• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Nắng Sớm Soi Đường Về (2 Viewers)

  • Phần 3

Nắng Sớm Soi Đường Về​





Phần 3


Tỉnh dậy sau một giấc ngủ rất dài, thứ đập vào mắt tôi đầu tiên chính là khung cảnh xung quanh chỉ toàn màu trắng, bên cạnh có một bình truyền dốc ngược đang nhỏ tong tong từng giọt, hốc mũi còn ngửi được thoang thoảng mùi thuốc khử trùng và nồng nặc cả mùi kháng sinh.


Không cần đoán cũng biết đây là bệnh viện, tôi chưa chết, nhưng thử cựa người một cái thì toàn thân đau nhức giống như vừa bị ai dần một trận, khó chịu đến vã cả mồ hôi. Đang định rên rỉ vài tiếng thì tầm mắt bỗng dưng lại nhìn thấy một người đang đứng trước cửa sổ.


Không phải Huy, không phải Aiko, cũng không phải bác sĩ, mà là một người đàn ông có dáng dấp sạch sẽ, tấm lưng rất rộng và thẳng, tóc tai cắt ngắn gọn gàng, cơ thể cao lớn giống có thể chắn được toàn bộ ánh hoàng hôn bên ngoài chiếu lên mắt tôi.


Buồn cười thật, sau nhiều năm như vậy mà tôi vẫn chưa thể nào quên được, chỉ cần liếc mỗi bóng lưng vẫn có thể nhận ra người đó… Giám đốc Dệt Trường An, Vũ Nam Phương, tại sao anh ta lại ở đây?


– Tỉnh rồi à?


Phương không hề quay đầu lại nhưng vẫn biết tôi đã tỉnh, anh ta uống thêm một ngụm café rồi đặt xuống bên bệ cửa sổ, điệu bộ rất nhàn nhã hưởng thụ.


Tôi thì nằm bẹp ở đây không thể chạy trốn, cũng chẳng muốn làm hành động lãng xẹt như giả vờ mình vẫn chưa tỉnh, cuối cùng đành hít sâu vào một hơi, cố làm ra vẻ bình thản trả lời anh ta:


– Sao anh lại ở đây?
– Tôi nghĩ câu đầu tiên cô nên hỏi là “anh đưa tôi đến bệnh viện à?”, sau đó cảm ơn tôi mới đúng.
– Tôi không nhờ anh đưa tôi vào bệnh viện.
– Nhờ hay không thì cũng không thay đổi được chuyện đến giờ cô vẫn còn sống là vì được tôi đưa vào đây.
– À… Tôi có nên hiểu là vì anh theo dõi tôi nên mới có mặt kịp lúc để đưa tôi vào đây không?
– Đừng ảo tưởng nhiều thế. Tiện đường gặp nên nổi hứng giúp người thôi.


Vẫn cái kiểu ăn nói trịch thượng ngông cuồng đó, tôi vốn nghĩ mình đã quen rồi nên sẽ không thèm chấp, nhưng cuối cùng trong lòng vẫn cảm thấy khó chịu nên ngứa miệng, công kích lại anh ta:


– Trước anh làm nhiều điều xấu quá, giờ sợ trời phạt nên đang cố gắng tích đức đấy à? Từ bao giờ sói lại không ăn thịt mà lại biết ăn chay tụng kinh thế?
– Thỉnh thoảng có hứng tôi vẫn ăn thịt bình thường. Nếu có người dâng đến tận miệng thì tôi cũng không từ chối đâu.
– Sao? Lại muốn tôi cảm ơn bằng cách lên giường với anh à?


Phương quay đầu nhìn tôi, khóe miệng nở ra một nụ cười nhàn nhạt, vẫn xấu xa như xưa, nhưng dường như đã không còn ấm áp giống mười năm trước nữa:


– Cô không thử tự nhìn lại mình bây giờ xem.


Nghe anh ta nói vậy, tôi mới liếc hình ảnh của mình đang phản chiếu trên kính cửa sổ. Một chân bị bó bột trắng xóa, tay trái bị nẹp cố định một phần, trên mặt có ba bốn vết thương máu vẫn còn chưa khô, môi trắng bệch khô khốc, trông chẳng còn tý sức sống nào cả.


Bản thân thảm hại thế này, tôi cũng tự biết mình bây giờ không có nửa điểm quyến rũ, nhưng còn chưa kịp nói gì đã nghe giọng anh ta thản nhiên vang lên:


– Thấy cô thế này tôi chịu thôi, không cứng nổi.


Đồ khốn, ở nơi công cộng thế này mà dám nói năng trắng trợn, không hề biết kiêng dè hay xấu hổ là gì, làm tôi vừa ngượng vừa giận run lên. Tôi trừng mắt nhìn anh ta:


– Nếu thế anh còn đứng đây làm gì, đưa tôi đến bệnh viện xong rồi sao còn chưa đi?
– Tôi chờ cô tỉnh để nhắc cho cô nhớ một việc.
– Việc gì?
– Cô lại mắc nợ tôi.
– À… nếu không cứng được thì việc mắc nợ này giải quyết được bằng tiền nhỉ? Tiền viện phí anh đóng giúp tôi là bao nhiêu? Anh cứ cho số tiền và tài khoản đi, đợi tôi khỏe rồi, tôi chuyển khoản trả lại anh.
– Tôi có ý này hay hơn, đợi cô khỏe rồi, lên giường cảm ơn tôi cũng được.


Nói chuyện với cái gã này không tức phát rồ mới là lạ, vòng vo chê bai một hồi, cuối cùng vẫn là đòi lên giường với tôi. Tôi nghiến răng nghiến lợi nói:


– Tôi tưởng trước giờ chỉ có mấy cô em vừa non vừa trẻ mới vừa miệng anh chứ, giờ đổi gu rồi à?
– Thỉnh thoảng muốn thử lại cảm giác cũ. Mấy cô em trẻ không biết đổi tư thế theo ý tôi. Đằng nào cô cũng nhiều kinh nghiệm trên giường với tôi, lâu ngày gặp lại, chắc là vẫn vừa ý.


Sống ở Nhật lâu ngày, môi trường ở đó dù có nhiều tên biến thái, bệnh hoạn, nhưng thực sự nhiều năm nay tôi chưa gặp được kẻ nào có da mặt dày như cái tên này. Anh ta vô sỉ đến mức nói ra những lời ấy mà mặt không biến sắc, thản nhiên như kiểu mấy câu vừa rồi chả phải thốt ra từ miệng mình, làm tôi tức điên.


Tôi hết chịu nổi, cắn răng nhấc cánh tay đang bị nẹp lên rồi cầm gối ném vào mặt anh ta, gầm lên chửi:


– Cút đi.


Chiếc gối loạng choạng bay đến cửa sổ, lực sát thương vốn dĩ bằng 0, ngay cả một đứa trẻ con cũng đỡ được, nói gì đến một người đàn ông cao 1m85 như cái gã đang đứng trước mặt tôi bây giờ.


Phương dễ dàng tóm được chiếc gối của tôi, chẳng những không hề hấn gì mà còn nhìn tôi bằng ánh mắt mỉa mai, giống như mấy hành động lãng xẹt vừa rồi chỉ là mấy trò mua vui cho anh ta xem vậy:


– Sao thế? Nổi giận đấy à?


Tôi đau đến tái mét mặt mày, nhưng vì sợ anh ta cười nhạo nên ngay cả kêu lên cũng không dám, cuối cùng đành lựa chọn không đáp, mím môi quay đầu nhìn đi chỗ khác, không cho anh ta nhìn thấy mồ hôi đang lấm tấm túa ra trên trán tôi.


Mỗi tội giám đốc Dệt Trường An là một kẻ có nhãn quan sắc bén hơn người, anh ta dường như đã phát hiện ra tôi có vấn đề nên đột nhiên đi lại gần giường bệnh, liếc nhìn cổ tay và sắc mặt tôi vài giây, khóe môi mấp máy như muốn nói gì đó, nhưng nghĩ thế nào rồi lại thôi.


Qua một lát sau Phương đột nhiên cúi xuống, đặt chiếc gối cẩn thận bên cánh tay bị nẹp của tôi:


– Lần sau muốn ném cái gì thì chọn đồ nặng một tý nhé. Ví dụ như cái hộp inox ở tủ đầu giường ấy. Cầm gối ném thế này tôi dễ liên tưởng linh tinh lắm. Mà cô biết rồi đấy, đầu óc tôi có trong sáng gì đâu.
– Cái đồ…


Tôi định nói cái đồ cặn bã nhà anh, nhưng anh ta đã biết trước nên chặn họng tôi ngay tức thì:


– Tôi biết cô định mắng gì, nhưng tốt nhất là nên giữ lại chút sức con kiến của cô đi. Đợi đến khi khỏe lại, mắng tôi ở trên giường cũng chưa muộn.


Dứt lời, anh ta nở ra một nụ cười nham nhở rồi đứng thẳng dậy, chẳng buồn nghe tôi mắng tiếp, cũng không thèm để ý sắc mặt xám ngoét vì tức của tôi, lập tức xoay lưng đi ra khỏi cửa.


Nhìn điệu bộ nghênh ngang không biết trời cao đất dày của anh ta như vậy, đầu óc tôi giống như sắp bốc hỏa, dù biết cách một cánh cửa thì có gào lên chửi anh ta cũng không nghe được, nhưng tôi vẫn không nhịn được hét ầm lên:


– Cái đồ khốn này, tốt nhất đừng để tôi trông thấy mặt anh lần nữa. Đồ sao chổi, xéo đi.
– Lần sau gặp tôi sẽ giết chết anh, đồ khốn.


Không có ai cợt nhả trả lời tôi nữa, đáp lại chỉ có lao xao những tiếng lao xao của lá cây bên ngoài cửa sổ. Gã đốn mạt kia thực sự đã đi rồi….


Tôi khó chịu ôm ngực thở hổn hển, cổ họng khô khốc nên muốn tìm một chút nước uống. Cứ nghĩ ở phòng bệnh thế này phải gọi người mới có nước, nhưng không ngờ vừa nhích người lên một chút đã thấy túi xách, điện thoại, ví tiền, thậm chí còn có cả một cốc nước mát được đặt ngay trên tủ inox sát giường tôi, gần đến mức chỉ cần tôi quờ tay lên một chút là có thể lấy được.


Tôi cầm lấy cốc nước uống một hơi hết sạch, đỡ bực mình rồi mới lấy điện thoại gọi cho Aiko. Nếu tôi nhớ không nhầm thì lúc tai nạn xảy ra, Aiko ngồi ở ghế phụ phía trước, cô ấy có thắt dây an toàn nên chắc chắn sẽ giảm được chấn thương hơn tôi và Huy, nếu như may mắn, có lẽ bây giờ cô ấy cũng đã tỉnh và sẽ nhận được điện thoại của tôi.


Quả nhiên khi hồi chuồng cuối cùng sắp kết thúc, đầu dây bên kia cũng có người nghe máy:


– Chị Tuyền.
– Aiko, em có sao không? Em đang ở đâu?
– Em đang ở bệnh viện, bác sĩ vừa tiêm cho em xong, giờ em đang định qua chỗ chị đây.
– Anh Huy sao rồi? Anh Huy đang ở đâu, em có biết không?
– Anh Huy cũng không sao, nhưng bị gãy xương sườn nên chưa đi lại được.
– Anh ấy đang nằm phòng nào?
– Nằm phòng ngay sát phòng em ạ. Anh ấy không sao đâu, chị đừng lo.


Nghe Aiko nói vậy, tôi mới thấy yên tâm hơn ít nhiều. Dù sao thì lần này ba người chúng tôi sang Việt Nam, gặp tai nạn nặng như vậy mà cả ba vẫn còn sống sót là may rồi, thương tích một chút mà vẫn sống cũng không sao.


Tôi đáp:


– Ừ, chị biết rồi.
– Đợi em một tý nhé, em sang với chị giờ đây.


Nói rồi, Aiko không đợi tôi từ chối đã cúp rụp máy, chưa đầy năm phút sau đã thấy nó lặc liễng mở cửa đi vào phòng tôi.


Aiko nhìn tôi một lượt rồi nói:


– Chị thấy sao rồi? Đau lắm không?
– Cũng hơi đau.
– Chị bị gãy một chân, khâu gần mười mũi đấy.
– Thảo nào chị thấy mất hết cảm giác ở chân. Em có sao không? Bị thương những đâu?
– Em bị trẹo cổ chân, rách da mấy chỗ thôi. Sáng nay đi chụp X Quang thì bác sĩ bảo không sao cả.
– Ừ, thế là tốt rồi. May mà em không sao.
– Vâng. Bị tai nạn nặng thế mà đến giờ chị em mình vẫn còn sống là may rồi chị nhỉ? Em cứ sợ chị phải nằm mấy hôm nữa mới tỉnh được cơ.
– Ừ, chẳng nhớ gì cả, cũng chẳng biết mình bị tai nạn kiểu gì nữa.
– Cái container ở đằng sau bị mất lái nên đâm vào xe mình, nghe nói đâm cả vào mấy xe máy nữa làm mấy người chết. Nhưng hình như cái ông tài xế kia trốn rồi, đến giờ công an vẫn chưa bắt được.
– Tai nạn nặng thế hả em? Mấy người đi xe máy cũng bị hả?
– Vâng. Em chỉ nghe mang máng được thế thôi ạ.
– Thế anh Huy chỉ bị gãy xương sườn thôi à, có bị chọc vào nội tạng không? Còn bị thương chỗ nào nữa không em?
– Không ạ, lúc nãy em hỏi bác sĩ, ông ấy nói gì nhỉ? Hình như là…


Aiko đi theo tôi hai năm, thỉnh thoảng vẫn nghe tôi dùng tiếng Việt nói với Huy nên cũng biết được mấy từ tiếng Việt. Tôi nghĩ hai chữ “ổn rồi” hơi khó nói với người Nhật nên thử gợi ý cho nó:


– Ổn rồi?
– Vâng, đúng đúng, Daijoubu.


Trên ngực áo Aiko là tên bệnh viện Chợ Rẫy, đây là bệnh viện tuyến Trung Ương ở Sài Gòn, tập trung rất nhiều bác sĩ giỏi, so với ở Nhật Bản thì trình độ y tế của Việt Nam cũng không thua kém hơn là bao, cho nên nếu bác sĩ ở đây nói Huy đã ổn thì tôi nghĩ chắc anh ấy sẽ không sao cả.


Tôi bảo:


– Ừ, chị biết rồi.
– Chắc mai kia gì đó là anh Huy khỏe lại ngay ấy mà. Chị nữa, nhanh nhanh khỏe lại để còn về Nhật chứ.
– Ừ.
– À, lúc chị chưa tỉnh, em có qua phòng chị, thấy có một anh ở đây. Chị tỉnh dậy có gặp anh ấy không?


Tôi biết Aiko muốn nói đến Phương, nhưng cũng không tiện giới thiệu nên tôi chỉ đáp:


– Ừ có, sao thế em?
– Anh ấy là bạn của chị ạ?
– À… ừ.
– Hình như anh ấy đưa ba người mình vào bệnh viện, bảo người cất đồ đạc, còn thuê phòng chăm sóc đặc biệt cho mình nữa đấy. Bạn chị tốt thật nhỉ? Lại còn đẹp trai nữa.


Tôi nhìn Aiko, con bé này vừa hiền lành vừa nhút nhát, lại hay hâm mộ linh tinh, bình thường nó thần tượng mấy ca sĩ Hàn Quốc hoặc mấy soái ca Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tôi thấy nó khen con trai Việt Nam nên tôi thấy hơi kỳ lạ.


Tôi cười bảo:


– Chị thấy bình thường.
– Hay là chị nhìn quen mắt rồi nên không thấy đẹp trai. Em thấy anh kia được mà, cao hơn anh Huy, trắng hơn anh Huy, tay còn đẹp hơn tay anh Huy nữa.
– Sao toàn lấy anh Huy ra làm thước đo thế? Sếp mình cũng được mà.
– Nhưng không thể đẹp trai bằng anh bạn chị được. Eo ơi, anh này nhìn “soái ca” thật đấy, môi đỏ còn hơn cả mấy ca sĩ Kpop.


Đúng là nếu nhìn bề ngoài thì Phương là mẫu đàn ông lý tưởng mà rất nhiều cô gái đều mơ ước có được. Anh ta đẹp trai, nhiều tiền, độc thân, có học thức, không những là con trai một gia đình giàu có mà còn là giám đốc của một công ty lừng lẫy khắp chốn. Chính vì xuất thân quá tốt đẹp nên phụ nữ bâu quanh anh ta nhiều như ruồi nhặng, nhưng thật buồn cười rằng Phương lại chẳng bao giờ nghiêm túc trong các mối quan hệ, anh ta không cho người khác tình cảm, chỉ dùng tiền để mua niềm vui, gặp dịp thì chơi, chán thì lạnh lùng vứt bỏ.


Tôi nghĩ Aiko mà biết bản chất thật sự của anh ta tồi tệ thế, chắc cũng sẽ không dùng ánh mắt hâm mộ khi nói về Phương như vậy đâu.


Nhưng dù sao đây cũng chẳng phải việc tôi nên giải thích cho Aiko, cho nên tôi đành kiếm cớ chuyển sang chủ đề khác:


– Em đã gọi điện báo cáo lại bên tổng công ty chưa?
– Lúc nãy em có gọi cho bé Hiroko rồi, em đang đợi chị tỉnh để hỏi xem nên gọi nói với tổng giám đốc như thế nào ạ.
– Ừ. Ba người mình bị thế này thì tạm thời phải hoãn về Nhật một thời gian. Đợi anh Huy tỉnh lại thì mới tính tiếp được. Trước mắt em cứ gọi báo với Tổng giám đốc việc mình bị tai nạn, nhờ chú ấy sắp xếp nhân sự trong thời gian mình chưa quay lại, tiện bảo đợi anh Huy tỉnh sẽ báo cáo với chú ấy sau.
– Vâng, em biết rồi ạ.


Aiko ở phòng tôi thêm một lúc thì có y tá vào kiểm tra tình hình, sau khi thấy tôi không vấn đề gì mới phát cho một ít thuốc, dặn dò tôi cách uống từng loại, sau đó lại có thêm một điều dưỡng nữa đến để chăm sóc tôi.


Aiko tủm tỉm nói:


– Bạn chị chu đáo thật đấy, phòng chăm sóc đặc biệt này có tất tần tật các dịch vụ. Em cũng được hưởng lây.
– Về phòng nghỉ đi, có gì cứ gọi điện thoại cho chị.
– Em biết rồi.


Người bệnh què cả tay và chân như tôi tất nhiên rất cần loại phòng có dịch vụ chăm sóc tận răng như thế này, được một người đàn ông sắp xếp cho hưởng thụ những điều ấy, lẽ ra tôi phải giống như Aiko, cảm kích và hâm mộ Phương mới đúng. Thế nhưng vì mười năm trước đã từng ở bên cạnh anh ta nên tôi biết rất rõ rằng: trên đời này vốn dĩ chẳng có bữa ăn nào miễn phí cả. Tất cả mọi thứ đều có qua có lại, anh ta cho tôi thứ gì, tôi cũng phải trả lại cho người ta.


Mà Phương cũng không hề giấu giếm những điều này, anh ta rất thẳng thắn nói “tôi mắc nợ anh ta”. Tôi biết những chi phí mà Phương đã bỏ ra đối với anh ta chẳng qua chỉ là một khoản tiền nhỏ, nhưng với tôi thì chính xác là mắc nợ.


Nợ ân tình, nợ tiền bạc, dịch vụ càng tốt thì số nợ càng cao.


Chỉ là tôi không hiểu, một người đàn bà gần 30 tuổi đã cũ nát như tôi thì có thứ gì để anh ta phải bận tâm đến thế? Chẳng lẽ chỉ vì có kinh nghiệm lên giường với anh ta nhiều năm nên anh ta mới muốn dùng lại món cũ như tôi?


Buồn cười, sau thời gian dài như thế mà bản chất của gã đó vẫn chẳng hề thay đổi. Đúng là con nhà giàu tiêu tiền như rác, chỉ biết dùng vật chất để mua niềm vui và thỏa mãn ham muốn của bản thân.


Đêm đầu tiên nằm trong bệnh viện, vì lạ giường, lạ nơi ngủ, và còn vì đau khắp người nên tôi cứ nằm mãi, đến tận nửa đêm mới có thể thiếp đi. Ngày hôm sau mới bảy giờ sáng đã nghe có tiếng bước chân lục đục ngoài cửa, sau đó một bác sĩ nữ mặc áo blouse trắng cùng mấy y tá bước vào. Khi nhìn rõ gương mặt bác sĩ kia, tôi mới ngạc nhiên kêu lên một tiếng:


– Mai Anh.


Mai Anh là bạn học cũ hồi cấp 3 của tôi, ngày trước ngồi cùng bàn nên hai đứa chơi rất thân. Sau này lên Đại học bọn tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, nhưng đến khi gia đình tôi gặp biến cố thì tôi không gặp bạn bè cũ nữa, bây giờ không ngờ sau nhiều năm như vậy lại gặp cô ấy ở đây.


Mai Anh dường như đã nhận ra tôi từ trước nên không bất ngờ, chỉ cười bảo tôi:


– Nghe y tá bảo cậu tỉnh từ hôm qua, mà tớ bận quá, mãi giờ mới đến thăm cậu được.
– Cậu làm bác sĩ ở đây à?
– Ừ, mình làm ở đây, phụ trách phòng bệnh của cậu luôn.
– À… à. Lâu lắm mới gặp, nhìn xinh hơn trước nhiều lắm rồi.
– Thật hả? Cậu thì sao? Đi đâu gần mười năm trời nay hả? Mình cứ tưởng cậu sang nước ngoài rồi, hôm qua lúc cậu được đưa vào viện, mình thấy quen quen nhưng không dám nhận, mãi đến khi đọc bệnh án mới biết đấy.
– Ừ, tớ làm ở Nhật, mới về nước vài ngày thôi.
– Ôi thế à? Thế đã lập gia đình chưa?


Tôi gượng gạo cười, cả hai chúng tôi năm nay đã gần ba mươi, chính xác là tôi 29 tuổi, bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất, có chồng có con hết rồi, mỗi mình mình chưa đâu với đâu nên ngượng ngập nói:


– Tớ chưa. Vẫn chưa có ai thèm hốt.
– Cậu nói đùa hay nói thật thế? Xinh gái thế này mà không có anh nào hốt là không tin đâu.
– Thật mà. Ở Nhật bây giờ mốt là không lấy chồng đấy. Thế cậu thì sao? Chắc cưới rồi chứ?


Mai Anh cũng lắc đầu, trả lời tôi:


– Tớ cũng chưa. Học Y mất 7 năm, ra trường đã 25 rồi, đi học lên chuyên khoa, rồi bận rộn, đi trực suốt, nên chưa cưới.
– Thật hả? Giờ học xong rồi thì phải tranh thủ kiếm chồng đi thôi.
– Ừ, tớ cũng định thế đây. Để tớ kiểm tra cho cậu đã nào, hai chân bị gãy hết, khâu mấy mũi ở đầu đấy. May mà mặt không phải khâu mũi nào nhé.
– Ừ, tớ đang sợ thành sẹo trên mặt đây.
– Không sao đâu. Đảm bảo mấy ngày nữa sẽ xinh gái lại ngay.
– Tớ tin cậu đấy.


Sau khi khám xong cho tôi, Mai Anh còn phải sang buồng bệnh khác nên chúng tôi cũng không kịp trò chuyện gì nhiều, chỉ có thể tranh thủ hỏi han vài câu về tình hình bệnh của Huy và Aiko mà thôi.


Mai Anh nói Aiko thì không sao, chỉ có Huy là bị thương nặng nhất nhưng vì gãy xương sườn nên không bó bột được, chắc là sẽ bị khó thở mất một thời gian, sau đó xương sẽ tự lành.


Tôi nghĩ với vết thương như thế thì cũng phải mất ít nhất hai tuần mới có thể lên máy bay về nước được, nhưng đến ngày thứ ba sau khi gặp tai nạn thì tự nhiên Huy lại nói với tôi:


– Em ổn chưa? Người ngợm còn đau lắm không?
– Không sao, hôm nay khỏe khoắn rồi, mỗi tội chân em vẫn chưa đi lại được thôi.
– Hay là anh liên hệ với người ở bên Nhật để họ sang đón mình nhé.


Tôi hơi ngạc nhiên nhìn Huy:


– Sao thế? Người anh bị thương nặng mà, lên máy bay về nước luôn sao được. Lỡ động vào, xương sườn gãy lại chọc vào nội tạng thì sao?
– Anh không sao đâu, khỏe rồi ấy mà. Anh về được. Tuyền, mình về lại Nhật đi.


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom