• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Thương Nhớ Mười Hai (1 Viewer)

  • 10. Tháng mười - Nhớ gió bấc mưa phùn

Không khóc như người tỳ bà nữ bến Tầm Dương? Mà chỉ rót rượu uống một mình rồi nằm khoèo trên chiếu lạnh, mộng về Hà Nội, đi với vợ trên con đường hò hẹn thơm thơm mùi hoa sấu?
Không. Nói như thế là dối mình, dối người. Tỉnh mộng rồi, người chồng ấy nằm khóc một mình.
Khóc thì yếu thật, nhưng anh ta khóc, khóc âm thầm – rồi khóc nức nở, khóc thảm thiết như chưa khóc thế bao giờ.
Là vì chính ngày tàn thu ấy, anh ta vừa được một người bạn viễn phương tìm đến báo cho biết rằng người vợ mà anh khắc khoải nhớ thương qua ngày ấy sang tháng khác đã lìa trần và lúc gần mất chỉ nhắc nhở đến anh vì băn khoăn không biết ở miền Nam no đói ra thế nào và sống chết ra sao. Nhớ đến những lời bạn thuật lại cho nghe, người chồng buồn đứt ruột: bao nhiêu kỉ niệm đã có khi lắng xuống bây giờ lại như nước bị khuấy lên.
Trong bóng đêm lạnh, có tiếng mưa rơi trên giàn hoa thiên lí, anh khóc vợ, khóc chính mình, khóc không cho ai biết.
Và bao nhiêu những việc đã qua dần dần hiện ra mờ mờ nhân ảnh trước đôi mắt lệ nhoà: cái đêm hẹn ước đầu tiên, gặp mưa rào trên con đường vắng tanh vắng ngắt đi vào Bách Thú; những lời trách móc phản đối của gia đình; bao nhiêu là hi sinh của người đàn bả quyết tâm theo một người chồng mang tiếng là hư hỏng bị cả họ hàng khinh khi; những ngày đầu chung sống thắp một ngọn đèn dầu ở trong màn viết một bài truyện lấy năm đồng bạc; những lời ong tiếng ve của ruột thịt bạn bè khi thấy vợ đem bán hết cả tư trang; rồi tiếp đó là những ngày thắt lưng buộc bụng, một nắng hai sương, xây dựng cơ đồ để mong mở mày mở mặt với người; những ngày tao loạn vợ chồng con cái lang thang đi sát vào nhau trên sông Máng để cho gió khỏi thổi bay đi; những ngày hồi cư thức khuya dậy sớm, vợ chồng heo hút với nhau, chồng có khi cáu bẳn, chơi bời hư hỏng, nhưng vợ thì cứ chịu đựng, cứ thui thủi ở nhà dạy con và lo lắng miếng ăn giấc ngủ cho chồng từng li từng tí.
Thôi, thế là hết. Bây giờ thì còn ước mơ gì nữa, bây giờ thì còn đợi chờ gì nữa, bây giờ thì còn cầu xin gì nữa? Vợ chồng lấy nhau từ lúc còn hàn vi, đến lúc chết tưởng là được vuốt mắt cho nhau, ai ngờ đâu lại vô duyên đến thế. Đã buồn như vậy, lại còn rầu vì nỗi cùng lúc hay tin vợ mất thì lại được biết là con nhớ bố mấy năm nay thăm dò mà không làm sao nhờ được én nhạn trao tin, cháu nhớ ông chỉ cầu nguyện nhận được một chữ của ông gửi về để cho ngui ngoai thương nhớ nhưng chiến tranh tàn ác đã cắt hết cả đường dây liên lạc. Thương nhớ não lòng não ruột, nhưng biết làm sao hở Khoái, hở Lăng? Mà cháu Khanh, có phải sau khi ở Trung Quốc trở về, cháu đã có gia đình rồi phải không?
Nhớ lúc ra đi, đứa cháu ấy mới có bảy tám tuổi, theo bà ra bến nước tiễn đưa ông, nào đã biết chi là buồn. Mười tám, mười chín năm rồi… Bây giờ, ở miền Nam, người li hương nhở đến vợ, nhớ đến con, đến chảu làm thế nào mà quên được những buổi tối tháng mười ở Bắc có gió bấc thổi lành lạnh, có mưa rơi rầu rầu, ai đi đâu, ai làm gì cũng cố phiên phiến để về cho sớm quây quần với nhau chung quanh cải bàn ăn, dưới một ngọn đèn hồng ấm áp?
