-
Phần 4 END
30.
Sự thật chứng minh tôi đã đoán đúng.
Tổ chức tang lễ cho hai vợ chồng nọ xong, chưa đến hai ngày đứa bé đã mất tích.
Bà mẹ chồng khóc lóc rên rỉ, nói nhất định là do bào thai ma âm hồn chưa tan, cướp đi cháu trai duy nhất của bà ta.
Người trong thôn nghe thế thì cảm thấy sợ hãi, muốn mời bà đồng đến xem thử.
Thế nhưng điều lạ là bà mẹ chồng có thế nào cũng không chịu đồng ý. Bà ta nói chỉ còn mỗi một thân già cô độc như mình, thần quỷ không kị, không sợ gì cả, đứa cháu đó mất rồi thì thôi.
Ai nấy nghe xong đều cảm thấy khó chịu trong lòng, thế nhưng nạn nhân không truy cứu, người trong làng nào dám nhiều lời, chỉ xem như bỏ qua.
Thế rồi, không lâu sau đó, lời nói của một bé gái 8 tuổi đã khiến cho cả làng chìm trong lo sợ.
31.
Cô bé nói, khi người lớn ra ngoài làm đồng, cô bé ra ngoài chơi thì đi qua nhà của bà mẹ chồng, bé ngửi thấy một mùi hương rất hấp dẫn, cực kì thơm.
Mặc dù nghe đồn trong nhà bà mẹ chồng có ma khiến cho bé cảm thấy sợ hãi, thế nhưng bé không thể kìm được sự tò mò và thèm ăn, nhẹ nhàng đi vào.
“Sao con đến đây?”
Bà mẹ chồng nhìn thấy đứa bé thì giật mình, bà ta đang hầm cái gì đó, mùi thơm thoang thoảng khắp nơi.
Thấy cô bé không trả lời mà chỉ nhìn chằm chằm vào nồi, ừng ực nuốt nước bọt, bà mẹ chồng đành múc cho cô bé một bát canh thịt.
Bà ta dặn dò cẩn thận, bảo cô bé ăn xong thì đi về đi, đừng nói cho bất cứ ai biết chuyện này.
Cô bé nhận lấy bát, chưa đồng ý mà đã cắm đầu ăn như hổ đói.
Theo lời cô bé kể, miếng thịt đó trắng trắng hồng hào, thơm nức mũi, hầm vô cùng mềm mại.
Ngậm trong miệng nhấm nhẹ thì thịt lập tức tan ra, thơm đến mức cô bé suýt nuốt cả lưỡi…
32.
Truyền thuyết canh trường thọ đã có từ lâu, lời của cô bé khiến cho người trong làng khiếp sợ.
Nhưng bà mẹ chồng sống chet không chịu thừa nhận, luôn khẳng định mình chỉ uống canh gà, cháu bà ta là bị bào thai ma câu hồn dẫn đi.
Người trong thôn bất lực, vừa sợ hãi vừa chán ghét, chỉ có thể tránh xa bà ta.
Từ đó về sau, bà mẹ chồng sống trong cô độc.
May mà cơ thể bà ta khỏe mạnh, có thể nuôi gà trồng rau, tự nuôi sống bản thân.
Cứ như thế, rất nhiều năm trôi qua, cho đến năm bà mẹ chồng chín mươi tuổi, trong thôn đột nhiên bùng phát dịch bệnh.
Người dân thôn Đông Lai nôn mửa tiêu chảy, toàn thân sưng tấy. Trong vòng ba ngày đã chet hết nửa làng.
Nhà nào cũng đeo tang, nhà nào cũng khiêng quan tài, nửa đỉnh núi mọc kín những ngôi mộ mới, tiền giấy bay khắp nơi.
Điều kỳ lạ là bệnh dịch này chỉ hoành hành ở thôn Đông Lai, tất cả các thôn lân cận đều yên bình.
Chuyện này đã thu hút sự chú ý của xã, phía trên đặc biệt cử một số bác sĩ đến thôn Đông Lai để chữa bệnh và cứu người, đồng thời truy tìm nguồn gốc của bệnh dịch.
Cuộc điều tra này, tra được là do nguồn nước trong làng có vấn đề.
Bác sĩ chỉ huy lực lượng lao động còn khoẻ mạnh, rút nước giếng ra ngay trong đêm.
Thi thể của bà mẹ chồng được phát hiện ở dưới đáy giếng.
Mọi người không biết bà ta rơi xuống lúc nào, toàn thân bà ta bị ngâm nước đến trắng bệch và sưng tấy.
Sau khi vớt lên, chỉ mới nhẹ nhàng đặt thi thể xuống đất thôi, cả cơ thể đã nổ tung thành nhiều mảnh.
Thịt và nội tạng bay khắp nơi, bắn tung tóe vào những người có mặt ở hiện trường, mùi hôi thối khiến người ta không đứng vững nổi, ngay cả bác sĩ hiểu biết sâu rộng cũng nôn mửa hết cả.
Người dân mắng chửi, nói bà mẹ chồng uống thứ canh đó là thất đức, thế nên sau khi chet cũng bị ngâm trong nước, biến thành thịt trong canh, hại cho cả làng phải gánh họa chung.
Từ đó về sau, truyền thuyết về thứ canh tàn ác đó không còn được nhắc đến nữa.
Dân làng Đông Lai đều cố tình lảng tránh, muốn quên đi đoạn ký ức vừa kinh hoàng vừa đẫm máu năm nào.
33.
Câu chuyện đã đi đến hồi kết.
Bà cô thở dài, tôi vội vàng bịt miệng, sợ mình sẽ nôn ra.
Ban đầu tôi cứ ngỡ rằng canh trường thọ mà bà cô nói, nguyên liệu chính là nhau thai.
Nhưng nhau thai được dùng làm thuốc, từ xa xưa đã có rồi, tại sao lại nói là thất đức?
Nghĩ đến đứa bé sơ sinh bị mất tích kia, tôi vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, một đáp án dần dần xuất hiện trong lòng.
Tôi cố kìm nén cơn buồn nôn, cũng không dám hỏi bà cô.
Bởi vì có một điểm càng khiến tôi quan tâm hơn.
34.
Trong câu chuyện của bà cô, việc đứa bé ma trả thù được bà ta kể một cách sống động, chi tiết từng khúc mắc.
Tôi nghe đến mức nổi hết cả da gà.
Thế nhưng, canh trường thọ mà bà ta nhắc đến lúc đầu thì chỉ được đề cập đến qua vài câu đơn giản.
Món canh tàn nhẫn, mất nhân tính như thế, chẳng phải sẽ phải gánh quả báo bi thảm hơn và nghiêm trọng hơn sao?
Nhưng mà, ông lão lúc đầu uống canh đã sống đến 100 tuổi, ngoài ý muốn bị sói cắn chet.
Bà mẹ chồng bị nghi uống canh thì sống đến 90 tuổi, vô tình rơi xuống giếng.
Cái chết của bọn họ, thế mà tất cả đều được cho là “tai nạn” ư?
35.
Tôi mím môi, điều chỉnh lại cảm xúc.
“Truyền thuyết dân gian luôn quan niệm thiện ác có thiện báo, dẫn dắt con người làm điều tốt là mục đích cuối cùng.”
“Ví dụ, người đàn ông cho lợn ăn đứa bé, bản thân bị lợn cắn xé đến chet.”
“Người vợ hứa cho con ăn nhưng không làm được, cuối cùng ăn thịt chính mình.”
“Mà những dân làng giết các bé gái, cũng bởi vì dịch bệnh mà chet đi một nửa.”
“Cho nên, con cảm thấy người từng uống loại canh đó, nhất định sẽ không có kết cục tốt!”
Tôi càng nói càng cảm thấy có lý, tự mình gật đầu.
Bà cô không trả lời tôi, chỉ nhìn tôi mỉm cười.
Tuổi bà ta đã lớn, trên mặt có rất nhiều nếp nhăn.
Khi cười lên, các nếp nhăn nheo lại thành một chỗ, gần như không nhìn thấy đôi mắt đâu cả.
Nhưng qua khe hở đó, tôi vẫn cảm nhận được ánh nhìn của bà ta.
Sâu thẳm tối tăm, không rõ ý đồ.
36.
“Ngồi lâu quá rồi, nên vận động thôi.”
Tôi cảm thấy hơi khó chịu, ho khan, đỡ bụng đứng dậy.
Bà cô vẫn ngồi ở ghế sofa, híp mắt cười uống nước.
Trong lòng tôi cảm thấy bất an, di chuyển hai bước, bỗng dưng nhìn về cái gương lớn trước mặt.
Qua tấm gương, tôi thấy bà cô đang nhìn chằm chằm mình.
Ánh mắt bà ta tham lam, tàn ác, giống như đang nhìn chằm chằm một món ăn có thể khiến mình sống lâu trăm tuổi!
Tim tôi như ngừng đập, trong nháy mắt dựng tóc gáy, quay phắt lại.
Bà cô giật mình, phun ngụm nước ra, sau đó bắt đầu ho xé ruột xé gan.
37.
“Bà cô! Bà cô!”
Tôi không biết ban nãy mình có hiểu lầm hay không, nhìn thấy bà cô sặc nước, vội vàng chạy tới vỗ lưng bà ta.
Mặt bà cô càng lúc càng đỏ, hai tay tự bóp lấy cổ mình.
Bà ta giống như cá ra khỏi nước, thở hổn hển, chỉ có thể phát ra tiếng “ư ư.”
Tôi hoảng sợ, vội vàng gọi 120, nhanh tay làm theo phương pháp sơ cứu mà y tá dạy.
Thế nhưng tất cả đều vô dụng.
Bà cô vẫn há hốc miệng, cố gắng giãy giụa, hai chân đá loạn xạ trên mặt đất.
Bởi vì dùng lực quá mạnh mà ngón tay bà ta đã đâm thẳng vào cổ.
Trông thấy đôi mắt bà cô lồi ra, sự giãy giụa càng lúc càng yếu đi, tôi hoảng loạn đến mức bật khóc, thế nhưng không thể làm gì được nữa.
Chờ đến khi xe cấp cứu đến, bà cô đã tắt thở mất rồi.
38.
“Vợ à, em đừng buồn, đây là tai nạn, không ai lường được cả.”
Chồng quàng tay qua vai an ủi tôi.
“Mà bà cô năm nay 71 tuổi, xem như đã sống thọ lắm rồi.”
Tôi thút thít lau nước mắt.
Nói đi nói lại, con người bà cô này rất tốt.
Người già yêu cội nguồn, rất ít ai đồng ý rời xa quê hương.
Thế nhưng bà ta nghe nói tôi sắp sinh con thì chủ động đòi vào thành phố chăm sóc tôi.
Mỗi ngày bà ta đều thay đổi cách nấu, làm cho tôi rất nhiều món ăn khác nhau, bảo rằng phải để cho chắt bà ta ăn đến mức béo tròn…
Hả?
Tay tôi bất chợt dừng lại, trong lòng nảy sinh cảm giác bất an.
“Chồng ơi, anh bảo bà cô 71 tuổi ư?”
“Đúng vậy.”
Chồng tôi không hiểu, gật đầu.
Tôi cảm nhận được một cơn ớn lạnh đang dần dâng lên từ lòng bàn chân, dần dần lan khắp cơ thể.
“71 tuổi, là thời gian cả nước đẩy mạnh kế hoạch hoá gia đình, có lẽ là năm 1960, cũng có nghĩa là, bà cô khi đó chỉ khoảng 8 tuổi…”
“Đúng vậy, lúc ấy bà vẫn là một cô bé.”
Chồng tôi thở dài.
Vậy là, bà ta chính là đứa trẻ 8 tuổi đã được ăn canh trường thọ năm nào!