• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Dế mèn phiêu lưu ký (1 Viewer)

  • Dế mèn phiêu lưu ký - Phần I - Phần 3

Hắn chỉ còn biết có việc run rẩy chắp chân, lạy rối rít. Nhưng nếu từ đấy chàng dế kia có thể biết chừa cái thói ngông nghênh thì tôi lại ăn phải đũa của hắn. Bệnh ngông nghênh của hắn lây sang tôi. Thế mới kỳ quặc cho tôi.


Làm sao mà tôi đâm đốn kiếp như vậy. Thật tôi không cắt nghĩa được hết cái khúc khuỷu của tính tự kiêu và tự đại. Tôi chỉ biết thế là những cái hung hăng gàn bướng và lên mặt hão huyền đầu óc tôi chưa gội được sạch hẳn. Khi tôi đá ngã thằng dế kia rồi, mắng nó rồi thì tôi nghĩ nịnh tôi rằng: "ồ mình giỏi thật. Chỉ gảy khẽ một cái mà thằng cha kia đã ngã lăn chiêng".


Và chỉ nhờ cái đá xoàng ấy mà trẻ con trong xóm thi nhau đi "đúc" dế, đào dế, săn dế đem về cho chọi với tôi - tôi đã trở nên tay võ khét tiếng. Phải, dế nào tôi cũng phóng vài cái đạp hậu, cậu ta đã chạy bán xác. Hồi ấy, tôi đương giữa tuổi thanh xuân, sức lực cường tráng, nhất là thêm cái tính kiêu, tính hợm chẳng coi ai ra gì nên cứ càng làm bộ.


Vì tôi thắng tợn nên hai cậu chủ bé nhỏ của tôi yêu quý tôi lắm. Mỗi bận đá ngã kẻ địch, tôi lại được các cậu ấy tẩm bổ bao nhiêu là cỏ ấu rất non. Đêm đến, tôi được các cậu cho lên đứng uống sương trên giàn mồng tơi, nhưng vẫn bị một sợi chỉ buộc vào càng. Tôi có thể cắn đứt sợi chỉ dễ như chơi, mà tôi không cắn, tôi uống từng giọt sương lóng lánh trên lá mồng tơi rồi ung dung ca hát trong ca hát trong cảnh trói buộc như thế. Tệ quá nữa, muốn làm, đẹp lòng hai cậu bé, tôi chỉ quanh quẩn cả ngày cạnh cái hộp diêm, buồng ngủ của tôi, không đi đâu xa một bước. Thỉnh thoảng cao hứng tôi đạp hai càng, cất tiếng gáy riii...riii. Ôi, tôi đã quên cái thân bị đem làm trò chơi. Mấy lá cỏ non và thói ngông đã khiến tôi đâm ra ngu tối đến thế.


Nhưng đến một ngày kia, tôi phải cảm ơn một sự tình cờ đã đến mở mắt tôi. Tôi vẫn đi đánh nhau thuê mua vui. Tôi vẫn được đem đi chọi nhau như thế. Đối thủ của tôi lần này là một anh chàng có bộ cánh chưa kín lưng, người mới dài bằng nửa tôi. Vừa bị đẩy vào đứng đối diện, anh ta đã nháo nhác kêu tru tréo:


- Em lạy bác, em lạy bác, bác tha cho em. Bác là người lớn, bác đã có răng có càng to rồi, còn em, em vừa ra đời có mấy hôm, mới hôm qua được mẹ em dắt cho đi ở riêng thôi mà.


Tôi thản nhiên. Tôi xông vào chiến ngay thằng bé. Nó khóc hu hu rồi chạy quanh lồng. Mấy đứa trẻ xem chọi dế cười ha hả. Tôi lại càng nổi hăng.


******


Có một anh Xiến tóc bay xè xè trên trời rồi đậu xuống cành nhãn gần đấy, nhìn đám dế chọi nhau. Anh Xiến tóc vểnh hai cái sừng dài như hai chiếc lông công cong có khấc từng đốt, chõ xuống mắng tôi:


- Dến Mèn nghếch ngác kia! Mày to đầu thế mà mày nỡ đánh thằng bé bằng ngần ấy à? Không được quen thói bắt nạt.


Tôi ngoảnh đầu nhìn lên: anh Xiến tóc lực lưỡng và uy nghi bọc mình trong bộ áo giáp đồng hun rất cứng, bộ hung tợn dữ dội lắm. Nhưng tôi cóc sợ. Coi bộ chẳng làm gì nổi tôi tốt! Bởi tôi biết anh ta cũng hãi lũ trẻ, chỉ đứng trên cây, không dám xuống.


Tôi hích mũi ra một câu:


- Ngứa mồm!


Rồi tôi lại đuổi đánh đứa bé như thường. Tôi ngổ ngáo vụt lên trước, hếch cằm, chặn. Thảm hại, mới nếm thêm có cái đá hậu, thằng bé đã quay đơ và chỉ còn thoi thóp thở. Tôi cũng chẳng biết thế nào là thương xót. Tại tôi chỉ nghe có tiếng hoan hô râm ran của bọn trẻ.


Thấy không những không ngăn nổi tôi mà tôi còn đánh gần chết chú dế nhỏ, Xiến tóc nghiến răng ken két, chõ cả hai cái sừng dài xuống, quát:


- A được, mày giờ hồn! Bảo lời phải không nghe, rồi sẽ biết tay.


Tôi còn trêu tức, ngước răng lên:


- Có giỏi thì xuống đây chọi nhau.


Rồi tôi đứng ung dung nhắm nhánh cỏ của lũ trẻ vừa tranh nhau tuồn vào thưởng cho tôi. Làm như không thèm để ý đến câu chuyện vặt. Xiến tóc tức rung sừng, rung răng, nhưng không biết làm thế nào, vì có lũ trẻ ngồi đông trên bãi cỏ. Cuối cùng Xiến tóc cất cánh vù đi. Tôi chẳng thèm để ý. ừ anh chàng khoẻ thì có khoẻ đấy, nhưng đâu có thể làm gì nổi tôi.


Đêm hôm ấy, theo thường lệ, bọn trẻ đem tôi ra ngoài giàn mồng tơi, để tôi uống sương tẩm bổ và hít thở khí trời trong lành. Trên cao, mặt trăng sáng vằng vặc. Làn gió đưa đẩy những chiếc lá tre dài và nhọn dẫm sương óng ánh thành một nét sắc trong bóng trăng. Tôi duỗi thẳng cả hai chân, cả cánh, vừa ôn một bài võ, vừa hát, ngẩng đầu nhìn vòm trời trăng sáng và chắc là vẻ mặt tôi lúc ấy có tự đắc, tự mãn lắm đấy.


Đương ung dung thế, lắng nghe tiếng cái máy gì xè xè đâu dần dần tới bên cạnh. Rồi anh Xiến tóc oai linh ban chiều vụt hạ cánh xuống ngay bên nách tôi. Tôi rú lên một tiếng kinh khủng. Tôi cứng cả khoeo, không nhích chạy được. Tôi không ngờ. Phen này chết thật chứ không chơi. Răng nó như sắt thế kia, cái vuốt chân như dao thế kia. Một mình tôi ở nơi vắng vẻ thế này. Tất chết!


Tôi cố mím môi, mà cánh, mà chân, mà càng tôi vẫn nẩy lên bần bật. Xiến tóc ghé nghiêng hai cái sừng cười chế nhạo:


- Rõ đồ hèn! Sao lúc chiều hống hách thế!


Rồi Xiến tóc lục tội:


- Này ta hỏi: mày đáng khép tội gì?


- Lạy anh...


Có lẽ lúc bấy giờ tôi cuống quít những điệu bộ đáng xấu hổ và nực cười, đã khiến Xiến tóc khinh bỉ đến nỗi không thèm giết tôi cho bẩn gươm. Bởi vậy tôi chỉ thấy Xiến tóc cúi hai cái sừng sát mặt tôi, kênh mũi tôi lên và bảo rằng:


- à, bây giờ thì co vòi lại rồ, phải không...Còn gì xấu bằng cậy sức mà đi bắt nạt. Không ngoan đá đáp người ngoài...Mày có giỏi thì...Ta tha cho lần này. Nhưng ta hãy mượn tạm đi của mày hai cái râu. Để từ đây mỗi khi mày định làm việc gì bậy bạ, hãy sờ lên chiếc râu cụt, lúc ấy nhớ lại lời ông Xiến tóc nhé.


Nói rồi Xiến tóc đưa răng lên cắn cụt luôn hai sợi râu mượt óng trên đầu tôi. Đau điếng, mà tôi đành ngậm tăm không dám hé răng. Đường đời nhiều bài học, mỗi bài học một kiểu, chịu nghĩ thì học được, học giỏi, bằng không thì... khốn khổ như thế này đây. Cho đến bây giờ đầu tôi vẫn trọc lông lốc bởi mất hai sợi râu từ cái tích tôi được thêm bài học mới vừa đắt vừa đau đêm ấy.


Nhưng, cũng nhờ thế mà tôi tỉnh ngộ. Trời ơi, thế ra từ khi bị hai đứa trẻ bắt vào vòng u tối, tôi đi đánh nhau làm trò cười cho thiên hạ, tôi chỉ làm ác mà tôi không biết. Mà những kẻ bị tôi đánh cũng là họ hàng xa gần nhà dế cả. Tôi thở dài thầm nghĩ:


- Hôm trước ta đã vướng điều lầm lỗi. Bây giờ lại mắc lỗi nữa... Ôi, ta hèn quá. Cũng may bác Xiến tóc không giết ngoém ngay ta đi. Mới biết đời này hồ dễ ai bắt nạt nổi ai. Ta đánh kẻ yếu hơn ta thì lại kẻ khác mạnh hơn ta đánh ta. Thôi thôi, giấc mơ kia đã tỉnh ra rồi. Nghĩ được thế, lòng tôi mới tạm yên. Nhưng nói cho hết nhẽ, nếu bây giờ tôi muốn bỏ đi tính hung hăng xằng bậy đi thì tôi phải nhất quyết rời hai đứa bé này ra. Bởi vì mục đích của họ nuôi tôi là bắt tôi làm trò choảng nhau, cho họ cười. Văng vẳng bên hai tai tôi tiếng thoát ly.


Tôi thấy bồi hồi, muốn đi ngay lúc ấy. Nằm trong lồng, tôi trông thấy cửa lồng chưa cài. Thế là tôi bò ra luôn. Nhưng cũng ngay lúc ấy, Bé và Nhớn ở đâu chạy tới kêu lên:


- á, á!


Rồi Bé nắm gáy tôi, ném vào lồng. Không bao giờ tôi cảm thấy nhục nhã hơn! Từ lúc ấy, tôi bị canh giữ khác hẳn mọi khi. Buổi tối, vẫn được lên giàn mồng tơi nhưng phải nằm trong lồng không ai cho nghênh ngáo ngoài trời như mọi khi - dù là nghênh ngáo với sợi chỉ buộc vào bẹn.


Tôi càng thấm thía nung nấu ý nghĩ trốn đi. Tôi chờ một dịp khác.


Trong những ngày chờ đợi, buồn ơi là buồn. Tôi buồn lắm, buồn tưởng chết được. Phần thì ăn năn tội lỗi. Phần thì ngao ngán đời mình. Cuộc đời đã nửa thời xuân mà chưa làm nổi điều gì gọi là có ích. Chỉ những nay lầm mai lỗi. Tôi ủ rũ, chẳng buồn ăn, chẳng buồn đi, đứng cũng không buồn đứng. Suốt ngày nằm phục vị thở dài.


Thấy tôi đâm ra lù dù thế, bọn trẻ chỉ biết ra công săn sóc. Nhưng họ càng săn sóc thì lòng tôi càng chán ngắt càng cảm thấy họ nuôi béo thân mình để làm chuyện mui vui. Tôi ăn đuểnh đoảng, nhấm nháp. Dần dần bọn trẻ cũng chán tôi.


Trò trẻ chơi cái gì cũng thường hay chóng chán. Vì không hiểu được cái ốm và đầu óc nghĩ ngợi của tôi bấy giờ, chúng cho tôi là mắc bệnh gì đấy, có lẽ bị đau dạ dày. Rồi, cứ bỏ vào lồng toàn thứ cỏ thượng hạng mà chỉ thấy tôi đủng đỉnh nhếch răng thì sự săn sóc cũng nhạt dần. Họ lại xách ống, dao và que nứa, hì hục đào, đúc dế, mải tìm cuộc chơi khác.


Thế rồi, cứ ốm nghĩ mãi, tôi đâm ra ốm thật. Tôi cảm thấy khật khừ rồi tôi ngạt mũi, nhức đầu luôn. Mấy lần bị mang đi đánh nhau, tôi chỉ đứng yên. Anh dế bên lồng kia sang cũng không dám đánh tôi, thế là nhạt trò. Nghĩa là tôi không còn hoạt bát, khoẻ khoắn như trước nữa. Mấy ngày không nhớ ca hát, buổi sáng như buổi chiều, không gáy chào hoàng hôn và bình minh.


Một hôm, Nhớn thấy tôi nằm lử đử, bèn bảo Bé:


- Không phải nó đau dạ dày đâu, thằng dế này đánh nhau nhiều quá đến nỗi kiệt sức nên bây giờ mắc bệnh ho lao. Chúng mình chả nên nuôi một thằng dế ốm. Thả nó đi, Bé ạ.


Bé gàn:


- Thế thì phải đem ra ao cho vịt bầu ăn.


Tôi lạnh đến tận hai chân răng.


- Không, thế cũng phí, ta sẽ đem nó làm cúp đá bóng. Cúp đá bóng là một dế cụ. Thế mà oai!


Rồi hai đứa kéo nhau đi rủ tất cả trẻ con trong xóm họp lại đá bóng thi ăn giải thưởng. Cái cúp ấy đúng là dế tôi vậy. Thân tôi lại thành cái giải thưởng, nghĩ cực quá. Không đầy một lúc đã có một lũ đến mười, mười lăm đứa kéo đến. Chúng rủ nhau ra ngoài bãi, đem theo tôi ra. Đám trẻ chia làm hai phe. Một đứa đã nhặt được ở vườn nào về một quả bưởi để làm bóng.


Tôi được đặt trịnh trọng đứng trong nắp cái vỏ diêm mới, trên một hòn gạch. Nhớn giao hẹn các bạn:


- Bên nào được ba "gôn" thì ăn thưởng lão dế này. A lê...Toe toe toe...


Tôi đứng thẳng, lấy vẻ mặt tươi tỉnh, vui như cũng đương xem đá bóng. Không ai nghi ngờ gì cả. Cũng thật là trẻ con thì mới hay sơ ý như thế đấy. Cơ hội thoát ly có thể sắp đến rồi. Đôi bên tranh nhau quả bóng bưởi mỗi lúc kịch liệt hơn. Đám này đá bóng cũng xoàng. Tôi nhận xét thế. Có cậu cứ giẫm vào bóng, ngã bổ chửng. Có cậu bíu vai chèn nhau rách toạc cả áo. ấy vậy mà vẫn mải mê, hò hét vang cả góc bãi.


Nhưng tôi cũng vội nhận ra tôi đứng đây không phải để xem đá bóng. Thế là, trong khi bọn trẻ đang xô đẩy kịch liệt trên bãi thì tôi len lén rời nắp bao diêm, bò khỏi bệ gạch vỡ. Tôi lẻn ra đầu vườn, chui vào đám cỏ rậm, rồi chuồn thẳng đến tận bụi dứa dại đằng xa. Xổ lồng một cái, khỏi ốm ngay, nhanh thế!


Chẳng biết lúc tan cuộc bóng, thấy mất cái giải thưởng quý hoá, bọn trẻ có cáu kỉnh mà cãi nhau không
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom