• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Em phải đến Harvard học kinh tế (2 Viewers)

  • Em phải đến Harvard học kinh tế - Chương 04 - Phần 6

TUỔI NHỎ MÀ CHĂM LÀM: ĐẠO ĐỨC, TRÍ KHÔN ĐỀU CÓ LỢI


Khái niệm “chăm làm” ở đây là chăm làm các công việc như: 1. Các công việc vặt trong gia đình; 2. Những việc nhỏ ngoài xã hội.


Khi bắt đầu 3 tuổi, Đình Nhi đã học làm các công việc vặt trong gia đình. Mỗi lần ăn cơm xong, cháu đã biết thu dọn vỏ trái cây, hoặc vỏ hạt dưa vương vãi trên mặt bàn hoặc trên nền nhà. Khi lên phố mua hàng, những công việc đơn giản như hỏi đường đi, hỏi giá cả, gọi cô bán hàng, nói rõ yêu cầu của mình… tôi đều giao cho cháu tập làm. Có khi vì bận công việc quá không có thời gian xếp hàng mua đồ vật, tôi bảo cháu hãy nói rõ lý do với cô bán hàng và những người đang xếp hàng trước mình, xin được ưu tiên mua trước. Mỗi lần như vậy mọi người đều vui vẻ nhường chỗ. Trước khi làm những việc như vậy, tôi thường răn dạy cháu để cháu khỏi lợi dụng tình thương của mọi người: “Nếu vì lười biếng hoặc học cách lừa dối tìm cách chen ngang khi xếp hàng, thì đó là một việc làm ích kỉ, đáng ghét. Nếu có lý do xác đáng không thể xếp hàng được, thì nên thẳng thắn đàng hoàng xin được giúp đỡ, chỉ cần nói rõ lý do là mọi người sẵn sàng ưu tiên cho, vì người Trung Quốc luôn có thói quen tốt là kính già yêu trẻ. Nhưng nếu không có lý do chính đáng, thì nhất thiết không được lừa dối mọi người”. Đình Nhi rất hiểu sự khác nhau giữa việc “chen ngang” với việc “xin được ưu tiên”. Sau mỗi lần được mọi người chiếu cố, cháu không bao giờ quên lễ phép xin cám ơn lòng tốt của mọi người.


Tôi để cho Đình Nhi làm nhiều việc nhỏ ngay từ khi còn bé, không phải vì cần cháu chia sẻ gánh nặng gia đình. Mà lý do duy nhất chỉ là: đối với sự phát triển trí lực và bồi dưỡng tính cách cho trẻ thì chăm chỉ làm việc có một tác dụng cực kỳ tốt mà các biện pháp huấn luyện khác không thể nào thay thế được.


Ông Watland, một học giả Đại học Harvard Mỹ, đã bỏ ra 40 năm để nghiên cứu, theo dõi 156 cháu thiếu nhi ở Boston và đi đến kết luận: So với những đứa trẻ lười biếng không chịu lao động, thì những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết yêu lao động, biết làm việc, khi lớn lên sẽ có mối quan hệ với mọi người nhiều gấp hai lần, thu nhập nhiều gấp năm lần và cuộc sống luôn thoải mái và đầy đủ. Vì rằng lao động đã giúp cho các cháu có được nhiều khả năng tốt, và các cháu luôn cảm thấy mình bao giờ cũng có ích cho xã hội.


Đó là từ góc độ xã hội học. Còn từ góc độ sinh lý học, sự trưởng thành của con người gắn liền với lao động và sáng tạo. Vì lao động và sáng tạo cần phải dùng đến tay chân, hàng loạt các dây thần kinh tập trung trên đầu các ngón tay thường xuyên liên lạc với đại não, đẩy nhanh sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh đại não. Ngoài ra, lao động và sáng tạo luôn gắn liền với óc tư duy và trí tưởng tượng, tất nhiên sẽ thúc đẩy sự phát triển về trí lực cho nên từ xưa tới nay đều nhận thấy “tâm hồn” và sự “khéo tay” luôn gắn kết và thúc đẩy lẫn nhau.


Đình Nhi rất yêu lao động. Ngày 12 tháng 5 năm 1985, tôi mua về 3 cân khoai tây, cháu đã tự đem khoai đi rửa, chỉ cần hướng dẫn cháu ít thôi. Ngày 13, cháu biết cắt bí ngô thành những miếng nhỏ, còn giúp tôi bóc tỏi, cạo gừng để tôi xào thịt. Đương nhiên, cháu chỉ dùng dao ăn cho khỏi đứt tay.


Bây giờ cháu quét nhà đã sạch hơn trước nhiều, gấp quần áo cũng gọn gàng hơn. Dọn dẹp đồ chơi, nhà cửa cũng đã gọn gàng ngăn nắp hơn.


Cháu đã tự tắm rửa, trừ phần lưng tôi kỳ cọ giúp cháu. Nước tắm nếu quá nóng cháu đã tự pha chế lấy. Không bao giờ cháu khạc nhổ bừa bãi và vứt vỏ hoa quả ra nền nhà.


Kỳ nghỉ hè vừa qua tôi cho cháu về ở nhà người chị họ khoảng một tháng. Sau khi trở về, sau bữa ăn cháu đã biết tự rửa bát đũa. Cho cháu tập làm những công việc đơn giản như thế, cốt để rèn luyện nghị lực và đức tính kiên trì cho cháu.


Ông Phùng Đức Toàn, một chuyên gia về giáo dục từ sớm nói: Một đứa trẻ khi đã biết nhóm lò than, tất nhiên nó đã nắm được các bước tiến hành để cho lò than cháy đỏ, và nó cũng sẽ biết vận dụng điều đó cho các trường hợp khác. Những đứa trẻ không quen lao động sẽ không có được các kĩ năng đó. Ngay từ nhỏ đã biết lao động và sáng tạo, những phẩm chất yêu lao động, yêu khoa học cũng được hình thành từ những việc làm cụ thể đó, đồng thời cũng hình thành thói quen lao động, sự ham thích sáng tạo và khắc phục khó khăn. Những đứa trẻ không lao động, không biết làm một việc gì cả, tất nhiên không có được những phẩm chất tốt đẹp đó.


Giáo dục một đứa trẻ vốn quen ỷ lại và lười biếng, trở thành một con người siêng năng chăm chỉ thật là khó. Điều này đòi hỏi phải kiên trì và có biện pháp, kể cả khen thưởng và trừng phạt. Có vậy mới có được hiệu quả, mà cũng chưa dám chắc nó đã thực lòng yêu lao động hay chưa. Thế nhưng giáo dục thói quen yêu lao động ngay từ khi đứa trẻ mới biết chơi trò bắt chước người lớn, không phải là một việc làm khó khăn gì. Những tri thức về tâm lý học đã mách bảo ta rằng, một đứa trẻ mới chập chững biết đi, đã có nhu cầu muốn giúp mẹ làm việc, hai tuổi biết giúp mẹ lấy một số đồ vật, ba tuổi đã có ước muốn làm mọi việc như người lớn, từ 4 đến 5 tuổi đã biết tự mình thu dọn đồ chơi, quần áo và tự rửa bát đũa của mình. Điều đó cho biết rằng, lười biếng không phải là bản tính của trẻ con. Xét về bản tính, đứa trẻ nào cũng thích làm việc, chỉ đáng trách các bậc cha mẹ quá nuông chiều con, việc gì cũng làm thay nên mới khiến con cái hình thành một thói quen xấu là ỷ lại và lười biếng.


Đối với những gia đình chỉ có một con, ngay từ khi con cái còn nhỏ tuổi mà không giáo dục chúng có thói quen lao động, một năng lực làm việc, thì sau này hậu quả thật vô cùng lớn.


Các chuyên gia về tâm lý xã hội qua điều tra nghiên cứu đã thấy: Những sự bất hòa giữa cha mẹ và con cái, phần lớn bắt nguồn từ việc con cái quá ỷ lại vào cha mẹ, làm cha mẹ luôn cảm thấy bất lực tòng tâm, không đủ sức chiều theo con cái, còn con cái thì lại luôn oán trách cha mẹ bất tài, vì không thỏa mãn được những yêu cầu của chúng. Những đứa trẻ ngay từ ngỏ đã quen thói bất cứ việc gì cũng ỷ lại vào cha mẹ, sau này khả năng tự lập, tự quyết rất kém, gặp bất cứ việc gì cũng chỉ biết trông chờ vào cha mẹ. Khoảng cách giữa sự đòi hỏi của con cái và khả năng của cha mẹ ngày càng lớn, những sự không vừa ý và những lời oán trách ngày càng nhiều, mâu thuẫn và xô xát xảy ra từ đó. Những đứa trẻ ấy rất ít khi nghĩ rằng mình đã làm được gì cho cha mẹ, chúng coi việc cha mẹ phải tằn tiện, vất vả để thỏa mãn những đòi hỏi của chúng là điều đương nhiên. Một khi cha mẹ già yếu hoặc gặp khó khăn không còn đủ sức kiếm ra tiền nữa, những đứa trẻ này thường không hề biết xót thương hoặc quan tâm đến bố mẹ.


Ở thành phố, các bậc cha mẹ chỉ có một đứa con duy nhất thường ít khi bắt con mình phải chu cấp tiền nong phụng dưỡng, nhưng thường được đáp lại bằng những việc rất thương tâm, ngay cả việc quan tâm chăm sóc tối thiểu nhất cũng thường không có. Trẻ con ở nông thôn ngay từ nhỏ đã tận mắt nhìn thấy sự làm ăn vất vả của cha mẹ, bản thân chúng cũng phải trực tiếp giúp cha mẹ phần nào việc đồng áng, nên chúng hiểu và thông cảm với những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, so với trẻ con ở thành phố phần lớn chúng biết thương yêu cha mẹ hơn. Trẻ con ở thành phố thường không thấu hiểu được những khó khăn gian khổ của cha mẹ khi làm việc tại công xưởng hoặc cơ quan, cho nên càng phải thông qua những công việc trong gia đình cho chúng thấy được sự vất vả trong lao động, dẫu rằng trong nhà vẫn có người giúp việc, nhưng những công việc như giặt quần áo, tự dọn dẹp phòng riêng nên bắt chúng phải làm lấy, đề phòng tạo thành thói quen lười biếng theo kiểu “cậu ấm cô chiêu”.


Thực ra, làm các việc vặt trong nhà cũng là một dịp tốt để mở rộng tầm hiểu biết của con cái. Khi tôi cho Đình Nhi tự giặt đôi tất của mình, tôi đã giảng giải cho cháu hiểu về nguyên lý làm sạch vết bẩn của xà phòng; khi Đình Nhi giúp tôi làm món ăn, tôi đã nói cho cháu nghe về sự hòa tan trong nước của đường và muối, cả mùi vị và nồng độ cần thiết của nó, với những câu mở đầu thường là: “Con có biết tại sao… như vậy không?”.


DẠY CHO TRẺ HAI TẦNG CHUẨN MỰC, RÈN LUYỆN THÓI QUEN RỘNG LƯỢNG VỚI MỌI NGƯỜI


Tôi thường yêu cầu rất nghiêm khắc, rất tỉ mỉ đối với Đình Nhi, chưa một lần lơi lỏng bỏ qua. Đình Nhi cũng thường tỏ ra rất nghiêm khắc với người khác. Tôi đòi hỏi Đình Nhi làm bất cứ việc gì hoặc sửa chữa sai lầm phải “nói một lần là nghe ngay” và cháu cũng đòi hỏi ở tôi như vậy. Đương nhiên là tôi chấp hành. Nhưng mọi người khác thì thường không thực hiện nguyên tắc đó của mẹ con tôi. Trước khi Đình Nhi hiểu được đạo lý “nghiêm khắc với mình, rộng lượng với mọi người”, cháu đã không chỉ một lần rơi vào tình trạng mâu thuẫn tâm ký do khái niệm “hai tầng tiêu chuẩn”. Cháu đã nhiều lần khóc mếu hỏi: “Mẹ ơi, tại sao người lớn hơn con, con cũng phải nhường nhịn, mà người bé hơn con, con cũng phải nhường nhịn?” hay “Tại sao bạn ấy như vậy thì được?”…


Lần đầu tiên tôi phát hiện ra điều đó chính là dịp trên đường về quê thăm bà ngoại vào đầu năm 1985.


Ngày 9 tháng 2, tôi phải bế Đình Nhi nhảy qua cửa sổ vào trong toa tàu hỏa, chen chúc nhau suốt một ngày một đêm, vừa nóng, vừa ngột ngạt lại vừa hôi hám, nhưng khổ nhất là khát. Đình Nhi cứ nhìn chằm chặp vào những túi ni-lông nước của khách trên tàu, bực tức làu bàu: “Hừ, chỉ biết mình, không biết người”. Tôi vừa thương cháu vừa buồn cười, cố gắng khuyên nhủ cháu. Cũng may, từ cái nhìn thèm khát của Đình Nhi, một hành khcáh thấy thương hại đã cho cháu một túi ni-lông nước uống. Lời răn dạy “Hãy vì mọi người” của tôi đối với Đình Nhi đã được một thực tế trả lời.


Đình Nhi đối với các bạn trong nhà trẻ cũng có những yêu cầu nghiêm khắc như tôi thường yêu cầu cháu. Có lần, Đình Nhi đến phát khóc lên chỉ vì có hai bạn nhỏ không đáp lại lời chào hỏi rất nhã nhặn của cháu. Có những bạn nhỏ mắc sai lầm, nhưng không chịu sửa ngay như nguyên tắc “nói một lần là phải nghe ngay” mà Đình Nhi vẫn thực hiện, Đình Nhi đã khăng khăng bắt bạn đó phải nhận lỗi và sửa chữa ngay, nhưng gặp phải những bạn quen được nuông chiều, thế là lại sinh ra to tiếng. Tôi đã nhiều lần dạy con “đối với mình phải thật nghiêm khắc, đối với người khác phải khoan dung”, nhưng trong thực tế, Đình Nhi không thể khoan dung được.


Trong “Nhật ký dạy con”, có lần tôi đã viết: “Phải chăng vì thiếu nhận thức cảm tính vê sự khoan dung, chưa từng thể nghiệm qua cho nên mới xảy ra tình trạng như trên? Có lẽ, sau này mình phải tìm hiểu nhiều biện pháp để Đình Nhi thể nghiệm điều đó, học cách khoan dung, những cũng phải tránh quan niệm coi nhường nhịn là khoan dung với người khác”.


Sau này tôi mới ý thức được rằng, lúc đó kỳ thực tôi “đã nghiêm khắc quá nhiều, chưa hề nhường nhịn”. Chỉ tiếc rằng chính tôi chưa nhận ra điều đó. Mãi đến khi có một lần tôi đã để mất bình tĩnh trước Đình Nhi, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ và có những điều chỉnh hữu hiệu đối với việc này.


Đây là một việc mà cho đến nay tôi vẫn còn thấy hối hận và xấu hổ, sự việc xảy ra vào ngày 19 tháng 6 năm 1985, khi tôi chuẩn bị kỳ thi cuối học kỳ.


Tối hôm nay, cuối cùng Đình Nhi cũng học được cách gấp thuyền giấy. Tôi chỉ cần nhắc cháu chút ít thôi, như các đường gấp phải thật thằng, khi lộn thuyền phải giữ chặt các nếp gấp… Nhìn chiếc thuyền mà Đình Nhi tự gấp lấy, tôi tự thấy hối hận, xin lỗi cháu: “Vì chuyện gấp thuyền mà vừa rồi mẹ nóng quá đã gắt con, tha lỗi cho mẹ nhé!”. Đình Nhi trả lời: “Không sao đâu mẹ ạ, mẹ biết không, người lớn thấy trẻ con mắt phải sai lầm không thể tha thứ được, muốn cho mấy roi để nhớ, khi ấy thì hãy gắt”. Sau đó, cháu đã mang dép lê lại cho tôi, và mặc dù tôi đã can ngăn, cháu vẫn tự giác nhặt những chiếc dép bị tôi ném ra xa, xếp gọn lại, quả thật tôi rất hối hận.


Vừa rồi vì việc Đình Nhi lúng túng khi học gấp thuyền giấy, tôi quát mắng om sòm, thậm chí còn vò nát chiếc thuyền cháu đang gấp dở quăng xuống nền nhà. Đình Nhi sợ quá khóc òa lên. Tôi thấy mình hơi quá, sai Đình Nhi tiếp tục gấp thuyền. Đình Nhi lại chăm chú gấp thuyền, thỉnh thoảng lại quay sang hỏi tôi cách làm, tôi bảo cháu. Nhưng Đình Nhi vẫn cứ vụng về, lúng túng tôi bực quá bỏ ra sô – pha nằm.


Nghĩ đến công việc trong 40 ngày phải hoàn thành ba môn học mà tối nào cũng phải bận rộn với Đình Nhi như thế này, lấy thời gian đâu để học bài, tôi buồn bực quá, quăng dép lung tung. Đình Nhi đề nghị tôi phải nhặt lại dép, tôi đã nhặt lại, nhưng rồi bực quá lại quăng đi.


Từ trước tới nay, Đình Nhi chưa từng thấy tôi nóng giận như thế bao giờ, cháu sợ quá và khóc òa rồi chạy đến khuyên tôi: “Mẹ ơi! Xin mẹ đừng giận nữa”. Tôi nén giận nói: “Mẹ có giận con đâu!”. Đình Nhi không khóc nữa, trở về tiếp tục gấp thuyền. Thấy Đình Nhi thực sự say mê với công việc như vậy, tôi thấy vừa yêu, vừa thương con, bất giác tự trách mình: “Mấy tháng trước đây không biết tranh thủ thời gian, sáng nay vẫn chúi đầu đọc tiểu thuyết, bây giờ lại trút giận lên đầu con, thật chẳng ra làm sao cả. Nếu trước đây cứ chịu khó học hành đều đặn, thì đâu đến nỗi bây giờ thấy tiếc cả thời gian dạy con gấp thuyền”.


Nghĩ đến đây, cơn giận dữ đã nguôi nguôi. Nghĩ lại, hình như trước đây đến tận khi mình đi học tiểu học, mới biết gấp thuyền, lúc ấy đã 7, 8 tuổi rồi. Mà nay Đình Nhi mới 4 tuổi đã biết làm gì đâu. Có chăng chỉ biết nhặt những hạt lê dưới đất mà thôi. Thế mà mình nỡ đối xử với Đình Nhi như vậy, thật là vô lý.


Đang mải suy nghĩ, Đình Nhi lại đến cầu cứu tôi. Lần này, tôi vui vẻ hướng dẫn cháu cách lộn thuyền. Đình Nhi lại lấy thêm một tờ giấy, định gấp một chiếc thuyền khác. Tôi đồng ý và bảo cháu: “Nếu con tự gấp được chiếc thuyền này, mẹ sẽ giúp con ghi nhận thành tích đó vào nhật ký”.


Sắp tới 16 tuổi, tôi mới bắt đầu luyện tập thói quen “nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người”. Nay Đình Nhi mới 4 tuổi, đã đòi hỏi Đình Nhi có được một thói quen như vậy, liệu có quá đáng lắm không? Người cha của Carl Witer chính vì để tránh tình trạng có những yêu cầu không nhất quán đối với hai đứa con, ông đã cho Witer con chơi bời với những đứa trẻ cùng trang lứa trước tuổi thanh niên để tránh gây ra sự lầm lẫn về quan niệm phải trái của con. Việc làm của người cha ấy là đúng đắn. Nhưng tôi không có điều kiện như vậy, tôi chỉ biết cố tìm mọi cách để giảm bớt mức độ lầm lẫn trong nhận thức của con, và cũng để đề phòng Đình Nhi có thói quen khắt khe với mọi người. Muốn làm được như vậy, có lẽ trước tiên tôi phải thay đổi thái độ quá khắt khe với con. Tôi và Đình Nhi sẽ cùng nhau sửa chữa sai lầm.


Hai mẹ con đang cùng nghĩ cách sửa sai, thì một buổi tối, Đình Nhi đề nghị đại khái như sau: trong thời gian mẹ thi cử, con tình nguyện sang bên nhà dì Tú Thụ (bà chị họ của tôi rất thích cháu về ở cùng). Từ đó, thái độ của tôi đối với cháu đã có phần dịu đi nhiều, khi cháu đang say sưa làm một việc gì đó, tôi không bắt cháu dừng lại để làm một việc theo yêu cầu của tôi, mà thường nói với con: “Thôi được, mẹ cho con thêm 5 phút nữa, nhưng con phải đúng hẹn đấy, hết 5 phút con phải đi làm việc kia ngay…”. Đình Nhi thường rất đúng hẹn.


Những ngày này, Đình Nhi học vẽ và tiến bộ rất nhanh, hầu như ngày nào cũng có một bức tranh cho tôi xem. Có một hôm, bạn Hoàng Duy Di đã cướp mất một bức tranh mà Đình Nhi định đưa tôi xem, cháu tức quá khóc mãi không thôi. Tôi lấy câu danh ngôn “Người đáng yêu phải là con người biết trung hậu với người khác” để khuyên nhủ cháu. Đình Nhi có ấn tượng rất sâu sắc đối với đức tính trung hậu trong câu chuyện “Người thợ kim hoàn Sasand”, cháu luôn mong được như thế, vì vậy cháu đã cố không khóc nữa.


Nhưng cháu vẫn còn ấm ức mãi là tại sao đối với mình và đối với người khác lại phải dùng hai loại chuẩn mực khác nhau? Tôi đã cố gắng nghĩ ra một lý do đơn giản và dễ hiểu để thuyết phục cháu: “Bởi vì con được giáo dục tốt hơn, hiểu được nhiều đạo lý hơn, con nên làm gương cho các bạn ấy chứ. Hơn nữa, con đâu có phải là mẹ của bạn ấy, nếu bạn có sai sót gì thì đã có mẹ bạn ấy dạy bảo mà”. Từ đó về sau, mỗi lần như vậy, tôi chỉ cần hỏi lại cháu một câu: “Con có phải là mẹ bạn ấy đâu?”. Đình Nhi liền từ bỏ những yêu cầu quá nghiêm khắc đối với bạn bè.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom