Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 30
Thọ Hương hí hửng tìm An, đưa một gói giấy ra, nói:
- Đố chị thứ gì trong này?
An định chụp cái gói giấy nhưng Thọ Hương cười to, chạy ra xa, gói giấy đưa lên quá tầm cao của An. An thấy lòng vui vui, hy vọng vu vơ e dè. Cô làm mặt tỉnh, nói với Thọ Hương:
- Thứ gì thì mở ra khắc biết ngay. Chị có nói đúng cũng chỉ do may rủi, chứ được gì đâu!
Thọ Hương nghiêm nét mặt, đưa gói giấy cho An:
- Của chị đấy!
Bấy giờ lòng An mới nổi lên rộn rã. Có lẽ mình đoán đúng. Nhưng biết đâu! Nếu đoán sai có phải tẽn tò với con bé không! An làm ra vẻ thờ ơ, lãnh đạm bảo Hương:
- Thọ Hương đừng đùa tội nghiệp chị. Có ai gửi quà cho chị đâu!
Thọ Hương thất vọng vì vẻ lãnh đạm bất ngờ của An, giận dỗi nói:
- Của chị em mới đưa chứ! Của chú Tám gửi chị mà!
An nghẹn lời, muốn ngộp thở. Cô không ngờ tuy đã đoán trước được một lần, lúc biết chắc sự thực, cô có thể xúc động đến độ ấy. Vẫn còn chưa dám tin trước một hạnh phúc quá lớn. An hỏi:
- Có thật của chú Tám Hương không? Ai đem về đấy!
Hương đáp:
- Quyển sách hôm trước chú gửi cho chị đấy. Hôm qua em chờ cha lên ngựa xong, lấy bạo vào phòng cha lục một lần nữa. tìm kiếm cả buổi không thấy gì. Chị biết không, em áy náy chưa tìm ra cho chị thì mỗi lần gặp chị, em có cảm tưởng mình còn mắc nợ chị. Cho nên em quyết tìm cho ra. Cuối cùng, chị biết em tìm thấy nó ở đâu không? Trên đầu tủ chè. Cha em vất trên đó. Í, em quên, có cha em cất trên đó để lại cho thầy nhưng quên đi. Em tìm lá thư ngắn kèm theo cuốn sách mà không thấy. Kìa, chị mở dây ra đi. Làm gì như người mất hồn thế!
An suy nghĩ về mấy lời nói hớ của Thọ Hương “Cha em vất trên đó”, lo âu đau xót cho những trở ngại, những dang dở, những tuyệt vọng có thể đến sau này. Thọ Hương nhắc, An mới giật mình nhớ đến gói quà. Cô mở sợi dây chỉ điều. Bên trong, là một tập thơ Đỗ Phủ in trên giấy hồng đào, bìa bọc gấm. Trên trang đầu có in tên một thư các bên Trung Hoa, và triện của Trần Vũ Bình Khang đóng đỏ chói.
Thọ Hương líu tíu hỏi:
- Đẹp quá hả chị! Chắc là quí lắm hả chị. Coi thứ giấy họ dùng kìa! Mịn và dai quá đi mất! Họ có đề giá tiền không chị.
An xem kỹ hai bìa, rồi đáp:
- Không. Vì đây là ấn bản cho thư các một dòng họ quí tộc bên Trung Hoa, nên không đề giá bán. Họ cần gì tiền mà bán sách. Không hiểu vì sao tên tuần phủ Bình Khang kiếm được quyển sách này!
Thọ Hương có vẻ thất vọng:
- Thế thì trị giá của nó là bao nhiêu?
An thương hại nhìn Hương, chậm rãi đáp:
- Khó mà nói cho trị giá của nó. Những dòng thơ này là máu, là nước mắt, suốt cả đời chìm nổi của Đỗ Thiếu Lăng. Đối với một người hiểu thơ thì cuốn sách không lấy gì định giá được, vì nó còn quí hơn cả một đời người. Đỗ Thiếu Lăng chết lạnh trong một chiếc thuyền rách trên quãng đường từ Đàm Châu đến Nhạc Dương, thân xác rữa nát mà đời vẫn còn biết tên là nhờ cuốn thơ này. Nhưng đối với những kẻ ngu phu thì không đáng một thanh gỗ thông nhen lửa. Thật vậy, vì đem nhen lửa loại giấy này cháy không tốt bằng gỗ thông.
- Chị nói em chẳng hiểu gì cả. Nào “thiếu lăng” với lại “đủ lăng”. Chị nói gọn cho em biết đi. Nếu gặp lúc túng đói, đem cuốn sách này ra đổi được mấy bát gạo?
An cả quyết đáp:
- Không đổi được bát gạo nào đâu!
- Trời ơi! Vậy thì chú Tám lẩn thẩn quá. Để vài bữa chú về, em phải trách chú mới được!
An hồi hộp đáp:
- Vài bữa nữa chú về? Ai bảo em thế?
Thọ Hương ngạc nhiên hỏi lại:
- Thế chị chưa biết sao?
- Biết cái gì?
- Chú Tám Thơm với cậu Lãng sắp về đây. Lính trạm chạy về báo trước tối hôm qua..
An sung sướng đến nóng ran cả mặt. Cô thắc mắc tự hỏi tại sao những việc tối quan trọng như vậy mà không ai cho An biết cả, An chỉ biết qua những dịp vô tình. An quên rằng so với tin tức quân Trịnh đã vượt qua đèo Hải Vân và quân Tống Phúc Hợp đã ra quá Xuân Đài, thì cái tin Huệ về hay không về chỉ là hạt bụi. Thọ Hương mãi suy nghĩ chuyện riêng, không chú ý đến nét xúc động của An. Chờ không thấy An nói gì, Hương tưởng cái tin Huệ về không có gì đáng nói, bèn quay sang chuyện khác. Hương cắn lấy môi dưới, bẽn lẽn liếc An, định nói điều gì nhưng còn xấu hổ do dự. An ngước lên hỏi:
- Em định nói gì mà ấp a ấp úng thế?
Thọ Hương chối:
- Có gì đâu!
- Thế tại sao em lại đỏ mặt?
- Em đỏ mặt hồi nào. Em chỉ tức cười thôi. Chị An này!
- Cái gì?
- Chiều hôm qua em thấy Đông Cung đi rửa mặt.
An bật cười:
- Tưởng chuyện gì lạ. Đông Cung đi rửa mặt mà em kể như chuyện trời sập.
Thọ Hương cãi lại:
- Em thấy là lạ sao đấy. Đầu tiên em nghe Đông Cung gọi thằng lính hầu, giọng trọ trẹ như giọng của cha chị vậy. Dĩ nhiên là thanh và mạnh hơn. Gọi hai ba lần không thấy ai thưa cả. Có lẽ thằng lính hầu bận việc gì đó. Em lén nhìn, thấy cửa sau xịch mở, rồi Đông Cung cầm cái thau ra phía chỗ ang nước. Lúc rửa mặt, Đông Cung vừa dùng cả hai tay vốc nước lên vuốt vào mặt vừa thở phì phò. Trông lạ lắm. Em cứ ngỡ các ông hoàng bà chúa phải có gì khác thường chứ!
An tinh nghịch nói:
- Sao lại không khác thường. Thọ Hương không nghe người ta gọi Đông Cung là chị Dương sao? Hai cô gái cùng đỏ mặt, bụm miệng cười ngặt nghẽo. Thọ Hương đấm thùm thụp vào lưng An, nói:
- Chị này quỉ quái lắm! Em không nói chuyện với chị nữa.
*
* *
Huệ và Lãng về Qui Nhơn đúng vào lúc tin thất bại ở Cẩm Sa dồn dập bay về. Cả phủ xao động, dáo dác. Những người vợ lính chạy đi hỏi tin tức thân nhân, mặt mày ai nấy đều hớt ha hớt hải. Những tin đồn thường bi thảm hóa tình hình thực tế, và những người mẹ người vợ tin những lời đồn đại đó hơn các lời trấn tĩnh của ông Vịnh, phụ trách việc quân của Tây Sơn. Một tin đồn nguy hiểm suýt làm náo động cả phủ là ông Vịnh vừa nhận được một danh sách ghi đầy đủ những người tử trận hoặc mất tích trong trận Cẩm Sa để báo tin cho gia đình, nhưng không biết vì cớ gì, Vịnh giấu đi. Tin ấy lan nhanh như lửa gặp gió. Ban đầu chỉ cò vài người thân thuộc của Vịnh đến hỏi. Vịnh, và cả vợ nữa, giải thích, cải chính, trấn an, vỗ về, an ủi... Đưa tất cả cái gì thiêng liêng nhất đời ra thề rằng không nhận được bản danh sách đó. Họ đưa được người này ra khỏi cửa, thì người khác đến. Dần dần số người tụ tập quanh nhà mình đông thêm, Sau đó bọn tò mò hiếu kỳ, bọn ngồi lê đôi mách cũng nhập bọn. Góc phủ náo loạn. Không khí xào xáo kích động dễ dàng những tâm hồn dao động hớt hải. Những bà cụ già bắt đầu thút thít, kể lể. Vài bà vợ lính bù lu bù loa, bứt tai bứt tóc. Cơn điên loạn truyền nhiễm đám đông. Người ta xô ngã vào nhà ông Vịnh. Người ta la ó, chửi rủa, than khóc... Nếu Bùi Văn Nhật không đem đội cấm quân đến giải tán một cách cương quyết thẳng thừng, không kiêng nể ai, thì chắc “cuộc dấy loạn” nho nhỏ ấy còn lan rộng nữa. Huệ tìm gặp ông giáo giữa lúc xao xác hỗn loạn đó!
Ông giáo tìm được người tri âm, giữ Huệ lại nói hết những ray rứt lo âu của mình:
- Anh thấy không! Tại sao lại phải đến nông nổi này! Tất cả đều hỗn loạn, quay cuồng điên đảo. Tất cả đều là tiếng khóc, đều là tang thương, côi cút, góa bụa. Ta phá tan tành cái cũ mà chưa biết làm nên cái mới ra sao, nên mọi người trở thành dân xiêu dạt, trên đầu không có mái che. Dường như đất ở dưới chân ta bắt đầu lay động. Những người dân đen khốn khổ, vì họ mà ta khởi dậy, vì họ mà cực nhọc vào sinh ra tử, anh thấy đó, họ vẫn cứ khổ, mắt họ còn chan hòa nước mắt. Da họ nhăn, những đứa bé còn lơ láo đói khát. Cuộc hỗn loạn này không phải là điều vô tình. Nó là tiếng chuông cảnh tỉnh, sự nhắc nhở muộn màng nhưng nếu ta chịu khó lắng nghe, tiếng chuông đó vẫn còn có ích. Giữa anh và tôi, chắc anh không nỡ giấu làm gì. Phía bắc mặt trận Cẩm Sa đã vỡ. Tôi nghe ông Vịnh bảo dù đạo quân Tàu Ô của Tập Đình, Lý Tài có ở trần trùng trục, gióc tóc, quấn khăn đỏ, đeo giấy vàng bạc, tay cầm khiên mây, đại đao xông vào liều chết đánh nhau, cũng không ăn thua gì. Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đinh Thể, Hoàng Phùng Cơ không phải là những tên lính bạc nhược như Nguyễn Cửu Chấn. Đã đành được thua trong chiến trận là việc thường. Nhưng lần này trầm trọng hơn các lần trước. Tôi được tin tức chắc chắn là Tập Đình đã trốn đi, đem theo đám bộ hạ Trung nghĩa quân và chiến thuyền. Bấy lâu nay ta mạnh là nhờ bọn vong mạng. Chúng có cướp bóc đấy, có phá làng phá xóm đấy, nhưng đánh trận, lúc nào chúng cũng xông lên hàng đầu. Tập Đình bỏ đi! Ta có thể cầm chân Lý Tài được không? Một nửa thuyền chiến đã mất, làm sao ta giữ được biển đông, trong khi quân ngũ dinh lại thạo về thủy chiến. Tôi nghe Tống Phúc Hợp đã cho thủy binh ra trận Ô Nha. Phủ Phú Yên lâm nguy! Mặt trận phía nam sao chịu thất thế hoài vậy?
Huệ cảm động nhìn nét mặt hớt hải của thầy. Sau một thời gian dài cách biệt, anh thấy ông giáo già hẳn đi. Tóc rụng nhiều. Da nhăn. Đôi mắt chuyển sang mầu đục, tuy ông giáo nói hăng hái cuồng nhiệt nhưng ánh mắt dường như vô hồn, lạc lõng. Anh cũng chú ý đến giọng nói run run và lâu lâu ông giáo đưa tay lên che miệng, húng hắng ho. Huệ bình tĩnh trả lời thầy:
- Vâng. Tống Phúc Hợp sắp đưa quân chiếm phủ Phú Yên. Con vội về đây cũng vì chuyện đó.
- Nhưng tại sao các anh cứ lùi mãi?Từ đèo Cả về Xuân Đài, rồi từ Xuân Đài còn rút về đâu nữa!
Huệ mỉm cười, chậm rãi trả lời:
- Có lẽ phải rút về đèo Cù Mông thôi, thầy ạ!
Ông giáo giật nẩy người, hỏi dồn:
- Anh nói thật hay nói đùa?
Huệ đáp:
- Thưa thầy con nói thật.
- Tại sao vậy?
Huệ sửa lại thế ngồi, chuẩn bị một cuộc nói chuyện dài dòng:
- Bao nhiêu năm nay, từ lúc con tạm bỏ sách vở của thầy để cầm kiếm, con nhận thấy nhiều lúc phải kiên nhẫn chờ đợi thôi. Nôn nóng không được. Thầy nhớ không, ngay từ thời đầu ở Tây Sơn thượng, thầy bực dọc biết bao với lời lẽ lỗ mãng, cư xử tục tằn, hành động thô bạo của bọn đầu đầu trộm đuôi cướp trốn gông cùm lên nương náu trên Tây Sơn thượng. Thầy không muốn chung chạ với bọn vong mạng đó. Sau khi xuống núi, thầy lại thấy thêm bọn cướp biển, bọn con buôn gian xảo gia nhập. Thầy thở ra thở vô. Thời đó con cũng bực dọc như thầy, nên mới xin anh con cùng với Mẫm lập riêng một toán gồm toàn những trai tráng có lý tưởng, có đức độ, hiểu rõ mình chiến đấu vì cái gì. Từ đó đến nay, chắc thầy đã thấy như con, đâu phải bọn vong mạng ấy hoàn toàn vô dụng. Chúng lập công thật nhiều, tuy phần phá phách không phải là ít. Không có chúng thì những người trầm tĩnh, những người quen tuân luật pháp, những người học rộng biết nhiều nên không thấy điều gì đáng kinh ngạc đến nỗi phải giận dữ xốc áo đứng dậy, những người cha hiền con hiếu, nói chung là những phần tử đáng tôn kính trong thời bình, không có chúng thì những người vừa kể có dám đột nhiên xắn tay, vác giáo xăm xăm phá thành hay không? Con nghĩ là thời nào cũng vậy, vào giai đoạn đầu, bọn vong mạng thật cần thiết. Điều quan trọng là chiều hướng sau đó của cuộc khởi loạn. Nếu như bọn vong mạng tiếp tục đi hàng đầu, chiếm lĩnh tất cả quyền điều khiển, thì cuộc khởi nghĩa dấy trước sau chỉ là một vụ cướp lớn. Ngược lại nếu ta vững tay lái, đếm một lúc bọn vong mạng ngỡ ngàng nhận thấy rằng đây không phải là một đám cướp, và chúng phải buộc phải bỏ đi, thì rõ ràng hàng ngũ chúng ta được thanh lọc. Tập Đình trốn đi mang theo bọn trộm cướp dưới tay, con nghĩ đó là tin mừng. Ta được lần lần thanh lọc, loại bớt những rác rưởi.
Ông giáo vội hỏi:
- Sau bọn trộm cắp, đến lượt bọn nào đào thải?
Huệ ngần ngừ không muốn nói. Ánh nhìn cầu khẩn của ông giáo khiến anh bối rối, thấy không thể giữ im lặng được. Anh nói, với một giọng dè dặt:
- Con chưa lấy làm gì chắc. Sau bọn vong mạng, có lẽ đến bọn cố chấp, rồi đến bọn cơ hội. Bọn cố chấp bị đào thải vì không theo kịp các biến động quá nhanh xảy ra trước mắt. Điều đó dễ hiểu. Khó nhất, chậm nhất, gay go nguy hiểm nhất là cuộc đào thải bọn cơ hội. Chúng nó là con tắc kè thay màu mau chóng, khó lòng biết đâu là người thiện chí đâu là tên cơ hội.
Ông giáo càng nghe Huệ nói càng dao động. Ông không ngờ Huệ đã lớn mau như vậy. Một cảm giác kiêng nể, sợ hãi xâm chiếm hồn ông. Ông liếc mắt nhìn Huệ, bắt gặp đôi mắt cười giễu cợt quen thuộc của học trò. Ông muốn hỏi Huệ:”Tôi thuộc vào hạng nào trong quá trình thanh lọc của anh?” nhưng thật nực cười, ông đâm sợ người học trò ấy. Thật ra ông sợ chính sự lạc lõng của mình, sự yếu đuối chậm chân không theo kịp đà lịch sử nên trở thành cố chấp. Đã có nhiều dấu hiệu đáng sợ báo trước giờ đào thải của ông: tâm hồn hoang mang, xúc động thái quá đến độ bi quan trước cái tổn thất, những đêm không chợp mắt vì lo âu vu vơ, thái độ lạnh nhạt của Nhật, của Chỉ, của trại chủ, những câu hỏi khó hiểu của Thọ Hương... Ông giáo sợ hãi nhìn chính mình! Ông muốn vào phòng riêng để tự do suy nghĩ, nên bảo Huệ:
- Con An nó mong gặp anh lắm. Hai chị em nói gì với nhau mà suốt đêm qua không chịu ngủ. An ơi!
*
* *
Chỉ có An và Huệ ở phòng trước. Bên ngoài trời tối. Ánh sáng ngọn đèn dầu thu hẹp không gian cho thêm ấm cúng. Và như sợ làm động đến bầu ánh sáng huyền hoặc mong manh đang mơn trớn ôm ấp hai người, cả An lẫn Huệ đều nói nhỏ, gần như thì thào. An run run thú nhận:
- Bấy lâu nay em sợ quá!
Huệ cố hiểu sai ý An, cười nhẹ nói:
- Lãng ở với tôi, An còn sợ gì nữa.
An vội bảo:
- Không phải thế. Em định bảo… định bảo. Nhưng thôi, có nói anh cũng không hiểu đâu!
- An chê tôi chậm hiểu à?
- Anh cứ quen thói ưa bắt bẻ!Được rồi, anh chậm hiểu lắm. Anh nhanh trí cái gì không biết, nhưng có chuyện anh rất chậm hiểu. Anh chỉ biết có anh.
Huệ hơi ngỡ ngàng, thích thú trước câu trách móc bất ngờ, cười nhẹ, rồi hỏi:
- Chẳng hạn An thấy tôi chậm hiểu việc gì nào?
An ấp úng, rồi đáp bừa:
- Như chuyện anh không thư từ liên lạc gì cả. Báo hại bên gia đình anh, ai cũng sốt ruột. Con bé Thọ Hương ngày nào cũng lo không biết chú Tám ra thế nào. Phần cha em thì lo cho thằng Lãng.
Huệ cảm động, ngước lên nhìn An. Cây đèn dầu chiếu một bên mặt An, viền đậm hàng mi dài, cái mũi thanh tú và đôi môi mím, môi dưới hơi trề ra trông dáng hờn dỗi. Lòng Huệ rộn rã. Anh muốn tìm câu chuyện nào vui vui để chuyển đề tài, cho An mỉm cười đôn hậu, mắt lóng lánh dưới ánh đèn. Biết bao lần anh mơ tưởng đến khuôn mặt này, đến mái tóc phủ lên chiếc cổ trắng, đến chiếc mũi thanh tú, đến vẻ hờn dỗi hay hân hoan thay đổi tùy theo cách mím môi, đến… đến tất cả kỷ niệm về một đoạn đường chung. Huệ lấy giọng nghiêm chỉnh hỏi:
- Mới đây mà An dời xuống đây hơn một năm rồi, phải không?
An nhỏ nhẹ đáp:
- Dạ. Hơn một năm rồi.
- Lâu nay An có trở về An Thái không?
- Không. Anh biết chuyện cậu Hai Nhiều rồi chứ!
- Biết. Bây giờ bà Hai sống với ai? ở đâu?
- Thế anh chưa biết gì à?
- Biết cái gì?
- Mợ Hai không thể ở lại nhà viên chánh tổng được, dời về nhà cũ. Thế mới khổ. Tức cười lắm, anh biết không, tại anh mà em bị mợ Hai rầy rà mấy ngày!
- Tại sao? Sao vậy?
- Hôm anh cho lính đến sửa khuôn cửa nhà cậu Hai, anh nhớ không? Anh có bảo họ là xem nhà vô chủ nào đó có khuôn cửa tốt cứ tháo gỡ ra, đem lắp nhà cậu mợ. Em nhất định không chịu, lấy tre và đất sét cho họ trám tạm. Mợ Hai về trông thấy vách nhà tèm lem, nổi cơn lên.
- Như vậy đâu phải lỗi tại tôi! Tại An gàn dở đấy chứ!
An bĩu môi:
- Gàn dở! Nếu anh chịu khó hơn, tìm đâu sẵn khuôn cửa rồi sai mang tới lắp, thì đâu có sinh chuyện. Em khỏi sợ mang tiếng đạo tặc!
Huệ cười to, rồi nói:
- An lẩn quẩn trong vòng đạo đức giả mất rồi! An không dính dấp vào, nhưng sẵn lòng thụ hưởng. Tội nặng hơn nhiều nghe!
Cả hai cùng bật cười. Huệ lại hỏi:
- Sao bà Hai Nhiều về nhà cũ thì An phải đi?
- Ở sao nổi. Mợ ấy đay nghiến, tìm cớ sanh sự hoài. Bất đắc dĩ em với chị vợ anh Kiên phải đi. - Vợ anh Kiên? À, anh có nghe chuyện đó, nhưng tưởng tụi nó nói đùa cho vui chứ!
- Cha em buồn về việc đó lắm. Ảnh biến thành ông chủ quán rượu, chuyên bán cho bọn mã phu. Thôi, đừng nhắc đến nữa!
- An về đây là phải. Gia đình đã đi xa cả, chẳng lẽ An ở một mình tại An Thái!
- Em không muốn xa mẹ. Trước hôm đi, em ra khóc với mẹ cả buổi chiều. Em… nói… với mẹ…
Xúc động khiến An không nói được nữa. Cô nhớ nỗi tuyệt vọng chua chát của cô chiều hôm ấy, hơn một năm qua vẫn còn mủi lòng. An thút thít khóc, rồi đưa ống tay áo lên gạt khô nước mắt. Huệ ngồi bàng hoàng không hiểu sao đột nhiên An khóc, không dám thốt lời nào. An khóc một lúc, gượng cười chữa thẹn:
- Em con nít quá. Cười đó rồi khóc đó! Chẳng ra làm sao cả! Anh biết không (An lại thút thít, và cười gượng) vòng về em có ghé lại Gò Miễu.
Huệ tò mò hỏi:
- An ghé chi vậy?
An hơi giận, đáp cộc lốc:
- Tại đi theo đường đó về nhà gần hơn!
Huệ biết mình lỡ lời, cố lấy giọng âu yếm hỏi:
- An có đến chỗ trước kia chúng tôi đóng trại không? Có tìm thấy thứ gì còn bỏ sót lại không?
An bĩu môi nói:
- Bỏ sót. Các anh vô ý thì dân An Thái đã nhờ! Chỉ còn mấy cái hố chốn cột trại trên đám cỏ ấy. Em nhìn, thấy buồn chi lạ!
Huệ cảm động trở nên lúng túng. Anh không thể tìm được câu nào ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn câu vừa rồi của An, để trình bày nỗi lòng mình. Anh nhìn An, rồi liếc nhìn lần nữa, không tìm ra ý cần. Huệ đành phải hoãn binh bằng cách cầm chén nước lên uống. Cái chén đồ sứ Giang Tây chỉ có thể mua được ở các thuyền buôn Hội An thôi. Huệ tò mò hỏi:
- Bộ chén trà ở đâu đẹp quá?
An đỏ mặt, lí nhí đáp:
- Của người ta biếu cha em. Anh xơi thêm nước!
Huệ lắc đầu:
- Thôi. Cảm ơn An.
Trong khi lòng đau nhói vì nhớ chuyện người ta kháo nhau rằng lâu nay Lợi lấy của kho mang tới cho An không thiếu thứ gì, từ đồ sứ Tàu cho đến hạt tiêu, cây tăm. Trước khi đến đây, Huệ đã nghe chị dâu nói mãi nói mãi về chuyện đó. Có đúng thế không? Tại sao nàng nhận của hắn? Của hắn? Có phải của hắn đâu? Hắn lấy của làng làm ơn cho xã, nàng không biết sao? An không nhận ra biến chuyển trên nét mặt Huệ, vui vẻ nói:
- À quên, em cảm ơn anh. Quyển sách đẹp lắm. Anh biết không, Thọ Hương hỏi em nếu đói thì đổi được mấy bát gạo.
Huệ hỏi hơi xẵng:
- Rồi cô trả lời sao?
An cười đáp:
- Em bảo chẳng được bát nào cả.
- An nói đúng. Quí giá gì đâu. Gửi An làm kỷ niệm cho vui thôi.
- Không phải thế. Em quí nó lắm chứ. Em đọc mà cứ sợ bụi bám vào, giở hé rồi cất đi. Anh sao thế?
*
* *
Buổi sáng, An đưa Lãng về Cù Mông xong mới xách rổ đi chợ. Hôm nay là chợ phiên chính, nhưng cô ngạc nhiên thấy chợ vắng vẻ như vừa trải qua một cơn bảo. Hàng hóa đã hiếm, mà kẻ bán người mua dường như không chú ý mấy đến công việc của mình. Từng tụm năm tụm ba châu đầu vào nhau xì xầm bàn tán, nét mặt người nào cũng dáo dác, hớt hải. Lều bán tôm cá vắng hoe vì biển động. Điều đó dễ hiểu. Ngay cả hàng rau và hàng gạo cũng lơ thơ. An ghé lại bà cụ thường bán nếp mua về nấu xôi sáng cho ông giáo. Thúng nếp còn đầy, nhưng bà giáo lắc đầu bảo:
- Cô ra trễ quá. Đã có người mua hết rồi cô ơi.
An nài nỉ:
- Cụ để cho con một ít cũng được. Chừng hai bát thôi.
- Người ta đã đưa tiền rồi, cô cảm phiền. Bạn hàng quen tôi không nói dối với cô đâu. Tôi lỡ nhận tiền trước, chứ nếu không, tôi đã mang về ăn không dám bán nữa. Thời buổi này, cô tính...
An vội hỏi:
- Có chuyện gì mà chợ vắng thế cụ?
Bà cụ hàng gạo nhìn trước nhìn sau, rồi ghé sát tai An thì thào:
- Cô chưa biết gì sao?
- Biết chuyện gì cơ?
- Lại sắp chạy giặc rồi.
- Ai bảo cụ thế?
- Ấy, cô đừng nói lớn, lỡ tai vách mạch rừng. Thì tôi nghe người ta đồn thế. Không biết hư thực thế nào, nhưng thiên hạ đổ dồn đi mua gạo. Nghe nói ở phía bắc... Thôi, tôi chắc họ lại đồn nhảm như mọi khi.
- Cụ nghe thế nào, cho con biết với.
- Tôi nói, cô đừng cho ai biết là do tôi kể nhé. Sáng nay có ông trương tuần đi loa khắp chợ là sẽ bắt đóng gông những ai loan tin đồn nhảm. Cô không kín miệng, tội nghiệp thân già này.
- Không. Cụ cứ yên tâm. Con không mách lẻo với ai đâu.
Bà hàng gạo nói thật nhỏ, mắt vẫn lấm lét nhìn quanh:
- Giặc đã vào tới Quãng Ngãi rồi đấy, cô biết chưa. Quân của mình bị thua nặng, chạy tan tác cả. Nghe nói lớp chết, lớp bị bắt. Mấy bà vợ lính trong phủ khóc như ri. Nhiều người chạy bộ ra tìm xác chồng. Kiếp lắm! Thảm lắm! Suỵt, cô xem kìa! Ấy, đừng quay lại. Mình làm như không thấy để khỏi sinh chuyện. Cô liếc nhìn về đầu phố kìa.
An kín đáo nhìn về phía bà hàng chỉ. Hai người lính An nhận ra ngay là thuộc đạo quân Tàu ô của Lý Tài, đầu thắt bím, đi chân đất, mình khoác một cái áo bẩn thỉu rách rưới đang thất thểu bước trước dãy quán ăn. Nhiều cửa hiệu gần đấy vội đóng cửa lại. Hai người lính có vẻ do dự một lát, đứng lại nói với nhau điều gì không rõ. Rồi cả hai tiến về phía một quán cơm chưa kịp đóng cửa. Bà cụ thở dài bảo:
- Kể cũng tội nghiệp. Nhưng cho họ ăn, thì cụt vốn mất. Không cho cũng không được. Ngay sáng nay, có một chú lính ngang ngược cầm đuốc dọa đốt cái quán tranh của chị hàng cháo, nếu không đưa cho hắn nguyên cả con gà luộc. Cô coi, buôn bán như thế thì còn ai dám mang hàng ra đây nữa. Chợ vắng vì thế. Lạ quá, sao cái chị mua nếp không trở lại! Tôi nóng ruột quá, phải về xem lũ nhỏ nó lo gạo thóc như thế nào! May tôi đã giữ kỹ mấy cái ruột tượng, không thì...
- Ruột tượng? Để làm gì thế cụ?
- Cô này như người trên trăng ấy! Cô không thấy người ta vét sạch gạo đem về cho vào ruột tượng lo chạy giặc ư?
An cười bảo bà cụ:
- Chỉ lo hão! Năm ngoái giặc cũng vào tận Bích Khê nhưng chúng có làm nên cơm nên cháo gì đâu!
Bà hàng cãi lại:
- Năm ngoái khác, năm nay khác. Năm nay là giặc tận ngoài bắc vào, chúng nó mạnh lắm! Kinh đô chúng nó còn lấy được, huống chi... Này này, cô xem. Lại bọn lính đói. Tốp này đông quá. Những sáu thằng. Không bẩy thằng chứ không phải sáu. Coi cách chúng nó ăn mặc kìa! Chúng nó dừng chỗ quán rượu. Thôi xong rồi, gia tài lão Chín. Cô ngồi dịch lại đây che giùm cái thúng nếp cho già chút!
An tức bực hỏi:
- Bọn lính tuần đâu mà để chúng phá phách phố xá thế?
Bà cụ cười đáp:
- Thôi, cô ơi! Ông vua cũng thua thằng liều. Chúng nó vừa thoát chết về, hỏi còn gì nữa mà sợ! Cô không ra đây sớm để nhìn bọn lính tuần. Thấy bọn lính đói, chúng nó biến nhanh như là ma vậy! Chả bù với ngày thường, lỡ già này ngồi lấn ra lòng đường một chút, phải biết! May quá, chị mua nếp trở lại rồi. Dữ ác! Tao tưởng mày đi luôn chứ. Cô này xin nhường lại hai bát, mày có chịu không?
Chị đàn bà mua nếp nhất định không chịu bán lại nếp cho An. Mà thực ra, An cũng không còn thiết gì nữa. Lòng cô rối bời. An đến hàng mắm mua vội một tí mắm cơm, và một ít ớt tỏi, rồi tất cả về phủ.
Cô hoảng sợ đến lạnh người khi thấy trong phủ Qui Nhơn cũng bắt đầu cảnh dáo dác hoảng loạn. Từ những chức việc quen chậm chạp cho đến quân lính, gai đình vợ con họ, ai nấy đều tất bật chạy đi chạy lại, gương mặt lo âu.
Trước cổng khu quân lương, nhiều người đàn bà và con nít lóng ngóng chờ đợi, nách ôm những bọc nhỏ có lẽ đựng vài thứ cần thiết như quần áo, thức ăn đường. Lính quân lương đi ra đi vào, mặt mày lạnh lùng để từ chối những lời thăm hỏi hay gửi gắm. Đám đông trước trại ngày càng ồn ào, tiếng con nít khóc chen lẫn tiếng mẹ chúng chửi mắng, quát tháo. An gặp Ngạnh đang cố thoát ra khỏi đám đông để lên phủ, níu lại hỏi:
- Chuyện gì mà ồn thế anh?
Ngạnh trố mắt nhìn An, giọng giận dữ:
- Đến cô mà cũng đến đây à?
- Ô hay! Sao anh hỏi vậy? Tôi đi chợ về thấy người ta bu quanh đây. Có chuyện gì vậy?
Ngạnh hiểu không phải An đến để nhờ vả mình, nên kéo An ra phía đường, vừa thở vừa nói:
- Cô coi thiên hạ có điên không? Tự nhiên nghe đồn là giặc sắp đến nơi, nên hoảng lên.
- Nhưng họ chạy đến đây làm gì?
- Họ nghe chúng tôi cho chuyển kho lên Tây Sơn thượng, nên nghĩ có lẽ trên đó an toàn, ùn ùn kéo nhau đến xin quá giang. Cô coi, bồng bế dắt díu nhau như thế kia, trông có thảm không. Mỗi lần chúng tôi có việc phải ra cổng, họ bu vào làm tình làm tội như là hổ vồ mồi. Quần áo, trông mà khiếp!
An lo âu hỏi:
- Nhưng tại sao lại cho lệnh chuyển kho trong lúc này?
Ngạnh giơ hai tay lên trời than:
- Thế mới lạ! Ngoài phố đã thế, trong này không giữ được trật tự thì còn gì nữa! Không biết chuyện chuyển kho đã dự tính từ lâu, hay mới quyết định đây?
- Anh Lợi đâu rồi?
- Tôi cũng chẳng hiểu. Chắc lên trên phủ. Cô đi đâu về thế?
- Tôi vừa bảo với anh là vừa đi chợ về. Ngoài phố sắp loạn lên đấy, anh có biết không?
- Tụi du thủ du thực của Lý Tài chứ gì!
- Vâng. Họ chạy về đây lúc nào thế?
- Sau khi bị vỡ ở trận Cẩm Sa. Bọn theo Tập Đình trốn đi, khiến bọn theo Lý Tài hoang mang, một số bỏ trốn về đây, một số Lý Tài tập trung lại được, hiện còn đóng ngoài Tam Quan.
An nhớ đến Chinh, lo lắng hỏi Ngạnh:
- Anh nghe tin ấy ở đâu thế?
- Anh Lợi nói.
- Sao hôm qua anh Lợi không nói gì với tôi cả.
Ngạnh cười:
- Cô quên ư? Hôm qua ông Huệ chưa về Cù Mông, anh ấy như con gián sợ mặt trời...
An đỏ mặt đưa mắt lườm Ngạnh. Anh ta tự thấy đã đùa quá lố, nghiêm mặt lại. An bảo:
- Thôi tôi phải về. Chắc cha tôi biết nhiều tin tức mới. Anh vào làm việc đi. Tôi về nhé!
*
* *
An chờ cha về ăn cơm trưa, nhưng ông giáo bận họp trên phủ không thấy về. Cô còn đang bồn chồn, không hiểu cha có việc gì không, thì Thọ Hương tới.
Nét mặt kinh hoàng của Thọ Hương khiến An lo lắng thêm. Cô tưởng người bạn gái bé nhỏ mang tin buồn đến cho cô. An thảng thốt hỏi:
- Việc gì thế Hương, chị sợ quá! Hương chỉ chờ có thế. Cô gái ôm chầm lấy An mà khóc nức nở. An hoang mang không dám hỏi thẳng Hương về tin tức Chinh, hay hỏi lý do vì sao ông giáo không về trưa nay. Diễn biến của tình thế nhanh quá, đã vượt ra ngoài tầm tay An. Cô chới với không biết hỏi ai để biết rõ ràng hiện nay chúng ta đang ở đâu, sắp tới điều gì sẽ xảy ra. An tin rằng Thọ Hương biết hết, và nét mặt kinh hoàng của Hương là một điềm báo dữ. Chờ cho Hương bớt nức nở, An mới gỡ tay cô gái ra, dỗ dành:
- Em đừng khóc nữa. Em thương chị, chị cảm ơn lắm. Chị đã quen với những rủi ro mất mát rồi. Em đừng lo chị buồn. Cứ nói cho chị biết đi. Gia đình chị đã gặp chuyện rủi ro gì?
Thọ Hương ngạc nhiên nhìn An, không hiểu. Thọ Hương hỏi:
- Chị nói gì vậy?
- Thế tại sao em khóc?
- Em lo quá chị An ơi!
An làm mặt đàn chị, an ủi:
- Không việc gì phải lo, Thọ Hương. Thắng bại là chuyện thường. Hương nhớ không, năm ngoái quân ta rút về tận Bích Khê, mà có sao đâu.
Một lần nữa, Thọ Hương lại ngỡ ngàng hỏi:
- Chị nói gì, em không hiểu gì cả.
An trố mắt nhìn Thọ Hương, giọng đã hơi bực.
- Không phải em khóc vì lo giặc sắp đến ư?
Thọ Hương bật cười, tuy nước mắt còn đầm đìa trên má:
- Không. Em lo chuyện của em.
- Chuyện của em là chuyện gì?
Thọ Hương đã bắt đầu bình tĩnh, vừa thút thít vừa ngập ngừng nói:
- Sáng nay, cha mẹ gọi em lên bảo em phải lấy chồng.
An thích thú reo lên:
- Đi lấy chồng mà khóc như đi đưa ma! Đừng con nít thế! Em đã lớn, đã đến tuổi lập gia đình rồi, em biết không. Nhưng cha mẹ gả em cho ai thế?
Thọ Hương càng do dự hơn trước, gương mặt pha lẫn thảng thốt và vui mừng khiến An thêm tò mò. An dục:
- Em lấy ai thế? Chỉ có một mình chị, việc gì mà ngượng.
Thọ Hương mím môi để lấy thêm can đảm, rồi liều lĩnh nói nhanh:
- Cha muốn gả em cho Đông Cung.
An không tin tai mình, vội hỏi lại:
- Em nói sao? Gả cho Đông Cung à?
Thọ Hương đỏ mặt không dám nhìn An, cũng không dám lên tiếng xác nhận. Cô chỉ gật đầu, răng trên cắm chặt lấy môi dưới để không bật khóc vì xấu hổ. An mừng rỡ ôm chầm lấy bạn:
- Thế mà khóc! Chị không hiểu nổi em nữa, Hương ơi!
Chị mừng cho em. Lấy Đông Cung, em có thấy hết tầm quan trọng của chuyện đó không? Lấy Đông Cung! MAi sau Đông Cung lên ngôi, em sẽ thành...
Thọ Hương sợ hãi cắt lời An:
- Chị đừng nói nữa.Chính điều đó làm em lạnh đến tận xương sống. Em ngộp thở,như đột ngột bị một trái núi đổ sập lên người. Nghe cha em nói xong, em chết điếng, rồi mếu máo khóc. Cha em giận quá quát lên. Em vội chạy ra đây tìm chị. Làm sao đây chị An?
An cười, bảo:
- Làm sao? Chẳng lẽ đấy là một tai họa nên chị phải cứu em thoát nạn! Đừng trẻ con thế Hương! Em sợ cái gì? Em không xứng đáng để làm hoàng hậu sao? Em không xấu thua ai. Cha em đang có quyền thế. Đông Cung hiện đang ở đây, cái ăn cái uống cũng nhờ một tay cha em bảo bọc. Cả đến hai viên đại thần theo hầu Đông Cung cũng nem nép khúm núm khi thấy cha em đến. Hơn nữa, không có cha em thì liệu Đông Cung có còn giữ được mạng sống hay không, chứ đừng nói hy vọng mai sau sẽ lên nối ngôi chúa. Nghĩa là Đông Cung có thể lên ngôi hay không lên ngôi, là do cha em định đoạt. Cái ngôi vua Đông Cung sắp ngồi là do cha em dựng cho, Thọ Hương thấy chưa, có gì đáng sợ đến nỗi phải mếu máo?
Thọ Hương thấy An nói có lý, phần nào đã yên tâm. Cô bớt hốt hoảng. Nhưng nỗi lo ngại vẫn lởn vởn, mơ hồ. Thọ Hương rụt rè nói:
- Nghe chị thì em...thì em thấy bớt sợ. Nhưng... nhưng em cứ lo lắng.
- Em lo điều gì nữa?
Thọ Hương đột ngột hỏi:
- Lấy chồng là sao hở chị?
An lúng túng không biết trả lời thế nào. Chính cô cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc vợ chồng. An chỉ mới hiểu mơ hồ rằng một người đàn ông và một người đàn bà cùng chung sống trong một mái nhà, thương yêu nhau, lo lắng cho nhau, xa nhau thì nhớ, mất nhau như cha An mất mẹ thì đau đớn như đứt từng khúc ruột, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trước mọi may rủi trên đường đời. Vợ chồng sống với nhau tất có con cái, mừng rỡ khi con mạnh khỏe, khổ sở trằn trọc khi con đau ốm...Chắc chắn còn có nhiều điều nữa An chưa hiểu hết. Nhiều điều bất thường, lạ lùng, như cảnh vợ chồng giữa anh Kiên và người vợ góa viên cai cơ, như chuyện người vợ đào hát của anh kép Mịch lấy viên khâm sai lạng, như chuyện gấu ó chửi mắng nhau thậm tệ giữa những cặp vợ chồng lính phủ... Thế nào là vợ chồng? Thế nào là một cuộc hôn nhân đáng mơ ước? Thọ Hương chờ mãi chưa thấy An trả lời, nên giục:
- Chị, lấy chồng là thế nào? Em lo vì chưa hiểu gì cả!
An đành thú thực:
- Chị cũng chưa hiểu, làm sao trả lời em được.
Thọ Hương bật cười:
- Em đã đui lại tìm hỏi đường chị mù. Nhưng em không tin chị đâu. Chị giả vờ không biết để khỏi trả lời em đó thôi. Chị lớn tuổi hơn em, chị phải hiểu.
An vội nói:
- Chị nói thật mà! Chị chưa hiểu gì đâu.
Thọ Hương tin An thành thực, quay lại giọng tâm sự:
- Em thấy trước khi trở thành vợ chồng, hai bên phải biết nhau, phải thương nhau đã. Cũng như chị với...với chú Tám. Chị cứ để em nói, vì em hiểu chị, em thương chị. Chú Tám lúc nào về cũng tìm em để hỏi về chị. Chú ấy tức cười lắm. Muốn hỏi chuyện chị mà cứ loanh quanh. Nào những là: Thọ Hương đã học được đến đâu rồi? Thọ Hương thêu đẹp hơn kỳ trước chú về đây nhé! Thọ Hương có thường đi chơi với ai không? Em biết tận tim đen của chú, nên cứ trùng trình không đả động gì đến chị cả. Cuối cùng chú Tám phải đỏ mặt lên, lí nhí hỏi thẳng chuyện của chị. Đấy, em nghĩ nếu mái sau thành vợ thành chồng, thì người chồng phải là kẻ luôn luôn nhớ tưởng đến vợ như chú Tám với chị, và người vợ cũng nhớ tưởng lo lắng cho chồng như...như.
An cắt lời Thọ Hương:
- Thôi, em chỉ nói nhảm.
- Không, chị để em nói. Mà thôi, em chưa nói chị đã hiểu rồi. Em nghĩ đó là tình thương yêu phải có giữa vợ chồng. Nhưng chị An ơi, chị nghĩ xem, nếu em lấy Đông Cung, thì đâu có những lo lắng cho nhau, nhớ tưởng đến nhau như trường hợp chị với...với chú Tám. Em chưa bao giờ được nói một câu với...với ông ấy. Ông ấy cũng chưa từng nhìn thẳng vào mặt em. Ông ấy chưa tính em thế nào, thích cái gì, không thích cái gì. Em cũng vậy. Em chỉ thấy được một lần ông ấy đi ra ang tự múc nước rửa mặt. Như vậy đã đủ để thành vợ chồng chưa?
An không biết trả lời thế nào, chỉ đáp bừa:
- Nhiều khi trước khi lấy nhau, hai đàng chưa hề gặp mặt nhau. Người dân dã thì có thể đã gặp nhau trên đường đi làm đồng, hay trên đường đi củi, còn dân quyền quí sống cấm cung thì không bao giờ con cái được ra khỏi nhà. Đến ngày cưới, chú rể mới biết mặt cô dâu. Thế mà sau ngày cưới, vợ chồng vẫn thương yêu nhau thắm thiết.
Thọ Hương không thỏa mãn, thắc mắc:
- Nhưng hôm đám cưới, cô dâu chú rể nói gì với nhau đây? Nhất là khi nhà gái đã ra về?
An cười:
- Lúc đó cô dâu không nói gì cả. Cô chỉ khóc.
- Vậy thì đáng sợ quá.
- Không sao đâu Hương. Nhờ cô dâu khóc mà chú rể mới có dịp dỗ dành. Từ đó họ làm quen nhau.
Hai cô gái cùng cười to. Cười xong, Thọ Hương vẫn bồn chồn thất thần:
- Nhưng em vẫn sợ! Chị An, làm sao đây?
*
* *
Xế chiều, trong vòng thành phủ không khí hớt hải xao xác chẳng khác nào không khí một thành phố bị bao vây. Mọi người, nhất là những người đàn bà, cứ thắc thỏm đứng ngồi không yên, hết chạy quanh hỏi thăm tin tức lại về nhà thúc giục con cái thu vén quần áo, lương thực, cất giấu đồ quí giá, cột gói sẵn những thứ cần thiết chuẩn bị chạy giặc. Thuyền chở gạo của kho quân lương ngoài bến sông bị những kẻ liều lĩnh ùa xuống chiếm chỗ để tản cư. Rào trại kho bị phá. Từng toán những đàn bà con nít nheo nhóc ôm xách đủ thứ lỉnh kỉnh thất tha thất thểu trên những con đường trong phủ, tuyệt vọng ra về sau khi không tìm được chỗ quá giang lên Tây Sơn Thượng.
Không thể để cho tâm trạng sợ hãi bao trùm khắp phủ như một màu tang tóc! Hỗn loạn đã bắt đầu rồi! Không có biện pháp quyết liệt, chắc chắn phủ Qui Nhơn sẽ tự tan rã đổ vỡ trước khi quân Trịnh vượt quá Châu Ổ, và quân Nguyễn tiến tới sông Cầu. Đó là nhận định chung của tất cả mọi người trong buổi họp trưa hôm đó, do Nhạc chủ tọa.
Một số những biện pháp khẩn cấp được ban hành.
Nghiêm lệnh loan đo khắp phủ dọa chém tại chỗ những lính đào ngũ hay lang thang khắp nơi để cướp phá. Ban đầu lính truyền hiệu còn dè dặt, chọn những nơi nào không có bọn tàng quân của Lý Tài tụ họp để loan tin. Nhưng rồi chúng cũng nghe được. Chúng cười hô hố, cho đó là chuyện đùa bỡn, nên từ chuyện đi săn rượu cúng chuyển sang đi săn những tên truyền hiệu. Chúng bắt một anh lính rủi ro nhập bọn, đẩy ra đi phía trước, ấn mũi gươm sau lưng để buộc anh ta cầm loa loan báo cho khắp hai phố phủ biết theo lệnh trên, những nhà nào còn cất giấu rượu thịt phải mau mau đem nộp cho “các Ngài Hòa Nghĩa quân”, bất tuân sẽ bị đốt nhà bêu đầu ngay lập tức. Thật táo tợn đến độ không còn có thể nương tay được nữa. Nhạc đích thân dẫn một toán quân đông đảo ra bao vây phố phủ, bắt hết bọn tàng quân du thủ du thực. Một vài tên vì sợ mà tỉnh rượu hoặc vừa tỉnh rượu nên biết sợ, trốn vào nhà dân trú. Nhưng với cái bím trên đầu, với hơi men nồng nặc và cách ăn bận xốc xếch, chúng trốn đi đâu! Nhạc bắt gọn tất cả bọn cướp bóc làm náo loạn phố phủ và trước khi trời sụp tối, trong ánh sáng u ám của bầu trời chạng vạng và tiếng trống tùng-bi-li thê thiết, 28 cái đầu lần lượt rơi trên bãi đất trống trước cổng thành.
Việc dời kho, do quyết định hấp tấp của Nhạc, cũng được hoãn lại. Lương thực gạo mắm đã lỡ đem xuống thuyền hoặc đóng lên yên ngựa thồ, thay vì đem lên phía tây, được lệnh chuyển ra phía bắt tiếp tế cho các toán quân đóng dọc hai bên quan lộ, hoặc ứng trước cho quân dịch trạng. Một số nữa tăng cường cho quân lương mặt nam. Chuyện dời kho bị xem như tin đồn nhảm do bọn xấu loan truyền, hòng lừa gạt những kẻ nhẹ dạ để kiếm chác. Trật tự mau chóng được tái lập, những bà nội trợ thở phào nhìn đống quần áo cột gói vất bừa bãi giữa gian nhà trống như dấu tích sự nhẹ dạ. Con nít được mở cơm dỡ ra chia nhau mà ăn, lại cười nói bi bô, chỉ hơi tiếc không được dự một cuộc đi xa nhọc nhằn nhưng hào hứng.
- Ngay đêm ấy, gánh hát bội của Mịch trình diễn vở tuồng Phụng Nghi Đình trên cái rạp lộ thiên cho dân chúng xem. Tiếng trống chầu, tiếng kèm, tiếng sanh, tiếng hát, tiếng cười nói chen nhau, mau chóng xua đi những ám ảnh của buổi sáng xao xác. May mắn là con người mau quên, nhất là những người thời loạn!
- Đố chị thứ gì trong này?
An định chụp cái gói giấy nhưng Thọ Hương cười to, chạy ra xa, gói giấy đưa lên quá tầm cao của An. An thấy lòng vui vui, hy vọng vu vơ e dè. Cô làm mặt tỉnh, nói với Thọ Hương:
- Thứ gì thì mở ra khắc biết ngay. Chị có nói đúng cũng chỉ do may rủi, chứ được gì đâu!
Thọ Hương nghiêm nét mặt, đưa gói giấy cho An:
- Của chị đấy!
Bấy giờ lòng An mới nổi lên rộn rã. Có lẽ mình đoán đúng. Nhưng biết đâu! Nếu đoán sai có phải tẽn tò với con bé không! An làm ra vẻ thờ ơ, lãnh đạm bảo Hương:
- Thọ Hương đừng đùa tội nghiệp chị. Có ai gửi quà cho chị đâu!
Thọ Hương thất vọng vì vẻ lãnh đạm bất ngờ của An, giận dỗi nói:
- Của chị em mới đưa chứ! Của chú Tám gửi chị mà!
An nghẹn lời, muốn ngộp thở. Cô không ngờ tuy đã đoán trước được một lần, lúc biết chắc sự thực, cô có thể xúc động đến độ ấy. Vẫn còn chưa dám tin trước một hạnh phúc quá lớn. An hỏi:
- Có thật của chú Tám Hương không? Ai đem về đấy!
Hương đáp:
- Quyển sách hôm trước chú gửi cho chị đấy. Hôm qua em chờ cha lên ngựa xong, lấy bạo vào phòng cha lục một lần nữa. tìm kiếm cả buổi không thấy gì. Chị biết không, em áy náy chưa tìm ra cho chị thì mỗi lần gặp chị, em có cảm tưởng mình còn mắc nợ chị. Cho nên em quyết tìm cho ra. Cuối cùng, chị biết em tìm thấy nó ở đâu không? Trên đầu tủ chè. Cha em vất trên đó. Í, em quên, có cha em cất trên đó để lại cho thầy nhưng quên đi. Em tìm lá thư ngắn kèm theo cuốn sách mà không thấy. Kìa, chị mở dây ra đi. Làm gì như người mất hồn thế!
An suy nghĩ về mấy lời nói hớ của Thọ Hương “Cha em vất trên đó”, lo âu đau xót cho những trở ngại, những dang dở, những tuyệt vọng có thể đến sau này. Thọ Hương nhắc, An mới giật mình nhớ đến gói quà. Cô mở sợi dây chỉ điều. Bên trong, là một tập thơ Đỗ Phủ in trên giấy hồng đào, bìa bọc gấm. Trên trang đầu có in tên một thư các bên Trung Hoa, và triện của Trần Vũ Bình Khang đóng đỏ chói.
Thọ Hương líu tíu hỏi:
- Đẹp quá hả chị! Chắc là quí lắm hả chị. Coi thứ giấy họ dùng kìa! Mịn và dai quá đi mất! Họ có đề giá tiền không chị.
An xem kỹ hai bìa, rồi đáp:
- Không. Vì đây là ấn bản cho thư các một dòng họ quí tộc bên Trung Hoa, nên không đề giá bán. Họ cần gì tiền mà bán sách. Không hiểu vì sao tên tuần phủ Bình Khang kiếm được quyển sách này!
Thọ Hương có vẻ thất vọng:
- Thế thì trị giá của nó là bao nhiêu?
An thương hại nhìn Hương, chậm rãi đáp:
- Khó mà nói cho trị giá của nó. Những dòng thơ này là máu, là nước mắt, suốt cả đời chìm nổi của Đỗ Thiếu Lăng. Đối với một người hiểu thơ thì cuốn sách không lấy gì định giá được, vì nó còn quí hơn cả một đời người. Đỗ Thiếu Lăng chết lạnh trong một chiếc thuyền rách trên quãng đường từ Đàm Châu đến Nhạc Dương, thân xác rữa nát mà đời vẫn còn biết tên là nhờ cuốn thơ này. Nhưng đối với những kẻ ngu phu thì không đáng một thanh gỗ thông nhen lửa. Thật vậy, vì đem nhen lửa loại giấy này cháy không tốt bằng gỗ thông.
- Chị nói em chẳng hiểu gì cả. Nào “thiếu lăng” với lại “đủ lăng”. Chị nói gọn cho em biết đi. Nếu gặp lúc túng đói, đem cuốn sách này ra đổi được mấy bát gạo?
An cả quyết đáp:
- Không đổi được bát gạo nào đâu!
- Trời ơi! Vậy thì chú Tám lẩn thẩn quá. Để vài bữa chú về, em phải trách chú mới được!
An hồi hộp đáp:
- Vài bữa nữa chú về? Ai bảo em thế?
Thọ Hương ngạc nhiên hỏi lại:
- Thế chị chưa biết sao?
- Biết cái gì?
- Chú Tám Thơm với cậu Lãng sắp về đây. Lính trạm chạy về báo trước tối hôm qua..
An sung sướng đến nóng ran cả mặt. Cô thắc mắc tự hỏi tại sao những việc tối quan trọng như vậy mà không ai cho An biết cả, An chỉ biết qua những dịp vô tình. An quên rằng so với tin tức quân Trịnh đã vượt qua đèo Hải Vân và quân Tống Phúc Hợp đã ra quá Xuân Đài, thì cái tin Huệ về hay không về chỉ là hạt bụi. Thọ Hương mãi suy nghĩ chuyện riêng, không chú ý đến nét xúc động của An. Chờ không thấy An nói gì, Hương tưởng cái tin Huệ về không có gì đáng nói, bèn quay sang chuyện khác. Hương cắn lấy môi dưới, bẽn lẽn liếc An, định nói điều gì nhưng còn xấu hổ do dự. An ngước lên hỏi:
- Em định nói gì mà ấp a ấp úng thế?
Thọ Hương chối:
- Có gì đâu!
- Thế tại sao em lại đỏ mặt?
- Em đỏ mặt hồi nào. Em chỉ tức cười thôi. Chị An này!
- Cái gì?
- Chiều hôm qua em thấy Đông Cung đi rửa mặt.
An bật cười:
- Tưởng chuyện gì lạ. Đông Cung đi rửa mặt mà em kể như chuyện trời sập.
Thọ Hương cãi lại:
- Em thấy là lạ sao đấy. Đầu tiên em nghe Đông Cung gọi thằng lính hầu, giọng trọ trẹ như giọng của cha chị vậy. Dĩ nhiên là thanh và mạnh hơn. Gọi hai ba lần không thấy ai thưa cả. Có lẽ thằng lính hầu bận việc gì đó. Em lén nhìn, thấy cửa sau xịch mở, rồi Đông Cung cầm cái thau ra phía chỗ ang nước. Lúc rửa mặt, Đông Cung vừa dùng cả hai tay vốc nước lên vuốt vào mặt vừa thở phì phò. Trông lạ lắm. Em cứ ngỡ các ông hoàng bà chúa phải có gì khác thường chứ!
An tinh nghịch nói:
- Sao lại không khác thường. Thọ Hương không nghe người ta gọi Đông Cung là chị Dương sao? Hai cô gái cùng đỏ mặt, bụm miệng cười ngặt nghẽo. Thọ Hương đấm thùm thụp vào lưng An, nói:
- Chị này quỉ quái lắm! Em không nói chuyện với chị nữa.
*
* *
Huệ và Lãng về Qui Nhơn đúng vào lúc tin thất bại ở Cẩm Sa dồn dập bay về. Cả phủ xao động, dáo dác. Những người vợ lính chạy đi hỏi tin tức thân nhân, mặt mày ai nấy đều hớt ha hớt hải. Những tin đồn thường bi thảm hóa tình hình thực tế, và những người mẹ người vợ tin những lời đồn đại đó hơn các lời trấn tĩnh của ông Vịnh, phụ trách việc quân của Tây Sơn. Một tin đồn nguy hiểm suýt làm náo động cả phủ là ông Vịnh vừa nhận được một danh sách ghi đầy đủ những người tử trận hoặc mất tích trong trận Cẩm Sa để báo tin cho gia đình, nhưng không biết vì cớ gì, Vịnh giấu đi. Tin ấy lan nhanh như lửa gặp gió. Ban đầu chỉ cò vài người thân thuộc của Vịnh đến hỏi. Vịnh, và cả vợ nữa, giải thích, cải chính, trấn an, vỗ về, an ủi... Đưa tất cả cái gì thiêng liêng nhất đời ra thề rằng không nhận được bản danh sách đó. Họ đưa được người này ra khỏi cửa, thì người khác đến. Dần dần số người tụ tập quanh nhà mình đông thêm, Sau đó bọn tò mò hiếu kỳ, bọn ngồi lê đôi mách cũng nhập bọn. Góc phủ náo loạn. Không khí xào xáo kích động dễ dàng những tâm hồn dao động hớt hải. Những bà cụ già bắt đầu thút thít, kể lể. Vài bà vợ lính bù lu bù loa, bứt tai bứt tóc. Cơn điên loạn truyền nhiễm đám đông. Người ta xô ngã vào nhà ông Vịnh. Người ta la ó, chửi rủa, than khóc... Nếu Bùi Văn Nhật không đem đội cấm quân đến giải tán một cách cương quyết thẳng thừng, không kiêng nể ai, thì chắc “cuộc dấy loạn” nho nhỏ ấy còn lan rộng nữa. Huệ tìm gặp ông giáo giữa lúc xao xác hỗn loạn đó!
Ông giáo tìm được người tri âm, giữ Huệ lại nói hết những ray rứt lo âu của mình:
- Anh thấy không! Tại sao lại phải đến nông nổi này! Tất cả đều hỗn loạn, quay cuồng điên đảo. Tất cả đều là tiếng khóc, đều là tang thương, côi cút, góa bụa. Ta phá tan tành cái cũ mà chưa biết làm nên cái mới ra sao, nên mọi người trở thành dân xiêu dạt, trên đầu không có mái che. Dường như đất ở dưới chân ta bắt đầu lay động. Những người dân đen khốn khổ, vì họ mà ta khởi dậy, vì họ mà cực nhọc vào sinh ra tử, anh thấy đó, họ vẫn cứ khổ, mắt họ còn chan hòa nước mắt. Da họ nhăn, những đứa bé còn lơ láo đói khát. Cuộc hỗn loạn này không phải là điều vô tình. Nó là tiếng chuông cảnh tỉnh, sự nhắc nhở muộn màng nhưng nếu ta chịu khó lắng nghe, tiếng chuông đó vẫn còn có ích. Giữa anh và tôi, chắc anh không nỡ giấu làm gì. Phía bắc mặt trận Cẩm Sa đã vỡ. Tôi nghe ông Vịnh bảo dù đạo quân Tàu Ô của Tập Đình, Lý Tài có ở trần trùng trục, gióc tóc, quấn khăn đỏ, đeo giấy vàng bạc, tay cầm khiên mây, đại đao xông vào liều chết đánh nhau, cũng không ăn thua gì. Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đinh Thể, Hoàng Phùng Cơ không phải là những tên lính bạc nhược như Nguyễn Cửu Chấn. Đã đành được thua trong chiến trận là việc thường. Nhưng lần này trầm trọng hơn các lần trước. Tôi được tin tức chắc chắn là Tập Đình đã trốn đi, đem theo đám bộ hạ Trung nghĩa quân và chiến thuyền. Bấy lâu nay ta mạnh là nhờ bọn vong mạng. Chúng có cướp bóc đấy, có phá làng phá xóm đấy, nhưng đánh trận, lúc nào chúng cũng xông lên hàng đầu. Tập Đình bỏ đi! Ta có thể cầm chân Lý Tài được không? Một nửa thuyền chiến đã mất, làm sao ta giữ được biển đông, trong khi quân ngũ dinh lại thạo về thủy chiến. Tôi nghe Tống Phúc Hợp đã cho thủy binh ra trận Ô Nha. Phủ Phú Yên lâm nguy! Mặt trận phía nam sao chịu thất thế hoài vậy?
Huệ cảm động nhìn nét mặt hớt hải của thầy. Sau một thời gian dài cách biệt, anh thấy ông giáo già hẳn đi. Tóc rụng nhiều. Da nhăn. Đôi mắt chuyển sang mầu đục, tuy ông giáo nói hăng hái cuồng nhiệt nhưng ánh mắt dường như vô hồn, lạc lõng. Anh cũng chú ý đến giọng nói run run và lâu lâu ông giáo đưa tay lên che miệng, húng hắng ho. Huệ bình tĩnh trả lời thầy:
- Vâng. Tống Phúc Hợp sắp đưa quân chiếm phủ Phú Yên. Con vội về đây cũng vì chuyện đó.
- Nhưng tại sao các anh cứ lùi mãi?Từ đèo Cả về Xuân Đài, rồi từ Xuân Đài còn rút về đâu nữa!
Huệ mỉm cười, chậm rãi trả lời:
- Có lẽ phải rút về đèo Cù Mông thôi, thầy ạ!
Ông giáo giật nẩy người, hỏi dồn:
- Anh nói thật hay nói đùa?
Huệ đáp:
- Thưa thầy con nói thật.
- Tại sao vậy?
Huệ sửa lại thế ngồi, chuẩn bị một cuộc nói chuyện dài dòng:
- Bao nhiêu năm nay, từ lúc con tạm bỏ sách vở của thầy để cầm kiếm, con nhận thấy nhiều lúc phải kiên nhẫn chờ đợi thôi. Nôn nóng không được. Thầy nhớ không, ngay từ thời đầu ở Tây Sơn thượng, thầy bực dọc biết bao với lời lẽ lỗ mãng, cư xử tục tằn, hành động thô bạo của bọn đầu đầu trộm đuôi cướp trốn gông cùm lên nương náu trên Tây Sơn thượng. Thầy không muốn chung chạ với bọn vong mạng đó. Sau khi xuống núi, thầy lại thấy thêm bọn cướp biển, bọn con buôn gian xảo gia nhập. Thầy thở ra thở vô. Thời đó con cũng bực dọc như thầy, nên mới xin anh con cùng với Mẫm lập riêng một toán gồm toàn những trai tráng có lý tưởng, có đức độ, hiểu rõ mình chiến đấu vì cái gì. Từ đó đến nay, chắc thầy đã thấy như con, đâu phải bọn vong mạng ấy hoàn toàn vô dụng. Chúng lập công thật nhiều, tuy phần phá phách không phải là ít. Không có chúng thì những người trầm tĩnh, những người quen tuân luật pháp, những người học rộng biết nhiều nên không thấy điều gì đáng kinh ngạc đến nỗi phải giận dữ xốc áo đứng dậy, những người cha hiền con hiếu, nói chung là những phần tử đáng tôn kính trong thời bình, không có chúng thì những người vừa kể có dám đột nhiên xắn tay, vác giáo xăm xăm phá thành hay không? Con nghĩ là thời nào cũng vậy, vào giai đoạn đầu, bọn vong mạng thật cần thiết. Điều quan trọng là chiều hướng sau đó của cuộc khởi loạn. Nếu như bọn vong mạng tiếp tục đi hàng đầu, chiếm lĩnh tất cả quyền điều khiển, thì cuộc khởi nghĩa dấy trước sau chỉ là một vụ cướp lớn. Ngược lại nếu ta vững tay lái, đếm một lúc bọn vong mạng ngỡ ngàng nhận thấy rằng đây không phải là một đám cướp, và chúng phải buộc phải bỏ đi, thì rõ ràng hàng ngũ chúng ta được thanh lọc. Tập Đình trốn đi mang theo bọn trộm cướp dưới tay, con nghĩ đó là tin mừng. Ta được lần lần thanh lọc, loại bớt những rác rưởi.
Ông giáo vội hỏi:
- Sau bọn trộm cắp, đến lượt bọn nào đào thải?
Huệ ngần ngừ không muốn nói. Ánh nhìn cầu khẩn của ông giáo khiến anh bối rối, thấy không thể giữ im lặng được. Anh nói, với một giọng dè dặt:
- Con chưa lấy làm gì chắc. Sau bọn vong mạng, có lẽ đến bọn cố chấp, rồi đến bọn cơ hội. Bọn cố chấp bị đào thải vì không theo kịp các biến động quá nhanh xảy ra trước mắt. Điều đó dễ hiểu. Khó nhất, chậm nhất, gay go nguy hiểm nhất là cuộc đào thải bọn cơ hội. Chúng nó là con tắc kè thay màu mau chóng, khó lòng biết đâu là người thiện chí đâu là tên cơ hội.
Ông giáo càng nghe Huệ nói càng dao động. Ông không ngờ Huệ đã lớn mau như vậy. Một cảm giác kiêng nể, sợ hãi xâm chiếm hồn ông. Ông liếc mắt nhìn Huệ, bắt gặp đôi mắt cười giễu cợt quen thuộc của học trò. Ông muốn hỏi Huệ:”Tôi thuộc vào hạng nào trong quá trình thanh lọc của anh?” nhưng thật nực cười, ông đâm sợ người học trò ấy. Thật ra ông sợ chính sự lạc lõng của mình, sự yếu đuối chậm chân không theo kịp đà lịch sử nên trở thành cố chấp. Đã có nhiều dấu hiệu đáng sợ báo trước giờ đào thải của ông: tâm hồn hoang mang, xúc động thái quá đến độ bi quan trước cái tổn thất, những đêm không chợp mắt vì lo âu vu vơ, thái độ lạnh nhạt của Nhật, của Chỉ, của trại chủ, những câu hỏi khó hiểu của Thọ Hương... Ông giáo sợ hãi nhìn chính mình! Ông muốn vào phòng riêng để tự do suy nghĩ, nên bảo Huệ:
- Con An nó mong gặp anh lắm. Hai chị em nói gì với nhau mà suốt đêm qua không chịu ngủ. An ơi!
*
* *
Chỉ có An và Huệ ở phòng trước. Bên ngoài trời tối. Ánh sáng ngọn đèn dầu thu hẹp không gian cho thêm ấm cúng. Và như sợ làm động đến bầu ánh sáng huyền hoặc mong manh đang mơn trớn ôm ấp hai người, cả An lẫn Huệ đều nói nhỏ, gần như thì thào. An run run thú nhận:
- Bấy lâu nay em sợ quá!
Huệ cố hiểu sai ý An, cười nhẹ nói:
- Lãng ở với tôi, An còn sợ gì nữa.
An vội bảo:
- Không phải thế. Em định bảo… định bảo. Nhưng thôi, có nói anh cũng không hiểu đâu!
- An chê tôi chậm hiểu à?
- Anh cứ quen thói ưa bắt bẻ!Được rồi, anh chậm hiểu lắm. Anh nhanh trí cái gì không biết, nhưng có chuyện anh rất chậm hiểu. Anh chỉ biết có anh.
Huệ hơi ngỡ ngàng, thích thú trước câu trách móc bất ngờ, cười nhẹ, rồi hỏi:
- Chẳng hạn An thấy tôi chậm hiểu việc gì nào?
An ấp úng, rồi đáp bừa:
- Như chuyện anh không thư từ liên lạc gì cả. Báo hại bên gia đình anh, ai cũng sốt ruột. Con bé Thọ Hương ngày nào cũng lo không biết chú Tám ra thế nào. Phần cha em thì lo cho thằng Lãng.
Huệ cảm động, ngước lên nhìn An. Cây đèn dầu chiếu một bên mặt An, viền đậm hàng mi dài, cái mũi thanh tú và đôi môi mím, môi dưới hơi trề ra trông dáng hờn dỗi. Lòng Huệ rộn rã. Anh muốn tìm câu chuyện nào vui vui để chuyển đề tài, cho An mỉm cười đôn hậu, mắt lóng lánh dưới ánh đèn. Biết bao lần anh mơ tưởng đến khuôn mặt này, đến mái tóc phủ lên chiếc cổ trắng, đến chiếc mũi thanh tú, đến vẻ hờn dỗi hay hân hoan thay đổi tùy theo cách mím môi, đến… đến tất cả kỷ niệm về một đoạn đường chung. Huệ lấy giọng nghiêm chỉnh hỏi:
- Mới đây mà An dời xuống đây hơn một năm rồi, phải không?
An nhỏ nhẹ đáp:
- Dạ. Hơn một năm rồi.
- Lâu nay An có trở về An Thái không?
- Không. Anh biết chuyện cậu Hai Nhiều rồi chứ!
- Biết. Bây giờ bà Hai sống với ai? ở đâu?
- Thế anh chưa biết gì à?
- Biết cái gì?
- Mợ Hai không thể ở lại nhà viên chánh tổng được, dời về nhà cũ. Thế mới khổ. Tức cười lắm, anh biết không, tại anh mà em bị mợ Hai rầy rà mấy ngày!
- Tại sao? Sao vậy?
- Hôm anh cho lính đến sửa khuôn cửa nhà cậu Hai, anh nhớ không? Anh có bảo họ là xem nhà vô chủ nào đó có khuôn cửa tốt cứ tháo gỡ ra, đem lắp nhà cậu mợ. Em nhất định không chịu, lấy tre và đất sét cho họ trám tạm. Mợ Hai về trông thấy vách nhà tèm lem, nổi cơn lên.
- Như vậy đâu phải lỗi tại tôi! Tại An gàn dở đấy chứ!
An bĩu môi:
- Gàn dở! Nếu anh chịu khó hơn, tìm đâu sẵn khuôn cửa rồi sai mang tới lắp, thì đâu có sinh chuyện. Em khỏi sợ mang tiếng đạo tặc!
Huệ cười to, rồi nói:
- An lẩn quẩn trong vòng đạo đức giả mất rồi! An không dính dấp vào, nhưng sẵn lòng thụ hưởng. Tội nặng hơn nhiều nghe!
Cả hai cùng bật cười. Huệ lại hỏi:
- Sao bà Hai Nhiều về nhà cũ thì An phải đi?
- Ở sao nổi. Mợ ấy đay nghiến, tìm cớ sanh sự hoài. Bất đắc dĩ em với chị vợ anh Kiên phải đi. - Vợ anh Kiên? À, anh có nghe chuyện đó, nhưng tưởng tụi nó nói đùa cho vui chứ!
- Cha em buồn về việc đó lắm. Ảnh biến thành ông chủ quán rượu, chuyên bán cho bọn mã phu. Thôi, đừng nhắc đến nữa!
- An về đây là phải. Gia đình đã đi xa cả, chẳng lẽ An ở một mình tại An Thái!
- Em không muốn xa mẹ. Trước hôm đi, em ra khóc với mẹ cả buổi chiều. Em… nói… với mẹ…
Xúc động khiến An không nói được nữa. Cô nhớ nỗi tuyệt vọng chua chát của cô chiều hôm ấy, hơn một năm qua vẫn còn mủi lòng. An thút thít khóc, rồi đưa ống tay áo lên gạt khô nước mắt. Huệ ngồi bàng hoàng không hiểu sao đột nhiên An khóc, không dám thốt lời nào. An khóc một lúc, gượng cười chữa thẹn:
- Em con nít quá. Cười đó rồi khóc đó! Chẳng ra làm sao cả! Anh biết không (An lại thút thít, và cười gượng) vòng về em có ghé lại Gò Miễu.
Huệ tò mò hỏi:
- An ghé chi vậy?
An hơi giận, đáp cộc lốc:
- Tại đi theo đường đó về nhà gần hơn!
Huệ biết mình lỡ lời, cố lấy giọng âu yếm hỏi:
- An có đến chỗ trước kia chúng tôi đóng trại không? Có tìm thấy thứ gì còn bỏ sót lại không?
An bĩu môi nói:
- Bỏ sót. Các anh vô ý thì dân An Thái đã nhờ! Chỉ còn mấy cái hố chốn cột trại trên đám cỏ ấy. Em nhìn, thấy buồn chi lạ!
Huệ cảm động trở nên lúng túng. Anh không thể tìm được câu nào ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn câu vừa rồi của An, để trình bày nỗi lòng mình. Anh nhìn An, rồi liếc nhìn lần nữa, không tìm ra ý cần. Huệ đành phải hoãn binh bằng cách cầm chén nước lên uống. Cái chén đồ sứ Giang Tây chỉ có thể mua được ở các thuyền buôn Hội An thôi. Huệ tò mò hỏi:
- Bộ chén trà ở đâu đẹp quá?
An đỏ mặt, lí nhí đáp:
- Của người ta biếu cha em. Anh xơi thêm nước!
Huệ lắc đầu:
- Thôi. Cảm ơn An.
Trong khi lòng đau nhói vì nhớ chuyện người ta kháo nhau rằng lâu nay Lợi lấy của kho mang tới cho An không thiếu thứ gì, từ đồ sứ Tàu cho đến hạt tiêu, cây tăm. Trước khi đến đây, Huệ đã nghe chị dâu nói mãi nói mãi về chuyện đó. Có đúng thế không? Tại sao nàng nhận của hắn? Của hắn? Có phải của hắn đâu? Hắn lấy của làng làm ơn cho xã, nàng không biết sao? An không nhận ra biến chuyển trên nét mặt Huệ, vui vẻ nói:
- À quên, em cảm ơn anh. Quyển sách đẹp lắm. Anh biết không, Thọ Hương hỏi em nếu đói thì đổi được mấy bát gạo.
Huệ hỏi hơi xẵng:
- Rồi cô trả lời sao?
An cười đáp:
- Em bảo chẳng được bát nào cả.
- An nói đúng. Quí giá gì đâu. Gửi An làm kỷ niệm cho vui thôi.
- Không phải thế. Em quí nó lắm chứ. Em đọc mà cứ sợ bụi bám vào, giở hé rồi cất đi. Anh sao thế?
*
* *
Buổi sáng, An đưa Lãng về Cù Mông xong mới xách rổ đi chợ. Hôm nay là chợ phiên chính, nhưng cô ngạc nhiên thấy chợ vắng vẻ như vừa trải qua một cơn bảo. Hàng hóa đã hiếm, mà kẻ bán người mua dường như không chú ý mấy đến công việc của mình. Từng tụm năm tụm ba châu đầu vào nhau xì xầm bàn tán, nét mặt người nào cũng dáo dác, hớt hải. Lều bán tôm cá vắng hoe vì biển động. Điều đó dễ hiểu. Ngay cả hàng rau và hàng gạo cũng lơ thơ. An ghé lại bà cụ thường bán nếp mua về nấu xôi sáng cho ông giáo. Thúng nếp còn đầy, nhưng bà giáo lắc đầu bảo:
- Cô ra trễ quá. Đã có người mua hết rồi cô ơi.
An nài nỉ:
- Cụ để cho con một ít cũng được. Chừng hai bát thôi.
- Người ta đã đưa tiền rồi, cô cảm phiền. Bạn hàng quen tôi không nói dối với cô đâu. Tôi lỡ nhận tiền trước, chứ nếu không, tôi đã mang về ăn không dám bán nữa. Thời buổi này, cô tính...
An vội hỏi:
- Có chuyện gì mà chợ vắng thế cụ?
Bà cụ hàng gạo nhìn trước nhìn sau, rồi ghé sát tai An thì thào:
- Cô chưa biết gì sao?
- Biết chuyện gì cơ?
- Lại sắp chạy giặc rồi.
- Ai bảo cụ thế?
- Ấy, cô đừng nói lớn, lỡ tai vách mạch rừng. Thì tôi nghe người ta đồn thế. Không biết hư thực thế nào, nhưng thiên hạ đổ dồn đi mua gạo. Nghe nói ở phía bắc... Thôi, tôi chắc họ lại đồn nhảm như mọi khi.
- Cụ nghe thế nào, cho con biết với.
- Tôi nói, cô đừng cho ai biết là do tôi kể nhé. Sáng nay có ông trương tuần đi loa khắp chợ là sẽ bắt đóng gông những ai loan tin đồn nhảm. Cô không kín miệng, tội nghiệp thân già này.
- Không. Cụ cứ yên tâm. Con không mách lẻo với ai đâu.
Bà hàng gạo nói thật nhỏ, mắt vẫn lấm lét nhìn quanh:
- Giặc đã vào tới Quãng Ngãi rồi đấy, cô biết chưa. Quân của mình bị thua nặng, chạy tan tác cả. Nghe nói lớp chết, lớp bị bắt. Mấy bà vợ lính trong phủ khóc như ri. Nhiều người chạy bộ ra tìm xác chồng. Kiếp lắm! Thảm lắm! Suỵt, cô xem kìa! Ấy, đừng quay lại. Mình làm như không thấy để khỏi sinh chuyện. Cô liếc nhìn về đầu phố kìa.
An kín đáo nhìn về phía bà hàng chỉ. Hai người lính An nhận ra ngay là thuộc đạo quân Tàu ô của Lý Tài, đầu thắt bím, đi chân đất, mình khoác một cái áo bẩn thỉu rách rưới đang thất thểu bước trước dãy quán ăn. Nhiều cửa hiệu gần đấy vội đóng cửa lại. Hai người lính có vẻ do dự một lát, đứng lại nói với nhau điều gì không rõ. Rồi cả hai tiến về phía một quán cơm chưa kịp đóng cửa. Bà cụ thở dài bảo:
- Kể cũng tội nghiệp. Nhưng cho họ ăn, thì cụt vốn mất. Không cho cũng không được. Ngay sáng nay, có một chú lính ngang ngược cầm đuốc dọa đốt cái quán tranh của chị hàng cháo, nếu không đưa cho hắn nguyên cả con gà luộc. Cô coi, buôn bán như thế thì còn ai dám mang hàng ra đây nữa. Chợ vắng vì thế. Lạ quá, sao cái chị mua nếp không trở lại! Tôi nóng ruột quá, phải về xem lũ nhỏ nó lo gạo thóc như thế nào! May tôi đã giữ kỹ mấy cái ruột tượng, không thì...
- Ruột tượng? Để làm gì thế cụ?
- Cô này như người trên trăng ấy! Cô không thấy người ta vét sạch gạo đem về cho vào ruột tượng lo chạy giặc ư?
An cười bảo bà cụ:
- Chỉ lo hão! Năm ngoái giặc cũng vào tận Bích Khê nhưng chúng có làm nên cơm nên cháo gì đâu!
Bà hàng cãi lại:
- Năm ngoái khác, năm nay khác. Năm nay là giặc tận ngoài bắc vào, chúng nó mạnh lắm! Kinh đô chúng nó còn lấy được, huống chi... Này này, cô xem. Lại bọn lính đói. Tốp này đông quá. Những sáu thằng. Không bẩy thằng chứ không phải sáu. Coi cách chúng nó ăn mặc kìa! Chúng nó dừng chỗ quán rượu. Thôi xong rồi, gia tài lão Chín. Cô ngồi dịch lại đây che giùm cái thúng nếp cho già chút!
An tức bực hỏi:
- Bọn lính tuần đâu mà để chúng phá phách phố xá thế?
Bà cụ cười đáp:
- Thôi, cô ơi! Ông vua cũng thua thằng liều. Chúng nó vừa thoát chết về, hỏi còn gì nữa mà sợ! Cô không ra đây sớm để nhìn bọn lính tuần. Thấy bọn lính đói, chúng nó biến nhanh như là ma vậy! Chả bù với ngày thường, lỡ già này ngồi lấn ra lòng đường một chút, phải biết! May quá, chị mua nếp trở lại rồi. Dữ ác! Tao tưởng mày đi luôn chứ. Cô này xin nhường lại hai bát, mày có chịu không?
Chị đàn bà mua nếp nhất định không chịu bán lại nếp cho An. Mà thực ra, An cũng không còn thiết gì nữa. Lòng cô rối bời. An đến hàng mắm mua vội một tí mắm cơm, và một ít ớt tỏi, rồi tất cả về phủ.
Cô hoảng sợ đến lạnh người khi thấy trong phủ Qui Nhơn cũng bắt đầu cảnh dáo dác hoảng loạn. Từ những chức việc quen chậm chạp cho đến quân lính, gai đình vợ con họ, ai nấy đều tất bật chạy đi chạy lại, gương mặt lo âu.
Trước cổng khu quân lương, nhiều người đàn bà và con nít lóng ngóng chờ đợi, nách ôm những bọc nhỏ có lẽ đựng vài thứ cần thiết như quần áo, thức ăn đường. Lính quân lương đi ra đi vào, mặt mày lạnh lùng để từ chối những lời thăm hỏi hay gửi gắm. Đám đông trước trại ngày càng ồn ào, tiếng con nít khóc chen lẫn tiếng mẹ chúng chửi mắng, quát tháo. An gặp Ngạnh đang cố thoát ra khỏi đám đông để lên phủ, níu lại hỏi:
- Chuyện gì mà ồn thế anh?
Ngạnh trố mắt nhìn An, giọng giận dữ:
- Đến cô mà cũng đến đây à?
- Ô hay! Sao anh hỏi vậy? Tôi đi chợ về thấy người ta bu quanh đây. Có chuyện gì vậy?
Ngạnh hiểu không phải An đến để nhờ vả mình, nên kéo An ra phía đường, vừa thở vừa nói:
- Cô coi thiên hạ có điên không? Tự nhiên nghe đồn là giặc sắp đến nơi, nên hoảng lên.
- Nhưng họ chạy đến đây làm gì?
- Họ nghe chúng tôi cho chuyển kho lên Tây Sơn thượng, nên nghĩ có lẽ trên đó an toàn, ùn ùn kéo nhau đến xin quá giang. Cô coi, bồng bế dắt díu nhau như thế kia, trông có thảm không. Mỗi lần chúng tôi có việc phải ra cổng, họ bu vào làm tình làm tội như là hổ vồ mồi. Quần áo, trông mà khiếp!
An lo âu hỏi:
- Nhưng tại sao lại cho lệnh chuyển kho trong lúc này?
Ngạnh giơ hai tay lên trời than:
- Thế mới lạ! Ngoài phố đã thế, trong này không giữ được trật tự thì còn gì nữa! Không biết chuyện chuyển kho đã dự tính từ lâu, hay mới quyết định đây?
- Anh Lợi đâu rồi?
- Tôi cũng chẳng hiểu. Chắc lên trên phủ. Cô đi đâu về thế?
- Tôi vừa bảo với anh là vừa đi chợ về. Ngoài phố sắp loạn lên đấy, anh có biết không?
- Tụi du thủ du thực của Lý Tài chứ gì!
- Vâng. Họ chạy về đây lúc nào thế?
- Sau khi bị vỡ ở trận Cẩm Sa. Bọn theo Tập Đình trốn đi, khiến bọn theo Lý Tài hoang mang, một số bỏ trốn về đây, một số Lý Tài tập trung lại được, hiện còn đóng ngoài Tam Quan.
An nhớ đến Chinh, lo lắng hỏi Ngạnh:
- Anh nghe tin ấy ở đâu thế?
- Anh Lợi nói.
- Sao hôm qua anh Lợi không nói gì với tôi cả.
Ngạnh cười:
- Cô quên ư? Hôm qua ông Huệ chưa về Cù Mông, anh ấy như con gián sợ mặt trời...
An đỏ mặt đưa mắt lườm Ngạnh. Anh ta tự thấy đã đùa quá lố, nghiêm mặt lại. An bảo:
- Thôi tôi phải về. Chắc cha tôi biết nhiều tin tức mới. Anh vào làm việc đi. Tôi về nhé!
*
* *
An chờ cha về ăn cơm trưa, nhưng ông giáo bận họp trên phủ không thấy về. Cô còn đang bồn chồn, không hiểu cha có việc gì không, thì Thọ Hương tới.
Nét mặt kinh hoàng của Thọ Hương khiến An lo lắng thêm. Cô tưởng người bạn gái bé nhỏ mang tin buồn đến cho cô. An thảng thốt hỏi:
- Việc gì thế Hương, chị sợ quá! Hương chỉ chờ có thế. Cô gái ôm chầm lấy An mà khóc nức nở. An hoang mang không dám hỏi thẳng Hương về tin tức Chinh, hay hỏi lý do vì sao ông giáo không về trưa nay. Diễn biến của tình thế nhanh quá, đã vượt ra ngoài tầm tay An. Cô chới với không biết hỏi ai để biết rõ ràng hiện nay chúng ta đang ở đâu, sắp tới điều gì sẽ xảy ra. An tin rằng Thọ Hương biết hết, và nét mặt kinh hoàng của Hương là một điềm báo dữ. Chờ cho Hương bớt nức nở, An mới gỡ tay cô gái ra, dỗ dành:
- Em đừng khóc nữa. Em thương chị, chị cảm ơn lắm. Chị đã quen với những rủi ro mất mát rồi. Em đừng lo chị buồn. Cứ nói cho chị biết đi. Gia đình chị đã gặp chuyện rủi ro gì?
Thọ Hương ngạc nhiên nhìn An, không hiểu. Thọ Hương hỏi:
- Chị nói gì vậy?
- Thế tại sao em khóc?
- Em lo quá chị An ơi!
An làm mặt đàn chị, an ủi:
- Không việc gì phải lo, Thọ Hương. Thắng bại là chuyện thường. Hương nhớ không, năm ngoái quân ta rút về tận Bích Khê, mà có sao đâu.
Một lần nữa, Thọ Hương lại ngỡ ngàng hỏi:
- Chị nói gì, em không hiểu gì cả.
An trố mắt nhìn Thọ Hương, giọng đã hơi bực.
- Không phải em khóc vì lo giặc sắp đến ư?
Thọ Hương bật cười, tuy nước mắt còn đầm đìa trên má:
- Không. Em lo chuyện của em.
- Chuyện của em là chuyện gì?
Thọ Hương đã bắt đầu bình tĩnh, vừa thút thít vừa ngập ngừng nói:
- Sáng nay, cha mẹ gọi em lên bảo em phải lấy chồng.
An thích thú reo lên:
- Đi lấy chồng mà khóc như đi đưa ma! Đừng con nít thế! Em đã lớn, đã đến tuổi lập gia đình rồi, em biết không. Nhưng cha mẹ gả em cho ai thế?
Thọ Hương càng do dự hơn trước, gương mặt pha lẫn thảng thốt và vui mừng khiến An thêm tò mò. An dục:
- Em lấy ai thế? Chỉ có một mình chị, việc gì mà ngượng.
Thọ Hương mím môi để lấy thêm can đảm, rồi liều lĩnh nói nhanh:
- Cha muốn gả em cho Đông Cung.
An không tin tai mình, vội hỏi lại:
- Em nói sao? Gả cho Đông Cung à?
Thọ Hương đỏ mặt không dám nhìn An, cũng không dám lên tiếng xác nhận. Cô chỉ gật đầu, răng trên cắm chặt lấy môi dưới để không bật khóc vì xấu hổ. An mừng rỡ ôm chầm lấy bạn:
- Thế mà khóc! Chị không hiểu nổi em nữa, Hương ơi!
Chị mừng cho em. Lấy Đông Cung, em có thấy hết tầm quan trọng của chuyện đó không? Lấy Đông Cung! MAi sau Đông Cung lên ngôi, em sẽ thành...
Thọ Hương sợ hãi cắt lời An:
- Chị đừng nói nữa.Chính điều đó làm em lạnh đến tận xương sống. Em ngộp thở,như đột ngột bị một trái núi đổ sập lên người. Nghe cha em nói xong, em chết điếng, rồi mếu máo khóc. Cha em giận quá quát lên. Em vội chạy ra đây tìm chị. Làm sao đây chị An?
An cười, bảo:
- Làm sao? Chẳng lẽ đấy là một tai họa nên chị phải cứu em thoát nạn! Đừng trẻ con thế Hương! Em sợ cái gì? Em không xứng đáng để làm hoàng hậu sao? Em không xấu thua ai. Cha em đang có quyền thế. Đông Cung hiện đang ở đây, cái ăn cái uống cũng nhờ một tay cha em bảo bọc. Cả đến hai viên đại thần theo hầu Đông Cung cũng nem nép khúm núm khi thấy cha em đến. Hơn nữa, không có cha em thì liệu Đông Cung có còn giữ được mạng sống hay không, chứ đừng nói hy vọng mai sau sẽ lên nối ngôi chúa. Nghĩa là Đông Cung có thể lên ngôi hay không lên ngôi, là do cha em định đoạt. Cái ngôi vua Đông Cung sắp ngồi là do cha em dựng cho, Thọ Hương thấy chưa, có gì đáng sợ đến nỗi phải mếu máo?
Thọ Hương thấy An nói có lý, phần nào đã yên tâm. Cô bớt hốt hoảng. Nhưng nỗi lo ngại vẫn lởn vởn, mơ hồ. Thọ Hương rụt rè nói:
- Nghe chị thì em...thì em thấy bớt sợ. Nhưng... nhưng em cứ lo lắng.
- Em lo điều gì nữa?
Thọ Hương đột ngột hỏi:
- Lấy chồng là sao hở chị?
An lúng túng không biết trả lời thế nào. Chính cô cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc vợ chồng. An chỉ mới hiểu mơ hồ rằng một người đàn ông và một người đàn bà cùng chung sống trong một mái nhà, thương yêu nhau, lo lắng cho nhau, xa nhau thì nhớ, mất nhau như cha An mất mẹ thì đau đớn như đứt từng khúc ruột, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trước mọi may rủi trên đường đời. Vợ chồng sống với nhau tất có con cái, mừng rỡ khi con mạnh khỏe, khổ sở trằn trọc khi con đau ốm...Chắc chắn còn có nhiều điều nữa An chưa hiểu hết. Nhiều điều bất thường, lạ lùng, như cảnh vợ chồng giữa anh Kiên và người vợ góa viên cai cơ, như chuyện người vợ đào hát của anh kép Mịch lấy viên khâm sai lạng, như chuyện gấu ó chửi mắng nhau thậm tệ giữa những cặp vợ chồng lính phủ... Thế nào là vợ chồng? Thế nào là một cuộc hôn nhân đáng mơ ước? Thọ Hương chờ mãi chưa thấy An trả lời, nên giục:
- Chị, lấy chồng là thế nào? Em lo vì chưa hiểu gì cả!
An đành thú thực:
- Chị cũng chưa hiểu, làm sao trả lời em được.
Thọ Hương bật cười:
- Em đã đui lại tìm hỏi đường chị mù. Nhưng em không tin chị đâu. Chị giả vờ không biết để khỏi trả lời em đó thôi. Chị lớn tuổi hơn em, chị phải hiểu.
An vội nói:
- Chị nói thật mà! Chị chưa hiểu gì đâu.
Thọ Hương tin An thành thực, quay lại giọng tâm sự:
- Em thấy trước khi trở thành vợ chồng, hai bên phải biết nhau, phải thương nhau đã. Cũng như chị với...với chú Tám. Chị cứ để em nói, vì em hiểu chị, em thương chị. Chú Tám lúc nào về cũng tìm em để hỏi về chị. Chú ấy tức cười lắm. Muốn hỏi chuyện chị mà cứ loanh quanh. Nào những là: Thọ Hương đã học được đến đâu rồi? Thọ Hương thêu đẹp hơn kỳ trước chú về đây nhé! Thọ Hương có thường đi chơi với ai không? Em biết tận tim đen của chú, nên cứ trùng trình không đả động gì đến chị cả. Cuối cùng chú Tám phải đỏ mặt lên, lí nhí hỏi thẳng chuyện của chị. Đấy, em nghĩ nếu mái sau thành vợ thành chồng, thì người chồng phải là kẻ luôn luôn nhớ tưởng đến vợ như chú Tám với chị, và người vợ cũng nhớ tưởng lo lắng cho chồng như...như.
An cắt lời Thọ Hương:
- Thôi, em chỉ nói nhảm.
- Không, chị để em nói. Mà thôi, em chưa nói chị đã hiểu rồi. Em nghĩ đó là tình thương yêu phải có giữa vợ chồng. Nhưng chị An ơi, chị nghĩ xem, nếu em lấy Đông Cung, thì đâu có những lo lắng cho nhau, nhớ tưởng đến nhau như trường hợp chị với...với chú Tám. Em chưa bao giờ được nói một câu với...với ông ấy. Ông ấy cũng chưa từng nhìn thẳng vào mặt em. Ông ấy chưa tính em thế nào, thích cái gì, không thích cái gì. Em cũng vậy. Em chỉ thấy được một lần ông ấy đi ra ang tự múc nước rửa mặt. Như vậy đã đủ để thành vợ chồng chưa?
An không biết trả lời thế nào, chỉ đáp bừa:
- Nhiều khi trước khi lấy nhau, hai đàng chưa hề gặp mặt nhau. Người dân dã thì có thể đã gặp nhau trên đường đi làm đồng, hay trên đường đi củi, còn dân quyền quí sống cấm cung thì không bao giờ con cái được ra khỏi nhà. Đến ngày cưới, chú rể mới biết mặt cô dâu. Thế mà sau ngày cưới, vợ chồng vẫn thương yêu nhau thắm thiết.
Thọ Hương không thỏa mãn, thắc mắc:
- Nhưng hôm đám cưới, cô dâu chú rể nói gì với nhau đây? Nhất là khi nhà gái đã ra về?
An cười:
- Lúc đó cô dâu không nói gì cả. Cô chỉ khóc.
- Vậy thì đáng sợ quá.
- Không sao đâu Hương. Nhờ cô dâu khóc mà chú rể mới có dịp dỗ dành. Từ đó họ làm quen nhau.
Hai cô gái cùng cười to. Cười xong, Thọ Hương vẫn bồn chồn thất thần:
- Nhưng em vẫn sợ! Chị An, làm sao đây?
*
* *
Xế chiều, trong vòng thành phủ không khí hớt hải xao xác chẳng khác nào không khí một thành phố bị bao vây. Mọi người, nhất là những người đàn bà, cứ thắc thỏm đứng ngồi không yên, hết chạy quanh hỏi thăm tin tức lại về nhà thúc giục con cái thu vén quần áo, lương thực, cất giấu đồ quí giá, cột gói sẵn những thứ cần thiết chuẩn bị chạy giặc. Thuyền chở gạo của kho quân lương ngoài bến sông bị những kẻ liều lĩnh ùa xuống chiếm chỗ để tản cư. Rào trại kho bị phá. Từng toán những đàn bà con nít nheo nhóc ôm xách đủ thứ lỉnh kỉnh thất tha thất thểu trên những con đường trong phủ, tuyệt vọng ra về sau khi không tìm được chỗ quá giang lên Tây Sơn Thượng.
Không thể để cho tâm trạng sợ hãi bao trùm khắp phủ như một màu tang tóc! Hỗn loạn đã bắt đầu rồi! Không có biện pháp quyết liệt, chắc chắn phủ Qui Nhơn sẽ tự tan rã đổ vỡ trước khi quân Trịnh vượt quá Châu Ổ, và quân Nguyễn tiến tới sông Cầu. Đó là nhận định chung của tất cả mọi người trong buổi họp trưa hôm đó, do Nhạc chủ tọa.
Một số những biện pháp khẩn cấp được ban hành.
Nghiêm lệnh loan đo khắp phủ dọa chém tại chỗ những lính đào ngũ hay lang thang khắp nơi để cướp phá. Ban đầu lính truyền hiệu còn dè dặt, chọn những nơi nào không có bọn tàng quân của Lý Tài tụ họp để loan tin. Nhưng rồi chúng cũng nghe được. Chúng cười hô hố, cho đó là chuyện đùa bỡn, nên từ chuyện đi săn rượu cúng chuyển sang đi săn những tên truyền hiệu. Chúng bắt một anh lính rủi ro nhập bọn, đẩy ra đi phía trước, ấn mũi gươm sau lưng để buộc anh ta cầm loa loan báo cho khắp hai phố phủ biết theo lệnh trên, những nhà nào còn cất giấu rượu thịt phải mau mau đem nộp cho “các Ngài Hòa Nghĩa quân”, bất tuân sẽ bị đốt nhà bêu đầu ngay lập tức. Thật táo tợn đến độ không còn có thể nương tay được nữa. Nhạc đích thân dẫn một toán quân đông đảo ra bao vây phố phủ, bắt hết bọn tàng quân du thủ du thực. Một vài tên vì sợ mà tỉnh rượu hoặc vừa tỉnh rượu nên biết sợ, trốn vào nhà dân trú. Nhưng với cái bím trên đầu, với hơi men nồng nặc và cách ăn bận xốc xếch, chúng trốn đi đâu! Nhạc bắt gọn tất cả bọn cướp bóc làm náo loạn phố phủ và trước khi trời sụp tối, trong ánh sáng u ám của bầu trời chạng vạng và tiếng trống tùng-bi-li thê thiết, 28 cái đầu lần lượt rơi trên bãi đất trống trước cổng thành.
Việc dời kho, do quyết định hấp tấp của Nhạc, cũng được hoãn lại. Lương thực gạo mắm đã lỡ đem xuống thuyền hoặc đóng lên yên ngựa thồ, thay vì đem lên phía tây, được lệnh chuyển ra phía bắt tiếp tế cho các toán quân đóng dọc hai bên quan lộ, hoặc ứng trước cho quân dịch trạng. Một số nữa tăng cường cho quân lương mặt nam. Chuyện dời kho bị xem như tin đồn nhảm do bọn xấu loan truyền, hòng lừa gạt những kẻ nhẹ dạ để kiếm chác. Trật tự mau chóng được tái lập, những bà nội trợ thở phào nhìn đống quần áo cột gói vất bừa bãi giữa gian nhà trống như dấu tích sự nhẹ dạ. Con nít được mở cơm dỡ ra chia nhau mà ăn, lại cười nói bi bô, chỉ hơi tiếc không được dự một cuộc đi xa nhọc nhằn nhưng hào hứng.
- Ngay đêm ấy, gánh hát bội của Mịch trình diễn vở tuồng Phụng Nghi Đình trên cái rạp lộ thiên cho dân chúng xem. Tiếng trống chầu, tiếng kèm, tiếng sanh, tiếng hát, tiếng cười nói chen nhau, mau chóng xua đi những ám ảnh của buổi sáng xao xác. May mắn là con người mau quên, nhất là những người thời loạn!