• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Chiến Tranh Và Hòa Bình (1 Viewer)

  • Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1) - Phần 2 - Chương 16 - 17

Phần II


Chương - 16


Sau khi đã vượt qua trận tuyến từ cánh phải sang cánh trái, công tước Andrey lên vị trí đơn vị pháo binh đóng ở đấy nơi mà theo lời viên sĩ quan tham mưu có thể nhìn bao quát được khắp chiến trường. Đến đây, chàng xuống ngựa và dừng lại cạnh khẩu pháo cuối cùng trong số bốn khẩu đã tháo ra khỏi xe. Một người pháo binh đứng gác trước súng, thấy có một vị sĩ quan đến liền bồng súng chào, nhưng công tước Andrey ra hiệu bảo nghỉ, và anh ta lại bước đi theo lối bước đều đều, buồn buồn của mình. Đằng sau các khẩu pháo là những cỗ xe kéo pháo, đằng sau nữa có mấy người lính túc trực cưỡi ngựa và những đống lửa của pháo binh.


Bên trái, cách khẩu súng cuối cùng không xa là một cái lều mới dựng lên, từ trong lều vang ra những tiếng nói chuyện rôm rả của các sĩ quan.


Đúng như viên sĩ quan tham mưu đã nói, từ vị trí của đội pháo binh nhìn ra, có thể nhìn thấy hầu hết cách bố trí của quân đội Nga, và một phần lớn vị trí của dịch. Phía trước mặt đội pháo binh, trên ngọn đồi đối diện, làng Songraben in lên nền trời. Ở bên trái và bên phải làng Songraben, trong làn khói của các bếp lửa do họ đốt lên, ở ba chỗ có thể nhận ra những đám quân Pháp. Hẳn là phần lớn các đơn vị ở ngay trong làng và ở đằng sau núi. Bên trái làng, ở trong làn khói, thấp thoáng một cái gì giống như một đội pháo, nhưng nếu chỉ nhìn bằng mắt trần thì không thể nào quan sát cho rõ được. Cánh phải của quân ta bố trí trên một cao điểm khá dốc khống chế vị trí của quân Pháp. Bộ binh của ta được bố trí cao điểm này, và ở phía ngoài cũng có thể trông thấy những đơn vị long kỵ binh. Ở trung tâm, nơi đội pháo binh của Tusin bố trí, và là nơi công tước Andrey đứng quan sát, sườn núi dốc thoai thoải xuống thẳng đến một ngọn suối ngăn cách quân ta với Songraben. Cánh trái quân ta ở sát khóm rừng, nơi có những đám khói bốc lên từ những đống lửa của các đơn vị bộ binh ta đang đẵn củi. Trận tuyến quân Pháp rộng hơn trận tuyến quân ta và rõ ràng là quân Pháp có thể dễ dàng bao vây quân ta từ cả hai phía. Đằng sau các vị trí của quân ta là một cái khe sâu và dốc đứng, kỵ binh và pháo binh rất khó rút lui theo phía đó.


Công tước Andrey chống khuỷu tay lên nòng đại bác lấy ra một quyển sổ tay phác hoạ sơ đồ cách bố trí quân đội để dùng riêng. Ở hai nơi chàng ghi lại những điều nhận xét bằng bút chì, định để báo cáo lại với Bagration. Chàng đề nghị là trước nhất nên tập trung tất cả các pháo binh vào giữa, thứ hai là chuyển kỵ binh lùi về phía bên này khe. Công tước Andrey luôn luôn ở bên cạnh Tổng tư lệnh đã từng chú ý theo dõi sự vận chuyển của một đại quân và những cách bố trí đại thể, chàng lại thường xuyên lo việc miêu tả lịch sử các trận đánh, vì vậy trong trận chiến đấu sắp tới, chàng vô tình chỉ nghĩ đến sự phát triển của chiến sự trên đại thể. Chàng chỉ hình dung ra những khả năng lớn sau đây: "Nếu quân địch tấn công vào cánh phải. - Chàng tự nhủ - Thì lính thủ pháo thành Kiev và khinh binh Podolxki nhất định phải giữ vững trận địa của mình cho đến khi những đội quân dự bị ở trung tâm đến tiếp viện. Trong trường hợp này, đội long kỵ binh(1) có thể đánh vào sườn quân địch và đẩy lùi chúng. Trong trường hợp chúng đánh vào giữa. - Chàng nghĩ thầm. - Ta đặt ở trên cao điểm này một pháo đội pháo trung tâm và dưới sự yểm hộ của nó, quân ta sẽ dàn cánh trái ra rồi rút lui dần từng đợt về đến khe núi.


(1) Long kỵ binh: Kỵ binh võ trang bằng súng trờng có thể chiến đấu trên mình ngựa cũng như không có ngựa.


Suốt cả thời gian đứng bên khẩu đại bác của đội pháo binh, chàng vẫn luôn luôn nghe rõ tiếng nói của các sĩ quan ở trong lều, nhưng đúng như ta vẫn thường gặp, chàng chỉ nghe thấy tiếng nói mà không hiểu một chữ nào. Đột nhiên một giọng nói từ trong văng vẳng ra, giọng nghe tha thiết đến nỗi chàng bất giác lắng tai nghe:


- Này cậu. - Một giọng nói dễ ưa mà công tước Andrey nghe có vẻ quen thuộc đang nói. - Tôi bảo là giả sử có thể biết được sau khi chết sẽ có cái gì thì thì bọn chúng mình chẳng ai sợ chết cả. Chính thế đấy cậu ạ.


Một giọng khác trẻ hơn ngắt lời:


- Nhưng mà sợ hay không sợ thì cũng thế thôi, chẳng có cách nào tránh khỏi chết.


- Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ đấy! Chà, các nhà thông thái! - Một giọng thứ ba ồm ồm ngắt lời hai giọng kia. - Con nhà pháo binh các cậu thông thái lắm vì lúc nào cũng có thể mang theo đủ thứ, cả rượu, lẫn thức nhắm.


Và người có cái giọng ồm ồm, hẳn là một sĩ quan bộ binh, cười phá lên.


- Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ - Giọng nói nghe quen thuộc lúc nãy tiếp. - Cái gì người ta chưa biết thì người ra sợ, có thế thôi.


- Người ta cứ bảo là linh hồn sẽ lên thiên đường, nhưng chúng ta thừa biết rằng chẳng làm gì có thiên đường mà chỉ có khí quyển thôi. - Cái giọng ồm ồm lại ngắt lời người pháo binh.


- Được! Nếu thế thì cậu rót rượu cỏ thết bọn mình đi, Tusin.


- À đó chính là anh là chàng đại uý không đi ủng trong lều bán hàng ăn lúc nãy. - Công tước Andrey nghĩ thầm trong khi nhận ra cái giọng nói dễ ưa đang triết lý.


- Rượu cỏ thì cũng có thể được. - Tusin nói. - Nhưng còn hiểu được đời sống sau này… - anh ta không nói được hết câu.


Ngay lúc ấy, từ trong lều chàng Tusin nhỏ bé nhảy ra trước mọi người, mép còn ngậm tẩu thuốc, khuôn mặt hièn hậu, thông minh của anh hơi tái đi. Tiếp theo sau là người có giọng ồm ồm. Đó là một sĩ quan bộ binh còn trẻ. Hắn ta chạy vội về phía đại đội của mình, vừa chạy vừa cài lại cúc áo.


Phần II


Chương - 17


Công tước Andrey ngồi trên lưng ngựa cạnh đơn vị pháo binh, đưa mắt nhìn làn khói của khẩu pháo địch vừa bắn quả tạc đạn. Mắt chàng nhìn hết nơi này đến nơi khác trên khoảng rộng. Chàng chỉ thấy những đám quân Pháp trước đây vẫn im lìm thì bây giờ đang đi động và ở bên trái quả nhiên có một trận địa pháo binh. Làn khói trên đội pháo vừa bắn vẫn chưa tan. Hai người Pháp cưỡi ngựa, có lẽ là hai sĩ quan phụ tá, phi trên sườn núi, chắc là đang đến tăng cường cho tiền tiêu. Làn khói của phát đạn đầu tiên chưa tan, thì đã thấy một làn khói khác và sau đó nghe tiếng súng nổ. Trận giao chiến đã bắt đầu. Công tước Andrey quay ngựa và phi về phía Grun để tìm công tước Bagration. Ở sau lưng chàng tiếng đại bác nghe đã dồn dập hơn và mạnh hơn. Hình như quân ta đã bắt đầu trả lời. Ở dưới thấp, ngay cả ở nơi mà trước đây các sứ giả qua lại, đã nghe thấy tiếng súng trường.


Lemarrois vừa nói vừa mang đến cho Mura bức thư lời lẽ giận dữ của Buônaparte, và Mura xấu hổ muốn sửa chữa sai lầm liền cho quân tiến vào trung tâm và bọc qua hai cánh sườn quân ta, hy vọng rằng trước hoàng hôn và trước khi Hoàng đế đến sẽ tiêu diệt được cái chi đội không đáng kể đang ở trước mắt mình.


- Bắt đầu rồi! Nó đây rồi! - Công tước Andrey nghĩ thầm. Chàng cảm thấy máu chàng dồn về tim nhanh hơn. - Nhưng ở đâu? - Trận Toulon của ta sẽ thể hiện ra như thế nào?


Trong khi đi ngựa qua trước mặt các đại đội cách đây mười lăm phút vừa ăn cháo vừa uống vodka, chàng nhìn thấy ở khắp nơi đâu đâu quân sĩ cũng đã cầm lấy súng và sắp thành hàng ngũ. Và trên tất cả các gương mặt chàng đều nhận ra cái cảm giác hăng hái sôi sục lòng mình. Gương mặt của mỗi người lính, mỗi người sĩ quan đều muốn nói


"Bắt đầu rồi! Nó đây rồi, khủng khiếp quá, mà vui quá!"


Chưa đi đến những công sự đang đắp, chàng đã thấy trong ánh hoàng hôn của buổi chiều thu ảm đạm hôm ấy có một nhóm người cưỡi ngựa tiến về phía chàng. Người đi dầu mặc "burka" đội mũ luỡi trai bằng da cừu, cưỡi một con ngựa trắng. Đó là công tước Bargration cũng đã dừng ngựa lại, và khi nhận ra công tước Andrey, ông gật đầu một cái rồi vẫn tiếp tục quan sát chiến trường trong khi nghe công tước Andrey báo cáo lại những điều đã thấy.


Ý nghĩa "Đấy! Bắt đầu rồi đấy!" Cũng hiện rõ trên gương mặt rắn rỏi, rám nắng của Bagration với cặp mắt đục mờ lim dim như còn ngái ngủ. Công tước Andrey tò mò và lo lắng nhìn vào cái gương mặt im lìm ấy và muốn biết trong giờ phút này con người ấy có những ý nghĩ gì, những cảm giác gì.


"Không biết đằng sau cái mặt im lìm kia có cái gì không?" - Công tước Andrey tự hỏi khi nhìn Bagration. Bagration gật đầu, tỏ ý đồng tình với lời báo cáo của công tước Andrey nói "Tốt lắm!" với cái vẻ như tất cả những điều xảy ra; tất cả những điều mà người ta báo cáo với ông chính là những điều ông dự kiến từ trước. Vì phi ngựa quá nhanh, công tước Andrey thở gấp và nói vội vàng. Trái lại, công tước Bagration với cái giọng của người phương Đông, chậm rãi phát âm từng tiếng một như muốn cho người ta hiểu rằng chẳng việc gì phải vội vàng cả.


Tuy nhiên, ông vẫn thúc ngựa chạy nước kiệu về phía đại đội pháo binh của Tusin. Công tước Andrey nhập vào đoàn tuỳ tùng và đi theo ông. Theo sau Bagration có viên sĩ quan tuỳ tùng, viên sĩ quan phụ tá của Bagration là Zerkov, viên sĩ quan tham mưu trực nhật cưỡi con ngựa lại rất đẹp và một viên công chức nhà nước, một viên phán quan đã xin đi theo để xem trận đánh. Ông ta là một người béo tốt, mặt mày phương phi, mắt cứ nhìn ngang nhìn ngửa, trên môi nở một nụ cười sung sướng ngây ngô, người nhún nhảy trên lưng ngựa.


- Cái áo khoác rộng bằng len cái yên của đội vận tải khiến cho ông có một bộ dạng kỳ quặc ở trong đám phiêu kỵ, lính cô-dắc và sĩ quan phụ tá Zerkov chỉ ông ta nói với công tước Andrey:


- Cái ông này muốn xem trận đánh, nhưng trong bụng đã thấy hốt rồi.


- Ồ không đâu, tôi xin ông. - Ông kia đáp lại, miệng nhoẻn một nụ cười vừa ngây ngô vừa tinh quái, dường như lấy làm khoái chí khi thấy mình là đối tượng để cho Zerkov bông đùa; và dường như thể ông ta cố tình làm ra vẻ ngốc nghếch chứ thực ra không đến nỗi thế.


Viên sĩ quan tham mưu nói:


- Ngộ nghĩnh lắm, thưa ông công tước của tôi ạ - Ông ta nhớ rằng trong tiếng Pháp khi dùng những chữ công tước người ta phải nói theo một công thức đặc biệt nào đó nhưng không sao nói cho đúng được.


Khi họ đã đến gần đơn vị pháo binh của Tusin, một quả tạc đạn rơi ở trước mặt.


- Cái gì thế? - Viên phán quan hỏi và mỉm cười ngây ngô.


- Bánh đa của quân Pháp đấy. - Zerkov đáp.


- Ồ! Thế ra họ bắn bằng bánh à? - viên phán quan hỏi. - Lạ quá nhỉ?


Và mặt ông ta trông như nở nang và thích thú. Ông vừa nói dứt lời thì bỗng lại có một tiếng vèo vèo ghê sợ đột nhiên chấm dứt nghe đánh bẹt một cái vào một cái gì mềm mềm, và người cô-dắc đang đứng chênh chếch ở phía sau ông ta gục xuống đất cả người lẫn ngựa, Zerkov và viên sĩ quan tham mưu trực nhật cúi rạp mình trên lưng ngựa và quay ngựa đi chỗ khác. Viên phán quan dừng ngựa tò mò nhìn người cô-dắc. Người cô-dắc đã chết nhưng con ngựa vẫn còn giãy giụa.


Bagration ngoái cổ lại nheo mắt nhìn và sau khi nhận ra nguyên nhân của sự lộn xộn, liền thản nhiên quay mặt đi như muốn nói: "Hơi đâu bận tâm về những việc không đâu như thế. Ông dừng ngựa và với tư thế một tay kỵ mã lão luyện khẽ cúi mình gỡ thanh kiếm mắc vào tay áo "burka". Đó là một thanh kiếm cổ không giống những thanh kiếm người ta vẫn đeo hồi ấy. Công tước Andrey sực nhớ đã nghe người ta kể chuyện rằng hồi ở Ý, Xuvorov có tặng cho Bagration thanh kiếm của mình, và lúc này nhớ lại; công tước Andrey thấy thích thú lạ thưòng. Mấy người đã đến gần vị trí đại đội pháo binh, nơi mà công tước Andrey dừng lại để quan sát chiến trường.


- Đại đội pháo binh của ai đấy? - Bagration hỏi viên sĩ quan đứng cạnh mấy hòm đạn. Tuy hỏi vậy nhưng thực ra ông muốn nói: "Các anh ở đây có sợ không?" và các pháo thủ cũng hiểu như vậy.


- Thưa ngài, đại đội của đại uý Tusin ạ - Người pháo thủ tóc hoe, mặt dầy tàn hương đứng thẳng người đáp, giọng vui vẻ.


- Được được!


Bagration nói, như đang suy nghĩ điều gì. Ông đi qua những cỗ xe kéo pháo và đến khẩu pháo ở ngoài cùng. Ngay trong lúc ông đến gần thì khẩu pháo này bắn ra mà ông và những người tuỳ tùng choáng cả tai, và trong làn khói đột nhiên bao quanh khẩu pháo người ta thấy mấy pháo thủ vội vàng ôm lấy khẩu pháo ra sức đẩy nó lại vị trí cũ. Người pháo thủ số một là một người cao lớn vai rộng, đang dang rộng hai chân cầm lấy chiếc gậy thông nòng nhảy một cái về phía bánh xe. Người pháo thủ số hai tay run run nạp đạn vào miệng súng. Người hơi gù là sĩ quan Tusin, nhảy ra phía trước, vấp chân vào giá súng. Anh giơ bàn tay nhỏ nhắn lên che mắt để nhìn cho rõ không để ý thấy vị thủ trưởng.


- Cứ thêm hai độ nữa là đúng khuýp. - Giọng nói nhỏ nhẹ của anh gào lên, anh cố sức làm cho nó có được một âm sắc hiên ngang chẳng ăn khớp gì với con người của anh ta. Anh cất tiếng the thé hô: "Phát thứ hai, Medvedev, bắn!".


Bagration gọi viên sĩ quan lại. Tusin liền đến trước mặt vị tướng, giơ ba ngón tay lên lưỡi trai với một cử chỉ bẽn lẽn vụng về giống cử chỉ của ông cố đạo làm lễ ban phước chứ tuyệt nhiên không giống cái chào của một quân nhân.


Mặc dù bốn khẩu pháo của Tuisin đặt ở đây đã bắn vào khe núi, anh vẫn bắn vào đạn lửa của làng Songraben ở trước mặt, nơi có những toán quân Pháp đang tiến lại. Không ai ra lệnh cho Tusin bắn vào đích nào và bắn bằng đạn gì hết. Sau khi bàn bạc với Zakhartsenko, viên sĩ quan quản trị của đại đội mà anh kính trọng, cuối cùng anh đã quyết định rằng tốt nhất là bắn cho cháy cái làng kia. Sau khi nghc anh báo cáo, Bagration nói: "Được" đoạn lại bắt đầu nhìn qua một lượt toàn bộ chiến trường đang mở ra trước mắt có vẻ như đang bận tâm suy nghĩ điều gì đó.


Quân Pháp tiến gần đến trận địa hơn cả là ở phía bên phải, ở phía dưới cao điểm mà trung đoàn Kiev bố trí, trên con sông nhỏ chạy qua khe núi, tiếng súng trường bắn từng tràng liên tiếp khiến người ta nghe mà thấy tim như thắt lại. Viên sĩ quan tuỳ tùng chỉ cho Bagration thấy rằng ở phía cực hữu đằng sau đội long kỵ binh, có một đội quân Pháp đang đi vòng để để vây bọc sườn quân ta. Ở sát bên trái là một cánh rừng chắn ngang chân trời. Công tước Bagration ra lệnh cho hai tiểu đoàn ở trung tâm đến tăng viện cho cánh phải. Một sĩ quan tuỳ tùng đánh bạo nhắc công tước rằng nếu rút hai tiểu đoàn này thì đại đội pháo binh sẽ không có ai yểm hộ nữa, Bagration đưa cặp mắt đục lờ về phía viên sĩ quan tuỳ tùng và lặng là nhìn anh ta. Andrey cảm thấy ý kiến của viên sĩ quan tuỳ tùng đúng là không còn phải bàn bạc gì nữa. Nhưng ngay lúc ấy một viên chỉ huy trung đoàn phái sĩ quan phụ tá đến báo tin rằng trung đoàn của ông ở trong khe núi phải đương đầu với những lực lượng đông đảo của quân Pháp từ trên xuống nên đã rối loạn và phải rút lui về phía đại đội thủ pháo thành Kiev. Bagration gật đầu tỏ ý bằng lòng và vội vàng phái quân tuỳ tùng đến đội long kỵ binh để ra lệnh cho nó tấn công, trong khi bản thân ông thì cưỡi ngựa đi trước một bước về phía tay phải. Nửa giờ sau, viên sĩ quan trở lại báo tin rằng vì gặp phải hoả lực dữ dội, đại tá chỉ huy trung đoàn long kỵ binh đã rút lui về phía bên kia khe núi để khỏi tổn thất một cách vô ích, và do đó đại tá đã cho lính xạ kích rút vào rừng. Bagration nói:


- Được!


Ngay lúc ông rời khỏi đội pháo binh thì một loạt đạn lại nổ ở trong rừng về phía cạnh tả quân. Vì cánh ấy quá xa, Bagration không thể đến đấy kịp, bèn phái Zerkov đến báo cho viên tướng chỉ huy ở đây. - Viên tướng này chính là người đem trung đoàn duyệt binh trước mặt Kutuzov ở Braonao. - Rằng ông ta phải rút lui ngay ra phía sau khe núi cho thật nhanh vì chắc cánh trái không thể nào ngăn chặn quân địch được lâu. Còn đại đội pháo của Tusin và tiểu đoàn yểm hộ nó thì bị bỏ quên. Công tước Andrey lắng tai nghe những lời công tước Bagration nói với vị chỉ huy và thấy rằng thực ra công tước Bagration không hề nhận ra lệnh gì hết, mà chỉ cố gắng làm cho người ta tin rằng tất cả những điều xảy ra vì tất nhiên, vì ngẫu nhiên hay vì ý muốn của những người chỉ huy cấp dưới, tuy không phải do mệnh lệnh của ông, nhưng đều hợp vớỉ ý định của ông. Tuy nhiên, công tước Andrey cũng nhận thấy rằng mặc dầu những biến cố xảy ra đều là do ngẫu nhiên và hoàn toàn không liên quan đến ý chí của ông, chỉ riêng sự có mặt của Bagration với cái thái độ khôn khéo của ông đã gây nên những kết quả hết sức lớn. Các sĩ quan chỉ huy khi đến gặp Bagration thì mặt mày hốt hoảng nhưng khi ra đi thì đều đã trấn tĩnh lại, võ quan và binh sĩ đều chào ông một cách vui vẻ trở nên phấn khởi hơn, và hẳn là muốn biểu đương tinh thần anh dũng của mình trước mặt ông.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom