Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 58
Tôi đã có một phát kiến thực vật học đặc biệt. Nhiều người sẽ không tin đoạn sắp kể này. Nhưng tôi vẫn phải kể, vì nó là một phần của cả câu chuyện và nó đã thực sự xảy ra với tôi.
Tôi đã nằm nghiêng một bên. Lúc đó khoảng một hai giờ trưa gì đó vào một ngày im ắng, nắng và gió nhẹ. Tôi vừa ngủ một giấc ngắn, một giấc ngủ lãng toẹt chẳng yên mà cũng chẳng có mộng mị gì. Tôi xoay người đổi bên, gắng làm nhẹ nhàng để khỏi mất sức. Tôi mở mắt.
Tôi nhìn thấy cây cối ở gần. Tôi không phản ứng gì, tin chắc đó chỉ là ảo giác và chỉ vài cái chớp mắt nó sẽ tan đi.
Những cái cây vẫn còn đó. Và thực tế là chúng đã mọc lên thành cả một khu rừng. Chúng là một phần của một hòn đảo thấp trên mặt biển. Tôi nhỏm dậy, tiếp tục không tin vào mắt mình. Nhưng thật phấn khích khi có một ảo giác chất lượng như thế, những cái cây thật đẹp. Không giống bất kì thứ cây nào tôi đã từng thấy. Chúng có một thứ vỏ nhạt màu, những nhánh xoè đều đặn và cành lá thật xum xuê. Lá của chúng xanh biếc đến loá mắt, một màu xanh rực rỡ như ngọc đến nỗi cây cỏ nhiệt đới vào mùa ở bên cạnh chúng cũng chỉ thành màu ô lưu xỉn mà thôi.
Tôi nhìn xuống. Và vừa thoả mãn vừa bất mãn với những gì tôi thấy. Hòn đảo không có đất. Mà đám cây cũng không mọc trên mặt nước. Chúng mọc trên cái gì đó có vẻ như là một khối tảo mộc dày đặc, cũng xanh biếc như cành lá của chúng. Ai đã từng nghe chuyện đảo không có đất? Với cây cối mọc trên thảo mộc thuần túy? Tôi thấy thoả mãn vì hiện tượng địa lí ấy đã khẳng định tôi đúng, rằng hòn đảo chỉ là một huyễn hoặc, một trò đùa của trí khôn. Cũng chính hiện tượng đó làm tôi bất mãn bởi một hòn đảo, bất kì hòn đảo nào, dù lạ đến đâu, đáng nhẽ cũng phải cho người ta bước lên mới phải.
Vì đám cây vẫn sừng sững ở đó, nên tôi vẫn tiếp tục nhìn. Màu xanh của lá cây, toàn những xanh da trời và nước biển, giống như một thứ âm nhạc trong mắt tôi. Xanh lá cây là một màu đáng yêu. Đó là màu của đạo Hồi. Đó là màu tôi ưa thích nhất.
Nước ròng nhẹ nhàng đẩy chiếc xuồng vào gần ảo ảnh của tôi hơn. Bờ đảo không thể gọi là bờ được. Không cát, không sỏi, không có sóng vỗ dào dạt, vì những con sóng lan vào đó cứ thế tan biến đi trong cái xôm xốp của hòn đảo. Từ một đỉnh gò trong đảo cách mép nước chừng ba trăm thước, hòn đảo thoải dần xuống biển, và chừng bốn mươi thước dưới mặt nước,nó đột ngột hẫng xuống và biến mất vào những tầng sâu của Thái Bình Dương, chắc chắn là một thềm lục địa nhỏ nhất được con người biết đến.
Tôi đã đang quen dần với ảo giác. Để chúng khỏi biến đi, tôi tránh không làm cái gì căng thẳng. Khi chiếc xuồng chạm phải hòn đảo, tôi ngồi im không cử động, chỉ tiếp tục mơ. Chất tạo nên hòn đảo này có vẻ là một khối rong biển hình ống đan dệt chằng chịt rất chặt với nhau. Những cây rong chỉ to không quá hai ngón tay. Thật là kì diệu.
Mấy phút trôi qua, tôi bò lên mép xuồng. Cuốn cẩm nang đã viết: “Hãy tìm kiếm cây xanh”. Phải rồi, cây xanh đây chứ đâu. Quả thực, đó là một thiên đàng xanh biếc. Một thứ xanh lá cây chói lọi hơn cả các loại phẩm nhuộm thức ăn và đèn nêon. Một thứ xanh lá cây khiến người ta phát say lên được. Cẩm nang cũng viết: “Chỉ có đặt chân lên được rồi mới chắc rằng ta đã lên đất liền.” Phải làm theo mới được. Hòn đảo gần có thể đặt chân lên được rồi. Muốn biết chắc – để rồi thất vọng – hay không cần biết chắc, đó là vấn đề.
Tôi quyết định cần phải biết chắc. Tôi nhìn quanh xem có cá mập không. Không có. Tôi quay người nằm sấp, rồi bám chắc lấy tấm bạt, rồi từ từ thò một chân xuống. Bàn chân tôi thò xuống nước biển. Mát lạnh. Hòn đảo nằm sâu hơn chút nữa, sáng long lanh dưới nước. Tôi duỗi người. Tôi chờ đợi cái bong bóng ảo giác của mình sẽ vỡ tan bất kì lúc nào.
Nó không vỡ. Bàn chân tôi ngập xuống nước trong vắt và bị cản lại bởi cái gì đó vừa mềm dẻo vừa chắc chắn. Tôi đè người xuống tí nữa. Ảo giác vẫn không biến đi. Tôi đứng hẳn lên một cái chân đó. Mà vẫn không chìm. Mà tôi vẫn không tin.
Cuối cùng, tôi biết chắc mình đã ở trên đảo lại nhờ vào thính giác. Nó xộc vào mũi tôi, tràn đầy và tươi mát, choáng ngợp: mùi cây cỏ. Tôi há hốc mồm. Sau hàng tháng trời chỉ ngửi mùi của những thứ đã bị nước biển tẩy đến thếch thác, cái mùi cây cỏ hữu cơ nồng nàn làm tôi say ngất. Đó là lúc tôi tin mình đang đứng trên đảo, và thứ duy nhất bị chìm nghỉm là trí khôn của chính tôi; tôi không còn nghĩ ngợi mạch lạc được nữa. Chân tôi bắt đầu run lên.
“Lạy chúa! Lạy chúa!” Tôi rền rĩ.
Tôi ngã ra khỏi xuống.
Cú choáng kết hợp bởi đất rắn chắc dưới chân và nước biển mát lạnh đã cho tôi đủ sức đứng lên và bước vào trong hòn đảo. tôi líu lo những lời cảm tạ Thượng đế không đầu không đuôi và ngã vật xuống.
Nhưng tôi không thể nằm im. Lòng tôi quá hưng phấn. Tôi muốn đứng dậy. máu như chạy ào ra khỏi đầu tôi. Mặt đất lắc mạnh. Tôi quáng mắt đến chóng mặt. Tôi tưởng mình sắp ngất. Tôi trấn tĩnh lại. Chỉ còn đủ sức thở dốc. Thế mà tôi vẫn ngồi dậy được.
“Richard Parker! Đất liền! đất liền! đất liền! chúng ta sống rồi!” Tôi hét to.
Mùi cây cỏ nồng nặc khác thường. còn màu xanh, nó tươi mát và mượt mà đến mức mà sức khoẻ và cảm giác thư giãn như đang thực sự tràn vào cơ thể tôi qua hai con mắt.
Thứ rong biển tròn lạ lùng và đan nhau chằng chịt này là loại gì vậy? Nó có ăn được không? Nó có vẻ là một loại tảo biển, nhưng rất chắc, cứng hơn nhiều loại tảo thông thường. cảm giác về nó khi ở trên tay vừa ướt vừa có vẻ giòn giòn. Tôi kéo thử. Những sợi rong đó đứt ra không mấy khó khăn. Nhìn đoạn rong đứt rời, thấy nó cấu tạo bằng hai lớp vỏ tròn đồng tâm: lớp ngoài ướt và hơi nham nhám, xanh rực, còn lớp trong lơ lửng ở quãng giữa lớp ngoài và lõi. Cái ống trong màu trắng. cái ống ngoài có màu xanh lá cây giảm dần từ ngoài vào trong. Tôi đưa một sợi lên mũi. Ngoài hương vị thảo mộc, nó còn có một mùi trung tính. Tôi liếm. Tim tôi rộn lên. Sợi tảo sũng toàn nước ngọt.
Tôi ngoạm lấy nó. Răng miệng tôi phát choáng. Cái lõi mặn chát, nhưng lớp ống bên ngoài thì không những ăn được, mà còn ngon tuyệt trần. lưỡi tôi bắt đầu rung lên như thể nó là một ngón tay đang giở từng trang cuốn từ điển để tìm một từ đã bị quên lãng từ lâu. Nó đây rồi. Tôi nhắm nghiền mắt và khoái trá nghe thấy từ đó: ngọt ngào. Không phải theo nghĩa ngon lành mà thôi, mà còn theo nghĩa có chất đường thực sự. Rùa với cá là nhiều thứ, nhưng chúng không bao giờ có đường. Sợi tảo có một vị nhè nhẹ còn khoan khoái hơn cả vị siro làm từ nhựa cây thích ở Canada. Cái gần nhất tôi có thể so sánh với nó là vị ngọt của hạt dẻ nước.
Nước ngọt ứa ra ào ạt qua lần khô quánh trong miệng tôi. Khoan khoái quơ tay ầm ĩ, tôi dứt những bó tảo xung quanh mình. Lần lõi và lần vỏ của chúng tách ra được dễ dàng. Tôi bắt đầu tọng những đoạn vỏ ngoài vào mồm. Tôi tọng bằng cả hai tay, nhồi nhét và bắt cái miệng làm việc khoẻ và nhanh hơn rất nhiều so với suốt một thời gian dài. Tôi dứt tảo ăn cho đến lúc xung quanh tôi chỉ còn là một cái hào nước.
Một cái cây đứng đơn độc cách tôi chừng sáu mươi thước. nó là cái cây duy nhất mọc bên dưới rặng đồi trông có vẻ còn rất xa. Tôi nói là rặng đồi hoặc gò. Chứ đó có thể gây nhiều hiểu nhầm về độ dốc của đảo. Tôi đã nói rằng đây là hòn đảo thấp trên biển. Nó dốc thoai thoải từ biển lên, cho đến chỗ cao nhất khoảng mười lăm hai mươi thước gì đó. Nhưng trong tình trạng của tôi lúc bấy giờ, độ cao sừng sững như một quả núi. Cái cây kia như có vẻ mời chào tôi, tôi để ý đến khoảng bóng râm của nó. Tôi lại cố đứng dậy. Tôi loay hoay vào được một tư thế ngồi xổm, nhưng khi định đứng lên, đầu tôi quay cuồng và tôi không thể giữ được thăng bằng. Ngay cả nếu không ngã, thì hai chân tôi cũng chẳng còn tí sức lực nào. Nhưng tôi quyết chí phải tiến tới. Tôi bò, lê lết, lổm ngổm về phía cái cây.
Tôi biết mình sẽ không bao giờ biết được một niềm vui nào lớn lao hơn lúc tôi đã bò vào được chỗ bóng mát râm của cái cây và nghe thấy âm thanh khô giòn của gió trong đám lá xào xạc trên đầu. Cái cây không to và cao như những cái cây khác sâu hơn trong đảo, và có thể do phải chịu nhiều mưa gió hơn vì mọc ở phía bên này của rặng đồi, nó hơi tả tơi một chút và cành lá không được tròn trịa đầy đặn như chúng bạn. Nhưng nó là một cái cây và một cái cây là cái gì đó đầy ân điển để cho ta nhìn ngắm sau một thời gian dài lạc lõng cô đơn trên biển cả. tôi hát lời ngợi ca sự vinh hiển của cái cây, ngợi ca sự chắc chắn của nó, sự tinh khiết không vội vàng và vẻ đẹp từ tốn của nó. Chao ôi, giá mà tôi được như nó, bắt rễ xuống đất nhưng tất cả tay tôi lại dâng lên để ngợi ca Thượng đế! Tôi khóc.
Trong lúc lòng tôi vui mừng ngợi ca đức Allah, tâm trí tôi bắt đầu thu thập thông tin về những việc làm của Người. Cái cây đúng là mọc lên trực tiếp từ đám tảo, như tôi đã nhìn thấy thế từ lúc còn trên xuồng. Không có một dấu vết gì của đất. Hoặc giả có đất ở rất sâu bên dưới, nếu không thì loài cây này là một ví dụ kí sinh khác thường. Thân nó to ngang với thân người. vỏ có màu xanh lá cây xám, mỏng và mướt, mềm đến mức có thể lấy móng tay vạch vào nó dễ dàng. Những cái lá hình tim to và rộng bản, có một đầu nhọn. Ngọn cây có dạng tròn đều đáng yêu của một cây xoài, nhưng nó không phải xoài. Tôi nghĩ nó có mùi giống như sen, nhưng không phải sen. Cũng không phải chàm. Không phải bất kì một cây gì mà tôi đã thấy từ trước. Chỉ biết nó thật đẹp, thật xanh, thật xum xuê.
Nghe tiếng gầm gừ, tôi quay lại. Richard Parker đang quan sát tôi từ trên xuồng. Nó cũng đang nhìn hòn đảo. có vẻ như nó muốn lên bờ nhưng còn sợ. cuối cùng, sau nhiều gầm gừ và đi đi lại lại, nó nhảy khỏi xuồng. Tôi đưa cái còi lên miệng nhưng nó không hề có ý định tấn công. Chỉ giữ thăng bằng thôi cũng đã khó rồi; nó loạng choạng chẳng khác gì tôi. Nó bò sát người xuống đất, tứ chi run rẩy, như một con hổ mới đẻ. Tránh tôi một quãng xa, nó đi lên gò và biến mất vào phía kia của hòn đảo.
Suốt cả ngày hôm đó tôi chỉ ăn, nghỉ, cố đứng dậy, và nói chung là tắm mình trong vui sướng. Tôi thấy buồn nôn mỗi khi cố sức nhiều quá. Và tôi vẫn cảm thấy mặt đất đang chuyển dịch dưới chân và như sắp ngã, ngay khi đứng im tại chỗ.
Đến cuối buổi chiều, tôi bắt đầu lo đến Richard Parker. Hoàn cảnh đã thay đổi, lãnh thổ đã thay đổi, không biết nó sẽ xử với tôi ra sao khi gặp lại.
Miễn cưỡng, và hoàn toàn là vì an toàn, tôi bò trở lại xuồng. Cho dù Richard Parker có chiếm lĩnh cả hòn đảo, thì phần mũi và mui xuồng vẫn là lãnh thổ của tôi. Tôi tìm cái gì có thể dùng để neo xuồng lại. Rõ ràng chỉ có đám tảo dày ở đảo, không có gì khác. Cuối cùng, tôi giải quyết việc neo xuồng bằng cách cắm sâu cán một cái trèo vào đám tảo rồi buộc dây xuồng vào cái chèo.
Tôi bò lên mui bạt. Kiệt sức. Cơ thể tôi rã rời vì phải tiếp nhận quá nhiều đồ ăn và vì căng thẳng thần kinh do đột ngột thay đổi hoàn cảnh. Đến cuối ngày, tôi lơ mơ nghe thấy tiếng Richard Parker gầm lên xa xa, rồi ngủ thiếp đi.
Tôi thức dậy trong đêm với một cảm giác khó chịu là lạ ở bụng dưới. Tôi nghĩ đó là chuột rút, hoặc giả đã bị ngộ độc tảo. Tôi nghe tiếng động và nhìn ra. Richard Parker đã ở trên xuồng. Nó đã về trong lúc tôi đang ngủ. Nó đang meo meo và liếm láp các bàn chân. Tôi không hiểu sao nó lại quay về, nhung cũng không nghĩ thêm về chuyện đó, cơn co thắt bụng bắt đầu khó chịu hẳn lên. Tôi đau quặn, gập người, run lẩy bẩy, rồi một quá trình tự nhiên nhưng đã bị quên lãng từ lâu, đột ngột và tự động diễn ra: Tôi phóng uế. Rất đau đớn. nhưng sau đó tôi chìm vào một giấc ngủ sâu và sảng khoái chưa từng có kể từ cái đêm trước khi tàu đắm.
Khi tỉnh dậy buổi sáng hôm sau, tôi thấy khoẻ hơn nhiều. Tôi hăng hái bò đến cái cây đơn độc. Mắt tôi lại một lần nữa ngấu nghiến nó, còn bụng thì ngấu nghiến các sợi tảo. Tôi chén một bữa điểm tâm no nê đến mức đào hẳn một lỗ tướng.
Một lần nữa, Richard Parker chần chừ hàng mấy tiếng đồng hồ trước khi nhảy ra khỏi xuồng. Đến lúc nó nhảy ra đã gần hết buổi sáng, thì vừa mới vào đến bờ nó lại nhảy trở lại, gần như ngã hẳn xuống nước và có vẻ rất căng thẳng. Nó thở phì phì và giương vuốt cáo lên không. Lạ thật. Tôi không thể hiểu nó đang làm thế vì lí do gì. Rồi tình trạng bồn chồn ấy cũng qua đi, có vẻ tự tin hơn hôm trước, nó lại biến mất qua bên kia rặng đồi.
Hôm ấy, dựa vào cái cây, tôi đã đứng được lên. Tôi chóng mặt. Cách duy nhất làm cho mặt đất dưới chân tôi không chuyển động nữa là nhắm tịt hai mắt và bám chặt vào cái cây. Tôi chống tay đẩy người ra và thử bước đi, nhưng lập tức ngã xuống. Chưa nhấc được chân thì mặt đất đã như nhào vào tôi. Nhưng không sao. Hòn đảo được bao phủ bởi một tầng dày đặc cành rong đan dệt với nhau là một chỗ lí tưởng để tập đi. Ngã kiểu gì cũng không đau.
Ngày tiếp theo, sau một đêm ngủ yên trên xuồng – Richard Parker cũng quay về xuồng đêm đó – tôi đã có thể bước được. Ngã lên ngã xuống hàng chục lần, tôi vẫn bước tới được chỗ cái cây. Tôi cảm thấy sức lực mình tăng lên hàng giờ. Dùng cái lao móc, tôi khều xuống một cành cây và bứt một ít lá. Chúng mềm và không có sáp, nhưng có vị đắng, Richard Parker vẫn ở tịt trong ổ của nó trên xuồng – nó đã quen chỗ và vì thế vẫn trở về xuồng hằng đêm.
Tối hôm đó, khi mặt trời đang lặn thì tôi thấy nó quay về. Tôi đã buộc xuồng vào cọc chèo, và đang ở mũi xuồng, kiểm tra mối nối đó. Nó thình lình xuất hiện. Lúc đầu tôi không nhận ra. Con thú hoành tráng đang vọt ra từ rặng đồi và chạy hết tốc lực kia không thể là con hổ tơi tả và ù lì vẫn tháp tùng tôi trong suốt thời gian qua. Nhưng đúng là nó. Đúng là Richard Parker và nó đang lao về phía tôi. Trông nó đầy chủ ý. Cái cổ hùng mạnh của nó vươn lên, đầu chúi xuống. Những bắp thịt và cả bộ da của nó rung lên với mỗi bước chân. Nghe rõ tiếng tấm thân nặng trịch của nó chạy như gõ trống trên mặt đất.
Tôi đã đọc thấy có hai nỗi sợ mà ta không thể khắc phục được: Cái sợ đến thót người khi thình lình nghe thấy tiếng động lạ, là cái sợ của cảm giác chóng mặt lúc mọi thứ quay cuồng xung quanh. Tôi muốn thêm vào một nỗi sợ thứ ba: Phải đột ngột đối mặt với một kẻ sát nhân quen biết.
Tôi lục lọi cuống cuồng tìm cái còi. Khi nó chỉ còn cách xuồng khoảng chục thước, tôi lấy hết sức bình sinh thổi vào cái còi. Một âm thanh ré lên xuyên thủng không gian.
Nó đã có tác dụng như ý. Richard Parker khựng lại. Nhưng rõ ràng nó vẫn muốn tiếp tục tiến tới. Tôi thổi lần thứ hai. Nó bắt đầu quay cuồng và nhấp nhổm tại chỗ trong một điệu bộ rất giống một con hươu, gầm gào dữ dội. Tôi thổi hồi còi thứ ba, lông trên người nó dựng đứng cả lên. Móng vuốt nó giương ra hết cỡ. Nó đang hết sức kích động. Tôi đã sợ rằng bức tường phòng thủ của những tiếng còi sẽ sắp sụp đổ và nó sẽ tấn công tôi.
Nhưng Richard Parker lại làm một việc bất ngờ: nó nhảy ào xuống biển. Tôi kinh ngạc lặng người. Chính điều tôi nghĩ nó không bao giờ làm thì nó lại làm, và làm một cách quả quyết đầy sức mạnh. Nó hăng hái đập chân bơi về phía đuôi xuồng. Tôi định thổi còi nữa nhưng lại thôi, rồi mở nắp tủ lên ngồi xuống, rút về vị trí thánh địa trong lãnh thổ của mình.
Nó vươn người nhảy lên đuôi xuồng, nước từ người nó chảy xuống ào ào, và làm đuôi xuồng chìm hẳn xuống. Nó lấy thăng bằng đứng trên mạn xuồng và mặt ghế đuôi một lúc, dò xét tôi. Tim tôi xỉu đi. Tôi tưởng mình sẽ không đủ sức thổi thêm một hồi còi nữa. Tôi ngây người nhìn nó. Nó tuồn người như nước chảy xuống sàn xuồng và biến mất dưới tấm bạt. Tôi có thể nhìn thấy vài chỗ trên thân thể nó qua mép cái nắp tủ. Tôi nhảy ào lên trên nóc bạt, khuất mắt nó – nhưng ở ngay trên nó. Tôi cảm thấy một ước muốn mãnh liệt được mọc cánh và bay đi.
Tôi bình tĩnh lại. Cố tự nhắc mình rằng tôi đã ở cùng một con hổ sống ngay bên dưới mình một thời gian rất dài rồi.
Khi hơi thở chậm lại tôi ngủ thiếp đi
Có lúc trong đêm đó, tôi đã thức dậy và quên cả nỗi sợ hãi, nhìn xuống chỗ nó. Nó đang nằm mơ, run rẩy và gầm gừ trong giấc ngủ. Nó đã mơ ầm ĩ như vậy và làm tôi thức giấc.
Buổi sáng như thường lệ, nó lại đi lên rặng đồi.
Tôi quyết định ngay khi thấy khoẻ sẽ phải đi thám hiểm hòn đảo. Nó có vẻ khá rộng, nếu chỉ nhìn vào đường bờ biển của nó, trài dài sang hai phía trái phải, chỉ hơi vòng vòng một chút, chứng tỏ đảo có bề rộng khá lớn. Suốt ngày, tôi đi bộ – và ngã lên ngã xuống – từ bờ đến cái cây và ngược lại, với ý định tập cho chân khoẻ lại. Lần nào ngã tôi cũng tranh thủ ăn một bữa tảo no nê.
Khi Richard Parker quay về vào cuối ngày, hơi sớm hơn hôm trước một chút, tôi đã đang có ý chờ nó. Tôi ngồi im và không thổi còi. Nó đến mép nước, rồi bằng một cú nhảy rất khoẻ vọt lên thẳng mạn xuồng. Nó vào luôn chỗ của mình và không xâm phạm gì đến lãnh thổ của tôi, chỉ làm cho xuồng nghiêng hẳn sang một bên. Nó đã khoẻ mạnh trở lại một cách đáng sợ.
Sáng hôm sau, tôi đợi cho Richard Parker đi trước một lúc lâu rồi mới bắt đầu đi thám hiểm đảo. Tôi đi lên rặng đồi, đến đỉnh một cách dễ dàng, từng bước một chắc chắn, mặc dù vẫn còn ngượng nghịu. Nếu hai chân tôi yếu hơn, chắc chúng đã khuỵu xuống trước quan cảnh mà tôi nhìn thấy khi vừa lên tới đỉnh đồi.
Tôi sẽ nói các chi tiết trước. Tôi thấy toàn bộ hòn đảo được bao phủ dưới các lớp tảo chứ không phải chỉ ở mép đảo. Tôi thấy một bình nguyên rộng lớn xanh rì với một khu rừng lá biếc ở giữa. Tôi thấy khắp xung quanh rừng đó hàng trăm hồ nước nhỏ và những cây cối mọc đều đặn ở giữa chúng. Toàn bộ cảnh trí gây một ấn tượng không thể nhầm lẫn được rằng tất cả đều theo một thiết kế mạch lạc.
Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là những con chồn biển. Thoạt nhìn, tôi ước tính một cách khiêm tốn phải có đến hàng trăm nghìn con. Chúng phủ đầy mặt đất. Và khi tôi xuất hiện thì dường như tất cả chúng đều quay lại nhìn tôi, kinh ngạc, như bầy gà trong sân trại, và đứng hết cả lên.
Chúng tôi không có con chồn biển nào trong vườn thú. Nhưng tôi đã đọc hết về chúng. Chúng có trong sách vở và văn chương. Chồn biển là một động vật có vú nhỏ bé ở Nam Phi, có huyết thống với loài chồn mongoose ăn chuột, chim, và cả rắn hổ mang ở Ấn Độ. Nói cách khác, chồn biển là một loài động vật ăn thịt, dài ba mươi phân và nặng độ một kí lô khi trưởng thành, thon thả, với một cái mõm nhọn hoắt, cặp mắt phía trước mặt, chân ngắn, bàn chân có bốn ngón với những cái móng dài không rút vào được, và một cái đuôi dài hai mươi phân. Lông có màu nâu nhạt hoặc xám và có những dải đen màu nâu sẫm trên lưng, còn chóp đuôi, tai, và hai cái vòng tròn xung quanh mắt thì đen tuyền. Một con vật linh hoạt và rất tinh mắt, có thói quen sống bầy đàn và hoạt động vào ban ngày, săn mồi trong tầm địa phương của mình và ăn được cả bọ cạp. Khi nó quan sát, con chồn biển có đặc điểm đứng thẳng, kiễng trên đầu ngón của hai chân sau dùng chóp đuôi như một cái chân thứ ba để giữ thăng bằng như một kiểu cái chân máy ảnh. Thường một bầy chồn biển hay đứng chụm với nhau và cùng nhìn về một phía, như một đám người đang cùng chờ xe buýt. Vẻ mặt nghiêm trang và kiểu buông thõng hai chân trước ngực làm chúng trông giống một lũ trẻ đang cố tình làm dáng chụp ảnh, hoặc một nhóm bệnh nhân trong phòng khám đã cởi hết quần áo đang kín đáo cố che đậy bộ phận sinh dục của mình.
Đó là quang cảnh đập ngay lập tức vào mắt tôi khi tôi lên đến đỉnh đồi. Hàng trăm nghìn con chồn biển – hơn nữa, phải hàng triệu – cùng lúc đứng lên quay nhìn tôi như thể cùng đồng thanh, “Vâng, có chuyện gì vậy thưa ngài?”. Cũng phải nói ngay rằng loài chồn biển lúc đứng thẳng lên chỉ cao ba bốn mươi phân, nên cái làm tôi kinh ngạc không phải là chiều cao mà là số lượng bạt ngàn vô biên của chúng. Tôi đứng sững tại chỗ. Nếu tôi làm cho hàng triệu con chồn biển kia hoảng sợ, chảnh tượng sẽ hỗn loạn không thể tả được. Nhưng chúng chỉ chú ý đến tôi một lát mà thôi. Chỉ sau vài giây, chúng đã quay lại công việc mà chúng đang mải mê trước khi tôi xuất hiện, tức là gậm nhấm những sợi tảo hoặc nhìn chăm chăm xuống mặt nước hồ. Nhìn ngần ấy sinh linh cùng cúi xuống một lúc như thế khiến tôi nhớ lại cảnh cầu nguyện trong thánh đường Hồi giáo.
Những con vật này có vẻ không biết sợ. Khi tôi từ đỉnh đồi đi xuống, không con nào chạy trốn hoặc tỏ vẻ căng thẳng vì sự có mặt của tôi. Nếu muốn tôi đã có thể vuốt ve và bế một con lên. Nhưng tôi không làm gì chúng. Tôi chỉ cứ thế bước vào giữa đám chồn biển đông đúc nhất trên thế giới, một trong những trải nghiệm lạ lùng và kì diệu nhất trong đời tôi. Có một âm thanh không dứt tràn ngập trong không trung. Đó là tiếng chí choé, chiêm chiếp, rin rít và cắn sủa nhặng xị của chúng.
Đông như vậy và kích động từng bầy lớn như vậy theo từng lúc làm cho âm thanh của chúng giống như tiếng động của một bầy chim, có những lúc rào rào ầm ĩ xung quanh tôi, rồi lại đột ngột im ắng, trong khi lại có một có đám khác ồn ĩ lên ở đằng xa.
Liệu có phải chúng không sợ tôi vì tôi phải sợ chúng không? Câu hỏi đó vụt lên trong óc tôi. Nhưng câu trả lời – rằng chúng vô hại – cũng lập tức rõ ràng. Để đi đến cái hồ mà chúng đứng dày đặc xung quanh, tôi phải lấy chân đẩy nhè nhẹ chúng ra hai bên để lấy lối đi. Chúng không lấy thế làm phiền mà ngoan ngoãn nhường đường cho tôi đi như một đám đông tốt bụng. Tôi nhìn xuống hồ, những bộ lông mềm mại và ấm áp cọ liên tục vào hai mắt cá chân của tôi.
Cái hồ nào cũng có hình tròn và gần như cùng một cỡ – xấp xỉ mười hai mét đường kính. Tôi tưởng chúng nông nhưng thấy nước trong và rất sâu, dường như vô đáy là khác. Và cho tới hết tầm mắt, tôi vẫn chỉ thấy các sợi tảo xanh sâu tít dưới khắp xung quanh bờ hồ. Rõ ràng lớp tảo bao phủ là rất dày.
Không thấy có gì có thể làm cho bọn chồn biển chăm chú xuống hồ đến thế, tôi đã định thôi không tìm hiểu nữa thì ở một cái hồ bên cạnh bỗng rộ lên tiếng sủa và kêu choe choé của chúng. Những con chồn biển đang nhảy choi choi trong một trạng thái như mê dại. Thình lình, hàng trăm con một lúc, chúng nhảy thẳng xuống hồ. Những con trên bờ chen chúc xô đẩy nhau để được ra mép nước. Một cơn điên tập thể. Ngay cả những con bé tí cũng chen ra mặt hồ, mặc kệ bố mẹ chúng cản lại. Tôi nhìn mà không thể tin vào mắt mình. Đây không phải loài chồn bình thường của sa mạc Kalahari. Chồn Kalahari không hành xử kiểu ếch nhái như thế này. Loài chồn biển này chắc chắn là một chi nhánh đặc biệt có lối sống khác hẳn.
Tôi bước ra gần hồ, chân đi chập chững, vừa đúng lúc những con chồn biển đang bơi – đúng là đang bơi thật – và mang vào bờ hàng chục con cá, mà không phải là cá nhỏ. Một số là dorado hẳn ngoi. Chúng to hơn hẳn khiến bọn chồn biển như một lũ tí hon. Không biết bọn chúng làm sao có thể bắt được những con cá lớn như thế.
Khi những con chồn biển kéo hẳn những con cá lên bờ, tôi nhận ra một điều lạ: con cá nào cũng đều đã chết, không con nào còn sống. Và vừa mới chết. Những con chồn đang bắt những con cá chết mà không phải chúng giết.
Tôi quỳ xuống ven hồ, đẩy nhiều con chồn biển đang nháo nhào và ướt nhoét sang hai bên, tôi nhúng tay xuống hồ, nước mát lạnh hơn tôi tưởng. Có một dòng chảy đưa nước lạnh từ dưới sâu lên mặt hồ. Tôi chụm tay múc nước và đưa lên miệng, tôi nhấp một ít.
Đó là nước ngọt. Thảo nào mà cá chết – vì lẽ tất nhiên là cá nước mặn sẽ chết khi rơi vào vùng nước ngọt. Nhưng bọn cá biển kia làm gì mà rơi vào những hồ nước ngọt này? Và bằng đường nào?
Tôi sang một cái hồ khác, chen chân qua đám chồn biển. Cũng là nước ngọt. Một cái hồ khác nữa. Cũng thế. Và cũng vậy ở một hồ nữa.
Tất cả chúng đều là hồ nước ngọt. Ngần ấy nước ngọt ở đâu ra? Rõ rồi: chỉ ở loài tảo này mà ra thôi. Chúng đã tự nhiên và liên tục khử muối trong nước biển, vì thế mà lõi chúng mặn và vỏ ngoài ứ đầy nước ngọt. Tôi không hỏi sao cây tảo làm thế, làm thế nào và muối kia biến đi đâu. Đầu óc tôi không thắc mắc những chuyện như vậy nữa. Tôi chỉ cười toáng lên và nhảy tùm xuống hồ. Nổi lên mặt hồ không dễ. Tôi vẫn còn rất yếu, và có quá ít mỡ trên người. Sau một thời gian dài như vậy ngoài biển khơi, da tôi đã như một tấm da bò và tóc tôi dài thượt, rối bù và bóng nhẫy như một túm giẻ đập ruồi. Linh hồn tôi cũng như thể đã bị muối ăn mòn. Cho nên, trước mặt hàng nghìn con chồn biển, tôi ngâm mình thật lâu, để cho nước ngọt làm tan đi mọi tinh thể muối đã đọng lại trên người.
Bọn chồn biển quay lại nhìn ra chỗ khác. Chúng làm động tác đó đều tăm tắp như thể chỉ có một con, tất cả chúng đều quay về một hướng trong cũng một thời điểm, rất chính xác. Tôi lên bờ xem có chuyện gì. Đó là Richard Parker. Nó khẳng định điều tôi đã nghĩ, rằng những con chồn biển này đã qua nhiều thế hệ không bị săn bắt ăn thịt nên chúng đã mất hết cả bản năng chạy trốn và không biết sợ hãi là gì. Richard Parker đi qua giữa trùng điệp chồn biển, đi đến đâu giết đến đấy, không thương tiếc mảy may, máu ròng ròng trên miệng, còn chúng, kề môi áp má với con hổ ấy, thì cứ nhảy chồm chồm lên tại chỗ như thể đang kêu, “Đến lượt tôi! Nào! Đến lượt tôi!”. Tôi sẽ còn thấy cảnh tượng ấy nhiều lần nữa. Không có gì có thể làm cho bọn chồn xao nhãng khỏi cuộc sống nhỏ bé của chúng với công việc rình ngó ven hồ và gặm nhấm tảo. Richard Parker cố rướn người ngạo nghễ trước khi nào xuống chúng với một tiếng gầm như sấm dậy hay nằm ngủ phục một cách bất cần ngay cạnh chúng, thì cũng thế mà thôi. Chúng chẳng bận tâm.
Richard Parker giết nhiều hơn cần thiết. Nó giết những con chồn biển mà nó không ăn. Trong thế giới động vật, nhu cầu giết nhiều hơn nhu cầu ăn. Sau bao nhiêu lâu không bắt mồi rồi đột nhiên có ngần ấy con mồi để bắt – bản năng săn mồi bị kiềm chế của nó đã trỗi dậy mãnh liệt để trả thù.
Nó còn ở xa tôi. Không có gì nguy hiểm, ít nhất là vào lúc này.
Sáng hôm sau, lúc nó đã đi, tôi dọn dẹp cái xuồng. Không thể để thế được nữa. Tôi sẽ không mô tả cảnh tượng hàng đống xương người và súc vật chất lẫn lộn hàng đống với xác cá và rùa trông ra sao. Tôi hất toàn bộ những đống thối tha và bẩn thỉu ấy xuống biển. Tôi không dám đặt chân xuống sàn xuồng vì sợ sẽ để lại dấu vết và Richard Parker sẽ phát hiện ra tôi là thủ phạm của sự thay đổi đó. Tôi dùng lao móc khều rác, đứng trên mui bạt, hoặc đứng dưới nước ở hai bên mạn xuồng. Không thể dùng móc để khều mùi và các vết bẩn, tôi rửa xuồng bằng cách dội từng xô nước vào nó.
Đêm đó, nó chui vào hang ổ mới sạch sẽ của nó không một lời bình luận. Mồm nó ngoạm cả một đám chồn biển, và nó nhai nuốt cả đêm.
Cả ngày hôm sau tôi chỉ ăn, uống, tắm, nhìn bọn chồn biển, đi bộ, chạy, nghỉ ngơi, và cảm thấy khoẻ hơn. Tôi chạy đã êm và không phải cố gắng, thật là sung sướng. Da dẻ tôi lành lại. Cơ thể không còn đau nhức. Nói một cách giản dị, tôi đã hồi sinh.
Tôi thám hiểm hòn đảo. Tôi cố đi vòng quanh nó. Tôi ước lượng có khoảng bốn năm cây số đường kính, tức là chu vi đảo dài chừng mười lăm cây số. Những gì tôi thấy có vẻ chỉ ra rằng đường bờ biển của đảo chỗ nào cũng giống nhau. Cùng một màu xanh biếc, cùng hướng lên một rặng đồi với một độ thoải như nhau, cùng có những cái cây đơn độc chỗ này chỗ kia để phá vỡ cái đơn điệu của phong cảnh. Khám phá bờ đảo cho tôi thấy một điều khác thường: Các đám tảo, tức chính là bản thân hòn đảo, thay đổi chiều cao và mật độ tùy theo thời tiết. Trong những ngày nóng, tảo đan bện vào nhau chặt hơn, dày hơn, và hòn đảo dâng cao hơn; trèo lên rặng đồi sẽ dốc hơn và đỉnh đồi cao hơn. Quá trình đó không diễn ra nhanh chóng. Chỉ có những đợt nóng nóng nhiều ngày mới gây ra hiện tượng ấy. Nhưng nó diễn ra rõ ràng, không thể nhầm được. Tôi nghĩ nó liên quan đến cơ chế bảo tồn nước của loài tảo này. Lúc trời nóng nắng chúng phải co cụm lại để hạn chế bề mặt bị phơi ra dưới ánh mặt trời.
Hiện tượng ngược lại – hòn đảo bị nới lỏng ra – diễn ra nhanh hơn, kịch tính hơn, và có lí do dễ thấy hơn. Những thời gian ấy, đỉnh đồi thấp hẳn xuống, thềm lục địa, là nói vậy, duỗi dài ra phía biển, và tảo ven đảo lỏng ra đến mức tôi thường bị mắc chân vào chúng. Hiện tượng lỏng đảo này xảy ra khi thời tiết âm u, và rất nhanh khi biển nổi sóng lớn.
Tôi đã qua một trận bão lớn trên đảo, và sau lần đó, tôi tin rằng có thể yên trí ở lại trên đảo ngay cả khi giông tố điên cuồng nhất. Thật đáng sợ khi ngồi trên một cái cây và nhìn những đợt sóng khổng lồ tràn vào đảo, tưởng chừng như khắp trào lên gập hết ngọn đồi và tàn phá mọi thứ – để rồi tan đi như thể chúng đã tràn vào một vùng cát chảy. Về phương diện này thì hòn đảo là đệ tử của thánh Gandhi: Nó chống trả bằng cách không chống trả. Con sóng nào cũng tan biến đi khi tràn lên đảo, không một va chạm, không hề cả sủi bọt mọc tăm. Dấu hiệu duy nhất của con sóng tràn qua đảo chỉ là một rung động trên mặt đất và lăn tăn mặt nước hồ trong đảo. Mà quả thật những con sóng ấy tràn qua bên dưới đảo, và lại nổi lên ở phía bên kia và tiếp tục cuồn cuộn trên đại dương. Một cảnh tượng lạ lùng nhất: những con sóng từ bờ đảo ào ạt tiến ra khơi. Những trận bão như thế không hề làm phiền tí gì bọn chồn biển. Chúng cứ tiếp tục việc mình như chưa có chuyện gì xảy ra, như thể không có thế giới nào quanh chúng.
Khó hiểu hơn nữa là sự biệt lập hoàn toàn của hòn đảo. Chưa bao giờ tôi thấy một môi sinh cô đơn như thế. Không khí trên đảo không có ruồi, không bươm bướm, không ong, không có bất kì một thứ côn trùng nào. Cây không có chim, đất không có chuột, sâu bọ, rắn rết, bọ cạp; và cũng không mọc lên một thứ cây nào khác, không bụi bặm, không cỏ, không hoa. Hồ nước không có cá nước ngọt, bờ biển không rong rêu, cua cáy, không san hô, không sỏi cuội, không đá. Với một ngoại lệ duy nhất có thể thấy được là bọn chồn biển, đảo không có một ngoại vật nào khác, hữu cơ hay vô cơ cũng vậy. Nó chỉ mênh mang một loài tảo xanh biếc và một loài cây xanh biếc.
Những cái cây đó không phải kí sinh. Tôi phát hiện ra điều đó vào một ngày ăn quá nhiều tảo dưới một gốc cây và nhìn thấy bộ rễ của nó ở dưới nước. Rễ cây không mọc ra một cách độc lập từ đám tảo, mà có vẻ chính là đám tảo đó. Có nghĩa là những cái cây này sống cộng sinh với tảo, cùng nhường nhịn nhau để tồn tại, hoặc là, đơn giản hơn, chúng là một phần không thể tách rời của loài tảo. Tôi đoán có lẽ thế thì đúng hơn, vì cây không thấy ra hoa kết quả gì. Không có một sinh vật độc lập nào, cho dù cộng sinh gần gũi đến mấy với một sinh vật khác, lại nhường nhịn cả quyền sinh sản của riêng mình. Những cái lá thèm ánh sáng trời, như biểu lộ qua sự xum xuê và bản rất rộng của chúng, cũng giống như diệp lục xanh biếc, khiến tôi nghĩ rằng chúng có chức năng thu hút năng lượng cho loài tảo này. Nhưng đó chỉ là suy đoán mà thôi.
Tôi còn muốn nhắc đến một nhận xét nữa của tôi. Nó dựa vào linh tính hơn là có bằng chứng cụ thể. Là thế này: đảo ấy không phải là một hòn đảo theo nghĩa thông thường – tức là một khối đất dâng lên từ đáy đại dương – mà là một cơ thể sống trôi nổi trên mặt nước, một quả bóng nện bằng tảo với kích thước khổng lồ. Và tôi cũng đồ rằng những cái hồ kia có đáy mở liền với đại dương. Điều đó giải thích được tại sao những con dorado và những con cá biển khác đã có thể có mặt trong hồ.
Loài tảo đó xứng đáng được nghiên cứu nhiều, nhưng chẳng may búi tảo tôi đem theo mình về sau lại bị thất lạc.
Tôi đã hồi sinh, và Richard Parker cũng vậy. No nê thịt chồn biển, nó lại tăng cân, lông bắt đầu bóng mượt, và trông lại khoẻ mạnh như xưa. Nó vẫn giữ nếp quay về xuồng mỗi khi trời tối. Tôi luôn cẩn thận về trước, đánh dấu lãnh thổ của mình bằng nước giải để nó đừng quên ai là ai và cái gì là của ai. Nhưng cứ sáng mờ đất là nó đã rời xuồng và lang thang xa hơn tôi trên đảo. Hòn đảo có vẻ chỗ nào cũng giống nhau, nên tôi thường chỉ ở một chỗ. Tôi rất ít thấy nó ban ngày. Và ngày càng lo. Nó cào cấu thân cây, để lại những vết móng sâu hoắm. Tôi bắt đầu nghe tiếng gầm khàn khàn của nó, tiếng gầm trầm và giàu âm điệu như thể vàng ròng và mật ong, đồng thời buốt lạnh sống lưng như nỗi sợ sâu thẳm của tôi hoặc tiếng vỗ cánh của hàng ngàn con ong đang cuồng nộ. Việc nó động đực không làm tôi lo lắng bằng việc nó có thể cảm thấy tự tin và thoải mái trên đảo đến mức muốn đẻ con và hơn thể nữa, trong tâm lí ấy nó có thể không chịu nổi sự có mặt của một con đực khác trong lãnh thổ của mình, nhất là vào ban đêm, đặc biệt khi những tiếng gọi lứa đôi của nó không có ai trả lời.
Một hôm, tôi đang làm một cuộc tản bộ trong rừng. Tôi bước hăng hái, suy nghĩ miên man, tôi đi qua một cái cây – và gần như đâm sầm vào Richard Parker. Cả hai chúng tôi đều giật mình. Nó phì ra một hơi và chồm lên hai chân sau, ngất ngưởng ngay trên đầu tôi, những bàn chân trước to tướng của nó sẵn sàng vả xuống tôi. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, choáng sợ đến tê liệt. Nó đứng xuống, bốn chân trên đất, rồi chạy đi. Chỉ được ba bốn bước nó đã quay phắt lại và chồm lên lần nữa, gầm gừ trong cổ họng. Tôi vẫn đứng im như tượng. Nó đi thêm ba bốn bước nữa rồi lặp lại động tác doạ nạt lần thứ ba. Khi đã yên trí tôi không có ý định làm hại nó, Richard Parker bỏ đi hẳn. Ngay lúc thở được và đã hết run, tôi ngậm cái còi và đuổi theo nó. Nó đã đi một quãng khá xa nhưng vẫn trong tầm mắt tôi. Tôi chạy thật khoẻ. Nó quay lại, thấy tôi, phủ phục xuống – rồi chạy vụt đi mất. Tôi hết sức thổi vào cái còi, mong nó vang đi thật xa như tiếng một con hổ lẻ loi.
Đêm đó khi nó nằm ngủ chỉ cách tôi sáu mươi phân ở bên dưới, tôi đã đi đến kết luận rằng mình lại phải bước vào sân khấu xiếc một lần nữa.
Khó khăn lớn nhất trong việc dạy thú là chúng chỉ biết làm theo bản năng hoặc thói quen. Không thể hi vọng chúng hiểu được những liên hệ mới bằng trí khôn, nếu những liên hệ đó không có tính bản năng. Vì vậy, việc nhồi một mối liên hệ nhân tạo vào đầu một con thú rằng nếu chúng làm một việc này, ví dụ như lăn một vòng dưới sàn, thì chúng sẽ được thưởng một cái gì đó chẳng hạn, sẽ chỉ đạt được kết quả bằng cách nhắc đi nhắc lại việc đó cho đến khi đầu óc mụ mị hết mà thôi. Đấy là một quá trình chậm chạp phụ thuộc vào may mắn cũng như công sức bỏ ra, và càng như vậy khi con thú đã lớn. Tôi đã thổi còi đến đau cả phổi. Tôi đã đấm ngực đến vếu váo tím bầm nhiều chỗ. Tôi đã hét “Ếp! Ếp! Ếp!” – ngôn ngữ của loài hổ nghĩa là “Làm đi!” – hàng ngàn lần. Tôi đã ném hàng trăm miếng thịt chồn biển cho nó mà lẽ ra tôi phải được ăn. Dạy hổ không phải dễ. Chúng ít linh động hơn so với các con thú khác thường được huấn luyện ở rạp xiếc hoặc vườn thú – sư tử biển hoặc khỉ chẳng hạn. Nhưng tôi không muốn kể công quá nhiều trong những công việc mà tôi đã làm được với Richard Parker. Cái phúc của tôi, cái phúc đã phù hộ cho tôi sống sót, là ở chỗ nó không những là một con thú còn non, mà còn là một con thú dễ uốn nắn, một con thú khiêm tốn. Tôi đang lo lắng điều kiện trên đảo có thể sẽ gây nguy hiểm cho tôi, vì với nhiều thức ăn, nước uống và không gian rộng rãi như vậy, nó sẽ trở nên thư giãn và tự tin, và ảnh hưởng của tôi với nó sẽ kém đi. Nhưng nó vẫn căng thẳng. Tôi đã hiểu nó đến mức có thể cảm thấy điều đó. Ban đêm trên xuồng, nó lục sục và ầm ĩ. Tôi nghĩ môi trường mới lạ trên đảo đã gây nên tâm trạng căng thẳng đó. Với một con thú, bất kì thay đổi nào, dù là tích cực cũng làm nó căng thẳng. Dù lí do gì đi nữa, tâm trạng căng thẳng ấy có nghĩa là nó sẽ tiếp tục sẵn sàng nghe lời, và hơn nữa, nó sẽ có nhu cầu nghe lời.
Tôi dạy nó nhảy qua một cái vòng mà tôi tự làm bằng các cành cây nhỏ. Một thủ tục đơn giản gồm bốn bước.Mỗi cú nhảy được thưởng hẳn một góc của con chồn biển. Khi nó khom người chạy lại, tôi thẳng cánh tay trái giơ cái vòng lên, cao cách mặt đất chừng chín mươi phân. Khi nó đã nhảy qua cái vòng và còn đang chạy tiếp, tôi đổi cái vòng sang tay phải, rồi vẫn quay lưng lại phía nó, tôi ra lệnh cho nó quay lại và nhảy qua vòng nữa. Đến cú nhảy thứ ba thì tôi quỳ xuống đất và giơ cái vòng lên trên đầu mình. Nhìn nó chạy thẳng vào mình lần này thật hãi hùng. Lần nào tôi cũng sợ nó sẽ không nhảy qua cái vòng nữa mà sẽ vồ lấy mình. Nhưng không hiểu sao lần nào nó cũng nhảy. Sau đó, tôi đứng dậy và tung cái vòng sao cho nó lăn như cái bánh xe. Richard Parker có nhiệm vụ chạy theo và chui vào cái vòng một lần cuối trước khi cái vòng đổ. Nó không bao giờ làm thật tốt được động tác này. Lúc thì do tôi tung cái vòng không được khéo. Lúc thì nó chạy đâm sầm vào cái vòng. Nhưng chí ít nó cũng chạy theo cái vòng, tức là chạy xa khỏi tôi. Lần nào nó cũng kinh ngạc nhìn cái vòng đổ kềnh xuống đất. Nó nhìn cái vòng rất chăm chú, như thể đó là một con dã thú chạy cùng với nó và thình lình bị ngã. Nó đứng cạnh hít ngửi cái vòng. Tôi sẽ ném cho nó phần thịt thưởng cuối cùng rồi đi chỗ khác.
Rồi thì tôi rời xuồng. Chẳng có lí do nào phải ngủ đêm chật chội như thế với một con thú ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, trong khi tôi có cả một hòn đảo. Tôi quyết định an toàn nhất là ngủ trên cây. Trong đầu tôi không bao giờ nghĩ Richard Parker sẽ luôn ngủ trên xuồng theo đúng luật định. Tôi chẳng dại gì ra khỏi lãnh địa của mình rồi ngủ trên đất, không có gì tự vệ, để rồi có lần nó sẽ tự nhiên hứng lên đi dạo một vòng ban đêm trên đảo.
Thế là một hôm tôi rời xuồng, mang theo cái lưới, một sợi dây và mấy cái chăn. Tôi tìm được một cái cây to đẹp ở ven rừng rồi quăng sợi dây qua một cái chạc thấp nhất. Tôi đã khoẻ đến mức đu được lên dây và trèo lên cây. Tôi tìm được hai cái cành chắc chắn nằm ngang và ngay cạnh nhau, tôi buộc cái lưới vào chúng. Tối hôm đó tôi quay lại cái cây.
Vừa mới gập xong mấy cái chăn để làm nệm thì tôi nghe tiếng bọn chồn biển lao xao. Tôi nhìn. Tôi rẽ cành lá để thấy rõ hơn. Tôi nhìn ra tứ phía và trông ra mãi đến tận chân trời. Tôi không thể nhìn lầm được. Bọn chồn biển đang chạy khỏi những cái hồ, không những thế, chúng chạy khỏi vùng bình nguyên và lao vào rừng. Toàn bộ dân số chồn biển đang di chuyển, lưng uốn cong và chân thoăn thoắt. Đang không biết những con vật này sẽ còn tiết lộ điều bí ẩn nào khác thì tôi giật mình nhìn thấy rằng bọn chồn biển từ cái hồ gần tôi nhất đang bu kín xung quanh và rào rào trèo lên cái cây của tôi. Thân cây biến mất dưới làn sóng chồn biển đang hăng hái xông lên. Tôi nghĩ chúng sẽ tấn công, và chợt hiểu tại sao Richard Parker đêm nào cũng quay về xuồng: Ban ngày bọn chồn biển hiền lành và vô hại, nhưng đêm đến, chúng kéo nhau thành một khối khổng lồ và có thể nghiền nát kẻ địch. Tôi vừa sợ vừa tức. Sống được lâu đến thế trên xuồng với một con hổ Bengal hàng hơn hai tạ để rồi chết trên cây bởi một lũ chồn biển chỉ nặng có một cân quả là một tấn bi kịch quá bất công và quá nực cười.
Nhưng chúng không hại gì tôi. Chúng trèo lên tôi, khắp xung quanh, và qua tôi. Chúng bu đầy các cành. Cái cây chĩu xuống. Chúng len vào giường tôi, và đâu đâu cũng là cảnh ấy. Chúng trèo lên kín tất cả cây rừng cho đến tận cùng tầm mắt của tôi. Khu rừng chuyển thành màu nâu, một mùa thu xuống trong vài phút. Tiếng động tập thể của chúng khi ào ạt chiếm lĩnh khu rừng còn ầm ĩ hơn cả một đàn voi chạy.
Trong khi đó thì vùng đất bằng trở thành trơ trọi hoàn toàn.
Từ một cái giường tầng chung với một con hổ đến một phòng ngủ chung với bọn chồn biển! Liệu có tin được không nhỉ? Cuộc sống có những đoạn bất ngờ như vậy đấy. Tôi phải chen vai thích cánh với lũ chồn biển mới giành được chỗ nằm. Chúng cứ chúi vào tôi. Không còn một centimet nào bị bỏ trống trên cây.
Chúng ổn định chỗ ngủ rồi không chí choé lao xao nữa. Cây cối im lặng dần. Chúng tôi cùng ngủ thiếp đi.
Tôi thức dậy lúc rạng ngày dưới một lớp chăn lông thú vẫn còn sống. Mấy chú chồn biển con đã phát hiện ra những chỗ ấm áp trên người tôi. Xung quanh cổ tôi là một vòng thật chặt râm rấp mồ hôi. Chắc chính là con chồn biển mẹ đang ngon lành ngủ sát bên đầu tôi. Và một lúc con nữa đang chúi cả vào bẹn tôi.
Chúng bỏ đi nhanh chóng và chẳng có nghi thức gì, hệt như lúc chúng xâm lăng cái cây. Và cây nào cũng thế. Đất bằng lại đầy rẫy chồn biển, và tiếng động ban ngày lại tràn ngập không trung. Cây cối có vẻ trống rỗng hẳn. Và tôi cũng thấy trống rỗng, một chút thôi. Tôi đã thích cảm giác được ngủ bên cạnh chúng rồi.
Từ đó, đêm nào tôi cũng ngủ trên cây. Tôi đem những thứ hữu dụng ở xuồng ra và làm cho mình một cái phòng ngủ trên cây. Tôi quen dần với việc bị những con chồn biển cào xước một cách vô tình khi chúng trèo qua người tôi. Chỉ có một điều đáng phàn nàn, đó là những con ngủ phía trên thỉnh thoảng lại ỉa vào tôi.
Một đêm, bọn chồn biển làm tôi thức giấc. Chúng chí choé và run cầm cập. Tôi ngồi dậy nhìn theo chúng. Trời không mây và trăng tròn. Đất không còn màu gì. Tất cả lung linh kì lạ trong những đậm nhạt khác nhau của đen, xám và trắng. Cái hồ là thủ phạm.
Những hình trắng bạc đang di chuyển trên hồ, nổi lên từ dưới đáy và đập vỡ mặt nước đen ngòm.
Cá. Những con cá chết. Chúng nổi lên từ dưới sâu. Cái hồ – ta nhớ là nó rộng chứng mười hai mét đường kính – bị bao phủ dần bởi xác cá đủ loại cho đến khi mặt hồ không còn màu đen nữa mà óng ánh như bạc. Và cứ nhìn mặt hồ tiếp tục động cựa như thế thì biết rằng cá chết vẫn tiếp tục nổi lên.
Đến lúc xác một con cá mập nổi phềnh lên thì bọn chồn biển như phát rồ, tiếng kêu thất thanh của chúng nghe như tiếng của các loài chim nhiệt đới. Cơn rồi dại đó lan sang các cây xung quanh. Thật điếc tai. Tôi tưởng sắp được xem cảnh chúng lôi cá chết lên cây.
Nhưng không một con chồn biển nào rời khỏi cây để xuống hồ. Thậm chí không con nào rục rịch định trèo xuống. Chúng chỉ to mồm kêu la như vậy mà thôi.
Cảnh ấy có cái gì rất khó hiểu. Những con cá chết kia có cái gì đó làm cho ta cảm thấy bất ổn.
Tôi nằm xuống và cố ngủ lại trong tiếng ầm ĩ của bọn chồn biển. Vừa sáng ra tôi đã giật mình tỉnh dậy vì tiếng ầm ĩ khi chúng ào ạt kéo nhau đi. Vừa ngáp vừa vươn vai, tôi nhìn ngay xuống hồ, nguyên nhân của mọi chuyện náo loạn hôm qua.
Những con cá đã biến mất. Tôi ngạc nhiên quá. Hay là tôi nhìn nhầm cái hồ khác? Không phải, rõ ràng là cái hồ này. Chắc chắn không phải bọn chồn biển đã dọn sạch chỗ xác cá kia. Nhất là con cá mập. Chúng không thể có sức kéo con cá mập ấy lên bờ, chứ đừng nói gì đến chuyện cõng nó đi đâu. Hay là Richard Parker. Cũng có thể một phần. Nhưng không thể cả một cái hồ đầy nhóc như vậy trong một đêm!
Một bí ẩn hoàn toàn. Có nhìn mãi xuống hồ và mép nước sâu xanh thăm thẳm của nó đến bao lâu, tôi cũng không tìm thấy gì có thể giải thích được chuyện đã xảy ra với những con cá kia. Đêm hôm sau, tôi nhìn mãi, nhưng chẳng có con cá nào lọt vào hồ.
Điều bí ẩn ấy ít lâu sau tôi mới giải thích được, từ trong rừng sâu.
Cây cối to hơn ở giữa rừng, và mọc sít nhau hơn. Dưới gốc chúng quang quẻ hoàn toàn, không có một thứ bụi rậm nào, nhưng trên ngọn cây thì các tán lá của chúng dày đặc đến mức che hết cả trời, hoặc nói cách khác, chỉ còn một màn trời xanh lá cây đặc sịt. Cây mọc sát vào nhau đến mức cành lá chúng đan lẫn vào nhau, xoắn xuýt vào nhau, không còn ranh giới. Tôi để ý đến các thân cây đều nhẵn nhụi và sạch sẽ, không có một dấu vết bị cào xước nào. Tôi đoán ngay rằng bọn chồn biển kia toàn chạy trên các ngọn cây rậm rạp kia và không phải trèo lên đó từ dưới gốc. Bằng chứng tôi tìm được là những vết chân chồn biển cào nát thân cây khác mọc ở quanh khu vực giữa rừng. Rõ ràng đó là cổng ngõ để bọn chồn biển chào lên cái thành phố trên ngọn cây với những chen chúc còn hơn cả ở Calcutta.
Cũng chính tại đó tôi tìm thấy được cái cây. Nó không phải là cái cây to nhất rừng, hoặc mọc chính giữa rùng, hoặc có một cái gì đặc biệt khác. Nó chỉ có những cành to khoẻ phần nhiều mọc ngang thành những tán bằng phẳng. Chỉ có vậy. Nó là một chỗ tuyệt vời để nhìn trời hoặc quan sát cuộc sống ban đêm của bọn chồn biển.
Tôi có thể nói chính xác ngày nào tôi đã tìm ra cái cây ấy: một ngày trước khi tôi rời bỏ hòn đảo.
Tôi đã chú ý đến cái cây vì nó có vẻ có quả. Trong lúc tất cả tán rừng đều xanh mướt như nhau, những quả của cái cây này nổi bật lên, màu đen trên nền xanh của lá. Những cành có quả vặn vẹo một cách khác thường. Tôi nhìn chăm chú. Cả hòn đảo toàn những cây vô sinh, thế mà lại có một cây có quả. Mà cũng chỉ ra quả ở một chỗ nhỏ hẹp trên cây. Tôi tưởng mình đã gặp một cái cây có vai trò như một con ong chúa của khu rừng, và tự hỏi không biết loài tảo này còn có những điều kì lạ nào khác nữa.
Tôi muốn nếm thử quả. Do vậy tôi trở lại với một sợi dây. Tảo ăn ngon, không biết quả có mùi vị thế nào?
Tôi treo sợi dây xung quanh cành thấp nhất của cây, từng cành một, từng nhánh một đưa tôi đến với vườn quả nhỏ và quý giá đó.
Đến gần thì quả có màu xanh lá cây xỉn. Chúng to và có hình dáng như cam. Quả nào cũng nằm giữa một số cánh lá xoắn xuýt và cuộn tròn xung quanh, chắc là để bảo vệ nó. Đến gần hơn, tôi nhận ra một lí do nữa: chính những cành lá xoắn xuýt ấy nâng lấy quả. Mỗi quả có không phải chỉ một mà là rất nhiều cuống. Bề mặt quả chi chít những cuống nối nó vào các cành xung quanh. Quả này chắc hẳn rất nặng và nhiều nước đây, tôi nghĩ, và tôi trèo lên gần nữa.
Tôi với tay cầm một quả, và thất vọng thấy nó nhẹ bỗng. Hầu như không có tí trọng lượng nào. Tôi kéo tay bứt nó ra khỏi các cuống.
Tôi ngồi lại cho thoải mái trên một cành chắc chắn, dựa lưng vào thân cây. Trên đầu tôi là một mái lá xanh xao để lọt qua những tia nắng thẳng tắp. Khắp xung quanh, đến tận tít tắp, là những con đường xoắn xuýt của một thành phố treo lơ lửng trong không trung. Một làn gió nhẹ luồn qua các ngọn cây. Tôi tò mò lắm, và bắt đầu xem kĩ cái quả trong tay.
Chao ôi, ước gì giây phút ấy không bao giờ đến với tôi! Nếu không có nó thì có lẽ tôi đã sống hàng nhiều năm nữa – có khi còn đến hết cả đời – trên hòn đảo ấy. Không có gì, tôi nghĩ, có thể đẩy tôi về xuồng và trở lại những gian truân nhục nhã mà tôi đã từng phải chịu đựng trên đó – không có gì! Tôi có lí do gì để rời bỏ đảo? Các nhu cầu vật chất của tôi chẳng phải đã được đáp ứng chu toàn ở đây sao? Chẳng phải tôi đang có thể uống nước thả cửa cho đến hết đời sao? Có thừa thãi tảo ăn đấy sao? Nếu hòn đảo nổi thật và di chuyển thật, biết đâu nó chẳng trôi theo đúng hướng tôi mong ước? Biết đâu nó chẳng là con tàu cây cỏ đưa tôi vào đến đất liền? Trong khi ấy, chẳng phải tôi đã có bọn chồn biển làm bạn đó sao? Rồi chẳng phải Richard Parker vẫn còn cần phải cải thiện cú nhảy thứ tư ấy của nó hay sao? Từ hôm lên đảo, chưa bao giờ tôi thoáng nghĩ đến chuyện phải rời nó mà đi. Đã nhiều tuần lễ trôi qua – tôi không thể nói chắc bao nhiêu tuần – và sẽ còn kéo dài mãi mãi. Tôi biết chắc như vậy.
Tôi đã nhầm to.
Nếu quả đó có hạt thì đó là cái hạt ra đi của tôi.
Cái quả ấy không phải là quả. Nó là một túm là cây dày đặc gắn với nhau thành hình một quả bóng. Mỗi cái cuống ấy là một cái cuống lá. Bứt một cái cuống là tôi lôi ra một cái lá.
Sau mọt vài lớp thì vào đến những cái lá đã mất cuống và được dán sát vào trái bóng. Tôi dùng móng tay gậy rồi bóc chúng ra. Từng lớp lá bong ra, như vỏ hành. Đáng lẽ tôi chỉ việc xé toạc cái vỏ đó ra – tôi vẫn gọi là quả bởi chẳng có từ gì khác hay hơn – nhưng tôi muốn thoả mãn tính tò mò của mình theo từng liều nhỏ.
Nó nhỏ dần. Từ quả cam thành quả quýt. Những vỏ lá mỏng rơi đầy quanh tôi.
Bây giờ thì nó chỉ còn bằng một quả bồ quân.
Tôi vẫn còn lạnh xương sống khi nghĩ đến nó.
Chỉ còn bằng một quả anh đào.
Rồi nó hiện nguyên hình, một viên ngọc trai trong lòng một con sò xanh lá cây.
Một cái răng người.
Nói chính xác nó là một cái răng hàm trong. Lớp men răng đã sạm xanh và thủng lỗ chỗ.
Cảm giác kinh hoàng đến một cách từ từ. Tôi vẫn có thời gian hái một quả khác.
Quả nào cũng chứa một cái răng.
Một cái răng nanh.
Quả nữa có một cái hàm ngoài.
Đây thì là một cái răng cửa.
Rồi một cái hàm răng nữa.
Ba mươi hai cái răng. Đủ một bộ răng người. Không thiếu cái nào.
Tôi chợt hiểu ra.
Tôi không thét lên. Tôi nghĩ chỉ có trong phim rừng rợn thì sợ hãi mới to mồm mà thôi.
Tôi chỉ rùng mình và rời bỏ cái cây ấy.
Cả ngày hôm ấy, đầu óc tôi quay cuồng, suy tính hết các phương án lựa chọn. Cái nào
cũng tồi tệ cả.
Đên đó, nằm ở cái giường trên cây quen thuộc, tôi thử lại kết luận của mình xem có đúng không. Tôi tóm một con chồn biển và thả cho nó rơi xuống đất.
Nó kêu choe choé trong khi rơi xuống. Và vừa mới thịch xuống đấy nó đã lập tức trèo ngay lên cây.
Với điệu bộ ngây thơ điển hình, nó lại leo về chỗ bên cạnh tôi, rồi bắt đầu cuống quýt liếm các bàn chân. Có vẻ rất khó chịu, nó nặng nề thở dốc.
Đáng lẽ thế là đủ. Nhưng tôi muốn tự mình thử nghiệm. Tôi trèo xuống và nắm chắc một đầu dây. Tôi đã buộc nút từng đoạn để trèo cho dễ. Khi đã xuống đến gốc cây, tôi thò một cây xuống đất, bàn chân cách mặt đất chừng vài phân. Tôi do dự.
Rồi tôi đặt chân xuống đất.
Đầu tiên chẳng cảm thấy gì. Nhưng rồi thình lình tôi thấy đau nhói dữ dội xuyên lên từ dưới lòng bàn chân. Tôi rú lên, tưởng mình sẽ ngã lộn cổ. Nhưng tôi vẫn bám được vào sợi dây và kéo được mình lên khỏi mặt đất. Tôi cuống cuồng đạp lòng bàn chân và cọ xát chúng vào thân cây. Nó có đỡ nhưng không ăn thua. Tôi leo trở lại chỗ mình. Tôi nhúng chân vào xô nước để cạnh giường. Tôi lau chân bằng lá cây. Tôi lấy dao giết hai con chồn biển và thử làm dịu cơn đau bằng máu cùng lòng ruột của chúng. Nhưng hai bàn chân tôi vẫn cháy bỏng. Chúng đau rát suốt đêm đó. Tôi không thể ngủ nổi, vừa đau vừa sợ.
Đó là một hòn đảo ăn thịt. Chính vì thế mà những con cá chết biển mất trong hồ. Hòn đảo nhử các con cá biển vào các đường hầm ngầm của nó, bằng cách nào tôi không biết. Có thể là cá cũng thích ăn tảo như tôi. Và chúng mắc vào bẫy. Vì lạc đường chăng? Vì các lối thông với biển bị đóng lại chăng? Hay là độ mặn của nước thay đổi từ từ đến mức khi chúng biết mình đang bơi trong nước ngọt thì đã quá muộn rồi? Gì đi nữa, những con cá ấy đã mắc trong nước ngọt và chết. Một số dềnh lên mặt hồ. Những con cá nhỏ sẽ bị chồn biển ăn. Trong đêm, một quá trình hoá học nào đó sẽ diễn ra – nó không diễn ra dưới ánh sáng mặt trời – và loài tảo săn mồi ấy tiết ra một loại axít đậm đặc, khiến cho những hồ thành những hố axít làm tiêu hết xác cá. Đó chính là lí do Richard Parker trở về xuồng hàng tối. Đó chính là lí do bọn chồn ngủ trên cây. Đó chính là lí do tôi không thấy loài gì khác trên đảo ngoài tảo.
Chuyện đó cũng giải thích được những cái răng người ở đâu mà ra. Trước tôi, đã có một kẻ khốn khổ nào đó dạt vào đảo, không biết anh ta – hay chị ta? – đã ở trên đảo bao lâu? Nhiều tuần? Nhiều tháng? Nhiều năm? Có bao nhiêu giờ phút cô đơn trên thành phố ngọn cây, chỉ có chồn biển là bạn? Bao nhiêu giấc mơ về một cuộc sống hạnh phúc đã tan vỡ? Bao nhiêu hi vọng đã tiêu tan? Bao nhiêu cuộc trò chuyện chưa nên lời đã im lặng? Bao nhiêu đơn côi đã phải chịu đựng? Bao nhiêu thất vọng đã phải chấp nhận? Và sau tất cả những cái đó là gì? Có cái gì còn lại.
Chẳng có gì cả, ngoài một chút men răng, như một đồng xu lẻ trong túi. Người ấy chắc hẳn đã chết trên cây. Vì ốm chăng? Vì bị thương chăng? Buồn nản quá chăng? Cần có
bao lâu để một linh hồn tan nát giết chết một cơ thể có đầy đủ đồ ăn, thức uống và một chốn nương thân? Những cái cây cũng ăn thịt, nhưng ở một mức độ axít thấp hơn, vẫn an toàn qua đêm trong khi cả hòn đảo sôi lên sùng sục. Nhưng khi người ấy đã chết và chỉ còn là một cái xác bất động, cái cây đã từ từ bọc lấy cái xác ấy và tiêu hoá nó. Xương cốt bị bòn rút hết các chất dinh dưỡng cho tới khi chúng tan biến đi. Với thời gian, thì rồi tất cả những cái răng ấy cũng sẽ tan biến đi.
Tôi nhìn khắp xung quanh. Một nỗi đắng cay dâng lên trong lòng. Những hứa hẹn tưng bừng của nó lúc ban ngày biến mất, trong lòng tôi chỉ còn lại sự phản trắc của nó vào ban đêm.
Tôi thầm thì, “Chỉ còn lại răng! Những cái răng!”
Đến khi rạng sáng thì tôi đã quyết định xong. Tôi thà ra đi và mất mạng trong cuộc sống đồng loại còn hơn sống nửa đời nửa đoạn trong cuộc sống đầy đủ vật chất và chết chóc tinh thần trên hòn đảo giết người này. Tôi đổ đầy các bình nước dự trữ và uống như một con lạc đà. Tôi ăn tảo suốt cả ngày cho đến khi bụng không còn chứa được nữa. Tôi giết và lột da chồn biển cho đến lúc chất đầy tủ và đầy sàn xuồng. Tôi thu hoạch cá trên hồ. Với cái rìu, tôi chặt lấy một khối tảo lớn và luồn dây qua nó buộc vào xuồng.
Tôi không thể bỏ Richard Parker. Bỏ nó lại tức là giết chết nó. Nó sẽ không qua được ngay đêm đầu tiên. Còn một mình trên xuồng lúc mặt trời lặn, tôi sẽ biết rằng nó đang bị thiêu chết bằng axít. Hoặc giả sẽ phải nhảy xuống biển và rồi chết đuối. Tôi đợi nó về. Tôi biết nó sẽ không về muộn.
Khi nó đã ở trên xuồng, tôi đẩy xuồng ra khỏi đảo. Trong vài tiếng đồng hồ, nước ròng giữ chúng tôi quanh quẩn đảo. Tiếng động của biển khơi khiến tôi khó chịu. Tôi đã hết quen với những lắc lư của xuồng. Đêm đó qua đi chậm chạp.
Đến sáng thì không thấy hòn đảo nữa, và cả khối tảo tôi đã buộc vào ở sau xuồng. Khi đêm xuống, những sợi tảo đã ăn đứt sợi dây bằng chất axít của nó.
Trời lặng, biển xám.
Tôi đã nằm nghiêng một bên. Lúc đó khoảng một hai giờ trưa gì đó vào một ngày im ắng, nắng và gió nhẹ. Tôi vừa ngủ một giấc ngắn, một giấc ngủ lãng toẹt chẳng yên mà cũng chẳng có mộng mị gì. Tôi xoay người đổi bên, gắng làm nhẹ nhàng để khỏi mất sức. Tôi mở mắt.
Tôi nhìn thấy cây cối ở gần. Tôi không phản ứng gì, tin chắc đó chỉ là ảo giác và chỉ vài cái chớp mắt nó sẽ tan đi.
Những cái cây vẫn còn đó. Và thực tế là chúng đã mọc lên thành cả một khu rừng. Chúng là một phần của một hòn đảo thấp trên mặt biển. Tôi nhỏm dậy, tiếp tục không tin vào mắt mình. Nhưng thật phấn khích khi có một ảo giác chất lượng như thế, những cái cây thật đẹp. Không giống bất kì thứ cây nào tôi đã từng thấy. Chúng có một thứ vỏ nhạt màu, những nhánh xoè đều đặn và cành lá thật xum xuê. Lá của chúng xanh biếc đến loá mắt, một màu xanh rực rỡ như ngọc đến nỗi cây cỏ nhiệt đới vào mùa ở bên cạnh chúng cũng chỉ thành màu ô lưu xỉn mà thôi.
Tôi nhìn xuống. Và vừa thoả mãn vừa bất mãn với những gì tôi thấy. Hòn đảo không có đất. Mà đám cây cũng không mọc trên mặt nước. Chúng mọc trên cái gì đó có vẻ như là một khối tảo mộc dày đặc, cũng xanh biếc như cành lá của chúng. Ai đã từng nghe chuyện đảo không có đất? Với cây cối mọc trên thảo mộc thuần túy? Tôi thấy thoả mãn vì hiện tượng địa lí ấy đã khẳng định tôi đúng, rằng hòn đảo chỉ là một huyễn hoặc, một trò đùa của trí khôn. Cũng chính hiện tượng đó làm tôi bất mãn bởi một hòn đảo, bất kì hòn đảo nào, dù lạ đến đâu, đáng nhẽ cũng phải cho người ta bước lên mới phải.
Vì đám cây vẫn sừng sững ở đó, nên tôi vẫn tiếp tục nhìn. Màu xanh của lá cây, toàn những xanh da trời và nước biển, giống như một thứ âm nhạc trong mắt tôi. Xanh lá cây là một màu đáng yêu. Đó là màu của đạo Hồi. Đó là màu tôi ưa thích nhất.
Nước ròng nhẹ nhàng đẩy chiếc xuồng vào gần ảo ảnh của tôi hơn. Bờ đảo không thể gọi là bờ được. Không cát, không sỏi, không có sóng vỗ dào dạt, vì những con sóng lan vào đó cứ thế tan biến đi trong cái xôm xốp của hòn đảo. Từ một đỉnh gò trong đảo cách mép nước chừng ba trăm thước, hòn đảo thoải dần xuống biển, và chừng bốn mươi thước dưới mặt nước,nó đột ngột hẫng xuống và biến mất vào những tầng sâu của Thái Bình Dương, chắc chắn là một thềm lục địa nhỏ nhất được con người biết đến.
Tôi đã đang quen dần với ảo giác. Để chúng khỏi biến đi, tôi tránh không làm cái gì căng thẳng. Khi chiếc xuồng chạm phải hòn đảo, tôi ngồi im không cử động, chỉ tiếp tục mơ. Chất tạo nên hòn đảo này có vẻ là một khối rong biển hình ống đan dệt chằng chịt rất chặt với nhau. Những cây rong chỉ to không quá hai ngón tay. Thật là kì diệu.
Mấy phút trôi qua, tôi bò lên mép xuồng. Cuốn cẩm nang đã viết: “Hãy tìm kiếm cây xanh”. Phải rồi, cây xanh đây chứ đâu. Quả thực, đó là một thiên đàng xanh biếc. Một thứ xanh lá cây chói lọi hơn cả các loại phẩm nhuộm thức ăn và đèn nêon. Một thứ xanh lá cây khiến người ta phát say lên được. Cẩm nang cũng viết: “Chỉ có đặt chân lên được rồi mới chắc rằng ta đã lên đất liền.” Phải làm theo mới được. Hòn đảo gần có thể đặt chân lên được rồi. Muốn biết chắc – để rồi thất vọng – hay không cần biết chắc, đó là vấn đề.
Tôi quyết định cần phải biết chắc. Tôi nhìn quanh xem có cá mập không. Không có. Tôi quay người nằm sấp, rồi bám chắc lấy tấm bạt, rồi từ từ thò một chân xuống. Bàn chân tôi thò xuống nước biển. Mát lạnh. Hòn đảo nằm sâu hơn chút nữa, sáng long lanh dưới nước. Tôi duỗi người. Tôi chờ đợi cái bong bóng ảo giác của mình sẽ vỡ tan bất kì lúc nào.
Nó không vỡ. Bàn chân tôi ngập xuống nước trong vắt và bị cản lại bởi cái gì đó vừa mềm dẻo vừa chắc chắn. Tôi đè người xuống tí nữa. Ảo giác vẫn không biến đi. Tôi đứng hẳn lên một cái chân đó. Mà vẫn không chìm. Mà tôi vẫn không tin.
Cuối cùng, tôi biết chắc mình đã ở trên đảo lại nhờ vào thính giác. Nó xộc vào mũi tôi, tràn đầy và tươi mát, choáng ngợp: mùi cây cỏ. Tôi há hốc mồm. Sau hàng tháng trời chỉ ngửi mùi của những thứ đã bị nước biển tẩy đến thếch thác, cái mùi cây cỏ hữu cơ nồng nàn làm tôi say ngất. Đó là lúc tôi tin mình đang đứng trên đảo, và thứ duy nhất bị chìm nghỉm là trí khôn của chính tôi; tôi không còn nghĩ ngợi mạch lạc được nữa. Chân tôi bắt đầu run lên.
“Lạy chúa! Lạy chúa!” Tôi rền rĩ.
Tôi ngã ra khỏi xuống.
Cú choáng kết hợp bởi đất rắn chắc dưới chân và nước biển mát lạnh đã cho tôi đủ sức đứng lên và bước vào trong hòn đảo. tôi líu lo những lời cảm tạ Thượng đế không đầu không đuôi và ngã vật xuống.
Nhưng tôi không thể nằm im. Lòng tôi quá hưng phấn. Tôi muốn đứng dậy. máu như chạy ào ra khỏi đầu tôi. Mặt đất lắc mạnh. Tôi quáng mắt đến chóng mặt. Tôi tưởng mình sắp ngất. Tôi trấn tĩnh lại. Chỉ còn đủ sức thở dốc. Thế mà tôi vẫn ngồi dậy được.
“Richard Parker! Đất liền! đất liền! đất liền! chúng ta sống rồi!” Tôi hét to.
Mùi cây cỏ nồng nặc khác thường. còn màu xanh, nó tươi mát và mượt mà đến mức mà sức khoẻ và cảm giác thư giãn như đang thực sự tràn vào cơ thể tôi qua hai con mắt.
Thứ rong biển tròn lạ lùng và đan nhau chằng chịt này là loại gì vậy? Nó có ăn được không? Nó có vẻ là một loại tảo biển, nhưng rất chắc, cứng hơn nhiều loại tảo thông thường. cảm giác về nó khi ở trên tay vừa ướt vừa có vẻ giòn giòn. Tôi kéo thử. Những sợi rong đó đứt ra không mấy khó khăn. Nhìn đoạn rong đứt rời, thấy nó cấu tạo bằng hai lớp vỏ tròn đồng tâm: lớp ngoài ướt và hơi nham nhám, xanh rực, còn lớp trong lơ lửng ở quãng giữa lớp ngoài và lõi. Cái ống trong màu trắng. cái ống ngoài có màu xanh lá cây giảm dần từ ngoài vào trong. Tôi đưa một sợi lên mũi. Ngoài hương vị thảo mộc, nó còn có một mùi trung tính. Tôi liếm. Tim tôi rộn lên. Sợi tảo sũng toàn nước ngọt.
Tôi ngoạm lấy nó. Răng miệng tôi phát choáng. Cái lõi mặn chát, nhưng lớp ống bên ngoài thì không những ăn được, mà còn ngon tuyệt trần. lưỡi tôi bắt đầu rung lên như thể nó là một ngón tay đang giở từng trang cuốn từ điển để tìm một từ đã bị quên lãng từ lâu. Nó đây rồi. Tôi nhắm nghiền mắt và khoái trá nghe thấy từ đó: ngọt ngào. Không phải theo nghĩa ngon lành mà thôi, mà còn theo nghĩa có chất đường thực sự. Rùa với cá là nhiều thứ, nhưng chúng không bao giờ có đường. Sợi tảo có một vị nhè nhẹ còn khoan khoái hơn cả vị siro làm từ nhựa cây thích ở Canada. Cái gần nhất tôi có thể so sánh với nó là vị ngọt của hạt dẻ nước.
Nước ngọt ứa ra ào ạt qua lần khô quánh trong miệng tôi. Khoan khoái quơ tay ầm ĩ, tôi dứt những bó tảo xung quanh mình. Lần lõi và lần vỏ của chúng tách ra được dễ dàng. Tôi bắt đầu tọng những đoạn vỏ ngoài vào mồm. Tôi tọng bằng cả hai tay, nhồi nhét và bắt cái miệng làm việc khoẻ và nhanh hơn rất nhiều so với suốt một thời gian dài. Tôi dứt tảo ăn cho đến lúc xung quanh tôi chỉ còn là một cái hào nước.
Một cái cây đứng đơn độc cách tôi chừng sáu mươi thước. nó là cái cây duy nhất mọc bên dưới rặng đồi trông có vẻ còn rất xa. Tôi nói là rặng đồi hoặc gò. Chứ đó có thể gây nhiều hiểu nhầm về độ dốc của đảo. Tôi đã nói rằng đây là hòn đảo thấp trên biển. Nó dốc thoai thoải từ biển lên, cho đến chỗ cao nhất khoảng mười lăm hai mươi thước gì đó. Nhưng trong tình trạng của tôi lúc bấy giờ, độ cao sừng sững như một quả núi. Cái cây kia như có vẻ mời chào tôi, tôi để ý đến khoảng bóng râm của nó. Tôi lại cố đứng dậy. Tôi loay hoay vào được một tư thế ngồi xổm, nhưng khi định đứng lên, đầu tôi quay cuồng và tôi không thể giữ được thăng bằng. Ngay cả nếu không ngã, thì hai chân tôi cũng chẳng còn tí sức lực nào. Nhưng tôi quyết chí phải tiến tới. Tôi bò, lê lết, lổm ngổm về phía cái cây.
Tôi biết mình sẽ không bao giờ biết được một niềm vui nào lớn lao hơn lúc tôi đã bò vào được chỗ bóng mát râm của cái cây và nghe thấy âm thanh khô giòn của gió trong đám lá xào xạc trên đầu. Cái cây không to và cao như những cái cây khác sâu hơn trong đảo, và có thể do phải chịu nhiều mưa gió hơn vì mọc ở phía bên này của rặng đồi, nó hơi tả tơi một chút và cành lá không được tròn trịa đầy đặn như chúng bạn. Nhưng nó là một cái cây và một cái cây là cái gì đó đầy ân điển để cho ta nhìn ngắm sau một thời gian dài lạc lõng cô đơn trên biển cả. tôi hát lời ngợi ca sự vinh hiển của cái cây, ngợi ca sự chắc chắn của nó, sự tinh khiết không vội vàng và vẻ đẹp từ tốn của nó. Chao ôi, giá mà tôi được như nó, bắt rễ xuống đất nhưng tất cả tay tôi lại dâng lên để ngợi ca Thượng đế! Tôi khóc.
Trong lúc lòng tôi vui mừng ngợi ca đức Allah, tâm trí tôi bắt đầu thu thập thông tin về những việc làm của Người. Cái cây đúng là mọc lên trực tiếp từ đám tảo, như tôi đã nhìn thấy thế từ lúc còn trên xuồng. Không có một dấu vết gì của đất. Hoặc giả có đất ở rất sâu bên dưới, nếu không thì loài cây này là một ví dụ kí sinh khác thường. Thân nó to ngang với thân người. vỏ có màu xanh lá cây xám, mỏng và mướt, mềm đến mức có thể lấy móng tay vạch vào nó dễ dàng. Những cái lá hình tim to và rộng bản, có một đầu nhọn. Ngọn cây có dạng tròn đều đáng yêu của một cây xoài, nhưng nó không phải xoài. Tôi nghĩ nó có mùi giống như sen, nhưng không phải sen. Cũng không phải chàm. Không phải bất kì một cây gì mà tôi đã thấy từ trước. Chỉ biết nó thật đẹp, thật xanh, thật xum xuê.
Nghe tiếng gầm gừ, tôi quay lại. Richard Parker đang quan sát tôi từ trên xuồng. Nó cũng đang nhìn hòn đảo. có vẻ như nó muốn lên bờ nhưng còn sợ. cuối cùng, sau nhiều gầm gừ và đi đi lại lại, nó nhảy khỏi xuồng. Tôi đưa cái còi lên miệng nhưng nó không hề có ý định tấn công. Chỉ giữ thăng bằng thôi cũng đã khó rồi; nó loạng choạng chẳng khác gì tôi. Nó bò sát người xuống đất, tứ chi run rẩy, như một con hổ mới đẻ. Tránh tôi một quãng xa, nó đi lên gò và biến mất vào phía kia của hòn đảo.
Suốt cả ngày hôm đó tôi chỉ ăn, nghỉ, cố đứng dậy, và nói chung là tắm mình trong vui sướng. Tôi thấy buồn nôn mỗi khi cố sức nhiều quá. Và tôi vẫn cảm thấy mặt đất đang chuyển dịch dưới chân và như sắp ngã, ngay khi đứng im tại chỗ.
Đến cuối buổi chiều, tôi bắt đầu lo đến Richard Parker. Hoàn cảnh đã thay đổi, lãnh thổ đã thay đổi, không biết nó sẽ xử với tôi ra sao khi gặp lại.
Miễn cưỡng, và hoàn toàn là vì an toàn, tôi bò trở lại xuồng. Cho dù Richard Parker có chiếm lĩnh cả hòn đảo, thì phần mũi và mui xuồng vẫn là lãnh thổ của tôi. Tôi tìm cái gì có thể dùng để neo xuồng lại. Rõ ràng chỉ có đám tảo dày ở đảo, không có gì khác. Cuối cùng, tôi giải quyết việc neo xuồng bằng cách cắm sâu cán một cái trèo vào đám tảo rồi buộc dây xuồng vào cái chèo.
Tôi bò lên mui bạt. Kiệt sức. Cơ thể tôi rã rời vì phải tiếp nhận quá nhiều đồ ăn và vì căng thẳng thần kinh do đột ngột thay đổi hoàn cảnh. Đến cuối ngày, tôi lơ mơ nghe thấy tiếng Richard Parker gầm lên xa xa, rồi ngủ thiếp đi.
Tôi thức dậy trong đêm với một cảm giác khó chịu là lạ ở bụng dưới. Tôi nghĩ đó là chuột rút, hoặc giả đã bị ngộ độc tảo. Tôi nghe tiếng động và nhìn ra. Richard Parker đã ở trên xuồng. Nó đã về trong lúc tôi đang ngủ. Nó đang meo meo và liếm láp các bàn chân. Tôi không hiểu sao nó lại quay về, nhung cũng không nghĩ thêm về chuyện đó, cơn co thắt bụng bắt đầu khó chịu hẳn lên. Tôi đau quặn, gập người, run lẩy bẩy, rồi một quá trình tự nhiên nhưng đã bị quên lãng từ lâu, đột ngột và tự động diễn ra: Tôi phóng uế. Rất đau đớn. nhưng sau đó tôi chìm vào một giấc ngủ sâu và sảng khoái chưa từng có kể từ cái đêm trước khi tàu đắm.
Khi tỉnh dậy buổi sáng hôm sau, tôi thấy khoẻ hơn nhiều. Tôi hăng hái bò đến cái cây đơn độc. Mắt tôi lại một lần nữa ngấu nghiến nó, còn bụng thì ngấu nghiến các sợi tảo. Tôi chén một bữa điểm tâm no nê đến mức đào hẳn một lỗ tướng.
Một lần nữa, Richard Parker chần chừ hàng mấy tiếng đồng hồ trước khi nhảy ra khỏi xuồng. Đến lúc nó nhảy ra đã gần hết buổi sáng, thì vừa mới vào đến bờ nó lại nhảy trở lại, gần như ngã hẳn xuống nước và có vẻ rất căng thẳng. Nó thở phì phì và giương vuốt cáo lên không. Lạ thật. Tôi không thể hiểu nó đang làm thế vì lí do gì. Rồi tình trạng bồn chồn ấy cũng qua đi, có vẻ tự tin hơn hôm trước, nó lại biến mất qua bên kia rặng đồi.
Hôm ấy, dựa vào cái cây, tôi đã đứng được lên. Tôi chóng mặt. Cách duy nhất làm cho mặt đất dưới chân tôi không chuyển động nữa là nhắm tịt hai mắt và bám chặt vào cái cây. Tôi chống tay đẩy người ra và thử bước đi, nhưng lập tức ngã xuống. Chưa nhấc được chân thì mặt đất đã như nhào vào tôi. Nhưng không sao. Hòn đảo được bao phủ bởi một tầng dày đặc cành rong đan dệt với nhau là một chỗ lí tưởng để tập đi. Ngã kiểu gì cũng không đau.
Ngày tiếp theo, sau một đêm ngủ yên trên xuồng – Richard Parker cũng quay về xuồng đêm đó – tôi đã có thể bước được. Ngã lên ngã xuống hàng chục lần, tôi vẫn bước tới được chỗ cái cây. Tôi cảm thấy sức lực mình tăng lên hàng giờ. Dùng cái lao móc, tôi khều xuống một cành cây và bứt một ít lá. Chúng mềm và không có sáp, nhưng có vị đắng, Richard Parker vẫn ở tịt trong ổ của nó trên xuồng – nó đã quen chỗ và vì thế vẫn trở về xuồng hằng đêm.
Tối hôm đó, khi mặt trời đang lặn thì tôi thấy nó quay về. Tôi đã buộc xuồng vào cọc chèo, và đang ở mũi xuồng, kiểm tra mối nối đó. Nó thình lình xuất hiện. Lúc đầu tôi không nhận ra. Con thú hoành tráng đang vọt ra từ rặng đồi và chạy hết tốc lực kia không thể là con hổ tơi tả và ù lì vẫn tháp tùng tôi trong suốt thời gian qua. Nhưng đúng là nó. Đúng là Richard Parker và nó đang lao về phía tôi. Trông nó đầy chủ ý. Cái cổ hùng mạnh của nó vươn lên, đầu chúi xuống. Những bắp thịt và cả bộ da của nó rung lên với mỗi bước chân. Nghe rõ tiếng tấm thân nặng trịch của nó chạy như gõ trống trên mặt đất.
Tôi đã đọc thấy có hai nỗi sợ mà ta không thể khắc phục được: Cái sợ đến thót người khi thình lình nghe thấy tiếng động lạ, là cái sợ của cảm giác chóng mặt lúc mọi thứ quay cuồng xung quanh. Tôi muốn thêm vào một nỗi sợ thứ ba: Phải đột ngột đối mặt với một kẻ sát nhân quen biết.
Tôi lục lọi cuống cuồng tìm cái còi. Khi nó chỉ còn cách xuồng khoảng chục thước, tôi lấy hết sức bình sinh thổi vào cái còi. Một âm thanh ré lên xuyên thủng không gian.
Nó đã có tác dụng như ý. Richard Parker khựng lại. Nhưng rõ ràng nó vẫn muốn tiếp tục tiến tới. Tôi thổi lần thứ hai. Nó bắt đầu quay cuồng và nhấp nhổm tại chỗ trong một điệu bộ rất giống một con hươu, gầm gào dữ dội. Tôi thổi hồi còi thứ ba, lông trên người nó dựng đứng cả lên. Móng vuốt nó giương ra hết cỡ. Nó đang hết sức kích động. Tôi đã sợ rằng bức tường phòng thủ của những tiếng còi sẽ sắp sụp đổ và nó sẽ tấn công tôi.
Nhưng Richard Parker lại làm một việc bất ngờ: nó nhảy ào xuống biển. Tôi kinh ngạc lặng người. Chính điều tôi nghĩ nó không bao giờ làm thì nó lại làm, và làm một cách quả quyết đầy sức mạnh. Nó hăng hái đập chân bơi về phía đuôi xuồng. Tôi định thổi còi nữa nhưng lại thôi, rồi mở nắp tủ lên ngồi xuống, rút về vị trí thánh địa trong lãnh thổ của mình.
Nó vươn người nhảy lên đuôi xuồng, nước từ người nó chảy xuống ào ào, và làm đuôi xuồng chìm hẳn xuống. Nó lấy thăng bằng đứng trên mạn xuồng và mặt ghế đuôi một lúc, dò xét tôi. Tim tôi xỉu đi. Tôi tưởng mình sẽ không đủ sức thổi thêm một hồi còi nữa. Tôi ngây người nhìn nó. Nó tuồn người như nước chảy xuống sàn xuồng và biến mất dưới tấm bạt. Tôi có thể nhìn thấy vài chỗ trên thân thể nó qua mép cái nắp tủ. Tôi nhảy ào lên trên nóc bạt, khuất mắt nó – nhưng ở ngay trên nó. Tôi cảm thấy một ước muốn mãnh liệt được mọc cánh và bay đi.
Tôi bình tĩnh lại. Cố tự nhắc mình rằng tôi đã ở cùng một con hổ sống ngay bên dưới mình một thời gian rất dài rồi.
Khi hơi thở chậm lại tôi ngủ thiếp đi
Có lúc trong đêm đó, tôi đã thức dậy và quên cả nỗi sợ hãi, nhìn xuống chỗ nó. Nó đang nằm mơ, run rẩy và gầm gừ trong giấc ngủ. Nó đã mơ ầm ĩ như vậy và làm tôi thức giấc.
Buổi sáng như thường lệ, nó lại đi lên rặng đồi.
Tôi quyết định ngay khi thấy khoẻ sẽ phải đi thám hiểm hòn đảo. Nó có vẻ khá rộng, nếu chỉ nhìn vào đường bờ biển của nó, trài dài sang hai phía trái phải, chỉ hơi vòng vòng một chút, chứng tỏ đảo có bề rộng khá lớn. Suốt ngày, tôi đi bộ – và ngã lên ngã xuống – từ bờ đến cái cây và ngược lại, với ý định tập cho chân khoẻ lại. Lần nào ngã tôi cũng tranh thủ ăn một bữa tảo no nê.
Khi Richard Parker quay về vào cuối ngày, hơi sớm hơn hôm trước một chút, tôi đã đang có ý chờ nó. Tôi ngồi im và không thổi còi. Nó đến mép nước, rồi bằng một cú nhảy rất khoẻ vọt lên thẳng mạn xuồng. Nó vào luôn chỗ của mình và không xâm phạm gì đến lãnh thổ của tôi, chỉ làm cho xuồng nghiêng hẳn sang một bên. Nó đã khoẻ mạnh trở lại một cách đáng sợ.
Sáng hôm sau, tôi đợi cho Richard Parker đi trước một lúc lâu rồi mới bắt đầu đi thám hiểm đảo. Tôi đi lên rặng đồi, đến đỉnh một cách dễ dàng, từng bước một chắc chắn, mặc dù vẫn còn ngượng nghịu. Nếu hai chân tôi yếu hơn, chắc chúng đã khuỵu xuống trước quan cảnh mà tôi nhìn thấy khi vừa lên tới đỉnh đồi.
Tôi sẽ nói các chi tiết trước. Tôi thấy toàn bộ hòn đảo được bao phủ dưới các lớp tảo chứ không phải chỉ ở mép đảo. Tôi thấy một bình nguyên rộng lớn xanh rì với một khu rừng lá biếc ở giữa. Tôi thấy khắp xung quanh rừng đó hàng trăm hồ nước nhỏ và những cây cối mọc đều đặn ở giữa chúng. Toàn bộ cảnh trí gây một ấn tượng không thể nhầm lẫn được rằng tất cả đều theo một thiết kế mạch lạc.
Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là những con chồn biển. Thoạt nhìn, tôi ước tính một cách khiêm tốn phải có đến hàng trăm nghìn con. Chúng phủ đầy mặt đất. Và khi tôi xuất hiện thì dường như tất cả chúng đều quay lại nhìn tôi, kinh ngạc, như bầy gà trong sân trại, và đứng hết cả lên.
Chúng tôi không có con chồn biển nào trong vườn thú. Nhưng tôi đã đọc hết về chúng. Chúng có trong sách vở và văn chương. Chồn biển là một động vật có vú nhỏ bé ở Nam Phi, có huyết thống với loài chồn mongoose ăn chuột, chim, và cả rắn hổ mang ở Ấn Độ. Nói cách khác, chồn biển là một loài động vật ăn thịt, dài ba mươi phân và nặng độ một kí lô khi trưởng thành, thon thả, với một cái mõm nhọn hoắt, cặp mắt phía trước mặt, chân ngắn, bàn chân có bốn ngón với những cái móng dài không rút vào được, và một cái đuôi dài hai mươi phân. Lông có màu nâu nhạt hoặc xám và có những dải đen màu nâu sẫm trên lưng, còn chóp đuôi, tai, và hai cái vòng tròn xung quanh mắt thì đen tuyền. Một con vật linh hoạt và rất tinh mắt, có thói quen sống bầy đàn và hoạt động vào ban ngày, săn mồi trong tầm địa phương của mình và ăn được cả bọ cạp. Khi nó quan sát, con chồn biển có đặc điểm đứng thẳng, kiễng trên đầu ngón của hai chân sau dùng chóp đuôi như một cái chân thứ ba để giữ thăng bằng như một kiểu cái chân máy ảnh. Thường một bầy chồn biển hay đứng chụm với nhau và cùng nhìn về một phía, như một đám người đang cùng chờ xe buýt. Vẻ mặt nghiêm trang và kiểu buông thõng hai chân trước ngực làm chúng trông giống một lũ trẻ đang cố tình làm dáng chụp ảnh, hoặc một nhóm bệnh nhân trong phòng khám đã cởi hết quần áo đang kín đáo cố che đậy bộ phận sinh dục của mình.
Đó là quang cảnh đập ngay lập tức vào mắt tôi khi tôi lên đến đỉnh đồi. Hàng trăm nghìn con chồn biển – hơn nữa, phải hàng triệu – cùng lúc đứng lên quay nhìn tôi như thể cùng đồng thanh, “Vâng, có chuyện gì vậy thưa ngài?”. Cũng phải nói ngay rằng loài chồn biển lúc đứng thẳng lên chỉ cao ba bốn mươi phân, nên cái làm tôi kinh ngạc không phải là chiều cao mà là số lượng bạt ngàn vô biên của chúng. Tôi đứng sững tại chỗ. Nếu tôi làm cho hàng triệu con chồn biển kia hoảng sợ, chảnh tượng sẽ hỗn loạn không thể tả được. Nhưng chúng chỉ chú ý đến tôi một lát mà thôi. Chỉ sau vài giây, chúng đã quay lại công việc mà chúng đang mải mê trước khi tôi xuất hiện, tức là gậm nhấm những sợi tảo hoặc nhìn chăm chăm xuống mặt nước hồ. Nhìn ngần ấy sinh linh cùng cúi xuống một lúc như thế khiến tôi nhớ lại cảnh cầu nguyện trong thánh đường Hồi giáo.
Những con vật này có vẻ không biết sợ. Khi tôi từ đỉnh đồi đi xuống, không con nào chạy trốn hoặc tỏ vẻ căng thẳng vì sự có mặt của tôi. Nếu muốn tôi đã có thể vuốt ve và bế một con lên. Nhưng tôi không làm gì chúng. Tôi chỉ cứ thế bước vào giữa đám chồn biển đông đúc nhất trên thế giới, một trong những trải nghiệm lạ lùng và kì diệu nhất trong đời tôi. Có một âm thanh không dứt tràn ngập trong không trung. Đó là tiếng chí choé, chiêm chiếp, rin rít và cắn sủa nhặng xị của chúng.
Đông như vậy và kích động từng bầy lớn như vậy theo từng lúc làm cho âm thanh của chúng giống như tiếng động của một bầy chim, có những lúc rào rào ầm ĩ xung quanh tôi, rồi lại đột ngột im ắng, trong khi lại có một có đám khác ồn ĩ lên ở đằng xa.
Liệu có phải chúng không sợ tôi vì tôi phải sợ chúng không? Câu hỏi đó vụt lên trong óc tôi. Nhưng câu trả lời – rằng chúng vô hại – cũng lập tức rõ ràng. Để đi đến cái hồ mà chúng đứng dày đặc xung quanh, tôi phải lấy chân đẩy nhè nhẹ chúng ra hai bên để lấy lối đi. Chúng không lấy thế làm phiền mà ngoan ngoãn nhường đường cho tôi đi như một đám đông tốt bụng. Tôi nhìn xuống hồ, những bộ lông mềm mại và ấm áp cọ liên tục vào hai mắt cá chân của tôi.
Cái hồ nào cũng có hình tròn và gần như cùng một cỡ – xấp xỉ mười hai mét đường kính. Tôi tưởng chúng nông nhưng thấy nước trong và rất sâu, dường như vô đáy là khác. Và cho tới hết tầm mắt, tôi vẫn chỉ thấy các sợi tảo xanh sâu tít dưới khắp xung quanh bờ hồ. Rõ ràng lớp tảo bao phủ là rất dày.
Không thấy có gì có thể làm cho bọn chồn biển chăm chú xuống hồ đến thế, tôi đã định thôi không tìm hiểu nữa thì ở một cái hồ bên cạnh bỗng rộ lên tiếng sủa và kêu choe choé của chúng. Những con chồn biển đang nhảy choi choi trong một trạng thái như mê dại. Thình lình, hàng trăm con một lúc, chúng nhảy thẳng xuống hồ. Những con trên bờ chen chúc xô đẩy nhau để được ra mép nước. Một cơn điên tập thể. Ngay cả những con bé tí cũng chen ra mặt hồ, mặc kệ bố mẹ chúng cản lại. Tôi nhìn mà không thể tin vào mắt mình. Đây không phải loài chồn bình thường của sa mạc Kalahari. Chồn Kalahari không hành xử kiểu ếch nhái như thế này. Loài chồn biển này chắc chắn là một chi nhánh đặc biệt có lối sống khác hẳn.
Tôi bước ra gần hồ, chân đi chập chững, vừa đúng lúc những con chồn biển đang bơi – đúng là đang bơi thật – và mang vào bờ hàng chục con cá, mà không phải là cá nhỏ. Một số là dorado hẳn ngoi. Chúng to hơn hẳn khiến bọn chồn biển như một lũ tí hon. Không biết bọn chúng làm sao có thể bắt được những con cá lớn như thế.
Khi những con chồn biển kéo hẳn những con cá lên bờ, tôi nhận ra một điều lạ: con cá nào cũng đều đã chết, không con nào còn sống. Và vừa mới chết. Những con chồn đang bắt những con cá chết mà không phải chúng giết.
Tôi quỳ xuống ven hồ, đẩy nhiều con chồn biển đang nháo nhào và ướt nhoét sang hai bên, tôi nhúng tay xuống hồ, nước mát lạnh hơn tôi tưởng. Có một dòng chảy đưa nước lạnh từ dưới sâu lên mặt hồ. Tôi chụm tay múc nước và đưa lên miệng, tôi nhấp một ít.
Đó là nước ngọt. Thảo nào mà cá chết – vì lẽ tất nhiên là cá nước mặn sẽ chết khi rơi vào vùng nước ngọt. Nhưng bọn cá biển kia làm gì mà rơi vào những hồ nước ngọt này? Và bằng đường nào?
Tôi sang một cái hồ khác, chen chân qua đám chồn biển. Cũng là nước ngọt. Một cái hồ khác nữa. Cũng thế. Và cũng vậy ở một hồ nữa.
Tất cả chúng đều là hồ nước ngọt. Ngần ấy nước ngọt ở đâu ra? Rõ rồi: chỉ ở loài tảo này mà ra thôi. Chúng đã tự nhiên và liên tục khử muối trong nước biển, vì thế mà lõi chúng mặn và vỏ ngoài ứ đầy nước ngọt. Tôi không hỏi sao cây tảo làm thế, làm thế nào và muối kia biến đi đâu. Đầu óc tôi không thắc mắc những chuyện như vậy nữa. Tôi chỉ cười toáng lên và nhảy tùm xuống hồ. Nổi lên mặt hồ không dễ. Tôi vẫn còn rất yếu, và có quá ít mỡ trên người. Sau một thời gian dài như vậy ngoài biển khơi, da tôi đã như một tấm da bò và tóc tôi dài thượt, rối bù và bóng nhẫy như một túm giẻ đập ruồi. Linh hồn tôi cũng như thể đã bị muối ăn mòn. Cho nên, trước mặt hàng nghìn con chồn biển, tôi ngâm mình thật lâu, để cho nước ngọt làm tan đi mọi tinh thể muối đã đọng lại trên người.
Bọn chồn biển quay lại nhìn ra chỗ khác. Chúng làm động tác đó đều tăm tắp như thể chỉ có một con, tất cả chúng đều quay về một hướng trong cũng một thời điểm, rất chính xác. Tôi lên bờ xem có chuyện gì. Đó là Richard Parker. Nó khẳng định điều tôi đã nghĩ, rằng những con chồn biển này đã qua nhiều thế hệ không bị săn bắt ăn thịt nên chúng đã mất hết cả bản năng chạy trốn và không biết sợ hãi là gì. Richard Parker đi qua giữa trùng điệp chồn biển, đi đến đâu giết đến đấy, không thương tiếc mảy may, máu ròng ròng trên miệng, còn chúng, kề môi áp má với con hổ ấy, thì cứ nhảy chồm chồm lên tại chỗ như thể đang kêu, “Đến lượt tôi! Nào! Đến lượt tôi!”. Tôi sẽ còn thấy cảnh tượng ấy nhiều lần nữa. Không có gì có thể làm cho bọn chồn xao nhãng khỏi cuộc sống nhỏ bé của chúng với công việc rình ngó ven hồ và gặm nhấm tảo. Richard Parker cố rướn người ngạo nghễ trước khi nào xuống chúng với một tiếng gầm như sấm dậy hay nằm ngủ phục một cách bất cần ngay cạnh chúng, thì cũng thế mà thôi. Chúng chẳng bận tâm.
Richard Parker giết nhiều hơn cần thiết. Nó giết những con chồn biển mà nó không ăn. Trong thế giới động vật, nhu cầu giết nhiều hơn nhu cầu ăn. Sau bao nhiêu lâu không bắt mồi rồi đột nhiên có ngần ấy con mồi để bắt – bản năng săn mồi bị kiềm chế của nó đã trỗi dậy mãnh liệt để trả thù.
Nó còn ở xa tôi. Không có gì nguy hiểm, ít nhất là vào lúc này.
Sáng hôm sau, lúc nó đã đi, tôi dọn dẹp cái xuồng. Không thể để thế được nữa. Tôi sẽ không mô tả cảnh tượng hàng đống xương người và súc vật chất lẫn lộn hàng đống với xác cá và rùa trông ra sao. Tôi hất toàn bộ những đống thối tha và bẩn thỉu ấy xuống biển. Tôi không dám đặt chân xuống sàn xuồng vì sợ sẽ để lại dấu vết và Richard Parker sẽ phát hiện ra tôi là thủ phạm của sự thay đổi đó. Tôi dùng lao móc khều rác, đứng trên mui bạt, hoặc đứng dưới nước ở hai bên mạn xuồng. Không thể dùng móc để khều mùi và các vết bẩn, tôi rửa xuồng bằng cách dội từng xô nước vào nó.
Đêm đó, nó chui vào hang ổ mới sạch sẽ của nó không một lời bình luận. Mồm nó ngoạm cả một đám chồn biển, và nó nhai nuốt cả đêm.
Cả ngày hôm sau tôi chỉ ăn, uống, tắm, nhìn bọn chồn biển, đi bộ, chạy, nghỉ ngơi, và cảm thấy khoẻ hơn. Tôi chạy đã êm và không phải cố gắng, thật là sung sướng. Da dẻ tôi lành lại. Cơ thể không còn đau nhức. Nói một cách giản dị, tôi đã hồi sinh.
Tôi thám hiểm hòn đảo. Tôi cố đi vòng quanh nó. Tôi ước lượng có khoảng bốn năm cây số đường kính, tức là chu vi đảo dài chừng mười lăm cây số. Những gì tôi thấy có vẻ chỉ ra rằng đường bờ biển của đảo chỗ nào cũng giống nhau. Cùng một màu xanh biếc, cùng hướng lên một rặng đồi với một độ thoải như nhau, cùng có những cái cây đơn độc chỗ này chỗ kia để phá vỡ cái đơn điệu của phong cảnh. Khám phá bờ đảo cho tôi thấy một điều khác thường: Các đám tảo, tức chính là bản thân hòn đảo, thay đổi chiều cao và mật độ tùy theo thời tiết. Trong những ngày nóng, tảo đan bện vào nhau chặt hơn, dày hơn, và hòn đảo dâng cao hơn; trèo lên rặng đồi sẽ dốc hơn và đỉnh đồi cao hơn. Quá trình đó không diễn ra nhanh chóng. Chỉ có những đợt nóng nóng nhiều ngày mới gây ra hiện tượng ấy. Nhưng nó diễn ra rõ ràng, không thể nhầm được. Tôi nghĩ nó liên quan đến cơ chế bảo tồn nước của loài tảo này. Lúc trời nóng nắng chúng phải co cụm lại để hạn chế bề mặt bị phơi ra dưới ánh mặt trời.
Hiện tượng ngược lại – hòn đảo bị nới lỏng ra – diễn ra nhanh hơn, kịch tính hơn, và có lí do dễ thấy hơn. Những thời gian ấy, đỉnh đồi thấp hẳn xuống, thềm lục địa, là nói vậy, duỗi dài ra phía biển, và tảo ven đảo lỏng ra đến mức tôi thường bị mắc chân vào chúng. Hiện tượng lỏng đảo này xảy ra khi thời tiết âm u, và rất nhanh khi biển nổi sóng lớn.
Tôi đã qua một trận bão lớn trên đảo, và sau lần đó, tôi tin rằng có thể yên trí ở lại trên đảo ngay cả khi giông tố điên cuồng nhất. Thật đáng sợ khi ngồi trên một cái cây và nhìn những đợt sóng khổng lồ tràn vào đảo, tưởng chừng như khắp trào lên gập hết ngọn đồi và tàn phá mọi thứ – để rồi tan đi như thể chúng đã tràn vào một vùng cát chảy. Về phương diện này thì hòn đảo là đệ tử của thánh Gandhi: Nó chống trả bằng cách không chống trả. Con sóng nào cũng tan biến đi khi tràn lên đảo, không một va chạm, không hề cả sủi bọt mọc tăm. Dấu hiệu duy nhất của con sóng tràn qua đảo chỉ là một rung động trên mặt đất và lăn tăn mặt nước hồ trong đảo. Mà quả thật những con sóng ấy tràn qua bên dưới đảo, và lại nổi lên ở phía bên kia và tiếp tục cuồn cuộn trên đại dương. Một cảnh tượng lạ lùng nhất: những con sóng từ bờ đảo ào ạt tiến ra khơi. Những trận bão như thế không hề làm phiền tí gì bọn chồn biển. Chúng cứ tiếp tục việc mình như chưa có chuyện gì xảy ra, như thể không có thế giới nào quanh chúng.
Khó hiểu hơn nữa là sự biệt lập hoàn toàn của hòn đảo. Chưa bao giờ tôi thấy một môi sinh cô đơn như thế. Không khí trên đảo không có ruồi, không bươm bướm, không ong, không có bất kì một thứ côn trùng nào. Cây không có chim, đất không có chuột, sâu bọ, rắn rết, bọ cạp; và cũng không mọc lên một thứ cây nào khác, không bụi bặm, không cỏ, không hoa. Hồ nước không có cá nước ngọt, bờ biển không rong rêu, cua cáy, không san hô, không sỏi cuội, không đá. Với một ngoại lệ duy nhất có thể thấy được là bọn chồn biển, đảo không có một ngoại vật nào khác, hữu cơ hay vô cơ cũng vậy. Nó chỉ mênh mang một loài tảo xanh biếc và một loài cây xanh biếc.
Những cái cây đó không phải kí sinh. Tôi phát hiện ra điều đó vào một ngày ăn quá nhiều tảo dưới một gốc cây và nhìn thấy bộ rễ của nó ở dưới nước. Rễ cây không mọc ra một cách độc lập từ đám tảo, mà có vẻ chính là đám tảo đó. Có nghĩa là những cái cây này sống cộng sinh với tảo, cùng nhường nhịn nhau để tồn tại, hoặc là, đơn giản hơn, chúng là một phần không thể tách rời của loài tảo. Tôi đoán có lẽ thế thì đúng hơn, vì cây không thấy ra hoa kết quả gì. Không có một sinh vật độc lập nào, cho dù cộng sinh gần gũi đến mấy với một sinh vật khác, lại nhường nhịn cả quyền sinh sản của riêng mình. Những cái lá thèm ánh sáng trời, như biểu lộ qua sự xum xuê và bản rất rộng của chúng, cũng giống như diệp lục xanh biếc, khiến tôi nghĩ rằng chúng có chức năng thu hút năng lượng cho loài tảo này. Nhưng đó chỉ là suy đoán mà thôi.
Tôi còn muốn nhắc đến một nhận xét nữa của tôi. Nó dựa vào linh tính hơn là có bằng chứng cụ thể. Là thế này: đảo ấy không phải là một hòn đảo theo nghĩa thông thường – tức là một khối đất dâng lên từ đáy đại dương – mà là một cơ thể sống trôi nổi trên mặt nước, một quả bóng nện bằng tảo với kích thước khổng lồ. Và tôi cũng đồ rằng những cái hồ kia có đáy mở liền với đại dương. Điều đó giải thích được tại sao những con dorado và những con cá biển khác đã có thể có mặt trong hồ.
Loài tảo đó xứng đáng được nghiên cứu nhiều, nhưng chẳng may búi tảo tôi đem theo mình về sau lại bị thất lạc.
Tôi đã hồi sinh, và Richard Parker cũng vậy. No nê thịt chồn biển, nó lại tăng cân, lông bắt đầu bóng mượt, và trông lại khoẻ mạnh như xưa. Nó vẫn giữ nếp quay về xuồng mỗi khi trời tối. Tôi luôn cẩn thận về trước, đánh dấu lãnh thổ của mình bằng nước giải để nó đừng quên ai là ai và cái gì là của ai. Nhưng cứ sáng mờ đất là nó đã rời xuồng và lang thang xa hơn tôi trên đảo. Hòn đảo có vẻ chỗ nào cũng giống nhau, nên tôi thường chỉ ở một chỗ. Tôi rất ít thấy nó ban ngày. Và ngày càng lo. Nó cào cấu thân cây, để lại những vết móng sâu hoắm. Tôi bắt đầu nghe tiếng gầm khàn khàn của nó, tiếng gầm trầm và giàu âm điệu như thể vàng ròng và mật ong, đồng thời buốt lạnh sống lưng như nỗi sợ sâu thẳm của tôi hoặc tiếng vỗ cánh của hàng ngàn con ong đang cuồng nộ. Việc nó động đực không làm tôi lo lắng bằng việc nó có thể cảm thấy tự tin và thoải mái trên đảo đến mức muốn đẻ con và hơn thể nữa, trong tâm lí ấy nó có thể không chịu nổi sự có mặt của một con đực khác trong lãnh thổ của mình, nhất là vào ban đêm, đặc biệt khi những tiếng gọi lứa đôi của nó không có ai trả lời.
Một hôm, tôi đang làm một cuộc tản bộ trong rừng. Tôi bước hăng hái, suy nghĩ miên man, tôi đi qua một cái cây – và gần như đâm sầm vào Richard Parker. Cả hai chúng tôi đều giật mình. Nó phì ra một hơi và chồm lên hai chân sau, ngất ngưởng ngay trên đầu tôi, những bàn chân trước to tướng của nó sẵn sàng vả xuống tôi. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, choáng sợ đến tê liệt. Nó đứng xuống, bốn chân trên đất, rồi chạy đi. Chỉ được ba bốn bước nó đã quay phắt lại và chồm lên lần nữa, gầm gừ trong cổ họng. Tôi vẫn đứng im như tượng. Nó đi thêm ba bốn bước nữa rồi lặp lại động tác doạ nạt lần thứ ba. Khi đã yên trí tôi không có ý định làm hại nó, Richard Parker bỏ đi hẳn. Ngay lúc thở được và đã hết run, tôi ngậm cái còi và đuổi theo nó. Nó đã đi một quãng khá xa nhưng vẫn trong tầm mắt tôi. Tôi chạy thật khoẻ. Nó quay lại, thấy tôi, phủ phục xuống – rồi chạy vụt đi mất. Tôi hết sức thổi vào cái còi, mong nó vang đi thật xa như tiếng một con hổ lẻ loi.
Đêm đó khi nó nằm ngủ chỉ cách tôi sáu mươi phân ở bên dưới, tôi đã đi đến kết luận rằng mình lại phải bước vào sân khấu xiếc một lần nữa.
Khó khăn lớn nhất trong việc dạy thú là chúng chỉ biết làm theo bản năng hoặc thói quen. Không thể hi vọng chúng hiểu được những liên hệ mới bằng trí khôn, nếu những liên hệ đó không có tính bản năng. Vì vậy, việc nhồi một mối liên hệ nhân tạo vào đầu một con thú rằng nếu chúng làm một việc này, ví dụ như lăn một vòng dưới sàn, thì chúng sẽ được thưởng một cái gì đó chẳng hạn, sẽ chỉ đạt được kết quả bằng cách nhắc đi nhắc lại việc đó cho đến khi đầu óc mụ mị hết mà thôi. Đấy là một quá trình chậm chạp phụ thuộc vào may mắn cũng như công sức bỏ ra, và càng như vậy khi con thú đã lớn. Tôi đã thổi còi đến đau cả phổi. Tôi đã đấm ngực đến vếu váo tím bầm nhiều chỗ. Tôi đã hét “Ếp! Ếp! Ếp!” – ngôn ngữ của loài hổ nghĩa là “Làm đi!” – hàng ngàn lần. Tôi đã ném hàng trăm miếng thịt chồn biển cho nó mà lẽ ra tôi phải được ăn. Dạy hổ không phải dễ. Chúng ít linh động hơn so với các con thú khác thường được huấn luyện ở rạp xiếc hoặc vườn thú – sư tử biển hoặc khỉ chẳng hạn. Nhưng tôi không muốn kể công quá nhiều trong những công việc mà tôi đã làm được với Richard Parker. Cái phúc của tôi, cái phúc đã phù hộ cho tôi sống sót, là ở chỗ nó không những là một con thú còn non, mà còn là một con thú dễ uốn nắn, một con thú khiêm tốn. Tôi đang lo lắng điều kiện trên đảo có thể sẽ gây nguy hiểm cho tôi, vì với nhiều thức ăn, nước uống và không gian rộng rãi như vậy, nó sẽ trở nên thư giãn và tự tin, và ảnh hưởng của tôi với nó sẽ kém đi. Nhưng nó vẫn căng thẳng. Tôi đã hiểu nó đến mức có thể cảm thấy điều đó. Ban đêm trên xuồng, nó lục sục và ầm ĩ. Tôi nghĩ môi trường mới lạ trên đảo đã gây nên tâm trạng căng thẳng đó. Với một con thú, bất kì thay đổi nào, dù là tích cực cũng làm nó căng thẳng. Dù lí do gì đi nữa, tâm trạng căng thẳng ấy có nghĩa là nó sẽ tiếp tục sẵn sàng nghe lời, và hơn nữa, nó sẽ có nhu cầu nghe lời.
Tôi dạy nó nhảy qua một cái vòng mà tôi tự làm bằng các cành cây nhỏ. Một thủ tục đơn giản gồm bốn bước.Mỗi cú nhảy được thưởng hẳn một góc của con chồn biển. Khi nó khom người chạy lại, tôi thẳng cánh tay trái giơ cái vòng lên, cao cách mặt đất chừng chín mươi phân. Khi nó đã nhảy qua cái vòng và còn đang chạy tiếp, tôi đổi cái vòng sang tay phải, rồi vẫn quay lưng lại phía nó, tôi ra lệnh cho nó quay lại và nhảy qua vòng nữa. Đến cú nhảy thứ ba thì tôi quỳ xuống đất và giơ cái vòng lên trên đầu mình. Nhìn nó chạy thẳng vào mình lần này thật hãi hùng. Lần nào tôi cũng sợ nó sẽ không nhảy qua cái vòng nữa mà sẽ vồ lấy mình. Nhưng không hiểu sao lần nào nó cũng nhảy. Sau đó, tôi đứng dậy và tung cái vòng sao cho nó lăn như cái bánh xe. Richard Parker có nhiệm vụ chạy theo và chui vào cái vòng một lần cuối trước khi cái vòng đổ. Nó không bao giờ làm thật tốt được động tác này. Lúc thì do tôi tung cái vòng không được khéo. Lúc thì nó chạy đâm sầm vào cái vòng. Nhưng chí ít nó cũng chạy theo cái vòng, tức là chạy xa khỏi tôi. Lần nào nó cũng kinh ngạc nhìn cái vòng đổ kềnh xuống đất. Nó nhìn cái vòng rất chăm chú, như thể đó là một con dã thú chạy cùng với nó và thình lình bị ngã. Nó đứng cạnh hít ngửi cái vòng. Tôi sẽ ném cho nó phần thịt thưởng cuối cùng rồi đi chỗ khác.
Rồi thì tôi rời xuồng. Chẳng có lí do nào phải ngủ đêm chật chội như thế với một con thú ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, trong khi tôi có cả một hòn đảo. Tôi quyết định an toàn nhất là ngủ trên cây. Trong đầu tôi không bao giờ nghĩ Richard Parker sẽ luôn ngủ trên xuồng theo đúng luật định. Tôi chẳng dại gì ra khỏi lãnh địa của mình rồi ngủ trên đất, không có gì tự vệ, để rồi có lần nó sẽ tự nhiên hứng lên đi dạo một vòng ban đêm trên đảo.
Thế là một hôm tôi rời xuồng, mang theo cái lưới, một sợi dây và mấy cái chăn. Tôi tìm được một cái cây to đẹp ở ven rừng rồi quăng sợi dây qua một cái chạc thấp nhất. Tôi đã khoẻ đến mức đu được lên dây và trèo lên cây. Tôi tìm được hai cái cành chắc chắn nằm ngang và ngay cạnh nhau, tôi buộc cái lưới vào chúng. Tối hôm đó tôi quay lại cái cây.
Vừa mới gập xong mấy cái chăn để làm nệm thì tôi nghe tiếng bọn chồn biển lao xao. Tôi nhìn. Tôi rẽ cành lá để thấy rõ hơn. Tôi nhìn ra tứ phía và trông ra mãi đến tận chân trời. Tôi không thể nhìn lầm được. Bọn chồn biển đang chạy khỏi những cái hồ, không những thế, chúng chạy khỏi vùng bình nguyên và lao vào rừng. Toàn bộ dân số chồn biển đang di chuyển, lưng uốn cong và chân thoăn thoắt. Đang không biết những con vật này sẽ còn tiết lộ điều bí ẩn nào khác thì tôi giật mình nhìn thấy rằng bọn chồn biển từ cái hồ gần tôi nhất đang bu kín xung quanh và rào rào trèo lên cái cây của tôi. Thân cây biến mất dưới làn sóng chồn biển đang hăng hái xông lên. Tôi nghĩ chúng sẽ tấn công, và chợt hiểu tại sao Richard Parker đêm nào cũng quay về xuồng: Ban ngày bọn chồn biển hiền lành và vô hại, nhưng đêm đến, chúng kéo nhau thành một khối khổng lồ và có thể nghiền nát kẻ địch. Tôi vừa sợ vừa tức. Sống được lâu đến thế trên xuồng với một con hổ Bengal hàng hơn hai tạ để rồi chết trên cây bởi một lũ chồn biển chỉ nặng có một cân quả là một tấn bi kịch quá bất công và quá nực cười.
Nhưng chúng không hại gì tôi. Chúng trèo lên tôi, khắp xung quanh, và qua tôi. Chúng bu đầy các cành. Cái cây chĩu xuống. Chúng len vào giường tôi, và đâu đâu cũng là cảnh ấy. Chúng trèo lên kín tất cả cây rừng cho đến tận cùng tầm mắt của tôi. Khu rừng chuyển thành màu nâu, một mùa thu xuống trong vài phút. Tiếng động tập thể của chúng khi ào ạt chiếm lĩnh khu rừng còn ầm ĩ hơn cả một đàn voi chạy.
Trong khi đó thì vùng đất bằng trở thành trơ trọi hoàn toàn.
Từ một cái giường tầng chung với một con hổ đến một phòng ngủ chung với bọn chồn biển! Liệu có tin được không nhỉ? Cuộc sống có những đoạn bất ngờ như vậy đấy. Tôi phải chen vai thích cánh với lũ chồn biển mới giành được chỗ nằm. Chúng cứ chúi vào tôi. Không còn một centimet nào bị bỏ trống trên cây.
Chúng ổn định chỗ ngủ rồi không chí choé lao xao nữa. Cây cối im lặng dần. Chúng tôi cùng ngủ thiếp đi.
Tôi thức dậy lúc rạng ngày dưới một lớp chăn lông thú vẫn còn sống. Mấy chú chồn biển con đã phát hiện ra những chỗ ấm áp trên người tôi. Xung quanh cổ tôi là một vòng thật chặt râm rấp mồ hôi. Chắc chính là con chồn biển mẹ đang ngon lành ngủ sát bên đầu tôi. Và một lúc con nữa đang chúi cả vào bẹn tôi.
Chúng bỏ đi nhanh chóng và chẳng có nghi thức gì, hệt như lúc chúng xâm lăng cái cây. Và cây nào cũng thế. Đất bằng lại đầy rẫy chồn biển, và tiếng động ban ngày lại tràn ngập không trung. Cây cối có vẻ trống rỗng hẳn. Và tôi cũng thấy trống rỗng, một chút thôi. Tôi đã thích cảm giác được ngủ bên cạnh chúng rồi.
Từ đó, đêm nào tôi cũng ngủ trên cây. Tôi đem những thứ hữu dụng ở xuồng ra và làm cho mình một cái phòng ngủ trên cây. Tôi quen dần với việc bị những con chồn biển cào xước một cách vô tình khi chúng trèo qua người tôi. Chỉ có một điều đáng phàn nàn, đó là những con ngủ phía trên thỉnh thoảng lại ỉa vào tôi.
Một đêm, bọn chồn biển làm tôi thức giấc. Chúng chí choé và run cầm cập. Tôi ngồi dậy nhìn theo chúng. Trời không mây và trăng tròn. Đất không còn màu gì. Tất cả lung linh kì lạ trong những đậm nhạt khác nhau của đen, xám và trắng. Cái hồ là thủ phạm.
Những hình trắng bạc đang di chuyển trên hồ, nổi lên từ dưới đáy và đập vỡ mặt nước đen ngòm.
Cá. Những con cá chết. Chúng nổi lên từ dưới sâu. Cái hồ – ta nhớ là nó rộng chứng mười hai mét đường kính – bị bao phủ dần bởi xác cá đủ loại cho đến khi mặt hồ không còn màu đen nữa mà óng ánh như bạc. Và cứ nhìn mặt hồ tiếp tục động cựa như thế thì biết rằng cá chết vẫn tiếp tục nổi lên.
Đến lúc xác một con cá mập nổi phềnh lên thì bọn chồn biển như phát rồ, tiếng kêu thất thanh của chúng nghe như tiếng của các loài chim nhiệt đới. Cơn rồi dại đó lan sang các cây xung quanh. Thật điếc tai. Tôi tưởng sắp được xem cảnh chúng lôi cá chết lên cây.
Nhưng không một con chồn biển nào rời khỏi cây để xuống hồ. Thậm chí không con nào rục rịch định trèo xuống. Chúng chỉ to mồm kêu la như vậy mà thôi.
Cảnh ấy có cái gì rất khó hiểu. Những con cá chết kia có cái gì đó làm cho ta cảm thấy bất ổn.
Tôi nằm xuống và cố ngủ lại trong tiếng ầm ĩ của bọn chồn biển. Vừa sáng ra tôi đã giật mình tỉnh dậy vì tiếng ầm ĩ khi chúng ào ạt kéo nhau đi. Vừa ngáp vừa vươn vai, tôi nhìn ngay xuống hồ, nguyên nhân của mọi chuyện náo loạn hôm qua.
Những con cá đã biến mất. Tôi ngạc nhiên quá. Hay là tôi nhìn nhầm cái hồ khác? Không phải, rõ ràng là cái hồ này. Chắc chắn không phải bọn chồn biển đã dọn sạch chỗ xác cá kia. Nhất là con cá mập. Chúng không thể có sức kéo con cá mập ấy lên bờ, chứ đừng nói gì đến chuyện cõng nó đi đâu. Hay là Richard Parker. Cũng có thể một phần. Nhưng không thể cả một cái hồ đầy nhóc như vậy trong một đêm!
Một bí ẩn hoàn toàn. Có nhìn mãi xuống hồ và mép nước sâu xanh thăm thẳm của nó đến bao lâu, tôi cũng không tìm thấy gì có thể giải thích được chuyện đã xảy ra với những con cá kia. Đêm hôm sau, tôi nhìn mãi, nhưng chẳng có con cá nào lọt vào hồ.
Điều bí ẩn ấy ít lâu sau tôi mới giải thích được, từ trong rừng sâu.
Cây cối to hơn ở giữa rừng, và mọc sít nhau hơn. Dưới gốc chúng quang quẻ hoàn toàn, không có một thứ bụi rậm nào, nhưng trên ngọn cây thì các tán lá của chúng dày đặc đến mức che hết cả trời, hoặc nói cách khác, chỉ còn một màn trời xanh lá cây đặc sịt. Cây mọc sát vào nhau đến mức cành lá chúng đan lẫn vào nhau, xoắn xuýt vào nhau, không còn ranh giới. Tôi để ý đến các thân cây đều nhẵn nhụi và sạch sẽ, không có một dấu vết bị cào xước nào. Tôi đoán ngay rằng bọn chồn biển kia toàn chạy trên các ngọn cây rậm rạp kia và không phải trèo lên đó từ dưới gốc. Bằng chứng tôi tìm được là những vết chân chồn biển cào nát thân cây khác mọc ở quanh khu vực giữa rừng. Rõ ràng đó là cổng ngõ để bọn chồn biển chào lên cái thành phố trên ngọn cây với những chen chúc còn hơn cả ở Calcutta.
Cũng chính tại đó tôi tìm thấy được cái cây. Nó không phải là cái cây to nhất rừng, hoặc mọc chính giữa rùng, hoặc có một cái gì đặc biệt khác. Nó chỉ có những cành to khoẻ phần nhiều mọc ngang thành những tán bằng phẳng. Chỉ có vậy. Nó là một chỗ tuyệt vời để nhìn trời hoặc quan sát cuộc sống ban đêm của bọn chồn biển.
Tôi có thể nói chính xác ngày nào tôi đã tìm ra cái cây ấy: một ngày trước khi tôi rời bỏ hòn đảo.
Tôi đã chú ý đến cái cây vì nó có vẻ có quả. Trong lúc tất cả tán rừng đều xanh mướt như nhau, những quả của cái cây này nổi bật lên, màu đen trên nền xanh của lá. Những cành có quả vặn vẹo một cách khác thường. Tôi nhìn chăm chú. Cả hòn đảo toàn những cây vô sinh, thế mà lại có một cây có quả. Mà cũng chỉ ra quả ở một chỗ nhỏ hẹp trên cây. Tôi tưởng mình đã gặp một cái cây có vai trò như một con ong chúa của khu rừng, và tự hỏi không biết loài tảo này còn có những điều kì lạ nào khác nữa.
Tôi muốn nếm thử quả. Do vậy tôi trở lại với một sợi dây. Tảo ăn ngon, không biết quả có mùi vị thế nào?
Tôi treo sợi dây xung quanh cành thấp nhất của cây, từng cành một, từng nhánh một đưa tôi đến với vườn quả nhỏ và quý giá đó.
Đến gần thì quả có màu xanh lá cây xỉn. Chúng to và có hình dáng như cam. Quả nào cũng nằm giữa một số cánh lá xoắn xuýt và cuộn tròn xung quanh, chắc là để bảo vệ nó. Đến gần hơn, tôi nhận ra một lí do nữa: chính những cành lá xoắn xuýt ấy nâng lấy quả. Mỗi quả có không phải chỉ một mà là rất nhiều cuống. Bề mặt quả chi chít những cuống nối nó vào các cành xung quanh. Quả này chắc hẳn rất nặng và nhiều nước đây, tôi nghĩ, và tôi trèo lên gần nữa.
Tôi với tay cầm một quả, và thất vọng thấy nó nhẹ bỗng. Hầu như không có tí trọng lượng nào. Tôi kéo tay bứt nó ra khỏi các cuống.
Tôi ngồi lại cho thoải mái trên một cành chắc chắn, dựa lưng vào thân cây. Trên đầu tôi là một mái lá xanh xao để lọt qua những tia nắng thẳng tắp. Khắp xung quanh, đến tận tít tắp, là những con đường xoắn xuýt của một thành phố treo lơ lửng trong không trung. Một làn gió nhẹ luồn qua các ngọn cây. Tôi tò mò lắm, và bắt đầu xem kĩ cái quả trong tay.
Chao ôi, ước gì giây phút ấy không bao giờ đến với tôi! Nếu không có nó thì có lẽ tôi đã sống hàng nhiều năm nữa – có khi còn đến hết cả đời – trên hòn đảo ấy. Không có gì, tôi nghĩ, có thể đẩy tôi về xuồng và trở lại những gian truân nhục nhã mà tôi đã từng phải chịu đựng trên đó – không có gì! Tôi có lí do gì để rời bỏ đảo? Các nhu cầu vật chất của tôi chẳng phải đã được đáp ứng chu toàn ở đây sao? Chẳng phải tôi đang có thể uống nước thả cửa cho đến hết đời sao? Có thừa thãi tảo ăn đấy sao? Nếu hòn đảo nổi thật và di chuyển thật, biết đâu nó chẳng trôi theo đúng hướng tôi mong ước? Biết đâu nó chẳng là con tàu cây cỏ đưa tôi vào đến đất liền? Trong khi ấy, chẳng phải tôi đã có bọn chồn biển làm bạn đó sao? Rồi chẳng phải Richard Parker vẫn còn cần phải cải thiện cú nhảy thứ tư ấy của nó hay sao? Từ hôm lên đảo, chưa bao giờ tôi thoáng nghĩ đến chuyện phải rời nó mà đi. Đã nhiều tuần lễ trôi qua – tôi không thể nói chắc bao nhiêu tuần – và sẽ còn kéo dài mãi mãi. Tôi biết chắc như vậy.
Tôi đã nhầm to.
Nếu quả đó có hạt thì đó là cái hạt ra đi của tôi.
Cái quả ấy không phải là quả. Nó là một túm là cây dày đặc gắn với nhau thành hình một quả bóng. Mỗi cái cuống ấy là một cái cuống lá. Bứt một cái cuống là tôi lôi ra một cái lá.
Sau mọt vài lớp thì vào đến những cái lá đã mất cuống và được dán sát vào trái bóng. Tôi dùng móng tay gậy rồi bóc chúng ra. Từng lớp lá bong ra, như vỏ hành. Đáng lẽ tôi chỉ việc xé toạc cái vỏ đó ra – tôi vẫn gọi là quả bởi chẳng có từ gì khác hay hơn – nhưng tôi muốn thoả mãn tính tò mò của mình theo từng liều nhỏ.
Nó nhỏ dần. Từ quả cam thành quả quýt. Những vỏ lá mỏng rơi đầy quanh tôi.
Bây giờ thì nó chỉ còn bằng một quả bồ quân.
Tôi vẫn còn lạnh xương sống khi nghĩ đến nó.
Chỉ còn bằng một quả anh đào.
Rồi nó hiện nguyên hình, một viên ngọc trai trong lòng một con sò xanh lá cây.
Một cái răng người.
Nói chính xác nó là một cái răng hàm trong. Lớp men răng đã sạm xanh và thủng lỗ chỗ.
Cảm giác kinh hoàng đến một cách từ từ. Tôi vẫn có thời gian hái một quả khác.
Quả nào cũng chứa một cái răng.
Một cái răng nanh.
Quả nữa có một cái hàm ngoài.
Đây thì là một cái răng cửa.
Rồi một cái hàm răng nữa.
Ba mươi hai cái răng. Đủ một bộ răng người. Không thiếu cái nào.
Tôi chợt hiểu ra.
Tôi không thét lên. Tôi nghĩ chỉ có trong phim rừng rợn thì sợ hãi mới to mồm mà thôi.
Tôi chỉ rùng mình và rời bỏ cái cây ấy.
Cả ngày hôm ấy, đầu óc tôi quay cuồng, suy tính hết các phương án lựa chọn. Cái nào
cũng tồi tệ cả.
Đên đó, nằm ở cái giường trên cây quen thuộc, tôi thử lại kết luận của mình xem có đúng không. Tôi tóm một con chồn biển và thả cho nó rơi xuống đất.
Nó kêu choe choé trong khi rơi xuống. Và vừa mới thịch xuống đấy nó đã lập tức trèo ngay lên cây.
Với điệu bộ ngây thơ điển hình, nó lại leo về chỗ bên cạnh tôi, rồi bắt đầu cuống quýt liếm các bàn chân. Có vẻ rất khó chịu, nó nặng nề thở dốc.
Đáng lẽ thế là đủ. Nhưng tôi muốn tự mình thử nghiệm. Tôi trèo xuống và nắm chắc một đầu dây. Tôi đã buộc nút từng đoạn để trèo cho dễ. Khi đã xuống đến gốc cây, tôi thò một cây xuống đất, bàn chân cách mặt đất chừng vài phân. Tôi do dự.
Rồi tôi đặt chân xuống đất.
Đầu tiên chẳng cảm thấy gì. Nhưng rồi thình lình tôi thấy đau nhói dữ dội xuyên lên từ dưới lòng bàn chân. Tôi rú lên, tưởng mình sẽ ngã lộn cổ. Nhưng tôi vẫn bám được vào sợi dây và kéo được mình lên khỏi mặt đất. Tôi cuống cuồng đạp lòng bàn chân và cọ xát chúng vào thân cây. Nó có đỡ nhưng không ăn thua. Tôi leo trở lại chỗ mình. Tôi nhúng chân vào xô nước để cạnh giường. Tôi lau chân bằng lá cây. Tôi lấy dao giết hai con chồn biển và thử làm dịu cơn đau bằng máu cùng lòng ruột của chúng. Nhưng hai bàn chân tôi vẫn cháy bỏng. Chúng đau rát suốt đêm đó. Tôi không thể ngủ nổi, vừa đau vừa sợ.
Đó là một hòn đảo ăn thịt. Chính vì thế mà những con cá chết biển mất trong hồ. Hòn đảo nhử các con cá biển vào các đường hầm ngầm của nó, bằng cách nào tôi không biết. Có thể là cá cũng thích ăn tảo như tôi. Và chúng mắc vào bẫy. Vì lạc đường chăng? Vì các lối thông với biển bị đóng lại chăng? Hay là độ mặn của nước thay đổi từ từ đến mức khi chúng biết mình đang bơi trong nước ngọt thì đã quá muộn rồi? Gì đi nữa, những con cá ấy đã mắc trong nước ngọt và chết. Một số dềnh lên mặt hồ. Những con cá nhỏ sẽ bị chồn biển ăn. Trong đêm, một quá trình hoá học nào đó sẽ diễn ra – nó không diễn ra dưới ánh sáng mặt trời – và loài tảo săn mồi ấy tiết ra một loại axít đậm đặc, khiến cho những hồ thành những hố axít làm tiêu hết xác cá. Đó chính là lí do Richard Parker trở về xuồng hàng tối. Đó chính là lí do bọn chồn ngủ trên cây. Đó chính là lí do tôi không thấy loài gì khác trên đảo ngoài tảo.
Chuyện đó cũng giải thích được những cái răng người ở đâu mà ra. Trước tôi, đã có một kẻ khốn khổ nào đó dạt vào đảo, không biết anh ta – hay chị ta? – đã ở trên đảo bao lâu? Nhiều tuần? Nhiều tháng? Nhiều năm? Có bao nhiêu giờ phút cô đơn trên thành phố ngọn cây, chỉ có chồn biển là bạn? Bao nhiêu giấc mơ về một cuộc sống hạnh phúc đã tan vỡ? Bao nhiêu hi vọng đã tiêu tan? Bao nhiêu cuộc trò chuyện chưa nên lời đã im lặng? Bao nhiêu đơn côi đã phải chịu đựng? Bao nhiêu thất vọng đã phải chấp nhận? Và sau tất cả những cái đó là gì? Có cái gì còn lại.
Chẳng có gì cả, ngoài một chút men răng, như một đồng xu lẻ trong túi. Người ấy chắc hẳn đã chết trên cây. Vì ốm chăng? Vì bị thương chăng? Buồn nản quá chăng? Cần có
bao lâu để một linh hồn tan nát giết chết một cơ thể có đầy đủ đồ ăn, thức uống và một chốn nương thân? Những cái cây cũng ăn thịt, nhưng ở một mức độ axít thấp hơn, vẫn an toàn qua đêm trong khi cả hòn đảo sôi lên sùng sục. Nhưng khi người ấy đã chết và chỉ còn là một cái xác bất động, cái cây đã từ từ bọc lấy cái xác ấy và tiêu hoá nó. Xương cốt bị bòn rút hết các chất dinh dưỡng cho tới khi chúng tan biến đi. Với thời gian, thì rồi tất cả những cái răng ấy cũng sẽ tan biến đi.
Tôi nhìn khắp xung quanh. Một nỗi đắng cay dâng lên trong lòng. Những hứa hẹn tưng bừng của nó lúc ban ngày biến mất, trong lòng tôi chỉ còn lại sự phản trắc của nó vào ban đêm.
Tôi thầm thì, “Chỉ còn lại răng! Những cái răng!”
Đến khi rạng sáng thì tôi đã quyết định xong. Tôi thà ra đi và mất mạng trong cuộc sống đồng loại còn hơn sống nửa đời nửa đoạn trong cuộc sống đầy đủ vật chất và chết chóc tinh thần trên hòn đảo giết người này. Tôi đổ đầy các bình nước dự trữ và uống như một con lạc đà. Tôi ăn tảo suốt cả ngày cho đến khi bụng không còn chứa được nữa. Tôi giết và lột da chồn biển cho đến lúc chất đầy tủ và đầy sàn xuồng. Tôi thu hoạch cá trên hồ. Với cái rìu, tôi chặt lấy một khối tảo lớn và luồn dây qua nó buộc vào xuồng.
Tôi không thể bỏ Richard Parker. Bỏ nó lại tức là giết chết nó. Nó sẽ không qua được ngay đêm đầu tiên. Còn một mình trên xuồng lúc mặt trời lặn, tôi sẽ biết rằng nó đang bị thiêu chết bằng axít. Hoặc giả sẽ phải nhảy xuống biển và rồi chết đuối. Tôi đợi nó về. Tôi biết nó sẽ không về muộn.
Khi nó đã ở trên xuồng, tôi đẩy xuồng ra khỏi đảo. Trong vài tiếng đồng hồ, nước ròng giữ chúng tôi quanh quẩn đảo. Tiếng động của biển khơi khiến tôi khó chịu. Tôi đã hết quen với những lắc lư của xuồng. Đêm đó qua đi chậm chạp.
Đến sáng thì không thấy hòn đảo nữa, và cả khối tảo tôi đã buộc vào ở sau xuồng. Khi đêm xuống, những sợi tảo đã ăn đứt sợi dây bằng chất axít của nó.
Trời lặng, biển xám.