Hồi 6 - Quỷ nha môn
Trong vạt đất bên cạnh đám rễ cây bị con gấu người húc cho bật gốc có chôn mấy pho tượng đá, tạo hình rất hiếm thấy, đầu hổ thân người, trên đầu còn có mũ giáp, hai tay cầm rìu đá trang trí bằng đầu người, khí độ bất phàm, nhưng mặt mũi thì hết sức nanh ác. Yến Tử vừa trông thấy mấy pho tượng đá đầu hổ thân người liền lập tức liên tưởng đến một truyền thuyết xa xưa của vùng này, không còn nghĩ gì đến thu thập thịt gấu da gấu nữa, kinh hãi lắp bắp nói với chúng tôi: "Đấy hình như là tượng sơn quỷ hay sao ấy, sợ rằng nơi này chính là Quỷ nha môn rồi, chúng ta mau chạy thôi!"
Truyền thuyết về Quỷ nha môn đã lưu truyền ở vùng rừng núi phía cực Tây dãy Đại Hưng An Lĩnh này nhiều năm, tương truyền đó là một lối vào bí mật của Diêm La điện ở dương gian. Những thợ săn bị lạc đường trong núi, một khi đã lỡ bước vào Quỷ nha môn thì sẽ bất tri bất giác đi vào cõi u minh, trở thành cô hồn dã quỷ vĩnh viễn không thể trở về nhân thế được nữa. Có điều gần trăm năm nay đã rất hiếm người gặp phải Quỷ nha môn rồi.
Đặc trưng dễ nhận thấy nhất của Quỷ nha môn chính là trước cửa có sơn quỷ đầu hổ thân người canh gác. Đương nhiên truyền thuyết này rốt cuộc bắt nguồn từ triều nào đại nào thì chẳng ai khảo chứng được, nhưng chỉ riêng câu chuyện vào Quỷ nha môn xuống điện Diêm La cũng đã khiến người ta sợ phát sốt lên rồi, thêm vào đó là thợ săn bẩm sinh vốn đã có tâm lý kính sợ với chốn rừng sâu núi thẳm, vì vậy Yến Tử vô cùng hoảng hốt, chỉ muốn thúc giục chúng tôi mau mau rời khỏi chỗ này cho sớm.
Tôi và Tuyền béo đều có nghe nói về truyền thuyết ấy, hơn nữa tôi cũng biết chỗ này là đất thị phi không nên lưu lại quá lâu. Có điều, tôi vẫn chưa đến nỗi bị cái tượng người đầu hổ kia dọa cho khiếp vía như thế, bèn thuận miệng an ủi Yến Tử mấy câu, nào là: Quỷ nha môn cái gì chứ? Đều là di sản độc hại của xã hội phong kiến cả thôi, chúng ta sao phải sợ? Nhưng đồng thời, tôi cũng thầm suy tính, cần phải làm rõ tình hình trước mắt đã rồi mới đưa ra quyết định được.
Hang gấu vốn là một cái động huyệt thiên nhiên chỉ có một lối ra vào, chỉ vì vừa nãy con gấu người đuổi bắt chúng tôi, nhổ bật cả một cái cây chắn phía trước nó lên. Cây thông đỏ ấy vừa khéo lại mọc ngay bên cạnh hang, bộ rễ bị nhổ lên làm đất xung quanh sụt xuống, lộ ra pho tượng đá bị chôn một nửa dưới đất. Còn mấy chuyện vô căn vô cứ như là sơn quỷ đầu hổ canh giữ Quỷ nha môn gì gì đấy thì tôi chẳng hề tin. Theo suy đoán của tôi, võ sĩ đá thân người đầu hổ này rất có khả năng là tượng điêu khắc thời xưa dùng để trấn các ngôi mộ cổ. Chỉ có điều, năm ấy hiểu biết của tôi về Ngũ hành phong thủy và bố cục lăng mộ vẫn còn nông cạn lắm, nên cũng không dám khẳng định chắc chắn. Chỉ là lòng hiếu kỳ nổi lên, đã phát hiện ra tượng thú đá tạo hình kỳ quái rồi, nếu không thừa cơ thăm dò cho rõ ràng, thử hỏi còn gì là thú vị nữa đâu?
Tôi khuyên Yến Tử đừng vội về lâm trường, chi bằng qua đó tìm thử xem Quỷ nha môn ở chỗ nào. Nhìn phương vị đặt mấy pho tượng đầu hổ này, có thể thấy nếu trong núi có kiến trúc dạng chùa miếu hay mộ phần gì đó, đại để chắc là ở bên phía Mộ Hoàng Bì Tử. Cái bát sứ và mấy miếng vàng bọn hoàng bì tử mang đến, nói không chừng đều chính là lấy ở trong cái chỗ gọi là Quỷ nha môn ấy, chúng ta mà tìm được những bảo bối đó, ắt hẳn sẽ góp một phần cống hiến lớn lao vào công cuộc chi viện cho cách mạng thế giới.
Yến Tử giẫm chân nói: "Anh đừng lằng nhằng nữa, tôi không canh giữ lâm trường lén đi với các anh vào trong núi săn gấu đã là phạm lỗi rồi, lúc về thể nào cũng bị ông bí thư phê bình cho một trận. Nếu còn gây ra chuyện gì nữa, vậy tôi làm sao còn ăn nói được với bí thư đây?"
Tuyền béo nghĩ đến số vàng đó, cũng hùa vào với tôi dỗ dành Yến Tử. Hai chúng tôi nói với cô: "Cô em Yến Tử này, em đừng sợ ông bí thư già ấy thế có được không? Chức vụ ông ấy to nữa, thì chẳng qua cũng chỉ có tiếng nói trong làng thôi. Vả lại chúng ta có phạm lỗi gì đâu, chúng ta giờ đang chi viện cho cách mạng thế giới cơ mà. Tuy rằng canh lâm trường là nhiệm vụ chúng ta được phân bổ, nhưng cô em chớ quên rằng chỉ thị tối cao là không thể dùng sản xuất để đè nén cách mạng được. Trước dòng chảy cuồn cuộn của cơn lũ đấu tranh cách mạng, công việc phải tạm gác sang một bên. Ông bí thư ấy chỉ lắm chuyện thôi. Cô còn do dự gì nữa? Đừng quên đây là cuộc đấu tranh cuối cùng rồi đấy, rèn sắt phải rèn lúc còn nóng, để muộn thì cờ đỏ đã cắm khắp thế giới rồi, có làm cũng chẳng được ích lợi gì."
Tôi nói năng đanh thép, Yến Tử không phản đối được câu nào. Cô nghe mà đớ cả người ra, bèn dứt khoát đành liều một phen, thôi thì muốn làm gì thì làm. Vậy là bọn tôi lập tức động thủ ngay, da gấu thịt gấu bỏ lại tạm thời không tính đến, chỉ gói bàn tay gấu và mật gấu nhét vào trong người. Tuyền béo đột nhiên sực nhớ ra, cái lồng gỗ nhốt con Hoàng tiên cô đâu mất tiêu rồi? Vừa nãy con gấu người trên cây nhảy xuống, còn bẻ gãy cả một thân cây to tướng, đè bẹp gí đám cỏ chúng tôi núp, lúc ấy chúng tôi đều chỉ lo né tránh, trong lúc hỗn loạn chẳng biết đã ném cái lồng đi đâu mất rồi, giờ chẳng còn ấn tượng gì nữa. Hoàng bì tử tuy nhỏ nhưng cũng là một hai lạng thịt, càng huống hồ con Hoàng tiên cô da mượt lông mướt ấy, ít ra cũng phải đổi được mười cân kẹo hoa quả, để mất mất thì thật không nỡ lòng nào.
Đi tìm xung quanh cây thông đỏ bị gẫy mới phát hiện cái lồng gỗ đã bị cành cây va vào tung tóe hết cả ra, bên trong lồng trống rỗng, con Hoàng tiên cô đã chuồn mất từ đời nào rồi. Tuyền béo tức tối ngoác miệng ra chửi loạn cả lên.
Tôi còn nhớ chân sau của con Hoàng tiên cô bị dây thép buộc chặt, dù cái lồng bị vỡ nó cũng không thể giằng khỏi sợi dây ấy được, cùng lắm cũng chỉ chạy được bằng hai vuốt trước. Bọn chồn vàng vùng này chạy nhảy toàn dựa vào chi sau phát lực, vì vậy nó không thể nào chạy quá xa được. Nghĩ tới đây, tôi vội vàng ngẩng đầu lên quan sát khắp bốn phía xung quanh, trên nền đất phủ tuyết ngoài những dấu chân hỗn loạn của chúng tôi lúc quần nhau với con gấu người, quả nhiên còn một vệt kéo lê dài. Con chồn lông vàng kia chắc chắn là chạy theo lối này, lần theo dấu vết đó, tôi liền phát hiện ngay bên cạnh pho tượng mình người đầu hổ có một vật lông lá bờm xờm đang ra sức bò, đó chính là con Hoàng tiên cô vừa thoát khỏi cái lồng son.
Chúng tôi thấy nó chưa chạy xa, lập tức phấn chấn tinh chần, ùa lên như một cơn gió. Chỉ thấy con Hoàng tiên cô đang dùng hai vuốt trước ra sức bò về phía Mộ Hoàng Bì Tử. Nó phát giác phía sau có người đuổi tới, liền chui tọt luôn vào một cái hang bốn cạnh tượng đá, không thấy tăm tích đâu nữa.
Chúng tôi chạy tới xem thử, thì ra dưới chân tượng sơn quỷ đầu hổ có một đường hầm, nhiều năm trôi qua, thủy thổ biến hóa, đã bị đất bùn và cành cây che khuất mất. Giờ cây thông cổ thụ bên trên vừa đổ, đường hầm liền lộ ra một chỗ hổng, bên trong tối om om chẳng nhìn thấy gì cả. Con Hoàng tiên cô ấy chính là đã chạy vào bên trong cái lỗ bé xíu này, Tuyền béo tức tối đưa chân lên đạp mạnh vào vách đất bên cạnh cái hố, mới đạp một hai cái, bức vách đã sụp cả xuống. Trong cái hố để lại sau khi cả bộ rễ cây cổ thụ bị bật tung lên, liền lộ ra một cái hang to tướng, một luồng gió âm cuồn cuộn hút ra lạnh buốt cả mặt. Xem ra bên trong có không khí lưu thông, ở đầu bên kia hẳn có lối thông ra ngoài nữa.
Tuyền béo cũng không ngờ vách đất lại oặt oẹo đến thế, tôi vội vàng ngăn không để cậu ta đạp tiếp. Xem ra bên trong cửa hang này không phải đường hầm tử tế gì, mà chỉ là một lối thông đào giữa đám bùn đất đá, chẳng hề kiên cố mà có thể sập xuống bất cứ lúc nào, lại càng không biết nó thông đến đâu nữa. Vậy là tôi vội tìm mấy cành cây đốt làm đuốc chiếu sáng, chui vào bên trong hang ngầm tối đen như mực ấy thăm dò.
Bên trong rất chật hẹp, có khi phải khom người bò lê mới tiến lên được, nhưng chúng tôi đều không nỡ mài rách mấy bộ quần áo, vậy là đành đưa nghiêng nghiêng cây đuốc phía trước, rồi khom lưng ngồi xổm nhích nhích từng chút một. Ánh lửa chiếu vào, bọn tôi liền phát hiện bên trong hang vẫn còn lưu lại dấu vết dùng vật sắc bén đào bới. Tôi đi trước mở đường, Tuyền béo cầm cây rìu cán dài theo sát phía sau, Yến Tử cầm thêm một cây đuốc nữa kéo lê khẩu súng săn đi đoạn hậu.
Ba đứa tôi đều không biết cái lối thông vừa ẩm thấp vừa lạnh lẽo này dẫn đến tận đâu, trong lòng lấy làm nghi hoặc. Thuở trước, ông nội tôi từng làm thầy phong thủy. Vì năm đó ông biết được bí thuật tầm long mạch, nên rất có danh vọng trong tỉnh, kết giao với khá nhiều thuật sĩ phong thủy âm dương đồng đạo. Trong số ấy cũng không hiếm người làm nghề trộm mộ, chuyên "đổ đấu" mưu sinh. Từ nơi ông, tôi biết được trong đám trộm mộ đó thì lợi hại nhất là "Mô Kim hiệu uý", những Mô Kim hiệu úy này có thể nhìn hình núi bên ngoài, thăm địa mạch bên trong, phân kim định huyệt, trực đảo hoàng long. Cái gọi là "trực đảo hoàng long" ấy chính là cách nói tắt của việc đào ra một con đường hầm bí mật và chuẩn xác, vòng qua tường đồng vách sắt bảo vệ bên ngoài cổ mộ, đi thẳng đến mộ thất có cất giấu các bí mật. Rất có thể, cái lối thông chúng tôi đang chui đây, chính là một hang ngầm mà kẻ trộm mộ đào bới để vận chuyển báu vật.
Có điều, tôi lại nhanh chóng phủ định ngay suy đoán ấy của mình. Cái thông đạo này vừa hẹp vừa ngắn, bắt đầu từ bên dưới tượng đá đầu hổ, đi khoảng hơn chục mét là đã đến tận cùng. Chỗ này chẳng phải mộ thất có chôn xác cổ, giấu báu vật gì, mà là một cánh cổng đá xanh rất cổ xưa bị chôn vùi trong bùn đất, bên trên dường như còn có mái hiên cong chìa ra, nhưng hang ngầm này chỉ đào lộ ra một phần của cổng đá, nên nhất thời cũng khó mà phân biệt rõ ràng cho được. Cánh cổng đá ấy có hai cánh khép hờ, ở giữa để ra một khe hở rất lơn, hai bên có trụ đá đối xứng, bên trên điêu khắc hoa văn rồng và mặt trăng mặt trời cổ phác đơn sơ, rêu xanh bám đầy. Điều này ít nhất cũng chứng tỏ rằng kiến trúc bằng đá này đã từng có thời kỳ ở trên mặt đất, sau nhiều năm bị các nhân tố tự nhiên như mưa gió nắng xâm thực, mới thành ra tình trạng như bây giờ.
Tôi và Tuyền béo đều phỏng đoán đây chắc là một ngôi từ đường cổ, bị các biến đổi địa chất vùi chôn xuống bùn, đến cả cây thông bên trên cũng lớn như thế, không biết chuyện này xảy ra từ năm nào tháng nào, nhưng tóm lại nhất định là đã rất lâu rất lâu. Đã đến cổng rồi, có lý nào lại không vào trong xem thử? Vào trong rồi có thứ gì hay ho thì tiện thể mang đi luôn, nếu chẳng có gì thì dán cho nó vài cái biểu ngữ, phá hết mấy trò mê tín dị đoan ấy đi.
Yến Tử nói, chắc chắn là Quỷ nha môn rồi, sau cánh cửa kia mười phần chắc tám là Diêm La điện chốn Âm ty địa ngục, chúng ta thôi cứ ở đâu thì về đó đi, mặc kệ bên trong có gì thì cũng đừng vào. Tôi nghe thế bèn bảo Yến Tử: "Hang ngầm này ngắn thế, lại không có lối ra khác, con Hoàng tiên cô chắc chắn là chui vào bên trong cánh cổng đá rồi. Chúng ta vào trong bắt nó về, không thì đêm hôm qua uổng mất cả công à, mà cũng chẳng đổi được kẹo hoa quả nữa. Chẳng lẽ cô không thích ăn kẹo sao?"
Yến Tử nuốt nước bọt nói: "Sao mà tôi không thích ăn kẹo chứ, thực ra kẹo hoa quả không ngon bằng kẹo sữa thanh niên trí thức mang ở thành phố về..." Tuyền béo nôn nóng muốn bắt Hoàng tiên cô, không đợi tôi làm xong công tác đả thông tư tưởng cho Yến Tử đã lách qua người hai bọn tôi, xông xáo đi thẳng vào cánh cổng đá. Tôi lo bên trong có nguy hiểm gì, sợ Tuyền béo một mình gặp nạn, bèn giục Yến Tử mau vào theo.
Vì chúng tôi di chuyển nhanh, ánh đuốc bỗng trở nên thoắt sáng thoắt tối. Trong ánh sáng nhập nhằng ấy, tôi đã nhìn rõ phía sau cánh cổng không có tường đất, mà là một gian điện bằng đá cũng khá rộng rãi. Trong gian điện có cột đá, bàn đá, tượng đất hai bên nằm đổ nghiêng đổ ngả dưới đất, trong góc giăng đầy những tấm mạng nhện dày đặc, phóng mắt nhìn quanh chỉ toàn thấy cảnh đổ nát tơi bời. Phạm vi chiếu sáng của ngọn đuốc rất có hạn, nhất thời tôi cũng không nhìn rõ được con Hoàng tiên cô đã lẩn đâu mất.
Ba người cùng lúc đi vào, tiếng động khá lớn, không hiểu ai va chạm làm rơi xuống cả đám bụi, khiến cả bọn ho sặc sụa một trận, hồi lâu sau bụi mới lắng xuống, đưa mắt nhìn nhau, thấy đều bị bụi đất bám đầy mặt, bộ dạng trông thật thảm hại.
Tuyền béo lúc nãy chui bên trong cái hang ngầm dài khoảng chục mét vừa chật vừa thấp, phải ngồi xổm tê hết cả chân, lúc này vào đến điện đá ít nhất cũng có thể duỗi tay duỗi chân cho máu lưu thông, vội vàng vung tay đá chân mấy phát. Cu cậu phát hiện cái mũ da chó đội trên đầu cũng bám đầy bụi đất, vừa khéo gần ngay cửa có cái bệ gỗ trông như gốc cây, vậy là bèn cởi mũ đập lên trên đó mấy phát, rồi tiện thể nhấc mông ngồi ịch xuống, nói với chúng tôi: "Có tôi ngồi chắn ở đây rồi, chắc con chồn vàng kia cũng không thể mọc cánh mà bay đi đâu được. Hồ Bát Nhất, cậu lục soát khắp nơi xem nó trốn ở đâu, bắt ra đây để tôi lột da luôn tại chỗ. Ừm, có điều tôi thấy cái nhà to này hình như còn cửa sau nữa, nếu nó chạy cửa sau thì cũng hơi phiền, Yến Tử mau đi canh lối ấy..."
Từ khi vào gian điện đá cổ quái này, tôi thấy thứ gì cũng đều hết sức tò mò, chuyện bắt Hoàng tiên cô đã quên béng mất từ lúc nào chẳng hay, giờ nghe Tuyền béo nhắc mới sực nhớ ra. Tôi đang định tìm nó, lại thấy Yến Tử cuống cuồng kéo Tuyền béo ra khỏi chỗ ngồi, rồi nói với chúng tôi: "Đã bảo các anh rồi mà các anh không tin, đây chính là Quỷ nha môn. Người sống trong núi đều biết, cấm không được ngồi lên mấy gốc cây trong rừng, vì đó là bàn ăn của Hổ thần gia gia, người phàm ngồi lên chỉ có rước họa vào thân thôi. Sao anh dám nói ngồi là đã ngồi luôn thế?"
Tuyền béo gác một chân giẫm lên cái bệ gỗ, cười khẩy nói: "Giờ cả vệ tinh người ta cũng bắn lên trời rồi, bom nguyên tử cũng nổ luôn rồi, người nghèo vùng lên được giải phóng rồi, mặc xác bàn ăn hay bàn thờ của thần gia vương gia mẹ gì, đó đều là những thứ của xã hội cũ hết rồi. Giờ đây quần chúng lao động chúng ta lấy ra làm ghế ngồi đã là coi trọng nó rồi, tôi mà hứng lên thì còn tè luôn lên đấy một bãi nữa ấy chứ."
Tôi đưa tay đẩy Tuyền béo ra, đùa với cậu ta rằng: "Đừng có mà bậy bạ, quần chúng lao động cùng khổ cũng không được đại tiểu tiện lung tung đâu đấy. Với lại, cậu cũng nên đi mà soi gương nhìn lại mình đi, đội ngũ quần chúng lao động cùng khổ từ bao giờ lại xuất hiện cái loại béo trong đầu đầy ninh ních toàn mỡ là mỡ như cậu chứ. Nhìn cái bụng một phát là cậu lộ tẩy ngay, không cần phải hỏi, chắc chắn là phần tử phá hoại trà trộn vào nội bộ quần chúng lao động chúng tôi rồi."
Điều làm tôi thắc mắc nhất đó là không biết gian điện đá dùng để làm gì, đặc biệt là tại sao ở ngay cạnh cửa lại có một cái bệ gỗ trông như gốc cây như thế này, muốn tìm hiểu rõ ngọn ngành điều bí ẩn bên trong, phỏng chừng phải xem kỹ. Vậy là tôi bèn đẩy tên Tuyền béo vướng víu sang một bên, ngồi thụp xuống đưa ngọn đuốc vào soi cho tỏ, vừa nhìn một cái, liền phát hiện bệ gỗ này quả nhiên không phải tầm thường, bên trên còn có một số hoa văn cổ phác và rất nhiều những ký hiệu kỳ dị mà tôi không hiểu nổi. Đặc biệt nhất là ở chính giữa bệ gỗ, có khắc một hình người mặc đồ đàn bà thời xưa, nhưng hình người ấy lại không có đầu người, mà mọc ra một bộ mặt của loài chồn vàng. Gương mặt hoàng bì tử ấy nở một nụ cười tà ác, trông đáng sợ vô ngần, khiến người ta có cảm giác kinh ghét khó thể tả thành lời. Bộ dạng kỳ dị ấy cơ hồ có một năng lượng vô hình thắt chặt lấy quả tim người ta, khiến chúng tôi vừa thoạt nhìn lập tức có cảm giác trong lỗ chân lông khắp người đều tỏa ra một thứ hơi lành lạnh. Tôi thầm biết ngay có chuyện chẳng lành, lần này sợ rằng đã lọt vào trong ổ của bọn hoàng bì tử mất rồi.
Trong vạt đất bên cạnh đám rễ cây bị con gấu người húc cho bật gốc có chôn mấy pho tượng đá, tạo hình rất hiếm thấy, đầu hổ thân người, trên đầu còn có mũ giáp, hai tay cầm rìu đá trang trí bằng đầu người, khí độ bất phàm, nhưng mặt mũi thì hết sức nanh ác. Yến Tử vừa trông thấy mấy pho tượng đá đầu hổ thân người liền lập tức liên tưởng đến một truyền thuyết xa xưa của vùng này, không còn nghĩ gì đến thu thập thịt gấu da gấu nữa, kinh hãi lắp bắp nói với chúng tôi: "Đấy hình như là tượng sơn quỷ hay sao ấy, sợ rằng nơi này chính là Quỷ nha môn rồi, chúng ta mau chạy thôi!"
Truyền thuyết về Quỷ nha môn đã lưu truyền ở vùng rừng núi phía cực Tây dãy Đại Hưng An Lĩnh này nhiều năm, tương truyền đó là một lối vào bí mật của Diêm La điện ở dương gian. Những thợ săn bị lạc đường trong núi, một khi đã lỡ bước vào Quỷ nha môn thì sẽ bất tri bất giác đi vào cõi u minh, trở thành cô hồn dã quỷ vĩnh viễn không thể trở về nhân thế được nữa. Có điều gần trăm năm nay đã rất hiếm người gặp phải Quỷ nha môn rồi.
Đặc trưng dễ nhận thấy nhất của Quỷ nha môn chính là trước cửa có sơn quỷ đầu hổ thân người canh gác. Đương nhiên truyền thuyết này rốt cuộc bắt nguồn từ triều nào đại nào thì chẳng ai khảo chứng được, nhưng chỉ riêng câu chuyện vào Quỷ nha môn xuống điện Diêm La cũng đã khiến người ta sợ phát sốt lên rồi, thêm vào đó là thợ săn bẩm sinh vốn đã có tâm lý kính sợ với chốn rừng sâu núi thẳm, vì vậy Yến Tử vô cùng hoảng hốt, chỉ muốn thúc giục chúng tôi mau mau rời khỏi chỗ này cho sớm.
Tôi và Tuyền béo đều có nghe nói về truyền thuyết ấy, hơn nữa tôi cũng biết chỗ này là đất thị phi không nên lưu lại quá lâu. Có điều, tôi vẫn chưa đến nỗi bị cái tượng người đầu hổ kia dọa cho khiếp vía như thế, bèn thuận miệng an ủi Yến Tử mấy câu, nào là: Quỷ nha môn cái gì chứ? Đều là di sản độc hại của xã hội phong kiến cả thôi, chúng ta sao phải sợ? Nhưng đồng thời, tôi cũng thầm suy tính, cần phải làm rõ tình hình trước mắt đã rồi mới đưa ra quyết định được.
Hang gấu vốn là một cái động huyệt thiên nhiên chỉ có một lối ra vào, chỉ vì vừa nãy con gấu người đuổi bắt chúng tôi, nhổ bật cả một cái cây chắn phía trước nó lên. Cây thông đỏ ấy vừa khéo lại mọc ngay bên cạnh hang, bộ rễ bị nhổ lên làm đất xung quanh sụt xuống, lộ ra pho tượng đá bị chôn một nửa dưới đất. Còn mấy chuyện vô căn vô cứ như là sơn quỷ đầu hổ canh giữ Quỷ nha môn gì gì đấy thì tôi chẳng hề tin. Theo suy đoán của tôi, võ sĩ đá thân người đầu hổ này rất có khả năng là tượng điêu khắc thời xưa dùng để trấn các ngôi mộ cổ. Chỉ có điều, năm ấy hiểu biết của tôi về Ngũ hành phong thủy và bố cục lăng mộ vẫn còn nông cạn lắm, nên cũng không dám khẳng định chắc chắn. Chỉ là lòng hiếu kỳ nổi lên, đã phát hiện ra tượng thú đá tạo hình kỳ quái rồi, nếu không thừa cơ thăm dò cho rõ ràng, thử hỏi còn gì là thú vị nữa đâu?
Tôi khuyên Yến Tử đừng vội về lâm trường, chi bằng qua đó tìm thử xem Quỷ nha môn ở chỗ nào. Nhìn phương vị đặt mấy pho tượng đầu hổ này, có thể thấy nếu trong núi có kiến trúc dạng chùa miếu hay mộ phần gì đó, đại để chắc là ở bên phía Mộ Hoàng Bì Tử. Cái bát sứ và mấy miếng vàng bọn hoàng bì tử mang đến, nói không chừng đều chính là lấy ở trong cái chỗ gọi là Quỷ nha môn ấy, chúng ta mà tìm được những bảo bối đó, ắt hẳn sẽ góp một phần cống hiến lớn lao vào công cuộc chi viện cho cách mạng thế giới.
Yến Tử giẫm chân nói: "Anh đừng lằng nhằng nữa, tôi không canh giữ lâm trường lén đi với các anh vào trong núi săn gấu đã là phạm lỗi rồi, lúc về thể nào cũng bị ông bí thư phê bình cho một trận. Nếu còn gây ra chuyện gì nữa, vậy tôi làm sao còn ăn nói được với bí thư đây?"
Tuyền béo nghĩ đến số vàng đó, cũng hùa vào với tôi dỗ dành Yến Tử. Hai chúng tôi nói với cô: "Cô em Yến Tử này, em đừng sợ ông bí thư già ấy thế có được không? Chức vụ ông ấy to nữa, thì chẳng qua cũng chỉ có tiếng nói trong làng thôi. Vả lại chúng ta có phạm lỗi gì đâu, chúng ta giờ đang chi viện cho cách mạng thế giới cơ mà. Tuy rằng canh lâm trường là nhiệm vụ chúng ta được phân bổ, nhưng cô em chớ quên rằng chỉ thị tối cao là không thể dùng sản xuất để đè nén cách mạng được. Trước dòng chảy cuồn cuộn của cơn lũ đấu tranh cách mạng, công việc phải tạm gác sang một bên. Ông bí thư ấy chỉ lắm chuyện thôi. Cô còn do dự gì nữa? Đừng quên đây là cuộc đấu tranh cuối cùng rồi đấy, rèn sắt phải rèn lúc còn nóng, để muộn thì cờ đỏ đã cắm khắp thế giới rồi, có làm cũng chẳng được ích lợi gì."
Tôi nói năng đanh thép, Yến Tử không phản đối được câu nào. Cô nghe mà đớ cả người ra, bèn dứt khoát đành liều một phen, thôi thì muốn làm gì thì làm. Vậy là bọn tôi lập tức động thủ ngay, da gấu thịt gấu bỏ lại tạm thời không tính đến, chỉ gói bàn tay gấu và mật gấu nhét vào trong người. Tuyền béo đột nhiên sực nhớ ra, cái lồng gỗ nhốt con Hoàng tiên cô đâu mất tiêu rồi? Vừa nãy con gấu người trên cây nhảy xuống, còn bẻ gãy cả một thân cây to tướng, đè bẹp gí đám cỏ chúng tôi núp, lúc ấy chúng tôi đều chỉ lo né tránh, trong lúc hỗn loạn chẳng biết đã ném cái lồng đi đâu mất rồi, giờ chẳng còn ấn tượng gì nữa. Hoàng bì tử tuy nhỏ nhưng cũng là một hai lạng thịt, càng huống hồ con Hoàng tiên cô da mượt lông mướt ấy, ít ra cũng phải đổi được mười cân kẹo hoa quả, để mất mất thì thật không nỡ lòng nào.
Đi tìm xung quanh cây thông đỏ bị gẫy mới phát hiện cái lồng gỗ đã bị cành cây va vào tung tóe hết cả ra, bên trong lồng trống rỗng, con Hoàng tiên cô đã chuồn mất từ đời nào rồi. Tuyền béo tức tối ngoác miệng ra chửi loạn cả lên.
Tôi còn nhớ chân sau của con Hoàng tiên cô bị dây thép buộc chặt, dù cái lồng bị vỡ nó cũng không thể giằng khỏi sợi dây ấy được, cùng lắm cũng chỉ chạy được bằng hai vuốt trước. Bọn chồn vàng vùng này chạy nhảy toàn dựa vào chi sau phát lực, vì vậy nó không thể nào chạy quá xa được. Nghĩ tới đây, tôi vội vàng ngẩng đầu lên quan sát khắp bốn phía xung quanh, trên nền đất phủ tuyết ngoài những dấu chân hỗn loạn của chúng tôi lúc quần nhau với con gấu người, quả nhiên còn một vệt kéo lê dài. Con chồn lông vàng kia chắc chắn là chạy theo lối này, lần theo dấu vết đó, tôi liền phát hiện ngay bên cạnh pho tượng mình người đầu hổ có một vật lông lá bờm xờm đang ra sức bò, đó chính là con Hoàng tiên cô vừa thoát khỏi cái lồng son.
Chúng tôi thấy nó chưa chạy xa, lập tức phấn chấn tinh chần, ùa lên như một cơn gió. Chỉ thấy con Hoàng tiên cô đang dùng hai vuốt trước ra sức bò về phía Mộ Hoàng Bì Tử. Nó phát giác phía sau có người đuổi tới, liền chui tọt luôn vào một cái hang bốn cạnh tượng đá, không thấy tăm tích đâu nữa.
Chúng tôi chạy tới xem thử, thì ra dưới chân tượng sơn quỷ đầu hổ có một đường hầm, nhiều năm trôi qua, thủy thổ biến hóa, đã bị đất bùn và cành cây che khuất mất. Giờ cây thông cổ thụ bên trên vừa đổ, đường hầm liền lộ ra một chỗ hổng, bên trong tối om om chẳng nhìn thấy gì cả. Con Hoàng tiên cô ấy chính là đã chạy vào bên trong cái lỗ bé xíu này, Tuyền béo tức tối đưa chân lên đạp mạnh vào vách đất bên cạnh cái hố, mới đạp một hai cái, bức vách đã sụp cả xuống. Trong cái hố để lại sau khi cả bộ rễ cây cổ thụ bị bật tung lên, liền lộ ra một cái hang to tướng, một luồng gió âm cuồn cuộn hút ra lạnh buốt cả mặt. Xem ra bên trong có không khí lưu thông, ở đầu bên kia hẳn có lối thông ra ngoài nữa.
Tuyền béo cũng không ngờ vách đất lại oặt oẹo đến thế, tôi vội vàng ngăn không để cậu ta đạp tiếp. Xem ra bên trong cửa hang này không phải đường hầm tử tế gì, mà chỉ là một lối thông đào giữa đám bùn đất đá, chẳng hề kiên cố mà có thể sập xuống bất cứ lúc nào, lại càng không biết nó thông đến đâu nữa. Vậy là tôi vội tìm mấy cành cây đốt làm đuốc chiếu sáng, chui vào bên trong hang ngầm tối đen như mực ấy thăm dò.
Bên trong rất chật hẹp, có khi phải khom người bò lê mới tiến lên được, nhưng chúng tôi đều không nỡ mài rách mấy bộ quần áo, vậy là đành đưa nghiêng nghiêng cây đuốc phía trước, rồi khom lưng ngồi xổm nhích nhích từng chút một. Ánh lửa chiếu vào, bọn tôi liền phát hiện bên trong hang vẫn còn lưu lại dấu vết dùng vật sắc bén đào bới. Tôi đi trước mở đường, Tuyền béo cầm cây rìu cán dài theo sát phía sau, Yến Tử cầm thêm một cây đuốc nữa kéo lê khẩu súng săn đi đoạn hậu.
Ba đứa tôi đều không biết cái lối thông vừa ẩm thấp vừa lạnh lẽo này dẫn đến tận đâu, trong lòng lấy làm nghi hoặc. Thuở trước, ông nội tôi từng làm thầy phong thủy. Vì năm đó ông biết được bí thuật tầm long mạch, nên rất có danh vọng trong tỉnh, kết giao với khá nhiều thuật sĩ phong thủy âm dương đồng đạo. Trong số ấy cũng không hiếm người làm nghề trộm mộ, chuyên "đổ đấu" mưu sinh. Từ nơi ông, tôi biết được trong đám trộm mộ đó thì lợi hại nhất là "Mô Kim hiệu uý", những Mô Kim hiệu úy này có thể nhìn hình núi bên ngoài, thăm địa mạch bên trong, phân kim định huyệt, trực đảo hoàng long. Cái gọi là "trực đảo hoàng long" ấy chính là cách nói tắt của việc đào ra một con đường hầm bí mật và chuẩn xác, vòng qua tường đồng vách sắt bảo vệ bên ngoài cổ mộ, đi thẳng đến mộ thất có cất giấu các bí mật. Rất có thể, cái lối thông chúng tôi đang chui đây, chính là một hang ngầm mà kẻ trộm mộ đào bới để vận chuyển báu vật.
Có điều, tôi lại nhanh chóng phủ định ngay suy đoán ấy của mình. Cái thông đạo này vừa hẹp vừa ngắn, bắt đầu từ bên dưới tượng đá đầu hổ, đi khoảng hơn chục mét là đã đến tận cùng. Chỗ này chẳng phải mộ thất có chôn xác cổ, giấu báu vật gì, mà là một cánh cổng đá xanh rất cổ xưa bị chôn vùi trong bùn đất, bên trên dường như còn có mái hiên cong chìa ra, nhưng hang ngầm này chỉ đào lộ ra một phần của cổng đá, nên nhất thời cũng khó mà phân biệt rõ ràng cho được. Cánh cổng đá ấy có hai cánh khép hờ, ở giữa để ra một khe hở rất lơn, hai bên có trụ đá đối xứng, bên trên điêu khắc hoa văn rồng và mặt trăng mặt trời cổ phác đơn sơ, rêu xanh bám đầy. Điều này ít nhất cũng chứng tỏ rằng kiến trúc bằng đá này đã từng có thời kỳ ở trên mặt đất, sau nhiều năm bị các nhân tố tự nhiên như mưa gió nắng xâm thực, mới thành ra tình trạng như bây giờ.
Tôi và Tuyền béo đều phỏng đoán đây chắc là một ngôi từ đường cổ, bị các biến đổi địa chất vùi chôn xuống bùn, đến cả cây thông bên trên cũng lớn như thế, không biết chuyện này xảy ra từ năm nào tháng nào, nhưng tóm lại nhất định là đã rất lâu rất lâu. Đã đến cổng rồi, có lý nào lại không vào trong xem thử? Vào trong rồi có thứ gì hay ho thì tiện thể mang đi luôn, nếu chẳng có gì thì dán cho nó vài cái biểu ngữ, phá hết mấy trò mê tín dị đoan ấy đi.
Yến Tử nói, chắc chắn là Quỷ nha môn rồi, sau cánh cửa kia mười phần chắc tám là Diêm La điện chốn Âm ty địa ngục, chúng ta thôi cứ ở đâu thì về đó đi, mặc kệ bên trong có gì thì cũng đừng vào. Tôi nghe thế bèn bảo Yến Tử: "Hang ngầm này ngắn thế, lại không có lối ra khác, con Hoàng tiên cô chắc chắn là chui vào bên trong cánh cổng đá rồi. Chúng ta vào trong bắt nó về, không thì đêm hôm qua uổng mất cả công à, mà cũng chẳng đổi được kẹo hoa quả nữa. Chẳng lẽ cô không thích ăn kẹo sao?"
Yến Tử nuốt nước bọt nói: "Sao mà tôi không thích ăn kẹo chứ, thực ra kẹo hoa quả không ngon bằng kẹo sữa thanh niên trí thức mang ở thành phố về..." Tuyền béo nôn nóng muốn bắt Hoàng tiên cô, không đợi tôi làm xong công tác đả thông tư tưởng cho Yến Tử đã lách qua người hai bọn tôi, xông xáo đi thẳng vào cánh cổng đá. Tôi lo bên trong có nguy hiểm gì, sợ Tuyền béo một mình gặp nạn, bèn giục Yến Tử mau vào theo.
Vì chúng tôi di chuyển nhanh, ánh đuốc bỗng trở nên thoắt sáng thoắt tối. Trong ánh sáng nhập nhằng ấy, tôi đã nhìn rõ phía sau cánh cổng không có tường đất, mà là một gian điện bằng đá cũng khá rộng rãi. Trong gian điện có cột đá, bàn đá, tượng đất hai bên nằm đổ nghiêng đổ ngả dưới đất, trong góc giăng đầy những tấm mạng nhện dày đặc, phóng mắt nhìn quanh chỉ toàn thấy cảnh đổ nát tơi bời. Phạm vi chiếu sáng của ngọn đuốc rất có hạn, nhất thời tôi cũng không nhìn rõ được con Hoàng tiên cô đã lẩn đâu mất.
Ba người cùng lúc đi vào, tiếng động khá lớn, không hiểu ai va chạm làm rơi xuống cả đám bụi, khiến cả bọn ho sặc sụa một trận, hồi lâu sau bụi mới lắng xuống, đưa mắt nhìn nhau, thấy đều bị bụi đất bám đầy mặt, bộ dạng trông thật thảm hại.
Tuyền béo lúc nãy chui bên trong cái hang ngầm dài khoảng chục mét vừa chật vừa thấp, phải ngồi xổm tê hết cả chân, lúc này vào đến điện đá ít nhất cũng có thể duỗi tay duỗi chân cho máu lưu thông, vội vàng vung tay đá chân mấy phát. Cu cậu phát hiện cái mũ da chó đội trên đầu cũng bám đầy bụi đất, vừa khéo gần ngay cửa có cái bệ gỗ trông như gốc cây, vậy là bèn cởi mũ đập lên trên đó mấy phát, rồi tiện thể nhấc mông ngồi ịch xuống, nói với chúng tôi: "Có tôi ngồi chắn ở đây rồi, chắc con chồn vàng kia cũng không thể mọc cánh mà bay đi đâu được. Hồ Bát Nhất, cậu lục soát khắp nơi xem nó trốn ở đâu, bắt ra đây để tôi lột da luôn tại chỗ. Ừm, có điều tôi thấy cái nhà to này hình như còn cửa sau nữa, nếu nó chạy cửa sau thì cũng hơi phiền, Yến Tử mau đi canh lối ấy..."
Từ khi vào gian điện đá cổ quái này, tôi thấy thứ gì cũng đều hết sức tò mò, chuyện bắt Hoàng tiên cô đã quên béng mất từ lúc nào chẳng hay, giờ nghe Tuyền béo nhắc mới sực nhớ ra. Tôi đang định tìm nó, lại thấy Yến Tử cuống cuồng kéo Tuyền béo ra khỏi chỗ ngồi, rồi nói với chúng tôi: "Đã bảo các anh rồi mà các anh không tin, đây chính là Quỷ nha môn. Người sống trong núi đều biết, cấm không được ngồi lên mấy gốc cây trong rừng, vì đó là bàn ăn của Hổ thần gia gia, người phàm ngồi lên chỉ có rước họa vào thân thôi. Sao anh dám nói ngồi là đã ngồi luôn thế?"
Tuyền béo gác một chân giẫm lên cái bệ gỗ, cười khẩy nói: "Giờ cả vệ tinh người ta cũng bắn lên trời rồi, bom nguyên tử cũng nổ luôn rồi, người nghèo vùng lên được giải phóng rồi, mặc xác bàn ăn hay bàn thờ của thần gia vương gia mẹ gì, đó đều là những thứ của xã hội cũ hết rồi. Giờ đây quần chúng lao động chúng ta lấy ra làm ghế ngồi đã là coi trọng nó rồi, tôi mà hứng lên thì còn tè luôn lên đấy một bãi nữa ấy chứ."
Tôi đưa tay đẩy Tuyền béo ra, đùa với cậu ta rằng: "Đừng có mà bậy bạ, quần chúng lao động cùng khổ cũng không được đại tiểu tiện lung tung đâu đấy. Với lại, cậu cũng nên đi mà soi gương nhìn lại mình đi, đội ngũ quần chúng lao động cùng khổ từ bao giờ lại xuất hiện cái loại béo trong đầu đầy ninh ních toàn mỡ là mỡ như cậu chứ. Nhìn cái bụng một phát là cậu lộ tẩy ngay, không cần phải hỏi, chắc chắn là phần tử phá hoại trà trộn vào nội bộ quần chúng lao động chúng tôi rồi."
Điều làm tôi thắc mắc nhất đó là không biết gian điện đá dùng để làm gì, đặc biệt là tại sao ở ngay cạnh cửa lại có một cái bệ gỗ trông như gốc cây như thế này, muốn tìm hiểu rõ ngọn ngành điều bí ẩn bên trong, phỏng chừng phải xem kỹ. Vậy là tôi bèn đẩy tên Tuyền béo vướng víu sang một bên, ngồi thụp xuống đưa ngọn đuốc vào soi cho tỏ, vừa nhìn một cái, liền phát hiện bệ gỗ này quả nhiên không phải tầm thường, bên trên còn có một số hoa văn cổ phác và rất nhiều những ký hiệu kỳ dị mà tôi không hiểu nổi. Đặc biệt nhất là ở chính giữa bệ gỗ, có khắc một hình người mặc đồ đàn bà thời xưa, nhưng hình người ấy lại không có đầu người, mà mọc ra một bộ mặt của loài chồn vàng. Gương mặt hoàng bì tử ấy nở một nụ cười tà ác, trông đáng sợ vô ngần, khiến người ta có cảm giác kinh ghét khó thể tả thành lời. Bộ dạng kỳ dị ấy cơ hồ có một năng lượng vô hình thắt chặt lấy quả tim người ta, khiến chúng tôi vừa thoạt nhìn lập tức có cảm giác trong lỗ chân lông khắp người đều tỏa ra một thứ hơi lành lạnh. Tôi thầm biết ngay có chuyện chẳng lành, lần này sợ rằng đã lọt vào trong ổ của bọn hoàng bì tử mất rồi.