Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 01
Họ lặng lẽ bước như vậy từ nhà cho đến bờ sông. Cơn mưa dầm kéo dài từ đầu hôm, vẫn đến lúc đó vẫn chưa dứt; gió thổi từng trận tạt nghiêng những giọt mưa lạnh khiến những thân tre nghiến vào nhau kẽo kẹt, lá cây xào xạc át mất tiếng bước chân bì bõm trên đường lầy và tiếng trẻ con khóc. Bà giáo cố xoay cái áo tơi lá ra phía trước để che mưa cho con, nhưng gió dữ lâu lâu thổi thốc, làm cho đứa bé nín khóc còn bà mẹ thì cuống quít đưa tay trái giữ chặt lấy chóp lá, cố cưỡng lại sức gió. Mưa đã làm ướt mái tóc bà, dán chặt từng mảng lên khuôn mặt xám xanh. Mưa cũng chảy thành dòng xuống má bà giáo, rỏ giọt xuống vai áo. Bà vừa đi vừa khóc lặng lẽ, lâu lâu vài giọt nước ấm lăn theo sống mũi, chảy xuống môi. Không cầm được xúc cảm, bà khóc thành tiếng. Đứa con gái đi phía sau mẹ vội bước nhanh tới trước, giọng lo âu:
- Mẹ!
Bà giáo quay lại, thấy đôi mắt con gái long lanh như sắp khóc. Đứa con gái bắt kịp mẹ, tay phải xốc lại cái tay nải nặng trĩu sau lưng còn tay trái tìm nắm lấy tay mẹ. Tiếng nói cô bé mong manh giữa mưa gió và bóng tối, nên bà giáo chỉ nghe thấy con bảo:
-... lấy cái bọc quần áo này, để em con bồng cho.
Bà giáo vội ngăn:
- Không, con bồng em không nổi đâu. Coi chừng nghe An! Nhìn kỹ đường cái, không lại ngã. Con rán đi nhanh tới trước cho kịp anh Chinh, vịn vào anh mà bước. Đừng lo cho mẹ.
Cô bé chưa muốn vâng lời ngay, giọng ngập ngừng:
- Nhưng con sợ em bị ước. Còn mẹ thì...
Bà giáo cắt lời con:
- Mẹ thì có cha lo. Con lên trước với anh Chinh đi.
An ngoái lại phía sau, thấy cha dìu em Lãng bước chậm theo hàng tre, cẩn thận tránh các vũng nước trắng bất trắc rải rác trên mặt đường. Từ lúc bị đánh thức cho đến bây giờ, cô bé hiểu lờ mờ rằng một tai biến ghê gớm nào đó đang xảy ra cho gia đình mình, An biết chắc như vậy qua những lời xì xầm trao đổi giữa cha và mẹ, nhất là tiếng khóc ấm ức của mẹ khác hẳn những tiếng khóc vì đời sống thiếu thốn và buồn phiền của bà,từ khi cô bé bắt đầu thấy được sự phức tạp của mọi sự chung quanh mình. Trong lúc các anh lặng lẽ thu góp đồ đạc, cột chặt các tay nải thì mẹ bối rối hết nhặt nhạnh mớ quần áo này nhét vào một tay nải đã quá nặng, suy tính đến ngơ ngẩn thất thần, lại quyết định bỏ lại để đi nhặt nhạnh thứ khác. Thằng Lãng bị dựng dậy, nhưng buồn ngủ quá, nằm ngay trên nền đất nện, dựa lưng vào đống đồ đạc bừa bộn mà ngủ tiếp. Cha thì không còn đủ tâm trí quán xuyến công việc dọn dẹp nữa. Hết ra ngõ chờ đợi cái gì An chưa hiểu, ông giáo lại quay vào, đứng ở ngạch cửa, lơ đãng nhìn cả nhà xào xáo dọn dẹp, không góp ý mà cũng không hối thúc. Nếu không có anh Kiên và anh Chinh lặng lẽ, lặng lẽ, chậm chạp nhưng giữ được đủ bình tĩnh để dọn dẹp, chuẩn bị, An nghĩ có lẽ còn lâu lắm họ mới ra khỏi nhà. Cho đến cuối cùng, hình như ông giáo vẫn còn mong chờ ai đến. Tiếng trống sang canh vọng từ bên kia bức tường cũ, tuy rời rạc ngái ngủ và khuất lấp trong tiếng mưa gió, vẫn còn đủ sức mạnh thôi thúc ông giáo. Ông cuống lên, mất hết chút bình tĩnh còn lại, lần đầu tiên An thấy cha không giữ được vẻ chững chạc, trầm tĩnh thường ngày. Giọng nói của cha gắt gỏng và lo âu. Cô bé nghe cha phân giải gì đó với mẹ. Mẹ trả lời ngập ngừng, tiếng nói đứt quãng vì tiếng nấc.Hình như cha cố thuyết phục mẹ, và đến lúc không còn nhỏ nhẹ được nữa, An nghe cha quát lên:
- Thật tiếc không phải lúc. Mình không thấy cảnh gia đình quan nội hữu hay sao! Không chần chờ được nữa đâu! Phải đi ngay!
***
Họ đi men theo con đường tối tăm, lầy lội, khó nhọc nhưng kín đáo giấu mình dưới những lũy tre. Trời thì thấp xuống, gió vẫn thổi dữ. Đến chỗ dốc dẫn lên điếm canh, Kiên và Chinh dừng lại chờ cha. Ông giáo đi chậm, vì vừa phải dìu thằng Lãng, vừa đỡ lấy lưng bà giáo. Nỗi sợ hãi cứ ngày càng tăng, bà giáo hoảng hốt cảm thấy chân mình cóng lại, bủn rủn không bước nổi nữa. Bà đã hết khóc, nhưng toàn thân cứ run lên từng chặp. May thay ông giáo đến kịp lúc; bàn tay chồng chỉ đỡ nhẹ lấy lưng, bà giáo vẫn cảm thấy ở phía sau, có một hơi ấm quen thuộc mơn trớn lan dần khắp thân thể mình. Bà yên tâm hơn, ôm chặt thằng Út vào ngực. Chiếc áo tơi lá sột soạt lay động.Ông giáo nhắc:
- Mình cố đừng cho nó thức dậy. Sắp đến điếm canh!
Thấy cha đã đến, Kiên xốc lại cái tay nải bước lên dốc. Đường đất sét trơn trợt, nên hai anh em phải bước chậm, ngón chân cái cong lại bấm xuống mặt đường. Nhờ vác nặng, bước chân trở nên đằm và vững. Vả lại ở đây không còn bóng tre phủ, nên họ thấy rõ được những dấu chân trâu bò, những vũng lầy, những chỗ đường sụp lở vì nước xoáy. Lên khỏi dốc hai anh em giật mình đứng sững lại vì có tiếng quát:
- Ai đó?
Kiên chưa biết phải trả lời thế nào, thì Chinh đã nói:
- Chúng tôi là con ông giáo.
Từ điếm canh, tấm phên nhỏ mở hé. Một con cúi rơm đang cháy ngún, soi lờ mờ một bóng người hiện lên trên khung cửa điếm. Nghe lẫn trong mưa gió, tiếng thì thào trao đổi ngắn. Rồi vẫn giọng quát lúc nãy:
- Có lệnh quan quốc phó (1) cấm đường. Giáo với mác gì!
Ông bà giáo vừa lên khỏi dốc. Kiên và Chinh im lặng nhường cho cha trả lời. Ông giáo hơi mệt, hơi thở gấp chưa trả lời ngay được. Giọng người lính canh điếm trở nên giận dữ khác thường:
- Bọn trộm cắp ăn đêm phỏng? Sao không thưa?
Thằng Út bị mẹ trong cơn sợ hãi ôm quá chặt, ngộp thở nên vùng vẫy khóc to lên. Ông giáo nhanh trí đáp:
- Chúng tôi vừa nhận được tin buồn, nên đem cả gia đình về phủ Thăng hoa chịu tang. Các bác thấy đấy, mưa gió thế này mà phải bồng bế lũ nhỏ đi gấp cho kịp chuyến thuyền sớm.
Trong điếm canh lại có tiếng bàn luận. Rồi cửa điếm mở, một cây đuốc bằng hai dầu chai được đốt sáng lên. Hai người lính bước ra khỏi điếm, một người cầm đuốc, một người lăm lăm ngọn mác dài. Họ hăm hở tiến về phía gia đình ông giáo, giọt chai từ đầu ngọn đuốc rỏ xuống mặt đất ướt kêu lèo xèo. Đến cách gia đình ông giáo độ con sào, họ dừng lại. Người lính cầm mác nhắc bạn:
- Phải khám xét cẩn thận. Luật quan quốc phó nghiêm ngặt lắm!
Người cầm đuốc bảo:
- Không cần. Bọn trộm cắp đem theo con nít làm gì.
Ông giáo nhận ra tiếng nói người lính vừa cật vấn mình. Ông đã bớt lo ngại, mạnh dạn tiến về phía hai người lính. Thằng Lãng không chịu rời tay ông giáo, bíu lấy vạt tơi lá của cha tò mò nhìn ánh đuốc bập bùng khi mờ khi tỏ cũng quên cả sợ. Khuôn mặt thơ dại ấy, cùng với cái áo tơi lá nhỏ nhắn, có lẽ đã làm rung động tấm lòng người lính cầm đuốc. Người lính ngồi hẳn xuống, đưa đuốc lên soi gần khuôn mặt Lãng. Ông giáo kịp nhìn thấy một khuôn mặt vuông, đôi mắt lóng lánh hiền hậu dưới hàng lông mày rậm, và một mái tóc dày đẫm nước. Người lính hỏi:
- Cháu có lạnh không?
Ông giáo nói:
- Chúng tôi gấp quá, không kể gì gió mưa nữa. Các cháu còn bé, sợ phải ốm mất! Các bác cho chúng tôi đi nhé!
Người lính cầm mác lại nhắc:
- Phải khám kỹ mấy cái tay nải. Lệnh của quan quốc phó!
Người lính cầm đuốc đứng dậy, xua tay nói với ông giáo:
- Thôi khỏi cần. Việc đó trên bến thuyền họ lo. Ông bà đi nhanh lên, cho kịp chuyến đầu. Hôm nay sóng dữ, lũ nhỏ có chịu nổi không?
Ông giáo chỉ chờ có thế, không kịp cảm ơn người lính tốt bụng, ông đưa mắt nhắc vợ con đi nhanh qua khỏi điếm canh.
***
Đến ngã ba, nơi có một cây sầu đông vừa bị bão thổi gẫy nhánh lớn, cành lá còn vương vãi ngổn ngang trên lối đi, Kiên và Chinh ngưng lại chờ cha. Người anh cả chừng đã ê vai, đặt cái tay nải cồng kềnh lên một cành sầu đông, lại cần thận bẻ gãy những cành lá ướt cho nước mưa khỏi thấm vào quần áo trong tay nải. Chinh thì cẩu thả đặt ngay bọc quần áo lên mặt đường. May mắn là chỗ Chinh đứng khá khô ráo, nên Kiên định quay lại rầy em, thấy thế chỉ ậm ừ rồi ngồi im bên đường. Con đường đất trước mặt hai anh em tuy khá rộng và có trải đá dăm, nhưng mùa mưa miên man ở đây đã biến con đường quan dẫn đến phủ chúa trở thành lồi lõm, lầy lội. Một nhánh nhỏ hơn từ ngã ba xuôi xuống bờ sông, hai bên vườn nhà ai um tùm những cau và chuối. Chinh nghịch lấy mấy chùm trái sầu đông ném mạnh vào các tàu lá chuối, mỗi lần trái sầu đông ném mạnh vào các tàu lá chuối, mỗi lần trái sầu đông tròn xanh lao đi là mỗi lần tiếng lá rách ngắn và dẹp vang lại. Chinh thích thú cười to, tiếng cười vang rộng trong đêm khuya rồi bị vùi dập trong những trận gió thổi. Kiên khó chịu trước sự vô tâm của em, định lên tiếng trách móc. Vừa lúc đó, ông bà giáo đến chỗ ngã ba đường. Ông giáo bảo:
- Đi xuống phía bờ sông. Đứa nào cười vậy?
Hai anh em không ai trả lời. Ông giáo không hỏi tiếp, dìu bà giáo và các con tránh những cành sầu đông ngả nghiêng chắn mất lối đi. Thằng Lãng đã tỉnh ngủ hẳn, bỏ tay cha chạy đến trước với anh Chinh. Bà giáo vốn thể chất gầy yếu, hỏi trong hơi thở mệt nhọc:
- Đã tới chưa mình?
Ông giáo trả lời:
- Ráng lên tí nữa. Đi khỏi mấy cái vườn chuối này, rồi rẽ sang tay phải. Tôi đã hẹn họ chỗ cây đa dại.
Tuy cách xa, nhưng Kiên lắng nghe được hết lời cha. Qua khỏi những khoảng đường tối vì những tàu lá chuối che lấp, anh rẽ sang tay phải. Cây da đứng đơn độc giữa một vùng thảo mộc hoang dại, mọc lan ra đến tận bờ sông. Tàn lá da xum xuê nhuộm thẫm một vùng đục ngầu ví nước lũ.
Ông giáo đến chỗ hai con đang đứng chờ, và không khỏi ngạc nhiên hoang mang khi thấy không có chiếc thuyền nào đang cắm sào chờ tại chỗ hẹn. Bà giáo cũng lo âu, quên cả mệt nhưng không dám lên tiếng hỏi chồng. Gió thổi từ bờ sông thổi lên, mang thêm cái lạnh nhức buốt cuồng nộ của sóng dữ. Lãng bắt đầu húng hắng ho. Bà giáo đưa bé út cho An bồng, lục tìm cái áo bông trong tay nải của Chinh mặc thêm cho Lãng. Cậu bé bớt ho, đứng lặng nhìn bầu trời thấp, mặt sông đục và bờ sông lau lách hoang dại, không hiểu nghĩ gì tự nhiên thút thít khóc. Tuy không thể giải thích rõ ràng bằng lời nói, người mẹ hiểu Lãng cũng như mình vừa cùng xúc động mãnh liệt trước một nỗi ám ảnh chưa định hình, không thể tả ra, không thể nhìn thấy bằng lối thông thường, nhưng sự mẫn cảm của họ đã báo cho họ biết trước thế nào một cái gì đó sẽ bất chợt đến, phủ chụp bao vây lấy cuộc đời mọi người trong gia đình. Cổ bà giáo nghẹn lại, hai tay ôm chặt Lãng đến nỗi hai lớp tơi lá cọ vào nhau ban đầu còn kêu sột soạt về sau không còn phát ra âm thanh nào nữa. Đã quá hiểu tính em, Chinh bĩu môi bảo:
- Cái thằng! Như con nít!
Ông giáo vẫn bực mình vì chuyện thất hẹn, giận quá quát lên:
- Có câm mồm không, thằng quỉ! Tụi lính trên trạm canh mà nghe được thì chết cả đám!
Bà giáo lấy ông tay lau nước mắt con, áp má vào trán con, nhỏ nhẹ dỗ dành:
- Con nín đi. Đừng khóc lớn cha rầy! Mẹ thương con. Mẹ hiểu con hơn tất cả các con của mẹ. Đã bảo! Đừng khóc nữa. Lãng có nghe mẹ không?
Kiên không góp gì vào câu chuyện, lẳng lặng thu góp tất cả đồ đạc, dồn lại giấu sau một bụi dứa gai, dưới tàn cây da rậm. Qua khỏi cơn bồn chồn thái quá ban đầu, ông giáo đủ bình tĩnh nhận thấy Kiên cẩn thận và lo xa, thầm cảm phục đức tính hiếm có của đứa con cả. Ông bảo bà giáo và các con đến núp dưới bóng cây da. Hơn thế nữa, mọi người phải ngồi xuống giấu mình sau các bụi cây tối, và không được nói chuyện lớn.
Họ chờ. Họ chờ. Mãi đến lúc gà gáy thuyền mới đến. Thực ra không thể gọi là thuyền được, vì đây chỉ là một chiếc đò nhỏ bề ngang không quá một sải tay. Cái mui đan bằng tre phết phân trâu chỉ vừa đủ che cái bếp nhỏ và hai cái hũ sành đựng gạo và nước. Thấy chiếc đò mỏng manh chòng chành trên mặt sông cuộn sóng, bà giáo bàng hoàng, sợ hãi cho các con đến nỗi cảm thấy lành lạnh trên sống lưng. Ông giáo càu nhàu trách:
- Sao bây giờ mới đến!
Người chèo đò thở dài đáp:
- Tôi phải chèo đi trốn từ mờ sáng hôm qua.
Ông giáo lo sợ hỏi:
- Chuyện lộ rồi à?
Người chèo đò không trả lời ngay, chậm chạp cột chặt đò vào gốc cây da, cởi cái áo tơi lá xếp gọn vào lòng đò, trước khi cởi còn cẩn thận giũ cho nước mưa rơi xuống mặt sông. Chỉ có cái nón mê rách là bác ta không giở ra nên ông giáo không thấy được nụ cười lém lỉnh của bác. Bước hẳn lên bờ sông, người chèo đò mới nói:
- Không. Tôi đi trốn thuế.
Rồi giọng nói trở nên thân mật, ề à phân trần:
- Thầy tính, vạn đò Canh Thành Vĩ Dã chúng tôi chỉ có ba chiếc. Từ ngày thuế chợ lên cao, đò chúng tôi cũng ế lắm. Trước mụ nhà tôi còn ở nhà nấu cơm, lo chăm sóc lũ nhỏ. Từ hai tháng nay, tôi phải cho mụ buôn mắm vãnh dưới cửa Tư khách lên bán kiếm thêm chút hồ qua ngày. Thế mà đã yên đâu. Hôm kia con mụ bưng cái liễn mắm con lên ngồi ngay phía cuối chợ. Đột nhiên thiên hạ xôn xao, người ù té chạy, kẻ kêu khóc van nài. Con mụ biết người nhà quan tả ngoại đi chợ. Nhưng mụ cứ ngồi thản nhiên, bụng nghĩ:”nhà quan thì cần những sơn hào hải vị, không nem công chả phượng thì ít ra cũng phải thịt ngon cá ngọt. Thèm vào ba cái thứ mắm vãnh!”
Bác lái đò ngưng lại, giở nón ra vuốt lại tóc. Bà giáo và các con tò mò quan sát gương mặt bác. Một khuôn mặt xương xương, hai gò má nhô lên cùng với cái trán dồ và cái mũi thẳng che khuất hai con mắt sâu khó lường. Thái độ nhẩn nha, trầm tĩnh trong hoàn cảnh đặc biệt này khiến ông giáo khó chịu. Ông giục:
- Nhưng cuối cùng mọi việc êm xuôi cả chứ! Nào, bác cho chúng tôi xuống thuyền.
Bác lái đò ngăn lại:
- Ấy, ấy, thầy lầm. Mà cả tôi cũng lầm. Đâu có em xuôi được. Con mụ tưởng quí gì ba cái thứ mắm vãnh. Nhưng thầy có biết không, con mụ lầm. Lũ đầu bếp nhà quan tả ngoại chỉ dọa cho mấy chị hàng thịt sợ, để cười rũ ra. Rồi đến lúc bất ngờ nhất, thầy biết không, chúng nó đến thẳng chỗ con mụ nhà tôi ngồi. Con mụ nhà tôi nói đùa:”Các thầy mua giùm cháu ít mắm!” Mời xong còn cười hỉ hả. Lũ đầu bếp quan tả ngoại cũng cười hô hố. Cả chợ cũng cười ha ha. Chờ cho mọi người cười xong, chúng bảo con mụ nhà tôi bưng liễn mắm vãnh lên. Con mụ nhà tôi vâng lời. Chúng chụp ngay liễn mắm. Cả chợ lại cười, nghĩ các ngài hầu cận quan tả ngoại đùa dai. Mãi đến lúc chúng đi rồi, con mụ nhà tôi mới phát hoảng. Thầy tính bao nhiêu vốn liếng dồn cả vào liễn mắm. Mà có ai ngờ đâu được là quan tả ngoại chỉ ăn được có món mắm vãnh hở trời!
Bà giáo không nhịn được nữa, chen vào hỏi:
- Bác có nói ngoa không đáy? Làm gì có chuyện lạ lùng!
Người lái đò đấm ngực thề:
- Tôi có nói dối thì trời tru đất diệt tôi đi! Mà thầy cô đây không tin cũng phải. Có ai ngờ quan tả ngoại lại không ăn được nem công chả phượng, lại chỉ ăn được món mắm vãnh. Mà trời lại xui khiến chi cho mẹ con nhà tôi đi buôn mắm! Thầy thấy không, vốn liếng hết, chưa xong phần con mụ thì phần tôi, quan đến thúc thuế. Chợ như thế thì đò còn khách đâu mà nộp thuế. Mà thuế đò Canh Thành Vỹ Dã một năm đến 114 quan, phải, thầy không nhầm đâu, 114 quan đúng, bán cả vợ, đợ cả con cũng không đủ nộp nữa. Chỉ còn cách trốn đi làm dân xiêu tán mà thôi!
Có tiếng gà gáy sáng ở khu vườn bên bờ sông, phía tay phải ông giáo. Sốt ruột quá, ông nhìn người lái đò:
- Sẵn sàng rồi. Chuyện nhà của bác, chúng tôi hiểu lắm. Chuyện quan tả ngoại, ai mà chẳng biết ở cái kinh thành này. Nhưng bác cho chúng tôi xuống đò thôi. Đi sớm chắc thoát được trạm thuế đò ở ngã ba.
Bác lái đò do dự, ngón tay trỏ cứ đưa lên quệt nhiều lần trên đầu mũi. Mãi một lúc, bác hạ thấp giọng:
- Thầy đã hiểu rõ hoàn cảnh tôi. Vợ con thất nghiệp. Vốn liếng mất đứt. Nợ đòi, thuế thúc. Tôi đến chết mất! Thầy có lòng thương người khó, cho thêm chút ít tôi mới dám đi.
Ông giáo bây giờ mới hiểu vì sao người lái đò kể lể dài dòng từ tiếng gà gáy sáng đầu tiên đến lúc này như vậy. Ông giận dữ hỏi:
- Thêm bao nhiêu?
Người lái đò làm ra vẻ cuống quít lo sợ:
- Dạ chỉ xin thêm chút ít cho đủ nộp thuế mà thôi. Túng quá tôi phải liều vậy. Con mụ nhà tôi cứ bảo đi đêm hôm lén lút thế này, nếu nhỡ ra... nhưng tôi gạt đi, bảo gia đình thầy là gia đình tử tế...
Ông giáo không để cho lão lải nhải thêm, gắn giọng bảo bà giáo:
- Mình đưa cái ruột tượng cho tôi.
Bà giáo tháo cái ruột tượng đụng tiền vẫn đeo bên hông đưa cho chồng. Ông giáo lấy năm xâu tiền đưa cho người lái đò và nói:
- Vạn đò của bác có 6 chiếc, nộp một năm 114 quan. Đây tôi trả cho bác thêm năm quan nữa, vị chi là 20 quan. Bấy nhiêu đã quá đủ để bù cả tiền thuế đò lẫn tiền liễn mắm vãnh của bác. Ông trời thật oái oăm, mới bắt tôi trả triền mắm cho quan ngoại tả!
Lão lái đò cảm ơn rối rít, nhưng trước khi đưa nón nhận tiền vẫn còn nài thêm:
- Thầy đừng trả cho tôi tiền “Thiên Minh thông bảo” nhé!
Rồi hình như lão bắt đầu sợ hãi cái nhìn phẫn nộ của cả ông giáo lẫn Kiên và Chinh, người lái đò phân trần:
- Thầy cô và các cậu hiểu cho. Thứ tiền đó pha nhiều chì, lại mỏng dính. Bẻ mạnh một chút là gãy. Tôi có lấy cũng chỉ vứt xuống sông thôi, không mua bán gì được.
Con đò nhỏ nên tuy gia đình ông giáo không đem đồ đạc gì nặng, đò vẫn cứ khẳm. Bà giáo và An ban đầu chưa quen, mỗi lần thấy sóng đục mấp mé ngang mạn đò, sợ hãi đến trân người. An nín thở ôm chặt lấy thằng Út, tưởng chỉ cần thở mạnh lên một chút là đò nghiêng ngả. May cho An, từ lúc mẹ giao cho phận sự bồng em, thằng bé ngủ say không cựa quậy. Hơn nữa, ông giáo sợ cánh đàn bà con nít không chịu nổi sương lạnh và gió dữ, thương lượng mãi mới được người lái đò thuận cho đẩy tấm mui ra giữa, che ba mẹ con và đống đồ đạc. Cánh đàn ông chia nhau ngồi ở trước mũi và sau lái. Chinh giành ngồi phía trước với thằng Lãng. Sợ không chịu nổi những cơn nước xoáy, bác lái đò men theo bờ sông; ở những chỗ có trạm canh, gần như chiếc đò vạch lau lách mà tiến. Trời càng lúc càng sáng, đò trôi chậm, ông giáo lo sợ không qua khỏi trạm gác Ngã Ba trước lúc rạng đông. Ở đó, ông giáo biết rõ lắm, trạm canh cất ngay ở đầu dải đất bồi kiểm soát ghe thuyền đi lại trên cả hai nhánh sông. Thuế má thu được của trạm này thuộc nguồn lợi chúa ban cho quan tả ngoại, nên việc kiểm soát hàng hóa, thẻ bài, hết sức nghiêm ngặt. Bọn lính buộc mọi ghe thuyền không phân lớn nhỏ trước khi xuôi sang nhánh tả hay nhánh hữu, đều phải ghé vào bến trạm. Mọi người đi trên thuyền phải mang đồ đạc hàng hóa của mình lên bờ. Từng người một phải để cho lính quan tả ngoại lục xét, cân nhắc giá trị từng thứ mà định thuế. Ai không đủ tiền thì phải để hàng lại, và giá cả hàng thường bị qui định thật thấp chẳng bõ bèn với mức thuế cao. Cuối cùng người lương thiện chẳng dám mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo rách và mo cơm mắm, còn bọn con buôn thì nhởn nhơ làm giầu vì đã mau chóng ăn ý với bọn lính. Ngọn đuốc đêm đêm lập lòe ở trạm Ngã Ba từ lâu trở thành ánh mắt hung dữ của ma quỉ, khi sáng lên xoi mói đến tận chân tơ kẽ tóc của người đi thuyền, khi tắt ngấm âm thầm toan tính cho một trận vơ vét khác.
Đò đã rẽ hẳn qua nhánh hữu; lau lách, những bụi dứa dại, ốc mèo, những dãy bìm bìm leo trên đám cây hoang vô danh đã che lấp mất mái nghiêng lợp tranh của trạm gác, ông giáo vẫn lâu lâu quay lại nhìn ngọn đuốc leo lét nhợt nhạt giữa bầu trời xanh xám trước lúc rạng đông. Nhất là cái vọng canh, hình như cứ cố vươn lên, vươn lên cao hơn tầm cây cỏ sau con đò để nhìn vào ót ông. Nỗi ám ảnh đó chỉ tan hẳn khi mặt trời lên và con đò tiến vào một khúc sông sâu hơn, hai bên cây cối cao lớn và um tùm. Không gian thu hẹp lại, và ông giáo yên lòng trong vòm trời nhỏ. Mặc cho Chinh thích thú đưa tay ra trước mũi thuyền vọc nước, và Kiên ngồi trầm ngâm bên tay lái, ông giáo dựa lưng vào thành đò chớp mắt được một lúc.
Ông choàng tỉnh dậy vì con đò chòng chành dữ, đến nỗi vợ con ông la lên hốt hoảng. Lúc ấy đò đang đi trên một đoạn sông rộng, nhưng bác lái phải ép đò sát vào bờ để tránh một đoàn thuyền quan đang lao tới. Trời đã yên, sóng đã lặng, nhưng chính đoàn thuyền đang hấp tấp này đã làm cho mặt sông nổi sóng và đánh thức ông giáo dậy. Bác lái không dám chèo, cho đò dừng lại giữa một đám cỏ cao. Một mạn đò dựa vào bờ đất lầy, mạn bên kia được con sào rắn chắc ghìm cứng. Nhờ thế ông bà giáo và lũ con mới hết sợ.
Đoàn thuyền quan gồm có 8 chiếc. Thuyền dài mà hẹp như hình long chu, mũi thuyền cất cao như đầu con cá lớn phóng mình lên khỏi mặt nước, đuôi thuyền thấp xuống, sơn màu đỏ chói. Người đứng ở đuôi thuyền vận áo thanh cát, đầu để trần, hai chân dạng ra vững chãi để nắm lấy thanh gỗ đen bóng gắn liền bánh lái. Giữa thuyền có mấy người ở trần, trên thân chỉ mặc có cái quần vải màu đen ống ngắn đến đầu gối, sắp hai hàng đều đặn, cử động thân thể tay chạn đều theo nhịp chèo. Giữa khoang thuyền có bốn cây cọc nạn sơn son trên bắc ngang một cây mõ gỗ. Một người lính mặc đủ quần áo, đầu đội nón chóp, ngồi trên ghế gõ mõ làm nhịp. Người lính chỉ huy hô “cạy” thì người lái bẻ thuyền sanh phía tả, hô “bát” thì qua hữu. Theo nhịp mõ, hai hàng lính chèo thuyền miệng hò lơ, chân dậm ván, gồng vai đưa cao cán chèo đều đặn răm rắp khi lên khi xuống. Mặt trời vừa lên chiếu rõ những khuôn mặt phờ phạc mệt nhọc và những thân thể mồ hôi nhễ nhại. Ông giáo biết đấy là đoàn thuyền chở của cải hàng hóa quí giá từ các phủ Thăng Hoa, Quãng Ngãi, Qui Nhơn về dâng nộp cho phủ chúa. Thuyền từ những vùng đất xa xôi vượt biển mà đến, nhưng trên thuyền không thấy có bếp núc gì cả. Gần chỗ đặt giá mõ, chỉ có một vò nước, bên cạnh treo cái gáo dừa cán dài. Một người chèo thuyền trên chiếc thứ ba đang cuối rạp người xuống đẩy mạnh mái chèo, bỗng ngã chuối tới trước không gượng lại được. Nhịp chèo đột nhiên rối loạn. Nhiều tiếng la ó xôn xao. Tên lính gõ mõ quát tháo nhắc nhở mọi người nhiệm vụ và trật tự. Hai hàng lính chèo thuyền lại tiếp tục hình dịch, chỉ có người chèo cùng hàng ngang với người bị ngất được phép gài mái chèo lên, vực người bạn xấu số đến gần vò nước, dùng cái gáo dừa múc nước dội lên đầu bạn mình. Cho đến lúc chiếc thuyền này mất hút ra ngoài tầm nhìn, ông giáo vẫn chưa thấy người lính ấy tỉnh lại. Đầu ông giáo tự nhiên nóng bừng, cổ ông nghẹn đến khó thở. Máu trong người ông nhộn nhạo. Nỗi hận của bao năm, nỗi hận ông đã cùng chia sẻ với Ý-đức-hầu bạn ông (1), nỗi hận ông đã cùng chia sẻ với người cày ruộng đói trên đồng lúa chín, người chài lưới mỗi chiều về cá đầy khoang mà bụng cứ rỗng, người buôn bán hao mòn vốn liếng vì cái túi tham của các trạm thuế. Ông giáo nhìn lại vợ con tìm thấy đôi mắt bà giáo và con gái nỗi lo âu, hớt hải. Ông nhìn Kiên. Kiên nhìn về hướng tám chiếc thuyền quan vừa đi khuất, tỏ dấu hiểu nỗi lòng cha, nhưng ông giáo chờ mãi không thấy con tỏ thêm phản ứng gì. Chỉ có Chinh nét giận dữ lộ hết ra đôi mắt.
***
Gần đứng bóng, họ mới đi qua chùa Hà Trung. Con đò bỏ lại đàng sau những đoạn sông hẹp rợp bóng cây, bắt đầu chao đảo giữa một vùng phá rộng. Tuy trời đã bớt gió, sóng đục ngầu vẫn cuồn cuộn quanh đò. Trừ bác lái quá quen với sông nước, cả gia đình ông giáo đều nơm nớp sợ hãi, cảm thấy chờm ngợp vì mất hút giữa khoảng trời nước cùng màu xám đục. Bà giáo, An, và thằng Út say sóng nằm rũ trên đống đồ đạc, giấu đầu trong mui hẹp không dám nhìn ra ngoài. Lãng ngồi bệt trên liếp tre, hai tay bấu
chặt lấy hai mạn đò. Chinh vẫn ngồi trước mũi, không đưa tay nghịch nước nữa. Kiên đưa tay chỉ về phía vũng eo của biển cả, nơi có mấy cây tùng cao lớn rậm rạp đơn độc trên một vùng bùn lầy cỏ rêu san sát, hỏi cha:
- Thưa cha, có phải kia là chùa thầy Từ Huệ trụ trì?
Ông giáo đáp:
- Đúng đấy. Chùa Hà Trung của thầy Từ Huệ. Ngay chỗ có mấy cây tùng.
Người lái đò men theo bờ cừ mọc đầy những cây dương nước, không dám thách đố với sóng dữ. Lâu lâu, đò vượt qua một cái chòi nhỏ chân ngâm xuống bùn mái lợp lá tranh sơ sài, ba mặt che kín, cửa hướng về phía sông. Ông giáo lo sợ nhắc người lái đò:
- Bác cẩn thận. Hãy thong thả mà chèo!
Người lái đò giải thích:
- Không phải chòi canh đâu. Của mấy người thả lưới đấy. Chỉ sợ có cái trạm ở ngay cửa khẩu!
Mấy chiếc thuyền chài chèo ngược từ phía cửa biển chèo lên. Sợ sóng dồi làm con đò chòng chành thêm, bác lái nép sát vào bờ cừ. Người lái thuyền đánh cá bỗng đưa tay lên làm loa hú lớn, hình như muốn nhắn điều gì với người lái đò. Ban đầu bác lái còn chưa hiểu. Khi Kiên thấy bên phía thuyền chài, nhiều người giơ nón lên vẫy và nhắc bác lái, bác ta mới chú ý. Bác nhổ con sào lên, dùng hai tay đưa ngang lên khỏi đầu. Phía bên kia, người chống thuyền chài đưa hai tay lên làm dấu chữ thập. Bác lái gật đầu, la lớn:
- Hiểu rồi!
Ông giáo lo lắng hỏi:
- Họ bảo gì đấy?
Người lái đò không trả lời ngay, cho đò áp sát vào một cây dương nước. Ông giáo hỏi dồn:
- Có gì bất thường không?
Người lái đò nói:
- Không xong rồi. Cửa khẩu đóng, không cho ai ra khơi cả!
Kiên hỏi:
- Sao bác biết?
- Thì họ vừa ra dấu xong! Chúng tôi dân vạn chài đã quen lắm rồi! Mỗi lần kinh thành không yên là có lệnh cấm khẩu.
Ông giáo mất bình tĩnh:
- Thế làm thế nào bây giờ?
Người lái đò đáp gọn:
- Phải trở lại thôi!
Bà giáo ngồi bật dậy, làm cho thằng Út giật mình thức giấc nổi khóc lớn. An dỗ em không được, khóc theo. Ông giáo thêm bực bội, hỏi gắt:
- Bác nói đùa phỏng! Tôi chịu thuê đến 20 quan, vì bác hứa sẽ đưa chúng tôi đến tận ghe bầu.
Người lái đò cũng không vừa:
- Vâng, vâng. Nhưng nếu các quan ở trạm cửa Mù U đóng gông vào cổ tôi, thì thầy có nuôi vợ con tôi không? Thầy quen lớn trong vương phủ, chắc biết phép quan khe khắt.
Bà giáo e dè hỏi:
- Có lẽ bác nghe lầm. Ghe chài họ chỉ bảo...
Bác lái cắt lời bà giáo:
- Chắc chắn cửa Mù U đóng. Chúng tôi đã hiểu nhau bằng cách ra dấu.
Kiên tự nãy đến giờ giữ im lặng, lên tiếng đề nghị:
- Thưa cha, hay là chúng ta về tạm đằng thầy Từ Huệ.
Ông giáo ngoái nhìn lại phía mấy cây tùng, mờ khuất sau một màn sương khói màu bạc ở sau lưng, trầm ngâm, do dự khá lâu. Thằng Út vẫn chưa nín khóc. Mưa bắt đầu rơi, ban đầu còn lất phất nhưng càng ngày càng nặng hạt. Không có cách nào khác, ông giáo bảo người lái đò:
- Thôi được. Bác chèo trở lại, cho chúng tôi đến chỗ bờ cừ có lối lên chùa.
***
- Dễ thường đến năm năm rồi tôi mới trở lại đây. Năm Tân Tỵ hồi sư cụ mở khóa Lăng Nghiêm. Lúc đó thầy mới lên sư bác. Cảnh chùa ngày nay u nhã hơn nhiều. Thêm một cái ao sen vuông trước điện. Hồi trước đơn sơ thôi. Lau lách còn mọc ngay phía sau điện. Nhà trai chỉ là một chái tranh bề ngang không được 10 thước. Sao thầy không làm một cuộc khuyến giáo để xây một vòng tường ngoài? Không. Có tường vẫn hơn chứ, ít ra cũng che được gió lốc. Có trồng được khóm hoa cúc hay gốc bầu cũng không ngại bị gió dữ phá đi mất. Khi chiều nhìn luống rau xơ xác quanh gốc tùng, tôi càng thất cần phải xây tường...
Ông giáo nói loanh quanh như vậy, từ lúc ngồi với thầy Từ Huệ trong căn phòng ở chái cây. Mùi hương lãng đãng trong văn phòng hẹp và ấm. Tách nước trà đậm trước mặt ông giáo bốc khói, lâu lâu gió bấc bên ngoài lọt qua được phên cửa, tạt hơi ấm vào lòng bàn tay ông. Thầy Từ Huệ im lặng ngồi xếp bằng trên sập gỗ mộc, kiên nhẫn nghe bạn nói. Mọi người trong gia đình ông giáo, và các chú tiểu đã đi ngủ. Trong đêm khuya, chỉ còn một nhà sư trân trọng lắng nghe lời một nhà nho.
Ông giáo nói huyên thiên một hồi, đôi lần muốn nói thẳng với bạn câu chuyện mà ông biết thầy Từ Huệ đang chờ đợi ông kể, nhưng lượn lờ mon men nhiều lần, ông ngại không dám vào đề. Ánh mắt thầy Từ Huệ sáng lên, đôi lông mày nhíu lại chuẩn bị hết tinh thần lắng nghe. Ông giáo dừng lại thật lâu. Mua từ các đọt tranh nhỏ giọt xuống vũng nước đọng dưới thềm chùa, nghe lóc chóc từng tiếng đều đặn, thong thả. Rồi đáng lẽ đi thẳng, ông giáo lại đi quanh:
- Tiếc là chuyến này gấp quá, tôi không đem được cặp cây kiểng biếu chùa nhà. Công phu 10 năm đấy nhé. Suốt 10 năm công phu tôi mới uốn nắn cặp sơn tùng đó thành hai con rồng giống y như nhau. Những cái chân đều toàn bằng cây, nhất định tôi không chịu làm chân bằng rễ như thiên hạ. Thầy bảo sao? Thân hay rễ cũng như nhau à? Khác chứ. Làm chân bằng rễ phụ là cách phàm phu, kể làm gì. Hơn nữa cái quí là ở công phu ấy. Này nhé, phải uốn cong một nhánh xuống, đè chôn đất. Nó nứt nhánh ngoi lên mới cắt. Cắt mãi đến khi nó phải đâm rễ và bám xuống đất. Lại còn chăm chút sao cho cái thân nó uốn éo như thân rồng. Chú ý nhé, không được chọn gốc thủy tùng, vì thân không có vẩy. Chỉ có loại sơn tùng mình mới mong uốn cho giống y hình rồng.
Ông giáo nói xong, ngưng lại thật lâu, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt bạn, cái nhìn khinh thị dò dẫm như muốn lường xem câu nói của mình đã thấm tới đâu. Nhà sư vẫn giữ thái độ chú ý trân trọng. Ý chừng không thể im lặng lâu hơn nữa, thầy Từ Huệ hỏi:
- Thế cái giống tùng ở phía sau chùa, có thể gây thành cây kiểng được không?
Ông giáo vui mừng thấy bạn bắt đầu nhập vào câu chuyện, vồn vã đáp:
- Được chứ. Tốt quá đi chứ. Từ hồi còn sư cụ, tôi đã có lần bảo loại tùng này khá lắm. Thầy có để ý không, ở xa mà nhìn, nó khác nào cây kiểng quí đâu. Cây tùng sau nhà chùa dễ thương lớn đến mấy 6om, ngọn queo cành cỗi, mà lá lại rậm rạp. Trên ngọn lá xoắn thành từng nắm tròn. Thầy biết không, sách Truyện ký chép rằng hễ cây tùng nào có đọt xoắn thành nắm tròn, thì đào dưới gốc có củ phục linh và hổ phách.
Rồi không cần chuyển mạch,vào lúc bất ngờ nhất, ông giáo nói:
- Nhưng mà ôi thôi, nãy giờ chỉ nói toàn chuyện vẩn vơ. Tiếc làm chi cái công phu viển vông ấy, phải không? Vạc sắp đổ, thì sá gì ngọn cỏ dại mọc dưới bóng vạc.
Thầy Từ Huệ sửa mình ngồi ngay ngắn hơn, ngả người về phía bạn hỏi:
- Có biến ở kinh thành ư? Thấy thầy, đem cả gia đình đi thế này, tôi đã ngờ, nhưng không tiện hỏi thẳng.
Ông giáo cảm thấy nhẹ nhõm vì đã qua khỏi giai đoạn khách sáo e dè, chậm rãi nói:
- Phải nói là đại biến.
Rồi thấp giọng xuống, ông bảo bạn:
- Thầy cũng phải coi chừng. Ý -đức hầu vừa bị giết hôm qua!
Chén trà trên tay thầy Tư Huệ run run, nước trà sóng sánh. Theo thói quen, ông giáo lại nhìn dò dẫm phản ứng trên mặt bạn. Đôi mắt nhà sư lim dim một lúc lâu, khuôn mặt bất động che giấu những xúc cảm còn lan man bất định. Đến khi ông giáo hết chờ đợi được nữa, định nói, thì nhà sư hỏi:
- Ai giết?
Ông giáo đáp:
- Thầy đoán ra rồi. Lại tên Trương Tần Cối (2).
Rồi giọng ông giáo trở nên sôi nổi:
- Thầy tưởng xuống đây núp dưới bóng Phật thì được yên sao? Tưởng tàn khóm cổ tùng che được gió sao? Thầy có nhớ những gì chúng ta đã nói với nhau khi thầy còn là môn khách của Ý-đức hầu? Tại sao đột nhiên thầy bỏ hết, bỏ hết, xuống trốn đời ở cái xó biển này?
Nhà sư đặt chén trà xuống, cái chén nghiêng về một phía vướng cạnh khay trà, khiến nước đổ lan một khoảng nhỏ trên mặt gỗ. Ông giáo không cho bạn đáp, tiếp tục nói:
- Nghe được tin, tôi phải đem gia đình đi ngay trong đêm. Mấy hôm trước, tôi có trình với Hầu là nên đề phòng. Nhưng không ngờ chúng dám làm càn đến mức đó. Chúng đã cho người mai phục sẵn.
Nhà sư hỏi:
- Bây giờ thầy định làm gì? Đi đâu?
Ông giáo có vẻ ngạc nhiên, không hiểu tại sao bạn lại hỏi một câu vô nghĩa như vậy, khựng lại một lúc, do dự, hoang mang. Ông nhìn bạn lần nữa, cố tìm hiểu chủ ý của câu hỏi. Ông giáo không tìm ra cái gì khác ngoài vẻ điềm tĩnh khó hiểu, ngoài cái thản nhiên đáng ghét. Giọng ông trở nên hằn học:
- Dĩ nhiên tôi không có ý định xuống trốn ở cái xó này. Thầy yên tâm. Nếu bọn Tần Cối không cấm biển, tôi đã khỏi phải ghé đây làm phiền thầy. Đất ở đây hẹp. Ở đâu cũng có tai mắt bọn Tần Cối nên nhan nhản khắp nơi toàn một lũ hèn. Tôi không chịu đựng nổi nữa. Phải qua bên kia đèo Ngãi lãnh thôi!
- Để tìm thờ một chúa khác ư?
Ông giáo tức giận nói lớn tiếng:
- Thầy vừa nói gì thế? Chúa khác à? Trải tám đời khai phá mở mang bờ cõi, còn tìm dòng họ nào xứng đáng hơn nhà Nguyễn Gia Miêu. Chỉ giận tên gian tham chuyên quyền, lung lạc cả ngôi chúa. Nay chỉ còn hy vọng ở hoàng tôn mà thôi. Đất Quảng nam trù phú, dân đông, có thể cậy vào đó
làm thế dựa để diệt gian thần, tôn đấng minh quân được. Thầy nghĩ sao?
Nhà sư suy tính một lúc, rồi trả lời:
- Quanh quẩn cũng chỉ bấy nhiêu! Trước kia tôi cũng nghĩ như thầy, định chỉ nương tạm cửa Phật một thời gian, Nhưng càng ngày tôi càng thấy, càng hiểu. Ất hay Giáp ngồi trong vương phủ cũng thế thôi, lũ dân đen lúc nào cũng chỉ được nắm cơm hẩm và manh áo rách.
Ông giáo không tin ở tai mình nữa, lo sợ đến ngẩn ngơ, bàng hoàng. làm sao bạn ông dù đã bỏ mộng kinh sư theo kinh kệ lại dám thốt những lời phạm thượng như vậy. Bây giờ ông mới thấy Hàn Dũ có lý. Ông giáo đứng hẳn dậy, đi đi lại lại trong phòng để mong lấy đủ bình tĩnh. Bạn ông vẫn ngồi trầm ngâm trên sập gỗ, như đang tham thiền nhập định. Ông giáo đến trước mặt bạn, dằn từng tiếng một:
- Thầy chỉ là một kẻ nhát gan, giấu đầu trong xó tối mà tránh ma.thầy tưởng tiếng chuông lời kệ đủ sức diệt được tham sân si của lũ Tần Cối ư? Không! Không!
Nhà sư mở mắt ra, thấy vẻ thách đố giận dữ của người bạn già, nhưng vẫn điềm tĩnh trả lời:
- Rất tiếc đã làm cho anh giận, anh giáo Hiến ạ. Lúc nãy anh bảo trong sách Truyện ký có chép rằng cây tùng nào tàng lá xoắn thành hình tròn, dưới gốc có phục linh và hổ phách. Tôi cũng có nghe nói như thế. Nhưng có ai vì tham hai món thuốc quí ấy mà đào bật gốc tùng lên không?
Ông giáo để một lúc lâu suy nghĩ về lời nói bóng gió của bạn, tuy cảm động vì lối xưng hô thân ái như lúc thầy Từ Huệ chưa vào chùa, cùng với ông là môn khách ở dưới cửa Ý đức hầu, nhưng càng nghĩ, ông càng thấy không thể đồng ý với bạn. Ông nói:
- Cách nhau mấy năm, chúng ta đã khác nhau quá. Dù sao cũng xin cảm ơn thầy... cảm ơn anh đã cho tá túc đêm nay. mai chúng tôi đi sớm. Có lẽ anh không bị quấy rầy nhiều đâu!
Cả hai người nhìn nhau không nói, và đều bâng khuâng trước một sự rạn vỡ vô hình. Từ đó cho đến lúc chào nhau đi nghỉ, họ không nói với nhau điều gì khác ngoài những lời khách sáo vô nghĩa.
Lũ trẻ không quen đi bộ, nên dù có hứng thú với cảnh những dải cát mênh mông, núi vòi vọi xanh biếc và những đầm nước sóng vỗ ngay vệ đường, chưa đi được bao xa, đã kêu mỏi chân. Sức khỏe mong manh của Lãng và bà giáo cũng là một lý do khác. Ông giáo không dám hối thúc, lâu lâu dừng lại chờ vợ đến với đôi mắt thương cảm pha lẫn nhẫn nải. Ông đã trải qua cái cảm giác phức tạp ấy nhiều lần trong đời. Bảo rằng ông hối tiếc hay bảo rằng ông thương hại, đều không đúng. Ông giáo có hối tiếc gì đâu? Giả sử có một phép lạ nào cho phép ông được sống lại một cuộc đời khác ngay từ đầu, ông không ngần ngại lặp lại những điều ông đã sống.lặp lại cái biến cố quan trọng nhất của đời ông: cuộc tình duyên giữa ông giáo và bà giáo. Giữa chốn thị thành bon chen nhau giành giật ân huệ và danh lợi của vương phủ ban phát, tiếng cười hả hê chen những tiếng nấc nhọc nhằn ô nhục, đạp chà lên đầu nhau tiến thân, miệng lưỡi tâng bốc cũng là miệng lưỡi dèm pha, ôi thôi trong mớ tiếng ồn bát nháo ấy của thành Thuận hóa, việc ông giáo lấy một người vợ có gì đáng kể đấu thế mà trong đám quen biết không khỏi có lời bàn ra tán vào. To tiếng nhất là đám bạn bè của ông giáo. Dù thế nào chăng nữa (ý các bạn ám chỉ cảnh tứ cố vô thân và sự nghiệp dở dang của ông giáo) ông cũng là một nhà nho. Tất nhiên ông giáo chưa đậu đạt gì, và chắc còn lâu lắm mong tên mình được xướng ở lầu Phú văn. Các bạn ông còn lạ gì cái tính ngông nghênh không chịu vào khuôn phép, cái giọng khinh bạc phóng túng trong các bài thơ phú của ông! Thế nhưng mà...(các bạn ông tợp chén rượu đắng ở cái quán lá gần bờ sông nơi họ thường tụ tập nhau tán gẫu) thế nhưng dù sao chăng nữa ông giáo cũng là một nhà nho có tương lai. Trong lúc đó, cô hàng cơm hến chỉ là con một anh lính lệ. Vâng, thì đã đành cha cô hàng cơm hến là lính cấm binh nhờ gốc gác từ Tống sơn mà được tin dùng, và nếu cần, ông ta có thể chửi thẳng vào mặt bọn thư sinh lạc đệ yếu đuối mà họ chẳng dám làm gì, chỉ riu ríu cúi đầu, lặng lẽ tránh đi. Các bạn ông giáo cũng lấy lòng người chân thực công nhận rằng cô hàng cơm đẹp, đôi mắt to và sâu, cái mũi thanh, đôi môi nhỏ mỗi lần không nói cố mím lại để che cái răng cời bên trái khiến lúc nào hình như cô hàng cũng đang sắp sửa cười với người trước mặt. Nhưng (họ nhấn mạnh để thuyết phục ông giáo nghĩ lại trước khi quá trễ) nhưng tay chân cô ta thô quá. Và điểm quan trọng hơn hết là cô ta ốm yếu quá. Vai đẹp, thân thể mỏng, nước da xanh xao. Họ có biết đâu rằng chính sự pha trộn giữa vẽ đẹp thuần hậu trầm tĩnh và nét mong manh yếu đuối ấy đã khiến ông giáo xúc động mãnh liệt. Ở cô hàng ít nói ấy, từ mái tóc dài đen lòa xòa ít được chải chuốt, cái dáng đi sẽ sàng như sợ đau lây mặt đất, nụ cười lặng lẽ giấu diếm, đến chiếc áo thâm tay dài rách ở cùi chỏ làm lộ một mảnh da trắng, tất cả, tất cả hợp nhau lại, không có chút mời mọc mà chỉ có sự cầu cứu che chở. Mà ông giáo vào cái 25 của thời ấy, thì sẵn sàng làm người bao dung lắm!
Quả nhiên các bạn ông đã đoán không sai. Cả ông giáo cũng đoán đúng. Cô hàng cơm hến lấy một thư sinh tứ cố vô thân không sự nghiệp, cái nghèo chờ sẵn ngay từ tối tân hôn. Cô hàng không ngờ chồng mình không có gì khác ngoài đống sách cũ. Nhưng đối với chị em hàng xóm, và nhất là đối với người cha hay say rượu, mớ giấy dơ chữ nghĩa lăng quăng đó trở thành biểu tượng của một giá trị siêu hình vượt xa tầm tay của rất đông người. Thứ giá trị chìm khuất trong một thứ mà sương thần thánh như các bức tượng ẩn núp sau lớp khói hương mù mịt. Nhờ thế, hai vợ chồng trẻ yên tâm sống giữa nghèo khó và sự kính nể của những người quen biết. Vợ mở một ngôi hàng nước, chen thêm vài ba thứ hoa quả lặt vặt theo mùa. Chồng viết đơn thuê, tập tễnh đọc sách thuốc. Và như mọi cuộc sống vất vưởng bấp bênh khác, chính hai vợ chồng cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao họ đắp đổi lần hồi rồi cũng xong. Giật gấu vá vai, họ vẫn sống được. Chỉ có một điều ông giáo ái ngại, là bà giáo yếu ớt quá. Cái vẻ mong manh một thời quyến rũ ông, về sau vẫn còn đủ sức quyến rũ. Nhưng ông ái ngại cho bà giáo. Thêm một đứa con là thêm một niềm lo lắng, sức khỏe bà giáo giảm xuống. Đôi lúc ông tự trách đã không có cách nào giúp đỡ vợ, cung cấp cho vợ một đời sống an nhàn sung túc hơn. Sau khi sinh thằng Lãng, ông sợ thêm một đứa khác thì vợ dẽ lụn dần như một ngọn đèn hết dầu. Ông quyết giữ gìn được đến tám năm. Thằng Út ra đời, ông giáo đau xót thấy sức khỏe của vợ chỉ còn là một ngọn bấc leo lét. Hai xương vai bà nổi cộm hết lên dưới lớp áo thâm, vai so lại. Thời tiết chốn kinh kỳ thất thường và trời vừa se lại là bà giáo húng hắng ho. Từ lúc ông bỏ nghề thầy đồ về giúp cho Ý đức hầu, gia cảnh có khá hơn. Ông có nhờ các bạn làm ở Tàu vụ mua thuốc bắc từ các tàu buôn người Trung hoa khi thuyền họ ghé vào Hội an. Thuốc bổ chỉ giúp được sức khỏe bà giáo cầm chừng, chứ không thể khá hơn.
Thể chất yếu đuối của mẹ ảnh hưởng đến mấy đứa con sau. Lãng khó nuôi ngay từ khi lọt lòng. Thằng Út hết nóng sốt lại đi tướt, giấc ngủ chập chờn và thường hay giật mình đổ mồ hôi. Cũng may nhờ có An giúp đỡ mẹ săn sóc các em, khi cho bú mớm, lúc dỗ giấc ngủ. Giữa đám anh em trai vô tâm, An như một người chị hay làm quán xuyến gần hết công việc trong gia đình. Cho nên lúc trời sắp tối, mây đùn lại hạ thấp bầu trời, Kiên và Chinh giục cha đi nhanh cho đến trạm Tuần ải, thì An nhắc cha rằng đường trở lại quán Trà gần hơn, chung quanh có làng xóm dễ tìm ra chỗ trú đêm. Ông giáo đã nghe theo lời con gái trở ngược lại tìm lối tắt lên đường cái quan, theo hướng bắc trở ra quán Trà.
Ông giáo không dám vào khách trạm, xin tá túc ở một ngôi nhà cất giữa vườn mít rậm. Sáng hôm sau ông lại cẩn thận đánh thức vợ con từ canh hai và lên đường khi trời còn tối mù. Từ quán Trà đến quán Tuần ải nhà cửa dân cư thưa thớt. Núi và đầm chen nhau không dành cho con người lấy vài khoảng đất mưu sinh, nên ông giáo yên lòng đi theo đường cái quan. Người dẫn đường thấy cách đi đứng thất thường của gia đình ông giáo, lấy cớ này cớ nọ đòi thêm 2 quan tiền công nữa. Bà giáo phải móc cái ruột tượng ra, lo lắng nhìn số tiền ít ỏi còn lại. Không có cách nào khác. Mọi người đều mệt mỏi, hai bàn chân ê ẩm, nặng trình trịch, buổi sáng thức dậy tưởng như không thể đặt được bàn chân xuống đất chứ đừng nói chi bước đi. Nhưng rồi không có cách nào khác, bàn chân phải đặt xuống, môi mím để nén đau bắt nó làm đế tựa để nhấc bàn chân trái lên, nghiêng người đặt xuống phía trước. Từng bước, từng bước, cả gia đình rồi cũng đến được quán Tuần ải tối hôm ấy.
****
Sáng hôm sau, họ bắt đầu đến bìa rừng Ngãi Lĩnh. Ngay dưới chân đèo, có một xóm dân chài độ vài chục nóc nhà. Bà giáo và An đang vào một nhà tranh lụp xụp tồi tàn gần đường quan nhất để xin thêm nước dự trữ, thì đột nhiên cả xóm lao xao náo loạn. Người này ơi ới gọi người kia. Mẹ hớt hải khóc mếu đi tìm con. Đàn ông vác những cái bọc cột sẵn chạy ra phía bờ biển! Không đầy một khắc cả xóm trở thành một cõi hoang vu, như có một cơn lốc dữ thổi qua vậy. Cửa sổ, liếp che ở các ngôi nhà lá đều chống lên, bên trong đồ đạc không còn gì. Trai tráng, phụ nữ đều biến mất, chỉ còn lại những người mù lòa, tàn tật và trẻ em. Ông giáo và cả nhà ngạc nhiên, rồi lo sợ, nghĩ rằng có lẽ lệnh truy nã của quốc phó đã đền đây. Đáng ngại hơn nữa là cả người dân chài vác thuê cũng đã biến mất. Trong cái xóm vắng tan tác, chỉ còn trơ trọi gia đình ông giáo và mấy người già cả. Vài đứa con nít đang khóc thét vì đột ngột xa hơi mẹ.
Ông giáo đến hỏi một ông lão. Ông lão trỏ về phía bắc nói:
- Ông không biết sao? Ông có thấy đám bụi mù trên đường quan không? Ông nên trốn nhanh lên, cả mấy cậu này nữa. Công sai đã về đấy!
Ông giáo kinh ngạc hỏi:
- Công sai về thì đã sao? Mình có làm gì nên tội mà trốn?
Ông lão lại gần, hạ giọng trả lời:
- Ông ở xa đến không biết đấy thôi. Ở đây dân khố rách chúng tôi khô lắm. Xóm này ở ngay chân đèo. Quan dịch đi đông, bắt phu không đủ, người ta phải vào lùng bắt từng nhà. Nếu không có người, thì trong nhà có thứ gì, quan đều tịch thu hết. Do đó nhà nào cũng gói ghém quần áo, nồi niêu, thóc gạo sẵn, khi có báo là vác chạy ra chôn giấu dưới cát. Tôi đã già rồi, chân tay lóng cóng, thôi thì liều ở lại vậy. Ngày đêm chỉ lo chui rúc giấu mình như lũ chuột. Trước kia xóm này đông đúc có đến trăm nóc nhà. Chỉ vì cái nạn bắt tráng tứ tung mà nhiều gia đình phải trốn đi kiếm ăn nơi khác. Chúng tôi mấy đời giâm đọt rau gốc khoai ở đây, bỏ đi không đành.
Lúc đó một đoàn người ngựa vừa đến. Nhưng chỉ là một đoàn khách buôn. Ông giáo đoán chừng những khách buôn này vừa dùng ngực thồ hàng ra kinh thành theo đường bộ, giao hàng xong họ trở về với những giỏ trống. Nhờ thế những con ngựa chân thấp, sắc nâu sậm hoặc xám loang lổ trống còn khỏe. Vài người đàn ông đem lúa ra cho ngựa ăn, vài người vào xóm xin nước. Ông lão lúc nãy chụm hai bàn tay làm loa, hú lớn một tiếng dài. Dân chúng lại lục tục trở về, ban đầu còn thưa thớt e dè nhưng chỉ một lúc sau họ về đủ cả. Trên đầu, trên quần áo, người nào cũng đầy những cát. Tiếng cười nói oang oang, mừng rỡ như vừa thoát được một tệ nạn ghê gớm. Một người lái buôn báo trước:’
- Hôm nay không có gì đâu. Ở quán Lờn Voi, chúng tôi nghe nói đến mai mới có một đoàn quân quan đi vào Hội an thu thuế. Các bác cứ yên tâm, nghỉ một đêm lấy sức sáng mai hãy chạy.
Đàn bà con nít nghe nói vậy cười ồ. Trên các gương mặt đen xạm vì lam lũ thiếu thốn, trong các đôi mắt đục và đờ đẫn hoặc lấm lét vì sợ hãi, lóe lên dễ dàng những ánh vui nhỏ. Một cái chợ nhỏ thành hình, quanh gốc xoài nơi bọn khách buôn cột ngựa.Ngược lại, họ bán cá tươi, cua luộc và những thùng ổi rừng. Ông lão lúc nào hình như chưa yên lòng nếu chưa nói hết câu chuyện dở dang với ông giáo, kéo ông ra chỗ xa tâm sự:
- Tôi thấy các đời trước đời sống dễ thở hơn. Thuế má vừa phải, dân còn chịu đựng được. Quan lại tránh làm phiền nhiễu dân. Nhờ vậy, làng xóm tụ hội, khỏi ai bị buộc phải trốn tránh, phiêu dạt. Bây giờ thì...ông thấy đấy!
Ông lão thở dài. Rồi chỉ cho ông giáo thất một bức tường ở một căn nhà hoang mái dột, nước xói lở chỉ còn cái khung tre xiêu xó, ông lão nói:
- Tôi nói với ông làm gì chứ! Nói mà có làm được gì đâu! Than ôi! Tôi già quá rồi!
***
Quá trưa, chờ cho đoàn khách thương đi xa, gia đình ông giáo mới bắt đầu leo đèo.Đường sá gập ghềnh khó đi, hai bên đường toàn bụi rậm dây leo chằng chịt. Càng lên cao, cây cối thẳng đuột không có cành phụ. Rễ bám dưới đáy vực, thân trắng vươn lên cố chen nhau đưa tán lá nhỏ cướp lấy ánh nắng và sương mốc. Chút ánh sáng ít ỏi lọt qua được những dù lá tròn chập chùng, lại bị làn sương mờ phía dưới ngăn trở nên tuy đã quá trưa, gia đình ông giáo vẫn có cảm giác đang đi giữa tinh mơ. Đã thế lâu lâu một đám mây thấp trôi vướng vào đám thân cây, làm cho cảnh vật tối sầm mù mịt. Hơi rừng bốc lên, lá cây xôn xao, dường như cả bầu trời mặt đất và thảo mộc cùng tận hưởng thú vị của đời sống, thở ra khoan khoái. Từ lâu tù túng trong vòng lẩn quẩn tủn mủn của đời sống đô thị, cả ông giáo, Kiên và Chinh không thể không xúc động trước một sức sống huyền nhiệm rộn rã và bao la như vậy. Nỗi mệt nhọc hình như tan theo mây và sương thấp, lãng đãng hòa nhập vào hương hoa ngải đang phảng phất quanh bước chân họ. Những cảm giác khinh khoái ấy không bền. Đường đèo gập ghềnh, họ lại mất hướng đạo nên buộc lòng phải đi nép theo đường quan, vừa bước vừa lo âu nhìn sau nhìn trước. Chỉ sau một thôi đường ngắn, mồ hôi và sương đã ướt đẫm khăn áo của bà giáo và mấy đứa bé. Nghỉ một lúc, họ gắng leo thêm một đoạn đèo nữa. Gai góc, đá nhọn làm ê ẩm, nhức buốt những bàn chân son. An thấy mỗi lần đặt chân xuống, mẹ phải mím chặt môi, đôi lông mày chau lại, nước mắt sống chảy xuống đôi má đã tái lạnh vì sương rừng. Cô bé quên cả nỗi mệt nhọc, cố gắng bước nhanh đến nắm lấy tay mẹ. Bà giáo đưa cánh tay trái quàng vai An, và bất ngờ bật lên khóc. Cả gia đình dừng lại, qui tụ thành một nhóm. Ông giáo lo lắng, nhưng cũng hơi bực bội trước sự yếu đuối của vợ. Bà giáo ngồi rũ trên một phiến đá thấp, càng ngày khóc càng lớn hơn. An quấn quýt bên mẹ một hồi, rồi cũng khóc theo mẹ. Rồi đến thằng Lãng và bé Út. Kiên không hiểu vì sao đám đàn bà trẻ con đang đi đột nhiên đua nhau khóc lóc như vậy, ngơ ngẩn đứng nhìn, không biết phải làm gì. Ông giáo xoa dầu lên hai bàn chân vợ xong, yên tâm vì không thấy vết thương trầm trọng nào ngoài vài vết xước và bầm tím trên bàn chân và ống chân bà giáo. Lúc đặt bàn chân vợ xuống, ông mới khám phá hai con vắt nhỏ đang bám chặt vào chỗ dưới mắt cá. Chưa ai trong gia đình có kinh nghiệm đi rừng. Chiều cao của cây cối, dốc đứng hướng lên đỉnh trời, sương mù giăng khắp đôi lúc đặt lại vì thêm những đám mây, cái khí lạnh dìu dịu và mùi hương ngải thấp thoáng lúc đậm lúc nhạt, đều hoàn toàn mới lạ đối với mọi người. Có sá gì những cái nhỏ mọn. Cho đến lúc sự mệt nhọc kéo tầm mắt họ xuống, trước hết là đám đàn bà trẻ con yếu đuối, thì những phiến đá cứng có cạnh sắc, những bụi cây thấp đầy gai, những lối đi trơn trượt; buốt lạnh nhớp nháp những mồ hôi, khí ẩm sự rã rời trên đầu gối cảm giác tê dại nơi bắp chân, đất trở nên gai góc lởm chởm và triền đi dốc ngược tất cả những điều phức tạp trắc trở ấy cùng ùa nhau đến. Nhưng hãi hùng nhất là những chú vắt nhỏ và nhanh này. Mỗi người lúc đó mới tự khám phá ở những chỗ kín ngứa ngáy đều có một hay hai chú vắt bám vào. An chết điếng cả người, không thốt lên được lấy một tiếng dù là tiếng rú. Rồi ai nấy đều để ý thấy không biết cơ man nào là vắt trên lối họ đi. Chúng búng nhẹ cái thân màu nâu đậm và trơn tuột từ chiếc lá này sang chiếc la khác, và chưa kịp cảnh giác, chúng đã chui được vào dưới lớp quần áo ta rồi. Sợ quá bà giáo quên cả khóc, đứng lên chạy trốn. Ông giáo giữ vợ lại, trấn tĩnh bằng đủ mọi lý lẽ mà bà giáo cứ một mực đòi về lại kinh. Không dằn được tức giận, ông giáo quát lên:
- Có im đi không! Đừng nói dại!
Nếu không có tiếng ngực hí vang lên từ đầu ngọn dốc thì còn lâu gia đình họ mới giải quyết được chuyện đi hay ở. Không ai bảo ai, mọi người đều im bặt, và nhanh chóng dìu nhau đi xuống phía vực, nơi có những dây leo lá to màu phơn phớt tím, hoa trắng, leo lên thân một cây đã chết khô, tạo thành một chiếc tổ kín đáo. Chờ cho đàn người ngực đi qua, họ trở lại lối cũ. Ông giáo bảo vợ:
- Ta cứ đi trên đường quan đi! Không sợ gì nữa!
Chinh nói với cha:
- Chúng nó không dám đi đêm đâu. Vả lại, việc gì phải sợ ai.
Kiên chậm chạp nói:
- Gần tối rồi cha! Nhất định đây là đoạn cuối cùng xuôi đèo ra kinh. Chắc ta không gặp ai nữa đâu!
Mọi người yên tâm đi trên đường quan, bớt được phần nào khó nhọc. Đi được một thôi đường, trời gần như tối hẳn. Đang lo không biết phải qua đêm ở đâu, họ mừng rỡ tìm thấy phía trước có ánh đèn. Qua màn sương dày, đóm ánh sáng ấy nhòe ra, ươn ướt, như một chất rắn vàng óng đang tan rữa trên tấm thảm đục bát ngát... Màu sáng óng ả, chất lỏng dịu ngọt ấy giúp mọi người phấn khởi. Ngay cả bà giáo và Lãng cũng bước nhanh kịp bước chân Chinh. An vấp một hòn đá lớn mà không thấy đau đớn gì nhiều. Bà giáo hỏi:
- Có chắc là ánh đèn không mình?
Ông giáo cũng lo sợ chỉ là ảo ảnh, không dám trả lời vợ. Thực tế không phụ họ. Đến gần hơn, họ nhận ra được rõ thêm một mái nhà lợp cỏ, bậc cấp bằng đá xếp tạm bợ theo tự nhiên dẫn từ đường cái lên. Chinh vui mừng không ngăn được cười đùa, reo hò. Kiên ngăn em, nhưng tiếng nói lớn không chút dè dặt. Ông giáo cũng cười bảo vợ:
- Mình thấy không. Tôi đã biết chắc ở đây có một cái quán. Hôm nọ ở nhà Ý đức hầu...
Đang nói ông giáo ngưng lại kịp. Họ đã đến chân lối đá dẫn lên quán. Một bó đuốc lớn cháy bập bùng trước cửa, nhưng lạ lùng là quán không có người. Chinh đặt gói đồ xuống chỗ Kiên đứng, không chờ ai sai bảo, nhảy thoăn thoắt trên bậc đá lên quán. Từ phía sau ngọn đuốc bập bùng, Chinh nói vọng xuống:
- Không có ai cả.
Ông giáo chụm hai bàn tay làm loa bảo con:
- Coi chừng.
Rồi sợ ý mình lộ liễu quá, ông thêm:
- Ở đây rắn rít nhiều lắm. Vả lại coi chừng không lại ngã.
Không thấy Chinh trả lời. Một lúc, Chinh lại xuất hiện trước ánh đuốc nói lớn:
- Bếp còn lửa. Có cả mâm cơm, ấm nước trà đang bắc trên bếp nữa. Vừa có người ở đây xong, không biết họ đi đâu.
Ông giáo đoán được sự thể, bảo cả nhà:
- Ta lên thôi!
Họ vào quán, tò mò quan sát cái quán tranh rộng ba gian dựng khá vững chãi, công phu. Cách xếp đặt khá ngăn nắp, sạch sẽ. Ngoài mâm cơm bát đũa vất bừa bãi trên cái nong nhỏ và cái kệ làm bằng nứa đan dùng để bày quà nghiêng đổ chổng chơ vì thiếu mất một chân. Ông giáo ra phía sau bếp lấy tay làm loa gọi lớn:
- Chúng tôi là khách bộ hành. Các ông các bà chớ ngại.
Gọi xong, ông chờ. Một lúc lâu chưa thấy động tĩnh gì. Ông gọi tiếp;
- Chúng tôi, thường dân ở kinh đô về Thăng hoa cư tang. Các bác chớ ngại.
Họ lại chờ. Tiếng gió thổi vào mái lá. Tiếng con tắc kè trên đọt cao. tiếng một vài quả rụng. Rồi tiếng ho. Tiếng chân người. Lần lượt những người chủ quán trở lại. Một ông già khoảng 60, khôn mặt gầy ốm, da đen, nói nhanh và hay lặp. Người vợ trông già hơn chồng, miệng móm, tóc đã bạc hẳn. Một người con trai khoảng 30 thấp lùn, chắc nịch không nói lời nào. Ba người khách trọ đến trước gia đình ông giáo. Chưa cần hỏi nhiều, ông giáo đã hiểu vì sao mọi người chạy trốn. Một ông khách có dáng thư sinh bảo:
- Tôi đã nói không nghe thấy tiếng chân ngựa, nhất định không phải là quan dịch. Nhưng bác quán cứ lo xa, hỏi tại sao không phải là quân quan mà dám lớn tiếng cười nói như vậy!
Cụ chủ quán ngượng nghịu nói:
- Phải lo xa các ông ạ! Mới buổi sáng đây, các “ngài” cần thêm người khiêng võng. Có đứa xấu miệng mách lẻo cho các ngài biết thằng Mười còn sống chung với hai vợ chồng già chúng tôi. Thế là... các ông thấy đấy. Cái quầy mất đi một chân. Bà nhà tôi cứ tiếc mãi cái âm trà đất nung mua ở cửa Hội. Những một quan đấy!
***
Nửa đêm, ông giáo giật mình thức dậy. Trống ngực ông dồn dập, mồ hôi đẫm cả lưng áo. Ông phải nằm lặng trên mặt chiếu ẩm một lúc khá lâu, mới nhận ra được những rui mè bằng tre của mái quán thấp, màu sáng vàng ủng và mong manh hắt từ ngọn đèn dầu đặt ngay dưới nền cách chỗ gia đình ông ngủ không bao xa. Dĩa dầu đã gần cạn, đầu ngọn bấc đen và dài, đóm lửa leo lét yếu đuối lâu lâu lụn hẳn xuống gần như sắp tắt. Nằm yên thêm một lúc nữa, ông giáo phân biệt được tiếng mưa rơi trên mái tranh và tiếng lèo xèo ở chỗ dĩa đèn. Ông đoán không lầm. Mái quán bị dột, giọt tranh rỏ đúng vào dĩa đèn. Lớp dầu dừa nổi lên trên dĩa nước quá mỏng, không đủ thấm chất đốt cho tim đèn. Dù đã ý tứ đi thật sẽ sàng để khỏi làm phiền mọi người, bước chân của ông cũng vang dội thành tiếng động lớn. Cụ chủ quán húng hắng ho bên kia liếp phên. Tiếng rít nhỏ và kéo dài của một loài côn trùng bên ngoài mái quán, cũng có thể là tiếng gọi tình của một lào rắn, tự nhiên cũng ngưng hẳn lại. Hình như đêm đột ngột lặng lẽ để rình rập ông. Hình như bên kia mái quán, còn có một ngọn núi nhọn nấp sau những đám mây đen theo dõi từng cử động của ông. Ông lo sợ nhìn quanh quất. Vợ ông nằm co quắp ngay sát tấm vách ngăn, một tay ôm lấy thằng Út còn tay kia đặt trên mái tóc rối, giống như cử chỉ một kẻ yếu đuối đang đưa tay lên che lấy đầu lúc bị kẻ khác đánh đập. Thằng Lãng thở khò khè, khí núi làm cho cơn hen tái phát dữ dội khiến thằng bè trăn trở, hết xoay người về phía cột đèn, lại xoay sang phía lưng bà giáo. Ông kéo tấm chăn bông đắp lên ngực con. Lãng mở mắt nhìn, nhưng nó không thấy gì, ngơ ngác một lúc rồi lại nhắm mắt ngủ. Ông giáo ngồi bó gối bên ngọn đèn sắp lụn, thần trí hoang mang. Giá ông có thể hiểu hết được mình, biết rõ những điều quấy nhiễu giấc ngủ mình, biết rõ cái gì khiến cơn hoạn nạn hiểm nghèo của đời ông, ông lại thiếu hẳn sự nhạy bén trong phản ứng, sự quyết định lúc lựa chọn, sự sáng tỏ đen trắng giữa căm thù và ngưỡng mộ. Trên đường thoát hiểm để cứu lấy mạng sống, vì sao bước chân ông ngập ngừng? Cái gì níu kéo ông lại?
Mấy ngày nay, đôi lúc ông tưởng Kiên biểu ông được phần nào. Lúc nhìn theo đoàn thuyền quan chở của cải các xứ đàng trong về cho quốc phó, lối nhìn trằm lặng ngầm chứa nhiều nghĩa của đưa con cả đã khiến ông giáo vui, cái vui tìm được bạn đường. Nhưng thay vì phẫn nộ, Kiên chỉ biểu lộ sau đó sự cam chịu, buông theo chiều gió. Ngược lại, ở Chinh, ông thấy sự phẫn nộ, phá phách vô tâm, gần gũi với bản năng ban đầu hơn, giống như niềm vui độc ác của bọn con trai mới lớn đổ dầu lên chú chuột con tội nghiệp, châm lửa đốt rồi vỗ tay cười đùa. Ông biết chắc cái tâm sự dùng dằng, ngập ngừng này của ông, cảm giác hoang mang bất định và cả đến dáng điệu ngồi thu mình cô độc bên dĩa đèn leo lét này, ông không thể chia sẻ, không thể tâm sự với bất cứ người nào trong gia đình.
Ông thao thức như vậy cho đến lúc hừng sáng. Ngọn đèn đã tắt, ông đếm từng tiếng chóc chóc của giọt tranh rơi vào lòng dĩa nước. Ông đếm nhịp mình thở. Ông chờ những đợt gió mạnh. Rồi tiếng ban đêm, tiếng muông thú và côn trùng, tiếng cây cỏ, tiếng núi, tiếng trời... Không có âm thanh nào rõ, ông chỉ nghe thấp thoáng chung chung thành một tràng những tiếng xao xác. Ông dậy sớm hơn mọi người, dù đầu óc hơi ngây ngây nhưng không chịu nằm rán dỗ giấc ngủ, một mình bước ra khỏi quán.
Ông kinh ngạc khi nhận ra rằng quán nằm ngay trên đỉnh ngọn Ngãi lãnh. Phía nam phủ phục dưới chân ông là những nếp rừng dày xếp nghiêng lớp nọ kề bên lớp kia. Xa hơn nữa là mặt biển màu bạc mênh mông, là đồng bằng màu xanh ô đậm ô nhạt chập chồng. Ông đang ở trên lằn ranh, và chốc nữa đây, chỉ cần bước thêm vài bước, ông và cả gia đình sẽ xuôi xuống một hoàn cảnh khác. Ông không thể dừng lại được nữa rồi. Trước mặt ông không còn chóp núi cao nào nghiêm khắc quở trách ông, không còn dốc cao nào chận bước chân ông. Từ đây, dù có do dự, đã xuôi dốc cứ đẩy ông tới, về phía biển bạc trùng trùng kia, về phía đồng bằng bao la kia.
Ông giáo trở về quán. Vợ con ông đã thức dậy. Bà giáo đang xuống bếp lo nấu cháo cho mấy đứa bé. An lo lắng nhìn vẻ bơ phờ của cha. Có một điều cô bé không hiểu, là hình như cha đang có điều thú vị, miệng vẫn mím lại nhưng đôi mắt sáng long lanh. Thấy Lãng, bà giáo và bé Út tiều tụy quá, ông giáo nghĩ: không thể theo đường bộ mãi được. Bằng cách nào đó, phải đến cửa Hội tìm thuyền mà về cửa Giã.
(1) Quốc phó tức quan ngoại tả Trương Phúc Loan
(1) Tức quan nội hữu Trương Văn Hạnh, bạn của giáo Hiến.
(2) Tức Trương Phúc Loan.
- Mẹ!
Bà giáo quay lại, thấy đôi mắt con gái long lanh như sắp khóc. Đứa con gái bắt kịp mẹ, tay phải xốc lại cái tay nải nặng trĩu sau lưng còn tay trái tìm nắm lấy tay mẹ. Tiếng nói cô bé mong manh giữa mưa gió và bóng tối, nên bà giáo chỉ nghe thấy con bảo:
-... lấy cái bọc quần áo này, để em con bồng cho.
Bà giáo vội ngăn:
- Không, con bồng em không nổi đâu. Coi chừng nghe An! Nhìn kỹ đường cái, không lại ngã. Con rán đi nhanh tới trước cho kịp anh Chinh, vịn vào anh mà bước. Đừng lo cho mẹ.
Cô bé chưa muốn vâng lời ngay, giọng ngập ngừng:
- Nhưng con sợ em bị ước. Còn mẹ thì...
Bà giáo cắt lời con:
- Mẹ thì có cha lo. Con lên trước với anh Chinh đi.
An ngoái lại phía sau, thấy cha dìu em Lãng bước chậm theo hàng tre, cẩn thận tránh các vũng nước trắng bất trắc rải rác trên mặt đường. Từ lúc bị đánh thức cho đến bây giờ, cô bé hiểu lờ mờ rằng một tai biến ghê gớm nào đó đang xảy ra cho gia đình mình, An biết chắc như vậy qua những lời xì xầm trao đổi giữa cha và mẹ, nhất là tiếng khóc ấm ức của mẹ khác hẳn những tiếng khóc vì đời sống thiếu thốn và buồn phiền của bà,từ khi cô bé bắt đầu thấy được sự phức tạp của mọi sự chung quanh mình. Trong lúc các anh lặng lẽ thu góp đồ đạc, cột chặt các tay nải thì mẹ bối rối hết nhặt nhạnh mớ quần áo này nhét vào một tay nải đã quá nặng, suy tính đến ngơ ngẩn thất thần, lại quyết định bỏ lại để đi nhặt nhạnh thứ khác. Thằng Lãng bị dựng dậy, nhưng buồn ngủ quá, nằm ngay trên nền đất nện, dựa lưng vào đống đồ đạc bừa bộn mà ngủ tiếp. Cha thì không còn đủ tâm trí quán xuyến công việc dọn dẹp nữa. Hết ra ngõ chờ đợi cái gì An chưa hiểu, ông giáo lại quay vào, đứng ở ngạch cửa, lơ đãng nhìn cả nhà xào xáo dọn dẹp, không góp ý mà cũng không hối thúc. Nếu không có anh Kiên và anh Chinh lặng lẽ, lặng lẽ, chậm chạp nhưng giữ được đủ bình tĩnh để dọn dẹp, chuẩn bị, An nghĩ có lẽ còn lâu lắm họ mới ra khỏi nhà. Cho đến cuối cùng, hình như ông giáo vẫn còn mong chờ ai đến. Tiếng trống sang canh vọng từ bên kia bức tường cũ, tuy rời rạc ngái ngủ và khuất lấp trong tiếng mưa gió, vẫn còn đủ sức mạnh thôi thúc ông giáo. Ông cuống lên, mất hết chút bình tĩnh còn lại, lần đầu tiên An thấy cha không giữ được vẻ chững chạc, trầm tĩnh thường ngày. Giọng nói của cha gắt gỏng và lo âu. Cô bé nghe cha phân giải gì đó với mẹ. Mẹ trả lời ngập ngừng, tiếng nói đứt quãng vì tiếng nấc.Hình như cha cố thuyết phục mẹ, và đến lúc không còn nhỏ nhẹ được nữa, An nghe cha quát lên:
- Thật tiếc không phải lúc. Mình không thấy cảnh gia đình quan nội hữu hay sao! Không chần chờ được nữa đâu! Phải đi ngay!
***
Họ đi men theo con đường tối tăm, lầy lội, khó nhọc nhưng kín đáo giấu mình dưới những lũy tre. Trời thì thấp xuống, gió vẫn thổi dữ. Đến chỗ dốc dẫn lên điếm canh, Kiên và Chinh dừng lại chờ cha. Ông giáo đi chậm, vì vừa phải dìu thằng Lãng, vừa đỡ lấy lưng bà giáo. Nỗi sợ hãi cứ ngày càng tăng, bà giáo hoảng hốt cảm thấy chân mình cóng lại, bủn rủn không bước nổi nữa. Bà đã hết khóc, nhưng toàn thân cứ run lên từng chặp. May thay ông giáo đến kịp lúc; bàn tay chồng chỉ đỡ nhẹ lấy lưng, bà giáo vẫn cảm thấy ở phía sau, có một hơi ấm quen thuộc mơn trớn lan dần khắp thân thể mình. Bà yên tâm hơn, ôm chặt thằng Út vào ngực. Chiếc áo tơi lá sột soạt lay động.Ông giáo nhắc:
- Mình cố đừng cho nó thức dậy. Sắp đến điếm canh!
Thấy cha đã đến, Kiên xốc lại cái tay nải bước lên dốc. Đường đất sét trơn trợt, nên hai anh em phải bước chậm, ngón chân cái cong lại bấm xuống mặt đường. Nhờ vác nặng, bước chân trở nên đằm và vững. Vả lại ở đây không còn bóng tre phủ, nên họ thấy rõ được những dấu chân trâu bò, những vũng lầy, những chỗ đường sụp lở vì nước xoáy. Lên khỏi dốc hai anh em giật mình đứng sững lại vì có tiếng quát:
- Ai đó?
Kiên chưa biết phải trả lời thế nào, thì Chinh đã nói:
- Chúng tôi là con ông giáo.
Từ điếm canh, tấm phên nhỏ mở hé. Một con cúi rơm đang cháy ngún, soi lờ mờ một bóng người hiện lên trên khung cửa điếm. Nghe lẫn trong mưa gió, tiếng thì thào trao đổi ngắn. Rồi vẫn giọng quát lúc nãy:
- Có lệnh quan quốc phó (1) cấm đường. Giáo với mác gì!
Ông bà giáo vừa lên khỏi dốc. Kiên và Chinh im lặng nhường cho cha trả lời. Ông giáo hơi mệt, hơi thở gấp chưa trả lời ngay được. Giọng người lính canh điếm trở nên giận dữ khác thường:
- Bọn trộm cắp ăn đêm phỏng? Sao không thưa?
Thằng Út bị mẹ trong cơn sợ hãi ôm quá chặt, ngộp thở nên vùng vẫy khóc to lên. Ông giáo nhanh trí đáp:
- Chúng tôi vừa nhận được tin buồn, nên đem cả gia đình về phủ Thăng hoa chịu tang. Các bác thấy đấy, mưa gió thế này mà phải bồng bế lũ nhỏ đi gấp cho kịp chuyến thuyền sớm.
Trong điếm canh lại có tiếng bàn luận. Rồi cửa điếm mở, một cây đuốc bằng hai dầu chai được đốt sáng lên. Hai người lính bước ra khỏi điếm, một người cầm đuốc, một người lăm lăm ngọn mác dài. Họ hăm hở tiến về phía gia đình ông giáo, giọt chai từ đầu ngọn đuốc rỏ xuống mặt đất ướt kêu lèo xèo. Đến cách gia đình ông giáo độ con sào, họ dừng lại. Người lính cầm mác nhắc bạn:
- Phải khám xét cẩn thận. Luật quan quốc phó nghiêm ngặt lắm!
Người cầm đuốc bảo:
- Không cần. Bọn trộm cắp đem theo con nít làm gì.
Ông giáo nhận ra tiếng nói người lính vừa cật vấn mình. Ông đã bớt lo ngại, mạnh dạn tiến về phía hai người lính. Thằng Lãng không chịu rời tay ông giáo, bíu lấy vạt tơi lá của cha tò mò nhìn ánh đuốc bập bùng khi mờ khi tỏ cũng quên cả sợ. Khuôn mặt thơ dại ấy, cùng với cái áo tơi lá nhỏ nhắn, có lẽ đã làm rung động tấm lòng người lính cầm đuốc. Người lính ngồi hẳn xuống, đưa đuốc lên soi gần khuôn mặt Lãng. Ông giáo kịp nhìn thấy một khuôn mặt vuông, đôi mắt lóng lánh hiền hậu dưới hàng lông mày rậm, và một mái tóc dày đẫm nước. Người lính hỏi:
- Cháu có lạnh không?
Ông giáo nói:
- Chúng tôi gấp quá, không kể gì gió mưa nữa. Các cháu còn bé, sợ phải ốm mất! Các bác cho chúng tôi đi nhé!
Người lính cầm mác lại nhắc:
- Phải khám kỹ mấy cái tay nải. Lệnh của quan quốc phó!
Người lính cầm đuốc đứng dậy, xua tay nói với ông giáo:
- Thôi khỏi cần. Việc đó trên bến thuyền họ lo. Ông bà đi nhanh lên, cho kịp chuyến đầu. Hôm nay sóng dữ, lũ nhỏ có chịu nổi không?
Ông giáo chỉ chờ có thế, không kịp cảm ơn người lính tốt bụng, ông đưa mắt nhắc vợ con đi nhanh qua khỏi điếm canh.
***
Đến ngã ba, nơi có một cây sầu đông vừa bị bão thổi gẫy nhánh lớn, cành lá còn vương vãi ngổn ngang trên lối đi, Kiên và Chinh ngưng lại chờ cha. Người anh cả chừng đã ê vai, đặt cái tay nải cồng kềnh lên một cành sầu đông, lại cần thận bẻ gãy những cành lá ướt cho nước mưa khỏi thấm vào quần áo trong tay nải. Chinh thì cẩu thả đặt ngay bọc quần áo lên mặt đường. May mắn là chỗ Chinh đứng khá khô ráo, nên Kiên định quay lại rầy em, thấy thế chỉ ậm ừ rồi ngồi im bên đường. Con đường đất trước mặt hai anh em tuy khá rộng và có trải đá dăm, nhưng mùa mưa miên man ở đây đã biến con đường quan dẫn đến phủ chúa trở thành lồi lõm, lầy lội. Một nhánh nhỏ hơn từ ngã ba xuôi xuống bờ sông, hai bên vườn nhà ai um tùm những cau và chuối. Chinh nghịch lấy mấy chùm trái sầu đông ném mạnh vào các tàu lá chuối, mỗi lần trái sầu đông ném mạnh vào các tàu lá chuối, mỗi lần trái sầu đông tròn xanh lao đi là mỗi lần tiếng lá rách ngắn và dẹp vang lại. Chinh thích thú cười to, tiếng cười vang rộng trong đêm khuya rồi bị vùi dập trong những trận gió thổi. Kiên khó chịu trước sự vô tâm của em, định lên tiếng trách móc. Vừa lúc đó, ông bà giáo đến chỗ ngã ba đường. Ông giáo bảo:
- Đi xuống phía bờ sông. Đứa nào cười vậy?
Hai anh em không ai trả lời. Ông giáo không hỏi tiếp, dìu bà giáo và các con tránh những cành sầu đông ngả nghiêng chắn mất lối đi. Thằng Lãng đã tỉnh ngủ hẳn, bỏ tay cha chạy đến trước với anh Chinh. Bà giáo vốn thể chất gầy yếu, hỏi trong hơi thở mệt nhọc:
- Đã tới chưa mình?
Ông giáo trả lời:
- Ráng lên tí nữa. Đi khỏi mấy cái vườn chuối này, rồi rẽ sang tay phải. Tôi đã hẹn họ chỗ cây đa dại.
Tuy cách xa, nhưng Kiên lắng nghe được hết lời cha. Qua khỏi những khoảng đường tối vì những tàu lá chuối che lấp, anh rẽ sang tay phải. Cây da đứng đơn độc giữa một vùng thảo mộc hoang dại, mọc lan ra đến tận bờ sông. Tàn lá da xum xuê nhuộm thẫm một vùng đục ngầu ví nước lũ.
Ông giáo đến chỗ hai con đang đứng chờ, và không khỏi ngạc nhiên hoang mang khi thấy không có chiếc thuyền nào đang cắm sào chờ tại chỗ hẹn. Bà giáo cũng lo âu, quên cả mệt nhưng không dám lên tiếng hỏi chồng. Gió thổi từ bờ sông thổi lên, mang thêm cái lạnh nhức buốt cuồng nộ của sóng dữ. Lãng bắt đầu húng hắng ho. Bà giáo đưa bé út cho An bồng, lục tìm cái áo bông trong tay nải của Chinh mặc thêm cho Lãng. Cậu bé bớt ho, đứng lặng nhìn bầu trời thấp, mặt sông đục và bờ sông lau lách hoang dại, không hiểu nghĩ gì tự nhiên thút thít khóc. Tuy không thể giải thích rõ ràng bằng lời nói, người mẹ hiểu Lãng cũng như mình vừa cùng xúc động mãnh liệt trước một nỗi ám ảnh chưa định hình, không thể tả ra, không thể nhìn thấy bằng lối thông thường, nhưng sự mẫn cảm của họ đã báo cho họ biết trước thế nào một cái gì đó sẽ bất chợt đến, phủ chụp bao vây lấy cuộc đời mọi người trong gia đình. Cổ bà giáo nghẹn lại, hai tay ôm chặt Lãng đến nỗi hai lớp tơi lá cọ vào nhau ban đầu còn kêu sột soạt về sau không còn phát ra âm thanh nào nữa. Đã quá hiểu tính em, Chinh bĩu môi bảo:
- Cái thằng! Như con nít!
Ông giáo vẫn bực mình vì chuyện thất hẹn, giận quá quát lên:
- Có câm mồm không, thằng quỉ! Tụi lính trên trạm canh mà nghe được thì chết cả đám!
Bà giáo lấy ông tay lau nước mắt con, áp má vào trán con, nhỏ nhẹ dỗ dành:
- Con nín đi. Đừng khóc lớn cha rầy! Mẹ thương con. Mẹ hiểu con hơn tất cả các con của mẹ. Đã bảo! Đừng khóc nữa. Lãng có nghe mẹ không?
Kiên không góp gì vào câu chuyện, lẳng lặng thu góp tất cả đồ đạc, dồn lại giấu sau một bụi dứa gai, dưới tàn cây da rậm. Qua khỏi cơn bồn chồn thái quá ban đầu, ông giáo đủ bình tĩnh nhận thấy Kiên cẩn thận và lo xa, thầm cảm phục đức tính hiếm có của đứa con cả. Ông bảo bà giáo và các con đến núp dưới bóng cây da. Hơn thế nữa, mọi người phải ngồi xuống giấu mình sau các bụi cây tối, và không được nói chuyện lớn.
Họ chờ. Họ chờ. Mãi đến lúc gà gáy thuyền mới đến. Thực ra không thể gọi là thuyền được, vì đây chỉ là một chiếc đò nhỏ bề ngang không quá một sải tay. Cái mui đan bằng tre phết phân trâu chỉ vừa đủ che cái bếp nhỏ và hai cái hũ sành đựng gạo và nước. Thấy chiếc đò mỏng manh chòng chành trên mặt sông cuộn sóng, bà giáo bàng hoàng, sợ hãi cho các con đến nỗi cảm thấy lành lạnh trên sống lưng. Ông giáo càu nhàu trách:
- Sao bây giờ mới đến!
Người chèo đò thở dài đáp:
- Tôi phải chèo đi trốn từ mờ sáng hôm qua.
Ông giáo lo sợ hỏi:
- Chuyện lộ rồi à?
Người chèo đò không trả lời ngay, chậm chạp cột chặt đò vào gốc cây da, cởi cái áo tơi lá xếp gọn vào lòng đò, trước khi cởi còn cẩn thận giũ cho nước mưa rơi xuống mặt sông. Chỉ có cái nón mê rách là bác ta không giở ra nên ông giáo không thấy được nụ cười lém lỉnh của bác. Bước hẳn lên bờ sông, người chèo đò mới nói:
- Không. Tôi đi trốn thuế.
Rồi giọng nói trở nên thân mật, ề à phân trần:
- Thầy tính, vạn đò Canh Thành Vĩ Dã chúng tôi chỉ có ba chiếc. Từ ngày thuế chợ lên cao, đò chúng tôi cũng ế lắm. Trước mụ nhà tôi còn ở nhà nấu cơm, lo chăm sóc lũ nhỏ. Từ hai tháng nay, tôi phải cho mụ buôn mắm vãnh dưới cửa Tư khách lên bán kiếm thêm chút hồ qua ngày. Thế mà đã yên đâu. Hôm kia con mụ bưng cái liễn mắm con lên ngồi ngay phía cuối chợ. Đột nhiên thiên hạ xôn xao, người ù té chạy, kẻ kêu khóc van nài. Con mụ biết người nhà quan tả ngoại đi chợ. Nhưng mụ cứ ngồi thản nhiên, bụng nghĩ:”nhà quan thì cần những sơn hào hải vị, không nem công chả phượng thì ít ra cũng phải thịt ngon cá ngọt. Thèm vào ba cái thứ mắm vãnh!”
Bác lái đò ngưng lại, giở nón ra vuốt lại tóc. Bà giáo và các con tò mò quan sát gương mặt bác. Một khuôn mặt xương xương, hai gò má nhô lên cùng với cái trán dồ và cái mũi thẳng che khuất hai con mắt sâu khó lường. Thái độ nhẩn nha, trầm tĩnh trong hoàn cảnh đặc biệt này khiến ông giáo khó chịu. Ông giục:
- Nhưng cuối cùng mọi việc êm xuôi cả chứ! Nào, bác cho chúng tôi xuống thuyền.
Bác lái đò ngăn lại:
- Ấy, ấy, thầy lầm. Mà cả tôi cũng lầm. Đâu có em xuôi được. Con mụ tưởng quí gì ba cái thứ mắm vãnh. Nhưng thầy có biết không, con mụ lầm. Lũ đầu bếp nhà quan tả ngoại chỉ dọa cho mấy chị hàng thịt sợ, để cười rũ ra. Rồi đến lúc bất ngờ nhất, thầy biết không, chúng nó đến thẳng chỗ con mụ nhà tôi ngồi. Con mụ nhà tôi nói đùa:”Các thầy mua giùm cháu ít mắm!” Mời xong còn cười hỉ hả. Lũ đầu bếp quan tả ngoại cũng cười hô hố. Cả chợ cũng cười ha ha. Chờ cho mọi người cười xong, chúng bảo con mụ nhà tôi bưng liễn mắm vãnh lên. Con mụ nhà tôi vâng lời. Chúng chụp ngay liễn mắm. Cả chợ lại cười, nghĩ các ngài hầu cận quan tả ngoại đùa dai. Mãi đến lúc chúng đi rồi, con mụ nhà tôi mới phát hoảng. Thầy tính bao nhiêu vốn liếng dồn cả vào liễn mắm. Mà có ai ngờ đâu được là quan tả ngoại chỉ ăn được có món mắm vãnh hở trời!
Bà giáo không nhịn được nữa, chen vào hỏi:
- Bác có nói ngoa không đáy? Làm gì có chuyện lạ lùng!
Người lái đò đấm ngực thề:
- Tôi có nói dối thì trời tru đất diệt tôi đi! Mà thầy cô đây không tin cũng phải. Có ai ngờ quan tả ngoại lại không ăn được nem công chả phượng, lại chỉ ăn được món mắm vãnh. Mà trời lại xui khiến chi cho mẹ con nhà tôi đi buôn mắm! Thầy thấy không, vốn liếng hết, chưa xong phần con mụ thì phần tôi, quan đến thúc thuế. Chợ như thế thì đò còn khách đâu mà nộp thuế. Mà thuế đò Canh Thành Vỹ Dã một năm đến 114 quan, phải, thầy không nhầm đâu, 114 quan đúng, bán cả vợ, đợ cả con cũng không đủ nộp nữa. Chỉ còn cách trốn đi làm dân xiêu tán mà thôi!
Có tiếng gà gáy sáng ở khu vườn bên bờ sông, phía tay phải ông giáo. Sốt ruột quá, ông nhìn người lái đò:
- Sẵn sàng rồi. Chuyện nhà của bác, chúng tôi hiểu lắm. Chuyện quan tả ngoại, ai mà chẳng biết ở cái kinh thành này. Nhưng bác cho chúng tôi xuống đò thôi. Đi sớm chắc thoát được trạm thuế đò ở ngã ba.
Bác lái đò do dự, ngón tay trỏ cứ đưa lên quệt nhiều lần trên đầu mũi. Mãi một lúc, bác hạ thấp giọng:
- Thầy đã hiểu rõ hoàn cảnh tôi. Vợ con thất nghiệp. Vốn liếng mất đứt. Nợ đòi, thuế thúc. Tôi đến chết mất! Thầy có lòng thương người khó, cho thêm chút ít tôi mới dám đi.
Ông giáo bây giờ mới hiểu vì sao người lái đò kể lể dài dòng từ tiếng gà gáy sáng đầu tiên đến lúc này như vậy. Ông giận dữ hỏi:
- Thêm bao nhiêu?
Người lái đò làm ra vẻ cuống quít lo sợ:
- Dạ chỉ xin thêm chút ít cho đủ nộp thuế mà thôi. Túng quá tôi phải liều vậy. Con mụ nhà tôi cứ bảo đi đêm hôm lén lút thế này, nếu nhỡ ra... nhưng tôi gạt đi, bảo gia đình thầy là gia đình tử tế...
Ông giáo không để cho lão lải nhải thêm, gắn giọng bảo bà giáo:
- Mình đưa cái ruột tượng cho tôi.
Bà giáo tháo cái ruột tượng đụng tiền vẫn đeo bên hông đưa cho chồng. Ông giáo lấy năm xâu tiền đưa cho người lái đò và nói:
- Vạn đò của bác có 6 chiếc, nộp một năm 114 quan. Đây tôi trả cho bác thêm năm quan nữa, vị chi là 20 quan. Bấy nhiêu đã quá đủ để bù cả tiền thuế đò lẫn tiền liễn mắm vãnh của bác. Ông trời thật oái oăm, mới bắt tôi trả triền mắm cho quan ngoại tả!
Lão lái đò cảm ơn rối rít, nhưng trước khi đưa nón nhận tiền vẫn còn nài thêm:
- Thầy đừng trả cho tôi tiền “Thiên Minh thông bảo” nhé!
Rồi hình như lão bắt đầu sợ hãi cái nhìn phẫn nộ của cả ông giáo lẫn Kiên và Chinh, người lái đò phân trần:
- Thầy cô và các cậu hiểu cho. Thứ tiền đó pha nhiều chì, lại mỏng dính. Bẻ mạnh một chút là gãy. Tôi có lấy cũng chỉ vứt xuống sông thôi, không mua bán gì được.
Con đò nhỏ nên tuy gia đình ông giáo không đem đồ đạc gì nặng, đò vẫn cứ khẳm. Bà giáo và An ban đầu chưa quen, mỗi lần thấy sóng đục mấp mé ngang mạn đò, sợ hãi đến trân người. An nín thở ôm chặt lấy thằng Út, tưởng chỉ cần thở mạnh lên một chút là đò nghiêng ngả. May cho An, từ lúc mẹ giao cho phận sự bồng em, thằng bé ngủ say không cựa quậy. Hơn nữa, ông giáo sợ cánh đàn bà con nít không chịu nổi sương lạnh và gió dữ, thương lượng mãi mới được người lái đò thuận cho đẩy tấm mui ra giữa, che ba mẹ con và đống đồ đạc. Cánh đàn ông chia nhau ngồi ở trước mũi và sau lái. Chinh giành ngồi phía trước với thằng Lãng. Sợ không chịu nổi những cơn nước xoáy, bác lái đò men theo bờ sông; ở những chỗ có trạm canh, gần như chiếc đò vạch lau lách mà tiến. Trời càng lúc càng sáng, đò trôi chậm, ông giáo lo sợ không qua khỏi trạm gác Ngã Ba trước lúc rạng đông. Ở đó, ông giáo biết rõ lắm, trạm canh cất ngay ở đầu dải đất bồi kiểm soát ghe thuyền đi lại trên cả hai nhánh sông. Thuế má thu được của trạm này thuộc nguồn lợi chúa ban cho quan tả ngoại, nên việc kiểm soát hàng hóa, thẻ bài, hết sức nghiêm ngặt. Bọn lính buộc mọi ghe thuyền không phân lớn nhỏ trước khi xuôi sang nhánh tả hay nhánh hữu, đều phải ghé vào bến trạm. Mọi người đi trên thuyền phải mang đồ đạc hàng hóa của mình lên bờ. Từng người một phải để cho lính quan tả ngoại lục xét, cân nhắc giá trị từng thứ mà định thuế. Ai không đủ tiền thì phải để hàng lại, và giá cả hàng thường bị qui định thật thấp chẳng bõ bèn với mức thuế cao. Cuối cùng người lương thiện chẳng dám mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo rách và mo cơm mắm, còn bọn con buôn thì nhởn nhơ làm giầu vì đã mau chóng ăn ý với bọn lính. Ngọn đuốc đêm đêm lập lòe ở trạm Ngã Ba từ lâu trở thành ánh mắt hung dữ của ma quỉ, khi sáng lên xoi mói đến tận chân tơ kẽ tóc của người đi thuyền, khi tắt ngấm âm thầm toan tính cho một trận vơ vét khác.
Đò đã rẽ hẳn qua nhánh hữu; lau lách, những bụi dứa dại, ốc mèo, những dãy bìm bìm leo trên đám cây hoang vô danh đã che lấp mất mái nghiêng lợp tranh của trạm gác, ông giáo vẫn lâu lâu quay lại nhìn ngọn đuốc leo lét nhợt nhạt giữa bầu trời xanh xám trước lúc rạng đông. Nhất là cái vọng canh, hình như cứ cố vươn lên, vươn lên cao hơn tầm cây cỏ sau con đò để nhìn vào ót ông. Nỗi ám ảnh đó chỉ tan hẳn khi mặt trời lên và con đò tiến vào một khúc sông sâu hơn, hai bên cây cối cao lớn và um tùm. Không gian thu hẹp lại, và ông giáo yên lòng trong vòm trời nhỏ. Mặc cho Chinh thích thú đưa tay ra trước mũi thuyền vọc nước, và Kiên ngồi trầm ngâm bên tay lái, ông giáo dựa lưng vào thành đò chớp mắt được một lúc.
Ông choàng tỉnh dậy vì con đò chòng chành dữ, đến nỗi vợ con ông la lên hốt hoảng. Lúc ấy đò đang đi trên một đoạn sông rộng, nhưng bác lái phải ép đò sát vào bờ để tránh một đoàn thuyền quan đang lao tới. Trời đã yên, sóng đã lặng, nhưng chính đoàn thuyền đang hấp tấp này đã làm cho mặt sông nổi sóng và đánh thức ông giáo dậy. Bác lái không dám chèo, cho đò dừng lại giữa một đám cỏ cao. Một mạn đò dựa vào bờ đất lầy, mạn bên kia được con sào rắn chắc ghìm cứng. Nhờ thế ông bà giáo và lũ con mới hết sợ.
Đoàn thuyền quan gồm có 8 chiếc. Thuyền dài mà hẹp như hình long chu, mũi thuyền cất cao như đầu con cá lớn phóng mình lên khỏi mặt nước, đuôi thuyền thấp xuống, sơn màu đỏ chói. Người đứng ở đuôi thuyền vận áo thanh cát, đầu để trần, hai chân dạng ra vững chãi để nắm lấy thanh gỗ đen bóng gắn liền bánh lái. Giữa thuyền có mấy người ở trần, trên thân chỉ mặc có cái quần vải màu đen ống ngắn đến đầu gối, sắp hai hàng đều đặn, cử động thân thể tay chạn đều theo nhịp chèo. Giữa khoang thuyền có bốn cây cọc nạn sơn son trên bắc ngang một cây mõ gỗ. Một người lính mặc đủ quần áo, đầu đội nón chóp, ngồi trên ghế gõ mõ làm nhịp. Người lính chỉ huy hô “cạy” thì người lái bẻ thuyền sanh phía tả, hô “bát” thì qua hữu. Theo nhịp mõ, hai hàng lính chèo thuyền miệng hò lơ, chân dậm ván, gồng vai đưa cao cán chèo đều đặn răm rắp khi lên khi xuống. Mặt trời vừa lên chiếu rõ những khuôn mặt phờ phạc mệt nhọc và những thân thể mồ hôi nhễ nhại. Ông giáo biết đấy là đoàn thuyền chở của cải hàng hóa quí giá từ các phủ Thăng Hoa, Quãng Ngãi, Qui Nhơn về dâng nộp cho phủ chúa. Thuyền từ những vùng đất xa xôi vượt biển mà đến, nhưng trên thuyền không thấy có bếp núc gì cả. Gần chỗ đặt giá mõ, chỉ có một vò nước, bên cạnh treo cái gáo dừa cán dài. Một người chèo thuyền trên chiếc thứ ba đang cuối rạp người xuống đẩy mạnh mái chèo, bỗng ngã chuối tới trước không gượng lại được. Nhịp chèo đột nhiên rối loạn. Nhiều tiếng la ó xôn xao. Tên lính gõ mõ quát tháo nhắc nhở mọi người nhiệm vụ và trật tự. Hai hàng lính chèo thuyền lại tiếp tục hình dịch, chỉ có người chèo cùng hàng ngang với người bị ngất được phép gài mái chèo lên, vực người bạn xấu số đến gần vò nước, dùng cái gáo dừa múc nước dội lên đầu bạn mình. Cho đến lúc chiếc thuyền này mất hút ra ngoài tầm nhìn, ông giáo vẫn chưa thấy người lính ấy tỉnh lại. Đầu ông giáo tự nhiên nóng bừng, cổ ông nghẹn đến khó thở. Máu trong người ông nhộn nhạo. Nỗi hận của bao năm, nỗi hận ông đã cùng chia sẻ với Ý-đức-hầu bạn ông (1), nỗi hận ông đã cùng chia sẻ với người cày ruộng đói trên đồng lúa chín, người chài lưới mỗi chiều về cá đầy khoang mà bụng cứ rỗng, người buôn bán hao mòn vốn liếng vì cái túi tham của các trạm thuế. Ông giáo nhìn lại vợ con tìm thấy đôi mắt bà giáo và con gái nỗi lo âu, hớt hải. Ông nhìn Kiên. Kiên nhìn về hướng tám chiếc thuyền quan vừa đi khuất, tỏ dấu hiểu nỗi lòng cha, nhưng ông giáo chờ mãi không thấy con tỏ thêm phản ứng gì. Chỉ có Chinh nét giận dữ lộ hết ra đôi mắt.
***
Gần đứng bóng, họ mới đi qua chùa Hà Trung. Con đò bỏ lại đàng sau những đoạn sông hẹp rợp bóng cây, bắt đầu chao đảo giữa một vùng phá rộng. Tuy trời đã bớt gió, sóng đục ngầu vẫn cuồn cuộn quanh đò. Trừ bác lái quá quen với sông nước, cả gia đình ông giáo đều nơm nớp sợ hãi, cảm thấy chờm ngợp vì mất hút giữa khoảng trời nước cùng màu xám đục. Bà giáo, An, và thằng Út say sóng nằm rũ trên đống đồ đạc, giấu đầu trong mui hẹp không dám nhìn ra ngoài. Lãng ngồi bệt trên liếp tre, hai tay bấu
chặt lấy hai mạn đò. Chinh vẫn ngồi trước mũi, không đưa tay nghịch nước nữa. Kiên đưa tay chỉ về phía vũng eo của biển cả, nơi có mấy cây tùng cao lớn rậm rạp đơn độc trên một vùng bùn lầy cỏ rêu san sát, hỏi cha:
- Thưa cha, có phải kia là chùa thầy Từ Huệ trụ trì?
Ông giáo đáp:
- Đúng đấy. Chùa Hà Trung của thầy Từ Huệ. Ngay chỗ có mấy cây tùng.
Người lái đò men theo bờ cừ mọc đầy những cây dương nước, không dám thách đố với sóng dữ. Lâu lâu, đò vượt qua một cái chòi nhỏ chân ngâm xuống bùn mái lợp lá tranh sơ sài, ba mặt che kín, cửa hướng về phía sông. Ông giáo lo sợ nhắc người lái đò:
- Bác cẩn thận. Hãy thong thả mà chèo!
Người lái đò giải thích:
- Không phải chòi canh đâu. Của mấy người thả lưới đấy. Chỉ sợ có cái trạm ở ngay cửa khẩu!
Mấy chiếc thuyền chài chèo ngược từ phía cửa biển chèo lên. Sợ sóng dồi làm con đò chòng chành thêm, bác lái nép sát vào bờ cừ. Người lái thuyền đánh cá bỗng đưa tay lên làm loa hú lớn, hình như muốn nhắn điều gì với người lái đò. Ban đầu bác lái còn chưa hiểu. Khi Kiên thấy bên phía thuyền chài, nhiều người giơ nón lên vẫy và nhắc bác lái, bác ta mới chú ý. Bác nhổ con sào lên, dùng hai tay đưa ngang lên khỏi đầu. Phía bên kia, người chống thuyền chài đưa hai tay lên làm dấu chữ thập. Bác lái gật đầu, la lớn:
- Hiểu rồi!
Ông giáo lo lắng hỏi:
- Họ bảo gì đấy?
Người lái đò không trả lời ngay, cho đò áp sát vào một cây dương nước. Ông giáo hỏi dồn:
- Có gì bất thường không?
Người lái đò nói:
- Không xong rồi. Cửa khẩu đóng, không cho ai ra khơi cả!
Kiên hỏi:
- Sao bác biết?
- Thì họ vừa ra dấu xong! Chúng tôi dân vạn chài đã quen lắm rồi! Mỗi lần kinh thành không yên là có lệnh cấm khẩu.
Ông giáo mất bình tĩnh:
- Thế làm thế nào bây giờ?
Người lái đò đáp gọn:
- Phải trở lại thôi!
Bà giáo ngồi bật dậy, làm cho thằng Út giật mình thức giấc nổi khóc lớn. An dỗ em không được, khóc theo. Ông giáo thêm bực bội, hỏi gắt:
- Bác nói đùa phỏng! Tôi chịu thuê đến 20 quan, vì bác hứa sẽ đưa chúng tôi đến tận ghe bầu.
Người lái đò cũng không vừa:
- Vâng, vâng. Nhưng nếu các quan ở trạm cửa Mù U đóng gông vào cổ tôi, thì thầy có nuôi vợ con tôi không? Thầy quen lớn trong vương phủ, chắc biết phép quan khe khắt.
Bà giáo e dè hỏi:
- Có lẽ bác nghe lầm. Ghe chài họ chỉ bảo...
Bác lái cắt lời bà giáo:
- Chắc chắn cửa Mù U đóng. Chúng tôi đã hiểu nhau bằng cách ra dấu.
Kiên tự nãy đến giờ giữ im lặng, lên tiếng đề nghị:
- Thưa cha, hay là chúng ta về tạm đằng thầy Từ Huệ.
Ông giáo ngoái nhìn lại phía mấy cây tùng, mờ khuất sau một màn sương khói màu bạc ở sau lưng, trầm ngâm, do dự khá lâu. Thằng Út vẫn chưa nín khóc. Mưa bắt đầu rơi, ban đầu còn lất phất nhưng càng ngày càng nặng hạt. Không có cách nào khác, ông giáo bảo người lái đò:
- Thôi được. Bác chèo trở lại, cho chúng tôi đến chỗ bờ cừ có lối lên chùa.
***
- Dễ thường đến năm năm rồi tôi mới trở lại đây. Năm Tân Tỵ hồi sư cụ mở khóa Lăng Nghiêm. Lúc đó thầy mới lên sư bác. Cảnh chùa ngày nay u nhã hơn nhiều. Thêm một cái ao sen vuông trước điện. Hồi trước đơn sơ thôi. Lau lách còn mọc ngay phía sau điện. Nhà trai chỉ là một chái tranh bề ngang không được 10 thước. Sao thầy không làm một cuộc khuyến giáo để xây một vòng tường ngoài? Không. Có tường vẫn hơn chứ, ít ra cũng che được gió lốc. Có trồng được khóm hoa cúc hay gốc bầu cũng không ngại bị gió dữ phá đi mất. Khi chiều nhìn luống rau xơ xác quanh gốc tùng, tôi càng thất cần phải xây tường...
Ông giáo nói loanh quanh như vậy, từ lúc ngồi với thầy Từ Huệ trong căn phòng ở chái cây. Mùi hương lãng đãng trong văn phòng hẹp và ấm. Tách nước trà đậm trước mặt ông giáo bốc khói, lâu lâu gió bấc bên ngoài lọt qua được phên cửa, tạt hơi ấm vào lòng bàn tay ông. Thầy Từ Huệ im lặng ngồi xếp bằng trên sập gỗ mộc, kiên nhẫn nghe bạn nói. Mọi người trong gia đình ông giáo, và các chú tiểu đã đi ngủ. Trong đêm khuya, chỉ còn một nhà sư trân trọng lắng nghe lời một nhà nho.
Ông giáo nói huyên thiên một hồi, đôi lần muốn nói thẳng với bạn câu chuyện mà ông biết thầy Từ Huệ đang chờ đợi ông kể, nhưng lượn lờ mon men nhiều lần, ông ngại không dám vào đề. Ánh mắt thầy Từ Huệ sáng lên, đôi lông mày nhíu lại chuẩn bị hết tinh thần lắng nghe. Ông giáo dừng lại thật lâu. Mua từ các đọt tranh nhỏ giọt xuống vũng nước đọng dưới thềm chùa, nghe lóc chóc từng tiếng đều đặn, thong thả. Rồi đáng lẽ đi thẳng, ông giáo lại đi quanh:
- Tiếc là chuyến này gấp quá, tôi không đem được cặp cây kiểng biếu chùa nhà. Công phu 10 năm đấy nhé. Suốt 10 năm công phu tôi mới uốn nắn cặp sơn tùng đó thành hai con rồng giống y như nhau. Những cái chân đều toàn bằng cây, nhất định tôi không chịu làm chân bằng rễ như thiên hạ. Thầy bảo sao? Thân hay rễ cũng như nhau à? Khác chứ. Làm chân bằng rễ phụ là cách phàm phu, kể làm gì. Hơn nữa cái quí là ở công phu ấy. Này nhé, phải uốn cong một nhánh xuống, đè chôn đất. Nó nứt nhánh ngoi lên mới cắt. Cắt mãi đến khi nó phải đâm rễ và bám xuống đất. Lại còn chăm chút sao cho cái thân nó uốn éo như thân rồng. Chú ý nhé, không được chọn gốc thủy tùng, vì thân không có vẩy. Chỉ có loại sơn tùng mình mới mong uốn cho giống y hình rồng.
Ông giáo nói xong, ngưng lại thật lâu, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt bạn, cái nhìn khinh thị dò dẫm như muốn lường xem câu nói của mình đã thấm tới đâu. Nhà sư vẫn giữ thái độ chú ý trân trọng. Ý chừng không thể im lặng lâu hơn nữa, thầy Từ Huệ hỏi:
- Thế cái giống tùng ở phía sau chùa, có thể gây thành cây kiểng được không?
Ông giáo vui mừng thấy bạn bắt đầu nhập vào câu chuyện, vồn vã đáp:
- Được chứ. Tốt quá đi chứ. Từ hồi còn sư cụ, tôi đã có lần bảo loại tùng này khá lắm. Thầy có để ý không, ở xa mà nhìn, nó khác nào cây kiểng quí đâu. Cây tùng sau nhà chùa dễ thương lớn đến mấy 6om, ngọn queo cành cỗi, mà lá lại rậm rạp. Trên ngọn lá xoắn thành từng nắm tròn. Thầy biết không, sách Truyện ký chép rằng hễ cây tùng nào có đọt xoắn thành nắm tròn, thì đào dưới gốc có củ phục linh và hổ phách.
Rồi không cần chuyển mạch,vào lúc bất ngờ nhất, ông giáo nói:
- Nhưng mà ôi thôi, nãy giờ chỉ nói toàn chuyện vẩn vơ. Tiếc làm chi cái công phu viển vông ấy, phải không? Vạc sắp đổ, thì sá gì ngọn cỏ dại mọc dưới bóng vạc.
Thầy Từ Huệ sửa mình ngồi ngay ngắn hơn, ngả người về phía bạn hỏi:
- Có biến ở kinh thành ư? Thấy thầy, đem cả gia đình đi thế này, tôi đã ngờ, nhưng không tiện hỏi thẳng.
Ông giáo cảm thấy nhẹ nhõm vì đã qua khỏi giai đoạn khách sáo e dè, chậm rãi nói:
- Phải nói là đại biến.
Rồi thấp giọng xuống, ông bảo bạn:
- Thầy cũng phải coi chừng. Ý -đức hầu vừa bị giết hôm qua!
Chén trà trên tay thầy Tư Huệ run run, nước trà sóng sánh. Theo thói quen, ông giáo lại nhìn dò dẫm phản ứng trên mặt bạn. Đôi mắt nhà sư lim dim một lúc lâu, khuôn mặt bất động che giấu những xúc cảm còn lan man bất định. Đến khi ông giáo hết chờ đợi được nữa, định nói, thì nhà sư hỏi:
- Ai giết?
Ông giáo đáp:
- Thầy đoán ra rồi. Lại tên Trương Tần Cối (2).
Rồi giọng ông giáo trở nên sôi nổi:
- Thầy tưởng xuống đây núp dưới bóng Phật thì được yên sao? Tưởng tàn khóm cổ tùng che được gió sao? Thầy có nhớ những gì chúng ta đã nói với nhau khi thầy còn là môn khách của Ý-đức hầu? Tại sao đột nhiên thầy bỏ hết, bỏ hết, xuống trốn đời ở cái xó biển này?
Nhà sư đặt chén trà xuống, cái chén nghiêng về một phía vướng cạnh khay trà, khiến nước đổ lan một khoảng nhỏ trên mặt gỗ. Ông giáo không cho bạn đáp, tiếp tục nói:
- Nghe được tin, tôi phải đem gia đình đi ngay trong đêm. Mấy hôm trước, tôi có trình với Hầu là nên đề phòng. Nhưng không ngờ chúng dám làm càn đến mức đó. Chúng đã cho người mai phục sẵn.
Nhà sư hỏi:
- Bây giờ thầy định làm gì? Đi đâu?
Ông giáo có vẻ ngạc nhiên, không hiểu tại sao bạn lại hỏi một câu vô nghĩa như vậy, khựng lại một lúc, do dự, hoang mang. Ông nhìn bạn lần nữa, cố tìm hiểu chủ ý của câu hỏi. Ông giáo không tìm ra cái gì khác ngoài vẻ điềm tĩnh khó hiểu, ngoài cái thản nhiên đáng ghét. Giọng ông trở nên hằn học:
- Dĩ nhiên tôi không có ý định xuống trốn ở cái xó này. Thầy yên tâm. Nếu bọn Tần Cối không cấm biển, tôi đã khỏi phải ghé đây làm phiền thầy. Đất ở đây hẹp. Ở đâu cũng có tai mắt bọn Tần Cối nên nhan nhản khắp nơi toàn một lũ hèn. Tôi không chịu đựng nổi nữa. Phải qua bên kia đèo Ngãi lãnh thôi!
- Để tìm thờ một chúa khác ư?
Ông giáo tức giận nói lớn tiếng:
- Thầy vừa nói gì thế? Chúa khác à? Trải tám đời khai phá mở mang bờ cõi, còn tìm dòng họ nào xứng đáng hơn nhà Nguyễn Gia Miêu. Chỉ giận tên gian tham chuyên quyền, lung lạc cả ngôi chúa. Nay chỉ còn hy vọng ở hoàng tôn mà thôi. Đất Quảng nam trù phú, dân đông, có thể cậy vào đó
làm thế dựa để diệt gian thần, tôn đấng minh quân được. Thầy nghĩ sao?
Nhà sư suy tính một lúc, rồi trả lời:
- Quanh quẩn cũng chỉ bấy nhiêu! Trước kia tôi cũng nghĩ như thầy, định chỉ nương tạm cửa Phật một thời gian, Nhưng càng ngày tôi càng thấy, càng hiểu. Ất hay Giáp ngồi trong vương phủ cũng thế thôi, lũ dân đen lúc nào cũng chỉ được nắm cơm hẩm và manh áo rách.
Ông giáo không tin ở tai mình nữa, lo sợ đến ngẩn ngơ, bàng hoàng. làm sao bạn ông dù đã bỏ mộng kinh sư theo kinh kệ lại dám thốt những lời phạm thượng như vậy. Bây giờ ông mới thấy Hàn Dũ có lý. Ông giáo đứng hẳn dậy, đi đi lại lại trong phòng để mong lấy đủ bình tĩnh. Bạn ông vẫn ngồi trầm ngâm trên sập gỗ, như đang tham thiền nhập định. Ông giáo đến trước mặt bạn, dằn từng tiếng một:
- Thầy chỉ là một kẻ nhát gan, giấu đầu trong xó tối mà tránh ma.thầy tưởng tiếng chuông lời kệ đủ sức diệt được tham sân si của lũ Tần Cối ư? Không! Không!
Nhà sư mở mắt ra, thấy vẻ thách đố giận dữ của người bạn già, nhưng vẫn điềm tĩnh trả lời:
- Rất tiếc đã làm cho anh giận, anh giáo Hiến ạ. Lúc nãy anh bảo trong sách Truyện ký có chép rằng cây tùng nào tàng lá xoắn thành hình tròn, dưới gốc có phục linh và hổ phách. Tôi cũng có nghe nói như thế. Nhưng có ai vì tham hai món thuốc quí ấy mà đào bật gốc tùng lên không?
Ông giáo để một lúc lâu suy nghĩ về lời nói bóng gió của bạn, tuy cảm động vì lối xưng hô thân ái như lúc thầy Từ Huệ chưa vào chùa, cùng với ông là môn khách ở dưới cửa Ý đức hầu, nhưng càng nghĩ, ông càng thấy không thể đồng ý với bạn. Ông nói:
- Cách nhau mấy năm, chúng ta đã khác nhau quá. Dù sao cũng xin cảm ơn thầy... cảm ơn anh đã cho tá túc đêm nay. mai chúng tôi đi sớm. Có lẽ anh không bị quấy rầy nhiều đâu!
Cả hai người nhìn nhau không nói, và đều bâng khuâng trước một sự rạn vỡ vô hình. Từ đó cho đến lúc chào nhau đi nghỉ, họ không nói với nhau điều gì khác ngoài những lời khách sáo vô nghĩa.
Lũ trẻ không quen đi bộ, nên dù có hứng thú với cảnh những dải cát mênh mông, núi vòi vọi xanh biếc và những đầm nước sóng vỗ ngay vệ đường, chưa đi được bao xa, đã kêu mỏi chân. Sức khỏe mong manh của Lãng và bà giáo cũng là một lý do khác. Ông giáo không dám hối thúc, lâu lâu dừng lại chờ vợ đến với đôi mắt thương cảm pha lẫn nhẫn nải. Ông đã trải qua cái cảm giác phức tạp ấy nhiều lần trong đời. Bảo rằng ông hối tiếc hay bảo rằng ông thương hại, đều không đúng. Ông giáo có hối tiếc gì đâu? Giả sử có một phép lạ nào cho phép ông được sống lại một cuộc đời khác ngay từ đầu, ông không ngần ngại lặp lại những điều ông đã sống.lặp lại cái biến cố quan trọng nhất của đời ông: cuộc tình duyên giữa ông giáo và bà giáo. Giữa chốn thị thành bon chen nhau giành giật ân huệ và danh lợi của vương phủ ban phát, tiếng cười hả hê chen những tiếng nấc nhọc nhằn ô nhục, đạp chà lên đầu nhau tiến thân, miệng lưỡi tâng bốc cũng là miệng lưỡi dèm pha, ôi thôi trong mớ tiếng ồn bát nháo ấy của thành Thuận hóa, việc ông giáo lấy một người vợ có gì đáng kể đấu thế mà trong đám quen biết không khỏi có lời bàn ra tán vào. To tiếng nhất là đám bạn bè của ông giáo. Dù thế nào chăng nữa (ý các bạn ám chỉ cảnh tứ cố vô thân và sự nghiệp dở dang của ông giáo) ông cũng là một nhà nho. Tất nhiên ông giáo chưa đậu đạt gì, và chắc còn lâu lắm mong tên mình được xướng ở lầu Phú văn. Các bạn ông còn lạ gì cái tính ngông nghênh không chịu vào khuôn phép, cái giọng khinh bạc phóng túng trong các bài thơ phú của ông! Thế nhưng mà...(các bạn ông tợp chén rượu đắng ở cái quán lá gần bờ sông nơi họ thường tụ tập nhau tán gẫu) thế nhưng dù sao chăng nữa ông giáo cũng là một nhà nho có tương lai. Trong lúc đó, cô hàng cơm hến chỉ là con một anh lính lệ. Vâng, thì đã đành cha cô hàng cơm hến là lính cấm binh nhờ gốc gác từ Tống sơn mà được tin dùng, và nếu cần, ông ta có thể chửi thẳng vào mặt bọn thư sinh lạc đệ yếu đuối mà họ chẳng dám làm gì, chỉ riu ríu cúi đầu, lặng lẽ tránh đi. Các bạn ông giáo cũng lấy lòng người chân thực công nhận rằng cô hàng cơm đẹp, đôi mắt to và sâu, cái mũi thanh, đôi môi nhỏ mỗi lần không nói cố mím lại để che cái răng cời bên trái khiến lúc nào hình như cô hàng cũng đang sắp sửa cười với người trước mặt. Nhưng (họ nhấn mạnh để thuyết phục ông giáo nghĩ lại trước khi quá trễ) nhưng tay chân cô ta thô quá. Và điểm quan trọng hơn hết là cô ta ốm yếu quá. Vai đẹp, thân thể mỏng, nước da xanh xao. Họ có biết đâu rằng chính sự pha trộn giữa vẽ đẹp thuần hậu trầm tĩnh và nét mong manh yếu đuối ấy đã khiến ông giáo xúc động mãnh liệt. Ở cô hàng ít nói ấy, từ mái tóc dài đen lòa xòa ít được chải chuốt, cái dáng đi sẽ sàng như sợ đau lây mặt đất, nụ cười lặng lẽ giấu diếm, đến chiếc áo thâm tay dài rách ở cùi chỏ làm lộ một mảnh da trắng, tất cả, tất cả hợp nhau lại, không có chút mời mọc mà chỉ có sự cầu cứu che chở. Mà ông giáo vào cái 25 của thời ấy, thì sẵn sàng làm người bao dung lắm!
Quả nhiên các bạn ông đã đoán không sai. Cả ông giáo cũng đoán đúng. Cô hàng cơm hến lấy một thư sinh tứ cố vô thân không sự nghiệp, cái nghèo chờ sẵn ngay từ tối tân hôn. Cô hàng không ngờ chồng mình không có gì khác ngoài đống sách cũ. Nhưng đối với chị em hàng xóm, và nhất là đối với người cha hay say rượu, mớ giấy dơ chữ nghĩa lăng quăng đó trở thành biểu tượng của một giá trị siêu hình vượt xa tầm tay của rất đông người. Thứ giá trị chìm khuất trong một thứ mà sương thần thánh như các bức tượng ẩn núp sau lớp khói hương mù mịt. Nhờ thế, hai vợ chồng trẻ yên tâm sống giữa nghèo khó và sự kính nể của những người quen biết. Vợ mở một ngôi hàng nước, chen thêm vài ba thứ hoa quả lặt vặt theo mùa. Chồng viết đơn thuê, tập tễnh đọc sách thuốc. Và như mọi cuộc sống vất vưởng bấp bênh khác, chính hai vợ chồng cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao họ đắp đổi lần hồi rồi cũng xong. Giật gấu vá vai, họ vẫn sống được. Chỉ có một điều ông giáo ái ngại, là bà giáo yếu ớt quá. Cái vẻ mong manh một thời quyến rũ ông, về sau vẫn còn đủ sức quyến rũ. Nhưng ông ái ngại cho bà giáo. Thêm một đứa con là thêm một niềm lo lắng, sức khỏe bà giáo giảm xuống. Đôi lúc ông tự trách đã không có cách nào giúp đỡ vợ, cung cấp cho vợ một đời sống an nhàn sung túc hơn. Sau khi sinh thằng Lãng, ông sợ thêm một đứa khác thì vợ dẽ lụn dần như một ngọn đèn hết dầu. Ông quyết giữ gìn được đến tám năm. Thằng Út ra đời, ông giáo đau xót thấy sức khỏe của vợ chỉ còn là một ngọn bấc leo lét. Hai xương vai bà nổi cộm hết lên dưới lớp áo thâm, vai so lại. Thời tiết chốn kinh kỳ thất thường và trời vừa se lại là bà giáo húng hắng ho. Từ lúc ông bỏ nghề thầy đồ về giúp cho Ý đức hầu, gia cảnh có khá hơn. Ông có nhờ các bạn làm ở Tàu vụ mua thuốc bắc từ các tàu buôn người Trung hoa khi thuyền họ ghé vào Hội an. Thuốc bổ chỉ giúp được sức khỏe bà giáo cầm chừng, chứ không thể khá hơn.
Thể chất yếu đuối của mẹ ảnh hưởng đến mấy đứa con sau. Lãng khó nuôi ngay từ khi lọt lòng. Thằng Út hết nóng sốt lại đi tướt, giấc ngủ chập chờn và thường hay giật mình đổ mồ hôi. Cũng may nhờ có An giúp đỡ mẹ săn sóc các em, khi cho bú mớm, lúc dỗ giấc ngủ. Giữa đám anh em trai vô tâm, An như một người chị hay làm quán xuyến gần hết công việc trong gia đình. Cho nên lúc trời sắp tối, mây đùn lại hạ thấp bầu trời, Kiên và Chinh giục cha đi nhanh cho đến trạm Tuần ải, thì An nhắc cha rằng đường trở lại quán Trà gần hơn, chung quanh có làng xóm dễ tìm ra chỗ trú đêm. Ông giáo đã nghe theo lời con gái trở ngược lại tìm lối tắt lên đường cái quan, theo hướng bắc trở ra quán Trà.
Ông giáo không dám vào khách trạm, xin tá túc ở một ngôi nhà cất giữa vườn mít rậm. Sáng hôm sau ông lại cẩn thận đánh thức vợ con từ canh hai và lên đường khi trời còn tối mù. Từ quán Trà đến quán Tuần ải nhà cửa dân cư thưa thớt. Núi và đầm chen nhau không dành cho con người lấy vài khoảng đất mưu sinh, nên ông giáo yên lòng đi theo đường cái quan. Người dẫn đường thấy cách đi đứng thất thường của gia đình ông giáo, lấy cớ này cớ nọ đòi thêm 2 quan tiền công nữa. Bà giáo phải móc cái ruột tượng ra, lo lắng nhìn số tiền ít ỏi còn lại. Không có cách nào khác. Mọi người đều mệt mỏi, hai bàn chân ê ẩm, nặng trình trịch, buổi sáng thức dậy tưởng như không thể đặt được bàn chân xuống đất chứ đừng nói chi bước đi. Nhưng rồi không có cách nào khác, bàn chân phải đặt xuống, môi mím để nén đau bắt nó làm đế tựa để nhấc bàn chân trái lên, nghiêng người đặt xuống phía trước. Từng bước, từng bước, cả gia đình rồi cũng đến được quán Tuần ải tối hôm ấy.
****
Sáng hôm sau, họ bắt đầu đến bìa rừng Ngãi Lĩnh. Ngay dưới chân đèo, có một xóm dân chài độ vài chục nóc nhà. Bà giáo và An đang vào một nhà tranh lụp xụp tồi tàn gần đường quan nhất để xin thêm nước dự trữ, thì đột nhiên cả xóm lao xao náo loạn. Người này ơi ới gọi người kia. Mẹ hớt hải khóc mếu đi tìm con. Đàn ông vác những cái bọc cột sẵn chạy ra phía bờ biển! Không đầy một khắc cả xóm trở thành một cõi hoang vu, như có một cơn lốc dữ thổi qua vậy. Cửa sổ, liếp che ở các ngôi nhà lá đều chống lên, bên trong đồ đạc không còn gì. Trai tráng, phụ nữ đều biến mất, chỉ còn lại những người mù lòa, tàn tật và trẻ em. Ông giáo và cả nhà ngạc nhiên, rồi lo sợ, nghĩ rằng có lẽ lệnh truy nã của quốc phó đã đền đây. Đáng ngại hơn nữa là cả người dân chài vác thuê cũng đã biến mất. Trong cái xóm vắng tan tác, chỉ còn trơ trọi gia đình ông giáo và mấy người già cả. Vài đứa con nít đang khóc thét vì đột ngột xa hơi mẹ.
Ông giáo đến hỏi một ông lão. Ông lão trỏ về phía bắc nói:
- Ông không biết sao? Ông có thấy đám bụi mù trên đường quan không? Ông nên trốn nhanh lên, cả mấy cậu này nữa. Công sai đã về đấy!
Ông giáo kinh ngạc hỏi:
- Công sai về thì đã sao? Mình có làm gì nên tội mà trốn?
Ông lão lại gần, hạ giọng trả lời:
- Ông ở xa đến không biết đấy thôi. Ở đây dân khố rách chúng tôi khô lắm. Xóm này ở ngay chân đèo. Quan dịch đi đông, bắt phu không đủ, người ta phải vào lùng bắt từng nhà. Nếu không có người, thì trong nhà có thứ gì, quan đều tịch thu hết. Do đó nhà nào cũng gói ghém quần áo, nồi niêu, thóc gạo sẵn, khi có báo là vác chạy ra chôn giấu dưới cát. Tôi đã già rồi, chân tay lóng cóng, thôi thì liều ở lại vậy. Ngày đêm chỉ lo chui rúc giấu mình như lũ chuột. Trước kia xóm này đông đúc có đến trăm nóc nhà. Chỉ vì cái nạn bắt tráng tứ tung mà nhiều gia đình phải trốn đi kiếm ăn nơi khác. Chúng tôi mấy đời giâm đọt rau gốc khoai ở đây, bỏ đi không đành.
Lúc đó một đoàn người ngựa vừa đến. Nhưng chỉ là một đoàn khách buôn. Ông giáo đoán chừng những khách buôn này vừa dùng ngực thồ hàng ra kinh thành theo đường bộ, giao hàng xong họ trở về với những giỏ trống. Nhờ thế những con ngựa chân thấp, sắc nâu sậm hoặc xám loang lổ trống còn khỏe. Vài người đàn ông đem lúa ra cho ngựa ăn, vài người vào xóm xin nước. Ông lão lúc nãy chụm hai bàn tay làm loa, hú lớn một tiếng dài. Dân chúng lại lục tục trở về, ban đầu còn thưa thớt e dè nhưng chỉ một lúc sau họ về đủ cả. Trên đầu, trên quần áo, người nào cũng đầy những cát. Tiếng cười nói oang oang, mừng rỡ như vừa thoát được một tệ nạn ghê gớm. Một người lái buôn báo trước:’
- Hôm nay không có gì đâu. Ở quán Lờn Voi, chúng tôi nghe nói đến mai mới có một đoàn quân quan đi vào Hội an thu thuế. Các bác cứ yên tâm, nghỉ một đêm lấy sức sáng mai hãy chạy.
Đàn bà con nít nghe nói vậy cười ồ. Trên các gương mặt đen xạm vì lam lũ thiếu thốn, trong các đôi mắt đục và đờ đẫn hoặc lấm lét vì sợ hãi, lóe lên dễ dàng những ánh vui nhỏ. Một cái chợ nhỏ thành hình, quanh gốc xoài nơi bọn khách buôn cột ngựa.Ngược lại, họ bán cá tươi, cua luộc và những thùng ổi rừng. Ông lão lúc nào hình như chưa yên lòng nếu chưa nói hết câu chuyện dở dang với ông giáo, kéo ông ra chỗ xa tâm sự:
- Tôi thấy các đời trước đời sống dễ thở hơn. Thuế má vừa phải, dân còn chịu đựng được. Quan lại tránh làm phiền nhiễu dân. Nhờ vậy, làng xóm tụ hội, khỏi ai bị buộc phải trốn tránh, phiêu dạt. Bây giờ thì...ông thấy đấy!
Ông lão thở dài. Rồi chỉ cho ông giáo thất một bức tường ở một căn nhà hoang mái dột, nước xói lở chỉ còn cái khung tre xiêu xó, ông lão nói:
- Tôi nói với ông làm gì chứ! Nói mà có làm được gì đâu! Than ôi! Tôi già quá rồi!
***
Quá trưa, chờ cho đoàn khách thương đi xa, gia đình ông giáo mới bắt đầu leo đèo.Đường sá gập ghềnh khó đi, hai bên đường toàn bụi rậm dây leo chằng chịt. Càng lên cao, cây cối thẳng đuột không có cành phụ. Rễ bám dưới đáy vực, thân trắng vươn lên cố chen nhau đưa tán lá nhỏ cướp lấy ánh nắng và sương mốc. Chút ánh sáng ít ỏi lọt qua được những dù lá tròn chập chùng, lại bị làn sương mờ phía dưới ngăn trở nên tuy đã quá trưa, gia đình ông giáo vẫn có cảm giác đang đi giữa tinh mơ. Đã thế lâu lâu một đám mây thấp trôi vướng vào đám thân cây, làm cho cảnh vật tối sầm mù mịt. Hơi rừng bốc lên, lá cây xôn xao, dường như cả bầu trời mặt đất và thảo mộc cùng tận hưởng thú vị của đời sống, thở ra khoan khoái. Từ lâu tù túng trong vòng lẩn quẩn tủn mủn của đời sống đô thị, cả ông giáo, Kiên và Chinh không thể không xúc động trước một sức sống huyền nhiệm rộn rã và bao la như vậy. Nỗi mệt nhọc hình như tan theo mây và sương thấp, lãng đãng hòa nhập vào hương hoa ngải đang phảng phất quanh bước chân họ. Những cảm giác khinh khoái ấy không bền. Đường đèo gập ghềnh, họ lại mất hướng đạo nên buộc lòng phải đi nép theo đường quan, vừa bước vừa lo âu nhìn sau nhìn trước. Chỉ sau một thôi đường ngắn, mồ hôi và sương đã ướt đẫm khăn áo của bà giáo và mấy đứa bé. Nghỉ một lúc, họ gắng leo thêm một đoạn đèo nữa. Gai góc, đá nhọn làm ê ẩm, nhức buốt những bàn chân son. An thấy mỗi lần đặt chân xuống, mẹ phải mím chặt môi, đôi lông mày chau lại, nước mắt sống chảy xuống đôi má đã tái lạnh vì sương rừng. Cô bé quên cả nỗi mệt nhọc, cố gắng bước nhanh đến nắm lấy tay mẹ. Bà giáo đưa cánh tay trái quàng vai An, và bất ngờ bật lên khóc. Cả gia đình dừng lại, qui tụ thành một nhóm. Ông giáo lo lắng, nhưng cũng hơi bực bội trước sự yếu đuối của vợ. Bà giáo ngồi rũ trên một phiến đá thấp, càng ngày khóc càng lớn hơn. An quấn quýt bên mẹ một hồi, rồi cũng khóc theo mẹ. Rồi đến thằng Lãng và bé Út. Kiên không hiểu vì sao đám đàn bà trẻ con đang đi đột nhiên đua nhau khóc lóc như vậy, ngơ ngẩn đứng nhìn, không biết phải làm gì. Ông giáo xoa dầu lên hai bàn chân vợ xong, yên tâm vì không thấy vết thương trầm trọng nào ngoài vài vết xước và bầm tím trên bàn chân và ống chân bà giáo. Lúc đặt bàn chân vợ xuống, ông mới khám phá hai con vắt nhỏ đang bám chặt vào chỗ dưới mắt cá. Chưa ai trong gia đình có kinh nghiệm đi rừng. Chiều cao của cây cối, dốc đứng hướng lên đỉnh trời, sương mù giăng khắp đôi lúc đặt lại vì thêm những đám mây, cái khí lạnh dìu dịu và mùi hương ngải thấp thoáng lúc đậm lúc nhạt, đều hoàn toàn mới lạ đối với mọi người. Có sá gì những cái nhỏ mọn. Cho đến lúc sự mệt nhọc kéo tầm mắt họ xuống, trước hết là đám đàn bà trẻ con yếu đuối, thì những phiến đá cứng có cạnh sắc, những bụi cây thấp đầy gai, những lối đi trơn trượt; buốt lạnh nhớp nháp những mồ hôi, khí ẩm sự rã rời trên đầu gối cảm giác tê dại nơi bắp chân, đất trở nên gai góc lởm chởm và triền đi dốc ngược tất cả những điều phức tạp trắc trở ấy cùng ùa nhau đến. Nhưng hãi hùng nhất là những chú vắt nhỏ và nhanh này. Mỗi người lúc đó mới tự khám phá ở những chỗ kín ngứa ngáy đều có một hay hai chú vắt bám vào. An chết điếng cả người, không thốt lên được lấy một tiếng dù là tiếng rú. Rồi ai nấy đều để ý thấy không biết cơ man nào là vắt trên lối họ đi. Chúng búng nhẹ cái thân màu nâu đậm và trơn tuột từ chiếc lá này sang chiếc la khác, và chưa kịp cảnh giác, chúng đã chui được vào dưới lớp quần áo ta rồi. Sợ quá bà giáo quên cả khóc, đứng lên chạy trốn. Ông giáo giữ vợ lại, trấn tĩnh bằng đủ mọi lý lẽ mà bà giáo cứ một mực đòi về lại kinh. Không dằn được tức giận, ông giáo quát lên:
- Có im đi không! Đừng nói dại!
Nếu không có tiếng ngực hí vang lên từ đầu ngọn dốc thì còn lâu gia đình họ mới giải quyết được chuyện đi hay ở. Không ai bảo ai, mọi người đều im bặt, và nhanh chóng dìu nhau đi xuống phía vực, nơi có những dây leo lá to màu phơn phớt tím, hoa trắng, leo lên thân một cây đã chết khô, tạo thành một chiếc tổ kín đáo. Chờ cho đàn người ngực đi qua, họ trở lại lối cũ. Ông giáo bảo vợ:
- Ta cứ đi trên đường quan đi! Không sợ gì nữa!
Chinh nói với cha:
- Chúng nó không dám đi đêm đâu. Vả lại, việc gì phải sợ ai.
Kiên chậm chạp nói:
- Gần tối rồi cha! Nhất định đây là đoạn cuối cùng xuôi đèo ra kinh. Chắc ta không gặp ai nữa đâu!
Mọi người yên tâm đi trên đường quan, bớt được phần nào khó nhọc. Đi được một thôi đường, trời gần như tối hẳn. Đang lo không biết phải qua đêm ở đâu, họ mừng rỡ tìm thấy phía trước có ánh đèn. Qua màn sương dày, đóm ánh sáng ấy nhòe ra, ươn ướt, như một chất rắn vàng óng đang tan rữa trên tấm thảm đục bát ngát... Màu sáng óng ả, chất lỏng dịu ngọt ấy giúp mọi người phấn khởi. Ngay cả bà giáo và Lãng cũng bước nhanh kịp bước chân Chinh. An vấp một hòn đá lớn mà không thấy đau đớn gì nhiều. Bà giáo hỏi:
- Có chắc là ánh đèn không mình?
Ông giáo cũng lo sợ chỉ là ảo ảnh, không dám trả lời vợ. Thực tế không phụ họ. Đến gần hơn, họ nhận ra được rõ thêm một mái nhà lợp cỏ, bậc cấp bằng đá xếp tạm bợ theo tự nhiên dẫn từ đường cái lên. Chinh vui mừng không ngăn được cười đùa, reo hò. Kiên ngăn em, nhưng tiếng nói lớn không chút dè dặt. Ông giáo cũng cười bảo vợ:
- Mình thấy không. Tôi đã biết chắc ở đây có một cái quán. Hôm nọ ở nhà Ý đức hầu...
Đang nói ông giáo ngưng lại kịp. Họ đã đến chân lối đá dẫn lên quán. Một bó đuốc lớn cháy bập bùng trước cửa, nhưng lạ lùng là quán không có người. Chinh đặt gói đồ xuống chỗ Kiên đứng, không chờ ai sai bảo, nhảy thoăn thoắt trên bậc đá lên quán. Từ phía sau ngọn đuốc bập bùng, Chinh nói vọng xuống:
- Không có ai cả.
Ông giáo chụm hai bàn tay làm loa bảo con:
- Coi chừng.
Rồi sợ ý mình lộ liễu quá, ông thêm:
- Ở đây rắn rít nhiều lắm. Vả lại coi chừng không lại ngã.
Không thấy Chinh trả lời. Một lúc, Chinh lại xuất hiện trước ánh đuốc nói lớn:
- Bếp còn lửa. Có cả mâm cơm, ấm nước trà đang bắc trên bếp nữa. Vừa có người ở đây xong, không biết họ đi đâu.
Ông giáo đoán được sự thể, bảo cả nhà:
- Ta lên thôi!
Họ vào quán, tò mò quan sát cái quán tranh rộng ba gian dựng khá vững chãi, công phu. Cách xếp đặt khá ngăn nắp, sạch sẽ. Ngoài mâm cơm bát đũa vất bừa bãi trên cái nong nhỏ và cái kệ làm bằng nứa đan dùng để bày quà nghiêng đổ chổng chơ vì thiếu mất một chân. Ông giáo ra phía sau bếp lấy tay làm loa gọi lớn:
- Chúng tôi là khách bộ hành. Các ông các bà chớ ngại.
Gọi xong, ông chờ. Một lúc lâu chưa thấy động tĩnh gì. Ông gọi tiếp;
- Chúng tôi, thường dân ở kinh đô về Thăng hoa cư tang. Các bác chớ ngại.
Họ lại chờ. Tiếng gió thổi vào mái lá. Tiếng con tắc kè trên đọt cao. tiếng một vài quả rụng. Rồi tiếng ho. Tiếng chân người. Lần lượt những người chủ quán trở lại. Một ông già khoảng 60, khôn mặt gầy ốm, da đen, nói nhanh và hay lặp. Người vợ trông già hơn chồng, miệng móm, tóc đã bạc hẳn. Một người con trai khoảng 30 thấp lùn, chắc nịch không nói lời nào. Ba người khách trọ đến trước gia đình ông giáo. Chưa cần hỏi nhiều, ông giáo đã hiểu vì sao mọi người chạy trốn. Một ông khách có dáng thư sinh bảo:
- Tôi đã nói không nghe thấy tiếng chân ngựa, nhất định không phải là quan dịch. Nhưng bác quán cứ lo xa, hỏi tại sao không phải là quân quan mà dám lớn tiếng cười nói như vậy!
Cụ chủ quán ngượng nghịu nói:
- Phải lo xa các ông ạ! Mới buổi sáng đây, các “ngài” cần thêm người khiêng võng. Có đứa xấu miệng mách lẻo cho các ngài biết thằng Mười còn sống chung với hai vợ chồng già chúng tôi. Thế là... các ông thấy đấy. Cái quầy mất đi một chân. Bà nhà tôi cứ tiếc mãi cái âm trà đất nung mua ở cửa Hội. Những một quan đấy!
***
Nửa đêm, ông giáo giật mình thức dậy. Trống ngực ông dồn dập, mồ hôi đẫm cả lưng áo. Ông phải nằm lặng trên mặt chiếu ẩm một lúc khá lâu, mới nhận ra được những rui mè bằng tre của mái quán thấp, màu sáng vàng ủng và mong manh hắt từ ngọn đèn dầu đặt ngay dưới nền cách chỗ gia đình ông ngủ không bao xa. Dĩa dầu đã gần cạn, đầu ngọn bấc đen và dài, đóm lửa leo lét yếu đuối lâu lâu lụn hẳn xuống gần như sắp tắt. Nằm yên thêm một lúc nữa, ông giáo phân biệt được tiếng mưa rơi trên mái tranh và tiếng lèo xèo ở chỗ dĩa đèn. Ông đoán không lầm. Mái quán bị dột, giọt tranh rỏ đúng vào dĩa đèn. Lớp dầu dừa nổi lên trên dĩa nước quá mỏng, không đủ thấm chất đốt cho tim đèn. Dù đã ý tứ đi thật sẽ sàng để khỏi làm phiền mọi người, bước chân của ông cũng vang dội thành tiếng động lớn. Cụ chủ quán húng hắng ho bên kia liếp phên. Tiếng rít nhỏ và kéo dài của một loài côn trùng bên ngoài mái quán, cũng có thể là tiếng gọi tình của một lào rắn, tự nhiên cũng ngưng hẳn lại. Hình như đêm đột ngột lặng lẽ để rình rập ông. Hình như bên kia mái quán, còn có một ngọn núi nhọn nấp sau những đám mây đen theo dõi từng cử động của ông. Ông lo sợ nhìn quanh quất. Vợ ông nằm co quắp ngay sát tấm vách ngăn, một tay ôm lấy thằng Út còn tay kia đặt trên mái tóc rối, giống như cử chỉ một kẻ yếu đuối đang đưa tay lên che lấy đầu lúc bị kẻ khác đánh đập. Thằng Lãng thở khò khè, khí núi làm cho cơn hen tái phát dữ dội khiến thằng bè trăn trở, hết xoay người về phía cột đèn, lại xoay sang phía lưng bà giáo. Ông kéo tấm chăn bông đắp lên ngực con. Lãng mở mắt nhìn, nhưng nó không thấy gì, ngơ ngác một lúc rồi lại nhắm mắt ngủ. Ông giáo ngồi bó gối bên ngọn đèn sắp lụn, thần trí hoang mang. Giá ông có thể hiểu hết được mình, biết rõ những điều quấy nhiễu giấc ngủ mình, biết rõ cái gì khiến cơn hoạn nạn hiểm nghèo của đời ông, ông lại thiếu hẳn sự nhạy bén trong phản ứng, sự quyết định lúc lựa chọn, sự sáng tỏ đen trắng giữa căm thù và ngưỡng mộ. Trên đường thoát hiểm để cứu lấy mạng sống, vì sao bước chân ông ngập ngừng? Cái gì níu kéo ông lại?
Mấy ngày nay, đôi lúc ông tưởng Kiên biểu ông được phần nào. Lúc nhìn theo đoàn thuyền quan chở của cải các xứ đàng trong về cho quốc phó, lối nhìn trằm lặng ngầm chứa nhiều nghĩa của đưa con cả đã khiến ông giáo vui, cái vui tìm được bạn đường. Nhưng thay vì phẫn nộ, Kiên chỉ biểu lộ sau đó sự cam chịu, buông theo chiều gió. Ngược lại, ở Chinh, ông thấy sự phẫn nộ, phá phách vô tâm, gần gũi với bản năng ban đầu hơn, giống như niềm vui độc ác của bọn con trai mới lớn đổ dầu lên chú chuột con tội nghiệp, châm lửa đốt rồi vỗ tay cười đùa. Ông biết chắc cái tâm sự dùng dằng, ngập ngừng này của ông, cảm giác hoang mang bất định và cả đến dáng điệu ngồi thu mình cô độc bên dĩa đèn leo lét này, ông không thể chia sẻ, không thể tâm sự với bất cứ người nào trong gia đình.
Ông thao thức như vậy cho đến lúc hừng sáng. Ngọn đèn đã tắt, ông đếm từng tiếng chóc chóc của giọt tranh rơi vào lòng dĩa nước. Ông đếm nhịp mình thở. Ông chờ những đợt gió mạnh. Rồi tiếng ban đêm, tiếng muông thú và côn trùng, tiếng cây cỏ, tiếng núi, tiếng trời... Không có âm thanh nào rõ, ông chỉ nghe thấp thoáng chung chung thành một tràng những tiếng xao xác. Ông dậy sớm hơn mọi người, dù đầu óc hơi ngây ngây nhưng không chịu nằm rán dỗ giấc ngủ, một mình bước ra khỏi quán.
Ông kinh ngạc khi nhận ra rằng quán nằm ngay trên đỉnh ngọn Ngãi lãnh. Phía nam phủ phục dưới chân ông là những nếp rừng dày xếp nghiêng lớp nọ kề bên lớp kia. Xa hơn nữa là mặt biển màu bạc mênh mông, là đồng bằng màu xanh ô đậm ô nhạt chập chồng. Ông đang ở trên lằn ranh, và chốc nữa đây, chỉ cần bước thêm vài bước, ông và cả gia đình sẽ xuôi xuống một hoàn cảnh khác. Ông không thể dừng lại được nữa rồi. Trước mặt ông không còn chóp núi cao nào nghiêm khắc quở trách ông, không còn dốc cao nào chận bước chân ông. Từ đây, dù có do dự, đã xuôi dốc cứ đẩy ông tới, về phía biển bạc trùng trùng kia, về phía đồng bằng bao la kia.
Ông giáo trở về quán. Vợ con ông đã thức dậy. Bà giáo đang xuống bếp lo nấu cháo cho mấy đứa bé. An lo lắng nhìn vẻ bơ phờ của cha. Có một điều cô bé không hiểu, là hình như cha đang có điều thú vị, miệng vẫn mím lại nhưng đôi mắt sáng long lanh. Thấy Lãng, bà giáo và bé Út tiều tụy quá, ông giáo nghĩ: không thể theo đường bộ mãi được. Bằng cách nào đó, phải đến cửa Hội tìm thuyền mà về cửa Giã.
(1) Quốc phó tức quan ngoại tả Trương Phúc Loan
(1) Tức quan nội hữu Trương Văn Hạnh, bạn của giáo Hiến.
(2) Tức Trương Phúc Loan.