• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full CHA GIÀU CHA NGHÈO (2 Viewers)

  • Quyển 1 - Chương 9: Tập 1

Tác giả: Robert Kiyosaki và Sharon Lechter



Để trả lời câu hỏi: “Tôi có thể bắt đầu như thế nào?” tôi thường đưa ra phương pháp suy nghĩ mà tôi đã trải nghiệm qua một thời gian dài. Thực sự rất dễ tìm được những vụ giao dịch lớn. Tôi thề như thế đấy. Cũng như tập chạy xe đạp vậy thôi, sau một chút lảo đảo ban đầu thì mọi việc cũng giống như ăn bánh vậy. Nhưng khi nói đến tiền bạc thì quyết định vượt qua giai đoạn lảo đảo này là chuyện riêng của mỗi người.



Để tìm được một “vụ giao dịch cả đời” trị giá hàng triệu đô la, chúng ta phải kêu gọi đến khả năng tài chính bẩm sinh của mình. Tôi tin rằng mỗi người chúng ta đều có một khả năng tài chính thiên bẩm. Vấn đề là thiên tư này hãy còn yên ngủ và đang chờ được đánh thức. Nó ngủ yên vì nền văn hóa của chúng ta đã giáo dục chúng ta rằng sự yêu thích tiền bạc là nguồn gốc của mọi tai họa. Nó khuyến khích chúng ta học một nghề nghiệp để có thể làm việc kiếm tiền, nhưng nó không dạy chúng ta phải làm thế nào để tiền bạc làm việc cho mình. Nó bảo chúng ta đừng lo lắng về vấn đề tài chính trong tương lai, vì công ty hay chính quyền sẽ chăm sóc cho chúng ta khi ta về hưu. Tuy nhiên, cuối cùng thì chính con cái của chúng ta, cũng được giáo dục trong hệ khống trường học y như vậy, sẽ phải trang trải những điều đó. Những gì được truyền lại là hãy làm việc tích cực, kiếm tiền và dùng tiền, khi nào túng bấn thì luôn có thể đi mượn.



Không may là đa số người ta tin vào những giáo điều trên, đơn giản vì tìm việc và kiếm tiền luôn dễ dàng hơn nhiều. Nếu bạn không nằm trong số đông này, tôi xin đưa ra 10 bước để đánh thức khả năng tài chính thiên bẩm của bạn. Đây là 10 bước mà cá nhân tôi đã thực hiện và thấy rất hữu hiệu. Nếu bạn muốn làm theo một vài điều trong số này thì rất tốt. Nếu không thì hãy dựa vào khả năng tài chính thiên bẩm của mình để phát triển một danh sách riêng của bạn.



Khi ở Peru với một người đã làm công việc đào vàng suốt 45 năm, tôi hỏi ông ấy vì sao lại quá tự tin trong việc tìm vàng như vậy. Ông trả lời: “Vàng ở mọi nơi. Nhưng hầu hết mọi người đều không được huấn luyện để nhìn thấy nó.”



Và đó quả là sự thật. Đối với bất động sản, tôi có thể đi ra ngoài và trở về với bốn hay năm vụ giao dịch lớn trong một ngày, trong khi một người bình thường sẽ đi và không tìm thấy gì cả, cho dù cả hai cùng đến một vùng như nhau. Nguyên nhân là vì họ đã không dành thời gian để phát triển khả năng tài chính thiên bẩm của mình.



10 bước để phát triển khả năng tài chính thiên bẩm của bạn - đây là quá trình phát triển một quyền năng mà Chúa đã ban cho bạn và nó sẽ thực sự là một quyền năng chỉ khi nào bạn có thể điều khiền được nó.



1. TÔI CẦN LÝ DO HƠN LÀ MỘT THỰC TẾ:



Sức mạnh của tinh thần. Nếu bạn hỏi mọi người xem họ có thích được giàu có và tự do tài chính hay không, họ sẽ trả lời là “có”. Nhưng con đường này có vẻ quá dài và phải leo quá nhiều đồi núi trong khi chỉ cần làm việc kiếm tiền và trao số tiền còn dư cho người môi giới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.



Có lần tôi gặp một cô gái trẻ ôm mộng có mặt trong đội bơi thi Olympic của Mỹ. Trong thực tế, cô gái phải thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày để tập bơi trong 3 giờ trước khi đến trường. Cô không đủ thời gian để tham gia tiệc tùng với bạn bè vào những tối thứ Bảy. Nhưng cô vẫn phải học và cố đạt điểm cao như mọi người khác. Khi tôi hỏi điều gì đã thúc đẩy cô đến mức có sự hy sinh siêu phàm như vậy, cô nói một cách đơn giản: “Tôi làm điều đó cho bản thân mình và cho những người mà tôi yêu mến. Chính tình yêu đã giúp tôi vượt qua trở ngại và hy sinh.”



Một lý do hay một mục đích là sự kết hợp giữa cái “muốn” và cái “không muốn”. Khi người ta hỏi tôi nguyên nhân của việc muốn trở nên giàu có là gì, tôi thường trả lời: đó chính là sự kết hợp giữa những cảm xúc sâu sắc “muốn” và “không muốn”.



Tôi sẽ liệt kê ra vài ví dụ. Đầu tiên là cái “không muốn”, vì nó tạo ra cái “muốn”. Tôi không muốn phải làm việc đầu tắt mặt tối suốt đời. Tôi không thích phải làm một nhân viên suốt đời. Tôi không thích cha tôi luôn phải làm việc vất vả suốt đời và bị lấy đi phần lớn những gì ông ấy làm ra cho đến chết. Người giàu thì không như thế. Họ làm việc tích cực và truyền lại mọi thứ cho con cháu mình. Bây giờ là đến cái muốn. Tôi muốn rảnh rỗi đi du lịch vòng quanh thế giới và sống theo ý thích của mình. Tôi muốn có thể làm được như thế khi mình còn trẻ. Đơn giản là tôi muốn được tự do. Tôi muốn quản lý thời gian và cuộc sống của chính mình. Tôi muốn tiền bạc phải làm việc cho tôi.



Đó là những nguyên nhân sâu kín đã giúp tôi đứng dậy, bước đi tiếp sau những thua cuộc và vấp ngã. Thế còn những ham muốn của bạn là gì? Nếu chúng không đủ mạnh mẽ, thực tế khó khăn của con đường trước mặt có thể sẽ khiến bạn nản lòng đấy.



2. MỖI NGÀY TÔI ĐỀU CÓ NHỮNG LỰA CHỌN



Quyền lực của sự chọn lựa. Đây là lý do chính khiến người ta muốn sống trong một đất nước tự do. Chúng ta muốn có quyền lựa chọn.



Lúc nhỏ, tôi rất thích chơi cờ tỷ phú và khi đã trưởng thành tôi vẫn rất thích chơi trò này. Tôi còn có một người cha giàu, người đã chỉ cho tôi thấy sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản. Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã quyết phải trở nên giàu có, và tôi biết tất cá những gì mình phải làm là học cách kiếm được tài sản, những tài sản thực sự. Người bạn thân nhất của tôi, Mike, đã có sẵn một cột tài sản trong tay mình, nhưng anh vẫn chọn phải học để giữ và phát triển nó. Nhiều gia đình giàu có đánh mất tài sản ở các thế hệ sau, đơn giản vì những thế hệ sau đó không được huấn luyện để trở thành những người quản lý tài sản tốt.



Với 90% dân số, giàu có sẽ đem đến “lắm rắc rối”. Vì vậy mà họ nghĩ ra những câu nói như: “Tôi không quan tâm đến tiền bạc”, “Tôi sẽ không bao giờ làm giầu”, “Tôi không phải lo lắng gì, tôi còn trẻ lắm”, “Khi nào kiếm ra tiền, lúc đó tôi sẽ nghĩ đến chuyện tương lai” hay “Chồng, vợ tôi mới là: người lo việc tài chính”. Vấn đề của những câu nói trên là chúng cướp đi từ những người chọn cách suy nghĩ như vậy 2 thứ: một là thời gian, tài sản quý nhất của bạn, và hai là sự học hỏi. Bạn không có tiền, đó không phải lý do để bào chữa cho việc không chịu học. Nhưng đó là cái mà hàng ngày chúng ta lựa chọn, và thực hiện với toàn bộ thời gian, tiền bạc và cố nhét chúng vào đầu mình có là quyền lực của sự chọn lựa. Tất cả chúng ta đều được chọn lựa. Tôi đã chọn được giàu có, và mỗi ngày tôi đều lựa chọn như thế.



HÃY ĐẦU TƯ VÀO VIỆC HỌC TRƯỚC TIÊN:



Trên thực tế, cột tài sản thực sự duy nhất chính là trí óc của bạn, công cụ quyền lực nhất mà bạn có khả năng chi phối. Khi tôi nói về quyền lực của sự lựa chọn, mỗi chúng ta đều đang chọn xem mình cần phải nhớ những gì khi đã đủ lớn. Bạn có thể xem MTV suốt ngày, đọc những tạp chí chơi gôn, học làm đồ gốm hay đến một lớp học kế hoạch tài chính. Hầu hết mọi người đều chỉ bỏ tiền ra mua sự đầu tư hơn là phải đầu tư vào việc học cách đầu tư trước.



Gần đây một người bạn của tôi, một phụ nữ giàu có, mới bị mất trộm. Tên trộm cuỗm mất một chiếc TV, VCR và không đụng đến một cuốn sách nào. Tương tự như vậy, 90% dân số mua máy truyền hình và chỉ có khoảng 10% mua sách dạy kinh doanh hay đầu tư về để nghiền ngẫm.



Tôi rất thích đến những hội nghị chuyên đề. Năm 1973, tôi xem TV và thấy quảng cáo về một hội nghị chuyên đề kéo dài 3 ngày về việc làm thế nào để mua bất động sản mà không phải trả tiền mặt. Tôi bỏ ra 385 $ để tham dự và khóa học này đã đem lại cho tôi nhiều triệu đô la. Nhưng quan trọng hơn, nó đã đem sinh khí đến cho tôi. Tôi không phải làm việc gì trong suốt quãng đời còn lại nữa chỉ nhờ một khóa học này. Mỗi năm tôi tham dự ít nhất là 2 khóa như vậy.



Tôi thích những cuốn băng ghi âm vì tôi có thể nhanh chóng quay lại từ đầu. Tôi đã nghe cuốn băng của Peter Lynch, có những điều ông ấy nói mà tôi hoàn toàn không đồng ý. Thay vì tỏ ra kiêu ngạo và phê phán ông, tôi bấm 1 nút “rewind” và nghe lại đoạn băng 5 phút của ông ít nhất là 20 lần hay nhiều hơn nữa. Và bất thình lình, bằng cách làm cho đầu óc mình cởi mở hơn, tôi đã hiểu được tại sao ông ấy lại nói như thế. Giống như một phép thần thông vậy. Tôi cảm thấy dường như mình vừa mở được một cánh cửa vào tư tưởng của một trong những nhà đầu tư lớn nhất thời đại. Tôi đã có thể hiểu thấu một cách sâu sắc nguồn tài nguyên học vấn và kinh nghiệm khổng lồ của ông.



Kết quả thực tế là tôi vẫn giữ cách suy nghĩ cũ của mình, nhưng lại có thêm cách nhìn của Peter trong cùng một vấn đề hay tình huống tương tự. Tôi có hai cách nghĩ thay vì chỉ một. Có thêm một cách phân tích vấn đề theo khuynh hướng khác quả là vô giá. Ngày nay tôi thường tự hỏi mình: “Peter Lynch sẽ làm điều này như thế nào? Hay Donald Trump, Warren Buffett, George Soros, họ sẽ giải quyết thế nào?”



Cách duy nhất có thể thâm nhập vào năng lực tinh thần khổng lồ của họ là cần phải khiêm tốn chịu khó tìm đọc hay lắng nghe những gì họ nói. Những người kiêu ngạo hay phê phán thường là những người có lòng tự trọng thấp và luôn sợ mạo hiểm. Bạn thấy đó, khi học một điều gì mới, bạn cần phải phạm sai lầm thì mới có thể hiểu thấu được tất cả những gì mình đang học.



Nếu bạn đã đọc đến đây thì có lẽ sự kiêu ngạo đối với bạn không thành vấn đề nữa rồi. Những người kiêu ngạo hiếm khi chịu đọc sách hay mua băng. Tại sao phải mua chứ? Họ là trung tâm của vũ trụ cơ mà.



Rất nhiều người “thông minh” thường tranh cãi hay tỏ ra phòng thủ khi có một ý kiến khác mâu thuẫn với cách nghĩ của họ. Trong trường hợp đó, cái gọi là sự thông minh, kết hợp với tính kiêu ngạo sẽ thành ra “sự không hiểu biết.” Chúng ta đều tin rằng những người có học vấn cao là những người khôn ngoan, nhưng bản cân đối thu chi của họ thường lại vẽ nên một bức tranh khác. Một người thực sự thông minh luôn chào đón những ý tưởng mới, vì chúng có thể bổ sung vào khối hòa hợp những ý tưởng được tích lũy. Lắng nghe quan trọng hơn nói. Nếu đó không phải là sự thật thì hẳn Chúa đã không ban cho chúng ta hai tai và chỉ có một miệng. Rất nhiều người nghĩ bằng miệng, thay vì lắng nghe để tiếp thu những ý tưởng và triển vọng mới. Họ tranh cãi mà không chịu đặt một câu hỏi nào.



Tôi không có tinh thần “Làm giàu nhanh” như thường thấy ở hầu hết những người chơi xổ số hay các con bạc trong sòng bạc. Có thể tôi có vốn rồi lại hết vốn, nhưng tôi được, một sự rèn luyện đáng kể. Nếu bạn muốn lái máy bay, tôi khuyên bạn hãy đi học trước đã. Tôi luôn rất sửng sốt trước những người mua chứng khoán hay bất động sản mà không bao giờ đầu tư vào tài sản lớn nhất - bộ óc của họ. Chỉ mua một hai ngôi nhà không thể biến bạn thành một chuyên gia bất động sản được đâu.



3. CHỌN BẠN CHO CẨN THẬN.



Sức mạnh của sự giao thiệp. Trên hết, tôi không chọn bạn vì tình hình tài chính của họ. Tôi có những người bạn thực sự trung thành với cái nghèo cũng như những người bạn có thể kiếm được hàng triệu đồng mỗi năm. Vấn đề là tôi học hỏi từ tất cả những người bạn của mình và ý thức được rằng mình đang cố gắng học hỏi họ.



Ở đây có một khác biệt mà tôi muốn làm rõ. Tôi để ý thấy những người có tiền thường thích nói về chủ đề tiền bạc. Còn những người bạn mà tôi biết là đang gặp khó khăn về tài chính thì không thích nói đến chuyện tiền bạc, kinh doanh hay đầu tư. Họ nghĩ rằng như thế là khiếm nhã hoặc không trí thức. Tôi học hỏi từ tất cả mọi người và tìm hiểu những gì mình không nên làm…



Tôi có vài người bạn có thể phát triển được hơn một tỷ đô la chỉ trong một khoảng thời gian nhắn. Ba người trong số họ cùng kể lại một hiện tượng giống nhau: những người bạn nghèo của họ không bao giờ đến hỏi xem làm thế nào để được như thế, mà họ chỉ đến hỏi xin một trong hai thứ hoặc cả hai: 1. một số tiền nợ, hoặc 2. một công việc.



CẢNH BÁO:



Đừng nên nghe theo những người hay sợ hãi. Họ có thể rất đáng mến, nhưng khi nói đến chuyện tiền bạc, nhất là khi nói đến chuyện đầu tư thì họ giống những chú gà con cứ luôn miệng la “Trời sắp sập.” Lúc nào họ cũng có thể cho bạn biết tại sao một cái gì đó sẽ không có kết quả. Vấn đề là mọi người đều lắng nghe họ, nhưng những người chấp nhận các thông tin ảm đạm bất hạnh này một cách mù quáng cũng lại là những chú gà con, như thế thôi



Nếu bạn xem CNBC, mỏ vàng của các thông tin đầu tư, bạn sẽ thấy họ thường có một danh sách những người được gọi là các “chuyên gia”. Khi một chuyên gia nói thị trường sẽ sụp đổ người khác sẽ nói là thị trường sắp bùng nổ. Nếu khôn ngoan, bạn hãy lắng nghe cả hai người. Hãy giữ một đầu óc phóng khoáng vì cả hai chuyên gia đều đưa ra những điểm rất có lý…



Có nhiều người bạn thân cố khuyên tôi nên tránh khỏi những vụ giao dịch. Vài năm trước một người bạn nói với tôi rằng anh ta rất hào hứng vì có được một tờ giấy chứng nhận gởi tiền với lãi suất 6%. Tôi nói anh ta là tôi kiếm được đến 16% từ chính quyền nhà nước. Ngày hôm sau, anh ta gởi cho tôi một bài báo nói rằng, việc đầu tư là rất nguy hiểm. Bây giờ hàng năm tôi nhận được 16% tiền lãi, còn anh ta vẫn chỉ có 6%.



Có thể nói rằng một trong những điều khó nhất khi xây dựng tài sản là phải chân thực với chính mình và phải sẵn sàng không đi chung đường với đám đông. Bởi vì trong thị trường, một đám đông thường đến trễ và thường dễ bị “làm thịt”. Nếu có một vụ làm ăn lớn được đăng ngay ở trang đầu của một tờ báo thì trong hầu hết các trường hợp là bạn sẽ đến trễ. Hãy tìm một vụ giao dịch mới. Như những người chơi lướt sóng thường nói: “Luôn luôn có những cơn sóng khác.” Những người hấp tấp bắt cho kịp một cơn sóng trễ thường chỉ là những người đi dọn dẹp.



Các nhà đầu tư khôn ngoan không cố điều chỉnh thị trường. Nếu bỏ lỡ một cơn sóng, họ sẽ tìm đợt sóng tiếp theo và vào đúng vị trí kịp thời khi chúng đến. Điều này rất khó với hầu hết các nhà đầu tư vì phải mua một thứ không được ưa chuộng quả là kinh khủng. Những nhà đầu tư nhút nhát cũng giống như những con cừu đi thành đám đông. Hoặc chính sự tham lam lôi kéo họ vào khi những nhà đầu tư khôn ngoan đã giành phần xong và đi mất. Những nhà đầu tư khôn ngoan bỏ vốn đầu tư khi nó còn chưa phổ biến. Họ biết rằng họ kiếm được lợi nhuận khi mua chứ không phải khi bán. Họ kiên nhẫn chờ đợi. Như tôi đã nói, họ không điều chỉnh thị trường. Cũng như một người lướt sóng, họ phải vào vị trí sẵn sàng khi cơn sóng lớn kế tiếp sắp đến.



Tất cả những điều này đều là “thương mại nội bộ”. Có những dạng thương mại nội bộ không hợp pháp và có những dạng thương mại nội bộ hợp pháp. Nhưng dù là dạng nào thì chúng vẫn là thương mại nội bộ. Khác biệt duy nhất là bạn đang ở cách xa “nội bộ đến mức nào”. Tiền bạc được làm từ thông tin. Bạn muốn nghe nói về một cuộc bùng nổ sắp tới, tham gia vào hay tách ra trước cuộc suy sụp kế tiếp? Tôi không nói rằng hãy làm điều đó một cách bất hợp pháp, nhưng bạn càng hay biết sớm thì bạn sẽ càng có nhiều cơ hội tốt để kiếm được lợi nhuận với mức rủi ro tối thiểu. Đó là những điều mà bạn bè có thể giúp bạn. Và đó chính là trí thông minh tài chính.



4. NẮM VỮNG MỘT CÔNG THỨC RỒI HÃY HỌC MỘT CÔNG THỨC MỚI:



Quyền lực của việc học hỏi nhanh chóng. Muốn làm ra bánh mì, mỗi người làm bánh mì phải theo một công thức. Với việc kiếm tiền cũng vậy. Đó là lý do tại sao tiền còn được gọi là “bột nhão” (dough).



Hầu hết chúng ta đã nghe câu nói: “Ăn thế nào thì người thế ấy”. Tôi có một câu tương tự: “Học thế nào thì người thế ấy.” Nói cách khác, hãy cẩn thận với những gì bạn học tập và nghiên cứu, vì đầu óc bạn có khả năng tác động mạnh đến nỗi bạn sẽ trở thành những gì mà bạn đưa vào trí óc mình. Ví dụ, nếu bạn học nấu ăn, bạn sẽ có khuynh hướng trở thành một đầu bếp. Nếu không muốn làm đầu bếp nữa thì bạn phải đi học thêm một cái khác, ví dụ như học ngành sư phạm. Sau khi nghiên cứu về việc giảng dạy, thường thì bạn sẽ trở thành một giáo viên. Và mọi chuyện cứ trôi đi như thế. Hãy lựa chọn cẩn thận những gì mình muốn học.



Khi nói về tiền bạc, phần lớn mọi người làm theo một công thức chung mà họ học được ở trường. Đó là làm việc để kiếm tiền. Một công thức mà tôi thấy có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới là mỗi ngày, hàng triệu người thức dậy, đi làm, kiếm tiền, trả hóa đơn, cân bằng thu chi, mua ít công trái chung và lại đi làm tiếp. Đó là công thức hay một phương pháp cơ bản.



Nếu bạn mệt mỏi với những gì đang làm hay nếu bạn không kiếm đủ tiền, đơn giản đó là lúc cần thay đổi công thức kiếm tiền của bạn.



Khi 26 tuổi, tôi đến một lớp học cuối tuần có tên gọi “Làm thế nào để mua những bất động sản bi tịch thu để thế nợ”. Tôi học được một công thức. Điều kế tiếp là phải được rèn luyện để có thể áp dụng những gì mình đã học vào thực tế. Hầu hết mọi người đều khựng lại tại điểm này. Trong 3 năm, khi làm việc với Xerox, tôi đã dùng thời gian rảnh của mình để học cách nắm vững nghệ thuật mua bất động sản tịch thu thế nợ. Tôi làm ra vài triệu đô la bằng công thức này nhưng với ngày nay thì như thế là quá chậm chạp và có quá nhiều người đang thực hiện điều đó.



Vì vậy sau khi nắm vững công thức đó, tôi tiếp tục tìm kiếm các công thức khác. Trong nhiều lớp học, dù tôi không hề dùng đến những thông tin mình đã học trực tiếp nhưng vẫn luôn tìm kiếm những thông tin mới.



Tôi tham gia những lớp học chỉ dành cho những nhà buôn gạo cội, những lớp học cho những nhà buôn hàng tùy chọn cũng như những lớp học cho tất cả mọi người muốn học. Tôi tách khỏi liên minh của mình, ở trong một căn phòng đầy những con người có học vị tiến sĩ vật lý nguyên tử và khoa học không gian. Tuy nhiên, tôi học được nhiều thứ làm cho việc đầu tư chứng khoán và bất động sản của mình có ý nghĩa hơn và sinh lợi nhiều hơn nữa.



Hầu hết những trường đại học mới thành lập và đại học công lập đều có lớp học về lập kế hoạch kế toán tài chính và đầu tư truyền thống. Đó là những nơi tuyệt vời để bắt đầu.



Vì vậy, tôi luôn tìm kiếm một công thức nhanh chóng hơn. Đó là lý do tại sao dù cùng có một nền tảng khá thông thường nhưng trong một ngày tôi vẫn có thể làm ra nhiều tiền hơn nhiều người khác làm việc suốt đời.



Còn một khía cạnh khác cần lưu ý. Thế giới thay đổi như vũ bão ngày nay không thèm xét đến phần nhiều những điều bạn biết, vì thường thì những điều bạn biết đều đã cũ mất rồi. Cái chính là bạn có thể học nhanh đến mức nào. Kỹ năng này quả là vô giá. Nó vô giá vì nếu có thể, nó sẽ giúp bạn tìm ra những công thức - phương pháp kiếm tiền nhanh hơn. Làm việc vất vả để kiếm tiền chỉ là một công thức cũ mà người ta đã nghĩ ra vào thời thượng cổ.



5. HÃY TRẢ CHO MÌNH TRƯỚC



Sức mạnh của kỷ luật bản thân. Nếu bạn không thể kiềm chế được chính mình thì đừng cố làm giàu. Có thể gia nhập quân đội hay một tôn giáo nào đó để có thể tự kiềm chế chính mình. Thật chẳng có ý nghĩa gì khi đầu tư, kiếm tiền rồi lại quăng nó qua cửa sổ. Chính sự thiếu kỷ luật bản thân đã làm cho hầu hết những người trúng số bị phá sản sau khi trúng hàng triệu đô la. Chính sự thiếu kỷ luật bản thân đã làm cho những người được tăng lương lập tức đi ra ngoài và mua một chiếc xe hơi hay làm một chuyến du ngoạn và sau đó thì mắc nợ



Thật khó mà nói bước nào trong 10 bước này là quan trọng nhất. Nhưng trên hết, đây có lẽ là bước khó thực hiện nhất nếu đó không phải là một phần bản chất của bạn. Tôi dám nói rằng: chính sự thiếu kỷ luật cá nhân là nhân tố khác biệt số 1 giữa người giàu, người nghèo và người trung lưu.



Nói một cách đơn giản, những người có lòng tự trọng và tinh thần chịu đựng thấp đối với các áp lực tài chính sẽ không bao giờ giàu lên được.



Như đã nói, tôi học được một bài học từ người cha giàu là “thế giới sẽ xô đẩy con đi”. Thế giới xô đẩy những người thiếu khả năng tự kiềm chế và kỷ luật bản thân, và đẩy họ trở thành nạn nhân của những người có kỷ luật riêng mình.



Trong những lớp học kinh doanh mà tôi dạy, tôi thường nhắc mọi người không nên tập trung quá nhiều vào sản phẩm hay dịch vụ của mình mà hãy tập trung vào việc phát triển kỹ năng quản lý. Ba kỹ năng quan trọng nhất cần có để bắt đầu việc kinh doanh riêng là:



1. Quản lý vòng quay tiền mặt.



2. Quản lý nhân sự.



3. Quản lý thời gian cá nhân.



Có thể nói rằng ba kỹ năng quản lý trên được áp dụng cho mọi thứ chứ không chỉ cho các doanh nghiệp, đó là ba vấn đề trong cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi công việc kinh doanh, mỗi tổ chức từ thiện, mỗi thành phố hay mỗi quốc gia.



Mỗi kỹ năng đều được nâng cao nhờ kỷ luật bản thân. Tôi không bao giờ xem nhẹ câu nói của người cha giàu: “Hãy trả lương cho mình trước nhất.”



Như tôi đã nói, sự hiểu biết tài chính cho phép người ta đọc các con số, và các con số kể chuyện cho họ nghe. Nhìn vào bản kê thu nhập và bản cân đối thu chi của ai đó, tôi có thể thấy liệu một người hùng hồn nói “hãy trả cho mình trước” có thực sự làm như những gì họ thuyết giáo hay không.



Một bức tranh đáng giá bằng hàng ngàn lời nói. Vì vậy, một lần nữa hãy so sánh bản kê tài chính của những người trả lương cho mình trước với những người khác.



Có nhiều năm tháng trong đời tôi, vì một nguyên nhân nào đó mà vòng quay tiền mặt ít hơn rất nhiều so với các hóa đơn nhưng tôi vẫn luôn trả cho mình trước. Các nhân viên kế toán của tôi kinh hoảng la lên: “Cơ quan thuế vụ sẽ tống anh vào tù.” “Anh sẽ không được dùng loại thẻ tín dụng này nữa đấy!” “Người ta sẽ cắt điện mất!” Tôi vẫn cứ trả cho mình trước.



Vì sao vậy? Vì đó là sức mạnh kỷ luật bản thân và sức mạnh của tinh thần, hay nói một cách bình dân hơn, đó là sự gan góc.



Như người cha giàu đã dạy tôi trong tháng đầu tiên làm việc với ông ấy, hầu hết mọi người đều để cho thế giới xô đẩy mình đi. Hãy can đảm đi ngược dòng nước và bạn sẽ giàu lên. Có thể bạn không yếu đâu, nhưng khi nói đến tiền bạc thì hầu hết mọi người đều trở nên nhút nhát.



Dù luôn trả hóa đơn sau cùng nhưng tôi đủ khôn ngoan tài chính để không bị rơi vào một tình trạng khó khăn. Tôi không thích chịu những món nợ tiêu dùng. Thực sự thì tôi có rất nhiều món tiêu sản, nhưng tôi không phải trả tiền cho chúng mà người khác phải trả cho các tiêu sản của tôi. Đó là những người thuê nhà. Vì vậy, quy luật đầu tiên khi trả lương cho mình trước là không để bị mắc nợ. Dù trả hóa đơn sau cùng nhưng tôi phải thu xếp sao cho mình chỉ phải trả những hóa đơn nhỏ không quan trọng mà thôi.



Thứ hai, khi thỉnh thoảng bị túng tiền, tôi vẫn trả cho mình trước. Tôi để cho các chủ nợ la làng lên. Tôi thích họ tỏ ra kiên quyết với mình. Vì sao vậy? Vì chính những người này đã giúp tôi. Họ buộc tôi phải đi ra ngoài và kiếm nhiều tiền hơn. Vì vậy mà tôi luôn trả cho mình trước, cứ đầu tư tiền bạc và cứ để các chủ nợ la ó. Nói chung thì dù sao, tôi vẫn thường trả họ đúng hạn mà. Vợ chồng tôi có một uy tín tuyệt vời. Chúng tôi không để mình bị áp lực phải sử dụng số tiền tiết kiệm hay thanh toán các cổ phần để trả những món nợ tiêu dùng. Như thế là không thông minh tài chính.



Vậy câu trả lời là:



1. Đừng vướng vào những món nợ quá lớn mà bạn phải trả. Hãy chi phí ít thôi. Hãy xây dựng tài sản trước rồi hãy mua một ngôi nhà lớn hay một chiếc xe đẹp. Để bị kẹt vào vòng Rat Race là một điều không thông minh chút nào.



2. Khi bị túng tiền, hãy để các áp lực đè xuống bạn làm nên chuyện và đừng lún sâu vào việc tiêu xài hay đầu tư quá mức. Hãy dùng áp lực để buộc thiên tư tài chính của bạn phải nghĩ ra những cách kiếm tiền mới và sau đó hãy trả hóa đơn đi đã. Hẳn sau đó bạn sẽ có thể tăng khả năng kiếm tiền cũng như trí thông minh tài chính của mình lên.



Nhiều lần tôi đã bị kẹt vào tình trạng khó khăn tài chính và phải tìm cách tạo ra nhiều thu nhập hơn, trong khi vẫn trung thành bảo vệ những tài sản trong cột tài sản của mình. Nhân viên kế toán của tôi la làng lên và biến đi tìm cách trang trải, nhưng tôi vẫn như một người lính anh dũng bảo vệ Pháo đài Tài sản của mình.



Người nghèo có những thói quen nghèo. Một thói quen xấu phổ biến là tính “xài hoang”. Người giàu biết rằng chỉ nên tiết kiệm để làm ra nhiều tiền hơn chứ không phải để trả hóa đơn.



Tôi biết những câu này nghe có vẻ thô bạo, nhưng như tôi đã nói, nếu bạn không cứng rắn với chính mình thì thế giới sẽ xô đẩy bạn đi.



Nếu bạn không thích phải chịu áp lực tài chính thì hãy tìm một công thức cho riêng mình. Một công thức tốt là cắt giảm chi phí, cất tiền vào ngân hàng, trả thuế thu nhập, mua công trái bảo đảm và giữ mức sống trung bình. Nhưng điều này lại trái với quy luật “trả cho mình trước”.



Quy luật này không khuyến khích bạn tự hy sinh hay kiêng khem tài chính. Sống phải có thụ hưởng. Nếu bạn kêu gọi thiên tư tài chính của mình, bạn có thể tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống, giàu có và thanh toán hết hóa đơn mà không phải hy sinh cuộc sống tươi đẹp của mình. Và đó chính là trí thông minh tài chính.



6. HÃY TRẢ LƯƠNG HẬU HĨNH CHO NHỮNG NGƯỜI MÔI GIỚI:



Sức mạnh của những lời khuyên tốt. Tôi thường thấy người ta treo một tấm bảng trước nhà ghi là “Nhà bán”. Hay tôi thấy trên TV ngày nay, nhiều người tự nhận là “những nhà môi giới hạ giá.”



Người cha giàu dạy chúng tôi hãy làm theo điều ngược lại ông tin vào việc trả công hậu hĩnh cho những nhà chuyên môn, và tôi cũng làm theo chính sách đó. Ngày nay, tôi có những luật sư, kế toán, những nhà môi giới bất động sản và những người mua bán cổ phần chứng khoán tuyệt vời. Vì sao vậy? Vì nếu những người này có chuyên môn giỏi thì sự phục vụ của họ sẽ đem tiền đến cho bạn. Và họ càng làm ra nhiều tiền thì tôi sẽ càng làm được nhiều tiền.



Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin. Thông tin là vô giá. Một người môi giới chứng khoán có thể cung cấp thông tin cho bạn hay dành thời gian để hướng dẫn bạn. Có một số nhà môi giới chứng khoán sẵn sàng làm việc này cho tôi. Một số người đã dạy tôi khi tôi có rất ít hay không có tiền, và cho đến ngày nay tôi vẫn còn làm việc với họ.



Những gì tôi trả cho một người môi giới chứng khoán là quá bé nhỏ so với số tiền mà tôi kiếm được nhờ những thông tin họ cung cấp. Tôi thích những người môi giới bất động sản hay môi giới chứng khoán của tôi kiếm được nhiều tiền. Vì như vậy thường có nghĩa là tôi làm ra rất nhiều tiền.



Một người môi giới giỏi sẽ tiết kiệm thời gian kiếm tiền cho tôi - ví dụ như khi tôi mua một miếng đất trống với giá 9.000 $ và bán đi với giá 25.000 $, nhờ đó mà tôi có thể mua được chiếc Porch nhanh hơn. Một người môi giới là tai mắt thị trường của bạn. Họ ở đó mỗi ngày thế cho tôi. Và thay vì phải đến đó thì tôi có thể ở nhà chơi gôn.



Cũng vậy, trong suy nghĩ của tôi, những người tự đi bán nhà không xem trọng thời gian của mình. Tại sao tôi phải tiết kiệm vài đồng trong khi tôi có thể dùng thời gian này để kiếm được nhiều tiền hơn hoặc dành thời gian để ở bên những người mình yêu mến? Điều tôi thấy buồn cười nhất là rất nhiều người nghèo hay người trung lưu luôn cho tiền huê hồng nhà hàng từ 15 đến 20% dù phục vụ có tệ cách mấy đi nữa, nhưng họ lại phàn nàn vì phải trả cho người môi giới từ 3 đến 7%. Họ thích cho tiền những người làm tăng chi phí của họ, nhưng lại hà khắc với những người giúp họ phát triển tài sản.



Như thế là không thông minh tài chính. Không phải tất cả các nhà môi giới đều ngang tài ngang sức. Điều không may là hầu hết các nhà môi giới chỉ là những người bán hàng. Có thể nói rằng những người buôn bán bất động sản là những người tệ hại nhất. Họ buôn bán nhưng bản thân họ sở hữu rất ít hay không hề có một bất động sản nào cả. Có một khác biệt rất lớn giữa người môi giới nhà cửa và người môi giới đầu tư. Và điều đó là có thật với những người môi giới chứng khoán, ngân phiếu, quỹ công trái và bảo hiểm thường tự gọi mình là nhà thiết kế tài chính. Cũng như trong truyện cổ tích, bạn phải hôn rất nhiều con ếch thì mới tìm ra một hoàng tử thực sự. Hãy ghi nhớ câu nói cũ kỹ này: “Đừng bao giờ hỏi một người bán sách giáo khoa nếu bạn cần một cuốn sách giáo khoa.”



Khi phỏng vấn một nhà chuyên môn làm việc lãnh lương, đầu tiên là tôi phải tìm hiểu xem họ có bao nhiêu tài sản hay chứng khoán và họ phải trả thuế bao nhiêu phần trăm. Tôi áp dụng điều đó cho những luật sư thuế vụ cũng như kế toán viên của mình. Tôi có một kế toán viên có kinh doanh riêng. Cô ấy làm kế toán cho tôi nhưng cô ấy kinh doanh bất động sản. Tôi cũng từng có một kế toán viên là một nhân viên kế toán kinh doanh nhỏ, nhưng anh ta không có bất động sản nào cả. Tôi đã thay anh ta vì chúng tôi không có cùng ngành kinh doanh yêu thích.



Hãy tìm một người môi giới mà bạn thực sự yêu thích. Nhiều người môi giới sẽ dành thời gian để huấn luyện bạn, và có thể họ sẽ là tài sản tốt nhất bạn có được. Hãy đối xử tốt với họ và hầu hết họ sẽ tốt với bạn. Nếu tất cả những gì bạn nghĩ đến là cắt giảm huê hồng của họ thì tại sao họ phải đến với bạn chứ?



Như tôi đã nói trước đây, một trong những kỹ năng quản lý quan trọng là quản lý nhân sự. Nhiều người chỉ quản lý được những người kém thông minh hơn họ và có ít quyền lực hơn họ. Nhiều viên quản lý mãi mãi không được thăng chức vì họ chỉ biết cách làm việc với những người dưới quyền mà không biết cách làm việc với cấp trên. Kỹ năng thực sự là quản lý và trả lương hậu cho những người giỏi hơn mình trong một lĩnh vực kỹ thuật nào đó. Đó là lý do tại sao các công ty thường có một ban giám đốc. Bạn cũng nên như thế. Và đó chính là sự thông minh tài chính.



7. HÃY LÀM MỘT “NGƯỜI TẶNG QUÀ DA ĐỎ”:



Khi những người da trắng đầu tiên đến định cư ở châu Mỹ, họ rất sửng sốt bởi nhiều nét văn hóa của người da đỏ châu Mỹ. Ví dụ nếu một người da trắng bị lạnh, người da đỏ sẽ đắp mền cho anh ta. Cứ tưởng đó là một món quàn ên khi người da đỏ đòi lại cái mền anh chàng da trắng thường rất bực mình. Người da đỏ cũng rất bực mình khi nhận ra rằng người da trắng không muốn trả nó lại. Vì vậy mà ra đời thuật ngữ “Người da đỏ tặng quà.”, Chỉ đơn giản là một sự hiểu lầm về văn hóa thôi.



Trong thế giới của những cột tài sản, làm một “người da đỏ tặng quà” là một điều rất quan trọng đối với tài sản. Câu hỏi đầu tiên của những nhà đầu tư sành điệu là: “Bao lâu thì tôi có thể lấy tiền lại?” Họ cũng muốn biết họ có thể lấy không những gì, đó cũng là một phần công việc. Đó là lý do tại sao những khoản ROI, hay tiền lời đầu tư (Return of and on Investment), là rất quan trọng.



Ví dụ, tôi tìm ra một số lô đất trong vùng đang bị tịch thu để thế nợ. Ngân hàng đòi giá 60.000 $, tôi đặt giá 50.000 $ và họ chấp nhận, đơn giản vì trong cuộc đấu thầu, tôi đưa ngay một tờ séc 50.000 $. Họ biết rằng tôi đang nói chuyện nghiêm chỉnh. Hầu hết các nhà đầu tư sẽ nói: “Anh là trùm tư bản tiền mặt à?” “Nhận một giấy báo nợ có phải tốt hơn không?” Câu trả lời cho trường hợp này là không. Công ty đầu tư của tôi cho thuê nhà nghỉ mùa đông, với cái giá 2.500 $ một tháng suốt 4 tháng mùa đông trong năm. Trong mùa vãn khách, ngồi nhà được cho thuê với giá 1.000 $ một tháng. Tôi lấy lại vốn trong khoảng 3 năm. Giờ thì tôi sở hữu tài sản này, nó đổ tiền cho tôi từ tháng này qua tháng khác.



Với chứng khoán cũng vậy. Thường thì người môi giới của tôi sẽ gọi điện và khuyên tôi nên chuyển một lượng tiền đáng kể vào những cổ phần của một công ty mà anh ta cảm thấy nó sấp sửa đi một nước cờ làm tăng vọt giá trị cổ phần, ví dụ như tuyên bố một sản phẩm mới chẳng hạn. Tôi sẽ chuyển tiền vào trong thời gian khoảng một tuần đến một tháng, trong khi giá trị cổ phần đang tăng lên. Sau đó, tôi rút số vốn ban đầu ra và không phải lo lắng gì về sự dao dộng của thị trường nữa, vì số vốn ban đầu đã quay về và sẵn sàng làm việc với những tài sản khác. Vì vậy mà tiền tiếp tục đi vào rồi đi ra, và tôi sở hữu một tài sản hoàn toàn tự do về mặt kỹ thuật.



Thực sự là rất nhiều lần tôi bị mất tiền. Nhưng tôi chỉ chơi với số tiền mà tôi có thể để mất. Có thể nói rằng trung bình 10 lần đầu tư thì tôi đánh trúng đích hai hoặc ba lần, năm hoặc sáu lần là không được gì cả, còn thì sẽ thua mất hai hay ba lần. Nhưng tôi giới hạn số thua lỗ của mình chỉ trong số tiền tôi có vào lúc đó.



Với những người ghét phải mạo hiểm, họ bỏ tiền vào ngân hàng. Và nói cho cùng thì tiết kiệm vẫn tốt hơn không làm gì cả. Nhưng cần phải mất thời gian rất lâu mới có thế lấy tiền lại được, và trong hầu hết trường hợp, bạn chẳng được nhận không thứ gì cả.



Trong mỗi vụ đầu tư của tôi, luôn phải có một bề nổi, một cái gì đó không mất tiền. Một kho dự trữ nhỏ, một mảnh đất trống, một ngôi nhà, một cổ phần chứng khoán, một cao ốc văn phòng. Và đó phải là một ý tưởng ít mạo hiểm hay giới hạn rủi ro. Có những cuốn sách viết riêng về chủ đề này nên tôi không muốn nhắc đến ở đây. Ray Kroc, hay ông chủ của tập đoàn Mcdonalds nổi tiếng, bán hamburger không phải vì ông thích ăn hamburger mà vì ông muốn có không những bất động sản dưới các đặc quyền của công ty.



Vì vậy những nhà đầu tư khôn ngoan phải nhìn xa hơn ROI (tiền lời đầu tư). Một khi đã lấy tiền lại, bạn phải có thêm những tài sản khác mà không phải mất tiền. Như thế mới là thông minh tài chính.



8. TÀI SẢN XA XỈ PHẨM



Sức mạnh của việc tập trung. Con của bạn tôi có một thói quen rất xấu là hay đốt sạch đến đồng cuối cùng trong túi. Mới 16 tuổi nó đã muốn có chiếc xe hơi của riêng mình với lý do: “Tất cả bạn bè con đều được cha mẹ mua cho xe hơi riêng.” Thằng bé muốn lấy số tiền tiết kiệm của nó và đổi hết thành tiền mặt. Khi đó thì cha nó gọi điện cho tôi. “



Theo anh, tôi có nên cho nó làm thế không? Hay tôi nên làm như những bậc phụ huynh khác là mua hẳn chiếc xe cho nó?”



Tôi trả lời: “Điều đó sẽ làm giảm áp lực cho anh trong một tương lai gần, nhưng làm như thế, anh sẽ dạy nó điều gì trong tương lai xa? Anh thử dùng cái mong muốn có một chiếc xe này và khuyến khích con mình học được cái gì đó xem sao?”



Hai tháng sau, tôi gặp lại anh ta và hỏi. “Con trai anh có chiếc xe mới chưa?” “Chưa. Nhưng tôi đã cho nó 3.000 $ để mua xe. Tôi nói nó hãy dùng số tiền này thay vì dùng tiền tiết kiệm học đại học của nó.”



Tôi nói: “À, anh thật rộng rãi đấy!”



“Không đâu. Tôi cho nó số tiền này với một điều kiện. Tôi đã làm theo lời khuyên của anh, lợi dụng khao khát muốn mua xe của nó để nó có thể học được cái gì đó.”



“Thế điều kiện gì?”



“À, đầu tiên chúng tôi mở bộ đồ chơi của anh ra, trò chơi “Vòng quay tiền mặt” ấy mà. Chúng tôi chơi và thảo luận rất lâu về cách sử dụng tiền bạc sao cho khôn ngoan. Sau đó tôi đặt mua dài hạn tờ báo Wall Street Journal và một số sách về thị trường chứng khoán cho nó.”



“Rồi sao nữa?”



“Tôi bảo 3.000 $ này là của nó, nhưng nó không được trực tiếp dùng số tiền này để mua xe. Nó có thể dùng đế mua bán chứng khoán, tìm một người môi giới chứng khoán riêng và khi nó đã làm ra được 6.000 $ từ 3.000 $ này thì nó có thể dùng phân nửa để mua xe và phân nửa để dành đến khi vào đại học.”



Tôi hỏi: “Và kết quả thế nào?”



“À, ban đầu nó buôn bán rất may mắn, nhưng vài ngày sau thì thua hết số lời. Sau đó nó lại có tiền lãi. Đến hôm nay thì nó chỉ còn khoảng 2.000 $ thôi, nhưng số tiền lãi thì đang tăng lên. Nó đã đọc tất cả những cuốn sách tôi mua và nó còn đến thư viện mượn thêm những cuốn khác nữa. Nó đọc ngấu nghiến tờ Wall Street Journal, tìm các hướng dẫn và đã biết xem CNBC thay vì MTV. Sắp tới chắc nó chỉ còn 1.000 $ thôi, nhưng số lợi tức và những gì nó học được thì rất nhiều. Nó biết là nếu làm mất tiền, nó sẽ phải đi bộ thêm 2 năm nữa. Nhưng dường như nó không còn quan tâm gì đến chuyện đó cả. Thậm chí nó còn tỏ ra không hứng thú với cái xe hơi vì nó đã tìm được một trò chơi khác vui hơn nhiều!”



Tôi hỏi: “Thế nếu nó làm mất hết tiền thì sao?”



“Đã phóng lao thì phải theo lao thôi. Chẳng thà tôi để nó mất mọi thứ lúc này còn hơn là chờ đến khi nó bằng tuổi chúng ta rồi mới bắt nó phải mạo hiểm. Vả lại, 3.000 $ này là số tiền tốt nhất mà tôi đầu tư cho việc học của nó. Những gì nó đã học sẽ giúp ích cho nó suốt đời, và có vẻ như nó đã bắt đầu biết coi trọng tiền bạc. Tôi nghĩ nó sẽ không còn đốt đến đồng xu cuối cùng trong túi nữa đâu.”



Như tôi đã nói trong phần “Trả cho mình trước”, nếu một người không nắm được sức mạnh kỷ luật bản thân thì tốt nhất là đừng nên làm giàu. Trong thời gian đầu, quá trình phát triển vòng quay tiền mặt từ cột tài sản trên lý thuyết là rất dễ dàng, nhưng chính sức chịu đựng tinh thần khi điều khiển tiền bạc mới là chuyện khó. Trong thế giới tiêu dùng ngày nay, những quyến rũ bên ngoài rất dễ đẩy tiền của chúng ta qua cột tiêu sản. Vì sự chịu đựng tinh thần kém mà tiền bạc chảy ra ở nơi có sức kháng cự yếu nhất. Đó là nguyên nhân của cái nghèo và việc phải vật lộn với tài chính.



Tôi đã đưa ra nhiều ví dụ số học về sự thông minh tài chính, nhưng trong trường hợp này, chính khả năng chỉ huy tiền bạc mới làm ra tiền. Nếu chúng ta cho 100 người mỗi người 10.000 $ vào đầu năm thì theo tôi, đến cuối năm mọi chuyện sẽ như sau:



80 người sẽ không còn gì cả. Sự thật thì nhiều người sẽ phải mang những món nợ lớn vì họ trả tiền mặt cho những chiếc xe hơi, tủ lạnh, TV, VCR hay một kỳ nghỉ nào đó.



16 người sẽ tăng được số 10.000 $ này khoảng 5% đến 10%.



4 người sẽ có thể tăng đến 20.000$ hay lên đến hàng triệu đô la. Giống như mọi người khác, tôi cũng thích những thứ đồ xa xỉ phẩm. Khác biệt ở chỗ là một số người mua những thứ xa xỉ phẩm này bằng thẻ tín dụng. Nó là một cái bẫy “đứng núi này trông núi nọ.” Với rất nhiều người khi muốn mua một chiếc Porsche, cách dễ nhất là gọi điện cho ngân hàng vay nợ. Còn tôi, thay vì chọn cách tập trung vào cột tiêu sản, tôi chọn sẽ tập trung vào cột tài sản cửa mình.



Như một thói quen, tôi biến những mong muốn được tiêu xài thành nguồn cảm hứng thúc đẩy thiên tư tài chính của mình trong việc đầu tư.



Ngày nay, chúng ta thường mượn tiền để có được những thứ ta muốn thay vì tập trung lo kiếm tiền. Cách này quả là dễ dàng hơn trong thời gian ngắn nhưng lại vất vả hơn trong thời gian dài. Đó là một thói quen xấu mà chúng ta, dù là một cá nhân hay một quốc gia, cũng thường xuyên mắc phải.



Bạn huấn luyện mình và những người thân làm chủ tiền bạc càng sớm chừng nào thì càng tốt chừng nấy. Tiền bạc là một quyền lực hùng mạnh. Không may là người ta thường để cho sức mạnh của tiền bạc chống lại mình. Nếu bạn có một trí thông minh tài chính không cao, bạn sẽ không thể giữ được tiền. Nó sẽ khôn ngoan hơn bạn. Mà nếu tiền bạc khôn ngoan hơn bạn thì bạn sẽ phải làm việc cho nó suốt đời. Để làm chủ tiền bạc, bạn cần phải khôn ngoan hơn nó. Khi đó tiền sẽ làm theo những gì bạn yêu cầu. Nó sẽ tuân lệnh bạn. Thay vì phải làm một nô lệ cho đồng tiền, bạn sẽ là chủ nhân của nó. Đó chính là sự thông minh tài chính.



9. CẦN CÓ NHỮNG ANH HÙNG.



Sức mạnh của chuyện thần thoại. Khi còn nhỏ, tôi rất khâm phục Willie May, Hank Aaron, Yogi Berra. Họ là những người anh hùng. Là một đứa trẻ, tôi muốn được như họ. Tôi muốn biết mọi thứ về họ vì tôi muốn được giống như họ. Khi còn là một đứa trẻ 9 - 10 tuổi, mỗi lần đánh bóng hay chụp bóng, tôi không còn là tôi nữa. Tôi trở thành Yogi hay Hank. Đó là một trong những cách học có tác động mạnh nhất mà khi lớn lên chúng ta thường để mất. Chúng ta làm mất những người anh hùng cửa mình. Chúng ta làm mất sự ngây thơ của mình.



Hôm nay, tôi nhìn bọn trẻ chơi bóng chày ở gần nhà. Trên sân bóng, chúng không còn là Johny bé bỏng nứa, chúng là Michael Jordan, Sir Charles hay Clyde. Bắt chước hay tranh đua với những người hùng của mình là một cách học thực sự mạnh mẽ. Và đó là lý do tại sao khi một người như O. J. Simpson đánh mất danh dự, nhiều người đã la ó kịch liệt. Có nhiều thứ còn hơn cả một phiên tòa xử án. Đó là sự mất đi một anh hùng. Nhiều người đã lớn lên với họ, kính trọng họ và muốn được giống như họ. Thế mà bất thình lình, ta phải giũ sạch mình ra khỏi con người ấy.



Khi lớn hơn, tôi có thêm những anh hùng khác. Tôi có những người hùng chơi gôn như Peter Jacobsen, Fred Couples và Tiger Woods. Tôi bắt chước những cú đánh của họ và cố sức đọc tất cả những gì nói về họ. Tôi cũng có những người hùng như Donald Trump, Warren Buffett, Peter Lynch, George Soros và Jim Rogers. Lớn hơn chút nữa, tôi biết về cuộc sống của họ cũng như tôi biết ERA và RBI của những người hùng bóng chày của tôi vậy. Tôi làm theo những gì mà Warren Buffett đầu tư vào và đọc mọi thứ nói về quan điểm của ông đối với thị trường. Tôi đọc sách của Peter Lynch để hiểu ông chọn các cổ phần như thế nào. Và tôi đọc sách nói về Donald Trump, cố tìm hiểu xem ông thương lượng và dàn xếp các vụ giao dịch ra sao.



Cũng như khi tôi cảm thấy mình không phải là mình lúc sắp đánh bóng, khi đang nghiên cứu thị trường hay đang điều đình một vụ giao dịch, trong tiềm thức, tôi luôn hành động với sự bạo dạn của Trump. Hay khi phân tích một khuynh hướng, tôi nhìn nó như thể Peter Lynch đang nhìn vậy. Khi có những người hùng, chúng ta có thể rút ra được một nguồn lực ghê gớm từ thiên tư của chính mình. Nhưng những người hùng còn làm được nhiều việc hơn là chỉ truyền cảm hứng cho chúng ta. Họ làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng.



Chính việc làm cho mọi thứ dễ dàng hơn đã thuyết phục chúng ta muốn làm được như họ. “Nếu người khác làm được thì mình cũng làm được.” Khi nói đến chuyện đầu tư, rất nhiều người cảm thấy việc đó quá khó khăn. Thay vào đó, hãy đi tìm một người anh hùng có thể làm cho mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn.



10. HÃY DẠY VÀ BẠN SẼ ĐƯỢC HỌC



Sức mạnh của việc cho đi. Cả hai người cha của tôi đều là giáo viên. Người cha giàu đã dạy tôi một bài học mà tôi đem theo suốt đời, đó là sự cần thiết của lòng từ thiện hay sự cho đi. Người cha có học thức cao cho tôi rất nhiều thời gian và kiến thức, nhưng gần như không bao giờ cho tiền. Như tôi đã nói, ông bảo rằng ông sẽ cho nếu ông có tiền dư. Dĩ nhiên là rất hiếm khi có một số dư nào.



Người cha giàu cho cả tiền lẫn sự giáo dục. Ông tin tưởng chắc chắn vào việc chịu thuế thập phân. Ông luôn nói: “Nếu bạn muốn có cái gì đó, bạn phải cho đi trước đã.”



Nếu chỉ được ghi lại một ý tưởng cho bạn, tôi sẽ ghi lại câu nói đó. Mỗi khi bạn cảm thấy mình đang “nghèo” hay đang “cần” một cái gì đó, trước tiên hãy cho đi cái mình muốn và nó sẽ trở lại gấp nhiều lần. Đó hoàn toàn là sự thật đối với tiền bạc, tình bạn, mình yêu hay chỉ một nụ cười. Tôi biết thường không ai muốn làm thế cả, nhưng với tôi điều đó luôn xảy ra. Tôi tin vào quy luật có đi có lại và tôi cho đi những gì tôi muốn.



Tôi muốn có tiền nên tôi cho tiền, và nó quay lại gấp nhiều lần. Tôi muốn buôn bán nên tôi giúp người khác buôn bán và tôi có thể bán được hàng. Tôi muốn có cơ hội gặp gỡ nên tôi giúp người khác giao tiếp, và như một phép thần, những cơ hội gặp gỡ lại đến với tôi. Có một câu nói cổ xưa: “Chúa không cần phải nhận, nhưng con người lại cần phải cho.”



Người cha giàu thường nói: “Người nghèo tham lam hơn người giàu.” Ông giải thích rằng một người giàu thường cung cấp cái gì đó mà những người khác cần có. Suốt những năm tháng trong đời, mỗi khi tôi cảm thấy túng quẫn, thiếu tiền hay cần giúp đỡ, tôi chỉ đơn giản đi ra ngoài hay suy nghĩ xem mình muốn gì và quyết định cho nó đi. Và khi tôi cho đi, nó luôn luôn quay lại.



Điều này nhắc tôi nhớ lại câu chuyện về một anh chàng ngồi trong đêm lạnh giá với một đống củi trên tay, anh ta hét lên với cái lò sưởi phệ bụng: “Khi nào mày cho tao một ít lửa thì tao mới bỏ cui vào.” Và mỗi khi nói đến tiền bạc, tình yêu, hạnh phúc, buôn bán hay giao dịch, mong bạn hãy nhớ rằng: đầu tiên phải cho đi cái bạn muốn và rồi nó sẽ quay lại. Thường thì chỉ cần quá trình suy nghĩ xem tôi muốn gì và làm sao để đem cho người khác những gì tôi muốn cũng đủ làm phát sinh một dòng chảy hào phóng. Mỗi khi cảm thấy người ta không cười với mình, tôi mỉm cười với họ và nói: “Xin chào” và như một phép màu bỗng có nhiều người mỉm cười với tôi. Quả thực thế giới chỉ là một tấm gương để soi lại chính mình.



Vì vậy mà tôi nói: “Hãy dạy mọi người và bạn sẽ được học.” Tôi thấy rằng mình càng nhiệt tình dạy cho những người muốn học thì mình càng học được nhiều hơn. Nếu muốn học về tiền bạc, hãy dạy điều đó cho người khác. Một dòng tư tưởng mới và những điều đặc biệt tốt đẹp hơn sẽ đến với bạn. Cũng có đôi lúc tôi cho đi và không có gì quay lại hay những thứ nhận được lại không phải thứ tôi muốn. Nhưng sau khi xem xét và tự vấn mình kỹ hơn, tôi thấy rằng trong những trường hợp như thế, thực sự tôi đã cho để nhận chứ không phải là cho để mà cho.



Cha tôi dạy các giáo viên và ông trở thành một giáo viên đứng đầu. Người cha giàu luôn dạy những người trẻ tuổi cách kinh doanh của ông. Khi nhìn lại, chính sự rộng rãi cùng những gì họ biết đã làm cho họ khôn ngoan hơn. Trong thế giới này có những quyền lực mạnh mẽ hơn chúng ta rất nhiều. Bạn có thể tự mình đạt được chúng, nhưng với sự giúp đỡ của những quyền lực này thì mọi việc sẽ dễ hơn nhiều. Tất cả những gì bạn cần là phải rộng rãi với những gì mình có, và các quyền lực sẽ rộng rãi lại với bạn.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Trời giáng xuống cha giàu có
Cha tôi là người giàu nhất thế giới
  • 5.00 star(s)
  • Đang cập nhật..
Người Cha Nhặt Được
  • Cát Tường Dạ
Chương 75
[Zhihu] Cha chó
  • FB Mắt Nâu.
Phần 4 END
CÂU DẪN CHA CỦA BẠN HỌC - SẮC, CAO H
  • 5.00 star(s)
  • Đang cập nhật..

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom