• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Chiến Tranh Và Hòa Bình (3 Viewers)

  • Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1) - Phần 3 - Chương 08.b

Tuy vậy, hay đúng hơn là vì vậy, ngày hôm sau, ngày mười lăm, sau bữa ăn trưa chàng lại đến Olmuytx và đi vào ngôi nhà dành cho Kutuzov để hỏi Bolkonxki. Công tước Andrey lần này có nhà và người ta đưa Boris vào một gian phòng lớn. Hồi trước, hình như đây là phòng khiêu vũ, nhưng bây giờ trong phòng có đặt năm chiếc giường và nhiều thứ đồ gỗ hỗn tạp: một chiếc bàn, mấy cái ghế, và một chiếc dương cầm. Một sĩ quan phụ tá mặc áo choàng ngủ bằng vóc Ba Tư đang ngồi viết ở chiếc bàn đặt gần cửa. Một sĩ quan khác là Nexvitxki mặt đỏ, béo dẫy, đang nằm trên giường gối đầu lên hai bàn tay, và đang cười cợt với một sĩ quan khác vừa đến ngồi cạnh giường. Người thứ ba đang chơi một bài Valse thành Viên trên chiếc dương cầm, người thứ tư thì nằm thưỡn người trên chiếc đàn và nhầm hát theo. Bolkonxki không có ở đây. Khi thấy Boris vào, những người đang ở trong phòng không có ai thay đổi tư thế. Boris lên tiếng hỏi viên sĩ quan đang ngồi viết. Hắn quay lại, vẻ bực bội, và trả lời rằng hôm nay Bolkonxki phải trực nhật, và nếu muốn gặp thì đi vào cánh cửa bên trái, đến phòng tiếp tân. Boris cảm ơn và đi sang phòng tiếp tân. Trong phòng có độ mười vị sĩ quan.


Khi Boris vào, công tước Andrey, mắt nheo nheo lại có vẻ khinh khỉnh (cái vẻ đặc biệt của một người đã mệt mỏi nhưng văn giữ lễ độ, cho người ta thấy rõ rằng giá thử đây không phải là nhiệm vụ của tôi, thì tôi đã không thèm nói chuyện với ngài lấy một phút), lắng nghe một vị tướng Nga già đeo đầy huân chương đang đứng nghiêm rướn thẳng người gần như kiễng chân lên, khuôn mặt đỏ tía lộ vẻ cung kính theo kiểu nhà binh, báo cáo với công tước Andrey một việc gì đấy.


- Được lắm, xin ngài đợi một lát, - Chàng nói với vị tướng bằng tiếng Nga với cái giọng Pháp mà chàng thường có khi muốn tỏ ý khinh thị, và khi trông thấy Boris, chàng không quay lại với vị tướng nữa (bấy giờ ông ta đang chạy theo van xin chàng nghe ông nói nốt). Công tước Andrey mỉm cười vui vẻ quay sang Boris gật đầu chào.


Lúc đó Boris hiểu rõ một điều mà chàng đã cảm thấy từ trước, - Là trong quân đội, ngoài cái tôn ti và kỷ luật có ghi trong điều lệ mà trong trung đoàn ai cũng biết và chính chàng cũng biết, còn có một thứ tôn ti khác quan trọng hơn, đó là cái tôn ti đã buộc một vị tướng mặt đỏ tía kia phải kính cẩn chờ đợi, một khi đại uý công tước Andrey thích cho rằng nói chuyện với thiếu uý Drubeskoy bây giờ tiện hơn. Hơn bao giờ hết, Boris quyết chí từ nay sẽ không tuân theo cái tôn ti có ghi trong điều lệ quân đội nữa, mà sẽ tuân theo cái tôn ti không thấy ghi kia. Bây giờ chàng đã thấy rõ rằng chỉ vỉ mỗi một việc là chàng được giới thiệu với công tước Andrey thôi, thế mà chàng đã lập tức đứng cao hơn một vị tướng, một người mà trong những trường hợp khác, khi đứng ở trong hàng ngũ, có thể dễ dàng biến một viên thiếu uý cận vệ như chàng thành con số không.


Công tước Andrey lại nắm lấy tay chàng.


- Rất tiếc là hôm nay anh không gặp tôi. Suốt ngày tôi phải đi giải quyết công việc với người Đức. Tôi với Vairother đi thẩm tra lại cách bố trí quân. Một khi mà ngùời Đức họ đã quyết làm cho cẩn thận thì thật không cùng.


Boris mỉm cười, làm như mình hiểu những việc mà công tước Andrey nhắc đến, xem như đó là những việc mà mọi người đã biết.


- Nhưng thật ra, chàng nghe nói đến Vairother lần này là lần đầu và cái danh từ "bố trí quân" kia cũng vậy.


- Thế nào, bạn anh, anh vẫn thích làm sĩ quan phụ tá đấy à? Từ hôm nọ tôi cứ nghĩ đến viẹc của anh mãi đấy.


- Vâng, tôi có ý định. - Boris nói, không hiểu tại sao bất giác đỏ mặt, - Xin quan tổng tư lệnh; ngài đã tiếp được một bức thư của công tước Kuraghin nói về tôi, tôi muốn xin cũng chỉ vì, - Boris nói thêm như để xin lỗi, - Chỉ vì tôi sợ rằng quân cận vệ sẽ không tham gia chiến sự.


- Được! Được! Chúng ta sẽ bàn tất cả những từ đó, - Công tước Andrey nói, - Anh hãy để cho tôi vào báo cáo về vị tướng kia một chút, rồi ra với anh ngay.


Trong khi công tước Andrey vào báo cáo về vị tướng có bộ mặt đỏ tía thì ông này, hình như không đồng ý lắm với những quan niệm của Boris về những cái lợi của thứ tôn ti không ghi vào quy chế, đưa mắt trừng trừng nhìn anh thiếu uý hỗn xược đã làm cho ông không nói hết được câu chuyện với công tước Andrey đến nỗi Boris thấy ngượng. Chàng quay mặt đi và nóng lòng chờ công tước Andrey ở phòng quan tổng tư lệnh trở ra.


Khi hai người cùng nhau đi vào gian phòng lớn có chiếc dương cầm, công tước Andrey bảo Boris:


- Anh bạn à, tôi đã nghĩ về việc của anh rồi. Anh không nên đến gặp quan tổng tư lệnh làm gì, ông ta sẽ nói với anh một mớ lời rất nhã nhặn, sẽ bảo anh đến dự bữa trưa với ông ta ("Được như vậy thì cũng đã khá lắm nếu xét theo thứ tôn ti kia" - Boris nghĩ thầm), nhưng chỉ có thế thôi ngoài ra chẳng thêm được gì hết; sĩ quan phụ tá tuỳ tùng ở đây sắp đông đến một tiểu đoàn rồi. Nhưng chúng ta sẽ làm như thế này: tôi có một người bạn rất thân làm phó tướng. Đó là công tước Dolgorukov, một người rất tốt, anh có thể rất biết việc này, nhưng thực ra hiện nay Kutuzov cùng với bộ tham mưu của ông cũng như tất cả chúng tôi hầu như chẳng có nghĩa lý gì nữa: hiện nay tất cả đều tập trung vào tay hoàng thượng; cho nên chúng ta sẽ đến Dolgorukov. Tôi cũng đang cần gặp ông ấy tôi đã nói chuyện với ông ấy về việc anh rồi, rồi ta sẽ xem ông ấy có thể xếp cho anh một chỗ gần ông hay ở một nơi nào gần mặt trời không.


Công tước Andrey bao giờ cũng hồ hởi đặc biệt khi có dịp dìu dắt một người thanh niên xây dựng địa vị trong xã hội. Lấy cớ là để nâng đỡ người khác. - Một sự nâng đỡ mà vì kiêu hãnh chàng không đời nào nhận cho mình. - Công tước Andrey tìm đến gần những nơi quyền quý vốn có sức hấp dẫn chàng. Chàng rất sẵn lòng giúp đỡ Boris và cùng đi với anh ta đến nhà công tước Dolgorukov.


Trời đã khá khuya khi hai người bước vào cung điện Olmuytx, nơi trú ngụ của hoàng đế và các nhân vật thân cận với ngài.


Ngày hôm ấy có buổi hội đồng quân sự, trong đó có tất cả các thành viên của Viện ngự tiền quân sự tham nghị và hai vị hoàng đế cùng tham dự. Trong buổi hội đồng này, ngược lại với ý kiến của hai ông già là Kutuzov và công tước Svartxenberg, họ đã quyết định ngày tấn công ngay và đưa đoàn quân mở trạn đánh Buônapáctê. Hội đồng mới kết thúc khi công tước Andrey cùng với Boris vào cung điện tìm công tước Dolgorukov. Tất cả các nhân vật trong đại bản doanh đều đang say sưa với buổi hội đồng quân sự hôm nay đã đưa lại thắng lợi cho phái trẻ. Tiếng nói của những người chủ trương trì hoãn, khuyên chưa nên tấn công để chờ đợi một cái gì ở đâu đâu, đều bị át đi một cách nhất trí và các luận cứ của họ bị những bằng chứng không thể nào chối cãi về những cái lợi của cuộc tấn công bác bỏ một cách chắc chắn đến nỗi những điều đã được bàn ở hội đồng: trận đánh sắp tới và thắng lợi hiển nhiên của trận đánh này, đều hình như không phải là chuyện tương lai nữa, mà là chuyện đã xảy ra rồi. Tất cả các thuận lợi đều ở phía ta. Những lực lượng rất lớn, nhất định là vượt hẳn các lực lượng của Napoléon, đã được điều động tập trung một chỗ: quân lính đều phấn khới vì sợ có mặt của hai vị hoàng đế và nức lòng tham chiến; Địa điểm chiến lược, nơi sẽ diễn ra trận đánh, đã được vị tướng Áo Vairother chỉ huy quân đội am hiểu tường tận đến từng chi tiết (dường như có một sự tình cờ may mắn đã xui quân đội Áo hồi năm ngoái tập trận ngay trên những khoảng đất mà quân ta sắp đánh nhau với quân Pháp); miền này đã được nghiên cứu rất tỷ mỷ và ghi lại kỹ lưỡng trên các bản đồ, còn Buônapáctê thì hình như đã suy yếu nên không thấy hành động gì cả. Dolgorukov, một trong những người hăng hái nhất phe tấn công, vừa mới ở phiên họp ra, mệt mỏi rã rời, nhưng phấn chấn và kiêu hãnh vì thắng lợi vừa đạt được trong hội đồng. Công tước Andrey giới thiệu người sĩ quan được mình che chở với ông ta, nhưng Dolgorukov chỉ bắt tay Boris rất chặt và lễ độ, mà không nói gì với anh ta cả. Hẳn ông ta không đủ sức kìm hãm được ý muốn nói ra những ý nghĩ đang khiến ông bận tâm nhất lúc này, cho nên công tước Dolgorukov quay sang phía Andrey và nói bằng tiếng Pháp:


- Chà anh bạn ạ, chúng tôi vừa tham dự một trận đánh thật ra trò! Chỉ mong sao kết quả của nó cũng đưa lại thắng lợi như thế.


- Nhưng bạn ạ, - Ông nói tiếp, giọng phấn chấn và dứt quãng. - Tôi phải thừa nhận rằng trước đây mình có lỗi với người Áo, và nhất là đối với Vairother. Họ thật là chính xác, chí lý, am hiểu địa phương thật là tường tận, lại nhìn thấy trước được tất cả các hoàn cảnh, tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất! Không anh bạn ạ, không thể nào tưởng tượng được một hoàn cảnh nào thuận lợi hơn hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Sự chính xác của người Áo mà phối hợp với sự dũng cảm của người Nga thì anh bảo còn gì hơn nữa?


- Thế là dứt khoát quyết định tấn công rồi à? - Bolkonxki nói.


- Này anh có biết không, tôi thấy hình như Buônapáctê bây giờ đã bối rối lắm rồi. Anh ạ, hôm nay vừa nhận được một bức thư hắn gửi hoàng thượng đấy. - Dolgorukov mỉm cười một nụ cười bao hàm nhiểu ý nghĩa.


- Thế à! Viết những gì thế? - Bolkonxki hỏi.


- Hắn còn có thể viết những gì? Chỉ lảm nhảm thế này thế nọ và vân vân, vân vân, chẳng qua chỉ để trì hoãn. Tôi xin nói với anh rằng nay hắn ở trong tay ta rồi chắc chắn như thế! Nhưng ngộ nghĩnh hơn cả là chuyện này, - Công tước Dolgorukov bỗng phá lên cười khà khà, - Là chẳng ai biết nên phúc đáp Buônapáctê như thế nào cho phải? "Gửi ngài Tổng tài" thì không ổn, dĩ nhiên là không thể "gửi Hoàng để được, cho nên tôi cho rằng có lẽ nên đề là "Gửi tướng Buônapáctê".


- Nhưng từ chỗ không thừa nhận người ta là hoàng đế đến chỗ gọi người ta là tướng Buônapáctê cũng có sự khác nhau đấy? - Bolkonxki nói.


- Chính thế, - Dolgorukov cười và ngắt ngay lời chàng, - Anh biết Bilibin đấy, anh ta là một người rất thông minh, anh ta đề nghị viết: "Gửi tên tiếm ngôi và kẻ thù của nhân loại".


Nói đoạn Dolgorukov vui vẻ cười lớn.


- Chỉ có thế thôi à? - Bolkonxki nói.


- Nhưng rồi Bilibin cũng tìm được một cách xưng hô đứng đắn. Thật là một người vừa thông minh vừa hóm hỉnh…


- Như thế nào?


- Gửi người đứng đầu chính phủ Pháp au Chef du gouvernement français, - Dolgorukov nói, giọng nghiêm trang và thoả mãn. - Gọi như vậy rất ổn có phải không nào?


- Ổn đấy, nhưng chắc Napoléon sẽ tức lắm. - Bolkonxki nói.


- Còn phải nói! Em trai tôi có biết hắn ta: nó đã mấy lần ăn tiệc với hắn, với đương kim hoàng đế ấy, ở Paris và có nói với tôi rằng nó chưa thấy một nhà ngoại giao nào tinh vi khôn khéo hơn. Chắc anh cũng biết đấy, sự khéo léo của người Pháp phối hợp với tài đóng kịch của người Ý mà! Anh biết mẩu giai thoại giữa hắn ta với bá tước Markov chứ? Chỉ có mỗi một mình bá tước Markov là biết xử trí với hắn thôi. Anh biết chuyện chiếc khăn tay chứ. Tuyệt! Và ông Dolgorukov kể mau chuyện ấy, khi thì quay sang Boris khi thì quay sang công tước Andrey, kể lại chuyện Buônapáctê.


- Thật tuyệt! - Công tước Bolkonxki nói. - Nhưng công tước ạ, tôi đến đây là để xin cho anh thanh niên này một việc… anh thấy đấy…


- Nhưng công tước Andrey chưa kịp nói hết thì một sĩ quan phụ tá đã gọi công tước Dolgorukov đến gặp hoàng thượng. Ông vội vã đứng dậy, bắt tay công tước Andrey và Boris nói:


- Chà, phiền quá. Anh ạ, tôi rất vui sướng được làm tất cả những gì thuộc về quyền tôi để giúp anh như giúp người thanh niên dễ mến này. - Ông ta bắt tay Boris một lần nữa, vẻ hiền hậu thành thật và vồn vã nhưng hời hợt. - Nhưng anh cũng thấy đấy… thôi để khi khác!


Boris cảm thấy xúc động cứ nghĩ rằng giây phút này mình đang được gần gũi những kẻ nắm quyền hành tối cao. Chàng có ý thức rằng ở đây mình đang tiếp xúc với những sợi dây cót chi phối tất cả những chuyển động lớn lao của những khối người đông đúc, trong đó chàng chỉ là một bộ phận nhỏ nhặt vô nghĩa và ngoan ngoãn ở trung đoàn của mình. Công tước Andrey và Boris theo công tước Dolgorukov đi ra hành lang. Ông ta đi vừa đến cửa phòng hoàng thượng thì cũng từ của ấy bước ra một người thấp bé mặc thường phục, vẻ thông minh, hàm dưới nhô ra phía trước vẽ thành một nét gẫy gọn, không làm cho vẻ mặt xấu đi, mà lại khiến cho nó thêm vẻ linh hoạt và tháo vát. Người đó gật đầu chào Dolgorukov như một người quen thân và nhìn chăm chăm vào công tước Andrey một cách lãnh đạm trong khi đi thẳng về phía chàng, hình như có ý chờ đợi chàng cúi chào hay nhường lối cho mình đi. Công tước Andrey chẳng chào mà cũng chẳng nhường lối; gương mặt kia lộ vẻ bực tức hắn quay mặt đi và bước ra phía hành lang.


- Ai đấy? - Boris hỏi.


Đó là một trong những người lỗi lạc nhất và cũng là một người mà tôi có ác cảm nhất. Đó là quan thượng thư bộ ngoại giao, công tước Adam Tsartorixki.


Khi hai người ra khỏi cung điện, công tước Andrey không nén được tiếng thở dài. Chàng nói:


- Chính những ngươi ấy đấy, chính những con người ấy quyết định vận mệnh của các dân tộc.


Hôm sau các đơn vị xuất quân, và mãi cho đến trận Austerlix, Boris không có thì giờ đến gặp Bolkonxki cũng như công tước Dolgorukov, và còn phải ở lại trung đoàn Izmail một thời gian nữa.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom