Review by: Thị Trấn Buồn Tênh
Trước tiên mình phải nói rằng, Đại Đạo Triêu Thiên khác biệt so với đa số truyện tu tiên ở chỗ, là tác giả Miêu Nị không tập trung hoàn toàn vào nhân vật chính, tức rằng phân bố đồng điều cho các nhân vật có đất dụng võ và bày mưu chứ không phải kiểu nhân vật chính bá đạo từ đầu chí cuối, nhân vật phụ thiểu năng bại não yếu kém v.v…. chính vì thế tạo cho không gian truyện rất hay và lôi cuốn.
Nội dung
Nội dung câu chuyện chia làm hai phần câu chuyện, phần một là thuần Tu Tiên; nội đấu tông môn, chống lại ngoại môn, tu luyện đỉnh phong rồi phi thăng, phần hai cũng là nội đấu tông môn với tổ sư nhưng mà kiểu kết hợp với khoa huyễn và tu tiên lại với nhau, nên các bạn thích Tu Tiên thì nên dừng ở phần một, tức là lúc Tỉnh Cửu phi thăng, còn bạn nào thích kết hợp cả hai thì nên đọc cả phần hai. Nhưng đối với mình mà nói, mình thích phần một hơn là phần hai, bởi phần một đang gay cấn và tu tiên bá đạo cái tự nhiên sang phần hai phi thăng gặp công nghệ tiên tiến, rồi dùng công nghệ hạt nhân này nọ làm mình tụt mẹ mood chả muốn đọc, vì tiếc nuối nên cố gắng đọc cho hết rồi Review Truyện.
Phần 1
Trong câu chuyện ở phần 1, Cảnh Dương chân nhân chuyển thế sang thanh kiếm yêu thành một Tỉnh Cửu, tu luyện lại từ đầu, bắt gặp Liễu Thập Tuế ở trong thôn rồi bắt đầu hành trình tìm hiểu những âm mưu, thủ đoạn giết Tỉnh Cửu, những cuộc đấu đá trong tông môn và đối đầu với cao thủ khác khi mà Tỉnh Cửu vẫn còn rất yếu, nhất là làm chủ Thần Mạt Phong còn gặp phải rất nhiều đấu đá khác nhau, càng về sau những âm mưu càng sáng tỏ và giết chết Thái Bình chân nhân để giành lấy chưởng quản Thanh Sơn Tông rồi cho tới tận sau khi Tỉnh Cửu phi thăng.
Phần 2
Trong câu chuyện phần 2, Tỉnh Cửu sau khi phi thăng thì rơi vào thế giới vũ trụ, đối đầu với ngoại vực thiên ma và những công nghệ tiên tiến, trong lần này, cũng giống như phần một cũng là nội đấu với các nhân vật trong Thanh Sơn Tông, đặc biệt là tổ sư, nội đấu nhiều hơn là chống thế lực ngoại vực thiên ma. Cuối cùng Tỉnh Cửu chết thay vì “phi thăng” lần nữa.
Điểm mạnh của Đại Đạo Triêu Thiên
Nhắc về điểm mạnh thì phải nói đến các nhân vật phụ, các tình tiết được phân bố đồng điều cho các nhân vật phụ như Đồng Nhan, Hà Triêm, Bạch Tảo, Bạch Uyên, Nam Xu, Thái Bình chân nhân và các nhân vật phụ khác, mặc dù không hẳn quá xuất sắc và tạo ra bất ngờ gì nhiều, nhưng hơn hẳn so với mặt bằng chung bây giờ là hầu như không có câu chuyện nào không có nhân vật phụ não tàn, không tàn thì cũng phế ăn hại hoặc là lót đường cho nhân vật chính. Chính vì thế, truyện Miêu Nị tạo dấu ấn cho người đọc nhất định ,nếu như bạn thích nhân vật chính bá đạo và bách chiến bách thắng thì có lẽ câu chuyện Đại Đạo Triêu Thiên không làm được như thế, thay vào đó, những âm mưu và có đất dụng võ của nhân vật phụ là tạo tiền đề cho câu chuyện chứ không phải là sự bá đạo của nhân vật chính gây ra ấn tượng cho người đọc.
Hơn nữa, câu chuyện Đại Đạo Triêu Thiên không tập trung vào World Building, Skill, tông phái, là ưu điểm lớn nhất, hầu như các câu chuyện khác World Building xong thì tới lúc kết thúc thì chả khám phá ra con mẹ gì ngoài việc nhân vật chính yếu kém tới bá đạo, những Skill của tông phải nói cả ngàn cái xong chả sử dụng gì nhiều ngoài bằng cái miệng của tác giả. Đại Đạo Triêu Thiên không tập trung vào những thứ đó, hầu hết các câu chữ tập trung vào việc xử lý tình tiết là chính, mặc dù trước đó có đối thoại với Triệu Tịch Nguyệt về cảnh giới như Thông Thiên, Tàng Thiên Hạ và cái gì đó mình quên rồi, nhưng hầu như chẳng có tác dụng gì hoặc tác giả không sử dụng đến, nó như một tình tiết ghẻ lạnh của tác giả, cũng đúng thôi bởi hầu như chúng ta trông thấy tác giả xử lý tình tiết nhiều hơn là đánh đấm, mà nếu đã đánh đấm thì chẳng ai địch nổi và rất ít nhân vật phi thăng nên cái tình tiết cảnh giới cao cấp cũng chỉ là cái phế nhân trong câu chuyện Đại Đạo Triêu Thiên (trừ Tuyết Cơ).
Một chi tiết nhỏ là nhân vật chính Tỉnh Cửu không nói nhiều, cũng không thể hiện sức mạnh nhiều, trừ lúc cần thiết, tự tìm hiểu nguyên nhân và thôi diễn rồi mới hành động, hầu hết các truyện khác chúng ta thấy là nhân vật chính nói nhiều, chiếm dụng thời lượng lớn, skil bá đạo, hoặc tình cờ được giúp đỡ, vì gái hoặc vì người thân mà nổi khùng đánh đấm không cần suy nghĩ hậu quả, hoặc là được buff quá nhiều thứ vào để rồi chúng ta cảm thấy cực kỳ nhàm chán.
Các tông phái được thể hiện sức mạnh riêng biệt cũng là ưu điểm, mặc dù không bằng tông phái của nhân vật chính, nhưng ít nhất là không bị phế, cũng xuất hiện nhân vật kỳ tài, pháp bảo, khắc chế làm nhân vật chính e ngại, và cùng nhân vật chính liên thủ để đối đầu với tông phái phản diện, mặc dù tác gia cũng không tạo cho tông phái phản diện xuất sắc lắm nhưng ít nhất là cũng tạm tạm làm cho chúng ta cảm thấy được (so với mặt bằng chung).
Vai trò của thần thú cũng được đề cao hơn trong câu chuyện, nếu như trong các thần thú của câu chuyện khác, chủ yếu là giúp đỡ nhân vật chính, hoặc là cùng chiến đấu với nhân vật hoặc là làm thú cưỡi, đối với Đại Đạo Triêu Thiên lại đóng vai trò trấn thủ, hoặc là cùng tham gia âm mưu với các nhân vật phụ khác, tạo cho chúng ta cảm tưởng vai trò của các thần thú này nâng cao rõ rệt thay vì làm thú cưỡi hoặc bị giết chết.
Nhược điểm, không truyện nào không bị tránh khỏi
Nhược điểm lớn nhất của truyện Đại Đạo Triêu Thiên chính là miêu tả cuộc chiến đấu, phải nói là miêu tả sơ sài đến mức tác giả “skip” luôn cuộc chiến đấu hoặc là diễn tả cho nhanh rồi thôi luôn, chẳng hiểu là do tác giả lười hay là vì cái gì mà tác giả chẳng buồn viết, chỉ duy nhất các cuộc chiến đấu của phần 2 là khá hơn một chút xíu, thời lượng miêu tả chiến đấu tăng hơn nhưng cũng chả hơn gì phần một, đặc biệt là cảnh chiến đấu cũng chẳng hơn gì nhiều.
Ở phần một, các âm mưu ban đầu xen kẽ nhau rất là lôi cuốn, nhưng càng về sau càng ít đi, các nhân vật phụ lúc này cũng ít có đất dụng võ hơn, gần như là nhường đường cho Tỉnh Cửu tính toán hết, sau đó là cuộc chiến đấu với Thái Bình chân nhân và tiên nhân Bạch Nhận, chưởng môn Trung Châu Phái Bạch Uyên và vá trời. Sang phần hai thì khỏi nói luôn, âm mưu thì có đấy nhưng chủ yếu là bắt lấy Tỉnh Cửu rơi vào tầm khống chế của tổ sư Thẩm Thanh Sơn, nhưng mình cảm thấy âm mưu lần này không tạo ra bất ngờ gì nhiều nên không đánh giá cao bằng phần một.
Lan man không trọng tâm, lề mề và dài dòng là ưu điểm lớn nhất của tác giả Miêu Nị, nên các bạn nào không thích dài dòng lê thê thì bảo đảm không thể thấm nổi, nếu thấm nổi thì cực kỳ thích diễn giải của Miêu Nị, nhưng đối với mình mà nói, Đại Đạo Triêu Thiên lan man để miêu tả những âm mưu thì được, nhưng lan man rất dài dòng so với thời lượng âm mưu ít ỏi, sự lan man ấy chiếm hết hai phần ba câu chuyện tạo cho mình cảm thấy chán cực kỳ. Nếu như tỷ lệ thuận với âm mưu dày đặc thì không ai nói, đằng này chiếm tỷ lệ cao quá thì mình chỉ muốn skip cho nhanh, nhất là ở phần hai, chỉ muốn đọc cho nhanh biết kết quả là chính.
Ở phần một, vai trò của thần thú cũng cực kỳ quan trọng, nhưng sang phần hai thì y như kiểu các thần thú này bị phế hoặc bị giết, sau đó là lời giải thích của tác giả về các thần thú này chỉ là do loài người tạo ra làm cho mình chới với, rồi thế giới tu tiên cũng do vị thần minh khám phá ra và đưa người vào để con người mạnh hơn sau đó thoát ra ngoài giúp đỡ, chống lại ngoại vực thiên ma. Nói chung, mình chẳng thích phần hai này, nó rất ư là giống kiểu đối địch với phần một, như kiểu viết ra để giải thích về thế giới trước đó, nói thật thà không đọc còn ấn tượng với câu chuyện hơn.
Thần thú trong truyện Đại Đạo Triêu Thiên có vẻ cực kỳ ít, cũng như ít phong phú hơn trong các câu chuyện khác, ấn tượng của mình với thần thú trong truyện là nó được tham gia các âm mưu, các chiến đấu tông phái, nội đấu và trấn thủ tông phái, nhưng xét về phong phú thần thú thì cực kỳ ít ỏi, hoặc có thể nói là chỉ vài con mạnh rồi hết.
ĐIỂM CỘNG
- Các nhân vật phụ điều có đất dụng võ, không phế nhân như nhiều nhân vật phụ trong các truyện tu tiên khác
- Không có kiểu building world và building skill v.v... cho thật nhiều rồi không có đất dụng võ
- Vai trò của các thần thú cũng được nâng cao hơn, là đóng vai trò giữ cửa, hoặc trấn thủ, và đặc biệt là không bị bắt làm thú cưỡi vô tội vạ. Mỗi tông phái điều có cách phi hàng khác nhau nên không cần thần thu để cưỡi.
- Nhân vật chính không nói nhiều như các nhân vật khác, cũng như nhúng tay vào việc của người khác, hoặc là cái gì cũng rơi vào tay nhân vật chính như truyện tu tiên khác.
- Không chứa đựng chuyện tình cảm, nếu có thì cũng chỉ sơ sài vài ba câu là thôi chứ không phải vì gái là nhân vật chính lao đầu vào giải cứu này nọ, cũng không có cái cửu nhân vật chính nhờ gái mà mạnh lên
- Mỗi tông phái được thể hiện sự khác biệt chứ không na ná như nhau
ĐIỂM TRỪ
- Dài dòng lê thê, diễn biến quá chậm, tình tiết ban đầu thì nhiều, về sau lại ít đi rất nhiều
- Skip các cuộc chiến đấu, tác giả không trọn tâm miêu tả trong cuộc chiến đấu, nói vài dòng ba câu là xong, chỉ có đấu với trùm cuối là Tổ Sư thì còn miêu tả chút chút nhưng cũng không nhiều lắm.
- Phần một hay bao nhiêu thì sang phần hai thì ý ẹ bấy nhiêu, ai thích tu tiên thuần thì nên dừng lúc Tỉnh Cửu phi thăng là ok chứ đọc Tỉnh Cửu trong khoa huyễn rất là bực bội và thất vọng
-Vai trò của thần thú trong phần một hay bao nhiêu thì sang phần hai thì ý ẹ cực kỳ, và tác giả lại lý giải mấy con thần thú là thứ nhân tạo do loài người tạo ra nên càng đọc thì càng tức.
- Đồng thời, thần thú trong truyện cực kỳ ít ỏi
Bình luận facebook