Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 97
Đầu canh tư ngày hai mươi lăm tháng mười một năm ấy (Mậu thân), An thức hai con dậy lén trốn khỏi Phú Xuân.
Đêm hôm trước, An và Lãng nói chuyện với nhau quá khuya. Chờ đến lúc nghe tiếng Lãng ngáy đều, An mới dám sẽ sàng ngồi dậy âm thầm mò mẫm thu vén một ít quần áo và tư trang gói vào hai cái tay nải, một cái nặng cho mình, một cái nhỏ và nhẹ hơn cho Phát. Vì không dám thắp đèn, An phải sờ thật lâu lên mặt vải và tay áo, cổ áo để chọn đúng những bộ áo quần cần thiết cho hai con. Lúc đến chỗ mắc áo ngay đầu giường con bé Thái nằm, An nghe con cựa mình. Chị lo ngại đứng im thật lâu, nghe ngóng. Thái nằm im một lúc, lại ngáy đều. Tiếng ngáy hơi lớn. An yên tâm, sau khi lấy chiếc áo ấm dồi bông của con, quay xuống nhà bếp đong thêm ít gạo. Sau lưng, có tiếng gì thoang thoáng giống như một tiếng nấc nghẹn. An tưởng bé Thái khóc, dừng lại nghe ngóng. Lại hoàn toàn im lặng, trừ tiếng ngáy đều.
Xếp soạn mọi thứ xong xuôi, An mới đánh thức hai con dậy. Chị sờ soạng đến cạnh cái giường gỗ gụ. Tiếng con Thái thì thào:
- Đã đi chưa, mẹ?
An giật mình ngồi xuống mép giường. Thái đã ngồi hẳn dậy. An ôm choàng vai con, sợ Thái nói lớn tiếng. Vai con bé run run. Đưa tay lên sờ khuôn mặt con, chị xót xa thấy mình đoán đúng: con bé đã thức dậy từ lâu và khóc thầm trong bóng tối.
Hai mẹ con ôm nhau ngồi bần thần thật lâu, thật lâu... Chị đã lấy lại đủ bình tĩnh, An nói thầm với con gái:
- Con lên lay anh Phát dậy.
Nhưng kịp nghĩ có thể do vụng về, Thái đánh thức luôn cả cậu Lãng, An hấp tấp nói:
- Thôi con ngồi đây. Để mẹ đi cho.
Thằng Phát ngủ say nên An phải lay thật mạnh mới đánh thức được nó. Chỗ thằng bé nằm lại chỉ cách giường Lãng không đầy một con sào, nên khi Phát càu nhàu hơi lớn tiếng:
- Chưa sáng mà! Dậy chi sớm vậy!
An vội kề tai nó, nói nhỏ:
- Con xuống bếp, mẹ có chuyện nói.
Phát ngáp dài, chưa chịu bỏ chân xuống khỏi giường:
- Để sáng đã mẹ!
An mất kiên nhẫn, gắt:
- Tao bảo có chuyện cần, nghe không?
Phải mất một lúc lâu, Phát mới hiểu. Ba mẹ con thì thào dưới bếp bàn nhau làm cách nào để mở then cửa mà khỏi gây tiếng động. Càng về sau, Phát càng hăng hái, hăm hở như sắp được dự một trò chơi hứng thú và nguy hiểm. Nó đòi mang cho được cái tay nải lớn, sau khi bị An từ chối không giao cho việc nhẹ nhàng khéo léo mở cánh cửa hông.
Ba mẹ con ra khỏi cổng đúng lúc trống cầm canh trong thành báo hiệu bước sang canh tư. An bần thần đứng thật lâu trước cổng, bịn rịn không muốn dời chân. Thái phải nhắc mẹ bằng cách hỏi nhỏ:
- Con đóng cổng lại, mẹ nhé. Sợ cậu dậy trễ, bọn trẻ rắn mắt lén vào vườn hái hết mấy quả ổi chín.
*
* *
An lo ngại gọi hai con đến nép bên đường khi thấy nhiều đoàn người lũ lượt đổ về phía núi Bân. Trăng hạ huyền lờ mờ nhưng đủ soi lên những lưỡi giáo lấp lánh trên tầm cao của các bóng đen, mỗi khi họ ra khỏi các bóng tre tối và nhập vào khoảng rộng rãi tràn ắp sương và màu trăng lu. Qua khỏi bỡ ngỡ ban đầu, An hiểu đó là các toán quân trẩy sớm để tụ họp lại núi Bân dự lễ đăng quang. Lòng An nhói đau, và không biết đây là lần thứ mấy, chị ôm chặt bé Thái vào lòng để tự trấn tĩnh.
Phát bị các đoàn quân cuốn hút, ôm tay nải nặng chạy lúp xúp theo một toán có mang nhiều giáo mác nhất. Nhưng tay nải nặng quá. Mẹ cậu sợ cảnh cơm cao gạo kém, không mua được cái ăn ở dọc đường, nên đã dồn đầy một ruột tượng gạo trắng cho vào tay nải. Đến ngã ba, một bên là lối lên núi Bân, một bên lối vào thành, Phát mệt nhoài, mồ hôi vã ra như tắm. Phát phải dừng lại chờ mẹ và em.
Sợ Thái chế giễu sự yếu đuối của mình, Phát cố hỏi to và chậm để che giấu mệt nhọc:
- Đi lối nào hở mẹ?
An đoán ngay được nỗi khó nhọc của con, nên hỏi:
- Nặng quá phải không?
Thái không chú ý đến anh, hỏi mẹ:
- Chắc cậu chưa dậy đâu, mẹ nhỉ?
An kéo hai con vào mép đường:
- Tránh vào đây cho quân đi. Vào sâu trong này, Phát. Mẹ đã bảo! Đem luôn tay nải theo. Nghỉ một chút đã. Có nặng lắm không?
Phát không trả lời. Mãi đến lúc ấy, Thái mới chú ý đến cái lưng đẫm mồ hôi của anh. Con bé nói:
- Để con mang bớt cho anh Phát. Kìa mẹ xem, anh ấy mồ hôi mồ kê...
Phát cáu kỉnh, cướp lời em:
- Tại sương đấy chứ. Mày chỉ giỏi bươi móc chuyện người khác.
An đứng ra giảng hòa:
- Thôi. Con chỉ mang cái ruột tượng gạo. Đưa tay nải quần áo cho mẹ. Thái mang cho mẹ cái này nhé. Khi nào mỏi thì nói. Lại thêm một đoàn nữa qua. Không biết quân ở đâu tới mà đông quá.
Phát rụt rè nói:
- Dự lễ chắc vui lắm hở mẹ?
Thái lên giọng đàn chị:
- Lễ lên ngôi của người giết cha mình mà anh khen vui! Sao lại có người ác đến thế. "Người ta" hạ lệnh giết cha mình mà có nhíu mày do dự chút nào đâu!
An giật mình quay lại nhìn con gái. Thái nhìn mẹ với vẻ căm thù giả vờ và nét nghiêm trang ngây thơ. An chột dạ hỏi con:
- Đêm qua con ngủ được không?
Thái nói dối:
- Ngủ ngon lắm, mẹ ạ!
- Lúc mẹ nói chuyện với cậu, con đã ngủ chưa?
Thái lúng túng đáp:
- Con mới... con mới thiu thiu thôi, mẹ!
Tim An lại đau nhói. Cổ An nghẹn. Thái mường tượng hiểu rằng nó vừa nói điều gì đó khiến mẹ đau lòng, nên lo lắng gọi:
- Mẹ, mẹ sao thế?
Phát nói:
- Mày lắm lời lắm, không ai ưa. Lại một toán nữa đến kìa mẹ. Hình như đi ngựa thì phải. Đúng là kỵ binh. Mẹ có nghe thấy tiếng vó ngựa không? Không biết chừng sau toán này lại đến toán voi.
Thái vẫn ôm lấy An, thảng thốt hỏi:
- Mẹ, sao mẹ run thế? Mẹ lạnh phải không? Hay tại con lỡ dại lén nghe chuyện người lớn?
An cúi xuống định an ủi con, và đột nhiên, gương mặt hoảng hốt, giọng nói lo âu của Thái khiến chị nhớ lại cái cảnh chạy trốn của gia đình gần hai mươi lăm năm trước: vẫn cảnh khuya khoắt, vẫn những con đường nhấp nhô chạy giữa các khóm tre, vẫn những chiếc tay nải cột vội trên tay, vẫn tình cảnh xiêu giạt của một người mẹ yếu và lũ con thơ dại chưa hiểu hết sự nghiệt ngã của đời sống trước mắt và mai sau, vẫn cái nhìn giọng nói lo lắng của một đứa con gái nhỏ bên người mẹ hiền... Chỉ khác một đôi điều: đứa con gái trong cuộc chạy trốn ngày xưa, bây giờ lại làm mẹ, và trong cảnh tỵ nạn, bây giờ thiếu mất người cha!
An xúc động quá, ôm chặt con và khóc thành tiếng.
*
* *
Ba mẹ con rẽ theo đường lên núi Bân, vì nếu đi thêm một đoạn nữa, sẽ gặp đường thiên lý nối liền Phú Xuân với xứ Quảng. Đêm đã qua canh năm. Trời sáng lờ mờ. An kinh ngạc nhận thấy ngoài đường cái chỉ có quân lính đi lại. Nét mặt rầu rĩ và cách ăn mặc nhếch nhác cố ý của An không ngăn được những câu chòng ghẹo của đám lính:
- Mạ nó ơi, đã bảo về sao còn dẫn con theo lên đây làm gì? Không sợ phép quan sao?
- Chị kia, muốn theo chúng tôi đi chém đầu giặc Ngô phỏng? Chán cảnh chồng con rồi phải không?
- Ối ối, không phải con tôi đâu nhé! Đừng dẫn chúng lên kiện quan đô đốc để tôi mất dịp "biết" gái Bắc Hà. Vu oan giá họa như thế không hay đâu!
- Không phải nó thì chắc chắn là anh đây rồi! Đúng là hai đứa con anh đây mà! Mắt ấy miệng này, các bác nhìn xem, có phải giống như đúc khuôn không?
Nhiều tiếng cười khoái trá. Một anh lính nói:
- Mũi mày là mũi sư tử. Môi mày vều. Răng lại hô. Gớm, chị ta có mù đâu mà chịu đẻ hai đứa con đẹp như thế cho mày.
Lâu lâu cũng có những lời chòng ghẹo tục tĩu hơn. An cúi mặt xuống mà đi, chờ mãi chưa thấy bớt cảnh quân lính tấp nập. Dân chúng hai bên đường cũng đứng dày trước cửa, bàn tán chỉ trỏ các toán quân qua lại.
An sợ gặp người quen, nên dẫn con tấp vào một cái quán tranh hơi vắng khách. Vả lại, cả Thái lẫn Phát đều kêu khát. An hỏi chị chủ quán, một người đàn bà trạc năm mươi, mặt tóp lại dưới mái tóc bạc lưa thưa, mắt kém nên nheo lại khi đến gần dĩa đèn thổi tắt để tiết kiệm dầu:
- Sao hôm nay không thấy bạn hàng đi chợ sớm hở thím?
Chị chủ quán đưa tay bóp tắt cái tim đèn lụn, rồi quay lại đáp:
- Có lệnh cấm đường, cấm chợ từ chiều hôm qua, chị không biết à?
An ngây thơ hỏi:
- Sao lại cấm đường?
Một người đàn ông ra dáng con buôn đường xa cười lớn rồi bảo:
- Chị này hỏi đến hay! Không thấy quân đi rầm rập sao? Vả lại không cấm thì cũng không có cái gì để đi. Ghe thuyền, xe, ngựa đều trưng dụng để chở quân. Tôi sống dở chết dở vì hai thúng hàng này. Không biết đến bao giờ mới tìm ra được ngựa thồ!
Một người đàn ông khác, đầu trùm khăn đang ngồi hút thuốc lào ở góc quán, góp lời:
- Ối, ăn thua gì hàng với họ! Việc nước lớn tày trời phải lo trước đã chứ. Giặc Ngô mà vào đây, thì liệu bác có giữ được hai thúng hàng không. Nhưng này, bác buôn gì thế?
Khách buôn nọ do dự trước khi trả lời:
- Cũng như chuyến trước thôi!
- Cá muối sư phải không?
- Vâng.
- Có rữa thối đâu mà lo. Sao không đi đò?
- Đò cũng dùng chở quân cả rồi. Tôi gánh lên đây, tưởng thuê được ngựa thồ.
- Nếu tôi là bác, tôi tính gọn, một nháy mắt là xong.
- Tính thế nào?
- Đem biếu cho mấy anh lính sắp ra Bắc diệt giặc Ngô kia kìa.
Người buôn mắm ậm ừ, trong lúc cả quán cười vang. Không chịu thua, người buôn mắm hỏi người hút thuốc lào:
- Thế chuyến này bác đi đâu?
- Tôi ra đây.
Lại có nhiều tiếng khúc khích:
- Vẫn buôn quế Quảng đấy chứ?
- Thì vẫn quế.
- Sao? Bác đã biếu cho quân sĩ làm thuốc đi đường phòng ngừa cảm mạo, đau bụng chưa?
- Bác khỏi nhắc.
- Tôi ngờ lắm.
- Tôi cũng ngờ.
- Ô hay, ngờ cái gì?
- Ngờ chuyện bác ngờ ấy. Vì bác suy bụng ta ra bụng người.
Không khí có vẻ nghiêm trọng, nên cả quán im lặng lắng tai nghe cuộc đấu khẩu giữa hai bạn buôn. Người buôn mắm bắt đầu xẳng giọng:
- Bác không nói cho rõ thì tuyệt tình anh em đó. Bụng tôi ra sao mà bác ngờ?
- Bác tưởng tôi ra đây buôn quế như lần trước phỏng? Bác lầm.
- Thế bác đi đâu? Cái gì bác giấu trong tay nải kia, nếu không phải là mấy thanh quế lậu? Bác tưởng tôi mù hay sao?
- Không. Không phải quế lậu.
- Đến bây giờ mà bác còn muốn lấy vải thưa che mắt thánh. Mấy cái thanh tròn tròn kia không phải quế thì là cái gì?
Người buôn quế cười nhỏ, rồi chậm rãi mở tay nải. An không dằn được tò mò, cố nhướn chân nhìn xem cho rõ bác ta sắp trình ra món hàng gì. Cả quán ồ lên kinh ngạc, rồi sợ hãi, khi thấy người buôn quế rút ra mấy cây đao cỡ trung lưỡi bén sáng quắc.
Chị chủ quán lo ngại, lớn tiếng can:
- Thôi thôi, mấy bác đừng gây gổ to chuyện không hay đâu. Cãi vã nhau rồi bỏ qua đi, phép quan ở đây nghiêm lắm.
Người buôn mắm chùn lại một bước, nhưng sợ mất mặt, quay phân bua với mọi người:
- Bà con làm chứng cho tôi, chính hắn đem đao ra dọa tôi chứ không phải tôi gây sự. Này, anh tưởng tôi sợ anh hả? Thằng này sợ lẽ phải, chứ không sợ gươm đao đâu!
Người buôn quế đặt bó đao lên chõng, điềm tĩnh nói:
- Bác hiểu lầm rồi. Thôi, muốn bác với bà con ở đây khỏi hiểu lầm, tôi đành phải khai xấu cả tổ tông vậy. Không giấu gì bác, trước kia dòng họ nhà tôi xiêu tán khắp xứ Quảng, làm gì cũng không đủ sống, cuối cùng tấp về truông Cát gần Bến Ván để làm cướp đường. Ăn cướp thì phải có đao tốt. Về sau, cha tôi giải nghệ làm ăn lương thiện, nhưng tại từ đường vẫn còn giữ bó đao này lại để làm đồ thờ. Tôi có hai đứa con trai đã sung vào tinh binh từ năm ngoái. Chuyến này tôi mang quế ra cửa Hội, ghé dinh Chàm thì nghe tin đồn giặc Ngô ngấp nghé định xâm lấn Bắc Hà. Tôi nghĩ: thế nào bọn con cháu Lê, Trịnh cũng rước giặc Ngô về. Phải ra kinh đô gấp xem sao. Tôi bán quế giá rẻ cho mau hết, rồi tạt qua nhà lấy bó đao ra đây. Giao bó đao ăn cướp cho hai con diệt cướp, bác thấy không, việc đó hay lắm chứ. Ông bà dưới suối vàng phải đắc chí lắm chứ! Biếu quân sĩ bó đao này không quí hơn biếu quế hay sao?
Chị chủ quán thích thú nói:
- Bác phải tìm cho ra hai cậu con trai để trao bó đao thì mới thật hay.
Người buôn quế vui vẻ nói:
- Ấy, tôi cũng định như vậy. Thế nào chốc nữa dự lễ đăng quang tôi cũng tìm ra các con của tôi. Triều đình cũng vừa hạ chiếu quyên góp vũ khí, phải thế không thím?
- Dạ, đúng thế.
An mải nghe chuyện quên cả nỗi lo riêng. Nhưng lòng chị canh cánh, từ lúc nghe người buôn quế nhắc đến hai tiếng Bến Ván. Bến Ván! Bến Ván! Ranh giới phân chia vùng đất của Bắc Bình vương và Thái Đức hoàng đế, ngăn cách Phú Xuân và An Thái. An bồi hồi nhắc thầm hai tiếng An Thái, nhưng thấy lòng quặn đau khi nhớ đến Bến Ván. Làm sao qua khỏi con sông khắc nghiệt đó để thoát khỏi cảnh ngộ khắc nghiệt ở trước mắt? Về An Thái làm gì? An chưa hiểu rõ. Có thể chỉ để nhìn lại những dấu tích của một thời, rồi sau đó xót xa hơn. Nhưng An nghĩ phải về. Như lá rụng về cội.
Lúc câu chuyện đã ngã ngũ không còn gì lôi cuốn nữa, mọi người trong quán lại im lặng. An mua cái bánh tráng nướng chia cho hai con, rồi đến gần người buôn quế làm quen để hỏi:
- Chuyến vừa rồi, bác có vào đến Bến Ván không?
Người buôn quế hơi ngỡ ngàng, nhưng cũng vui vẻ đáp:
- Có. Chị cũng biết Bến Ván à?
An không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nói quanh:
- Thưa không ạ. Nhưng tôi có bà con trong Qui Nhơn. Qua lại Bến Ván có dễ dàng không bác?
- Biết cách thì cũng dễ thôi. Cái cách của con nhà buôn chúng tôi đấy mà, chị khắc hiểu.
An đoán có lẽ là bác ta muốn nói đến cách đút lót mua chuộc của bọn con buôn, nên gật đầu. Đôi mắt người buôn quế sáng lên cái tinh ranh của con buôn:
- Nhưng từ năm Đinh vị tới nay (1787), phải trả giá cao quá lắm.
Người buôn quế nhìn quanh, rồi hạ thấp giọng:
- Từ lúc hai anh em đánh nhau, rồi lấy Bến Ván làm ranh giới, hai bên quan quân hầm hè, gườm nhau như những kẻ thù. Khó lắm. Được lòng bên nọ thì mất lòng bên kia.
An cố hỏi thêm:
- Đường sá từ đây vào Bến Ván có yên không bác?
Người buôn quế trợn mắt hỏi:
- Chị định vào đấy à?
An cố chối:
- Không. Tôi hỏi cho biết. Quê tôi ở phía ngoài này, gần dinh Chàm kia!
- Chị ở Quảng thì còn lạ gì đường đi mà còn hỏi?
An cười che giấu bối rối:
- Lâu quá tôi chưa về quê. Nay định đem hai cháu về cho biết họ biết hàng.
- Ra thế! Chị bắt đầu đi từ đâu? Dinh Chàm nhé! Từ dinh Chàm qua ngả sông Kẻ thế đến chợ Chiên đàn một ngày. Từ chợ Chiên đàn đến sông Bến Ván một ngày, vị chi hai ngày đường. Ngày đầu đi qua các vùng có nhiều dân cư, đường quan có quán xá nhiều lắm. Nhưng sang hôm sau thì vất vả đấy. Toàn cát và bụi rậm, nhiều đoạn đi sát núi (1) . Gặp bọn cướp đường là chuyện thường.
Thấy An lo lắng ra mặt, người buôn quế hỏi:
- Chị định vào cả đó hay sao mà lo âu vậy?
An trả lời nước đôi:
- Có thể về Quảng xong, tôi sẽ vào Bến Ván để...
- Để đi buôn phỏng? Nhiều lãi lắm, nhưng cũng gian nan lắm. Đàn bà con gái không kham nổi đâu. Nếu chị muốn buôn bán thì vào đến chợ Chiên đàn cũng lắm món có thể có lời. Nhất là nguồn Chiên đàn. Vào sâu nữa, thì...
Bác buôn quế nhìn An, ái ngại.
*
* *
Sau lễ xuất sư, có lẽ để đề phòng những bất trắc khi đại quân kéo cả ra bắc, biện pháp cấm đường ra vào kinh thành vẫn duy trì tiếp hai ngày. Trong thời gian đó, An và hai con phải ở nhờ tại cái quán tranh vắng khách ấy. Những người lỡ đường bất đắc dĩ cũng trú tại quán, hôm sau lên tới mười người. Hầu hết là khách đàn ông. Chủ quán cho ba mẹ con An ngủ chung với bà trong căn phòng hẹp phía sau, kề với chỗ đặt bếp. Phát tự nhận mình là "nam nhi" không chịu ở chung với em và mẹ, ban đêm ra ngủ ở gian trước, gần cửa ngăn. Cảnh sống chui rúc chật hẹp có nhiều chung đụng bất tiện mà Thái chưa quen. Nét mặt cô bé dàu dàu, lầm lì khác thường. Vả lại, Thái cũng làm dỗi với mẹ, vì An mải chuyện trò với chị chủ quán, quên lưu ý đến con. An nói dối là có chồng làm lính đã ra bắc trước hai ngày vì thuộc toán tiền phong, ba mẹ con bơ vơ phải về tạm quê ngoại bên kia Ngãi lĩnh. Thế là chị chủ quán hết cả dè dặt. Chị có hai người con đã vào tinh binh năm trước, ngày đêm luyện tập võ nghệ dưới chân núi Bân. Người chồng già 52 tuổi của chị thì được lệnh nhập lính mới chiều hôm trước, bỏ lại cho chị mấy liếp đất gieo cải và cái chuồng gà đang làm dở. Ban đêm hai người đàn bà thủ thỉ với nhau đủ thứ chuyện, từ chồng con cho đến chuyện chiến tranh. An tò mò hỏi chị chủ quán:
- Chú tuổi già mà còn phải lính, thím có buồn không?
Chị chủ quán đáp:
- Cũng buồn chứ! rồi như sợ An hiểu sai ý mình, chị tiếp:
- Không có đàn ông trong nhà, như... như nhà không có mái vậy. Đàn gà bươi nát hết hai liếp cải mới nhú, tiếc đứt ruột mà làm gì được.
- Còn chú ấy?
- Chị hỏi gì ạ?
An cười:
- Chú xa thím, có buồn không?
Câu hỏi không rõ nghĩa nên chị chủ quán đáp:
- Tôi cũng buồn chứ.
- Không. Tôi hỏi chú có buồn không?
Chị chủ quán cố ý tỏ vẻ ngao ngán:
- Tôi không hiểu nữa. Đàn ông họ sao sao ấy. Hồi sáng chị có nghe ông buôn quế nói chuyện chứ?
- Có ạ.
- Đấy. Đàn ông người nào cũng thế cả. Lúc bình thường thì hiền lành, chăm làm ăn, biết thương yêu vợ con. Nhưng hễ nghe tiếng trống chiêng giục thì như lên cơn vậy. Chị chưa thấy nét mặt ông nhà tôi khi ổng cầm được cái cán giáo. Nói thế nào cho đúng nhỉ!
An quên nỗi đau riêng, cố trợn mắt bậm môi lại hỏi đùa:
- Có phải như thế này không?
Chị chủ quán cười to, chữa lại:
- Không đâu. Chị khéo làm trò. Ổng lỏn lẻn, lúng túng kỳ cục lắm. Chưa bao giờ tôi thấy ổng như vậy cả. Ngày thường ổng nghiêm lắm. Đến nỗi sai lũ con ra mời ổng vào ăn cơm, chúng nó cứ nạnh hẹ nhau, đứa này đùa cho đứa kia. Tôi nói điều này chị đừng cười (chị chủ quán cũng bối rối bẽn lẽn y như chồng), nét mặt ổng giống y như lúc mới về làm rể.
An bật cười nói:
- Ngày xưa chắc thím đẹp lắm, nên chú mới mất hết bình tĩnh như vậy.
Chị chủ quán mỉm cười, mắt mơ màng. An biết mình đã gợi lại cho chị kỷ niệm đẹp nhất của một đời, kỷ niệm đủ sức đánh đổi những năm tháng khổ nhọc, lam lũ chịu đựng về sau. Chị chủ quán vuốt lại mái tóc bạc, nói nhỏ:
- Vâng. Hồi đó tóc tôi mướt và dài. Ổng còn khen hai con mắt của tôi giống như hai hạt nhãn. Nhưng... chuyện đó xưa rồi.
An nghe chị chủ quán thở dài. An chuyển câu chuyện:
- Chú sức yếu, chịu đựng nổi đời lính không? Tôi sợ không theo nổi bọn trẻ.
Chị chủ quán đáp:
- Vâng. Hơn năm mươi rồi còn gì. Nhưng...
Chị ta dừng lại, dường như không biết diễn tả thế nào cho đúng ý. An kiên nhẫn đợi. Một lúc, chị ta nói:
- Bảo tôi lo lắng, thì đúng là có lo. Nhưng sợ thì không. Ở đây hàng quán, thường ngày lính tráng đi về núi Bân luyện tập vẫn ghé đây. Hai con trai tôi cũng đi tinh binh. Tôi nghe họ bàn với nhau, nên cũng biết là nhà vua cầm quân giỏi lắm. Trăm trận trăm thắng. Nghe nhà vua đích thân cầm quân chuyến này, tôi yên tâm.
Nếu không kịp nhớ đến cảnh góa bụa của mình, An đã chụp lấy cánh tay chị chủ quán lắc lắc để tỏ vẻ thông cảm và biết ơn. Da mặt An hồng lên, nụ cười bẽn lẽn gượng gạo. Chị chủ quán ngơ ngác không hiểu nổi An, cứ nghĩ mình vừa nói điều gì ngây ngô.
*
* *
Sáng hôm sau, có lệnh mở đường. An sợ gặp Lãng hay những người quen biết, nên theo một đoàn ngựa thồ rời Phú Xuân từ sáng sớm. Cái sắc đẹp đoan chính sầu muộn của chị giúp chị đỡ nhọc nhằn suốt cuộc hành trình. Những người đi buôn bằng ngựa thồ, bằng lòng cho An gửi mấy cái tay nải vào các giỏ hàng rỗng. Đến quán Trà, họ lại chịu cho Phát và Thái cưỡi lên ngựa cho đỡ mỏi chân. Nhờ thế, ngày đầu tiên, ba mẹ con đến được quán Tuần ải. Tối hôm sau, đến Thanh Khê. Thêm một ngày đường nữa, đoàn ngựa thồ dừng lại ở dinh Chàm để hôm sau ra cửa Hội. An cảm ơn lòng tốt của họ, tìm nơi cho các con nghỉ ngơi một ngày rồi tiếp tục về phương nam. Phải, về phương nam, vì cho đến lúc ấy, An chỉ mới định được hướng đi. Chưa định được nơi phải đến. Chị không thể biết rõ phải về đâu. Về An Thái, đó là ước vọng thầm kín của chị. Ba ngôi mộ của người thân yêu (mộ ông giáo ở Bằng Châu, mộ mẹ ở An Thái, và mộ Chinh) đang chờ chị về đốt một nén nhang, rỏ những giọt nước mắt và cất tiếng khóc bi thiết. Có thể Kiên đang ở đâu đó, quanh quất Qui Nhơn hay An Thái và chị có thể nương tựa. Còn có cây gạo ở bến sông, có nền nhà học, thậm chí có những thứ nhỏ mọn đã từng chứng kiến quãng đời hoa niên đẹp đẽ của chị như một hòn đá xanh trước ngõ Hai Nhiều, lớp tro vương vãi trên chỗ xưa kia là nhà bếp, mảnh nẹp cau của hàng rào từng bị Chinh phá dạo ấy... Làm sao An dám nói bao điều u ẩn ấy thành lời. Về An Thái! Có thể được nữa không? An biết rõ An Thái đã thuộc hẳn về một thế giới khác. Về đó cũng khó như là đi ngược từ cái tuổi già cỗi chán chường này về lại tuổi thơ. Nhưng không về đó thì về đâu? Câu hỏi đó khiến chị chùn chân. Cho nên từ dinh Chàm, ba mẹ con xuôi nam chậm chạp hẳn lại. Một ngày mới đến quán Hà lam. Ba ngày mới đến quán ông Bộ. Càng vào sâu phía trong, đường sá càng hoang vu đúng như lời người buôn quế. Cồn cát này tiếp nối cồn cát kia. Đất đai trắng dã trơ trụi những bụi gai thấp lá nhỏ và úa. Những đoạn chạy gần chân núi, đường sá càng hiu quạnh hơn. Đến sông Bến Ván thì ba mẹ con gần như kiệt sức. Nếu không có phép nước nghiêm cấm qua lại ranh giới hai miền đất đang ngờ vực nhau, An và hai con cũng không thể đủ sức cất nổi bước qua cầu Bến Ván. Giới hạn của thân xác, giới hạn của quyền lực tự nhiên buộc họ dừng lại đó. Bến Ván trở thành nơi đến của ba mẹ con.(2)
(1) Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, trang 118, 119.
(2) Tên các trạm đường dựa theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, trang 117.
Đêm hôm trước, An và Lãng nói chuyện với nhau quá khuya. Chờ đến lúc nghe tiếng Lãng ngáy đều, An mới dám sẽ sàng ngồi dậy âm thầm mò mẫm thu vén một ít quần áo và tư trang gói vào hai cái tay nải, một cái nặng cho mình, một cái nhỏ và nhẹ hơn cho Phát. Vì không dám thắp đèn, An phải sờ thật lâu lên mặt vải và tay áo, cổ áo để chọn đúng những bộ áo quần cần thiết cho hai con. Lúc đến chỗ mắc áo ngay đầu giường con bé Thái nằm, An nghe con cựa mình. Chị lo ngại đứng im thật lâu, nghe ngóng. Thái nằm im một lúc, lại ngáy đều. Tiếng ngáy hơi lớn. An yên tâm, sau khi lấy chiếc áo ấm dồi bông của con, quay xuống nhà bếp đong thêm ít gạo. Sau lưng, có tiếng gì thoang thoáng giống như một tiếng nấc nghẹn. An tưởng bé Thái khóc, dừng lại nghe ngóng. Lại hoàn toàn im lặng, trừ tiếng ngáy đều.
Xếp soạn mọi thứ xong xuôi, An mới đánh thức hai con dậy. Chị sờ soạng đến cạnh cái giường gỗ gụ. Tiếng con Thái thì thào:
- Đã đi chưa, mẹ?
An giật mình ngồi xuống mép giường. Thái đã ngồi hẳn dậy. An ôm choàng vai con, sợ Thái nói lớn tiếng. Vai con bé run run. Đưa tay lên sờ khuôn mặt con, chị xót xa thấy mình đoán đúng: con bé đã thức dậy từ lâu và khóc thầm trong bóng tối.
Hai mẹ con ôm nhau ngồi bần thần thật lâu, thật lâu... Chị đã lấy lại đủ bình tĩnh, An nói thầm với con gái:
- Con lên lay anh Phát dậy.
Nhưng kịp nghĩ có thể do vụng về, Thái đánh thức luôn cả cậu Lãng, An hấp tấp nói:
- Thôi con ngồi đây. Để mẹ đi cho.
Thằng Phát ngủ say nên An phải lay thật mạnh mới đánh thức được nó. Chỗ thằng bé nằm lại chỉ cách giường Lãng không đầy một con sào, nên khi Phát càu nhàu hơi lớn tiếng:
- Chưa sáng mà! Dậy chi sớm vậy!
An vội kề tai nó, nói nhỏ:
- Con xuống bếp, mẹ có chuyện nói.
Phát ngáp dài, chưa chịu bỏ chân xuống khỏi giường:
- Để sáng đã mẹ!
An mất kiên nhẫn, gắt:
- Tao bảo có chuyện cần, nghe không?
Phải mất một lúc lâu, Phát mới hiểu. Ba mẹ con thì thào dưới bếp bàn nhau làm cách nào để mở then cửa mà khỏi gây tiếng động. Càng về sau, Phát càng hăng hái, hăm hở như sắp được dự một trò chơi hứng thú và nguy hiểm. Nó đòi mang cho được cái tay nải lớn, sau khi bị An từ chối không giao cho việc nhẹ nhàng khéo léo mở cánh cửa hông.
Ba mẹ con ra khỏi cổng đúng lúc trống cầm canh trong thành báo hiệu bước sang canh tư. An bần thần đứng thật lâu trước cổng, bịn rịn không muốn dời chân. Thái phải nhắc mẹ bằng cách hỏi nhỏ:
- Con đóng cổng lại, mẹ nhé. Sợ cậu dậy trễ, bọn trẻ rắn mắt lén vào vườn hái hết mấy quả ổi chín.
*
* *
An lo ngại gọi hai con đến nép bên đường khi thấy nhiều đoàn người lũ lượt đổ về phía núi Bân. Trăng hạ huyền lờ mờ nhưng đủ soi lên những lưỡi giáo lấp lánh trên tầm cao của các bóng đen, mỗi khi họ ra khỏi các bóng tre tối và nhập vào khoảng rộng rãi tràn ắp sương và màu trăng lu. Qua khỏi bỡ ngỡ ban đầu, An hiểu đó là các toán quân trẩy sớm để tụ họp lại núi Bân dự lễ đăng quang. Lòng An nhói đau, và không biết đây là lần thứ mấy, chị ôm chặt bé Thái vào lòng để tự trấn tĩnh.
Phát bị các đoàn quân cuốn hút, ôm tay nải nặng chạy lúp xúp theo một toán có mang nhiều giáo mác nhất. Nhưng tay nải nặng quá. Mẹ cậu sợ cảnh cơm cao gạo kém, không mua được cái ăn ở dọc đường, nên đã dồn đầy một ruột tượng gạo trắng cho vào tay nải. Đến ngã ba, một bên là lối lên núi Bân, một bên lối vào thành, Phát mệt nhoài, mồ hôi vã ra như tắm. Phát phải dừng lại chờ mẹ và em.
Sợ Thái chế giễu sự yếu đuối của mình, Phát cố hỏi to và chậm để che giấu mệt nhọc:
- Đi lối nào hở mẹ?
An đoán ngay được nỗi khó nhọc của con, nên hỏi:
- Nặng quá phải không?
Thái không chú ý đến anh, hỏi mẹ:
- Chắc cậu chưa dậy đâu, mẹ nhỉ?
An kéo hai con vào mép đường:
- Tránh vào đây cho quân đi. Vào sâu trong này, Phát. Mẹ đã bảo! Đem luôn tay nải theo. Nghỉ một chút đã. Có nặng lắm không?
Phát không trả lời. Mãi đến lúc ấy, Thái mới chú ý đến cái lưng đẫm mồ hôi của anh. Con bé nói:
- Để con mang bớt cho anh Phát. Kìa mẹ xem, anh ấy mồ hôi mồ kê...
Phát cáu kỉnh, cướp lời em:
- Tại sương đấy chứ. Mày chỉ giỏi bươi móc chuyện người khác.
An đứng ra giảng hòa:
- Thôi. Con chỉ mang cái ruột tượng gạo. Đưa tay nải quần áo cho mẹ. Thái mang cho mẹ cái này nhé. Khi nào mỏi thì nói. Lại thêm một đoàn nữa qua. Không biết quân ở đâu tới mà đông quá.
Phát rụt rè nói:
- Dự lễ chắc vui lắm hở mẹ?
Thái lên giọng đàn chị:
- Lễ lên ngôi của người giết cha mình mà anh khen vui! Sao lại có người ác đến thế. "Người ta" hạ lệnh giết cha mình mà có nhíu mày do dự chút nào đâu!
An giật mình quay lại nhìn con gái. Thái nhìn mẹ với vẻ căm thù giả vờ và nét nghiêm trang ngây thơ. An chột dạ hỏi con:
- Đêm qua con ngủ được không?
Thái nói dối:
- Ngủ ngon lắm, mẹ ạ!
- Lúc mẹ nói chuyện với cậu, con đã ngủ chưa?
Thái lúng túng đáp:
- Con mới... con mới thiu thiu thôi, mẹ!
Tim An lại đau nhói. Cổ An nghẹn. Thái mường tượng hiểu rằng nó vừa nói điều gì đó khiến mẹ đau lòng, nên lo lắng gọi:
- Mẹ, mẹ sao thế?
Phát nói:
- Mày lắm lời lắm, không ai ưa. Lại một toán nữa đến kìa mẹ. Hình như đi ngựa thì phải. Đúng là kỵ binh. Mẹ có nghe thấy tiếng vó ngựa không? Không biết chừng sau toán này lại đến toán voi.
Thái vẫn ôm lấy An, thảng thốt hỏi:
- Mẹ, sao mẹ run thế? Mẹ lạnh phải không? Hay tại con lỡ dại lén nghe chuyện người lớn?
An cúi xuống định an ủi con, và đột nhiên, gương mặt hoảng hốt, giọng nói lo âu của Thái khiến chị nhớ lại cái cảnh chạy trốn của gia đình gần hai mươi lăm năm trước: vẫn cảnh khuya khoắt, vẫn những con đường nhấp nhô chạy giữa các khóm tre, vẫn những chiếc tay nải cột vội trên tay, vẫn tình cảnh xiêu giạt của một người mẹ yếu và lũ con thơ dại chưa hiểu hết sự nghiệt ngã của đời sống trước mắt và mai sau, vẫn cái nhìn giọng nói lo lắng của một đứa con gái nhỏ bên người mẹ hiền... Chỉ khác một đôi điều: đứa con gái trong cuộc chạy trốn ngày xưa, bây giờ lại làm mẹ, và trong cảnh tỵ nạn, bây giờ thiếu mất người cha!
An xúc động quá, ôm chặt con và khóc thành tiếng.
*
* *
Ba mẹ con rẽ theo đường lên núi Bân, vì nếu đi thêm một đoạn nữa, sẽ gặp đường thiên lý nối liền Phú Xuân với xứ Quảng. Đêm đã qua canh năm. Trời sáng lờ mờ. An kinh ngạc nhận thấy ngoài đường cái chỉ có quân lính đi lại. Nét mặt rầu rĩ và cách ăn mặc nhếch nhác cố ý của An không ngăn được những câu chòng ghẹo của đám lính:
- Mạ nó ơi, đã bảo về sao còn dẫn con theo lên đây làm gì? Không sợ phép quan sao?
- Chị kia, muốn theo chúng tôi đi chém đầu giặc Ngô phỏng? Chán cảnh chồng con rồi phải không?
- Ối ối, không phải con tôi đâu nhé! Đừng dẫn chúng lên kiện quan đô đốc để tôi mất dịp "biết" gái Bắc Hà. Vu oan giá họa như thế không hay đâu!
- Không phải nó thì chắc chắn là anh đây rồi! Đúng là hai đứa con anh đây mà! Mắt ấy miệng này, các bác nhìn xem, có phải giống như đúc khuôn không?
Nhiều tiếng cười khoái trá. Một anh lính nói:
- Mũi mày là mũi sư tử. Môi mày vều. Răng lại hô. Gớm, chị ta có mù đâu mà chịu đẻ hai đứa con đẹp như thế cho mày.
Lâu lâu cũng có những lời chòng ghẹo tục tĩu hơn. An cúi mặt xuống mà đi, chờ mãi chưa thấy bớt cảnh quân lính tấp nập. Dân chúng hai bên đường cũng đứng dày trước cửa, bàn tán chỉ trỏ các toán quân qua lại.
An sợ gặp người quen, nên dẫn con tấp vào một cái quán tranh hơi vắng khách. Vả lại, cả Thái lẫn Phát đều kêu khát. An hỏi chị chủ quán, một người đàn bà trạc năm mươi, mặt tóp lại dưới mái tóc bạc lưa thưa, mắt kém nên nheo lại khi đến gần dĩa đèn thổi tắt để tiết kiệm dầu:
- Sao hôm nay không thấy bạn hàng đi chợ sớm hở thím?
Chị chủ quán đưa tay bóp tắt cái tim đèn lụn, rồi quay lại đáp:
- Có lệnh cấm đường, cấm chợ từ chiều hôm qua, chị không biết à?
An ngây thơ hỏi:
- Sao lại cấm đường?
Một người đàn ông ra dáng con buôn đường xa cười lớn rồi bảo:
- Chị này hỏi đến hay! Không thấy quân đi rầm rập sao? Vả lại không cấm thì cũng không có cái gì để đi. Ghe thuyền, xe, ngựa đều trưng dụng để chở quân. Tôi sống dở chết dở vì hai thúng hàng này. Không biết đến bao giờ mới tìm ra được ngựa thồ!
Một người đàn ông khác, đầu trùm khăn đang ngồi hút thuốc lào ở góc quán, góp lời:
- Ối, ăn thua gì hàng với họ! Việc nước lớn tày trời phải lo trước đã chứ. Giặc Ngô mà vào đây, thì liệu bác có giữ được hai thúng hàng không. Nhưng này, bác buôn gì thế?
Khách buôn nọ do dự trước khi trả lời:
- Cũng như chuyến trước thôi!
- Cá muối sư phải không?
- Vâng.
- Có rữa thối đâu mà lo. Sao không đi đò?
- Đò cũng dùng chở quân cả rồi. Tôi gánh lên đây, tưởng thuê được ngựa thồ.
- Nếu tôi là bác, tôi tính gọn, một nháy mắt là xong.
- Tính thế nào?
- Đem biếu cho mấy anh lính sắp ra Bắc diệt giặc Ngô kia kìa.
Người buôn mắm ậm ừ, trong lúc cả quán cười vang. Không chịu thua, người buôn mắm hỏi người hút thuốc lào:
- Thế chuyến này bác đi đâu?
- Tôi ra đây.
Lại có nhiều tiếng khúc khích:
- Vẫn buôn quế Quảng đấy chứ?
- Thì vẫn quế.
- Sao? Bác đã biếu cho quân sĩ làm thuốc đi đường phòng ngừa cảm mạo, đau bụng chưa?
- Bác khỏi nhắc.
- Tôi ngờ lắm.
- Tôi cũng ngờ.
- Ô hay, ngờ cái gì?
- Ngờ chuyện bác ngờ ấy. Vì bác suy bụng ta ra bụng người.
Không khí có vẻ nghiêm trọng, nên cả quán im lặng lắng tai nghe cuộc đấu khẩu giữa hai bạn buôn. Người buôn mắm bắt đầu xẳng giọng:
- Bác không nói cho rõ thì tuyệt tình anh em đó. Bụng tôi ra sao mà bác ngờ?
- Bác tưởng tôi ra đây buôn quế như lần trước phỏng? Bác lầm.
- Thế bác đi đâu? Cái gì bác giấu trong tay nải kia, nếu không phải là mấy thanh quế lậu? Bác tưởng tôi mù hay sao?
- Không. Không phải quế lậu.
- Đến bây giờ mà bác còn muốn lấy vải thưa che mắt thánh. Mấy cái thanh tròn tròn kia không phải quế thì là cái gì?
Người buôn quế cười nhỏ, rồi chậm rãi mở tay nải. An không dằn được tò mò, cố nhướn chân nhìn xem cho rõ bác ta sắp trình ra món hàng gì. Cả quán ồ lên kinh ngạc, rồi sợ hãi, khi thấy người buôn quế rút ra mấy cây đao cỡ trung lưỡi bén sáng quắc.
Chị chủ quán lo ngại, lớn tiếng can:
- Thôi thôi, mấy bác đừng gây gổ to chuyện không hay đâu. Cãi vã nhau rồi bỏ qua đi, phép quan ở đây nghiêm lắm.
Người buôn mắm chùn lại một bước, nhưng sợ mất mặt, quay phân bua với mọi người:
- Bà con làm chứng cho tôi, chính hắn đem đao ra dọa tôi chứ không phải tôi gây sự. Này, anh tưởng tôi sợ anh hả? Thằng này sợ lẽ phải, chứ không sợ gươm đao đâu!
Người buôn quế đặt bó đao lên chõng, điềm tĩnh nói:
- Bác hiểu lầm rồi. Thôi, muốn bác với bà con ở đây khỏi hiểu lầm, tôi đành phải khai xấu cả tổ tông vậy. Không giấu gì bác, trước kia dòng họ nhà tôi xiêu tán khắp xứ Quảng, làm gì cũng không đủ sống, cuối cùng tấp về truông Cát gần Bến Ván để làm cướp đường. Ăn cướp thì phải có đao tốt. Về sau, cha tôi giải nghệ làm ăn lương thiện, nhưng tại từ đường vẫn còn giữ bó đao này lại để làm đồ thờ. Tôi có hai đứa con trai đã sung vào tinh binh từ năm ngoái. Chuyến này tôi mang quế ra cửa Hội, ghé dinh Chàm thì nghe tin đồn giặc Ngô ngấp nghé định xâm lấn Bắc Hà. Tôi nghĩ: thế nào bọn con cháu Lê, Trịnh cũng rước giặc Ngô về. Phải ra kinh đô gấp xem sao. Tôi bán quế giá rẻ cho mau hết, rồi tạt qua nhà lấy bó đao ra đây. Giao bó đao ăn cướp cho hai con diệt cướp, bác thấy không, việc đó hay lắm chứ. Ông bà dưới suối vàng phải đắc chí lắm chứ! Biếu quân sĩ bó đao này không quí hơn biếu quế hay sao?
Chị chủ quán thích thú nói:
- Bác phải tìm cho ra hai cậu con trai để trao bó đao thì mới thật hay.
Người buôn quế vui vẻ nói:
- Ấy, tôi cũng định như vậy. Thế nào chốc nữa dự lễ đăng quang tôi cũng tìm ra các con của tôi. Triều đình cũng vừa hạ chiếu quyên góp vũ khí, phải thế không thím?
- Dạ, đúng thế.
An mải nghe chuyện quên cả nỗi lo riêng. Nhưng lòng chị canh cánh, từ lúc nghe người buôn quế nhắc đến hai tiếng Bến Ván. Bến Ván! Bến Ván! Ranh giới phân chia vùng đất của Bắc Bình vương và Thái Đức hoàng đế, ngăn cách Phú Xuân và An Thái. An bồi hồi nhắc thầm hai tiếng An Thái, nhưng thấy lòng quặn đau khi nhớ đến Bến Ván. Làm sao qua khỏi con sông khắc nghiệt đó để thoát khỏi cảnh ngộ khắc nghiệt ở trước mắt? Về An Thái làm gì? An chưa hiểu rõ. Có thể chỉ để nhìn lại những dấu tích của một thời, rồi sau đó xót xa hơn. Nhưng An nghĩ phải về. Như lá rụng về cội.
Lúc câu chuyện đã ngã ngũ không còn gì lôi cuốn nữa, mọi người trong quán lại im lặng. An mua cái bánh tráng nướng chia cho hai con, rồi đến gần người buôn quế làm quen để hỏi:
- Chuyến vừa rồi, bác có vào đến Bến Ván không?
Người buôn quế hơi ngỡ ngàng, nhưng cũng vui vẻ đáp:
- Có. Chị cũng biết Bến Ván à?
An không trả lời thẳng câu hỏi, chỉ nói quanh:
- Thưa không ạ. Nhưng tôi có bà con trong Qui Nhơn. Qua lại Bến Ván có dễ dàng không bác?
- Biết cách thì cũng dễ thôi. Cái cách của con nhà buôn chúng tôi đấy mà, chị khắc hiểu.
An đoán có lẽ là bác ta muốn nói đến cách đút lót mua chuộc của bọn con buôn, nên gật đầu. Đôi mắt người buôn quế sáng lên cái tinh ranh của con buôn:
- Nhưng từ năm Đinh vị tới nay (1787), phải trả giá cao quá lắm.
Người buôn quế nhìn quanh, rồi hạ thấp giọng:
- Từ lúc hai anh em đánh nhau, rồi lấy Bến Ván làm ranh giới, hai bên quan quân hầm hè, gườm nhau như những kẻ thù. Khó lắm. Được lòng bên nọ thì mất lòng bên kia.
An cố hỏi thêm:
- Đường sá từ đây vào Bến Ván có yên không bác?
Người buôn quế trợn mắt hỏi:
- Chị định vào đấy à?
An cố chối:
- Không. Tôi hỏi cho biết. Quê tôi ở phía ngoài này, gần dinh Chàm kia!
- Chị ở Quảng thì còn lạ gì đường đi mà còn hỏi?
An cười che giấu bối rối:
- Lâu quá tôi chưa về quê. Nay định đem hai cháu về cho biết họ biết hàng.
- Ra thế! Chị bắt đầu đi từ đâu? Dinh Chàm nhé! Từ dinh Chàm qua ngả sông Kẻ thế đến chợ Chiên đàn một ngày. Từ chợ Chiên đàn đến sông Bến Ván một ngày, vị chi hai ngày đường. Ngày đầu đi qua các vùng có nhiều dân cư, đường quan có quán xá nhiều lắm. Nhưng sang hôm sau thì vất vả đấy. Toàn cát và bụi rậm, nhiều đoạn đi sát núi (1) . Gặp bọn cướp đường là chuyện thường.
Thấy An lo lắng ra mặt, người buôn quế hỏi:
- Chị định vào cả đó hay sao mà lo âu vậy?
An trả lời nước đôi:
- Có thể về Quảng xong, tôi sẽ vào Bến Ván để...
- Để đi buôn phỏng? Nhiều lãi lắm, nhưng cũng gian nan lắm. Đàn bà con gái không kham nổi đâu. Nếu chị muốn buôn bán thì vào đến chợ Chiên đàn cũng lắm món có thể có lời. Nhất là nguồn Chiên đàn. Vào sâu nữa, thì...
Bác buôn quế nhìn An, ái ngại.
*
* *
Sau lễ xuất sư, có lẽ để đề phòng những bất trắc khi đại quân kéo cả ra bắc, biện pháp cấm đường ra vào kinh thành vẫn duy trì tiếp hai ngày. Trong thời gian đó, An và hai con phải ở nhờ tại cái quán tranh vắng khách ấy. Những người lỡ đường bất đắc dĩ cũng trú tại quán, hôm sau lên tới mười người. Hầu hết là khách đàn ông. Chủ quán cho ba mẹ con An ngủ chung với bà trong căn phòng hẹp phía sau, kề với chỗ đặt bếp. Phát tự nhận mình là "nam nhi" không chịu ở chung với em và mẹ, ban đêm ra ngủ ở gian trước, gần cửa ngăn. Cảnh sống chui rúc chật hẹp có nhiều chung đụng bất tiện mà Thái chưa quen. Nét mặt cô bé dàu dàu, lầm lì khác thường. Vả lại, Thái cũng làm dỗi với mẹ, vì An mải chuyện trò với chị chủ quán, quên lưu ý đến con. An nói dối là có chồng làm lính đã ra bắc trước hai ngày vì thuộc toán tiền phong, ba mẹ con bơ vơ phải về tạm quê ngoại bên kia Ngãi lĩnh. Thế là chị chủ quán hết cả dè dặt. Chị có hai người con đã vào tinh binh năm trước, ngày đêm luyện tập võ nghệ dưới chân núi Bân. Người chồng già 52 tuổi của chị thì được lệnh nhập lính mới chiều hôm trước, bỏ lại cho chị mấy liếp đất gieo cải và cái chuồng gà đang làm dở. Ban đêm hai người đàn bà thủ thỉ với nhau đủ thứ chuyện, từ chồng con cho đến chuyện chiến tranh. An tò mò hỏi chị chủ quán:
- Chú tuổi già mà còn phải lính, thím có buồn không?
Chị chủ quán đáp:
- Cũng buồn chứ! rồi như sợ An hiểu sai ý mình, chị tiếp:
- Không có đàn ông trong nhà, như... như nhà không có mái vậy. Đàn gà bươi nát hết hai liếp cải mới nhú, tiếc đứt ruột mà làm gì được.
- Còn chú ấy?
- Chị hỏi gì ạ?
An cười:
- Chú xa thím, có buồn không?
Câu hỏi không rõ nghĩa nên chị chủ quán đáp:
- Tôi cũng buồn chứ.
- Không. Tôi hỏi chú có buồn không?
Chị chủ quán cố ý tỏ vẻ ngao ngán:
- Tôi không hiểu nữa. Đàn ông họ sao sao ấy. Hồi sáng chị có nghe ông buôn quế nói chuyện chứ?
- Có ạ.
- Đấy. Đàn ông người nào cũng thế cả. Lúc bình thường thì hiền lành, chăm làm ăn, biết thương yêu vợ con. Nhưng hễ nghe tiếng trống chiêng giục thì như lên cơn vậy. Chị chưa thấy nét mặt ông nhà tôi khi ổng cầm được cái cán giáo. Nói thế nào cho đúng nhỉ!
An quên nỗi đau riêng, cố trợn mắt bậm môi lại hỏi đùa:
- Có phải như thế này không?
Chị chủ quán cười to, chữa lại:
- Không đâu. Chị khéo làm trò. Ổng lỏn lẻn, lúng túng kỳ cục lắm. Chưa bao giờ tôi thấy ổng như vậy cả. Ngày thường ổng nghiêm lắm. Đến nỗi sai lũ con ra mời ổng vào ăn cơm, chúng nó cứ nạnh hẹ nhau, đứa này đùa cho đứa kia. Tôi nói điều này chị đừng cười (chị chủ quán cũng bối rối bẽn lẽn y như chồng), nét mặt ổng giống y như lúc mới về làm rể.
An bật cười nói:
- Ngày xưa chắc thím đẹp lắm, nên chú mới mất hết bình tĩnh như vậy.
Chị chủ quán mỉm cười, mắt mơ màng. An biết mình đã gợi lại cho chị kỷ niệm đẹp nhất của một đời, kỷ niệm đủ sức đánh đổi những năm tháng khổ nhọc, lam lũ chịu đựng về sau. Chị chủ quán vuốt lại mái tóc bạc, nói nhỏ:
- Vâng. Hồi đó tóc tôi mướt và dài. Ổng còn khen hai con mắt của tôi giống như hai hạt nhãn. Nhưng... chuyện đó xưa rồi.
An nghe chị chủ quán thở dài. An chuyển câu chuyện:
- Chú sức yếu, chịu đựng nổi đời lính không? Tôi sợ không theo nổi bọn trẻ.
Chị chủ quán đáp:
- Vâng. Hơn năm mươi rồi còn gì. Nhưng...
Chị ta dừng lại, dường như không biết diễn tả thế nào cho đúng ý. An kiên nhẫn đợi. Một lúc, chị ta nói:
- Bảo tôi lo lắng, thì đúng là có lo. Nhưng sợ thì không. Ở đây hàng quán, thường ngày lính tráng đi về núi Bân luyện tập vẫn ghé đây. Hai con trai tôi cũng đi tinh binh. Tôi nghe họ bàn với nhau, nên cũng biết là nhà vua cầm quân giỏi lắm. Trăm trận trăm thắng. Nghe nhà vua đích thân cầm quân chuyến này, tôi yên tâm.
Nếu không kịp nhớ đến cảnh góa bụa của mình, An đã chụp lấy cánh tay chị chủ quán lắc lắc để tỏ vẻ thông cảm và biết ơn. Da mặt An hồng lên, nụ cười bẽn lẽn gượng gạo. Chị chủ quán ngơ ngác không hiểu nổi An, cứ nghĩ mình vừa nói điều gì ngây ngô.
*
* *
Sáng hôm sau, có lệnh mở đường. An sợ gặp Lãng hay những người quen biết, nên theo một đoàn ngựa thồ rời Phú Xuân từ sáng sớm. Cái sắc đẹp đoan chính sầu muộn của chị giúp chị đỡ nhọc nhằn suốt cuộc hành trình. Những người đi buôn bằng ngựa thồ, bằng lòng cho An gửi mấy cái tay nải vào các giỏ hàng rỗng. Đến quán Trà, họ lại chịu cho Phát và Thái cưỡi lên ngựa cho đỡ mỏi chân. Nhờ thế, ngày đầu tiên, ba mẹ con đến được quán Tuần ải. Tối hôm sau, đến Thanh Khê. Thêm một ngày đường nữa, đoàn ngựa thồ dừng lại ở dinh Chàm để hôm sau ra cửa Hội. An cảm ơn lòng tốt của họ, tìm nơi cho các con nghỉ ngơi một ngày rồi tiếp tục về phương nam. Phải, về phương nam, vì cho đến lúc ấy, An chỉ mới định được hướng đi. Chưa định được nơi phải đến. Chị không thể biết rõ phải về đâu. Về An Thái, đó là ước vọng thầm kín của chị. Ba ngôi mộ của người thân yêu (mộ ông giáo ở Bằng Châu, mộ mẹ ở An Thái, và mộ Chinh) đang chờ chị về đốt một nén nhang, rỏ những giọt nước mắt và cất tiếng khóc bi thiết. Có thể Kiên đang ở đâu đó, quanh quất Qui Nhơn hay An Thái và chị có thể nương tựa. Còn có cây gạo ở bến sông, có nền nhà học, thậm chí có những thứ nhỏ mọn đã từng chứng kiến quãng đời hoa niên đẹp đẽ của chị như một hòn đá xanh trước ngõ Hai Nhiều, lớp tro vương vãi trên chỗ xưa kia là nhà bếp, mảnh nẹp cau của hàng rào từng bị Chinh phá dạo ấy... Làm sao An dám nói bao điều u ẩn ấy thành lời. Về An Thái! Có thể được nữa không? An biết rõ An Thái đã thuộc hẳn về một thế giới khác. Về đó cũng khó như là đi ngược từ cái tuổi già cỗi chán chường này về lại tuổi thơ. Nhưng không về đó thì về đâu? Câu hỏi đó khiến chị chùn chân. Cho nên từ dinh Chàm, ba mẹ con xuôi nam chậm chạp hẳn lại. Một ngày mới đến quán Hà lam. Ba ngày mới đến quán ông Bộ. Càng vào sâu phía trong, đường sá càng hoang vu đúng như lời người buôn quế. Cồn cát này tiếp nối cồn cát kia. Đất đai trắng dã trơ trụi những bụi gai thấp lá nhỏ và úa. Những đoạn chạy gần chân núi, đường sá càng hiu quạnh hơn. Đến sông Bến Ván thì ba mẹ con gần như kiệt sức. Nếu không có phép nước nghiêm cấm qua lại ranh giới hai miền đất đang ngờ vực nhau, An và hai con cũng không thể đủ sức cất nổi bước qua cầu Bến Ván. Giới hạn của thân xác, giới hạn của quyền lực tự nhiên buộc họ dừng lại đó. Bến Ván trở thành nơi đến của ba mẹ con.(2)
(1) Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, trang 118, 119.
(2) Tên các trạm đường dựa theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, trang 117.