• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Hành trình về phương Đông (1 Viewer)

  • Hành trình về phương Đông - Chương 09 phần 1

Chương 09: Cõi vô hình


Hamud là một pháp sư có kiến thức rất rộng về cõi vô hình. Khác với những đạo sĩ phái đoàn đã gặp, ông này không phải người Ấn mà là một người Ai cập. Ông ta sống một mình trong căn nhà nhỏ, xây dựa vào vách núi. Hamud không hề tiếp khách, nhưng trước sự giới thiệu của bác sĩ Kavir, ông bằng lòng tiếp phái đoàn trong một thời gian ngắn. Vị pháp sư có khuôn mặt gầy gò, khắc khổ và một thân hình mảnh khảnh. Ông ta khoác áo choàng rộng và quấn khăn theo kiểu Ai cập.


Giáo sư Evans-Wentz vào đề:


- Chúng tôi được biết ông chuyên nghiên cứu các hiện tượng huyền bí…


Pháp sư thản nhiên:


- Đúng thế, tôi chuyên nghiên cứu về cõi vô hình.


- Như thế ông tin rằng có ma…


Vị pháp sư nói bằng một giọng chắc chắn, quả quyết:


- Đó là một sự thật không những ma quỷ hiện hữu mà chúng còn là đối tượng nghiên cứu của tôi.


- Bằng cớ nào ông tin rằng ma quỷ có thật?


- Khắp nơi trên thế giới đều có các giai thoại về ma, vì con người thường sợ hãi cái gì mà họ không thể nhận thức bằng các giác quan thông thường nên họ đã phủ nhận nó. Sự phủ nhận này mang đến niềm sợ hãi. Từ đó họ thêu dệt các giai thoại rùng rợn, ly kỳ, không đúng sự thật. Nếu chúng ta chấp nhận ma quỷ hiện hữu như một con voi hay con ngựa thì có lẽ ta sẽ không còn sợ hãi. Các ông đòi hỏi một chứng minh cụ thể chăng?


- Dĩ nhiên, chúng tôi cần một bằng chứng hiển nhiên …


- Được lắm, các ông hãy nhìn đây.


Vị pháp sư mở ngăn kéo lấy ra một cặp que đan áo, một bó len và mang ra góc phòng để xuống đất. Ông ta thong thả:


- Chúng ta tiếp tục nói chuyện, rồi các ông sẽ thấy.


Mọi người ngơ ngác, không hiểu ông muốn nói gì, giáo sư Mortimer nóng nảy:


- Nếu ông nghiên cứu về cõi vô hình, xin ông giải thích về quan niệm thiên đàng, địa ngục cũng như đời sống sau khi chết ra sao?


Vị pháp sư nghiêm giọng:


- Đó là một quan niệm không đúng, sự chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải là hết. Vũ trụ có rất nhiều cõi giới, chứ không phải chỉ có một cõi này.


- Khi chết ta bước qua cõi trung giới và cõi này gồm có bảy cảnh khác nhau. Mỗi cảnh được cấu tạo bằng những nguyên tử rất thanh mà ta gọi là “dĩ thái”. Tùy theo sự rung động khác nhau mà mỗi cảnh giới một khác. Tùy theo vía con người có sự rung động thanh cao hay chậm đặc, mà mỗi người thích hợp với một cảnh giới, đây là hiện tượng “đồng thanh tương ứng” mà thôi. Khi vừa chết, thể chất cấu tạo cái vía được sắp xếp lại, lớp thanh nhẹ nằm trong và lớp nặng trọc bọc phía ngoài, điều này cũng giống như một người mặc nhiều áo khác nhau vào mùa lạnh, áo lót mặc ở trong, áo choàng dày khoác ngoài. Vì lớp vỏ bọc bên ngoài cấu tạo bằng nguyên tử rung động chậm và nặng nề, nó thích hợp với các cảnh giới tương ứng ở cõi âm, và con người sẽ đến với cảnh giới này. Sau khi ở đây một thời gian, lớp vỏ bao bọc bên ngoài dần dần tan rã giống như con người trút bỏ áo khoác bên ngoài ra, tùy theo các lớp nguyên tử bên trong mà họ thích ứng với một cảnh giới khác. Cứ như thế, theo thời gian, khi các áp lực vật chất tan rã hết thì con người tuần tự tiến lên những cảnh giới cao hơn. Điều này cũng giống như một quả bóng bay bị cột vào đó những bao cát; mỗi lần cởi bỏ được một bao thì quả bóng lại bay cao hơn một chút cho đến khi không còn bao cát nào, thì nó sẽ tự do bay bổng. Trong bảy cảnh giới của cõi âm, thì cảnh thứ bảy có rung động nặng nề, âm u nhất, nó là nơi chứa các vong linh bất hảo, những kẻ sát nhân, người mổ sẻ súc vật, những cặn bả xã hội, những kẻ tư tưởng xấu xa, còn đầy thú tánh. Vì ở cõi âm, không có thể xác, hình dáng thường biến đổi theo tư tưởng nên những kẻ thú tánh mạnh mẽ thường mang các hình dáng rất ghê rợn, nửa người, nửa thú. Những người thiếu kiến thức rõ rệt về cõi này cho rằng đó là những quỷ sứ. Điều này cũng không sai sự thật bao nhiêu vì đa số những vong linh này luôn oán hận, ham muốn, thù hằng và thường tìm cách trở về cõi trần. Tùy theo dục vọng riêng tư mà chúng tụ tập quanh các nơi thích ứng, dĩ nhiên người cõi trần không nhìn thấy chúng được. Những loài ma đói khát quanh quẩn bên các chốn trà đình tửu quán, các nơi mổ sẻ thú vật để tìm những rung động theo những khoái lạc vật chất tại đây. Khi một người ăn uống ngon lành họ có các rung động, khoái lạc và loài mà tìm cách hưởng thụ theo tư tưởng này. Đôi khi chúng cũng tìm cách ảnh hưởng, xúi dục con người nếu họ có tinh thần yếu đuối, non nớt. Những loài ma dục tình thì quanh quẩn nơi buôn hương bán phấn, rung động theo những khoái lạc của người chốn đó, và tìm cách ảnh hưởng họ. Nếu người sống sử dụng rượu, các chất kích thích thì ngay trong giây phút mà họ không còn tự chủ được nữa, các loài ma tìm cách nhập vào trong thoáng giây để hưởng một chút khoái lạc vật chất dư thừa. Vì không được thỏa mãn nên theo thời gian các dục vọng cũng giảm dần, các nguyên tử nặng trọc cũng tan theo, vong linh sẽ có các rung động thích hợp với một cảnh giới cao hơn và y sẽ thăng lên cõi giới tương ứng. Dĩ nhiên, một người có đời sống trong sạch, tinh khiết sẽ không lưu ở cõi này, mà thức tỉnh ở một cõi giới tương ứng khác. Tùy theo lối sống, tư tưởng khi ta còn ở cõi trần mà khi chết ta sẽ đến những cảnh giới tương đồng, đây chính là định luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.


Toàn thể phái đoàn im lặng nhìn nhau, vị pháp sư Ai cập đã diễn tả bằng những danh từ hết sức khoa học, chính xác, chứ không mơ hồ, viễn vông. Dù sao đây vẫn là một lý thuyết rất hay, nhưng chưa chứng minh được. Có thể đó là một giả thuyết của những dân tộc nhiều tưởng tượng như người Á châu chăng?


Hamud mỉm cười như đọc được tư tưởng mọi người:


- Nếu các ông biết rằng tôi cũng là một tiến sĩ vật lý học tốt nghiệp đại học Oxford…


Giáo sư Harding giật mình kêu lên:


- Oxford ư? Ông đã từng du học bên xứ chúng tôi sao?


- Chính thế, tôi tốt nghiệp năm 1864, và là người Ai cập đầu tiên tốt nghiệp về ngành này.


(Ghi chú của giáo sư Spalding: Phái đoàn đã phối kiểm chi tiết này và hồ sơ đại học Oxford ghi nhận có một tiến sĩ người Ai cập tên là Hamud El Sarim nhập học năm 1856 và tốt nghiệp năm 1864 với bằng Tiến sĩ Vật lý).


- Nhưng làm sao ông biết rõ được cõi giới này? Ông đã đọc sách vở hay dựa trên những bằng chứng ở đâu?


- Tôi đã khai mở các giác quan thể vía, nhờ công phu tu hành trong nhiều năm. Ngay khi còn là sinh viên tôi đã say mê môn Vật lý siêu hình (metaphysics). Tôi dành nhiều thời giờ nghiên cứu sách vở khoa học, nhưng đến một lúc thì khoa học phải bó tay. Sự nghiên cứu dẫn dắt tôi đến với Khoa Huyền Bí học. Tôi học hỏi rất kỹ về môn này, khi trở về Ai cập tôi may mắn gặp được các vị đạo sư uyên bác, nên sự nghiên cứu càng ngày càng tiến bộ. Sự nghiên cứu dẫn dắt tôi sang Ấn độ, và Tây Tạng. Tại đây tôi gặp một Lạt Ma chuyên nghiên cứu về cõi âm, tôi đã học hỏi rất nhiều với vị này. Sau đó, tôi tu nhập thất trong 10 năm liền, và khai mở được một vài giác quan đặc biệt. Từ đó, tôi tha hồ nghiên cứu cõi âm vì tôi có thể sang tận đây học hỏi và cõi này trở nên quen thuộc, tôi kết bạn với rất nhiều sinh vật siêu hình, chúng giúp đỡ tôi rất nhiều.


Giáo sư Evans- Wentz ngập ngừng:


- Ông muốn nói rằng ông kết bạn với ma?


- Dĩ nhiên, vì tôi dành trọn thời giờ hoạt động bên cõi này, nên tôi có rất đông bạn bè, phần lón là vong linh người quá cố nhưng cũng có một vài sinh vật có đường tiến hóa riêng, khác với loài người, có loài khôn hơn người và có loại không thông minh hơn loài vật là bao…


- Giao thiệp với chúng có lợi ích gì không?


- Các ông nên biết cõi âm là một thế giới lạ lùng, phức tạp với những luật thiên nhiên khác hẳn cõi trần. Sự đi lại giao thiệp giúp ta thêm kiến thức rõ ràng…..


- Như thế có nguy hiểm không?


- Dĩ nhiên, có nhiều sinh vật hay vong linh hung ác, dữ tợn…Một số thầy phù thủy, thường liên lạc với nhóm này để mưu cầu lợi lộc, chữa bệnh hoặc thư phù, nguyền rủa….


- Ông có thể làm như vậy không?


Vị pháp sư nghiêm mặt:


- Tất cả những việc gì có tính cách phản thiên nhiên, ngược luật tạo hóa đều mang lại hậu quả không tốt. Mưu cầu lợi lộc cho cá nhân là điều tối kỵ của ai đi trên đường đạo. Tôi không giao thiệp với những loại vong linh này, vì chúng rất nguy hiểm, hay phản phúc và thường giết chết kẻ lợi dụng chúng bất cứ lúc nào. Các ông nên nhớ tôi là một khoa học gia chứ không phải một thầy pháp hạ cấp hay một phù thủy chữa bệnh.


- Xin ông nói rõ hơn về những cảnh giới cõi âm.


- Các ông nên biết dù ở cõi nào, tất cả cũng không ra ngoài các định luật khoa học. Thí dụ như vật chất có ba thể: thể lỏng, thể đặc và thể hơi, thì bên cõi này cũng có những thể tương tự. Luật thiên nhiên cho thấy vật nặng sẽ chìm xuống dưới và vật nhẹ nổi lên trên thì cõi vô hình cũng thế. Nguyên tử cõi âm rung động với một nhịp độ khác với cõi trần, các nguyên tử rung động thật nhanh dĩ nhiên phải nhẹ hơn các nguyên tử nặng trước. Tóm lại, tuỳ theo nhịp độ rung động mà tạo ra những cảnh giới khác nhau, có bảy loại rung động nên có bảy cõi giới. Các nguyên tử rung động chậm chạp phải chìm xuống dưới vì nếu ta mang nó lên cao, sức ép sẽ làm nó tan vỡ ngay. Thí dụ ta đặt một quả bóng xuống nước nếu đến một độ sâu nào đó sức ép của nước sẽ làm nó vỡ tan. Loài cá cũng thế, có loại sống gần mặt nước, có loại sống tận đáy đại dương. Nếu loại sống gần mặt biển bị mang xuống đáy nó sẽ bị sức ép mà chết, ngược lại nếu loài sống ở dưới đáy cũng không thể lên sát mặt nước vì đã quen với sức ép khác nhau. Cảnh giới thứ bảy lúc nào cũng tối tăm, nặng nề với các vong linh hình dáng ghê rợn, nhưng hoàn toàn không có vụ quỷ sứ tra tấn tội nhân. Bị lưu đày ở đây đã là khổ sở lắm rồi, các ông hãy tưởng tượng bị dục vọng hành hạ mà không thể thỏa mãn thì còn khổ gấp trăm lần bị tra tấn. Vong linh thèm muốn nhưng không so thỏa mãn được, như đói mà không thể ăn, khát không thể uống. Do đó, theo thời gian y sẽ học bài học chịu đựng, nhẫn nhục cho đến khi dục vọng giảm bớt và tan ra thì y sẽ thăng lên cảnh giới thứ sáu. Cõi giới thứ sáu, có sự rung động rất giống như cõi trần, tại đây các vong linh ít còn thèm muốn vật chất như ăn uống, dục tình, nhưng bận tâm với những nhỏ nhen của cuộc sống như thỏa mãn bản ngã, ích kỷ, ghen tuông, hờn giận, v…v… Đa số có hình dáng giống như người cõi trần, nhưng lờ mờ không rõ. Vì sự rung động của nguyên tử gần giống như cõi trần nên họ hay trở về cõi này, họ thường nhập vào đồng cốt, các buổi cầu cơ, cầu hồn để chỉ dẫn bậy bạ, nói chuyên vu vơ nhằm thỏa mãn tự ái, bản ngã cá nhân. Vì đa số vong linh khi còn sống rất ham mê danh vọng, chức tước, uy quyền nên khi họ nhập vào đồng cốt, họ thường tự xưng là các đấng này, đấng nọ. Theo thời gian, các rung động ham muốn, các cố chấp về bản ngã, danh vọng cũng tan biến nên họ thăng lên cảnh giới thứ năm. Cõi thứ năm có sự rung động thanh nhẹ hơn cõi trần nên vong linh có thể biến đổi sắc tướng rất nhanh chóng. Đây là một thế giới với những âm thanh màu sắc lạ lùng dễ bị mê hoặc. Các vong linh ở đây đã bớt ham muốn về cá nhân, nhưng còn ham muốn về tư tưởng, kiến thức. Đây là nơi cư ngụ của những kẻ đạo đức giả, những kẻ bảo thủ nhiều thành kiến, những người trí thức tự phụ, v…v… Đây cũng là cõi có những sinh hoạt của loài Tinh linh. Loài Tinh linh là những sinh vật vô hình có hình dáng hao hao giống như người mà ta thường gọi là Thiên tinh (sylphs), Thổ địa (gnome), Phong tinh (elves), v…v… Một số bị thu phục bởi các phù thủy, pháp sư để làm ảo thuật hay luyện phép. Cõi này còn có sự hiện diện của những “hình tư tưởng”. Các ông nên biết, khi một tư tưởng hay dục vọng phát sinh thì chúng sử dụng tinh chất cõi này tạo nên một hình tư tưởng thích hợp. Đời sống của chúng tùy theo sức mạnh của tư tưởng mạnh hay yếu. Vì đa số tư tưởng con người còn mơ hồ nên hình tư tưởng chỉ tạo ra ít lâu là tan rã ngay. Một người tập trung tư tưởng có thể tạo ra một hình tư tưởng sống lâu trong vài giờ hay vài ngày. Một pháp sư cao tay có thể tạo ra các hình tư tưởng sống đến cả năm hay cả thế kỷ, không những thế hình tư tưởng này còn chịu sự sai khiến của ông ta. Các phù thủy luyện thần thông đều dựa trên nguyên tắc cấu tạo một sinh vật vô hình để sai khiến. Hình tư tưởng không chỉ phát sinh từ một cá nhân mà còn từ một nhóm người hay một quốc gia, dân tộc. Khi một đoàn thể, dân tộc cùng một ý nghĩ, họ sẽ tạo ra một hình tư tưởng của đoàn thể, quốc gia đó. Hình tư tưởng này sẽ tạo một ảnh hưởng vô cùng rộng lớn đối với tình cảm,phong tục, thành kiến của quốc gia, dân tộc. Ta có thể gọi đó là “Hồn thiêng sông núi” hay “dân tộc tính”. Khi sinh ra tại một quốc gia, ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của hình tư tưởng này, dĩ nhiên chúng chỉ ảnh hưởng lên thể vía, nghĩa là tình cảm của dân tộc đó, chứ không ảnh hưởng đến lý trí. Một người sống nhiều bằng lý trí sẽ ít chịu ảnh hưởng như người bình thường. Điều này giải thích tại sao một dân tộc có tâm hồn mơ mộng như thi sĩ khi dân tộc khác lại có đầu óc thực tế mặc dù trên phương diện địa lý, họ không ở cách xa nhau mấy và ít nhiều chia sẻ một số quan niệm về tôn giáo, phong tục, tập quán. Cảnh giới cõi thứ tư sáng sủa hơn và dĩ nhiên nguyên tử cõi này rung động rất nhanh. Phần lớn những vong linh tiến hóa, thánh thiện, những nhà trí thức trầm mặc nhưng còn quyến luyến một ít dục vọng khi chết đều thức tỉnh ở cảnh giới này. Đa số đều ý thức ít nhiều, nên họ bắt đầu cởi bỏ những ham muốn, quyến luyến. Đây cũng là chỗ họ học hỏi và ảnh hưởng lẫn nhau, và đôi khi kêt những liên hệ để cùng nhau tái sinh trong một gia đình hay quốc gia. Cõi giới thứ ba chói sáng, có những rung động nhẹ nhàng. Tại đâu có những linh hồn từ tâm nhưng vụng về, những tu sĩ thành tâm nhưng thiếu trí tuệ, những nhà lãnh đạo anh minh nhưng thành kiến. Đây cũng là một cảnh giới của một số thần linh (devas) như Cảm-dục thiên thần (Kamadeva), Hữu sắc thiên thần (Rupadeva), và Vô sắc thiên thần (Arupadeva). Các thần linh này có đời sống và tiến hóa cao hơn trình độ của nhân loại. Cõi giới thứ hai và thứ nhất cấu tạo bằng những nguyên tử hết sức thanh thoát, rung động rất nhanh và tràn đầy ánh sáng. Đây là cõi giới mà những người tiến hóa rất cao, rất tệ nhị không còn dục vọng, ham muốn, lưu lại để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát triển các đức tính riêng trước khi siêu thoát len cảnh giới cao hơn.


- Như thế người chết thường lưu lại ở cõi Trung giới bao nhiêu lâu?


- Thời gian lưu lại đây hoàn toàn tùy thuộc vào dục vọng con người, có người chỉ ghé lại đây vài giờ, lập tức đầu thai trở lại. Có kẻ ở đây hàng năm và có kẻ lưu lại đây hàng thế kỷ… Để siêu thoát, thể vía phải hoàn toàn tan rã hết thì mới lên đến cõi Thượng thiên hay siêu thoát. Tóm lại danh từ như thiên đàng hay địa ngục chỉ là những biểu tượng của những cảnh ở cõi Trung giới (Kamaloka). Tùy theo sự sắp xếp của thể vía khi chết, mà ta thức tỉnh ở một cảnh giới tương ứng.


Mọi người yên lặng nhìn nhau, những điều Hamud giải thích hoàn toàn hợp lý và hết sức khoa học, không hoang đường chút nào. Nhưng làm sao chứng minh những điều mà khoa học thực nghiệm không thể nhìn thấy được? Dù sao Hamud cũng là một Tiến sĩ Vật lý tốt nghiệp đại học nổi tiếng nhất Âu châu chứ không phải một phù thủy vô học chốn hoang vu, ít nhiều ông ta cũng có một tinh thần khách quan vô tư của một khoa học gia chứ không mê tín dễ chấp nhận một lý thuyết vu vơ, không kiểm chứng. Nhưng làm sao có thể thuyết phục những người Âu Mỹ vốn rất tự hào, nhiều thành kiến và tin tưởng tuyệt đối ở khoa học /


Hamud mỉm cười tiếp tục:


- Sự hiểu biết về cõi vô hình rất quan trọng, vì khi hiểu rõ những điều xảy ra sau khi chết, ta sẽ không sợ chết nữa. Nếu có chết chỉ là hình hài, xác thân chứ không phải sự sống, và hình hài có chết đi, thì sự sống mới tiếp tục tiến hóa ở một thể khác tinh vi hơn. Đây là một vấn đề hết sức hợp lý và khoa học cho ta thấy rõ sự công bình của vũ trụ. Khi còn sống, con người có dục vọng này nọ, khi dục vọng được thỏa mãn, nó sẽ gia tăng mạnh mẽ, đồng thời các chất thô kệch, các rung động nặng nề sẽ bị thu hút vào thể vía. Sau khi chết, dục vọng này trở nên mạnh mẽ vì không còn lý trí kiểm soát nữa, chính thế nó sẽ đốt cháy con người của ta. Sự nung đốt của dục vọng chẳng phải địa ngục là gì? Giống như đức tính, phẩm hạnh khi còn trẻ, quyết định điều kiện sinh sống lúc tuổi già, đời sống cõi trần quyết định đời sống bên kia cửa tử. Luật này hết sức hợp lý và dễ chứng minh. Khi còn trẻ ta tập thể thao, giữ thân thể khỏe mạnh, thì khi về già ta sẽ ít bệnh tật, khi còn trẻ ta chịu khó học hỏi, có một nghề nghiệp vững chắc thì khi về già đời sống được bảo đảm hơn, có đúng thế không? Những người nào chế ngự được dục vọng thấp hèn, làm chủ được đòi hỏi thể xác, thì các dục vọng này không thể hành hạ khi ta chết. Luật thiên nhiên định rằng khi về già thể xác yếu dần, đau ốm, khiến cho ta bớt đi các ham muốn và nhờ thế, dục vọng cũng giảm bớt rất nhiều nên thể vía cũng thanh lọc bớt các chất nặng nề, ô trượt để khi chết, sẽ thức tỉnh ở cảnh giới cao thượng hơn. Trái lại những người còn trẻ, lòng ham muốn còn mạnh mẽ, nếu chết bất đắc kỳ tử thường đau khổ rất nhiều và phải lưu lại cõi Trung giới lâu hơn. Nếu hiểu biết như thế, ta cần phải duyệt xét lại đời sống của mình ở cõi trần để khỏi lưu lại những cảnh giới thấp thỏi, nặng nề bên cõi âm. Những người lớn tuổi cần chuẩn bị để dứt bỏ các quyến luyến, ràng buộc, các lo lắng ưu phiền, các tranh chấp, giận hờn, phải biết xả ly, dứt bỏ mọi phiền não để mau chóng siêu thoát. Một sự chuẩn bị ở cõi trần sẽ rút ngắn thời gian bên cõi âm và chóng thúc đẩy thời gian lên cõi giới cao hơn.


- Nhưng còn các ma quỷ thì sao?


- Các ông cứ cho rằng ma quỷ là một thực thể thế nào đó, khác hẳn loài người. Thật ra phần lớn chúng là những vong linh sống ở cảnh giới thứ bảy, thứ sáu mà thôi. Chúng còn lưu luyến cõi trần, còn say mê dục vọng không sao thoát ra khỏi cảnh giới này… Luật thiên nhiên không cho phép chúng trở lại cõi trần, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, khiến người cõi trần trong một thoáng giây có thể nhìn thấy chúng…Khoan đã, các ông hãy xem kìa, người bạn của tôi đã làm xong việc.


Hamud chỉ vào góc phòng nơi ông ta để bó len và cây kim đan áo. Mọi người bước đến gần và thấy một chiếc áo len đan bằng tay đã thành hình từ lúc nào không ai rõ. Chiếc áo đan tay rất vụng, không khéo léo nhưng trên ngực có thêu tên giáo sư Mortimer. Vị pháp sư giải thích:


- Con ma này rất nghịch, và thường quanh quẩn ở đây. Tôi yêu cầu hắn đan chiếc áo len cho các ông để làm bằng chứng. Để tránh việc các ông cho rằng tôi làm trò ảo thuật, tráo vào đó một chiếc áo len khác tôi yêu cầu hắn thêu tên người nào trong phái đoàn có nhiều nghi ngờ nhất. Các ông đều biết rằng từ khi gặp gỡ tôi không hề hỏi tên các ông, và nếu chiếc áo này không đan riêng cho các ông thì còn ai nữa?
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom