Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 94
Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đem tin quân Thanh xâm lấn Bắc Hà về Phú Xuân ngày hôm trước, thì vua Quang Trung cấp tốc ra lệnh xuất quân ra bắc ngay hôm sau, 25 tháng 11 Mậu Thân (1788). Ngày 29, đại quân đến Nghệ An. Nhà vua cho dừng quân ở đó những mười ngày, rồi mới tiếp tục tiến ra phòng tuyến Ba dội. Đô đốc Tuyết không hiểu nguyên nhân sự chùng chình thất thường đó, đem chuyện hỏi đô đốc Bảo. Đô đốc Bảo trả lời:
- Ông không nên cuống quít như vậy. Ông không nhớ lời hoàng thượng bảo chúng ta hôm 24 hay sao? (1)
Đô đốc Tuyết bẻ lại:
- Vâng, chúng ta không việc gì mà phải cuống quít lo sợ. Nhưng tôi ở bắc về, tôi hiểu rõ tình hình hơn các ông. Gấp lắm rồi. Chính Hoàng thượng cũng nhận ra thế, nên vừa lên ngôi xong đã ra lệnh xuất sư. Tại sao bây giờ lại nằm dí ở đây? Có tin gì mới từ Ba Dội đưa về dinh Vĩnh chăng?
Đô đốc Bảo không biết trả lời thế nào, đáp qua quít với giọng thiếu tin tưởng:
- Có lẽ thế. Hay cái ông đồ Vân trình (2) lại bày vẽ thêm cái trò mới nào đó. Như đem võng đến Nguyệt ao mời cho được lão già điên đến đây gieo quẻ cát hung chẳng hạn.
Đô đốc Tuyết sáng mắt, hấp tấp nói:
- Đúng rồi. Sáng nay tôi có nghe quan trấn thủ sai lính đem thư đến Nguyệt ao. Đến lúc nào mới thoát khỏi cái nạn ba hoa của bọn văn nhược đây!
Hai viên võ tướng vội im lặng khi thấy Trần Văn Kỷ vội vã đi về phía chánh đường trấn phủ Nghệ An. Quan Trung thư mỉm cười chào họ, định dừng lại nói vài câu xã giao, nhưng sau đó quyết định bước sâu vào phía trong. Đô đốc Tuyết nói khẽ:
- Hình như đã gieo được quẻ cát. Nét mặt ông già hớn hở hơn mọi ngày.
Đô đốc Bảo đáp:
- Ông ấy vẫn thế. Khéo xử với mọi người, không ai có thể trách điều gì được, dù khối người trong bụng ghét cay ghét đắng.
- Đâu có! Bùi Đắc Tuyên đã dám mỉa mai ông đồ Kỷ trước mặt Hoàng thượng nhiều lần, ông không nhớ sao?
Đô đốc Bảo cười nhạt:
- Ối! Cái lão Tuyên! Chỉ được việc quanh quẩn giữ nhà.
Đô đốc Tuyết nói:
- Đừng xem thường mà có ngày hối không kịp! Bây giờ lão thành quốc thích rồi đấy. Hạng quanh quẩn xó nhà rảnh việc, lại hay nghĩ ra nhiều chước lạ.
- Ông sợ chăng?
Đô đốc Tuyết vỗ tay vào bao kiếm đeo ở thắt lưng:
- Từ thời khởi nghiệp, thằng này chưa biết sợ ai. Thời ở Tuy viễn, chính mắt ông đã thấy bọn mãi võ khúm núm trước thằng này như thế nào rồi, ông quên hay sao?
Đô đốc Bảo thấy mình quá lời, vội nói:
- Tôi đùa đấy. Nếu sợ, đã không thành ông đô đốc.
*
* *
Trấn thủ Nghệ An, Thận trực hầu Nguyễn Văn Thận vừa đưa La sơn phu tử đến phủ, thì Trần Văn Kỷ đã vội vã ra tận cửa đón khách. Vua Quang Trung đứng dậy ân cần mời Nguyễn Thiếp ngồi lên sập cùng với mình. Nguyễn Thiếp không dám, chỉ ngồi ghé ở góc sập, hai chân bỏ thõng xuống đất. Trong một thoáng, hai người cùng quan sát nhau. Vua Quang Trung thấy La sơn phu tử ốm và thấp hơn nửa năm trước, La sơn phu tử thì thấy vua Quang Trung hơi đẫy đà, tuy nhiên đôi mắt có vẻ mệt mỏi, đăm chiêu thêm.
Nhà vua trách:
- Hơn nửa năm nay thư đi thư lại nhờ tiên sinh xem giùm đất lập đô, mà tiên sinh cứ tìm cớ lần lữa mãi. Tại sao thế? Tiên sinh cho rằng quả nhân không đủ danh vị, khả năng để cùng tiên sinh mưu tính việc thiên hạ chăng? Hay là tiên sinh có kế riêng để cứu đời, nhưng chưa có dịp đem ra thi thố?
La sơn phu tử vội chắp tay thưa:
- Tâu Thánh thượng, có lẽ tiện sĩ quá vụng về nghiên bút, nên lời khải đệ lên thánh thượng không được rõ ràng chăng! Tiện sĩ đâu dám không tuân thánh chỉ. Vì tiện sĩ là con dân xứ Nghệ, từ nhỏ đến già ít khi rời quê hương lâu, nên hiểu khá rõ địa thế sông núi và đời sống dân chúng quanh đây. Quả thực cả Phù Trạch lẫn Yên Trường đều không phải là chỗ đất rộng rãi trù phú để lập đô. Dân Nghệ bao nhiêu năm nay khổ cực vì thiên tai, địch họa...
Vua Quang Trung cắt lời Nguyễn Thiếp:
- Quả nhân đã biết các lý lẽ phu tử trình bày trong tờ khải. Nhưng quả nhân còn đọc được cả ý của phu tử ở chỗ giấy còn trắng. Phu tử không muốn quả nhân lập đô trên đất nhà Lê chứ gì? Tính quả nhân ưa nói thẳng và đã định làm gì thì phải làm cho kỳ được. Lần này, quả nhân muốn nói cùng phu tử cho hết ruột gan về điều phu tử đang canh cánh bên lòng. Vâng, quả nhân còn lạ gì tâm sự ấy nữa. Phu tử nghĩ lại mà xem. Như quả nhân đã viết cho phu tử trong tờ chiếu tháng chín: đế vương mà dấy lên là do mệnh Trời. Quả nhân theo thời dẹp loạn, vốn không phải lấy thiên hạ làm giàu. Ngày trước khi vào Thăng Long, lòng quả nhân không phải không muốn giữ dòng họ Lê để làm rạng việc tốt. Nhưng, xem lại thì thấy các con cháu nhà Lê đều dại hèn, không thể khiến dân chúng theo
được. Vả lại, mệnh triều Lê đã hết, có muốn phò cũng không thể làm sai được mệnh Trời (3)
Càng nói, giọng vua Quang Trung càng đượm vẻ hờn giận, chua chát. Nguyễn Thiếp thấy nhà vua nói đúng tâm sự mình, đâm lúng túng chưa biết trả lời thế nào. Ý vua Quang Trung lại xác quyết, không chừa một kẽ hở để bàn luận. Trần Văn Kỷ ngồi trên cái ghế mây cách xa sập ngự gần hai sải, muốn nói điều gì để bầu không khí bớt gay go, nhưng không tìm ra ý. May sao, chính nhà vua mở lối bí. Vua Quang Trung cười một tiếng nhỏ, rồi đổi giọng vui mừng, thân mật:
- Thôi. Cãi với nhau xem Nghệ An là đất nhà Lê hay đất Nam hà, bây giờ thành chuyện cũ. Lê tự tôn đã bỏ nước trốn đi, phu tử biết điều đó rồi! Tự hoàng qua tận đất nhà Thanh rước voi về dày mả tổ, điều đó chắc phu tử mới biết đây. Nghệ An, và cả nước Nam này không thuộc nhà Lê nữa. Tự hoàng đã đem dâng hết cho Tôn Sĩ Nghị. Quả nhân định ra bắc giành lại nước Nam khỏi tay giặc Tôn, như Lê Thái tổ đã đuổi giặc Minh trước đây. Mẹo đánh hay giữ, và được hay thua, phu tử nghĩ giùm xem sao!
La sơn phu tử đáp:
- Quân Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào, cái thế nên chiến nên thủ ra sao. Vả lại, chúng cũng có ý khinh địch. Nếu đánh gấp, thì không ngoài mười ngày ta sẽ phá tan. Trì hoãn một chút, e khó lòng thắng được.
Vua Quang Trung vui mừng nói:
- Ý phu tử hợp với quả nhân (4). Đúng như lời cổ nhân thường bảo: "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ". Phải. Lần này quân phải thần tốc mới thắng chúng nó được.
Rồi quay về phía Trần Văn Kỷ, vua Quang Trung nói:
- Quan Trung thư đã sắp sẵn quà chưa?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Tâu thánh thượng, đã sẵn rồi ạ.
Nhà vua nói với La sơn phu tử:
- Mấy lần trước, phu tử còn vướng mắc, nên từ chối quà biếu Phú Xuân. Lần này chỉ có một chiếc gậy bịt bạc và một mâm đồng, nhất định phu tử không nỡ chối từ như trước nữa.
Trần Văn Kỷ đứng dậy, nghiêm chỉnh chờ tiễn Nguyễn Thiếp ra về. Vua Quang Trung gật đầu mỉm cười, kín đáo tiễn khách. Nguyễn Thiếp định sụp xuống lạy, nhưng vua Quang Trung đã nhanh nhẹn rời khỏi sập đến nâng phu tử dậy. Nhà vua đưa Nguyễn Thiếp đi một đoạn, rồi dừng lại. Nguyễn Thiếp theo Trần Văn Kỷ ra khỏi sảnh đường.
Vua Quang Trung kiên nhẫn chờ Trần Văn Kỷ trở lại không được, cứ nôn nao đi đi lại lại trong sảnh đường. Vì thế, Trần Văn Kỷ vừa bước vào, nhà vua đã hấp tấp hỏi:
- Thế nào?
Trần Văn Kỷ vui vẻ thưa:
- Tâu thánh thượng, chẳng những sẵn sàng nhận quà, ông ấy còn nhờ mua hộ quế tốt nữa.
Vua Quang Trung cười lớn, ánh mắt long lanh kiêu hãnh, nói đùa:
- Thế là từ nay hết được nghe biện biệt "quí quốc" với "bản triều" nữa rồi! Ôi chao! Muốn được các thầy đồ công nhận là chính thống, khó quá! Nhất là các thầy đồ Nghệ. Đã khó nhọc như thế thì ông cứ tìm cách loan truyền cho sĩ phu Bắc Hà biết rằng ta đánh quân Thanh theo kế La sơn phu tử nhé. Điều đó, có lợi lắm. Bây giờ có một việc quan trọng hơn là phải xem dân áo vải đất Nghệ phản ứng thế nào trước nạn ngoại xâm. Ta đã sai Hán hổ hầu khẩn cấp tuyển quân, cứ ba dân đinh thì lấy một. Nếu dân áo vải Nghệ An hưởng ứng nhập ngũ, thì lời phỏng đoán mười ngày của La sơn phu tử nhất định phải ứng nghiệm. Chờ xem!
*
* *
Lãng được biệt phái sang bộ phận tuyển binh của Hán hổ hầu, phụ trách địa điểm thu quân ở phủ l Hưng Nguyên. Tình thân thiết lâu ngày giữa anh và nhà vua đã giúp Lãng thắng thế trong cuộc tranh luận sôi nổi ở ban tham mưu trưng binh, về việc lựa chọn giải pháp nào có hiệu quả nhất.
Các phụ tá thân cận của Hán hổ hầu đều xuất thân nhà võ, nên tin tưởng vào các biện pháp mạnh bạo. Nội trong vài ngày phải lấy đủ một phần ba số dân đinh Nghệ An làm lính, công việc ấy đâu phải dễ. Giao thông khó khăn, guồng máy hành chánh ở đây còn non yếu; phần lớn các chức sắc bị giao việc đều thắc thỏm chân trong chân ngoài, quen tìm kiếm những thế đứng vô hại để lỡ thời thế có thay đổi cũng không đến nỗi chuốc vạ. Quá nhiều làng xóm giáp ranh với rừng núi, thuận lợi cho những kẻ trốn lính. Cho nên nhiều võ quan đề nghị Hán hổ hầu cấp chó cho các toán tuyển binh đi săn kẻ trốn lính trong các khu rừng, đồng thời cấp thêm giáo, cuốc chỉa để họ xăm vào các đống rơm tóm gọn bọn nhút nhát (5)
Lãng cương quyết bác bỏ các biện pháp thô bạo ấy, anh nhắc cho các võ quan nhớ rằng: khi vua Quang Trung sai Thận trực hầu đích thân đi mời La sơn phu tử đến vấn kế diệt giặc, nhà vua đã đặt hết tin tưởng vào lòng yêu nước của sĩ dân Nghệ An, quê hương của nhà vua. Chính nhà vua cũng đã quyết định dời đô về đây, vì tin tưởng ở thiên thời, địa lợi và nhân hòa qui tụ ở đất này. Dùng các biện pháp thô bạo ở một nơi sắp trở thành thang mộc ấp là một xúc phạm không thể tha thứ. Các võ quan nghe Lãng nói vậy, bắt đầu lo sợ, nhưng chưa tin rằng có thể tìm được giải pháp nào khác. Lãng thuyết phục họ bằng cách nhắc đến tinh thần yêu nước vốn là truyền thống của dân tộc trước các hiểm họa ngoại xâm. Nhà Trần nhờ thế thắng Nguyên Mông, nhà Lê đuổi được giặc Minh. Không nói đâu xa, chính nhờ lòng yêu nước mà các võ quan hiện diện đã tham dự vào chiến thắng oanh liệt ở Rạch Gầm, Xoài Mút. Tinh thần hăng hái của ba quân gốc Thuận, Quảng hôm lễ xuất sư là một bằng chứng khác. Dù ở đâu, bất cứ lúc nào, hễ một người dân nước Nam nghe tin đất nước bị xâm lấn, thì kẻ bạc nhược nhất cũng bật dậy căm giận và trở thành chiến sĩ.
Các võ quan bẻ lại, bằng cách đưa ra các đám cần vương hoạt động ầm ĩ, rải rác ở Thanh Nghệ, lòng hoài Lê của đám cưu binh cũ và các gia đình vọng tộc mấy đời là công thần của vua Lê chúa Trịnh. Nếu sĩ dân Thanh Nghệ có vẻ chịu khuất phục như hiện nay, không phải vì lòng họ thành thực đón nhận vận hội mới, mà chỉ vì sợ hãi lưỡi gươm bén. Nguyễn Hữu Chỉnh thất cơ lỡ vận như vậy, nhưng nhờ dám mạnh tay đao, đã chiêu mộ được cả một đạo binh xứ Nghệ, để trở lại làm rúng động Thăng Long.
Lãng đáp:
- Các vị chưa dám trọn tin dân Thanh Nghệ cũng phải. Mới thoạt nhìn, ta thấy đâu đâu cũng có dấu hiệu phản trắc, hoặc nhẹ hơn nữa, là dấu hiệu hờ hững. Nhưng quí vị nghĩ lại mà xem: Người dân Nghệ nào không biết đến lai lịch của các cổ tích họ từng hãnh diện từ lúc lọt lòng: nào thành Bình Ngô, thành Lục niên nơi vua Lê Thái tổ chiến thắng giặc Minh. Dấu tích thời Minh thuộc ô nhục cũng còn đó: thành Hùng sơn ở Hưng Nguyên do Trương Phụ đắp, thành Cự lại cũng do tướng Minh đắp. Chưa có nơi nào dấu vết thời bắc thuộc và dấu vết cuộc tranh đấu chống ngoại xâm rõ ràng, hiển hiện như ở đây. Đó là chưa kể một niềm hãnh diện thật mới: nhà vua gốc gác ở ngay đây, phủ Hưng nguyên. Chỉ cần khơi dậy truyền thống chống xâm lăng của sĩ dân địa phương, cùng niềm tự hào là đồng hương của hoàng đế, tôi tin cuộc tuyển binh sẽ rất thành công. Quí vị khỏi phải dùng đến chó săn và cuốc chỉa.
Những gì xảy ra sau đó chứng thực niềm tin của Lãng. Lệnh tuyển binh vừa ban ra, cả Nghệ An, từ biển lên rừng, đều rộn rã. Chẳng mấy chốc, các điểm thu quân đông nghẹt. Lãng phải nhờ Hán hổ hầu gửi thêm người mới giải tỏa được bớt số thủ tục bị ứ đọng. Ban đầu, anh đặt bàn ghi danh các tân binh trong phủ l. Càng lúc số thanh niên đầu quân kéo đến càng đông, chưa kể cha mẹ, vợ con đi theo tiễn đưa. Quá ngột ngạt vì hơi mồ hôi, Lãng phải cho dời nơi ghi danh ra sân phủ. Công việc vẫn chưa thông vì nhiều ngoại lệ bất ngờ, các chức việc không giải quyết nổi. Lãng phải đích thân khiêng bàn đến chỗ sân trống để giải quyết các trường hợp đặc biệt.
Một người mẹ đến xin cho đứa con trai mười bốn tuổi được về nhà để trông nom đàn trâu. Cậu bé chưa có tên trong sổ đinh, nhưng đã đội một tên khác và khai gian thêm tuổi để tòng quân. Một thanh niên trạc trên dưới hai mươi tuổi băn khoăn không biết nếu sung quân kỳ này, quan trấn thủ có bắt tội biếng nhác hay không. Anh là thợ mộc và đã được Thận trực hầu gọi đến sung vào đoàn thợ chuẩn bị xây dựng hành cung tại Yên Trường.
Một người cha đến khiếu nạn xã quan ở địa phương cố ý chèn ép mình. Lãng hỏi rõ, mới biết ông là lính tam phủ trước đây. Đứa con trai độc nhất của ông đang bị lở loét nặng ở gót chân, nên xã quan không ghi tên vào danh sách tuyển binh. Người lính tam phủ xin đi thay con, bị từ chối, tức giận, lên tận phủ l để khiếu nại.
Lãng hỏi:
- Con của bác bị đau chân, người ta không gọi lính, việc gì bác phải xin đi thay cho rắc rối?
Người lính tam phủ đáp:
- Nhưng người ta sẽ bảo là gia đình tôi còn có cảm tình với cựu triều. Nhà nào cũng có người tham gia đánh giặc Thanh cả, chỉ riêng nhà tôi là không có ai.
- Con bác được miễn, chứ có phải trốn đâu?
- Biết thế. Nhưng vẫn thế nào ấy.
- Thế xã quan bảo với bác thế nào? Tại sao từ chối? Bác đã quá tuổi chưa?
- Chưa. Tôi vẫn còn khỏe mạnh. Cái ông rậm râu ở xã còn nói nhiều điều xúc phạm đến danh dự tôi nữa.
Lãng tò mò hỏi:
- Cái ông rậm râu? Ông ấy nói gì?
- Lão ta bảo: Anh là kiêu binh, theo quân để trở lại Thăng Long phá nát phố phường người ta ra phỏng?
Lãng không giữ ý được, bật cười. Người lính tam phủ cau mày khó chịu. Lãng cố an ủi bác ta:
- Một con sâu làm rầu cả nồi canh, phải chịu thôi, bác ạ. Quả tình trước đây bạn bè của bác cũng quá quắt lắm, điều đó ai cũng biết. Chỉ có điều ít ai biết là bác khác người ta. Nhưng thôi, chuyện đời xưa nay vẫn thế. Tôi hỏi thật nhé, ngoài mong muốn được giết giặc, bác cố kèo nài sung quân, phải có lý do thầm kín nào khác chứ?
Người lính tam phủ bối rối trông thấy. Da mặt bác đỏ lên, mắt tránh nhìn thẳng vào mắt Lãng. Lãng cười, nói:
- Bác nói thật, tôi sẽ cho bác sung quân.
Bác ta mừng rỡ, nói:
- Chẳng giấu gì ông, tôi nhớ Thăng Long quá. Cả thời son trẻ của tôi, ông hiểu. Tôi có thể kể tỉ mỉ từng nhà ở phố nào có cánh cửa ra sao, sân trước, rào giậu cao thấp rộng hẹp thế nào. Ra nhìn lại một lần, chết cũng mát ruột.
- Lý lẽ ấy chưa đủ. Còn gì khác nữa cơ!
Người lính cũ càng bối rối hơn. Bác quanh co một lúc, cuối cùng thú nhận:
- Trước kia thời làm lính Nhưng kiệu, ông biết, tôi cũng có số đào hoa lắm. Bạn bè tôi thì lăng nhăng bừa bãi, riêng tôi thì tính chuyện lâu dài. Cô ấy đã có với tôi một mụn con. Sau loạn tam phủ, tôi chạy về đây, không biết mẹ con thế nào.
Lãng xoa tay nói:
- Được rồi. Tôi giúp cho bác đoàn tụ gia đình. Nhưng, muốn vào Thăng Long phải đánh nhau với giặc đấy. Và nhớ không được quên trở lại Nghệ đấy nhé!
*
* *
Chỉ trong vài ngày, Hán hổ hầu đã tuyển được hơn ba vạn tân binh. Cộng thêm với quân lính tinh nhuệ gốc Thuận Quảng, Quang Trung đã có một đạo quân đông hơn mười vạn, chưa kể kỵ binh, thủy binh và một đội tượng binh gồm vài trăm voi chiến.
Nhà vua chia quân ra làm năm doanh: tiền quân, hậu quân, tả quân, hữu quân và trung quân. Binh lính mới tuyển ở Nghệ An sung vào trung quân, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vua Quang Trung. Sau khi sắp xếp xong đội ngũ, nhà vua cho tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại trấn doanh Nghệ An. Khi Trần Văn Kỷ, Hán hổ hầu và đô đốc Bảo vào mời vua Quang Trung ra trước thềm dinh để tướng sĩ được ra mắt, nhà vua vui tươi hỏi quan Trung thư lệnh:
- Ông đã thấy dân áo vải chân đất hưởng ứng lệnh tuyển binh ra sao rồi chứ? Đâu có nhì nhằng như mấy ông đồ Nghệ! Có phải vì các ông đồ thuộc làu sách Tàu nên e ngại không dám chống Tàu chăng?
Trần Văn Kỷ nghiêm mặt, kính cẩn gật đầu. Trong thâm tâm, ông hơi phật lòng vì giọng chế giễu nhà nho của vua Quang Trung, tuy những điều nhà vua nói không phải không đúng. Nhà vua lại quay về phía Hán hổ hầu hỏi:
- Đủ một phần ba số đinh chưa?
Hán hổ hầu kiêu hãnh đáp:
- Tâu Hoàng thượng, có dư thêm một ít đấy ạ.
Quang Trung cười:
- Dư à! Lấy gạo đâu để nuôi số dư đó. Ông lo hết nhé? Nghe nói ông định dùng chó săn để tìm lính phải không?
Hán hổ hầu bối rối đáp:
- Tâu Hoàng thượng, lúc đầu vì...
Nhà vua gạt đi:
- Ta không trách đâu. Nhưng phải nhớ không phải lúc nào cũng cần đến lưỡi kiếm. Mọi sự ngoài dinh xong xuôi cả chứ, đô đốc Bảo?
Đô đốc Bảo nghiêng mình nói:
- Vâng ạ.
Vua Quang Trung vừa ra đến thềm dinh, thì ba quân đồng loạt tung hô vạn tuế vang động cả một góc trời. Nhà vua mỉm cười nhìn khắp năm doanh, chờ cho tất cả đều im lặng, mới thân mật hỏi:
- Các ngươi đứng lâu như thế có mỏi chân không?
Không ai dám trả lời rõ ràng. Từ thềm dinh trấn Nghệ An, nhà vua chỉ nghe một tiếng lao xao đáp lại. Nhà vua đưa tay ra trước bảo mọi người:
- Cho phép các ngươi ngồi xuống cho đỡ mỏi.
Tiếng lao xao rộn rã vì mừng vui và khâm phục. Khi ba quân đã ngồi yên ngay ngắn, nhà vua mới nói:
- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện chúng ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị. Người phương bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương bắc. Ở các thời ấy, bắc nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh đến đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng.
Các người đều là kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết chết ngay tức khắc. Ta không tha một ai. Lúc đó chớ bảo là ta không nói trước (6)
Vua Quang Trung nói xong, tất cả đều im phăng phắc. Rồi đột nhiên không ai bảo ai, từ rụt rè đến sôi nổi, tất cả mọi người đều dùng hết sức mình hô to: "vạn tuế, vạn tuế".
Nhà vua vui mừng, quay lại nói với Trần Văn Kỷ:
- Cái hạn mười ngày của La sơn phu tử chắc sai rồi. Không đến mười ngày đâu, ông Kỷ ạ!
Hôm sau, vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân ra phòng tuyến Ba Dội, Biện Sơn.
(1) Nguyễn Huệ bình tĩnh và tươi cười nói: "Việc gì mà cuống quít lên vậy. Chúng nó tự đi tới chỗ chết, ta hãy cứ lên ngôi làm cho danh nghĩa quang minh chính đại để ràng buộc lấy lòng người trong nam ngoài bắc trước đã, rồi sẽ ra bắt sống chúng nó cũng chưa muộn gì". (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 47, trang 40).
(2)Trần Văn Kỷ người làng Vân Trình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên.
(3)Dựa theo La sơn phu tử, Hoàng Xuân Hãn, trang 123.
(4)Dựa theo Hoàng Lê nhất thống chí, Lê quí kỷ sự do Hoàng Xuân Hãn trích trong La Sơn phu tử trang 129, 130.
(5)Thư giáo sĩ Longer gửi cho Julliard (Ạ Launay, III, trang 238).
(6)Hoàng Lê (bản dịch Hà nội, trang 359, 360).
- Ông không nên cuống quít như vậy. Ông không nhớ lời hoàng thượng bảo chúng ta hôm 24 hay sao? (1)
Đô đốc Tuyết bẻ lại:
- Vâng, chúng ta không việc gì mà phải cuống quít lo sợ. Nhưng tôi ở bắc về, tôi hiểu rõ tình hình hơn các ông. Gấp lắm rồi. Chính Hoàng thượng cũng nhận ra thế, nên vừa lên ngôi xong đã ra lệnh xuất sư. Tại sao bây giờ lại nằm dí ở đây? Có tin gì mới từ Ba Dội đưa về dinh Vĩnh chăng?
Đô đốc Bảo không biết trả lời thế nào, đáp qua quít với giọng thiếu tin tưởng:
- Có lẽ thế. Hay cái ông đồ Vân trình (2) lại bày vẽ thêm cái trò mới nào đó. Như đem võng đến Nguyệt ao mời cho được lão già điên đến đây gieo quẻ cát hung chẳng hạn.
Đô đốc Tuyết sáng mắt, hấp tấp nói:
- Đúng rồi. Sáng nay tôi có nghe quan trấn thủ sai lính đem thư đến Nguyệt ao. Đến lúc nào mới thoát khỏi cái nạn ba hoa của bọn văn nhược đây!
Hai viên võ tướng vội im lặng khi thấy Trần Văn Kỷ vội vã đi về phía chánh đường trấn phủ Nghệ An. Quan Trung thư mỉm cười chào họ, định dừng lại nói vài câu xã giao, nhưng sau đó quyết định bước sâu vào phía trong. Đô đốc Tuyết nói khẽ:
- Hình như đã gieo được quẻ cát. Nét mặt ông già hớn hở hơn mọi ngày.
Đô đốc Bảo đáp:
- Ông ấy vẫn thế. Khéo xử với mọi người, không ai có thể trách điều gì được, dù khối người trong bụng ghét cay ghét đắng.
- Đâu có! Bùi Đắc Tuyên đã dám mỉa mai ông đồ Kỷ trước mặt Hoàng thượng nhiều lần, ông không nhớ sao?
Đô đốc Bảo cười nhạt:
- Ối! Cái lão Tuyên! Chỉ được việc quanh quẩn giữ nhà.
Đô đốc Tuyết nói:
- Đừng xem thường mà có ngày hối không kịp! Bây giờ lão thành quốc thích rồi đấy. Hạng quanh quẩn xó nhà rảnh việc, lại hay nghĩ ra nhiều chước lạ.
- Ông sợ chăng?
Đô đốc Tuyết vỗ tay vào bao kiếm đeo ở thắt lưng:
- Từ thời khởi nghiệp, thằng này chưa biết sợ ai. Thời ở Tuy viễn, chính mắt ông đã thấy bọn mãi võ khúm núm trước thằng này như thế nào rồi, ông quên hay sao?
Đô đốc Bảo thấy mình quá lời, vội nói:
- Tôi đùa đấy. Nếu sợ, đã không thành ông đô đốc.
*
* *
Trấn thủ Nghệ An, Thận trực hầu Nguyễn Văn Thận vừa đưa La sơn phu tử đến phủ, thì Trần Văn Kỷ đã vội vã ra tận cửa đón khách. Vua Quang Trung đứng dậy ân cần mời Nguyễn Thiếp ngồi lên sập cùng với mình. Nguyễn Thiếp không dám, chỉ ngồi ghé ở góc sập, hai chân bỏ thõng xuống đất. Trong một thoáng, hai người cùng quan sát nhau. Vua Quang Trung thấy La sơn phu tử ốm và thấp hơn nửa năm trước, La sơn phu tử thì thấy vua Quang Trung hơi đẫy đà, tuy nhiên đôi mắt có vẻ mệt mỏi, đăm chiêu thêm.
Nhà vua trách:
- Hơn nửa năm nay thư đi thư lại nhờ tiên sinh xem giùm đất lập đô, mà tiên sinh cứ tìm cớ lần lữa mãi. Tại sao thế? Tiên sinh cho rằng quả nhân không đủ danh vị, khả năng để cùng tiên sinh mưu tính việc thiên hạ chăng? Hay là tiên sinh có kế riêng để cứu đời, nhưng chưa có dịp đem ra thi thố?
La sơn phu tử vội chắp tay thưa:
- Tâu Thánh thượng, có lẽ tiện sĩ quá vụng về nghiên bút, nên lời khải đệ lên thánh thượng không được rõ ràng chăng! Tiện sĩ đâu dám không tuân thánh chỉ. Vì tiện sĩ là con dân xứ Nghệ, từ nhỏ đến già ít khi rời quê hương lâu, nên hiểu khá rõ địa thế sông núi và đời sống dân chúng quanh đây. Quả thực cả Phù Trạch lẫn Yên Trường đều không phải là chỗ đất rộng rãi trù phú để lập đô. Dân Nghệ bao nhiêu năm nay khổ cực vì thiên tai, địch họa...
Vua Quang Trung cắt lời Nguyễn Thiếp:
- Quả nhân đã biết các lý lẽ phu tử trình bày trong tờ khải. Nhưng quả nhân còn đọc được cả ý của phu tử ở chỗ giấy còn trắng. Phu tử không muốn quả nhân lập đô trên đất nhà Lê chứ gì? Tính quả nhân ưa nói thẳng và đã định làm gì thì phải làm cho kỳ được. Lần này, quả nhân muốn nói cùng phu tử cho hết ruột gan về điều phu tử đang canh cánh bên lòng. Vâng, quả nhân còn lạ gì tâm sự ấy nữa. Phu tử nghĩ lại mà xem. Như quả nhân đã viết cho phu tử trong tờ chiếu tháng chín: đế vương mà dấy lên là do mệnh Trời. Quả nhân theo thời dẹp loạn, vốn không phải lấy thiên hạ làm giàu. Ngày trước khi vào Thăng Long, lòng quả nhân không phải không muốn giữ dòng họ Lê để làm rạng việc tốt. Nhưng, xem lại thì thấy các con cháu nhà Lê đều dại hèn, không thể khiến dân chúng theo
được. Vả lại, mệnh triều Lê đã hết, có muốn phò cũng không thể làm sai được mệnh Trời (3)
Càng nói, giọng vua Quang Trung càng đượm vẻ hờn giận, chua chát. Nguyễn Thiếp thấy nhà vua nói đúng tâm sự mình, đâm lúng túng chưa biết trả lời thế nào. Ý vua Quang Trung lại xác quyết, không chừa một kẽ hở để bàn luận. Trần Văn Kỷ ngồi trên cái ghế mây cách xa sập ngự gần hai sải, muốn nói điều gì để bầu không khí bớt gay go, nhưng không tìm ra ý. May sao, chính nhà vua mở lối bí. Vua Quang Trung cười một tiếng nhỏ, rồi đổi giọng vui mừng, thân mật:
- Thôi. Cãi với nhau xem Nghệ An là đất nhà Lê hay đất Nam hà, bây giờ thành chuyện cũ. Lê tự tôn đã bỏ nước trốn đi, phu tử biết điều đó rồi! Tự hoàng qua tận đất nhà Thanh rước voi về dày mả tổ, điều đó chắc phu tử mới biết đây. Nghệ An, và cả nước Nam này không thuộc nhà Lê nữa. Tự hoàng đã đem dâng hết cho Tôn Sĩ Nghị. Quả nhân định ra bắc giành lại nước Nam khỏi tay giặc Tôn, như Lê Thái tổ đã đuổi giặc Minh trước đây. Mẹo đánh hay giữ, và được hay thua, phu tử nghĩ giùm xem sao!
La sơn phu tử đáp:
- Quân Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào, cái thế nên chiến nên thủ ra sao. Vả lại, chúng cũng có ý khinh địch. Nếu đánh gấp, thì không ngoài mười ngày ta sẽ phá tan. Trì hoãn một chút, e khó lòng thắng được.
Vua Quang Trung vui mừng nói:
- Ý phu tử hợp với quả nhân (4). Đúng như lời cổ nhân thường bảo: "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ". Phải. Lần này quân phải thần tốc mới thắng chúng nó được.
Rồi quay về phía Trần Văn Kỷ, vua Quang Trung nói:
- Quan Trung thư đã sắp sẵn quà chưa?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Tâu thánh thượng, đã sẵn rồi ạ.
Nhà vua nói với La sơn phu tử:
- Mấy lần trước, phu tử còn vướng mắc, nên từ chối quà biếu Phú Xuân. Lần này chỉ có một chiếc gậy bịt bạc và một mâm đồng, nhất định phu tử không nỡ chối từ như trước nữa.
Trần Văn Kỷ đứng dậy, nghiêm chỉnh chờ tiễn Nguyễn Thiếp ra về. Vua Quang Trung gật đầu mỉm cười, kín đáo tiễn khách. Nguyễn Thiếp định sụp xuống lạy, nhưng vua Quang Trung đã nhanh nhẹn rời khỏi sập đến nâng phu tử dậy. Nhà vua đưa Nguyễn Thiếp đi một đoạn, rồi dừng lại. Nguyễn Thiếp theo Trần Văn Kỷ ra khỏi sảnh đường.
Vua Quang Trung kiên nhẫn chờ Trần Văn Kỷ trở lại không được, cứ nôn nao đi đi lại lại trong sảnh đường. Vì thế, Trần Văn Kỷ vừa bước vào, nhà vua đã hấp tấp hỏi:
- Thế nào?
Trần Văn Kỷ vui vẻ thưa:
- Tâu thánh thượng, chẳng những sẵn sàng nhận quà, ông ấy còn nhờ mua hộ quế tốt nữa.
Vua Quang Trung cười lớn, ánh mắt long lanh kiêu hãnh, nói đùa:
- Thế là từ nay hết được nghe biện biệt "quí quốc" với "bản triều" nữa rồi! Ôi chao! Muốn được các thầy đồ công nhận là chính thống, khó quá! Nhất là các thầy đồ Nghệ. Đã khó nhọc như thế thì ông cứ tìm cách loan truyền cho sĩ phu Bắc Hà biết rằng ta đánh quân Thanh theo kế La sơn phu tử nhé. Điều đó, có lợi lắm. Bây giờ có một việc quan trọng hơn là phải xem dân áo vải đất Nghệ phản ứng thế nào trước nạn ngoại xâm. Ta đã sai Hán hổ hầu khẩn cấp tuyển quân, cứ ba dân đinh thì lấy một. Nếu dân áo vải Nghệ An hưởng ứng nhập ngũ, thì lời phỏng đoán mười ngày của La sơn phu tử nhất định phải ứng nghiệm. Chờ xem!
*
* *
Lãng được biệt phái sang bộ phận tuyển binh của Hán hổ hầu, phụ trách địa điểm thu quân ở phủ l Hưng Nguyên. Tình thân thiết lâu ngày giữa anh và nhà vua đã giúp Lãng thắng thế trong cuộc tranh luận sôi nổi ở ban tham mưu trưng binh, về việc lựa chọn giải pháp nào có hiệu quả nhất.
Các phụ tá thân cận của Hán hổ hầu đều xuất thân nhà võ, nên tin tưởng vào các biện pháp mạnh bạo. Nội trong vài ngày phải lấy đủ một phần ba số dân đinh Nghệ An làm lính, công việc ấy đâu phải dễ. Giao thông khó khăn, guồng máy hành chánh ở đây còn non yếu; phần lớn các chức sắc bị giao việc đều thắc thỏm chân trong chân ngoài, quen tìm kiếm những thế đứng vô hại để lỡ thời thế có thay đổi cũng không đến nỗi chuốc vạ. Quá nhiều làng xóm giáp ranh với rừng núi, thuận lợi cho những kẻ trốn lính. Cho nên nhiều võ quan đề nghị Hán hổ hầu cấp chó cho các toán tuyển binh đi săn kẻ trốn lính trong các khu rừng, đồng thời cấp thêm giáo, cuốc chỉa để họ xăm vào các đống rơm tóm gọn bọn nhút nhát (5)
Lãng cương quyết bác bỏ các biện pháp thô bạo ấy, anh nhắc cho các võ quan nhớ rằng: khi vua Quang Trung sai Thận trực hầu đích thân đi mời La sơn phu tử đến vấn kế diệt giặc, nhà vua đã đặt hết tin tưởng vào lòng yêu nước của sĩ dân Nghệ An, quê hương của nhà vua. Chính nhà vua cũng đã quyết định dời đô về đây, vì tin tưởng ở thiên thời, địa lợi và nhân hòa qui tụ ở đất này. Dùng các biện pháp thô bạo ở một nơi sắp trở thành thang mộc ấp là một xúc phạm không thể tha thứ. Các võ quan nghe Lãng nói vậy, bắt đầu lo sợ, nhưng chưa tin rằng có thể tìm được giải pháp nào khác. Lãng thuyết phục họ bằng cách nhắc đến tinh thần yêu nước vốn là truyền thống của dân tộc trước các hiểm họa ngoại xâm. Nhà Trần nhờ thế thắng Nguyên Mông, nhà Lê đuổi được giặc Minh. Không nói đâu xa, chính nhờ lòng yêu nước mà các võ quan hiện diện đã tham dự vào chiến thắng oanh liệt ở Rạch Gầm, Xoài Mút. Tinh thần hăng hái của ba quân gốc Thuận, Quảng hôm lễ xuất sư là một bằng chứng khác. Dù ở đâu, bất cứ lúc nào, hễ một người dân nước Nam nghe tin đất nước bị xâm lấn, thì kẻ bạc nhược nhất cũng bật dậy căm giận và trở thành chiến sĩ.
Các võ quan bẻ lại, bằng cách đưa ra các đám cần vương hoạt động ầm ĩ, rải rác ở Thanh Nghệ, lòng hoài Lê của đám cưu binh cũ và các gia đình vọng tộc mấy đời là công thần của vua Lê chúa Trịnh. Nếu sĩ dân Thanh Nghệ có vẻ chịu khuất phục như hiện nay, không phải vì lòng họ thành thực đón nhận vận hội mới, mà chỉ vì sợ hãi lưỡi gươm bén. Nguyễn Hữu Chỉnh thất cơ lỡ vận như vậy, nhưng nhờ dám mạnh tay đao, đã chiêu mộ được cả một đạo binh xứ Nghệ, để trở lại làm rúng động Thăng Long.
Lãng đáp:
- Các vị chưa dám trọn tin dân Thanh Nghệ cũng phải. Mới thoạt nhìn, ta thấy đâu đâu cũng có dấu hiệu phản trắc, hoặc nhẹ hơn nữa, là dấu hiệu hờ hững. Nhưng quí vị nghĩ lại mà xem: Người dân Nghệ nào không biết đến lai lịch của các cổ tích họ từng hãnh diện từ lúc lọt lòng: nào thành Bình Ngô, thành Lục niên nơi vua Lê Thái tổ chiến thắng giặc Minh. Dấu tích thời Minh thuộc ô nhục cũng còn đó: thành Hùng sơn ở Hưng Nguyên do Trương Phụ đắp, thành Cự lại cũng do tướng Minh đắp. Chưa có nơi nào dấu vết thời bắc thuộc và dấu vết cuộc tranh đấu chống ngoại xâm rõ ràng, hiển hiện như ở đây. Đó là chưa kể một niềm hãnh diện thật mới: nhà vua gốc gác ở ngay đây, phủ Hưng nguyên. Chỉ cần khơi dậy truyền thống chống xâm lăng của sĩ dân địa phương, cùng niềm tự hào là đồng hương của hoàng đế, tôi tin cuộc tuyển binh sẽ rất thành công. Quí vị khỏi phải dùng đến chó săn và cuốc chỉa.
Những gì xảy ra sau đó chứng thực niềm tin của Lãng. Lệnh tuyển binh vừa ban ra, cả Nghệ An, từ biển lên rừng, đều rộn rã. Chẳng mấy chốc, các điểm thu quân đông nghẹt. Lãng phải nhờ Hán hổ hầu gửi thêm người mới giải tỏa được bớt số thủ tục bị ứ đọng. Ban đầu, anh đặt bàn ghi danh các tân binh trong phủ l. Càng lúc số thanh niên đầu quân kéo đến càng đông, chưa kể cha mẹ, vợ con đi theo tiễn đưa. Quá ngột ngạt vì hơi mồ hôi, Lãng phải cho dời nơi ghi danh ra sân phủ. Công việc vẫn chưa thông vì nhiều ngoại lệ bất ngờ, các chức việc không giải quyết nổi. Lãng phải đích thân khiêng bàn đến chỗ sân trống để giải quyết các trường hợp đặc biệt.
Một người mẹ đến xin cho đứa con trai mười bốn tuổi được về nhà để trông nom đàn trâu. Cậu bé chưa có tên trong sổ đinh, nhưng đã đội một tên khác và khai gian thêm tuổi để tòng quân. Một thanh niên trạc trên dưới hai mươi tuổi băn khoăn không biết nếu sung quân kỳ này, quan trấn thủ có bắt tội biếng nhác hay không. Anh là thợ mộc và đã được Thận trực hầu gọi đến sung vào đoàn thợ chuẩn bị xây dựng hành cung tại Yên Trường.
Một người cha đến khiếu nạn xã quan ở địa phương cố ý chèn ép mình. Lãng hỏi rõ, mới biết ông là lính tam phủ trước đây. Đứa con trai độc nhất của ông đang bị lở loét nặng ở gót chân, nên xã quan không ghi tên vào danh sách tuyển binh. Người lính tam phủ xin đi thay con, bị từ chối, tức giận, lên tận phủ l để khiếu nại.
Lãng hỏi:
- Con của bác bị đau chân, người ta không gọi lính, việc gì bác phải xin đi thay cho rắc rối?
Người lính tam phủ đáp:
- Nhưng người ta sẽ bảo là gia đình tôi còn có cảm tình với cựu triều. Nhà nào cũng có người tham gia đánh giặc Thanh cả, chỉ riêng nhà tôi là không có ai.
- Con bác được miễn, chứ có phải trốn đâu?
- Biết thế. Nhưng vẫn thế nào ấy.
- Thế xã quan bảo với bác thế nào? Tại sao từ chối? Bác đã quá tuổi chưa?
- Chưa. Tôi vẫn còn khỏe mạnh. Cái ông rậm râu ở xã còn nói nhiều điều xúc phạm đến danh dự tôi nữa.
Lãng tò mò hỏi:
- Cái ông rậm râu? Ông ấy nói gì?
- Lão ta bảo: Anh là kiêu binh, theo quân để trở lại Thăng Long phá nát phố phường người ta ra phỏng?
Lãng không giữ ý được, bật cười. Người lính tam phủ cau mày khó chịu. Lãng cố an ủi bác ta:
- Một con sâu làm rầu cả nồi canh, phải chịu thôi, bác ạ. Quả tình trước đây bạn bè của bác cũng quá quắt lắm, điều đó ai cũng biết. Chỉ có điều ít ai biết là bác khác người ta. Nhưng thôi, chuyện đời xưa nay vẫn thế. Tôi hỏi thật nhé, ngoài mong muốn được giết giặc, bác cố kèo nài sung quân, phải có lý do thầm kín nào khác chứ?
Người lính tam phủ bối rối trông thấy. Da mặt bác đỏ lên, mắt tránh nhìn thẳng vào mắt Lãng. Lãng cười, nói:
- Bác nói thật, tôi sẽ cho bác sung quân.
Bác ta mừng rỡ, nói:
- Chẳng giấu gì ông, tôi nhớ Thăng Long quá. Cả thời son trẻ của tôi, ông hiểu. Tôi có thể kể tỉ mỉ từng nhà ở phố nào có cánh cửa ra sao, sân trước, rào giậu cao thấp rộng hẹp thế nào. Ra nhìn lại một lần, chết cũng mát ruột.
- Lý lẽ ấy chưa đủ. Còn gì khác nữa cơ!
Người lính cũ càng bối rối hơn. Bác quanh co một lúc, cuối cùng thú nhận:
- Trước kia thời làm lính Nhưng kiệu, ông biết, tôi cũng có số đào hoa lắm. Bạn bè tôi thì lăng nhăng bừa bãi, riêng tôi thì tính chuyện lâu dài. Cô ấy đã có với tôi một mụn con. Sau loạn tam phủ, tôi chạy về đây, không biết mẹ con thế nào.
Lãng xoa tay nói:
- Được rồi. Tôi giúp cho bác đoàn tụ gia đình. Nhưng, muốn vào Thăng Long phải đánh nhau với giặc đấy. Và nhớ không được quên trở lại Nghệ đấy nhé!
*
* *
Chỉ trong vài ngày, Hán hổ hầu đã tuyển được hơn ba vạn tân binh. Cộng thêm với quân lính tinh nhuệ gốc Thuận Quảng, Quang Trung đã có một đạo quân đông hơn mười vạn, chưa kể kỵ binh, thủy binh và một đội tượng binh gồm vài trăm voi chiến.
Nhà vua chia quân ra làm năm doanh: tiền quân, hậu quân, tả quân, hữu quân và trung quân. Binh lính mới tuyển ở Nghệ An sung vào trung quân, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vua Quang Trung. Sau khi sắp xếp xong đội ngũ, nhà vua cho tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại trấn doanh Nghệ An. Khi Trần Văn Kỷ, Hán hổ hầu và đô đốc Bảo vào mời vua Quang Trung ra trước thềm dinh để tướng sĩ được ra mắt, nhà vua vui tươi hỏi quan Trung thư lệnh:
- Ông đã thấy dân áo vải chân đất hưởng ứng lệnh tuyển binh ra sao rồi chứ? Đâu có nhì nhằng như mấy ông đồ Nghệ! Có phải vì các ông đồ thuộc làu sách Tàu nên e ngại không dám chống Tàu chăng?
Trần Văn Kỷ nghiêm mặt, kính cẩn gật đầu. Trong thâm tâm, ông hơi phật lòng vì giọng chế giễu nhà nho của vua Quang Trung, tuy những điều nhà vua nói không phải không đúng. Nhà vua lại quay về phía Hán hổ hầu hỏi:
- Đủ một phần ba số đinh chưa?
Hán hổ hầu kiêu hãnh đáp:
- Tâu Hoàng thượng, có dư thêm một ít đấy ạ.
Quang Trung cười:
- Dư à! Lấy gạo đâu để nuôi số dư đó. Ông lo hết nhé? Nghe nói ông định dùng chó săn để tìm lính phải không?
Hán hổ hầu bối rối đáp:
- Tâu Hoàng thượng, lúc đầu vì...
Nhà vua gạt đi:
- Ta không trách đâu. Nhưng phải nhớ không phải lúc nào cũng cần đến lưỡi kiếm. Mọi sự ngoài dinh xong xuôi cả chứ, đô đốc Bảo?
Đô đốc Bảo nghiêng mình nói:
- Vâng ạ.
Vua Quang Trung vừa ra đến thềm dinh, thì ba quân đồng loạt tung hô vạn tuế vang động cả một góc trời. Nhà vua mỉm cười nhìn khắp năm doanh, chờ cho tất cả đều im lặng, mới thân mật hỏi:
- Các ngươi đứng lâu như thế có mỏi chân không?
Không ai dám trả lời rõ ràng. Từ thềm dinh trấn Nghệ An, nhà vua chỉ nghe một tiếng lao xao đáp lại. Nhà vua đưa tay ra trước bảo mọi người:
- Cho phép các ngươi ngồi xuống cho đỡ mỏi.
Tiếng lao xao rộn rã vì mừng vui và khâm phục. Khi ba quân đã ngồi yên ngay ngắn, nhà vua mới nói:
- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện chúng ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị. Người phương bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương bắc. Ở các thời ấy, bắc nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh đến đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng.
Các người đều là kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết chết ngay tức khắc. Ta không tha một ai. Lúc đó chớ bảo là ta không nói trước (6)
Vua Quang Trung nói xong, tất cả đều im phăng phắc. Rồi đột nhiên không ai bảo ai, từ rụt rè đến sôi nổi, tất cả mọi người đều dùng hết sức mình hô to: "vạn tuế, vạn tuế".
Nhà vua vui mừng, quay lại nói với Trần Văn Kỷ:
- Cái hạn mười ngày của La sơn phu tử chắc sai rồi. Không đến mười ngày đâu, ông Kỷ ạ!
Hôm sau, vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân ra phòng tuyến Ba Dội, Biện Sơn.
(1) Nguyễn Huệ bình tĩnh và tươi cười nói: "Việc gì mà cuống quít lên vậy. Chúng nó tự đi tới chỗ chết, ta hãy cứ lên ngôi làm cho danh nghĩa quang minh chính đại để ràng buộc lấy lòng người trong nam ngoài bắc trước đã, rồi sẽ ra bắt sống chúng nó cũng chưa muộn gì". (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 47, trang 40).
(2)Trần Văn Kỷ người làng Vân Trình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên.
(3)Dựa theo La sơn phu tử, Hoàng Xuân Hãn, trang 123.
(4)Dựa theo Hoàng Lê nhất thống chí, Lê quí kỷ sự do Hoàng Xuân Hãn trích trong La Sơn phu tử trang 129, 130.
(5)Thư giáo sĩ Longer gửi cho Julliard (Ạ Launay, III, trang 238).
(6)Hoàng Lê (bản dịch Hà nội, trang 359, 360).