• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ (1 Viewer)

  • Hồi ức của một Geisha - Chương 25

Mameha có thể đã thắng cá với Mẹ, nhưng cô ấy vẫn còn trận cá cược về tương lai của tôi. Cho nên trong suốt mấy năm tiếp theo, cô ấy đã làm cho khuôn mặt của tôi quen thuộc với tất cả các khách hàng ngon lành nhất của cô ấy, và còn quen với các geisha khác ở Gion nữa. Chúng tôi vẫn vượt qua được cơn đại suy thoái tuy không có nhiều đại tiệc như lòng mong muốn của cô ấy, nhưng cô thường đem tôi đến những buổi họp mặt không chính thức, không những các buổi tiệc ở phòng trà thôi mà còn đến các buổi đi biển bơi lội, tham quan thắng cảnh, xem kịch Kobuki… Trong cái nóng của mùa hè khi mọi người cảm thấy thư thái hơn, thì những cuộc họp mặt bất thường này rất vui, ngay cả những người làm nghề giải trí cho thiên hạ như chúng tôi. Ví dụ, một nhóm đàn ông thỉnh thoảng tổ chức đi thuyền nhỏ dọc theo sông Komo, vừa uống sakê vừa đung đưa chân trên mặt nước. Tôi còn quá nhỏ không thể tham gia vào các cuộc chè chén, nên thường bào nước đá để làm bánh kem, nhưng dù sao đấy cũng là một sự thay đổi thú vị.


Có nhiều đêm, các thương gia giàu có hay các nhà quý tộc tổ chức những buổi tiệc geisha cho họ vui chơi. Họ nhảy nhót hát hò trong đêm và uống với geisha thường mãi cho đến sau nửa đêm. Tôi nhớ có một lần như thế, vợ của ông chủ nhà đứng nơi cửa đưa phong bì đựng tiền trà lá rất hậu hĩ khi chúng tôi ra về. Bà ta đưa cho Mameha hai phong bì như thế, nhờ cô ấy làm ơn đưa cho cô geisha Tomizuru một cái, cô này “đã về nhà sớm vì đau đầu”, theo lời bà ta thì như thế. Thực ra bà ta cũng như chúng tôi đều biết Tomizuru là tình nhân của chồng bà, hiện đang cùng ông du hí trong chái nhà bên kia suốt đêm.


Nhiều buổi tiệc lộng lẫy vui nhộn ở Gion đã có nhiều họa sĩ, văn sĩ và diễn viên sân khấu Kabuki đến dự, và thỉnh thoảng những buổi tiệc này là những buổi tiệc vui chơi rất hấp dẫn. Nhưng tôi rất buồn khi nói cho anh biết rằng loại tiệc geisha trung bình là loại tiệc rất buồn tẻ. Chủ nhà có thể là trưởng phòng của một công ty nhỏ và khách danh dự là người cung cấp hàng hoá cho ông ta, hay có lẽ là một nhân viên ông ta vừa đề bạt, hay là người cùng làm ăn với mình. Thường khi, vài cô geisha từng trải báo cho tôi biết rằng vì là tập sự, nên trách nhiệm của tôi – ngoài việc cố làm cho đẹp – chỉ ngồi yên lặng, lắng nghe người ta nói chuyện để hy vọng một ngày kia trở thành người nói chuyện duyên dáng khôn ngoan. Phải, hầu hết những câu chuyện tôi nghe trong các buổi tiệc này không hấp dẫn tôi vì rất tẻ nhạt. Một ông có thể quay qua hỏi cô geisha ngồi bên cạnh như thế này “Thời tiết nóng nảy một cách bất thường, cô nghĩ sao?” – và cô geisha kia trả lời cũng vô duyên như thế “Dạ phải, nóng quá!” Rồi cô ta chơi trò thi đấu uống rượu với ông ta, hay cố làm cho tất cả các ông hát, và rồi sau đó người đàn ông nói chuyện với cô ta say khướt không nhớ nổi ông ta có được vui vẻ hay không nữa. Còn phần tôi, tôi thường xem chuyện như thế này là một sự phí phạm kinh khủng. Nếu người đàn ông đến Gion chỉ với mục đích được giải trí xả hơi, và cuối cùng tham gia vào những trò trẻ con như đánh tù tì, thì theo tôi, ông ta nên ở nhà chơi với con hay cháu, vì ít ra con cháu của họ có lẽ còn thông minh lanh lợi hơn các cô geisha buồn tẻ khốn khổ mà ông ta không may ngồi bên cạnh.


Thế nhưng có nhiều khi tôi được may mắn nghe một geisha thông minh nói, và Mameha là một trong những geisha này. Tôi đã học hỏi rất nhiều trong các câu chuyện của cô ấy. Ví dụ, nếu một người đàn ông hỏi “Cô có thấy trời nóng không?” – Cô ấy sẽ có hàng chục cách trả lời. Nếu ông ta già và phóng đãng, cô ấy có thể đáp “Nóng à? Có lẽ ông bị hơi hám của nhiều phụ nữ đẹp ngồi gần ông tác động đến ông rồi!” Hay nếu ông ta là một thương gia trẻ kiêu ngạo không biết địa vị của mình, cô ấy sẽ làm cho anh ta cứng họng bằng cách trả lời “Ông đang ngồi với một nửa tá geisha đẹp ở Gion mà ông chỉ nói được có vấn đề thời tiết thôi” – Một lần tôi chăm chú nhìn cô ấy đang quỳ bên cạnh một thanh niên rất trẻ, anh ta đâu khoảng mười chín đôi mươi, nếu bố anh ta không phải là chủ nhà thì chắc anh ta không được tham dự buổi tiệc geisha. Dĩ nhiên, anh ta không biết nói gì hay cư xử ra sao với các cô geisha, và tôi tin là anh ta cảm thấy lo sợ, nhưng anh ta quay qua Mameha với vẻ dạn dĩ rồi nói với cô ấy “Nóng, phải không? ” – cô ấy hạ giọng và trả lời anh ta thế này – “Phải, có lẽ anh cho trời nóng là đúng. Đáng ra sáng nay anh nên đến thăm tôi khi tôi ở trong phòng tắm bước ra mới phải! Thường khi nào tôi ở trần, tôi cảm thấy lạnh và thư giãn. Nhưng sáng nay, mồ hôi nhỏ giọt chảy khắp cả người tôi – chảy trên đùi, trên bụng và..trên những chỗ khác nữa.”


Khi chàng trai để tách salê xuống bàn, mấy ngón tay anh ta run run. Tôi nghĩ chắc anh ta không bao giờ quên buổi tiệc geisha ấy cho đến lúc mãn đời.


Nếu anh hỏi tôi tại sao hầu hết những buổi tiệc này quá buồn như thế, tôi nghĩ có lẽ có hai lý do. Thứ nhất, chỉ vì cô gái đã bị gia đình bán đi rồi được luyện tập để thành geisha ngay khi còn rất nhỏ, tất nhiên sẽ không làm sao thông minh cho được, hay là có cái gì hay ho để nói. Và thứ hai, trường hợp xảy ra cho đàn ông cũng như thế. Chỉ vì người đàn ông làm ra đủ tiền để đến Gion tiêu pha không thương tiếc, không có nghĩa ông ta đã được vui vẻ tại đấy. Thật vậy, nhiều người đàn ông đã được người đời đối xử với họ một cách hết sức trọng vọng. Họ nghĩ giải trí tức là ngồi ngửa người, hai tay để trên đầu gối, mày cau lại là được. Một lần tôi nghe Mameha ngồi kể chuyện cho một người đàn ông nghe suốt một giờ liền mà ông ta thì không hề nhìn vào cô ấy, mà nhìn vào người khác trong khi cô ấy nói. Mà kỳ thay chính đó là điều ông ta muốn và mỗi khi ông ta đến thành phố Kyoto, ông ta thường yêu cầu Mameha kể chuyện mua vui cho ông ta.


Sau hai năm đi dự tiệc tùng và đi chơi ngoài trời – trong thời gian này tôi vẫn tiếp tục học hành và thực tập trong các buổi trình diễn múa bất cứ khi nào thuận tiện – tôi đã chuyển biến từ cô tập sự thành cô geisha thực thụ. Đấy là vào mùa hè 1938, khi ấy tôi được mười tám tuổi. Chúng tôi gọi sự thay đổi này là “lật cổ áo”, vì cô tập sự mang cổ áo đỏ, còn cô geisha mang cổ áo trắng. Nhưng nếu anh thấy một cô tập sự với một geisha đi bên nhau, cái cổ áo là vật cuối cùng để cho anh chú ý đến. Cô tập sự mặc áo kimono có tay áo dài, rườm rà và dải thắt lưng lủng lẳng đàng sau lưng, hình ảnh này chắc làm cho anh nhớ đến con búp bê Nhật Bản, trong khi đó cô geisha trông đơn giản hơn, lại còn ra vẻ chững chạc hơn.


Cái ngày tôi “lật cổ áo” là ngày sung sướng nhất trong đời của Mẹ, hay ít ra, bà đã có vẻ hân hoan hơn bao giờ hết. Lúc ấy tôi không hiểu, nhưng bây giờ tôi mới thấy rõ bà ta suy nghĩ như thế nào. Như anh đã biết, nàng geisha không giống cô tập sự, nàng ngồi chơi với đàn ông không phải chỉ có việc rót trà cho ông ta uống, mà nàng ấn định những điều khoản thích hợp. Vì mối liên hệ của tôi với Mameha và tiếng tăm của tôi ở Gion, nên chỗ đứng của tôi đã làm cho bà Mẹ có nhiều nguyên nhân để phấn khích – trường hợp của Mẹ phải nói là phấn khích mới đúng, vì từ nay chỉ là một từ khác nói về tiền bạc.


Từ khi tôi chuyển đến ở New York, tôi mới hiểu người phương Tây hiểu từ “geisha” như thế nào. Thỉnh thoảng khi đến dự các buổi tiệc sang trọng, tôi được giới thiệu với một số thiếu nữ hay với những bà áo quần lộng lẫy đeo đầy châu báu. Khi bà ta nghe tôi từng là geisha ở Tokyo, bà ta mở miệng cười, nhưng nụ cười gượng gạo không cởi mở. Bà ta không biết nói gì! Rồi rốt cục, người giới thiệu tôi với khách phải mang lấy trọng trách nói chuyện với tôi – vì tôi không thông thạo tiếng Anh, mặc dù tôi ở Mỹ ba năm rồi. Dĩ nhiên, lúc ấy không có vấn đề cố gắng để nói chuyện với nhau, vì bà này đã nghĩ trong óc “Lạy Chúa, mình đang nói chuyện với một gái điếm!” Một lát sau bà ta được người đi kèm giải cứu, ông ta là một người giàu có lớn tuổi hơn bà ta đến ba bốn chục tuổi. Thế đấy, tôi thường tự hỏi tại sao bà ta không thấy được giữa chúng tôi có điều hoàn toàn rất giống nhau. Bà ta được đàn ông bảo trợ, và tôi lúc ấy cũng thế.


Tôi nghĩ là có rất nhiều chuyện về các bà các cô áo quần lộng lẫy này mà tôi không biết, nhưng tôi thường có cảm giác rằng nếu họ không có những ông chồng hay những ông bố giàu có, thì nhiều người trong số họ chắc sẽ phải vật lộn hết sức mới kiếm sống được, và chắc khi ấy họ sẽ không có những thái độ kiêu kỳ như thế. Và dĩ nhiên các nàng geisha hạng nhất cũng thế. Nàng geisha hạng nhất dễ dàng tham dự bữa tiệc này sang bữa tiệc khác, và nổi tiếng trong đám đàn ông giàu sang, nhưng nếu cô ta muốn trở thành minh tinh, thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào ông danna của mình. Ngay cả Mameha cũng vậy, cô ấy có tiếng tăm là nhờ vào chiến dịch quảng cáo, nếu cô ấy không nhờ ông Nam tước bảo bọc hết các chi phí để dùng vào việc thăng tiến nghề nghiệp, thì chắc cô ấy sẽ mất chỗ đứng và thành một cô geisha bình thường mà thôi.


Sau ngày tôi lật cổ áo chưa đầy ba tuần lễ, một hôm Mẹ đến gặp tôi trong khi tôi đang ăn vội bữa trưa trong phòng khách, và ngồi trước mặt tôi, miệng phì phà ống vố. Tôi đang đọc một tờ tạp chí, nhưng tôi dừng lại vì lịch sự – mặc dù Mẹ không có điều gì để nói với tôi hết. Sau một lát, bà để ống vố xuống và nói:


- Cô không nên ăn những thứ dầm giấm vàng khè ấy. Chúng làm cho răng cô mục hết. Cứ nhìn vào răng của tôi thì biết.


Tôi không hề nghĩ là Mẹ tin rằng răng của bà bẩn thỉu là vì bà đã ăn những thứ dầm giấm. Khi bà nhe răng ra cho tôi xem xong, bà lấy ống vố lên hút lại.


- Bà Dì thích những thức ăn dầm giấm vàng khè này, thưa Mẹ – tôi nói – nhưng răng Dì rất đẹp.


- Ai thèm lưu tâm đến chuyện răng của bà ấy đẹp hay xấu? Bà ấy có cái miệng nhỏ đẹp, nhưng chẳng làm ra được đồng nào. Nói bà đầu bếp đừng đem các thứ ấy cho cô nữa. Nhưng không phải tôi đến đây để nói chuyện thức ăn dầm giấm của cô. Tôi đến nói cho cô biết vào thời gian này tháng sau, cô sẽ có danna.


- Có danna à? Nhưng thưa Mẹ, con mới có mười tám…


- Hatsumono mãi đến năm hai mươi tuổi mới có danna. Cho nên tất nhiên không bền. Đáng ra cô phải mừng mới phải chứ.


- Ồ, con mừng chứ. Nhưng con phải cần nhiều thời gian hơn nữa mới làm cho danna được hạnh phúc. Mameha cho rằng con phải tạo danh tiếng trước đã, thời gian cũng mất vài năm.


- Mameha à? Cô ấy biết gì về chuyện làm ăn? Cô hãy cho tôi biết lần dự tiệc sắp tới ở đâu, tôi sẽ đến để yêu cầu cô ta bằng lòng.


Bây giờ ở Nhật, các cô đã quen cảnh vùng đứng dậy, hét vào mặt mẹ họ, nhưng vào thời tôi, chúng tôi chỉ biết cúi đầu chào và nói “Vâng thưa Mẹ” rồi xin lỗi đã làm phiền lòng bà, và tôi đã trả lời như thế.


- Cứ để công việc làm ăn cho tôi lo – bà ta nói – chỉ có đứa nào điên mới từ chối lời đề nghị như lời đề nghị của ông Nobu Toshikazu đưa ra.


Tim tôi gần như ngừng đập khi nghe tin này. Tôi nghĩ chắc chắn có ngày ông Nobu sẽ đề nghị làm danna của tôi. Tóm lại, ông ta là người đã hô giá mua mizuage của tôi cách đây mấy năm, và từ khi ấy đến giờ, ông ta là người thường mời tôi đến giúp vui giải trí với ông ta nhiều hơn bất cứ người nào khác. Tôi không thể giả vờ nói rằng tôi không nghĩ đến khả năng này, nhưng tôi không thể ngờ rằng cuộc đời tôi lại trôi theo dòng như thế này. Vào hôm đầu tiên gặp Nobu tại trận thi đấu đô vật, cuốn niên lịch đã viết về tuổi tôi rằng “Sự quân bình giữa cái tốt và cái xấu sẽ mở cánh cửa số phận.” Kể từ đó, gần như ngày nào tôi cũng suy nghĩ về câu này theo cách này hay cách khác. Cái tốt và cái xấu – phải rồi, chính Mameha và Hatsumono, chính chuyện mizuage của tôi đã mang đến việc tôi được nhận làm con nuôi, và đương nhiên chính ông Chủ tịch và Nobu. Tôi không muốn nói là tôi không thích ông Nobu, trái lại, tôi rất thích ông ta. Nhưng làm tình nhân ông ta là vĩnh viễn chia tay ông Chủ tịch.


Chắc Mẹ đã thấy tôi có vẻ hoảng hốt khi nghe tin ấy. Bà ta có vẻ bất bình trước thái độ của tôi. Nhưng trước khi bà ta cất tiếng trả lời, chúng tôi nghe có tiếng người ngoài hành lang như tiếng ai đấy cố nín ho, và lát sau, Hatsumono bước vào ngưỡng cửa đang mở rộng. Cô ta bưng tô cơm trên tay, trông rất lố bịch – đáng ra cô ta không nên bưng tô cơm trên tay đi khỏi bàn ăn như thế mới phải. Khi nuốt hết miếng cơm trong miệng rồi, cô ta cười to.


- Mẹ à! – cô ta nói – Mẹ đã làm cho con sặc cơm phải không? – Rõ ràng cô ta đã nghe được câu chuyện giữa chúng tôi trong khi cô ăn cơm trưa.


- Như vậy là cô Sayuri nổi tiếng này sắp có ông Nobu Toshikazu làm danna – cô ta tiếp – Thế không tuyệt sao?


- Dạ có chứ – Hatsumono nghiêm trang đáp rồi cô ta đến quỳ ở bàn – Sayuri này, có thể cô không nhận ra, nhưng chuyện lui tới giữa geisha với danna có thể gây cho người geisha mang thai, cô có hiểu không? Và đàn ông họ sẽ rất buồn nếu tình nhân của họ sinh ra đứa con của người khác. Trong trường hợp của cô, cô phải hết sức cẩn thận mới được, vì Nobu sẽ biết ngay lập tức, nếu đứa bé sinh ra mà có đủ hai tay như chúng ta, như thế tức là đứa bé không phải là con của ông ấy.


Hatsumono cho rằng lời nói đùa của cô ta rất vui.


- Hatsumono này – Mẹ đáp – nếu cô chặt đi một cánh tay mà thành công như Nobu Tashikazu thì cô cũng nên chặt.


- Và nếu làm cho mặt tôi giống như thế này thì có lẽ tôi cũng nên làm – cô ta nói rồi cười, vừa bưng tô cơm lên để cho chúng tôi thấy cơm như thế nào. Cô ta đang ăn cơm trộn với đậu đỏ có hình lưỡi rìu cong cong, hạt đậu trông như da nhăn nheo, phồng rộp lên.


Chiều lại, tôi cảm thấy buồn rầu, đầu óc choáng váng, tôi bèn đến nhà Mameha nói chuyện chơi. Tôi ngồi nơi bàn với cô ấy, uống trà đá pha với mật lúa mạch – vì chúng tôi đang ở mùa hè nắng nóng – và cố không để cho cô ấy biết tôi đang lo buồn. Vì mơ ước gặp được ông Chủ tịch, nên tôi mới phấn đấu hết mình để luyện tập. Nếu đời không đạt được cái gì hết ngoài ông Nobu và những buổi diễn múa hết đêm này qua đêm nọ ở tại Gion, thì tôi nghĩ tại sao phải phấn đấu làm gì cho mệt.


Mameha ngồi đợi tôi nói lý do khiến tôi đến đây đã lâu, nhưng khi để ly trà xuống bàn, tôi cứ sợ giọng tôi sẽ ấp úng khi nói ra. Tôi ngồi đợi thêm một lát nữa để lấy bình tĩnh, cuối cùng tôi nuốt nước bọt và nói:


- Mẹ cho em biết trong vòng một tháng nữa có lẽ em sẽ có danna.


- Phải, tôi biết rồi. Và danna chắc là Nobu Toshikazu.


Nghe thế tôi cố hết sức tập trung vào việc làm sao giữ cho mình khỏi khóc, nên tôi không nói tiếp gì được.


- Ông Nobu là người tốt, và rất thích cô.


- Phải, nhưng, thưa chị Mameha, em không biết nói sao… Em thật chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này!


- Cô nói thế là sao? Nobu luôn luôn cư xử tốt với cô kia mà.


- Nhưng chị Mameha, em không muốn lòng tốt!


- Thế à? Tôi tưởng tất cả chúng ta đều muốn lòng tốt chứ. Có lẽ cô muốn nói cô cần cái gì hơn lòng tốt nữa. Và cô không đủ tư cách để đòi hỏi điều này.


Dĩ nhiên Mameha đã nói đúng. Khi tôi nghe cô ấy nói những lời này, nước mắt tôi trào ra, và tôi cảm thấy xấu hổ, bèn gục đầu xuống bàn để cho nước mắt tuôn ra xối xả. Khi tôi đã bình tĩnh trở lại, Mameha mới nói:


- Sayuri, cô trông mong cái gì?


- Cái gì không giống như thế này.


- Tôi nghĩ chắc cô thấy Nobu khó nhìn. Nhưng…


- Chị Mameha, không phải như thế. Nobu là người tốt, như chị nói. Chỉ có điều…


- Chỉ có điều cô muốn số phận mình được như Shizue chứ gì?


Shizue là nàng geisha không được nổi tiếng, nhưng mọi người ở Gion đều cho bà ta là người phụ nữ may mắn nhất ở Gion. Bà ta làm tình nhân cho một dược sĩ suốt ba mươi năm. Ông ta không giàu có gì, và bà ta cũng không đẹp, nhưng người ta không tìm đâu ra ở Gion một cặp thương yêu nhau, đi đâu đều có nhau như thế. Như mọi khi, Mameha bao giờ cũng nói đúng sự thật như lòng tôi mong ước.


- Sayuri, cô đã mười tám tuổi rồi – cô ấy nói tiếp – cả cô lẫn tôi đều không thể biết được số phận của cô. Sẽ không bao giờ cô biết được! Số phận không phải như kết thúc một buổi tiệc trong đêm đâu. Thỉnh thoảng số phận chỉ là sự phấn đấu trong cuộc sống ngày này qua ngày nọ.


- Chị Mameha, số phận như thế quá độc ác.


- Đúng, số phận độc ác thật. Nhưng không ai thoát khỏi số phận.


- Thưa chị, không phải là vấn đề thoát khỏi số phận, hay cái gì như thế. Nobu là người tốt. Em biết em phải biết ơn lòng tốt của ông ấy đối với em, nhưng… có rất nhiều điều em mơ ước…


- Và cô sợ sau khi Nobu đã đụng đến cô rồi, những mơ ước ấy không thành hiện thực phải không? Sayuri này, cô nghĩ người geisha phải sống như thế nào? Chúng ta không trở thành geisha để cho mơ ước của chúng ta ở đời được mãn nguyện. Chúng ta trở thành geisha vì chúng ta không còn con đường nào nữa để lựa chọn.


- Ồ chị Mameha, thưa chị, có phải em quá ngu ngốc vì cứ hy vọng một ngày nào đó những ước vọng của em sẽ…


- Các cô còn trẻ hy vọng đủ thứ chuyện ngu ngốc, Sayuri à. Hy vọng cũng như đồ trang điểm trên tóc. Con gái muốn mang rất nhiều thứ này. Nhưng khi thành bà già, họ thấy chỉ đeo một cái thôi cũng đã ngu xuẩn rồi.


Tôi quyết không để cho mình lộ vẻ yếu đuối nữa. Tôi cố dằn lòng khỏi khóc tiếp ngoài số nước mắt.


- Chị Mameha – tôi nói – có phải chị rất có cảm tình với ông Nam tước không?


- Ông Nam tước là người danna tốt với tôi.


- Đúng, dĩ nhiên đúng thế, nhưng có phải chị có cảm tình với ông ta không? Em muốn nói, có phải các cô geisha đều có cảm tình với danna của họ không?


- Mối liên hệ của tôi với ông Nam tước thuận tiện cho ông ta, và rất có lợi cho tôi. Nếu việc chung đụng của chúng tôi đậm màu sắc đam mê, thì sự đam mê dẫn đến ghen tuông và hận thù rất nhanh. Có lẽ tôi không chịu được cảnh người đàn ông mạnh mẽ bực mình vì tôi. Tôi đã phấn đấu nhiều năm trời để dành cho mình một vị thế ở Gion, nhưng nếu một người đàn ông có ý định loại bỏ mình, chắc họ loại bỏ thôi! Sayuri, nếu cô muốn thành công, cô phải luôn luôn giữ cho được tình cảm của đàn ông. Ông Nam tước có nhiều lúc rất khó tánh, nhưng ông ta có nhiều tiền, và ông ta không sợ xài tiền. Và lạy trời, ông ta không muốn có con. Nobu có lẽ là một thử thách cho cô. Ông ta có đường lối riêng rõ ràng rồi. Nếu ông ta mong muốn cô nhiều việc hơn ông Nam tước mong muốn ở tôi, chắc tôi không ngạc nhiên.


- Nhưng thưa chị, tình cảm của chị như thế nào? Em muốn nói, có người đàn ông nào…


Tôi muốn hỏi có người đàn ông nào đã làm cho cô ấy đâm ra mê mẩn chưa nhưng tôi sợ cô ấy giận, nếu sự giận dữ mới chỉ là cái nụ nho nhỏ, thì khi nghe tôi hỏi thế, có thể cái nụ nở thành cái hoa. Cô ấy thu mình lại, hai tay để vào lòng, tôi nghĩ chắc cô ấy sắp khiển trách tôi, tôi bèn xin lỗi cô ấy về sự lố bịch của tôi, và cô trở lại vui vẻ như cũ. Cô ấy nói:


- Cô và Nobu có cùng một “en” rồi, Sayuri à, cô không thể thoát khỏi được đâu.


Tôi nghĩ cô ấy nói đúng. “En” tức là sợi dây oan nghiệt buộc người ta lại với nhau suốt đời. Bây giờ nhiều người tin rằng cuộc đời của họ hoàn toàn do chính họ lựa chọn, nhưng vào thời của tôi, chúng tôi xem mình như những vật được nắn ra bằng đất sét, mãi mãi mang dấu tay của người sờ đến chúng tôi. Dấu tay của Nobu đã gây ấn tượng mạnh lên tôi hơn tất cả. Không ai có thể nói ông ta sẽ là số phận suốt đời của tôi hay không, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng giữa chúng tôi đã có cái “en”. Trên những chặng đường đời của tôi, ở đâu cũng có bóng dáng của Nobu hiện ra. Nhưng có thể nào trong số những bài học tôi đã học, bài khó nhất đang nằm ngay trước mắt tôi? Phải chăng tôi phải ném cái điều tôi hy vọng vào một chỗ nào đấy cho mọi người đừng thấy, và ngay cả tôi nữa cũng đừng thấy?


- Sayuri, về nhà đi – Mameha nói với tôi – về mà chuẩn bị cho công việc buổi tối. Chỉ có công việc mới làm cho ta khỏi thấy chán nản.


Tôi ngước mắt nhìn cô ấy định biện minh cho mình lần cuối cùng, nhưng khi thấy nét mặt của cô ấy, tôi nghĩ tốt hơn là nghe theo lời cô ấy. Tôi không biết cô ấy đang nghĩ gì, nhưng cô ấy có vẻ đang nhìn vào cõi hư vô, khuôn mặt trái xoan đẹp đẽ, hai bên khoé mắt và khóe miệng hiện lên những đường nhăn do suy tư mà có. Rồi bỗng cô ấy buông tiếng thở dài, đưa mắt xuống tách trà, tôi thấy ánh mắt chứa đựng nhiều đắng cay.


Người phụ nữ sống trong một ngôi nhà đồ sộ có thể tự hào về đồ đạc sang trọng trong nhà, nhưng khi bà ta nghe tiếng lửa nổ lách tách trong lò, bà ta bỗng nhận ra ngay tức khắc rằng ngọn lửa là thứ nhỏ nhất nhưng là thứ có giá trị nhất. Trong những ngày sau lần tôi và Mameha nói chuyện với nhau, tôi bắt đầu cảm thấy đời tôi tàn lụi dần, và khi tôi phấn đấu cố tìm cho mình cái gì còn có thể khêu gợi lên sự sống cho tôi sau ngày ông Nobu làm danna cho tôi, tôi xin thú thật là tôi bó tay thất bại. Một buổi tối trong khi tôi quỳ bên bàn trong phòng trà Ichiriki, cố sức để khỏi nghĩ đến hoàn cảnh đau khổ của mình, tôi bỗng nghĩ đến một đứa bé bị lạc trong cánh rừng phủ đầy tuyết, và khi tôi ngước mắt nhìn lên những người đàn ông tóc bạc mà tôi đang hầu hạ mua vui, họ trông rất giống như những cây bị tuyết phủ trên ngọn, đến nỗi tôi bỗng cảm thấy hoảng hốt như thể tôi là con người duy nhất còn sống trên trái đất.


Những buổi tiệc duy nhất làm cho tôi có tin tưởng rằng cuộc đời vẫn còn mục đích đáng sống, là những buổi tiệc có giới nhà binh đến dự. Lúc ấy là vào năm 1938, hàng ngày chúng tôi thường xem báo chí viết về cuộc chiến ở Mãn châu, và hàng ngày chúng tôi thường nghe nói đến đoàn quân viễn chinh của chúng tôi bằng những cái tên như là Cơm Hộp Mặt trời mọc – giữa hộp cơm có nhét trái mận dầm giấm, trông như lá cờ Nhật. Nhiều thế hệ sĩ quan lục quân đến Gion để giải trí. Nhưng bây giờ họ nói với chúng tôi rằng, với cặp mắt đẫm lệ sau bảy tám tách sakê, không còn gì giữ được tinh thần của họ cao khi họ đã đến thăm Gion. Có lẽ đây là cách các ông sĩ quan nhà binh nói với những phụ nữ họ đang tiếp chuyện. Nhưng còn chuyện cho rằng tôi – cô gái làng biển – có thể đóng góp cái gì có ích cho tổ quốc… Tôi không giả vờ cho rằng những buổi tiệc này đã làm giảm bớt đau khổ của tôi, mà chúng đã giúp tôi nhớ rằng sự đau khổ của tôi thật ích kỷ biết bao.


Một tuần lễ trôi qua, đến một buổi tối, trong hành lang phòng trà Ichiriki, Mameha nói rằng đã đến lúc cô ấy lấy tiền thắng cuộc nơi bà Mẹ. Chắc anh còn nhớ chuyện hai người đã đánh cuộc về việc nợ nần của tôi có được trả hết trước khi tôi hai mươi tuổi hay không. Nay nợ của tôi được trả hết khi tôi mới mười tám tuổi. Mameha nói với tôi:


- Bây giờ cô lật cổ áo rồi, tôi thấy không lý do gì mà đợi nữa.


Nhưng cô ấy nói thì nói, sự thật rất phức tạp. Mameha biết Mẹ rất ghét trả nợ, và càng ghét hơn nữa khi tiền cá cược quá cao. Lợi tức của tôi rất đáng kể sau khi tôi có danna. Chắc Mẹ rất muốn ẵm gọn số lợi tức do tôi kiếm được. Tôi tin là Mameha nghĩ rằng cô ấy thu lại tiền nợ sớm chừng nào hay chừng nấy, và cô ấy lo sợ về món lợi tức của tôi sau này trong tương lai.


Mấy ngày sau, tôi được gọi xuống phòng khách có việc, tôi thấy Mameha và Mẹ đang ngồi đối diện nhau qua bàn, nói chuyện về thời tiết mùa hè. Ngồi bên cạnh Mameha là một bà già tóc bạc tên là Okada, tôi đã gặp bà ta nhiều lần. Bà ta là bà chủ nhà kỹ nữ nơi trước đây Mameha ở, bà ta còn lo việc kế toán cho Mameha để ăn hoa hồng. Chưa bao giờ tôi thấy bà nghiêm trang như thế này, mắt cứ nhìn xuống bàn, không lưu tâm gì đến câu chuyện hai người kia đang nói.


- Kìa, cô đến rồi! – Mẹ nói với tôi – Chị cả của cô đã quá bộ đến chơi đem theo bà Okada. Cô phải có bổn phận ngồi đây với chúng tôi.


Bà Okada lên tiếng, nhưng mắt vẫn nhìn lên mặt bàn:


- Thưa bà Nitta, như Mameha đã gọi điện thoại báo cho tôi biết, đây là vì công việc làm ăn chứ không phải đến thăm xã giao. Nên không cần có cô Sayuri ở đây. Tôi nghĩ chắc cô ấy có việc khác để làm.


- Tôi sợ nếu cô ấy không đến sẽ mang tội bất kính với quý vị – Mẹ đáp – nên để cô ấy ngồi với chúng ta vài phút.


Vì thế tôi phải ngồi xuống bên Mẹ, chị hầu mang trà vào cho chúng tôi. Sau đó Mameha nói:


- Thưa bà Nitta, chắc bà tự hào về công việc của con bà, cô ấy rất tuyệt vời! Tài sản của cô ấy đã vượt quá mức mong đợi! Chắc bà hài lòng chứ?


- Tôi không hiểu mức mong đợi của cô là bao nhiêu, cô Mameha? – Mẹ đáp.


Nói xong bà nhe răng ra cười, nụ cười kỳ lạ, vừa nhìn quanh chúng tôi để xem chúng tôi có khen tài ứng xử của bà không. Không ai cười với bà, còn bà Okada sửa lại cặp kính và đằng hắng giọng. Cuối cùng Mẹ nói thêm:


- Riêng về sự mong đợi của tôi, có lẽ tôi phải nói lợi tức của Sayuri không vượt quá sự mong đợi được.


- Ngày đầu tiên chúng ta bàn về tương lai của cô ấy cách đây mấy năm – Mameha nói – tôi có cảm giác là bà không tin tưởng gì nhiều về cô ấy. Thậm chí bà còn miễn cưỡng để cho tôi đảm nhận công việc huấn luyện cô ấy.


- Xin lỗi cô – Mẹ nói – tôi nghĩ rằng giao phó Sayuri vào tay một người ở ngoài nhà kỹ nữ là điều thiếu khôn ngoan. Chắc cô biết chúng tôi có Hatsumono chứ.


- Ồ bà Nitta, bà đùa sao. – Mameha vừa cười vừa nói – Hatsumono chắc sẽ bóp cổ cô ta trước khi huấn luyện cô ấy!


- Tôi công nhận Hatsumono có thể gây khó khăn cho cô ấy. Nhưng khi cô thấy một cô gái như Sayuri có những nét khác biệt, cô mới quyết định đúng thời điểm và đến thu xếp với tôi. Nhưng cô Mameha, chắc hôm nay cô đến đây để tính toán tiền bạc phải không?


- Bà Okada đã tính toán rồi – Mameha đáp – Xin bà làm ơn xem qua cho biết.


Bà Okada sửa cặp kính đeo mắt, lấy cuốn sổ kế toán trong xách ra, Mameha và tôi ngồi yên lặng trong khi bà ta mở sổ để trên bàn và trình bày các cột sổ cho Mẹ thấy.


- Những con số này là lợi tức của Sayuri trong hai năm qua à? – Mẹ cắt ngang nói – Lạy trời, ước gì mà chúng tôi quá may mắn được như bà tin thế! Số tiền này còn cao hơn cả số thu nhập tổng quát của nhà kỹ nữ chúng tôi.


- Đúng thế đây, những con số rất đáng kinh ngạc – bà Okada nói – Chúng tôi tin những con số này rất chính xác. Tôi lấy đúng các số liệu này ở phòng đăng ký Gion.


Mẹ nghiến răng cười khi nghe thế, tôi nghĩ vì bà ta bối rối khi bị bắt quả tang bà nói láo. Bà đáp:


- Có lẽ tôi không xem kỹ sổ kế toán.


Sau mười hay mười lăm phút, hai người đàn bà nhất trí với nhau về số tiền mà tôi đã kiếm được kể từ ngày tôi mới bắt đầu đến đây nhập môn. Bà Okada lấy bàn tính trong xách ra, làm vài phép tính, viết những con số lên trang giấy trắng trong sổ kế toán. Cuối cùng bà viết tổng số, và gạch dưới chân con số ấy. Bà ta nói:


- Đây là số tiền Mameha được nhận.


- Nghĩ đến công lao của cô ấy đối với Sayuri – Mẹ nói – tôi nghĩ Mameha còn đáng được hưởng nhiều hơn thế. Rủi thay là theo thoả ước của chúng tôi thì Mameha nhận một nửa số tiền công của người geisha hướng dẫn thường nhận, cho đến khi Sayuri trả hết nợ. Bây giờ thì nợ đã trả xong, dĩ nhiên Mameha đáng được nhận nửa kia để cho cô ấy có đủ tiền công của mình.


- Theo chỗ tôi biết thì Mameha bằng lòng nhận nửa số tiền công – bà Okada nói – nhưng cuối cùng được trả gấp hai. Đấy là lý do tại sao cô ấy bằng lòng đảm nhận một công việc nguy hiểm. Nếu Sayuri không trả nổi nợ, Mameha sẽ không có gì nữa ngoài nửa số tiền công đã nhận. Nhưng Sayuri thành công, Mameha phải được nhận gấp hai.


- Thưa bà Okada, thật bà tin tôi bằng lòng những điều khoản như thế à? – Mẹ nói – Mọi người ở Gion đều biết tôi rất cẩn thận về chuyện tiền nong như thế nào rồi. Quả đúng, Mameha đã giúp đỡ Sayuri rất nhiều nhưng tôi không thể trả gấp hai được , mà tôi xin đề nghị được trả thêm mười phần trăm. Làm thế là tôi đã quá rộng rãi rồi, vì nhà kỹ nữ chúng tôi không có cảnh vung tiền một cách bất cẩn được.


Lời lẽ của người phụ nữ ở vị trí của Mẹ là phải đảm bảo mới được – và với bất kỳ người đàn bà nào trừ Mẹ ra, chắc lời nói của họ cũng được đảm bảo, nhưng bà Mẹ đã quyết định nói láo. Cho nên chúng tôi ngồi yên một hồi lâu. Cuối cùng bà Okada nói:


- Thưa bà Nitta, tôi thấy vấn đề thế này là quá khó khăn, tôi nhớ rõ ràng Mameha đã nói với tôi như thế.


- Dĩ nhiên bà nhớ chứ – Mẹ đáp – Mameha nhớ chuyện ấy cách khác, còn tôi, tôi nhớ cách khác. Điều chúng ta cần bây giờ là người thứ ba, và may thay, chúng ta có một người thứ ba đang có mặt tại đây. Lúc ấy, Sayuri có thể còn nhỏ thật đấy, nhưng chắc cô ấy nhớ chuyện này.


- Tôi tin chắc trí nhớ cô ấy rất tốt – bà Okada nói – nhưng người ta không thể nói cô ấy không có quyền lợi cá nhân. Tóm lại, cô ấy là con gái của nhà này.


- Phải, đúng thế – Mameha nói, đây là lần đầu tiên cô ấy nói sau một hồi lâu ngồi im – Nhưng cô ấy là người chân thật. Tôi sẵn sàng chấp nhận câu trả lời của cô ấy, miễn là bà Nitta cũng chấp nhận.


- Đương nhiên là tôi nhận – Mẹ nói, bà để ống vố xuống – Nào, Sayuri, nói đi, như thế nào?


Nếu tôi được phép lựa chọn giữa việc trườn trên mái nhà để gãy tay lần nữa như ngày còn bé, hay là ngồi trong phòng này cho đến khi nghĩ ra câu trả lời cho câu hỏi họ nêu ra, chắc tôi chọn con đường leo lên lầu, lên thang, trèo ra mái nhà ngay. Trong số phụ nữ ở Gion này, Mameha và Mẹ là hai người đàn bà có ảnh hưởng đến đời sống của tôi nhất, và rõ ràng chuyện này thế nào cũng có một người giận tôi. Tôi nghĩ sự thật đã quá rõ ràng rồi, nhưng mặt khác, tôi còn phải tiếp tục sống trong nhà với bà Mẹ. Dĩ nhiên Mameha đã giúp tôi nhiều hơn bất cứ ai ở Gion. Tôi không thể đứng về phe Mẹ để chống lại cô ấy.


- Sao? – Mẹ nói với tôi.


- Theo chỗ tôi nhớ, Mameha đã nhận nửa tiền công, nhưng Mẹ bằng lòng trả gấp hai số tiền ấy khi con thành công, Mẹ à. Con xin lỗi nhưng con đã nhớ chuyện này như thế.


Im lặng một lát, rồi Mẹ nói:


- Được thôi, tôi không còn trẻ như trước nữa. Đây không phải lần đầu trí nhớ của tôi sai lầm.


- Tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng mắc phải sai lầm như thế này – bà Okada đáp – Thưa bà Nitta, bây giờ tôi xin hỏi bà nghĩ sao về việc bà đề nghị trả cho Mameha số tiền thêm mười phần trăm? Tôi nghĩ chắc bà muốn nói mười phần trăm trên số tiền gấp hai mà trước đây bà bằng lòng trả cho cô ấy chứ gì?


- Giá mà tôi được làm một việc như thế – Mẹ đáp.


- Nhưng bà mới đề nghị hồi nãy đấy. Chắc bà không thay đổi ý kiến một cách nhanh chóng như thế chứ?


Bà Okada không nhìn lên mặt bàn nữa mà nhìn thẳng vào mặt Mẹ. Sau một hồi lâu, bà ta nói:


- Tôi nghĩ chúng ta làm theo đề nghị của bà thôi. Nhưng hôm nay thế là chúng ta làm việc đủ rồi. Tại sao chúng ta không gặp nhau khi khác để tính ra tổng số?


Mặt Mẹ có vẻ nghiêm nghị, nhưng bà cũng cúi người tỏ dấu hiệu tán thành và cám ơn hai người đã đến.


- Tôi tin chắc bà rất hài lòng – bà Okada nói, trong khi dẹp bàn tính và sổ sách đi – về việc Sayuri sắp có danna. Và có vào lúc mười tám tuổi! Mới mười tám tuổi mà đã bước một bước lớn như thế này là còn quá trẻ!


- Mameha chắc đã hoạt động tốt để có danna vào tuổi ấy – Mẹ nói.


- Mười tám tuổi đôi với các cô là còn quá trẻ – Mameha nói – nhưng tôi chắc bà Nitta đã có quyết định đúng đắn trong trường hợp của Sayuri.


Mẹ hút ống vố một lát, nhìn Mameha ngồi bên kia bàn. Bà nói:


- Mameha, tôi khuyên cô như thế này, cô lo dạy cho Sayuri cách liếc mắt đưa tình là tốt, còn chuyện quyết định làm ăn, xin cô để đấy cho tôi.


- Thưa bà Nitta, tôi không dám bàn chuyện làm ăn với bà đâu. Tôi tin quyết định của bà là nhắm đến việc có lợi nhất. Nhưng xin hỏi bà việc này được không? Có phải đề nghị của Nobu Toshikazu là đề nghị béo bở nhất không?


- Chỉ mới có duy nhất đề nghị của ông ta thôi. Tôi nghĩ đây là lời đề nghị béo bở nhất.


- Mới có một lời đề nghị duy nhất thôi à? Tội nghiệp thay… Khi có nhiều đàn ông tranh dành, việc thu xếp mới có lợi hơn. Bà không thấy như thế sao?


- Mameha, như tôi đã nói rồi, cô cứ để quyết định làm ăn ấy đấy cho tôi. Tôi đã nghĩ ra một chương trình rất đơn giản để Nobu Toshikazu chấp nhận những điều khoản có lợi.


- Nếu bà không ngại – Mameha nói – tôi rất mong muốn được nghe chương trình của bà.


Mẹ để ống vố xuống bàn. Tôi cứ tưởng bà ta sẽ mắng Mameha một trận, nhưng không, bà nói:


- Được rồi, cô đã muốn biết, tôi sẽ nói cho cô nghe. Cô có thể giúp tôi đấy. Nếu Nobu Toshikazu biết được chuyện cái máy sưởi của công ty đồ điện iwamura đã giết chết Bà Ngoại thì tôi nghĩ chắc ông ta sẽ rất rộng rãi. Cô không nghĩ như thế sao?


- Ồ, tôi biết rất ít về việc kinh doanh, bà Nitta à.


- Có lẽ cô và Sayuri nên nêu ra việc này trong khi nói chuyện với ông ta trong lần gặp ông ta sắp đến. Nói cho ông ta biết đây là một vụ tai nạn kinh khủng. Tôi nghĩ thế nào ông ta cũng muốn đền bù cho chúng ta.


- Phải, tôi nghĩ đây là một ý kiến hay – Mameha đáp – Tuy nhiên, kế hoạch này chán lắm. Tôi có cảm giác là có một người khác đang quan tâm đến Sayuri.


- Một trăm yen là một trăm yen, cho dù nó xuất phát từ người này hay người khác.


- Điều này đúng trong nhiều trường hợp – Mameha nói – Nhưng người tôi muốn nói là ông Tướng Tottori Junnosuka…


Câu chuyện đến đây, tôi không theo dõi được hai người nói gì với nhau nữa, vì tôi nhận ra Mameha đang ra sức cô cứu tôi thoát khỏi Nobu. Tôi thật không ngờ có chuyện như thế này xảy ra. Tôi không biết cô ấy đổi ý về việc giúp tôi, hay không biết có phải cô ấy cám ơn tôi về việc tôi đứng về phe cô ấy chống lại Mẹ. Dĩ nhiên có thể cô ấy không cố tình giúp đỡ tôi, nhưng chắc có mục đích gì khác đây. Tôi nghĩ trong óc loay hoay đủ thứ cho đến khi tôi cảm thấy Mẹ lấy cán ống vố gõ vào tay tôi.


- Sao? – bà ta hỏi.


- Thưa Mẹ cái gì?


- Tôi hỏi cô có biết ông Tướng không?


- Con gặp ông ta vài lần, Mẹ à. Ông ta thường đến Gion.


Tôi không biết tại sao tôi lại trả lời như thế. Thực ra tôi đã gặp ông Tướng nhiều hơn vài lần. Tuần nào ông ta cũng đến Gion, nhưng thường là khách của người nào đấy. Ông ta nhỏ xác, còn thấp hơn tôi nữa, nhưng ông ta không phải loại người dễ bỏ qua đâu, không thể làm ngơ như làm ngơ trước khẩu súng máy. Ông ta di chuyển rất nhanh, mồm luôn luôn phì phà thuốc lá, cho nên quanh ông ta khi nào cũng có khói như khói trên đoàn tàu đang chạy rì rì. Một buổi tối, trong lúc ngà ngà say, ông Tướng đã nói chuyện với tôi một hồi thật lâu về cấp bậc trong quân đội, ông ta thấy vui vì tôi cứ lẫn lộn các cấp bậc với nhau. Cấp bậc của Tướng Tottori là “Shojo”, có nghĩa là Thiếu tướng, vị trí thấp nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh, và cô gái ngốc nghếch là tôi cứ nghĩ cấp bậc này không cao lắm. Có thể vì khiêm tốn nên ông ta hạ tầm quan trọng của cấp bậc mình xuống, và tôi không còn các nào khác là chỉ biết tin ông ta thôi.


Khi ấy, Mameha cho Mẹ biết ông Tướng đã đảm nhiệm công tác mới. Ông được giữ nhiệm vụ điều hành một công việc được gọi là “Tiếp liệu quân nhu”. Nhưng khi nghe Mameha giải thích thì công việc này nghe như là việc của một bà nội trợ lo việc đi chợ. Chẳng hạn nếu quân đội thiếu hụt giấy in, công việc của ông Tướng là kiếm ra cho đủ số giấy in cần thiết, và với giá rất rẻ.


- Với công việc như thế này – Mameha nói – ông Tướng đang ở vị thế cần có tình nhân ngay. Và tôi tin chắc ông ta sẽ rất thích Sayuri.


- Nếu ông ta quan tâm đến Sayuri – Mẹ đáp – tại sao tôi phải chú ý đến – giới quân nhân không bao giờ chăm sóc đến geisha như giới thương nhân hay là giới quý tộc.


- Quả đúng như thế, thưa bà Nitta. Nhưng tôi nghĩ thế nào bà cũng nhận thấy nhiệm vụ mới của Tottori sẽ giúp ích rất nhiều cho nhà kỹ nữ.


- Vô nghĩa! Tôi không cần ai giúp nhà kỹ nữ của tôi hết. Điều tôi cần là lợi tức phong phú, đều đặn, mà việc này thì một quân nhân không thể làm được.


- Cuộc sống của chúng ta ở Gion đang gặp may là còn đầy đủ – Mameha đáp – nhưng nếu tình trạng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, thế nào chúng ta cũng bị thiếu hụt các thứ.


- Tôi biết nếu chiến tranh tiếp diễn, thế nào các thứ cũng sẽ thiếu hụt – Mẹ nói – Cuộc chiến tranh này sẽ chấm dứt trong sáu tháng thôi.


- Và khi chiến tranh chấm dứt, địa vị của giới nhà binh sẽ mạnh hơn bao giờ hết. Thưa bà Nitta, xin bà đừng quên rằng Tướng Tottori giám sát tất cả nguồn tiếp liệu của quân đội. Không người nào ở Nhật có được vị trí ngon lành hơn ông ta để cung cấp cho bà những thứ bà cần, cho dù chiến tranh còn tiếp diễn hay không. Ông ta phê chuẩn tất cả các thứ hàng nhập cảng khắp các hải cảng ở Nhật.


Sau này hỏi ra, tôi mới biết những điều Mameha nói về Tướng Tottori là không hoàn toàn đúng. Ông ta chỉ là thủ trưởng của năm khu vực hành chính lớn mà thôi. Nhưng ông ta là thượng cấp của những người phụ trách giám sát các khu vực khác, nên có thể xem ông ta là người phụ trách toàn diện. Nhưng dù sao, khi nghe Mameha nói thế, chắc anh cũng biết thái độ của Mẹ ra sao rồi. Chắc anh có thể hiểu được đầu óc bà ta làm việc ra sao trong kế hoạch nhờ cậy một người có nhiệm vụ như Tướng Tottori. Bà ta nhìn xuống bình trà, và tôi có thể mường tượng ra ý nghĩ trong óc bà ta – Thế là tốt, mình khỏi lo vấn đề thiếu hụt trà… bây giờ thì chưa… nhưng giá trà sẽ lên… Và có lẽ chưa biết tính toán ra sao, nhưng bà cũng đưa tay sờ vào trong dải thắt lưng, bóp cái bao lụa đựng thuốc lá để xem thử thuốc còn bao nhiêu, nhiều hay ít.


Mẹ bỏ cả tuần sau để đi khắp Gion, gọi điện đến các nơi để thăm dò tin tức về ông Tướng Tottori. Bà ta mải mê công việc này đến nỗi đôi lúc tôi nói với bà, bà cũng không nghe tôi nói cái gì. Tôi nghĩ chắc bà bận suy nghĩ, trí óc bà như cái đầu máy xe lửa kéo quá nhiều toa.


Trong thời gian này, tôi tiếp tục gặp Nobu bất cứ khi nào ông ta đến Gion, và tôi cố làm ra vẻ như không có gì thay đổi. Có lẽ ông ta đợi tôi làm tình nhân của ông vào giữa tháng bảy. Dĩ nhiên tôi cũng chờ đợi ngày ấy đến, nhưng khi gần đến tháng ngày ấy, những cuộc thương lượng cũng không đi đến đâu. Trong những tuần lễ kế tiếp, nhiều lần tôi thấy ông ta nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. Rồi một đêm, ông ta chào bà chủ phòng trà Ichiriki với thái độ cộc cằn tôi chưa từng thấy, bằng cách đi qua mặt bà ta mà không thèm gật đầu nữa. Bà thường xem Nobu là vị khách quí, nên bà ta nhìn tôi với ánh mắt kinh ngạc và lo sợ. Khi tôi vào tham gia buổi tiệc do ông chi trả, tôi không thể nào không chú ý đến những thái độ giận dữ của ông ta được – như là hai quai hàm bạnh ra, thái độ hắt tách rượu vào miệng. Tôi không trách ông ta về thái độ cộc cằn của ông. Tôi nghĩ ông ta hẳn xem tôi là một kẻ vô tâm, là kẻ đã trả ơn lòng tốt của ông ta bằng sự thờ ơ lạnh nhạt. Tôi ngồi yên buồn bã một hồi lâu, đầu óc suy nghĩ lung tung, cho đến khi tiếng cái tách sakê dằn mạnh xuống bàn phát ra tiếng “cách” tôi mới giật mình tỉnh lại. Khi tôi nhìn lên, Nobu đang nhìn tôi. Khách ngồi quanh ông ta cười ồ lên với vẻ thích thú, còn ông ta vẫn ngồi yên, mắt dán vào mặt tôi, trầm ngâm suy nghĩ như tôi đã trầm ngâm suy nghĩ hồi nãy. Chúng tôi như hai vũng nước trong lò than cháy rần rần
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom