Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 101
Mấy năm về sau, việc sinh sống của gia đình An không được dễ dàng như trước. Số dân lưu tán dồn về Bến Ván quá đông, gạo thóc lên cao trong khi kiếm được vài quan tiền mỗi ngày không phải dễ dàng. Ngoài chợ, người bán nhiều hơn người mua. Bến Ván là một thị trấn thành hình trên cái bấp bênh của thời loạn, không có nền tảng vững chắc trên nông nghiệp hoặc sản xuất đồ thủ công, nên cuộc sống của nó cũng bấp bênh theo các tin đồn. Không ở đâu tin đồn nhạy và nhiều cho bằng Bến Ván. Thôi thì đủ thứ tin. Tin từ Phú Xuân vào. Tin Qui Nhơn. Tin Gia Định do bọn ghe gạo lén lút mang vào cửa Hiệp Hòa. Giá cả lên xuống thất thường, phần lớn do những tin đồn nhảm. Người ta vui buồn, thương ghét nhau, thậm chí ẩu đả đâm chém nhau do những tin đồn ấy. Quán rượu ế hàng tuy từ sáng đến tối bọn vô công rỗi nghề tụ họp đông nghịt để cãi nhau ỏm tỏi về những tin nghe được tối hôm trước. Mỗi người bênh hay chống một ý kiến tùy theo hoàn cảnh riêng. Nhiều khi chính từng người cũng thay đổi ý kiến tùy hứng. Nói chung cả cuộc sống thực tế lẫn cuộc sống tâm linh của Bến Ván đều bềnh bồng phiêu giạt như một chiếc lá trôi trên dòng nước lũ.
An cứ thăm chừng số vốn ngày càng hao hụt của mình và lo ra. Chị gầy hẳn đi, nét mặt lúc nào cũng bần thần lơ đãng như người mất hồn. Cảnh làm ăn sa sút khiến không khí gia đình trở nên nặng trĩu. Chị đâm gắt gỏng với con cái, vui buồn thất thường. Con Thái quá thương và hiểu mẹ nên khóc thầm chịu đựng. Thằng Phát càng có cớ để vắng nhà, rồi từ đó An càng có cớ để gắt gỏng. Cái vòng lẩn quẩn khắc nghiệt ấy mỗi ngày mỗi ghê gớm, mẹ con gặp mặt nhau là sinh chuyện. Thời đó Phát đang ở vào cái tuổi tăng trưởng phức tạp. Thân thể cao lớn nhanh chóng, tiếng nói vỡ và trên mặt mụn nổi đầy hai gò má. Vì ngủ li bì nên mắt lờ đờ, tính tình cau có, lì lợm. Mỗi lần đi chơi khuya về, bị mẹ la, Phát không thèm đáp lời mẹ, lẳng lặng bỏ đi ngủ hoặc thản nhiên nhìn thẳng vào mặt An không hở môi. Giận quá An vụt cho nó vài roi. Phát không né tránh, chờ mẹ đánh xong mới bỏ đi chỗ khác.
Điều An ghét nhất là gần đây, Phát thường đi lại với bọn buôn gạo từ Gia Định ra. Mỗi lần về nhà Phát đều có vài câu sấm hoặc vài mẩu tin Gia Định làm quà. Phát hí hửng báo cho mẹ hay tin Nguyễn Ánh đã trở lại lập hẳn một triều đình ở Gia Định, đã mua được nhiều tàu Tây Dương, đã lập hẳn một xưởng đóng chiến thuyền đồ sộ chạy dài trên ba dặm, từ Tân Bình đến bờ sông Bình Trị. Mắt Phát rực sáng khi nói:
- Phen này anh em nhà nó không có đất chôn. "Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về". Mẹ đã nghe câu sấm đó chưa?
An bậm môi lại, cố nén giận:
- Mày hãy liệu câm cái mồm lại. Ai chết không đất chôn đâu không biết, tao sợ lại phải đi xin xác của mày về chôn thôi. Tao cấm không được giao du với mấy tên bất hảo đó, nghe chưa?
Phát trố mắt nhìn mẹ, hỏi lại:
- Mẹ gọi họ là bọn bất hảo à? Mẹ sợ anh em nhà nó à? Ai giết cha, mẹ còn nhớ không?
An tắt tị không trả lời được. Lúc nào hai mẹ con tranh cãi nhau về thời thế, về hư thực của các tin đồn, Phát cũng "đàn áp" mẹ bằng câu hỏi ấy.
Mùa thu năm Nhâm Tí, Phát có thêm những tin xấu từ Qui Nhơn để chọc giận mẹ. Dân hai phủ Qui Nhơn, Quảng Ngãi đang hoang mang lo âu trước các tin đồn thổi về sức mạnh Gia Định. Nhiều người yếu bóng vía đã vượt sông Bến Ván ra núp dưới sự che chở của Phú Xuân. Dân số Bến Ván thêm đông. Phát đắc chí và An thêm cau có gắt gỏng.
Đúng lúc ấy, Phú Xuân ban ra bài hịch truyền cho quan lại quân dân các phủ Quảng Ngãi, Qui Nhơn. Bài hịch như sau: (dịch nôm)
"Tất cả các người, lớn nhỏ, từ hơn hai chục năm nay, đều luôn luôn chịu ân đức của nhà Tây Sơn ta. Sự thật, trong mấy chục năm qua, Trẫm đã chiến thắng khắp cả trong nam ngoài bắc. Trẫm nhận rằng có được những chiến thắng ấy chính là nhờ có sự phù trợ hết lòng của nhân dân hai phủ. Hai phủ cũng đã tiến cử lên Trẫm nhiều người trung dũng, hiền tài để giúp rập triều đình. Trẫm đem quân tới đâu, quân thù đều phải thất bại hoặc tan rã. Trẫm mở rộng chiến trận đến đâu, quân Xiêm và quân Thanh tàn bạo đều phải khuất phục.
Còn bọn dư đảng bỉ ổi của cựu triều, thì từ hơn ba chục năm nay, Trẫm chưa từng thấy chúng làm nổi trò trống gì. Trẫm đã đánh chúng hằng trăm trận, sĩ tốt của chúng phải tan tác, tướng lĩnh của chúng phải bỏ mạng, xương tàn của chúng tràn đầy đất Gia Định. Những điều Trẫm nói đây các người đều biết rõ, nếu mắt các người chưa được trông thấy thì tai các người cũng đã từng nghe thấy. Như tên Chủng đê hèn kia đã lẩn trốn sang những nước tầm thường ở phương tây thì có gì là đáng kể. Còn như đám dân ươn hèn Gia Định nay dám ngóc đầu dậy mộ binh, tại sao các người sợ hãi chúng như vậy? Tại sao tinh thần các người khiếp đảm đến thế? Quân thủy bộ của chúng tới đánh chiếm các hải cảng của các người như thế nào, các người không cảnh giác như thế nào, Hoàng đại huynh đã có thư cho Trẫm rõ cả rồi. Trẫm thấy sở dĩ chúng đánh chiếm được đất và giữ được đất các người cho tới ngày nay, không phải vì chúng tài giỏi gì, mà chính vì các quan quân và dân chúng hai phủ đã không dám đánh nhau với chúng. Bộ binh của các người đã hèn nhát bỏ trốn.
Bây giờ theo lệnh Hoàng đại huynh, Trẫm sẽ thân chinh cầm đại quân theo hai đường thủy bộ vào dẹp giặc. Trẫm sẽ đập tan bọn giặc cựu Nguyễn dễ dàng như đập tan một cành củi khô, một thanh gỗ mục. Còn nhân dân hai phủ, các người đừng lo âu, đừng sợ giặc. Các người hãy để mắt nhìn, để tai nghe, xem Trẫm sẽ làm gì. Các người sẽ thấy Trẫm chỉ đánh một trận là Bình Khang, Nha Trang, những mảnh xương tàn của cái thây ma Gia Định, cũng như Phú Yên từng là trung tâm chiến trường và suốt một dải từ Bình Thuận vào tới Chân Lạp sẽ tức khắc được thu phục. Như thế để ai nấy hiểu rõ rằng Trẫm và Hoàng đại huynh là hai anh em ruột, là cùng chung một dòng máu. Trẫm không bao giờ quên điều đó.
Trẫm kêu gọi nhân dân lớn nhỏ hai phủ hãy ủng hộ hoàng gia, trung thành với Hoàng đại huynh, chờ đợi quân ta vào quét sạch Gia Định, lấy lại đất về ta. Tiếng thơm hai phủ các người sẽ mãi mãi lưu truyền sử sách. Các người chớ quá nhẹ dạ cả nghe những lời phao đồn về bọn Tây Dương. Tài giỏi gì hạng người đó? Mắt chúng là mắt xanh, chúng chỉ là những xác chết trôi từ miền bắc giạt về đây, các người nên hiểu như thế. Những tàu bằng đồng, những khinh khí cầu của chúng thì có gì là kỳ lạ mà phải đệ trình lên Trẫm biết!
Để cho đại quân của ta tiến vào được dễ dàng, các xã dân hai phủ ở dọc bên đường hành quân hãy kíp sửa sang cầu cống.
Lệnh này truyền tới, nhân dân hãy vâng theo ý Trẫm.
Khâm thử.
Quang Trung năm thứ năm ngày 10 tháng 7 Nhâm tí" (1).
Bài hịch vừa loan truyền thì Bến Ván rúng động. Người ta dẹp cả buôn bán làm ăn, khép cửa nhà lại, đổ ra đường tụm năm tụm ba bàn tán nhau. Nét mặt ai nấy đều dáo dác lo âu. Kẻ cho rằng vua Quang Trung thực tâm vâng lệnh Hoàng huynh, sắp kéo đại quân qua đây để tiêu diệt bọn cựu Nguyễn trong Gia Định. Kẻ lại ngờ Phú Xuân lợi dụng sự hoang mang sợ hãi của dân hai phủ, vin cớ cứu viện để xua quân đánh chiếm Hoàng đế thành. Trước đây vua Quang Trung không từng làm việc ấy hay sao? Dù hiểu bằng cách nào, mọi người đều thấy trước tương lai đen tối mờ mịt của mình: một khi Bến Ván hết thành vùng trái độn do tương nhượng hoặc tránh né giữa Phú Xuân và Qui Nhơn, nhất định dải đất vô chính phủ này mau chóng trở lại thành vùng đất chết với những cồn cát trắng và bụi cây cằn. Bão cát sắp vùi lấp những nền nhà trống, những cột kèo tre mây vương vãi...
Bến Ván lịm đi vì sợ hãi. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Chờ đợi...
Họ theo dõi động tĩnh ở phía bắc. Quả nhiên khoảng đầu tháng 8 Nhâm tí, đạo quân Phú Xuân lâu nay đóng ở chợ Cầu Ông Bộ đột ngột dỡ trại tiến sâu vào Bến Ván. Quân đi rầm rập, giáo mác tua tủa, nhưng đến ranh giới thì dừng lại. Nghiêm lệnh: Tuyệt đối không ai được qua lại ranh giới. Ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị chém tại chỗ.
Hôm sau, Bến Ván biết tin vua Quang Trung vừa băng hà hôm 29 tháng 7, và đạo quân Phú Xuân vừa từ chợ Cầu Ông Bộ vào đây có phận sự đề phòng chận trước các ý đồ xấu của Qui Nhơn.
Vua Thái Đức định ra Phú Xuân dự đám táng vua Quang Trung đã bị chận lại, tại đây!
* * *
An cũng nhận được tin Lãng mất tích trong những ngày nơm nớp bi thảm ấy. Chị vội vã ra Phú Xuân. Kinh đô xao xác tiêu điều như vừa qua một trận bão. Ở các trạm kiểm soát, quân lính canh phòng nghiêm ngặt. Dân chúng lo sợ các bất trắc nên ít đi lại ngoài đường. Chị không có trách nhiệm gì trong kinh thành tang tóc này. Không có lấy một tờ giấy nhỏ chứng minh chị đủ tư cách đi lại trong một kinh đô giới nghiêm. Nhưng nét mặt bơ phờ của chị, dáng đi lầm lũi của chị, nhất là cái nhìn lơ láo thất thần của chị đủ sức làm mềm lòng những kẻ cứng cỏi nhất. Người ta có cảm tưởng đang đứng trước một đứa bé yếu đuối, khốn khổ. Không nỡ lớn tiếng hoặc làm bất cứ điều gì có thể khiến nó khốn khổ thêm. Người ta lễ phép nhường bước cho chị đi trước. Người ta không biết chị là ai, nhưng vì chị biểu lộ được một cách chính xác trọn vẹn nỗi đau khổ chung, nên chị trở nên thân thuộc.
An không thể đến gần những nơi lễ tang chính thức. Quá lắm chị chỉ nhìn được lưng áo của những lính cấm vệ giữ an ninh cho lễ tang. Hôm di quan lên sơn lăng, chị ở trong đám dân chúng nghèo khổ tự nguyện nối đuôi đám táng để tỏ lòng ái mộ và thương tiếc vị anh hùng dân tộc xuất thân áo vải như họ, người mang đến cho họ niềm tự tín và hy vọng, người dạy họ hãy ngửng cao đầu, mạnh dạn bước tới. An cùng lâm râm cầu khẩn như họ. Chỉ khác một điều là những gì chị thì thầm đều có tính cách riêng tư và rối rắm khó hiểu. Chị thầm nhắc lại một trận bão rừng, chuyện hiểu lầm chung quanh cây gạo, tập thơ Đỗ Phủ, đêm ngập ngừng bảo nhỏ: "Đừng, anh Huệ ạ!"... Chị đặt nhiều câu hỏi mà không cần đáp, càng hỏi càng xót xa, cảm thấy lẻ loi. Chị oán trách mà như sợ phật lòng người nghe, vừa thầm hờn dỗi đã hối hận, nhận lãnh hết phần lỗi về mình. Quanh chị người ta thở dài, người ta thì thào. Chị không nghe gì cả. Chị sống và chết riêng lẻ trong thế giới của chị!
Sau đám tang, An xuống chùa Hà Trung tìm tông tích Lãng. Sư cụ đã viên tịch trước đó nửa năm. An chỉ được biết những truyền tụng mù mờ về cậu em mê lan. Sư bác thay thầy Từ Huệ lên trụ trì ngôi chùa trỏ cho An thấy đỉnh núi Thiên Thai. An về lại Phú Xuân thăm mộ chồng, rồi tất tả vào Bến Ván.
* * *
Thằng Phát thấy An về, hằm hằm hỏi:
- Mẹ ra đưa tang phải không?
An nhìn con, không đáp. Phát vùng vằng bỏ đi. Cánh cửa dập mạnh vào khuôn gỗ. Trong căn nhà đột nhiên ngả tối, con bé Thái chạy đến ôm lấy mẹ, khóc mùi mẫn. An cũng khóc theo con. Thái dụi mắt vào áo mẹ, thì thào:
- Ở trong này con lo quá!
An ôm con chặt hơn. Chị hỏi:
- Anh Phát có chịu trông nhà với con không?
Thái vẫn còn thút thít:
- Anh ấy nằm lì ở nhà, không đi đâu cả. Con cứ sợ anh ấy gây lộn với mấy chú lính. Mẹ, con khổ quá, mẹ ơi!
Thái lại khóc. An ngạc nhiên hỏi:
- Phát nó ăn hiếp con, phải không?
- Không phải đâu mẹ. Nhưng...
- Tại sao con ngập ngừng vậy?
- Nhưng... con sợ quá. Tự nhiên tối hôm kia, con bị ra máu. Con... con chết điếng... Mẹ lại không có ở đây. Con bị bệnh gì vậy mẹ?
An giật mình, đẩy con ra xa. Thái càng sợ hãi hơn. An nhìn đăm đăm vào mặt con. Chị hiểu ra rồi. Sao đến bây giờ chị mới nhớ con gái đã lên mười bốn, và có kinh nguyệt lần đầu? Đáng lý An phải báo trước cho con, để Thái khỏi sợ hãi vô ích. Chị ôm Thái vào lòng, vỗ nhẹ lưng con, âu yếm nói:
- Con đừng sợ. Không phải bệnh tật gì đâu. Con gái vào tuổi dậy thì là có kinh nguyệt. Hồi trước mẹ cũng sợ hãi như con. Mẹ có kinh đúng hôm bà ngoại mất, nên mẹ khóc đến hết nước mắt vì sợ. Bây giờ con gái mẹ lại có kinh. Nhưng con ơi, con còn có mẹ đây. Hãy chùi nước mắt đi! Thái ngoan của mẹ!
Hết
(1) Trích lại của Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng. Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, trang 422-424.
An cứ thăm chừng số vốn ngày càng hao hụt của mình và lo ra. Chị gầy hẳn đi, nét mặt lúc nào cũng bần thần lơ đãng như người mất hồn. Cảnh làm ăn sa sút khiến không khí gia đình trở nên nặng trĩu. Chị đâm gắt gỏng với con cái, vui buồn thất thường. Con Thái quá thương và hiểu mẹ nên khóc thầm chịu đựng. Thằng Phát càng có cớ để vắng nhà, rồi từ đó An càng có cớ để gắt gỏng. Cái vòng lẩn quẩn khắc nghiệt ấy mỗi ngày mỗi ghê gớm, mẹ con gặp mặt nhau là sinh chuyện. Thời đó Phát đang ở vào cái tuổi tăng trưởng phức tạp. Thân thể cao lớn nhanh chóng, tiếng nói vỡ và trên mặt mụn nổi đầy hai gò má. Vì ngủ li bì nên mắt lờ đờ, tính tình cau có, lì lợm. Mỗi lần đi chơi khuya về, bị mẹ la, Phát không thèm đáp lời mẹ, lẳng lặng bỏ đi ngủ hoặc thản nhiên nhìn thẳng vào mặt An không hở môi. Giận quá An vụt cho nó vài roi. Phát không né tránh, chờ mẹ đánh xong mới bỏ đi chỗ khác.
Điều An ghét nhất là gần đây, Phát thường đi lại với bọn buôn gạo từ Gia Định ra. Mỗi lần về nhà Phát đều có vài câu sấm hoặc vài mẩu tin Gia Định làm quà. Phát hí hửng báo cho mẹ hay tin Nguyễn Ánh đã trở lại lập hẳn một triều đình ở Gia Định, đã mua được nhiều tàu Tây Dương, đã lập hẳn một xưởng đóng chiến thuyền đồ sộ chạy dài trên ba dặm, từ Tân Bình đến bờ sông Bình Trị. Mắt Phát rực sáng khi nói:
- Phen này anh em nhà nó không có đất chôn. "Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về". Mẹ đã nghe câu sấm đó chưa?
An bậm môi lại, cố nén giận:
- Mày hãy liệu câm cái mồm lại. Ai chết không đất chôn đâu không biết, tao sợ lại phải đi xin xác của mày về chôn thôi. Tao cấm không được giao du với mấy tên bất hảo đó, nghe chưa?
Phát trố mắt nhìn mẹ, hỏi lại:
- Mẹ gọi họ là bọn bất hảo à? Mẹ sợ anh em nhà nó à? Ai giết cha, mẹ còn nhớ không?
An tắt tị không trả lời được. Lúc nào hai mẹ con tranh cãi nhau về thời thế, về hư thực của các tin đồn, Phát cũng "đàn áp" mẹ bằng câu hỏi ấy.
Mùa thu năm Nhâm Tí, Phát có thêm những tin xấu từ Qui Nhơn để chọc giận mẹ. Dân hai phủ Qui Nhơn, Quảng Ngãi đang hoang mang lo âu trước các tin đồn thổi về sức mạnh Gia Định. Nhiều người yếu bóng vía đã vượt sông Bến Ván ra núp dưới sự che chở của Phú Xuân. Dân số Bến Ván thêm đông. Phát đắc chí và An thêm cau có gắt gỏng.
Đúng lúc ấy, Phú Xuân ban ra bài hịch truyền cho quan lại quân dân các phủ Quảng Ngãi, Qui Nhơn. Bài hịch như sau: (dịch nôm)
"Tất cả các người, lớn nhỏ, từ hơn hai chục năm nay, đều luôn luôn chịu ân đức của nhà Tây Sơn ta. Sự thật, trong mấy chục năm qua, Trẫm đã chiến thắng khắp cả trong nam ngoài bắc. Trẫm nhận rằng có được những chiến thắng ấy chính là nhờ có sự phù trợ hết lòng của nhân dân hai phủ. Hai phủ cũng đã tiến cử lên Trẫm nhiều người trung dũng, hiền tài để giúp rập triều đình. Trẫm đem quân tới đâu, quân thù đều phải thất bại hoặc tan rã. Trẫm mở rộng chiến trận đến đâu, quân Xiêm và quân Thanh tàn bạo đều phải khuất phục.
Còn bọn dư đảng bỉ ổi của cựu triều, thì từ hơn ba chục năm nay, Trẫm chưa từng thấy chúng làm nổi trò trống gì. Trẫm đã đánh chúng hằng trăm trận, sĩ tốt của chúng phải tan tác, tướng lĩnh của chúng phải bỏ mạng, xương tàn của chúng tràn đầy đất Gia Định. Những điều Trẫm nói đây các người đều biết rõ, nếu mắt các người chưa được trông thấy thì tai các người cũng đã từng nghe thấy. Như tên Chủng đê hèn kia đã lẩn trốn sang những nước tầm thường ở phương tây thì có gì là đáng kể. Còn như đám dân ươn hèn Gia Định nay dám ngóc đầu dậy mộ binh, tại sao các người sợ hãi chúng như vậy? Tại sao tinh thần các người khiếp đảm đến thế? Quân thủy bộ của chúng tới đánh chiếm các hải cảng của các người như thế nào, các người không cảnh giác như thế nào, Hoàng đại huynh đã có thư cho Trẫm rõ cả rồi. Trẫm thấy sở dĩ chúng đánh chiếm được đất và giữ được đất các người cho tới ngày nay, không phải vì chúng tài giỏi gì, mà chính vì các quan quân và dân chúng hai phủ đã không dám đánh nhau với chúng. Bộ binh của các người đã hèn nhát bỏ trốn.
Bây giờ theo lệnh Hoàng đại huynh, Trẫm sẽ thân chinh cầm đại quân theo hai đường thủy bộ vào dẹp giặc. Trẫm sẽ đập tan bọn giặc cựu Nguyễn dễ dàng như đập tan một cành củi khô, một thanh gỗ mục. Còn nhân dân hai phủ, các người đừng lo âu, đừng sợ giặc. Các người hãy để mắt nhìn, để tai nghe, xem Trẫm sẽ làm gì. Các người sẽ thấy Trẫm chỉ đánh một trận là Bình Khang, Nha Trang, những mảnh xương tàn của cái thây ma Gia Định, cũng như Phú Yên từng là trung tâm chiến trường và suốt một dải từ Bình Thuận vào tới Chân Lạp sẽ tức khắc được thu phục. Như thế để ai nấy hiểu rõ rằng Trẫm và Hoàng đại huynh là hai anh em ruột, là cùng chung một dòng máu. Trẫm không bao giờ quên điều đó.
Trẫm kêu gọi nhân dân lớn nhỏ hai phủ hãy ủng hộ hoàng gia, trung thành với Hoàng đại huynh, chờ đợi quân ta vào quét sạch Gia Định, lấy lại đất về ta. Tiếng thơm hai phủ các người sẽ mãi mãi lưu truyền sử sách. Các người chớ quá nhẹ dạ cả nghe những lời phao đồn về bọn Tây Dương. Tài giỏi gì hạng người đó? Mắt chúng là mắt xanh, chúng chỉ là những xác chết trôi từ miền bắc giạt về đây, các người nên hiểu như thế. Những tàu bằng đồng, những khinh khí cầu của chúng thì có gì là kỳ lạ mà phải đệ trình lên Trẫm biết!
Để cho đại quân của ta tiến vào được dễ dàng, các xã dân hai phủ ở dọc bên đường hành quân hãy kíp sửa sang cầu cống.
Lệnh này truyền tới, nhân dân hãy vâng theo ý Trẫm.
Khâm thử.
Quang Trung năm thứ năm ngày 10 tháng 7 Nhâm tí" (1).
Bài hịch vừa loan truyền thì Bến Ván rúng động. Người ta dẹp cả buôn bán làm ăn, khép cửa nhà lại, đổ ra đường tụm năm tụm ba bàn tán nhau. Nét mặt ai nấy đều dáo dác lo âu. Kẻ cho rằng vua Quang Trung thực tâm vâng lệnh Hoàng huynh, sắp kéo đại quân qua đây để tiêu diệt bọn cựu Nguyễn trong Gia Định. Kẻ lại ngờ Phú Xuân lợi dụng sự hoang mang sợ hãi của dân hai phủ, vin cớ cứu viện để xua quân đánh chiếm Hoàng đế thành. Trước đây vua Quang Trung không từng làm việc ấy hay sao? Dù hiểu bằng cách nào, mọi người đều thấy trước tương lai đen tối mờ mịt của mình: một khi Bến Ván hết thành vùng trái độn do tương nhượng hoặc tránh né giữa Phú Xuân và Qui Nhơn, nhất định dải đất vô chính phủ này mau chóng trở lại thành vùng đất chết với những cồn cát trắng và bụi cây cằn. Bão cát sắp vùi lấp những nền nhà trống, những cột kèo tre mây vương vãi...
Bến Ván lịm đi vì sợ hãi. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Chờ đợi...
Họ theo dõi động tĩnh ở phía bắc. Quả nhiên khoảng đầu tháng 8 Nhâm tí, đạo quân Phú Xuân lâu nay đóng ở chợ Cầu Ông Bộ đột ngột dỡ trại tiến sâu vào Bến Ván. Quân đi rầm rập, giáo mác tua tủa, nhưng đến ranh giới thì dừng lại. Nghiêm lệnh: Tuyệt đối không ai được qua lại ranh giới. Ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị chém tại chỗ.
Hôm sau, Bến Ván biết tin vua Quang Trung vừa băng hà hôm 29 tháng 7, và đạo quân Phú Xuân vừa từ chợ Cầu Ông Bộ vào đây có phận sự đề phòng chận trước các ý đồ xấu của Qui Nhơn.
Vua Thái Đức định ra Phú Xuân dự đám táng vua Quang Trung đã bị chận lại, tại đây!
* * *
An cũng nhận được tin Lãng mất tích trong những ngày nơm nớp bi thảm ấy. Chị vội vã ra Phú Xuân. Kinh đô xao xác tiêu điều như vừa qua một trận bão. Ở các trạm kiểm soát, quân lính canh phòng nghiêm ngặt. Dân chúng lo sợ các bất trắc nên ít đi lại ngoài đường. Chị không có trách nhiệm gì trong kinh thành tang tóc này. Không có lấy một tờ giấy nhỏ chứng minh chị đủ tư cách đi lại trong một kinh đô giới nghiêm. Nhưng nét mặt bơ phờ của chị, dáng đi lầm lũi của chị, nhất là cái nhìn lơ láo thất thần của chị đủ sức làm mềm lòng những kẻ cứng cỏi nhất. Người ta có cảm tưởng đang đứng trước một đứa bé yếu đuối, khốn khổ. Không nỡ lớn tiếng hoặc làm bất cứ điều gì có thể khiến nó khốn khổ thêm. Người ta lễ phép nhường bước cho chị đi trước. Người ta không biết chị là ai, nhưng vì chị biểu lộ được một cách chính xác trọn vẹn nỗi đau khổ chung, nên chị trở nên thân thuộc.
An không thể đến gần những nơi lễ tang chính thức. Quá lắm chị chỉ nhìn được lưng áo của những lính cấm vệ giữ an ninh cho lễ tang. Hôm di quan lên sơn lăng, chị ở trong đám dân chúng nghèo khổ tự nguyện nối đuôi đám táng để tỏ lòng ái mộ và thương tiếc vị anh hùng dân tộc xuất thân áo vải như họ, người mang đến cho họ niềm tự tín và hy vọng, người dạy họ hãy ngửng cao đầu, mạnh dạn bước tới. An cùng lâm râm cầu khẩn như họ. Chỉ khác một điều là những gì chị thì thầm đều có tính cách riêng tư và rối rắm khó hiểu. Chị thầm nhắc lại một trận bão rừng, chuyện hiểu lầm chung quanh cây gạo, tập thơ Đỗ Phủ, đêm ngập ngừng bảo nhỏ: "Đừng, anh Huệ ạ!"... Chị đặt nhiều câu hỏi mà không cần đáp, càng hỏi càng xót xa, cảm thấy lẻ loi. Chị oán trách mà như sợ phật lòng người nghe, vừa thầm hờn dỗi đã hối hận, nhận lãnh hết phần lỗi về mình. Quanh chị người ta thở dài, người ta thì thào. Chị không nghe gì cả. Chị sống và chết riêng lẻ trong thế giới của chị!
Sau đám tang, An xuống chùa Hà Trung tìm tông tích Lãng. Sư cụ đã viên tịch trước đó nửa năm. An chỉ được biết những truyền tụng mù mờ về cậu em mê lan. Sư bác thay thầy Từ Huệ lên trụ trì ngôi chùa trỏ cho An thấy đỉnh núi Thiên Thai. An về lại Phú Xuân thăm mộ chồng, rồi tất tả vào Bến Ván.
* * *
Thằng Phát thấy An về, hằm hằm hỏi:
- Mẹ ra đưa tang phải không?
An nhìn con, không đáp. Phát vùng vằng bỏ đi. Cánh cửa dập mạnh vào khuôn gỗ. Trong căn nhà đột nhiên ngả tối, con bé Thái chạy đến ôm lấy mẹ, khóc mùi mẫn. An cũng khóc theo con. Thái dụi mắt vào áo mẹ, thì thào:
- Ở trong này con lo quá!
An ôm con chặt hơn. Chị hỏi:
- Anh Phát có chịu trông nhà với con không?
Thái vẫn còn thút thít:
- Anh ấy nằm lì ở nhà, không đi đâu cả. Con cứ sợ anh ấy gây lộn với mấy chú lính. Mẹ, con khổ quá, mẹ ơi!
Thái lại khóc. An ngạc nhiên hỏi:
- Phát nó ăn hiếp con, phải không?
- Không phải đâu mẹ. Nhưng...
- Tại sao con ngập ngừng vậy?
- Nhưng... con sợ quá. Tự nhiên tối hôm kia, con bị ra máu. Con... con chết điếng... Mẹ lại không có ở đây. Con bị bệnh gì vậy mẹ?
An giật mình, đẩy con ra xa. Thái càng sợ hãi hơn. An nhìn đăm đăm vào mặt con. Chị hiểu ra rồi. Sao đến bây giờ chị mới nhớ con gái đã lên mười bốn, và có kinh nguyệt lần đầu? Đáng lý An phải báo trước cho con, để Thái khỏi sợ hãi vô ích. Chị ôm Thái vào lòng, vỗ nhẹ lưng con, âu yếm nói:
- Con đừng sợ. Không phải bệnh tật gì đâu. Con gái vào tuổi dậy thì là có kinh nguyệt. Hồi trước mẹ cũng sợ hãi như con. Mẹ có kinh đúng hôm bà ngoại mất, nên mẹ khóc đến hết nước mắt vì sợ. Bây giờ con gái mẹ lại có kinh. Nhưng con ơi, con còn có mẹ đây. Hãy chùi nước mắt đi! Thái ngoan của mẹ!
Hết
(1) Trích lại của Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng. Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, trang 422-424.