Lúc ấy, trời bắt đầu rét, gió bấc bắt đầu thổi, người ta chưa quen với khí hậu nên cứ chiều đến, lúc lên đèn ăn cơm thì gia đình sum họp đầy đủ, người lớn trẻ con, mỗi người có vài ba câu chuyện nói với nhau, hưởng cái thú vui ích kỉ là sống đầm ấm trong khi ở bên ngoài có những người hối hả bước mau dưới trời mưa để về nhà. Khói từ nồi cơm và các thức ăn toả ra trong gian phòng nhỏ ở cầu thang đi xuống làm cho lòng người ấm thêm lên và cơm ăn cũng ngon hơn lên một chút.
Đây là mùa gạo ba giăng cơm thổi lên ăn quên chết. Là vì riêng cái gạo nhựa mới ăn vào đã dẻo quá rồi, thơm quá rồi, người vợ lại cẩn thận chuyên đong của người quen thành ra không pha phách gì hết, ăn mới thực hoàn toàn thích khẩu.
“Cũng thì là một thứ thóc, cho vào cối xay, nhưng mỗi người hàng xáo sàng trấu cho tách rời khỏi gạo, khéo vụng khác nhau. Phải làm sao cho gạo không lẫn trấu. Mà thế cũng chưa đủ: gạo sàng rồi phải giã trắng thì ăn mới ngon miệng chớ có trấu lẫn vào, hư cả chén cơm đi”.
“Vẽ chuyện! Gạo giã ngon, thì có lẫn một vài hạt trấu vào vẫn cứ ngon như thường”.
“Không được. Ăn một chén cơm ngon lúc hết mà có một vài hạt trấu lẫn vào, coi như bỏ. Vì thế những người hàng xáo thông thạo, lúc sàng gạo rất cẩn thận mà đến lúc giã gạo cũng không cẩu thả: họ đếm từng chày, và đôi khi hồ gạo bằng một vài cái mạ non. Xong rồi, phải giần cho thật kĩ để cám và tấm tách rời riêng khỏi gạo”.
“Trấu dùng để đun bếp hay trải chuồng lợn, cám thì cho lợn ăn, còn tấm sở dĩ phải để riêng ra là vì ăn hơi sạn sạn. Cái nghề hàng xáo cũng như nghề con gái may áo cưới cho người ta, anh ạ. Gạo ngon thì đem bán hay để dành cho chồng cho con, còn chính các bà các cô hàng xáo thì ăn cơm tấm”.
“Tại cơm tấm ăn ngon và lạ miệng”.
“Không phải. Nhưng bởi vì cơm tấm no lâu, đi chợ xa đỡ phải ăn quà. Mà bỏ đi cho lợn ăn thì phí”.
Đói no một vợ một chồng,
Một niêu cơm tấm dầu lòng ăn chơi.
*
* *
Cách đây ba chục năm, ở miền Nam có sáu xu vào tiệm ăn, phổ ky đưa ra một đĩa xì dầu, một cái hột gà và một thìa mỡ nước không tính tiền ngoài đồ ăn ra, mà cơm thì nóng sốt, trắng tinh – vì kĩ nghệ xay thóc mở mang, không có nghề hàng xáo như ở Trung và Bắc – tôi gần như không thấy ai ăn cơm tấm; nhưng bây giờ vì ơn nhờ kiệm ước, cơm tấm được coi là một thứ quà sảng vào hạng sang, thiên hạ ăn nha nhẩn, trông thấy người ta ăn mà mình đã thấy ngon rồi.
Nhưng ngon cách mấy đi nữa thì cũng không có cách gì so sánh được với gạo ba giăng tháng mười. Cơm chín tới, cả nhà quây quần lại rồi bắc ra ăn với cá mương đầm Vạc vào hồi này đương béo kể đã là ngon, nhưng ngon thật là ngon thì phải kể đến cá mòi vì thảng mười chính là mùa của giống cá này – béo bùi nhất định là hơn đứt cá thu, mà ngọt thịt thơm hương dám cuộc là cá trắm, cá mương không thể nào sánh kịp. Thực ra, cá mòi không lạ gì lắm với miền Nam là đất có tới chín mươi ba thứ cá, tôm, cua, còng; ngon như cá trẻm, cá chìa vôi, cá lăng, lạ như cá duồng, cá tra lóp, cá sặc buồm, có tiếng như cá thát lát, cá chạnh lá tre, cá vồ chó, cá vồ cờ… Cứ vào khoảng tháng năm, tháng sáu ở đây, các chợ có mà thiếu giống cá mòi, các bà các cô mua rả rích đem về, hoặc chiên lên dầm nước mắm, hoặc nấu ngọt hay kho lạt ăn bằng thích.
Nhiều người bảo: “Thích gì! Cá mòi đóng hộp quanh năm có bán, ăn vào thơm mà xương lại nhừ, không tanh, tội vạ gì mà mua về làm cho cực!”
Những người nói như thế là lầm. Cá đóng hộp kêu là sardines là cá trích, cá lầm, còn sardines của Mỹ và của Nhật là cá chuồn chuồn có râu ở mép và một cái vây dài ở lưng trông như cái cánh. Cá mòi (hareng), cũng thuộc vào loài cá biển, nhưng khác thế: nó dẹp, nhiều xương răm, mình tròn, thường thường lớn bằng ba ngón tay là cùng. Đặc trưng của nó là lắm mỡ; vào tháng năm tháng sáu, cá này béo gia dụng, mua một kí đem về lấy dao khứa ở hai bên lườn ra mà chiên lên có khi được tới một chén mỡ vàng như mỡ gà mái đẻ.
Ở Phan Thiết, tại cực nam Trung bộ, cá mòi là căn bản của một sản phẩm đặc biệt quý giá: mắm mòi – một sản phẩm từng làm đầu đề cho nhiều câu hát, câu hò tình tứ:
Cô kia bới tóc cánh tiên,
Ghe bầu đi cưới một thiên cá mòi.
Không tin dở thử lên coi,
Rau răm ở dưới, mắm mòi ở trên.
Con trai Bình Thuận nghe thấy cô gái Phú Yên đẹp quá, mê cứ tít đi, dẫn cưới cả một thiên cá mòi, thế thì đủ biết mắm mòi ngon biết chừng nào, cá mòi quý là nhường bao.
Ở Bắc Việt, cá mòi không có nhiều như ở Nam và ở Trung. Cả năm, chỉ tháng mười, tháng một mới thấy giống cá này xuất hiện, mà đặc biệt là nó chỉ rộ lên mươi ngày lại thôi rồi lại có, có vài ba bận rồi thôi hẳn, y như thể chim ngói và rươi vậy.
Tôi còn nhớ mỗi khi trời bắt đầu rét mà có cá mòi thì người ta gánh đi bán rao ầm ĩ cả hàng phố lên, y như thể có một thứ hàng gì lạ lắm. “Ai mua cá mòi ra mua”. Và cũng như rươi, cốm và chim ngói, quay đi quay lại chỉ một buổi sáng là những bà nội trợ sành ăn đổ ra mua hết nhẵn. Ở bên ngoài có gió rét mưa phùn, đóng cửa sổ lại mà uống một vài cốc rượu hâm cho nóng thì vừa lúc vợ ở dưới bếp đưa đĩa cá mòi lên cho chồng đưa cay: không, dù anh là người không ưa món cá, sợ tanh, anh cũng phải nhận cá mòi ở Bắc khía cạnh, rồi xát nghệ, nướng lên trên than tàu, chấm nước mắm gừng, nhắm rượu ngon gia dụng!
Cứ nói thực ra thì có người đẹp miền Nam không lấy làm dzui lắm, nhưng tôi cứ phải chịu lấy cái tội “thiếu sự thể” mà nói rằng, vào đây, tôi cũng ăn cá mòi, nhưng cá mòi ở Bắc sao nó vẫn có cái gì ngát hơn, bùi béo hơn, mà cũng ngọt ngào hơn. Không biết có phải tại hiếm mà quý? Tại thương vợ quá, phàm vợ làm món gì cũng thấy ngon dội hẳn lên? Hay là bởi tại thời tiết hiu hiu lạnh, mang mang buồn, ăn vào thấy ngon hơn? Mà cũng không biết có phải tại con cá mòi ngoài Bắc nó li kì hơn con cá mòi ở Nam và ở Trung?
Sách “Giao Châu Ký” chép rằng ở miền bể phía Nam có thứ cá vàng đến tháng chín hoá ra con chim cút, trứng ăn vào bổ thận tráng dương, thịt chữa được các chứng phiền muộn, cảm lị, thì sách “Thoại thực kì văn” của Trương Quốc Dụng cũng ghi rằng cá mòi là do con chim ngói hoá ra, cái ruột con cá mòi là cái mề của con chim ngói.
Cuối tháng chín ăn chim ngói cơm mới sau lễ Thường Tân còn đương thòm thèm thì chim ngói bói không còn lấy một con, mà bây giờ sang đến giữa tháng mười lại vang rân tiếng rao cá mòi là con chim ngói hoá thân, mấy mà không cố mua ăn cho kì được để ngẫm nghĩ lại cái ngon của chim ngói và nhân tiện sánh cái ngon của chim ngói so với cá mòi ra sao.
Ăn một miếng cá như thế, muốn nói gì thì nói, cũng cứ phải nhận là thú vị không tả được, mà vừa nhắm nhót vừa thấy thú vị trong lòng, ngon một cũng thành ra ngon mười, gia đình dù có túng thiếu ít nhiều cũng vẫn chan hoà một bầu không khí tươi vui ấm cúng. Chính lúc ấy, người chồng cảm thấy câu dân ca này đúng hơn cả bao giờ.
Khế rụng bờ ao, thanh tao anh lượm
Ngọt như cam sành, héo cuống anh chê…
Mà người vợ, hình như cảm thông với chồng từ khoé mắt, từ tiếng cười, mặc dầu không thốt ra miệng cũng cảm thấy trong tim như có tiếng hát bé nhỏ vọng ra:
Nhà em có vại cà đồng,
Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương
Dầu không mĩ vị cao lương,
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.
Một nhà vui vẻ êm đềm,
Đói no trong cảnh không thèm luỵ ai.
Hay lắm. Cơm hôm nay thường thường thôi nhưng mà hay vì món cá mòi. Người chồng say chếnh choáng, lên trên gác đi nằm trước, vỗ vào cái chậu sứ Giang Tây trồng một gốc thanh tùng cổ thụ mà hát một mình:
Bữa ăn có cá cùng canh,
Anh chưa mát dạ bằng anh thấy nàng.
Chập chờn nghe tiếng gió mưa ở ngoài sân, người chồng loáng thoáng thấy tiếng trẻ ở dưới nhà trò chuyện với nhau về một con chim yến “chú Lăng làm bay mất”, tiếng máy nước chảy lanh canh xuống những tách chén chị sen đang rửa… rồi người vợ phàn nàn:
“Quên rồi, lúc nãy không ai nhắc tôi lấy chuối để cho cậu xơi tráng miệng! Chuối thế này mới là chuối chứ”
Cốm, hồng, chuối trứng cuốc, cam… đó là thời trân của thảng mười, nhưng yêu nhất là quả quýt tháng mười sao mà nõn nường đến thế, sao cái vỏ nó mỏng đến thế, sao màu sắc tươi lạ tươi lùng đến thế. Tháng chín thì quýt đỏ trôn, sang đến tháng mười thì quýt chín. Trông những vườn quýt trĩu trịt những quả thắm một màu vàng xen vào những chùm lá xanh màu thiên lí, ai mà quên được những cô hàng đẹp như thơ, chít khăn vuông cười duyên với khách mà nói nửa đùa nửa thật:
“Quýt đẹp như thơ, ngọt mua chua trả, ba quả một hào.”
Ờ thì mình cứ nhận là si, đã chết ai chưa, nhưng mà ăn nói duyên dáng như thế, cứ mua đi để… ăn dần, mình ạ! Yêu biết bao nhiêu người vợ tào khương thấy thế đã không giận người chồng trắc nết mà lại cỏn cười hoạ theo với cô hàng và nức nở khen cô hàng xinh quá.
Nghe thấy thế người chồng rờn rợn tưởng là vợ chơi chua, nhưng dò ý tứ mãi thì thấy không phải thế, thực ra chỉ là khéo biết chiều ý chồng mà thôi.
Không chiều ý thì làm sao người chồng “lên cơn” bảo đưa tiền để tiêu xài một cách phi lí mà cũng cứ chịu liền? Ấy là tại vì người vợ hiểu chồng quá đi rồi, biết là có tiền cũng chẳng đi cô đầu cô đít hay là trai gái phiện phò đâu, nhưng lại đi lên Nghi Tàm hay tạt về Ô Đống Mác mua cái đồi, hòn non bộ hay một cây thế lăng nhăng gì đó để ra ngắm vào ngắm rồi tưới, rồi sửa, rồi uốn, rồi bón, rồi hãm mất hết ngày.
Mùa thu vừa qua đây, cây khô lá vàng, vì thời tiết hanh hao, sang đến tháng mười, có mưa dầm, cây cối tỉnh lại, không mua ngay gốc tùng La Hán của Nhiêu Ban hay chạy lên nhà Ba Thá nói khó để lại cây bỏng nổ gốc to bằng cổ tay mà lá lăn tăn như hạt thóc thì uổng quá.
Sáng dậy, ra thăm mấy chậu cảnh, mấy cái đồi, thấy lá cây còn óng ánh nước mưa, lá tươi hơn hớn, hay những cái “rễ nồi” trắng phau như có ai mới lau chùi, mình tự nhiên thấy nhẹ nhõm cả người và tưởng như mình là một thứ người đạo cốt tiên phong sống hẳn ra ngoài vòng kiềm toả. Khoác một cái áo lạnh lên lưng, đi quanh quẩn trong vườn, “trả lại” cành này cho cây này, tỉa những lá thừa kia cho cây kia, mình thấy ngày giờ trôi đi nhẹ như mây, nhưng nếu ví thử cái máu giang hồ vặt nổi lên, không muốn bị tù hãm trong bốn bức tường mà lại đi ra ngoài hứng rét đội mưa để nghe tiếng chuyển mình của sông hồ đồi núi thì lại thấy trong lòng ngan ngát một sự say sưa khác hẳn.
Đó là cái say sưa thần thoại của Từ Thức nhập Thiên Thai nhìn ra bát ngát chung quanh toàn những hoa đào, mà lắng tai nghe thì trên trời dưới đất toàn là tiếng suối đàn róc rách.
*
* *
Nhưng tháng này đâu đã có hoa đào? Mận mới bắt đầu nảy lộc xinh xinh màu hoa lí, trà chửa ra hoa mà mộc thì cũng chưa hé nụ, nhưng hoa chẩu, sang đến giữa tháng mười sao ở đâu ra không biết mà nở nhiều đến thế! Nhớ lại lúc còn kháng chiến, vai mang một cái ba lô, tay chống một cái gậy tre, lê gót trên con đường Chi Nê đi Đầm Dạ thẳng hướng lên Lạc Thuỷ, Châu Sơn dưới mưa phùn gió lạnh, phải nói có cả chục cây số đường đất trắng tươi hoa chẩu. Hoa chẩu rơi xuống kín cả đầu, cả vai người cán bộ, kín cả cỏ hai bên vệ đường, kín luôn cả đồi cây, vách đá ở chung quanh. Xa xa, bỗng nổi lên tiếng xi xô của mấy đồng bào Thổ đi làm việc buổi chiều về, hát lên những câu hát mình nghe không hiểu, nhưng biết là nói lên nỗi uất hận của những người căm thù đế quốc làm cho con lìa cha, vọ lìa chồng, anh lìa em, mẹ lìa con, tình nhân lìa tình nhân vì chiến tranh.
Ngày tháng mười tàn vội vã, mặt trời vừa lặn thì bóng tối dãi ra khắp đồi núi lúc nào không biết. Chính vào lúc đó, đứng trên một trái đồi mà lắng nghe hơi thở của trời, ta thấy có một mùi hương kì lạ làm cho ta nhẹ nhõm hẳn lên, một mùi hương dìu dịu nửa như mùi dạ lan hương mà lại nửa như mùi hoa mơ, hoa mận. Giẫm lên hàng cây số hoa chẩu đó và tắm hương của nó vào lòng, anh nhớ lại bộ tứ bình ngày xưa treo ở trong căn nhà lụp xụp phố Hàng Gai và thấy hiện ra rõ rệt, như trong một cuốn phim, cái cảnh mùa đông ở trong tranh vẽ một ông già mặc áo tay dài, vai mang bình rượu, đi với một tiểu đồng “đạp tuyết tầm mai”.
Nhớ lại như thế tức là nhớ lại cả một thiếu thời hồỉ cha mẹ song toàn, cứ vào những buổi tối tháng mườỉ thì cậu Hảo và chú Cả Tộ lại sang nhà ngồi nói chuyện mua cái áo dạ Mông Tự để may mặc vào những ngày giá rét sắp tới hay là rủ nhau đi ăn chả cá ở nhà Hy “chớ không nên vào cái nhà Sơn Hải mới mở ăn không thú lắm vì không có cái không khí mông lung sương khói”
Ở đây là xứ giơ tay ra thì có gạo, vớt nước lên thì có cá, ôi thôi, còn thiếu món cá gì mà chẳng có người làm: đầu cá nhắm không, hay cuốn thành gỏi, hoặc là ăn với bún, cách gì cũng vẫn cứ là ngon; muốn lạ miệng, thì dùng cá nướng trui, cá bọc vào đất rồi bện rơm lại mà hầm, như các ông sư hổ mang hầm thịt chó; nhưng có cô gái nào xót ruột thì nên dùng canh chua cá lóc hay lấy tạm cá tra sọc, cá sặc buồm, cá bi côi nấu với xoài xanh ăn cũng “đỡ” vô cùng.
Cá làm thành bao nhiêu món, cá tạo nên bao nhiêu là bài thơ, nhưng chỉ lạ có một điểm là làm sao không ai làm chả cá để đến nỗi phải đợi sau khi di cư đến bảy tám năm trời mới có hai ba nhà làm món ấy để cho các ông ghiền món ăn này “xài đỡ”!? Đi chơi mười một quận đô thành, đi khắp cả các Vàm Đông, Vàm Láng, Vàm Tây, Bãi Xầu, Sóc Trăng, Bạc Liêu xưa kia nổi tiếng về nghề đóng đáy thả lưới, quăng chài để bắt cá bắt tôm mà cũng nổi tiếng luôn là có nhiều các chú:
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
thật quả tôi chưa thấy một người Tàu nào làm chả cá trong khi bao nhiêu món ăn Bắc như phở, bánh dẻo (1), thang, cuốn, thịt cầy, lươn, ếch, họ đều làm tuốt để bán cho người mình thưởng thức! Tại chả cá khó làm? Tại có một bí quyết riêng ướp chả? Hay tại vì cá anh vũ dùng làm chả không ở đâu có ngoài Bắc Việt? Điều đó chưa có người nào nghiên cứu nhưng hồi còn ở Hà Nội, mỗi khi ngồi tán chuyện gẫu với Hy-Chả-Cá (2) mà thấy có những người Tàu ở Hồng Kông về đặt mua cả trăm cả ngàn “gắp” với đủ rau, hành, nước mắm, bánh đa, cà cuống, mắm tôm, chanh ớt để đưa lên máy bay chở hoả tốc về Hồng Kông ăn nhậu thì tự nhiên mình cũng thấy sướng tê tê vì người mình đã sản xuất được một món ngon đặc biệt mà chính ba tàu nổi tiếng là nước “kén ăn” cũng phải mua của ta để xài!
Nghĩ như thế rồi ăn một bữa chả thật ngon, được chủ nhân để dành cho vài chục gắp “lòng”, chan mỡ nước kêu lách tách, rồi uống nước trà mạn sen, ăn một miếng trầu nóng ran cả người lên, đoạn đi ngất ngưởng trong gió lạnh, tìm một cái xe bỏ áo tơi cánh gà trực chỉ Khâm Thiên hay Vạn Thái nghe một vài khẩu trống, không, anh phải nhận với tôi là cái bọn tiểu tư sản sống vô bổ và đầy tội lỗi thực đấy nhưng sướng lắm – sướng không chịu được. Có anh sẽ bảo:
“Nói giọng gì mà nghe thấy cái thói ích kỉ nó thấm vào đến tận xương, tận tuỷ! Thế chú mày không biết rằng ở quê cày bừa gặt hái vất vả, người nông dân chính vào cái cữ này khổ cực vô cùng, không mở mắt được, có khi phải làm việc suốt đêm đến sáng?”
Đương nằm làm một điếu tự tay em tiêm “trôn quýt” đưa mời, mà nghe thấy ông bạn nói thế, ai mà không cảm thấy như bỏ cục tuyết vào cổ áo làm tê dại cả xương sống, xương sườn.
Người hưởng lạc cảm thấy nao nao trong lòng một giây lâu, nhưng sau đó lại tìm ngay được rất nhiều lí lẽ để tự bào chữa cho mình, tự an ủi, và tự tuyên bồ là mình trắng án. Là vì nằm bắt óc nhớ lại hết các ca dao, tục ngữ, dân ca của đất Việt trời Nam, anh không thể nào kiếm ra được một câu nào nói lên là người dân quê khổ cực trong tháng mười.
Tháng giêng chân bước đi cày,
Tháng hai vãi lúa, ngày ngày siêng năng.
Thuận mùa lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.

Tháng mười buôn thóc, bán bông,
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành

Cỏ lúa dọn đã sạch rồi
Nước ruộng vơi mười còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu dai
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người,
Bao giờ cho đến tháng mườí,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô, quét sạch thế là xong công.
Thực ra, chính đến tháng mười là người dân quê Bắc Việt tương đối rảnh tay, vì lúc bấy giờ là mùa gặt, thóc gặt về, đập sảy, phơi phóng xong rồi là yên. Cho đến hết tháng mười, họ chỉ còn lo quây vào cót để ăn dần, bán dần đi để lo trả công trả nợ, đóng sưu đóng thuế cho chồng, nhưng đấy là những năm được mùa. Còn mất mùa thì sao?
Phải biết rằng trước đó, vào lúc lúa sắp chín, đã có bỉết bao nhiêu ngày, biết bao nhíêu đêm, người nông dân lo sợ mất ăn mất ngủ. Họ sợ những đêm chớp bể mưa nguồn, họ sợ những trận mưa to, khiến nước lũ kéo về làm lụt lội, và đêm đêm họ trông từng cái ráng trời, cái rễ cây; họ hỏi sao, họ trông gió, họ nhìn trăng, vì nếu “có bề nào” thì tất cả thành công cốc! Không những là đói mà còn bao nhiêu thứ khổ cực bêu riếu nữa!
Bây giờ gặp phải hội này,
Khi thì hạn hán, khi hay mưa dầm,
Khi thì gió bão ầm ầm,
Đồng điền thóc lúa mười phần còn ba.
Lấy gì đăng nạp nữa mà,
Lấy gì công việc nước nhà cho đang,
Lấy gì sưu thuế phép thường,
Lấy gì bổ chợ đong lường mà ăn?
“Nói thế là nguỵ biện. Tháng mười gặt hái, vui vẻ như anh vừa nói là chỉ nơi đất đồng mùa. Ở những đất đồng chiêm như Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, tháng năm là mùa gặt hái, còn tháng mười, anh còn nhớ ra thế nào không? Từ giữa tháng sáu, các cánh đồng chiêm biến thành những dải nước mông mênh trắng xoá. Làng mạc thành ra những cù lao nằm chơ vơ trong nước bạc, từ thôn này sang thôn nọ có khi phải đi bằng thuyền nan. Và cái cảnh trời nước mông mênh như thế kéo dài cho tới trung tuần tháng tám. Lúc ấy, nước mới bắt đầu rút lần lần. Đó cũng là lúc người dân quê bắt đầu lo bừa vụ chiêm. Thử tưởng tượng cuối tháng chín đầu tháng mười, trời đất hanh hao, tay chân bị nẻ mà phải lội nước để cày bừa những thửa ruộng lởm chởm những gốc rạ đâm vào chân. Mà nào chỉ có thế thôi đâu, đất đồng chiêm lại nhiều giống đỉa cứ bám riết lấy chân người cày ruộng mà cắn và hút máu!
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Đấy tôi lại đố anh tìm được một câu dân ca nào nói lên được cái khổ cực của người dân quê hơn là câu ca dao nói về việc cày bừa vụ thảng mười!”
Nghe thấy thế người khách chơi đêm ớ mặt, không biết nói ra thế nào. Nhưng biết làm sao được? “Trời cho mỗi người một lộc”, thôi, ta cứ biết hưởng thụ đã rồi muốn ra thế nào thì ra.
*
* *
Về khuya trời rét ngọt, nằm trên một tấm nệm rồi trùm cái chăn lên trên mình nghe các em lẩy Kiều hay hát vo bài Tỳ bà, thỉnh thoảng lại làm một điếu, hãm một miếng táo hay một trái nho, rồi lim dim con mắt lại mơ mơ màng màng, tôi quả quyết với anh rằng cách mạng, đảo chánh, chống bất công xã hội… tất cả những cái đó anh đều cho là “đồ bỏ” không ăn nhằm gì hết! Những lúc ấy mình mới mang máng thấy rằng những người làm chánh trị họ tâm lí thật: cái bọn “tạch tạch sè” chẳng làm được mẹ gì, còn những người cứu nước từ ngàn xưa như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… đều xuất thân là những nông dân áo vải…
*
* *
Thôi, biết rồi! Nghĩ lan man quá làm gì nó mất vui đi mà hại lây cả đến bữa thuốc xài toàn hộp con rồng, đã đậm mà lại bùi như lạc. Đến mờ mờ sáng, vác cái thân mệt nhọc ra về, bảo phu xe mắc cái áo tơi lên để cho hàng phố khỏi nhìn thấy mặt, có phải đã mấy lần người chồng ấy hé mắt nhìn ra ngoài đã thấy vợ đỗ cái xe nhà ở gốc cây đa ba ngọn, đi chợ thật sớm mua con cá lá rau cho thật tươi, thật rẻ, để cho cơm lành canh ngọt, chồng con vui vẻ, gia đình ấm cúng, thuận hoà?
Ghét không biết chừng nào cái thiếu thời đầy tự ái! Mang tội lỗi cùng mình đến thế, người chồng đã chẳng biết thương người vợ mưa dầu nắng dãi mà lại còn lấy làm hả hê vì đã sống đúng theo lí tưởng của một người chồng kiểu mẫu lúc bấy giờ: vợ phải chịu thương chịu khó, còn chồng thì muốn ăn chơi chè rượu gì, tuỳ ý, vợ không có quyền can thiệp.
Sau này, đến lúc có con, có cái với nhau rồi, bắt đầu biết thương vợ, anh ta có lúc đã nghĩ thầm thế nào rồi một ngày kia, gặp khi có bóng trăng hữu tình soi sáng trước sân, vợ chồng góp trăm mối lại để đem làm tâm sự thì sẽ thú hết cả tội lỗi với người thương về những lỗi lầm ngày trước… nhưng thôi, bây giờ thì còn biết thú tội với ai, thú tội cách gì, mà còn ai nữa để mà thú tội!
Nằm trong đêm, mở mắt nhìn vào cái tối tăm sâu thẳm, bao nhiêu đoạn đời sống bên cạnh vợ con, dưới mái nhà lành, hàng đêm lại hiện ra từng mẩu một, từng mẩu một, và chưa bao giờ anh lại thấy ngao ngán cho mình như thế, chưa bao giờ lại thấy cái thân bé nhỏ của mình chồng chất nhiều nỗi sầu to đến thế!
*
* *
Sàigòn đẹp như mắt cô con gái đa tình! Ta yêu Sàigòn quá, nhưng ghét sao mười mấy năm nay vẫn cứ giới nghiêm hoài không để cho người ta đi thong thả nghe tiếng của ban đêm một chút? Thôi thì muốn làm gì nhau thì làm, cũng cứ vùng dậy mà đi, đi, miễn là đi, nhưng đi đâu, mà đi làm gì, chưa biết. Thì ra lầm quá: mình cứ tưởng tượng giờ giới nghiêm thì chẳng có ma nào ở ngoài đường, hoá ra không phải. Giới nghiêm cho có lệ, chứ một hai giờ sáng, nhiều nhà hàng, tiệm nước vẫn có khách túa vào, nhảy nhót ăn chơi, hả quá.
Nhớ lại có những đêm tháng mười ở Hà Nội, vợ chồng còn sống cạnh nhau, cứ vào khoảng này thì mặc áo ấm dắt nhau đi trên đường khuya tìm cao lâu quen ăn với nhau một bát tam xà đại hội có lá chanh và miến rán giòn tan, người chồng lạc phách đêm nay nhớ vợ cũng đóng cửa lại đi tìm một nhà hàng nào bán thịt rắn để nhấm nháp một mình và tưởng tượng như hãy còn ngồi ăn với người vợ thương yêu ngày trước, nhưng sao đi tìm mãi, đi tìm hoài không thấy một tiệm nào bán thịt rắn thế này?
Rõ mình là thằng điên! Rắn thì phải ăn vào trời rét, vì rắn lúc ấy mới béo mà nhả hết chất độc ở trong mình ra, cho đến đông chí thì vào thu hình trong hang; lúc ấy rắn ăn không còn bổ mà có khi còn độc nữa, thế thì sao tháng mười ở đây, nóng chảy mỡ ra, lại có thể có thịt rắn để làm vui khách hàng kén ăn?
Người đàn ông oan khổ lưu li ngửng lên nhìn trời thấy mây đỏ đòng đọc mà không khí đặc quánh lại như có thể lấy dao ăn để thái ra: trời này còn nóng mà độc lắm đây. Ai dại gì mà ăn thịt rắn. Muốn ăn thì phải về Đồng Tháp, chớ ở Sàigòn người ta ăn những cái gì chứ đâu có ăn thịt rắn, đi kiếm chỉ mất công vô ích.
Hờ hờ, nếu không có thịt rắn thì ăn làm gì? Người chồng tức giận mà không biết tức giận cái gì, lại quay gót về nhà và tưởng như thấy ở mỗi góc đường tăm tối có những cầm thú đi hai chân chỉ rình giết người đi khuya và hình như ở xa xa có tiếng vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya, “đâu đâu u uất hồn sơ cổ, từng bóng ma rừng theo bước đi”.
Người khách đi đêm ơn ớn lạnh. Anh ta nhớ lại lúc cùng đi với vợ trong đêm theo bước nhịp mà họ gọi đùa là “nhịp bước quân hành”: ờ, lúc ấy cầm thú ít, yêu ma không có, đời đẹp như một bông hoa trinh trắng, không biết một ngày kia bắt chước Orphée xuống địa ngục tìm Eurydice, có bao giờ lại thấy như thế nữa không?
*
* *
Ôi mộng, chỉ là mộng và chỉ là mộng mà thôi! Địa ngục thì bao giờ lại có hoa trinh trắng! Đến dưới một gốc đèn rầu rĩ, anh thấy cái bóng anh đi lù lù ở phía trước, đi cô độc trên đường dài.
Người chồng dừng lại, sợ chính bóng mình. Nước mắt anh lại ứa ra, và chảy dài theo lối đi lấp loáng một bông sao rụng.


Chú thích
(1) Bánh cuốn ở Thanh kêu là bánh dẻo
(2) Chủ hàng chả cá nổi tiếng nhất ở Hà Nội
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom