biệt” như nói ở trên, không hề là thuần túy nhục dục.
Nghiên cứu một tác phẩm hư cấu nhằm thu thập thông tin về một nước, hay về một giai cấp xã hội, hay về tác giả, thì thật là trẻ con. Vậy mà một trong số bạn thân rất ít ỏi của tôi, sau khi đọc xong Lolita, đã thành thật lo ngại về việc tôi (tôi!) phải sống “giữa những con người đáng thất vọng đến thế” - trong khi điều bất tiện duy nhất tôi phải chịu là sống trong xưởng làm việc của mình giữa đống chân tay thải bỏ và những tượng bán thân dở dang.
Sau khi Olympia Press ở Paris xuất bản cuốn sách, một nhà phê bình Mĩ nêu ý kiến rằng Lolita là kí sự về cuộc tình của tôi với tiểu thuyết lãng mạn. Nếu thay cụm từ “tiểu thuyết lãng mạn” bằng “tiếng Anh” thì sẽ khiến công thức sang nhã ấy chính xác hơn. Nhưng đến đây, tôi cảm thấy giọng mình rít lên một độ cao quá ư là ghê tai. Không một người bạn Mĩ nào của tôi từng đọc những sách viết bằng tiếng Nga của tôi và do vậy, mọi đánh giá về những sách viết bằng tiếng Anh của tôi rất khó mà rõ nét được. Bi kịch riêng tư của tôi, vốn dĩ không thể và thực ra không nên liên quan đến bất kì ai, là phải bỏ đặc ngữ tự nhiên của tôi, tiếng Nga phóng khoáng, phong phú và cực kì dễ khiển của tôi để dùng một thứ tiếng Anh hạng hai, thiếu mọi phụ tùng - gương nhiễu, phông nền bằng nhung đen, những liên tưởng và truyền thống hàm ẩn - mà nhà ảo thuật bản địa, vạt áo đuôi tôm phấp phới, có thể sử dụng một cách thần diệu để vượt lên di sản theo cách của riêng mình.
12 tháng Mười một năm 1956






 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom