1.
Giống như kiếp trước.
Đạo diễn của chương trình và bố mẹ ở trong phòng nhỏ phía Tây, nói chuyện suốt hai tiếng đồng hồ.
Sau hai tiếng, mẹ ra ngoài, tay cầm hai cọng rơm.
“Mấy đứa đều là con gái, cũng đừng nói mẹ thiên vị ai. Thế này nhé, ai rút được cọng rơm dài thì đến thành phố mở mang kiến thức.”
Tôi lơ đãng ngẩng đầu lên, nhìn thấy khuôn mặt lấm lem của em gái 12 tuổi, Dư Trại Trại, ngồi đối diện.
À đúng rồi, tôi đã tái sinh.
Nhưng những ngày này, ký ức của tôi cứ bị mắc kẹt vào ngày cưới của tôi năm 28 tuổi.
Mắc kẹt vào lễ cưới của tôi, khi Dư Trại Trại xuất hiện trong bộ trang phục lộng lẫy, nhưng lại cầm một con d ao gọt trái cây và đ âm vào cổ tôi.
Vào đầu xuân tháng hai, Dư Trại Trại vẫn mặc một chiếc áo ngắn với ống tay lòi bông ra ngoài, trên đó vá chằng vá đụp đủ màu sắc.
Nhưng khuôn mặt nhỏ này vẫn trùng khớp với khuôn mặt trang điểm đậm của nó khi trưởng thành.
Tôi dường như lại nhìn thấy đôi mắt tuyệt vọng của nó: “Dư Thắng Thắng! Lúc đầu người nên hoán đổi với Vệ Hoành, đến thành phố sống là chị! Người nên ở nhà, cùng Vệ Hoành bồi đắp tình cảm, thi đậu đại học, làm dâu nhà giàu là tôi!”
“Chị học không giỏi bằng tôi, nhan sắc cũng không bằng tôi, dựa vào đâu? Dựa vào đâu!”
Trong ký ức, sự thù hận của em gái quá mãnh liệt, đến mức bây giờ khi nhìn thấy nó ở bộ dáng vẫn chưa hiểu chuyện của bây giờ mà vẫn cảm thấy chướng mắt- - -kiếp trước đến cuối cùng tôi vẫn không hiểu nổi, tôi yêu thương Dư Trại Trại như vậy, tại sao nó lại oán hận tôi.
Hiện tại, tôi đã tái sinh trở về quá khứ, trở lại thời điểm mấu chốt thay đổi số phận mà nó đã nói.
Mẹ đang giục chúng tôi rút thăm. Tôi cúi đầu xuống, mãi không động đậy, Dư Trại Trại lại vươn tay, rút ra một cọng rơm từ tay mẹ.
“Mẹ!” Trước khi tôi kịp ra tay, Dư Trại Trại đã lên tiếng, “Mẹ, cọng này của con ngắn phải không?”
“Con ở lại làm việc với mọi người, để chị đi đến thành phố đi!”
“Chị ơi, chị sắp được đến thành phố rồi, chị có vui không?”
Tôi đột ngột ngẩng đầu lên. Không. Kiếp này, sẽ không giống kiếp trước.
2.
Kiếp trước đến lúc chet, tôi mới biết trong lòng em gái Dư Trại Trại có nhiều oán hận như vậy.
"Rõ ràng! Rõ ràng lúc đầu là chị rút được cọng rơm dài! Rõ ràng người nên hoán đổi cuộc đời với Vệ Hoành là chị. Tại sao chị lại nhường cho tôi?"
Chương trình 《 Nếu tôi có thể đổi cha mẹ 》 rất nổi tiếng khi chúng tôi mười tuổi.
Nổi tiếng đến mức nào à? Ngôi làng nhỏ của chúng tôi nằm sâu trong núi, cả làng chỉ có hai ba nhà có tivi.
Mỗi lần tan học, tôi đều dẫn Dư Trại Trại đến nhà bác cả để xem chương trình này, dù bác gái có mặt nặng mày nhẹ bóng gió thế nào chúng tôi cũng không muốn rời đi.
Khi đó, chúng tôi đều nghĩ, nếu mình có thể đổi đời với những đứa trẻ thành phố thì tốt biết mấy. Dù chỉ là một tháng thôi.
Tôi cũng rất muốn đến thành phố, rất muốn thử xem hamburger có mùi vị như thế nào. Ai mà ngờ được, ước mơ này đã trở thành hiện thực khi tôi và Dư Trại Trại 12 tuổi.
Khi chúng tôi 12 tuổi, chương trình đã đến mùa thứ ba, còn chọn trúng nhà tôi. Đạo diễn chương trình đưa cho bố mẹ tôi 20 nghìn tệ phí ghi hình. Đối với gia đình tôi, đây không khác gì một khoản tiền khổng lồ từ trên trời rơi xuống.
Huống chi con cái còn được đến thành phố sống một thời gian. Nếu được gia đình thành phố yêu thích, có được sự hỗ trợ, thì càng là niềm vui bất ngờ.
Bố mẹ tôi vui vẻ đồng ý. Chỉ là, bố mẹ có ba đứa con. Em trai còn nằm trong tã, giữa tôi và Dư Dư Trại Trại ai sẽ hoán đổi với Vệ Hoành, ai sẽ đến thành phố mở mang kiến thức, ai sẽ ở lại nông thôn giúp bố mẹ làm việc, trở thành vấn đề nan giải.
Kiếp trước, mẹ cũng để chúng tôi rút cọng rơm. Dư Trại Trại là người rút trước. Nhưng, trước khi tôi kịp rút cọng rơm của mình, nó đã nắm lấy tay tôi: "Chị ơi, em chưa bao giờ đến thành phố, em muốn nhìn xem thành phố lớn trông như thế nào."
Vì vậy, có lẽ không chỉ mình tôi tái sinh.
Nhưng Dư Trại Trại chắc chưa nhận ra tôi cũng đã tái sinh. Nó chỉ siết chặt cọng rơm: "Chị ơi, em biết chị luôn muốn nhìn thấy quang cảnh thành phố, lần này em nhường cho chị."
Tôi nhớ lại trước khi chet, lời oán trách của Dư Trại Trại với tôi.
Ở tuổi 28, nó đã đổ lỗi cho tất cả những thất bại trong cuộc đời mình là do lần rút thăm này.
Nó nói, nếu người ở lại nhà là nó, nó có thể bồi đắp tình cảm với Vệ Hoành. Nếu người ở lại nhà là nó, thì người khiến cậu thiếu niên Vệ Hoành rung động cũng sẽ là nó.
Như vậy, Vệ Hoành cũng sẽ giúp nó giống như giúp tôi , thuyết phục bố mẹ anh hỗ trợ nó, nói không chừng có thể sẽ đưa nó đến thành phố sống.
Vệ Hoành cũng sẽ giúp nó giống giúp tôi, bổ túc cho nó, sửa lỗi phát âm tiếng Anh dở tệ của nó. Như vậy, người đỗ đại học sẽ là nó, người được giữ lại làm nghiên cứu sinh sẽ là nó, người trẻ tuổi đã đạt được thành tựu học thuật cũng sẽ là nó.
Nó quy mọi thành công tôi có được cho Vệ Hoành, và cho rằng tôi đã c ướp đi cuộc đời của nó.
Tôi nghe những lời này, ban đầu định giải thích với nó.
Nhưng rõ ràng nó đã vin chắc vào nhận định của mình, đến mức ngay khi tái sinh đã không kìm được muốn thay đổi quyết định kiếp trước.
Nhớ lại cảm giác lạnh buốt ở cổ ngày đó—
"Được."
Tôi quyết định tôn trọng số phận của Dư Trại Trại: "Vậy chị cảm ơn em."
3.
Người được chọn để hoán đổi với Vệ Hoành đã được quyết định.
Trước khi lên đường đến thành phố, tôi đang thu xếp hành lý, bỗng có tiếng gõ cửa—là Dư Trại Trại.
Chắc hẳn nó quay về vào lúc rút thăm. Có lẽ người tái sinh dễ bị lộ ra, kiếp trước ở tuổi này, nó đâu có khái niệm vào phòng trước hết phải gõ cửa.
Có lẽ vì ỷ mình nhỏ tuổi, nó thậm chí còn không buồn giấu giếm.
Gương mặt bị ánh nắng và gió sương làm cho rám nắng và thô ráp, nhưng đã được rửa sạch sẽ…
“Chị ơi.” Nó cười nói, “Dù sao chị đi đến thành phố, người ta cũng sẽ mua cho chị quần áo giày dép mới. Chị đưa cái áo khoác gió đó cho em mặc đi.”
Áo khoác gió là do chị họ tặng cho chúng tôi, chị ấy mặc một thời gian rồi không vừa nữa, lúc đưa cho chúng tôi thì không bị rách chỗ nào cả, tôi luôn không nỡ mặc.
Kiếp trước, Dư Trại Trại cũng đã vuốt ve túi áo khoác gió: “Chị ơi, em đi thành phố, nếu mặc kém quá, nhất định sẽ bị người ta coi thường, chị có thể nhường cho em không?”
Sau đó, nó trở về trong bộ quần áo tươi mới đẹp đẽ, cái áo khoác nó hứa sẽ trả lại cho tôi đã bị nó vứt đi từ lâu.
Còn kiếp này, Dư Trại Trại lại nhắc đến chiếc áo khoác gió, tôi nghĩ, cũng không phải vì nó quá quý giá, quá đẹp, chỉ là….
Dư Trại Trại nắm lấy tay tôi: “Chị ơi, nhà mình ngày mai có khách đến. Chiếc áo khoác gió là bộ quần áo duy nhất chúng ta có thể mặc để gặp khách.”
Lòng bàn tay của Dư Trại Trại có một lớp chai mỏng, nhưng khi bị nó nắm lấy, tôi lại cảm thấy vài phần trơn trượt, giống như một con rắn lạnh lẽo.
“Được thôi.” Tôi mặt không đổi sắc rút tay mình ra.
Dư Trại Trại đang háo hức chờ đợi sự xuất hiện của Vệ Hoành, nó đang nóng lòng chờ đợi cơ hội này, đặt cược tất cả cơ hội trở mình của mình vào Vệ Hoành.
Khi nhìn nó thử từng bộ quần áo, tôi vài lần mấp máy miệng, muốn hỏi nó: Em chưa bao giờ nghĩ rằng, khi đó việc chị có thể trở mình, không hề bởi vì có Vệ Hoành sao?
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi lại im lặng. Dù sao, kiếp trước Dư Trại Trại đã giet tôi. Giờ đây tái sinh, nó vẫn là em gái tôi, tôi không có bằng chứng nó giet tôi, không thể báo cảnh sát, nên đành phải gác lại thù oán kiếp trước.
Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi xóa bỏ hận thù với nó nên muốn nhắc nhở nó.
Tôi sẽ không nhắc nhở nó rằng, Vệ Hoành không phải người dễ đối phó. Cũng sẽ không nhắc nhở rằng, lý do Vệ Hoành sau này giúp đỡ tôi, thuyết phục bố mẹ anh hỗ trợ tôi, không phải vì tình cảm hàng ngày tiếp xúc.
Mà là vì tôi cũng xem như có ơn cứu mạng anh.
Mà cái gọi là cứu mạng ấy, cũng không phải là một trải nghiệm tốt đẹp gì.
Ở kiếp trước, sau đó tôi cũng từng xem lại chương trình này trên mạng, và thấy những gì đã xảy ra với Dư Trại Trại khi nó đến thành phố.
Kiếp trước, chiếc áo khoác gió của Dư Trại Trại không giúp nó tạo dựng thanh thế gì.
Đối mặt với bố Vệ mặc vest lịch lãm và mẹ Vệ trẻ trung xinh đẹp, Dư Trại Trại xấu hổ cúi xuống nhìn đôi giày vải cũ nát của mình.
Nhưng mẹ Vệ ở thành phố rất thích Dư Trại Trại. Mẹ Vệ luôn muốn có một cô con gái, và Dư Trại Trại lớn lên trong gia đình nghèo khó lại tỏ ra rất hiểu chuyện.
Hình ảnh Dư Trại Trại tội nghiệp với đôi giày rách đã ngay lập tức chiếm được lòng thương cảm của bà.
Dư Trại Trại đã trải qua cuộc sống hoàn toàn khác ở thành phố trong một tháng. Còn tôi, ở ngôi làng nhỏ đó, trải qua một trận suýt chút nữa thì mất m ạng.
4.
Khi Dư Trại Trại háo hức chờ đợi Vệ Hoành đến, tôi ngồi trên xe của đoàn làm phim, đi đến sân bay.
Ngồi trên máy bay, tôi nhìn thấy cảnh xe cộ tấp nập và những tòa nhà cao tầng từ độ cao nghìn mét.
Tôi lẽ ra nên cảm thấy mới lạ, giả vờ ngạc nhiên. Nhưng kiếp trước tôi đã thấy quá nhiều, không thể làm ra dáng vẻ ngạc nhiên được.
Giống như khi đứng trước bố mẹ Vệ Hoành, tôi không thể nào làm giống như tôi cảm thấy tự ti được.
Cho dù so với Dư Trại Trại của kiếp trước, tôi giờ đây có phần lạc quẻ hơn chút.
Nhưng trong cơ thể chưa trưởng thành này là một linh hồn đã chín chắn từ lâu, chứ không phải là cô bé sẽ cảm thấy mất tự nhiên khi đứng trước một Vệ Hoành mặc đồ thời thượng như kiếp trước.
Mẹ Vệ Hoành là một người phụ nữ đa sầu đa cảm, lần đầu tiên gặp tôi, bà đã rưng rưng nước mắt, ôm tôi vào lòng: "Thắng Thắng."
Mẹ Vệ Hoành nhẹ nhàng vuốt tóc tôi, "Con vất vả rồi, từ nay con gọi ta là mẹ Vệ nhé?"
Tôi chỉ nhẹ nhàng đáp: "Cảm ơn dì, dì Tống."
Mẹ Vệ Hoành họ Tống, là một nữ cường nhân rất giỏi. Nhưng tôi không muốn gọi bà là mẹ Vệ.
Không phải vì có gì bất mãn với bà. Mà vì, tôi không muốn dùng sự nghèo khổ và đáng thương của mình để đổi lấy sự thương hại, từ đó lấy được lợi ích từ họ.
Tôi muốn dùng thực lực của mình, để họ nhìn nhận đúng giá trị của tôi. Điều tôi thực sự tiếc cho Dư Trại Trại là nó luôn nghĩ rằng trước mắt chỉ có hai con đường.
Một là ở lại nhà, lấy lòng Vệ Hoành. Hai là đến thành phố, lấy lòng bố mẹ Vệ Hoành.
Kiếp trước, nó đến thành phố, con đường ở lại bên "bố mẹ thành phố" đi không được, nên kiếp này, nó quyết định tranh thủ đi con đường của tôi.
Nhưng nó chưa từng nghĩ rằng, chúng ta đều đã tái sinh, đã có mấy chục năm kinh nghiệm, đã tích lũy được nhiều năm kiến thức, tại sao lại phải đi con đường cũ?
Chú Vệ và dì Tống đưa tôi đi mua quần áo ở trung tâm thương mại. Giống như kiếp trước đối với Dư Trại Trại, họ để tôi tự chọn quần áo, tốt nhất là chọn nhiều một chút. Tôi nhớ lại Dư Trại Trại kiếp trước. Nó đã làm gì?
Kiếp trước, nó rất phấn khích, nhưng vẫn cố gắng kiềm chế, chỉ lấy một bộ quần áo mùa thu và một bộ đồ thể thao, không lấy thêm gì nữa.
Dù dì Tống khuyên nó lấy thêm vài bộ. Nó chỉ nói: "Quần áo này đắt quá, dì kiếm tiền cũng không dễ dàng, con không thể lấy đồ của dì."
Đó là phản ứng của một đứa trẻ, một đứa trẻ có phẩm chất tốt nên có. Vì vậy, kiếp trước, dù Dư Trại Trại nói nó không cần thêm quần áo mới, dì Tống vẫn mua thêm cho nó vài bộ. Dư Trại Trại cảm động không nói nên lời, dì Tống liên tục khen nó hiểu chuyện.
Còn lúc này….Tôi trực tiếp chọn hai bộ quần áo mặc ngoài vừa vặn, hai bộ quần áo mùa thu trên giá.
Dì Tống lịch sự hỏi: "Thắng Thắng, hai bộ này có đủ không? Dì thấy con chọn kiểu đơn giản, mùa xuân đến rồi, dì mua cho con một bộ váy nhỏ được không?"
"Cảm ơn dì."
Tôi nghiêm túc nói, "Nhưng không cần đâu, nếu không khi con đi rồi không trả lại tiền cho dì được."
"Sao lại cần con trả tiền chứ? Đúng rồi, Vệ Hoành vẫn còn đang ăn ở ở nhà con kìa!"
5.
Tôi có chút khó ngủ khi ở giường lạ. Khi mới tái sinh trở lại, tôi đã mất ngủ suốt hai, ba đêm liên tiếp. Bây giờ cũng vậy.
Nằm trong căn phòng mà dì Tống đã chuẩn bị cho tôi, tôi không thể nào chợp mắt được. Vì vậy, tôi quyết định lên kế hoạch cho ba mươi ngày còn lại, tôi nên làm những gì.
Nửa đêm, tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại trong phòng khách. Lúc này, nhiều gia đình vẫn còn lắp điện thoại bàn, nhà họ Vệ cũng vậy.
Tiếp theo đó, tôi nghe thấy tiếng cửa phòng ngủ chính mở ra, rồi tiếng bước chân và tiếng nói chuyện.
"Alo, xin hỏi có chuyện gì vậy?”
"Nó là cái thằng chuyên kiếm chuyện làm loạn! Mặc kệ nó, cho nó làm gì thì làm!”
"Gì cơ? Đ ánh người? Đ ánh ai? Dư Trại Trại?" Người nghe điện thoại là dì Tống. Khác với sự kiên nhẫn và tỉ mỉ dành cho tôi, bây giờ giọng nói của bà đầy sự khó chịu.
Người được nhắc đến là Vệ Hoành. Vệ Hoành và tôi gần như khởi hành cùng lúc. Vì vậy, khi tôi đến nhà họ Vệ, anh ta cũng vừa đến nhà tôi.
Tuy nhiên, khi tôi đến, ngoài đồ dùng cá nhân và đồ vệ sinh cá nhân, hầu như không mang gì khác. Vì vậy, hôm nay bố mẹ Vệ đã mua cho tôi rất nhiều đồ, khi đến nơi xa lạ này, tôi cảm thấy mình được "nhận".
Vệ Hoành thì khác. Anh ta biết mình sẽ ở nông thôn một tháng, mang theo hai, ba vali đồ.
Đoàn làm phim vốn muốn thử nghiệm anh ta, để anh ta hiểu được sự khó khăn của cuộc sống, làm sao có thể cho phép anh ta mang những thứ này? Máy chơi game không được phép, đồ ăn vặt cũng không được phép...
Vì vậy, Vệ Hoành cảm thấy mình bị "tước đoạt" nhiều hơn.
Vốn dĩ anh ta không phải là người dễ chịu, nơi xa lạ lại không có cảm giác an toàn, không thể nào không lo lắng.
Chỉ là, tôi không ngờ được, người lẽ ra phải trút giận lên đoàn làm phim lại đánh Dư Trại Trại.
"Sao tôi lại sinh ra một đứa nghiệp chướng như thế chứ! Phiền bà hỏi giúp xem cô bé muốn gì?”
"Không muốn gì cả? Không bị thương nặng? Chỉ là vết thương nhỏ?”
"Vết thương nhỏ thì không phải do nó đánh người ta sao? Nếu cô bé không muốn gì... thế này đi, tôi sẽ gửi cho đoàn làm phim năm nghìn tệ, bà giúp tôi chuyển cho cô bé..."
Điện thoại cúp máy, tiếng bước chân lại vang lên. Cửa phòng ngủ chính đóng lại.
Chỉ một lát sau, tiếng phàn nàn nhỏ giọng của dì Tống lại vang lên: "Đều tại ông! Từ nhỏ đã không quản nó, vốn dĩ tính tình đã nóng nảy, ông còn cho nó chơi game!”
"Ông thấy nó bây giờ bị game làm hư hỏng chưa, đánh người đã đành, lại còn đánh con gái! "
“Thế nào gọi là hành vi bắt nạt, ông không biết sao?"
Cùng với tiếng phàn nàn của dì Tống, tôi lục lại những ký ức của mình về hình ảnh cậu thiếu niên với ánh mắt ngang tàng kiếp trước.
Kỳ lạ thay, rõ ràng lúc này tôi không buồn ngủ chút nào. Nhưng tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ trong tiếng phàn nàn không ngừng của dì Tống.
Bình luận facebook