-
Phần 4 HOÀN
Gia Hữu ở nhà dưỡng thương hai tháng, may mà vết thương ở chân không bị biến chứng gì. Bởi vì có công cứu người, anh được tặng huân chương lập công hạng nhất. Anh đưa lên miệng cắn thử, thấy cứng ngắc nên bèn dùng quần áo cũ gói kỹ lưỡng lại rồi nhờ người gửi về Bắc Kinh cho Ôn Địch. Ôn Địch gọi điện cho anh: “Người là anh cứu mà, đưa cho em làm gì? Coi như em bảo quản giúp anh thôi nhé”.
Anh không nói lời nào, cầm điện thoại cười cười.
Ngày đó, cước gọi điện thoại rất mắc, thế là Ôn Địch tranh thủ thời gian kể chuyện cho anh nghe: “Gần đây em phải học từ vựng tiếng Anh, đến nỗi buộc phải vừa ăn vừa học, nhồi nhét đến độ đầu muốn nổ tung luôn”.
Tuần sau, David – giáo sư khoa Thiên văn Đại học Cambridge từ vương quốc Anh đến thăm Đại học Bắc Kinh, trường cô đang bắt đầu suy xét tách Khoa Thiên văn ra khỏi Khoa Vật lý để thành lập học viện riêng. Hầu hết nam sinh ở khoa này đều không giỏi Tiếng Anh nên Ôn Địch được chọn làm phiên dịch viên cho giáo sư David.
Giáo sư David rất thích văn hóa Trung Quốc, ông có đôi mắt trong vắt, xanh ngát như biển cả. Ông cười và kể cho Ôn Địch về ngày ông còn là cậu thiếu niên nhiệt huyết đã luôn muốn đến Trung Quốc một lần.
“Tôi đã từng yêu một cô gái Trung Quốc, cô ấy cũng có nét giống như em, đều có một mái tóc đen dài”. Giáo sư đứng trên Vạn Lý Trường Thành, nhìn về xa xăm đầy hoài niệm.
Ôn Địch trầm mặc không nói gì, mỗi người đều có câu chuyện xưa của riêng mình, nhưng đáng tiếc là vạn vật trên đời này phần lớn đều chỉ có một khởi đầu tươi đẹp.
Ôn Địch đưa luận văn cho giáo sư David xem, ông liên tục khen ngợi cô, không tin rằng tất cả số liệu đều là cô tính nháp ra. Vào thời điểm đó, các máy tính chỉ có chức năng cộng trừ nhân chia thông thường với tốc độ khá chậm, có thể nói là còn không nhanh bằng trí óc con người. David và hai đồng nghiệp nước ngoài của ông rất kinh ngạc trước khả năng tính toán của học sinh Trung Quốc. Ở nước Anh, chuyên môn chính của họ là viết những bài đọc giới thiệu trong sách giáo khoa chuyên môn, còn bài phân tích quỹ đạo của các hành tinh này có thể so sánh với khả năng tính toán cực lớn của máy tính.
“Đất nước có những người trẻ tuổi tài giỏi giống như vậy thì chắc chắn sẽ rất phát triển”. Giáo sư chân thành nói.
Ôn Địch cực kỳ tự hào. Cô nói: “Cô ấy chỉ ngủ một giấc và giờ thì cô ấy tỉnh rồi”.
Trước khi rời đi, giáo sư David hỏi Ôn Địch: “Tại sao em lại muốn học Thiên văn”.
Ôn Địch mỉm cười, nhẹ giọng trả lời: “Vì em sinh ra là dành cho nó ạ”.
Ông rất vừa lòng với câu trả lời của cô, mỉm cười nhìn Ôn Địch, hỏi cô một vấn đề cuối cùng: “Em có muốn đến Cambridge không?”.
Vào ngày sinh nhật hai mươi hai tuổi của Ôn Địch, rốt cuộc cô cũng nhận được món quà sinh nhật từ Gia Hữu mà anh nợ cô đã nhiều năm. Cô đã biết được đồ vật mà năm đó Gia Hữu theo anh Phương nhân học điêu khắc, đó chính là một con rồng – con giáp hoàng đạo của cô và anh. Mỗi năm, anh đều chỉnh sửa một tí. Sau nhiều năm, cuối cùng nó cũng trở thành một con rồng sống động như thật, cô đeo trên cổ như một chiếc bùa hộ mệnh.
Cô nói qua điện thoại: “Em không cần bình an gì cả, chỉ muốn đưa tất cả may mắn cả đời này của em cho anh”.
Gần đây, Ôn Địch thường xuyên nằm mơ thấy ngày đó, Gia Hữu bị một cây cổ thụ to lớn đè lên người, dù cô có gọi anh khàn cả giọng thì anh vẫn nằm đó nhắm nghiền hai mắt. Cô bắt đầu hoài niệm về ngày mà cả hai người vẫn còn nhỏ, vô ưu vô lo, ngồi bên bờ sông vui chơi, hát ca cả ngày.
Vào mùa hè năm cuối cấp của Ôn Địch, Gia Hữu được về nhà, cô đến ga xe lửa đón anh như thường lệ, năm nay anh đã cao lên rất nhiều, Ôn Địch phải ngẩng đầu mà nói chuyện với anh.
Ôn Địch ngồi trong phòng của Phương Nhân, mở bức thư mà giáo sư David gửi ra, cô dịch hết đoạn nhắn nhủ tiếng Anh rồi đọc cho Gia Hữu nghe. Giáo sư David nói, ông đã xin học bổng toàn phần cho cô, ông còn nói: “Tháng chín ở Cambridge rất đẹp. Một nhà thơ Trung Quốc đã từng viết ‘Dòng sông ẩn dưới vòm cây du, không phải dòng sông, là dải cầu vồng. Vụn tan trong lớp bèo trôi dạt, giấc mơ như cầu vồng lắng đọng’[1]”.
[1]. Nguyên văn là “Na du âm hạ đích nhất đàm, bất thị thanh tuyền, thị thiên thượng đích hồng. Nhu toái tại phù tảo gian, trầm điến trứ thải hồng tự đích mộng.” trích từ bài “Tái biệt Khang Kiều” của Từ Chí Ma. Bên trên là bản dịch thơ của Ngọc Ánh nằm trong tập Ánh nắng và màu trăng (Tản văn và thơ Trung Quốc) thuộc NXB Văn học, 2014.
Ông nói: “Thầy chờ em ở Cambridge, em nhất định sẽ trở thành học trò mà thầy tự hào nhất”.
Ôn Địch đặt lá thư xuống, nhìn vào mắt Gia Hữu.
Đó là đôi mắt đẹp nhất mà cô từng thấy trong đời, trong suốt và sáng rực như viên pha lê. Gia Hữu nắm lấy tay Ôn Địch, vui vẻ nói: “Vậy thì tốt quá, Ôn Địch, đây chẳng phải là ước mơ của em sao?”.
Đúng vậy, đó là ước mơ của cô bấy lâu nay, ở trường Đại học thuộc top thế giới lại còn có cả giáo sư chuyên môn nhất trong lĩnh vực đó. Ở đấy, cô có thể phát triển hết khả năng của mình.
Mỗi khi nghĩ đến đây, cô đều rất phấn khích: “Gia Hữu, anh biết nước Anh là một nơi như thế nào không?”.
Gia Hữu trầm mặc, đó là một cường quốc, cách Trung Quốc rất xa. Anh ngẩng đầu, kiên định nói: “Ôn Địch, dù xa như thế nào, cơ hội như thế này em nhất định phải đi”.
Mãi đến thời khắc này, Ôn Địch mới nhận ra lời nói năm xưa của anh Phương Nhân: Thứ gọi là trưởng thành, chẳng qua là chỉ là cuộc chia ly này đến cuộc chia ly khác; thứ gọi là ước mơ, chính là cái duy nhất còn sót lại khi bạn đã từ bỏ đến cuối cùng.
Trước lúc rời đi một ngày, Ôn Địch và Gia Hữu cùng ngồi trong sân, ánh mặt trời rọi xuống trên người họ, ấm áp làm sao. Khi còn nhỏ, hai người có trồng một cái cây ở đây, bây giờ nó đã phát triển thành cây cao chót vót, cành lá xum xuê, che nắng che mưa trong sân.
Ôn Địch bỗng nhiên mở miệng nói: “Chờ đến lúc anh xuất ngũ, chúng ta kết hôn nhé”.
“Được”. Gia Hữu nở nụ cười, anh nói tiếp: “Anh cũng không có sở trường gì đặc biệt, hay là chúng ta mở một nhà thuốc, có thể bốc thuốc cho người bệnh cũng coi như làm vì anh Phương Nhân luôn!”.
“Được, anh trông cửa hàng, em ghi sổ sách, qua mấy năm thì chúng ta sẽ sinh em bé. Sinh ra một bé trai giống anh hoặc giống anh Phương Nhân đều rất tốt. Anh nhớ dạy nó học bơi, đừng là một con vịt mắc cạn giống như em”.
“Đúng vậy, cũng không thể kén ăn giống như anh, ngày xưa toàn là em gắp thịt vào bát cho anh”. Gia Hữu tươi cười nói: “Chờ con lớn lên một chút thì chúng ta dẫn nó đi Tứ Xuyên, dắt nó đi ăn bánh pháo Tứ Xuyên. Kể cho con nghe năm đó em đã cứu anh ra sao, rồi anh yêu em đến nhường nào nữa!”.
“Đúng rồi, em cứu anh, trong tiểu thuyết thì phải lấy thân báo đáp ơn cứu mạng đó biết chưa!”.
“Được rồi, sau này anh sẽ giặt quần áo, nấu cơm cho em được không? Nếu em không vui, anh sẽ thổi harmonica cho em nghe, thổi đến khi em vui mới thôi”.
“Còn nữa, chờ đến lúc con trưởng thành thì chúng ta hãy dọn đến nhà anh Phương Nhân đi, anh ấy ở một mình sẽ rất tịch mịch”.
“Được, trở về nhà anh Phương Nhân, phải sửa bậc thang thấp xuống một tí, lúc đó em già rồi, đi lại khó khăn lắm…”.
“Đến lúc chúng ta già rồi thì giống như vậy, nằm trên ghế cùng nhau ngắm hoa lê”.
Hai người ríu rít không ngừng nói, chỉ là không nghiêng đầu nhìn đối phương.
Không biết qua bao lâu, Gia Hữu mới thở dài, nhẹ giọng nói: “Ôn Địch, đừng khóc”.
Làm sao mà cô có thể không khóc. Cả anh và cô đều biết rằng, tương lai đó, tương lai mà cả hai ở bên nhau đến bạc đầu đã không thể xảy ra. Năm sau, năm sau… lại nhiều năm nữa, hoa lê chốn này vẫn nở, vẫn rực rỡ, nhưng người đã chẳng còn nữa rồi.
“Ôn Địch, đừng khóc, chúng ta còn có kiếp sau…”. Anh nhẹ giọng nói: “Kiếp sau, sẽ còn dài mà…”.
08
Trời vừa sáng, trên bến tàu đã trở nên rất náo nhiệt, người phụ trách soát vé cầm sổ ghi nói: “Cô gái, lên thuyền đi, cô không chờ được nữa đâu!”.
Ôn Địch cố chấp lắc đầu nói: “Không, tôi biết anh ấy sẽ đến”.
Rốt cuộc, một bóng người màu xanh lá cây hiện ra ở cuối tầm mắt cô, Gia Hữu thở hổn hển lấy trong túi ra: “Cái này là bánh hoa quế em thích nhất, lúc nghỉ ngơi nhớ ăn một chút đấy”.
Ôn Địch không nói lời nào, mở túi bánh được gói ghém kỹ lưỡng ra, lấy một miếng bỏ vào miệng, hương vị nhàn nhạt ngọt thanh nhưng cô lại cảm thấy chua xót vô cùng. Hai người đứng đối diện, nhưng lại không thể mở miệng nói tạm biệt.
Người phía sau hét to: “Cô gái à, nhanh lên đi, thuyền sắp xuất phát rồi”.
Gia Hữu cười khổ, từ trong lồng ngực lấy ra vật mà cuối cùng anh cũng có thể trao cho Ôn Địch: “Em có nhớ năm đó khi anh bốc một cái mô hình bánh hơi nước, người trong nhà đều nói anh sẽ trở thành kỹ sư không?”. Anh dừng một chút, mở lòng bàn tay ra: “Em xem, Ôn Địch, thật ra hết thảy đều là số mệnh cả, hơn hai mươi năm trước đã định sẵn như thế rồi. Xin lỗi, vì vẫn chưa hề nói gì với em, Ôn Địch, anh yêu em”.
Tiếng còi tua bin hơi nước vang lên, Ôn Địch ngẩng đầu nhìn lên trời cao xanh thẳm, nước mắt không ngăn được lập tức tuôn trào.
Giọng anh vờn bay trong gió: “Ôn Địch, đừng nhìn lại”.
Bọn họ không hề phụ lòng bản thân mình của năm mười lăm tuổi ấy. Ôn Địch giàn giụa nước mắt, nghẹn ngào đến nỗi không kiềm chế được.
Chỉ là, bọn họ đã thất bại trong tình yêu.
Vĩ thanh
Đây là một câu chuyện xưa vào những năm 70 của thế kỷ hai mươi.
Bà ấy là giáo sư giám sát các nghiên cứu sinh ở Cambridge, là người Châu Á duy nhất của học viện, đồng thời cũng là người phụ nữ duy nhất được trao danh hiệu giáo sư danh dự suốt đời, bà là người biên soạn “Vũ trụ và kết cấu các tinh thể” được xếp vào giáo trình học bắt buộc của các nghiên cứu sinh toàn Khoa Thiên văn.
Tôi tốt nghiệp năm bà 61 tuổi, tinh thần bà vẫn phấn chấn, rất hay cười rộ lên, tôi ngẩng đầu hỏi bà ấy, một mái đầu hoa râm: “Nhiều năm như vậy, cô đã sống như thế nào?”.
Tôi thực sự muốn hỏi bà ấy, một mình cô đơn nơi đất khách quê người, đã có bao giờ bà ấy cảm thấy hối hận chưa. Bà đã từ bỏ tất cả những hạnh phúc mà một người phụ nữ có thể có được để phục vụ cho lý tưởng của mình.
Bà ấy đưa tay vuốt ve mô hình vũ trụ trên bàn, không biết đang ngắm nhìn ngôi sao nào, đôi mắt sâu thẳm như thể chính bà đang du hành thời gian, vượt qua biển cả để đến nơi nào đó vậy. Dường như bà đã trông thấy một người con trai đang đứng dưới tán cây của rất nhiều năm về trước. Bà mỉm cười, rũ mắt xuống, nhẹ nhàng đáp: “So với vũ trụ vô tận, sự cô độc của con người thật sự không đáng nói đến”.
Bà ấy đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của mình. Bà luôn thành kính cầu nguyện về nơi mặt trời mọc mỗi ngày, cầu mong người đàn ông mà bà yêu có thể bình an và hạnh phúc.
Ba năm sau, tôi trở về nước nhà, đây không còn là mảnh đất lạc hậu nữa. Hai bên đại lộ rộng thênh thang trồng mấy hàng cây lớn. Người thiếu niên với đôi mắt đen nhánh với quyết tâm trở thành nhà khoa học, đàn chim nhạn đảo qua một đoàn xe lửa, xuyên qua tòa nhà cao tầng có thể nhìn thấy biển rộng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tôi nghĩ, nếu nhìn thấy khung cảnh này, bà ấy nhất định sẽ xúc động mà rơi nước mắt.
Đây là mảnh đất mà bà yêu nhất trong cuộc đời, là nơi mà tình yêu của bà đã ngủ yên mãi mãi.
Anh mất vào mùa xuân năm 1999. Hoa lê trước cửa rơi đầy trên đất, anh chưa từng lấy vợ.
Bản chép tay năm tháng
Truyện này được viết vào năm 2013, khi tôi vừa từ Mỹ trở về Thành Đô. Đi ăn lẩu trước cổng trường Đại học với người bạn cũ, nói về chuyện tương lai với một chút mơ ước hồn nhiên ngây ngô.
Đuổi kịp chuyến xe buýt cuối cùng để về nhà, tôi đeo tai nghe nghe nhạc, ngồi trên hàng ghế phía cuối, tựa người bên cửa sổ. Xe buýt chạy trên con đường phồn hoa, hai bên là những cửa hàng sáng rực, người đến người đi, nhộn nhịp và sầm uất đến nhường nào. Có lẽ là vì cảnh tượng phố phường rực rỡ ánh đèn đã khiến những ngôi sao trên bầu trời đêm trông có vẻ ảm đạm, trong quá trình phát triển xã hội, dù có muốn hay không, đều phải đánh đổi rất nhiều.
Gió ngoài cửa sổ phả vào mặt, trong một thoáng ấy, trong đầu tôi liền bật ra câu truyện “Hoa lê rơi trong gió đêm”.
Lúc này, tôi nhớ lại khoảnh khắc đó, những con người trong truyện, Ôn Địch, Gia Hữu, Phương Nhân… dường như đang đứng ở lối vào của con hẻm đầy sương mù, mỉm cười và vẫy tay với tôi, chẳng biết có phải là đang vẫy chào tạm biệt hay không, nhưng trên con đường dài phía trước, mỗi chúng ta cũng phải có một lối đi riêng.
Thứ gọi là trưởng thành, chẳng qua là chỉ là cuộc chia ly này đến cuộc chia ly khác; thứ gọi là ước mơ, chính là cái duy nhất còn sót lại khi bạn đã từ bỏ đến cuối cùng.
Tôi thật sự rất nhớ về bản thân vào năm hai mươi tuổi, khi đó trong lòng ấp ủ rất nhiều mơ ước, kiên trì chăm chỉ và nỗ lực, dù có va phải tường chắn cũng không hề từ bỏ, nhờ như vậy mới có được tôi có ngày hôm nay.
(TOÀN VĂN HOÀN)