• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Em phải đến Harvard học kinh tế (1 Viewer)

  • Em phải đến Harvard học kinh tế - Chương 10 - Phần 1

CHƯƠNG 10


ĐƯỢC MỜI THĂM HOA KỲ, THỂ HIỆN RÕ TÀI NĂNG


(Trích lời kể của Lưu Diệc Đình)


Lưu Diệc Đình vào học cao trung, WBSE (Hội giao lưu giữa các Trường trung học Washington và Bắc Kinh) đưa Thành Đô vào kế hoạch giao lưu giữa học sinh trung học của Trung Quốc và Mỹ, chỉ tiêu của Đoàn thăm Washington đầu tiên của Thành Đô chỉ có một người và do đích thân Chủ tịch WBSE, ngài Larry Simms đến Trường Chuyên ngữ Thành Đô lựa chọn trực tiếp.


Nhìn lại, lần đến thăm Hoa Kỳ này bắt đầu từ buổi phỏng vấn trực tiếp đều có nhiều ý nghĩa quan trọng, đó vừa là cơ hội Đình Nhi tỏ rõ năng lực, là dịp tốt để Đình Nh tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vừa là cơ hội kiểm nghiệm thành quả bao năm bồi dưỡng tố chất cho Đình Nhi của chúng tôi. Hàng loạt biểu hiện xuất sắc của Đình Nhi trong đợt thăm Hoa Kỳ khiến chúng tôi vui mừng: Vàng thật không bao giờ sợ thử lửa, dù là lửa của Trung Quốc hay lửa của Hoa Kỳ.


Liên quan tới toàn bộ cuộc tham quan này hãy nghe Đình Nhi kể lại:


Mùa hè năm 1997, chúng tôi đang trong thời kỳ huấn luyện quân sự ở Thanh Thành, Hiệu trưởng Ân điện thoại từ Thành Đô đến, gọi tôi và bốn bạn khác trở về Thành Đô, nghỉ qua đêm để hôm sau tham gia cuộc phỏng vấn lựa chọn trực tiếp mời sang thăm Hoa Kỳ. Người Mỹ sắp phỏng vấn trực tiếp chúng tôi chính là Chủ tịch Hội giao lưu Trung học Washington - Bắc Kinh, ngài Larry Simms.


Tin bất ngờ làm tôi rất phấn chấn, có đôi chút căng thẳng. Ô tô phóng như bay trên đường Thành Quan. Tôi nhắm mắt, nhưng không ngủ được, làn gió ngột ngạt của tháng 7 thổi nhẹ vào mái tóc ngắn của tôi. Không biết người Mỹ trực tiếp phỏng vấn chúng tôi là ai, nhưng tôi nghĩ ông nhất định là một nhân vật quan trọng, rất thân thiết với người Trung Quốc.


Câu chuyện kỳ lạ có liên quan đến ông Larry, sau cuộc gặp gỡ trực tiếp này tôi mới dần dần biết được.


LÊN VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH, KẾT MUÔN TÌNH HỮU NGHỊ


Tháng 10 năm 1993, trời thu trong sáng, một nhóm bốn người Mỹ đến du lịch Trung Quốc, trèo lên thành Bát Đạt Lĩnh ở Bắc Kinh. Một vị người cao to, có bộ tóc mầu lanh, đôi mắt sắc và hiếu kỳ. Ông vừa rất khỏe, đi trên đường thành cao vòng vèo uốn lượn mà vẫn vừa xem vừa nói cười vui vẻ. Ông ta chính là ngài Larry Simms.


Larry từ thời trẻ tốt nghiệp Học viện Luật Dartmouth thuộc trường Đại học Tennessee nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Dựa vào sự tài hoa và cần cù hơn người, ông trở thành nhân vật xuất sắc nhất trong giới pháp luật của Hoa Kỳ. Giữa năm 1974 – 1975, ông từng giúp việc cho một quan tòa tại Tòa án tối cao Mỹ. Năm 1976 – 1985, ông đảm nhiệm chức vụ trợ lý Tổng kiểm sát trưởng Bộ Tư pháp Mỹ. Sau năm 1985, Larry từ bỏ ngạch công chức, chuyên tâm vào công việc luật sư và gặt hái được thành công to lớn. Ông không những là một luật sư xuất sắc mà còn là Chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc gia trong Hiệp hội Luật sư toàn Hoa Kỳ, đồng thời là một thành viên cao cấp, một ông chủ của Tổng hội Luật sư Gauseane thuộc Tổng hội Đại luật sư thứ 6 thế giới.


Do cơ hội ngẫu nhiên du lãm Vạn lý trường thành lần này, về sau ông thành lập một tổ chức Giao lưu học sinh có quan hệ mật thiết với rất nhiều học sinh Trung Quốc.


Trên Trường thành ngày đó, ông gặp một đoàn học sinh trung học đang theo thầy giáo dẫn lên Trường Thành. Đoàn học sinh này tiếng Anh khá giỏi nên khi thấy một nhóm bốn người nước ngoài đã không bỏ qua cơ hội tốt để rèn luyện khẩu ngữ. Các bạn đã mỉm cười, vẫy tay chủ động chào: “Hello! Hello!” Larry cười… Không ngờ đám trẻ nói tiếng Anh khá lưu loát này, là học sinh trường Chuyên ngữ phía tây Bắc Kinh. Trước mặt mấy người Mỹ, họ đối đáp rất trôi chảy, cuộc trao đổi kéo dài tới 40 phút. Larry rất ngạc nhiên về trình độ tiếng Anh của đám trẻ tốt như thế! Sức sống mạnh mẽ, sự thông minh hiếu học, tình thân hữu đối với người nước ngoài, lòng khát vọng muốn hiểu thế giới bên ngoài của các bạn đã làm rung động mãnh liệt Larry, lần đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc.


Sau lần gặp gỡ tình cờ đó, đã gợi cho Larry một ý tưởng. Một Trung Quốc cải cách mở cửa đã thể hiện rõ sức sống làm cả thế giới phải chú ý: Trung Quốc đang tiến bước với số dân đông nhất thế giới, người Trung Quốc thông minh tài trí. Sang thế kỉ XXI sắp tới, quan hệ Trung - Mỹ sẽ là một trong những quan hệ chính trị quan trọng nhất hành tinh. Thế hệ này và thế hệ sau có thể giữ vững được hòa bình, ổn định chính là dựa vào mối quan hệ này.


Hãy để lớp trẻ hai nước tìm hiểu đất nước và nhân dân của nhau, cho họ cùng gặp gỡ, gìn giữ lâu dài quan hệ thân thiết. Đó là kết luận của Larry.


Trở về Mỹ, sau rất nhiều cố gắng, tháng 2 năm 1994, Larry đã thành lập Hội Giao lưu giữa các Trường trung học Washington - Bắc Kinh (viết tắt là WBSE), một tổ chức phi lợi nhuận và ông đảm nhiệm chức Chủ tịch tổ chức này.


Tôn chỉ của Hội là thúc đẩy sự giao lưu giữa thầy và trò trường Trung học giữa hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị. Lúc đó, Larry tâm niệm đó là cách tốt nhất để ông báo đáp xã hội.


WBSE vừa thành lập đã bắt đầu chuyển động với hiệu quả cao: chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, tháng 4 năm 1994, Đoàn thứ nhất gồm 6 học sinh và 4 thầy giáo của Trường Chuyên ngữ phía Tây thành phố Bắc Kinh đến Washington, thủ đô của Hoa Kỳ, tham quan trong hai tuần.


Lúc đầu, tham gia hoạt động giao lưu chỉ có một Trường Chuyên ngữ khu phía Tây Bắc Kinh, sau là trường Phúc Đán. Đến năm 1998, trước lúc tôi đi thăm Hoa Kỳ, phía Trung Quốc đã có hơn 30 học sinh và thầy giáo chia thành bốn đợt tiến hành tham quan. Học sinh và thầy giáo hai trường trung học nổi tiếng ở Washinhton là Trường Saint Louis và Trường Landtane cũng đã sang thăm lại Trung Quốc.


Trường Chuyên ngữ khu phía tây Bắc Kinh và Trường Chuyên ngữ Thành Đô là hai trường anh em đều thuộc hệ thống mười bốn trường do Ủy ban Giáo dục Quốc Gia thành lập. Lãnh đạo hai trường luôn có cơ hội giao lưu học tập lẫn nhau, quan hệ tốt đẹp. Đầu năm 1996, trong một lần gặp gỡ bạn bè ở Bắc Kinh, Hiệu trưởng trường Chuyên ngữ phía Tây Bắc Kinh Triệu Thuận Phương nhiệt tình giới thiệu ông Larry làm quen với các thầy lãnh đạo Trường Chuyên ngữ Thành Đô. Ông Larry sơ bộ tìm hiểu tình hình trường chúng tôi. Trong một dịp tình cờ, ông Larry gặp Lã Tuyết Mai, học sinh của trường chúng tôi thi đậu vào Bắc Đại.


Lã Tuyết Mai là một trong những học sinh ưu tú của trường chúng tôi. Năm 1995 với thành tích xuất sắc đứng thứ năm môn văn học trong toàn tỉnh, Lã Tuyết Mai đã đỗ vào khoa Luật trường Bắc Đại. Bạn không chỉ giỏi về ngoại ngữ, có tài nói chuyện mà đối với rất nhiều vấn đề còn có cách nhìn rất độc đáo, nhận thức đúng bản chất sự việc, không bao giờ dễ dàng đồng ý với người khác. Tài trí và phẩm hạnh của Lã Tuyết Mai đã đem lại một ấn tượng rất sâu sắc cho ông Larry.


Thế là Larry nhận lời mời của Ban lãnh đạo Trường chúng tôi, vào tháng 9 năm 1996 bay đến Thành Đô. Ông đi vào từng phòng học, nghe các bài giảng tiếng Anh trong các lớp. Sau khi nghe trên lớp, ông mời thầy giáo tiếng Anh của các lớp và còn mời hai vị giáo viên ngoại ngữ người Mỹ, vợ chồng ông bà Antony và Helene đến từ Oklahoma cùng tọa đàm. Larry rất khen ngợi trình độ dạy tiếng Anh của trường. Tháng 10 năm 1996, hội nghị tổng kết công tác giảng dạy cuối năm học của các trường Chuyên ngữ trong toàn quốc họp tại Bắc Kinh, gặp dịp Larry cũng ở Bắc Kinh, Hiệu trưởng Ngô và Hiệu trưởng Ân của chúng tôi gặp ông Larry và chính thức đề xuất với hi vọng các chỉ tiêu của WBSE cũng phát triển đến trường tôi. Ông Larry, đã nắm rõ tình hình nhà trường, tỏ ra rất thích thú và đã chấp nhận trên nguyên tắc, đó là biểu hiện cách làm việc rất thận trọng và tế nhị của ông Larry. Khi chưa chọn được học sinh thích hợp, ông chưa vội vàng thỏa thuận.


BA NÓI VỚI TÔI: “PHÀM SỰ DỰ TẮC LẬP”


(MỌI VIỆC CHUẨN BỊ TỐT SẼ THÀNH CÔNG)


Năm 1997, ông Larry quyết định mời Trường Chuyên ngữ Thành Đô tham gia kế hoạch WBSE, tuyển chọn ở trường tôi một học sinh để đầu năm 1998 đang học cao trung năm thứ hai, tham gia đoàn giao lưu, đến Hoa Kỳ. Nhà trường thông qua bình chọn tổng hợp của hai mặt đức, tài. Quyết định 5 ứng viên Đoàn đi tham quan Hoa Kỳ, trong đó có tôi, ông Larry phỏng vấn trực tiếp.


Chúng tôi chưa biết được có mấy chỉ tiêu đi Hoa Kỳ, nhưng căn cứ vào lần tuyển chọn trực tiếp này, cũng có thể đoán là không phải tất cả 5 người cùng đi. Rõ ràng, phỏng vấn trực tiếp có nghĩa là chấp nhận sự tranh đua. Tôi nghĩ, tâm trạng của mọi người vừa căng thẳng vừa đầy hưng phấn.


Họ đều là các bạn có thành tích nổi bật trong năm học. Tôi thường tìm thấy nhiều vấn đề đáng học tập ở mỗi bạn. Ví như, Vương Lan không những rất giỏi khẩu ngữ tiếng Anh, các môn học khác cũng học rất nhẹ nhàng, nên mỗi lần thi đều thoải mái vượt lên trên điểm mọi người khác; Phàn Điềm Điềm, ngồi cùng bàn với tôi thời sơ trung, một mình bạn độc chiếm đầu bảng ba lần. Sức nhớ của bạn làm tôi hết sức nể phục, bạn lại có sở trường về thư pháp nữa; Lý Hải Bối bắt đầu từ sơ trung luôn dẫn đầu, xem rất nhiều sách văn học, “Phúc hữu thi thu khí tự hoạ” (trong đầu đầy thơ và sách cũng là nguyên khí Trung Hoa mà có); Lương Tinh ngoài môn tiếng Anh và các môn khác đều xuất sắc ra, bạn còn là một tay đàn dương cầm rất giỏi. Tiếng đàn dương cầm của bạn đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Lúc chưa tốt nghiệp tiểu học, tài năng chơi đàn của bạn đã tương đối cao - đạt đến cấp 10 dương cầm.


Trước mắt tôi, các bạn đều là những đối thủ mạnh, tôi cảm tưởng như trong một cuộc thi đấu kịch liệt, chỉ biết thắng cuộc thi chứ không biết nội dung thi đấu là những gì. Nhưng vốn không bao giờ dễ dàng chịu thua, tôi rất thích dốc toàn lực cho cuộc đua tranh công bằng đó, thua cũng cam lòng. Tôi quyết định, cố gắng đến mức cao nhất, cho dù không được chọn cũng không để cho “người nước ngoài” cho rằng học sinh của trường trình độ kém.


Về nhà, tôi kể lại cho cha mẹ nghe. Ba mẹ đều nói, đây là một dịp tốt và rất quan trọng, còn hỏi ngày mai tôi định nói những gì. Đối với vấn đề này, thực tôi chưa nghĩ tới, mấy ngày huấn luyện quân sự căng thẳng mệt mỏi, chỉ muốn ngủ. Tôi ngáp dài và nói: “Hiệu trưởng Ân nhắc các con cố gắng chuẩn bị tốt một chút”. Mẹ liền hỏi theo luôn: “Vậy con gái đã chuẩn bị được những gì?” “Có người nói nên xem thêm lịch sử Hoa Kỳ, có mấy núi cao, hồ lớn…”


“Cái gì?” mẹ bật phì cười. “Một người Mỹ từ xa xôi vạn dặm đến Thành Đô nói chuyện mà chỉ để nghe con nói cho họ về nước Mỹ có mấy núi, mấy hồ ư? Theo mẹ, do xuất phát từ sự tò mò, họ cũng rất muốn nghe cách nhìn của con về nước Mỹ”.


Tôi rửa mặt cho tinh thần phấn chấn, mời ba ngồi bên cạnh, hỏi ông có cao kiến gì. Tôi biết ba có nghiên cứu con người nhiều nước khác nhau, ba thường nêu ra những sáng kiến khiến người ta phải khâm phục.


Quả nhiên, ba bắt đầu nói và đã lôi cuốn ngay sự chú ý của hai mẹ con tôi, giọng chắc chắn quen thuộc: “Ba nghĩ, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ so với tưởng tượng của người ta thì còn sâu xa hơn nhiều. Con còn nhớ, thời kỳ kháng Nhật, Hoa Kỳ từng là nước viện trợ lớn nhất cho Trung Quốc, không chỉ viện trợ vũ khí đạn dược, thuốc men, mà còn rất nhiều phi công Hoa Kỳ trực tiếp đến Trung Quốc tham chiến đánh Nhật. Lúc đó sân bay Tôn Tân của Thành Đô, có phi công Hoa Kỳ đóng quân. Để đánh bại uy phong của Nhật, máy bay Hoa Kỳ cất cánh từ Thành Đô, ném bom vào đất Nhật…” – “Đúng rồi!” Tôi chợt bừng tỉnh tiếp lời ba – “Sau khi bọn Nhật cắt đứt con đường Châu Miến là tuyến giao thông quốc tế của Trung Quốc, đội quân Phi Hổ của tướng Mỹ Chainnator đã đảm nhận nhiệm vụ từ Vân Nam bay thẳng đến Ấn Độ, mở tuyến giao thông mới nhận viện trợ quốc tế”.


Cứ như thế, tôi đã lợi dụng thời gian trước khi đi ngủ, thảo luận hết sức tỉ mỉ các chủ đề có thể đàm thoại được:


- Hai nước Trung - Mỹ có nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ.


- Nhân dân hai nước Trung - Mỹ trong quá khứ đã có tình hữu nghị, tương lai càng cần củng cố tình hữu nghị đó.


- Người Mỹ tiến hành hiện đại hóa có nhiều kinh nghiệm phong phú, Trung Quốc hiện nay cũng đang cần những kinh nghiệm đó.


Lần này tôi đã lý giải được rõ ràng luồng tư duy của tôi, biết nên nói những điều gì với vị luật sư người Mỹ này.


PHỎNG VẤN TRỰC TIẾP: LẦN ĐẦU GẶP NGÀI LARRY


Hôm sau đến trường, tất cả đều yên tĩnh hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Thậm chí không hề nhận thấy dù một chút không khí căng thẳng nào. Lần đầu tiên gặp ngài Larry, tôi chào ông rất lịch sự với cảm giác xa lạ: “Mr. Simms”. Tôi biết ông ta là một luật sư Hoa Kỳ nhưng trước tiên khi nghe giọng Anh - Mỹ của ông tôi càng thấy thích thú, ông đến từ thủ đô Washinton, người ở đó nói thứ giọng chuẩn của miền Đông Hoa Kỳ. Một vài thầy giáo cũng nói: “Vị luật sư Hoa Kỳ này, lúc giảng bài giống giọng nói của phát thanh viên đài VOA (Đài phát thanh Hoa Kỳ)”. Ở Trường Chuyên ngữ, đánh giá giọng nói tiếng Anh là một sở thích không khi nào lỗi thời, thầy giáo và học sinh đều như vậy cả.


Trừ những việc nói trên ra, sự tập trung chú ý của tôi đều đặt hết vào cuộc phỏng vấn sắp tới.


Ông Larry rất tinh tế trong việc dẫn dắt câu chuyện, có lẽ đó là đặc trưng của nghề luật sư, làm tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng và thoải mái. Chúng tôi, lúc thì nói đến cuộc sống ở trường, tinh thần học tập, còn đệm những ca khúc thú vị vào các câu chuyện trong nhà trường, lúc thì nói đến “đội bay thứ 14 nổi tiếng của tướng Chinnator trong Thế chiến II và đường bay nguy hiểm từ Hymalaya đến Ấn Độ”. Nói hết câu chuyện này, tôi chợt nghĩ tới một vấn đề, “Hoa Kỳ là một quốc gia rất coi trọng luật pháp, Trung Quốc là nước đang hoàn thiện pháp chế, không biết trong thời kỳ hiện đại của Trung Quốc, mối giao lưu này có tác dụng như thế nào?” Larry ngừng một lát, hình như cảm thấy bất ngờ, nhưng có lẽ vì nói đến nghề nghiệp của mình, ông càng lộ rõ vẻ thích thú.


Sau này, đối với luật pháp Trung Quốc, ông thực sự có cách nhìn rất sắc sảo. Ông cho rằng, tập trung hoàn chỉnh hệ thống luật pháp là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện hiện đại hóa Trung Quốc.


Gần 30 phút phỏng vấn trực tiếp qua đi rất nhanh. Tôi không cách nào phán đoán được cuối cùng đã để lại cho ông ấn tượng gì. Căn cứ vào thời gian nói chuyện dài ngắn, không làm người ta mấy lạc quan - thời gian nói chuyện của tôi khoảng nửa tiếng nhưng thời gian nói chuyện của hai bạn khác trái lại là 40 phút và gần một tiếng đồng hồ. Còn hai bạn nữa, một người nói nửa tiếng, người khác nói chỉ khoảng 20 phút.


Sau này, ông Larry nói, ấn tượng thứ nhất về tôi trong lần phỏng vấn trực tiếp là thấy rất đặc biệt và ngay lập tức gây được sự chú ý của ông. Nhưng ngay trong ngày phỏng vấn đó, bất kể là trong quá trình nói chuyện hay sau khi kết thúc, ông không hề để lộ ra ấn tượng đó.


Sau ngày phỏng vấn, chúng tôi vội vàng quay về Thanh Thành, suốt ngày luyện tập theo khẩu lệnh của chỉ huy, đến tối mọi người lại tụ tập nhau kể chuyện tiếu lâm. Khoảng thời gian đó rất vui vẻ, tôi quên đi rất nhanh cuộc gặp gỡ với người Mỹ.


TRỞ THÀNH NGƯỜI GẶP VẬN MAY


Hạ tuần tháng tám tôi lên năm thứ hai cao trung. Cuộc sống nội trú ở trường như đồng hồ đã lên hết giây cót, cứ đều đều chuyển động. Một ngày cuối tháng 11, Hiệu trưởng Ân gọi tôi lên Văn phòng. Ông trao cho tôi một lá thư chuyển bằng đường hàng không từ Mỹ gửi đến, trên phong bì mấy hàng chữ có màu đỏ đập vào mắt tôi:


Chủ tịch Simms, Hội giao lưu các trường Trung học Washington - Bắc Kinh…


Tôi vô cùng hồi hộp, tim đập thình thịch và đã đoán ra, đó là thư mời đi thăm Hoa Kỳ. Thật không dám tin, tôi đã thực sự trở thành lucky guy (người gặp may mắn)!


Sau buổi phỏng vấn trực tiếp, ngài Simms đã nói với tất cả chúng tôi: “Các bạn đều rất xuất sắc, lúc này tôi không thể quyết định được. Sau khi quyết định xong, tôi sẽ gửi ngay thư mời”.


Mấy tháng trôi qua, tôi đã bắt đầu quên đi thì thần may mắn đã bay đến đậu trên vai tôi. Không những thế, lúc đầu Larry vốn chỉ cho trường chúng tôi một chỉ tiêu thăm Hoa Kỳ, nay lại tăng thêm thành hai, Âu Bằng lớp cao trung 3 lọt vào chỉ tiêu này, trở thành một người may mắn nữa.


Sau khi thăm Hoa Kỳ về, tôi mới được biết quá trình chọn được tôi trong số 5 ứng viên. Thông qua những buổi phỏng vấn trực tiếp ngày ấy, cả 5 chúng tôi đều để lại một ấn tượng sâu sắc đối với Larry về trình độ tiếng Anh, ông cảm thấy bất ngờ ngoài dự kiến của mình. Trước đây, hoặc ít hoặc nhiều, ông đã coi tỉnh Tứ Xuyên chuyên sản xuất gấu mèo nổi tiếng là một nơi hoang vu, nghèo đói, khép kín và lạc hậu. Lần nói chuyện trực tiếp này, thành kiến đó của ông đã tiêu tan. Qua 5 người chúng tôi, ông không chỉ tìm hiểu thực lực đã có của học sinh trường chúng tôi, mà còn thấy rõ sự chân thành và công bằng của Ban lãnh đạo Trường Chuyên ngữ Thành Đô. Với tập quán làm việc thận trọng không bỏ qua một sự việc nhỏ nào, Larry căn cứ vào đối tượng buổi phỏng vấn xếp thứ tự 5 người chúng tôi từ trên xuống. Tôi được xếp thứ nhất, Lý Bối Hải xếp thứ hai. Đến thời điểm cần quyết định, Larry và Ban lãnh đạo ngồi lại cùng nhau thương lượng, cuối cùng người được chọn đi Hoa Kỳ là ai, ông hoàn toàn yên tâm nói: “Mỗi học sinh đều rất giỏi, ngoài dự kiến của tôi, mời các ông chọn một người”.


Mấy vị lãnh đạo từ chối. Nguyên nhân của việc này (đấy là do tôi suy đoán) là đối với học sinh tự tay các thầy cô bồi dưỡng, họ đều nắm rõ thực lực của mỗi người. Họ rất muốn mỗi học sinh đều có cơ hội đi tham quan, nay tự tay xóa tên 4 học sinh kia, các thầy cô không thể dằn lòng làm việc đó. Họ đề nghị ông Larry quyết định. Thế là Larry không thể từ chối, ông rút quyển ghi chép ra, chỉ vào tên tôi được xếp vị trí thứ nhất nói:


- Như vậy để Yiting Liu (Lưu Diệc Đình) đi nhé?


Nói đến trường hợp của Âu Bằng cũng đầy kịch tính. Lúc Larry đến Thành Đô để thực hiện cuộc phỏng vấn, có mang theo cậu con trai đang học lớp cao trung. Khi Larry bận làm việc với chúng tôi, không có thời gian chăm sóc con, bèn nhờ lãnh đạo nhà trường bố trí một học sinh nam lớp cao trung 3 đi theo con trai ông tham quan thành phố Thành Đô. Âu Bằng thường ngày học rất xuất sắc liền được chọn làm người cùng đi với cậu ta.


Âu Bằng đi với con trai của Larry suốt 7 tiếng đồng hồ. Do anh nói tiếng Anh lưu loát, tri thức hiểu biết rộng, cử chỉ dịu dàng nên con trai ông Larry cảm thấy như tìm được bạn cố tri nơi đất khách. Cảm giác này cũng gián tiếp tác động đến ngài Larry. Rồi quyết định cuối cùng như chúng ta được biết: đã có sự thay đổi mang lại niềm vui đến cho mọi người.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom