Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Phần 5
Gặp Người Đúng Lúc
Phần 5
Đứng từ ngoài cửa nhìn vào vị trí của bọn tôi, cộng thêm hành động đang soi vết dị ứng nữa, nhìn mờ ám kinh khủng, giống hệt như hai người đang hôn nhau.
Tình ngay lý gian lần thứ hai, tôi chột dạ, đứng thẳng dậy nhanh như chớp rồi bảo:
– Em đang xem vết dị ứng cho anh Quân, anh ấy bị dị ứng. Chị lại đây xem xem.
– Dị ứng gì?
– Dị ứng đồ ăn ạ.
Bà Huyền đi lại gần, nhìn thấy cổ với tay Quân nổi đầy các vết mẩn đỏ thì tỏ ra sốt sắng như kiểu bố sắp đẻ em bé, cuống lên nói:
– Anh bị dị ứng gì thế? Sao không nói với em? Hôm qua em có thấy anh bị dị ứng đâu? Có đau lắm không anh, sốt không?
Chị ta vừa nói vừa định thò tay lên sờ trán Quân để kiểm tra nhiệt độ, nhưng anh ta ngay lập tức tránh đi. Quân nói:
– Không.
– Em thấy mặt anh đỏ lắm, chắc sốt rồi. Với cả nhìn vết dị ứng thế này thì chắc nặng lắm đấy, truyền nước đi đã.
– Không cần, Linh kiểm tra rồi.
– À… thế để em đi lấy thuốc dị ứng.
Tôi không dám ở trong phòng nữa mà nhanh chân bỏ ra bên ngoài, lúc sau chị Huyền cho Quân uống thuốc xong xuôi rồi thì mới gọi tôi vào phòng của bà ấy. Tôi biết kiểu gì cũng có chuyện nên chuẩn bị tinh thần sẵn rồi, mà đúng là vừa thấy mặt tôi cái thì chị ấy nói luôn:
– Thế mấy ca tai nạn mới vào lúc chiều, cô khâu kiểu gì mà bệnh nhân người ta làm ầm lên thế? Cô làm bác sĩ mà tắc trách với công việc như thế à? Đạo đức nghề nghiệp ở đâu rồi?
– Làm ầm gì cơ hả chị? Em có thấy đâu? Mà lúc chiều em khâu xong, bệnh nhân cũng không có vấn đề gì mà.
– Không có vấn đề gì chẳng qua là người ta không dám nói, người ta đồn thổi đến tai tôi đấy. Hay là không cho cô được đồng nào nên em đối xử với bệnh nhân thế?
– Từ khi em vào làm ở bệnh viện này, em chưa nhận của ai một đồng. Chị nói gì cũng nên nói có bằng chứng, kể cả bệnh nhân cho hay không cho em vẫn làm tốt việc của mình.
– Tôi làm sao mà biết cô nhận của ai hay chưa? Cô nói gì hay lắm, còn tư cách thế nào thì ai mà biết được. Sống tốt đẹp thì đã chẳng bị hủy cưới.
Từ lúc đám cưới của tôi bị hủy đến nay, cả khoa ai không ai nhắc đến nữa, nhưng cái bà này đúng là chẳng có ý tứ gì, hậm hực chuyện tôi với Quân mà lôi cả chuyện đó ra nói.
Tôi bực nên cũng đốp thẳng luôn:
– Đây là bệnh viện, chỗ làm việc, em nghĩ chị đừng nên lôi những chuyện ở ngoài vào nói. Em sống thế nào thì đó là việc của em, công việc em vẫn hoàn thành là được.
– Ừ, cô sống thế nào là việc của cô, nhưng cô công khai ve vãn người yêu tôi thế là ý gì đấy? Hay là thấy Quân là con của giám đốc nên cô muốn đu bám để trèo cao?
– Nói chung em nghĩ có gì chị nên hỏi thẳng người yêu chị ấy, không phải hậm hực với em làm gì.
– Cô giỏi thật…
Tôi tỏ rõ quan điểm như thế, Huyền tức lắm nhưng đánh tôi cũng không được mà đì tôi cũng không xong, dù gì chị ta cũng chỉ là phó khoa thôi, ở khoa còn có chú trưởng khoa nữa nên Huyền không có tư cách giao việc hay ép tôi được. Lúc đầu, tôi không muốn mất tình cảm đồng nghiệp nên mới nhịn, giờ chị ta lôi cả việc cưới xin của tôi ra nói, tôi không phải thần thánh mà cam chịu người ta sỉ nhục mình mãi được.
Tôi tỏ ra như không quan tâm đến thái độ của chị ta, chỉ bình thản đáp:
– Em còn việc, em đi làm đây.
Nói xong, tôi không chờ Huyền trả lời đã mở cửa đi ra ngoài. Đứng trên hành lang đông đúc người, tôi thật sự cảm thấy mình lạc lõng, mệt mỏi đến mức chỉ muốn đi đâu đó thật xa. Đi đâu cũng được, miễn là bỏ xa được cái mác “đồ con gái bị nhà trai hủy cưới”, quên đi tất cả những chuyện không vui và làm lại từ đầu.
Nhưng mà tôi biết mình tạm thời sẽ không làm được những điều ấy, bởi vì tôi sinh ra ở đây, cha mẹ tôi ở đây, và công việc của tôi cũng ở đây… tôi đã phấn đấu gần tám năm mới có thể đàng hoàng bước chân vào bệnh viện lớn này, tôi không muốn vì áp lực của mình mà bỏ lại dang dở tất cả.
Tôi thở dài một hơi, tự động viên mình cố lên rồi khôi phục lại vẻ mặt tươi cười thường ngày. Vừa đeo khẩu trang vào trong phòng tiểu phẫu cái, con bé Yến đã sáp lại gần, hỏi tôi:
– Chị vào phòng bà Huyền làm gì đấy, lại bị chửi à?
– Không, nói mấy câu linh tinh thôi.
– Gớm, linh tinh gì. Cả khoa biết thừa bà ấy đang hậm hực với chị kia kìa. Mà nghe nói anh Quân không thích bà này đâu, tin hot em mới thu thập được đấy.
– Thế thì liên quan gì đến chị?
– Ơ hay, bà Huyền sợ chị cướp mất nên mới dằn mặt chị trước thế chứ. Chẳng qua bố bà Huyền cơ to, quen biết với nhà chú Lâm nên hai nhà cứ gán ghép nhau vào thế thôi. Nhưng anh Quân không thích đâu.
– Thế à?
– Vâng, mà bà này kiểu si mê, cứ theo đuổi anh Quân mãi đấy.
– Mày cứ như thám tử ấy nhỉ? Sao biết được hay thế?
– Ơ chị không vào Facebook bà ấy bao giờ à? Đăng cả ảnh ông Quân còn gì?
– Thật à?
– Vâng. Nhưng mà em thấy anh Quân để ý chị đấy. Chị tán ông ấy đi, đến lúc cưới nhau rồi, có khi chị lại được lên hẳn trưởng khoa. Lúc đó đì chết bà Huyền luôn.
– Con dở hơi này, toàn tính chuyện đâu đâu thế.
– Em nói thật mà, bà ấy trước giờ hành chị suốt còn gì. Chị phải trả thù lại, em ủng hộ chị.
Tôi phì cười, cốc đầu Yến một cái làm nó phải nhăn nhó xuýt xoa:
– Chị mày sợ đàn ông lắm rồi, không tán tỉnh gì hết.
– Xùy… em không tin. Sợ thì sợ, kiểu gì cũng không thoát được lưới tình lồng lộng đâu.
Tôi bĩu môi tỏ vẻ không để ý đến lời Yến nói, nhưng thực ra trong lòng đã bắt đầu cảm thấy hơi lo lo rồi.
Nếu Quân là bệnh nhân bình thường thì chẳng nói làm gì, đằng này anh ta là con của giám đốc nên mọi sự chú ý đều đổ dồn vào đó. Huyền hiểu nhầm tôi là một đằng, giờ đến cả mọi người trong khoa cũng nói thế thì tôi nghĩ mình nên tránh anh ta càng xa càng tốt. Càng dây dưa thì càng gặp rắc rối, mà tôi thì cũng đã đủ mệt rồi.
Thế là những ngày tiếp theo đó, tôi cố tình không gặp mặt anh ta nữa, thỉnh thoảng phải đi qua phòng 302 tôi sẽ ngẩng đầu nhìn thẳng, không liếc ngang liếc dọc vào bên trong. Tôi cứ nghĩ không nhìn thấy Quân mình sẽ thoải mái hơn, nhưng mà nhiều khi tôi cứ thấy lòng mình kỳ lạ thế nào ấy. Cảm giác giống như trống trải, mà cũng giống như hụt hẫng. Như kiểu vừa mới nhìn thấy một món đồ mình thích, sau đó chờ mình đủ tiền mua thì người khác đã mua trước mất rồi.
Không gặp mặt được vài ngày thì Quân nhắn tin cho tôi, anh ta vẫn kiệm lời như bình thường, chỉ nhắn đúng ba chữ:
– Cơm thịt băm.
– Đang bận, không đi mua được. Trả tiền cũng vô ích.
Nhắn cộc lốc thế nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cứ ôm điện thoại chờ cả buổi chiều xem Quân có nhắn lại không, không thấy anh ta trả lời thì lại hậm hực chửi cái điện thoại.
Kể từ khi tôi yêu Nhật cho đến giờ, tôi bận rộn hơn nên chưa bao giờ phải chờ mà chỉ có Nhật chờ tôi, bây giờ thì đổi lại, tôi tự nhiên trở thành người mong ngóng cái số đẹp kia nhắn tin đến cho mình, trong khi đó chủ nhân của nó lại là một người mà tôi chẳng thân cũng chẳng quen.
Vì chẳng biết giải thích tại sao lại như thế nên tôi cứ tự nhủ, có lẽ mình thích cãi nhau với Quân, vì mỗi lần gây lộn hoặc chọc tức anh ta thì tôi thấy mình thoải mái hơn rất nhiều, giống như muộn phiền trong lòng cứ theo đó mà trút ra ấy.
Tôi thở dài thườn thượt cả buổi, Yến thấy thế mới bảo tôi:
– Gì mà chị cứ thở dài thế? Có chuyện gì à?
– Chuyện gì là chuyện gì, chẳng chuyện gì cả.
– Em thấy cả tuần nay chị không sang phòng anh Quân nữa, sợ bà Huyền à hay làm sao?
– Giờ không phụ trách phòng đó nữa nên không sang nữa chứ sao, mày hỏi ngơ thế em.
– Xùy, có mà nghiện nhưng ngại thì có. Em thấy bà có vẻ tương tư lắm, hay chạy qua ngó cái cho đỡ nhớ rồi về.
– Mày điên vừa thôi, ai nghe được lại tưởng thật đấy. Chết chị đấy.
– Em nói thật chứ điên gì, chạy qua ngó đi, em nghe nói anh Quân sắp khỏi chân rồi, mấy hôm rồi bắt đầu vịn tường đi lại được rồi. Hình như ngày mai là ra viện đấy.
– Mai ra viện à?
– Vâng, nãy em nghe thế thôi chứ chưa làm hồ sơ nên chưa biết.
– Ừ.
Ra viện rồi chắc cũng chẳng còn dịp nào đụng mặt nữa nhỉ. Nghĩ thế, trong lòng tôi bỗng dưng lại thấy hụt hẫng hơn một ít, nhưng mà cũng chẳng kịp rảnh rang để nghĩ ngợi được bao lâu thì lại có một ca tai nạn rất nặng chuyển vào.
Ngày hôm ấy có lẽ tử thần đi dạo một vòng nên có rất nhiều bệnh nhân được chuyển lên khoa tôi, nặng có, nhẹ có, tất cả các bác sĩ y tá đều tất bật chia nhau ra mổ cấp cứu cho bệnh nhân, tôi cũng phụ trách mở ổ bụng cho một ca bị thủng nội tạng.
Trước khi vào phòng phẫu thuật, người nhà bệnh nhân níu lấy vạt áo blouse của tôi rồi quỳ xuống, vừa khóc vừa nói:
– Bác sĩ ơi cứu chồng em với, nhà em một nhà năm miệng ăn chỉ trông chờ vào chồng em thôi bác sĩ ơi. Con em còn nhỏ lắm, con em không thể không có bố được, xin chị cứu chồng em với.
– Người nhà bình tĩnh đi, cứ ra ghế ngồi chờ, bình tĩnh nhé. Có chuyện gì chúng tôi thông báo ngay.
Với tư cách là một bác sĩ trị bệnh cứu người, tôi thật sự đã dốc hết khả năng mà tôi có để cố gắng giữ lấy cái mạng của bệnh nhân ấy. Nhưng mà dưới dao mổ của tôi, màn hình đo huyết áp của bệnh nhân cứ yếu dần, yếu dần, rồi trở thành một vạch ngang dài.
Tôi không cam tâm, quay đầu hét to với bác sĩ phụ mổ:
– Chuẩn bị kích điện.
– Vâng
– 200J
Dưới máy sốc điện, cả người bệnh nhân nảy lên như lò xo nhưng máy đo huyết áp vẫn kêu ầm ỹ, không có dấu hiệu của hồi phục tim. Tôi lại tiếp tục hét:
– 300J. Kích.
– Không được.
– Adrenaline 1 mg tiêm tĩnh mạch. Kích lại.
– Vẫn không được.
– 360J. Kích.
– Chị Linh, không được nữa rồi. Không có mạch, huyết áp 0.
Kích đến lần thứ ba mà bệnh nhân vẫn không có phản ứng, tôi vẫn cố chấp đến cùng muốn kích thêm lần nữa, nhưng mà tôi biết không còn được nữa rồi, đồng tử giãn rồi, nhịp tim mất rồi… Không cứu được nữa.
Giống như những lần trước, mỗi lần nhìn một sinh mạng tuột khỏi tay là cả kíp mổ đều lặng thinh. Tôi cũng lặng thinh, lặng lẽ khâu lại cơ thể bệnh nhân để anh ta yên nghỉ lành lặn, sau đó mới trở ra bên ngoài.
Gia đình họ được thông báo người thân đã mất thì tất cả như phát điên lên, lao vào gào thét cào cấu tôi, tôi cũng để mặc họ mà không chống cự. May mà chỉ một lúc sau đó bảo vệ đã có mặt để giúp tôi thoát ra khỏi vòng vây của người nhà họ. Tôi nhớ có mấy người bảo tôi về nhà nghỉ ngơi đi, nhưng tôi không về. Tôi mặc nguyên bộ đồ mổ dính máu lên sân thượng ngồi một mình.
Ngoài trời mùa này đã bắt đầu có sương muối, nhưng tôi không quan tâm mà chỉ im lặng nhìn mấy ông sao ở trên cao thôi, tôi nghĩ anh tôi cũng đang là một ngôi sao ở đó, đang nhìn tôi, chứng kiến từng bước đường mà tôi trưởng thành. Nhìn tôi khóc, nhìn tôi cười…
Anh tôi năm đó cũng đã từng từ giã cõi đời này trên màn mổ có bọc ga màu xanh lá cây như màu áo mổ của tôi, tôi năm đó là sinh viên thực tập, đứng bên cạnh nhìn anh cứ từ từ chết đi mà chẳng làm được gì, hệt như ngày hôm nay…
Tôi thở dài một hơi, đang ngơ ngẩn nhìn hơi thở của mình biến thành một làn khói tan vào không khí thì bỗng nhiên thấy có người từ đâu ngồi xuống bên cạnh mình.
Tôi giật mình, quay đầu nhìn sang thì thấy Quân đang đặt chiếc nạng sang bên cạnh. Chân anh ta vẫn còn đau nhưng miệng vết thương khép hết lại rồi, đi lại hơi khó khăn một tý nhưng mà có nạng thì vẫn di chuyển tốt.
Tôi mắc bệnh nghề nghiệp nên vẫn quen miệng hỏi:
– Đi được rồi à? Chân còn chảy dịch nữa không?
– Không. Khô rồi.
– Uống thêm kháng sinh vào cho khỏi hẳn đi. Với cả trên này bẩn, anh ngồi đây lại nhiễm trùng bây giờ.
– Cô ngồi đây làm gì?
– Ngắm trời, ngắm sao. Ở Hà Nội ô nhiễm quá, tôi chỉ thấy chỗ này là không khí trong lành nhất nên lên đây hít thở thôi.
Ánh mắt anh ta liếc về phía nhà xác ở cách tòa nhà chỗ chúng tôi đang ngồi một đoạn, xong lại nhìn tôi, cuối cùng dừng lại ở mấy vệt máu trên áo tôi đang mặc, muốn nói gì đó rồi lại thôi.
Một lúc sau Quân bảo:
– Ừ, hình như chỗ này yên tĩnh nhất.
– Thế còn anh, anh lên đây làm gì?
– Tìm chỗ yên tĩnh.
Tôi muốn nói “phòng anh là phòng VIP, còn chưa đủ yên tĩnh à?”, nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, bây giờ tâm trạng của tôi không tốt, không muốn cãi nhau mà cũng chỉ muốn tìm yên tĩnh như Quân, thế nên tôi cũng thôi.
– Mai anh ra viện à?
– Ừ.
– Các cơ bị đứt chưa lành hẳn đâu, nên ít vận động để lành lại hẳn đã. Nếu được thì cứ nằm lại thêm vài hôm.
– Tôi phải đi làm.
– À…
Anh ta cũng hít sâu một hơi, ngẩng đầu nhìn bầu trời sao trước mặt rồi tự nhiên lại nói:
– Trong tất cả các nghề, nghề y là cao quý nhất.
Tôi quay đầu ngạc nhiên nhìn Quân, bởi vì trước giờ anh ta kiệm lời, mà cũng chưa từng nói câu nào dễ nghe như thế nên giờ tôi cứ thấy khó tin thế nào ấy. Tôi bảo:
– Anh nghĩ thế thật à?
– Ừ.
– Trước cũng vì câu đó mà tôi quyết tâm thi vào đại học Y đấy. Không phải muốn mình được làm nghề cao quý, mà muốn cứu người. Cứu người mới là cao quý nhất.
Tôi lặng lẽ cúi đầu, bổ sung thêm một câu:
– Nhưng mà không phải ai cũng cứu được.
– Không cần ai cũng phải cứu được.
Đúng vậy, bác sĩ trị bệnh cứu người, nhưng không có nghĩa là 100% bệnh nhân ai cũng đều phải cứu được. Tôi hiểu chứ, tôi biết điều đó, nhưng tôi vẫn rất nặng lòng.
Tôi đắn đo một lúc, lát sau không biết nghĩ thế nào mà lại chậm chạp kể:
– Hôm nay tôi không cứu được một người.
– Ừ.
– Lúc tôi mới bước vào phòng mổ, vợ của anh đó quỳ xuống xin tôi cứu chồng chị ấy. Chị ấy bảo nhà năm miệng ăn, con thì nhỏ, trông chờ vào mỗi chồng thôi. Giờ anh ấy mất đi rồi thì gia đình người ta làm sao nhỉ?
– Người mất thì mất rồi, người ở lại phải tự tìm cách mà sống.
– Ừ, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng mà lúc thông báo cho người nhà, bảo bệnh nhân chết rồi, mẹ của cái anh đấy tóc bạc hết cả, quần áo thì sờn rách hết, cứ ôm lấy chân tôi bảo “không phải, con bác ấy làm sao mà chết được, có mỗi một đứa con trai thôi, làm sao mà chết được”. Tôi lại thấy người ta sống còn khổ hơn chết. Mẹ già mất con thế thì còn sống làm gì.
Quân im lặng nhìn hai bàn tay đang nắm chặt nhau của tôi, anh ta nói:
– Mẹ của người đó cũng không chết thay được, thế nên vẫn phải sống.
– Ừ. Tôi biết.
– Bác sĩ cũng thế, phải biết chấp nhận để tiếp tục cứu người.
Nói ra được, tôi cảm thấy rất nhẹ lòng, nhất là nghe những câu nói của Quân, dù chỉ có vài từ đơn giản nhưng tôi nghĩ có những thứ không cần nói vòng vo nhiều lời làm gì, làm bác sĩ nên biết nhìn thẳng vào sự thật, mất đi một sinh mạng này, mình lại phải tiếp tục cứu những sinh mạng khác. Chỉ cần có thể thì vẫn phải nỗ lực đến tận cùng thì thôi.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được Quân là một người rất sâu sắc, nói làm sao nhỉ? Bề ngoài thì lạnh lùng nhưng bên trong thì có lẽ không đáng ghét như tôi nghĩ. Ít ra lúc này, khi tôi cần động viên nhất thì những câu nói của anh ta làm tôi thấy vững tin hơn.
Tôi cười:
– Anh nói đúng, làm bác sĩ không cần ai cũng phải cứu được, nhưng nếu có thể thì ai cũng phải cứu. Cảm ơn anh nhé, tôi thấy thoải mái hơn rồi.
– Tốt. Trưa mai ăn cơm thịt băm.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
Bình luận facebook