Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Ván bài lật ngửa - Phần I - Chương 21
P1 - Chương 21
Đến giữa cầu chữ Y, nơi ngã ba rẽ, Luân chạm liền mấy ụ súng, họng đại liên chĩa về phía Chợ Lớn. Vài chiếc tank-amphibie(1) cũng nghếch nòng pháo 37 li kiểm soát con đường dẫn lên cầu. Nhiều công sự bằng bao cát dựng hối hả trên lối dành cho người đi bộ.
(1) Xe bọc thép lội nước.
Dưới chân cầu, hàng loạt đại bác không giật cỡ 51 li, pháo 105 li, cối 80 bố trí dọc mé sông, cạnh những thùng đạn nguyên xi. Binh lính Bình Xuyên, bêrê đội lệch, quần áo, giày vớ mới toanh. Luân hiểu là quân đội Pháp vừa mở một khi quân trang và họ thấy không cần dè sẻn với đám đánh thuê rẻ mạt này. Một cái gì vừa tủi, vừa bực trào lên trong người Luân mỗi khi xe Luân qua những ảnh tướng Lê Văn Viễn dán la liệt khắp các gốc cây, cột điện.
Tài xế Vũ Huy Lục rõ ràng là mất tinh thần, hỏi giọng rung:
- Sắp đánh nhau, hở ông?
- Chắc chắn rồi…
- Tại sao phe Quốc gia mà đánh nhau?
Luân không trả lời. Anh bận nhớ đến nhiều thứ.
Bình Xuyên là một danh xưng chưa hẳn đã là xấu thuở xa xưa. Lúc bấy giờ, phía Nam Sài Gòn còn hoang vu. Những con rạch chi chít, len lỏi giữa vùng đầm lầy toàn là ô rô, cóc kèn và bần. Từng xóm nhỏ dựng chơi vơi, phần lớn là nhà sàn. Dân tứ xứ tụ tập về đây, trốn làng lính có, hết kế sinh nhai có. Họ làm đủ nghề: bắt cá bắt cua, đốn củi, vào thành khuân thuê vác mướn, nấu rượu lậu… Lần hồi Bình Xuyên, Chánh Hưng được xem như vùng đất của hạng người sống ngoài pháp luật. Thật ra, số đó không đông nhưng quả địa thế Bình Xuyên cho phép các tay anh chị có một nơi tấn thối lí tưởng. Vô tình, Bình Xuyên bắt đầu nổi danh như thế đó.
Khi Nhật đổ bộ vào Đông Dương, hãng Dainan Koosi thiết lập một cơ sở đóng tàu tại Chánh Hưng và cùng lúc, cầu chữ Y khánh thành, vắt qua ba dòng kinh. Nhóm thân Nhật nhân đó lôi kéo các tay anh chị, tuồn súng cho họ. Nhật lật Pháp, lực lượng Bình Xuyên đã khá đông. Rồi, tất cả theo Việt Minh. Một bộ tư lệnh thống nhất ra đời. Lê Văn Viễn là phó tư lệnh khu, vừa là tư lệnh một số chi đội Bình Xuyên. Một rủi ro cho kháng chiến: Ba Dương, một trong thủ lĩnh yêu nước của Bình Xuyên hi sinh. Bảy Viễn lộng lên. Cuộc bàn giao giữa đảng Hắc Long – cơ quan tình báo Nhật – với Phòng Nhì Pháp diễn ra những ngày đầu kháng chiến. Bảy Viễn được giao nhiệm vụ hợp đồng với Pháp đánh một cú quyết định: Triệt tiêu cơ quan đầu não của kháng chiến. Trong một thời điểm thống nhất, từ Giồng Dinh – sát biên giới Miên, nơi trung tướng Nguyễn Bình đặt sở chỉ huy – qua Láng Le – nơi đóng trụ sở của Thành ủy Đảng Cộng sản – đến Nam Sài Gòn – nơi quân ta kiểm soát và là bàn đạp uy hiếp thành phố - quân Pháp, gồm quân bộ, quân dù, quân thủy mở một chiến dịch quy mô ngoài đánh vào, có quân Bảy Viễn, Tư Tị, quân Phạm Hữu Đức trong đánh ra. Kháng chiến vấp phải một tổn thất đáng kể, tuy rằng cơ quan đầu não không hề hấn. Hầu hết, cán bộ, đảng viên, những người yêu nước trong quân đội Bình Xuyên bị thảm sát, hàng nghìn quần chúng cả hai quận Cần Giuộc và Nhà Bè bị bắt bớ, đánh đập, thủ tiêu, hàng trăm phụ nữ bị làm nhục… Vùng tự do Nam Sài Gòn chuyển thành vùng bị chiếm.
Danh nghĩa Bình Xuyên hoen ố vì sự phản bội này.
Những tướng lĩnh chân chính của Bình Xuyên góp nhóp thủ hạ, bôn ba ra Đồng Tháp, kẻ vượt sông sang Bà Rịa. Ngọn cờ Bình Xuyên còn phấp phới là nhờ họ, nhờ những Tám Mạnh, Mười Trí, Năm Hà, Hai Vĩnh…
Trong kháng chiến, Luân thỉnh thoảng gặp các thủ lĩnh ấy. Họ hòa mình với cuộc kháng chiến, gánh vác trọng trách trong quân đội. Thật ra, sau vài năm sát cánh cưới một ngọn cờ, theo một con đường, cái nết riêng của Bình Xuyên trong họ không còn nữa. Giờ này, chắc họ đang cùng đơn vị xây dựng doanh trại, sửa soạn bước vào một thời kì mới của quân độ ở một nơi nào đó trên miền Bắc.
Bảy Viễn và bộ sậu, trái lại, ngày một dấn sâu hơn trong tội ác. Và, với chúng không thể nói đâu là mức tội ác tột cùng. Số phận đã cột chặt chúng với bọn chủ.
Đôi lúc, Luân bỏ lên đòn cân – một đầu là bọn Bảy Viễn và những kẻ tương tự, một đầu là Ngô Đình Diệm. Song, anh đã mau chóng đi đến kết luận: Bảy Viễn mà không chống lại Diệm theo lệnh của Tây thì sẽ phủ phục dưới gót Diệm, tăng khó khăn cho cách mạng lên gấp bội. Vấn đề là cách mạng sẽ lợi dụng được cái gì trong cuộc xung đột – hết sức vô lí nhưng lại hoàn toàn hợp lí – chứ không phải là nên dành tình cảm cho ai. Dĩ nhiên, trừ những người bị lợi dụng, những người kém cỏi về chính trị, những con vật hi sinh cả Bảy Viễn và của thực dân Pháp.
Luân lơ đãng ngó bên ngoài. Thái độ ung dung đó của Luân trấn tĩnh được tài xế Lục. Cuối cùng rồi Lục cũng đưa xe qua cổng chắn của tổng hành dinh Bình Xuyên.
Lại Hữu Tài, vẫn với vẻ bặt thiệp của một công chức pha đôi chút đường bệ của một chánh khách, đon đả bắt tay Luân tại cổng chắn và cùng ngồi xe với anh chạy một vòng quanh ngôi nhà hai tầng quét vôi xanh nằm giữa những chiến hào. Rõ ràng Tài muốn phô trương thanh thế. Tất nhiên, Tài không quên Luân là một chỉ huy quân sự có kiến thức và từng trải, nhưng Tài vẫn đinh ninh Luân là “quân sự tay ngang” trong khi bọn Tài được các sĩ quan thực thụ Saint Cyr(2) đỡ đầu. Luân chỉ yên lặng quan sát và khi xe chạy đủ vòng, anh hiểu rằng toàn bộ cấu trúc ngự phòng này, nghiêm khắc mà nói, chẳng qua là loại đồ mã. Trong cuộc đụng độ khó tránh sắp tới, rõ ràng tướng Viễn không phải là đối thủ của tướng Tỵ. Sào huyệt của Bình Xuyên sẽ được tính sổ chóng vánh. Có lẽ tướng Tỵ sẽ được thăng cấp vì trong đời sĩ quan của ông ta, trận đánh với Bình Xuyên là cái bàn nhún tốt hết đưa ông lên cao mà ít tốn công sức.
(2) Trường võ bị Pháp.
Khu tổng hành dinh tự biến thành mục tiêu từ nhiều hướng tập kích, hỏa lực chỉ bố trí một tầng – thiếu cao điểm và nhất là thiếu chiều sâu – phần lớn lại không trong thế hợp đồng và đặc biệt, không thích hợp cho đánh phòng ngự. Ngay công sự - hào nhoáng với những bao cát xếp đẹp mắt – không thể dùng cho đánh nhau thật sự.
Kiến trúc quân sự của Bình Xuyên nghèo đến mức thảm hại. Hình như các sĩ quan Pháp không gia công cho đám đệ tử của mình. Tổng hành dinh, vô số thuyền máy chực sẵn, đủ gạo nước và dĩ nhiên, đủ các thùng rượu, có cả một thuyền dành cho các cô gái giúp vui – Luân phát hiện nhờ quần áo lót phơi giống như lá cờ đuôi nheo phất phơ trong gió. Kế bên Tổng hành dinh, hai chiếc trực thăng đậu trên sân bóng, dĩ nhiên là dành cho Bộ tư lệnh và cũng dĩ nhiên không phải dùng để đánh nhau.
Tài cứ liếc Luân mãi. Ông ta hợm hĩnh chờ đợi một cử chỉ thán phục. Luân thì suy tính mình nên nói gì, nói như thế nào...
Lại Văn Sang thay Bảy Viễn tiếp Luân - Bảy Viễn đang ở Bến Tre với đại tá Léon Leroy.
Khi cùng Sang, Tài vào phòng khách, Luân thấy Ly Kai ở một chiếc bàn kê bên ngoài. Gã lễ phép đứng lên chào Luân.
Phòng khách trang trí sang trọng. Một cặp ngà voi, có lẽ dài hơn một thước mỗi chiếc, cắm trên giá bày phía sau ghế bành phủ da bò. Hẳn là chỗ ngồi của Bảy Viễn. Nền trải thảm len Thổ Nhĩ Kì. Những chùm đèn thủy tinh buông thõng, lấp lánh. Sa lông kiểu “Đệ nhị đế chế” mang hiệu hãng đồ gỗ Levitan bên Pháp.
Một cô gái mang khay rượu ra. Cô gật đầu chào Luân. Đó là Tiểu Phụng. Lần này Tiểu Phụng mặc áo dài.
- Ông kĩ sư khỏe?
- Cám ơn! Cô cũng khỏe?
- Cám ơn!
Tiểu Phụng rót rượu và kín đáo liếc Luân.
- Tôi rất tiếc là thiếu tướng Lê Văn Viễn không có mặt. Lần này tôi hi vọng chào thiếu tướng mà vẫn không có vận may.
Luân nói, sau khi ba người chạm li. Anh nói thật bởi anh muốn trực tiếp đánh giá tay đầu sỏ Bình Xuyên này.
- Ông kĩ sư thấy chúng tôi bố trí binh lực như thế nào?
Lại Hữu Tài không kìm chế nổi, đã đặt một câu hỏi không phải chỗ.
- Tôi đến thăm thiếu tướng và các ông hôm nay không với mục đích quân sự. Tôi rất cám ơn về sự tin cậy của các ông, đã cho tôi nhìn từ phía trong công việc bố phòng cơ mật...
- Không sao! - Tài đưa tay ngăn Luân – Hành động của chúng tôi giữa ban ngày. Nó khác ai đó chuyên làm chuyện ám muội!... Không mấy khi ông kĩ sư sang chơi. Chúng tôi lúc nào cũng đối xử với ông như người bạn, dầu cho giữa chúng ta còn rất nhiều điểm bất đồng. Trước khi ông kĩ sư đi vào mục đích riêng của cuộc viếng thăm, chúng tôi muốn nghe ở ông một sự đánh giá.
Tài nói bóng bẩy, với giọng kênh kiệu.
“Chưa phủ đầu gã ba hoa này thì chưa vô đề được!” - Luân nghĩ trong bụng.
- Nếu vậy, tôi xin phép đại tá và ông cố vấn. - Luân cười mỉm - Tôi sẽ nói thẳng, trong tình thân hữu. Chưa có dịp nghiên cứu toàn bộ sơ đồ bố phòng, tôi chỉ có thể nhận xét khu vực quanh Tổng hành dinh mà tôi trực tiếp quan sát bằng mắt và có nhận xét từ góc độ đơn thuần quân sự. Như thế được không?
- Được! Được! – Lại Văn Sang chồm hẳn người tới, trong khi Lại Hữu Tài tựa lưng vào ghế, khoanh tay trước ngực, hàm ý: Anh cứ nói, song không có gì đáng nghe đâu.
- Trước hết, tôi chưa rõ ý định chiến thuật của Bộ tư lệnh Bình Xuyên. Các ông dàn quân quanh Tổng hành dinh để làm gì? Bảo vệ Bộ tư lệnh? Chọn nơi đây làm chiến trường quyết định? Hay, xin lỗi đại tá và ông cố vấn, chỉ cốt phô trương? Tôi nhớ không lầm, tờ Journal d'Extrême Orient(3) đăng cả một phóng sự khá dài, khá chi tiết và dĩ nhiên rất hấp dẫn về khu vực Tổng hành dinh...
(3) Nhật báo Viễn Đông, tiếng Pháp, xuất bản ở Sài Gòn.
Lại Văn Sang nhíu mày. Da mặt sạm của ông ta như tráng thêm một lớp mây đục. Còn da mặt bóng lưỡng của Lại Hữu Tài như bớt đi một chút hồng hào.
- Nếu bố phòng để bảo vệ tổng hành dinh thì quân số và khí tài đó hơi thừa thãi. Tôi nói chính xác hơn: quá xa mức cần thiết. Nếu để dọn trước một bãi chiến trường thì, một là, quá sơ sài, hai là, sao chọn Tổng hành dinh làm nơi quyết định? Liệu rằng vài ụ súng, vài chiếc xe lội nước đủ sức ngăn đối phương vượt cầu? Liệu rằng đối phương sẽ không sử dụng cao điểm đối diện với Tổng hành dinh, tỉ như tầng thượng của nhà đèn Chợ Quán? Những nhà chuyên môn quân sự của các ông giả định tình huống đánh nhau như thế nào? Một toán cảnh sát lùng sục khu Tổng hành dinh? Một nhóm quân sự trang bị nhẹ liều chết vượt qua công sự của các ông? Các ông có nghĩ rằng chỉ cần không đến một trăm quả pháo 105 li là cả khu vực thành đất bằng? Các ông có nghĩ hải quân đối phương bọc hậu các ông? Các ông dự kiến đối phó thế nào khi đối phương sử dụng tuyến đường Phú Xuân – Nhà Bè một bên, cầu Ông Thìn – Cần Giuộc một bên, siết các ông thành hai gọng kềm? Tại sao các ông chỉ sửa soạn nghênh chiến từ chính diện? Còn sự phô trương, lại phải xin lỗi đại tá và ông cố vấn, vừa chẳng hăm dọa nổi ai – tôi nói những người có kiến thức sơ đẳng về quân sự - vừa ôm lấy thất bại chính trị về mình! Không phải Chính phủ mà Bình Xuyên quyết gây đổ máu! Trong hoàn cảnh tế nhị của nước ta hiện thời, không lỗi lầm nào nghiêm trọng hơn là lỗi lầm tự vỗ ngực hò hét chiến tranh… Mất ngọn cờ hòa bình là mất gần như tất cả!
Luân lên lớp – đúng, anh nói với thái độ tùy từ vốn song âm sắc quyết đoán.
Lại Văn Sang chống cằm, nhìn anh không chớp mắt, Lại Hữu Tài ngồi thẳng người, đầu hơi cúi thấp.
Nếu cả ba bất chợt bước ra ngoài sẽ thấy Ly Kai sáp tai sát kẽ cửa, chiếc cổ hắn dài ra, cố nuốt tất cả cuộc nói chuyện, không bỏ sót một lời. Dĩ nhiên, gã không thể nhìn thấy bởi tấm bình phong chắn lối vào phòng gã và gã cũng không tiện đứng lên dòm bởi ba tên vệ sĩ lầm lì trấn ngay cửa với ba khẩu Thompson nòng đen trũi.
Còn ở phòng cạnh, Tiểu Phụng ngồi tựa ghế. Cô có thể dễ dàng nghe hơn Ly Kai.
- Ông kĩ sư quên một điều – Lại Hữu Tài đằng hắng lấy lại tư thế - Là cuộc chiến không diễn ra chỉ ở một khu vực cả. Cả thành phố, cả miền Nam cùng lên tiếng kia! Còn bài báo… Tôi nghĩ là dư luận sẽ hiểu đó là chúng ta bắt buộc phải tự vệ.
- Tôi luôn luôn phản đối bất kể nguyên nhân gì, phải trái về ai, nhưng, tôi sẽ sung sướng nếu quả điều ông cố vấn nói không chỉ đơn giản là một ước vọng! Các ông đánh giá hơi cao những cứ điểm mà các ông giữ trong thành phố: Một bót Catinat, một quán Théophile, một Đại Thế Giới, một đồn công an xung phong ở Bàu Sen, trên Gò Vấp… Còn gì nữa? Một đội cảnh vệ ở cầu Tân Thuận, một đồn cảnh sát ở cầu Ông Thìn. Chắc tôi còn bỏ sót một vài chỗ nữa. Gộp lại, các ông có tin là một khi đạn đã rời nòng súng, các ông chịu đựng mỗi nơi đủ mười lăm phút? Phần tôi, tôi không tin! Về bài báo, ông cố vấn vừa giải thích – xin lỗi – vẫn là một ước vọng. Các ông làm chính trị, hơn nữa, sẵn sàng dùng vũ lực giải quyết các tranh chấp, mà đặc tính toàn dựa trên rủi may. Dư luận trong và ngoài nước không hiểu như ông cố vấn chờ đợi. Người ta nói rằng – nói trên báo chí – Bình Xuyên bị tước đặc quyền, đặc lợi nên gây sự. Người ta nói vì ông Ngô Đình Diệm không chấp nhận thiếu tướng Lê Văn Viễn làm Quốc vụ khanh mà Bình Xuyên bạo động. Không có một lí lẽ nào có lợi cho các ông… Ông cố vấn nhắc tới các giáo phái. Chúng ta có đủ thời giờ để thẩm tra. Dầu sao, tôi cũng khuyên các ông như một phương ngôn: un tiens vaut mieux que deux tu l’auras(4). Câu phương ngôn đó cũng có thể áp dụng với những lời hứa của tướng Pháp Paul Ely.
(4) Một cái anh đang có bằng hai cái anh sẽ có.
- Nghĩa là, rốt lại, ông kĩ sư sang dụ hàng chúng tôi? – Lại Hữu Tài sừng sộ một cách đột ngột.
Luân hiểu rằng tay quân sư số một của Bình Xuyên toan gỡ gạc. Riêng bài báo, chắc là công trình của ông ta.
- Tôi sang đây với tư cách riêng. – Luân tỏ ra điềm đạm – Tôi nhắc lại: chưa bao giờ tôi nhân danh cho Chính phủ, tôi không được ủy quyền và tôi cũng không thích. Với đại tá và ông cố vấn tôi ràng buộc vì tình thân hữu. Tôi không khuyên các ông đầu hàng. Có lần tôi thưa với ông cố vấn: Hãy thận trọng. Xét cho cùng, không phải vì lợi ích của ông Diệm mà tôi đưa ra đề nghị sau đây. Đề nghị trước hết vì lợi ích của Bình Xuyên. Đề nghị đó là: Các ông nên đóng cửa Đại Thế Giới…
- Hả? Đóng cửa Đại Thế Giới? – Lại Văn Sang gầm gừ.
- Phải! Tự các ông chủ động đóng cửa, nếu các ông không muốn bị tước hết mọi tiềm năng đề kháng. Tôi khuyên như vậy tức là tránh cho các ông thất bại. Các ông không nên đầu hàng, song điều quan trọng là các ông phải tránh bị bắt buộc đầu hàng.
- Ông kĩ sư có biết chúng tôi hoàn toàn không được trợ cấp? Ngoài ngân sách nhỏ giọt của Bộ tư lệnh quân viễn chinh Pháp, chúng tôi sống nhờ tự túc. Đại Thế Giới là nguồn tài chính quan trọng nhất của chúng tôi. – Lại Văn Sang không còn hầm hè, giọng ông ta như mếu.
- Có thể nhiều tình tiết tôi không nắm đầy đủ.
Luân nói đến đây, bỗng chấm ngón tay vào nước viết lên bàn: “Các ông có dự định phá cầu chữ Y và nhà đèn?”
Anh ra dấu chỉ chỗ Ly Kai, và nói tiếp:
- ... Song bất luận như thế nào, giành lại tín nhiệm chính trị trong quần chúng vẫn là quan trọng.
Sang và Tài đọc hàng chữ của Luân cùng ngó ra cửa và gật đầu.
“Sáu Thưng bán tin đó cho Nhu.” – Luân viết thêm đồng thời vẫn nói:
- Vì một sòng bạc – tôi nói theo lối của đồng bào – mà sanh ra đánh nhau, gây tàn phá, chết chóc, thật là tội lỗi…
Lại Văn Sang bỗng đấm xuống bàn, li tách khua loảng xoảng.
- Hừ! Đồ chó đẻ!
Lại Hữu Tài vội nắm chặt tay Sang.
- Anh bình tĩnh!
- Tôi nghĩ lúc này chúng ta nên bình tĩnh. – Luân dựa theo dấu câu của Tài và viết nốt: “Chính Nhu giao tôi mang tiền thưởng cho Sáu Thưng.” – Cần coi trọng lợi ích chung. – Luân nói đều đều.
Anh đưa cho Sang một phong bì. Sang rút ra bốn tấm ảnh: Sáu Thưng nhận tiền đếm từ tay Luân, bỏ tiền vào túi, cười toe toét…
Sang nghiến răng trèo trẹo, cặp mắt càng mang dại.
Lại Hữu Tài cũng chấm tay vào nước viết: “Ly Kai?”
Luân chớp mắt một giây – anh cân nhắc nên trả lời thế nào – và viết: “Không rõ. Nên chú ý. Mọi việc càng giữ bí mật càng tốt.”
- Rất cám ơn ông kĩ sư. – Tài nói – Sự lo lắng của ông kĩ sư với chúng tôi khiến chúng tôi cảm kích. Về vụ Đại Thế Giới, chúng tôi xin chỉ thị thiếu tướng. Song, chắc là khó. Muốn hòa giải mỗi bên cần một bước nhượng bộ. Chúng tôi đã nhượng bộ nhiều, anh em ông Diệm cứ ăn hiếp tới. Bình Xuyên biết điều với ai tỏ ra biết điều. Còn khi nổ súng, sự thể khó mà lường trước. Ông kĩ sư có lí của ông, anh em Bình Xuyên chúng tôi có lí của chúng tôi… Nào, xin mời ông kĩ sư cạn li…
Khi Luân ra khỏi phòng thì Ly Kai cũng biến mất.
“Gã đang báo cáo cho Nhu hay Tuyến đây!”
Luân đoán như vậy.
*
Vừa về đến nhà – tài xế Lục hú hồn, phóng xe như chạy trốn – Luân đã phải nói chuyện điện thoại với Nhu.
- Anh đã về? Sao? Bị xỉ vả thậm tệ chứ gì?
Luân thuật lại rành mạch cuộc tiếp xúc. Anh có cảm giác Nhu không chú ý mấy. Mọi việc anh ta đã nắm được rồi. Thậm chí, qua hơi thở của Nhu, Luân hình dung anh ta đang cố nhịn cười.
- Anh thuyết cho họ nhiều thứ, - Nhu nói, rất vui – Tri thức quân sự nhé, đạo lí ở đời nhé, biết người biết ta nhé… Anh thành công các mặt, trừ một mặt, tiếc quá, đó là mặt chính… Anh không thuyết phục nổi họ dẹp Đại Thế Giới. Bây giờ, anh tin tôi chưa? Có phải lúc nào lá bùa kháng chiến của anh cũng linh nghiệm đâu? Thôi, nhà hùng biện tạm tránh qua để cho đại liên lên tiếng!
*
Ly Kai và Bảy Môn chạy đi tìm Sáu Thưng khá vất vả theo lịnh của Lại Văn Sang – ông ta thường muốn thấy lệnh của mình được thực hiện tính từng giây. “Chắc là Sang quyết định phá nổ cầu và nhà đèn ngay, khi nghe thằng cha kĩ sư Luân hù dọa” – Ly Kai đoán mò. Gã vội báo cho Nhu tin đó và Nhu dặn gã tới hai lần:
- Nắm cho được cuộc nói chuyện của Sang và Sáu Thưng.
Ly Kai và Bảy Môn moi Sáu Thưng trong phòng ngủ. Hắn ôm ghì cô “hối thén” – hai đứa đều trần truồng.
Sáu Thưng chưa tỉnh hẳn khi gặp Lại Văn Sang. Bảy Môn và Ly Kai đều không ai ở trong phòng.
Ly Kai nhấp nhỏm mãi. Nhưng gã đành hẹn sẽ moi tin sau ở Sáu Thưng – quanh phòng đầy vệ sĩ.
Sáu Thưng ở trong phòng Sang độ mười lăm phút. Cửa phòng vụt mở, với tiếng kêu thảm thiết của Sáu Thưng:
- Em không phản đâu anh Ba!
Vệ sĩ còng tay Sáu Thưng, lôi xềnh xệch. Ly Kai rụng rời. Chết cha rồi! Thằng này mà khai hé cái gì đó cho Ly Kai thì sau Sáu Thưng sẽ tới lượt gã.
Tràng đạn tiểu liên vọng tới từ bờ rạch. Ly Kai ngó quanh: Nột quá thì phóng xuống nước vậy…
… Người duy nhất nghe được một phần đối thoại giữa Sang và Sáu Thưng là anh chàng vệ sĩ.
- Nó là Cộng sản, nó sợ nên nó lo lót cho em…
- Mày tới chết mà chưa bỏ tật nói láo… Nó là Cộng sản, bàn dân thiên hạ không ai không biết, việc gì phải giấu?
- Nó sợ thiệt mà! – Sáu Thưng chống chế giọng yếu xìu.
- Im! Đồ ăn cơm quẹt mỏ. Mày bán đứng tụi tao cho thằng Nhu lấy mấy chục ngàn? Hả?
Một tiếng hự. Có lẽ Sang đá Sáu Thưng.
- Nó là Cộng sản hay nó là con mẹ gì, tao không cần biết. Tao biết nó là người của thằng Nhu. Mày khoe mày là đặc công thủy. Mày khoe mày có thể đánh sập cầu chữ Y, nhà đèn Chợ Quán, mày lãnh thuốc nổ. Rồi mày báo cho thằng Nhu! Đồ chó đẻ! Đã vậy mày còn lẻo mép…
Anh chàng vệ sĩ đồng tình với thủ lĩnh: Thằng Sáu Thưng chối mà chối thiệt là ngu…
*
Nhu nói chuyện bằng điện thoại với Luân:
- Anh nghe tin gì chưa? Chưa nghe? Lại Văn Sang khử Sáu Thưng rồi!
Nhu chờ một tiếng thở phào của Luân, song anh ta chỉ nghe giọng Luân sửng sốt.
- Sao lại khử?
- Tôi không rõ. Có thể vì anh gặp Sáu Thưng chăng?
- Không có lí! Tôi đã báo cho họ biết là tôi quen với Sáu Thưng, chúng tôi gặp nhau, tôi cho Sáu Thưng vay tiền…
- Có lẽ họ nghi… Thôi được, kể ra cũng tốt.
Nhu gác máy, đứng thừ người khá lâu. Lúc sau, Nhu quay máy:
- Ông Mai Hữu Xuân… Tôi là Nhu… Chỗ chứa thuốc nổ gần cầu chữ Y mà An ninh quân đội tìm thấy, này thế nào nhỉ?... Hả? Các ông tịch thu cả?... Không có gì… Tịch thu cũng được…
Nhu vẫn chưa hết băn khoăn.
Đêm hôm đó anh ta gặp Ly Kai.
- Có dấu hiệu gì chứng tỏ tụi nó nghi anh không?
- Lúc đầu tôi sợ quá… Nhưng khi tụi nó bắn Sáu Thưng rồi, Sang vẫn tiếp tục giao việc cho tôi y như cũ… - Ly Kai trả lời, giọng không hề pha chút một âm sắc Tàu.
- Tiếc là chưa khai thác được Sáu Thưng được bao nhiêu..
- Thôi… Từ nay anh phải hết sức cẩn thận. Hễ thấy tụi nó nghi, anh cho tôi hay lập tức…
*
Sáng mồng Một Tết Ất Mùi, phòng khách nhà Luân trang trí khá rôm rả. Có đến mấy cặp dưa hấu Đài Loan to tướng. Mỗi cặp đính theo danh thiếp: Văn phòng Thủ tướng – nên hiểu là chính Thủ tướng, vợ chồng ông cố vấn Ngô Đình Nhu; của Giám mục. Phải kể luôn quà Tết của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Mai Hữu Xuân, Tướng Lê Văn Tỵ, của Tổng Giám đốc Công an Lại Văn Sang, Cố vấn Bình Xuyên Lại Hữu Tài. Đặc biệt, có quà của đại sứ Mỹ, tướng Collins – những quả táo Florida tươi mọng và của cao ủy Pháp Paul Ely – những chai champagne hảo hạng.
… Luân lên xe. Hôm nay là ngày anh gặp Sa.
Xe lăn bánh. Pháo nổ từ giao thừa đến giờ vẫn chưa ngớt. Dù thế nào, đây cũng là cái Tết Nguyên Đán hòa bình đầu tiên.
Trong Luân, mọi thứ lẫn lộn: anh ăn Tết xa chiến khu.
Và không riêng gì Luân, tài xế Vũ Huy Lục trầm ngâm hẳn. Anh ta nhìn những cặp vợ chồng dắt con đi chơi Tết mà mím môi…
Nắng sớm len hàng cây vệ đường, rải lên mặt Luân những chấm vụt thoáng. Vô tình Luân vuốt tóc. Hình như đôi sợi bạc rơi…
Mình mới dự trận đánh chỉ vỏn vẹn có bố mươi lăm ngày đêm!
Luân tự nhủ.
Đến giữa cầu chữ Y, nơi ngã ba rẽ, Luân chạm liền mấy ụ súng, họng đại liên chĩa về phía Chợ Lớn. Vài chiếc tank-amphibie(1) cũng nghếch nòng pháo 37 li kiểm soát con đường dẫn lên cầu. Nhiều công sự bằng bao cát dựng hối hả trên lối dành cho người đi bộ.
(1) Xe bọc thép lội nước.
Dưới chân cầu, hàng loạt đại bác không giật cỡ 51 li, pháo 105 li, cối 80 bố trí dọc mé sông, cạnh những thùng đạn nguyên xi. Binh lính Bình Xuyên, bêrê đội lệch, quần áo, giày vớ mới toanh. Luân hiểu là quân đội Pháp vừa mở một khi quân trang và họ thấy không cần dè sẻn với đám đánh thuê rẻ mạt này. Một cái gì vừa tủi, vừa bực trào lên trong người Luân mỗi khi xe Luân qua những ảnh tướng Lê Văn Viễn dán la liệt khắp các gốc cây, cột điện.
Tài xế Vũ Huy Lục rõ ràng là mất tinh thần, hỏi giọng rung:
- Sắp đánh nhau, hở ông?
- Chắc chắn rồi…
- Tại sao phe Quốc gia mà đánh nhau?
Luân không trả lời. Anh bận nhớ đến nhiều thứ.
Bình Xuyên là một danh xưng chưa hẳn đã là xấu thuở xa xưa. Lúc bấy giờ, phía Nam Sài Gòn còn hoang vu. Những con rạch chi chít, len lỏi giữa vùng đầm lầy toàn là ô rô, cóc kèn và bần. Từng xóm nhỏ dựng chơi vơi, phần lớn là nhà sàn. Dân tứ xứ tụ tập về đây, trốn làng lính có, hết kế sinh nhai có. Họ làm đủ nghề: bắt cá bắt cua, đốn củi, vào thành khuân thuê vác mướn, nấu rượu lậu… Lần hồi Bình Xuyên, Chánh Hưng được xem như vùng đất của hạng người sống ngoài pháp luật. Thật ra, số đó không đông nhưng quả địa thế Bình Xuyên cho phép các tay anh chị có một nơi tấn thối lí tưởng. Vô tình, Bình Xuyên bắt đầu nổi danh như thế đó.
Khi Nhật đổ bộ vào Đông Dương, hãng Dainan Koosi thiết lập một cơ sở đóng tàu tại Chánh Hưng và cùng lúc, cầu chữ Y khánh thành, vắt qua ba dòng kinh. Nhóm thân Nhật nhân đó lôi kéo các tay anh chị, tuồn súng cho họ. Nhật lật Pháp, lực lượng Bình Xuyên đã khá đông. Rồi, tất cả theo Việt Minh. Một bộ tư lệnh thống nhất ra đời. Lê Văn Viễn là phó tư lệnh khu, vừa là tư lệnh một số chi đội Bình Xuyên. Một rủi ro cho kháng chiến: Ba Dương, một trong thủ lĩnh yêu nước của Bình Xuyên hi sinh. Bảy Viễn lộng lên. Cuộc bàn giao giữa đảng Hắc Long – cơ quan tình báo Nhật – với Phòng Nhì Pháp diễn ra những ngày đầu kháng chiến. Bảy Viễn được giao nhiệm vụ hợp đồng với Pháp đánh một cú quyết định: Triệt tiêu cơ quan đầu não của kháng chiến. Trong một thời điểm thống nhất, từ Giồng Dinh – sát biên giới Miên, nơi trung tướng Nguyễn Bình đặt sở chỉ huy – qua Láng Le – nơi đóng trụ sở của Thành ủy Đảng Cộng sản – đến Nam Sài Gòn – nơi quân ta kiểm soát và là bàn đạp uy hiếp thành phố - quân Pháp, gồm quân bộ, quân dù, quân thủy mở một chiến dịch quy mô ngoài đánh vào, có quân Bảy Viễn, Tư Tị, quân Phạm Hữu Đức trong đánh ra. Kháng chiến vấp phải một tổn thất đáng kể, tuy rằng cơ quan đầu não không hề hấn. Hầu hết, cán bộ, đảng viên, những người yêu nước trong quân đội Bình Xuyên bị thảm sát, hàng nghìn quần chúng cả hai quận Cần Giuộc và Nhà Bè bị bắt bớ, đánh đập, thủ tiêu, hàng trăm phụ nữ bị làm nhục… Vùng tự do Nam Sài Gòn chuyển thành vùng bị chiếm.
Danh nghĩa Bình Xuyên hoen ố vì sự phản bội này.
Những tướng lĩnh chân chính của Bình Xuyên góp nhóp thủ hạ, bôn ba ra Đồng Tháp, kẻ vượt sông sang Bà Rịa. Ngọn cờ Bình Xuyên còn phấp phới là nhờ họ, nhờ những Tám Mạnh, Mười Trí, Năm Hà, Hai Vĩnh…
Trong kháng chiến, Luân thỉnh thoảng gặp các thủ lĩnh ấy. Họ hòa mình với cuộc kháng chiến, gánh vác trọng trách trong quân đội. Thật ra, sau vài năm sát cánh cưới một ngọn cờ, theo một con đường, cái nết riêng của Bình Xuyên trong họ không còn nữa. Giờ này, chắc họ đang cùng đơn vị xây dựng doanh trại, sửa soạn bước vào một thời kì mới của quân độ ở một nơi nào đó trên miền Bắc.
Bảy Viễn và bộ sậu, trái lại, ngày một dấn sâu hơn trong tội ác. Và, với chúng không thể nói đâu là mức tội ác tột cùng. Số phận đã cột chặt chúng với bọn chủ.
Đôi lúc, Luân bỏ lên đòn cân – một đầu là bọn Bảy Viễn và những kẻ tương tự, một đầu là Ngô Đình Diệm. Song, anh đã mau chóng đi đến kết luận: Bảy Viễn mà không chống lại Diệm theo lệnh của Tây thì sẽ phủ phục dưới gót Diệm, tăng khó khăn cho cách mạng lên gấp bội. Vấn đề là cách mạng sẽ lợi dụng được cái gì trong cuộc xung đột – hết sức vô lí nhưng lại hoàn toàn hợp lí – chứ không phải là nên dành tình cảm cho ai. Dĩ nhiên, trừ những người bị lợi dụng, những người kém cỏi về chính trị, những con vật hi sinh cả Bảy Viễn và của thực dân Pháp.
Luân lơ đãng ngó bên ngoài. Thái độ ung dung đó của Luân trấn tĩnh được tài xế Lục. Cuối cùng rồi Lục cũng đưa xe qua cổng chắn của tổng hành dinh Bình Xuyên.
Lại Hữu Tài, vẫn với vẻ bặt thiệp của một công chức pha đôi chút đường bệ của một chánh khách, đon đả bắt tay Luân tại cổng chắn và cùng ngồi xe với anh chạy một vòng quanh ngôi nhà hai tầng quét vôi xanh nằm giữa những chiến hào. Rõ ràng Tài muốn phô trương thanh thế. Tất nhiên, Tài không quên Luân là một chỉ huy quân sự có kiến thức và từng trải, nhưng Tài vẫn đinh ninh Luân là “quân sự tay ngang” trong khi bọn Tài được các sĩ quan thực thụ Saint Cyr(2) đỡ đầu. Luân chỉ yên lặng quan sát và khi xe chạy đủ vòng, anh hiểu rằng toàn bộ cấu trúc ngự phòng này, nghiêm khắc mà nói, chẳng qua là loại đồ mã. Trong cuộc đụng độ khó tránh sắp tới, rõ ràng tướng Viễn không phải là đối thủ của tướng Tỵ. Sào huyệt của Bình Xuyên sẽ được tính sổ chóng vánh. Có lẽ tướng Tỵ sẽ được thăng cấp vì trong đời sĩ quan của ông ta, trận đánh với Bình Xuyên là cái bàn nhún tốt hết đưa ông lên cao mà ít tốn công sức.
(2) Trường võ bị Pháp.
Khu tổng hành dinh tự biến thành mục tiêu từ nhiều hướng tập kích, hỏa lực chỉ bố trí một tầng – thiếu cao điểm và nhất là thiếu chiều sâu – phần lớn lại không trong thế hợp đồng và đặc biệt, không thích hợp cho đánh phòng ngự. Ngay công sự - hào nhoáng với những bao cát xếp đẹp mắt – không thể dùng cho đánh nhau thật sự.
Kiến trúc quân sự của Bình Xuyên nghèo đến mức thảm hại. Hình như các sĩ quan Pháp không gia công cho đám đệ tử của mình. Tổng hành dinh, vô số thuyền máy chực sẵn, đủ gạo nước và dĩ nhiên, đủ các thùng rượu, có cả một thuyền dành cho các cô gái giúp vui – Luân phát hiện nhờ quần áo lót phơi giống như lá cờ đuôi nheo phất phơ trong gió. Kế bên Tổng hành dinh, hai chiếc trực thăng đậu trên sân bóng, dĩ nhiên là dành cho Bộ tư lệnh và cũng dĩ nhiên không phải dùng để đánh nhau.
Tài cứ liếc Luân mãi. Ông ta hợm hĩnh chờ đợi một cử chỉ thán phục. Luân thì suy tính mình nên nói gì, nói như thế nào...
Lại Văn Sang thay Bảy Viễn tiếp Luân - Bảy Viễn đang ở Bến Tre với đại tá Léon Leroy.
Khi cùng Sang, Tài vào phòng khách, Luân thấy Ly Kai ở một chiếc bàn kê bên ngoài. Gã lễ phép đứng lên chào Luân.
Phòng khách trang trí sang trọng. Một cặp ngà voi, có lẽ dài hơn một thước mỗi chiếc, cắm trên giá bày phía sau ghế bành phủ da bò. Hẳn là chỗ ngồi của Bảy Viễn. Nền trải thảm len Thổ Nhĩ Kì. Những chùm đèn thủy tinh buông thõng, lấp lánh. Sa lông kiểu “Đệ nhị đế chế” mang hiệu hãng đồ gỗ Levitan bên Pháp.
Một cô gái mang khay rượu ra. Cô gật đầu chào Luân. Đó là Tiểu Phụng. Lần này Tiểu Phụng mặc áo dài.
- Ông kĩ sư khỏe?
- Cám ơn! Cô cũng khỏe?
- Cám ơn!
Tiểu Phụng rót rượu và kín đáo liếc Luân.
- Tôi rất tiếc là thiếu tướng Lê Văn Viễn không có mặt. Lần này tôi hi vọng chào thiếu tướng mà vẫn không có vận may.
Luân nói, sau khi ba người chạm li. Anh nói thật bởi anh muốn trực tiếp đánh giá tay đầu sỏ Bình Xuyên này.
- Ông kĩ sư thấy chúng tôi bố trí binh lực như thế nào?
Lại Hữu Tài không kìm chế nổi, đã đặt một câu hỏi không phải chỗ.
- Tôi đến thăm thiếu tướng và các ông hôm nay không với mục đích quân sự. Tôi rất cám ơn về sự tin cậy của các ông, đã cho tôi nhìn từ phía trong công việc bố phòng cơ mật...
- Không sao! - Tài đưa tay ngăn Luân – Hành động của chúng tôi giữa ban ngày. Nó khác ai đó chuyên làm chuyện ám muội!... Không mấy khi ông kĩ sư sang chơi. Chúng tôi lúc nào cũng đối xử với ông như người bạn, dầu cho giữa chúng ta còn rất nhiều điểm bất đồng. Trước khi ông kĩ sư đi vào mục đích riêng của cuộc viếng thăm, chúng tôi muốn nghe ở ông một sự đánh giá.
Tài nói bóng bẩy, với giọng kênh kiệu.
“Chưa phủ đầu gã ba hoa này thì chưa vô đề được!” - Luân nghĩ trong bụng.
- Nếu vậy, tôi xin phép đại tá và ông cố vấn. - Luân cười mỉm - Tôi sẽ nói thẳng, trong tình thân hữu. Chưa có dịp nghiên cứu toàn bộ sơ đồ bố phòng, tôi chỉ có thể nhận xét khu vực quanh Tổng hành dinh mà tôi trực tiếp quan sát bằng mắt và có nhận xét từ góc độ đơn thuần quân sự. Như thế được không?
- Được! Được! – Lại Văn Sang chồm hẳn người tới, trong khi Lại Hữu Tài tựa lưng vào ghế, khoanh tay trước ngực, hàm ý: Anh cứ nói, song không có gì đáng nghe đâu.
- Trước hết, tôi chưa rõ ý định chiến thuật của Bộ tư lệnh Bình Xuyên. Các ông dàn quân quanh Tổng hành dinh để làm gì? Bảo vệ Bộ tư lệnh? Chọn nơi đây làm chiến trường quyết định? Hay, xin lỗi đại tá và ông cố vấn, chỉ cốt phô trương? Tôi nhớ không lầm, tờ Journal d'Extrême Orient(3) đăng cả một phóng sự khá dài, khá chi tiết và dĩ nhiên rất hấp dẫn về khu vực Tổng hành dinh...
(3) Nhật báo Viễn Đông, tiếng Pháp, xuất bản ở Sài Gòn.
Lại Văn Sang nhíu mày. Da mặt sạm của ông ta như tráng thêm một lớp mây đục. Còn da mặt bóng lưỡng của Lại Hữu Tài như bớt đi một chút hồng hào.
- Nếu bố phòng để bảo vệ tổng hành dinh thì quân số và khí tài đó hơi thừa thãi. Tôi nói chính xác hơn: quá xa mức cần thiết. Nếu để dọn trước một bãi chiến trường thì, một là, quá sơ sài, hai là, sao chọn Tổng hành dinh làm nơi quyết định? Liệu rằng vài ụ súng, vài chiếc xe lội nước đủ sức ngăn đối phương vượt cầu? Liệu rằng đối phương sẽ không sử dụng cao điểm đối diện với Tổng hành dinh, tỉ như tầng thượng của nhà đèn Chợ Quán? Những nhà chuyên môn quân sự của các ông giả định tình huống đánh nhau như thế nào? Một toán cảnh sát lùng sục khu Tổng hành dinh? Một nhóm quân sự trang bị nhẹ liều chết vượt qua công sự của các ông? Các ông có nghĩ rằng chỉ cần không đến một trăm quả pháo 105 li là cả khu vực thành đất bằng? Các ông có nghĩ hải quân đối phương bọc hậu các ông? Các ông dự kiến đối phó thế nào khi đối phương sử dụng tuyến đường Phú Xuân – Nhà Bè một bên, cầu Ông Thìn – Cần Giuộc một bên, siết các ông thành hai gọng kềm? Tại sao các ông chỉ sửa soạn nghênh chiến từ chính diện? Còn sự phô trương, lại phải xin lỗi đại tá và ông cố vấn, vừa chẳng hăm dọa nổi ai – tôi nói những người có kiến thức sơ đẳng về quân sự - vừa ôm lấy thất bại chính trị về mình! Không phải Chính phủ mà Bình Xuyên quyết gây đổ máu! Trong hoàn cảnh tế nhị của nước ta hiện thời, không lỗi lầm nào nghiêm trọng hơn là lỗi lầm tự vỗ ngực hò hét chiến tranh… Mất ngọn cờ hòa bình là mất gần như tất cả!
Luân lên lớp – đúng, anh nói với thái độ tùy từ vốn song âm sắc quyết đoán.
Lại Văn Sang chống cằm, nhìn anh không chớp mắt, Lại Hữu Tài ngồi thẳng người, đầu hơi cúi thấp.
Nếu cả ba bất chợt bước ra ngoài sẽ thấy Ly Kai sáp tai sát kẽ cửa, chiếc cổ hắn dài ra, cố nuốt tất cả cuộc nói chuyện, không bỏ sót một lời. Dĩ nhiên, gã không thể nhìn thấy bởi tấm bình phong chắn lối vào phòng gã và gã cũng không tiện đứng lên dòm bởi ba tên vệ sĩ lầm lì trấn ngay cửa với ba khẩu Thompson nòng đen trũi.
Còn ở phòng cạnh, Tiểu Phụng ngồi tựa ghế. Cô có thể dễ dàng nghe hơn Ly Kai.
- Ông kĩ sư quên một điều – Lại Hữu Tài đằng hắng lấy lại tư thế - Là cuộc chiến không diễn ra chỉ ở một khu vực cả. Cả thành phố, cả miền Nam cùng lên tiếng kia! Còn bài báo… Tôi nghĩ là dư luận sẽ hiểu đó là chúng ta bắt buộc phải tự vệ.
- Tôi luôn luôn phản đối bất kể nguyên nhân gì, phải trái về ai, nhưng, tôi sẽ sung sướng nếu quả điều ông cố vấn nói không chỉ đơn giản là một ước vọng! Các ông đánh giá hơi cao những cứ điểm mà các ông giữ trong thành phố: Một bót Catinat, một quán Théophile, một Đại Thế Giới, một đồn công an xung phong ở Bàu Sen, trên Gò Vấp… Còn gì nữa? Một đội cảnh vệ ở cầu Tân Thuận, một đồn cảnh sát ở cầu Ông Thìn. Chắc tôi còn bỏ sót một vài chỗ nữa. Gộp lại, các ông có tin là một khi đạn đã rời nòng súng, các ông chịu đựng mỗi nơi đủ mười lăm phút? Phần tôi, tôi không tin! Về bài báo, ông cố vấn vừa giải thích – xin lỗi – vẫn là một ước vọng. Các ông làm chính trị, hơn nữa, sẵn sàng dùng vũ lực giải quyết các tranh chấp, mà đặc tính toàn dựa trên rủi may. Dư luận trong và ngoài nước không hiểu như ông cố vấn chờ đợi. Người ta nói rằng – nói trên báo chí – Bình Xuyên bị tước đặc quyền, đặc lợi nên gây sự. Người ta nói vì ông Ngô Đình Diệm không chấp nhận thiếu tướng Lê Văn Viễn làm Quốc vụ khanh mà Bình Xuyên bạo động. Không có một lí lẽ nào có lợi cho các ông… Ông cố vấn nhắc tới các giáo phái. Chúng ta có đủ thời giờ để thẩm tra. Dầu sao, tôi cũng khuyên các ông như một phương ngôn: un tiens vaut mieux que deux tu l’auras(4). Câu phương ngôn đó cũng có thể áp dụng với những lời hứa của tướng Pháp Paul Ely.
(4) Một cái anh đang có bằng hai cái anh sẽ có.
- Nghĩa là, rốt lại, ông kĩ sư sang dụ hàng chúng tôi? – Lại Hữu Tài sừng sộ một cách đột ngột.
Luân hiểu rằng tay quân sư số một của Bình Xuyên toan gỡ gạc. Riêng bài báo, chắc là công trình của ông ta.
- Tôi sang đây với tư cách riêng. – Luân tỏ ra điềm đạm – Tôi nhắc lại: chưa bao giờ tôi nhân danh cho Chính phủ, tôi không được ủy quyền và tôi cũng không thích. Với đại tá và ông cố vấn tôi ràng buộc vì tình thân hữu. Tôi không khuyên các ông đầu hàng. Có lần tôi thưa với ông cố vấn: Hãy thận trọng. Xét cho cùng, không phải vì lợi ích của ông Diệm mà tôi đưa ra đề nghị sau đây. Đề nghị trước hết vì lợi ích của Bình Xuyên. Đề nghị đó là: Các ông nên đóng cửa Đại Thế Giới…
- Hả? Đóng cửa Đại Thế Giới? – Lại Văn Sang gầm gừ.
- Phải! Tự các ông chủ động đóng cửa, nếu các ông không muốn bị tước hết mọi tiềm năng đề kháng. Tôi khuyên như vậy tức là tránh cho các ông thất bại. Các ông không nên đầu hàng, song điều quan trọng là các ông phải tránh bị bắt buộc đầu hàng.
- Ông kĩ sư có biết chúng tôi hoàn toàn không được trợ cấp? Ngoài ngân sách nhỏ giọt của Bộ tư lệnh quân viễn chinh Pháp, chúng tôi sống nhờ tự túc. Đại Thế Giới là nguồn tài chính quan trọng nhất của chúng tôi. – Lại Văn Sang không còn hầm hè, giọng ông ta như mếu.
- Có thể nhiều tình tiết tôi không nắm đầy đủ.
Luân nói đến đây, bỗng chấm ngón tay vào nước viết lên bàn: “Các ông có dự định phá cầu chữ Y và nhà đèn?”
Anh ra dấu chỉ chỗ Ly Kai, và nói tiếp:
- ... Song bất luận như thế nào, giành lại tín nhiệm chính trị trong quần chúng vẫn là quan trọng.
Sang và Tài đọc hàng chữ của Luân cùng ngó ra cửa và gật đầu.
“Sáu Thưng bán tin đó cho Nhu.” – Luân viết thêm đồng thời vẫn nói:
- Vì một sòng bạc – tôi nói theo lối của đồng bào – mà sanh ra đánh nhau, gây tàn phá, chết chóc, thật là tội lỗi…
Lại Văn Sang bỗng đấm xuống bàn, li tách khua loảng xoảng.
- Hừ! Đồ chó đẻ!
Lại Hữu Tài vội nắm chặt tay Sang.
- Anh bình tĩnh!
- Tôi nghĩ lúc này chúng ta nên bình tĩnh. – Luân dựa theo dấu câu của Tài và viết nốt: “Chính Nhu giao tôi mang tiền thưởng cho Sáu Thưng.” – Cần coi trọng lợi ích chung. – Luân nói đều đều.
Anh đưa cho Sang một phong bì. Sang rút ra bốn tấm ảnh: Sáu Thưng nhận tiền đếm từ tay Luân, bỏ tiền vào túi, cười toe toét…
Sang nghiến răng trèo trẹo, cặp mắt càng mang dại.
Lại Hữu Tài cũng chấm tay vào nước viết: “Ly Kai?”
Luân chớp mắt một giây – anh cân nhắc nên trả lời thế nào – và viết: “Không rõ. Nên chú ý. Mọi việc càng giữ bí mật càng tốt.”
- Rất cám ơn ông kĩ sư. – Tài nói – Sự lo lắng của ông kĩ sư với chúng tôi khiến chúng tôi cảm kích. Về vụ Đại Thế Giới, chúng tôi xin chỉ thị thiếu tướng. Song, chắc là khó. Muốn hòa giải mỗi bên cần một bước nhượng bộ. Chúng tôi đã nhượng bộ nhiều, anh em ông Diệm cứ ăn hiếp tới. Bình Xuyên biết điều với ai tỏ ra biết điều. Còn khi nổ súng, sự thể khó mà lường trước. Ông kĩ sư có lí của ông, anh em Bình Xuyên chúng tôi có lí của chúng tôi… Nào, xin mời ông kĩ sư cạn li…
Khi Luân ra khỏi phòng thì Ly Kai cũng biến mất.
“Gã đang báo cáo cho Nhu hay Tuyến đây!”
Luân đoán như vậy.
*
Vừa về đến nhà – tài xế Lục hú hồn, phóng xe như chạy trốn – Luân đã phải nói chuyện điện thoại với Nhu.
- Anh đã về? Sao? Bị xỉ vả thậm tệ chứ gì?
Luân thuật lại rành mạch cuộc tiếp xúc. Anh có cảm giác Nhu không chú ý mấy. Mọi việc anh ta đã nắm được rồi. Thậm chí, qua hơi thở của Nhu, Luân hình dung anh ta đang cố nhịn cười.
- Anh thuyết cho họ nhiều thứ, - Nhu nói, rất vui – Tri thức quân sự nhé, đạo lí ở đời nhé, biết người biết ta nhé… Anh thành công các mặt, trừ một mặt, tiếc quá, đó là mặt chính… Anh không thuyết phục nổi họ dẹp Đại Thế Giới. Bây giờ, anh tin tôi chưa? Có phải lúc nào lá bùa kháng chiến của anh cũng linh nghiệm đâu? Thôi, nhà hùng biện tạm tránh qua để cho đại liên lên tiếng!
*
Ly Kai và Bảy Môn chạy đi tìm Sáu Thưng khá vất vả theo lịnh của Lại Văn Sang – ông ta thường muốn thấy lệnh của mình được thực hiện tính từng giây. “Chắc là Sang quyết định phá nổ cầu và nhà đèn ngay, khi nghe thằng cha kĩ sư Luân hù dọa” – Ly Kai đoán mò. Gã vội báo cho Nhu tin đó và Nhu dặn gã tới hai lần:
- Nắm cho được cuộc nói chuyện của Sang và Sáu Thưng.
Ly Kai và Bảy Môn moi Sáu Thưng trong phòng ngủ. Hắn ôm ghì cô “hối thén” – hai đứa đều trần truồng.
Sáu Thưng chưa tỉnh hẳn khi gặp Lại Văn Sang. Bảy Môn và Ly Kai đều không ai ở trong phòng.
Ly Kai nhấp nhỏm mãi. Nhưng gã đành hẹn sẽ moi tin sau ở Sáu Thưng – quanh phòng đầy vệ sĩ.
Sáu Thưng ở trong phòng Sang độ mười lăm phút. Cửa phòng vụt mở, với tiếng kêu thảm thiết của Sáu Thưng:
- Em không phản đâu anh Ba!
Vệ sĩ còng tay Sáu Thưng, lôi xềnh xệch. Ly Kai rụng rời. Chết cha rồi! Thằng này mà khai hé cái gì đó cho Ly Kai thì sau Sáu Thưng sẽ tới lượt gã.
Tràng đạn tiểu liên vọng tới từ bờ rạch. Ly Kai ngó quanh: Nột quá thì phóng xuống nước vậy…
… Người duy nhất nghe được một phần đối thoại giữa Sang và Sáu Thưng là anh chàng vệ sĩ.
- Nó là Cộng sản, nó sợ nên nó lo lót cho em…
- Mày tới chết mà chưa bỏ tật nói láo… Nó là Cộng sản, bàn dân thiên hạ không ai không biết, việc gì phải giấu?
- Nó sợ thiệt mà! – Sáu Thưng chống chế giọng yếu xìu.
- Im! Đồ ăn cơm quẹt mỏ. Mày bán đứng tụi tao cho thằng Nhu lấy mấy chục ngàn? Hả?
Một tiếng hự. Có lẽ Sang đá Sáu Thưng.
- Nó là Cộng sản hay nó là con mẹ gì, tao không cần biết. Tao biết nó là người của thằng Nhu. Mày khoe mày là đặc công thủy. Mày khoe mày có thể đánh sập cầu chữ Y, nhà đèn Chợ Quán, mày lãnh thuốc nổ. Rồi mày báo cho thằng Nhu! Đồ chó đẻ! Đã vậy mày còn lẻo mép…
Anh chàng vệ sĩ đồng tình với thủ lĩnh: Thằng Sáu Thưng chối mà chối thiệt là ngu…
*
Nhu nói chuyện bằng điện thoại với Luân:
- Anh nghe tin gì chưa? Chưa nghe? Lại Văn Sang khử Sáu Thưng rồi!
Nhu chờ một tiếng thở phào của Luân, song anh ta chỉ nghe giọng Luân sửng sốt.
- Sao lại khử?
- Tôi không rõ. Có thể vì anh gặp Sáu Thưng chăng?
- Không có lí! Tôi đã báo cho họ biết là tôi quen với Sáu Thưng, chúng tôi gặp nhau, tôi cho Sáu Thưng vay tiền…
- Có lẽ họ nghi… Thôi được, kể ra cũng tốt.
Nhu gác máy, đứng thừ người khá lâu. Lúc sau, Nhu quay máy:
- Ông Mai Hữu Xuân… Tôi là Nhu… Chỗ chứa thuốc nổ gần cầu chữ Y mà An ninh quân đội tìm thấy, này thế nào nhỉ?... Hả? Các ông tịch thu cả?... Không có gì… Tịch thu cũng được…
Nhu vẫn chưa hết băn khoăn.
Đêm hôm đó anh ta gặp Ly Kai.
- Có dấu hiệu gì chứng tỏ tụi nó nghi anh không?
- Lúc đầu tôi sợ quá… Nhưng khi tụi nó bắn Sáu Thưng rồi, Sang vẫn tiếp tục giao việc cho tôi y như cũ… - Ly Kai trả lời, giọng không hề pha chút một âm sắc Tàu.
- Tiếc là chưa khai thác được Sáu Thưng được bao nhiêu..
- Thôi… Từ nay anh phải hết sức cẩn thận. Hễ thấy tụi nó nghi, anh cho tôi hay lập tức…
*
Sáng mồng Một Tết Ất Mùi, phòng khách nhà Luân trang trí khá rôm rả. Có đến mấy cặp dưa hấu Đài Loan to tướng. Mỗi cặp đính theo danh thiếp: Văn phòng Thủ tướng – nên hiểu là chính Thủ tướng, vợ chồng ông cố vấn Ngô Đình Nhu; của Giám mục. Phải kể luôn quà Tết của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Mai Hữu Xuân, Tướng Lê Văn Tỵ, của Tổng Giám đốc Công an Lại Văn Sang, Cố vấn Bình Xuyên Lại Hữu Tài. Đặc biệt, có quà của đại sứ Mỹ, tướng Collins – những quả táo Florida tươi mọng và của cao ủy Pháp Paul Ely – những chai champagne hảo hạng.
… Luân lên xe. Hôm nay là ngày anh gặp Sa.
Xe lăn bánh. Pháo nổ từ giao thừa đến giờ vẫn chưa ngớt. Dù thế nào, đây cũng là cái Tết Nguyên Đán hòa bình đầu tiên.
Trong Luân, mọi thứ lẫn lộn: anh ăn Tết xa chiến khu.
Và không riêng gì Luân, tài xế Vũ Huy Lục trầm ngâm hẳn. Anh ta nhìn những cặp vợ chồng dắt con đi chơi Tết mà mím môi…
Nắng sớm len hàng cây vệ đường, rải lên mặt Luân những chấm vụt thoáng. Vô tình Luân vuốt tóc. Hình như đôi sợi bạc rơi…
Mình mới dự trận đánh chỉ vỏn vẹn có bố mươi lăm ngày đêm!
Luân tự nhủ.
Bình luận facebook