Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 33
Từ khi Nhạc cho lệnh rút đạo Hòa nghĩa quân của Lý Tài về Qui Nhơn để dễ kiểm soát, chấm dứt tình trạng cướp bóc do đám quân vong mạng thất trận ấy gây ra khắp các vùng trú đóng, Chinh được sống với gia đình một thời gian.
Có thể nói trong hoàn cảnh sống heo hắt cô độc, gia đình đã mở rộng đôi tay đón chào đứa con trở về như một thiên sứ. Cả ông giáo lẫn An đều hớn hở! Chinh đem sự náo hoạt, ồn ào rộn rã lại cho gia đình. Ông giáo cho mở ngay khóa cửa trước, xô tung hai cánh cửa khép lâu ngày làm mấy chú nhện hoảng sợ. Gió và ánh sáng lại được dịp ùa vào căn nhà lạnh ẩm mốc. Không cần hỏi han ai, nhất là không thắc mắc tình trạng tài chính của gia đình, ngay hôm sau, Chinh mời bốn người bạn hảo hớn về nhà đãi đằng.
Một người khoảng trên bốn mươi tuổi, da đen, có râu hàm rậm, nói tiếng Nam lơ lớ chưa thạo, được cả bọn kính nể, luôn miệng gọi là "đại huynh". Một người gầy ốm đôi mắt như hai lá rau răm, môi chỉ cười mím, má trái có một vết sẹo dài thâm tím và lóm sâu xuống, khiến bộ mặt đã choắt lại thêm mất cân đối. Người thứ ba tuổi đời mới ngoài hai mươi, bộ điệu chậm chạp cộc cằn, ít nói, lâu lâu có thói đưa ngón tay út lên xoáy vào lỗ tai. Người cuối cùng An đã gặp, vì Chinh có nhờ đưa thư về mượn một trăm quan trả nợ cho anh ta. Chinh lo về trước để chuẩn bị đón khách, gặp lúc ông giáo đang ngồi trầm ngâm trên phản gõ, tay chống vào chồng gối xếp. Thấy con nhìn quanh như muốn tìm kiếm thứ gì, ông giáo dịu giọng hỏi:
- Con tìm gì vậy?
Chinh đáp:
- Con dọn mâm rượu lên cái phản này được không cha?
Ông giáo trố mắt nhìn Chinh hỏi:
- Rượu à? Cha có uống được đâu!
Chinh vội nói:
- Con đã mời bốn người bạn "đồng sinh đồng tử" chiều nay đến thăm nhà mình. Lâu nay họ đều biết tiếng cha, nhưng không biết có thời cha đã làm việc với quan Nội hữu Ý đức hầu ngoài kinh. Nghe con nói, họ không tin. Họ bảo nếu thật như vậy, cha đúng là trang hảo hớn", gặp thời làm quan trong triều, thất thời mai danh ẩn tích làm mưu sĩ cho khách anh hùng. Cả bọn đều muốn được hầu chuyện với cha. Cha giúp hộ con khiêng cái phản này ra chỗ sáng một chút. Trong này tối quá.
Ông giáo không có cách nào khác là cùng với Chinh bày biện tiệc rượu cho các trang hảo hớn". Ông kinh dị trước vẻ buông tuồng, lời nói kiểu cách của Chinh. Nào những là đồng sinh đồng tử, khách anh hùng, trang hảo hớn. Kinh dị nhất là cái thói xem thường đời sống người khác, chỉ chăm chăm nghĩ đến cái vui trước mắt của mình. Chinh không báo trước khiến An phải vất vả cả buổi trưa chạy khắp nơi xoay xở mua sắm mới tiềm tiệm đủ cho cuộc rượu. Khổ nhất cho An là phải qua Kiên để vay một ít rượu và đồ nhắm. Kiên thấy em gái đến, vừa ngạc nhiên vừa giận dỗi, hỏi mát:
- Quí hóa quá. Có việc gì mà em phải thân hành đến đây?
An lúng túng không biết đứng ngồi thế nào, vì Kiên vẫn tiếp tục xoay trần ra cột lại cái chân gãy của quầy rượu, mặt mày đăm đăm. An muốn khóc òa rồi bỏ về, nhưng cố nhịn, thưa với anh:
- Có anh Chinh về đằng nhà, anh biết chưa?
Giọng Kiên dấm dẳn:- Có ai thèm đến thăm tôi đâu mà biết!
An bậm môi nói một mạch:
- Anh ấy dẫn về một lô bạn bè, rồi bảo dọn rượu. Em không biết xoay xở làm sao vì gấp quá. Anh chị cho em mượn đỡ một ít đồ nhắm, và vài chai rượu trắng.
Kiên ngưng việc ngước lên nhìn em. Có lẽ anh đâm thương hại em gái, không nỡ dằn vặt nó nữa. Kiên lẳng lặng đi tìm cái giỏ bát, xếp vào đó hai chai rượu nếp, một ít bánh và chả. Anh không quên gói thêm mấy củ tỏi và tiêu. An cảm ơn anh rối rít. Hai anh em ra đến bến tắm ngựa Kiên mới hỏi:
- Sao độ này anh ít khi gặp cha trên phủ?
An kinh ngạc hỏi lại:
- Anh chưa biết gì ư?
- Việc gì?
- Anh vẫn còn đi làm ở kho chứ?
- Vẫn còn.
- Thế anh không nghe thiên hạ xì xầm điều gì à?
Giọng Kiên chán nản:
- Hơi đâu mà nghe. Làm xong việc về đây lo việc nhà, thú hơn.
An nhìn anh thương hại:
- Thôi lúc khác em sang chơi sẽ nói chuyện nhiều. Hay anh rảnh thì chiều qua nhà uống rượu với bạn anh Chinh.
Kiên dừng lại, bực dọc bảo em:
- Không. Chiều nay anh bận. Thưa với cha là anh gửi lời hầu thăm.
Tuy vậy tiệc rượu cũng khá thịnh soạn. Ông giáo ngồi với bọn trẻ một lúc, vì không chịu được cách ăn nói ồn ào thô lỗ nên lấy cớ nhức đầu vào nằm ở buồng sau. Chủ, khách chỉ chờ có thế. Họ cười nói ồn ào hơn. Kẻ say bắt đầu những lời chửi rủa tục tằn làm An ngượng đỏ mặt. Có người nôn thốc ra cả mâm rượu, mặt phản nhớp nháp. Ông giáo giận quá, kêu Chinh vào mắng cho một chặp. Chinh lí nhí xin lỗi, rồi ra nhà ngoài lựa lời nói khích để các "trang hảo hớn" chịu về nhà đại ca tiếp tục một cuộc rượu khác.
*
* *
Sáng hôm sau, Chinh lại cười cười bảo em:
- An có tiền không, cho anh mượn hai mươi quan.
An trợn mắt nhìn anh, tức tối nói:
- Em mượn của anh Lợi hai mươi quan chưa trả được, tiền đâu đưa thêm cho anh!
Chinh ngồi chồm hổm trước mặt An, nằn nì:
- Cho anh mượn thêm hai mươi quan nữa, vị chi bốn mươi quan. Anh bán thuốc được, sẽ trả cả vốn lẫn lời cho em ngay.
An tò mò hỏi:
- Thuốc gì thế?
Tưởng em đã bắt đầu ham lợi, Chinh khoe:
- An có nhớ kỳ trước anh kể chuyện xin thuốc tên cố đạo người Tây dương không? Không à? Anh có gửi về cho em hai gói thuốc trắng mà! Như vậy là anh say rượu quên gửi rồi đấy! Hoài của! Về sau anh có uống thử thấy công hiệu lắm. Anh đem nhờ thầy thuốc bắc ở Cửa Hội ngửi xem thử thuốc Tây dương gồm những vị gì. Ông ta đoán được một số vị chính. Anh có nhờ ông ta hốt một thang đem tán nhỏ rồi ngửi thử, quả nhiên mùi cũng hơi giống mùi thuốc Tây dương. Chỉ khác bột của mình mầu nâu, còn của họ mầu trắng. Từ đó khi nào túng tiền, anh làm thuốc bán cho dân quanh vùng, kiếm được khối tiền. Hiện anh còn một gói lớn. Bán ra ít nhất cũng được vài chục quan.
- Vẫn chưa đủ trả nợ cho anh Lợi.
Chinh nhăn mặt hỏi:
- Nợ anh nào?
- Anh Lợi. Chính anh nhờ em vay của anh Lợi để trả cho ông bạn hôm qua đến đây nôn ọe đầy phản đấy.
Chinh bĩu môi bảo:
- Tưởng nợ của ai! Nợ thằng Lợi thì khỏi trả.
An tức giận hỏi:
- Anh muốn quịt của người ta à?
- Không quịt. Nhưng anh làm theo lẽ công bằng. Thử hỏi thằng Lợi làm gì để có khối tiền, nếu không nhờ đong dầu mà dính chút ít trên tay. Nói trắng ra là vì nó lo tiếp lương nên kiếm chác được. Mà không có bọn anh đánh đầu này đầu kia, thì làm sao nó có cơ hội bỏ túi bớt của thiên hạ được. Cho nên em thì anh gắng trả nợ, nhưng nếu là của thằng Lợi, thì anh khỏi phải trả. Chẳng những thế, anh còn đòi thêm nữa...
An hô hoán lên:
- Trời đất ơi! Anh nói y như một tên ăn quịt. Cha mà nghe được thì...
Chinh cắt lời An: - Anh không nói đùa đâu. Lợi nó còn mắc nợ bọn anh. Bao nhiêu của cải bọn anh thu được chất sẵn lên thuyền, nó ton hót với trên để chở đi mất. Chuyến đó nếu nó không về đây sớm, chắc chắn mỗi người trong Hòa nghĩa quân đã xin nó một tí huyết.
An chống chế giùm cho người vắng mặt:
- Anh ấy chở về đây nhập kho, có sổ sách đàng hoàng. Không cướp bóc làm của riêng như bọn trộm cướp các anh.
Chinh nhìn chăm chăm vào mặt An, rồi cười hỏi:
- Sao em bênh nó chằm chặp thế?
An tức giận nói:
- Vì em là con nợ của người ta. Xưa nay em chưa bao giờ phải ngửa tay vay mượn ai một đồng kẽm. Em nhục nhã ngửa tay van xin người ta, là vì ai? Vì anh đó.
Chinh đấu dịu:
- Anh biết thế, biết chỉ có em là còn thương anh nên mới viết thư cầu cứu. Anh không bao giờ quên ơn em. Nhưng đã làm ơn thì làm cho trót. Ráng cho anh vay thêm hai mươi quan. Chỉ hai mươi quan thôi.
An bậm môi, rồi lắc đầu:
- Em đã bảo là không có.
Chinh nằn nì:
- Anh biết em có.
- Không có.
- Có.
- Không có.
- Có.
An giận quá, đưa cả cái bọc tiền cho Chinh xem:
- Đây, anh soát đi. Hôm qua dọn tiệc rượu cho anh, em phải chạy qua anh Kiên vay đồ nhắm và hai chai rượu. Phải dốc tiền thuốc của cha luôn vào đó mới đủ. Chỉ còn mấy đồng kẽm, anh đã tin chưa.
Chinh buồn rầu, thất vọng. Bóp trán suy nghĩ một lúc, Chinh e dè hỏi An:
- Hay em mượn thằng Lợi giùm anh.
An quả quyết đáp:
- Không!
Chinh biết không thể lay chuyển An nổi, đứng dậy nói:
- Thôi. Để anh đi tìm nó vậy. Anh lỡ khoe nhà mình giàu, chuyến này không có hai mươi quan, chắc không ngửng mặt lên nổi!
*
* *
Chinh đi đâu cả buổi sáng. Người bạn rượu từng mang thư giúp Chinh đến nhà tìm Chinh nhiều lần. Lần nào Chinh cũng chưa về. Anh ta có vẻ sốt ruột. Chỉ có một mình An ở nhà nên câu chuyện giữa chủ và khách gượng gạo, rời rã. Nếu cố gắng, An có thể tìm cách gợi chuyện cho không khí bớt tẻ nhạt. Nhưng cô ghét bọn bạn bè cộc cằn thô lỗ của anh. Cô để mặc anh ta ngồi lúng túng, im lặng ngồi lựa nhộng để xào nghệ cho cha.
Người bạn Chinh nóng ruột,hỏi An:
- Chinh nó có nói đi đâu không, cô em!
An ngước lên, bậm môi tức giận vì cách xưng hô sàm sỡ, đáp cộc lốc:
- Không.
- Vậy mà nó hẹn sáng nay đến là có liền.
An càng giận hơn, nói với khách:
- Các anh tưởng đây là nhà kho chắc!
Bạn Chinh vội hỏi:
- Cô em nói gì thế?
An dằn từng tiếng:
- Tôi nói: Các anh tưởng đây là cái kho tiền bạc, rượu thịt hay sao? Kỳ trước chính anh đã cầm thư về đòi hai mươi quan, bây giờ lại đến lấy thêm hai mươi quan nữa.
Khách cũng không vừa. Anh ta không kiêng nể gì cả, cãi lại:
- Cô em nói như vậy, chẳng hóa ra tôi là thằng chuyên moi tiền nhà cô hay sao! Cô phải biết, nó nợ thì phải trả. Còn hai mươi quan kỳ này, chính nó tự đứng ra lãnh chứ không ai ép. Tối hôm ấy kéo qua nhà "đại ca" thì rượu hết. Chính nó tự nguyện ứng ra hai mươi quan để đại ca tổ chức một bữa thật linh đình, mừng ngày anh em thoát chết trở về. Nó bảo nhìn quanh chỉ nhà nó là có đủ khả năng, anh em đừng lo. Cô em đã rõ chưa? Tôi chỉ là người đến nhận tiền để lo chuẩn bị sắm sửa.
Càng nghe nói, An càng giận anh. Cô thấy mình có lỗi khi đối xử nhạt nhẽo vô phép với khách. Giọng cô dịu dàng hơn:
- Bây giờ tôi mới vỡ lẽ. Anh ấy tưởng gia đình giàu có lắm hay sao! Anh coi, đồ đạc toàn những thứ rẻ tiền, lúc túng bán không ai thèm mua. Cha tôi già rồi, đào đâu ra tiền cho anh ấy phung phí. Anh ấy không biết nghĩ!
Bạn Chinh bớt giận, bảo An:
- Tôi chơi với Chinh lâu ngày còn lạ gì tính nó. Cười nói bi bô đó rồi quên đó. Nhưng được cái chơi với anh em rất chí tình. Lâu lâu cũng có phá quấy đấy, nhưng để đùa cợt chút thôi. Bản tâm không muốn làm hại ai, không muốn làm ai buồn.
An thở dài:
- Đã hai mươi lăm tuổi đầu mà tính vô tư như trẻ con, ham chơi quên mất tình cảnh gia đình. Anh thấy không, nhà chỉ còn hai cha con. Tôi đàn bà con gái, cha tôi ho hen luôn, không biết còn ở với con cái đến ngày nào. Hôm nào tôi quên không mua nhộng về xào nghệ thì y như rằng...
Người bạn Chinh trỏ đĩa nhộng hỏi:
- Thứ sâu này ăn được à?
An ngơ ngác hỏi lại:
- Anh nói sâu gì?
- Loại này này.
An cười giải thích:
- Nhộng kén mà anh bảo sâu. Anh chưa ăn thử bao giờ ư? Béo lắm. Ở phía bên kia sông người ta chuyên nuôi tầm lấy tơ, nên nhộng còn rẻ hơn cả thịt cá.
Bạn Chinh hỏi:
- Thế Chinh nó có thích thứ này không?
- Thích. Anh ấy hốt cả nắm bỏ vào miệng nhai như ăn bắp. Người bạn Chinh cười, như vừa tìm được điều gì thích thú. Anh ta nói:
- Thảo nào! Thảo nào nó thạo cái trò nuốt sâu!
An giật mình hỏi:
- Anh vừa nói gì thế?
Người khách cười cười nhìn An, rồi nói:
- Cô biết cái tính cắc cớ của anh cô rồi. Cái trò nuốt sâu đó.
- Vâng, nhưng hồi nhỏ ảnh...
- Lớn lên vẫn thế thôi. Chinh nó thích nhìn các bà các cô chết ngất vì hãi hùng. Cô biết không, mỗi lần đánh đến đâu, nó thường tìm đến nhà các cô gái trẻ đẹp để lân la nói chuyện. Tâm lý ai cũng sợ dân đeo gươm vác giáo, nên lúc nào các cô cũng ráng tỏ ra vui vẻ, lễ phép, ngoan ngoãn. Chờ lúc thuận tiện nhất, Chinh nó bắt đầu giở trò. Nó tìm bắt một con sâu nào đó, ở vườn thì thiếu gì. Nó cho con sâu bò trong lòng bàn tay. Nội bấy nhiêu cũng đủ cho các cô xanh mặt vì sợ hãi. Nhưng chưa hết. Nó bảo ở quê nó, người ta ăn loại sâu này để chữa bệnh sốt ngã nước. Rồi trong lúc các cô chưa kịp hoàn hồn, nó hất con sâu vào mồm nhai ngấu nghiến. Không có cô nào không ngã ra chết giấc.
An đã biết tính Chinh mà nghe kể, vẫn còn muốn nôn ọe vì kinh tởm. Mặt cô nhăn nhó vì cố ghìm cơn nôn. Người bạn Chinh cười to hơn, bảo An:
- Cô đừng sợ. Lần đầu biểu diễn cho chúng tôi xem thì nó nhai sâu thật. Nhưng các lần sau nó chỉ giả vờ. Nó ngậm sẵn một cọng trầu để nhai ra nước xanh, còn con sâu đã thả rơi xuống đất dẫm chân lên giấu, lúc hất mạnh tay vào miệng. Nó thích chơi trò đó, cô thấy có lạ lùng không?
An lo lắng hỏi:
- Nhưng anh ấy có xâm phạm đến họ không?
- Không bao giờ. Tụi này đặt hắn là "nhà nho nuốt sâu" mà!
*
* *
Vừa lúc đó Chinh và Lợi cùng vào nhà. Thấy bạn, Chinh cười nói rổn rảng:
- A ha! Chờ lâu không? Tìm cho được cái kho biết đi này đâu phải là chuyện đùa. Mày yên tâm. Về thưa với "đại ca" thế nào chiều nay cũng chu tất. Đã có anh Lợi giúp vào một tay, khỏi phải lo lắng nữa!
Người bạn vẫn còn lo ngại, rụt rè nhìn Lợi, rồi nói với Chinh:
- Nhưng tụi nó đòi kéo đến chúc thọ đại ca. Sợ đông quá!
Chinh phất mạnh tay ra vẻ hào phóng:
- Đông bao nhiêu cũng được. Càng đông càng vui. Phải không Lợi! Chiều nay kéo bọn bên kho qua chung vui, gọi là kết nghĩa giữa "hậu tập" với "tiền phương". Nhất định kéo bọn nó qua nhé! Bao nhiêu tất cả nào?
Lợi lúng túng gỡ bàn tay Chinh (lúc đó Chinh cứ nắm chặt lấy cánh tay Lợi mà hỏi han, mời mọc), chối từ:
- Chiều nay không tiện, anh ạ. Chúng tôi bận lắm!
Chinh trề môi chế giễu:
- Lại bận! Tiếp lương mà càng bận bịu bao nhiêu, kho càng mau rỗng bấy nhiêu. Cửa kho phải khóa chặt, thủ kho đi câu cá, thì mới mong nước giàu được.
Nói xong, Chinh cười hô hố một mình. Người bạn Chinh hỏi Lợi:
- Chiều nay chúng tôi đợi anh nhé!
Lợi giật mình, hỏi:
- Vâng. Nhưng, nhưng liệu có đông lắm không? Tôi sợ…
Chinh cười xòe hai bàn tay ra:
- Nhiều nhất là khoảng bốn lần thế này. Bốn chục con sâu rượu! "Ông" tính sao cho đủ thì thôi. Khoảng giờ dần nhé!
Lợi do dự, giữa lắc đầu và gật đầu. Chinh ôm vai người bạn nói:
- Thôi xong rồi. Về nói với anh em khoảng giờ dần phải có đủ mặt, cho dọn sẵn mâm chiếu. Rượu thịt anh Lợi sẽ cho mang tới sau. Cần gì nữa không? À quên, tao phải cùng với mày đi báo cho anh em chứ. Mượn ngựa đi cho nhanh. Lợi ở chơi nhé. Tụi này đi trước.
Chinh và người bạn đi rồi, An mới hỏi Lợi:
- Thế mà anh cũng nhận à?
Lợi đỏ mặt, xấu hổ vì sự yếu đuối thụ động của mình trước mặt An, lắc đầu chậm chậm ra vẻ chịu đựng vì khoan dung:
- An thấy không, anh ấy có cho tôi kịp nói được tiếng nào đâu. Mà từ chối làm sao được! Tôi chỉ sợ anh ấy mất mặt với bạn bè. Chứ ai khác, thì… Tính anh ấy tức cười nhỉ! Đúng là cha mẹ sinh con, nhưng trời sinh tính. Anh ấy không được đằm như An với Lãng.
An nhớ ra vội hỏi:
- Hôm vào Cù Mông, Lãng có nhắn gì cho em không?
Lợi nhớ lại cuộc đi không vui, nhớ vẻ mặt lạnh lùng của Huệ, sa sầm nét mặt. Nhưng anh mau chóng giấu ngay được xúc động riêng. Lấy giọng vui vẻ, Lợi hỏi:
- Lãng bảo gấp quá không viết kịp. Nhận được quà An, Lãng mừng lắm. Lãng bảo bà chị cứ bày vẽ!
An chớp chớp mắt vì cảm động. Trước mắt cô, Lợi có vẻ hiền lành tốt bụng, hình như cả đời chỉ bận lo công việc giúp đỡ kẻ khác. Nhất là ân cần giúp đỡ gia đình An. Trong cảnh sống bị cô lập, nếu không có Lợi, An chưa biết hai cha con sẽ như thế nào? Chẳng lẽ suốt ngày nằm nghe tiếng thở dài của nhau, cắt đứt mọi liên hệ với đời sống bên kia vách. Lợi mang đến lương thực, tin tức, mang đến cả những lời bông đùa. An ngước nhìn Lợi lần nữa, thấy thương hại anh. Cô âu yếm nhắc:
- Anh không đi lo rượu ngay cho họ, sợ không kịp đâu!
Lợi sung sướng vì lời nhắc nhở đầy âu yếm, cười đáp:
- Không kịp thì cũng phải vắt giò lên cổ mà chạy cho kịp. Chỉ vì anh Chinh tôi mới phải vậy, chứ ai khác thì…
An hiểu ý Lợi, li nhí bảo:
- Vâng, em cảm ơn anh lắm. Anh lo giúp cho anh Chinh đi! Có cần em nấu nướng gì không?
Lợi vội nói:
- Không đâu. Tôi chỉ sai tụi nó xuống phố một chốc là xong hết. An đừng lo. Tôi về nhé!
Có thể nói trong hoàn cảnh sống heo hắt cô độc, gia đình đã mở rộng đôi tay đón chào đứa con trở về như một thiên sứ. Cả ông giáo lẫn An đều hớn hở! Chinh đem sự náo hoạt, ồn ào rộn rã lại cho gia đình. Ông giáo cho mở ngay khóa cửa trước, xô tung hai cánh cửa khép lâu ngày làm mấy chú nhện hoảng sợ. Gió và ánh sáng lại được dịp ùa vào căn nhà lạnh ẩm mốc. Không cần hỏi han ai, nhất là không thắc mắc tình trạng tài chính của gia đình, ngay hôm sau, Chinh mời bốn người bạn hảo hớn về nhà đãi đằng.
Một người khoảng trên bốn mươi tuổi, da đen, có râu hàm rậm, nói tiếng Nam lơ lớ chưa thạo, được cả bọn kính nể, luôn miệng gọi là "đại huynh". Một người gầy ốm đôi mắt như hai lá rau răm, môi chỉ cười mím, má trái có một vết sẹo dài thâm tím và lóm sâu xuống, khiến bộ mặt đã choắt lại thêm mất cân đối. Người thứ ba tuổi đời mới ngoài hai mươi, bộ điệu chậm chạp cộc cằn, ít nói, lâu lâu có thói đưa ngón tay út lên xoáy vào lỗ tai. Người cuối cùng An đã gặp, vì Chinh có nhờ đưa thư về mượn một trăm quan trả nợ cho anh ta. Chinh lo về trước để chuẩn bị đón khách, gặp lúc ông giáo đang ngồi trầm ngâm trên phản gõ, tay chống vào chồng gối xếp. Thấy con nhìn quanh như muốn tìm kiếm thứ gì, ông giáo dịu giọng hỏi:
- Con tìm gì vậy?
Chinh đáp:
- Con dọn mâm rượu lên cái phản này được không cha?
Ông giáo trố mắt nhìn Chinh hỏi:
- Rượu à? Cha có uống được đâu!
Chinh vội nói:
- Con đã mời bốn người bạn "đồng sinh đồng tử" chiều nay đến thăm nhà mình. Lâu nay họ đều biết tiếng cha, nhưng không biết có thời cha đã làm việc với quan Nội hữu Ý đức hầu ngoài kinh. Nghe con nói, họ không tin. Họ bảo nếu thật như vậy, cha đúng là trang hảo hớn", gặp thời làm quan trong triều, thất thời mai danh ẩn tích làm mưu sĩ cho khách anh hùng. Cả bọn đều muốn được hầu chuyện với cha. Cha giúp hộ con khiêng cái phản này ra chỗ sáng một chút. Trong này tối quá.
Ông giáo không có cách nào khác là cùng với Chinh bày biện tiệc rượu cho các trang hảo hớn". Ông kinh dị trước vẻ buông tuồng, lời nói kiểu cách của Chinh. Nào những là đồng sinh đồng tử, khách anh hùng, trang hảo hớn. Kinh dị nhất là cái thói xem thường đời sống người khác, chỉ chăm chăm nghĩ đến cái vui trước mắt của mình. Chinh không báo trước khiến An phải vất vả cả buổi trưa chạy khắp nơi xoay xở mua sắm mới tiềm tiệm đủ cho cuộc rượu. Khổ nhất cho An là phải qua Kiên để vay một ít rượu và đồ nhắm. Kiên thấy em gái đến, vừa ngạc nhiên vừa giận dỗi, hỏi mát:
- Quí hóa quá. Có việc gì mà em phải thân hành đến đây?
An lúng túng không biết đứng ngồi thế nào, vì Kiên vẫn tiếp tục xoay trần ra cột lại cái chân gãy của quầy rượu, mặt mày đăm đăm. An muốn khóc òa rồi bỏ về, nhưng cố nhịn, thưa với anh:
- Có anh Chinh về đằng nhà, anh biết chưa?
Giọng Kiên dấm dẳn:- Có ai thèm đến thăm tôi đâu mà biết!
An bậm môi nói một mạch:
- Anh ấy dẫn về một lô bạn bè, rồi bảo dọn rượu. Em không biết xoay xở làm sao vì gấp quá. Anh chị cho em mượn đỡ một ít đồ nhắm, và vài chai rượu trắng.
Kiên ngưng việc ngước lên nhìn em. Có lẽ anh đâm thương hại em gái, không nỡ dằn vặt nó nữa. Kiên lẳng lặng đi tìm cái giỏ bát, xếp vào đó hai chai rượu nếp, một ít bánh và chả. Anh không quên gói thêm mấy củ tỏi và tiêu. An cảm ơn anh rối rít. Hai anh em ra đến bến tắm ngựa Kiên mới hỏi:
- Sao độ này anh ít khi gặp cha trên phủ?
An kinh ngạc hỏi lại:
- Anh chưa biết gì ư?
- Việc gì?
- Anh vẫn còn đi làm ở kho chứ?
- Vẫn còn.
- Thế anh không nghe thiên hạ xì xầm điều gì à?
Giọng Kiên chán nản:
- Hơi đâu mà nghe. Làm xong việc về đây lo việc nhà, thú hơn.
An nhìn anh thương hại:
- Thôi lúc khác em sang chơi sẽ nói chuyện nhiều. Hay anh rảnh thì chiều qua nhà uống rượu với bạn anh Chinh.
Kiên dừng lại, bực dọc bảo em:
- Không. Chiều nay anh bận. Thưa với cha là anh gửi lời hầu thăm.
Tuy vậy tiệc rượu cũng khá thịnh soạn. Ông giáo ngồi với bọn trẻ một lúc, vì không chịu được cách ăn nói ồn ào thô lỗ nên lấy cớ nhức đầu vào nằm ở buồng sau. Chủ, khách chỉ chờ có thế. Họ cười nói ồn ào hơn. Kẻ say bắt đầu những lời chửi rủa tục tằn làm An ngượng đỏ mặt. Có người nôn thốc ra cả mâm rượu, mặt phản nhớp nháp. Ông giáo giận quá, kêu Chinh vào mắng cho một chặp. Chinh lí nhí xin lỗi, rồi ra nhà ngoài lựa lời nói khích để các "trang hảo hớn" chịu về nhà đại ca tiếp tục một cuộc rượu khác.
*
* *
Sáng hôm sau, Chinh lại cười cười bảo em:
- An có tiền không, cho anh mượn hai mươi quan.
An trợn mắt nhìn anh, tức tối nói:
- Em mượn của anh Lợi hai mươi quan chưa trả được, tiền đâu đưa thêm cho anh!
Chinh ngồi chồm hổm trước mặt An, nằn nì:
- Cho anh mượn thêm hai mươi quan nữa, vị chi bốn mươi quan. Anh bán thuốc được, sẽ trả cả vốn lẫn lời cho em ngay.
An tò mò hỏi:
- Thuốc gì thế?
Tưởng em đã bắt đầu ham lợi, Chinh khoe:
- An có nhớ kỳ trước anh kể chuyện xin thuốc tên cố đạo người Tây dương không? Không à? Anh có gửi về cho em hai gói thuốc trắng mà! Như vậy là anh say rượu quên gửi rồi đấy! Hoài của! Về sau anh có uống thử thấy công hiệu lắm. Anh đem nhờ thầy thuốc bắc ở Cửa Hội ngửi xem thử thuốc Tây dương gồm những vị gì. Ông ta đoán được một số vị chính. Anh có nhờ ông ta hốt một thang đem tán nhỏ rồi ngửi thử, quả nhiên mùi cũng hơi giống mùi thuốc Tây dương. Chỉ khác bột của mình mầu nâu, còn của họ mầu trắng. Từ đó khi nào túng tiền, anh làm thuốc bán cho dân quanh vùng, kiếm được khối tiền. Hiện anh còn một gói lớn. Bán ra ít nhất cũng được vài chục quan.
- Vẫn chưa đủ trả nợ cho anh Lợi.
Chinh nhăn mặt hỏi:
- Nợ anh nào?
- Anh Lợi. Chính anh nhờ em vay của anh Lợi để trả cho ông bạn hôm qua đến đây nôn ọe đầy phản đấy.
Chinh bĩu môi bảo:
- Tưởng nợ của ai! Nợ thằng Lợi thì khỏi trả.
An tức giận hỏi:
- Anh muốn quịt của người ta à?
- Không quịt. Nhưng anh làm theo lẽ công bằng. Thử hỏi thằng Lợi làm gì để có khối tiền, nếu không nhờ đong dầu mà dính chút ít trên tay. Nói trắng ra là vì nó lo tiếp lương nên kiếm chác được. Mà không có bọn anh đánh đầu này đầu kia, thì làm sao nó có cơ hội bỏ túi bớt của thiên hạ được. Cho nên em thì anh gắng trả nợ, nhưng nếu là của thằng Lợi, thì anh khỏi phải trả. Chẳng những thế, anh còn đòi thêm nữa...
An hô hoán lên:
- Trời đất ơi! Anh nói y như một tên ăn quịt. Cha mà nghe được thì...
Chinh cắt lời An: - Anh không nói đùa đâu. Lợi nó còn mắc nợ bọn anh. Bao nhiêu của cải bọn anh thu được chất sẵn lên thuyền, nó ton hót với trên để chở đi mất. Chuyến đó nếu nó không về đây sớm, chắc chắn mỗi người trong Hòa nghĩa quân đã xin nó một tí huyết.
An chống chế giùm cho người vắng mặt:
- Anh ấy chở về đây nhập kho, có sổ sách đàng hoàng. Không cướp bóc làm của riêng như bọn trộm cướp các anh.
Chinh nhìn chăm chăm vào mặt An, rồi cười hỏi:
- Sao em bênh nó chằm chặp thế?
An tức giận nói:
- Vì em là con nợ của người ta. Xưa nay em chưa bao giờ phải ngửa tay vay mượn ai một đồng kẽm. Em nhục nhã ngửa tay van xin người ta, là vì ai? Vì anh đó.
Chinh đấu dịu:
- Anh biết thế, biết chỉ có em là còn thương anh nên mới viết thư cầu cứu. Anh không bao giờ quên ơn em. Nhưng đã làm ơn thì làm cho trót. Ráng cho anh vay thêm hai mươi quan. Chỉ hai mươi quan thôi.
An bậm môi, rồi lắc đầu:
- Em đã bảo là không có.
Chinh nằn nì:
- Anh biết em có.
- Không có.
- Có.
- Không có.
- Có.
An giận quá, đưa cả cái bọc tiền cho Chinh xem:
- Đây, anh soát đi. Hôm qua dọn tiệc rượu cho anh, em phải chạy qua anh Kiên vay đồ nhắm và hai chai rượu. Phải dốc tiền thuốc của cha luôn vào đó mới đủ. Chỉ còn mấy đồng kẽm, anh đã tin chưa.
Chinh buồn rầu, thất vọng. Bóp trán suy nghĩ một lúc, Chinh e dè hỏi An:
- Hay em mượn thằng Lợi giùm anh.
An quả quyết đáp:
- Không!
Chinh biết không thể lay chuyển An nổi, đứng dậy nói:
- Thôi. Để anh đi tìm nó vậy. Anh lỡ khoe nhà mình giàu, chuyến này không có hai mươi quan, chắc không ngửng mặt lên nổi!
*
* *
Chinh đi đâu cả buổi sáng. Người bạn rượu từng mang thư giúp Chinh đến nhà tìm Chinh nhiều lần. Lần nào Chinh cũng chưa về. Anh ta có vẻ sốt ruột. Chỉ có một mình An ở nhà nên câu chuyện giữa chủ và khách gượng gạo, rời rã. Nếu cố gắng, An có thể tìm cách gợi chuyện cho không khí bớt tẻ nhạt. Nhưng cô ghét bọn bạn bè cộc cằn thô lỗ của anh. Cô để mặc anh ta ngồi lúng túng, im lặng ngồi lựa nhộng để xào nghệ cho cha.
Người bạn Chinh nóng ruột,hỏi An:
- Chinh nó có nói đi đâu không, cô em!
An ngước lên, bậm môi tức giận vì cách xưng hô sàm sỡ, đáp cộc lốc:
- Không.
- Vậy mà nó hẹn sáng nay đến là có liền.
An càng giận hơn, nói với khách:
- Các anh tưởng đây là nhà kho chắc!
Bạn Chinh vội hỏi:
- Cô em nói gì thế?
An dằn từng tiếng:
- Tôi nói: Các anh tưởng đây là cái kho tiền bạc, rượu thịt hay sao? Kỳ trước chính anh đã cầm thư về đòi hai mươi quan, bây giờ lại đến lấy thêm hai mươi quan nữa.
Khách cũng không vừa. Anh ta không kiêng nể gì cả, cãi lại:
- Cô em nói như vậy, chẳng hóa ra tôi là thằng chuyên moi tiền nhà cô hay sao! Cô phải biết, nó nợ thì phải trả. Còn hai mươi quan kỳ này, chính nó tự đứng ra lãnh chứ không ai ép. Tối hôm ấy kéo qua nhà "đại ca" thì rượu hết. Chính nó tự nguyện ứng ra hai mươi quan để đại ca tổ chức một bữa thật linh đình, mừng ngày anh em thoát chết trở về. Nó bảo nhìn quanh chỉ nhà nó là có đủ khả năng, anh em đừng lo. Cô em đã rõ chưa? Tôi chỉ là người đến nhận tiền để lo chuẩn bị sắm sửa.
Càng nghe nói, An càng giận anh. Cô thấy mình có lỗi khi đối xử nhạt nhẽo vô phép với khách. Giọng cô dịu dàng hơn:
- Bây giờ tôi mới vỡ lẽ. Anh ấy tưởng gia đình giàu có lắm hay sao! Anh coi, đồ đạc toàn những thứ rẻ tiền, lúc túng bán không ai thèm mua. Cha tôi già rồi, đào đâu ra tiền cho anh ấy phung phí. Anh ấy không biết nghĩ!
Bạn Chinh bớt giận, bảo An:
- Tôi chơi với Chinh lâu ngày còn lạ gì tính nó. Cười nói bi bô đó rồi quên đó. Nhưng được cái chơi với anh em rất chí tình. Lâu lâu cũng có phá quấy đấy, nhưng để đùa cợt chút thôi. Bản tâm không muốn làm hại ai, không muốn làm ai buồn.
An thở dài:
- Đã hai mươi lăm tuổi đầu mà tính vô tư như trẻ con, ham chơi quên mất tình cảnh gia đình. Anh thấy không, nhà chỉ còn hai cha con. Tôi đàn bà con gái, cha tôi ho hen luôn, không biết còn ở với con cái đến ngày nào. Hôm nào tôi quên không mua nhộng về xào nghệ thì y như rằng...
Người bạn Chinh trỏ đĩa nhộng hỏi:
- Thứ sâu này ăn được à?
An ngơ ngác hỏi lại:
- Anh nói sâu gì?
- Loại này này.
An cười giải thích:
- Nhộng kén mà anh bảo sâu. Anh chưa ăn thử bao giờ ư? Béo lắm. Ở phía bên kia sông người ta chuyên nuôi tầm lấy tơ, nên nhộng còn rẻ hơn cả thịt cá.
Bạn Chinh hỏi:
- Thế Chinh nó có thích thứ này không?
- Thích. Anh ấy hốt cả nắm bỏ vào miệng nhai như ăn bắp. Người bạn Chinh cười, như vừa tìm được điều gì thích thú. Anh ta nói:
- Thảo nào! Thảo nào nó thạo cái trò nuốt sâu!
An giật mình hỏi:
- Anh vừa nói gì thế?
Người khách cười cười nhìn An, rồi nói:
- Cô biết cái tính cắc cớ của anh cô rồi. Cái trò nuốt sâu đó.
- Vâng, nhưng hồi nhỏ ảnh...
- Lớn lên vẫn thế thôi. Chinh nó thích nhìn các bà các cô chết ngất vì hãi hùng. Cô biết không, mỗi lần đánh đến đâu, nó thường tìm đến nhà các cô gái trẻ đẹp để lân la nói chuyện. Tâm lý ai cũng sợ dân đeo gươm vác giáo, nên lúc nào các cô cũng ráng tỏ ra vui vẻ, lễ phép, ngoan ngoãn. Chờ lúc thuận tiện nhất, Chinh nó bắt đầu giở trò. Nó tìm bắt một con sâu nào đó, ở vườn thì thiếu gì. Nó cho con sâu bò trong lòng bàn tay. Nội bấy nhiêu cũng đủ cho các cô xanh mặt vì sợ hãi. Nhưng chưa hết. Nó bảo ở quê nó, người ta ăn loại sâu này để chữa bệnh sốt ngã nước. Rồi trong lúc các cô chưa kịp hoàn hồn, nó hất con sâu vào mồm nhai ngấu nghiến. Không có cô nào không ngã ra chết giấc.
An đã biết tính Chinh mà nghe kể, vẫn còn muốn nôn ọe vì kinh tởm. Mặt cô nhăn nhó vì cố ghìm cơn nôn. Người bạn Chinh cười to hơn, bảo An:
- Cô đừng sợ. Lần đầu biểu diễn cho chúng tôi xem thì nó nhai sâu thật. Nhưng các lần sau nó chỉ giả vờ. Nó ngậm sẵn một cọng trầu để nhai ra nước xanh, còn con sâu đã thả rơi xuống đất dẫm chân lên giấu, lúc hất mạnh tay vào miệng. Nó thích chơi trò đó, cô thấy có lạ lùng không?
An lo lắng hỏi:
- Nhưng anh ấy có xâm phạm đến họ không?
- Không bao giờ. Tụi này đặt hắn là "nhà nho nuốt sâu" mà!
*
* *
Vừa lúc đó Chinh và Lợi cùng vào nhà. Thấy bạn, Chinh cười nói rổn rảng:
- A ha! Chờ lâu không? Tìm cho được cái kho biết đi này đâu phải là chuyện đùa. Mày yên tâm. Về thưa với "đại ca" thế nào chiều nay cũng chu tất. Đã có anh Lợi giúp vào một tay, khỏi phải lo lắng nữa!
Người bạn vẫn còn lo ngại, rụt rè nhìn Lợi, rồi nói với Chinh:
- Nhưng tụi nó đòi kéo đến chúc thọ đại ca. Sợ đông quá!
Chinh phất mạnh tay ra vẻ hào phóng:
- Đông bao nhiêu cũng được. Càng đông càng vui. Phải không Lợi! Chiều nay kéo bọn bên kho qua chung vui, gọi là kết nghĩa giữa "hậu tập" với "tiền phương". Nhất định kéo bọn nó qua nhé! Bao nhiêu tất cả nào?
Lợi lúng túng gỡ bàn tay Chinh (lúc đó Chinh cứ nắm chặt lấy cánh tay Lợi mà hỏi han, mời mọc), chối từ:
- Chiều nay không tiện, anh ạ. Chúng tôi bận lắm!
Chinh trề môi chế giễu:
- Lại bận! Tiếp lương mà càng bận bịu bao nhiêu, kho càng mau rỗng bấy nhiêu. Cửa kho phải khóa chặt, thủ kho đi câu cá, thì mới mong nước giàu được.
Nói xong, Chinh cười hô hố một mình. Người bạn Chinh hỏi Lợi:
- Chiều nay chúng tôi đợi anh nhé!
Lợi giật mình, hỏi:
- Vâng. Nhưng, nhưng liệu có đông lắm không? Tôi sợ…
Chinh cười xòe hai bàn tay ra:
- Nhiều nhất là khoảng bốn lần thế này. Bốn chục con sâu rượu! "Ông" tính sao cho đủ thì thôi. Khoảng giờ dần nhé!
Lợi do dự, giữa lắc đầu và gật đầu. Chinh ôm vai người bạn nói:
- Thôi xong rồi. Về nói với anh em khoảng giờ dần phải có đủ mặt, cho dọn sẵn mâm chiếu. Rượu thịt anh Lợi sẽ cho mang tới sau. Cần gì nữa không? À quên, tao phải cùng với mày đi báo cho anh em chứ. Mượn ngựa đi cho nhanh. Lợi ở chơi nhé. Tụi này đi trước.
Chinh và người bạn đi rồi, An mới hỏi Lợi:
- Thế mà anh cũng nhận à?
Lợi đỏ mặt, xấu hổ vì sự yếu đuối thụ động của mình trước mặt An, lắc đầu chậm chậm ra vẻ chịu đựng vì khoan dung:
- An thấy không, anh ấy có cho tôi kịp nói được tiếng nào đâu. Mà từ chối làm sao được! Tôi chỉ sợ anh ấy mất mặt với bạn bè. Chứ ai khác, thì… Tính anh ấy tức cười nhỉ! Đúng là cha mẹ sinh con, nhưng trời sinh tính. Anh ấy không được đằm như An với Lãng.
An nhớ ra vội hỏi:
- Hôm vào Cù Mông, Lãng có nhắn gì cho em không?
Lợi nhớ lại cuộc đi không vui, nhớ vẻ mặt lạnh lùng của Huệ, sa sầm nét mặt. Nhưng anh mau chóng giấu ngay được xúc động riêng. Lấy giọng vui vẻ, Lợi hỏi:
- Lãng bảo gấp quá không viết kịp. Nhận được quà An, Lãng mừng lắm. Lãng bảo bà chị cứ bày vẽ!
An chớp chớp mắt vì cảm động. Trước mắt cô, Lợi có vẻ hiền lành tốt bụng, hình như cả đời chỉ bận lo công việc giúp đỡ kẻ khác. Nhất là ân cần giúp đỡ gia đình An. Trong cảnh sống bị cô lập, nếu không có Lợi, An chưa biết hai cha con sẽ như thế nào? Chẳng lẽ suốt ngày nằm nghe tiếng thở dài của nhau, cắt đứt mọi liên hệ với đời sống bên kia vách. Lợi mang đến lương thực, tin tức, mang đến cả những lời bông đùa. An ngước nhìn Lợi lần nữa, thấy thương hại anh. Cô âu yếm nhắc:
- Anh không đi lo rượu ngay cho họ, sợ không kịp đâu!
Lợi sung sướng vì lời nhắc nhở đầy âu yếm, cười đáp:
- Không kịp thì cũng phải vắt giò lên cổ mà chạy cho kịp. Chỉ vì anh Chinh tôi mới phải vậy, chứ ai khác thì…
An hiểu ý Lợi, li nhí bảo:
- Vâng, em cảm ơn anh lắm. Anh lo giúp cho anh Chinh đi! Có cần em nấu nướng gì không?
Lợi vội nói:
- Không đâu. Tôi chỉ sai tụi nó xuống phố một chốc là xong hết. An đừng lo. Tôi về nhé!