• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

NHỮNG THU XẾP CUỐI CÙNG (1 Viewer)

Thanh Vân

Tác giả VW
Tác giả
Thanh Vân
Thể loại
Truyện ngắn
Tình trạng
Hoàn thành
Lượt đọc
739
Cập nhật
Những Thu Xếp Cuối Cùng
Ý
nghĩ đó chợt hiện lên trong đầu óc ông và ông chợt cảm thấy như bị nó thôi miên, lôi cuốn. Lúc đầu, ý nghĩ đó đến với ông chỉ như một ước mơ thầm kín, nhưng rồi càng nghĩ tới, nó càng trở nên rõ ràng hơn, thúc bách hơn.
Mỗi buổi sáng thật sớm, ông Tuấn đều có lệ ngồi ở phòng khách, ngắm nhìn những bức tường bao bọc quanh ông. Mỗi ngày ông đều thức giấc cùng lúc với mặt trời, sửa soạn bửa ăn sáng cho ông và cho Bích Trân, vợ ông. Xong ông ra phòng khách ngồi một mình, đầu óc đắm chìm trong suy tư, mơ mộng. Thời gian cô đơn của mổi buổi sáng đó là thời gian duy nhất trong ngày cho ông Tuấn trốn thoát khỏi thực tại, dù thời gian đó thật ngắn ngủi, thật mong manh nhưng cũng đủ cho ông sống được một vài giây phút thoải mái của chỉ riêng ông. Vợ ông không bao giờ vào phòng khách, từ mười năm nay, trong cuộc sống vợ chồng, Bích Trân chưa bao giờ bước chân vào phòng khách này lấy một lần. Nàng luôn luôn ở trong phòng ngủ, trên một chiếc xe lăn. Nàng ngồi im lặng, gậm nhấm nỗi căm thù và lòng tức tưởi không nguôi. Sự im lặng đó chỉ bị phá tan khi Bích Trân réo tên chồng để phàn nàn về một điều gì đó. Khi nàng không trách móc, đay nghiến ông thì nàng lại nhìn ông bằng một cái nhìn đầy sự khinh bỉ, như để cho ông nhớ lại nguyên nhân tại sao nàng phải bị lâm vào tình trạng này.
Từ mười năm nay, Bích Trân đã biến cuộc sống chung thành một chuổi ngày khó thở, mổi ngày trôi qua như kéo hai vợ chồng xuống gần thêm địa ngục. Riêng ông Tuấn lại nghĩ rằng, nếu địa ngục có thật, chắc cũng thua cuộc sống hàng ngày của ông bên bà vợ khó tính, đầy hận thù.
Vì vậy, buổi sáng sớm, ông Lê Tuấn tự cho mình một vài giây phút mơ mộng, hạnh phúc bằng cách ngồi im lặng trong căn phòng khách cô đơn.
- Ông Tuấn…
- Vâng…vâng…tôi đây.
Giọng nói the thé của vợ ông lôi ông ra khỏi những ý tưởng mơ mộng, mông lung…
- Tôi đây, Bích Trân, em cần gì?
- Anh có thể vào trong này không, tôi van xin anh mà! Bích Trân hét lớn…
Tuấn mệt mỏi đứng lên và đi về phía phòng ngủ của vợ. Căn phòng nhỏ chìm trong bóng tối ( nàng không bao giờ cho phép ông kéo màn hay mở cửa sổ cho thoáng khí, vì vậy căn phòng luôn luôn thoang thoảng mùi ẩm mốc).
- Sao ông pha trà nhạt quá vậy? Bích Trân nói bằng một giọng gắt gỏng. Nó nhạt nhẻo cũng như ông vậy đó! Ông nấu món gì cũng dở, cũng nhạt phèo. Ông không thể nào
mướn ai nấu cho hay sao?
- Bà Chuyên sẽ đến đây như mọi ngày….Tuấn lơ đãng trả lời.
Bà Chuyên là người thứ tám mà ông Tuấn đã mướn đến phụ ông săn sóc Bích Trân vào những lúc ông đi làm.
- Em cũng hiểu là bà ấy không thể nào đến sớm để làm kịp thức ăn sáng cho em như em đòi hỏi…
- Tôi biết rồi! Vì vậy cho nên ông mới làm và kết quả là tôi chẳng ăn được chút gì cả. Thôi, ông đi ra ngoài đi trừ phi ông lại có lòng tốt đưa tôi đi dạo chơi một vòng thành phố.
Trong mười năm qua, không hiểu đã bao nhiêu lần rồi bà Bích Trân đã lập lại câu đó:”Trừ phi ông có lòng tốt đưa tôi đi dạo chơi một vòng thành phố”.
Ông Tuấn khép cửa phòng và đi ra phòng khách, ông dừng lại bên cửa sổ và nhìn thấy bà Chuyên đang băng qua đường để vào nhà ông.
Bà Chuyên là một người đàn bà rất hòa nhả và ông Tuấn rất thích được nói chuyện với bà. Sự khó tánh của Bích Trân không ảnh hưởng chút nào đến tính tình vui vẻ, khả ái của bà ta cả.
Tuấn mở rộng cửa ra vào:
- Chào bà Chuyên! Bà khoẻ chứ?
Nhưng khuôn mặt vui tươi, lịch sự hằng ngày của người đàn bà giúp việc hôm nay sao nặng nề, u ám.
- Chào ông! Tôi muốn nói chuyện riêng với ông một phút được không?
- Tất nhiên là được rồi! Tuấn vui vẻ trả lời, giọng không được tự nhiên lắm….
Khi đã vào hẳn trong nhà, bà Chuyên lên tiếng:
- Thưa ông, tôi rất tiếc, nhưng hôm nay tôi đành phải xin thôi việc. Tôi đã tìm ra được một chổ làm lương khá hơn và hợp với khả năng của tôi hơn….
- Thưa bà, tôi hiểu. Nhưng dù sao tôi cũng mong bà làm cho hết tuần này chứ ạ?
- Vâng, tất nhiên rồi, thưa ông.
Tuấn muốn nói thẳng với bà Chuyên rằng: "Tôi biết không phải bà đã tìm được một chổ làm lương cao hơn và thích hợp hơn, bà xin nghỉ vì bà không thể nào chịu đựng thêm bà vợ của tôi nữa. Có phải thế không hở bà?”.
Nhưng rồi Tuấn cũng chẳng nói gì, ông chỉ vội lấy nón và áo khoác ngoài xong vội ra khỏi nhà.
Ngày hôm nay thật đẹp, bầu trời trong xanh, ánh nắng chan hòa trên khắp cây cỏ, đường phố. Thật là một ngày lý tưởng cho ông Tuấn thực hiện kế hoạch ông đã ấp ủ, đã mơ ước từ lâu. Ông đi đến trạm xe bus ở đầu đường và im lặng đứng chờ, như ông vẫn làm từ mười năm nay để đi đến sở làm . Tuấn đã bán ngay chiếc xe hơi sau tai nạn. Nhưng sự đó chẳng làm ông nhẹ lòng chút nào, ông vẫn luôn luôn nghĩ đến tai nạn, nghĩ đến chiếc xe bị lật nát bấy….Vả lại Bích Trân cũng không cho ông có dịp nào để quên nó, nàng luôn luôn gây sự, luôn luôn nhắc nhở ông là chính ông đã lái chiếc xe đó trong một đêm mưa vào đầu tháng 11, đường trơn, ông không giữ vững nổi tay lái, chiếc xe lật và hậu quả là ông đã giam giữ vợ ông trong chiếc xe lăn cho đến hết đời….
Khi leo lên xe bus, ông gật đầu chào người tài xế như ông vẫn làm hàng ngày, và cũng như mọi ngày, ông đi về cuối xe và tìm một ghế trống gần cửa sổ. Nhưng hôm nay, ông Tuấn lại không xuống xe ở chổ thường ngày, ông xuống trước đó một trạm. Ở đó có máy điện thoại công cộng. Ông Tuấn bước xuống và gọi đến sở làm:
- Allo, cô Trang đó hở? Tôi Tuấn đây….
- Có chuyện gì xảy ra phải không ông Tuấn? Bộ ông không được khoẻ hay sao?
- Vâng, tôi hơi mệt, vì vậy tôi mới phải gọi cho cô đây….
- Ông có cần tôi nói với ông giám đốc hôm nay ông nghĩ việc hay không? Nhưng chắc là không sao chứ ông? Sao tôi thấy có chi khác thường quá à! Tôi muốn nói là tôi chưa hề thấy ông Tuấn ở nhà nguyên ngày bao giờ cả…
Ông Kim Tín, chủ nhân nhà hòm “ Kim Tín và Công ty”sửa lại đôi mắt kiếng , ho lên một tiếng khẻ như để lấy giọng xong nhìn ông Tuấn với một nụ cười như muốn chia xẽ nhưng thật ra chỉ làm cho khuôn mặt ông ta âm u thêm mà thôi:
- Tôi có thể giúp ông chuyện gì không ạ?
- Tôi muốn biết là ông có thể cáng đáng tất cả mọi việc trong một đám tang hay không? Tuấn cẩn thận hỏi.
- Ồ tất nhiên là phải được chứ. Chúng tôi rất hiểu sự bối rối và đau khổ của gia đình có người vừa chết. Ông có thể cho tôi biết danh tánh người đó hay không?
- Bây giờ thì chưa cần thiết -Tuấn cẩn thận trả lời- Tôi đã viết địa chỉ vào tờ giấy này. Chiều nay…chiều nay…ông có thể đến đem xác đi không?
Người chủ tiệm hòm lại ho lên tiếng nữa, lần này lớn hơn lần trước:
- Tôi thấy chuyện này thật hơi khó hiểu, rồi ai sẽ cho tôi biết những chi tiết cần thiết đây?
- Khi ông đến, ông sẽ có đầy đủ những chi tiết ông cần. Độ khoảng ….tám giờ tối nay được không?
- Tám giờ tối….được lắm chứ ạ. Nhưng ông muốn đám tang như thế nào/
- Trong vòng thân mật…Tôi nghĩ chẳng có ai đến chia buồn đâu.
Bà Chuyên ngạc nhiên khi thấy ông Tuấn về nhà sớm hơn thường lệ. Ông ta cười:
- Công việc của bà hôm nay cứ xem như là xong, bà cũng như tôi, hôm nay có thể về nhà sớm hơn mọi ngày. À mà để tôi trả lương cho bà đã nghe. Tôi cũng muốn tặng thêm cho bà chút tiền thưởng, chút tiền cám ơn vậy mà….Tuấn vừa nói vừa rút ví đựng tiền ra.
Khuôn mặt bà Chuyên vẫn không vui:
- Tôi mong sáng nay tôi đã không làm ông giận. Tôi hiểu ông đã rỏ nguyên nhân vì sao tôi xin nghỉ việc….Sáng nay tôi đã nói dối ông!
- Vâng, tôi biết rất rõ vì sao bà xin thôi việc, chỉ vì bà không thể nào chịu đựng thêm vợ tôi nữa. Và xin bà cũng hiểu cho là tôi rất thông cảm với bà. Tôi không trách bà đâu bà Chuyên ạ. Không, thật tình tôi không trách bà chút nào cả.
Bà Chuyên bối rối cúi đầu…
- Tôi cũng vậy, tôi thù ghét vợ tôi hết sức - Ông Tuấn tiếp- Nhưng bà ta sẽ không chết đâu. Đó là một đặc ân mà không bao giờ bà ta ban cho tôi cả. Phải chi tôi cũng được dễ dàng xin nghỉ việc như bà thì tốt quá, phải không bà Chuyên?
Nghe đến đây bà giúp việc lí nhí vài câu vô nghĩa, rồi thật nhanh, bà thu dọn đồ đạc và chào từ biệt ông Tuấn. Bà vội vã ra khỏi nhà như đang chạy trốn.
- Tuấn…Tuấn… có phải ông đã về đó không?
Thât không thể nào thoát khỏi cái giọng the thé thoát ra từ phòng ngủ.
- Vâng, tôi vào đây, em…Bích Trân.
Trong một giây , ông Tuấn nắm chặt bàn tay như muốn biến nó thành một khối sắt nguội, xong ông đi vào trong phòng. Ông đi thẳng lại phía cửa sổ, kéo hết màn ra và mở tung hai cánh cửa. Ánh sáng chan hòa lan đầy vào căn phòng ngủ tăm tối, ẩm thấp.
-Tuấn - bà vợ rú lên- Bộ ông điên hay sao?
Tuấn lấy từ túi quần ra gói thuốc độc vừa mua ở tiệm bách hóa, xong ông đưa nó ra trước mặt vợ.
- Tôi có mua cho em cái này. Chỉ là món quà nhỏ thôi. Nhưng món quà này sẽ giúp em thoát khỏi sự cô đơn và thù hận....
- Ông kể lể chuyện gì vậy? Ông có đóng ngay cửa sổ lại cho tôi không? Ông dư biết là tôi không chịu đựng được ánh sáng mặt trời mà!
- Em yêu - Tuấn nói- đã có khi nào tôi khen em đẹp chưa nhỉ? Nếu tôi đã có nói lần nào thì tôi đã nói dối em đó. Giờ đây tôi muốn em hiểu sự thật rõ ràng như vậy.
- Ông mất trí rồi! Bà Bích Trân hét lớn.
Ông Tuấn bước nhanh ra khỏi phòng và đi về phía bếp. Ông mở tủ lạnh, lấy bình sữa ra rót đầy một ly lớn. Càng nghe tiếng vợ la lối vọng ra ông càng thấy kích thích. Ông mở gói giấy cầm ở tay và đổ vào ly sữa hai thìa lớn thuốc giết chuột.
Cầm ly sữa trên tay, ông trở lại phòng ngủ.
- Đừng hòng ép tôi uống, Tuấn ạ. Ông thừa biết là tôi rất ghét uống sữa!
- Nhưng rồi tối nào em cũng uống một ly lớn, Tuấn trả lời. Vả lại, chẳng bao giờ tôi ép em được việc gì cả. Từ mười năm nay có bao giờ tối dám ép em làm chuyện gì đâu?
Bà Bích Trân dấu mặt trong lòng hai bàn tay và bật lên khóc nức nở:
- Anh thật là bỉ ổi ! Ngày trước mẹ tôi đã khuyên tôi đừng nên lấy anh. Lẽ ra tôi phải nghe theo lời bà !
- Mẹ em chưa bao giờ cấm em lấy ai cả ! Khi bà thấy có dịp may để thoát khỏi em bà vội vã chụp lấy ngay. Và bà đã chọn tôi. Ngày đó cha em cũng đã quá chán ngán em lắm rồi !
- Anh im đi ! Anh quả thật tàn nhẩn.
- Bích Trân ơi, bộ thật tình hôm nay em không muốn biết tôi tặng em món gì à ? Tôi tặng em sự "tự do" đó. Chúng ta sẽ thoát khỏi nhau. Tôi tặng em dịp may để chúng mình được xa nhau mãi mãi. (Tuấn cười buồn). Vậy mà món quà chỉ đáng gía có ba ngàn đô la.
- Ba ngàn đô la ? Anh lấy ở....
- Tôi rút ra từ quỹ bảo hiểm nhân thọ của tôi. Tôi lấy hết cả tiền chia lời. Được ba ngàn năm trăm đô la và 82 xu. Bây giờ em nghĩ làm sao đây?
- Tuấn ơi, ông đã hoàn toàn loạn trí rồi.
- Em có muốn nghe tôi nói tiếp không? Tôi có một đề nghị muốn nói với em....
Bằng cả hai tay Tuấn cầm chặt ly sữa có thuốc độc:
- Em có muốn vô ở trong nhà dưỡng lão không?
- Đừng có vớ vẩn! Bộ đó là đề nghị của ông hay sao? Bà Bích Trân gằn giọng hỏi lại.
- Tôi đã đoán trước câu trả lời của em.
Ông chợt nở một nụ cười thật hiền và thật buồn, xong nâng cao ly sữa , ông chậm rãi uống cho đến giọt cuối cùng.
- Rồi em sẽ thấy, Bích Trân ạ, rằng đời sống của em ở trong căn nhà này với tôi, dù sao cũng không đến nổi nào....dù sao....
Nhiều phút trôi qua trước khi bà Bích Trân hiểu được chồng bà muốn nói gì. Nhìn xác ông nằm co quắp trên nền thảm cạnh ly sữa có thuốc độc giờ đã cạn khô, bà Bích Trân rú lên khiếp đảm. Từ cánh cửa sổ mở rộng, ánh nắng buổi chiều vẫn rực rở nhảy múa trên tường, trên bàn ghế. Ánh nắng vẫn lung linh, vẫn nhạt nhòa trong căn phòng đã bắt đầu có mùi tử khí....
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom