- Ảnh bìa
- Tác giả
- 蓬莱夜话
- Thể loại
- Truyện Ma
- Đô Thị
- Tình trạng
- Hoàn thành
- Số chương
- 7P
- Nguồn
- Người dịch: Công Tử Đừng Đợi Nữa - 公子别等了
- Lượt đọc
- 9,714
- Cập nhật
Kể cho các bạn nghe câu chuyện về một bà lão dùng tà pháp hại người nhé, đây là câu chuyện mà tôi đã được nghe từ một lão đạo trưởng ở trong miếu kể lại.
Mấy ngày trước tôi cùng bạn đi leo núi, leo lên một ngọn núi nhỏ gần nhà, tên là núi Đông Kích, cũng được xem là một thắng cảnh. Bên trên có những bia đá được khắc từ thời kì nhà Đường, Tống, khắc một số tượng thần tiên, Bồ Tát, còn có những nhân vật trong Phật giáo và Đạo giáo, khiến cho ngọn núi nhỏ này mang một nét đặc trưng của tôn giáo.
Trên núi có một ngôi miếu thờ Lão Quân, miếu rất nhỏ, trông vô cùng rách nát tồi tàn, bên trong thờ một bức tượng Lão Quân, bởi vì thắng cảnh này vốn có rất ít người đến, hơn nữa miếu Lão Quân lại nằm ở phía sau sườn núi, vị trí rất hẻo lánh, cho nên người đến thắp hương lại càng ít hơn.
Nếu như không phải đường núi khúc khuỷu khiến chúng tôi đi nhầm đường, tôi và bạn mình cũng sẽ không tới đây. Tôi vốn không định bước vào, bởi vì hiện giờ đến chùa miếu, đạo quán ở khu thắng cảnh để làm gì mọi người đều biết, vào trong thì phải mất tiền, thắp nhang lạy lục không mất 100 thì cũng phải 80, phải, chính là như vậy.
Thế nhưng lúc chúng tôi chuẩn bị rời đi, liền nghe thấy có người đứng ở phía sau cây hoè to lớn trước cửa miếu nói: “Nếu đã đến đây rồi vậy xem như cũng có duyên phận, hãy vào thắp nén hương bái lạy đi, cầu phúc cầu duyên đều rất linh nghiệm đấy.”
Tôi nhìn thấy trước mắt mình có một lão đạo sĩ, thân mặc đạo bào, tóc búi cao, để râu, nhìn thế nào cũng thấy rất có phong thái thần tiên. Thời tiết rất nóng, người đạo sĩ này ngồi dưới gốc cây hóng mát, tay cầm một chiếc quạt hương bồ, vừa nói chuyện với chúng tôi vừa lấy quạt đuổi muỗi.
Nhìn dáng vẻ có lẽ là người trông coi ngôi miếu này, tôi không muốn tốn kém, kéo bạn của mình muốn đi khỏi đó, nhưng bạn của tôi dạo này thời vận không tốt lắm, hay gặp chuyện xui xẻo, công việc cũng không thuận lợi, bèn nghe lời lão đạo sĩ kia nói, một mực kéo tôi vào trong miếu bái lạy.
Tôi đành phải theo cậu ấy vào trong, tiền hương hoả cũng chẳng đắt lắm, mỗi người 10 đồng, không thẹn với lương tâm. Thắp hương xong, bởi vì lúc nãy leo núi có chút mệt, chúng tôi liền ngồi ở bậc thềm trước cửa miếu nghỉ ngơi, cùng người đạo sĩ kia trò chuyện.
Nói ra mới biết, vị đạo sĩ này đúng là đạo sĩ hàng thật giá thật, không phải kiểu đạo sĩ giả mạo đi làm theo giờ ở mấy khu tham quan, ông ấy còn nói mình xuất thân ở phái Huyền Thanh, chuyên về bùa chú, phái này thờ Thái Thượng Lão Quân, cho nên ông ấy mới ở lại trong miếu Lão Quân làm việc trông coi miếu.
Ông ấy còn nói, miếu Lão Quân này trước đây cũng là một ngôi miếu lớn, là nơi tu đạo của phái Huyền Thanh bọn họ. Lúc trước, cổng lớn của miếu Lão Quân được lát gạch xanh, có sư tử trấn cửa, phòng ốc bên trong rất nhiều, hành cung hùng vĩ, tiếc là cuối những năm 60 trong một cuộc vận động lớn đã bị huỷ hoại.
Tôi nghe đến đây thì gật đầu, những lời đạo sĩ này nói không phải giả, lúc nhỏ tôi cùng ông nội đi hội làng, ông đã từng nói với tôi, trên ngọn núi này có một ngôi miếu lớn, hương hoả rất thịnh vượng, gặp lúc năm mới hoặc là hội làng, nếu người đến thắp hương cầu phúc mà được bước qua cửa miếu thì đó mới là náo nhiệt thật sự.
Đạo sĩ kia nói, sau khi miếu Lão Quân bị huỷ, các sư huynh đệ trong môn phái cũng lần lượt hoàn tục, không bao lâu sau vị sư phụ mà ông ấy đi theo từ lúc còn rất nhỏ cũng tạ thế, ông ấy là đệ tử được sư phụ yêu thương nhất, tâm nguyện trước khi lâm chung của sư phụ là hi vọng đạo sĩ này có thể kế thừa y bát, sau này trùng tu lại ngôi miếu, làm rạng danh phái Huyền Thanh. Lúc đó lão đạo sĩ chỉ là một cậu bé chưa tới 15, 16 tuổi, nhưng cậu đã ghi lòng tạc dạ những lời này của sư phụ mình.
Sau đó, tình trạng hỗn loạn dần qua đi, lại qua thêm mấy năm nữa, tình hình đất nước chuyển biến tốt, đạo giáo và một số tôn giáo khác không còn bị coi là đám yêu ma quỷ quái nữa, ông ấy cảm thấy thời cơ đã chín muồi, sau khi nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông đã tự mình xây dựng nên ngôi miếu Lão Quân này, bởi vì tiền vốn không dư dả mấy, cho nên miếu Lão Quân sau khi trùng tu xong không thể so sánh được với trước kia, nhưng suy cho cùng xem như cũng đã hoàn thành tâm nguyện của sư phụ, trùng tu lại miếu Lão Quân.
Về sau núi Đông Kích trở thành một danh lam thắng cảnh, ông bèn dựa vào tiền hương hoả của ngôi miếu để sống qua ngày và tu hành trong miếu Lão Quân đến nay đã mười mấy năm.
Nghe xong tôi không khỏi cảm thấy kính phục, một người có thể sống trong ngôi miếu sơ sài này mười mấy năm, định lực của ông ấy chắc chắn là rất lớn. Vị đạo sĩ này tu hành nhiều năm như vậy, chắc chắn cũng là một người có đạo hạnh rất cao, thế là tôi bèn hỏi ông ấy một vấn đề mà mình rất hứng thú, câu hỏi này phải hỏi thế nào nhỉ, nghe ra có chút hơi ấu trĩ, tôi hỏi đạo trưởng ông có biết pháp thuật không?
(*Định lực: là sức mạnh do thiền định mang lại nhằm xoá bỏ những tham ái.)
Thật ra câu hỏi này chỉ là tôi buộc miệng nói ra thôi, là một người được dạy dỗ phải tin tưởng vào khoa học suốt 9 năm mà nói, tôi thật sự không cách nào tin vào những chuyện pháp thuật tà ma cả.
Nhưng ông ấy lại như cười như không đáp rằng: “Biết, cũng không biết.”
Tôi…
“Biết chính là biết, không biết chính là không biết, sao lại có thể vừa biết vừa không biết chứ?”
Lão đạo trưởng này thấy tôi mặt mày nghi hoặc, bèn giải thích, ông ấy lúc nhỏ thường cùng với sư phụ xuống núi làm pháp sự, nghe quen tai nhìn quen mắt, tự nhiên cũng hiểu được một số đạo môn chi thuật, nhưng cái này có thể hiểu được, cũng chỉ là biết cách làm phép, chỉ có điều sau khi làm xong lại chẳng hiệu nghiệm, cũng có nghĩa là biết cách nhưng lại không cho ra kết quả gì.
Lão đạo trưởng nói bản thân tính nết ngu đần, lại không còn sư phụ dạy dỗ từ khi còn nhỏ, tu hành đã nhiều năm như vậy cũng không làm ra được trò trống gì, cho nên không có đạo hạnh gì cả, chỉ là tu tâm mà thôi.
Bạn của tôi từ nhỏ đã thích xem phim của Lâm Chánh Anh, nghe tôi và đạo trưởng nói về pháp thuật thì rất có hứng thú, liền hỏi đạo trưởng những pháp thuật này có khó luyện không?
(Lâm Chánh Anh là diễn viên, chỉ đạo võ thuật, đạo diễn và nhà sản xuất phim của điện ảnh Hồng Kông. )
Ông ấy nói pháp thuật đạo gia này nói khó cũng khó, nói dễ cũng dễ, mặc dù chú trọng tu luyện nhưng mấu chốt vẫn là phải nhìn người, cảnh giới tâm linh giữa người với người không giống nhau, niệm lực cũng phân ra mạnh yếu, nó là sức mạnh tinh thần của mỗi người, việc phát huy pháp thuật có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào niệm lực mạnh yếu của con người.
Người có niệm lực mạnh mẽ, pháp thuật dù khó đến đâu cũng có thể thi triển dễ dàng, ngược lại người có niệm lực yếu kém, e rằng tu luyện cả đời cũng rất khó nhìn thấy lối đi.
Mà niệm lực của một người sẽ liên quan mật thiết đến niềm tin của họ, niềm tin càng kiên định, lúc làm phép càng có niềm tin vào bản thân mình thì càng dễ thành công, ngược lại, lúc làm phép mà tinh thần dao động, cả đời chất chứa tạp niệm, vậy thì niệm lực càng dễ tiêu tán, pháp thuật cũng hỏng từ đó.
Kể cả đạo Phật, tu hành tức là tu tâm, tu một tâm tín ngưỡng, một tâm kiên định, tu đến cuối cùng, tâm lặng như nước, sóng lớn không hoảng, lại giống như đá, kiên định không chuyển dời, tất cả đều trong một ý niệm, vạn pháp tuỳ tâm.
Dân gian có một câu tục ngữ, tin ắt linh, không tin ắt mất, để nói về niệm lực.
Đạo trưởng dừng một chút, sau đó nói tiếp: “Không chỉ là đạo gia chi thuật, dân gian còn có một vài loại pháp thuật tương tự như là thuật yếm thắng, thuật vu cổ.
(Thuật yếm thắng: là viết tắt của yếm nhi thắng chi nghĩa là dùng tà phép yếm đồ vật của một người sau đó đem chôn dưới đất, đối tượng bị yếm sẽ không phát triển được, thậm chí còn gặp hoạ dẫn đến tử vong.)
(Thuật vu cổ: nuôi cổ trùng để sai khiến, hạ độc thậm chí hại chết người khác.)
Trung Hoa trải qua hơn 5000 năm, những loại pháp thuật này sở dĩ có thể lưu truyền rộng rãi mà không bị mai một trong dòng chảy lịch sử đều có nguyên do cả, hoàn toàn không phải chỉ được xem là một loại mê tín.
Tác hại của thuật vu cổ thời xưa ngay cả hoàng đế cũng phải khiếp sợ, đủ thấy rằng pháp thuật dân gian đáng sợ đến mức nào, nhưng nếu để nói về sự linh nghiệm của những loại pháp thuật này, thường sẽ không có mấy người tin cả, dù sao thì dựa vào pháp thuật mà có thể trù chết người, có thể nói là đã ít càng thêm ít.
Sở dĩ như vậy là bởi vì những loại pháp thuật dân gian này cực kì khó thành công, không phải cứ chôn một con dao hay một con rối là có thể hại người, mà bắt buộc phải có niệm lực cực mạnh, người thường không ai có thể thực hiện được.
Đạo trưởng nói, cả đời này của ông chỉ từng biết duy nhất một người làm phép thành công, đó là một cao nhân, cũng là một bà lão dốt đặc cán mai, bà ta đã dùng thuật yếm thắng giết chết một gia đình bốn người.
Thấy chúng tôi nghe đến say mê, lão đạo trưởng bèn chậm rãi bắt đầu kể lại câu chuyện.