“Tỷ tỷ, sau này ở nhà phiền tỷ chăm sóc mẹ…” Cô nữ binh bách phu trưởng thu dọn hành lý hộ chị mình. Mệnh lệnh thu hồi binh tịch đã được ban xuống, chị cô đương nhiên phải thu dọn đồ đạc rời khỏi doanh trại nữ binh. “Ở nhà dưỡng thương cho tốt, đừng sợ tốn tiền. Sau này muội sẽ gửi tiền lương của muội về nhà, tỷ nhớ giữ lấy. Để mẹ cầm đảm bảo lại bị cái đám xấu xa kia nói ngon nói ngọt lừa mất…”
“Ừ, tỷ biết rồi.”
Chị của cô nữ binh thi thoảng ngẩng đầu lên nhìn em gái, trong mắt hiện lên vẻ hối hận.
Cô cũng không biết khoảng thời gian này mình bị làm sao nữa, họ hàng nhà nội luân phiên oanh tạc, suốt ngày lải nhải bên tai rằng lấy chồng còn đáng tin cậy hơn làm nữ binh, lấy chồng rồi còn có thể làm bà chủ gia đình quản lý mọi việc trong nhà, nếu có thể sinh được con trai đầu lòng, nói không chừng còn được kế thừa gia nghiệp, khỏi lo nửa đời sau.
Rồi còn lấy đủ ví dụ, bảo là lời hứa của chủ công chắc chắn chỉ để lừa người….
Cứ mơ mơ màng màng như thế, cán cân trong lòng cô liền nghiêng về phía người nhà.
Bây giờ thì hay rồi, cô bị đuổi khỏi quân doanh, về nhà còn không bị người thân giày vò hay sao?
Nghĩ đến đó, cô bất giác nghĩ đến em gái mình, con bé vừa nghe lời vừa hiểu chuyện, đáng tin cậy hơn chị nó nhiều.
Con gái mười lăm tuổi ở thời đại này, nếu không vào doanh trại nữ binh có lẽ đã làm mẹ của mấy đứa con rồi.
“Muội đã hiểu thấu rồi, nói khó nghe thì mẹ cũng là người hồ đồ, tiền lương nửa năm trước gửi về cho mẹ, muội cứ tưởng bà có thể dựa vào số tiền đó mà cứng cỏi lên được một chút, đừng để bà nội, các cô, các bác bắt nạt nữa, không còn bị cha đánh…”
Càng nói càng tức, cô em gái bất giác nghiến răng nghiến lợi.
Trong doanh trại một ngày được ăn ba bữa, thức ăn cũng không tệ, tiền bạc thóc gạo mỗi tháng được chia cho không dùng đến, chị em bọn họ gộp lại rồi lén lút gửi cho mẹ. Nhưng không ngờ đến mẹ lại hại con gái như thế, dẫn một đám đỉa hút máu đến bám lấy họ.
Đám họ hàng lòng dạ xấu xa đó làm ầm lên khiến chị cô bị đuổi khỏi quân doanh, điều này cũng có nghĩa là chị cô đã mất đi một chỗ dựa che chở, sau này phải làm thế nào đây?
Việc cưới xin tiêu rồi, nhà chồng trốn còn nhanh hơn cả thỏ, người nhà cô còn bị đánh vì chuyện này, chắc chắn thể nào cũng đổ lên đầu chị cô.
Nghĩ đến tình cảnh hiện tại, cô em gái lại cảm thấy đau cả đầu.
Cô nói: “Lần này tỷ đừng hồ đồ nữa, nếu như bọn họ còn ăn vạ nữa thì cứ việc đánh. Dù gì muội cũng là bách phu trưởng, ai dám đánh tỷ của muội? Còn về phía mẹ, tỷ phải cứng rắn lên thì mới có thể bảo vệ mình và mẹ khỏi bị người khác bắt nạt…”
So với cô chị tính cách nhu nhược, cô em gái lại kiên cường cứng rắn hơn rất nhiều.
Cô em gái lải nhải dặn dò, cả tháng nữ binh mới có một ngày nghỉ, một tháng nhiều lắm cô cũng chỉ về nhà được một lần.
Cô chị không nói một câu nào, im lặng nhận lấy hành lý từ tay em gái.
Trừ mấy bộ quần áo thay hằng ngày và hai bộ chăn đệm, cơ bản là không còn thứ gì khác.
Ra khỏi doanh trại, bên ngoài có mười mấy chiến hữu chơi khá thân đang đứng xung quanh, mợi người đều im lặng.
Cô chị mấp máy môi nói: “Ta đi đây…”
Rất nhiều chiến hữu đến đưa tiễn, nhưng cũng có vài ba nữ binh lạ mặt chạy đến hóng chuyện.
Dù sao cô cũng là nữ binh đầu tiên bị xóa binh tịch đuổi khỏi quân doanh.
Cô chị chật vật chạy đi, dù những người đứng xung quanh không nói gì, nhưng cô vẫn cảm thấy rất mất tự nhiên. Dường như đang có vô số ánh mắt như cười như không đang nhìn theo, cười nhạo cô yếu đuối nhu nhược, cam tâm bị người nhà hành hạ.
Cô em gái nhìn những ánh mắt xem trò vui đó mà không kìm được cơn giận đang bốc lên trong lòng.
Cô chua ngoa nói: “Nhìn cái gì mà nhìn, nếu như không có tỷ tỷ của ta thì hộ tịch của mấy người được dời đi sớm thế à?”
Có nữ binh khác cười giễu: “Cho dù không có tỷ tỷ của cô có lẽ sẽ có tỷ tỷ của người khác. Dạo này doanh trại nữ binh xảy ra toàn những chuyện linh tinh, mọi người đều biết. Riêng chỉ có cha mẹ cô không chịu nổi, đầu óc của chị cô cũng đần độn. Ta nói thẳng, chị cô rời khỏi doanh trại sớm thế này cũng tốt, cô ta không cần nhưng có người tranh vỡ đầu để vào đấy. Nếu không phải cô ta nghi ngờ chủ công thì mọi việc làm sao đến nông nỗi này.”
Giữ chỗ khư khư, cô ta không cần nhưng vẫn còn nhiều người khác muốn vào.
Nếu phân tích kỹ chuyện ra thì rõ ràng là cô chị đó đã bất trung, bất tín với chủ công, loại người như thế còn giữ lại ở trong doanh trại làm gì?
Cô em gái bị chặn họng không nói được câu nào.
“Được rồi, chẳng phải Khương Hiệu úy thường hay nói đó sao, những người muốn tự cứu thì vẫn còn cứu được, ngoan ngoãn cam chịu mới là hết thuốc chữa. Trong doanh trại nữ, võ công của chị cô cũng là số một số hai, nếu người nhà cô đánh cô ta, cô đoán xem chị cô có đánh trả không? Cô ấy à, cũng không tinh ý một chút, có thời gian đứng đây cãi vã còn không bằng đi cảnh cáo cha mẹ cô nhiều vào. Tránh cho lần sau về nhà thi thể của chị cô đã lạnh rồi.”
Võ công có tốt mấy đi chăng nữa, không phản kháng thì vẫn bị đánh chết.
Câu này đúng là độc địa, nhưng cũng không phải là không có lý, gương mặt cô em gái hết đỏ rồi lại xanh.
Chuyện này chỉ ầm ĩ trong hai ngày, sự chú ý của các nữ binh đã đổ dồn vào sự kiện khác hấp dẫn hơn.
Các nữ binh lập công trên chiến trường trước đó chính là loạt nữ binh đầu tiên được cầm hộ tịch độc lập của mình trong tay, tên chủ hộ chính là tên của bọn họ!
Tuy rằng tất cả các nữ binh đều có thể có được hộ tịch độc lập, nhưng có người có sớm có người có muộn, những nữ binh đầu tiên cầm được hộ tịch đều đã từng lập công.
Vô hình trung đã khiến các nữ binh càng khao khát muốn lập công.
Chính sách này cũng khiến không ít người nhà của các nữ binh bất mãn và lên tiếng phản đối.
Chủ hộ là người làm chủ trong nhà, nếu như đám của nợ đó mà chạy hết, sau này bọn họ làm sao mà nắn bóp chúng nó được nữa.
Nhưng dưới sự trấn áp mạnh mẽ của Khương Bồng Cơ, những âm thanh phản đối đó nhanh chóng biến mất tăm.
Quận Phụng Ấp là một trong những nơi lánh nạn hiếm có, nếu làm huyện lệnh chán ghét bị đuổi đi thì cả nhà làm gì còn đường sống?
Tuy không muốn nhưng chính sách này vẫn được thi hành một cách thuận lợi, chỉ thương cho bộ phận quản lý hộ tịch.
Tuy rằng số lượng nữ binh không nhiều, nhưng cũng chẳng ít, tách mấy nghìn người từ hộ tịch cũ sang hộ tịch độc lập riêng, không chỉ đơn giản là việc chuyển hộ tịch, trong đó còn liên quan đến các vấn đế tài sản và thừa kế, mọi người bận đến mức túi bụi, giờ lại còn là giữa hè, mệt đến bở cả hơi tai.
Khương Bồng Cơ quan tâm đến binh lính nữ đồng thời cũng không quên binh lính nam, lần lượt từng hạng mục chính sách phúc lợi được ban xuống làm giảm đi không ít nỗi lo sau chiến tranh của bọn họ. Như vậy cánh đàn ông cũng không ganh tỵ với các nữ binh nữa, ai nấy đều cười híp cả mắt, cho dù có phải đội trời nắng chang chang để tập luyện vẫn rất sung sức, từ đằng xa đã nghe thấy tiếng hô khẩu hiệu vọng lại từ trong quân doanh.
Sau chuyện của doanh trại nữ binh, Khương Bồng Cơ nhận ra rằng đại đa số binh lính đã có tư tưởng cố định, trong một khoảng thời gian ngắn rất khó thay đổi. Nếu đã như thế không bằng sử dụng một vài thủ đoạn tẩy não đơn giản mà bạo lực. Cho dù là luyện tập buổi sáng hay luyện tập buổi chiều, tất cả mọi người đều phải hô thật to nội quy trong quân doanh, coi nó như khẩu hiệu lúc luyện tập.
Một ngày hai ngày thì không sao, nhưng cô không tin qua một khoảng thời gian cứ lặp đi lặp lại như thế mà bọn họ lại không bị ảnh hưởng.
[Hôm Nay Kẹt]: Streamer, Streamer, cô đang dựa vào Đảng đấy, giỏi lắm, cục cưng xem trọng cô.
[Thiệt Đau Khổ Nha]: Streamer, cô có nghĩ đến việc thiết lập chức vụ ủy viên chính trị trong quân doanh không? Vì chế độ quân đội ở cổ đại và hiện đại bất đồng nên ủy viên chính trị cô lập ra cũng không cần quản lý quá nhiều, bình thường chỉ cần kể cho binh sĩ chuyện đánh giặc đơn giản, đưa đường dẫn lối tư tưởng của bọn họ, thi thoảng quản lý nội vụ, kiểu như bà quản gia ấy, dạy bọn họ học xóa nạn mù chữ…
[Không Biết Mấy Chương]: Ha ha ha, bác phía trên, bác bôi bác Đảng như thế cẩn thận mấy chú công an gọi lên phường uống chè đấy.
Bình luận facebook