• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Nghề nào cũng có trạng nguyên (5 Viewers)

  • Chương 5

Thận Nghiêm Am đối với bốn thôn nhỏ dưới núi Vô Quy Sơn mà nói, là một nơi thần bí khó mà thân thiết.

Các thôn dân chỉ biết am này thờ Phật Tổ nhưng không nhận cúng bái lễ Phật hay nhang đèn cung phụng của người ngoài.

Cổng lớn của am quanh năm đóng chặt, không mở ra bên ngoài, trong am là ba bốn ni cô sinh sống, họ mỗi ngày ngoại trừ niệm kinh thì xuống ruộng trồng trọt; mỗi tháng sẽ xuống núi một lần mua những vật dụng cần thiết, cuộc sống cực kỳ đơn giản, đồng thời hầu như không giao thiệp với thôn dân.

Thận Nghiêm Am xây am mười mấy năm nay đều sống như vậy, các thôn dân sớm đã nhìn thành quen, dù vẫn đầy hiếu kỳ với am ni cô này nhưng không ai vì tò mò mà tùy tiện đi nghe ngóng chuyện trong am. Ngược lại những lời đồn bậy lan truyền ra những sự tích rất dọa người. Những chuyện ma quái, chết chóc này nọ đều là người lớn thuận miệng lấy ra dọa con nít để chúng đừng khóc đêm. Thật sự rất hiệu quả.

Đối với những lời đồn đãi không hay bên ngoài, người của Thận Nghiêm Am chưa bao giờ ra mặt làm sáng tỏ mà cứ mặc kệ, chỉ cần thôn dân không đến cửa quấy rầy, đôi bên đều bình an vô sự.

Mọi người đều cố hết sức cách xa Thận Nghiêm Am trên núi này, cho nên Tiểu Vân không hiểu tại sao mẫu thân mới đi làm việc mười ngày đã yêu cầu cô cùng đi.

- Tại sao mẹ muốn con đi cùng đến Thận Nghiêm Am? Họ sẽ cho mẹ thêm nhiều tiền ư?

Tiểu Vân ăn một bữa no hiếm thấy với mẫu thân, trong miệng vẫn còn dư vị thơm ngon của bánh chiên, cô đem mùi vị còn sót lại trong miệng cùng với nước miếng nuốt vào trong bụng, thỉnh thoảng chép chép miệng, không để lãng phí chút nào.

Mẹ Tiểu Vân đang ngồi trong góc bên bếp lò, cúi đầu nương theo ánh lửa trong bếp khâu vá y phục, nghe nữ nhi hỏi bèn trả lời:

- Không phải vấn đề tiền. Các ni sư chỗ đó đều hiểu văn biết chữ, mẹ đã nói với mấy sư phụ xong rồi, để con đi giúp họ chép kinh Phật, mẹ xin rất nhiều ngày họ mới miễn cưỡng đồng ý.

- Con không làm không công cho người ta đâu.

Tiểu Vân nói:

- Con ở nhà còn có thể gánh nước chẻ củi, vào núi tìm chút rau dại, đi Thận Nghiêm Am thì được cái gì?

Cô luôn rất thực tế.

- Một bữa cơm chay đủ no.

Bạch nương tử nhẹ nhàng nói một câu đã làm tiêu tan kháng cự của Tiểu Vân. Mắt cô sáng lên, rất biết được voi đòi tiên, hỏi:

- Chỉ một bữa sao? Nếu con chép muộn, có được ở lại ăn tối không?

- Vậy thì phải xem bản lĩnh của con rồi.

Bạch nương tử nói đến đây, thở dài:

- Cũng không thể cứ để con cầm nhánh cây viết chữ trên đất mãi được, con phải biết cách cầm bút thế nào, tư thế cầm bút rất quan trọng. Có lẽ chờ con được các sư phụ ưu ái, họ sẽ sẵn lòng tặng con những cây bút cùn. Đến lúc đó con ở nhà có thể thấm nước viết chữ lên bàn. Chúng ta không mua nổi mực, trước tiên chỉ có thể như vậy.

- Chữ biết viết là được rồi, cần gì phải chú trọng?

- Nét chữ tốt rất quan trọng.

- Trong thôn chúng ta chỉ có người nhà thôn trưởng biết chữ, con thấy chữ của thôn trưởng cũng chả ra sao nhưng ông ấy vẫn cứ là một thôn trưởng.

Tiểu Vân nghĩ nghĩ rồi lại nói:

- Hôm nay con thấy chữ trên bia mộ của lão tổ tông Diệp gia thôn Đại Thụ cũng không tính là ngay ngắn, nghe nói chữ đó là của tú tài thôn Đại Thụ viết. Chữ con còn đẹp hơn chữ tú tài đó nhiều.

- Con đừng có so sánh với người bình thường.

Bạch nương tử không có tài ăn nói, ít nhất khi dùng để thuyết phục nữ nhi trước giờ luôn rất có chủ kiến của mình, bà luôn lộ vẻ vụng về. Nhưng bà có một trái tim kiên định, chuyện bà đã quyết tâm làm thì dù người khác cảm thấy không có lý lẽ, bà vẫn cắn răng làm cho bằng được.

- Vậy con phải so sánh với ai? Người bên ngoài thôn Tiểu Quy sao? Hay người trong huyện thành? Nhưng con cả đời đều sống ở đây, không gặp được người bên ngoài thì so sánh thế nào? Vả lại, con không phải con trai, sau này con sẽ kiếm nhiều tiền nuôi mẹ nhưng mấy chuyện như làm rạng rỡ tổ tông gì đó, mẹ đừng có mong chờ, cái đó con nỗ lực cũng không được.

Tiểu Vân rất rõ ràng, đây không phải thời đại nữ nhân làm chủ. Một nữ nhân dù có thành công đến đâu đi nữa cũng không khiến họ hàng quê quán cảm thấy vinh quang.

Bạch nương tử nghe nữ nhi thực tế như vậy, bèn dừng công việc trong tay lại, kinh ngạc nhìn ngọn lửa trong bếp lò, nhất thời không nói gì, ánh mắt ngỡ ngàng.

- Mẹ, mẹ mong con tiến bộ nhưng con cố sức học chữ đọc sách thì có thể tiến bộ đến đâu? Cho dù con thành người viết chữ giỏi nhất cả thôn thì cũng đâu được làm thôn trưởng.

- Tiểu Vân, cha con từng là thợ săn có năng lực nhất thôn, vì có năng lực nên ông không cam lòng làm một người thôn Tiểu Quy bình thường, dù một số việc làm của ông bị người khác cho rằng ngu ngốc...

- Chuyện này con biết. Con nghe Vương lão thẩm bàn tán về cha với người khác, bà ấy nói cha là một người ngốc, tích góp được nhiều tiền mà không tranh thủ mua đất cất nhà, lại đem hết gia tài vào huyện thành mua vợ. Lão thẩm còn nói, dù là mua vợ cũng chưa thấy ai mua mắc như vậy, số tiền đó có thể đến các nhà nghèo mua về tận ba cô vợ. Cho nên cha nhất định là bị người trong thành lừa gạt, thật là ngốc.

Do tiếng xấu của thôn Tiểu Quy ở huyện Vĩnh Định, thông thường nếu không phải gia đình quá khó khăn, cộng thêm điều kiện bản thân của nữ tử quá tệ thì không nhà nào gả khuê nữ đến cái thôn nghèo này. Cho nên nam nhân thôn Tiểu Quy muốn cưới vợ chỉ có hai con đường: cưới nữ tử cùng thôn, và, tốn nhiều tiền đến các nhà nghèo mua vợ.

Mẹ Tiểu Vân cũng là được mua về, nhưng không phải mua từ nhà nghèo mà là khi cha Tiểu Vân tới huyện thành bán hàng da thấy một người rêu rao bán lỗ vốn một nữ tử đang bệnh nặng_____cũng chính là mẹ Tiểu Vân. Không biết tại sao chỉ vừa gặp lần đầu tiên, cha Tiểu Vân đã nhất quyết mua cho bằng được nên móc hết cả gia tài cộng thêm tiền vay được của một thôn dân khác, dưới tình huống người bán cảm thấy rất lỗ vốn còn cha Tiểu Vân hầu như táng gia bại sản đã giao dịch thành công mẹ Tiểu Vân.

Khi đó không chỉ người thôn Tiểu Quy thấy cha Tiểu Vân ngu mà ngay cả người của ba thôn lân cận cũng xem đây như một câu chuyện thú vị tán gẫu hơn ba tháng, lúc nào cũng chỉ chỉ chỏ chỏ cha Tiểu Vân, cảm thấy thôn Tiểu Quy vô cùng hung ác lại cho ra một kẻ ngốc vung tiền lung tung, quả là hả dạ.

Khi mẹ Tiểu Vân được dùng “số tiền lớn” mua về, kỳ thực đã bệnh đến mức thoi thóp; nhưng cha Tiểu Vân kiên quyết không để bà chết, cắn răng thế chấp đất đai cho tộc huynh, mời đại phu tới chữa bệnh cho bà, cẩn thận điều dưỡng, cuối cùng sau nửa năm thì khỏi hẳn; kế đó, những nam nhân từng cười cha Tiểu Vân ngu thì không cười nổi nữa. Với những nam nhân quê mùa chưa từng thấy việc đời mà nói, mẹ Tiểu Vân da trắng eo thon, khí chất thanh tú, dung mạo xinh đẹp, quả thực là một tiên nữ.

Các nữ nhân vẫn nghiến răng nghiến lợi nói cha Tiểu Vân ngu, không chịu sửa miệng; nhưng các nam nhân thì ngậm miệng không nói người khác ngu nữa, thỉnh thoảng nhìn Bạch nương tử ở xa xa, họ không nhịn được mà thầm đỏ mặt liên tục nuốt nước miếng, hâm mộ cha Tiểu Vân có phúc.

Nam nhân là động vật rất cảm tính, tuy lý trí biết rằng cưới vợ nên cưới người giỏi giang khỏe mạnh dễ nuôi, nhưng nếu họ cũng gặp đại mỹ nhân như mẹ Tiểu Vân thì e rằng cũng sẽ bất chấp tất cả đem hết gia sản đi cầu hôn.

- Tiểu Vân, người lớn nói chuyện phiếm, một đứa trẻ như con sao có thể nghe?

Bạch nương tử không ngờ nữ nhi sẽ kéo đề tài đến đây, bèn nghiêm giọng quở trách:

- Loại chuyện thế này về sau không cho phép nữa.

- Người ta nói to tiếng như vậy, chẳng lẽ mẹ bảo con bịt tai trốn sao? Người ta dám nói, tại sao con không dám nghe?

Bạch nương tử nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn ngang ngược bướng bỉnh của nữ nhi, cảm thấy có chút bất lực. Con bé này, ngoại trừ tướng mạo đặc biệt thanh tú hơn bọn trẻ trong thôn ra, còn tính tình thì đúng là điển hình của người thôn Tiểu Quy, vừa ngang tàng vừa bá đạo, mặc kệ người khác bàn tán khó nghe thế nào đều không hề chịu thiệt.

- Tiểu Vân, nghe mấy lời bàn tán đó không có ý nghĩa. Mẹ không muốn con nghe thành thói quen, cho rằng cuộc sống nên là như vậy, sau khi lớn cũng thành người như vậy. Còn nhớ câu chuyện “Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà” mẹ kể cho con chứ? (“Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà”: Chuyện kể rằng, lần thứ nhất, mẹ con Mạnh Tử sống gần bãi tha ma. Hàng ngày, Mạnh Tử vẫn thường ra đó nô đùa, Mạnh Tử thường diễn lại những cảnh ông nhìn thấy ở bãi tha ma. Mạnh Mẫu nhận thấy đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình, bà liền chuyển nhà sang một khu phố mua bán sầm uất nhưng tình hình không khả quan cho lắm. Mạnh Tử học cách cân, đong, đo, đếm của những kẻ mua bán, hay khoe khoang đồ của mình. Lần này, Mạnh Mẫu chuyển nhà đến gần một ngôi trường, Mạnh Tử sống gần đây nên học những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ, lúc bấy giờ Mạnh Mẫu mới thở phào: “Đây mới là chỗ ở của con ta”.)

Tiểu Vân gật đầu, nhanh chóng đọc một đoạn về Mạnh mẫu:

- “Tích Mạnh mẫu, chọn láng giềng; con không học, phá khung dệt.”

Tiểu Vân cảm thấy Mạnh mẫu đúng là một người không tiếc của. Tức giận thì đánh con mình một trận là được, tại sao phải phá khung dệt? Sửa lại tốn rất nhiều tiền chứ bộ.

- “Tam tự kinh” của mẹ chỉ dạy đến đó thôi, phần sau thì không nhớ.

Những lời bộc trực mà vô tâm của Tiểu Vân khiến Bạch nương tử nhất thời có chút lúng túng____hết cách, bà dù sao cũng không phải người sinh ra và lớn lên ở thôn Tiểu Quy, không có thuộc tính mặt dày; so với việc huỵch tẹt, bà quen kiểu uyển chuyển hàm súc hơn. Hít sâu mấy hơi, bà mới cắn răng nói:

- Con cứ mặc kệ mẹ nhớ “Tam tự kinh” đến đâu. Cái mẹ muốn nói là sở dĩ Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà là vì mong con mình có một môi trường trưởng thành tốt, một cách tự nhiên mà trở thành người quân tử có đạo đức tốt. Điều này nói rõ những người con tiếp xúc rất quan trọng, bởi vì con rất có thể sau này sẽ trở thành người như vậy.

- Mẹ không mong con lớn lên thành người thích bàn tán chuyện người khác như một số người trong thôn Tiểu Quy, vậy mẹ mong con sau này làm ni cô à? Nếu không thì tại sao bảo con theo mẹ đi Thận Nghiêm Am?

Tiểu Vân hiếu kỳ hỏi.

- Mẹ sao có thể muốn con làm ni cô chứ! Mẹ nói rồi, muốn con đi Thận Nghiêm Am là để con học cầm bút, viết chữ. Bút nghiên giấy mực đều là những thứ mẹ lo không nổi nhưng lại là thứ con nhất thiết phải cần.

- Mẹ không sợ con theo các ni cô chép kinh Phật lâu ngày thì cũng chạy đi làm ni cô sao?

- Con sẽ không làm ni cô.

Bạch nương tử nhẫn nại không nghiến răng, cố gắng duy trì tác phong xử sự lạnh nhạt của mình, không để mình học theo các bà thô bạo thôn Tiểu Quy, vừa nghe trẻ nhỏ cãi lại là lập tức dùng bạt tai đánh, kèm theo những lời mắng chửi đầy thô tục.

- Tại sao không?

- Làm ni cô không thể ăn thịt. Đợi khi con có tiền, con có thể nhịn không ăn thịt sao?

- Không nhịn được.

Tiểu Vân lắc đầu, đôi mắt xoay chuyển, nói:

- Nhưng nếu con lén ăn thì ai mà biết?

- Trời biết, đất biết, chính con biết.

Bạch nương tử không còn sức tức giận, bà kéo Tiểu Vân ngồi bên cạnh, chỉ lên trán cô:

- Tiểu Vân, con là một đứa trẻ thông minh, một câu nói bình thường của người khác, con có thể dễ dàng tìm ra được lỗ hổng; những quy tắc thông thường của cuộc đời, con có thể từ trong đó đào ra được chỗ tốt cho bản thân. Thông minh như vậy sẽ khiến con rất nguy hiểm, nên con phải đặt ra cho mình một giới hạn.

Bà sợ đứa trẻ này sẽ sinh ra tính tình quá mức tùy tiện làm bậy.

- Giới hạn là ý gì?

Tiểu Vân không hiểu từ này nghĩa là gì. Cô còn quá nhỏ, mà mẫu thân lại nói với cô những đạo lý quá lớn, đa phần cô đều không hiểu.

- Ừm...mẹ không dùng đạo đức để yêu cầu con, tóm lại chính là: có cái nên làm, có cái không nên làm. Ý của câu này...

Con bé còn nhỏ như vậy, dạy thế nào đây? Bạch nương tử rất phiền não. Nói quá đơn giản, nó sẽ không để tâm; nói quá phức tạp, nó sẽ nghe không hiểu. Mà kiến thức trong bụng bà lại vô cùng có hạn, không đủ để truyền thụ hay giải đáp thắc mắc...

- Hở?

Tiểu Vân chớp mắt chờ đợi.

Bạch nương tử cố gắng suy nghĩ nhưng không nghĩ ra được cách giải thích nào chuẩn xác. Mặc dù bà luôn dạy Tiểu Vân đọc thuộc lòng một ít tác phẩm kinh điển nhưng lại không có năng lực giải thích_____dù sao năm đó sở dĩ bà gắng gượng học thuộc những câu văn chương này đều là vì yêu cầu công việc chứ không ai giải thích rõ cho bà.

- Tóm lại, đợi con lớn lên, học được nhiều kiến thức hơn, hiểu được nhiều đạo lý hơn, con sẽ hiểu ý mẹ.

Bạch nương tử cuối cùng chỉ có thể nói như vậy.

Lời nói không có trách nhiệm như thế hiển nhiên không thể khiến Tiểu Vân hài lòng. Cô cau mày hỏi:

- Học văn biết chữ chính là để nói đạo lý với người khác sao?

- Không. Nói chính xác là để con có cuộc sống tốt hơn. Khi con nhất thiết phải nói đạo lý thì con đã học được hết thảy, đủ để con ứng phó.

Bạch nương tử thở dài, nhẹ nhàng vuốt ve đầu trọc của nữ nhi, nói:

- Nắm đấm mạnh, giọng nói to chỉ có tác dụng ở trong thôn. Ra khỏi cái thôn hoang vắng chốn biên thùy này thì con nửa bước cũng khó đi. Khi con có cơ hội được đi xa, được leo cao, hiểu biết càng nhiều, con sẽ càng hiểu, đọc sách biết chữ mới là cội nguồn để vươn lên. Ít nhất, khi biết chữ, ở bên ngoài con sẽ không bị người ta lừa gạt ký giấy bán mình trong nháy mắt.

- Nam nhi dòng chính nhà thôn trưởng đều được đưa đến huyện thành đi học, cũng là vì vậy sao?

- Ừ. Con nghĩ xem, thôn trưởng và phú hộ của mỗi thôn, tại sao hễ có chút tiền đều đưa con mình đi học? Chẳng lẽ đi học có thể khiến những người kia cày thêm được vài mẫu ruộng sao? Tại sao họ không dùng tiền mua đất cất nhà tích trữ lương thực? Mà lại tốn rất nhiều rất nhiều tiền để cho con mình đi học?

- Là vì đi học có thể giúp họ thu hoạch nhiều hơn cả mua đất sao?

- Ừ, có thể nói như vậy.

- Là chỉ việc thi trạng nguyên sao?

Tiểu Vân đột nhiên nghĩ đến cô thường nghe Vương Đại Thành ba hoa nói đường ca nhà hắn trong thư viện ở huyện thành học hành rất tốt, sau này chắc chắn sẽ thi đậu trạng nguyên.

- Thi trạng nguyên quá khó, khó hơn cả lên trời. Đại Ung ba năm tổ chức một kỳ thi, học sinh giỏi nhất cả nước tụ tập ở kinh thành, trong mấy trăm mấy ngàn người chỉ lấy một trạng nguyên đứng đầu, con nói dễ lắm sao?

Bạch nương tử bật cười, hồi lâu mới nói với nữ nhi vẻ mặt đang nghi hoặc:

- Dù là nhà giàu có sinh ra và lớn lên ở kinh thành, ba tuổi học vỡ lòng, sáu tuổi đến thư viện nổi tiếng nhất học tứ thư ngũ kinh với giáo sư tài giỏi nhất, cần cù chăm chỉ không ngừng khổ luyện, thiên phú nỗ lực không ít nhưng cả đời cũng chưa chắc thi đậu được trạng nguyên.

- Ý mẹ là, thứ gọi là trạng nguyên, thôn Tiểu Quy chúng ta đừng hi vọng?

Bạch nương tử gật đầu đương nhiên, không chút mảy may khinh thường, đây đơn thuần là sự thật. Bà bình luận:

- Mẹ thấy trưởng tôn dòng chính nhà thôn trưởng rất tốt, đậu tú tài không thành vấn đề. Thi đậu tú tài, được công danh là có thể đảm bảo cho chi chính miễn đóng thuế. Cố gắng thêm chút nữa, bậc cao hơn, có lẽ có cơ hội thi đậu cử nhân. Muốn làm huyện lệnh huyện Vĩnh Định, thân phận cử nhân là đủ rồi.

Dù sao huyện Vĩnh Định là vùng đất ác mà các tiến sĩ thông thường tránh còn không kịp.

- Thì ra thôn trưởng thật sự muốn tôn tử ông ấy sau này làm huyện lệnh?

Tiểu Vân hiểu ra:

- Đây là chỗ tốt của đi học phải không? Thi cử nhân thi trạng nguyên, sau đó làm quan. Dân chúng trồng trọt, dù bản thân ăn không đủ no cũng phải nộp thuế cho quan gia, bọn họ nói thu bao nhiêu là thu bấy nhiêu, rõ ràng không hề tự tay cày bừa lao động mà có thể lấy đi lương thực trong tay các nhà nông.

- Không phải như thế, làm quan cũng không phải muốn làm gì thì làm____ôi, loại chuyện này không liên quan đến con, chúng ta đừng nói nhiều nữa. Quay lại chuyện đi học đi! Nếu con có sức, cùng lắm có thể cày bừa thêm vài mẫu ruộng; nhưng nếu con có kiến thức, con có thể làm được rất nhiều.

- Nữ nhi có thể thi trạng nguyên không?

Bạch nương tử ngẩn người, cười khổ lắc đầu.

- Mẹ bảo con đọc sách viết chữ không phải vì muốn con thi trạng nguyên.

- Nếu con đọc sách tốt hơn cả tôn tử của thôn trưởng, tốt hơn cả tú tài thôn Đại Thụ cũng không thể thi trạng nguyên sao?

- Không được. Tiểu Vân, con là nữ nhi.

Bạch nương tử trìu mến ôm lấy nữ nhi, nói nhỏ:

- Con không làm được trạng nguyên nhưng sau này con có thể làm mẫu thân của trạng nguyên, để nhi tử của con kiếm cho con một lệnh phong, được triều đình nuôi dưỡng, được người đời tôn kính. Cha con ấy, chí khí lớn, lúc con chưa ra đời đã nghĩ đến việc tích góp tiền cho con sau này đi học, nói là dù không phải nhi tử cũng có thể học văn biết chữ, sau này dạy cho đệ đệ. Sau khi con ra đời, cha con nói, khuê nữ này tướng tá thông minh, nhất định phải cho con đi học, sau này gả vào một gia đình tốt, dạy dỗ ra một đại trạng nguyên. Hiện tại mặc dù mẹ không có tiền cho con đến học đường nhưng sẽ cố hết sức để con học được nhiều kiến thức.

Tiểu Vân trước nay không phải người cảm tính, cho nên dù lúc này mẹ cô mặt đầy hồi ức, khóe mắt loang loáng ánh lệ, cô cũng không có tự giác “nắm tay nhìn nhau nước mắt rơi” (Trích “Vũ lâm linh” của Liễu Vĩnh thời Tống) mà chỉ bừng tỉnh nói:

- Cho nên, tối nay mẹ nói nhiều như vậy, ngay cả cha cũng lôi ra, chính là muốn con đọc sách học chữ chứ gì, đúng không? Kỳ thực dù mẹ không nói nhiều đến thế, con cũng có thể không đọc sách sao? Bảo con đọc thì con đọc, không cần đem cha ra dùng.

Nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt trăng treo nghiêng nghiêng trên ngọn cây phía Tây, Tiểu Vân lại quay đầu nhìn mẹ, nói:

- Xem đi, hơn nửa đêm rồi, sáng mai làm sao mà thức?

Bạch nương tử kéo kéo khóe môi, cuối cùng cũng nhịn không được, gõ một cái lên đầu trọc nữ nhi, trầm giọng:

- Đi, lấy nước nóng trên bếp pha thêm ít nước lạnh rửa ráy tay chân rồi đi ngủ.

Thấy nữ nhi chạy vắt giò lên cổ, bà vội nói với theo:

- Đừng quên lấy nhành liễu đánh răng súc miệng!

- Biết-rồi-mà_____

Tiểu Vân chưa bao giờ cảm thấy mình đặc biệt thông minh, cùng lắm là cảm thấy người khác tương đối đần mà thôi, những chuyện rất dễ dàng nghĩ thông suốt mà có người cứ nghĩ tới nghĩ lui cũng nghĩ không thông, phiền não vò đầu bứt tai, nhờ người giúp đỡ; kết quả là người giúp đỡ kia nếu không phải đưa ra ý kiến càng tệ hại hơn thì chính là cả hai người cùng nhau nhăn mày ủ mặt, cuối cùng theo thói quen trông cậy vào nhà thôn trưởng. Người lớn tìm thôn trưởng, trẻ con thì tìm tôn tử của thôn trưởng.

Chuyện người lớn, Tiểu Vân không có quan điểm gì. Còn tranh chấp của trẻ con, trong mắt cô thì xử lý chả ra sao nhưng cô chưa từng nói lời phê bình ra khỏi miệng. Thân là nhà nghèo trong thôn, lại sớm mất đi người cha ruột có thể chống đỡ một mảnh trời cho hai mẹ con cô, Tiểu Vân rất biết ngậm miệng_____mẹ cô cũng vì điều này mới nói cô thông minh.

Cô không cảm thấy mình thông minh, điều cô khá tự hào là mình không rước họa về cho gia đình. Không hiếu thắng, không lắm mồm, không thu hút sự chú ý của người khác, tai họa đương nhiên sẽ ít. Cô thể hiện ra bên ngoài là một người an tĩnh giữ đúng bổn phận, nhìn như không chút mảy may tò mò với chuyện bên trong Thận Nghiêm Am, cũng không đi lung tung, người ta bảo đợi trong phòng chép kinh thư là cô có thể ngồi cả ngày ở đó, không hề nhìn ngó ngoài cửa sổ, cử chỉ ngoan ngoãn biết điều như thế cuối cùng cũng thông qua khảo nghiệm của các ni cô, thuận lợi theo mẫu thân vào Thận Nghiêm Am, bắt đầu cuộc sống mỗi ngày chép kinh Phật và được một bữa trưa no đủ.

Tiểu Vân ở Thận Nghiêm Am ăn được sáu bữa cơm trưa, người thôn Tiểu Quy mới phát hiện đôi mẫu tử Bạch gia đến làm việc ở Thận Nghiêm Am cực kỳ đáng sợ trong truyền thuyết. Tin tức này bỗng chốc trở thành đề tài nóng hổi trong thôn, thậm chí còn có người vì chứng thực mà sáng sớm chạy đến đường mòn nhỏ lên núi ra vẻ như đang cắt cỏ chỉ vì muốn nhìn xem mẫu tử Bạch gia có thật đi lên núi hay không; đợi khi thật sự thấy họ đi lên núi, người nọ liền vội vàng chạy về trong thôn báo cho mọi người biết.

- Tiểu Vân, hèn gì mấy ngày nay ta gánh nước đến nhà ngươi đều tìm không thấy ngươi. Ta còn tưởng ngươi chạy lên núi nhặt củi tìm rau dại rồi chứ.

Vào một buổi tối, Tiểu Phương đến nhà Tiểu Vân, nói cho Tiểu Vân biết hai mẹ con họ đã thành đề tài nóng trong thôn, đồng thời liên tục oán trách Tiểu Vân không xem cô như bạn thân.

- Hiện nay trời lạnh, mọi người buổi tối đều ở nhà đóng cửa sưởi ấm đi ngủ sớm, ta và mẹ ta sáng sớm trời còn chưa rạng đã lên núi, lúc xuống núi thì nhà nhà đều đóng cửa cả rồi, nhà ngươi cũng vậy, ta sao lại đặc biệt đi gõ cửa nhà ngươi chỉ để nói cho ngươi biết ta đi Thận Nghiêm Am?

- Vậy nếu mọi người không phát hiện thì ngươi sẽ không nói à?

- Thật ra ta tưởng mọi người biết từ lâu rồi.

- Các ngươi không nói thì làm sao mọi người biết?

- Nửa tháng trước mẹ ta đã nhắc đến việc đi làm ở Thận Nghiêm Am với Vương lão thẩm. Sau khi lão thẩm về trong thôn, không có đi nói khắp nơi à?

Tiểu Vân có chút kinh ngạc.

- Không có. Nữ nhi gả đến huyện thành của lão thẩm sắp sinh, nửa tháng trước lão thẩm đã ngồi xe lừa của nhà thôn trưởng đi rồi, đến nay vẫn chưa về.

Tiểu Phương bất mãn nói:

- Chuyện này, người khác không truyền đi giúp ngươi thì ngươi sẽ không nói à?

- Ta đương nhiên sẽ nói với ngươi. Đây lại không phải chuyện gì không thể nói, nhưng phải đợi đến ngày mẹ ta không cần đi làm, ta mới rảnh rỗi đi tìm ngươi. Thận Nghiêm Am một tháng cho mẹ ta nghỉ một ngày, ta định đến ngày đó sẽ đi nói với ngươi.

- Vậy à, vậy ta không giận ngươi nữa. Đúng rồi, thẩm đâu?

Tiểu Phương nghe giải thích, rất rộng lượng bỏ qua việc này, quay đầu nhìn trái nhìn phải, tìm được bóng dáng của Bạch nương tử.

- Mẹ ta ra phòng chứa củi phía sau tắm rồi.

- Lạnh thế này mà tắm cái gì!

Tiểu Phương vừa nghe đến chữ tắm thì rùng mình.

Hai mùa thu đông của thôn Tiểu Quy quả thực lạnh đến mức có thể đóng băng nước, phần lớn mọi người cả mùa đông đều không tắm, mỗi ngày rửa mặt rửa tay chân đã xem như rất thích sạch sẽ rồi.

- Dù sao cũng không thể thật sự không tắm suốt mùa đông chứ? Mẹ ta nói nhân lúc còn chưa quá lạnh, tắm nhiều một chút. Hơn nữa trong phòng chứa củi có đốt bếp lò, vừa nấu nước, vừa sưởi ấm, sẽ không bị bệnh.

- Nhưng cũng quá phí nước, còn phí củi nữa.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Nghề Phò Mã
  • Đang cập nhật..
NGHỀ LÀM VỢ
  • Trần Phan Trúc Giang
Chương 50...
Nghề vương phi
  • Hoa Dương Hoa Ảnh
Chương 280
[Review] Nghề PHÓ NHÁY
Nghề Làm Phi
  • Nguyệt Hạ Điệp Ảnh

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom