• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

VỀ BÊN EM KHI ĐÊM ĐÃ TẬN (1 Viewer)

  • Chương 39: Chương 39

Editor: Mộ
Tô Ly lật tiếp vài trang nhật ký và thấy tên của Lăng Diệu xuất hiện lần thứ hai.
Trong trang giấy còn đính kèm một mẩu báo từ thời đó
Ngày 6 tháng 4 năm 200X
Tôi đã bận rộn suốt một tuần với các cuộc phỏng vấn, cuối cùng tôi cũng có thể bớt chút thời gian cùng Tiểu Lý đến đồn cảnh sát để chuẩn bị cho cuộc điều tra tiếp theo về vụ án của bố Lăng Diệu.
Khi tôi đến đồn cảnh sát thì tình cờ thấy đứa trẻ này đi ra.
Đội trưởng Lưu bảo cậu ấy rất thẳng thắn và thành thật kể hết toàn bộ quá trình đầu độc và các chi tiết khác của vụ án, nhưng vì cậu ấy là trẻ vị thành niên và không liên quan trực tiếp đến cái chết của bố cậu ấy nên họ để cậu ấy trở lại trường và tiếp tục học.
Tình cờ chúng tôi cũng có xe nên đã nói với họ sẽ tiện thể cho cậu ấy đi nhờ.

Cậu ấy không nói gì cả, biết chúng tôi có chuyện muốn hỏi nên cậu ấy đã lên xe.
Vừa lên xe, chúng tôi đã hỏi cậu ấy đó: “Cháu muốn về trường hay về nhà?”
Cậu ấy suy nghĩ một lúc rồi bình tĩnh nói: “Về trường.

Chiều nay cháu thi môn hoá.”
Tôi hơi ngạc nhiên, đứa bé này đã không đi học gần một tuần rồi mà nó vẫn nhớ là có bài thi.

Hơn nữa, theo những gì tôi biết được từ giáo chủ nhiệm của nó, nó không phải là một đứa trẻ thích học.
Tôi khẽ hỏi: “Cháu có biết hôm qua là ngày gì không?”
Cậu ấy gật đầu.
Hôm qua là lễ Thanh minh đầu tiên sau khi bố cậu qua đời.
Tôi hỏi lại: “Cháu không muốn đến xem sao?”
Cậu trầm mặc một lúc lâu rồi lắc đầu.

Cậu ấy luôn nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ.
Tôi cố gắng giúp cậu ấy thả lỏng một chút và nói với cậu ấy: “Kết quả khám nghiệm tử thi của bố cháu đã được công bố.

Nguyên nhân cái chết không phải do chất độc của cháu.

Ông ta rơi xuống nước, rượu làm tê liệt hệ thần kinh và chết vì thiếu oxy trong não.”
Cậu ấy im lặng lắng nghe, rũ mắt xuống và không nói gì cả.
Tôi tin rằng có ai đó đã nói điều này với cậu ấy và ít nhất cậu ấy vẫn cảm thấy tự trách trong lòng.
Nhưng cậu ấy trầm mặc một lúc lâu rồi bình tĩnh nói: “Nếu ông ta không rơi xuống sông cũng sẽ chết vì trúng độc.”
Như thể cậu ấy biết bất luận quá trình diễn ra thế nào thì kết quả cũng không thể cứu vãn.

Ẩn sâu trong giọng nói non nớt ấy là sự căm thù vô cùng quyết liệt.
Không biết kết quả có chính xác không nhưng biên bản giám định pháp y cho thấy nồng độ chất độc trong cơ thể chiếm khoảng 60% dung dịch gốc, chứng tỏ cậu ấy đã mua dung dịch gốc về rồi pha loãng với nước trước khi cho nó vào bình rượu để bố cậu ấy uống.

Lúc lấy lời khai cậu ấy cũng nói với cảnh sát như vậy.
Cậu không hề giải thích, cũng không hối lỗi.
Tôi không an ủi cậu ấy nữa bởi vì tôi nhận ra những suy nghĩ trong lòng cậu ấy đã vượt xa những gì chúng tôi nói.

Dường như cậu ấy đoán được tất cả những gì chúng tôi muốn truyền tải nên phần lớn thời gian cậu ấy chỉ im lặng lắng nghe.
Trên đường đi chúng tôi gặp một đoạn tắc đường, tôi đã tìm chủ đề khác để trò chuyện với cậu ấy.
Tôi nói: “Mẹ cháu vừa xử lý xong chuyện của bố cháu, bà ấy rất mong cháu về nhà, cháu có muốn về gặp bà ấy một lát không?”
Cậu ấy lặng lẽ lắc đầu.

Tôi nói lại: “Bà ấy bảo cháu rất thích về nhà.

Bây giờ cháu chỉ còn một người thân duy nhất chắc chắn tâm trạng không tốt, cháu nên ở cùng bà ấy nhiều hơn.”
Cuối cùng cậu ấy chỉ nói một câu nhưng gãi đúng chỗ ngứa.
Cậu bảo: “Trước đây cháu thường xuyên về nhà vì sợ bố đánh bà ấy nhưng bây giờ không còn ai đánh bà ấy nên cháu không cần vội vàng về đó nữa.”
Cậu ấy nói xong cả tôi lẫn Tiểu Lý ở trong xe đều im lặng.
Cái chết của bố cậu ấy là một bi kịch hay một sự giải thoát cho gia đình này?
Có lẽ đối với một người mẹ ốm yếu đang nằm liệt giường, việc không có người trụ cột trong gia đình và không được bồi thường vì tai nạn chắc chắn sẽ là đả kích vô cùng nặng nề.
Nhưng đồng thời, chuyện bạo lực gia đình không ngừng nghỉ sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Từ nay về sau hai mẹ con họ sẽ không phải chịu những tổn thương về thể xác.
Tôi đã gặp mẹ của Lăng Diệu.

Khi tôi nói chuyện trực tiếp với bà, ở khóe mắt của bà vẫn còn lưu lại dấu vết của một vết thương mới.

Có một đứa trẻ vô tội từng ở trong cái bụng phẳng lì của bà nhưng đã mất mạng vì bạo lực gia đình.

Từ những gì bà ấy nói, tôi biết Lăng Diệu cũng thường xuyên bị đánh nhưng cậu ấy là một đứa trẻ vô cùng cứng đầu nên thường xuyên phản kháng, tuy nhiên trên cánh tay và cơ thể của cậu bé đó cũng có vài vết sẹo tương tự.
Tôi không biết trước đây hai mẹ con họ đã sống trong môi trường bạo lực đó như thế nào nhưng từ những biểu hiện và những gì họ nói, tôi có thể thấy cuộc sống hàng ngày của họ thật ngột ngạt và tuyệt vọng.

Những gì họ phải đối mặt là một tên nghiện rượu, lười biếng và thích bạo lực gia đình.

Nhưng bây giờ thứ bắt nguồn cho muôn vàn áp lực của họ cuối cùng cũng biến mất, họ sẽ tiếp tục sống thế nào?
Khi tôi tiễn Lăng Diệu đến cổng trường, tôi đã nói một điều cuối cùng với cậu ấy.
Hãy học hành cho thật tốt, dù không thể chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền nhưng ít nhất nó sẽ cho phép cháu có quyền lựa chọn tương lai.
Cậu ấy gật đầu chào tôi rồi bước xuống xe và đi vào cổng trường.
Sau khi bài báo được tung ra, có rất nhiều mạnh thường quân đã gọi điện đến đường dây nóng và bảo sẽ quyên góp cho hai mẹ con.

Tất nhiên cũng có những người gọi điện lên án bài báo của chúng tôi là lệch lạc.

Thay vì thiên vị một đứa trẻ vị thành niên có ý định giết người thì phải nhốt nó vào tù và dạy dỗ một cách cẩn thận để phòng ngừa nó trở thành ung nhọt trong xã hội tương lai.
Tất nhiên, cậu bé ấy có tội hay không là do cảnh sát xác định và chúng tôi cũng không đi vào chi tiết.
Điều chúng tôi quan tâm là mỗi bài báo chân thực của chúng tôi về các khía cạnh khác nhau của xã hội có thể dùng như một lời cảnh báo cho thế giới hiện tại để tạo một cái kết viên mãn vào một ngày nào đó trong tương lai.
Nhưng thật không may, đây là một vấn đề nan giải bởi vì cuộc sống chỉ thỉnh thoảng cho bạn một chút thời gian để thở, phần lớn thời gian còn lại nó sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc đời thật tăm tối và ép bạn đến không thở nổi.

Ngày 15 tháng 5 năm 200X
Đã một tuần kể từ khi tôi từ chức, mặc dù tôi đã có suy nghĩ này từ rất lâu nhưng gần đây tôi mới quyết định bắt đầu một sự nghiệp mới.

May mắn thay, công việc chuẩn bị cho văn phòng gần như đã xong cả rồi.
Tôi đã thuê một vài người bạn mà tôi biết.

Trước đây chúng tôi đã từng làm việc cùng nhau.
Tiểu Ly vô cùng thích thú với chuyện đó.

Nó bảo nó sẽ trở thành một thành viên của nhóm chúng tôi.


Mỗi ngày sau khi tan học nó đều đến văn phòng để báo cáo.
Tôi không nhẫn tâm nói với nó rằng tôi và Mỹ Di sắp ly hôn.
Nhưng tâm tư của con gái rất nhạy bén, tôi không cần nói nhiều con bé cũng cảm nhận được từ lâu.
Đôi khi dù mọi người đều ở đó nhưng con bé vẫn luôn im lặng, nó cũng không làm phiền chúng tôi và đòi chúng tôi dẫn con bé đi ăn cơm nữa.
Điều đáng nói là gần đây tôi đang tài trợ cho Lăng Diệu.

Tôi thuận miệng đề cập chuyện này với con bé, con bé không nói năng gì cầm một nửa số tiền tiết kiệm của mình đưa cho tôi.
Tôi nói đùa: “Con bỏ tiền cho người ta thì bố không bù cho con đâu.”
Con bé không hề đau lòng, nó đặt tiền xuống rồi xoay người bỏ: “Lấy đi, lấy đi.

Bố cho người ta học hành thật giỏi là được.”
Tôi biết con bé đã tiết kiệm được rất nhiều tiền để kỳ nghỉ hè sắp tới có thể đi chơi với bạn bè ở ngoại ô.

Nó đã sắp xếp rất nhiều kế hoạch.
Từ nhỏ con bé đã đối xử rất tốt với mọi người xung quanh, bây giờ đối với một người xa lạ mà nó chưa từng gặp mặt cũng y như vậy.
Sau đó tôi dành thời gian mang tiền cho Lăng Diệu, chàng thanh niên này rất cứng đầu, nhất quyết không chịu lấy một đồng nào.

Cậu ấy cứ nói có người đã tài trợ cho mình rồi.
Tôi biết chút tiền quyên góp mà họ nhận được đã dùng hết từ lâu.
Bởi vì sức ảnh hưởng của dư luận, không có báo chí nào tiếp tục đào sâu vào vụ này và tôi thậm chí không có thẩm quyền để thực hiện các cuộc phỏng vấn vì tôi đã từ chức.
Vì vậy, tôi cũng thắng thắn nói với cậu ấy rằng tôi không còn là phóng viên nữa.

Đây là khoản tài trợ của tôi, trong đó có cả tiền của con gái tôi cho cậu ấy.

Chúng tôi hy vọng cậu ấy có thể tiếp tục đi học và trở thành một người có ích cho xã hội trong tương lai.
Cậu ấy vẫn không nhận và từ chối một người lạ đã vượt cả hàng nghìn cây số để đến đây.

Cuối cùng, tôi đặt tiền lên bàn trong căn nhà lụp sụp của cậu ấy, cậu ấy cảm ơn tôi.
Trước khi đi, tôi đưa cho cậu ấy tấm danh thiếp của văn phòng và nói cậu ấy có thể đến gặp tôi hoặc gọi cho tôi bất cứ khi nào cậu ấy cần.
Cậu ấy im lặng nhận lấy và không nói gì.
….

Truyện Khác
17 tháng 9 năm 200X
Gần đây, sau khi tan học tâm trạng của Tiểu Ly không tốt lắm.

Tôi hỏi con bé nhưng nó không chịu nói.

Đến tận lúc ăn cơm con bé mới ngập ngừng nói trên đường về nhà, nó có cảm giác có ai đó đang theo dõi mình.
Tất nhiên tôi còn lo lắng hơn con bé, tôi hỏi có thường xuyên không thì con bé bảo mấy ngày gần đây đều cảm thấy thế nhưng nó quay đầu lại thì không thấy ai cả.
Vì vậy, tôi bảo con bé đừng lo lắng, ngày mai tôi sẽ ra ngoài điều tra giúp nó.
Kết quả là ngày hôm sau tôi đã bắt được cái người gọi là kẻ theo dõi ở cổng trường học của con bé.
Tất nhiên cũng không phải là bắt, tôi chỉ mời cậu ấy lên xe của mình.

Tôi chưa bao giờ nghĩ người đó là Lăng Diệu, kết quả này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.
Mẹ cậu ấy qua đời trong kỳ nghỉ hè năm đó.

Bây giờ cậu ấy chỉ có một thân một mình.
Có lẽ cậu ấy cảm thấy xấu hổ khi đối mặt với tôi nên cậu chỉ cúi đầu và im lặng.
Tôi bình tĩnh hỏi cậu: “Tại sao lại đi theo Tiểu Ly?” Cậu ấy bảo với tôi là cậu ấy thích con bé.
Cậu thiếu niên hơi nhướng mày, nói ra chữ “thích” vô cùng dứt khoát còn bướng bỉnh hơn trước kia rất nhiều.
Tôi không khỏi bật cười.

Tôi hỏi cậu ấy thích gì, cậu ấy không trả lời được mà chỉ nói một câu cái gì cũng thích.
Tôi càng tò mò hơn.

Tôi hỏi cậu ấy biết Tiểu Ly lúc nào.
Cậu ấy nói ban đầu không biết đó là con gái tôi, Tiểu Ly cũng không nhận ra cậu ấy.

Hai đứa chỉ tình cờ gặp nhau trước cửa văn phòng.
Hai đứa nó chỉ vô tình gặp nhau nhưng cậu ấy lại thích và âm thầm theo dõi con bé, đây là điều duy nhất tôi không thể hiểu nổi.
Tôi bảo nếu cậu thích con bé thì có thể làm bạn với nó.

Tiểu Ly rất thân thiện, tính cách cũng cởi mở nên lúc gặp người lạ nó cũng có thể nói vài ba câu.
Cậu ấy không đáp lại, như thể ngay từ đầu cậu ấy đã không có ý định làm quen với con bé.
Sau lần bị tôi bắt gặp, cậu ấy đã hứa với tôi sẽ không theo dõi con bé nữa, và bảo tôi giữ bí mật đừng vạch trần thân phận của cậu ấy.

Cậu ấy cũng đảm bảo mình không có ý định làm tổn thương con bé.
Tôi biết cậu ấy không phải người xấu nên đã đồng ý.
Lại nói năm nay cậu ấy học lớp mười hai.

Thỉnh thoảng tôi có liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của cậu ấy và biết rằng dạo này cậu ấy luôn về sớm và cúp học nên tôi tiện thể nói luôn.
Cậu ấy im lặng nghe tôi thuyết phục, thái độ rất lễ phép.

Cuối cùng cậu ấy cũng gật đầu hứa với tôi sẽ chăm chỉ học hành.
Tôi không biết cậu ấy có nghe lọt không nhưng tôi vẫn vô tình nhắc nhở cậu ấy một câu.
Tôi nói: Tiểu Ly rất ngưỡng mộ công lý.

Con bé thường nói với tôi, sau này nó sẽ tìm bạn trai làm cảnh sát.

Cháu có thể chất khá tốt đấy.

Nếu cháu chăm chỉ học hành, cháu vẫn có thể đỗ vào học viện cảnh sát.
Cậu ấy luôn cúi gằm mặt.

Sau khi tôi nói xong, cậu ấy đột nhiên ngẩng đầu lên với một cặp mắt phát sáng như thể đang muốn tôi xác nhận lại.
Tôi gật đầu, vỗ vai cậu ấy và nói tôi chờ tin tốt của cháu vào năm sau.

Tô Ly không biết mình đã ngủ từ lúc nào, cô chỉ nhớ lúc đọc xong những dòng nhật ký ấy đôi mắt của cô sưng húp còn nghẹn ngào đến nỗi không thể thở được.

Cô càng nghĩ càng thấy đau lòng, không thể ngủ yên giấc.
Khi cô nhắm mắt lại, dường như những hình ảnh trong nhật ký mà cô chưa bao giờ biết đến đã tái hiện ngay trước mắt cô.
Thời gian cứ trôi qua, cô trằn trọc mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng không chịu nổi đành chìm vào giấc ngủ chập chờn.
Lúc cô tỉnh lại là trưa ngày hôm sau.

Cô vừa dụi mắt vừa nhìn quyển nhật ký trên đầu giường.
Tất cả nội dung đều hiện lên một cách sinh động trước mắt cô, thậm chí cô còn tỉnh táo hơn ngày hôm qua.


Cô hít một hơi thật sâu, cảm thấy rất khó chịu có lẽ cô bị cảm lạnh rồi.
Cô rời giường kiếm đại thứ gì đó để ăn và uống thuốc.

Sau đó cô ngồi ngẩn người tại chỗ với vẻ mặt mơ màng.
Quay lại phòng, Tô Ly đặt cuốn nhật ký về chỗ cũ, sau đó cô ngồi xuống bàn làm việc và mở máy tính nhập mật khẩu rồi cắm USB của bố cô vào.

Hàng loạt văn kiện nhảy ra trước mắt.
Cô nhấp hết vào thư mục này đến thư mục khác, cuối cùng cô cũng tìm thấy ghi chú cuộc phỏng vấn hàng quý của năm đó.

Cô nhập từ khóa “Lăng Diệu” vào thanh tìm kiếm và nhanh chóng tra cứu nội dung cô muốn trong hàng chục nghìn chữ.
“Người cha bạo lực gia đình bị trẻ em đầu độc và trượt chân chết đuối.”
Chỉ một cái tiêu đề đã khiến những đầu ngón tay của Tô Ly mất hết dũng khí để trượt xuống.

Cô lại đau lòng, lần này giống như cô vừa bị ném vào chảo dầu nóng rồi lại bị ném cho một quả bom.
Cùng lúc ấy, chuông điện thoại di động vang lên.

Cô vẫn đang đắm chìm vào màn hình máy tính nên không thèm phản ứng.

Lần thứ hai tiếng chuông vang lên, cô mới liếc mắt nhìn nó một cái.
Đó là Uông Mỹ Di.
Cô nhận điện thoại, đối phương lập tức hỏi: “Con làm gì mà giờ mới nghe điện thoại? Tối nay Lăng Diệu có về không?”
Tô Ly nói vẫn chưa biết được.
Uông Mỹ Di thở dài: “Lát nữa mẹ sẽ qua đó, đêm giao thừa phải tụ họp chứ.”
Sau đó bà hỏi Lăng Diệu thích ăn gì, Tô Ly sững sờ nhưng cô không trả lời được.
Uông Mỹ Di lập tức chỉ trích cô: “Nó thích ăn gì con cũng không biết, hai đứa kết hôn vội vàng như thế làm gì.”
Tô Ly bất mãn muốn hỏi người trong cuộc nhưng cô cũng không có mặt mũi để hỏi anh nên đành báo cho bà vài món ngẫu nhiên.
Trong ấn tượng của cô, anh không hề kén ăn.

Anh cũng chưa bao giờ chủ động nhắc tới mình thích ăn gì, chỉ cần cô ăn cho dù là cơm thừa thịt nguội, anh đều ăn sạch sẽ.
Đúng rồi, anh đã nói anh thích cô từ rất nhiều năm trước, đến tận bây giờ anh vẫn luôn thích cô.
Cái gì anh cũng tốt, chỉ có một khuyết điểm duy nhất là luôn đối xử tệ với bản thân.
Tô Ly vẫn gửi tin nhắn cho Lăng Diệu và hỏi tối nay anh có về nhà không.
Anh không lập tức trả lời tin nhắn nghĩa là anh vẫn chưa nhìn thấy.

Cô không sốt ruột như mấy lần trước nữa, dù sao việc chờ đợi tin nhắn của anh đã trở thành một việc quá đỗi bình thường.
Chạng vạng tối, Uông Mỹ Di mang một túi thực phẩm lớn và rau tươi sang, bà định tối nay sẽ làm bữa cơm giao thừa.
Tô Ly vào phòng bếp phụ giúp.

Sau đó cô đi quanh nhà để dán những chữ Phúc màu đỏ.

Loanh quanh một lúc đến khi cô ngẩng đầu lên đã thấy trời sẩm tối.
Lúc đó cô mới nhớ đến việc kiểm tra điện thoại, anh gửi lại một tin nhắn chỉ có hai chữ ngắn ngủi: Về nhà.
Tô Ly nhìn hai chữ đó, đôi mắt bất chợt đỏ hoe.
Cô vẫn nhớ trước kia anh nói đã lâu lắm rồi không ai bảo anh về nhà.

Hôm nay cô đột nhiên muốn cho anh thử một lần.
Vì vậy, cô đã gõ một dòng chữ và gửi nó đi.
“Chồng à, em đợi anh về ăn tối.”
Cô gửi tin nhắn, tiếng chuông cửa đã vang lên.
Cùng lúc đó, màn hình điện thoại bừng sáng và một tin nhắn mới hiện ra trên thanh thông báo: Anh đến cửa rồi, ra mở cửa cho anh..
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom