• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

New Liêu Trai Chí Dị II (3 Viewers)

  • Chương 48

Nhạc Trọng người Tây An (tỉnh thành Thiểm Tây), cha chết lúc mẹ còn mang thai, sau mới sinh Trọng. Mẹ chuộng đạo Phật, không ăn mặn uống rượu. Trọng lớn lên thích uống rượu, ưa ăn nhậu, trong lòng thầm cho là mẹ không phải, cứ đem các thức béo ngon dâng mẹ, nhưng mẹ đều nhổ ra. Sau mẹ bệnh sắp chết lại thèm ăn thịt, Trọng trong lúc gấp gáp không biết tìm đâu ra bèn cắt thịt ở đùi trái nấu nướng dâng lên. Mẹ khỏi bệnh, hối hận vì phá giới, bỏ ăn mà chết. Trọng càng thêm đau xót, lấy đao sắc cắt luôn thịt đùi phải nhìn thấy cả xương, người nhà xúm lại cứu, bó thuốc cho, dần dần lành lại.
Trọng thương mẹ chịu khổ giữ tiết, lại xót mẹ ngu muội theo đạo, bèn đốt tượng Phật mẹ thờ, lập bàn thờ thờ mẹ, lúc uống rượu say cứ nhìn lên khóc lóc. Năm Trọng hai mươi tuổi mới lấy vợ mà vẫn còn là đồng nam, cưới được ba ngày thì nói với người ta rằng "Việc trai gái trong phòng là nhơ nhớp nhất trên đời, ta thật không ưa" rồi bỏ vợ. Cha vợ là Cố Văn Uyên nhờ họ hàng xin Trọng cho con gái về lại, nhưng tới xin ba bốn lần mà Trọng vẫn nhất quyết không chịu, lần lữa tới nửa năm, Cố bèn gả con gái cho người khác.
Trọng ở vậy mười năm, hành vi càng thêm phóng túng, uống rượu với cả tôi tớ con hát, làng xóm có ai xin xỏ nhờ vả gì cũng không từ chối. Có người nói gả con gái mà không có nồi niêu, Trọng lập tức vào bếp bưng ra cho, từ đó cứ nấu nướng nhờ bên nhà láng giềng. Bọn vô lại biết tính Trọng, đứa thì sớm tối tới lừa dối bòn rút, đứa thì lấy việc đánh bạc hết tiền mà than thở trước mặt Trọng, kể lể chuyện nợ thúc thuế đòi, sắp phải bán vợ đợ con. Trọng nghe thấy là dốc cả tiền để dành đóng thuế ra đưa, đến khi người thu thuế tới tận nhà đòi mới lo cầm bán đồ đạc mà đóng, vì thế nhà ngày càng sa sút.
Trước kia khi Trọng giàu có thì bọn em cháu họ hàng tranh nhau phụng sự, trong nhà có vật gì cứ mặc ý cho lấy đi, cũng không tính đếm gì. Đến khi Trọng sa sút thì không mấy người tới thăm hỏi, nhưng may Trọng là người khoáng đạt nên không để bụng. Gặp ngày giỗ mẹ, Trọng mắc bệnh không ra mộ được, định sai bọn em cháu trong họ ra tế thay, đầy tớ đi nói khắp các nhà mà ai cũng tìm cớ từ chối. Trọng bèn làm lễ tế trong phòng, nhìn bàn thờ mẹ gào khóc, lo buồn về việc không có con nối dõi nên bệnh càng nặng. Trong lúc mê man thấy có người xoa bóp vỗ về hé mắt nhìn thì ra là mẹ. Giật mình hỏi sao mẹ tới đây, mẹ đáp "Vì trong nhà không có ai ra mộ cúng tế nên về đây hưởng đồ cúng, mới biết con bệnh". Trọng lại hỏi trước nay ở đâu, mẹ đáp là ở Nam Hải. Mẹ xoa bóp xong Trọng thấy tay chân mát rượi, mở mắt nhìn quanh thì không thấy ai nhưng bệnh đã đỡ nhiều.
Đến khi khỏi hẳn muốn tới Nam Hải bái yết Quan âm Bồ tát, ngặt không có ai đi cùng. Gặp lúc thôn bên cạnh có bọn người kết làm hội dâng hương đi Nam Hải lễ Phật, Trọng bán mười mẫu ruộng tới xin vào hội, nhưng họ cho rằng Trọng không ăn chay giữ giới nên không chịu, năn nỉ mãi họ mới ưng thuận. Dọc đường đi Trọng cứ ăn thịt uống rượu, nhai hành nhã tỏi nồng nặc cả phòng, mọi người càng ghét, nhân lúc Trọng ngủ say lẳng lặng bỏ đi. Từ đó Trọng đi một mình, tới địa giới đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) gặp người bạn mời đi uống rượu, trong tiệc có một danh kỹ tên Quỳnh Hoa thấy nói đi Nam Hải lễ Phật xin đi cùng cho có bạn. Trọng mừng rỡ, liền chờ nàng sắp sửa hành trang rồi cùng nhau lên đường, ăn ngủ gì cũng có nhau nhưng không hề có chuyện nọ kia.
Khi tới Nam Hải thì hội dâng hương vừa lập xong đàn tế, thấy Trọng dắt ca kỹ tới càng nhạo báng chê bai, khinh bỉ không thèm hành lễ chung. Trọng và Quỳnh Hoa biết ý, chờ họ lễ bái xong mới vào làm lễ. Mọi người lạy lục xong, hận không thấy gì lạ, có kẻ oà khóc, còn hai người vừa lạy phục xuống chợt thấy khắp mặt biển đều có hoa sen, trên hoa đều có người đeo tràng hạt. Quỳnh Hoa nhìn thấy cho là Bồ tát, Trọng nhìn thì ra những người đứng trên hoa đều là mẹ mình, vội chạy tới gọi mẹ, nhảy luôn xuống nước lội ra. Mọi người thấy hàng vạn đóa hoa sen đều biến thành cầu vồng rực rỡ như tấm màn gấm che khuất cả mặt biển. Giây lát mây tan sóng lặng, tất cả đều biến mất mà Trọng vẫn còn đứng trên bờ biển, cũng không hiểu vì sao mình lên được tới bờ, mà quần áo giày tất vẫn khô ráo. Trọng nhìn ra biển gào khóc, cả vùng đảo đều nghe thấy. Quỳnh Hoa kéo áo khuyên giải Trọng mới buồn bã rời chùa, gọi thuyền trở về bắc.
Dọc đường có nhà giàu mời Quỳnh Hoa đi, Trọng nghỉ ở quán trọ một mình, thấy có đứa nhỏ khoảng tám chín tuổi xin ăn trong quán, mặt mũi không giống như bọn trẻ ăn mày. Hỏi han thì ra nó bị mẹ kế đuổi đi, Trọng rất thương xót. Đứa nhỏ cứ quanh quẩn bên Trọng xin cứu vớt, Trọng dắt nó cùng về. Hỏi họ tên, nó nói “Cháu họ Ung tên Tân, mẹ họ Cố, thường nghe mẹ nói về với họ Ung sáu tháng thì sinh ra cháu, chứ đúng ra phải là họ Nhạc". Trọng cả kinh nhưng nghĩ lại bình sinh chỉ lấy vợ có một lần, không thể nào có con được, nhân hỏi "Họ Nhạc ấy người ở đâu?". Đứa nhỏ đáp "Cháu không biết, nhưng lúc mẹ cháu chết có để lại một phong thư, dặn không được đánh mất", Trọng vội đòi xem phong thư. Tân mở cái bị lấy ra đưa cho, Trọng xem thì là tờ ly hôn với Cố thị năm xưa, hoảng sợ nói "Đúng là con ta rồi". Xét tới năm tháng thấy đều ăn khớp, trong lòng được an ủi rất nhiều, có điều gia cảnh ngày càng tiêu điều. Qua hai năm thì ruộng vườn đã bán gần hết, cũng không thể nuôi nổi tôi tớ nữa.
Một hôm hai cha con đang tự nấu cơm, chợt có một người đẹp bước vào, nhìn lên thì ra là Quỳnh Hoa. Trọng giật mình hỏi từ đâu tới, nàng cười nói "Số phận là phải làm vợ chồng hờ với nhau, sao chàng còn hỏi? Trước đây không theo chàng ngay là vì bà chủ còn sống, nay bà ta đã chết, thiếp nghĩ không theo làm vợ người thì không có nơi nương tựa, theo làm vợ người thì không giữ được trong sạch, tính lại muốn trọn vẹn đôi bề thì không gì bằng theo chàng, nên mới không ngại ngàn dặm mà lặn lội tới đây”, rồi thay áo nấu cơm giúp con, Trọng mừng lắm. Đến đêm cha con ngủ chung với nhau như cũ, dọn một gian phòng sạch sẽ cho Quỳnh Hoa ở.
Quỳnh Hoa cũng khéo chăm sóc đứa nhỏ, láng giềng biết chuyện đều mở tiệc mừng Trọng, hai vợ chồng cũng vui vẻ nhận lời. Có khách tới chơi thì Quỳnh Hoa lo liệu cơm rượu rất đầy đủ, Trọng cũng không hỏi nàng lấy tiền đâu ra. Quỳnh Hoa dần dần đem vàng ngọc ra chuộc lại ruộng vườn cũ, tôi tớ trâu ngựa trong nhà cũng càng ngày nhiều thêm. Trọng thường nói với Quỳnh Hoa rằng "Lúc ta say rượu thì nàng nên lánh mặt, đừng để ta nhìn thấy", Quỳnh Hoa cười ưng thuận. Một hôm Trọng say quá, gọi Quỳnh Hoa rất gấp, Quỳnh Hoa ăn mặc lộng lẫy bước ra, Trọng nhìn sững hồi lâu, chợt cả mừng nhảy nhót như cuồng, nói "Ta ngộ ra rồi". Rồi chợt tỉnh rượu, thấy chung quanh sáng rỡ, nhà cửa đều trở thành lầu quỳnh gác ngọc, hồi lâu mới hết, từ đó không uống rượu ngoài quán nữa mà chỉ đối ẩm với Quỳnh Hoa, Quỳnh Hoa ăn chay chỉ uống trà ngồi tiếp.
Một hôm Trọng ngà ngà say, bảo Quỳnh Hoa bóp đùi cho mình. Nàng thấy vết sẹo trên hai đùi Trọng đã biến thành hai nụ sen thấp thoáng dưới da thì lấy làm lạ. Trọng cười nói "Lúc nào nàng thấy hai nụ hoa này nở ra, thì hai mươi năm làm vợ chồng hờ đã hết đấy”. Quỳnh Hoa cũng tin lời. Kế cưới vợ cho Tân, Quỳnh Hoa dần dần giao hết việc nhà cho con dâu, cùng Trọng ở riêng một nơi. Vợ chồng con trai cứ ba ngày tới thăm một lần, nếu không có chuyện gì khó khăn thì nàng không nói tới việc nhà, chỉ có hai người tỳ nữ hầu hạ, một người hâm rượu, một người pha trà mà thôi.
Một hôm Quỳnh Hoa tới chỗ con ở, con dâu thưa bẩm đủ chuyện, rất lâu mới về, Tân cũng theo tới thăm cha. Vào cửa thấy Trọng để chân trần ngồi trên giường, nghe tiếng động hé mắt cười khẽ nói "Mẹ con tới rất hay" rồi lập tức nhắm mắt lại. Quỳnh Hoa hoảng sợ nói “Chàng định làm gì thế?”, nhìn tới đùi Trọng thì thấy hai đóa hoa sen nở lớn, tới gần gọi thử thì Trọng đã tắt hơi rồi. Quỳnh Hoa vội lấy tay bóp hai đóa hoa lại khấn rằng "Thiếp ngàn dặm tới theo chàng, không phải là chuyện dễ dàng, lại vì chàng nuôi con dạy dâu, cũng có chút ơn nghĩa, chỉ còn hai ba năm nữa sao không chịu khó chờ nhau một chút”. Khoảng nấu xong nồi cơm chợt Trọng mở mắt ra cười nói “Nàng có việc của nàng, sao cứ lôi kéo người ta làm bạn, thôi ta cũng tạm ở lại chờ vậy". Quỳnh Hoa buông tay ra thì hai đóa hoa sen đã khép lại, từ đó Trọng ăn ở như lúc trước.
Sau hơn ba năm, Quỳnh Hoa tuổi gần bốn mươi mà dáng vẻ vẫn xinh đẹp như người hơn hai mươi, chợt nói với Trọng "Phàm người ta chết rồi thì bị kẻ khác đỡ đầu nâng chân, thật rất không sạch sẽ". Liền sai thợ đóng hai chiếc quan tài, Tân hoảng sợ hỏi, nàng đáp "Không phải là chuyện con biết được". Quan tài đóng xong, nàng tắm gội trang điểm rồi nói với vợ chồng Tân "Ta sắp chết đây". Tân khóc nói "Mấy năm nay nhờ mẹ lo toan mới không đói rét, mẹ còn chưa được yên vui ngày nào, sao lại bỏ con mà đi?”. Quỳnh Hoa nói "Cha trồng phúc thì con hưởng, tôi tớ trâu ngựa ruộng vườn nợ nần đều là trả lại cho cha con, chứ ta có công lao gì đâu. Ta vốn là Thiên nữ rắc hoa, ngẫu nhiên động lòng trần tục nên bị đày xuống trần gian hơn ba mươi năm, nay đã hết hạn rồi". Rồi bước vào quan tài nằm xuống, Tân tới gọi thì hai mắt đã nhắm lại.
Tân khóc lóc chạy tới báo với cha thì Trọng đã đội mũ mặc áo nằm cứng đờ không biết từ lúc nào. Tân gào khóc muốn đứt hơi, liệm xác cha cho vào quan tài quàn trong sảnh đường mấy ngày chưa chôn, có ý chờ cho sống lại. Có ánh sáng từ đùi Tân phóng ra soi rõ cả bốn vách, trong quan tài Quỳnh Hoa thì có mùi hương thơm ngát tỏa ra, láng giềng đều ngửi thấy, đậy nắp quan tài thì ánh sáng hương thơm mới hơi giảm.
Chôn cất xong, bọn em cháu trong họ tham lam của cải, cùng nhau tính kế đuổi Tân đi bèn kiện lên quan, quan không biết làm sao liền phán cắt một nửa ruộng vườn trâu ngựa giao cho chúng. Tân không chịu, đâm đơn lên phủ kiện, lâu ngày xử mãi không xong. Lúc đầu ông Cố gả con gái cho họ Ung, được hơn một năm thì Ung tới ngụ ở đất Mân, không có tin tức gì. Cố già không có con trai, nhớ con gái bèn tới nhà rể thăm thì con gái đã chết mà cháu ngoại đã bị đuổi đi. Cố uất ức kiện lên quan, Ung sợ đưa nhiều tiền xin thôi kiện nhưng Cố không chịu, nhất quyết đòi tìm bằng được cháu ngoại.
Ung tìm kiếm khắp nơi, nửa năm vẫn không thấy, hai vợ chồng đều bị quan trách phạt đánh đòn. Cố đang đi đường chợt thấy có một cỗ kiệu kết hoa đi qua vội tránh qua vệ đường, thấy trong kiệu có một mỹ nhân gọi Cố nói "Có phải ông Cố đấy không?". Cố gật đầu, nàng nói “Cháu ngoại ông là con ta, hiện đang ở nhà họ Nhạc, đừng kiện tụng gì nữa, cháu ngoại ông đang gặp nạn, nên tới đó ngay". Cố muốn hỏi thêm thì cỗ kiệu đã đi xa, bèn nhận tiền của Ung rồi lên đường tới Tây An. Tới nơi thì hai bên đang kiện tụng cãi cọ ầm ĩ, Cố liền vào thưa với quan về ngày tháng con gái mình bị Trọng bỏ, ngày tháng lấy Ung, ngày tháng sinh Tân rất rõ ràng. Bọn họ Nhạc đều bị đánh đòn, vụ án bèn kết thúc. Cố về kể lại ngày gặp mỹ nhân trên kiệu thì đúng là ngày Quỳnh Hoa chết, lúc bấy giờ còn chưa có việc kiện tụng. Tân dời gia đình Cố tới ở cùng, xây nhà cửa tặng tỳ thiếp, năm Cố hơn sáu mươi tuổi thì sinh được một con trai, Tân cũng thường chăm sóc chu cấp cho.
Dị Sử thị nói: Ăn chay giữ giới thì giống như Phật, phóng khoáng chân thành thì đúng là Phật. Nhạc Trọng với người đẹp thì nhìn thẳng mà lấy làm bạn dâng hương, không coi là bạn chăn gối. Ăn ở với nhau hai mươi năm*, như có tình mà cũng như vô tình, đó đúng là chân diện mục của Bồ tát, người trần làm sao hiểu được!
*Hai mươi năm: cả hai bản Hương Cảng và Đài Bắc đều in là "tam thập niên" (ba mươi năm), có lẽ là sơ suất của tác giả, đây tạm đính lại như trên.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom